ĐƠN GIẢN VÀ THUẦN KHIẾT
Tổng Hợp Các Bài Giảng của Nữ Thiền Sư Thái Lan
Chương 5
Biết Tâm
Dầu Hắc
Một điều quan trọng nhưng lại khó thấy trong việc tu tập của mình là chúng ta vẫn tiếp tục bám víu vào các lạc thọ, vì các cảm thọ ở nhiều mức độ chỉ là ảo tưởng. Chúng ta không biết rằng chúng biến đổi và không đáng tin cậy. Thay vì mang đến cho ta lạc, chúng chỉ mang đến cho ta phiền não -vậy mà chúng ta vẫn bám vào chúng.
Vấn đề của cảm thọ do đó thật là vi tế. Hãy quán xét cho thấu đáo về sự chấp vào các cảm thọ: khổ, lạc và xả. Hãy quán xét và thấy cho rõ ràng. Và chúng ta phải trải nghiệm với khổ nhiều hơn ta mong đợi. Khi có các khổ thọ nơi thân hay tâm thì tâm sẽ phản ứng ngay vì nó không thích khổ. Nhưng khi khổ biến thành lạc thì tâm lại thích, bằng lòng với điều đó, vì thế tâm tiếp tục chạy theo các cảm thọ, dầu như ta đã biết, cảm thọ luôn biến đổi, phiền não và không thật sự là của ta. Nhưng tâm không thấy được điều đó, nó chỉ thấy các lạc thọ, và nó đòi hỏi được có chúng.
Hãy quán niệm xem cảm thọ làm dấy khởi ái dục trong ta như thế nào. Vì ta muốn có được các lạc thọ, nên ái dục rót bên tai những lời khuyến khích. Nếu ta quan sát kỹ càng, ta sẽ thấy rằng điều này rất quan trọng, vìđây là nơi mà các đạo vàcác quả dẫn đến Niết Bàn, ngay nơi cảm thọ và ái dục. Nếu ta có thể dập tắt được lòng tham muốn các cảm thọ, thì đó là Niết Bàn.
Trong kinh Solasa Pañhã (Kinh Nipàta V), Đức Phật dạy rằng phiền não giống như một cơn lũmạnhvà sâu thẳm, sau đó Ngài tóm tắt phương cách để vượt qua cơn lũ đó, chỉ bằng cách buông bỏ ái dục trong mỗi hành động. Chúng ta có thể tu tập buông bỏ ái dục ngay nơi các thọ, vì cách mà ta thưởng thức hương vị của thọ có nhiều mức độ. Đây cũng là nơi mà nhiều người trong chúng ta bị lầm bởi vì chúng ta không thấy thọ là vô thường. Ta muốn nó luôn tồn tại. Ta muốn các lạc thọ thường hằng. Ngược lại với khổ thọ thì ta không muốn nó kéo dài, nhưng dầu ta muốn xua đuổi nó tới đâu, ta vẫn chấp vào nó.
Ta phải quán chiếu về thọ để có thể buông bỏ ái dục ngay nơi các thọ. Nếu ta không quán ngay nơi đây, những con đường khác mà ta theo sẽ sinh sôi nẩy nở. Vậy hãy tu tập ngay nơi thân tâm. Khi tâm đạt được cảm giác tỉnh lặng hay thọ lạc hoặc xả, hãy cố gắng minh sát để thấy các cảm thọ đó là vô thường như thế nào, không phải là ta hay của ta như thế nào. Khi làm được điều này, ta sẽ không còn thích thú cảm thọ đặc biệt nào đó. Chúng ta có thể dừng ngay tại đó, ngay nơi mà tâm ưa thích vị của thọ và làm dấy khởi ái dục. Đây là lý do tại sao tâm phải ý thức trọn vẹn về bản tâm – ở mọi lúc, mọi nơi - trong trạng thái định tập trung để thấy các thọ không có tự ngã.
Việc ta thích hay không thích các cảm thọ là một căn bệnh khó chẩn đoán, vì nỗi đam mê của ta với các thọ quá mãnh liệt. Ngay cả khi tâm ta trống vắng hay bình lặng, chúng ta vẫn tràn ngập các cảm thọ. Các thọ thô lậu - mạnh mẽ, căng thẳng thường đi theo các uế nhiễm - thì dễ biết. Nhưng khi tâm bình lặng - vững chãi, sáng suốt, thoải mái, vân vân chúng ta vẫn bám theo các thọ. Ta ao ước được có các lạc hay xả thọ. Ta tận hưởng chúng. Ngay cả ở mức độ định vững chắc hay ở tầng thiền định, vẫn có sự chấp vào cảm thọ.
Đây là sức hút nam châm vi tế của ái dục, gắn kết, tô vẽ mọi thứ lại với nhau. Rất khó nhận biết điều này vì ái dục luôn thầm thì bên trong ta, “Tôi không muốn gì hơn là những cảm giác dễ chịu”. Nhận ra được điều này rất quan trọng, vì chính con vi khuẩn ái dục là nguyên nhân đưa chúng ta đi tái sinh không dừng dứt.
Vì thế hãy quán chiếu xem ái dụctô điểm và gắn kết mọi thứ lại với nhau như thế nào, nó khiến tâm tham khởi lên như thế nào – tham muốn được điều này hay điều kia- và những vị gây nghiện của nó khiến ta khó dứt ra như thế nào. Ta phải thấy làm thế nào mà ái dục trói chặt tâm vào các cảm thọ, đến nỗi ta chẳng bao giờ nhàm chán dục lạc hay các lạc thọ ở bất cứ mức độ nào. Nếu ta không thấy rõ rằng tâm bị mắc kẹt ngay trong ái và thọ, thì điều đó sẽ ngăn ta đạt được giải thoát.
Chúng ta gắn bó với cảm thọ như con khỉ bị dính bẫy dầu hắc. Người ta lấy một nhúm dầu hắc và để nơi mà khỉ sẽ để tay vào rồi bị dính. Khi tay này bị dính dầu hắc, khỉ đưa tay kia để gỡ, thì tay kia cũng dính luôn, rồi đến hai chân, rồi đến miệng nó cũng bị dính luôn. Hãy suy gẫm về điều đó. Dầu chúng ta làm gì, cuối cùng ta cũng bị dính ngay nơi cảm thọ và ái dục. Ta không thể tháo gỡ chúng ra, cũng không thể tẩy gột. Nếu ta không ghê tởm ái dục, ta cũng giống như con khỉ bị dính dầu hắc. Vì thế nếu ta quyết tâm đi theo bước chân của các vị giác ngộ, các bậc A-la-hán, ta phải tập trung vào các cảm thọ cho đến lúc ta hoàn toàn thoát khỏi sự bủa vây của chúng. Ngay với các khổ thọ, ta cũng phải huân tập vì nếu ta sợ các khổ thọ, luôn muốn biến nó thành lạc thọ, thì ta càng trở nên vô minh hơn trước nữa.
Đó là lý do tại sao ta phải có can đảm trong việc trải nghiệm với thọ khổ: khổ thân và khổ tâm. Khi khổ thọ dấy khởi ngùn ngụt như một căn nhà đầy lửa, ta có thể buông nó không? Ta phải biết cả hai mặt của thọ. Khi nó cháy nóng , ta làm sao đối phó với nó? Khi nó mát mẻ, dễ chịu, ta có thể nhìn xuyên suốt nó như thế nào? Chúng ta phải nỗ lực tập trung vào cả hai mặt, quán niệm cho đến khi ta biết phải làm thế nào để buông chúng. Nếu không ta chẳng biết gì cả, vì lúc nào ta cũng chỉ muốn cái phần êm ái, dễ chịu, càng êm ái, dễ chịu càng tốt. Và như vậy thì làm sao ta thoát khỏi vòng luân hồi?
Niết bàn là sự đoạn tuyệt ái dục. Nhưng nếu ta cứ bám mãi vào ái dục, thì làm sao ta có thể đi được đến đâu? Ta sẽ ở đây ngay trong thế giới này, ngay trong khổ đau, phiền não, vì ái dục tựa như một loại dầu hắc dính chặt. Nếu không có ái dục, thì không có thứ gì khác: không có phiền não, khổ đau, không tái sinh. Trái lại, thì ái dục là mủ cây, là dầu hắc, là màu nhuộm khó thể tẩy giặt. Ta phải canh chừng nó.
Vì thế, đừng để cảm thọ dẫn dắt ta đi. Phần thiết yếu của sự tu tập nằm nơi đây.