Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Tiếp Tục Hành Thiền

19/04/201114:05(Xem: 5985)
4. Tiếp Tục Hành Thiền

Upasika Kee Nanayon (K.Khao-suan-luang)
ĐƠN GIẢN VÀ THUẦN KHIẾT
Tổng Hợp Các Bài Giảng của Nữ Thiền Sư Thái Lan

Chương 1

QUÁN SÁT NỘI TÂM

Tiếp Tục Hành Thiền

Đoạn kinh để quán về tứ vật dụng (y phục, thức ăn, chỗ ở, và thuốc men) là một đề mục thiền quán hữu ích, nhưng chúng ta chưa bao giờ thực sự mang nó ra áp dụng. Chúng ta học thuộc lòng kinh này, không phải để giết thời gian hoặc để thỉnh thoảng chúng ta có thể nói về nó, mà là để ta quán tưởng về các vật dụng này, thật sự hiểu chúng với tâm chánh niệm tỉnh giác. Nếu ta thật sự ngồi xuống để quán chiếu dựa theo đoạn kinh này, tâm chúng ta sẽ ít bị các tư tưởng bất thiện khuynh đảo. Nhưng rất hiếm người chịu đem điều này ra thực hành liên tục. Đa phần là do chúng ta không quan tâm. Chúng ta không thích quán tưởng về những điều như thế. Nhưng lại thích nghĩ xem món này ăn ngon hay không. Nếu không ngon, thì làm sao sửa lại cho ngon. Đó là những thứ ta thích nghĩ đến.

Hãy cố gắng quán về sự ô nhiễm trong thực phẩm và về vật chất nói chung, để thấy rằng chúng thật sự không có một thực thể hay bản ngã nào. Thân vật chất này không có thực thể nào, tất cả sẽ thối rữa, tan rã. Thân này giống như một nhà vệ sinh trên hầm chứa phân. Chúng ta có thể trang hoàng cho nhà vệ sinh thật đẹp, thật thơm tho, nhưng bên trong đầy ẫy những thứ dơ bẩn, đáng kinh tởm nhất. Bất cứ khi nào chúng ta thải ra thứ gì, chúng ta cũng tự thấy gớm ghiếc; nhưng ta có gớm ghiếc, nó cũng ở bên trong ta, trong ruột ta –phân hủy, đầy dẫy giun sán và hôi thối. Chỉ có một lớp da mỏng che đậy nó, vậy mà ta cũng lụy vì nó, bám chặt vào nó. Chúng ta không nhìn thấy sự phân hủy không dừng của thân này, dầu nó thải ra bao chất bẩn, bao mùi hôi thối.

Lý do chúng ta được khuyên phải học thuộc lòng đoạn kinh về các vật dụng, và dùng nó để quán tưởng là để ta có thể nhận thức được sự vô thường của thân. Để ta thấy rằng không có “ngã” trong bất cứ danh pháp hay sắc pháp nào.

Chúng ta quán tưởng về các danh pháp để nhận thấy rõ ràng rằng nó không có cái “ngã”, để thấy được điều này trong từng phút giây. Các sát-na tâm – sanh, trụ, diệt của các cảm thọ nơi tâm – rất tinh tế và biến chuyển rất nhanh. Để nhận ra chúng, tâm phải thật yên tịnh. Nếu tâm bận rộn với nghĩ suy, với các vọng tưởng thì chúng ta sẽ không thể thấu rõ được chúng. Chúng ta sẽ không thấy các đặc tính của tâm khi nó tiếp xúc với các đối tượng, hoặc không nhận biết cái gì đang sinh, đang diệt trong tâm như thế nào.

Đây là lý do tại sao chúng ta phải hành thiền: để tâm lắng đọng, để thiết lập nền tảng cho thiền định. Thí dụ, chúng ta có thể chú tâm vào hơi thở, hoặc ý thức đến cái tâm đang chú tâm vào hơi thở. Thật ra, khi ta chú tâm vào hơi thở, ta cũng đang ý thức đến tâm. Và như vậy, tâm là cái đang biết đến hơi thở. Vì thế tâm chỉ nên trụ trên hơi thở. Đừng nghĩ về bất cứ điều gì khác, rồi thì tâm sẽ lắng đọng và yên tịnh. Một khi tâm đạt được mức độ yên tĩnh này, đó là thời điểm ta thực sự hành thiền.

Lắng đọng tâm để chúng ta có thể thiền quán là việc mà ta phải thực hành liên tục ở giai đoạn khởi đầu. Tương tự, ta cũng phải rèn luyện để luôn chánh niệm, tỉnh thức trong mọi hoạt động của mình. Chúng ta phải thực sự luyện tập điều này không ngừng nghỉ, lúc nào cũng thế. Đồng thời, chúng ta phải sắp xếp những điều kiện sống để không bị bất cứ mối quan tâm nào làm ta xao lãng.

Hiện tại, dĩ nhiên là ta có thể thực tập bất cứ lúc nào –thí dụ, khi đi làm về, ta có thể ngồi xuống hành thiền một lúc– nhưng khi chúng ta nghiêm chỉnh thực hành liên tục, để biến nó trở thành một thói quen thì khó hơn nhiều. “Biến thành thói quen” nghĩa là chúng ta hoàn toàn chánh niệm, tỉnh thức với từng hơi thở ra vào, bất cứ chúng ta đang ở đâu, làm gì, dầu mạnh khỏe hay bệnh hoạn, bất chấp việc gì đang xảy ra bên trong hay bên ngoài. Tâm phải ở trong trạng thái tỉnh thức hoàn toàn trong khi vẫn theo dõi sự sinh, diệt không ngừng nghỉ của các danh pháp- cho đến khi ta có thể ngăn không cho tâm tạo tác vọng tưởng theo sự điều khiển của tham và uế nhiễm giống như nó vẫn làm trước khi chúng ta bắt đầu tu tập.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com