- Kinh Trung A Hàm (17 phẩm)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 2)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 3)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 4)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 5)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 6)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 7)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 8)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 9)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 10)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 11)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 12)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 13)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 14)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 15)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 16)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 17)
- Mời xem phiên bản PDF với Scribd
Kinh Trung A Hàm
30. Kinh Tượng tích dụ [1]
Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Này chư Hiền, nếu có vô lượng thiện pháp, thì tất cả các thiện pháp ấy đều thu nhiếp vào bốn Thánh đế, đi vào trong bốn Thánh đế[2]. Nghĩa là, trong tất cả pháp, bốn Thánh đế là tối thượng bậc nhất. Vì sao thế? Vì nhiếp thọ tất cả các thiện pháp.
“Này chư Hiền, cũng như trong các dấu chân của loài thú vật, dấu chân voi là bậc nhất. Vì sao thế? Vì dấu chân voi rất là to lớn vậy.
“Cũng vậy, này chư Hiền, có vô lượng thiện pháp, thì tất cả các thiện pháp ấy đều thu nhiếp vào bốn Thánh đế, đi vào trong bốn Thánh đế. Nghĩa là trong tất cả pháp, bốn Thánh đế là tối thượng bậc nhất.
“Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo Thánh đế.
“Này chư Hiền, thế nào là Khổ Thánh đế[3]? Đó là, sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, oán ghét mà tự hội là khổ, thương yêu mà biệt ly là khổ, mong cầu mà không được là khổ, nói tóm lược năm thủ uẩn là khổ[4].
“Này chư Hiền, những gì là năm thủ uẩn? Đó là sắc thủ uẩn, thọ, tưởng hành và thức thủ uẩn.
“Này chư Hiền, cái gì là sắc thủ uẩn? Những gì có sắc, tất cả đều là bốn đại và bốn đại tạo[5].
“Này chư Hiền, những gì là bốn đại? Đó là địa giới, thủy giới, hỏa giới và phong giới[6].
“Này chư Hiền, cái gì là địa giới? Chư Hiền, địa giới có hai, có nội địa giới và có ngoại địa giới.
“Này chư Hiền, những gì là nội địa giới[7]? Đó là, những gì ở trong thân, được thâu nhiếp trong thân như vật cứng, có tính chất cứng, được chấp thọ bên trong[8]. Đó là những gì? Đó là tóc, lông, móng, răng, da thô và mịn, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, lá lách, ruột, bao tử, phẩn và những thứ khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong, có tính chất cứng, bị chấp thủ bên trong. Đó là nội địa giới.
“Này chư Hiền, ngoại địa giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm[9]. “Này chư Hiền, có lúc bị thủy tai, khi ấy ngoại địa giới tiêu diệt[10].
“Này chư Hiền, ngoại địa giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch, huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận giữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc’. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng, vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc’. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó hoặc có người thơ ấu, niên thiếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tận, pháp ly tán. Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập’. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, sẽ khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, kéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ’.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.
“Này chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng. Này chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả tất cả hữu[11], lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả đại.
“Này chư Hiền, cái gì là thủy giới[12]? Chư Hiền, thủy giới có hai; có nội thủy giới và có ngoại thủy giới. Chư Hiền, cái gì là nội thủy giới? Đó là ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, những gì là nước, thuộc về nước, ẩm ướt, bị chấp thủ bên trong. Đó là những gì? Đó là mỡ, óc[13], nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, tủy, nước dãi, nước tiểu, tất cả những chất khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, những gì là nước, thuộc về nước, ẩm ướt, bị chấp thủ bên trong. Này chư Hiền, đó là nội thủy giới.
“Này chư Hiền, ngoại thủy giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm. “Này chư Hiền, có lúc bị hỏa tai, khi ấy ngoại thủy giới tiêu diệt[14].
“Này chư Hiền, ngoại địa giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch[15], huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này[16]. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia[17]’. Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận giữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng, vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó hoặc có người thơ ấu, niên thếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tậân, pháp ly tán. Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập’. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, sẽ khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ’.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.
“Này chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng. Này chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn, xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả tất cả hữu, lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả Đại.
“Này chư Hiền, thế nào là hỏa giới? Này chư Hiền, hỏa giới có hai; có nội hỏa giới và có ngoại hỏa giới. Này chư Hiền, thế nào là nội hỏa giới? Đó là ở trong thân, được thâu nhiếp ở trong thân, những gì là lửa, có tính chất nóng, được chấp thủ trong thân. Đó là những gì? Đó là, thân nóng hấp, thân nóng bức, bức rức, ấm áp, và sự tiêu hóa ẩm thực, tất cả những chất khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, thuộc tính nóng, được chấp thủ bên trong. Này chư Hiền, đó là nội hỏa giới.
“Này chư Hiền, ngoại hỏa giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm.
“Này chư Hiền, có lúc khi ngoại hỏa giới phát khởi, nó đốt cháy thôn ấp, thành quách, núi rừng, đồng ruộng; cháy như vậy rồi lan đến đường cái, đến sông nước, cho đến khi không còn gì cháy mới tắt. Chư Hiền, sau khi ngoại hỏa giới diệt, nhân dân muốn lấy lửa hoặc dùng gỗ hay tre cọ vào nhau, hoặc dùng đá lửa bằng châu ngọc[18].
“Này chư Hiền, ngoại hỏa giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch, huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận dữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng, vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó hoặc có người thơ ấu, niên thiếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tậân, pháp ly tán. Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập’. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: Giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, sẽ khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ’.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.
“Này chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng. Này chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả tất cả hữu, lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả Đại.
“Này chư Hiền, thế nào là phong giới? Này chư Hiền, ở đây phong giới có hai; có nội phong giới và ngoại phong giới. Này chư Hiền, thế nào là nội phong giới? Đó là ở trong thân, được thâu nhiếp ở trong thân những gì là gió, thuộc tính chuyển động của gió, bị chấp thủ bên trong. Đó là những gì? Đó là gió đi lên, gió đi xuống, gió trong bụng, gió ngang[19], gió co thắt lại, gió như dao cắt[20], gió nhảy lên, gió phi đạo, gió thổi qua tay chân, gió của hơi thở ra, gió của hơi thở vào, tất cả những chất khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, những gì là gió, thuộc tính chuyển động của gió, được chấp thủ bên trong. Này chư Hiền, đó là nội phong giới.
“Này chư Hiền, ngoại phong giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm.
“Này chư Hiền, có lúc ngoại phong giới phát khởi lên. Khi ngoại phong giới phát khởi thì nhà sập, cây bị tróc, núi lở; khi núi non đã lở rồi, gió liền dừng lại, mảy lông cũng chẳng lay động. Này chư Hiền, sau khi ngoại phong giới dừng lại, nhân dân tìm kiếm gió, hoặc dùng quạt, hặc dùng lá đa, hoặc dùng áo tìm gió.
“Này chư Hiền, ngoại phong giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch, huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận giữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng, vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó hoặc có người thơ ấu, niên thiếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tậân, pháp ly tán. Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập’. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, sẽ khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ’.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.
“Này chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng. Này chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả tất cả hữu, lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả Đại.
“Này chư Hiền, cũng như nhờ cây gỗ, nhờ bùn đất, nhờ cỏ và nước, che kín trong một khoảng không nên sanh ra cái tên gọi là ‘nhà’. Chư Hiền, nên biết, thân này cũng lại như vậy, nhờ gân cốt, nhờ da dẻ, nhờ thịt, máu bao bọc một khoảng không nên sanh ra cái tên gọi là ‘thân’.
“Này chư Hiền, như có người bị hư nhãn xứ bên trong, nên ngoại sắc không được ánh sáng rọi đến, thành ra không có niệm và nhãn thức không phát sanh. Này chư Hiền, nếu nội nhãn xứ không bị hư hoại thì ngoại sắc sẽ được ánh sáng rọi đến và liền có niệm, nên sanh ra nhãn thức.
“Này chư Hiền, nhãn xứ bên trong và sắc, cùng với nhãn thức biết ngoại sắc, đó thuộc về sắc uẩn. Nếu có thọ, đó là thọ uẩn. Nếu có tưởng thì đó là tưởng uẩn. Nếu có tư thì đó là tư uẩn. Nếu có thức thì đó là thức uẩn. Như vậy quán sát sự hội hợp của các uẩn.
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Nếu ai thấy duyên khởi tức thấy pháp; nếu thấy pháp tức thấy duyên khởi[21]’. Vì sao thế? Này chư Hiền, Đức Thế Tôn nói năm thủ uẩn từ nhân duyên mà sanh. Sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn cũng vậy.
“Này chư Hiền, nếu nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý xứ bên trong bị hư hoại thì các pháp bên ngoài sẽ không được ánh sáng rọi đến nên không có niệm, do đó ý thức không sanh khởi được. Này chư Hiền, nếu nội ý xứ không bị hư hoại thì pháp bên ngoài sẽ được ánh sáng rọi đến và liền có niệm nên sanh ra ý thức[22].
“Này chư Hiền, ý thức bên trong và pháp cùng với ý thức biết sắc pháp bên ngoài, đó thuộc về sắc uẩn. Nếu có thọ, đó là thọ uẩn. Nếu có tưởng thì đó là tưởng uẩn. Nếu có tư thì đó là tư uẩn. Nếu có thức thì đó là thức uẩn. Như vậy quán sát sự hội hợp của các uẩn.
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Nếu ai thấy duyên khởi tức thấy pháp; nếu thấy pháp tức thấy duyên khởi’. Vì sao thế? Này chư Hiền, Đức Thế Tôn nói năm thủ uẩn từ nhân duyên mà sanh. Sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn cũng vậy. Vị ấy nhàm tởm năm thủ uẩn này, thuộc trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai này, do nhàm tởm nên vô dục, vô dục liền giải thoát, giải thoát rồi liền biết giải thoát, biết một cách như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.
“Này chư Hiền, đó là Tỳ-kheo đã học tất cả về Đại”.
Tôn giả Xá-lê Tử thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Xá-lê Tử thuyết xong, hoan hỷ phụng hành.
[1]. Thí dụ về dấu chân voi. Tương đương Pāli: M. 28 Mahāhatthipadopama-suttaṃ.
[2]. Tứ Thánh đế 四 聖 諦. Pāli: cattāri ariyasaccāni.
[3]. Khổ Thánh đế 苦 聖 諦. Pāli: dukkhaṃ ariyasaccaṃ.
[4]. Hán: ngũ thạnh ấm khổ 五 盛 陰 苦. Pāli: upādānakkihandhā dukkhā.
[5]. Tứ đại 四 大 và tứ đại tạo 四 大 道. Pāli: cattāri ca mahābhūtāni catunnañ ca mahā- bhuātānaṃ upādāya rūpaṃ.
[6]. Địa, thủy, hỏa, phong giới 地 水 火 風 界. Pāli: cattāro mahābhūtā: paṭhavīdhātu āpodhātu tejodhātu vāyodhātu.
[7]. Nội địa giới 內 地 界. Pāli: ajjhattikā paṭhavīdhātu.
[8]. Hán: nội thân trung, tại nội sở nhiếp kiên, kiên tánh trụ, nội chi sở thọ 內 身 中, 在 內 所 攝 堅, 堅 性 住, 內 之 所 受. So sánh Pāli: yaṃ ajjhattaṃ paccataṃ kakkhaḷaṃ kharigataṃ upādiṇṇaṃ, “cái gì thuộc nội thân, cá biệt, thô cứng, thuộc thể rắn, được chấp thủ.”
[9]. Đại, tịnh, bất tắng ố 大, 淨, 不 憎 惡. Đại vì kích thước lớn hay phổ biến. Nói tịnh và bất tắng ố, vì không phải là đối tượng để quán bất tịnh.
[10]. Pāli: hoti... samayo yam bāhirā āpodhātu pakuppati, antarahitā tasmiṃ samaye bāhirā paṭhavīdhatu, có một thời ngoại thủy giới bị chấn động (thịnh nộ), khi ấy ngoại địa giới biến mất.
[11]. Hán: diệu, tức tịch, xả, ly 妙 息 寂 捨 離, tức diệt, tịnh, diệu, ly, bốn hành tướng của diệt đế theo Hữu bộ; xem Câu-xá 23 (Đại, tr.119b).
[12]. Thủy giới 水 界. Pāli: āpodhātu.
[13]. Hán: não căn 腦 根 (chỉ tủy sống); bản Nguyên-Minh: chi nhãn 脂 眼 (con mắt có mỡ, hay mỡ nơi con mắt). Không tìm thấy tương đương trong bản liệt kê của Pāli.
[14]. Pāli: hoti... samayo yam bāhirā āpodhātu pakuppati, sā gamaṃ pi vahati, nigamaṃ pi vahati, có một thời ngoại thủy giới bị chấn động (cuồng nộ), nó cuốn đi làng mạc, thị trấn...
[15]. Vô thường pháp, tận pháp, suy pháp, biến dịch pháp 無 常 法, 盡 法, 衰 法, 變 易 法. Pāli: aniccatā, khayadhammatā, vayadhammatā, vipariṇāmadhammatā, tính vô thường, pháp tánh diệt tận, pháp tánh băng hoại, pháp tánh biến dịch.
[16]. Hán: ái sở thọ 愛 所 受. Pāli: taṇhupādiṇṇassa...
[17]. Hán: thị ngã, thị ngã sở, ngã thị bỉ sở 是 我, 是 我 所, 我 是 彼 所. Pāli: ahan ti vā maman ti vā asmī ti, “tôi, của tôi, tôi hiện hữu”.
[18]. Hán: hoặc dĩ châu toại 或 以 珠 燧. Pāli: kukkuṭapattena pi nahārudaḍulena, bằng lông cánh gà, hoặc bằng dây gân.
[19]. Hành phong 行 風. Kinh 162 nói: hiếp phong. Pháp uẩn 21 (Đại 26, tr.503) cũng nói vậy.
[20]. Đao phong 刀 風, gió lúc chết, rát như dao cắt.
[21]. Pāli: Yo paticcasamuppādani passati so dhamman passati, yo dhamman passati so paticcasamuppādani passati.
[22]. Dẫn chứng của Đại Tỳ-bà-sa 12, (Đại 27, tr, 58c ). Nhược hữu nội ý xứ bất hoại, ngoại pháp hiện tiền, cập năng sanh tác ý chánh khởi, nhĩ thời ý thức sanh.