Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 4: Tín giải

22/05/201313:35(Xem: 10468)
Phẩm 4: Tín giải

Lược giải Kinh Pháp Hoa

Phẩm 4: Tín giải

Hòa Thượng Thích Trí Quảng

Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Quảng

I. LƯỢC VĂN KINH

Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Đại Ca Diếp, Mục Kiền Liên thấy Phật thọ ký cho Xá Lợi Phất, liền bạch Phật cảm nghĩ của các ông. Trước kia các ông dù đứng đầu trong hàng Tăng, tuổi đã già, nên đối với đạo Vô thượng chánh đẳng giác không hề ưa thích. Nay được biết hàng Thanh văn cũng thành Phật, tự nghĩ mình không cầu, mà được pháp báu vô giá.
Ví như có người lúc thơ bé bỏ cha trốn đi, qua mấy mươi năm trôi giạt. Trong khi đó người cha giàu có, tiền của đầy kho, ông thường mong được gặp các con để giao gia tài sự nghiệp. Một hôm, gã cùng tử tình cờ đến nhà ông. Nhìn thấy ông quá sang trọng, anh ta hoảng sợ, liền bỏ chạy trốn. Nhưng ông đã nhận ra cùng tử là con mình, nên sai hai người rượt bắt. Gã cùng tử bị bắt, ngã xuống ngất xỉu. Ông ra lệnh "Lấy nước rưới lên mặt cho gã tỉnh, rồi thả đi". Sau đó, ông sai hai người tiều tụy, mắt chột chân què đến chỗ gã ở để rủ làm thuê hốt dọn phân rác. Anh ta nghe trả tiền gấp đôi, liền nhận hốt rác ở phía sau nhà ông trưởng giả.
Nhìn thấy con cực khổ, ông thương xót vô cùng. Ông thay quần áo sang trọng, mặc đồ thô rách, tay cầm đồ hốt phân, đến gần đứa con. Một hôm, ông bảo "Con nên tiếp tục làm việc, ông trả tiền thêm, có cần thứ gì ông sẽ cấp cho và nên coi ông như là cha".
Lòng gã rất vui mừng, nhưng vẫn nghĩ mình là người làm công hèn hạ. Ít lâu sau, ông gọi gã đến, giao cho quản lý gia tài và được quyền thu xuất đồ đạc trong nhà. Gã rất chu toàn công việc, nhưng vẫn tiếp tục ở chỗ cũ. Trải qua một thời gian, ông trưởng giả biết mình sắp chết liền họp thân tộc và tuyên bố trước mọi người rằng : "Gã cùng tử này là con ta, đã bỏ đi từ lúc thơ ấu. Nay được gặp lại, ta giao gia tài cho nó". Người con tự nghĩ việc không mong cầu mà được.
Kể xong, Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Ca Diếp, Mục Kiền Liên bạch Phật : "Ông trưởng giả ví như đức Như Lai, chúng con giống như gã cùng tử. Chúng con vì ba thứ khổ ở trong sanh tử, đau đớn mê lầm. Chỉ ham ưa pháp Tiểu thừa, làm công việc quét dọn phân nhơ và tự hài lòng với "cái giá một ngày" đạt được. Đức Như Lai không hề nói chúng con có kho tàng tri kiến, vì Ngài biết ý chí chúng con thấp hèn. Chúng con không biết mình là con của Như Lai, không mong tiếp nối pháp Đại thừa. Đức Như Lai phải dùng phương tiện thuận theo chúng con mà chỉ dạy. Nay tạng báu không cầu mà tự nhiên được".

II. GIẢI THÍCH

Bốn vị đại đệ tử Ca Diếp, Mục Kiền Liên, Ca Chiên Diên, Tu Bồ Đề nghe xong thí dụ nhà lửa bằng tánh linh. Các Ngài lãnh hội được yếu chỉ của Phật nói trong phẩm Thí dụ và lý giải sự thấu hiểu của các Ngài trên căn bản niềm tin, nên phẩm này mang tên là TÍN GIẢI.
Tín nghĩa là tin, giải là lý giải. Người chỉ tin suông dễ sai lầm, lạc vào đường tà kiến mê tín, đưa tới sa đọa trầm luân. Ngược lại, giải giáo lý Phật không bằng niềm tin, thì đời đời kiếp kiếp vẫn mang thân phận con người; vì chỉ sống theo nghiệp lực và kiến chấp thế gian. Pháp Phật không tươi nhuận tâm hồn, nên vẫn luôn đau khổ.
Bốn vị đệ tử Phật nương theo pháp Tiểu thừa tu tập, đắc pháp, không bị vật chi phối và an trụ quả vị Niết bàn giải thoát, không mong cầu gì hơn. Các Ngài tưởng đó là pháp chân thật. Đến hội Pháp Hoa mới thấy sự hiểu biết và chỗ trụ này chưa phải rốt ráo viên mãn. Các Ngài giác ngộ rằng sự bình ổn có được là nhờ Đức Như Lai che chở tạo nên. Khi thấy Phật thọ ký cho Bồ tát thành Phật, hàng Thanh văn không bao giờ dám nghĩ mình cũng thành Phật. Họ chỉ muốn theo hầu Phật. Hôm nay, thấy Phật thọ ký cho Thanh văn và tất cả mọi người thành Phật, các Ngài bừng sáng, nói lên sự tỉnh ngộ của mình qua thí dụ cùng tử và nhờ Phật xác định sự hiểu biết này có đúng không.
Có Phật ấn chứng, mọi việc coi như đúng vì Ngài thấy suốt được các pháp trong ba đời. Phật đưa ra dụ nhà lửa và bốn vị đệ tử đáp lại bằng dụ cùng tử, thể hiện mối liên hệ cảm thông sâu sắc giữa Ngài và các đệ tử. Dụ nhà lửa tiêu biểu cho nhà Phật pháp do Như Lai sáng lập. Khi Ngài bỏ đi hay diệt độ, nhà thành cũ mục. Con cháu trong nhà trở nên hư hỏng, ám chỉ hiện tượng yếu kém của đệ tử Phật ở thời mạt pháp.
Ngược lại, trong dụ cùng tử, người chủ không bỏ đi. Nhà mục nát không phải do thiếu chủ, mà chính người con bỏ cha trốn đi. Đến đây, ta thấy rõ tuy cùng là pháp Phật, nhưng đứng dưới hai góc độ thấy khác nhau. Một đằng là cha bỏ đi, một đằng là con bỏ đi, mở ra cho chúng ta hai quan niệm về pháp, cuối cùng sẽ được kết lại trong phẩm Như Lai thọ lượng.
Câu chuyện cùng tử đọc qua thấy đơn giản, nhưng mỗi thí dụ hàm chứa ý nghĩa quan trọng gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Ngài Thiên Thai tìm thấy trong câu chuyện này toàn bộ giáo lý 49 năm thuyết pháp của Đức Phật và chia giáo lý thành ngũ thời bát giáo. Riêng chúng ta đọc phẩm này, đứng ở lập trường nào để hiểu cuộc đời Phật, hiểu sự tu hành của Ngài ? Về phần tôi, rút kinh nghiệm tu chứng của các vị Thánh Tăng đi trước, tạo cho mình một kiến giải riêng. Và tất cả quý vị mỗi người cũng thấy theo nhãn quan khác nhau, để cuối cùng chúng ta tiến đến quả vị Vô thượng chánh đẳng giác.
Trong dụ cùng tử, bốn vị Ca Diếp, Mục Kiền Liên, Ca Chiên Diên, Tu Bồ Đề thổ lộ với Phật khi các Ngài từ ngoại đạo trở về, đối trước sự cao sang của Đức Phật, các Ngài cảm thấy thân phận mình hèn mọn như gã cùng tử. Tâm niệm đó của Thánh chúng cũng là tâm niệm của chúng ta thấy ước mơ thành Phật của mình quá xa vời, khi so sánh vị trí của mình và Đức Phật cách nhau một trời một vực. Đức Phật xuất thân từ hàng vua chúa đầy đủ uy quyền, lại thông minh xuất chúng, hiểu biết siêu việt. Thấy Ngài cao quý bao nhiêu, chúng ta cảm thấy mình càng thấp hèn bấy nhiêu. Đức Phật hàng phục chúng ma, truyền bá giáo pháp quá dễ dàng. Trong khi chúng ta hành đạo, đối đầu với biết bao khó khăn chướng ngại. Giải quyết được là cả một vấn đề không đơn giản cho ta.
Tâm niệm của bốn vị La hán hồi tưởng lại thời vàng son của mình đã từng sống giải thoát ở chân như môn. Vì một niệm bất giác vô minh nổi dậy, khởi phiền não trùng trùng điệp điệp bao vây, xúi các Ngài rời bỏ thế giới an lành của chư Phật, lao đầu vào trần thế. Mang thân người, phải khổ với căn trần thức của mình, là những thứ hoàn toàn ngăn che chơn tánh. Khổ với sanh già bệnh chết đày đọa nổi trôi trong sáu nẻo luân hồi.
Gã cùng tử bỏ cha trốn đi, 50 năm làm thuê mướn, sống thật khổ sở, nói lên tâm trạng các vị Thánh chúng rơi vào trần ai. Sống với huyễn vọng trải 50 năm ở trong ngũ thú, thay hình đổi dạng không biết bao lần. Và nay kẹt cứng với ngũ ấm thân, nhưng tâm niệm cầu giải thoát không mất. Họ theo tu học với ngoại đạo khổ cực, kết quả chẳng được bao nhiêu. Trong thời gian dài, họ bị giới cấm thủ buộc chặt, tâm vướng mắc trong tà pháp, trở thành đoạn trí. Tuy nhiên, nhờ căn lành đời trước, họ nhớ lại man mán, dù không gặp Phật, vẫn có chí hướng thượng đi tìm đạo. Đây là ý thứ nhất đối với việc bỏ cha trốn đi của hàng Thánh chúng.
Tuy nhiên, theo kiến giải của Đại thừa, việc bỏ cha trốn đi mang ý nghĩa rộng hơn, nhằm chỉ cho mọi người hiện hữu trên cuộc đời. Nếu nhìn tất cả dưới dạng bản thể, đều hoàn toàn giống nhau, nguyên tố tạo hình giống nhau. Nhưng từ bản thể giới khởi lên hiện tượng giới, mang hình dáng và và tâm trạng khác nhau, tùy theo nghiệp cảm.
Không riêng gì bốn vị La hán, chúng ta đều có Phật tánh hay chơn tánh. Chúng ta tự rời bỏ bản vị thanh tịnh của mình, lăn vào sanh tử, nhận lầm khổ đau là hạnh phúc, từ đó phiêu trầm trong sanh tử. Nếu hành giả lắng tâm suy tư, sẽ nhận rõ được chẳng những nhiều đời bỏ cha trốn đi. Thậm chí trong một ngày, chúng ta đã rời bỏ chơn tâm, chạy theo vọng trần vô số lần. Bỏ Phật trốn đi cả trăm lần, xa rời bản tánh thanh tịnh, xa rời Đức Phật thường trú bất sanh bất diệt ở trong tâm chúng ta.
Từ bất sanh bất diệt hiện lên sống với sanh diệt, càng lăn lóc trong sanh diệt càng triền miên đau khổ với bao điều bất như ý. Vì chúng ta giải quyết việc trong sanh tử, dù có giải quyết thế nào cũng chẳng khác gì giải quyết trong chiêm bao. Thật vậy, chúng ta hiện hữu trên cuộc đời, tìm đáp số cho mọi vấn đề theo phán đoán của căn trần thức, thì khi nhắm mắt lìa đời, phần sắc chất của thân ngũ uẩn mất đi. Phần thọ, tưởng, hành, đương nhiên mất theo. Chỉ còn lại phần thức, là hồn ma bóng quế. Nhưng sau 49 ngày, thức cũng tan biến vì thiếu sức nuôi dưỡng. Nếu người thế gian còn nghĩ đến, liên hệ với nó, thức sẽ sống lâu hơn thành quỷ. Thức không phải là chơn tánh. Khi mang thân phàm phu, chúng ta sống luân chuyển xoay vần, không vượt ra ngoài thân ngũ uẩn. Chết chỉ còn mang theo nghiệp thức đi thọ báo.
Như vậy, từ vô thỉ đến nay, chúng ta sống lẩn quẩn, trong mỗi đời nuôi thức cho lớn thêm, làm hành trang đem theo qua kiếp sau. Mỗi lần tái sanh mang thêm khổ mới. Cứ như vậy lang thang nhiều kiếp trong sanh tử. Và cuối cùng, các vị này tu hành theo ngoại đạo. Nhưng cuộc đời họ cũng không khá hơn. Trở về với thân phận của chúng ta, có bao giờ quý vị nghĩ rằng trước kia mình đã từng ở trong pháp hội các đức Như Lai hay không ?
Đức Phật dạy rằng sanh làm người khó, gặp Phật pháp khó, hiểu Phật pháp càng khó và sống trong pháp Như Lai càng khó hơn nữa. Quý vị đã được hai điều khó có và giờ đây trong khi bao nhiêu người còn mãi bôn ba với lợi danh, quý vị bằng tất cả nhiệt tình đến nghe pháp. Điều này chứng tỏ giữa chúng ta và Đức Phật đã có mối liên hệ sâu xa. Những lúc lắng lòng, thấy nhiều kiếp quá khứ chúng ta đã từng xuất gia. Nhưng vì vô số lý do, ta đã từ bỏ đạo để đi vào sanh tử, trở lại mang thân người đau khổ. Tuy đau khổ mà hột giống bồ đề vẫn còn âm ỉ, nên có sức thu hút quý vị trở về chùa tu tập nghe pháp.
Riêng tôi, trên bước đường tu, thường luôn an trụ trong pháp, vui sống với lý tưởng Phật dạy. Còn những người bạn đồng hành với tôi, tuy thân sống trong chùa mà tâm buồn chán. Ở trong chốn giải thoát, không hưởng được pháp nhũ Như Lai. Vì vô minh vọng động che lấp, bỏ áo Phật ra đi, biến đổi cuộc đời mình thành xấu, làm thuê mướn thật khổ sở, chẳng khác gì gã cùng tử.
Từ kinh nghiệm thực tế cuộc sống, nhìn vào pháp giới, thấy những người có cảm tình với đạo Phật, chúng ta biết họ đã tu trong kiếp quá khứ. Nhờ nhân duyên căn lành này, đưa họ trở về đạo. Nhân duyên mỗi người đến với đạo khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn những người cùng đường tuyệt mạng, mới đến với Phật. Vì bao lâu còn hy vọng phấn đấu với cuộc đời, thì họ còn ra sức phấn đấu, vui vẻ dạo chơi trong sanh tử.
Về phần tôi, thuở bé, mới 6 tuổi đã biết chán đời kinh khủng. Ý niệm chết luôn ám ảnh tôi. Xuất gia đến với Phật, tôi chỉ cầu bất tử. Mang tâm niệm quyết lòng tìm cuộc sống trường cửu có ý nghĩa, ở chùa, tôi tiếp nhận được đời sống bình ổn kỳ diệu trong pháp Phật. Tâm trạng tôi không khác gì tâm trạng cùng tử của Ngài Ca Diếp, Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Mục Kiền Liên, lang thang cầu đạo khắp nơi, mỏi gối chồn chân, chỉ gặp tà sư ác hữu, chẳng được gì đáng kể.
Sau cùng, các Ngài dừng chân phiêu bạt dưới bóng mát an lành của Đức Thế Tôn, tìm được cái thường hằng bất biến vượt ngoài sanh tử và ôm chiếc phao Phật pháp này mặc cho dòng đời trôi. Đến với đạo bằng tư cách Bồ tát mang tâm lượng đại bi cứu khổ chúng sanh như Duy Ma, Văn Thù hay Quan Âm Bồ tát có vô số phương tiện, thừa sức giáo hóa chúng sanh. Chắc chắn khác với tư cách cùng tử của Thanh văn hay thân phận thấp kém của tôi. Thuở mới tu, tôi chỉ nghĩ đến cứu bản thân mình, không lo cứu người. Suốt quá trình hơn 20 năm, tôi ít tiếp xúc với người ngoài, một lòng chuyên ẩn mình tu học.
Tuy cùng tử bỏ cha, nhưng người cha vẫn nhớ con, chạy đi tìm, ví cho Đức Phật ở thế giới thanh tịnh đẹp đẽ Thật báo trang nghiêm. Vì thương chúng sanh, Ngài trở lại thế giới Ta bà, mang thân phàm phu giống mọi người. Người cha tìm con không gặp, liền ở lại một thành. Ông vốn là người thông minh và có sẵn vốn liếng; chỉ ít lâu sau, ông trở thành giàu có. Cũng như Đức Phật, với phước đức tu tạo, tích lũy từ vô lượng kiếp mà hiện thân con người phàm. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ngài đã đạt được quả vị Vô thượng giác. Sự nghiệp lớn lao của trưởng giả thâu phát của cải, ngầm chỉ cho lực của Thích Ca Như Lai liên hệ được với mười phương chư Phật và vô số Bồ tát, tạo thành Hoa Tạng thế giới tràn đầy của báu.
Qua một thời gian dài cực khổ lang thang sinh sống, người con tình cờ đến chỗ cha ở. Nghĩa là lao đầu vào sanh tử, sống lâu trong đó thành quen, tưởng mình là người sanh tử đánh mất bản tâm. Bất chợt trở lại vị trí xưa của mình ở giải thoát môn, thấy mình hoàn toàn khác, không nhận ra được nên sanh hoảng sợ ngất xỉu.
Hình ảnh người con ngẫu nhiên gặp cha trên bước đường tha phương cầu thực cũng nói lên giai đoạn các trưởng lão tu chứng đắc tứ thiền. Bỗng nhiên thấy được thế giới Thật báo của Đức Phật và Ngài đang thuyết kinh Hoa Nghiêm. Các vị này gặp Phật tràn đầy uy đức trong Tỳ Lô Giá Na lâu các của hội Hoa Nghiêm với vô số Bồ tát thần thông biến hóa không lường, nên cảm thấy khiếp sợ, không khác gã cùng tử gặp trưởng giả ngồi tòa sư tử có lọng báu, người hầu. Đến đây nói lên sự khác biệt lớn lao giữa quả vị chứng đắc của ngoại đạo và Phật đạo.
Trước kia, ngoại đạo dạy họ muốn đắc quả phải ép thân xác tu khổ hạnh. Nay bước vào thế giới Thật Báo của Như Lai thấy hoàn toàn khác. Như Lai không mang thân ốm yếu nghèo khổ. Ngài có thân biến hóa không cùng, đầy đủ phước đức trí tuệ. Ngài không phải là người đoạn trí mà là Nhứt thiết chủng trí, biết tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, không giống hiểu biết cục bộ của ngoại đạo chưa ra khỏi tam giới. Năng lực của Như Lai làm được tất cả, chuyển được mọi vật theo ý muốn, không phải bỏ tất cả như ngoại đạo để trở thành con người bất lực.
Họ sợ ngất xỉu, vì nghĩ rằng tu chỉ cần phủi sạch mọi việc trần thế là đủ. Nay lạc bước vào thế giới Hoa Nghiêm, nghe Đức Phật dạy Bồ tát rằng muốn tu phải thông tất cả pháp và độ tất cả chúng sanh. Giống như Thiện Tài đồng tử hành đạo tự tại trong những cảnh giới xấu ác, lòng vẫn an nhiên.
Đứng trước cảnh Thật Báo lộng lẫy và hành trang là giáo lý Hoa Nghiêm, các vị Thanh văn giống như gã cùng tử hèn hạ, vội bỏ chạy về xóm nghèo. Ý này ví cho việc các Ngài đã trở lại an trú thế giới tứ thiền.
Trưởng giả thấy biết người này là con, nhưng con không biết cha. Nghĩa là đứng trên bản tánh ở lập trường giác ngộ, Đức Phật nhìn thấy những người đệ tử đáng thương hại, có đủ điều kiện trở thành Như Lai, mà không chấp nhận khả năng giải thoát của mình; lại tự ràng buộc bằng cách sống với vô minh, chấp lấy nhận thức sai lầm của căn trần thức.
Ông trưởng giả biết gã này là con, liền sai người hầu cận đuổi theo bắt. Hay đó là hình ảnh Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền đem giáo pháp Hoa Nghiêm đến truyền trao. Mới tiếp nhận giáo pháp vô thượng, các Ngài choáng váng ngất xỉu, kêu oan. Vì hàng Thanh văn với ý chí hạ liệt, chẳng những không mong cầu, mà còn kinh sợ giáo lý Đại thừa. Theo Ngài Trí Giả, điểm này tiêu biểu cho thời kỳ đầu, Đức Phật thuyết kinh Hoa Nghiêm nói về Tỳ Lô Giá Na Pháp thân, tổng hợp giữa trí chân thật và pháp chân thật. Một trạng thái tu chứng quá cao siêu của Đức Như Lai, làm thế nào chúng sanh ở trong sanh tử hiểu được. Ở pháp hội Hoa Nghiêm, Đức Phật độ các Bồ tát mười phương dưới dạng tâm như Văn Thù, Phổ Hiền, Duy Ma đầy đủ tư cách tham dự. Hàng Thanh văn không thể nào bước chân vào cảnh giới tâm chứng giải thoát của Bồ tát.
Trưởng giả sai lấy nước tạt vào mặt gã cùng tử cho tỉnh và thả đi. Ý nói các Thanh văn trở về an trú trong vỏ ốc của cảnh giới tứ thiền, cảm thấy an ổn không dám ra ngoài nữa. Ở cảnh giới bất tư nghì của hội Hoa Nghiêm với hiện hữu của Bồ tát mười phương, Thanh văn không liễu ngộ được. Hay nói cách khác, không có chúng Thanh văn. Đức Phật trở về cuộc sống bình thường của Sa môn, đến Lộc Uyển độ năm anh em Kiều Trần Như thì bắt đầu có đệ tử hữu hình trên cuộc đời.
Để thuận theo pháp tu khổ hạnh đã có trước, Phật cũng mặc áo phấn tảo, mang bình bát đi khất thực, ngày ăn một bữa, ngủ dưới gốc cây. Ngài sống với hạnh đầu đà, không ai có thể chịu khổ cực hơn Ngài, khiến mọi người khâm phục, tu theo. Trong thời gian này gọi là chuyển pháp luân hai, Phật khai phương tiện môn nói kinh A Hàm, giải thích Tứ Thánh đế, chỉ rõ vô số khổ của con người trên cuộc đời. Mọi người thấy đúng tâm trạng của họ, họ liền chấp nhận dễ dàng. Riêng đối với đại Bồ tát thâm nhập thế giới giải thoát, thì không gợn chút mảy trần đau khổ.
Kinh nói trưởng giả sai hai người chột mắt và què chân dụ dẫn cùng tử về, nhằm diễn tả pháp tu của Thanh văn, Duyên giác được Phật dạy để tương ứng với tâm trạng và khả năng của hàng nhị thừa. Trong suốt 12 năm triển khai pháp Tứ đế và Thập nhị nhân duyên, Phật độ được 1200 vị đắc quả A la hán và 2000 vị trụ tam Hiền. Ngài đưa ra hai pháp tu cho hàng nhị thừa là Thanh văn, Duyên giác. Kinh ví như hai người tiều tụy, một người chột, một người què. Trước tu theo ngoại đạo khổ cực, chỉ trụ được tứ thiền. Nay về nhà trưởng giả làm việc hèn hạ hốt phân, lại được trả lương gấp đôi. Nghĩa là theo Phật chứng được Niết bàn, hoàn toàn tự tại, không phải trốn cuộc đời, an nhiên sống trong trần thế, không bị phiền lụy chi phối.
Chột mắt chỉ cho pháp tu của hàng trụ định La hán, tin Phật dạy thế nào, làm y theo như vậy. La hán đi khất thực, người nhìn thấy cũng phát tâm thương kính. Nhưng thực chất bên trong của họ không phải là Phật, nhờ mặc áo Phật, làm theo việc của Phật, cũng được giải thoát, tiêu biểu cho hình ảnh Thanh văn đến với Phật. Riêng chúng ta ngày nay, tụng kinh nhưng chưa hiểu nghĩa lý, vẫn cảm thấy an lành thanh thản là tu mò, hay là người chột làm vua trong xứ mù mà vẫn được hưởng lương gấp đôi, so với các pháp tu khác.
Què chân chỉ cho pháp tu của Duyên giác. Họ không tụng niệm, chỉ hướng tâm về thiên nhiên, nhìn non xanh nước biếc, lá rơi, mây bay, suối chảy mà quên đi oi bức cuộc đời, xóa được những suy nghĩ không cần thiết. Nói cách khác, đối với những người có khả năng suy tư, Phật đưa ra những tiền đề cho họ trụ tâm. Cuối cùng thấy đạo, họ cũng được giải thoát.
Hàng đệ tử của Phật ở trong sanh tử lâu, đã mất bản tâm, cũng phải trở lại cách tu của Thanh văn, Duyên giác là siêng năng dọn sạch phân nhơ cấu uế trong tâm, đạt được ba pháp Không, vô tác, vô nguyện. Nghĩa là đối với tất cả mọi việc trên đời, các Ngài thấy đều là KHÔNG, nên không làm gọi là vô tác và không ham muốn gọi là vô nguyện.
Nhờ trụ ba pháp ấn, các Ngài dọn sạch nghiệp và phiền não, dẹp những pháp hý luận, sống trong thiền định mà quên cuộc đời. Tâm hồn các Ngài được nhẹ nhàng, an tĩnh và thú vị với cuộc sống mới. Từ đó, ngày qua ngày an phận với việc làm như vậy, vì tự nghĩ chỗ an toàn này tốt nhất. Theo Trí Giả đại sư, đây là thời Đức Phật thuyết kinh Bát Nhã 22 năm. Ý này được diễn tả trong kinh bằng hình ảnh cùng tử về sống với trưởng giả, mà vẫn luôn ở am tranh. Bấy giờ trưởng giả cởi chuỗi anh lạc, mặc áo thô rách, đến gần cùng tử, khen hắn ta làm việc giỏi, không giống những người làm công hèn hạ khác. Nghĩa là các vị Thanh văn biết an trú trong giáo pháp Như Lai, sống cuộc đời phạm hạnh, giới đức tinh nghiêm.
Gã cùng tử lần quen việc, bớt sợ, trưởng giả mới sai giữ kho này, quản lý việc kia, không hốt phân nữa. Gã cùng tử bằng lòng với bồn, chậu, gạo, muối được ban thưởng, không dám nghĩ gì hơn. Cũng vậy, các vị Thanh văn tẩy sạch phiền não, tâm hoàn toàn thanh tịnh, vui sướng trụ ở pháp KHÔNG. Và khuyên mọi người tu hạnh Bồ tát, mà lòng các Ngài tuyệt không ham muốn, không làm.
Trên bước đường tu hành, càng tụng phẩm Tín Giải, tôi càng cảm thông sâu sắc tâm trạng gã cùng tử. Thuở nhỏ, xuất gia, tôi rời bỏ chốn quê mùa nghèo khổ, lên chùa tu học. Nhìn thấy chùa đồ sộ nguy nga, cột chùa chạm rồng, tôi khiếp sợ (dĩ nhiên chùa lớn dưới đôi mắt chú bé chỉ ở căn nhà lụp xụp). Thấy đèn bật sáng lên, tôi giật mình, thấy chú điệu nào tôi cũng run. Điều này giúp tôi hiểu rõ tâm trạng cùng tử ngã lăn xuống đất bất tỉnh trước sang giàu của trưởng giả. Hay đó là tâm trạng của tôi lâu ngày sống trong xóm nghèo, nên thấy bất cứ ai và bất cứ cái gì cũng làm cho tôi hoảng sợ. Từ đó, ít nhất tôi tìm ra cách tu của mình là an phận. Vì lâu đời lâu kiếp ở trong sanh tử, nên không mong muốn gì khác hơn, bằng lòng với công việc hốt phân. Tôi không chờ đợi hưởng lương gấp đôi như cùng tử, chỉ nghĩ có một chỗ dung thân trong Saigon và ngày được hai bữa cơm đạm bạc là đủ. Vì thế sống ở bất cứ chùa nào, tôi cũng cảm thấy an lành trong Phật pháp. Tôi dũng mãnh tinh tấn tu hành, khác với các chú điệu cùng sống chung. Trung bình ngoài thời công phu với đại chúng, tôi đều có những thời khóa lạy sám hối riêng, hết lòng làm công quả cho Phật và tự học kinh không hề biết chán. Về sau, tôi mới đắc ý về nghĩa hốt dọn phân nhơ mà Phật dạy và cảm thông với các vị Thanh văn thực tu pháp dọn sạch nhơ uế trong lòng, bỗng ngày nào tâm hồn bừng sáng. Suốt quá trình hơn 20 năm không có thú vui nào ngoài kinh, miệt mài sám hối, đọc tụng kinh điển, tự trầm mình suy tư giáo lý Phật, tâm hồn tôi sáng lần. Tất cả những gì ô uế tích lũy nhiều đời trong tâm dần dần bị xóa sạch. Nhờ đó, trí tuệ phát sanh, cuộc đời tôi đổi khác hoàn toàn, từ sinh hoạt của riêng tôi cho đến cách xử sự của mọi người đối với tôi.
Khi kinh Đại thừa thâm nhập vào lòng, kích thích tôi phát tâm, bắt đầu vào lúc tôi gặp Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu. Từ quyết ý đem thân mình hiến trọn cho đạo, tôi mới thấy khác và lãnh hội được ý nghĩa cùng tử từ nơi am tranh được vào coi sóc trong nhà. Đó là giai đoạn từ năm 1963, đời sống tôi thay đổi, tâm hồn cũng thay đổi. Tôi cảm nghĩ trong vô hình, Đức Như Lai giao phó cho tôi quản lý sự nghiệp. Tôi xông xáo làm Phật sự không mỏi mệt, không buồn phiền, làm những chuyện khó làm, làm những việc người chê bỏ với tất cả tấm lòng sung sướng. Nhận được sự mật tá của Như Lai trong những hoàn cảnh khó khăn, tôi cảm thấy an lành một cách kỳ diệu. Tưởng không sống nổi khi đối đầu với hung ác, nhưng chính người hung ác lại giúp đỡ tôi thoát chết. Sau này tôi cảm nhận được đó chính là Pháp Hoa thủ hộ Thần đã che chở tôi lúc khó khăn hoạn nạn.
Trong quá trình hành đạo, tôi thành tựu Phật sự nhờ may mắn được ở nhà Như Lai, được Như Lai giao cho công việc. Không bao giờ nghĩ lấy của Như Lai nửa xu, tôi vượt mọi thử thách, tạo cho mình cái nhìn tương đối chính xác, gợi nhắc tôi thông hiểu đoạn cuối cùng của phẩm này là Như Lai họp thân tộc tuyên bố giao phó gia tài.
Đối với các vị Thanh văn hiện diện ở hội Pháp Hoa, Đức Phật phú chúc gia tài bằng cách phóng quang mời mười phương chư Phật về dự hội, thọ ký cho các Ngài thành Phật. Riêng đối với cuộc đời tu hành của tôi, tôi lãnh nhận gia tài Đức Phật giao phó kể từ khi tôi du học sang Nhật. Tôi thực sự trưởng thành, không phải làm công hèn hạ như người quản gia, mà tự làm được những việc lớn.
Suốt quá trình từ xuất gia đến phát tâm Đại thừa cho đến ngày nay, tôi vẫn là tôi trong tư thế độc lập và bên cạnh tôi luôn có Đức Như Lai tạo những thắng duyên thuận cũng như nghịch để tôi tự quyết định cuộc sống của mình thăng hoa trên đường hành đạo. Hay đó là quá trình tu từ Thanh văn chuyển sang Bồ tát, từ quản lý sự nghiệp của Như Lai lòng không chút mong cầu, bỗng nhiên trở thành việc của mình, làm trong tư thế tự tại.
Phẩm này nói lên tâm tư của các Thanh văn đắc đạo được Phật thọ ký. Thí dụ gã cùng tử cùng bốn vị trưởng lão nêu lên rất đúng trên cương vị của chúng đương cơ mà quan sát. Tuy nhiên, nếu Phật chấp nhận thí dụ cùng tử thì lòng từ của Ngài chỉ giới hạn cho một tầng lớp xã hội nào hay sao. Vì thế sau phần trình bày của bốn trưởng lão về thí dụ cùng tử, Đức Phật khẳng định đối với tất cả chúng sanh, Ngài đều mang giáo pháp bình đẳng ban cho, đồng dẫn đến bờ giải thoát. Ý này được giải thích rõ hơn trong phẩm Dược Thảo dụ kế tiếp.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567