Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 23: Dược Vương Bồ tát bổn sự

22/05/201313:42(Xem: 10455)
Phẩm 23: Dược Vương Bồ tát bổn sự

Lược giải Kinh Pháp Hoa

Phẩm 23: Dược Vương Bồ tát bổn sự

Hòa Thượng Thích Trí Quảng

Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Quảng

I. LƯỢC VĂN KINH

Bấy giờ Bồ tát Tú Vương Hoa thỉnh Phật nói cho đại chúng biết về công hạnh của Bồ tát Dược Vương ở Ta bà. Đức Phật đáp : "Trong quá khứ lâu xa về trước, có Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức. Ngài có 80 ức đại Bồ tát, 70 hằng hà sa đại Thanh văn. Ngài thọ 42 ngàn kiếp. Trong nước của Ngài không có ba đường ác và các khổ nạn, đất bằng lưu ly thanh tịnh trang nghiêm. Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức nói kinh Pháp Hoa cho Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến và các Bồ tát nghe.
"Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến thường tinh tấn kinh hành, một lòng cầu thành Phật, mãn 12.000 năm được Hiện nhất thiết sắc thân. Bồ tát này tự nghĩ nhờ nghe kinh Pháp Hoa mà được chánh định này, Ngài liền nhập định trong hư không, rưới hương hoa trời để cúng dường Phật và kinh Pháp Hoa. Cúng dường xong, Ngài xuất định và tự thấy dùng thần lực cúng dường chưa bằng lấy thân cúng dường. Ngài liền uống các dầu thơm mãn 1.200 năm và quấn thân bằng áo báu cõi Trời và rưới dầu thơm lên, rồi dùng sức nguyện thần thông tự đốt thân.
"Ánh sáng tỏa soi 80 ức hằng hà sa thế giới và chư Phật đồng ngợi khen "Lành thay, như vậy mới là pháp cúng dường…". Lửa cháy đến 1.200 năm và sau khi mạng chung Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến sanh lại trong nước của Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức. Ở trong cung vua Tịnh Đức, Ngài bỗng nhiên hóa sanh và thưa với vua cha rằng nhờ cúng dường Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức mà Ngài được Giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn Đà la ni và vô số kệ của kinh Pháp Hoa. Nay biết Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức vẫn còn, Ngài lại xin tiếp tục cúng dường. Nói xong, Ngài bay lên hư không đến trước Phật Tịnh Minh Đức dùng kệ tán thán Phật rồi bạch : "Thế Tôn vẫn còn ở đời ư ?". Đức Phật trả lời : "Ông nên sắp đặt giường tòa, ta sẽ nhập Niết bàn trong đêm nay. Ta nay giao phó Phật pháp, các Bồ tát và đại đệ tử cho ông. Ta cũng giao cho ông 3.000 đại thiên thế giới và tất cả xá lợi của ta".
"Vào cuối đêm, Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức nhập Niết bàn. Sau khi hỏa thiêu, Ngài để xá lợi Phật vào bình báu và an trí ở 84.000 tháp cao ba thế giới. Bấy giờ Ngài tự nghĩ xây tháp cúng dường xá lợi cũng chưa đủ. Ngài liền ở trước 84.000 tháp, đốt hai cánh tay trong suốt 72.000 năm, khiến vô số người cầu Thanh văn và vô số người phát tâm cầu Vô thượng giác trụ trong Hiện nhất thiết sắc thân tam muội.
"Đại chúng thấy Bồ tát đốt tay đều buồn thương. Ngài ở trong đại chúng lập lời thề rằng : "Ta bỏ hai tay, ắt sẽ được thân Phật. Nếu đúng như vậy, xin cho hai tay tự nhiên có trở lại". Vừa thệ nguyện xong, hai tay hoàn lại như cũ. Đức Phật Thích Ca bảo Tú Vương Hoa Bồ Tát rằng Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến thuở xưa, nay chính là Bồ tát Dược Vương".
Này Tú Vương Hoa, ai muốn phát tâm được Vô thượng bồ đề mà đốt một ngón tay cúng dường tháp Phật, còn hơn người dâng cúng cả trân bảo của 3.000 đại thiên thế giới. Người nào dùng bảy báu trong 3.000 đại thiên thế giới cúng dường Phật, Bồ tát, Duyên Giác, La hán, cũng không có công đức bằng người thọ trì kinh Pháp Hoa dù là một bài kệ.
Trong các kinh Như Lai nói, kinh Pháp Hoa cao hơn hết. Kinh này có thể làm cho chúng sanh xa lìa tất cả mọi tật bệnh thống khổ, có thể cởi mở sự trói buộc của sanh tử. Ai nghe phẩm này được vô lượng công đức. Sau khi Phật diệt độ, người nào tu hành đúng theo kinh này, khi mạng chung được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Phật Di Đà.
Bấy giờ, các Đức Phật đồng khen ngợi "Hay thay, Tú Vương Hoa, ông có thể ở trong pháp hội của Đức Phật Thích Ca thọ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa và nói cho người khác nghe, công đức thật vô lượng. Trăm ngàn Đức Phật sẽ giữ gìn ông…"
Phật bảo : "Tú Vương Hoa, ông phải truyền bá kinh này ở Diêm phù đề và dùng thần thông mà giữ gìn. Thấy ai thọ trì ông nên rải hương bột trên người ấy và nghĩ rằng người này chẳng bao lâu sẽ ngồi đạo tràng, phá ma quân và độ thoát tất cả chúng sanh".
Lúc Phật nói phẩm Dược Vương Bồ tát bổn sự có 84.000 Bồ tát được Giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn Đà la ni.

II. GIẢI THÍCH

Sau khi Phật truyền trao pháp ngữ cho các Bồ tát tùng địa dũng xuất, đối với hành giả còn bị thân ngũ uẩn ngăn che, phần phú chúc này vẫn nằm ngoài tầm hiểu biết suy tư của họ. Đức Phật thương xót họ, giảng thêm việc làm của các Bồ tát trong sáu phẩm kế tiếp là Dược Vương Bồ tát, Diệu Âm Bồ tát, Quan Âm Bồ tát, Diệu Trang Nghiêm Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát và sự hộ trì bí mật của các Bồ tát cho chúng ta ở phẩm Đà la ni.
Mở đầu phẩm, Phật giới thiệu với Tú Vương Hoa Bồ tát hình ảnh hành giả Pháp Hoa kiểu mẫu là Ngài Dược Vương Bồ tát. Trong quá trình hành Bồ tát đạo để dẫn đến kết quả Dược Vương trở thành đại lương y cứu lành được tất cả thân bệnh và tâm bệnh của chúng sanh, Ngài đã phát tâm Bồ đề, làm việc khó làm từ thời Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức với danh xưng Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát.
Phần nhiều các Bồ Tát do đức mà thành danh, không dùng tên cha mẹ đặt. Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến nghĩa là mọi loài chúng sanh đều ưa thấy. Ngược lại với Thường Bất Khinh Bồ tát xuất hiện bằng thân nghiệp báo tu hành, nên là đối tượng của phỉ báng tội lỗi. Tu hành hết nghiệp. mới được mọi người tôn kính.
Với danh xưng Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến biểu hiện Ngài đã ở tư thế tiền tam muội, sắp đạt quả vị Như Lai, mới là đối tượng đáng kính của các loài chúng sanh. Dưới sự hướng dẫn sáng suốt, thấy biết hoàn toàn chính xác của Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức và sự trợ duyên của 80 ức đại Bồ tát pháp lữ, Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát đã nỗ lực phát triển sự tu học, tinh tấn kinh hành không ngừng nghỉ.
Kinh hành không có nghĩa lần đi vòng vòng hay đi cho tiêu cơm. Tâm nguyện của người cúng đã ký thác cho hành giả trong bát cơm và hành giả đáp ứng được mong cầu này mới tiêu cơm. Vì vậy, trong từng bước chân đi, hành giả suy nghĩ, hình dung xem người mang cơm đến cúng với dạng nào. Khả năng hiểu biết và tu hành của chúng ta làm được lợi ích gì cho họ.
Vấn đề quan trọng của kinh hành ở điểm suy nghĩ, không phải ở hành động đi. Nếu suy nghĩ biết người yêu cầu ta đưa họ về Tịnh độ, thì Tịnh độ ở đâu và hành giả dùng phương tiện gì để đưa họ về Tịnh độ. Giải quyết tất cả vấn đề này, chắc chắn là việc không đơn giản.
Với pháp kinh hành quán tưởng như vậy, từng việc diễn biến trong tâm Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến. Cuối cùng Ngài đạt được Hiện nhất thiết sắc thân tam muội. Hiện Nhất thiết sắc thân tam muội là chánh định tụ, một trạng thái tâm hồn hoàn toàn yên tịnh. Nhờ đó, mới đến với Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức được.
Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức biểu hiện cho bản tâm thanh tịnh, nên hành giả không thể tìm bên ngoài. Trái lại khởi đầu từ tư duy, tu hành của chúng ta mỗi ngày nhìn người nhìn vật, phán đoán đúng dần. Và từng bước gia công tu hành, lặn sâu vào thế giới thiền định để hiểu biết, điều động việc.
Dược Vương Bồ tát đã từng ở trong thế giới thuần tịnh của Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức, biết tất cả và làm được tất cả. Đó là câu trả lời của Phật cho Tú Vương Hoa Bồ tát biết tại sao Dược Vương hiện hữu ở Ta bà. Việc này tất yếu đối với người đắc đạo vì khi an trụ trong thể của sự vật và từ thể này đi ra thế giới hiện tượng, sẽ có khả năng bung ra khắp pháp giới không sót.
Hiện nhất thiết sắc thân tam muội, nghĩa là giải quyết được mọi việc trong thiền định. Tuy ngồi yên lặng, nhưng việc thế gian đều thông suốt, tác dụng cho muôn loài thật lớn lao, hiện được tất cả loại hình tương ưng với tất cả đối tượng của Ngài. Chúng sanh dưới dạng nào cũng thấy Ngài là pháp lữ đáng cung kính. Nói cách khác, Ngài tùy duyên ẩn hiện, tiêu biểu cho Bồ tát từ quả môn trở lại hiện tượng giới. Với lực tác động quá kỳ diệu này, Ngài được tặng cho danh hiệu Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến.
Muốn đạt đến địa vị Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát, hành giả phải trải qua quá trình tu hành. Từ thân phận một người bình thường không được ai chấp nhận, ta luôn đối nghịch với muôn loài, tiến lên ta chỉ thuận một loài và vừa lòng một người. Hành giả mới bước vào hạnh Tiểu thừa, sống trong tầng lớp nào, lấy môi trường đó làm pháp lữ tu hành. Các thành phần khác xem như chống trái ta.
Từ địa vị được một thành phần trong xã hội quý trọng, hành giả nhìn lên thấy Phật là người được tất cả tầng lớp xã hội thương mến. Thậm chí thành phần đối kháng với Phật cũng thấy Ngài là người đáng tôn kính. Các Bồ tát an trú trong pháp Phật lâu ngày, chịu ảnh hưởng Phật, phát hiện được lực tác động tiềm ẩn bên trong Ngài, mới cảm nhận được ý nghĩa của chữ "KHÔNG". "KHÔNG" nghĩa là Phật không vướng bận giai cấp nào. Ở vị trí Pháp Hoa hay tu trên Phật thừa, phát triển từ chơn KHÔNG mà hiện DIỆU HỮU, trong lòng Phật không vướng bận gì trần gian, nhưng Ngài vừa lòng tất cả người.
Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát tu hành dưới dạng này, đạt được Nhất thiết sắc thân tam muội. Chúng sanh nghĩ gì, Ngài hiện hình tương ưng theo ý muốn họ. Chúng sanh đến với Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến đều trở thành đối tượng của Ngài. Ngài quán sát chúng sanh và vào định để chứng nghiệm, đạt được Giải nhất thiết ngữ ngôn Đà la ni; nghĩa là Ngài biết rõ tâm niệm chúng sanh, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của chúng sanh.
Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến đã trải qua quá trình tu hành sử dụng được Như Lai huệ, không phải là hiểu biết theo kinh nghiệm, cũng không phải là trí do học có được. Đó là niệm tâm từ chơn như khởi lên, làm theo trùng trùng duyên khởi, nên thành tựu được trùng trùng công đức.
Nghĩ đến công ơn giáo dưỡng của Phật quá lớn cùng với công đức kinh Pháp Hoa hay trí tuệ Như Lai chỉ đạo, Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến cúng dường Phật và cúng dường kinh Pháp Hoa bằng cách vận dụng thần lực của Ngài. Đó là năng lực do tu chứng tạo thành một thế giới thần biến. Ngài bay lên hư không, rải các danh hoa và các loại hương cúng Phật. Về điểm này tôi không nghĩ có Bồ tát Dược Vương mang thân người thực bay lên trời và rải hoa xuống cúng dường. Đối với tôi, Dược Vương dùng thần lực nghĩa là dùng một sức mạnh siêu tự nhiên, nhưng có thực, nằm ngoài khả năng của người bình thường.
Thần lực không có nghĩa gì khác hơn là trí khôn con người phát triển đến cao độ, tạo thành sức mạnh siêu tự nhiên, mạnh gấp trăm triệu lần sức mạnh sử dụng bằng tay chân. Ngày nay, chúng ta có thể tạm hiểu sức mạnh siêu tự nhiên này, ví như sức mạnh của nguyên tử lực do trí khôn con người phát minh. Theo kiến giải của ông Kubota, Ngài Dược Vương dùng hương hoa cúng dường Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức, mang ý nghĩa là hạnh cúng dường hay những việc làm thể hiện lợi lạc vẫn không rời bản vị giải thoát, khiến mọi người kính trọng Phật.
Theo Phật dạy, chỉ có năm thứ hương là giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương mới có khả năng bay ngược gió. Bồ tát không dùng hương nào khác ngoài năm phần hương này để dâng cúng Phật.
Khởi đầu tô điểm thân tâm bằng giới hương, hành giả sống một cuộc đời phạm hạnh thanh tịnh, không vi phạm luật pháp, không làm phiền lòng người. Ba nghiệp thân khẩu ý thuần tịnh, về thân thì đi, đứng, nằm, ngồi, hình tướng đĩnh đạc, lời nói thì luôn phù hợp kinh điển vì Hiền Thánh không nói năng thô tục hung ác như A tu la. Trong kinh thường diễn tả Phật dùng tiếng Phạm âm thâm diệu khiến người đều ưa nghe. Nghe ở đây nghĩa là nghe bằng tâm. Phật thốt ra lời nào cũng thể hiện chân lý, vì vậy được người khát vọng chân lý lắng nghe, tiếp nhận. Oai nghi, ngôn ngữ và lòng từ của Phật thấm nhuần trải khắp thân tâm hành giả và từ từ thể hiện trong cuộc sống. Hành giả trở thành con người giới đức hoàn toàn và hiểu biết sáng suốt.
Ngoài việc trang nghiêm thân tâm bằng năm phần hương để cúng dường Phật, hành giả dùng hoa cúng dường. Hoa tiêu biểu cho tinh ba, những gì đẹp nhất trên cuộc đời. Lấy hoa trang nghiêm, tức lấy hạnh Bồ tát làm mạng sống để tiếp cận chân lý và thâm nhập chân lý.
Dược Vương Bồ tát không ôm hoa hay hương bay lên Trời cúng dường. Ngài nhập định và hiện thần biến cúng dường, nghĩa làm cho cuộc đời nở hoa và tỏa hương. Tuy ngồi yên, nhưng công đức tác động sáng đẹp cuộc đời.
Khi biết tất cả và làm được tất cả, kinh gọi là Giải nhất thiết ngữ ngôn Đà la ni, Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến vẫn chưa mãn nguyện. Điều này gợi cho chúng ta suy nghĩ đạo Bồ tát không bao giờ hết. Càng làm tốt đạo hạnh càng cao. Càng làm đẹp cuộc đời bao nhiêu, công đức càng tăng trưởng lên bấy nhiêu. Bồ tát Dược Vương nghĩ rằng dùng phẩm vật cúng dường không bằng dùng thân cúng dường. Ngài uống tất cả dầu thơm và lấy lụa cõi Trời quấn thân đốt đến 1.200 năm, thân Bồ tát mới hết.
Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát trải một thời gian dài uống các danh hương, nghĩa là uống tất cả pháp môn tu của Phật hay những lời dạy quý giá của Phật huân tu vào lòng. Bồ tát Pháp thân tăng trưởng theo pháp vị uống vào, phát huy đến mức tiêu biểu cho những gì hay đẹp trọn vẹn và dùng thành quả ấy để làm lợi ích cuộc đời.
Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát cũng lấy lụa đẹp cõi Trời tự quấn thân, nghĩa là dùng thân chư Thiên trang nghiêm cho mình. Tuy sống trên nhân gian, nhưng Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát tiêu biểu cho mẫu người cao thượng của chư Thiên. Như vậy với quá trình gạn lọc thân tâm thì bên trong Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát xông ướp bằng danh hương của Phật và Hiền Thánh, bên ngoài thể hiện bằng thân tướng đẹp nhất của cõi Trời.
Huân tập đầy đủ thân tâm hoàn toàn trong sạch thánh thiện rồi, Ngài dùng lửa tam muội đốt thân. Vấn đề đốt thân cúng dường của Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát được đặt ra, gợi cho hành giả Pháp Hoa suy nghĩ rằng Phật có cần chúng ta đốt thân như vậy hay không ?
Từ khi Phật Niết bàn đến nay, có nhiều người đốt thân cúng dường. Gần đây nhất, chúng ta thấy Hòa thượng Quảng Đức và một số Tăng Ni Phật tử thiêu thân cúng dường. Theo tôi, tâm nguyện của người thiêu thân nhằm mục đích gì và thể hiện được chân lý hay không mới thực sự quan trọng và có giá trị. Nếu thiêu thân suông như đốt đèn, đốt một khối vật chất, chúng sanh không được lợi ích, Phật giáo không tăng uy tín, chắc chắn việc làm này trở thành luống công vô ích; và tệ hơn nữa, trở thành trò cười cho thiên hạ. Việc sai lầm này do thiếu trí tuệ chỉ đạo hoàn toàn khác với thiêu thân của Ngài Quảng Đức đặt trên tâm niệm vì pháp, vì chân lý.
Ngài Quảng Đức đã trải qua 49 năm trì kinh Pháp Hoa, tương đương với 49 năm Phật thuyết pháp và cùng với ý nghĩa Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến uống tất cả danh hương. 49 năm Ngài trì kinh Pháp Hoa, cả cuộc đời trầm mình trong giáo pháp Như Lai. Đến pháp nạn, Ngài mới nguyện đem thân làm đuốc để ngọn đèn chân lý sáng tỏ. Với quá trình tu học thực sự, Ngài chuẩn bị đầy đủ cho cái chết, nên chết nhẹ nhàng, thế ngồi rất đẹp, thái độ trầm tĩnh giải thoát. Hình ảnh Ngài trong ánh lửa hồng là một thiên thu tuyệt tác. Vì thể hiện chân lý nên Ngài trở thành bất diệt, sống mãi với thời gian. Đọc đến phẩm Dược Vương, ta nhớ đến hình ảnh bất tử của Ngài Quảng Đức.
Đức Phật dạy Tú Vương Hoa Bồ tát rằng tạng kinh Pháp Hoa rất cần thiết cho chúng sanh trong Diêm phù đề, có khả năng chữa hết bệnh tật của chúng sanh. Đức Phật đem phẩm này phú chúc cho Tú Vương Hoa Bồ tát phải giữ gìn, làm lợi lạc cho cuộc đời, đừng cho mất. Lời nói của Phật mới đọc qua, chúng ta nghe có vẻ không có thực. Tuy nhiên lời Phật dạy đã được Bồ tát Quảng Đức minh chứng, trở thành một hiện thực hơn tất cả sự thực nào khác trên cuộc đời. Thật vậy, việc làm của Bồ tát Quảng Đức nhằm đốt lên cho sáng thế giới vô minh tà kiến của chúng ta và quả tình nó đã sáng thật. Khi cuộc tranh đấu Phật giáo đi đến giai đoạn gay go, bế tắc không có lối thoát, với ngọn đuốc Ngài đốt lên, cả thế giới chấn động. Mọi người cảm thấy không cần làm nữa, nhưng vấn đề nhẹ bớt. Ngọn đuốc sáng rọi vào trái tim con người. Những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, yêu chuộng chân lý mở mắt và thế lực vô minh tự yếu.
Trái tim bất diệt mà Ngài lưu lại cho chúng ta, tháp thờ Ngài, con đường mang tên Ngài, công hạnh Ngài còn ghi đậm trong sách vở nghiên cứu kinh Pháp Hoa trên thế giới, cũng như tấm lòng tôn kính của mọi người đều hướng về Ngài. Tất cả vẫn hiện hữu sống động như một xác tín cho hành giả Pháp Hoa kiểu mẫu trong đời ngũ trược ác thế. Giáo sư Kubota nhận xét Ngài chính là Dược Vương Bồ tát trong thời đại chúng ta vậy. Ngược lại, những người đốt thân nhưng thiếu quá trình uống dầu hay thiếu quá trình tu học, đốt vì tham sân phiền não nên không có tác dụng.
Trở lại pháp cúng dường của Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến, chúng ta thấy Ngài dùng lửa tam muội đốt thân, nghĩa là đốt thân từ trong chánh định, không dùng lửa hồng trần bên ngoài. Lửa từ đại định chỉ cho ngọn lửa phát xuất ở thật tánh hay bản thể. Giữa Phật và chúng sanh đồng một dạng trên bản thể. Vì vậy ngọn lửa đốt từ bản thể, thì ánh lửa sẽ chiếu khắp mười phương, chiếu qua bản thể sự vật. Châm ngọn lửa ở bản thể, chư Phật mười phương đều tán thán. Cúng dường ở trạng thái này là cúng dường toàn thân toàn linh, cúng dường ở bản tâm, không phải cúng dường trên hiện tượng giới.
Thành tựu pháp cúng dường toàn thân toàn linh, Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến đạt được Giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn Đà la ni. Đà la ni là tổng trì hay đại định nhen nhúm nơi lửa tâm ở bản thể. Từ bản thể thông qua các hiện tượng và các hiện tượng đều phát xuất từ bản thể. Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến và chúng ta đồng một thể. Ngài từ bản thể đi ra hiện tượng và đi thẳng vào tâm khảm của mọi người, nên tâm ta nghĩ gì thì Ngài đều biết rõ, gọi là Giải nhất thiết ngữ ngôn Đà la ni.
Thành tựu pháp cúng dường dẫn đến giải được pháp ngữ, tuy không biểu lộ bằng lời nói mà là một sự thật. Đức Phật Thích Ca giới thiệu cho chúng ta Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát giải được Nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn hay pháp ngữ. Nhưng trên thực tế, chúng ta thấy Đức Phật chính là người giải được tất cả ngôn ngữ không bằng lời. Thật vậy, khi Phật trụ thế, chúng sanh có các ngôn ngữ khác nhau. Nhưng chúng sanh nào đến với Phật, cũng cảm thấy Ngài hiểu mình và giải mọi thắc mắc ưu phiền cho chính mình. Ngay cả rắn mãng xà của Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp và voi say của A Xà Thế, Phật cũng điều khiển được chúng. Vì Ngài hiểu được chúng và nói với chúng bằng ngôn ngữ không phải ngôn ngữ bình thường. Nếu không, thì voi say hay rắn mãng xà không thể phủ phục dưới chân Ngài. Hình ảnh này gợi cho chúng ta hiểu được Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến giải Nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn Đà la ni bằng cách sử dụng ngôn ngữ xuyên qua bản thể. Ở dạng bản thể, tất cả sự vật đều đồng nhau.
Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát sau khi uống dầu thơm hay hoàn tất hạnh Bồ tát, Ngài dùng lửa tam muội đốt thân trải 1.200 năm. Con số 1.200 năm chỉ cho 12 xứ. Phật dạy rằng mọi việc trên cuộc đời, mọi hiểu biết của chúng ta là do sáu căn hợp sáu trần thành 12 xứ. Vì vậy, chúng ta tu hành ở thế gian này cũng phải đặt căn bản trên thực tế sáu căn và sáu trần. Căn trần tiếp xúc với nhau sinh ra vọng thức là vô minh nghiệp chướng dẫn ta vào sanh tử. Đức Phật cũng nhân chỗ căn trần hợp nhau mà quan sát tìm chân lý.
Ngài dạy nếu chúng ta bỏ thực tế tìm chân lý, chỉ là không tưởng, không thể có, giống như người đi tìm lông rùa, sừng thỏ. Trải qua quá trình tu hành, Phật nhận thấy căn trần vốn vô thường sanh diệt. Nhưng Ngài biết lợi dụng vô thường này, bằng cách vận dụng trí năng trong thiền định quan sát căn trần hợp nhất đến độ thấy được tận cùng bề trái của sự vật, trên đến Trời Hữu đảnh, dưới đến địa ngục A tỳ. Đạt đến chánh định tụ này, tác động của Phật vào xã hội mới thực sự quan trọng. Vì vậy, Phật xác định người trì kinh Pháp Hoa đúng pháp, cách 500 do tuần không có tai họa đến với họ.
Khi hành giả bắt đầu vào định, suy nghĩ lời Phật dạy, từng bước khám phá ra thế giới chúng ta sống, không phải khám phá ra một cái gì khác. Phật cũng từng khẳng định điều Ngài dạy chỉ nhằm khám phá xem ta là gì và thế giới ta là gì. Tùy mức độ phát triển khả năng đến đâu, hành giả thấy lời Phật dạy đúng đến đó. Phát triển khả năng để thấy sự vật từ ngoài đến bên trong. Hay nói cách khác, nhập tam muội và dùng tam muội để thiêu thân, nghĩa là mang toàn bộ giáo lý của Phật thâm nhập sâu vào tận tiềm thức, đi đến tánh của hành giả.
Giáo lý cọ sát Phật tánh hành giả càng nhiều, hương đạo hạnh càng tỏa rộng. Ngài Nhật Liên ví chim bên ngoài kêu, chim trong lồng thức tỉnh. Chim bên ngoài tiêu biểu cho Đức Thích Ca đắc đạo và chim trong lồng là Như Lai tạng tâm của chúng ta bị ngũ uẩn ngăn che. Hành giả vào thiền định mang kho tàng giáo lý mài mòn dần ngũ ấm. Tùy mức tác động chánh pháp vào tâm nhiều hay ít, nhanh hay chậm, mà Phật tánh theo đó hiển lộ.
Khi chánh pháp và Phật tánh hòa thành một, pháp giới sẽ hiện ra làm tâm hành giả bừng sáng. Từ Như Lai tạng tâm phát sinh trí tuệ, nên có khả năng quan sát pháp giới, thấy được thể của sự vật. Và từ bản thể, bắt đầu từng bước thấy lần ra ngoài. Nghĩa là Bồ tát thấy từ trong tâm hiện ra vật, cho đến thấy cả cứu cánh.
Đưa pháp Như Lai vào thiền định hay vào cùng tột tâm, hành giả biến thành Hư Không thân, tâm bừng sáng gọi là Bồ tát. Bồ tát thân này là Bồ tát Pháp thân không phải Bồ tát mang thân sanh diệt hữu hạn. Bồ tát Pháp thân thành tựu nhờ cả một sự chuyển đổi thân từ người bình thường dùng sáu căn tiếp xúc với sáu trần và trải qua quá trình 12 năm để nỗ lực quan sát pháp giới, mới đạt tới mục tiêu này. Và cũng từ Bồ tát Pháp thân đó, hiện ra bên ngoài thành hành động Bồ tát.
Vì vậy vấn đề quan trọng của chúng ta có thực hiện được sự chuyển đổi này hay không. Tu đúng pháp, phải lần lần thay đổi, ít nói, hiền lành, dễ thương, thông minh. Phật pháp cọ dũa, làm rớt xuống tánh xấu ác và ta nhìn sự vật bớt ham muốn. Trước khi tu, lòng tham của ta quá lớn, gom về cho mình không được, liền sanh buồn phiền tội lỗi, ưa thích làm việc của Thiên ma. Nay không tham, không sân, trí giác bắt đầu sáng suốt. Còn tụng kinh nhiều, ở chùa lâu, không bỏ những tánh xấu ác, không thể hiện được đức hạnh, chỉ là người muốn nấu cát thành cơm.
Tâm trong sáng thể hiện ra ngoài tất nhiên phải tốt, ngôn ngữ, hành động thánh thiện. Và hương đạo hạnh cứ như vậy tỏa ra cho đời, thì Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến trở lại dạng khác. Đây là điểm đặc biệt của Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát.
Các Bồ tát khác còn ở trong tư thế đoạn phần sanh tử, không nhớ biết đời trước, hay chỉ biết khi lắng lòng trụ thiền định. Trong dòng sanh mạng tương tục, bỏ thân này thọ thân sau, các vị này vẫn tiếp tục hành đạo Bồ tát. Nhưng họ chỉ trực nhận được quá khứ của họ đã từng tu Bồ tát đạo khi tham Thiền. Ngược lại, Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát vì đã thành tựu Nhất thiết sắc thân tam muội, nên không qua giai đoạn phần đoạn sanh tử. Ngài ở trong tư thế biến dịch sanh tử, thay đổi sanh thân tự tại theo ý muốn.
Ngoài ra, Bồ tát Dược Vương đã chứng Nhất thiết sắc thân tam muội, mới làm được việc chúng sanh vui Ngài vui, chúng sanh buồn Ngài buồn… Ai nghĩ thế nào Ngài hiện giống y họ, mới hóa độ được và lần hồi dìu dắt họ ra khỏi sanh tử. Bồ tát thành tựu Sắc thân tam muội thì Bồ tát Pháp thân của vị này trụ tam muội, không thay đổi. Nhưng Bồ tát ứng thân của họ đi giáo hóa khắp mười phương, không mệt mỏi. Nếu không trụ tam muội này, mà hành giả tùy hỷ với chúng sanh, nó khổ ta khổ, nó đọa ta đọa, hành giả đã rời bản vị giải thoát, sẽ mất kiếp.
Trong kinh diễn tả Bồ tát chết rồi bỗng nhiên ngồi xếp bằng hóa sanh vào cung vua Tịnh Đức. Bồ tát lấy pháp làm mẹ, Phật hay tri giác làm cha, nên đốt hết thân ngũ uẩn và cọ sát với Phật tánh, bấy giờ hiện nguyên hình Bồ tát là kết hợp giữa trí tuệ và chân lý. Nhờ đạt được pháp này, Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát mới ở Ta bà tự tại dưới mọi hình thức. Và Ngài xuất hiện với tên khác là Dược Vương Bồ tát. Dược Vương Bồ tát không phải chỉ là đối tượng cho chúng sanh ưa thích và bằng lòng, mà còn là biểu tượng làm cho mọi người an ổn, sanh về thế giới an vui.
"Tật dịch thế nhi hiện vi dược thảo, cứu liệu trầm kha, cơ cẩn thời nhi hóa tác đạo lương, tế chư bần nổi, đản hữu lợi ích, vô bất hưng sùng". Đó là hạnh nguyện của Dược Vương hiện thân người. Ngài trợ giúp hành giả Pháp Hoa đời sau, bằng cách mang đến những nhu cầu cần thiết cho việc tu hành. Nếu đói, Dược Vương mang cơm đến. Nếu bệnh, Ngài mang thuốc đến. Bát cơm viên thuốc là hóa thân của Dược Vương giúp hành giả phát tâm tăng tấn đạo Bồ đề. Đối tượng hành đạo của Dược Vương là pháp giới chúng sanh gồm cả hữu hình và vô hình. Ngoài việc hiện thân trong tứ sanh lục đạo, Ngài còn hiện thân trong loài vô tình. Thí dụ ta sống trong khu rừng tự nhiên phát tâm bồ đề hoặc trầm mình trong dòng suối mát, tâm liền thanh tịnh. Dược Vương Bồ tát sẵn sàng cung cấp cho mọi loài về cả y báo lẫn chánh báo. Thiếu vật thực, nhà ở, ta tụng thần chú Dược Vương, quang cảnh ta ở tự sáng ra, đời sống thành sung túc, hoàn cảnh tu dễ dàng thêm. Đây là năng lực của Dược Vương để trợ duyên cho những Bồ tát sơ phát tâm đời sau vững bước trên lộ trình tiến đến quả vị giải thoát.
Sau đó, Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát làm một việc thứ hai là đốt hai cánh tay Ngài. Điều này không có nghĩa là Ngài đốt thiệt, nhưng mang ý nghĩa Ngài sử dụng hai tay làm lợi ích cho chúng hữu tình. Cụ thể như Ngài xây 84.000 tháp thờ Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức. Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát xây tháp để thờ Pháp thân Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức, không phải thờ nhục thân.
Chiều cao của tháp là ba thế giới, gợi cho chúng ta suy nghĩ một ngôi tháp thực trên cuộc đời không thể nào xây cao được như vậy. Phải chăng mỗi bảo tháp tiêu biểu cho con tim chí thành của người cầu đạo, hướng tâm về Phật một cách cao độ. Ỷ Lan thứ phi nương theo ý này làm được 84.000 tháp bằng đất nung cao 7 tấc.
Theo kiến giải của Ngài Nhật Liên, một người phát tâm Bồ đề được Ngài xem như một Bảo tháp hiện lên. Tháp này xây từ bản thể, bản thể chuyển qua tâm loài hữu tình, nghĩa là tháp biến thành lợi ích cho chúng sanh, một tháp sống hiện hữu, không phải là tháp chết bị lãng quên đóng rêu theo thời gian.
Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát xây tháp cho Trời, người cúng dường, chính là xây tháp từ bản thể. Việc làm của Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát khiến cho tám muôn bốn ngàn Bồ tát được pháp Giải nhất thiết ngữ ngôn đà la ni, gợi cho chúng ta suy nghĩ từ phần tu chứng, thể hiện thành hành động giúp người phát tâm và đạt được thành quả.
Chúng ta hiểu Đà la ni là trí tuệ vô lậu khác với hiểu biết thông thường của con người là phiền não trí. Trí phiền não thì hiểu nhiều phiền não nhiều, hiểu để đối chọi hơn thua, sát phạt nhau chỉ chuốc thêm đau khổ thôi.
Giải Nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn hay thâm nhập Phật huệ, không có gì làm vướng bận Bồ tát. Tuy nhiên, trên thực tế, không có việc làm và lời nói nào mà các Ngài phạm lỗi lầm. Mọi phán quyết của Bồ tát đều từ chơn tâm lưu xuất, thấy người, vật chính xác đúng như thật; không thấy theo tập quán hay theo tham vọng, bực tức.
Các vị Tổ thường chú giải phẩm này nhằm diễn tả sức thần bí quá lớn và cũng chỉ cho tâm người lớn lao có tác dụng siêu tuyệt, nếu chúng ta biết sử dụng nó.
Sau cùng, đức Phật kết phẩm Dược Vương bằng cách mở cánh cửa tu pháp môn Tịnh Độ cho chúng ta. Ngài nói với Tú Vương Hoa Bồ tát rằng kinh này thỏa mãn tất cả yêu cầu của người cầu đạo. Ví như người khát gặp nước, người muốn qua sông gặp thuyền. Người bệnh nghe phẩm này hết bệnh, chẳng già chẳng chết. Vì nghe được pháp âm của Dược Vương Bồ tát, lần lần lặn sâu vào bản thể của sự vật mới không già không chết. Đó là Phật thừa được diễn tả dưới dạng bản thể.
Trở lại thái độ học Phật của chúng ta, khởi đầu từ nghe (văn huệ) tiến lên suy nghĩ (tư huệ) và tu theo đúng cách của Dược Vương Bồ tát. Cuối cùng đạt được bản tâm thanh tịnh, chúng ta sẽ thông được tất cả loài hữu tình. Khi thành tựu pháp này, từ nhân gian cho đến Thiên thượng, không mong cầu nào mà chúng ta không đáp ứng được.
Chúng ta cần xác định mong cầu này không phải là mong cầu theo tham vọng, nhưng là mong cầu theo Phật, theo tinh thần Pháp Hoa. Người cầu đạo tùy theo hoàn cảnh mình ở vị trí nào, thì khởi từ đó mà tiến tu, điều chỉnh. Vì theo lộ trình Phật thừa, phải nhìn đúng sự thật và sống đúng như sự thật. Nếu không khởi từ bản tâm thanh tịnh, không khởi lòng từ bi, chắc chắn lạc ra ngoài con đường phát tâm theo Phật thừa.
Phẩm Dược Vương nhằm giải thích ý nghĩa sự phú chúc không lời của phần phú chúc thần lực Như Lai. Tuy nhiên, đối với thính chúng không đủ trình độ giải ngữ ngôn, Phật phải nói dễ hơn bằng cách dạy rằng sau Phật diệt độ, có người nữ thọ trì kinh Pháp Hoa, tất cả nỗi khổ của đàn bà sẽ không hoành hành họ nữa. Đến đây nữ giới được Phật chọn làm một trong những đối tượng để Ngài thuyết pháp. Ở Ấn Độ thời phong kiến, vị trí người đàn bà quá thấp kém, họ bị xem như một máy đẻ hay một dụng cụ, một trò chơi không có chút quyền hạn nào. Họ là người đau khổ cả về sinh lý lẫn tâm lý. Đức Phật trải lòng từ cho tầng lớp phụ nữ kém may mắn, hay nói chung cho tầng lớp đau khổ bấy giờ, mà đưa ra pháp giải thoát ở cuối phẩm Dược Vương. Ai nghe, suy nghĩ và theo đó tu hành, những nỗi khổ hiện tại đều được giải phóng. Tương lai mãn thân người nữ, không còn thọ lại thân đau khổ nữa và sanh về cõi an lạc của Phật A Di Đà.
Trong quá trình tu theo kinh Pháp Hoa, nghe được Dược Vương Bồ tát bổn sự, những ganh tỵ thù hiềm, ích kỷ nhỏ mọn tự buộc mình và buộc người lần lần giảm bớt, tham sân si cũng được cắt bỏ dần. Đối với người, ta không còn tranh chấp, lòng bắt đầu mở ra thì ràng buộc thế gian không chi phối chúng ta được.
Khi bỏ thân nữ, chúng ta sanh từ hoa sen, phiền não nhiễm ô không còn dính mắc vào thân. Khổ của người nữ ở Ta bà vì lúc nào cũng muốn gom tất cả phiền não vào lòng, nên làm khổ lây cho xã hội và từ khổ xã hội phản ánh ngược lại vào lòng họ. Tuy nhiên, khi được sanh ở Tịnh độ, từ hoa sen hóa sanh thì các nghiệp lậu của hành giả trở lại căn bản đồng với Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát đốt thân. Thể nhập bản tâm thanh tịnh, hành giả cũng được mười phương chư Phật ngợi khen, có thể ở trong pháp hội của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu Diệu Pháp, trở thành La hán. Từ đây lửa không đốt được, phiền não không quấy rầy được…
Từ khởi điểm này, hành giả tu bước về Tịnh độ, mượn hoa sen sanh ra và từ Tịnh độ tu trở lại hội nhập Ta bà hành đạo. Hay nói cách khác, ngồi ngay Ta bà mà lửa phiền não không đốt, nước ái dục không nhận chìm, sống giữa lòng thế gian tỏa hương thơm cho cuộc đời.
Hương thơm của Dược Vương Bồ tát đốt lên từ lửa tam muội, tồn tại tốt đẹp đến 1.200 năm chưa chấm dứt, hay danh thơm của Đức Phật Thích Ca tỏa ra cho đời từ khi Ngài tại thế cho đến Niết bàn, trải hơn 2547 năm, vẫn còn nhuộm thắm tâm hồn nhân loại.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567