Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2: Pháp môn thiền quán hơi thở

19/04/201114:05(Xem: 6438)
Chương 2: Pháp môn thiền quán hơi thở

Upasika Kee Nanayon (K.Khao-suan-luang)
ĐƠN GIẢN VÀ THUẦN KHIẾT
Tổng Hợp Các Bài Giảng của Nữ Thiền Sư Thái Lan

Chương 2

PHÁP MÔN THIỀN QUÁN HƠI THỞ

Nhiều người e ngại khi phải nói về các tật xấu của mình nhưng không ngần ngại gì khi nói về những thói xấu của người khác. Những người có thiện chí nói về các căn bệnh của mình – các uế nhiễm của chính họ - một cách thẳng thắn thì không nhiều và không thường xuyên. Kết quả là các thói hư tật xấu được giữ kín, không được đả động đến, vì thế chúng ta không nhận thức là chúng tai hại và có thể phát tán rộng rãi đến thế nào. Tất cả chúng ta đều bị khốn khổ vì nó, tuy nhiên không có ai hé môi nói điều đó. Không ai có hứng thú để chẩn bệnh cho những thói xấu của mình.

Chúng ta phải tìm một phương cách khéo léo nếu ta hy vọng dứt được căn bệnh này, và ta phải thành khẩn, nhìn nhận các căn bệnh của mình từ thứ thô thiển nhất đến cái vi tế nhất, mổ xẻ chúng đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Chỉ có như thế thì sự tu tập của chúng ta mới có kết quả. Nếu chúng ta chỉ tự quán sát mình một cách hời hợt, ta có thể nghĩ rằng mình đang rất bình thường, rất tốt đẹp, và rằng mình đã biết tất cả những gì cần biết. Để rồi khi các uế nhiễm bộc phát mãnh liệt như sân hận hay si mê, thì chúng ta tảng lờ như không có gì sai – chính vì thế mà các thói xấu trở thành một căn bệnh kín, khó khám phá, khó chẩn đoán.

Chúng ta cần phải mạnh mẽ trong việc chống lại với uế nhiễm, tham ái và mọi loại vọng tưởng. Ta phải thử sức cùng chúng và chế ngự chúng bằng sức mạnh của mình. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ cưỡi trên lưng chúng. Bằng không, chúng sẽ cưỡi lên lưng chúng ta, khiến ta phải tuân theo lệnh của chúng; lôi ta đi, khiến ta muốn thứ này, thứ kia, làm chúng ta mệt nhoài bằng đủ thứ cách.

Vậy ta có còn muốn làm thân trâu ngựa không? Có để uế nhiễm, tham ái cưỡi trên lưng ta không? Chúng có sỏ mũi được ta không? Khi chúng ta đã bị hành hạ quá đủ, ta phải dừng lại – dừng và quán sát các uế nhiễm để xem chúng đã tượng hình như thế nào, chúng muốn gì, ăn gì, thích thú những gì. Hãy xem uế nhiễm là môn thể thao ta phải luyên tập, và bỏ đói chúng, giống như người ta bỏ tính nghiện ngập. Hãy xem làm thế có trị được các uế nhiễm không? Chúng có đói khát rỏ dãi ra không? Sau đó đừng cho chúng ăn. Dầu có thế nào cũng đừng cho chúng ăn lại những thứ chúng thích. Vì còn có bao nhiêu thứ khác để ăn. Chúng ta phải cứng rắn với chúng - cứng rắn với cái ngã của mình - giống như thế này. “Đói phải không? Cứ chịu đói đi! Sắp chết phải không? Tốt! Cứ chết đi!”. Nếu chúng ta có được thái độ đó, chúng ta sẽ có thể thắng được tất cả mọi thói quen, mọi bám víu, mọi uế nhiễm – vì chúng ta không bám víu vào tham ái, chúng ta không nuôi dưỡng các loại ái dục đã khiến chúng ta sống chỉ để tận hưởng mọi thú vui vật chất. Đã đến lúc chúng ta phải dừng lại, dừng việc nuôi dưỡng các uế nhiễm. Nếu chúng trở nên kiệt quệ, và chết, hãy để chúng chết. Suy cho cùng, tại sao chúng ta cứ phải khéo nuôi cho chúng mập.

Dầu là gì, chúng ta cần phải kiềm chế ái dục và uế nhiễm của mình cho đến khi chúng suy yếu và tàn rụi. Đừng để chúng trỗi dậy. Hãy đè bẹp chúng. Đây là phương pháp tu tập ngắn gọn mà chúng ta phải theo. Nếu chúng ta có đủ sức chịu đựng để kiên trì tranh đấu cho đến khi chúng bị thiêu cháy đi, thì không có chiến thắng nào có thể so sánh với chiến thắng của chúng ta đối với tham ái và uế nhiễm trong nội tâm của mình.

Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy chúng ta phải kiềm chế uế nhiễm trong mọi hoạt động của mình - ngồi, đứng, đi, và nằm. Nếu chúng ta không làm thế, chúng sẽ thiêu đốt chúng ta trong tất cả mọi sinh hoạt.

Nếu chúng ta suy nghĩ về những điều này thấu đáo, chúng ta sẽ thấy giáo lý của Đức Phật rất chính xác trong việc chỉ bày cho chúng ta cách làm thế nào để quán sát các uế nhiễm và trừ diệt chúng. Tất cả các bước đều ở đây, vì thế chúng ta không cần phải đi bất cứ nơi nào khác mới tu tập được. Giáo lý của Đức Phật đã vạch cho chúng ta con đường đi. Chúng ta phải làm thế nào để quán sát và chữa lành căn bệnh này sẽ là một điều bí mật, nếu như chúng ta học giáo lý của Đức Phật mà không dựa vào đó để diệt bỏ uế nhiễm của mình. Những người không thích nói về các thói xấu của mình, cuối cùng trở nên hoàn toàn vô minh. Họ sẽ trở nên già nua và chết đi mà không biết chút gì về các uế nhiễm của mình.

Khi tu tập, chúng ta bắt đầu hiểu các uế nhiễm thiêu đốt tâm ta như thế nào, đó là khi chúng ta dần dần hiểu chính bản thân mình. Hiểu được khổ, các uế nhiễm và phương cách làm thế nào để hủy diệt uế nhiễm mở ra không gian cho ta thở.

Khi chúng ta biết dập tắt ngọn lửa uế nhiễm, biết làm thế nào để hủy diệt chúng, có nghĩa là ta đã có được các dụng cụ cần thiết. Chúng ta có thể trở nên tự tin hơn –không còn nghi hoặc, không còn đi lạc vào những con đường tu tập khác. Chúng ta biết rằng thực hành theo pháp này, luôn quán chiếu về vô thường, khổ và vô ngã, thực sự sẽ giúp ta diệt bỏ được các uế nhiễm của mình.

Đối với giới, định và tuệ cũng thế. Chúng cũng là dụng cụ của chúng ta – và chúng ta cần cả bộ dụng cụ đó. Nhờ có chánh kiến, ta phát sinh tuệ; và nhờ sự tự kiềm chế, có kỷ luật, ta giữ được giới. Giới rất quan trọng. Giới và tuệ giống như tay trái và tay phải của ta. Nếu một trong hai bàn tay bị dơ, thì bàn tay còn lại không thể tự kỳ cọ, lau rửa. Chúng ta cần cả hai bàn tay để rửa sạch chất bẩn. Do đó ở đâu có giới, ở đó có tuệ. Ở đâu có tuệ, ở đó có giới. Tuệ giúp chúng ta hiểu biết, còn giới giúp ta buông xả, biết đủ, hủy diệt sự bám víu, nghiện ngập của mình. Giới không chỉ giới hạn trong năm hay tám giới mà chúng ta đã biết. Nó còn bao trùm cả những điều chi li nhất. Khi tuệ nhận ra điều gì đó là nhân của khổ đau, chúng ta phải dừng lại, chúng ta phải xả bỏ.

Giới có thể rất chính xác và vi tế. Buông, xả bỏ, từ chối, cắt giảm và hủy diệt; tất cả các hoạt động này là của giới. Đó là lý do tại sao giới và tuệ đi với nhau như tay phải và tay trái. Chúng giúp nhau rửa sạch uế nhiễm, để tâm chúng ta có thể trở nên trong sáng, sạch sẽ và an định. Những lợi ích của giới và tuệ trở nên rất rõ ràng ngay trong tâm. Nếu ta không có những dụng cụ này, cũng giống như ta thiếu tay hay chân. Chúng ta sẽ không thể đi đến đâu. Chúng ta phải sử dụng dụng cụ của mình – giới và tuệ để hủy diệt uế nhiễm. Lúc đó tâm ta mới được lợi ích.

Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy chúng ta phải luôn rèn luyện giới, định và tuệ. Qua sự luyện tập này, tâm ta sẽ tráng kiện. Nếu chúng ta không rèn luyện, dụng cụ để diệt trừ khổ và uế nhiễm sẽ không được sắc bén, sẽ không ích lợi nhiều. Chúng sẽ không thể chống chọi lại các uế nhiễm. Các uế nhiễm có sức mạnh quỷ quái có thể thiêu đốt tâm ta trong chớp mắt. Thí dụ, khi tâm đang yên tĩnh, bình lặng thì chỉ một xúc chạm giác quan nhỏ cũng có thể làm bùng cháy ngay trong ta sự khó chịu hay dễ chịu. Tại sao?

Sự xúc chạm giác quan là thước đo để xem chánh niệm của ta mạnh hay yếu đến đâu. Đa phần là nó làm ta xao động. Ngay khi có sự xúc chạm ở tay hay ở mắt, uế nhiễm phát khởi ngay. Như thế làm sao chúng ta có thể chế ngự chúng? Làm sao ta kiềm chế được mắt? Kiềm chế được tai, mũi, lưỡi, thân và ý? Làm sao để chánh niệm tỉnh giác có thể làm chủ chúng? Việc đó tùy thuộc vào sự tu tập, đơn giản và thuần khiết. Tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta phải tự quán chiếu, xét xem tại sao uế nhiễm, ô trược có thể khởi lên quá nhanh chóng khi các căn vừa tiếp xúc với các trần.

Thí dụ, chúng ta nghe ai đó phê bình một người nào khác. Ta có thể lắng nghe mà không phản ứng. Nhưng nếu điều đó xảy ra cho chúng ta, “Cô ấy thực sự đang chỉ trích tôi”. Ngay khi chúng ta vừa nghĩ đến ‘cái tôi’, lập tức chúng ta thấy khó chịu và nổi giận. Nếu chúng ta chứa chất nhiều ‘cái tôi’ này, chúng ta sẽ nhiều phen nổi giận. Điều này cho ta thấy cái gì liên quan đến ‘ngã’ là khổ. Sự thật là như thế. Nếu không liên quan đến ngã, chúng ta vẫn có thể duy trì được sự bình tĩnh. Khi người khác bị phê bình, chúng ta có thể phớt tỉnh, nhưng ngay khi ta nghĩ rằng bản thân mình bị chỉ trích, cái ngã lập tức hiện ra và phản ứng – chúng ta lập tức bị uế nhiễm thiêu đốt. Tại sao?

Chúng ta phải để ý đến điều này. Ngay khi cái ngã có mặt thì lập tức có khổ. Ngay cả khi chúng ta tư duy, điều này cũng đúng. Cái ngã mà chúng ta nghĩ đến phát tán ra bao nhiêu vấn đề. Tâm vương vãi khắp nơi với uế nhiễm, tham ái và chấp. Khi đó tâm làm gì có chánh niệm tỉnh giác, nên cứ để uế nhiễm và tham ái lôi kéo nó đi khắp nơi.

Vậy mà chúng ta không nhận thức được điều đó. Ta nghĩ rằng mình bình thường. Có ai trong chúng ta biết điều gì đang xảy ra không? Chúng ta chìm sâu, quá sâu trong ảo tưởng. Dầu tâm có bị uế nhiễm của vọng tưởng che mờ đến đâu, chúng ta cũng không ý thức được điều đó, vì nó đã khiến cho ta mù lòa, điếc lác.

Không có dụng cụ vật chất nào chúng ta có thể sử dụng để khám phá hay chữa trị căn bệnh này của uế nhiễm, vì nó chỉ xuất hiện khi có sự tiếp xúc với bên ngoài. Nó không có bản thể. Giống như que diêm trong hộp diêm. Nó sẽ không bật lửa, nếu ta không đánh que diêm vào thành hộp diêm. Ngược lại, nó sẽ lập tức bật lửa. Nếu nó tắt ngay sau đó, thì chỉ đầu que diêm bị cháy. Nếu không, cả thân que diêm sẽ cháy. Rồi nếu nó không được dập tắt ngay đó, nó sẽ bắt qua bất cứ thứ gì dễ cháy ở gần bên, nó có thể trở thành một đám cháy dữ dội.

Khi uế nhiễm phát khởi trong tâm, nó bắt đầu bằng sự tiếp xúc nhỏ nhặt nhất. Nếu chúng ta không nhanh chóng dập tắt ngay đó, nó sẽ giống như que diêm đã được đánh lửa bật cháy – một lúc rồi tắt ở đầu que diêm. Uế nhiễm có thể được dập tắt ngay đó. Nhưng nếu chúng ta không dập tắt ngay khi nó vừa chớm khởi mà để nó dồn thêm nhiều vấn đề, thì chẳng khác nào ta châm thêm dầu vào lửa.

Chúng ta phải quán sát các căn bệnh của uế nhiễm trong tâm để xem các triệu chứng của chúng là gì, tại sao chúng nhanh chóng bùng cháy. Chúng không thể chịu đựng bị phiền nhiễu. Ngay khi chúng ta đụng chạm đến chúng là chúng cháy bùng. Nếu là như thế, chúng ta cần phải làm gì để tự bảo vệ mình? Làm sao ta tích lũy chánh niệm trước khi có sự xúc chạm?

Phương cách giúp ta tích lũy chánh niệm là hành thiền, như khi ta giữ hơi thở trong tâm. Như thế chánh niệm sẽ được tích lũy sẵn, ta sẽ ở tay trên đối với uế nhiễm. Chúng ta có thể kiềm chế không cho nó phát khởi khi chúng ta có đề mục thiền quán làm chỗ nương trú bên trong cho tâm.

Chỗ nương trú bên ngoài của tâm là thân, gồm có các yếu tố vật chất, nhưng chỗ nương trú bên trong của nó là đề mục thiền quán mà ta sử dụng để rèn luyện chánh niệm tập trung và tỉnh thức. Bất cứ chúng ta sử dụng đề mục nào, đó cũng là chỗ nương trú bên trong của tâm, giúp nó không lang thang, lượm lặt suy nghĩ này, vọng tưởng nọ. Đó là lý do tại sao chúng ta cần một đề mục thiền quán. Đừng để tâm chạy theo những mối ưu tư của nó giống như những người bình thường chưa biết hành thiền. Một khi ta đã có đề mục thiền quán để giữ con khỉ tâm, để cho nó ngày càng bớt ngang ngạnh, thì nó sẽ lắng dịu, dần dần lắng dịu cho đến khi nó có thể đứng yên trong một khoảng thời gian ngắn hay dài, tùy thuộc vào việc chúng ta đã rèn luyện, đã quán sát mình được ít hay nhiều.

Bây giờ là phương cách chúng ta thực hành thiền quán hơi thở: các kinh sách dạy rằng thở vào dài, thở ra dài – nặng nề hay nhẹ nhàng - rồi thở vào ngắn, thở ra ngắn, lần nữa nặng nề hay nhẹ nhàng. Đó là những bước khởi đầu trong việc thực hành. Sau này ta không còn phải chú tâm đến độ dài ngắn của hơi thở. Thay vào đó, chúng ta sẽ tập trung ý thức của mình vào một điểm nào đó của hơi thở và tiếp tục làm như thế cho đến khi tâm lắng dịu và bình ổn. Khi tâm đã yên, chúng ta sẽ tập trung vào sự tĩnh lặng của tâm, đồng thời ý thức đến hơi thở.

Vào thời điểm này chúng ta không chú tâm ngay nơi hơi thở. Chúng ta tập trung vào cái tâm đang yên tĩnh, bình lặng. Chúng ta không ngừng tập trung nơi sự bình lặng của tâm, đồng thời cũng ý thức đến hơi thở vào ra, nhưng không thực sự tập trung vào hơi thở. Đơn giản là chúng ta trụ nơi tâm, nhưng chúng ta quán sát nó với mỗi hơi thở vào ra. Thông thường khi chúng ta tham gia hoạt động cơ thể và tâm đang trong trạng thái bình thường, thì chúng ta có thể biết mình đang làm gì, vậy tại sao chúng ta không thể ý thức đến hơi thở? Suy cho cùng, nó cũng thuộc về thân.

Có thể một số hành giả còn xa lạ với phương cách này, đó là lý do tại sao chúng ta không biết làm cách nào để có thể tập trung vào tâm bình lặng với mỗi hơi thở vào ra mà không thực sự tập trung ngay nơi hơi thở. Cái chúng ta đang thực hành ở đây là làm sao để ý thức đến thân và tâm, đơn giản và thuần khiết, từ nơi thân tâm và trong thân tâm.

Hãy bắt đầu bằng các tập trung nơi hơi thở khoảng năm, mười hay hai mươi phút. Thở vào dài, thở ra dài, hay thở vào ngắn, thở ra ngắn. Đồng thời để ý đến việc tâm cảm thấy thế nào ở từng giai đoạn, và tâm bắt đầu lắng dịu như thế nào khi chúng ta có chánh niệm trên hơi thở. Chúng ta phải quyết tâm theo dõi việc này, vì thường khi thở, ta chỉ làm theo thói quen, chứ không thực sự ý thức đến nó. Điều này khiến chúng ta nghĩ rằng khó có thể tập trung vào đó, trong khi thực sự ra đó là điều dễ làm. Suy cho cùng, hơi thở tự nó vào ra, theo chức năng của nó. Không có gì khó khăn về việc thở. Không giống như các đề mục thiền quán khác. Thí dụ, nếu chúng ta thực hành đề mục quán tưởng về Đức Phật, hay buddho, chúng ta phải liên tục niệm buddo, buddho, buddho.

Thực ra, nếu muốn chúng ta có thể niệm buddhotrong tâm với hơi thở vào-ra, nhưng chỉ ở những giai đoạn khởi đầu. Chúng ta niệm buddhođể giữ tâm không suy tưởng về những vấn đề khác. Chỉ niệm đi niệm lại như thế có thể làm suy giảm khuynh hướng rẽ sang hướng khác, vì ở mỗi lúc tâm chỉ có thể hướng đến một thứ. Đây là điều chúng ta phải nhận ra. Hành động niệm là để ngăn cản tâm không tác ý và chạy đuổi theo chúng.

Sau khi chúng ta đã niệm thuần thục –chúng ta không cần phải đếm bao nhiêu lần- tâm sẽ lắng đọng để ý thức đến hơi thở vào-ra. Tâm sẽ trở nên yên tĩnh, xả, tự tại.

Đó là khi chúng ta tập trung vào tâm thay vì vào hơi thở. Hãy buông xả hơi thở và tập trung nơi tâm – nhưng vẫn ý thức được hoạt động của hơi thở. Chúng ta không cần để ý đến sự dài ngắn của hơi thở nữa. Nhưng nên để ý đến tâm đang ở trạng thái tự tại với mỗi hơi thở vào-ra. Hãy nhớ kỹ điều này để chúng ta có thể mang ra thực hành.

Tư thế: Để có thể tập trung vào hơi thở, tư thế ngồi tốt hơn là đứng, đi hay nằm, vì cảm xúc đi theo với các tư thế khác có thể chế ngự các cảm xúc của hơi thở. Đi làm cơ thể động đậy nhiều quá, đứng một thời gian làm chúng ta mệt, và nếu tâm lắng đọng khi chúng ta nằm, thì chúng ta dễ rơi vào giấc ngủ. Với việc ngồi, chúng ta có thể ngồi lâu trong một tư thế và giữ cho tâm lắng đọng, vững chãi một thời gian dài. Chúng ta cũng có thể quán sát sự vi tế của hơi thở và tâm một cách tự nhiên và tự động.

Ở đây chúng ta có thể tóm tắt những bước trong thiền quán hơi thở để cho chúng ta thấy tất cả bốn chi phần[1] đã được nói đến trong các bản kinh có thể thực hành ngay lập tức như thế nào. Nói cách khác, liệu ta có thể quán thân, thọ, tâm và pháp, tất cả trong cùng một thời tọa thiền? Đây là một câu hỏi quan trọng đối với tất cả chúng ta. Nếu muốn, chúng ta có thể theo sát các bước trong các kinh điển để phát triển uy lực mạnh mẽ của thiền định (jhana), nhưng điều đó cần rất nhiều thời gian nên không thích hợp cho những người lớn tuổi, không còn nhiều thời gian.

Cái chúng ta cần là một phương cách tập trung ý thức vào hơi thở đủ lâu để cho tâm trở nên vững chãi, rồi sau đó đi thẳng vào việc quán chiếu xem làm sao mà tất cả các pháp đều vô thường, khổ và vô ngã, để chúng ta có thể nhận ra chân lý của tất cả các pháp với mỗi hơi thở vào-ra. Nếu chúng ta có thể kiên trì thực hành như thế, không dừng dứt, thì chánh niệm của chúng ta sẽ trở nên vững chắc, và đầy tự tại, giúp chúng ta phát khởi tuệ giác, giúp chúng ta có được sự hiểu biết và cái thấy rõ ràng.

Vì thế những gì tiếp theo đây chỉ là phần dẫn đến các bước thực hành một hình thức quán niệm hơi thở cô đọng. Hãy trải nghiệm cho đến khi chúng giúp ta có được trí tuệ nội tâm, trí tuệ của chính bản thân chúng ta.

Khi chúng ta bắt đầu hành thiền quán hơi thở, việc đầu tiên chúng ta cần nhớ là phải ngồi giữ lưng cho thẳng, và giữ chánh niệm vững chãi. Thở vào. Thở ra. Hãy giữ hơi thở nhẹ nhàng, thông thoáng. Đừng gồng tay chân hay bất cứ cơ khớp nào. Giữ thân ở tư thế phù hợp với hơi thở. Lúc bắt đầu, thở vào, thở ra dài hơi, khá mạnh, dần dần hơi thở sẽ trở nên ngắn –đôi khi hơi thở mạnh, đôi khi nhẹ nhàng. Sau đó thở vào, thở ra ngắn trong khoảng mười hay mười lăm phút, rồi hãy thay đổi hơi thở.

Sau một lúc, khi chúng ta đã chú tâm chánh niệm vào đó, hơi thở sẽ tự điều chỉnh. Hãy quán sát khi hơi thở thay đổi càng lâu càng tốt, sau đó ý thức đến hơi thở vào-ra trọn vẹn, tất cả mọi cảm xúc vi tế. Đây là bước thứ ba của chi phần đầu tiên: sabba-kaya-patisamvedi– tập trung vào việc hơi thở ảnh hưởng đến toàn thân như thế nào bằng cách quán sát tất cả những cảm nhận về hơi thở ở các bộ phận của thân, đặc biệt những cảm nhận liên quan đến hơi thở vào-ra.

Từ đó chúng ta tập trung vào sự cảm nhận hơi thở ở bất cứ điểm nào. Khi chúng ta thực hành đúng như thế trong một thời gian khá dài, thì thân – hơi thở - sẽ dần trở nên tĩnh lặng. Tâm sẽ trở nên an tĩnh. Nói cách khác, khi phẩm chất của hơi thở trở nên nhẹ nhàng, đồng thời sự chú tâm không xao lãng của chúng ta cũng lắng dịu, hơi thở sẽ trở nên càng nhẹ. Tất cả mọi cảm giác nơi thân dần trở nên càng lúc càng vi tế và yên tĩnh hơn. Đây là bước thứ tư, sự tĩnh lặng của thân hành.

Ngay khi điều đó xảy ra, chúng ta bắt đầu ý thức đến các cảm thọ phát khởi cùng với sự tĩnh lặng của thân và tâm. Dầu đó là cảm giác dễ chịu, khinh an hay bất cứ gì, chúng hiện ra khá rõ ràng để chúng ta có thể quán chiếu chúng.

Những giai đoạn mà chúng ta đã trải qua –theo dõi hơi thở vào-ra, ngắn hay dài – khá đủ để chúng ta nhận thức rằng hơi thở là vô thường – dầu có thể là chúng ta chưa tập trung vào ý tưởng đó. Hơi thở luôn thay đổi, từ vào dài và ra dài, đến vào ngắn và ra ngắn, từ mạnh đến nhẹ, vân vân. Điều này sẽ giúp chúng ta có thể giải mã được hơi thở, hiểu được rằng không có gì vững bền ở đó cả. Nó tự biến đổi từ giây phút này sang giây phút khác.

Một khi chúng ta đã nhận thức được tính vô thường của thân –hay nói cách khác, của hơi thở- chúng ta sẽ có thể cảm nhận các cảm giác vi tế của lạc và khổ trong sở hữu thọ (realm of feeling). Vì thế giờ chúng ta phải quán sát thọ, ngay cùng một nơi mà chúng ta đã quán sát hơi thở. Dầu chúng có thể là những cảm thọ phát khởi từ sự yên tĩnh của thân hay tâm, chúng cũng vẫn là vô thường trong cái tĩnh lặng đó. Chúng có thể thay đổi. Vì thế các cảm giác luôn chuyển biến này trong sở hữu thọ thể hiện tính chất vô thường trong và từ chính chúng, giống như hơi thở.

Khi chúng ta đã nhìn thấy sự biến đổi ở thân, biến đổi nơi thọ và cả trong tâm, điều này được gọi là thấy Pháp – nói cách khác, thấy được vô thường. Chúng ta phải hiểu điều này cho thật đúng. Thực tập chi phần đầu tiên của thiền quán hơi thở cũng bao gồm cả bốn chi phần của thiền quán hơi thở. Nói cách khác, chúng ta nhìn thấy sự vô thường của thân, rồi quán chiếu đến thọ. Chúng ta thấy được sự vô thường của thọ, sau đó quán tâm. Tâm cũng vô thường. Sự vô thường của tâm là Pháp. Thấy được Pháp là thấy được tính vô thường này.

Khi chúng ta đã nhìn thấy được tính chất thật của tất cả mọi vật là vô thường, thì hãy luôn nhớ đến tính vô thường đó, với từng hơi thở vào-ra. Hãy thực hành như thế với tất cả mọi hoạt động của chúng ta để xem việc gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Điều sẽ xảy ra kế tiếp là xả ly. Buông bỏ. Đây là điều mà chúng ta phải tự khám phá cho mình.

Phương pháp thiền quán hơi thở cô đọng là như thế đó. Tôi cho là nó cô đọng, súc tích vì nó bao gồm tất cả mọi bước ở một nơi. Chúng ta không cần phải thực hành từng bước. Chỉ tập trung vào một điểm, thân, và chúng ta sẽ thấy tính vô thường của thân. Khi chúng ta nhìn thấy được vô thường ở thân, chúng ta sẽ phải quán thọ. Thọ cũng phải bộc lộ tính vô thường của nó. Sự nhạy cảm của tâm đối với thọ, hay tư duy, vọng tưởng của nó, cũng vô thường. Tất cả mọi thứ đều luôn biến đổi. Đó là cách để chúng ta biết về vô thường.

Nếu chúng ta có thể trở nên thiện xảo trong việc quán sát và biết bằng cách đó chúng ta sẽ nhận diện được tính vô thường, khổ và vô ngã của ‘tự ngã’ và chúng ta sẽ thấy được Pháp chân đế. Pháp luôn biến đổi, giống như ngọn lửa đang cháy – cháy với vô thường, khổ và vô ngã- là Pháp vô thường của tất cả mọi duyên hợp. Nhưng sâu hơn nữa, trong tâm hay trong sở hữu tâm, là điều gì đó rất đặc biệt, vượt thoát khỏi tầm của mọi ngọn lửa. Ở đó không có bất cứ khổ ưu nào. Chúng ta có thể nói rằng ‘điều đặc biệt’ này nằm trong tâm, nhưng nó không thực sự ở trong tâm. Đơn giản là nó có sự tiếp xúc nơi tâm. Không có cách gì chúng ta có thể thực sự diễn tả điều đó. Chỉ có sự hủy diệt của tất cả mọi uế nhiễm mới dẫn dắt chúng ta đến sự khám phá này.

“Điều đặc biệt” này có mặt bởi chức năng của nó, nhưng uế nhiễm bao vây nó tất cả mọi phía. Tất cả những thứ giả tạo này – các uế nhiễm - cứ cản trở và chiếm hữu tất cả mọi thứ, nên tính chất đặc biệt này bị chôn giấu bên trong. Thực ra, không có gì trong giới hạn của thời gian có thể so sánh với nó. Không có gì chúng ta có thể sử dụng để đặt tên cho nó, nhưng đó là điều chúng ta có thể xé tan ra để thấy – bằng cách xé tan uế nhiễm, tham ái và bám víu để đi vào trạng thái tâm trong sáng, thuần khiết, và tĩnh lặng. Đó là điều quan trọng duy nhất.

Nhưng nó không chỉ có một cấp độ mà có rất nhiều cấp độ. Chúng ta phải đi từ vòng ngoài đến vòng trong, xuyên qua phần gỗ, mới vào được lõi cây. Pháp chân đế cũng giống như lõi cây, nhưng có rất nhiều thứ trong tâm không phải là lõi cây. Gốc rễ, cành lá có rất, rất nhiều, nhưng chỉ có một ít lõi cây. Những phần không phải là lõi cây sẽ dần dần hoại diệt, rã tan, nhưng lõi cây thì không hoại diệt. Khi cây chết, lá khô, cành gãy, vỏ và gỗ mục đi và dần dần sẽ không còn gì ngoài lõi cây. Đó là một so sánh mà ta có thể dùng để ám chỉ sự bất tử, tính chất không sinh, không diệt, không biến đổi. Chúng ta cũng có thể gọi đó là nibbanahay pháp vô vi. Cũng giống nhau thôi.

Như thế có đáng để cho chúng ta trải nghiệm không?



[1] Kinh Quán Niệm Hơi Thở đề ra mười sáu bước để thực hành quán hơi thở, sau đó chia mười sáu bước đó thành bốn chi phần, mỗi chi phần nói về một trong các đề tài đã được nhắc đến trong Kinh Tạo Dựng Chánh niệm: thân, thọ, tâm và pháp

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com