Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

133. Kinh Ưu-ba-ly [1]

10/05/201311:52(Xem: 19652)
133. Kinh Ưu-ba-ly [1]

Kinh Trung A Hàm

133. Kinh Ưu-ba-ly [1]

Thích Tuệ Sỹ dịch

Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại Na-nan-đà[2], trong vườn xoài Ba-bà-ly[3].

Lúc bấy giờ có người Ni-kiền là Trường Khổ Hạnh[4] sau giờ ăn trưa, ung dung đi đến chỗ Phật, và sau khi chào hỏi, ngồi xuống một bên.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bèn hỏi:

“Nhà khổ hạnh Ni-kiền Thân Tử[5] chủ trương có bao nhiêu hành vi để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp?[6]”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp:

“Thưa Cù-đàm, Tôn sư của tôi, Ni-kiền Thân Tử, không giảng dạy cho chúng tôi về những hành vi để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Nhưng người giảng dạy chúng tôi về sự trừng phạt để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Nhà khổ hạnh Ni-kiền Thân Tử chủ trương có bao nhiêu sự trừng phạt để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp?”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp rằng:

“Thưa Cù-đàm, Tôn sư của tôi, Ni kiền Thân Tử giảng dạy cho chúng tôi về ba sự trừng phạt để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Những gì là ba? Đó là sự trừng phạt bằng thân, sự trừng phạt bằng miệng và sự trừng phạt bằng ý[7].

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“Này Khổ Hạnh, thế nào, thân phạt, khẩu phạt, ý phạt có khác nhau không?”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp rằng:

“Thưa Cù-Đàm, đối với chúng tôi, thân phạt khác, khẩu phạt khác, ý phạt khác.”

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“Này Khổ Hạnh, các sự trừng phạt này tương tự như vậy. Ni-kiền Thân Tử chủ trương trừng phạt nào nặng hơn hết để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp? Sự trừng phạt của thân chăng? Của khẩu chăng? Của ý chăng?”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp rằng:

“Thưa Cù-đàm, các sự trừng phạt này tương tự như vậy. Tôn sư tôi, Ni-kiền Thân Tử chủ trương thân phạt là nặng hơn hết để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Khẩu phạt thì không phải vậy, ý phạt thì nhẹ nhất, không bằng thân phạt vốn “rất lớn lao, rất nặng nề.

Thế Tôn lại hỏi:

“Này Khổ Hạnh, ông nói thân phạt nặng nhất chăng?”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp:

“Thưa Cù-đàm, thân phạt nặng nhất.”

Đức Thế Tôn hỏi lại đến lần thứ ba:

“Này Khổ Hạnh, ông nói thân phạt nặng nhất chăng?”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh cũng ba lần đáp lại:

“Thưa Cù-đàm, thân phạt nặng nhất.”

Đức Thế Tôn thẩm định ba lần Ni-kiền Trường Khổ Hạnh việc như vậy xong, bèn ngồi im lặng.

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh hỏi:

“Sa-môn Cù-đàm chủ trương có bao nhiêu sự trừng phạt để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp?”

Bấy giờ Đức Thế Tôn đáp:

“Này Khổ Hạnh, ta không giảng thuyết về những trừng phạt để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Ta chỉ giảng thuyết về nghiệp để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp.”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh hỏi:

“Cù-đàm chủ trương có bao nhiêu nghiệp để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp?”

Thế Tôn lại đáp:

“Này Khổ Hạnh, Ta giảng thuyết về ba nghiệp để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Thế nào là ba? Là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh lại hỏi:

“Cù-đàm, thân nghiệp khác, khẩu nghiệp khác, ý nghiệp khác chăng?”

Thế Tôn lại đáp:

“Ta nói, thân nghiệp khác, khẩu nghiệp khác, ý nghiệp khác vậy”.

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh hỏi:

“Thưa Cù-đàm, ba nghiệp này tương tự như vậy, Ngài chủ trương nghiệp nào nặng nhất để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp? Là thân nghiệp chăng? Khẩu nghiệp chăng? Ý nghiệp chăng?”

Thế Tôn lại đáp:

“Này Khổ Hạnh, ba nghiệp này tương tự như vậy, Ta giảng thuyết ý nghiệp là nặng nhất để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Thân nghiệp và khẩu nghiệp thì không phải vậy.”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh hỏi:

“Cù-Đàm chủ trương ý nghiệp nặng nhất chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Này Khổ Hạnh, Ta giảng thuyết ý nghiệp là nặng nhất.”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh lại hỏi đến ba lần:

“Cù-Đàm chủ trương thi thiết ý nghiệp là nặng nhất chăng?”

Thế Tôn cũng trả lời đến ba lần:

“Này Khổ Hạnh, Ta giảng thuyết ý nghiệp là nặng nhất vậy.”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh ba lần thẩm định Thế Tôn sự việc đó như vậy xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi nhiễu ba vòng quanh Thế Tôn rồi lui về; đi đến chỗ Ni-kiền Thân Tử. Ni-kiền Thân Tử từ xa thấy Trường Khổ Hạnh đi đến, liền hỏi:

“Này Khổ Hạnh, ngươi từ đâu đến vậy?”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp:

“Con từ Na-nan-đà, trong vườn xoài Ba-bà-ly, tại chỗ của Sa-môn Cù-đàm đến đây.”

Ni-kiền Thân Tử hỏi:

“Này Khổ Hạnh, ông có cùng Sa-môn Cù-đàm bàn luận không?”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp:

“Có bàn luận với nhau.”

Ni-kiền Thân Tử nói rằng:

“Này Khổ Hạnh, nếu đã cùng với Sa-môn Cù-đàm bàn luận, thì hãy nói lại hết cho ta nghe, để hoặc giả ta biết được luận thuyết của vị ấy”.

Rồi Ni-kiền Trường Khổ Hạnh mới đem sự việc thảo luận với Thế Tôn nói lại cho ông nghe. Ni-kiền Thân Tử nghe xong, khen rằng:

“Hay thay Khổ Hạnh! Ngươi đối với Tôn sư đã làm đúng pháp của đệ tử. Ông là người mà việc phải làm được thành biện bằng trí tuệ. Với quyết định thông minh, với sự trầm tĩnh không sợ hãi, hoàn toàn tự tin tưởng, đã đạt đến tài hùng biện, đã bắt được ngọn cờ cam lộ, ở trong cảnh giới cam lộ tự thân chứng ngộ, thành tựu an trụ[8]. Vì sao vậy? Ngươi vừa rồi đối với Sa-môn Cù-đàm mà giảng thuyết thân phạt là nặng nhất để không hành ác nghiệp, không gây ác nghiệp. Khẩu phạt không như vậy. Ýù phạt càng kém hơn; không bằng thân phạt rất lớn lao, rất trầm trọng.”

Khi ấy, Cư sĩ Ưu-ba-ly[9] cùng năm trăm Cư sĩ tập họp trong chúng chắp tay hướng Ni-kiền Thân tử. Rồi Cư sĩ Ưu-ba-ly nói với Ni-kiền Trường Khổ Hạnh:

“Ngài đã ba lần thẩm định Sa-môn Cù-đàm việc như vậy?”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp:

“Cư sĩ, tôi đã ba lần thẩm định Sa-môn Cù-đàm việc như vậy.”

Cư sĩ Ưu-ba-ly nói với Ni-kiền Trường Khổ Hạnh:

“Tôi cũng có thể đến thẩm định ba lần Sa-môn Cù-đàm việc như vậy, rồi lôi kéo đi đâu tùy ý. Cũng như người lực sĩ nắm con dê có cái bờm dài[10] rồi lôi kéo đi đâu tùy ý; tôi cũng như vậy, có thể đến thẩm định ba lần Sa-môn Cù-đàm việc như vậy, rồi lôi kéo đi đâu tùy ý. Cũng như người lực sĩ cầm áo lông giũ bụi, tôi cũng như vậy, có thể đến thẩm định lại ba lần với Sa-môn Cù-đàm việc như vậy, rồi lôi kéo đi đâu tùy ý. Tôi cũng như vậy, có thể đến thẩm định lại ba lần với Sa-môn Cù-đàm việc như vậy rồi lôi kéo đi dâu tùy ý. Cũng như người nấu rượu[11], hay đệ tử của người nấu rượu, lấy cái túi lọc rượu đem để vào trong nước, rồi tùy theo ý muốn, lôi đi đâu tùy ý; tôi cũng như vậy, có thể đến thẩm định ba lần Sa-môn Cù-đàm việc như vậy, rồi lôi kéo đi đâu tùy ý. Cũng như con voi chúa đã sáu mươi tuổi, là một đại long tượng kiêu ngạo[12], đủ ngà, đủ vóc, gân sức mạnh mẽ, một lực sĩ dẫn đi, lấy nước rửa bắp vế, rửa xương sống, rửa sườn, rửa bụng, rửa răng, rửa đầu và giỡn chơi trong nước; tôi cũng như vậy, có thể đến thẩm định ba lần với Sa-môn Cù-đàm việc như vậy, rồi tùy theo chỗ mà tẩy. Tôi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm cùng ông bàn luận, hàng phục xong rồi trở về.”

Ni-kiền Thân Tử nới với Cư sĩ Ưu-ba-ly rằng:

“Ta cũng có thể hàng phục Sa-môn Cù-đàm. Ông cũng có thể. Ni-kiền Trường Khổ Hạnh cũng có thể vậy.”

Khi ấy, Ni-kiền Trường Khổ Hạnh thưa với Ni-kiền Thân Tử:

“Con không muốn để cho Cư sĩ Ưu-ba-ly đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm. Vì sao như vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm biết chú huyễn hóa, có thể dùng chú thuật biến hóa làm đệ tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Con sợ Cư sĩ Ưu-ba-ly bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa, hóa làm đệ tử.”

Ni-kiền Thân Tử nói:

“Khổ Hạnh, Cư sĩ Ưu-ba-ly mà bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa, hóa làm đệ tử, việc đó hoàn toàn không có. Sa-môn Cù-đàm bị Cư sĩ Ưu-ba-ly biến hóa làm đệ tử, chắc chắn có việc ấy.”

Cư sĩ Ưu-ba-ly thưa lại lần thứ ba với Ni-kiền Thân Tử rằng:

“Hôm nay con đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm cùng ông ấy đàm luận. Hàng phục xong, con trở về.”

Ni-kiền Thân Tử cũng đáp lại lần thứ ba rằng:

“Ông nên đi nhanh đi. Ta cũng có thể hàng phục Sa-môn Cù-đàm. Ông cũng có thể. Ni-kiền Trường Khổ Hạnh cũng có thể vậy.”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh bạch lại lần thứ ba rằng:

“Con không muốn để cho Cư sĩ Ưu-ba-ly đi đến chỗ Sa-môn. Vì sao vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm biết chú huyễn hóa, có thể dùng chú thuật biến hóa làm đệ tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Con sợ Cư sĩ Ưu-ba-ly bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa làm đệ tử.”

Ni-kiền Thân Tử nói:

“Khổ Hạnh, Cư sĩ Ưu-ba-ly bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa làm đệ tử, việc đó hoàn toàn không có. Sa-môn Cù-đàm bị Cư sĩ Ưu-ba-ly biến hóa làm đệ tử, chắc chắn có việc ấy. Cư sĩ Ưu-ba-ly, người đi tùy ý.”

Lúc ấy, Cư sĩ Ưu-ba-ly cúi đầu sát chân Ni-kiền Thân Tử ba lần rồi đi đến chỗ Phật, chào hỏi Phật rồi ngồi sang một bên, hỏi rằng:

“Thưa Cù-đàm, ngày hôm nay Ni-kiền Trường Khổ Hạnh có đến đây không?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Cư sĩ, có đến.”

Cư sĩ Ưu-ba-ly hỏi:

“Cù-đàm, có cùng với Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đàm luận chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Có cùng đàm luận.”

Cư sĩ Ưu-ba-ly nói:

“Cù-đàm, nếu đã cùng với Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đàm luận, xin Ngài thuật lại hết cho tôi nghe. Hoặc giả, sau khi nghe xong, tôi biết được việc đó.”

Rồi Thế Tôn thuật hết lại những điều mà Ngài cùng với Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đàm luận cho Ưu-ba-ly nghe. Lúc đó Cư sĩ Ưu-ba-ly nghe rồi, khen rằng:

“Hay thay Khổ Hạnh! Như vậy mới gọi là đối với Tôn sư làm đúng việc thực hành pháp của một đệ tử. Điều phải làm được thành biện bằng trí tuệ, với quyết định thông minh, với sự trầm tĩnh không sợ hãi, với sự hoàn toàn tự tin tưởng, đạt đến đại biện tài, bắt được ngọn cờ cam lộ, ở trong cảnh giới cam lộ mà tự tác chứng, thành tựu an trụ. Vì sao như vậy? Vì đã đối với Sa-môn Cù-đàm mà trình bày thân phạt là tối thượng để không hành ác nghiệp, không gây ác nghiệp. Khẩu phạt không như vậy, ý càng kém hơn, không bằng thân phạt, vốn rất lớn lao, rất nặng nề”.

Khi đó Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Cư sĩ, ta muốn cùng ông bàn luận về việc này. Nếu như ông an trụ trong sự thật, thì bằng sự thật mà đáp.”[13]

Cư sĩ Ưu-ba-ly đáp:

“Cù-đàm, tôi an trụ trong sự thật, bằng sự thật mà đáp. Sa-môn Cù-đàm, hãy nên cùng tôi bàn luận việc này.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Cư sĩ, ông nghĩ sao? Ở đây nếu Ni-kiền ưa bố thí, thích hành việc bố thí, không hý luận, ưa sự không hý luận, rất thanh tịnh, chuyên hành chú[14]. Nếu khi người ấy đi đến đây, đạp chết nhiều côn trùng lớn nhỏ, thì thế nào, Cư sĩ, Ni-kiền Thân Tử đối với việc sát sanh này chủ trương có quả báo ra sao?”

Cư sĩ Ưu-ba-ly đáp:

“Thưa Cù-đàm, nếu người ấy cố ý thì có tội lớn, nếu không cố ý[15] thì không có tội lớn.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Cư sĩ, ông nói cố ý là thế nào?”

Cư sĩ Ưu-ba-ly đáp:

“Thưa Cù-đàm, đó là ý nghiệp[16] vậy.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Cư sĩ, ông nên suy nghĩ rồi trả lời. Những điều nói trước trái với điều sau, sau trái với điều trước, không phù hợp nhau. Cư sĩ, ông ở trong chúng này tự nói: ‘Cù-đàm, tôi an trụ trong sự thật, bằng sự thật mà đáp. Sa-môn Cù-đàm, hãy nên cùng tôi bàn luận việc này’. Cư sĩ, ông nghĩ sao? Nếu có Ni-kiền chỉ uống nước nóng, dứt hẳn nước lạnh[17]. Nhưng khi không có nước nóng bèn muốn uống nước lạnh. Không có nước lạnh người ấy liền chết. Này Cư sĩ, Ni-kiền Thân Tử có thể nói thế nào về chỗ thác sanh của Ni-kiền ấy?”

Cư sĩ Ưu-ba-ly đáp:

“Thưa Cù-đàm, có loại trời gọi là Ý trước[18]. Vị Ni-kiền đó mạng chung, do ý có chấp trước tất sanh vào chỗ ấy.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Cư sĩ, ông nên suy nghĩ rồi sẽ trả lời. Những điều ông nói trước trái với sau, sau trái với trước, không phù hợp nhau. Cư sĩ, ông ở trong chúng này tự nói: ‘Cù-đàm, tôi an trụ trong sự thật, bằng sự thật mà đáp. Sa-môn Cù-đàm, hãy nên cùng tôi bàn luận việc này’. Cư sĩ, ông nghĩ sao, giả sử có người cầm dao bén tới đây, người ấy nói rằng: ‘Trong một ngày tôi chém đầu, lột da, xẻ thịt tất cả chúng sanh ở trong xứ Na-nan-đà này chất thành đống thịt, làm thành khối thịt’. Cư sĩ, ông nghĩ sao, người ấy có thể trong một ngày mà chém đầu, lột da, xẻ thịt tất cả chúng sanh ở xứ Na-nan-đà này chất thành đống thịt, làm thành một khối thịt không?”

Cư sĩ Ưu-ba-ly đáp:

“Không thể. Vì sao như vậy? Xứ Na-nan-đà này quá giàu có an vui, nhân dân đông đúc, cho nên người ấy chắc chắn không thể trong một ngày mà chém đầu, lột da, xẻ thịt tất cả chúng sanh chất thành đống thịt, làm thành khối thịt được. Thưa Cù-đàm, người ấy chỉ gây phiền nhọc vô ích.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Cư sĩ, ông nghĩ sao, nếu có Sa-môn, Phạm chí đến, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, tâm được tự tại, người ấy nói như vầy: ‘Ta chỉ khởi một niệm sân, làm cho cả xứ Na-nan-đà này thiêu rụi thành tro’. Này Cư sĩ, ông nghĩ sao? Sa-môn, Phạm chí ấy có thể làm cho cả Na-nan-đà này thiêu rụi thành tro không?”

Cư sĩ Ưu-ba-ly đáp:

“Thưa Cù-đàm, đâu phải chỉ một Na-nan-đà, đâu phải chỉ hai hoặc ba, hoặc bốn; mà thưa Cù-đàm, Sa-môn Phạm chí kia có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, tâm được tự tại, nếu khởi lên niệm sân thì có thể làm cho hết thảy các nước, hết thảy nhân dân thiêu rụi thành tro, sá gì một Na-nan-đà?”

Đức Thế Tôn bảo:

“Cư sĩ, ông nên suy nghĩ rồi sẽ trả lời. Những điều nói trước trái với sau, sau trái với trước, không phù hợp nhau. Ông ở tại chúng này tự nói: ‘Sa-môn Cù-đàm, tôi an trú trong sự thật, bằng sự thật mà đáp. Sa-môn Cù-đàm, hãy nên cùng tôi bàn luận việc này’.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Cư sĩ, ông có từng nghe rừng Đại-trạch, rừng Kỳ-lân, rừng Mê-lộc, rừng Tĩnh tịch, rừng Không dã; tại sao những khu rừng ấy là những khu rừng?[19]”

Cư sĩ Ưu-ba-ly đáp:

“Thưa Cù-đàm, tôi có nghe.”

“Cư sĩ, ông nghĩ sao? Vì ai mà rừng Đại-trạch, rừng Kỳ-lân, rừng Mê-lộc, rừng Tĩnh tịch, rừng Không dã, tại sao những khu rừng này là những khu rừng?”

Cư sĩ Ưu-ba-ly im lặng không đáp.

Đức Thế Tôn bảo:

“Cư sĩ, hãy trả lời nhanh đi! Hãy trả lời nhanh đi! Bây giờ không phải là lúc im lặng. Cư sĩ! Ở tại chúng này, ông tự nói: ‘Thưa Cù-đàm, tôi an trú trong sự thật, bằng sự thật mà đáp. Sa-môn Cù-đàm, hãy nên cùng tôi bàn luận việc này’.”

Lúc ấy, Cư sĩ Ưu-ba-ly chỉ im lặng trong chốc lát rồi nói:

“Thưa Cù-đàm, tôi không im lặng. Tôi chỉ suy nghĩ về ý nghĩa này vậy. Thưa Cù-đàm, bọn Ni-kiền ngu si kia không hiểu rõ ràng, không thể giải biết, không biết khoảnh ruộng tốt mà không tự xét, cứ mãi lừa dối tôi, tôi mê lầm vì họ, nghĩa là vì nhắm đến Sa-môn Cù-đàm mà họ chủ trương thân phạt là nặng nhất để không làm ác nghiệp, không gây ác nghiệp, khẩu phạt và ý phạt không bằng. Nếu như theo những điều mà Sa-môn Cù-đàm đã nói, tôi hiểu ý nghĩa rằng, bởi vì Tiên nhân khởi một niệm sân mà có thể làm cho rừng Đại-trạch, rừng Kỳ-lân, rừng Mê-lộc, rừng Tĩnh tịch, rừng Không dã, những khu rừng này trở thành những khu rừng.

“Bạch Thế Tôn, con đã biết. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu. Hôm nay con xin quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Cúi xin Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Từ nay về sau, trọn đời con quy y cho đến khi chết”.

Đức Thế Tôn bảo:

“Cư sĩ, ông hãy im lặng mà làm, không nên lớn tiếng tuyên bố[20]. Sự im lặng của người thù thắng[21] như vậy là tốt đẹp.”

Cư sĩ Ưu-ba-ly bạch:

“Bạch Thế Tôn, với sự kiện này, đối với Thế Tôn con lại bội phần hoan hỷ. Vì sao như vậy? Vì Thế Tôn đã nói như thế này: “Cư sĩ, ông hãy im lặng mà làm, không nên lớn tiếng tuyên bố. Sự im lặng của người thù thắng như vậy là tốt đẹp’.

“Bạch Thế Tôn, nếu như con mà làm đệ tử của các Sa-môn, Phạm chí khác thì họ đã cầm tràng phan, dù lọng đi tuyên bố khắp nơi Na-nan-đà, nói như thế này: ‘Cư sĩ Ưu-ba-ly đã làm đệ tử ta! Cư sĩ Ưu-ba-ly đã làm đệ tử ta!’ Nhưng Thế Tôn lại nói như thế này: ‘Cư sĩ, ông hãy im lặng mà làm, không nên lớn tiếng tuyên bố. Sự im lặng của người thù thắng như vậy là tốt đẹp’.”

Cư sĩ Ưu-ba-ly lại bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, từ nay về sau con không cho các Ni-kiền đi vào nhà con. Chỉ có bốn chúng đệ tử Thế Tôn, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di vào mà thôi.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Cư sĩ, các Ni-kiền kia cùng với gia đình ông trong một thời gian dài đã tôn kính nhau. Nếu họ có đến thì ông nên tùy theo khả năng của mình mà cúng dường họ.”

Ưu-ba-ly bạch:

“Bạch Thế Tôn, với sự kiện này, đối với Thế Tôn con lại bội phần hoan hỷ. Vì sao như vậy? Vì Thế Tôn đã nói như thế này: ‘Cư sĩ, các Ni-kiền kia đối với gia đình ông trong một thời gian dài đã tôn kính nhau. Nếu họ có đến thì ông nên tùy theo khả năng của mình mà cúng dường họ’. Bạch Thế Tôn, ngày trước con nghe nói Thế Tôn dạy như thế này: ‘Nên cho Ta, đừng cho người khác. Nếu cho Ta sẽ được phước lớn, nếu cho người khác thì không được phước lớn. Cho đệ tử Ta thì sẽ được phước lớn, cho đệ tử người khác thì không được phước lớn’.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Cư sĩ, Ta không nói như thế. Ta không nói rằng: ‘Nên cho Ta chứ đừng cho người khác. Cho đệ tử Ta chứ đừng cho đệ tử người khác. Nếu cho Ta thì phước lớn, nếu cho người khác thì không được phước lớn. Cho đệ tử Ta sẽ được phước lớn, nếu cho đệ tử người khác thì không được phước lớn’. Cư sĩ, Ta nói như thế này: ‘Hãy cho tất cả tùy theo tâm hoan hỷ. Nhưng cho người không tinh tấn không được phước lớn. Cho người tinh tấn sẽ được phước lớn’.”

Cư sĩ Ưu-ba-ly bạch:

“Bạch Thế Tôn, xin nguyện không làm vậy[22]. Con tự biết nên cho Ni-kiền hay không nên cho Ni-kiền. Bạch Thế Tôn, hôm nay một lần nữa con xin tự quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Cúi xin Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Từ nay về sau, trọn đời quy y cho đến khi chết.”

Khi ấy Đức Thế Tôn thuyết pháp cho Cư sĩ Ưu-ba-ly, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, như pháp của chư Phật, Đức Phật trước hết nói pháp đoan chánh[23] khiến người nghe hoan hỷ, ấy là nói pháp bố thí, trì giới, sanh thiên, chê bai dục là tai hoạn, sanh tử là nhớp nhơ; khen vô dục là đạo phẩm vi diệu, là bạch tịnh.

Thế Tôn nói pháp như vậy cho ông nghe xong, Ngài biết ông có tâm hoan hỷ, tâm cụ túc, tâm nhu nhuyến, tâm kham nại, tâm tăng thượng, tâm hướng đến, tâm không nghi ngờ, tâm không triền cái, có năng lực nhận lãnh chánh pháp. Rồi như pháp chánh yếu mà chư Phật đã nói, Đức Thế Tôn liền nói Khổ, Tập, Diệt, Đạo cho ông nghe. Cư sĩ Ưu-ba-ly ngay tại chỗ ngồi đã thấy bốn Thánh đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng như vải trắng dễ nhuộm sắc màu; cũng vậy, Cư sĩ Ưu-ba-ly ngay tại chỗ ngồi thấy bốn Thánh đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Ngay khi đó, Cư sĩ Ưu-ba-ly thấy pháp, đắc pháp, biết pháp bạch tịnh, đoạn nghi độ hoặc, không còn tôn thờ ai khác, không theo ai khác, không còn do dự, đã trụ quả chứng. Đối với pháp của Thế Tôn được vô sở úy, liền rời chỗ ngồi đứng dậy làm lễ Đức Phật:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con ba lần tự quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Cúi xin Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Từ nay về sau, trọn đời con quy y cho đến khi chết.”

Rồi Cư sĩ Ưu-ba-ly sau khi nghe pháp được Phật giảng dạy, khéo thọ, khéo trì, cúi đầu lễ chân Phật, đi quanh ba vòng, trở về nhà bảo người đứng giữ cửa rằng:

“Các ngươi nên biết, nay ta là đệ tử của Đức Thế Tôn. Từ nay về sau, các Ni-kiền tử đến chớ cho vào cửa, chỉ cho bốn chúng đệ tử của Đức Thế Tôn là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di vào mà thôi. Nếu có Ni-kiền đến thì nói với họ rằng: ‘Tôn giả, Cư sĩ Ưu-ba-ly nay được Phật cải hóa, đã hóa làm đệ tử Phật, nên không cho các Ni-kiền vào cửa, chỉ cho bốn chúng đệ tử của Đức Thế Tôn là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di vào mà thôi. Nếu người cần thức ăn, hãy đứng đó. sẽ đem thức ăn ra cho.”

Khi đó, Ni-kiền Trường Khổ Hạnh nghe Cư sĩ Ưu-ba-ly đã được Sa-môn Cù-đàm cải hóa, hóa làm đệ tử và không cho Ni-kiền vào cửa, chỉ cho đệ tử của Sa-môn Cù-đàm là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di vào. Ni-kiền Trường Khổ Hạnh nghe xong như vậy rồi đi đến chỗ Ni-kiền Thân Tử bạch rằng:

“Thưa tôn sư, đây điều con đã nói trước.”

Ni-kiền Thân Tử hỏi:

“Khổ Hạnh, điều gì gọi là điều ngươi đã nói trước?”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp:

“Thưa tôn sư, con đã nói trước rằng: ‘Không muốn cho Cư sĩ Ưu-ba-ly đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm. Vì sao như vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm biết chú huyễn hóa, có thể dùng chú thuật hóa làm đệ tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Con sợ rằng Cư sĩ Ưu-ba-ly sẽ bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa, hóa làm đệ tử’. Thưa tôn sư, Cư sĩ Ưu-ba-ly nay đã bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa, hóa làm đệ tử rồi, không cho các Ni-kiền vào cửa, chỉ cho đệ tử Sa-môn Cù-đàm là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di vào.”

Ni-kiền Thân Tử nói:

“Khổ Hạnh, Cư sĩ Ưu-ba-ly bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa làm đệ tử, việc ấy hoàn toàn không có. Sa-môn Cù-đàm bị Cư sĩ Ưu-ba-ly biến hóa làm đệ tử, việc ấy chắc chắn có.”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh bạch lại:

“Thưa tôn sư, nếu không tin lời con nói, thì tôn sư có thể thân hành đến, hoặc sai người đến.”

Khi ấy, Ni-kiền thân tử bảo:

“Khổ Hạnh, ông nên thân hành đến đó xem sao. Có phải Cư sĩ Ưu-ba-ly đã bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa làm đệ tử rồi chăng? Hay là Sa-môn Cù-đàm bị Cư sĩ Ưu-ba-ly biến hóa làm đệ tử rồi?”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh vâng lệnh Ni-kiền Thân Tử, đi đến nhà Cư sĩ Ưu-ba-ly. Người giữ cửa vườn trông thấy Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đến, liền nói như thế này:

“Tôn giả, Cư sĩ Ưu-ba-ly nay đã được Phật cải hóa, hóa thành đệ tử Phật rồi, nên không cho các Ni-kiền vào cửa, chỉ cho bốn chúng đệ tử của Thế Tôn là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di vào thôi. Nếu ngài muốn nhận thức ăn thì nên đứng đó, con sẽ đem thức ra cho.

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh nói:

“Người giữ cửa, ta không cần thức ăn.”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh biết việc này như vậy rồi, lắc đầu bỏ đi, về tới chỗ Ni-kiền Thân Tử thưa:

“Thưa tôn sư, đây là điều con đã nói trước.”

Ni-kiền thân tử hỏi:

“Khổ Hạnh, cái gì gọi là điều ông đã nói trước?”

Trường khổ hạnh Ni-kiền đáp:

“Thưa tôn sư, tôi đã nói rằng: ‘Không muốn cho Cư sĩ Ưu-ba-ly đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm. Vì sao như vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm biết chú huyễn hóa, có thể dùng chú thuật hóa làm đệ tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Con sợ rằng Cư sĩ Ưu-ba-ly sẽ bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa, hóa làm đệ tử’. Thưa tôn sư, Cư sĩ Ưu-ba-ly nay đã bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa, hóa làm đệ tử rồi, không cho các Ni-kiền vào cửa, chỉ cho đệ tử Sa-môn Cù-đàm là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di vào.”

Ni-kiền Thân Tử nói:

“Khổ Hạnh, Cư sĩ Ưu-ba-ly bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa làm đệ tử, việc ấy hoàn toàn không có. Sa-môn Cù-đàm bị Cư sĩ Ưu-ba-ly biến hóa làm đệ tử, việc ấy chắc chắn có.”

Ni-kiền Trường Khổ Hạnh bạch lại:

“Thưa tôn sư, nếu không tin lời con nói, thì tôn sư có thể thân hành đến.

Lúc đó Ni-kiền thân tử và đại chúng Ni-kiền năm trăm người cùng đi đến nhà Cư sĩ Ưu-ba-ly. Người giữ cửa vừa trông thấy Ni-kiền Thân Tử và đại chúng Ni-kiền năm trăm người kéo đến, nói như thế này: “Thưa Tôn giả, Cư sĩ Ưu-ba-ly nay đã được Phật cải hóa, hóa thành đệ tử Ngài rồi, nên không cho các Ni-kiền vào cửa, chỉ cho bốn chúng đệ tử của Thế Tôn là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di vào cửa mà thôi. Nếu ngài muốn nhận thức ăn thì nên đứng đó, con sẽ đem thức ăn ra cho.”

Ni-kiền Thân Tử nói:

“Người giữ cửa, ta không cần thức ăn, Ta chỉ muốn gặp Cư sĩ Ưu-ba-ly.”

Người giữ cửa nói:

“Xin ngài đứng đó, để con thưa với Cư sĩ Ưu-ba-ly.”

Người giữ cửa kia liền vào thưa rằng:

“Thưa Cư sĩ, Ni-kiền Thân Tử cùng đại chúng Ni-kiền năm trăm người đứng ở ngoài cửa, nói như thế này: ‘Ta muốn được gặp Cư sĩ Ưu-ba-ly.’”

Cư sĩ Ưu-ba-ly bảo người giữ cửa:

“Ngươi đến cửa giữa[24] trải bày tòa ngồi. Bày xong trở lại cho ta biết.”

Người giữ cửa vâng lệnh, đi đến cửa giữa trải bày giường ngồi xong rồi trở lại thưa:

“Thưa Cư sĩ, đã trải giường xong, kính mong Cư sĩ tự biết thời.”

Cư sĩ Ưu-ba-ly dẫn người giữ cửa đi đến nhà giữa. Ở đó có một cái giường thật cao rộng, to lớn, rất sạch sẽ, được trải khéo léo, đó là chỗ Cư sĩ Ưu-ba-ly trước kia đã bế[25] Ni-kiền Thân Tử để ngồi lên đó, thì bây giờ Cư sĩ Ưu-ba-ly tự leo lên ngồi kiết già, bảo với người giữ cửa:

“Ngươi ra chỗ Ni-kiền Thân Tử nói như thế này: ‘Tôn nhân, Cư sĩ Ưu-ba-ly nói tôn nhân muốn vào thì tùy ý’.”

Người giữ cửa vâng lệnh đi ra, đến chỗ Ni-kiền nói như thế này:

“Tôn nhân, Cư sĩ Ưu-ba-ly nói: Tôn nhân muốn vào thì tùy ý.”

Lúc đó, Ni-kiền Thân Tử và đại chúng Ni-kiền năm trăm người cùng đến nhà giữa. Cư sĩ Ưu-ba-ly vừa trông thấy Ni-kiền Thân Tử và đại chúng Ni-kiền năm trăm người cùng vào, nói như thế này:

“Tôn nhân, ở đây có chỗ ngồi, muốn ngồi xin tùy ý.”

Ni-kiền thân tử nói:

“Cư sĩ, ông làm như vậy phải lẽ chăng? Tự mình lên tòa cao ngồi kiết già cùng nói chuyện với người như người xuất gia học đạo không khác?”

Cư sĩ Ưu-ba-ly nói:

“Tôn nhân, tôi có đồ vật của mình, muốn cho thì cho, không cho thì không cho. Chỗ ngồi này là của tôi, cho nên tôi nói có chỗ ngồi, muốn ngồi xin tùy ý.”

Ni-kiền Thân Tử trải chỗ ngồi mà ngồi, rồi nói rằng:

“Cư sĩ, vì sao như vậy? Muốn hàng phục Sa-môn Cù-đàm nhưng khi trở về đã bị hàng phục. Cũng như có người vào rừng nên đi tìm con mắt, nhưng khi trở về bị mất con mắt. Cũng vậy, Cư sĩ, muốn đến hàng phục Sa-môn Cù-đàm nhưng khi trở về đã bị hàng phục. Cũng như người vì khát mà xuống ao; nhưng trở lên vẫn cứ khát. Cư sĩ cũng như vậy, muốn đi chinh phục Sa-môn Cù-đàm, thì bị chinh phục ngược trở lại. Cư sĩ, vì sao như vậy?”

Cư sĩ Ưu-ba-ly nói:

“Tôn nhân, xin nghe tôi nói dụ. Người trí tuệ nghe dụ thì hiểu được ý nghĩa. Tôn nhân, ví như có một người Phạm chí có người vợ trẻ. Người vợ kia đang có thai, nói với chồng rằng: ‘Tôi nay mang thai, anh hãy đến chợ mua đồ chơi đẹp về cho con’. Lúc đó, Phạm chí kia nói với vợ rằng: “Chỉ mong em được bình yên sinh sản, rồi lo gì mà không có. Nếu sanh con trai thì mua đồ chơi con trai cho nó. Nếu sanh con gái thì mua đồ chơi con gái cho nó’. Người vợ lại ba lần nói với chồng: ‘Tôi nay đang mang thai, anh hãy đến chợ mua đồ chơi về cho con’. Phạm chí đã ba lần nói lại với vợ rằng: Chỉ mong em được bình yên sanh sản, rồi lo gì mà không có. Nếu sanh con trai thì phải mua đồ chơi con trai. Còn nếu sanh con gái thì mua đồ chơi con gái’. Phạm chí kia thương vợ quá sức, liền nói rằng: ‘Em muốn mua đồ chơi gì cho con?’ Người vợ đáp: ‘Anh mua đồ chơi đẹp là con khỉ con’. Phạm chí nghe rồi, đi vào chợ mua đồ chơi đẹp bằng con khỉ con, đem về nói với vợ: ‘Tôi đã mua đồ chơi đẹp bằng khỉ con về đây’. Người vợ thấy rồi chê rằng màu sắc không đẹp, liền nói với chồng: ‘Anh nên đem thứ đồ chơi khỉ con này thợ nhuộm màu vàng để được rất dễ thương hơn và nhồi cho nó phát ra ánh sáng’. Phạm chí nghe xong, liền cầm đồ chơi con khỉ con đến thợ nhuộm, nói rằng: ‘Hãy nhuộm đồ chơi khỉ con này thành sắc vàng, làm cho nó rất dễ thương và nhồi cho nó phát ra ánh sáng cho tôi’. Khi ấy người thợ nhuộm nói với Phạm chí: ‘Đồ chơi khỉ con nhuộm thành màu vàng làm cho dễ thương, việc này làm được, nhưng không thể nhồi cho nó phát ra ánh sáng được’.

“Khi ấy người thợ nhuộm nói tụng này:

‘Khỉ nhỏ tiếp nhận sắc,
Không hay chịu đảo nhồi.
Nếu nhồi, nó sẽ chết;
Chịu sao được với chày?
Đây là đãy xú uế,
Khỉ con đầy bất tịnh’.

“Thưa Tôn nhân, nên biết, những điều được Ni-kiền thuyết cũng giống như vậy, không thể chịu đựng được những nạn vấn của người khác, cũng không thể suy nghĩ quán sát được. Chỉ có nhuộm sự ngu si, không nhuộm trí tuệ. Tôn nhân, xin hãy nghe đấy. Cũng như chiếc áo Ba-la-nại thanh tịnh, người chủ cầm đến thợ nhuộm, nói rằng: ‘Nhuộm giùm chiếc áo này thành cực đẹp, làm cho dễ yêu, cũng đập nhồi kỹ cho nó phát ánh sáng’. Lúc đó, thợ nhuộm bảo với chủ áo rằng: ‘Áo này có thể nhuộm thành màu sắc cực đẹp, làm cho dễ ưa; cũng có thể đập nhồi cho phát ánh sáng’.

“Khi ấy thợ nhuộm nói tụng này:

‘Như vải Ba-la-nại,
Trắng sạch, chịu sắc màu;
Đập xong thời mềm mại,
Sáng chói, càng thêm đẹp’.

“Thưa Tôn nhân, những điều các Đấng Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đã dạy cũng như vậy; rất đủ khả năng chịu đựng những nạn vấn của kẻ khác, cũng có thể suy nghĩ quán sát một cách thỏa đáng được; chỉ có nhuộm trí tuệ, không nhuộm ngu si.”

Ni-kiền Thân Tử nói:

“Cư sĩ, ông đã bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa bằng chú huyễn thuật.”

Cư sĩ Ưu-ba-ly nói:

“Tôn nhân, thật tốt đẹp loại chú huyễn hóa ấy, rất tốt đẹp loại chú huyễn hóa. Thưa Tôn nhân, loại chú huyễn hóa đó làm cho cha mẹ tôi được lợi ích an ổn, khoái lạc lâu dài; vợ con, nô tỳ, người giúp việc, quốc vương Na-nan-đà và tất cả thế gian, chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người đến trời, làm cho họ được lợi ích an ổn khoái lạc lâu dài.”

Ni-kiền thân tử nói:

“Cư sĩ, toàn cõi Na-nan-đà đều biết Cư sĩ Ưu-ba-ly là đệ tử Ni-kiền, nay đây cuối cùng là đệ tử của ai?”

Khi ấy, Cư sĩ Ưu-ba-ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, gối phải quỳ xuống đất, nhắm phương có Phật, chắp tay hướng về, nói:

“Tôn nhân, hãy nghe điều tôi nói đây:

Đại Hùng, trừ si ngốc;

Diệt uế, bắt hàng phục.
Vô địch, vi diệu tư,
Học giới, thiền, trí tuệ;
An ổn không bợn nhơ;
Ba-ly đệ tử Phật.
Bậc Đại Thánh tu nhiều;
Thành đức tự tại thuyết.
Khéo niệm, quán sát mầu;
Không thấp, cũng không cao;
Bất động, thường tự tại;
Ba-ly đệ tử Phật.
Không cong, thường biết đủ;
Thỏa mãn, trừ xan tham;
Hiện Sa-môn chứng ngộ,
Tôn đại sĩ, hậu thân;
Vô tỷ, không nhiễm trần;
Ba-ly đệ tử Phật.
Bao dung, không ganh ghét;
Đấng Tịch Mặc nhiệm mầu,
Dũng mãnh, hằng an ổn;
Trụ pháp, vi diệu tư,
Chế ngự, không hý bỡn;
Ba-ly đệ tử Phật.
Đại long sống vượt tục,
Giải trừ mọi sử kiết,
Ưng thanh tịnh biện tài,
Tuệ phát, dứt vui buồn;
Đức Thích-ca, cõi ngoài;
Ba-ly đệ tử Phật.
Thiền tư duy Chánh pháp,
Thanh tịnh, nhiễu loạn trừ;
Thường cười, không hờn giận;
Đệ nhất đời viễn ly.
Thường chuyên tinh, vô úy
Ba Ly đệ tử Phật
Bậc Thất Tiên[26] vô đẳng,
Chứng tịnh hạnh, tam minh[27].
Tắm sạch, như đèn sáng
Yên nghỉ, dứt oán kết;
Dũng mãnh, cực thanh tịnh’
Ba-ly đệ tử Phật.
Tịch tĩnh, tuệ như đất;
Trí trừ tham thế gian;
Đáng thờ, con mắt siêu;
Thượng sỹ không ai sánh;
Tự điều ngự, triệt sân;
Ba-ly đệ tử Phật.
Đoạn dục[28], vô thượng thiện;
Khéo điều ngự vô song;
Vô thượng thường hoan hỷ;
Trừ nghi, rực sắc quang;
Đoạn mạn, vô thượng giác;
Ba-ly đệ tử Phật.
Đoạn ái, giác tối thượng;
Khói tan, lửa đã tắt;
Đấng Như Khứ[29], Thiện Thệ;
Đấng Vô Đẳng, Tối Tôn;
Đấng Đại Danh, Chân Chánh;
Ba-ly đệ tử Phật.
Trăm lời tán Phật này,
Tự phát, không cần suy.
Những sự Ba-ly nói,
Chư Thiên đến hội tề.
Khéo gia sức hùng biện;
Đúng pháp, đúng nhân tài.
Ni-kiền thân tử hỏi:
‘Đệ tử của Như Lai’.”

Ni-kiền Thân Tử hỏi:

“Cư sĩ, ông ca ngợi Sa-môn Cù-đàm với ý gì?”

Cư sĩ Ưu-ba-ly đáp:

“Hãy nghe tôi nói dụ, người trí nghe dụ thì hiểu rõ ý nghĩa. Như thầy trò người làm tràng hoa, chọn các loại hoa, dùng dây dài kết làm các loại tràng hoa. Cũng vậy, này Tôn nhân, Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, có vô lượng xưng tán, là đấng tối tôn thờ, nên tôi ca ngợi.”

Khi nói pháp này, Cư sĩ Ưu-ba-ly xa lìa trần cấu, phát sanh con mắt pháp thấy các pháp. Ni-kiền Thân Tử liền mửa máu nóng, rồi đến nước Bà-hòa[30] vì bệnh này mà mạng chung.

Phật nói như vậy, Cư sĩ Ưu-ba-ly nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

[1]. Bản Hán, quyển 32. Tương đương Pāli, M. 56. Upāli-suttaṃ.

[2]. Na-nan-đà 那 難 陀. Pāli: Nāḷandā.

[3]. Ba-bà-ly nại lâm 波 婆 離 柰 林. Pāli: Pāvārikambavana, khu rừng xoài của Pāvārika, một đại phú tại Nālānda (Na-nan-đà), một thị trấn ở gần Rājagaha.

[4]. Trường Khổ Hạnh Ni-kiền 長 苦 行 尼 犍. Pāli: Dīghatapassī-nigantha, một đệ tử của Nigaṇṭha-Nātaputta (Ni-kiền Thân Tử).

[5]. Ni-kiền Thân Tử 尼 犍 親 子, Nigaṇṭha-Nātaputta.

[6]. Hán: kỷ hành linh bất hành ác nghiệp bất tác ác nghiệp 幾 行 令 不 行 惡 業 不 作 惡 業. Pāli: kati…kammāni paññapeti pāpassa kammassa kiriyāya pāpassa kammassa pavattiyā’ti, có bao nhiêu nghiệp để thi hành ác nghiệp, để tiến hành ác nghiệp?

[7]. Tam phạt: thân phạt, khẩu phạt, ý phạt 三 罰 身 罰 口 罰 意 罰. Pāli: tiṇi … daiḍāni paññapeti… seyyathidam, kāyadaṇḍaṃ vacīdaṇḍaṃ manodaṇḍaṃ.

[8]. Sở tác trí biện, thông minh quyết định, an ổn vô úy, thành tựu điều ngự, đãi đắc biện tài đắc cam lộ tràng, ư cam lộ giới, tự tác chứng thành tựu du 所 作 智 辯, 聰 明 決 定, 安 隠 無 畏, 成 就 調 御, 逮 得 辯 扌, 得 甘 露 幢 , 於 甘 露 界, 自 作 證 成 就 遊. Lời khen ngợi này cũng giống như lời khen ngợi giữa Tôn giả Xá-lợi-phất và Mãn Từ Tử trong kinh số 9 trên.

[9]. Ưu-ba-ly cư sĩ 優 波 離 居 士, đệ tử tại gia của Ni-kiền Thân Tử. Pāli: Upāli- gahapati.

[10]. Chấp trường mao dương 執 長 髦 羊. Pāli: dīghalomikaṃ eḷakaṃ lomesu gahetvā, túm lấy lông của con dê có lông dài.

[11]. Cô tửu sư 沽 酒 師 (nhà bán rượu). Cô, Tống-Nguyên-Minh: 酤; Pāli, gồm hai thí dụ: balavā soṇḍikākammakaro, lực sĩ nấu ruợu; và balavāsoiḍikādhutto, lực sĩ say rượu.

[12]. Kiêu ngạo Ma-ha-năng-già 憍 傲 摩 訶 能 加. Không rõ Pāli; nhưng Sanskrit có thể là pramādana-mahānāga, con voi chúa say rượu; thay vì pra-māna- (kiêu mạn). Thí dụ này, trong bản Pāli: (…) kuñjaro saṭṭhihāyano, con voi già sáu mươi tuổi.

[13]. Pāli: sace kho tvaṃ gahapati sacce patiṭṭhāya manteyyāsi siyā no ettha kathāsallāpo ti, “nếu ông an trú trên sự thật mà tư duy thì ở đây có thể có hội thoại của chúng ta”.

[14]. Trong bản Pāli, đề cập bốn chế giới của Ni-kiền Tử, cātuyāmasaṃvarasaṃvutto: sabbavārivārito sabbavāriyutto sabbavāridhuto sabbavāriphuṭo, hoàn toàn cấm chỉ nước, hoàn toàn chuyên tâm (vào sự cấm chế tất cả nước).

[15]. Hán: tư 思, và vô tư. Pāli: cetana; và asañcetanika.

[16]. Bản Hán, tư tức ý nghiệp. Bản Pāli: tư trong trường hợp này là ý phạt: cetanṃ… manodaiḍaṣmiṃ.

[17]. Pāli: (…) nigaṇṭho ābādhika… sītodakapaṭikkhito uṇhodakapaṭisevī, có người Ni-kiền bệnh… không uống nước lạnh, mà chỉ uống nước nóng.

[18]. Ý trước (thiên) 意 著 天. Pāli: Manosatta, những ai khi chết mà còn có chỗ chấp trước sẽ tái sinh vào đây.

[19]. Đại-trạch vô sự, Kỳ-lân vô sự, Mi-lộc vô sự, Tĩnh tịch vô sự, Không dã vô sự 大 澤 無 事, 麒 麟 無 事, 麋 鹿 無 事, 靜寂 無 事, 空 野 無 事. Tham chiếu dẫn chứng của Duy thức nhị thập luận: rừng Đàn-trạch-ca, rừng Ma-đăng-già, rừng Kiết-lăng-già. Những khu rừng này trước kia vốn là những đô thị trù phú, nhưng do sự phẫn nộ của các đạo sĩ, chúng trở thành rừng xanh. (Xem giải thích của Khuy Cơ, Duy thức nhị thập luận thuật ký. No.1834, trang 1005 a và tt). Các khu rừng được kể trong bản Pāli: Daṇḍakāraññaṃ Kāliṅgāraññaṃ Mejjhāraññaṃ Mātaṅgāraññaṃ.

[20]. Hán: mặc nhiên hành…; Pāli: manasi karohi…manasi karitvā vyākarohi: hãy suy nghĩ chín chắn. Suy nghĩ chín chắn rồi hãy tuyên bố.

[21]. Thắng nhân 勝 人. Pāli nói: ñāta-nanussa, người nổi tiếng, vì Upāli vốn là nhân vật nổi tiếng.

[22]. Nguyện vô vi dã 願 無 為 也. Không rõ nghĩa chính xác.

[23]. Đoan chánh pháp 端 正 法. Trong bản Pāli: anupubbikathā, thuận tự pháp thoại.

[24]. Hán: trung môn 中 門. Pāli: majjhimāya dvārasālāya, căn nhà (phòng) giữa có trổ cửa lớn.

[25]. Hán: bão 抱. Tống-Nguyên-Minh: thí 施.

[26]. Đức Thích-ca cũng được xưng hiệu là Đệ Thất Tiên.

[27]. Nguyên Hán: tam đạt 三 達.

[28]. Hán: đoạn vọng 斷 望.

[29]. Như khứ 如 去, cùng nghĩa với Như Lai. Đối với Niết-bàn mà nói là Như Lai, đối với sanh tử mà nói là Như khứ.

[30]. Ba-hòa quốc 波 惒 國.Tức Pāli: Pāva; xem kinh số 196.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]