- Chương I: Lý tưởng của người Bồ-tát Ngồn gốc và sự hình thành
- Chương II: Sự bừng tỉnh của con tim giác-ngộ (6 bài)
- Chương III: Lời nguyện của người bồ-tát (6 bài)
- Chương IV: Lòng vị tha và chủ trương cá nhân trong cuộc sống tâm linh
- Chương V: Nam Tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh
- Chương VI: Trước ngưỡng cửa Giác ngộ
- Chương VII: Các cấp bậc của người bồ-tát
- Chương VIII: Đức Phật và người bồ-tát - vĩnh cửu và thời gian
Lý Tưởng của người Bồ-tát
The Bodhisattva Ideal
***
Chương IV
Lòng vị tha và chủ trương cá nhân
trong cuộc sống tâm linh
Bài 22 - Tình thương người và chủ trương cá nhân
Bài 23 - Tình thương người
Bài 24 - Dana và sự hào hiệp
Bài 25 - Hiến dâng sự can đảm hay không biết sợ là gì
Bài 26 - Hiến dâng mạng sống của chính mình
Bài 27- Sila paramita hay Đạo đức hoàn hảo
Bài 28- Ăn chay và Phật giáo
Bài 29- Hôn nhân và Phật giáo
Bài 25
Hiến dâng sự can đảm hay không biết sợ là gì
Thể loại hiến dâng thứ hai không phải là hiện vật mà là tâm lý, điều này không khỏi khiến chúng ta phải ngạc nhiên (những gì thuộc lãnh vực tâm lý thì làm thế nào lại có thể mang ra để hiến dâng cho kẻ khác được?): đó là sự không sợ hãi (intrepidity / dũng cảm, can trường), sự can đảm (courage) và sự tự tin (confidence / sự tin tưởng, sự vững tâm). Nhiều người lúc nào cũng lo lắng, bồn chồn, căng thẳng, chẳng bao giờ cảm thấy thoải mái, đối với họ các sự hiến dâng trên đây quả hết sức quý giá. Trong trường hợp này sự "hiến dâng" không còn mang ý nghĩa từ chương của nó nữa, bởi vì sự tin tưởng (trust, confidence) là một sự "thức tỉnh" (awakening / éveillé / giác ngộ), không phải là một cái gì đó mà mình có thể tiếp nhận [từ bên ngoài], mà đúng hơn là các phẩm tính tích cực mà mình tự phát huy bên trong chính mình và mang ra để hiến dâng, hoặc gợi lên với kẻ khác. Thế nhưng tại sao Phật giáo lại đặc biệt đặt nặng sự hiến dâng sự không sợ hãi đến như vậy? (Phật giáo không chủ trương sự hăm dọa, không đưa ra những viễn tượng xa vời và những lời hứa hẹn, cũng không áp đặt một sự van xin hay ngoan ngoãn nào cho người tu tập. Phật giáo chỉ tìm mọi cách mang lại cho chúng ta sự hiểu biết và sự tự tin, một nếp sống can đảm và đạo đức đối với chính mình và cả kẻ khác, giúp chúng ta tỉnh ngộ trước một thế giới đầy hung bạo, khổ đau và lầm lẫn).
Sợ hãi trước cái chết, bệnh tật, sự ra đi của những người thân là những sự sợ hãi mang tính cách toàn cầu. Kể cả ngày nay, người ta vẫn còn sợ thú dữ tấn công, kẻ trộm rình mò, những kẻ hung dữ sẵn sàng hành hung, các cảnh động đất, lũ lụt, hỏa hoạn, đói kém, tham nhũng và bất công - các sự sợ hãi đó không phải là vô lý. Một trong số những bạn người Nga của tôi từng thuật lại với tôi các cảm nhận của mình khi đặt chân lần đầu lên lục địa Mỹ. Là người rất nhạy cảm, anh ta nhận thấy một bầu không khí thật lạ lùng hiện ra với mình, tương tự như một màn sương mù, một cái gì đó ẩm ướt bám vào thân thể, xám xịt và nặng nề. Anh ta nghĩ rằng bầu không khí đó nhất định không phải là vật lý, chẳng hạn như khói phun ra từ các ống khói của các cơ xưởng, mà là một cái gì đó hiện ra trong tâm thức mình, anh ta vụt chợt tỉnh: đấy là sự sợ hãi, một sự sợ hãi bốc lên từ một lục địa mênh mông, chẳng khác gì như một đám mây ngột ngạt đè nặng lên toản thể xứ sở. (cách mô tả sự sợ hãi bên trong nội tâm trên đây khiến chúng ta không khỏi liên tưởng đến sự sợ hãi của các thuyền nhân. Trước hết đối với họ là sự sợ hãi trước sự mênh mông của hung bạo, hận thù, giả dối, tham lam và thiển cận; sau đó là sự sợ hãi trước cái mênh mông của biển cả; sau cùng là sự sợ hãi sâu kín bên trong nội tâm mình, pha lẫn với một chút cảm tính nửa mừng nửa tủi, trước sự mênh mông của một lục địa và những con người xa lạ). Cảm tính lo âu và bất an đó là một trong các nét tiêu biểu của thời đại chúng ta, một thời đại mà người ta gọi rất đúng là thời đại của sự lo âu. Trong đám mây [ngột ngạt] đó con người cố gắng sinh tồn, làm việc và thở dốc. Họ đánh mất một phần nào sự tin tưởng giữa người và người, kể cả đối với sự sống, và tất nhiên họ cũng đánh mất một chút nào đó cả sự tự tin nơi chính mình.
Ngày nay, nhiều người vẫn cảm thấy mất hết sự tự tin đích thật nơi con người của mình, sự mất tự tin đó thường phát sinh từ một xúc cảm thật mạnh [từ bên trong họ] mà họ cố tình không muốn tiếp cận với nó, thế nhưng nó lại vẫn cứ tìm cách để bùng lên với họ, khiến họ chỉ cảm nhận được nó một cách mơ hồ mà thôi. Mỗi khi cảm thấy nó hiện lên với mình thì họ cũng nhận thấy phát sinh bên trong chính họ cảm tính bất an mà người ta thường gọi là sự lo lắng (anxiety / lo lâu, bồn chồn, hoang mang). Sự lo lắng đó, cũng không khác gì các sự sợ hãi khác, là một xúc cảm rất tai hại, cần phải loại bỏ. Nếu muốn làm được việc đó thì phải chấp nhận đương đầu với các xúc cảm ngấm ngầm ẩn nấp phía sau các sự lo lắng đó, dù đấy là gì. Trong trường hợp này, chúng ta cần có sự tiếp tay của một người bạn đồng tu (hay một nhà phân tâm học), họ sẽ giúp mình xác định các xúc cảm đó là những gì, điều đó cũng có nghĩa là tìm cách làm cho các xúc cảm ấy phải hiện lên trong cấp bậc nhận biết của tâm thức, hầu giúp mình có thể trực tiếp đối đầu với chúng. Điều đó không có gì là đáng sợ cả, một khi đối đầu với chúng thì chúng tất sẽ mất hết khả năng [gây ra sự lo lắng cho mình], hơn nữa một số trong các xúc cảm đó cũng có thể biến thành tích cực. Thế nhưng, dù chúng mang tính cách tiêu cực hay tích cực, thì nghị lực mà chúng ta xử dụng để khắc phục chúng nhất thiết tùy thuộc vào sự linh hoạt của phần tri thức hiểu biết của mình trong cuộc sống (our conscious life) và cả bản tính của mình (our personality / nói chung là tùy thuộc vào khả năng đương đầu của mỗi người trước các xúc cảm sâu kín của mình. Hãy nêu lên một thí dụ cụ thể, những người lớn tuổi thường hay lo lắng và sợ hãi về đủ mọi thứ chuyện có thể xảy ra với mình. Phía sau các sự lo lắng và sợ hãi mơ hồ và vô cớ đó là sự thúc đẩy kín đáo của bản năng sợ chết và sợ bệnh tật. Thế nhưng nếu ý thức được sự già nua là một quá trình tự nhiên của sự sống, thì các sự sợ hãi và lo âu đó sẽ mất hết ý nghĩa của chúng, hoặc ít nhất tác động của chúng cũng sẽ giảm đi. Hơn thể nữa sự ý thức đó cũng có thể rất mạnh, gần như là một sự bừng tỉnh, tạo ra cho mình một quyết tâm tích cực hơn: với một chút sức khỏe còn lại lúc tuổi già, mình vẫn có thể vui vầy với con cháu và giúp đỡ những người chung quanh, không để cho các sự lo lắng và sợ hãi vô cớ làm phí phạm những ngày còn lại của đời mình).
Nhiều người hành thiền đôi khi cũng cảm thấy một sự sợ hãi sâu kín nào đó hiện lên với mình. Trước hết điều đó có thể là do một cái gì đó xảy ra trong tuổi thiếu thời, hoặc cũng có thể là gần đây hơn, những thứ ấy vụt hiện lên trở lại với mình. Thế nhưng sự sợ hãi đó - ít nhất là đối với một vài người - cũng có thể rất sâu kín và nguyên sơ (primodial / nguyên thủy, căn bản) hơn, có nghĩa là không nhất thiết là một sự sợ hãi về một cái gì đó rõ rệt và cụ thể, mà là một sự sợ hãi thật sâu xa về sự hiện hữu của chính mình (sự sợ hãi này bắt nguồn từ lâu đời, có thể là từ các tiền kiếp của mình, đó là dấu vết của karma / nghiệp ghi khắc trên dòng luân lưu của tri thức mình qua các thời gian quá khứ thật dài). Ngay cả đối với các hình thức sợ hãi này chúng ta cũng có thể khắc phục được chúng và vượt lên trên chúng.
(Nhận xét trên đây của nhà sư Sangharakshita rất quan trọng, ít nhất là đối với một số người mới bắt đầu học tập thiền định. Họ cho biết mỗi khi ngồi xuống hành thiền thì họ cảm thấy hoang mang, lo sợ, đủ mọi thứ xúc cảm hiện lên với họ, trái lại trong những lúc sinh hoạt thường nhật thì họ lại cảm thấy "thoải mái" hơn nhiều, không "lo âu" hay "sợ hãi" gì cả. Đây là một trong số các nguyên nhân khiến nhiều người bỏ cuộc. Nhà sư Sangharakshita cho biết các sự sợ hãi và lo âu đó có hai nguyên nhân.
Nguyên nhân thứ nhất là các sự lo âu và sợ hãi phát sinh từ những sự bất toại nguyện: chẳng hạn như các điều bất hạnh, ức hiếp, đàn áp, các lỗi lầm, hối tiếc do mình tạo ra, hoặc các sự hiểu lầm của người khác đối với mình..., tất cả đều lưu lại các dấu vết đôi khi rất sâu đậm trên dòng tri thức mình. Nguyên nhân thứ hai sâu kín và khó nhận biết hơn, gần như vô thức, đó là các dấu vết do các xúc cảm thật sâu ghi khắc trong alayavijnana (a-lai-da thức / tiềm thức) của mình, nói một cách khác là các dấu vết của nghiệp (karma) ghi khắc thật sâu trên dòng tri thức của mình từ những thời kỳ quá khứ xa xưa, từ các tiền kiếp chẳng hạn. Trong số này cũng có một thể loại xúc cảm mơ hồ khác, luôn bàng bạc trong cuộc sống, đó là sự sợ hãi trước sự đổi thay qua từng khoảnh khắc trên thân xác mình, trong tâm thức mình và cả bối cảnh, con người và sự sống chung quanh mình, nói một cách khác đó là bản chất vô thường của hiện thực. Xúc cảm sợ hãi này mang tính cách hiện sinh và gần như vô thức, tạo ra cho chúng ta một sự âu lo vô cớ, một tầm nhìn và một thái độ yếm thế về cuộc sống của mình.
Tất cả các sự sợ hãi thuộc các thể loại trên đây thường xuyên bị che lấp và phủ kín bởi các xúc cảm khác, các sự sinh hoạt khác của tâm thức mình trong cuộc sống thường nhật. Mỗi khi ngồi xuống hành thiền trong một khung cảnh trang nghiêm và yên lặng, thì tâm thức sẽ lắng xuống dần, đồng thời các dấu vết ghi khắc bởi các xúc cảm bấn loạn trên đây sẽ hiện lên với mình, tạo ra sự lo lắng và sợ hãi cho mình.
Trong cuộc sống thường nhật chúng ta thường xuyên bị phân tâm thật khủng khiếp thế nhưng chúng ta lại không hề ý thức được điều đó. Nghe nhạc, xem phim, theo dõi thời sự, phẩm bình chính trị, theo dõi thiên tai, các cảnh hung bạo, dạo phố, mải mê với các trò chơi điện tử, xem hình ảnh dâm ô..., tất cả các sự sinh hoạt đó đối với chúng ta có thể là "thoải mái" và "bình thường", thế nhưng đối với một người hành thiền thì đấy là các sự sinh hoạt xao lãng, che lấp những gì sâu kín hơn trên dòng luân lưu của tri thức mình. Mỗi khi ngồi xuống hành thiền, hoặc đang ở trong một khung cảnh vắng vẻ và yên lặng thì bất chợt các xúc cảm lo lắng và sợ hãi cũng có thể hiện lên với mình, khiến mình phải tìm ngay một cái gì đó để làm hoặc để chú tâm vào đó - xem tv, nghe nhạc, đi dạo, ăn vặt... - hầu giúp mình tiếp tục tránh né và phủ lấp các xúc cảm sâu kín trong tâm thức mình.
Tóm lại, nếu sự hiến dâng hiện vật - một bát cơm, một manh áo - là một cử chỉ thật cấp bách và quý giá đối với những người nghèo khó, thì sự hiến dâng lòng can đảm và sự tự tin thật hết sức cần thiết cho hầu hết mọi người trong chúng ta, trong đó kể cả những người giàu có, quyền thế và lãnh đạo, một vị tổng thống chẳng hạn. Bề ngoài họ rất oai phong, hùng hổ , tự tin, thế nhưng bên trong tâm thức họ sự sợ hãi và lo lắng đôi khi còn nhiều hơn cả chúng ta. Tình thương của người bồ-tát phải vô biên là vì vậy, không nên phân biệt bất cứ ai, kể cả các côn trùng nhỏ bé).
Kinh điển Đại thừa hơn nữa còn cho biết người bồ-tát ngoài việc hiến dâng sự không sợ hãi, còn phải khuyến khích và gợi lên các cảm hứng (sự nhiệt tình) cho kẻ khác. Trong tập luận Vòng hoa trân quý (Ratnavali / Bảo hành vương chánh luận) Nagarjuna / Long Thụ có nói như sau:
"Tương tự như những người nông dân cảm thấy vui sướng
Mỗi khi trông thấy các đám mây mang lại các cơn mưa liên tiếp,
Cũng vậy, những ai mang lại sự hân hoan cho chúng sinh,
Mỗi khi trông thấy họ, đều là những con người đáng quý"
Phật giáo Đại thửa thường xuyên nhấn mạnh một điều thật quan trọng là phải mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người, thế nhưng không phải là một thứ hạnh phúc phù phiếm, mà phải là một thứ hạnh phúc mang lại niềm hân hoan chân thật, giúp họ khắc phục được những sự lo lắng và sợ hãi của họ. Trái lại nếu tìm sự sung sướng cho riêng mình bằng cách tạo ra sự sợ hãi cho kẻ khác, thì đấy là một sự thèm khát (trong nguyên bản là chữ desir/ thèm muốn, khát vọng) cố tình tạo cho mình một quyền uy để khống chế kẻ khác. Trái lại, nếu chỉ biết một lòng mang lại hạnh phúc cho kẻ khác, thì điều đó sẽ mang một ý nghĩa khác hẳn: đó là cách hiến dâng cả con người của mình cho kẻ khác, thay vì tìm cách khống chế kẻ khác nhằm thực hiện quyền lợi và chủ đích của riêng mình (ở một cấp bậc rộng lớn hơn - chẳng hạn như một tập thể hay một quốc gia - nếu một người hay một nhóm lãnh đạo nắm giữ quyền lực tạo ra sự ngoan ngoãn trong tập thể hay trong dân chúng, bằng sự sợ hãi với mục đích khống chế, quản lý và cai trị họ, thì đấy là một tội ác, một cách tạo nghiệp vô cùng tiêu cực. Sự ngoan ngoãn phải được tạo ra bằng tình thương, bằng sự hy sinh của mình. Những người lãnh đạo tạo ra sự ngoan ngoãn trong dân chúng bằng sự sợ hãi, thì đến một lúc nào đó chính mình cũng có thể sẽ trở nên ngoan ngoãn trước sự sợ hãi do mình tạo ra cho kẻ khác, có nghĩa là sự sợ hãi đó sẽ quay ngược lại để khống chế chính mình. Những vị lãnh đạo trở nên ngoan ngoãn đó dường như đôi khi cũng có thể cảm thấy xấu hổ với tổ tiên và dân tộc mình; một công dân ngoan ngoãn do những vị lãnh đạo ấy tạo ra, dường như đôi khi cũng có thể cảm thấy xấu hổ với cha mẹ và con cái mình; một kẻ xa quê hương lợi dụng sự ngoan ngoãn của kẻ khác để tìm các món ăn và các phục vụ quen thuộc, dường như đôi khi cũng có thể cảm thấy xấu hổ với lương tâm của chính mình. Trong các trường hợp ngoan ngoãn vì sợ hãi đó, sự hiến dâng của người bồ-tát sẽ là sự can đảm không biết sợ là gì, hầu giúp mỗi người trong chúng ta - những con người ngoan ngoãn - ý thức được phần nào sự xấu hổ đó trước tổ tiên, dân tộc, con người và cả lương tri của chính mình). Người bồ-tát chỉ nên tìm sự vui sướng bằng cách mang lại sự tin tưởng và niềm hạnh phúc chung quanh mình. Gamposa (1079-1153, một vị thầy Tây Tạng, thuộc dòng truyền thừa Kagyupa / Ca-nhĩ-cư phái, và cũng là đệ tử của Milarepa/ Mật-lặc Nhật-ba, một đại sư Tây Tạng) trong tập luận "Vòng bảo châu của sự Giải thoát" (The jewel Ornament of Liberation) có trích dẫn câu sau đây trong Kinh Varmayutta-mindesa:
"Người bồ-tát ước mơ hóa thành một chiếc áo giáp,
Quàng lên tất cả chúng sinh chung quanh mình.
Thể nhưng chúng sinh thì vô tận,
Vì thế chiếc áo giáp của người bồ-tát cũng phải vô tận"
Mandala
Mandala (dịch âm là Mạn-đà-la là một biểu đồ biểu trưng cho vũ trụ và sự giác ngộ) của người bồ-tát, nói lên nguyện vọng và niềm ước mong của họ được trở thành trung tâm của một mạn-đà-la giúp mình gom lại tất cả chúng sinh chung quanh mình, sự kết đoàn chung quanh một người bồ-tát đó được những người Phật giáo gọi là "tăng đoàn", (sangha), có nghĩa là một tập thể tâm linh. Vì thế người ta có thể xem một tập thể tâm linh (tăng đoàn) là một mạn-đà-la, và nơi trung tâm của mạn-đà-la đó là một vị Phật hay một vị bồ-tát.
Người bồ-tát do đó là hiện thân của một sự hài hòa và sáng tạo (mô hình của vũ trụ là một sự sáng tạo). Thật vậy đó là cả một khối người, đang đấm đá nhau, gây gổ với nhau, tìm cách không chế nhau để gom góp của cải. Người bồ-tát hiện ra giữa họ để dần dần biến sự hỗn loạn đó của họ trở thành một vũ trụ (cosmos), một mạn-đà-la thật tuyệt vời, và cũng có nghĩa là biến toàn thể xã hội trở thành một tập thể tâm linh (một tăng đoàn). Điều đó có nghĩa là một khi đã phát động nguyện vọng đạt được sự giác ngộ vì sự an lành của tất cả [chúng sinh], thì tức khắc một sự rung động (một xúc cảm, một cảm nhận sâu xa) nào đó cũng sẽ hiện lên với mình, và tất cả những người đang hiện hữu chung quanh mình cùng với mình sẽ tạo ra một mạn-đà-la.
Những gì trên đây phản ảnh từng chi tiết các khóa tu học do chúng ta tổ chức. Những người tham gia lúc mới đến thì tâm trí còn cất chứa đủ mọi ý niệm dị biệt và mang các tâm trạng khác nhau. Thế nhưng khi bắt đầu hoạch định chương trình cho khóa tu học, dù được tổ chức trong khung cảnh nào: tại gia hay nơi làm việc, trong lúc đang nghỉ hè, thì mọi người đều hành xử một cách hài hòa và hợp nhất hơn. Cũng vậy, bất cứ một sự thúc đẩy nào hay một nhân tố nào cũng đều tạo ra các tác động của chúng, Các tác động đó cũng có thể sẽ vận hành phù hợp với nguyện vọng của mình, và dầu sao đi nữa thì nguyện vọng của mình cũng là như thế (gom lại và kết hợp tất cả chúng sinh trong một mạn-đà-la tuyệt đẹp, an bình và hạnh phúc).
Chúng ta có thể tưởng tượng ra vị thế của mình trong mạn-đà-la đó, dù mình chỉ là người canh cửa hay một vị thần linh đang hiến dâng lễ vật [trong mạn-đà-la đó], hoặc bất cứ một nhân vật huyền thoại (một vị bồ-tát hay một vị Phật) nào mà mình cố gắng sẽ trở thành (bằng phép thiền định quán tưởng) trong cuộc đời tu tập của mình, và chỉ khi nào phát động được một nghị lực tâm linh (sức mạnh tập trung mang lại từ sự tu tập) thì nhất định mình sẽ tìm được cho mình một vị trí trong mạn-đà-la đó.
Hiến dâng giáo huấn và văn hóa
Sự hiến dâng thứ ba của người bồ-tát là giáo huấn và văn hóa. Tại Á châu và tại bất cứ nơi nào Phật giáo được đưa vào, thì ngoài cuộc sống tâm linh (sự tu tập) Phật giáo còn mang theo cả nghệ thuật, khoa học và cả các lãnh vực hiểu biết khác. Thật vậy, không có một sự tách biệt nào giữa tín ngưỡng và văn hóa. Con tim và lý trí - xuyên qua các sinh hoạt nghệ thuật và khoa học (sự hiểu biết nói chung) - sẽ trở nên tinh tế hơn, cùng hòa điệu với hiện thực tâm linh (tín ngưỡng là một trong số các nguồn cảm hứng sâu xa trong các lãnh vực nghệ thật, từ hội họa, âm nhạc, điêu khắc, văn chương cho đến thi phú, ảnh hưởng đến cả bản năng truyền giống mà người ta thường gọi là "tình yêu").
Một trong các khía cạnh quan trọng trong sự sinh hoạt của người bồ-tát là khuyến khích sự sáng tạo, chiêm ngưỡng các công trình nghệ thuật, đào sâu sự suy nghĩ và phổ biến sự hiểu biết mang lại từ các nghành nghiên cứu khác nhau, giúp mình khám phá và mô tả sự thật và các nét đẹp.
(Phật giáo sau khi phát triển thật quy mô dưới triều đại của vua Azoka vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch đã được đưa vào các nước Tích-lan, Miến-điện, Thái-lan, Lào, Campuchia, Tây Tạng, Mã-lai và Indônêxia, đồng thời cũng mang theo cả chữ viết ngoằn ngoèo bhrami , cùng văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, nói chung là nền văn minh Ấn-độ. Trong các ngôn ngữ ngày nay của các quốc gia này có nhiều từ gốc tiếng Phạn và tiếng Pali. Trái lại về phương bắc, Phật phải trải qua một cuộc phiêu lưu thật dài xuyên qua các con đường tơ lụa tại Trung đông và vùng Tây-vực. trước khi được đưa vào Trung-quốc. Trong cuộc phiêu lưu gay go và thật dài đó Giáo huấn của Đức Phật đã phải chịu ảnh hưởng của các tín ngưỡng trong vùng Trung-đông. Sau đó khi được đưa vào Trung quốc thì Giáo huấn của Đức Phật lại phải tiếp xúc với một nền văn minh lâu đời của đế quốc này, Giáo huấn của Đức Phật lại một lần nữa phải thích ứng với nền văn minh Khổng và Lão giáo. Tịnh độ tông được hình thành vào các thế kỷ thứ III và thứ IV, Thiền tông được thiết lập vào thế kỷ thứ VIII. Các nước Việt Nam, Triều-tiên và Nhật-bản trực tiếp thừa hưởng nền Phật giáo đó của Trung quốc, cùng với chữ viết tượng hình, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, tư tưởng, phong tục, kể cả nề nếp gia đình và xã hội).
Bures-Sur-Yvette, 06.11.20
Hoang Phong chuyển ngữ
(còn tiếp)
***