Từ khi Trí tuệ nhân tạo xuất hiện AI, một trong những đề tài theo tôi xem qua nhận thấy được nhiều người tham vấn vẫn là Tôn giáo và Khoa học, nhất là câu hỏi “tín ngưỡng có thể làm giảm đi tính chất khoa học trong tôn giáo không “ khi mà Albert Einstein đã cho rằng : “Science without religion is lame, religion without science is blind” tam dịch “ Khoa học mà thiếu tôn giáo thì khập khiễng, tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng”.
Là một người thích tìm hiểu về tín ngưỡng tôn giáo, nhân dịp lễ vía Đức Quán thế Âm Bồ Tát 19/6 âm lịch năm Quý Mão nhằm ngày thứ bảy 5/8/2023 tới đây.
Kính mạn phép ghi lại những góp nhặt qua vài thông tin tham vấn, hy vọng vừa làm tư lương cho mình vừa chia sẻ thêm những gì được học đến những đạo hữu thân thương.
Để trả lời với những người thường thắc mắc giữa định luật NHÂN- DUYÊN - QUẢ và việc cầu con trai được con trai, cầu con gái sẽ toại nguyện như ý theo phẩm Phổ môn trong kinh Pháp Hoa.
Riêng bản thân người viết đã từng khấn cầu điều này cho đứa con gái đầu lòng cũng như bản thân con gái, cháu trọn năm luôn khẩn cầu, ước nguyện vì khi cháu phải mổ một bướu nằm trong tử cung mà bác sĩ cho là không có hy vọng để sinh con nữa .
Thế mà điều linh nghiệm đã xảy ra với cháu và hiện nay, người viết có được cháu ngoại trai và cháu ngoại gái vừa đến tuổi trưởng thành (18t).
Như vậy có thể nói lịch sử tôn giáo đầy rẫy những câu chuyện về các vị bồ tát xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau.
Không biết còn bao nhiêu là câu chuyện linh ứng của Quán Thế Âm Bồ Tát được những người trong cuộc kể lại. Có thể nói chúng ta sống trong thế giới Ta Bà này hễ còn là chúng sinh, còn trong đau khổ còn trong thiếu thốn, là còn có mong cầu. Có kẻ thiếu phước liền bỏ ác gắng làm nhiều việc thiện để cầu có phước, người hoạn nạn niệm Phật, Bồ Tát mong cầu cho bình yên, người thiếu thốn cầu được đầy đủ v.v…
Kính mời tham khảo về định nghĩa của Linh Ứng và Linh Nghiệm qua giải thích của AI nhé:
——Linh ứng (Synchronicity)Linh ứng là một khái niệm được đề xuất bởi nhà tâm lý học Carl Gustav Jung. Nó thể hiện sự trùng hợp không giải thích được giữa hai sự kiện hoặc hiện tượng không có mối quan hệ về nguyên nhân hay quan hệ hậu quả, nhưng lại xuất hiện cùng một lúc hoặc trong cùng một khoảnh khắc trong cuộc sống. Điều này tạo cảm giác rằng những sự kiện này có ý nghĩa sâu sắc và ý nghĩa tâm linh, và thường được coi là dấu hiệu của sự kết nối vũ trụ hoặc sự trở thành của người đang trải qua chúng.
——Linh nghiệm (Mystical Experience): Linh nghiệm là một trạng thái tâm linh đặc biệt mà trong đó cá nhân có cảm giác sâu sắc của sự kết nối với thế giới hoặc vũ trụ lớn hơn. Linh nghiệm thường được mô tả như trạng thái cao siêu, vượt trên hiểu biết thông thường và gắn kết với điều gì đó vô cùng to lớn và sâu sắc hơn.
Những trạng thái linh nghiệm có thể xuất hiện trong các tôn giáo, hành hương, thiền và những hoạt động tâm linh khác
Mà một số hiện tượng tâm linh không giải thích được là vì những hiện tượng này không có cơ sở khoa học hoặc hợp lý để giải thích chúng. Điều này không có nghĩa là những hiện tượng này không có ý nghĩa đối với những người tin vào chúng, nhưng chúng thường không thể được xác định hoặc lý giải bằng cách sử dụng phương pháp khoa học thông thường.
Cũng cần hiểu rằng những hiện tượng tâm linh không giải thích được có thể bao gồm các trạng thái tâm linh đặc biệt, hiện tượng siêu nhiên, kỳ lạ hoặc không thể kiểm chứng như tiên tri, tiên tri trong mơ, hồn ma, truyền thông với thế giới siêu nhiên, v.v.
Mặc dù có những nghiên cứu và điều tra về những hiện tượng này, nhưng cho đến nay, không có bằng chứng khoa học rõ ràng để giải thích và chứng minh tính hợp lý của chúng. Nhìn chung, hiện tượng tâm linh và các trạng thái tâm linh thường đòi hỏi một cách tiếp cận khác nhau, và mỗi người có thể có những quan điểm và trải nghiệm riêng về chúng. Có thể có nhiều lý giải khác nhau dựa trên quan điểm tôn giáo, triết lý hoặc tâm linh của con người.( hết trích đoạn)
Riêng bản thân người viết qua các bài pháp thoại thuộc Nam Tông thì Nam Truyền không có vị bồ Tát nào trong Phật giáo Nguyên thủy, nhưng khái niệm bồ tát có tồn tại, xuất hiện trong kinh điển Nguyên thủy, đặc biệt là ở Tiểu bộ và Tạp A-hàm, đề cập đến những tiền thân của Đức Phật, những hóa thân trên con đường tâm linh trước khi thành Phật.
Tuy nhiên, vì Bồ Tát chỉ xuất hiện trong kinh điển Đại thừa, mà kinh điển Đại thừa được nhiều người cho là tạo tác, không phải do lời nói của Phật, nên Bồ Tát cũng được cho là không có thực, mà chỉ có ý nghĩa triết học nhất định, chứ không phải là có những vị bồ Tát thực sự ngoài kia theo lịch sử, hệ tư tưởng hoặc triết học, điều này có vẻ đúng.
Nhưng về mặt tâm linh, mọi thứ không đơn giản như thế, thực tế cho thấy Bồ Tát không chỉ là biểu tượng của một đặc điểm tâm lý hay một khía cạnh tư tưởng nào đó, mà còn là một nhân vật có thật cũng như đã chứng đắc những mức độ tâm linh khác nhau.
Trong Phật giáo Đại thừa, có bốn vị đại bồ tát. Đó là Quan Thế Âm Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, và Văn Thù Bồ Tát.
Quán Thế Âm Bồ Tát đại diện cho lòng từ bi, Địa Tạng Bồ Tát đại diện cho đại nguyện, Văn Thù Bồ Tát đại diện cho trí tuệ, Phổ Hiền Bồ Tát đại diện cho hạnh dấn thân, v.v. Trong bốn vị bồ Tát của Phật giáo Đại thừa, Quán Thế Âm Bồ Tát là một vị bồ tát có đức độ và thần thông, chỉ đứng sau Phật Thích Ca. Ngài là một vị Bồ Tát có thể nhìn thấy rõ ràng tất cả những nỗi khổ, niềm đau, sự bất bình trên đời, và luôn sẵn sàng cứu giúp chúng sinh.
Còn biết bao câu chuyện bí ẩn về hành tung các vị Bồ tát khác.”Tương truyền rằng trên đường đến Ấn Độ, Huyền Trang sắp chết khát vì thiếu nước trên sa mạc, trong giấc mơ, ngài thấy một vị bạch y đến rót nước cho mình, khiến cơn khát của ngài tan biến ngay lập tức. Nhờ thế mà Huyền Trang đã có thể tiếp tục đi qua sa mạc dài 800 dặm đến Ấn Độ để thỉnh kinh.
Bồ Tát Di Lặc hóa thân thành Hòa thượng Bố Đại, truyền tải thông điệp về lòng từ bi, hỷ xả và hòa bình. Trước khi mất, ông đã để lại một câu thơ mà có lẽ Phật tử nào cũng biết:
“Di-lặc thiệt Di-lặc
Hóa thân trăm nghìn ức
Thường hiện cho người đời
Người đời không ai biết.”
Vì vậy, người ta biết rằng Hòa thượng Bố Đại là hóa thân của Bồ Tát Di Lặc. Điều này phù hợp với câu nói trong Kinh Lăng Nghiêm rằng các vị Bồ-tát thị hiện vào đời nhưng không bao giờ tuyên bố cho mọi người biết họ là Bồ-tát.
Như Ngài Phó Đại Sĩ đời Lương (Trung Quốc), một hôm đang nhập định, thấy Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Phật Định Quang phóng hào quang đến trên thân ngài, và ngài tự cho đã chứng được đại định Thủ Lăng Nghiêm. Từ đó, ngài xưng là “Song lâm thọ hạ đương lai giải thoát thiện huệ Đại sĩ”, vì chúng nhân giảng nói Phật pháp.
-Ngài Vĩnh Minh-Diên Thọ đời Tống (Trung Quốc), trong lúc thiền quán thấy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm rưới nước cam lồ vào miệng, từ đó được biện tài vô ngại.
-Thiền Sư Viên Chiếu thời nhà Lý (Việt Nam), một đêm trong thiền định, thấy Bồ-tát Văn Thù cầm dao mổ bụng, rửa ruột và trao cho ngài diệu dược. Từ đây, những sở tập trong tâm rõ ràng khế hợp, sâu được ngôn ngữ tam-muội, giảng kinh thuyết pháp thao thao.
Riêng đối với Bồ Tát Quán Thế Âm có rất nhiều câu chuyện khác nhau về nguồn gốc của Phật Quan Thế Âm Bồ Tát. Nội dung tuy khác nhau nhưng đều có một điểm chung là xuất phát điểm của Quan Thế Âm Bồ Tát: là con vua, người trong hoàng tộc, xuất thân cao quý. Thấy thế gian đau khổ và nhiều người than phiền về sự bất công, Ngài liền quyết tâm trở thành một vị Phật để cứu khổ, cứu nạn cho vô số chúng sinh. Khi đạt được quả vị chân chính của sự tu luyện, Ngài trở thành một vị bồ tát có khả năng biến thành năm ảo ảnh. Tai có thể nghe thấy hình ảnh, mắt có thể nghe thấy âm thanh, và lưỡi có thể nếm và ngửi mùi.
Bằng cách này, tiếng kêu cứu của tất cả chúng sinh có thể được chuyển đến Ngài và nhận được sự giúp đỡ từ Ngài. Và vì sự linh nghiệm nên có thể nói nhân gian đã khiến cho Bồ Tát Quan thế Âm trở thành một nhân vật bất tử vừa gần gũi vừa phi thường. Đức Phật Quá Khứ “Chánh Pháp Minh Như Lai “ vì thương chúng sinh cõi Ta Bà này thiếu phước mới thị hiện ra hình dáng của người phụ nữ, người mẹ hiền lấy danh hiệu là Quán Thế Âm để quán sát, nghe ngóng tiếng kêu đau thương của chúng sinh khi hoạn nạn, sự thiết tha mong cầu của từng chúng sinh khi niệm đến danh hiệu của Ngài thì Ngài quán xét và dùng thần lực ứng hiện cho chúng sinh được toại nguyện.
Hơn thế nữa cốt lõi tinh hoa của Phật Pháp là tu vừa cho mình và vừa cho đời, vừa có từ bi vừa có trí tuệ, nói chung thiện pháp khi tu tập đến một mức độ nhất định nào đó thì nó phải kiêm toàn rất nhiều hạnh lành. Đây là lý do vì đâu mà trong các hạnh lành ở một người cầu Phật Đạo bắt buộc phải có thiền định. Trong những tiêu chuẩn bắt buộc để trở thành một vị Bồ tát, ngay trong lần đầu tiên để được thọ ký thì vị đó phải chứng đắc thiền định và thần thông. Bởi vì chỉ có thiền định và thần thông thì vị này mới phát huy được tận cùng khả năng trí tuệ phàm phu của mình. Đồng thời với thiền định và thần thông, vị này thấy được kiếp trước kiếp sau, thấy được cõi trời, thấy được địa ngục, thấy được cảnh giới siêu và đọa, thấy được bao nhiêu thứ tâm tình cảm xúc của muôn loài trong cái hạn chế nào đó của mình, nhưng mà phải có. Từ đó mà vị này mới có thể phát huy tận cùng khả năng yêu thương chúng sinh. Họ coi tất cả chỉ là những giọt nước trong đại dương, trong đó có mình.
Chúng ta cũng thường hay nghe nhiều người nói, “Linh tại ngã, bất linh tại ngã,” tin thì có, không tin thì không có, nhưng ta cần biết rằng, nếu không có những hiện tượng bên ngoài thì dù có tin cũng không thể có. Nếu như Bồ-tát chỉ là một khái niệm, một biểu tượng triết học thì làm sao mà có những ứng hiện như trên được!
Thế nhưng vẫn có một số người cho rằng điều ứng hiện và linh ứng của Bồ Tát Quan Âm trong phẩm thứ 25 Phổ Môn của kinh Pháp Hoa có gì không phù hợp với định luật Nhân quả.
Trộm nghĩ người học Phật nếu quán chiếu sâu sắc về Nhân quả sẽ nghiệm ra rằng, được “Bồ-tát cứu giúp” hay do “nghiệp duyên” tuy hai mà một, vẫn không ngoài Nhân-duyên-quả.
Thật ra sự cầu nguyện và linh ứng chỉ xảy ra với một số người, không phải là tất cả. Đang lúc nguy cấp hay bế tắc, chúng ta nhất tâm cầu nguyện để mong được sự trợ duyên. Người cầu nguyện phát khởi những niệm lành như kính tin Tam bảo mãnh liệt, tuyệt đối tin tưởng vào oai lực của chư Phật, nguyện làm những việc thiện lành v.v… Nhờ thiện tâm khởi lên đúng lúc mà thiện nghiệp được hình thành, cùng tương tác vào Nhân-duyên-quả đang tới gần, đang dần hiện hữu. Trong một số trường hợp người còn phước đức thì duyên mới tạo ra này đã chi phối mạnh mẽ làm cho quả xấu bị lệch hướng, họa lớn thành hại nhỏ, được cứu nguy trong gang tấc.
Sự trợ duyên này nhiều người tin rằng đó là oai lực của chư Phật, Bồ-tát gia hộ. Kỳ thực thì năng lực và phương tiện độ sinh của chư Phật, Bồ-tát vốn không thể nghĩ bàn. Có khi nào chúng ta suy ngẫm rằng, có những việc không ai cầu nhưng các Ngài vẫn cứu!? Nên không thể dùng khả năng nhận thức phàm phu mà suy lường về việc cứu độ. Chúng ta chỉ có niềm tin về năng lực gia hộ và cứu độ của các Ngài (Mười thần lực của Như Lai) mà thôi, song nếu có thì đó vẫn là Tăng thượng duyên của tiến trình Nhân-duyên-quả, không hề có gì sai ở đây cả.
Ngay cả kinh điển Đại thừa, trên phương diện lịch sử dù không phải Phật nói, nhưng không vì thế mà không có giá trị siêu việt, không chứa đựng tuệ giác và chất liệu giải thoát. Không biết bao nhiêu người đã chứng ngộ khi đọc kinh điển Đại thừa. Bồ tát không phải là nhân vật lịch sử bằng sinh tử, bằng xương bằng thịt mà có thể thị hiện trên thế gian dưới muôn hình vạn trạng: nam, nữ, già, trẻ, người, thú, sông núi… muôn loài đều cảm hóa, hiện thân.
Lời kết:
Cuối cùng, chúng ta sẽ thấy rằng những gì mọi người nhận được đều đến từ sức mạnh bên trong của họ. Vận mệnh sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào tâm thái của mỗi người. Và ai cũng phải có trách nhiệm khi cầm lái quyết định hướng đi của cuộc đời mình.—-Bất luận thế gian biến hóa như thế nào, chỉ cần nội tâm chúng ta không bị ngoại cảnh chi phối dẫn động, luôn bảo trì được tâm thái lạc quan, yên vui thì hết thảy ồn ào, thị phi, được mất sẽ không quấy nhiễu được nội tâm của chúng ta.
Một nhà tâm lý học đã từng nói “ Quyết định cao độ của đời người không phải tài năng mà là thái độ”. Chúng ta quyết định dùng thái độ như thế nào để đối đãi với cuộc sống thì sẽ có trải nghiệm và lĩnh ngộ không giống nhau.
Đối mặt với những điều không như ý trong cuộc sống bằng thái độ tích cực hay tiêu cực chính là điều ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng ta. Và Socrates cũng đã nói “ "Tâm trí là mọi thứ bạn cần; điều bạn nghĩ ra là điều bạn sẽ trở thành”
Và định luật nhân quả là giáo lý căn bản của Phật giáo. Tuy nhiên, thuyết Nhân quả của Phật giáo vô cùng sâu sắc, khác biệt rất nhiều so với khái niệm Nhân quả của các triết thuyết khác, đó chính là Nhân-duyên-quả. Từ nhân đến quả chịu sự chi phối mãnh liệt của các duyên (nhân phụ). Trong một tiến trình Nhân-duyên-quả, thì mỗi thành tố nhân, duyên, quả lại đóng vai trò nhân, duyên, quả cho các tiến trình Nhân-duyên-quả khác. Tất cả đều vận hành, hỗ trợ hay tiêu trừ lẫn nhau tạo thành một chuỗi tương tác trùng điệp, vô cùng vô tận, xuyên suốt quá khứ, hiện tại và vị lai. Chúng ta chỉ biết về những cấu trúc Nhân quả đơn tuyến (nhãn tiền), còn quy luật vận hành và tương tác của tiến trình Nhân-duyên-quả vốn đa tuyến, cực kỳ vi tế và sâu nhiệm, đến nỗi chỉ có trí tuệ của chư Phật, Bồ-tát mới biết hết.
Kính trích đoạn kinh Tăng Chi về 4 điều bất khả tư nghị mà chúng ta không thể nào hiểu được
———-
KTC IV 8. Phẩm không hý luận 77. Không Thể Nghĩ Được
"Có bốn điều này không thể nghĩ đến được, này các Tỷ-kheo, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ. Thế nào là bốn?
-Phật giới của các đức Phật, này các Tỷ-kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.
-Thiền giới của người ngồi Thiền, này các Tỷ-kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.
-Quả dị thục của nghiệp, này các Tỷ-kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.
-Tâm tư thế giới, này các Tỷ-kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến thời có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.
Có bốn điều này không thể nghĩ đến được, này các Tỷ-kheo, nếu nghĩ đến, thời có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.
Tất cả chúng sinh đều bị chi phối bởi quy luật Nhân-duyên-quả. Biểu hiện cụ thể của mỗi phút giây đời sống này (về biệt nghiệp-cá nhân cũng như cộng nghiệp-tập thể) chính là trình hiện chân thật nhất của Nhân-duyên-quả. Chư Phật, Bồ-tát có thị hiện độ sinh cũng thuận hợp với quy luật này, không thể khác.
Kính thân tặng quý đạo hữu thân thương bài thơ cảm tác nhân Lễ Vía Quan Âm 19/6 nhé!
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát
Thuyền từ độ khắp chúng sanh trong biển khổ
Uy thần oai lực thị hiện cứu độ chúng sinh
Ngàn xứ cầu, ngàn xứ ứng …vọng kỳ thinh
Khi thời điểm quan trọng, chí thành nhất niệm
Thế giới nội tâm rộng lớn vô hạn, Bồ tát ứng hiện
Nam Mô Cứu khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát
Nguyện vun bồi Phước Đức, tâm thiện dưỡng tánh lành
Những gì sẽ đón nhận đều do ý nghĩ trở thành
Hẳn biết chúng sinh bị chi phối bởi Luật Nhân quả!
Lại có câu “Linh tại ngã, bất linh tại ngã”
Linh thiêng hay không là do cảm ứng mình
Biến đạo thành hành vi, hướng dẫn tâm linh
Tin sâu không nghi, tử sinh chuyển hoá!
Đừng dùng trí phàm phu lý giải đạo cả!
Nhớ cho rằng
Phật, Bồ Tát đều ở trong Tâm chứ chẳng đâu xa
Nam Mô Bồ Tát Thanh Lương Địa
Kính xin trụ vững giữa hào quang rực tía !!
Sydney 2/8/2023
Phật tử Huệ Hương kính bút
Gửi ý kiến của bạn