Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4: Pháp Dược: Dành Cho Thiền Giả Đang Lâm Bệnh

19/04/201114:05(Xem: 6473)
Chương 4: Pháp Dược: Dành Cho Thiền Giả Đang Lâm Bệnh

Upasika Kee Nanayon (K.Khao-suan-luang)
ĐƠN GIẢN VÀ THUẦN KHIẾT
Tổng Hợp Các Bài Giảng của Nữ Thiền Sư Thái Lan

Chương 4

Pháp Dược: Dành Cho Thiền GiảĐang Lâm Bệnh

Phần I.

Thông thường, tất cả chúng ta đều phải chịu cảnh bệnh hoạn, nhưng với loại bệnh không cản trở chúng ta tiếp tục làm việc thì không được coi là bệnh. Nó được coi là trạng thái bình thường của con người trên thế gian này. Tuy nhiên, thực ra khi cơ thể ở trong trạng thái bình thường, bản chất nó vẫn là có bệnh – chỉ là đa số chúng ta không nhận ra sự thật là thân và tâm ta đang hoại diệt, không dừng dứt, trong từng phút giây.

Khi còn đủ sức khỏe để làm việc nọ, việc kia, ta thường bị các mối quan tâm, vọng tưởng dẫn dắt: Rồi khiến ta sinh tự mãn. Nhưng ta không thể so sánh với những người bệnh nằm trên giường. Người bệnh nằm liệt giường thật ra là may mắn, vì họ có cơ hội để không phải làm gì cả ngoài việc quán chiếu về những cơn đau và phiền não. Tâm họ không nghĩ gì khác, không đi nơi nào cả. Lúc nào họ cũng có thể quán tưởng về cái đau và cũng có thể buông bỏ cái đau bất cứ lúc nào.

Chúng ta không nhận thấy sự khác biệt sao? “Sự rỗng không” của tâm khi chúng ta tham dự vào các hoạt động là cái rỗng không “giả tạo”. Cái rỗng không nhái. Nó không thực. Nhưng quán chiếu về vô thường, khổ và vô ngã khi chúng xuất hiện ngay bên trong ta, khi ta đang nằm bệnh thì việc làm đó rất ích lợi. Chỉ cần đừng nghĩ rằng ta đangđau. Chỉ cần coi đó là những hiện tượng tâm sinh lý tự nhiên đang đến, rồi qua đi. Chúng không phải là ta. Chúng cũng không phải của ta. Chúng ta thực sự không có quyền hạn gì đối với chúng.

Hãy quán sát kỹ đi! Chúng ta có quyền hạn đích thực gì đối với chúng? Bệnh hoạn không trừ một aitrên thế gian này. Vì vậy dầu ta đang mang bệnh gì trong thân cũng không quan trọng. Cái quan trọng là căn bệnh nơi tâm. Thông thường chúng ta không quan tâm đến vấn đề là ta có rất nhiều tâm bệnh. Thí dụ, căn bệnh của nhiễm ô, tham ái và chấp thủ. Ta chỉ quan tâm đến thân bệnh, lo sợ những điều hiểm nghèo có thể xảy đến cho thân. Nhưng dầu ta có cố gắng ngăn ngừa những điều này với bao nỗi lo sợ, đến khi thân đổ bệnh thì dầu ta có chữa trị cho thân bằng thuốc gì, thì cũng chỉ có thể tạm thời trì hoãn căn bệnh mà thôi. Những người quá lớn tuổi dầu không bị bệnh hiểm nghèo cũng phải ra đi. Cuối cùng thì ai cũng phải rời bỏ thân này.

Khi chúng ta không ngừng quán chiếu theo cách đó, ta sẽ nhận ra chân lý của vô thường, khổ và vô ngã trong ta. Dần dần ta sẽ trở nên nhàm chán đối với tất cả mọi thứ.

Khi ta cố gắng tu tập buông bỏ, thì ai đang ở đó? Có phải ta là người đang đau, hay đơn giản đó chỉ là một hiện tượng của Pháp (Dhamma)? Chúng ta phải chiêm nghiệm điều này một cách cẩn thận để thấy rằng không phải là tađang đau. Căn bệnh không phải là của ta. Đó là bệnh của thân, bệnh của sắc pháp. Cuối cùng, các hiện tượng tâm sinh lý đều phải biến đổi, khổ trong sự biến đổi đó, vô ngã trong sự biến đổi và trong khổ. Nhưng ta cần phải chú tâm , quán sát và chiêm nghiệm chúng để chúng trở nên rõ ràng. Hãy làm cho sự hiểu biết này thật sáng tỏ, và ngay đó ta được giải thoát khỏi những khổ đau, phiền não. Ngay đó ta tận diệt mọi khổ đau, phiền não. Riêng với các uẩn, chúng sẽ tiếp tục sinh, trụ, hoại, diệt theo tiến trình tự nhiên của chúng. Khi các nhân duyên đã hết, chúng cũng sẽ chui vào hòm.

Một số người, khi đang còn mạnh khỏe và tự mãn, bỗng phải chết một cách bất ngờ, không biết chuyện gì đã xảy ra cho họ. Tâm họ hoàn toàn mù mờ đối với những gì đang xảy ra. Điều này còn tệ hơn là một người bị bệnh liệt giường nằm quán chiếu về cái đau như một cách để phát triển tâm yểm ly. Vì thế chúng ta không cần phải sợ đau. Nếu nó đến, hãy để nó có mặt nhưng chớ để cho tâm bị đau theo. Hãy quán sát – ngay đó - xem tâm có thoát ra khỏi được “cái tôi” và “cái của tôi” không?

Hãy tiếp tục quan sát. Hãy quán sát cho đến khi tất cả mọi thứ trở nên thật rõ ràng, và thế là đủ. Chúng ta không cần khám phá bất cứ điều gì ở bất cứ nơi đâu nữa. Khi bệnh của ta được chữa lành, hoặc cơn đau giảm đi, thì điều này bình thường thôi. Ngược lại, nếu bệnh đau không thuyên giảm, thì điều đó cũng bình thường. Nhưng nếu tâm ta không chất chứa “cái tôi” hay “cái của tôi”, thì nơi đó không có khổ đau. Còn cái đau ở thân, đừng quan tâm đến nó.

Hãy xem như ta may mắn. Nằm ở đây, chống chọi với căn bệnh, ta có cơ hội thực tập thiền tuệ trong từng phút giây. Dầu ở bệnh viện hay tại gia, điều đó không quan trọng. Đừng để nó trở thành vấn đề cho tâm. Hãy để tâm được trống rỗng, không vướng mắc chuyện phán đoán, suy tư. Còn chúng ta có mặt ở đâu không quan trọng.

Đó là vì các uẩn không ở cùng nơi với ta. Không có ai bên trong chúng. Chúng không chứa “cái tôi” hay “cái của tôi” nào. Khi tâm ở trong trạng thái đó, nó không cần bất cứ điều gì. Nó không cần ở đây, tới kia, hoặc bất cứ nơi nào cả. Đây là sự chấm dứt hoàn toàn của khổ đau, phiền não.

Khi tâm không còn chìm đắm trong hương vị của dục lạc hoặc khổ đau, nó được tự do đúng theo bản chất của nó. Nhưng chúng ta phải quán sát tâm thật kỹ lưỡng khi nó trống rỗng, khi nó không tạo tác bất cứ ham muốn gì, không mong mỏi sự dễ chịu hay xua đuổi cái đau.

Khi tâm trống không như bản chất tự nhiên của nó, thì nó không có cảm giác của bản thể; không có tên gọi. Dầu các vọng tưởng có phát khởi, tâm xem chúng như không thật, không có thực thể. Chỉ đơn thuần là một cảm giác, rồi nó sẽ qua đi. Một cảm giác sẽ qua đi, chỉ có thế.

Do đó, chúng ta phải quán sát hiện tượng sinh diệt. Chúng ta phải liên tục quan sát các hiện tượng trong hiện tại – rồi tâm sẽ rỗng không, bằng cách không suy tư, hay đặt tên cho hiện tượng sinh diệt này. Còn việc sinh diệt, đó là đặc tính của các uẩn theo đúng bản chất tự nhiên của chúng – tâm trống rỗng không tham dự, không bám víu vào đó. Đây là điều chúng ta có thể áp dụng được.

Chúng ta không ngăn ngừa được khổ hay lạc, không kiềm chế được tâm khi nó phán đoán sự việc tạo tác vọng tưởng, nhưng ta có thể sử dụng chúng cho mục đích khác. Nếu tâm đặt tên cảm giác đau rằng, “Tôi đau”, thì chúng ta phải xem xét phán đoán đó một cách cẩn thận, quán chiếu nó cho đến khi ta thấy rằng nó sai. Nếu sự phán đoán đó đúng, thì nó phải nói rằng cái đau này không phải là tôi, nó rỗng không. Hoặc giả nếu có ý nghĩa rằng “Tôi đang trong cơn đau”, thì tư duy này cũng sai lệch. Chúng ta phải thay đổi cái nhìn đối với các suy tư của mình để thấy rằng sự suy nghĩ của ta là vô thường, khổ và vô ngã, và không thuộc về ta.

Vì vậy, bất cứ điều gì phát khởi, hãy quán sát , rồi buông ngay đó. Quan trọng là đừng bám vào đó, thì tâm sẽ duy trì được trạng thái rỗng không theo như bản chất tự nhiên của nó. Có thể tâm đang không vướng bận, mà thay vào đó thân đang đau hoặc đang phải chịu một trạng thái bất thường gì đó –bất cứ điều gì đang xảy ra, chúng ta cũng phải quay nhìn vào bên trong, nhìn thấu suốt tâm cảm của mình. Một khi ta cảm nhận được trạng thái tâm rỗng không, thì khi có sự xáo trộn nào, có bất cứ cảm giác khó chịu nào, ta cần ý thức rằng cái trí khiến những điều này phát khởi là cái biết hoàn toàn sai lạc. Chánh kiến sẽ ngay lập tức có mặt để dập tắt tà kiến.

Để giữ vững nền tảng của sự hiểu biết này, trước tiên chúng ta phải rèn luyện cách kiềm chế tâm, đồng thời chú tâm và quán niệm về các hiện tượng của khổ đau, phiền não. Hãy tinh tấn tu tập như thế cho đến khi tâm có thể đứng vững trong sự rỗng không thuần khiết. Nếu chúng ta có thể làm được điều này rốt ráo, thì sự hoại diệt cuối cùng của khổ đau sẽ xảy ra ngay tại đây, ngay nơi tâm rỗng không.

Nhưng chúng ta phải tiếp tục tu tập không ngừng nghỉ. Bất cứ khi nào cái đau phát khởi, dầu nó mãnh liệt hay không, đừng phán đoán hay gán cho nó bất cứ ý nghĩa gì. Ngay cả khi lạc thọ khởi lên, cũng đừng cho nó là của ta. Hãy để cho nó qua đi, thì tâm sẽ được buông thư thoát khỏi tất cả mọi bám víu hay chấp vào “cái ngã” trong từng giây phút. Chúng ta phải dồn tất cả chánh niệm và năng lực vào sự thực tập này.

Ta phải coi như mình may mắn được nằm bệnh ở đây, để quán sát về cái đau, vì ta có cơ hội để phát triển đến con đường hoàn toàn tỉnh thức, đạt được tri kiến và buông xả tất cả. Không ai có cơ hội tốt hơn những gì ta hiện đang có. Ai cũng chạy đôn chạy đáo, lo công việc của họ: dầu họ có nói là tâm họ buông xả, họ cũng không thể sánh được với một người nằm bệnh trên giường, có cơ hội để phát triển tri kiến với từng hơi thở vào ra. Điều đó chứng tỏ ta đã không uổng phí kiếp người của mình, vì chúng ta đang thực hành những lời dạy của Đức Phật cho đến độ ta có thể đạt được sự hiểu biết rõ ràng về bản chất chân thực của sự vật.

Bản chất chân thực của sự vật, về ngoại diện, ám chỉ đến các hiện tượng ngay trong hiện tại, tiến trình chuyển hóa của ngũ uẩn. Chúng ta luôn có thể giải mã chúng cho đến khi ta trở nên nhàm chán, không còn thiết tha với chúng, rồi buông bỏ chúng. Khi tâm ở trong trạng thái này, bước kế tiếp là chiêm nghiệm nó một cách khéo léo để thấy nó trống không như thế nào, xuyên suốt đến sự tột cùng của trống không – loại trống rỗng đi sâu vào bản chất chân thật, nằm sâu kín bên trong nơi không còn sự tạo tác các vọng tưởng, không còn sự sinh diệt, biến đổi nào.

Khi chúng ta thấy đúng bản chất thật của sự vật ở bên ngoài và đối với ta điều đó hoàn toàn rõ ràng, thì tâm sẽ buông bỏ, buông bỏ hết. Khi ấy chúng ta sẽ tự động thấy rõ bản chất của những gì nằm sâu bên trong – vắng bặt vòng sinh tử, không có gì được tạo tác cả - sự tuyệt đối rỗng không nhất của cái rỗng không, không còn đặt tên, không tư duy, không bám víu hay chấp thủ. Ta phải nhìn thấy rõ ràng những điều này trong tâm.

Sự trống không bình thường của tâm cũng ích lợi trong chừng mực nào đó, nhưng đó không phải là tất cả. Sự trống không đích thực (true emptiness) sẽ duy trì cái trống không đó cho đến khi nó đạt đến bản chất thật của sự vật ở bên trong – một điều rất đáng truy tầm, rất đáng biết.

Đây là điều chúng ta phải tự biết. Không có ngôn từ nào có thể diễn tả được nó, nhưng chúng ta có thể nói về nó qua sự hướng dẫn, vì có thể cuối cùng là chúng ta buông bỏ tất cả, trong cái được gọi là biến mất không để lại dấu vết.

Nếu chúng ta tiếp tục phát triển trí tuệ mỗi ngày, mỗi giây phút như thế đó, thì điểm rã tan không còn dấu vết của tâm sẽ tự động xảy ra. Tâm sẽ tự biết điều đó. Vì vậy đừng để tâm tự chuốc phiền não với những lo lắng về khổ hay lạc. Hãy tập trung quán chiếu tâm thật sâu xa, không ngừng nghỉ.

Bạn có thấy điều này rất khác với khi còn mạnh khỏe ta chạy lòng vòng, làm việc này, việc kia? Vì thế sẽ không tai hại gì khi ta phải nằm bệnh. Có tai hại chăng chính là dochúng ta si mêbày trò phán đoán, đặt tên, gán ghép ý nghĩa cho sự việc. Kẻ phàm phu thường suy nghĩ về bản chất phù du của cuộc sống khi liên tưởng đến người khác, khi có ai đó ngã bệnh hay qua đời; nhưng họ hiếm khi suy nghĩ về bản chất phù du của cuộc sống ngay nơi cuộc đời họ. Hoặc có nghĩ đến thì cũng chỉ trong chốc lát, rồi quên ngay, rồi họ lại hoàn toàn chìm đắm trong những mối quan tâm khác. Họ không mang những sự thật này vào nội tâm, để quán chiếu về sự vô thường xảy ra bên trong họ trong từng sát na. Họ vẫn làm việc này, việc kia, suy nghĩ điều này, điều nọ, phát biểu nọ, kia, vì thế họ mất hết phương hướng.

Khi hành thiền minh sát, không phải là chúng ta có thể bỏ ra một hay hai tháng đến một trung tâm thiền nào đó để thực hành. Đó không phải là sự hành thiền thực sự. Không thể so sánh với những gì chúng ta đang làm ngay hiện tại, vì ở đây chúng ta có thể hành thiền suốt ngày mỗi ngày, mỗi đêm, trừ khi ngủ. Nhất là khi cái đau thật mãnh liệt, nó giúp cho việc hành thiền của chúng ta, vì nó mang đến cho ta cơ hội để nhận biết một lần và mãi mãi vô thường là như thế nào, phiền não, khổ đau là như thế nào, sự bất lực, không thể kiềm chế mọi thứ ra làm sao.

Chúng ta phải khám phá ra ngay tại đây, ngay trước mặt ta, vì vậy đừng cố gắng trốn tránh cái đau. Hãy hành thiền minh sát để ta có thể thấy được bản chất thực sự của khổ đau, thấy được bản chất đó là Pháp (Dhamma), rồi buông bỏ nó. Tu tập được như thế, thì không thể nào ta sai lệch. Đây là cách để ta giải thoát khỏi đau khổ.

Và đây là điều mà chúng ta phải thực hiện trước khi ra đi, chứ không phải đợi đến lúc chết hoặc sắp chết mới làm. Đây là việc mà chúng ta phải tiếp tục thực hành, tiếp tục “minh sát”. Khi bệnh thuyên giảm, ta “minh sát” nó. Khi bệnh trở nặng, ta “minh sát” nó. Nếu chúng ta tiếp tục phát triển trí tuệ giống như thế, tâm sẽ khắc phục được vô minh, vọng tưởng. Có nghĩa là, những thứ như tham ái và nhiễm ô sẽ không còn dám khiêu chiến với tâm như chúng vẫn thường làm.

Chúng ta phải cố gắng hết sức – với tất cả chánh niệm, tất cả năng lực -vì giờ chúng ta có cơ hội để hành Pháp. Hãy để kiếp sống này là kiếp sống cuối cùng. Đừng để điều gì có thể tái sinh. Nếu chúng ta tái sinh, mọi thứ sẽ trở lại giống như hiện giờ. Cũng những thứ cũ cứ tiếp tục trở lại, trở lại mãi. Một khi có sinh, tất phải có già, bệnh, rồi chết, tương ứng với các nhiễm ô, chúng ta sẽ trải nghiệm những quả tốt, xấu sản sinh theo đó. Đó là luân hồi khổ đau. Vì thế, tốt nhất là thoát khỏi tái sinh. Đừng tham đắm vào bất cứ điều gì nữa. Đừng để lòng ham muốn của chúng ta trỗi dậy nữa, vì tất cả các ham muốn này lại rơi vào vô thường, khổ và vô ngã.

Ham muốn chỉ là một dạng của nhiễm ô, tham ái. Ta phải hủy diệt chúng ngay tại gốc: ái dục, lòng ham muốn được hiện hữu, hay không hiện hữu – chúng chính là mầm mống tái sinh trong tâm ta. Vì vậy hãy chú tâm và quán chiếu ngay nơi đó, để thấy rằng dầu tham ái do sự xúc chạm giác quan có thể làm phát khởi sự tái sinh, chúng ta vẫn có thể thiết lập cái biết của mình ngay nơi tâm, ngay nơi thức và hãy để chỉ còn cái biết rằng mình đã buông bỏ ngay cả cái biết. Đây là điều mà ta phải tu tập cho đến khi thuần thục.

Thiết lập cái biết ngay nơi tâm, rồi buông bỏ cái biết ấy, là điều rất ích lợi. Sẽ không có vướng mắc, không có sự bám víu vào cái biết hay quan điểm cá nhân. Cái biết có đúng, ta cũng buông. Cái biết có sai, ta cũng buông. Đó được coi là biết buông bỏ cái biết, không để bị dính mắc. Loại hiểu biết này giữ cho tâm không bị dính mắc vào bất cứ điều gì phát sinh. Ngay khi ta biết một điều gì đó, ta buông. Cứ như thế thì tâm sẽ luôn trống rỗng –trống rỗng các tâm hành, trống rỗng các vọng tưởng có thể ảnh hưởng đến tâm. Tâm có thể nhanh chóng nhận diện chúng, rồi buông bỏ chúng, biết rồi buông, mà không nắm giữ bất cứ gì. Tâm chỉ còn lại sự rỗng không.

Ta đã nhìn thấy được kết quả của công phu tu tập này, từng bước một, từ việc quán chiếu các pháp, rồi buông bỏ chúng, buông bỏ ngay cả ý nghĩ rằng ta đang đau, ta sắp rời bỏ cõi đời. Cái đau, cái chết là việc của các uẩn, đơn thuần thế thôi. Khi cái biết này chắc chắn và rõ ràng rằng đây không phải là việc “của tôi”, không có “cái tôi” nào ở đó chỉ có tâm trống không: tâm trống rỗng, không có bất cứ sự phán đoán, đặt tên nào cho chính nó. Đây là bản chất của tâm không có những mầm mống thường khiến nó nghĩ thế này, thế khác. Giờ chúng đã chết. Những mầm móng, những con vi trùng đó đã bị tiêu diệt do chúng ta đã quán chiếu về chúng. Chúng ta đã buông bỏ chúng. Chúng ta đã thiết lập cái biết của mình ngay nơi tâm, rồi buông bất cứ cái biết nào phát sinh, cho đến khi tâm trở nên rỗng không. Rõ ràng. Nơi nó và chính nó.

Thức, khi chúng ta biết nó từ bên trong, sinh và diệt theo tiến trình tự nhiên của nó. Nó không có thực thể –đây là điều chúng ta nhận biết khi ta quán sát đặc tính cơ bản của thức (viññana-dhatu), đơn giản và thuần khiết. Khi nó không tham dự vào các hiện tượng danh và sắc, mà chỉ ý thức về bản thân –ý thức một cách đơn giản và thuần khiết. Đó gọi là tâm đơn thuần, hay sở hữu tâm đơn thuần, và tự buông bỏ. Khi chúng ta biết và buông bỏ cái biết, có nghĩa là ta biết cái thức (giúp ta) cảm nhận sự vật, rồi sau đó thức tự buông bỏ.

Đối với thức uẩn (viññana-khandha), đó là cái thức rắc rối. Mầm mống tạo ra các vấn đề nằm ngay ở loại thức này. Nó chỉ muốn chấp vào ngã. Dầu nó có thể buông cái đau nơi thân, hoặc những hiện tượng tâm sinh lý nói chung, nó vẫn chấp ngã. Vì vậy khi được khuyên nên biết buông bỏ cái biết, có nghĩa là buông bỏ loạithức này, đến chỗ nó chẳng còn tự đặt tên. Đó là khi nó trở nên trống không. Nếu chúng ta hiểu được điều này, hoặc có thể giải quyết những vướng mắc trong tâm trí ta từ góc độ này, thì không còn gì là vấn đề nữa. Đau đớn, khổ ải, phiền não – tất cả những mối bận tâm của chúng ta – sẽ trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Không có tốt, xấu hay bất cứ thứ gì cả. Tính cách đối đãi sẽ không còn hiệu lực nữa. Nếu chúng ta biết bằng cách đó biết buông bỏ cái biết, thứcđơn giản và thuần khiết thì ta tránh được mọi sự tạo tác của tâm.

Các tính cách đối đãi tạo nên tốt, xấu: thật sự thì chúng chẳng là gì. Chúng phát khởi, chỉ có thế; rồi chúng diệt, cũng chỉ có thế. Như vậy, giờ chúng ta đã biết các vấn đề của tính đối đãi khiến tâm hay thức chao đảo, rơi vào những vòng xoáy bất tận. Khi chúng ta ý thức được cái biết buông bỏ cái biết ấy, ngay chính nơi tâm, thì tính đối đãi sẽ không còn có ý nghĩa gì nữa. Không còn sự bám víu vào các phán đoán tốt xấu, ưa ghét, đúng sai, hay bất cứ thứ gì. Chúng ta chỉ cần tiếp tục buông bỏ.

Dù cái trí biết buông bỏ cái biết tự nó không có tên gọi, như “tôi biết”, hay “tôi thấy”. Nhưng đây là điều khá sâu sắc, ta phải cố gắng để nhìn cho rõ và cho đúng. Ta phải tiếp tục quán sát một cách khôn ngoan. Sự tinh tế trong cái nhìn của ta rất quan trọng, vì chỉ có nó mới đưa ta đến Giác Ngộ. Sự hiểu biết của ta cần phải thấu đáo, tinh khôn Phải chắc chắn như thế.Nếu không cái biết của ta về bản chất thật của vạn pháp – ở bên trong lẫn bên ngoài - sẽ không thật sự rõ ràng. Nó sẽ mắc kẹt ở những mức độ sơ đẳng của tính rỗng không, sẽ phán đoán, đặt tên mọi thứ và chất chứa chúng bằng cách bám chặt vào đó. Loại trống rỗng đó không thể nào so sánh với cái trống không này – cái biết buông bỏ cái biết ngay nơi tâm thức đơn giản và thuần khiết. Hãy duy trì cái biết này liên tục. Nếu có lỡ quên trong một giây phút nào đó, hãy quay trở lại với nó ngay. Chúng ta sẽ thấy rằng khi ta không bám víu vào các phán đoán tốt xấu, các vọng tưởng thì chúng sẽ tự dừng lại. Chúng sẽ hoại diệt. Vì thế khi Đức Phật khuyên chúng ta nên nhìn thế giới này như trống không, thì đó là cách ta nên nhìn.

Cái rỗng không này là do tâm không gán ghép ý nghĩa, không vẽ vời, không chấp vào các pháp. Tâm như thế sẽ trống không. Một khi đã nhận thức đúng về loại tâm trống không này, chúng ta sẽ không còn bị bất cứ điều gì dẫn dắt. Nhưng nếu ta không thật sự chú tâm vào điều này, thì sẽ chỉ có những thoáng chốc trống không, rồi ta lại thấy mình bị xao lãng bởi cái này, cái kia, phá hỏng sự trống không. Loại trống rỗng đó là thứ trống không trong rối loạn. Ta vẫn bị rối trí vì ta chưa quán chiếu đến các mức độ sâu xa hơn. Chúng ta chỉ chơi đùa với trống không. Các mức độ sâu sắc của rỗng không đòi hỏi ta phải chú tâm vào, tiếp tục quán sát cho đến khi ta thông suốt về bản chất thật của các pháp trong hiện tượng sinh diệt diễn ra ngay trước mắt ta. Loại tâm này không tham dự, không chấp vào các ý nghĩa hay sự phán đoán.

Nếu chúng ta nhìn tính trống rỗng này chính xác, thì sẽ không còn vấn đề gì nữa, không còn việc đặt tên cho bao hiện tượng danh sắc. Đến lúc tính chất trống rỗng này tan rã, cũng không có gì phải nhốn nháo, không có gì phải bực dọc, vì đó là tiến trình tự nhiên của nó. Chỉ khi nào ta chấp vào đó, ta mới đau khổ.

Pháp (Dhamma) ở ngay nơi thân và tâm này, chỉ là chúng ta không nhìn thấy mà thôi – hoặc ta thấy nó một cách sai lạc, rồi chấp vào đó, để tự làm khổ mình. Nếu ta nhìn các pháp với con mắt của chánh niệm tỉnh giác, thì làm gì ta phải khổ đau? Làm sao ta phải lo sợ về cái đau, cái chết? Dầu có lo sợ, ta làm được gì? Các hiện tượng tâm sinh lý phải tuân theo quy trình của chúng – vô thường, phiền não theo cách của chúng, , ta không có cách gì kiềm chế được. Vậy tại sao chúng ta phải chạy theo, bám vào chúng và cho rằng khổ ưu, phiền não của chúng là của ta? Nếu ta hiểu rằng chính cái chấp mới làm cho ta luôn đau khổ trong mỗi hơi thở ra vào, vậy thì ta chỉ có một cách duy nhất là buông nó, rồi ta sẽ thấy sự giải thoát khỏi khổ đau đang diễn ra trước mắt ta như thế nào.

Vì thế hãy tiếp tục quán sát để biết, ngay nơi tâm. Nhưng cũng đừng đặt tên nó là “tâm” hoặc bất cứ thứ gì. Hãy để các pháp tự chúng là, đơn giản và thuần khiết. Vậy là đủ. Chúng ta không cần gán thêm ý nghĩa hay đặt tên cho bất cứ thứ gì. Đó là sự đoạn diệt của tất cả mọi khổ đau. Cuối cùng khi tất cả mọi thứ đều rã tan ở ngay nơi sở hữu tâm cơ bản không còn mầm mống để bất cứ thứ gì có thể phát sinh. Đó là nơi tất cả các pháp đều chấm dứt, không còn tái sinh, hay tử nữa.

Tu tập là việc mà chúng ta phải tự mình làm. Nếu chúng ta nhận biết các pháp một cách rõ ràng, chính xác với chánh niệm tỉnh giác, đấy là chúng ta đã có trong tay một dụng cụ sắc bén. Nếu tâm được rèn luyện để trở nên bén nhạy, với chánh niệm tỉnh giác là dụng cụ để tự chiêm nghiệm, thì Tham, Sân, Si sẽ bị nhổ sạch, loại trừ tận gốc. Ta có thể quán sát để thấy, từ công phu tu tập đã thực hiện. Có phải là tham, sân, si đã phần nào bị loại trừ? Tâm không cần phải lo lắng, không cần phải tham dự vào bất cứ việc gì. Hãy buông bỏ mọi thứ bên ngoài, rồi tiếp tụcbuông bỏ cho đến khi chính tâm cũng tự buông. Khi thực hiện được điều này, làm sao chúng ta có thể khôngthấy được giá trị to tác của Pháp?

Vì thế hãy nhận rõ tâm trống vắng tham ái, trống vắng mọi cảm giác về ngã. Lúc đó ta sẽ thấy không có gì ngoài Pháp. Hãy ý thức rõ ràng rằng không có gì ngoài Pháp. Nguyện rằng điều này sẽ xảy đến cho chúng ta, trong từng phút giây.

Phần II

Nghe Pháp khi tâm đã đạt đến một mức độ trống không cơ bản là điều rất hữu ích. Nó giống như thuốc tăng lực, vì khi đang bệnh, tất nhiên là chúng ta sẽ bị đau đớn quấy rầy; nhưng nếu ta không để tâm đến nó, thì đó chỉ là vấn đề của thân, không liên quan gì đến tâm. Khi lắng nghe Pháp, hãy lưu ý đến điều này: Tâm phải buông cái đau để lắng nghe giáo lý, hãy để cái đau lo việc của nó. Rồi tâm sẽ trống không.

Một khi tâm thực sự nhận ra chân lý rằng tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, thì tâm sẽ phải buông bỏ chấp. Vấn đề ở đây là chúng ta chưa thật sự nhận thấy điều này, hoặc chưa chiêm nghiệm đầy đủ về điều này. Trái lại khi ta làm được điều này, thì tâm luôn trở nên sáng rạng. Sự hiểu biết rõ ràng khiến tâm lập tức sáng rỡ. Vì vậy hãy tiếp tục quan sát các pháp một cách cẩn thận. Dầu không thấy gì nhiều, chúng ta cũng nên chánh niệm về tâm khi nó duy trì sự cân bằng ở mức độ cơ bản của xả ly và trống không. Như thế nó sẽ không thể nào tạo tác cái đau của thân thành bất cứ vấn đề to tát nào, và chúng ta không cần phải bám víu vào đó.

Vì vậy hãy nhận biết cơn đau ở ngay mức độ nơi nó chỉ là một cảm giác của thân. Đó có thể là cái đau của thân, nhưng đừng để tâm bị đau theo. Nếu ta đểtâm cùng bị đau theo, thì tâm, sẽ chất chồng mọi thứ, lớp này trên lớp kia. Vì thế bước đầu tiên là bảo vệ tâm, buông bỏ các pháp, rồi quay vào bên trong để tìm phần sâu thẳm, tận cùng nhất của tâm thức và trụ ngay nơi đó. Chúng ta không cần phải quan tâm đến cái đau bên ngoài.Nếu ta chỉ cố gắng để chịu đựng cơn đau, nó có thể quá sức chịu đựng của ta. Vì vậy hãy tìm khía cạnh sâu thẳm của tâm, rồi ta sẽ có thể buông bỏ hết mọi thứ sang một bên.

Nếu có thể quan sát cái đau, hãy cố gắng làm điều đó. Tâm sẽ ở trạng thái trung tính bình thường, tịch lặng với sự rỗng không nội tại của nó, quán sát cái đau khi nó biến đổi, rồi qua đi. Nhưng nếu cơn đau quá dữ dội, thì hãy quay vào bên trong; vì nếu chúng ta không thể chịu đựng nổi, thì ái dục sẽ bắt đầu xuất hiện, khiến ta muốn xua đuổi cái đau để tìm sự dễ chịu. Điều này sẽ tiếp tục chồng chất lên nhau, làm đảo lộn cả tâm.

Vì vậy hãy bắt đầu bằng cách giải quyết vấn đề trước mắt. Nếu cái đau bất ngờ và dữ dội, lập tức hãy quay vào quán niệm nơi tâm. Chúng ta không muốn quan tâm đến thân, quan tâm đến cái đau nơi thân. Đừng nhìn chúng. Đừng quan tâm tới chúng. Hãy trụ vào phần sâu thẳm nhất của tâm thức. Đạt tới điểm nơi chúng ta có thể nhận thấy trạng thái thuần khiết của tâm, không dính líu đến cái đau của thân, và giữ nó luôn trong sáng.

Một khi điều này luôn rõ ràng, thì dầu thân có đau thế nào, thì đó chỉ là các hiện tượng tâm sinh lý. Tuy nhiên, tâm không can dự vào. Nó gạt các hiện tượng này sang một bên. Nó buông bỏ.

Khi chúng ta đã trở nên thuần thục trong cách thực hành này, thì đây là một khả năng rất hữu dụng, vì những việc quan trọng trong đời không nằm ở bên ngoài. Nó hoàn toàn nằm ngay trong tâm. Khi hiểu đúng được điều này, ta không còn lăng xăng chạy đuổi theo thứ này, thứ kia. Chúng ta không còn bám víu vào bất cứ thứ gì nữa –vì nếu còn bám víu, chúng ta chỉ tạo ra đau khổ vô ích cho chính bản thân. Sự an bình của tâm tùy thuộc vào việc nó không bám víu vào bất cứ vật gì, nó chẳng ham muốn bất cứ thứ gì. Đó là nơi sự an bình của ta có mặt – nơi mà tất cả đau khổ, ưu phiền tan hoại ngay nơi tâm.

Tuy nhiên, nếu chúng ta không thực sự hiểu những điều này, tâm sẽ không biết buông xả. Nó sẽ tiếp tục bám víu, vì nó còn thấy những thứ bên ngoài hấp dẫn. Những gì liên quan đến khổ đau, phiền não: Nó đều thích cả.

Chúng ta phải tập trung chiêm nghiệm, và quán sát. Chúng ta phải thấy các vọng tưởng trong tâm, các tà kiến, quan niệm sai lầm che phủ tâm, khiến ta không thấy được tính chất nội tại của tâm là rỗng không, và tĩnh lặng. Chú tâm chiêm nghiệm các quan điểm đưa đến những sự chấp chặt, che lấp tâm cho đến khi nó không còn lối thoát. Hãy xem các danh pháp – thọ, tưởng và hành – ảnh hưởng tâm, ảnh hưởng sở hữu tâm như thế nào cho đến khi nó trở nên khốn cùng.

Đây là lý do tại sao việc truy tìm loại hiểu biết (mà có thể) buông cái biết- (mà có thể) biết sở hữu tâm đơn thuần khi các tâm hành chưa xuất hiện để điều kiện hóa nó, hay khi nó chưa duyên theo các tâm hành. Ngay đó là nơi mọi thứ trở nên rất thú vị – nhất là tâm hành duyên thức. Chúng bắt nguồn từ vô minh, đúng không? Do ta không biết, hay biết một cách sai lệch mà chúng có thể duyên khởi mọi thứ.

Vì thế, chúng ta phải chú tâm đến sự vô minh này, cái không-biết này. Nếu ta có thể biết các đặc tính của cái không-biết, thì chính tri kiến này sẽ biết cả hai, vừa là đặc tính của các hành đi theo các duyên, vừa là phương cách để hủy diệt chúng. Điều này đòi hỏi sự quán chiếu chuẩn xác, vì đó là cái rất tinh tế, rất thâm sâu.

Nhưng dầu vô minh có tinh tế đến thế nào, nếu ta đã phát triển tâm chánh niệm tỉnh giác đến mức độ này có nghĩa là ta đã quan tâm đến nó. Nếu không, chúng ta sẽ không thể nào chấm dứt hoặc thoát khỏi khổ ưu.

Nếu muốn, chúng ta có thể theo phương cách này: Chuyên chú vào khía cạnh tâm luôn rỗng không. Nếu có bất cứ vọng tưởng nào khởi lên, hãy ý thức đến các đặc tính của cảm thọ thô khi mắt thấy sắc, hoặc tai nghe âm thanh, vân vân. Đó là cảm thọ thô, rồi nó sẽ qua đi trước khi tâm khởi bất cứ niệm “tốt” hay “xấu” nào. Nếu chỉ là cảm thọ thô, rồi hoại diệt, thì không có khổ đau.

Hãy quan sát giây phút khi mắt tiếp xúc với sắc. Nếu như ta không quan tâm, thì sẽ không có cảm giác ưa hay ghét khởi lên. Nhưng nếu ta quan tâm hay cho rằng có ý nghĩa gì đó trong sắc, thanh, hương, vị, hay xúc đó, thì lập tức sẽ có sự bám víu.

Nếu chúng ta dừng lại để nhìn theo hướng này, ta sẽ thấy rằng sự bám víu là một cái gì đó rất vi tế, vì nó có mặt ngay trong một hành động rất giản đơn của ý niệm. Nếu quán sát một cách hời hợt, chúng ta sẽ không thấy đó là sự bám víu –dầu đó chính là nó, một cách rất vi tế. Một khi có ý niệm, thì liền có sự bám víu. Điều này đòi hỏi chúng ta phải là một quán sát viên nhanh nhạy - vì đối với các tiếp xúc của mắt và tai mà chúng ta xem là bình thường, có rất nhiều trò quỷ quái xuất hiện cùng lúc, điều đó có nghĩa là ta có thể không ý thức được các đặc tính của tâm thức để cảm nhận được từng cảm thọ đơn lẻ. Chúng ta phải quan sát kỹ lưỡng nếu muốn nhận biết những điều này. Nếu chúng ta không tỉnh thức ở mức độ này, mọi thứ sẽ bị dính chặt trong bám víu. Những dính mắc này sẽ gửi thông điệp của chúng đến tâm, làm duyên khởi và tạo tác đủ mọi vấn đề khiến tâm thức ta hoàn toàn bấn loạn.

Vì vậy, nếu muốn nhìn vào nội tâm một cách thuần khiết, chúng ta phải rất, rất chánh niệm, vì các tâm pháp rất vi tế, nhạy cảm và khó nắm bắt. Khi tâm dường như trống không, bình thường: Đó chính là lúc chúng ta cần phải cẩn thận quán sát, kiềm chế nó, để nhận thấy rõ ràng cảm giác của việc thọ nhận xúc chạm. Có sự xúc chạm đơn thuần, sau đó nó hoại diệt và tâm rỗng không. Trống không và trung tính. Một khi biết được điều này, chúng ta sẽ biết tâm giống như thế nào khi nó không bị duyên theo sức mạnh của nhiễm ô, tham ái và mê đắm. Chúng ta có thể sử dụng tâm rỗng không này làm mẫu mực để so sánh và nó sẽ giúp chúng ta rất nhiều.

Cuối cùng, chúng ta sẽ thấy sự rỗng không trong tất cả các xúc chạm giác quan, như đức Phật đã dạy chúng ta nên thấy thế gian là rỗng không. Có nghĩa là chúng ta phải quan sát các cảm giác thô sinh diệt, biết tâm sẽ như thế nào khi nó chẳng làm gì cả, trừ việc tiếp nhận sự xúc chạm. Nếu chúng ta thấy được điều này, thì bước kế tiếp trên con đường tu tập sẽ không khó khăn chút nào – vì chúng ta đã thiết lập được sự quân bình, trung tính ngay từ lúc đầu. Việc tiếp nhận các xúc chạm không rối rắm nữa: Tâm không còn bám víu, không còn cảm giác ưa, ghét nữa. Nó chỉ tịnh lặng và luôn nhận biết rõ ràng bên trong nó trong từng phút giây.

Dầu chúng ta chỉ làm được có thế, ta cũng sẽ thấy rằng mình được lợi ích khi không để sự việc bị rối rắm, không để cho chúng bị bóp méo dưới uy lực của tham, sân và si. Dầu chỉ có bấy nhiêu cũng đủ dẹp bỏ bao vấn đề.

Và rồi khi chúng ta nhìn sâu hơn vào bản chất của tất cả mọi hiện tượng xuyên qua sự xúc chạm, ta sẽ thấy rằng chỉ có các cảm thọ thô tháo chứ không có gì đáng cho ta bám víu vào. Nếu nhìn với cặp mắt của chánh niệm tỉnh giác, chắc chắn là chúng ta phải nhìn thấy sự rỗng không – dầu thế gian này đầy rẫy các thứ. Mắt ta nhìn thấy bao hình dạng, tai nghe bao thanh âm, ta biết, nhưng tâm ta không còn gán cho chúng một ý nghĩa nào nữa. Đồng thời, các pháp tự nó và trong nó cũng không có ý nghĩa gì cả.

Chỉ có một thứ quan trọng đó là tâm. Tất cả mọi vấn đề bắt nguồn từ việc ta phóng tâm ra ngoài, gán ghép ý nghĩa cho mọi thứ, khiến khởi lên tâm bám víu, tạo ra căng thẳng, khổ đau cho tâm. Vì vậy chúng ta phải quán sát cho đến khi thông suốt.

Nhìn ra bên ngoài cho đến khi chúng ta thấu suốt bên ngoài, nhìn vào trong cho đến khi ta thấu suốt bên trong, thấu suốt cho đến khi ta thẩm thấu vô thường, khổ và vô ngã. Nhìn thấy các pháp như chúng là, đúng theo bản chất của chúng, mà không gán ghép bất cứ ý nghĩa hay sự mê đắm nào. Như vậy sẽ không có vấn đề gì. Tâm sẽ trở nên rỗng không – trong sạch và sáng rỡ - mà chẳng cần chúng ta phải làm gì cả.

Việc tâm nhiễm vi trùng vô minh, hay vi trùng tham ái khiến nó dễ dàng chạy đuổi theo sự việc, có nghĩa là chúng ta không thể lơ đễnh. Ngay từ đầu, ta phải giám sát mọi việc một cách cẩn thận để nhận thấy sự tham đắm phát khởi ngay khi có sự xúc chạm – thí dụ, khi có cảm giác đau đớn. Nếu chúng ta không gán ghép cho nó là nỗi đau của mình, thì tham ái sẽ không hoành hành nhiều. Ngược lại thì chúng ta sẽ có ý muốn đẩy lui nỗi đau đi hoặc muốn thay vào đó là sự thoải mái, dễ chịu. Những điều này luôn xảy ra, dầu chúng ta chưa bao giờ thực sự có được điều mình muốn từ lòng tham ái. Sự thoải mái, dễ chịu mà chúng ta có được từ tham ái không trường tồn. Nó lừa gạt chúng ta, rồi biến đổi ra một cái gì khác. Cái đau cũng lừa gạt chúng ta, rồi biến dạng. Nhưng những thay đổi này cứ tiếp tục chồng chất và trở nên rối rắm trong tâm ta và đó chính là điều khiến tâm luôn vô minh: Tâm bị quá nhiều thứ làm duyên khởi khiến nó lúng túng, hoang mang, ám độn và nung nấu. Đủ mọi thứ đều bị nung nấu trong đó. Đó là lý do tại sao phương thức biết để buông bỏ cái biết, là một công cụ quan trọng dường bao. Dầu có việc gì xảy ra, thì cái biết (mà có thể) buông bỏ cái biết cũng đủ giúp ta vượt qua. Nó giải quyết tất cả mọi vấn đề. Nếu ta để nó vuột thoát tầm tay, chỉ cần quay lại với cái biết ấy. Hãy tự kiểm xem nó đã giúp ta được đến đâu, nó có thể giữ cho tâm được quân bình, rỗng không trong bao lâu.

Chúng ta dần dà có thể nhận thấy điều này. Trong những giây phút khi tâm không tham dự nhiều vào sự việc, khi nó ở mức độ bình thường cơ bản – rỗng không, tịch lặng – hãy cẩn thận quan sát và phân tách nó. Đừng để tâm rơi vào trạng thái xao lãng, thờ ơ, nếu không nó sẽ mất quân bình. Nếu chúng ta ở trong trạng thái xao lãng, thì ngay khi có bất cứ sự tiếp xúc nào ở các cánh cửa của giác quan (căn môn), tức thì sẽ có sự bám víu hay tham đắm xuất hiện ngay khi các cảm thọ khởi lên. Chúng ta phải chú tâm quan sát các biến đổi, phản ứng của tâm trong từng giây phút. Một khi chánh niệm của ta vắng mặt, hãy quay trở về ngay với cái biết ban đầu của ta. Tất cả chúng ta đều có những giây phút thất niệm - tất cả mọi người - do dòng chảy của vô minh, dòng chảy quan trọng nhất, vẫn còn trong tâm thức.

Đó là lý do tại sao chúng ta phải tiếp tục thực hành chánh niệm, quán chiếu, chú tâm, để cho chúng ngày càng được sáng tỏ. Hãy để cho tâm của chúng ta chín muồi trong chánh niệm tỉnh giác một cách liên tục.

Một khi chánh niệm tỉnh giác đã đủ sức mạnh để giúp chúng ta nhận biết các pháp một cách khéo léo, chúng ta có thể hủy diệt các nhiễm ô ngay giây phút chúng xuất hiện. Ngay khi chúng ta bắt đầu có cảm giác ưa, ghét, thì ta có thể giải quyết chúng trước khi chúng biến thành vấn đề gì. Điều này làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Trái lại, nếu ta lơ là, tâm sẽ duyên theo chúng, để trở nên bức bối, ám độn, tán loạn đến mức mà nó biểu hiện ra lời nói, hành động của ta, lúc đó thì chúng ta đang bị nhiễu loạn, rơi vào địa ngục ngay trong kiếp sống này.

Việc hành Pháp (Dhamma) đòi hỏi chúng ta phải khôn ngoan, cẩn trọng ngay nơi tâm. Nhiễm ô luôn sẵn sàng tâng bốc, tìm mọi cách để làm vừa lòng ta. Nếu chúng ta không khéo gìn giữ chánh niệm, nếu chúng ta không biết cách kiềm chế tâm chặt chẽ, chúng ta không thể sánh với nhiễm ô – vì nhiễm ô thì hằng hà. Nhưng nếu chúng ta khéo kiểm soát tâm, các nhiễm ô sẽ khiếp phục ta, sợ sự chánh niệm tỉnh giác của ta, sợ sự tỉnh thức của ta.

Nhận biết tâm khi nó ở trạng thái rỗng không, hoàn toàn tỉnh thức, không bám víu vào bất cứ điều gì: Các nhiễm ô sẽ tìm chỗ ẩn núp – lặng lẽ - như thể chúng chưa từng có mặt. Nhưng khi ta vừa buông lơi chánh niệm, dù chỉ một giây, chúng sẽ lại trỗi dậy. Nếu chúng ta nhận biết chúng ngay giây phút chúng xuất hiện, chúng sẽ lập tức rã tan. Có được khả năng này thật hữu ích. Nhưng nếu chúng ta để nhiễm ô hoành hành đến mức chúng trở thành vấn đề, thì chúng sẽ khó qua đi. Đó là lúc chúng ta phải kiên trì chiến đấu, không được bỏ cuộc.

Bất cứ việc gì xảy ra, hãy bắt đầu bằng cách bám theo đó – không chỉ là chịu đựng, mà còn quán sát nó, xem nó ra sao, nó biến đổi, hoại diệt như thế nào. Chúng ta bám vào sự việc để có thể nhận diện đầy đủ các mánh khóe của chúng: cách chúng sinh khởi, trụ lại và rồi qua đi. Nếu chúng rã tan trong khi ta đang quán sát chúng, nhận thấy rõ ràng sự ngụy tạo của chúng, thì có thể xem như là chúng ta đã thành công. Điều này khiến tâm được ở trong trạng thái hoàn toàn giải thoát, độc lập, rỗng không.

Nếu chúng ta có thể rèn luyện để nhìn thấu suốt sự vật ngay giây phút chúng xuất hiện và tiếp tục có được những giây phút chợt ngộ ngắn ngủi thì sự tỉnh giác của ta sẽ càng sáng tỏ hơn, mạnh mẽ hơn và phát triển hơn lên.

Vì thế hãy cố gắng đạt được chúng – những cái biết tức thời nho nhỏ này – và dần dà, khi các pháp hòa hợp với nhau, sẽ xuất hiện giây phút mà nhiễm ô và các tâm tán loạn đều bị cắt đứt một lần và mãi mãi. Khi điều đó xảy ra, thì đó là: niết bàn. Không còn phải sinh tử. Nhưng nếu chưa đạt đến đó, thì chúng ta cứ tiếp tục mài dũa các con dao chánh niệm tỉnh giác của mình. Nếu bị cùn lụt, thì chúng không thể cắt đứt bất cứ thứ gì, nhưng dầu chúng cùn lụt hay sắc bén, hãy cứ tiếp tục cắt từng chút một bất cứ nhiễm ô nào mà ta có thể cắt.

Xin hãy tiếp tục quán sát và tìm hiểu tâm dưới mọi góc độ cho đến khi chúng ta đạt đến điểm mà tất cả mọi thứ đều hoàn toàn rõ ràng và chúng ta có thể buông bỏ mọi thứ, với sự nhận thức rằng không có gì nơi ngũ uẩn, hay trong các danh sắc là ‘tôi’ hay ‘của tôi’. Hãy cố gắng buông bỏ, chỉ như vậy là đủ. Mỗi giây phút mà chúng ta được chăm sóc ở bệnh viện, làm tất cả những gì có thể cho căn bịnh của mình, nhưng nên nhớ rằng vẫn còn sự tỉnh thức tách biệt, chỉ riêng dành cho tâm – cái biết buông bỏ cái biết . Ngay đó mọi vấn đề của chúng ta đều chấm dứt.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]