ĐƠN GIẢN VÀ THUẦN KHIẾT
Tổng Hợp Các Bài Giảng của Nữ Thiền Sư Thái Lan
Chương 5
Biết Tâm
Khi Các Pháp Chế Định Bị Sụp Đổ
Để giữ yên tĩnh cho bản thân, ta phải thanh tịnh trên mọi mặt - thanh tịnh trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Chỉ khi đó ta mới có thể quán xét những gì xảy ra bên trong ta. Nếu không được yên tĩnh, ta sẽ tham gia vào các chuyện bên ngoài và hậu quả là ta có quá nhiều việc để nói, để làm. Điều này sẽ làm chánh niệm hay sự tỉnh thức của ta không được vững chãi và liên tục. Chúng ta phải dừng suy nghĩ, nói hay làm những điều không cần thiết để chánh niệm của ta có thể phát triển liên tục.Đừng tự mình tham gia vào quá nhiều chuyện bên ngoài.
Khi rèn luyện tâm chánh niệm liên tục để nó giúp ta quán chiếu bản thân, ta phải biết quán sát. Khi có xúc chạm, tâm ta có liên tục giữ được trạng thái bình thường và không dao động không? Hay là nó chạy theo sự ưa, ghét? Biết quán sát theo cách này giúp ta thấy và biết mình. Nếu chánh niệm vững chắc, tâm sẽ không dao động. Ngược lại tâm sẽ nghiêng ngã theo sự ưa, ghét. Chúng ta phải thận trọng đối với những dao động nhẹ nhất. Đừng nghĩ rằng chúng không quan trọng, vì chúng sẽ trở thành thói quen.
Tập để ý có nghĩa là ta cẩn thận đến từng chi tiết, những chuyện vặt, các thói xấu nhỏ khởi lên trong tâm. Nếu làm được như thế, ta sẽ có thể bảo vệ được tâm – là việc tốt hơn nhiều so với việc để tâm vào những chuyện không đáng ở bên ngoài. Vì thế hãy thực sự cố gắng cẩn thận. Đừng vướng vào các xúc chạm. Đây là điều mà ta phải rèn luyện để quán triệt. Nếu ta tập trung một cách tuyệt đối như thế trong địa hạt của tâm, thì ta có thể quán thọ trong từng chi tiết. Ta sẽ có thể thấy chúng một cách rõ ràng để rồi buông bỏ chúng.
Vì thế hãy chú tâm vào việc tu tập ngay nơi các thọ: khổ, lạc và xả. Hãy quán để biết làm thế nào buông bỏ, xem chúng chỉ là các thọ, mà không ưa thích chúng – vì sự ưa thích các thọ chính là ái dục.Những sự ưa thích điều này hay điều kia sẽ thâm nhập và ảnh hưởng tâm đến độ tâm bị lôi cuốn vào các thọ nơi thân và tâm. Đây là lý do ta cần được yên tĩnh - yên tĩnh theo hướng không để tâm bám theo hương vị của các thọ, theo hướng có thể làm bật gốc rễảnh hưởng của chúng.
Tham dụctựa như con vi khuẩn nằm sâu trong cá tính của ta. Điều ta đang làm đây là không để tâm chạy theo các lạc thọ, và xua đuổi các khổ thọ. Vì ta đã quen chạy theo lạc thọ, nên ta không ưa thích khổ thọ, và muốn xua đuổi chúng đi . Vậy thì đừng để tâm thích vui, ghét khổ. Đừng để nó dao động trước các loại thọ. Hãy thử tập xem. Nếu tâm buông bỏ được các thọ đến độ nó vượt trên các thọ khổ, lạc, xả, có nghĩa là nó không bị kẹt vào thọ. Sau đó hãy quán sát xem tâm có thể giữ được sự không lay động bởi các thọ như thế nào. Đây là điều ta phải cố quán triệt để có thể buông bỏ sự bám víu vào các thọ một lần và mãi mãi, để ta không chấp vào khổ thân hay khổ tâm, coi chúng là ta hay là của ta.
Nếu ta không buông được sự chấp vào các thọ, ở thân hay ở tâm, ta sẽ tiếp tục bám vào chúng. Nếu là cảm thọ dễ chịu nơi thân ta sẽ bị nó lôi cuốn. Về các cảm thọ hoàn toàn dễ chịu nơi tâm là điều ta thực sự muốn, ta sẽ thực sự ưa thích. Rồi ta sẽ bị lôi cuốn vào các tưởng, các nhản hiệu, các tâm hành và cả thức đi kèm theo lạc thọ. Ta sẽ bám vào các thứ này như là ta hay là của ta.
Vì thế hãy phân tích các lạc thọ nơi thân và tâm. Hãy mổ xẻ và quán xét xem phải buông bỏ chúng như thế nào. Đừng si mê ưa thích chúng. Cũng đừng xua đuổi khổ thọ. Dù khổ hay lạc, hãy thấy chúng như chúng thực sự là. Hãy thấy chúng chỉ là cảm thọ không hơn, không kém. Đừng nghĩ rằng ta cảm thấy vui, rằng ta cảm thấy khổ. Làm được như thế, ta sẽ có thể vượt ra khỏi khổ đau, phiền não vì ta vượt trên và vượt ngoài cảm thọ. Rồi khi già, đau, chết xảy đến ta sẽ không bám vào ý nghĩ rằng ta già, ta đau, ta chết. Ta sẽ có khả năng buông chúng khỏi sự nắm víu của mình.
Nếu ta có thể quán tưởng hoàn toàn trong lãnh vực này – rằng ngũ uẩn là vô thường, khổ và vô ngã - ta sẽ không chấp chúng là ta hay là của ta. Nếu ta không phân tích chúng theo cách này, ta sẽ bị dính bẫy cho đến chết. Cho tới xương, da, thịt, vân vân, cũng trở thành là “ta” hay “của ta”. Đó là lý do tại sao ta được dạy phải quán về cái chết – để ta có thể tự ý thức rằng cái chết không có nghĩa là ta chết. Ta phải quán cho đến khi thực sự biết điều đó. Bằng không, ta sẽ bị vướng mắc ngay đó. Ta phải khiến bản thân trở nên rất nhạy cảm để có thể thấy rõ ràng rằng xương, da, thịt của ta không có tự ngã như thế nào. Nhờ thế chúng ta không chấp vào chúng. Nhưng nếu ta vẫn còn bám víu chúng, thì ta không thực sự thấu hiễu tính vô thường, khổ và vô ngã của chúng.
Khi ta thấy xương thú, điều đó không có mấy ý nghĩa. Nhưng khi ta thấy xương người, thì tưởng đặt tên cho chúng: ”Đó là bộ xương người. Đó là đầu lâu người”. Khi thấy nhiều xương người, ta có thể thực sự sợ hãi. Khi ta thấy hình bộ xương hoặc bất cứ điều gì đó thể hiện tính vô thường và vô ngã của thân, ta sẽ bị kẹt vào đó, ở mức độ của xương và bộ xương, trừ khi ta có thể nhìn nó một cách xuyên suốt. Thật ra không có xương gì. Xương thì rỗng không, không có gì ngoại trừ các thành phần cấu tạo. Nếu ta thâm nhập vào trong, ta sẽ thấy chúng chỉ là những thể trược, các thành phần. Ngược lại thì ta sẽ bị dính ở nơi bộ xương. Và vì ta không thấy nó một cách xuyên suốt, nó có thể khiến ta bị xáo trộn. Điều này chứng tỏ ta chưa thông suốt Pháp. Ta bị kẹt vào cái vỏ bên ngoài vì đã không phân tích sự việc trong các yếu tố của chúng.
Ngày và đêm trôi qua, nhưng không phải chỉ có chúng trôi qua. Thân ta cũng không ngừng bị suy yếu, hư hoại. Thân này hư hoại từng chút một với thời gian, nhưng nào ta có hay. Chỉ khi thân đã hư hoại nhiều – khi tóc đã bạc, răng đã long - ta mới ý thức rằng thân đã già. Sự hiểu biết này ở mức độ thô lậu và quá rõ ràng. Nhưng đối với sựbiến hoại tiệm tiến âm thầm diễn ra bên trong thì chúng ta không hề hay biết.
Kết quả là ta chấp rằng thân này là ta từng mỗi phần nhỏ của thân. Mắt này là mắt của ta, hình sắc mà mắt thấy làta thấy, cảm giác phátsinh từ sự thấy là ta cảm giác. Ta không thấy chúng chỉ là các sắc, tứ đại. Trên thực tế, chính sự giao tiếp giữa nhãn căn và sắc trần tạo thành xúc. Tâm sở xúc là thành phần của thức: sự sanh của các tâm tạo thành các sự thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm và ý nghĩ. Chúng ta không nhận biết điều này, vì lý do đó nên ta chấp rằng mắt, tai, mủi, lưởi, thân, ý là ta hay là cái của ta. Và rồi khi thân ta suy tàn, ta cảm thấy ta già; khi thân chết và thức ngừng hoạt động, ta cảm thấylà ta chết.
Khi ta quán các thành phần riêng rẽ thì không có gì cả. Những thứ này tự chúng không còn ý nghĩa gì nữa. Chúng chỉ là các yếu tố của thân và tâm, không có đau hay chết. Nếu ta không thể nhập sâu xa vào sự vật bằng cách này, ta sẽ mãi si mê, u tối. Chẳng hạn, khi ta niệm, “Jara-dhammãmhi- thân phải chết”, điều này chỉ làm cho ta có chánh niệm và chúý trong những giai đoạn đầu tu tập. Tuy nhiên, khi ta đạt đến giai đoạn của tuệ minh sát thì không có gì như thế cả. Tất cả mọi quy ước, mọi pháp chế định đều bị vạch trần. Tất cả đều sụp đổ. Khi thân không có tự ngã thì ta còn gì để bám víu? Các thành phần thân, thành phần tâm cũng rỗng không về bất kỳ tự ngã nào. Ta phải thấy điều này rõ ràng, xuyên suốt. Nếu không thì thân và tâm tập hợp lại, tạo ra một hiện hữu, gồm cả vật chất và tinh thần, rồi ta bám vào và coi như đó chính là ta.
Tuy nhiên khi ta thấy thế gian như các thành phần, thì không có sự chết.Và chỉ khi nào ta thấy không có sự chết, thì khi ấy ta mới thực sự biết. Nếu ta vẫn tin rằng ta chết, thì điều đó chứng tỏ là ta vẫn chưa thấy Pháp. Ta vẫn còn bám vào cái vỏ bên ngoài. Nếu thế thì ta mong được thấy loại Pháp nào? Ta phải thể nhập vào bên trong sâu xa hơn; ta phải quán niệm, mổ xẻ từng thành phần.
Ta sắp chấm dứt hợp đồng thuê căn nhà lửa này, vậy mà ta vẫn tiếp tục chấp vào đó như là cái ngã của ta. Nó lừa dối ta vào các cảm thọ ưa, ghét, nhưng ta vẫn mắc bẫy, vậy thì ta tu tập theo con đường nào? Tâm bám vào những thứ này để tự lừa dối mình ở nhiều, rất nhiều mức độ. Nếu ta không thấy rõ bản chất của các quy ước như “đàn ông” hay “đàn bà” thì ta chấp vào chúng như là tự ngã của mình –và rồi ta tự biến mình thành những thứ ấy. Nếu ta không thể tự giải thoát mình ra khỏicác quy ước, các chế định này, thì sự tu tập của ta chỉ dậm chân tại chổ.
Vì thế ta phải quán chiếu xuyên suốt qua nhiều mức độ. Cũng giống như dùng vải để lọc các thứ. Nếu ta dùng vải thưa, ta sẽ không lọc được gì. Ta phải dùng vải mịn để lọc những vật nhỏ -để đi xuống đến những mức độ sâu hơn vàthể nhập vào chúng, từng mức độ một. Đó là lý do tại sao có nhiều mức độ của chánh niệm, tỉnh giác, đến từng chi tiết.
Và đây là lý do tại sao việc trở nên hoàn toàn ý thức về cá tính bên trong của ta rất quan trọng. Thiền tập thìkhông gì khác hơn là nắm bắt các ảo tưởng về ngã, để xem chúng xâm nhập đến tận sâu thẳm trong ta như thế nào, và ngay ở những mức độ thô thiển nhất chúng cũng lừa mị được ta như thế nào. Nếu ta không nhận ra được những trò bịp bợm, lừa mị của ngã thì sự tu tập của ta sẽ không dẩn tatới sự giải thoát khổ. Mà sự tu tập đó chỉ khiến ta mãi ảo tưởng khi nghĩ rằng tất cả mọi thứ là ta hay của ta.
Tu theo giáo pháp của Đức Phật là đi ngược dòng. Tận trong sâu thẳm, tất cả mọi chúng sinh đều thích sự dễ chịu nơi thân và ở những mức độ cao hơn, vi tế hơn của thọ như là các loại định mang đến các cảm giác bình an, thư thái, khiến ta thích thú. Do vậy ta cần quán sát các cảm thọ để ta có thể buông bỏ và từ đó đoạn trừ ái dục, bằng cách hoàn toàn ý thức về thọ như nó thực sự là – không có ngã - theo đúng bản chất tự nhiên của nó: không vướng mắc, không bận bịu. Đây là cách để tiêu trừ vi khuẩn ái dục để sau cùng nó mất tăm không còn dấu vết.