Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

143. Kinh Thương-ca-la [1]

10/05/201312:08(Xem: 16563)
143. Kinh Thương-ca-la [1]

Kinh Trung A Hàm

143. Kinh Thương-ca-la [1]

Thích Tuệ Sỹ dịch

Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Ma-nạp Thương-ca-la[2] sau giữa trưa, thong dong tản bộ, đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, con có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho mới dám trình bày”.

Thế Tôn nói:

“Ma-nạp, muốn hỏi gì cứ hỏi”.

Ma-nạp Thương-ca-la bèn hỏi:

“Bạch Cù-đàm, Phạm chí đúng như pháp mà hành khất tài vật, tự mình trai tự[3], hoặc dạy người khác trai tự. Bạch Cù-đàm, nếu tự mình trai tự hay dạy người khác trai tự, những người ấy đều hành trên vô lượng phước tích[4], vì do nơi trai tự vậy. Đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, tùy theo dòng tộc[5], cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo, tự mình chế ngự, tự mình tịch tịnh, tự mình cứu cánh tịch diệt. Như vậy, đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, thùy theo dòng tộc, chỉ hành trên một phước tích chứ không hành trên vô lượng phước tích, do bởi sự học đạo vậy.”

Bấy giờ Tôn giả A-nan đang cầm quạt đứng hầu Phật, rồi Tôn giả A-nan hỏi:

“Này Ma-nạp, trong hai đạo tích ấy, đạo tích nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?”

Ma-nạp Thương-ca-la nói:

“A-nan, đối với Sa-môn Cù-đàm và A-nan, tôi đều cung kính tôn trọng, phụng thờ.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Này Ma-nạp, tôi không hỏi ông cung kính, tôn trọng, phụng thờ ai, mà tôi chỉ hỏi ông rằng, trong hai đạo tích ấy, đạo tích nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?”

Tôn giả A-nan đến ba lần hỏi Ma-nạp Thương-ca-la rằng:

“Này Ma-nạp, trong hai đạo tích ấy, đạo tích nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?”

Ma-nạp Thương-ca-la cũng đến ba lần nói rằng:

“A-nan, đối với Sa-môn Cù-đàm và A-nan, tôi đều cung kính, tôn trọng, phụng thờ.”

Tôn giả A-nan cũng nói lại:

“Này Ma-nạp, tôi không hỏi ông cung kính, tôn trọng, phụng thờ ai, mà tôi chỉ hỏi ông rằng, trong hai đạo tích ấy, đạo tích nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?”

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nghĩ rằng: “Ma-nạp Thương-ca-la này đã bị A-nan khuất phục. Ta hãy cứu nó!”

Thế Tôn biết vậy rồi, bèn hỏi:

“Này Ma-nạp, hôm qua, khi vua và các quần thần triệu tập đại hội, thảo luận những gì? Vì những duyên cớ nào mà cùng tập hội?”

Ma-nạp Thương-ca-la đáp:

“Ngày hôm qua, vua và quần thần triệu tập đại hội để thảo luận vấn đề này, là ‘Do nhân gì, duyên gì mà xưa kia Sa-môn Cù-đàm thiết lập học giới ít, nhưng các Tỳ-kheo đắc đạo nhiều; và do nhân gì, duyên gì mà ngày nay khi Sa-môn Cù-đàm thiết lập học giới nhiều thì các Tỳ-kheo đắc đạo lại ít[6]?’ Bạch Cù-đàm, ngày hôm qua, vua và quần thần triệu tập đại hội để thảo luận vấn đề này. Do sự kiện này mà triệu tập đại hội.”

Bấy giờ, Thế Tôn nói rằng:

“Ma-nạp, bây giờ Ta hỏi ngươi, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Ý ngươi nghĩ sao? Giả sử có một Sa-môn, Phạm chí tự hành đạo như vậy, tích như vậy; và sau khi tự hành đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Vị ấy sau đó thuyết giảng cho người khác rằng: ‘Ta tự hành đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi tự hành đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Các người hãy đến đây và cũng hãy tự hành đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi tự hành đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri, tự giác. tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Rồi người này cũng tự hành đạo như vậy, tích như vậy. Sau khi tự hành đạo như vậy, tích như vậy, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.

Rồi người này lại cũng thuyết giảng cho người khác nữa. Cứ như vậy lần lượt truyền đi cho đến trăm ngàn vô lượng.

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Đệ tử của Ta, tùy theo dòng tộc, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo, chỉ hành trên một phước tích, không hành trên vô lượng phước tích, có phải là do bởi sự học đạo chăng?”

Ma-nạp Thương-ca-la đáp:

“Bạch Cù-đàm, theo sự hiểu biết của con đối với điều mà Sa-môn Cù-đàm nói, thì đệ tử Sa-môn Cù-đàm ấy, tùy theo dòng tộc, cạo bỏ râu tóc, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo, thật sự hành trên vô lượng phước tích, chứ không chỉ hành trên một phước tích do bởi sự học đạo.”

Thế Tôn lại nói với Thương-ca-la:

“Có ba thị hiện[7] là, như ý túc thị hiện, chiêm niệm thị hiện, giáo huấn thị hiện[8].

“Ở đây, nếu có một Sa-môn, Phạm chí có đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu, đại oai thần, đối với như ý túc, tâm được tự tại, hành vô lượng công đức của như ý túc như vầy; nghĩa là phân một làm thành nhiều, hợp nhiều làm thành một, một thì trụ trên một, được biết, được thấy[9]; không bị trở ngại bởi vách đá, cũng như đi trong hư không; chìm xuống đất như chìm xuống nước, đi trên nước như đi trên đất; ngồi xếp kiết già mà bay trên không như chim bay liệng; với mặt trời và mặt trăng này vốn có đại như ý túc, đại phước hựu, đại oai thần mà có thể đưa tay bắt nắm, thân cao đến trời Phạm thiên. Này Ma-nạp, đó là thị hiện bằng như ý túc.

“Này Ma-nạp, thế nào là chiêm niệm thị hiện? Hoặc có một Sa-môn, Phạm chí do nơi tướng trạng của người khác mà chiêm đoán được ý tưởng của họ, rằng ‘Nó có ý nghĩ như thế này, nó có ý nghĩ như thế kia, nó thật sự có ý nghĩ’; vô lượng chiêm đoán thì không ít chiêm đoán, nhưng tất cả thảy đều chắc thật, chứ không phải là những giả thiết viễn vông. Hoặc giả không do nơi tướng trạng của người khác để đoán biết ý tưởng của họ, nhưng do nghe tiếng của chư Thiên và loài phi nhân mà đoán biết được ý tưởng của người khác rằng ‘Nó có ý nghĩ như thế này, nó có ý nghĩ như thế kia, thật sự nó có ý nghĩ như vậy’ vô lượng chiêm đoán, không ít chiêm đoán, nhưng tất cả thảy đều chắc thật, chứ không phải là những giả thiết viễn vông. Hoặc không do nơi tướng dạng của người khác để đoán biết ý tưởng của họ, cũng không nghe tiếng của chư Thiên và các loài phi nhân, nhưng do tâm niệm của người khác, tâm tư của người khác, ngôn thuyết của người khác. Sau khi nghe tiếng rồi đoán biết được ý tưởng của người khác rằng ‘Nó có ý tưởng như thế này, nó có ý tưởng như thế kia, nó thật sự có ý tưởng như vậy’ vô lương chiêm nghiệm đoán, không ít chiêm đoán, nhưng tất cả thảy đều chắc thật, chứ không phải là những giả thuyết viễn vông. Hoặc không do nơi tướng dạng của người khác để đoán biết ý tưởng của người khác, cũng không nghe tiếng của chư Thiên và loài phi nhân để đoán biết ý tưởng của người khác, cũng không do nơi tâm niệm của người khác, nhưng do nơi tâm tư, nơi ngôn thuyết của người khác để sau khi nghe rồi, đoán biết ý tưởng của người khác, nhưng do thấy người khác nhập vào định không giác không quán[10], sau khi thấy bèn nghĩ rằng ‘Như Hiền giả này thì không có niệm, không có tư, sở nguyện như ý. Hiền giả kia ra khỏi định này với niệm như vậy. Vị ấy ra khỏi định này sẽ có tâm niệm như vậy, như vậy’. Người này cũng đoán biết việc quá khứ, cũng đoán biết việc tương lai, cũng đoán biết việc hiện tại, những điều được làm từ lâu, những điều được nói từ lâu, cũng đoán biết những nơi yên tĩnh, sống nơi yên tĩnh, cũng đoán biết tất cả pháp tâm và tâm sở hữu. Đó gọi là thiện bằng sự chiêm niệm.

“Này Ma-nạp, thế nào là giáo huấn thị hiện? Ở đây có một Sa-môn, Phạm chí tự hành đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi hành đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Rồi vị ấy giảng thuyết lại cho người khác rằng ‘Ta tự hành đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi hành đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Rồi người đó cũng tự hành đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa. Rồi người đó cũng lại thuyết giảng cho người khác. Cứ như vậy... lần lượt truyền đi cho đến vô lượng trăm ngàn. Này Ma-nạp, đó gọi là sự thị hiện bằng giáo huấn.

“Trong ba thị hiện này, thị hiện nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?”

Thương-ca-la Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, nếu Sa-môn, Phạm chí nào có đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu, đối với như ý túc, tâm được tự tại, cho đến, thân cao đến trời Phạm thiên, thưa Cù-đàm, cái đó là tự mình làm tự mình có, tự mình thọ lãnh quả báo. Thưa Cù-đàm, trong các thị hiện, sự thị hiện này được gọi là đại pháp[11].

“Bạch Cù-đàm, nếu Sa-môn, Phạm chí nào do nơi tướng dạng mà đoán biết ý tưởng của người khác, cho đến các pháp tâm và tâm sở hữu, thì bạch Cù-đàm, cái đó là tự mình làm tự mình có, tự mình thọ lãnh quả báo. Thưa Cù-đàm, trong các thị hiện, sự thị hiện này được gọi là đại pháp.

“Bạch Cù-đàm, nếu Sa-môn, Phạm chí nào tự hành đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi tự hành đạo như vậy, tích như vậy, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Rồi vị ấy thuyết giảng cho người khác nữa. Cứ như vậy lần lượt truyền đi cho đến trăm ngàn vô lượng, thì bạch Cù-đàm, trong ba thị hiện, sự thị hiện này là tối thượng, tối diệu, tối thắng.”

Thế Tôn lại hỏi Thương-ca-la Ma-nạp:

“Trong ba thị hiện, ngươi tán thán sự thị hiện nào?”

Ma-nạp Thương-ca-la đáp:

“Trong ba thị hiện, con tán thán Sa-môn Cù-đàm. Vì sao vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, tâm được tự tại, cho đến thân cao ngang Phạm thiên. Sa-môn Cù-đàm do nơi tướng dạng của người khác mà biết ý tưởng của người khác, cho đến đoán biết các tâm và tâm sở hữu pháp. Sa-môn Cù-đàm thị đạo với đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi hành đạo này, tích này, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, thành tựu an trụ, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Sa-môn Cù-đàm thuyết giảng cho người khác, rồi người khác thuyết giảng cho người khác nữa. Như vậy, lần lượt truyền đi cho đến trăm ngàn vô lượng. Bạch Cù-đàm, cho nên, đối với ba thị hiện, con tán thán Sa-môn Cù-đàm.”

Rồi Thế Tôn nói rằng:

“Ma-nạp, người khéo thấu suốt vấn đề này. Vì sao? Thật sự Ta có đại như ý túc, đại oai thần, đại phước hựu, đại oai thần, đối với như ý túc, tâm được tự tại, cho đến, thân cao ngang Phạm thiên. Này Ma-nạp, Ta do tướng dạng người khác mà biết được ý tưởng của người khác, cho đến đoán biết tâm và tâm sở hữu pháp.

“Này Ma-nạp, Ta tự hành đạo như vậy, tích như vậy, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Rồi Ta giảng thuyết cho người khác, người khác cũng giảng thuyết cho người khác nữa. Như vậy, lần lượt truyền đi cho đến trăm ngàn vô lượng.

“Này Ma-nạp, cho nên ngươi khéo thấu suốt vấn đề này. Ngươi hãy biết như vậy, hãy khéo thọ trì như vậy. Vì sao? Bởi vì ý nghĩa được nói này phải như vậy.”

Lúc bấy giờ, Thương-ca-la Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu. Bạch Thế Tôn, con nay tự quy y Phật, Pháp, Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay trọn đời tự quy y cho đến tận mạng.”

Phật thuyết như vậy. Thương-ca-la Ma-nạp, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

[1]. Tương đương Pāli A.3.60. Saṅgārava-sutta.

[2]. Thương-ca-la Ma-nạp 傷 歌 邏 摩 納. Pāli: Saṅgārava, một Bà-la-môn trẻ, hình như là bạn của Tôn giả A-nan trước khi xuất gia.

[3]. Hán: trai 齋; Pāli: yaññaṃ, tế đàn.

[4]. Phước tích 福 跡. Pāli: puññapaṭipadā, con đường dẫn đến phước đức.

[5]. Hán: tùy tộc 隨 族. Đối chiếu Pāli: yassa vā tassā kulā anagāriyaṃ pabbajito, người ấy từ bỏ dòng tộc, từ bỏ gia dình, xuất gia sống không gia đình.

[6]. Cũng như kinh số 194 ở sau.

[7]. Tam thị hiện 三 示 現, ở đây “thị đạo”, chỉ ba loại thần thông hay phép lạ; xem theo Tập Dị 6 (No.1536, tr.389 b): thần biến thị đạo, ký tâm thị đạo, giáo giới thị đạo. Pāli: Tini pātihāriyānā: iddhi, ādesanā, anusāsanā.

[8]. Xem cht.1 trên.

[9]. Hán: nhất tắc trụ nhất, hữu tri hữu kiến 一 則 住 一 有 知 有 見. Nghĩa không rõ. Tập Dị (nt): hoặc ẩn hoặc hiện. Pāli: āvibhāvaṃ tirobhāvaṃ.

[10]. Chỉ các bậc từ nhị thiền trở lên, trong đó không có tâm sở tầm (Pāli: vitakka) và tứ (Pāli: vicara).

[11]. Đại pháp 大 法. Pāli: māyāsaha-dhammarūpam; pháp huyễn hoặc; bản Hán đọc là ma (…) hā-dhamma.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567