- Phần mở đầu
- Phẩm 1: Tựa
- Phẩm 2: Phương tiện
- Phẩm 3: Thí dụ
- Phẩm 4: Tín giải
- Phẩm 5: Dược thảo dụ
- Phẩm 6: Thọ ký
- Phẩm 7: Hoá thành dụ
- Phẩm 8&9 : Ngũ bá đệ tử thọ ký thọ học vô học nhân ký
- Phẩm 10: Pháp sư
- Phẩm 11: Hiện bảo tháp
- Phẩm 12: Đề Bà Đạt Đa
- Phẩm 13: Trì
- Phẩm 14: An lạc hạnh
- Phẩm 15: Tùng địa dũng xuất
- Phẩm 16: Như Lai thọ lượng
- Phẩm 17: Phân biệt công đức
- Phẩm 18: Tùy hỷ công đức
- Phẩm 19: Pháp sư công sức
- Phẩm 20: Thường Bất Khinh Bồ tát
- Phẩm 21: Như Lai thần lực
- Phẩm 22: Đà la ni
- Phẩm 23: Dược Vương Bồ tát bổn sự
- Phẩm 24: Diệu Âm Bồ tát
- Phẩm 25: Phổ Môn
- Phẩm 26: Diệu Trang Nghiêm Vương bổn sự
- Phẩm 27: Phổ Hiền Bồ tát khuyến phát
- Phẩm 28: Chúc Lụy
Lược giải Kinh Pháp Hoa
Phẩm 16: Như Lai thọ lượng
Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Quảng
I. LƯỢC VĂN KINH
Đức Thích Ca bảo các Bồ tát và đại chúng phải nên tin lời thành thật của Ngài. Sau khi Phật lập lại ba lần điều này, Bồ tát Di Lặc đại diện chúng hội thỉnh Phật giải thích. Vì các Bồ tát đã ba lần thỉnh cầu, Phật liền nói : "Các ông hãy lắng nghe bí mật thần thông của Đức Như Lai. Tất cả thế gian đều tưởng rằng Đức Phật Thích Ca vừa rời hoàng cung đến thành Già Da ngồi đạo tràng, chứng quả Vô thượng bồ đề. Nhưng sự thật, ta thành Phật từ vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức kiếp, không thể tính được. Từ đó đến nay, ta luôn ở Ta bà thuyết pháp giáo hóa và cũng ở vô lượng nước giáo hóa chúng sanh. Mỗi nơi ta tự xưng danh hiệu khác nhau và tuổi tác lớn nhỏ cũng khác nhau. Ta lại nói sẽ nhập Niết bàn và còn dùng nhiều phương tiện khác để chỉ dạy pháp vi diệu.
"Như Lai thấy chúng sanh ưa thích pháp nhỏ, đức mỏng, tội nặng, Ngài vì những hạng người này mà nói rằng lúc trẻ Ngài xuất gia được Vô thượng chánh đẳng giác. Đây chỉ là phương tiện giáo hóa chúng sanh để họ vào Phật đạo. "Như Lai thấy rõ không sai lầm tướng của ba cõi, vì chúng sanh căn tánh khác nhau nên Như Lai phải thuyết pháp khác nhau cho họ sanh căn lành.
"Việc Phật sự, ta chưa từng ngừng nghỉ. Như vậy, từ khi ta thành Phật đến nay rất lâu xa, thọ mạng ta dài vô lượng. Từ xa xưa, ta tu hành đạo Bồ tát, kết thành thọ mạng, đến nay vẫn chưa hết, mà còn hơn số như vậy. Vì thế, dù chưa thực diệt độ, ta vẫn nói diệt độ để làm phương tiện giáo hóa chúng sanh.
"Vì nếu Phật ở lâu trên đời, những người đức mỏng không chịu trồng căn lành, ham ưa năm món dục, sanh tâm lười biếng kiêu mạn, không sanh lòng khát ngưỡng gặp Phật. Thí dụ có một ông thầy thuốc giỏi chữa được nhiều bệnh, ông có rất đông con. Khi bận việc đi xa, các con ở nhà uống lầm thuốc độc. Lúc cha trở về nhà, có đứa mất bản tâm, có đứa còn bản tâm, nhưng tất cả thấy cha về, đều quỳ lạy xin cứu mạng. Người cha đưa thuốc cho uống. Những người con không mất bản tâm liền uống và lành bệnh. Còn những người mất bản tâm, dù cầu xin cha chữa bệnh, nhưng không chịu uống thuốc. Vì họ đã bị thuốc độc thấm sâu làm mất tâm trí.
"Người cha thương hại những đứa con này liền nghĩ ra phương kế, nói với chúng rằng ông đã già yếu sắp chết, có các thứ thuốc hay ông để lại, nên giữ lấy mà dùng. Nói xong ông bỏ đi qua nước khác và nhờ người báo tin ông đã chết. Hay tin ấy, các con mất bản tâm hoảng sợ lấy thuốc uống, tâm liền tỉnh ngộ. Sau đó người cha trở về cho các con thấy mặt".
Đức Phật kết luận Ngài cũng vậy, từ lúc thành Phật đến nay vô lượng kiếp. Vì phương tiện cứu độ chúng sanh mà Ngài nói diệt độ, không thể nói Thế Tôn phạm lỗi nói dối.
II. GIẢI THÍCH
Phẩm này là trung tâm điểm của bổn môn, nói về sở hành của chư Phật, nên ít ai dám đề cập đến. Mọi người đều công nhận rằng kinh Pháp Hoa quá quan trọng. Nếu chúng ta không diễn đạt được chân ý của kinh, làm giảm giá trị bộ kinh sẽ phạm tội. Nhất là triển khai về thọ lượng của Như Lai là vấn đề chính yếu mà chúng ta chưa chứng đắc, nên không dám nói, vì nói dễ trở thành nói láo.
Tôi cũng dè dặt trong việc giảng phẩm này, e rằng không hiểu được chân ý của Phật sẽ diễn tả sai. Và người nghe không hiểu được ý tôi, lại hiểu sai thêm nữa. Phần tích môn nhấn mạnh về hiện thực của Phật trên cuộc đời, chúng ta phê phán còn không trọn vẹn chính xác. Huống chi là phần bổn môn mở ra thế giới siêu thực của Như Lai. Chính Phật xác định hàng Bồ tát trở xuống không thể hiểu được sự bí mật thần thông của Như Lai. Trong khi chúng ta còn mang thân phàm phu, làm thế nào thấu hiểu được thọ mạng Như Lai.
Những gì tôi triển khai trong phẩm này thuộc phần cảm tâm về Pháp thân Phật. Riêng phần chứng đắc chưa đạt được. Thật vậy, khi bước vào pháp hội hai "không trung thuyết pháp", hành giả phải trụ trong hư không. Nghĩa là vượt lên trên ngũ ấm, trên tầm suy nghĩ bằng tri thức của con người phàm phu.
Vì vậy, khi tôi mang phần này giảng dạy trong hiểu biết hữu hạn của con người, chắc chắn còn cách thế giới Phật xa lắm. Nhưng không có phương cách nào khác để diễn tả tri kiến Như Lai. Tuy nhiên, hành giả nào nương tựa được phương tiện giả tạm này dứt trừ phiền não, nhập thể tánh KHÔNG, sẽ tự phát hiện thế giới chân thật.
Phật cũng dạy rằng các pháp tánh thường vắng lặng, không dùng ngôn ngữ phàm phu lạm bàn được. Đạo nói được không phải là đạo, cái chỉ được nằm trong phạm vi sinh hoạt bình thường của con người.
Những gì hành giả cảm nhận không diễn tả được, thuộc phần tâm chứng của đại chúng đã thâm nhập hư không, phiền não trần lao không làm nhiễm ô họ. Bấy giờ tầm nhìn hành giả đổi khác, thấy Bồ tát tùng dịa dũng xuất và Phật quá khứ Đa Bảo. Đó là cái thấy và nghe mà người bình thường không vói tới được, không còn nghe và thấy bằng sáu giác quan của loài người. Do gương tâm hoàn toàn vắng lặng, thấy được thật tướng các pháp gọi là pháp nhĩ như thị.
Mở đầu phẩm, Phật nói với chúng hội ba lần : "Các ông phải tin hiểu lời nói chắc thật của Như Lai". Di Lặc đại diện chúng hội trả lời ba lần : "Chúng con sẽ tin nhận lời Phật". Di Lặc Bồ tát là người thừa kế Phật trên cuộc đời, mới có đủ tư cách trả lời và đại diện cho các Bồ tát đến nghe pháp. Các vị này đều thuộc hàng A bệ bạt trí là Bồ tát bất thoái chuyển đang ở giai đoạn cuối của lộ trình trắc nghiệm Bồ tát pháp.
Sau ba lần thỉnh cầu của Bồ tát Di Lặc, Phật xác định cho chúng hội thấy rõ tư cách của Ngài ở thế gian. Ngài giới thiệu một Đức Phật thường trú mà trước hội Pháp Hoa chưa hề nói. Phật khẳng định rằng Ngài thành Phật từ vô lượng kiếp trước. Nhưng Trời, người, A tu la thấy Phật vừa rời cung họ Thích, đến cội Bồ đề thành Vô thượng chánh đẳng giác.
Cái thấy sai lầm của Trời, người, A tu la về Phật gợi cho chúng ta suy nghĩ. Trời, người, A tu la chỉ cho người đức mỏng tội nặng, lại tăng thượng mạn, nghĩ rằng mình nhất trên đời. Ngày nay gọi đó là bệnh chủ quan. Họ không nhìn được sự thật của sự vật, quyết đoán sai lầm, dẫn đến kết quả hư hại nghiêm trọng. Hạng người đức mỏng tội nặng chỉ nhìn thấy sự vật bằng mắt qua hiện thực, không thấy được bằng tư duy, ý thức.
Cái thấy giản đơn bằng mắt trở nên quá thấp kém trong thời đại khoa học ngày nay, khi trí khôn đặc thù của con người được tận lực phát huy. Di Lặc tin Như Lai, nhưng sáu loài trong thế giới hữu tình, tu pháp hữu vi thấy Phật vừa thành đạo dưới cội Bồ đề không bao lâu và đi giáo hóa chúng sanh. Đối với hạng người đức mỏng tội nặng không thấy quá đường chân trời, Phật phải hiện thân con người. Và Ngài tu thành Phật để làm kiểu mẫu giảng dạy họ.
Tuy nhiên, đối với Bồ tát đạt được trình độ tu chứng biết rõ các pháp như Bồ tát Di Lặc trở lên không thấy Đức Phật Thích Ca là con người bằng xương thịt trên đời này. Vì đứng ở góc độ của Bồ tát tiếp cận Phật huệ mới thấu rõ quá trình thành Phật lâu xa của Phật Thích Ca.
Đối với người chưa có trí tuệ hay với trí tuệ giới hạn đang lặn ngụp trong sanh tử, chỉ bắt kịp một Đức Phật mang thân con người hữu hạn y hệt họ, không khác.
Phật xác định Ngài thành Phật từ ngũ bách ức trần điểm cho đến nay vẫn ở thế giới Ta bà thuyết pháp giáo hóa chưa từng ngừng nghỉ, nhưng có người thấy Phật, có người không thấy. Vì thương chúng sanh nghiệp cấu nặng không thấy Phật, sanh tâm buông lung kiêu mạn, Phật dùng phương tiện nói có Phật ra đời và Phật Niết bàn. Sự thật Ngài vẫn thường trụ thế giới này nói pháp.
Phật ví dụ như ông lương y trí tuệ sáng suốt có nhiều con cái, vì công việc ông phải đến nước xa khác. Khi trở về, ông thấy con bị thuốc độc hành hạ. Dù còn hay mất bản tâm, nhưng nhờ căn lành đời trước, họ thấy cha về đều vui mừng quỳ lạy, xin cha cứu nạn. Nghĩa là chúng sanh gặp Phật là biểu tượng tri thức và đạo đức được mọi người thương quý. Họ thấy vậy, đều hỏi phải làm sao để được như Ngài.
Những người con không mất bản tâm được cha cho thuốc, liền uống ngay và lành bệnh. Những người con này ngầm chỉ cho chúng đương cơ là 1200 La hán trong thời Phật tại thế. Các Ngài theo Phật tu hành, tâm hết điên đảo nhiễm ô, đạt đến Niết bàn. Từng bước tu hành từ Thanh văn sang Bồ tát đạo, thông qua tam thừa giáo, siêng năng tu tập pháp Tứ đế, sáu pháp ba la mật. Và cuối cùng các Ngài vui với cái vui giải thoát, vui của Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát chánh đạo, sống hoàn toàn trong thế giới tri thức.
Các Ngài từ thế giới con người vượt trên các từng trời, qua lại ba cõi tự tại, tiêu biểu cho mẫu người không mất bản tâm. Riêng những người mất bản tâm, bị chất độc ngấm tận xương tủy, không thể tin Phật, không chịu uống thuốc. Họ thấy trái thành phải, không chịu trừ nghiệp. Họ ở trong sanh tử, vẫn ham mê với cái khổ sanh tử. Những người này ôm thuốc không chịu uống. Ví như ta tụng kinh, mà tác dụng kinh không ảnh hưởng, nên vẫn triền miên đau khổ.
Người cha phải dùng phương tiện bỏ đi, dặn các con rằng ông có để lại thuốc tốt và sai người trở về báo ông đã chết. Các con nghe tin cha chết, cảm thấy mình côi cút, liền tỉnh ngộ lấy thuốc uống, bệnh lành.
Cũng vậy, vì những người không chịu tu, cứ núp bóng Phật mà hưởng thụ, sanh lười biếng, kiêu mạn, Phật mới dùng phương tiện nhập diệt. Chúng ta được ví như người mất bản tâm, không thấy được Phật, trong thời đó không chịu uống thuốc, trôi lăn trong sanh tử. Cho đến bây giờ hiện hữu trên cuộc đời này, gặp vô số khổ nạn. Chúng ta nghĩ tới mạt vận, mới chịu đem kinh ra trì tụng, áp dụng trong cuộc sống tu hành. Trì tụng đến độ kinh và cuộc sống hành giả có liên quan mật thiết. Càng trì tụng thì trần lụy nhiễm ô càng rời xa và hành giả càng đến gần Như Lai. Bấy giờ thấy Phật ngay trên cuộc đời, thường ở đây nói pháp, không nhập diệt.
Thấy Phật không có nghĩa là Phật thiệt hiện trước mặt. Hành giả có lời nói, suy nghĩ, việc làm giống y Phật là đã diện kiến Ngài. Hay nói cách khác, tu hành đúng như pháp thì hành giả chính là thường trú Pháp thân Phật.
Phật xác định Ngài luôn hiện hữu song hành với chúng ta. Những người uống thuốc rồi, tâm trở thành ngay thật, ý niệm diệu hòa, một lòng muốn thấy Phật không tiếc thân mạng, mới đủ tư cách thấy được Phật hiện hữu thường trú.
Trái lại, người ham ưa năm món dục, bị vô minh ngăn che, không thể thấy Phật. Ngài Từ Ân ví họ như người mù không thấy ánh sáng, dù ánh sáng lúc nào cũng thường hằng. Vì những chúng sanh mù lòa không có Đạo sư, Phật hiện hữu trên cuộc đời để khai tri kiến cho họ. Đến khi họ hết bệnh, sáng mắt, thấy được Phật thường hằng miên viễn tại chốn Ta bà.
Cảm nhận ý này, Ngài Thiên Thai dạy rằng kinh Pháp Hoa không phải vừa được giảng ở hội Linh Sơn. Sơ khởi ngay từ Lộc Uyển, pháp Tứ đế đã thể hiện một dạng của kinh Pháp Hoa là ẩn mật Pháp Hoa.
Dưới nhãn quan của hàng Bồ tát căn tánh thông lợi, pháp Tứ đế cũng là Pháp Hoa. Ý này được diễn tả trong phẩm Như Lai thọ lượng, Phật cho biết đối với những chúng sanh điên đảo, dù họ gần Phật nhưng chẳng thấy Phật. Và đối với người nghiệp nặng hơn, họ lại thấy thế giới này cháy rụi, trong khi Tịnh độ của Phật ở ngay Ta bà hoàn toàn an ổn. Tịnh độ ấy trang hoàng những báu vật, có vườn rừng cây báu nhiều bông trái, thường trỗi kỹ nhạc, rưới hoa Mạn đà la cúng Phật và đại chúng.
Qua lời Phật dạy, thể hiện rõ nét giá trị của Đức Phật và đạo Phật hiện hữu trường tồn trên cuộc đời qua hơn 25 thế kỷ. Nếu thấy Đức Thích Ca chỉ là một con người như bao nhiêu người khác, nghĩa là Ngài ra đời, thuyết pháp và già chết tàn lụn như cỏ cây theo quên lãng của thời gian, chúng ta sẽ rớt qua đoạn kiến, chẳng tu làm gì cho phí công. Chẳng những thường trú thuyết pháp giáo hóa chúng sanh Ta bà, Ngài còn hiện hữu làm lợi ích chúng sanh trong khắp mười phương, chưa hề ngừng nghỉ.
Qua gợi ý này, chúng ta phải bàng hoàng suy tư, vì thời Phật tại thế thuộc thời thần quyền. Mọi người chỉ biết trên thiên đường có đấng tạo hóa, dưới có địa ngục và ta ở vị trí trung gian, chịu sự chi phối của thiên đường.
Nay Phật mở ra cho chúng ta thấy một thế giới quan bao la vô cùng tận, được kinh diễn tả bằng hình ảnh là có người nghiền nát 500 ngàn muôn ức na do tha cõi tam thiên đại thiên thành vi trần, từ chỗ ta ở đi qua phương Đông cách 500 ngàn muôn ức na do tha cõi nước rơi một bụi trần. Cứ như thế cho đến hết số vi trần, mười phương thế giới vô cùng tận đều thuộc phạm vi giáo hóa của Đức Thích Ca Mâu Ni.
Ở chỗ khác, Ngài thành Phật có tên khác, ở Ta bà Ngài mang tên Thích Ca Mâu Ni. Tùy cảm nghiệp của chúng sanh từng nơi mà Phật hiện thân không giống nhau, thọ mạng cũng khác nhau. Ý này gợi chúng ta suy nghĩ đến Phật Thích Ca hiện thân thọ mạng quá ngắn ngủi của con người Ta bà, so với hiện thân vô lượng thọ của Phật A Di Đà ở phương Tây.
Ngài làm Phật sự trong mười phương chưa ngừng nghỉ mà trời, người, A tu la thấy mới làm trong 40 năm. Tuy thường xuyên ở Ta bà, nhưng Phật không hề vắng mặt ở thế giới nào và không lúc nào không làm lợi ích chúng sanh. Như vậy, những điều Ngài làm chưa ngừng nghỉ, chắc chắn phải làm dưới dạng con người vô hình. Ngài nói có Phật Nhiên Đăng, Phật A Di Đà, Phật Dược Sư v.v… Tất cả giảng dạy này chỉ là phương tiện để giáo hóa chúng sanh. Hoặc nói thân mình, hoặc nói thân người, hoặc chỉ việc mình, hoặc chỉ việc người, hiện lên vô số chỗ khác nhau bằng vô số việc làm khác nhau.
Đến đây, Phật muốn hiển bày bí mật thần thông của Ngài và chúng ta cần tìm hiểu ý này. Các Tổ sư thường căn cứ vào phẩm Như Lai thọ lượng, để phân ra ba thân Phật. Thân thứ nhất mang tên Thích Ca, hiện hữu ở Ta bà, ngồi dưới cội Bồ đề thành Vô thượng đẳng giác. Và trải qua quá trình 49 năm giáo hóa của Phật, mọi tầng lớp xã hội đã được Ngài hướng dẫn theo con đường sáng suốt, phạm hạnh, trở thành những người đạo đức kiểu mẫu trong xã hội.
Tuy nhiên, đến khi Phật Niết bàn, những việc làm, những lời giáo huấn, những tư tưởng tích cực trong sáng Ngài để lại, vẫn được xem là di sản quý báu hữu ích cho loài người. Xuyên suốt cuộc đời gương mẫu của Phật, nhìn lại tấm gương trong sáng về trí tuệ và đạo đức của Ngài, các bậc tiền bối trong thời kỳ Phật giáo phát triển bắt đầu có cái nhìn đổi mới về Phật. Ngoài sanh thân đã nhập diệt, Phật vẫn hiện hữu dưới hai dạng Báo thân và Pháp thân.
Ngày nay, hướng tầm nhìn về Phật qua ba khía cạnh : sanh thân, Báo thân và Pháp thân và tìm hiểu Phật tồn tại sống động dưới dạng ba thân này. Chúng ta hành động theo Phật, thăng tiến trên con đường phát triển tri thức và đạo đức, ngõ hầu thành tựu tốt đẹp mọi hạnh nguyện phục vụ lợi ích chúng sanh, đạt đến quả vị giác ngộ hoàn toàn như Phật.
Ngược dòng thời gian cách đây hơn 2500 năm, Ngài ra đời dưới cây Vô Ưu trong vườn Lâm Tỳ Ni của nước Ca Tỳ La Vệ thuộc Trung Ấn Độ. Lớn lên, Thái tử thông minh xuất chúng, văn võ toàn tài không ai sánh kịp. Vua Tịnh Phạn buộc thái tử ở lại ngôi báu bằng cách làm lễ thành hôn cho thái tử với công chúa Gia Du Đà La.
Song với bản tính trầm mặc, vị tha và lòng thương yêu vô hạn với kiếp sống trầm luân khổ đau của con người, Ngài đã từ bỏ cuộc đời nhung lụa quyền quý, sống cuộc đời nay đây mai đó của người tu hành đi tìm chân lý giải thoát. Trải qua 6 năm tu khổ hạnh không đưa đến giác ngộ, Ngài chấm dứt việc nhịn ăn. Sau khi sức khỏe được phục hồi, Ngài tham thiền dưới gốc cây Bồ đề, liên tục qua 49 ngày tư duy, Ngài đắc quả Vô thượng bồ đề, trở thành bậc Toàn giác.
Từ đó suốt 49 năm, tùy cơ cảm và trình độ của chúng nhân, Phật nói trăm vạn pháp môn. Hơn 300 hội từ Lộc Uyển đến Linh Thứu sơn, Ngài đã gieo trồng hạt giống bồ đề, khai tri kiến Phật cho chúng sanh. Trên bước đường vân du hóa độ, Phật nắm giữ những quy luật khách quan điều động chi phối sinh hoạt con người và xã hội. Ngài thản nhiên bình ổn, tự tại trước mọi khó khăn chướng ngại của cuộc đời.
Ngài đưa ra những luận thuyết phá vỡ truyền thống cố chấp của hàng quyền thế Bà la môn có từ lâu đời, ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của mọi người. Ngài phê phán những sai lầm của người tu đương thời, nhất là nhận thức sai lạc của lục sư ngoại đạo được đức Phật đưa ra phân tích rõ ràng. Họ không có nhất thiết trí, tất nhiên phải hành động sai. Điển hình như Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên là những giáo chủ của thần đạo. Phật chỉ thẳng sai lầm của họ và họ đều phát tâm theo Phật, trở thành đại đệ tử của Ngài.
Với khả năng thuyết phục khéo léo của một bậc sáng suốt tràn đầy uy đức, Phật đã khiến người phải chấp nhận những việc khó làm. Ngài thay đổi hoàn toàn truyền thống giai cấp có từ lâu đời. Ví dụ trường hợp 7 vị vương tử dòng họ Thích vâng lời Phật dạy đến đảnh lễ ra mắt Ưu Ba Ly. Trong khi ông này trước lúc gia nhập giáo đoàn, chỉ thuộc hạng người phục dịch cho họ.
Hay trường hợp vua Ba Tư Nặc cảm thấy khó chịu khi nghe nói Phật độ Sunita là người hốt phân mà cho ông gia nhập giáo đoàn ngang hàng với các vị khác. Nhưng đến lúc gặp Đức Thế Tôn, ông cũng bằng lòng với lời dạy bình đẳng giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn.
Hoặc Phật đích thân đến chiến trường để ngăn chặn chiến tranh giữa hai đạo binh sắp sửa tàn sát nhau, để tranh dành một đập nước. Với sức cảm hóa lớn mạnh, Phật cũng đã phá vỡ phong tục tập quán cổ hủ. Hàng Bà la môn đang sửa soạn cúng tế 500 dê bò, phải bằng lòng nghe lời Phật dạy, dẹp bỏ quyền lợi của họ.
Trên bước đường hoằng hóa độ sanh dọc theo triền sông Hằng, không phải lúc nào Phật cũng được tiếp rước cung kính. Ngài đã đương đầu với nhiều chống đối hiểm nguy. Có lúc Ngài bị nhục mạ, đánh đuổi. Những kẻ có thế lực lập mưu để ám hại và bôi lọ uy tín Phật, mướn pháp sư ngoại đạo và sát nhân thủ tiêu Ngài. Nhưng kỳ diệu thay, phản ứng của một bậc đại bi, đại trí, đại hùng, không thù hận, không bạo động. Uy lực toát ra từ lời nói, việc làm của Phật, ngay cả khi Ngài im lặng, đã cảm hóa những kẻ hung ác phải hồi tâm phản tỉnh.
Sự thành tựu tốt đẹp những việc khó làm qua các sự kiện lịch sử nói trên biểu hiện rõ rệt sự thấy biết xác thực và uy đức cảm hóa của Phật. Điều đó vẽ ra cho chúng ta thấy ngoài sanh thân như mọi người, Phật còn có một cái gì đặc biệt phi thường. Đó là thân thứ hai của Phật gọi là Báo thân.
Báo thân Phật không phải là một thân nơi xa xôi nào khác. Nó ở ngay trong sanh thân Ngài, là một thân hình do sự kết hợp trí tuệ và những hành vi đạo đức của Ngài. Phải chăng sự hiện hữu tồn tại một Báo thân mà Ngài được xem là Phật, là vị thầy sáng suốt dẫn đường cho chúng ta, mặc du Ngài cũng mang thân người như chúng ta.
Chắc chắn ngày nay chúng ta không thờ phượng, lễ bái một Đức Phật chỉ có thân sanh diệt bình thường như mọi người. Chúng ta tưởng niệm tôn thờ Báo thân Phật, nghĩa là quý trọng noi theo những việc làm đạo đức thánh thiện của Đức Thế Tôn trong 80 năm trụ thế, tôn sùng kính ngưỡng trí tuệ siêu tuyệt của Phật đã hướng dẫn giáo đoàn cùng xã hội đương thời sống hài hòa an lành. Và mãi cho đến ngày nay, trải qua hơn 25 thế kỷ, những lời Phật dạy vẫn còn là kim chỉ nam soi đường cho hàng đệ tử của Ngài ở khắp nơi trên thế giới.
Báo thân Phật kết tinh bằng phước đức và trí tuệ. Phước đức không phải vô hình, nhưng thực là những việc tốt đẹp lợi ích mà Phật đã chan hòa cho đời. Hành động đạo đức của Phật luôn luôn được trí tuệ hướng dẫn chỉ đạo, nên không bao giờ Ngài phạm sai lầm mù quáng.
Trong 49 năm Phật thuyết pháp không bằng lời nói suông như các triết gia khác. Những gì Phật mang ra giảng dạy cho người, đều là sự thật Ngài đã chứng nghiệm có kết quả ngay trong cuộc sống. Trên bước đường truyền bá chánh pháp, thân giáo là phương tiện được Phật sử dụng để giáo hóa chúng sanh. Với tầm nhìn chính xác của tri kiến thấy đúng như thật, Ngài hiểu rõ hoàn cảnh từng người, biết rõ khả năng trình độ của họ. Ngài tùy theo đó dìu dắt, họ đều được lợi lạc.
Nhân cách của Phật đã hoàn thiện một cách tốt đẹp, với trí tuệ thấy đúng xác thực và đạo đức trong sáng không có lỗi lầm. Ngài dễ dàng thành công trong việc cứu độ chúng sanh và làm lợi ích cho họ là vậy.
Với trí tuệ của bậc Chánh biến tri, Phật biết chọn đúng đối tượng và giao nhiệm vụ đúng, nên Ngài luôn thành tựu tốt đẹp công việc giáo hóa. Điển hình như khi đến một thành nọ, Ngài thấy rõ không có nhân duyên hóa độ những người trong thành và biết rõ đệ tử Mục Kiền Liên là người duy nhất có khả năng giáo hóa 500 người hung dữ ở đây.
Nhìn rõ nhân duyên đắc độ của từng người cũng như biết rõ thời điểm họ sẽ phát tâm và Ngài sẽ dùng pháp gì để dạy họ. Phật lần lượt dìu dắt từ vương tôn công tử, những người giàu sang nhất như trưởng giả Cấp Cô Độc, cho đến người nghèo như Sunita, hoặc người có trí tuệ bậc nhất như Xá Lợi Phất, đến người dốt nhất là Bàn Đặc. Hoặc bên cạnh bà Kiều Đàm Di là mẹ nuôi của Phật, cũng có hoàng hậu hay thứ phi, cho đến những thiếu nữ con nhà thợ thuyền, những người tội lỗi… Tất cả đều trở thành người trí tuệ sáng suốt, phạm hạnh kiểu mẫu trong giáo đoàn của Phật.
Chẳng những giáo hóa người hiền lành, Phật còn hướng dẫn, uốn nắn được những kẻ ác nghịch toan sát hại Ngài. Bằng Phật huệ, Đức Thế Tôn nhìn thấy Vô Não không phải là tên sát nhân đáng bị loại bỏ ra ngoài xã hội, mặc dù ông đã giết 999 người và định giết thêm Phật cho đủ số 1000 người theo lời dạy của ông thầy ngoại đạo.
Dưới cái thấy đúng như thật của Phật, Vô Não là người hiếu học, hăng say nhiệt tình trong việc cầu đạo đến độ tuyệt đối vâng lời Thầy, mà trở thành kẻ sát nhân. Chỉ vì người hướng dẫn sai đẩy ông ta vào con đường tội lỗi. Hiểu rõ được khả năng và bản chất thực sự của Vô Não, Phật đã trải tâm từ đến ông. Ngài cảm hóa ông bằng câu nói thật hiền lành đơn giản "Như Lai đã dừng và dừng lại mãi mãi rồi. Như Lai đã từ bỏ không còn làm dữ và gây hại cho bất cứ loài nào. Còn ngươi đến bao giờ mới dừng lại, không giết nữa !". Vô Não đột nhiên tỉnh ngộ và quẳng dao. Ông đã được Phật nhận vào giáo đoàn ngay từ lúc đó. Sau ông cũng trở thành người đạo hạnh thanh tịnh đắc quả A la hán, giống như mọi người.
Dưới sự giáo hóa của Phật, Ngài đã chinh phục và quy tụ không ít thành phần Sa môn, Bà la môn, uốn nắn họ trở thành người gương mẫu lợi ích cho xã hội. Thật vậy, quan sát thực trạng xã hội bằng cái thấy biết xác thực, Phật thấy được chế độ giai cấp hà khắc bất công đã dành cho giai cấp thống trị mọi quyền hành, kể cả quyền cướp của giết người, tạo nên số đông thành phần bất mãn đối kháng là Sa môn. Phật đã đứng về phía những người bị áp bức để chuyển hóa họ từ người chán đời sống lang thang tiêu cực, thành người sống an vui giải thoát, mang tâm niệm và việc làm xả kỷ vị tha.
Ngoài ra, Phật biết được nguyên nhân, hoàn cảnh đưa hàng Bà la môn vào con đường tà ác tội lỗi, chuyên luyện bùa chú để mê hoặc dối gạt người, như ba anh em Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp. Phật đã phá các nguyên nhân thúc đẩy họ làm việc độc ác. Ngài giúp họ có điều kiện bước theo con đường chân chính, sửa đổi họ thành những người trí thức biết sống hiền lương chân thật.
Trên bước đường giáo hóa chúng sanh, cuối cuộc đời, Phật đã dừng chân trên núi Linh Thứu. Với Phật huệ, Ngài thấy được bên trong con người cực ác của bạo chúa A Xà Thế chứa đựng những hạt giống thiện. Ngài cũng thấy các tu sĩ Bà la môn mạnh ở vùng Trung Ấn. Nhưng xuống phía Đông Ấn, nơi đó nảy sinh ý thức mới, không phục tùng Bà la môn. Và A Xà Thế là người tiên phong có khuynh hướng cách mạng muốn phế bỏ thần quyền Bà la môn.
Phật hoàn toàn cảm thông với quan niệm tiến bộ của A Xà Thế xem những tu sĩ Bà la môn là người mê tín ăn hại. Vì vậy, chọn mảnh đất hung tàn bạo ngược Ma Kiệt Đà mà ai cũng khiếp sợ làm nơi hành đạo, Phật đã thể hiện sự thấy biết chính xác. Khi đặt chân đến nơi đây, dù chưa nói một lời, nhưng uy đức và lòng từ vô lượng của Đức Thế Tôn đã chuyển hóa tâm ác độc của vua A Xà Thế. Ông từng làm việc tội lỗi, hại Phật, mà nay trở thành người hộ pháp đắc lực nhất, thành ông vua cai trị hiền lành sáng suốt. Và đến khi Phật Niết bàn, chính A Xà Thế là người đủ uy tín nhất đứng ra phân chia xá lợi.
Chính ở môi trường cực ác Ma Kiệt Đà mà Phật lựa chọn để thể hiện chân lý bình đẳng tuyệt đối. Với trí giác và lòng từ của Ngài, thiện ác đều không khác. Biết rõ được quy luật và vận dụng được quy luật, thì xấu cũng biến thành tốt. Nhưng không biết và không khéo vận dụng, thiện cũng thành ác. Cũng trên tinh thần khéo vận dụng giáo hóa chuyển xấu thành tốt, mười đại đệ tử của Phật, trong đó hơn phân nửa xuất thân từ dòng dõi Bà la môn và Sát đế lợi, được Đức Thế Tôn khai ngộ trở thành những người phạm hạnh, xả kỷ vị tha. Các Ngài tiêu biểu cho những gì tốt đẹp nhất trong thời Phật tại thế.
Khởi đầu tu hành với sanh thân, Phật gia công tu bồi phát triển hành vi đạo đức và trí tuệ để kết thành Báo thân. Từ đó, Ngài xây dựng một giáo đoàn, một xã hội hoàn toàn đạo đức sáng suốt, lấy pháp Lục hòa làm luật tắc sống chung. Thiết nghĩ việc hướng dẫn giáo đoàn gồm những thành phần phức tạp, trình độ khác nhau với số lượng đông đảo 12.000 Tỳ kheo, không phải là việc đơn giản.
Trong 80 năm trụ thế, Phật cảm hóa mọi tầng lớp xã hội cùng thăng hoa trên con đường thánh thiện. Một sự liên kết giữa con người với nhau bằng tri thức và đạo đức như vậy là điều quý báu, tạo thành một xã hội mang tên thế giới Thật Báo của con người. Phật xác định Ngài tu hành đạo Bồ tát cảm thành Báo thân, thọ mạng dài lâu chẳng những không chấm dứt, mỗi ngày cứ phát triển thêm gọi là thân hữu thỉ vô chung. Hữu thỉ, vì có khởi điểm tu hành thành Phật. Nhưng vô chung, vì thân này không bao giờ mất. Vì vậy, trong phần Đức Phật thọ ký, Ngài thường nhắc các đệ tử muốn đạt quả vị Phật, phải tu hành đạo Bồ tát trải qua bao nhiêu kiếp, mới thành Báo thân viên mãn.
Bồ tát tuy có Báo thân nhưng chưa viên mãn, nên chỉ thành tựu một số việc, được một số người thương, cũng có một số người ghét. Từ đây đến khi thành tựu được Báo thân viên mãn, chúng ta phải trải qua quá trình. Bình thường, chúng ta có nghiệp thân nên gặp vô số khó khăn chống đối chướng ngại. Thoát được mạng lưới này không đơn giản. Nếu ta có vài tướng phước hoặc vài việc đáng khen, người sẽ có cảm tình tốt, thương ta. Nhờ đó lòng ta vơi đi, bớt phải đối phó và ôm tình thương này vào lòng mà tiến tu, tiếp tục khắc phục vô số điểm khó khăn còn tồn đọng.
Tuy nhiên, khi thành tựu Báo thân, tự Báo thân hành động không cần dụng công. Ý này được diễn tả trong bài Sám Quy Mạng "Kỳ hữu kiến ngã tướng, nãi chí văn ngã danh, giai phát Bồ đề tâm, vĩnh xuất luân hồi khổ". Nghĩa là Bồ tát có Báo thân viên mãn, người nhìn thấy tự phát tâm, không cần phải giáo hóa. Có Báo thân viên mãn đầy đủ phước đức trí tuệ, Phật dùng vốn quý giá này làm nhân để tạo thành một thân thứ ba gọi là Pháp thân.
Sử dụng Pháp thân nghĩa là dùng ánh sáng trí tuệ tác động vào vật chất, biến nó phục vụ cho con người. Tất cả vật nguyên thể, khi chưa khai thác, không dùng được. Nhưng cũng vật này được một người có trí khôn biến chế, nó sẽ trở thành vật rất hữu ích phục vụ chúng ta.
Trí khôn con người phát triển đến đâu thì những tiện nghi cho đời sống theo đó mở rộng. Cũng vậy, bằng Phật huệ, Phật thấy rõ thật tướng các pháp. Nghĩa là Ngài biết rõ và sử dụng được nguyên lý tạo nên con người và thế giới. Các pháp không còn đối kháng chướng ngại Ngài. Trái lại, Phật chi phối toàn bộ các pháp, điều động chuyển vật thành công cụ sử dụng hoàn toàn theo ý muốn. Các pháp trở thành thân Ngài.
Pháp thân Phật không phải là cái gì man mác trong hư không, mà chính là tri thức bao hàm cả luật tắc điều động vũ trụ và đạo đức thánh thiện tỏa rộng sưởi ấm nhân sinh. Phật sử dụng Pháp thân chuyển hóa xã hội đương thời. Bấy giờ sanh thân Phật biến thành Pháp thân hay được coi là Pháp thân.
Khi chưa thành Phật, ta vẫn có Pháp thân, nhưng vì không có Báo thân viên mãn, nên Pháp thân không có tác dụng, gọi là Như Lai tại triền. Giống như trong lòng đất có nhiều của báu vẫn không dùng được, vì không biết cách khai thác. Cũng vậy, Pháp thân tuy có nhưng nó tự chi phối, trói buộc ta. Nói cách khác, khi ta kém cỏi dại khờ, vật chất trở thành chướng ngại. Ngược lại, người văn minh khôn ngoan buộc vật chất phục vụ họ.
Như Lai sử dụng được Pháp thân nên điều động các pháp phục vụ Như Lai. Trong khi chúng sanh không sử dụng được Pháp thân, luôn bị các pháp ràng buộc.
Thành tựu Pháp thân và Báo thân viên mãn, hành giả thành Phật. Tuy nhiên, muốn thấy và biết được Pháp thân, Báo thân, phải đem hai thân này đặt vào sanh thân, tức trở lại vị trí chính là con người. Phật dạy ta hãy lợi dụng sanh thân hữu hạn để phát triển Pháp thân. Tất cả sở hữu của ta về nội tài và ngoại tài đều mang truyền đạt cho người. Tri thức ta truyền trao cho hai người, thân ta lớn gấp đôi, truyền trao cho triệu người, thân ta lớn thành triệu người. Cứ phát triển như thế, thân ta lớn mãi tới vô cùng.
Lấy thân hữu hạn chi phối toàn bộ vô cùng, nếu ta tốt và làm lợi ích cho người, sẽ tập trung được người cùng chí hướng. Nếu ta giúp ích cho cả dân tộc, dân tộc sẽ quý mến. Và việc làm lợi ích cho cả muôn loài thì thân ta tràn đầy pháp giới. Đó chính là Pháp thân của ta.
Tuy cũng mang thân tứ đại ngũ uẩn, nhưng Phật biết sử dụng nó để phát triển Pháp thân và Báo thân, nên Ngài là Phật, là đấng giác ngộ sáng suốt. Còn chúng sanh sử dụng và phát triển nghiệp, phiền não thì muôn đời làm phàm phu mê muội.
Từ đời sống bình thường của một sanh thân, Phật phát huy tinh thần, nghĩa là phát triển tri thức và đạo đức của Báo thân. Và từ tinh thần này hội nhập lại vật chất, trở về sanh thân, tác động vào các pháp một cách tự tại hoàn toàn là sử dụng Pháp thân. Tuy ba thân nhưng thực là một thân, thu gọn trong một con người thật của lịch sử.
Ngày nay, sanh thân Phật không còn, tri thức lợi lạc quần sanh của Ngài vẫn là mô hình kiểu mẫu chỉ đạo cho người đồng hạnh nguyện với Ngài trên khắp năm châu. Vì vậy, sanh thân Phật vắng bóng trên cuộc đời, trong khi Pháp thân vẫn thường trụ hằng hữu. Nó được từng thế hệ nối tiếp, triển khai tạo thành mạng mạch Phật giáo qua suốt 25 thế kỷ.
Hài hòa trong dòng sinh mệnh tương tục này, chúng ta có thể tự hào Phật giáo Việt Nam không những đã kế thừa được tinh thần cứu khổ độ sanh của Đức Bổn sư, mà còn biến đổi nó thành tình yêu nước son sắt nồng thắm.
Rất đáng trân trọng hồi tưởng lại hình ảnh các vị Thiền sư từ Khuông Việt, Vạn Hạnh, Điều Ngự Giác Hoàng đến Tuệ Trung Thượng sĩ v.v… Các Ngài đã có công làm sáng danh đạo Phật Việt Nam, cải biến từ Phật giáo quyền năng duy lý, gạn lọc thành một Thiền tông mang dân tộc tính Việt Nam. Triết lý Thiền Việt Nam hoàn toàn nhập thân và song hành với cuộc sống chiến đấu của dân tộc, gắn chặt lịch sử Phật giáo Việt Nam với lịch sử dân tộc.
Ôn lại bối cảnh lịch sử xã hội thời bấy giờ, chúng ta nhận chân rõ ràng giáo lý cứu khổ cứu nạn của đạo Phật được thể hiện tích cực sáng ngời trong việc cứu dân cứu nước của Thiền tông Việt Nam dưới thời Đinh, Lê, Lý, Trần.
Truyền thống Phật giáo Việt Nam gắn liền với tinh thần yêu nước của dân tộc, gần đây biểu hiện rõ nét qua ngọn lửa thiêng của Hòa Thượng Quảng Đức, của nữ Phật tử Nhất Chi Mai v.v… Đó là những ngọn đuốc soi đường cho người đi theo chánh pháp, hướng dẫn Phật giáo hòa mình cùng mọi tầng lớp nhân dân đẩy lùi thế lực ác.
Trên bước đường thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh, chúng ta hướng tâm về Đức Phật thường trú, hướng về trí tuệ và đạo đức của Ngài. Chúng sanh nghiệp nặng vô minh ngăn che, không thể tiếp cận được với Đức Phật kết hợp bằng trí tuệ và đạo đức. Nhưng đức Thế Tôn vẫn hiện hữu miên viễn bên cạnh những người mang hạnh nguyện soi sáng giáo pháp vào cuộc sống để mang an vui giải thoát cho mọi người.
Ta kính trọng Đức Phật và đi theo con đường của Ngài vì Phật thể hiện trí tuệ sáng suốt thấy biết đúng như thật. Ta học Phật là học đạo hạnh cao thượng làm lợi ích cho vô số quần sanh. Đạo hạnh này không do tự nhiên mà có, phải nỗ lực tu hành, điều chỉnh thân tâm mới thành tựu.
Phật giáo thời Đinh, Lê, Lý, Trần đã biết thừa kế và phát huy Báo thân Phật, tạo thành nếp sống trong sáng đạo hạnh, luôn luôn gắn bó với cuộc sống an vui hạnh phúc của dân tộc. Nhờ đó mới xây dựng được nền móng, tạo nên sinh khí cho chúng ta ngày nay.
Kế thừa sự nghiệp của cha anh và thiết thực báo ơn Phật, chúng ta phải cố gắng phát triển đạo đức và trí tuệ của Báo thân, để duy trì di sản quý báu của các bậc tiền bối, duy trì Pháp thân tồn tại mãi trên thế gian làm lợi ích chúng hữu tình.