Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 17: Phân biệt công đức

22/05/201313:40(Xem: 10527)
Phẩm 17: Phân biệt công đức

Lược giải Kinh Pháp Hoa

Phẩm 17: Phân biệt công đức

Hòa Thượng Thích Trí Quảng

Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Quảng

I. LƯỢC VĂN KINH

Đức Thế Tôn bảo Di Lặc Bồ tát rằng khi Ngài nói về thọ mạng dài lâu của Như Lai, thì có vô số Bồ tát không thể tính đếm, chứng được vô sanh pháp nhẫn, hoặc văn trì đà la ni, hoặc nhạo thuyết biện tài hoặc chuyển pháp luân bất thoái, hoặc được Vô thượng chánh đẳng giác v.v… Phật nói xong, mưa hoa báu, mưa hương bột chiên đàn, mưa thiên y từ hư không rơi xuống rải trên các phân thân Phật, trên Phật Thích Ca, trên Phật Đa Bảo cùng bốn bộ chúng.
Phật nói với Di Lặc : "Này A Dật Đa, chúng sanh nào nghe Phật thọ mạng dài lâu như thế mà chỉ sanh được một niệm tín giải, sẽ được công đức không thể tính được. Công đức này lớn hơn công đức của người tu năm pháp ba la mật trong tám mươi muôn ức na do tha kiếp.
"Người nào nghe thọ mạng dài lâu của Phật mà hiểu được ý nghĩa sâu xa thì được công đức vô lượng và có thể phát khởi trí tuệ vô thượng của Như Lai. Thọ trì kinh Pháp Hoa và bảo người thọ trì, thì người ấy được vô lượng công đức, có thể sanh nhất thiết chủng trí.
"Người nào sanh lòng tin, hiểu về thọ mạng dài lâu của Phật, người ấy thường thấy Phật ở núi Kỳ Xà Quật nói pháp, thấy Ta bà bằng lưu ly có Bồ tát ở. Tin hiểu được như thế, không cần xây tháp, chùa và cúng dường tứ sự.
"Nếu thọ trì được kinh này và tu thêm sáu pháp ba la mật, tạo tháp, xây chùa, cúng dường, người đó đã đến đạo tràng, gần Vô thượng chánh đẳng giác. Chỗ của người này ở, Trời người phải nên cúng dường như cúng chư Phật".

II. GIẢI THÍCH

Phẩm Như Lai thọ lượng đề ra một Đức Phật lý tưởng của hành giả Pháp Hoa, một Đức Phật bất sanh bất diệt nằm ngoài sự chi phối của tam thế gian. Tất cả Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời cũng chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất, dẫn chúng ta trở về sống với Đức Phật bất tử.
Muốn thấy Phật bất tử thường hằng, hành giả Pháp Hoa cần nương theo pháp tu trong phẩm Phân biệt công đức. Pháp tu này dành cho chúng đương cơ sanh cùng thời với Phật trực tiếp nghe pháp Phật và nương theo Phật Thích Ca hữu hạn ở thế gian, cuối cùng đắc đạo thấy được Phật vĩnh hằng.
Phẩm này, ở phần sau xác định nếu có người nào phát tâm tín giải lời nói của Phật trong phẩm Như Lai thọ lượng, thì được công đức không thể lường được. Chỉ một niệm tâm thôi, không cần suốt đời tu hành mà công đức đã không tính được. Ví như có người trải qua vi trần kiếp tu năm pháp ba la mật : bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trừ trí tuệ ba la mật. Công đức đó so với công đức tín giải không bằng một phần trăm nghìn.
Tuy nhiên, quan sát kỹ trên thực tế, tôi nhận thấy nhiều người tin kinh, nghe kinh và trì kinh Pháp Hoa. Nhưng sao cuộc đời họ èo uột quá, vui ít mà khổ nhiều, khiến cho tôi càng để tâm suy nghĩ về lời Phật dạy. Riêng tôi, chỉ phát khởi niềm tin đối với kinh Pháp Hoa, cuộc đời tôi đã đổi thay tốt đẹp. Và từng bước hiểu được kinh, tầm nhìn, hiểu biết trở nên sáng suốt hơn, tôi giải quyết mọi vấn đề nhẹ nhàng thanh thoát hơn, chưa nói đến công đức nghe kinh và trì kinh.
Tại sao chỉ khởi một niệm tín giải lại được công đức rộng lớn như vậy. Đó là vấn đề chúng ta cần tư duy để thể nghiệm vào cuộc sống tu hành cho được an lạc giải thoát. Chúng ta nhận thấy tu một pháp ba la mật đã quá khó. Ví dụ như chỉ tu một hạnh lạy Phật đến trạng thái ba la mật, đảnh lễ được Phật mười phương như Phổ Hiền Bồ tát "Nhứt thân phục hiện sát trần thân, nhứt nhứt biến lễ sát trần Phật". Vậy mà hành giả thành tựu năm pháp ba la mật, đem so với một niệm tâm tín giải, một chút phần công đức cũng không bằng.
Hiểu được pháp Phật do Bồ tát kiết tập giữ gìn được nói trong phẩm này đã khó và truyền đạt cho người hiểu càng khó hơn. Vì điều ấy không còn nằm trong phạm vi tri thức của thế giới hiện thực.
Đọc phẩm này, chúng ta cảm thấy thật bao la, khó nắm bắt được. Ngày nay, để tạm phân biệt giải thích, chúng ta nương theo phần phán giáo của Ngài Nhật Liên mới diễn đạt được phần trọng tâm của kinh Pháp Hoa.
Theo Ngài, phải đứng ở vị trí Pháp thân mà phân biệt công đức, không phải là phân biệt bằng trí năng của chúng nhân thiên. Công đức ghi trong phẩm này thuộc về công đức của Bồ tát tùng địa dũng xuất tham dự pháp hội ở Thường tịch quang Tịnh độ, nghe pháp của Pháp thân Tỳ Lô Giá Na chuyển.
Công đức này gồm có bốn phần gọi là hiện tại tứ tín. Hàng Thanh văn trực tiếp nghe Đức Thích Ca thuyết pháp, muốn thấy được Phật thường trú vĩnh hằng phải tu chứng, thâm nhập bốn phần công đức của hành giả Pháp Hoa như sau :
1 – Nhất niệm tín giải
Hành giả Pháp Hoa chỉ khởi một niệm tâm cảm được Pháp thân thường trú vĩnh hằng, công đức sanh ra thật là vô lượng, hơn cả người tu năm pháp ba la mật trong vô số kiếp.
Kinh nêu lên pháp tu này mới nghe thật đơn giản. Tuy nhiên, thực tu thực chứng, tìm được một niệm tâm tín giải là cả một vấn đề quá khó, chưa nói đến phần tín giải. Ngài Trí Giả thuyết pháp suốt tám năm tại Kim Lăng cũng chỉ nhằm mục tiêu khơi dậy cho đại chúng bộc phát niệm tâm này, mà không ai được. Ngài phải bỏ về núi Thiên Thai. Ở trên cuộc đời, chỉ có duy nhất Đức Phật Thích Ca tự tìm thấy tâm này. Riêng Thánh chúng, phải nương Phật lực gia bị tu hành mới có được.
Muốn đi vào niệm tâm thanh tịnh, phải sử dụng vô số phương tiện. Thậm chí có lúc hành giả phải lãnh thọ những tai họa lớn để phát hiện điểm tâm nói trên. Tụng kinh, lễ sám, tham Thiền là một trong những pháp phương tiện để tập trung. Cột tâm, gom lại thành một điểm nhằm mục tiêu duy nhất kích thích Phật chủng của chúng ta, làm cho hạt giống Phật nứt mầm lên. Đột nhiên, từ đáy lòng bộc phát mà chính ta cũng không biết được niệm tâm này.Vì ta không thể biết bằng ngũ ấm thân và ta cũng không biết ai làm cho tâm ta thanh tịnh. Bất chợt trong lúc trì kinh hay tham Thiền, nghe pháp, nhờ công đức lực của kinh, trong tâm khởi lên thanh tịnh có sức thu hút giữ con người ngũ ấm của ta không cho nổi lên.
Từ trong bể KHÔNG, hành giả phát hiện được một niệm tín giải, cuộc sống từ đó cũng chuyển đổi theo, từ một người nghèo khổ ngu dốt chuyển thành Bồ tát. Phát xuất từ cùng tột đáy lòng mới thấy và biết được những điều bình thường không thấy biết. Sở đắc này thuộc về phước báo vô lậu ở trong thật tướng các pháp, tạo thành lực dụng không thể nghĩ bàn. Nếu đem so sánh tạm hiểu giống như sức mạnh của nguyên tử. Phật dạy hành giả Pháp Hoa thành tựu niệm tín giải được công đức lớn gấp trăm ngàn lần công đức khác. Tuy nhiên, điều kiện chính yếu là niệm tâm này phải từ thanh tịnh tâm hay Phật tánh, thuộc tri kiến Như Lai phát lên. Nếu khởi từ thức biến, vọng tưởng điên đảo chỉ là tà niệm.
Người có nhân duyên căn lành từ bản tâm thanh tịnh bộc phát, thấy thương Phật đến độ không tiếc thân mạng. Một sự liên hệ mật thiết giữa ta và Phật nhen nhúm từ bản thể, chính ta cũng không biết tại sao. Đó là trạng thái tín giải hay tâm Bồ đề phát từ chơn như tâm, không kiểm soát được, mới sanh ra công đức lạ như văn trì đà la ni. Các pháp nghe qua đều ghi sâu vào tâm ta, không bao giờ quên. Ta nhớ rõ những gì nghe được từ thời thơ ấu hay từ đời trước một cách không sai lầm.
Đạt được một niệm tín giải, cách suy tư và nhìn đời, lý giải của hành giả không giống như trước nữa. Thật vậy, phần lớn chúng ta hiểu lầm ý nghĩa tin kinh, nghe kinh và trì kinh Pháp Hoa. Hành giả tin kinh Pháp Hoa như người tin thần thánh ma quỷ, tưởng rằng van xin cầu nguyện Phật sẽ ban cho chúng ta mọi thứ. Kinh Pháp Hoa không bao giờ dạy như vậy.
Để hiểu rõ vấn đề tín giải, hãy xét ngược lại phẩm Tín Giải ở phần Tích môn. Chúng ta nhận thấy A la hán mới khởi tâm tin Phật và hiểu Phật theo ý riêng của các Ngài, thì đã đắc A la hán. Trong khi trước đó các Ngài khổ công tu mà không được gì. Trường hợp điển hình như năm anh em Kiều Trần Như bỏ cả cuộc đời tìm giải thoát, chẳng hưởng chút pháp phần. Nhưng vừa nhìn thấy Phật từ Bồ đề đạo tràng đến, phiền não trần lao tức thì rơi rụng và đắc quả A la hán.
Điều này cho chúng ta cảm nhận được niềm tin thật quan trọng. Các vị La hán chỉ tin và thấy được Đức Phật sanh thân toát ra uy lực của một con người tràn đầy tri thức, đức hạnh. Các Ngài liền thành tựu pháp lành, hưởng thọ quả vị cung kính cúng dường của mọi người. Thánh quả này có được là nhờ nương bóng mát của Phật.
Sau khi tin sanh thân Phật và trở thành La hán, các Ngài thấy được thân thứ hai của Phật là Báo thân. Thấy Báo thân và tin Báo thân, nghĩa là niềm tin của bốn đại đệ tử Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Ca Diếp và Mục Kiền Liên. Các Ngài tin những gì trước kia chưa thấy chưa tin.
Thấy và tin được Báo thân Phật, các Ngài trở thành Bồ tát. Và từ đây tu hành dưới dạng Bồ tát, không còn tu ở dạng Thanh văn thường đặt nặng trên hình thức. Giữa các Ngài và Phật có sự liên hệ thâm sâu về tâm. Bên ngoài thấy lạnh lùng, nhưng bên trong là cả một sức sống mãnh liệt nối liền các Ngài và Phật. Nhờ lực vô hình đó mới duy trì được Tăng đoàn.
Tu dưới dạng Báo thân, các Ngài cố rèn luyện đức tánh. Các Ngài thấy rõ Đức Phật cũng là con người, nhưng tại sao được kính trọng. Phải chăng giữa ta và Phật chỉ khác nhau ở lời nói, suy tư, hành động, còn bên ngoài sanh thân thì ai cũng như ai. Những nét đẹp và điều đáng quý trọng phát xuất từ tâm hồn Phật thể hiện ra bên ngoài thành 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, cho đến việc làm, đạo đức, trí tuệ của Phật vẹn toàn. Hình ảnh này được kinh Pháp Hoa diễn tả bằng câu "Nhất thiết thế gian tư sanh sự nghiệp".
So sánh như vậy lần hồi hành giả thấy được Báo thân Phật là cái gì quý giá nhất. Từ đó, sửa đổi trau giồi trí tuệ, giới đức để đạt được Báo thân như Phật. Nhận chân được thân giới đức, mạng trí tuệ, hành giả luôn sống với giới thân huệ mạng này. Vì vậy, hành giả nuôi dưỡng nhục thân để phát hiện và tăng trưởng thân giới đức trí tuệ của mình, không phải để lệ thuộc nó.
Phát huy Báo thân đến độ cao, hành giả Pháp Hoa sử dụng thân tự tại, hiện hữu sáng ngời trong tam giới làm kiểu mẫu cho người noi theo, như Tổ Quy Sơn dạy "Vãng lai tam giới chi tân, xuất một vị tha tác tắc".
Phật dạy các Tỳ kheo đoạn trừ ba nghiệp sát, đạo, dâm, tự nhiên hảo tướng sanh ra. Điều này cũng dễ cảm nhận vì đối trước một người ưa sát hại, tất nhiên ai cũng sợ. Thấy người chuyên trộm cắp, ai cũng phải nghi ngờ. Và thấy người hay loạn dâm khiến người dễ ghê tởm.
Ngoài việc đoạn ba nghiệp của thân, hành giả dứt trừ bốn nghiệp của miệng : nói dối, nói thêu dệt, nói hai chiều, nói lời hung ác. Trong suốt cuộc đời giáo hóa của Phật, lời nói của Ngài luôn chính xác và đệ tử Phật chứng Hiền vị đều do khẩu nghiệp thanh tịnh. Từ Tu Đà Hoàn đến A Na Hàm tu khẩu nghiệp, ít nói nên ít lỗi, mới được coi là người hiền trên thế gian.
Tuy hiền, nhưng tâm chưa sáng suốt, hành giả phải tu ba nghiệp của ý. Bên ngoài hoàn toàn thanh tịnh, hành giả bắt đầu kiểm tra bên trong tâm, xem còn kẹt tham sân si không. Phật dạy rằng động cơ nội tâm mới thật quan trọng. Nếu thật sự không còn ham muốn, chắc chắn không giận. Nếu còn giận hay buồn, biết mình còn nhiều lòng tham. Trên bước đường hành đạo, mọi quyền lợi (kể cả tình bạn) rời bỏ ta, đó là cơ hội tốt nhất để kiểm tra lòng mình còn vướng mắc tham sân hay không.
Tâm hoàn toàn vắng lặng, ba nghiệp tham sân si không còn, hành giả sẽ nhìn vật chính xác. Các vị La hán đoạn sạch ba nghiệp thân khẩu ý, Phật dạy phải hành sáu pháp ba la mật thuộc phần giác tha. Phật đã trải qua 100 kiếp tu hành đạo Bồ tát làm lợi ích chúng sanh, họ mới sanh tâm kính trọng Ngài. Và chính nhị vạn, bát vạn, bát thập vạn ức na do tha Bồ tát đến nghe pháp ở hội Pháp Hoa, đều chịu ơn tế độ của Phật. Bồ tát mười phương tu lục độ vạn hạnh ở giai đoạn hai, có làm mới có kết quả. Nhưng đến giai đoạn ba, đối với Bồ tát tùng địa dũng xuất thuộc Bồ tát thị tùng Pháp thân Phật, Đức Phật cho biết các Ngài không làm mà vẫn có kết quả. Vì tác dụng của Bồ tát lúc bấy giờ là tri thức, không căn cứ trên hành động. Đó chính là vấn đề mà phẩm này đặt ra.
Các Bồ tát Báo thân Phật làm việc bằng tay chân, trải qua 80 muôn ức na do tha kiếp tu năm pháp ba la mật mà bỏ quên trí tuệ ba la mật, không bằng Bồ tát tin được Đức Phật thọ mạng trường viễn.
Trước đó trong phẩm Hiện Bảo tháp, Phật có nói tu kinh Pháp Hoa này khó hơn người mang cỏ khô vào lửa không bị cháy hay người dùng ngón chân nâng quả địa cầu bay tới trời Phạm Thiên. Những việc làm bằng hành động như vậy không quan trọng, nhưng điều động việc bằng trí tuệ mới thực sự quan trọng. Thật vậy, chúng ta ngày nay làm việc bằng cơ giới, dễ nhìn thấy tầm quan trọng của tri thức. Mọi việc làm thiếu trí tuệ chỉ đạo, dễ rớt qua hành động ngu xuẩn, sẽ trở thành tác hại nguy hiểm.
Để chỉ Pháp thân vĩnh hằng, Bát Nhã gọi là bát bất (bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm, bất thường, bất đoạn). Theo tinh thần Pháp Hoa gọi là tứ phi : phi thật, phi hư, phi như, phi dị. Phật thuyết pháp bát bất và tứ phi, gần như phủ nhận hoàn toàn thế giới hiện tượng của chúng ta. Rõ ràng trên bước đường hành đạo, Phật không quan tâm đến tổ chức giáo đoàn và cũng khuyên đệ tử như thế. Tuy nhiên, giáo pháp của Ngài vẫn lưu truyền mãnh liệt hơn 25 thế kỷ, một tôn giáo tồn tại lâu nhất với tín đồ đông nhất, mà không nhờ vào tổ chức, toan tính như thông thường. Ngày nay, không nơi nào không có ít nhất một bàn thờ Phật hay một người nghĩ về Ngài.
Tồn tại của đạo Phật nằm trong tư duy của con người, trong ý thức quan tâm của nhân loại. Tồn tại dưới hình thức tứ phi, không thấy, không kiểm soát được. Tuy sinh hoạt của đạo Phật rất bình thường, nhưng không thế lực nào tiêu diệt được, dù trải qua bao nhiêu thời đại, bao nhiêu khó khăn. Muốn thấy được sự vật theo trí thường cùng lắm chỉ thấy chùa. Trong khi sức sống tương tục của Phật giáo không giới hạn ở điểm đó. Người ngoài khó hiểu được là vậy.
Từ điểm này, chúng ta mới thấy trung đạo đệ nhất nghĩa trong bát bất của Bát Nhã và thường trụ tướng trong tứ phi của Pháp Hoa. Phủ nhận theo "8 cái Không" của Bát Nhã hay theo "4 cái không phải" của Pháp Hoa, đưa đến "cái phải" không thể chứng minh mà Pháp Hoa thường diễn tả là "Các pháp từ bổn lai, tướng thường tự vắng lặng, Phật tử hành đạo rồi, đời sau được thành Phật".
Hiểu được tồn tại qua tứ phi, hành giả tin vào tồn tại nằm ngoài tứ phi. Tin và sống với thường trụ tướng thì công đức tin đó lớn hơn công đức trải 80 muôn ức na do tha kiếp tu năm pháp ba la mật. Và đã đạt đến hiểu biết nằm ngoài hiểu biết của chúng sanh trong tam giới. Tu năm pháp ba la mật, không giải quyết vấn đề trên thường trụ tướng, mà chỉ đứng trên căn bản sanh diệt tướng, nên không thể tồn tại với thời gian.
Sự tồn tại miên viễn được Phật diễn tả trong phẩm Như Lai thọ lượng rằng từ khi thành Phật đến nay, Ngài thường ở Linh Thứu nói pháp, chúng sanh có người thấy được, có người không thấy. Lúc nào cũng có Phật hiện hữu bên cạnh chúng ta, khi ta vào sanh tử thọ sanh cũng có Phật và khi ta mãn phần cũng có Ngài, nhưng ta không thấy.
Nhận chân được cốt lõi này, vấn đề tâm huyết của hành giả Pháp Hoa là phải tìm thấy được Phật thường trú vĩnh hằng và sống với Đức Phật này.
Hàng Thánh chúng trực tiếp nghe Phật nói pháp "một niệm tín giải" khởi lên từ Phật tánh của các Ngài, thì cuộc sống, tâm tư, hoàn cảnh các Ngài hoàn toàn đổi khác. Từ đây, ảnh hưởng đến con người thứ hai, giúp các Ngài chỉ tái sanh một lần nữa.
2 – Liễu giải
Liễu giải phát xuất từ niềm tin thanh tịnh ban đầu vừa nói ở phần trên. Từ mầm chơn tâm bung lên, tự nó phát triển, nên pháp thứ nhất thành tựu, tự nhiên đạt được pháp thứ hai. Sau khi khởi niệm tâm này, cuộc sống hành giả tươi nhuận, phát hiện ra những điều không nằm trong tri kiến thế gian, hiểu không giống cái hiểu của con người.
Liễu giải này thuộc về vô lậu trí do tu hành hiểu được Pháp thân Phật và phương cách tu của Pháp thân Bồ tát. Đó là pháp vô vi, pháp bí yếu của Như Lai, không dùng lời nói chỉ được. Nhờ sự liên hệ với Phật bất sanh bất diệt mỗi ngày mỗi tăng trưởng, khai mở tri kiến Như Lai và dẫn đến làm được việc Như Lai giao phó, để chuẩn bị thành Phật, là giai đoạn thuyết pháp thứ ba.
3 – Thuyết pháp
Hành giả truyền bá kinh Pháp Hoa theo tinh thần phẩm này, nhận được Phật lực truyền vào và thể hiện thành chuyển pháp luân bất thoái, chuyển pháp luân thanh tịnh. Hành giả thuyết pháp dưới mọi dạng thức, thân miệng ý đều diễn nói được pháp. Hành giả thể hiện tam pháp luân, nói năng hay yên lặng đều là bài pháp sống khiến người lìa trần cấu, tăng tấn đạo Bồ đề, an vui giải thoát và thâm nhập huệ Như Lai.
Khi hành giả trụ thiền định ở nơi vắng lặng, hướng tâm vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Các loài này nhớ tới họ, trong một niệm liền được giải thoát gọi là ý thuyết pháp. Hoặc hành giả trụ thiền, yên lặng nhưng tỏa sức sống cho người chung quanh được nhẹ nhàng vui sướng, thể hiện hình thức thân chuyển pháp luân.
Hoặc hành giả hóa độ dưới trạng thái tịch nhi thường chiếu. Tuy yên lặng không thuyết pháp nhưng vẫn truyền bá bằng Pháp thân Bồ tát. Pháp thân Bồ tát thanh tịnh tác dụng qua tâm Bồ đề của chúng sanh, đến ngày nào đó tự nhiên họ phát tâm. Và pháp sau cùng thấp nhất, thể hiện bằng cách đem lời Phật dạy diễn giảng cho người nghe phát tâm Bồ đề, là khẩu chuyển pháp luân.
Ba điều kiện này chưa thành tựu, dù có ngay thật diệu hòa cũng chỉ là pháp thế gian, không bao giờ thấy Phật thường trú vĩnh hằng.
4 – Thành tựu được ba pháp trên đưa đến hoàn tất công đức thứ tư lên tòa Như Lai chứng Vô thượng đẳng giác, thấy được thật tướng các pháp, chứng vô sanh nhẫn. Hành giả hiểu được giá trị thực của cuộc sống, thấy được việc đáng làm và không nên làm. Ở Phật giới quan sát thấy đúng như thật, điều động Phật sự khế hợp với Phật, hành giả trở thành sứ giả Như Lai, hàng Bồ tát đương nhiên mật tá.
Trên bước đường tu, từ ngoài đi lần vào, phát hiện Pháp thân Bồ tát và chứng Pháp thân Phật. Bốn việc nêu trên, Bồ tát tùng địa dũng xuất tin được, thể hiện được vì các Ngài đã đạt đến trình độ này. Riêng Bồ tát nhân gian và Bồ tát hành đạo mười phương khó tin khó hiểu điều ấy, Phật khởi tâm thương xót cho những người không trực tiếp nghe được Phật trong Thường tịch quang Tịnh độ, Ngài mới nói tiếp phần diệt hậu ngũ phẩm ở phẩm 18 kế tiếp.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567