Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

85. Kinh Chân nhân [1]

09/05/201319:26(Xem: 17398)
85. Kinh Chân nhân [1]

Kinh Trung A Hàm

85. Kinh Chân nhân [1]

Thích Tuệ Sỹ dịch

Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta sẽ nói cho các ngươi nghe về pháp chân nhân, và pháp không phải chân nhân[2]. Hãy lắng nghe, hãy khéo tư niệm”.

Các Tỳ-kheo thọ giáo lắng nghe.

Phật nói:

“Thế nào là pháp không phải chân nhân? Ở đây có một người thuộc dòng dõi hào quý, xuất gia học đạo và những người khác thì không như vậy. Người ấy nhân vì dòng dõi hào quý mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải nhân bởi dòng dõi hào quý mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không phải dòng dõi hào quý mà xuất gia học đạo, thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng đến pháp và thứ pháp[3], do đó mà được cúng dường, cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người đoan chánh, khả ái, những người khác không được như vậy. Người kia nhân vì mình đoan chánh, khả ái mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do vẻ đoan chánh khả ái này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không đoan chánh khả ái nhưng thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó được cúng dường cung kính’. Như vậy vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có một người hùng biện, luận giỏi, những người khác không được như vậy. Người kia nhân vì hùng biện, luận giỏi mà quý mình khinh người. Đó gọi là điều của kẻ không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do tài hùng biện, luận giỏi này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không có tài hùng biện, luận giỏi, nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người thuộc hàng Trưởng lão, quen biết với vua, nổi tiếng với mọi người và có đại phước, những người khác không được như vậy. Người kia nhân vì là Trưởng lão, vì quen biết với vua, vì nổi tiếng với mọi người và có đại phước mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do Trưởng lão, không phải do quen biết với vua, nổi tiếng với mọi người và có đại phước mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không phải là Trưởng lão, không quen biết với vua, không nổi tiếng với mọi người và cũng không có đại phước, nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người tụng kinh, trì luật, học A-tỳ-đàm[4], thuộc làu A-hàm[5], học nhiều kinh sách, người khác không được như vậy. Người kia nhân vì thuộc làu A-hàm, học nhiều kinh sách nên quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do thuộc làu A-hàm, học nhiều kinh sách mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không thuộc làu A-hàm, cũng không học nhiều kinh sách, nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người mặc y phấn tảo, nhiếp ba pháp phục, trì y bất mạn[6], người khác không được như vậy. Người kia nhân vì trì y bất mạn nên quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do trì y bất mạn này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không trì y bất mạn nhưng thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người thường đi khất thực, cơm chỉ ngang bằng năm thăng, chỉ khất thực hạn cuộc nơi bảy nhà, chỉ ăn một bữa, quá giờ ngọ không uống nước trái cây[7], người khác không được như vậy. Người kia nhân vì quá giờ ngọ không uống nước trái cây mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp thượng nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do sự quá giờ ngọ không uống nước trái cây này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không dứt bỏ sự quá giờ ngọ uống nước trái cây, nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người ở chỗ rừng vắng sơn lâm, dưới gốc cây, hoặc ở núi cao hay nơi đất trống, hoặc nơi gò mả, hoặc có thể biết thời; người khác không được như vậy. Người kia nhân vì biết thời mà quý mình khinh người. Đó không phải là pháp chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do sự biết thời này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không biết thời nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người vừa được Sơ thiền; người kia nhân vì được Sơ thiền mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Về Sơ thiền, Đức Thế Tôn nói là vô lượng chủng loại, nếu có kế chấp thì gọi là ái[8] vậy. Do đó người ấy được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người được đệ Nhị, đệ Tam, đệ Tứ thiền; được Không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, người khác không được như vậy. Người kia nhân vì được phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ nên quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Phi hữu tưởng phi vô tưởng, Đức Thế Tôn nói là vô lượng chủng loại, nếu có kế chấp thì gọi đó là ái, do đó người ấy được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Các ngươi hãy nhận biết pháp chân nhân và pháp không phải chân nhân. Sau khi biết được pháp thượng nhân và pháp không phải chân nhân rồi, hãy dứt bỏ pháp không phải chân nhân và hãy học pháp chân nhân”.

Giàu, đẹp trai, nói giỏi,

Trưởng lão, tụng nhiều kinh,

Y, thực, tu núi, thiền,

Sau cùng bố vô sắc.

“Các ngươi nên học như vậy”.

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe Đức Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

[1]. Tương đương Pāli M. 113. Sappurisa-suttaṃ. Biệt dịch, No.48.

[2]. Chân nhân pháp 真 人 法; No.18: hiền giả. Pāli: Sappurisa-dhamma, chân nhân pháp, thiện nhân pháp thiện sĩ pháp.

[3]. Hành pháp như pháp, tùy thuận ư pháp, hướng pháp thứ pháp

行 法 如 法 隨 順 於 法 向 法 次 法. Pāli: dhammānudhamma-paṭṭpanno sāmicīpaṭṭipannoanudhammacāri; là người thực hành pháp và tùy pháp, thực hành chân chính, có hành vi tùy thuận pháp.

[4]. A-tỳ-đàm 阿 毗 曇; thường chỉ Luận tạng. Pāli: abhidhamma.

[5]. Nguyên trong bản: A-hàm-mộ 阿 含 慕, thường chỉ Kinh tạng. Pāli: āgama.

[6]. Bất mạn y 不 慢 衣. Pāli: amāna-cīvara, y không kiêu mạn, hay amanāpa-cīvara, y xấu xí?

[7]. Bất ẩm tương 不 飲 漿.

[8]. Ái 愛; Tống-Nguyên-Minh: thọ (chấp thủ). Pāli: paṭhamajjhānasamāpattiyā pi kho atammayatā, sự chứng đạt Sơ thiền được nói là có tánh không tham luyến.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567