Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 12: Quyết tâm Giác ngộ

19/06/202017:36(Xem: 2056)
Bài 12: Quyết tâm Giác ngộ


buddha_112

Lý Tưởng của người Bồ-tát

The Bodhisattva Ideal

***

 

Chương II

 

Sự bừng tỉnh của con tim bồ-đề

 

***

 

Bài 10 - Sự bừng tỉnh của con tim bồ-đề hay bodicitta-utpada

Bài 11 - Bodicitta tuyệt đối và bodhicitta tương đối

Bài 12 - Quyết tâm Giác ngộ

Bài 13 - Lịch sử Phật giáo

Bài 14 - Sự xuất hiện của bodhicitta

Bài 15-  Bốn yếu tố của Vasubandhu

 

Bài 12

 

 

Quyết tâm Giác ngộ

 

            Nêu lên quyết tâm Giác ngộ (will to Awaken) thì cũng tương tự như nói đến quyết tâm của Trời (God's will) đối với một người Ki-tô giáo. Đấy là một cái gì đó thật huyền bí. Bạn có thể bảo rằng quyết tâm của chính mình hòa lẫn với quyết tâm Giác ngộ. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là bạn trở thành một bộ máy cơ khí thụ động, được điều khiển từ bên ngoài (câu này rất cô đọng: "quyết tâm dấn thân của mình vì sự tốt lành của chúng sinh" sẽ hòa lẫn với "quyết tâm Giác ngộ", thế nhưng cái quyết tâm Giác ngộ đó không phải là một "sức mạnh bên ngoài" hay "từ trên cao" điều khiển mình). Bodhicitta là chính bạn, thế nhưng bạn không còn là một cái gì đó mang bản chất hiện tượng nữa (con người hay một cá thể là một hiện tượng cấu hợp, quyết tâm Giác ngộ sẽ giúp cho con người đó, cá thể đó, vượt lên trên thể dạng hiện tượng do điều kiện mà có của mình). Bạn đã được chuyển hóa và biến thành một cái gì đó siêu nhiên, hay một cái gì đó mang bản chất siêu nhiên đang nẩy mầm bên trong các bạn.

 

            Trong trường hợp bạn yêu quý một người nào đó thật mãnh liệt, và người này nhờ bạn làm một việc gì đó, bạn làm ngay. Vậy thì công việc đó là do nơi quyết tâm của bạn hay là quyết tâm của người ấy? Quả hết sức khó trả lời. Sở dĩ bạn làm là vì quyết tâm của người ấy nhưng cũng là quyết tâm của chính bạn. Những gì xảy ra không có nghĩa là người ấy khống trị bạn, điều khiển bạn như là một con rối (puppet/ marionnette), mà đúng hơn là quyết tâm của người ấy hòa lẫn với quyết tâm của bạn. Nếu bạn nghĩ rằng người ấy có một khả năng tâm linh phát triển hơn bạn, và người ấy bảo bạn hãy làm một việc gì đó để mở ra cho cuộc sống tâm linh của bạn một hướng đi mới lạ hơn, thì đấy là cách mà bạn xem quyết tâm của người ấy như là quyết tâm của chính bạn. Điều đó không có nghĩa là bạn tuân lệnh người ấy, mà đúng hơn là bản mang quyết tâm của người ấy vào bên trong chính mình và biến nó thành của mình. Bạn không làm những gì mà người khác muốn bạn phải làm, nhất định không đúng như thế, bạn làm những gì mà chính bạn muốn làm. Điều khác biệt duy nhất là ý kiến khởi đầu chính là do người khác đưa ra. Dưới một góc nhìn nào đó thí người ấy trỏ cho bạn trông thấy những gì mà bạn thật sự muốn làm (chẳng hạn mình đang sống trong khổ đau, lo buồn, sợ hãi, oán hận... thế nhưng mình không hề ý thức được các thứ ấy trong cuộc sống của mình. Nếu có một người nào khác chỉ bảo mình những gì cần phải làm để thoát ra khỏi tình trạng đó, thì đấy là những gì mà mình thật sự muốn làm, thế nhưng trước đó thì mình không hề hay biết hay có một chút ý thức nào về những sự mong muốn ấy của mình). Vậy chúng ta hãy nâng thí dụ này lên một cấp bậc cao hơn, chẳng hạn như người sai bảo bạn làm một cái gì đó là một vị Phật, thì trong trường hợp này nếu bạn thực thi những gì mà vị Phật muốn, thì đấy là cách mà bạn biến quyết tâm của vị Phật ấy thành quyết tâm của bạn, và đấy cũng là cách giúp bạn tiến đến thật gần với sự hiển lộ của bodhicitta. Điều đó không có nghĩa là một sự nắm quyền một cách máy móc (bodhicitta không phải là một sức mạnh siêu nhiên bên ngoài hòa nhập với quyết tâm của mình để sai khiến mình). Không những quyết tâm của bạn mà cả tư duy và xúc cảm của bạn, có nghĩa là toàn thể con người của bạn, trở thành bodhicitta. Con người của bạn với tư cách là một hiện tượng sẽ không còn nữa, nó đã trở thành một vị bồ-tát. Đồng thời và cũng tương tự như vậy, một kích thước to rộng và siêu nhiên hòa nhập vào sự hiện hữu của bạn, và bạn trở thành một con người Giác Ngộ. Sự biến đổi đó không phải chỉ đơn giản là một sự tinh khiết hóa cá tính của mình mà là một sự thay đổi sâu xa, một sự chuyển biến toàn diện. Dưới một góc nhìn nào đó bodhicitta sẽ không còn là bạn nữa, đấy chỉ là cách bạn hiến dâng một cơ sở tạo điều kiện cho bodhicitta hiển hiện. Thế nhưng thật hết sức lạ lùng: một khi bodhicitta đã hiển hiện thì nó sẽ hòa lẫn với bạn, và bạn cũng sẽ hòa lẫn với nó. Quả hết sức khó mô tả sự kiện đó bằng ngôn từ (trên dòng lịch sử phát triển của Phật giáo, đã có không biết bao nhiêu vị đại sư đã đạt được giác ngộ, thế nhưng dường  như không có mấy ai nói lên được sự Giác ngộ đó của mình. Giác ngộ là một cảm nhận, một sự chứng nghiệm cá nhân, sự Giác ngộ đó vượt lên trên mọi khái niệm và tư duy. Những gì nói ra được, hình dung được, hiểu được bằng quy ước, ngôn từ, hoặc qua trung gian của hình ảnh đều là sai cả. Nói lên như thế không phải là để che giấu những gì mà mình không biết nhằm mục đích lừa phỉnh và dối gạt kẻ khác. Một sự cảm nhận siêu nhiên, một sự quán thấy sâu xa chỉ có người tu tập mới chứng nghiệm được mà thôi. Họ có thể đưa ra cho chúng ta trông thấy một lọ nước hoa, thế nhưng chỉ có chính họ là thưởng thức được mùi thơm của nước hoa bên trong chiếc lọ. Họ có thể bảo với chúng ta rằng không gian và thời gian không có điểm khởi thủy, cũng không có điểm chấm dứt, thế nhưng chúng ta thì lại chỉ thấy cái bầu không gian mà mình đang sống và cái khoảng thời gian của một kiếp người).  

 

            Kinh điển Mahayana (Đại thừa) không tiếc lời tán dương bodhicitta. Chẳng hạn như trong kinh Gandavyuha-Sutra (một bản kinh rất quan trọng của Đại thừa, đặc biệt nêu lên khái niệm về bodhicitta tương đối và tuyệt đối. Kinh này gốc từ tiếng Phạn, xuất hiện khoảng giữa thế kỷ thứ II và III. Có rất nhiều bản dịch tiếng Hán khác nhau, mang tên khác nhau, nhưng được gọi chung là kinh Hoa Nghiêm. Gần đây kinh này cũng đã được dịch sang tiếng Pháp, gồm hai quyển, mang tựa là "Soutra de l'Entrée dans la dimension absolue", nxb Padmakara, 2019, dịch giả Patrik Carré), có đưa ra hàng trăm cách mô tả bodhicitta, chẳng hạn như so sánh bodhicitta với một mỏ vàng, mặt trời hay mặt trăng, v.v. Người ta có cảm giác là theo tác giả của tập kinh thì bodhicitta bao hàm tất cả, được tôn vinh và tán tụng chẳng khác gì như một vị thần linh. Điều đó có thể khiến người ta không còn nghĩ rằng bodhicitta là ý nghĩ của một người nào đó, mà có cảm giác là một cái gì đó thật to rộng, mang kích thước của vũ trụ, thật tuyệt vời, sẵn sàng hiện xuống với những ai có khả năng cảm nhận được nó, và nó cũng sẽ hòa nhập với họ và chiếm giữ họ.

 

            Chúng ta, những người Phật giáo Tây phương, thiết nghĩ cũng nên tập cho quen dần vói các hình ảnh thật phong phú của Phật giáo. Trong giai đoạn hiện tại, tất nhiên các hình ảnh của Ki-tô giáo vẫn còn tiếp tục hiện lên trước nhất trong tâm trí của hầu hết chúng ta. Trong cuộc sống thường nhật, dù là người Phật giáo, thế nhưng chúng ta vẫn thường thốt lên các câu nói bắt nguồn từ Thánh Kinh, chẳng hạn như nói lên: "đứa con hoang đàng đã trở về nhà" (the prodigal son returned/ le fils prodigue est revenu. Đây là một câu trong Phúc âm theo thánh Lu-ca, 15:11-32, thuật lại một đứa con hoang đàng, hối lỗi và quay về nhà), câu này bắt nguồn trong Thánh Kinh. Chúng ta nói thế nhưng không hề ý thức gì cả về những gì mình nói, đấy chẳng qua là vì các câu đại loại như thế đã ăn sâu vào ngôn ngữ và văn hóa của chúng ta từ lâu đời, trong khi đó hình ảnh và các thành ngữ trong kinh sách Phật giáo chưa thấm sâu vào ngôn ngữ và cuộc sống của chúng ta (là những người Tây phương), kể cả đối với những người tu tập Phật giáo đã nhiều năm (xin cảm phục sự quan sát sắc bén của nhà sư Sangharakshita, không có một lời nói nào, một cử chỉ hay một thái độ nào có thể qua mắt được ông). Trong hiện tại, rất có thể là chúng ta chưa có thói quen nêu lên hình ảnh một gian nhà bốc cháy (biểu tượng hay hình ảnh "gian nhà bốc cháy" được nêu lên trong kinh Hoa Sen. Trong chương 3 của kinh này có thuật lại câu chuyện một người cha có một đàn con ham chơi, một hôm gian nhà bốc cháy, đàn con mãi mê với các trò chơi không chạy ra khỏi gian nhà. Người cha bèn bảo với chúng là mình có ba cỗ xe do dê, hươu và bò kéo..., chúng bèn chạy ùa ra xem. Gian nhà bốc cháy, các đứa trẻ ham chơi, các cỗ xe do các con vật kéo..., là các hình ảnh biểu trưng, mang ý nghĩa thật sâu sắc) mà chỉ gợi lên câu chuyện người con xa lánh người cha đầy lòng thương cảm (đây là cách nhắc lại câu chuyện trong Phúc âm của thánh Lu-ca nói đến trên đây. Câu chuyện thuật lại một người con hoang đàng, tiêu xài hết của cải mà người cha chia cho mình, thế nhưng khi trắng tay trở về nhà thì người cha vẫn tiếp đón mình thật nồng hậu. Giữa hai câu chuyện có một vài nét tương đồng, thế nhưng ý nghĩa thì khác nhau).        

 

            Các biểu tượng và hình ảnh trong kinh sách Phật giáo chưa phải là thành phần tâm tính (mentality) của chúng ta, thế nhưng đấy lại là cả một kho tàng mà chúng ta còn phải khám phá. Đọc kinh sách không đủ, những gì nêu lên trong kinh sách phải ăn sâu vào cung cách suy nghĩ của mình, phải cảm nhận và thực nghiệm được các thứ ấy.  Điều đó đòi hỏi thật nhiều thế hệ, thế nhưng trong hiện tại chúng ta cũng nên bắt đầu tạo ra các hình ảnh mang lại sức sống cho sự hiểu biết về Phật giáo của mình, chẳng hạn như sự hiểu biết về sự xuất hiện của bodhicitta. Bodhicitta không phải là giáo điều hay một thứ giáo lý nào cả, mà là một huyền thoại (a myth/một biểu tượng, một lý tưởng, một hình thức biểu trưng) nhằm mục đích gợi lên một sự cảm nhận siêu nhiên mà người ta không có cách nào mô tả trung thực bằng các khái niệm. Bodhicitta là một cái gì đó khiến chúng ta phải xúc động và xao xuyến thật sâu xa, hơn hẳn các tác động mang tính cách trí thức hay các sự ý thức thường tình.  

 

            Theo tôi chữ huyền thoại (myth) không có nghĩa là một cái gì đó giả tạo hay tưởng tượng. Người ta có thể cho rằng huyền thoại là các câu chuyện tạo dựng về các vị nam thần và nữ thần (gods, goddess). Dưới một góc nhìn nào đó thì điều ấy quả không sai, thế nhưng chúng ta cũng nên tự hỏi là các vị nam thần và nữ thần ấy và cả những gì mà họ biểu trưng là gì? Họ là các chúng sinh, hàm chứa một quyền năng hay một sức mạnh nào đó trong một lãnh vực vượt ra bên ngoài sự hiểu biết trí thức và khả năng nhận thức thường tình của chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được trong cuộc sống của mình các cảm ứng gợi lên bởi các kích thước của các huyền thoại (inspired by a mythical dimension) thì khi đó chúng ta mới có thể nhận thấy được một cái gì đó mang tính cách lịch sử (tức là có thật) thay cho các khuôn mẫu lý tưởng (archetype) (tức là một biểu tượng, một hình thức lý tưởng, hay những gì chỉ mang tính cách biểu trưng). Phải chăng người ta cũng có thể cho rằng bodhicitta là một huyền thoại nhằm mục đích gợi lên các cảm ứng thiêng liêng cho toàn thể những người tu tập Phật giáo. Mặc dù tri thức dựa vào sự hợp lý (rational consciousness/ tri thức lý luận), hoặc dựa vào các khái niệm hay các sự kiện lịch sử, có thể nhận biết được rất nhiều thứ, thế nhưng luôn luôn vẫn có một khoảng không gian của sự tưởng tượng (imaginary dimension), một khuôn mẫu lý tưởng (archetype) thoát ra khỏi sự nhận biết của tri thức lý luận đó. Vậy chúng ta hãy liên tưởng những gì trên đây với cuộc sống của mình trong các giấc mơ. Chúng ta có thể nằm mơ thấy mình có một cuộc sống giàu sang và nhộn nhịp (kể cả trong các lúc tỉnh, đôi khi chúng ta cũng có thể sống với các ước mơ đủ loại nhiều hơn là với hiện thực). Nếu muốn nói lên thật đầy đủ cuộc sống của mình, thì không những là mình phải nêu lên cuộc sống ấy của mình trong những lúc tỉnh mà còn phải thuật lại những gì xẩy ra trong các giấc mơ (kể cả trong cuộc sống thường nhật, có những lúc chúng ta mơ màng, tưởng tượng và hình dung ra đủ mọi thứ. Đó là những lúc mình vượt ra ngoài thực tại, nói một cách khác là mình rơi vào các giấc mơ trong lúc mình đang "tỉnh"). Thế nhưng điều đó (thuật lại cuộc sống của mình trong các giấc mơ) lại hết sức khó đối với hầu hết chúng ta. Tiếc thay điều đó lại mang rất nhiều ý nghĩa. Thông thường chúng ta không nhớ lại được những gì hiện ra trong các giấc mơ, cũng vậy trong các giấc mơ không mấy khi chúng ta nhớ được cuộc sống của mình trong lúc tỉnh. Hai cuộc sống đó diễn tiến với ít nhiều tách biệt, thuộc vào hai lãnh vực khác nhau. Cũng tương tự như vậy, trong những lúc chúng ta hành thiền thật tích cực, chẳng hạn như trong các dịp ẩn cư, thì dường như trên phương diện vật chất cũng không có gì quan trọng xảy ra đáng để quan tâm, thế nhưng trong một lãnh vực hiện hữu khác hơn với tri thức thiền định (meditative awareness) thì lại có thể xảy ra rất nhiều biến động (trong lúc ẩn cư chúng ta vượt ra ngoài các cảm nhận vật chất và các chuyển động của thế giới chung quanh - không truyền hình, báo chí, internet...-  Sau khóa ẩn cư, khi phải tiếp xúc trở lại với thế giới thế tục, chúng ta sẽ nhận thấy ngay là thế giới đó vô cùng ồn ào và biến động, khác hẳn với cái thế giới yên lặng và êm ả của khóa ẩn cư. Kể cả chúng ta cũng có thể nhìn vào thân xác mình hay lo lắng cho sức khỏe của mình. Đoạn trên đây rất khúc triết và tinh tế, nhà sư Sangharakshita mở ra cho chúng trông thấy một lãnh vực khác, một kích thức khác, một không gian khác trong cuộc sống của mình. Chúng ta đôi khi chỉ biết chạy theo sự thu hút của vật chất và xem đó là cuộc sống thật của mình, tất cả các thứ khác, từ các huyền thoại cho đến các khuôn mẫu lý tưởng, tất cả chỉ là những thứ hão huyền, và những gì xảy ra trong các giấc mơ đều là không thật. Thế nhưng chúng ta không ngờ rằng các huyền thoại đó, các khuôn mẫu lý tưởng đó, các chuyện xảy ra trong các giấc mơ đó của mình có một cái gì đó rất thật bên trong chúng, phản ảnh từ những gì ẩn chứa thật sâu kín trên dòng tri thức của mình, thế nhưng mình thì lại không hề hay biết. Ngoài cuộc sống thường nhật của mình với những gì xảy ra trong từng ngày, dường như lại còn có cả một lãnh vực khác, một kích thước khác, một không gian khác mầu nhiệm và thiêng liêng hơn).  

 

                Nếu chúng ta cùng chia sẻ từ bên trong chính mình một sự cảm nhận tập thể chung với một trào lưu tâm linh (spirituel movement/ đường hướng tu tập) nào đó (chẳng hạn như cá nhân mình và cùng với tăng đoàn chia sẻ chung lý tuởng của người bồ-tát) thì người ta cũng có thể bảo rằng trào lưu ấy cũng có một cuộc sống trong giấc mơ (cùng chia sẻ một hoài bão chung, một giấc mơ chung) hay một cuộc sống huyền thoại (mythical life/một cuộc sống thần bí và thiêng liêng) riêng của trào lưu ấy. Nếu trên thực tế không đúng như vậy (tức là không có những cảm nhận thiêng liêng và huyền thoại nối kết giữa các cá thể với nhau), và nếu trào lưu đó chỉ là một tổ chức vật chất, thì nó sẽ tàn lụi nhanh chóng. Vì thế nó phải bắt rễ thật sâu. Khi tất cả mọi người đều phát động được một cảm tính thật mạnh về một cái gì đó, một thứ cảm nhận nào đó vượt ra ngoài thực trạng của mọi sự vật, thì một huyền thoại (một sự thần bí, nhiệm mầu) sẽ hiện ra. Dường như những người Đại thừa (Mahayana) cảm thấy là phải tạo ra một huyền thoại, và huyền thoại đó không những có thể nói lên được các xúc cảm tích cực của họ mà còn phải phản ảnh được các sự thật tối hậu của Phật giáo. Họ cảm thấy không thể nuôi dưỡng mình bằng "bánh mì khổ" (là một tục ngữ của người Tây phương nói lên một cuộc sống khắc khổ, chỉ bằng bánh vì và nước lã) (đối với họ thì thức dinh dưỡng ấy là Abhidharma) (lời ghi chú này là trong bản dịch tiếng Pháp. Abhidharma/ A-tỳ-đạt-ma, là những lời bình giảng trong Tạng Luật, mang nặng các khía cạnh triết học, luận lý học và tâm lý học. Theo những người Đại thừa thì ngoài Abhidharma với các đặc tính "lý trí" đó của nó, còn phải thêm vào cho Phật giáo một chút thần bí và thiêng liêng, dưới hình thức các huyền thoại, hầu có thể đáp ứng được các đòi hỏi sâu kín của người tu tập và mang lại sức sống cho con đường mà họ đang bước đi), vì vậy họ bắt buộc phải tin vào một hình thức Phật giáo biểu trưng bởi huyền thoại. Điều đó không có nghĩa là những người Đại thừa quyết định bằng lý trí là đã đến lúc phải đưa thêm vào Phật giáo một chút huyền thoại, mà đúng hơn là chính các huyền thoại hiện ra với họ như là một nhu cầu tâm linh.       

 

            Sự sáng tạo ra các huyền thoại đó trong Phật giáo, cũng không khác gì như đối với tất cả các huyền thoại khác, là một quá trình mang tính cách tập thể hơn là cá nhân. Các huyền thoại đó không hề xuất hiện một cách vô cớ, có nhiều điều liên hệ đến các huyền thoại đó đã được giảng dạy ngay từ thời kỳ của Đức Phật. Những người sáng tạo huyền thoại đã dựa vào đó để dựng lên các huyền thoại của họ. Huyền thoại rất phong phú trong Kinh điển Pali (Tam Tạng Kinh), thế nhưng Phật giáo Theravada tân tiến ngày nay lại có khuynh hướng làm ngơ trước khía cạnh đó trong Kinh điển. Vấn đề đối với chúng ta ngày nay là phải làm thế nào để tái tạo lại sức sống cho các huyền thoại đó. Vậy chúng ta, những người Phật giáo Tây phương, phải làm thể nào để sáng tạo ra các huyền thoại? Một mặt, chúng ta có cả một tín ngưỡng Phật giáo thật phong phú và đồng thời cũng có cả một lô huyền thoại lâu đời của nền văn hóa Tây phương, tất cả mang lại cho chúng ta thật nhiều cảm ứng. Thế nhưng mặt khác thì chúng ta lại có quá nhiều hiểu biết lý thuyết (trí thức) ngăn chận sự phát hiện của các cảm ứng ấy. Sự sáng tạo huyền thoại tùy thuộc rất nhiều vào các cảm tính và các ước vọng sâu kín của chúng ta, các cảm tính và ước vọng đó có thể là trong hiện tại còn quá xa vời đối với vị thế cá nhân của mỗi người trong chúng ta, và cả bối cảnh chung của thế giới ngày nay (bối cảnh chung của thế giới cũng như của từng mỗi cá nhân con người ngày nay dường như quá nghèo nàn về các cảm ứng thiêng liêng, do đó thật hết khó tạo ra trong lãnh vực tâm linh một huyền thoại hay một khuôn mẫu lý tưởng nào). Trong trường hợp nếu chúng ta tạo được cho mình các cảm tính và các ước vọng sâu kín đó thì cũng nên biến chúng trở thành khách quan (cụ thể) hơn, tức là dưới hình thức các huyền thoại. Trong khi chờ đợi thì thật hết sức quan trọng là phải công nhận các huyền thoại cũng chính là bodhicitta, và phải tôn trọng các huyền thoại đó đúng với cương vị của chúng. 

 

            Không có hình ảnh nào biểu trưng cho bodhicitta được nêu lên trong kinh sách bằng tiếng Pali, thuật ngữ này cũng không thấy xuất hiện trong Kinh điển chính thức bằng tiếng Pali (tức là Tam Tạng Kinh). Dường như những người Phật giáo xưa (trước khi Đại thừa xuất hiện) cho rằng các cảm nhận về sự quán thấy sâu xa (vipassana) hay sự giác ngộ cũng đã được diễn tả đầy đủ với khái niệm hay bằng hình ảnh "Bước vào dòng chảy" (kinh sách Hán ngữ gọi là "Nhập lưu"). Phải chăng cả hai trào lưu (Tiểu và Đại thừa) cùng nói lên một thứ? (Bodhicitta/"Bồ-đề tâm" và "Bước vào dòng chảy" phải chăng mang cùng một ý nghĩa?). Thế nhưng điều đó có hợp lý hay không? Làm thế nào khái niệm "Bước vào dòng chảy" lại có thể so sánh với khái niệm của Đại thừa về sự xuất hiện của bodhicitta? ("Bước vào dòng chảy" là một sự quyết tâm bước vào con đường giải thoát. "Bodhicitta" là một sự xả thân vì kẻ khác. Thế nhưng phải chăng cả hai cung cách hành xử đó cùng hướng vào một mục đích chung và cùng gặp nhau ở một điểm hội tụ là sự Giác ngộ? Một đằng trực tiếp hướng vào mục đích, một đằng mượn thêm một sức mạnh trung gian để dìu dắt và cổ vũ mình, mở ra cho mình một con đường thênh thang hơn, nhưng biết đâu cũng có thể là dài hơn đôi chút?).  

 

 

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

 

           

            Trên dòng phát triển của Phật giáo vô số những sự thêm thắt - từ các "huyền thoại" đến các "khuôn mẫu lý tưởng" - đã được ghép thêm vào Giáo huấn của Đức Phật. Thế nhưng theo nhà sư Sangharakshita thì sự mở rộng đó là cả một nhu cầu tâm linh, mở ra các kích thước siêu nhiên, mầu nhiệm và linh thiêng mang lại cho Phật giáo một sức sống mới thật mãnh liệt. Các huyền thoại và các khuôn mẫu lý tưởng đó không phải là các sự tạo dựng vô căn cứ, mà bắt nguồn từ những gì đã được thuyết giảng từ thời kỳ của Đức Phật, và sau đó đã hiện ra với những người Đại thừa như là một quá trình tập thể, nói lên một nhu cầu tâm linh, phù hợp với các ước vọng sâu kín của họ.

 

            Ngoài ra nhà sư Sangharakshita cũng còn nêu lên một sự nhận xét khác đáng quan tâm, đó là sự hiểu biết dựa vào sự hợp lý và sự sinh hoạt xoay quanh các tính toán vật chất của thế giới ngày nay đã che khuất các kích thước siêu nhiên và huyền diệu của cuộc sống con người. Sự che khuất đó đã dần dần gạt bỏ các giấc mơ ra khỏi cuộc sống của họ, khiến cuộc sống đó chỉ còn lại một nửa, nghèo nàn, thiếu hẳn những cảm ứng thiêng liêng và mầu nhiệm. Vây trên thực tế các huyền thoại và các khuôn mẫu lý tưởng đó là những gì? Chúng ta hãy nêu lên một vài thí dụ cụ thể.   

 

            Bộ-tát Quán-thế-âm với nghìn mắt và nghìn tay là một sự tạo dựng, một biểu tượng, một huyền thoại tuyệt đẹp. Huyền thoại đó đã trở thành một sự thật lịch sử từ thế kỷ XV với sự hình thành của dòng truyền thừa của các vị Đạt-lai Lạt-ma, là hóa thân của Bồ-tát Quán-thế-âm. Huyền thoại đó, sự thật đó ngày nay vẫn tiếp tục còn là sự thật với sự xuất hiện của Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV như là một vị Phật trong thế giới hiện đại. Bên cạnh vị Phật đó xuất hiện thêm một khuôn mẫu lý tưởng xả thân vì thế giới nghèo nàn ước mơ này, đó là nhà sư người Pháp Ricard Matthieu.

 

            Huyền thoại đó của Đức Đạt-lai Lạt-ma và khuôn mẫu lý tưởng đó của nhà sư Riacard Matthieu đã gieo vào lòng chúng ta hạt giống của bodhicitta. Nhà nhà sư Sangharakshita đã tưới lên hạt giống đó một chút nhiệm mầu giúp cho nó nẩy mầm. Trong khi chờ đợi hạt giống đó biến mình thành một huyền thoại hay một khuôn mẫu lý tưởng, thì nhà sư Sangharakshita khuyên chúng ta hãy biết kính trọng cương vị cao quý và thiêng liêng của các huyền thoại và khuôn mẫu lý tưởng xuất hiện trên dòng lịch sử phát triển của Phật giáo kể cả ngày nay, và nhất là không nên xem đó là những thứ hão huyền và không thật. 

 

                                                                                              Bures-Sur-Yvette, 19.06.20

                                                                                               Hoang Phong chuyển ngữ

 

 (còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/09/2024(Xem: 852)
Mời người về đây tu viện Quảng Đức Xứ Úc hiền hòa Thầy đã dựng xây Mái ấm tâm linh, chở che người con xa xứ Bao bàn tay Phật tử cùng chung xây dựng Quảng Đức, trái tim người bất diệt!
02/09/2024(Xem: 786)
Có một câu danh ngôn nổi tiếng của John Milton trong tác phẩm *Paradise Lost* (Thiên Đường Đã Mất) nói về khái niệm thiên đường và địa ngục trong tâm trí con người: “The mind is its own place, and in itself can make a heaven of hell, a hell of heaven."* Tạm dịch:”Tâm trí là nơi của chính nó, và tự nó có thể biến thiên đường thành địa ngục, địa ngục thành thiên đường."* Câu này nhấn mạnh rằng chính tâm trí con người quyết định việc chúng ta sống trong hạnh phúc hay khổ đau, thiên đường hay địa ngục.
31/07/2024(Xem: 1309)
Quán Âm Bồ Tát Nhĩ căn viên thông Đại từ đại bi Diệu âm tự tánh
24/07/2024(Xem: 546)
Nam Mô Bồ Tát Quan Âm Chứng tri tứ chúng đồng tâm kính thành An vị Bồ Tát duyên lành Hương hoa bánh trái tịnh thanh cúng dường Kính mong Bồ tát tưởng thương Độ cho nhân loại bớt vương khổ nàn Lời kinh khấn nguyện vang vang Mười hai đại nguyện Quan Âm độ đời
24/07/2024(Xem: 1145)
Cách đây hơn 2 tuần vào đầu tháng 6 âm lịch, dù chỉ được chứng kiến lễ an vị tôn tượng đài Bồ Tát Quan Âm Lộ Thiên (cao 5 mét, chất liệu đá hoa cương nguyên khối)trong khuôn viên của Tu Viện Quảng Đức qua livestream và sau đó là hình ảnh được post lên và trong dịp này con được nghe TT Hoá Chủ Thích Nguyên Tạng giới thiệu 2 vị Phật Tử thuần thành cư trú tại Mỹ, cũng đang hiện diện trong buổi lễ trang trọng này và được biết quý Phật tử Huệ Đức và Thiện Trí đã phát tâm cúng dường tôn tượng Quan thế Âm Lộ ThIên đến TV Quảng Đức qua sự giới thiệu và khuyến khích của Ni Sư Thích Nữ Tâm Vân bào muội của HT Viện chủ .
20/04/2024(Xem: 2962)
Bồ Tát Quán Thế Âm Nghe tiếng kêu thống khổ Nhân loại đang lầm than Trong sầu đau phiền não. Thị hiện để cứu người Tùy căn duyên độ đời Không phân biệt phú quý Hay tay lấm chân bùn.
29/03/2024(Xem: 1861)
Cung kính dâng lời Khải bạch đến Bồ Tát Đẳng Giác (1) Khắp mười phương pháp giới có năng lực hiện thân Hàng phục tất cả ác thế gian bằng các việc khó làm Tuy mênh mông bát ngát, quy tụ vào thập quảng đại nguyện! (2)
14/03/2024(Xem: 6750)
Các vị La Hán chùa Tây Phương Tôi đến thăm về lòng vấn vương. Há chẳng phải đây là xứ Phật, Mà sao ai nấy mặt đau thương? Đây vị xương trần chân với tay Có chi thiêu đốt tấm thân gầy Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt Tự bấy ngồi y cho đến nay.
23/10/2023(Xem: 3131)
Lần đầu tiên, mạt nhân được biết tên tuổi của Ngài là vào năm 1986. Trong một lần đến chùa Dược Sư (quận Bình Thạnh) thỉnh kinh, lục lạo trong đống kinh sách cũ, vô tình mạt nhân tìm được cuốn A Di Đà Kinh Giảng Ký của pháp sư Thích Diễn Bồi. Giở xem thấy văn phong khá giản dị, đủ để một người vốn liếng chữ Hán nhấp nhem như mạt nhân khi đó hiểu được dễ dàng ý tác giả qua vài trang sách đầu tiên. Thế là với bản giảng kinh ấy, mạt nhân có dịp tập tành luyện đọc văn Bạch Thoại. Càng đọc càng thấy những lời giải thích của Ngài tuy giản dị, dễ hiểu, nhưng vẫn thâm trầm, hàm súc, có thể nói không quá đáng là lời giảng của Ngài rất lợi lạc cho mọi tầng lớp người đọc, nhất là hạng hành nhân sơ cơ. Từ nhân duyên đặc biệt ấy, mạt nhân tâm nguyện bất cứ khi nào mình có được một bản giảng kinh nào của Ngài, sẽ cố gắng dịch sang tiếng Việt.
01/08/2023(Xem: 2823)
Từ khi Trí tuệ nhân tạo xuất hiện AI, một trong những đề tài theo tôi xem qua nhận thấy được nhiều người tham vấn vẫn là Tôn giáo và Khoa học, nhất là câu hỏi “tín ngưỡng có thể làm giảm đi tính chất khoa học trong tôn giáo không “ khi mà Albert Einstein đã cho rằng : “Science without religion is lame, religion without science is blind” tam dịch “ Khoa học mà thiếu tôn giáo thì khập khiễng, tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng”.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com