Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Edward Conze, Một dịch giả Phật Giáo vĩ đại ở Phương Tây

23/05/201319:00(Xem: 16285)
Edward Conze, Một dịch giả Phật Giáo vĩ đại ở Phương Tây



Edward Conze
Một dịch giả Phật Giáo vĩ đại ở Phương Tây

Thích Nguyên Tạng
Melbourne, Úc Châu 2006

77pgiaoucchau-conze
Đại dịch giả Edward Conze











77pgiaoucchau-conze-suzuki
77pgiaoucchau-conze-gleaningsinbuddha

77pgiaoucchau-conze-buddhist-development

77pgiaoucchau-conze-wisdom

Tiến sĩ Edward Conze (1904-1979) là một trong những học giả, dịch giả Phật Giáo vĩ đại nhất ở Tây Phương. Là nhà nghiên cứu đứng đầu trong tất cả các tông phái Phật Giáo, ông thông thạo những ngôn ngữ Pali, Sanskrit, Trung Hoa, Tây Tạng, Mông Cổ và Nhật Bản. Trong hơn ba mươi năm, ông là giảng viên tâm lý học ở đại học.

Edward Conze (đọc theo tiếng Đức là Eberhart Julius Dietrich Conze) sinh năm 1904 tại thủ đô Luân Đôn trong một gia đình được hòa lẫn nhiều dòng máu khác nhau giữa Đức, Pháp và Hà Lan. Cha của ông thuộc tầng lớp quý tộc Đức và Mẹ của ông thuộc giới “tài phiệt” của Đức. Edward Conze xuất thân từ gia đình theo Đạo Tin Lành (Protestant) mặc dù về sau mẹ của ông tin theo Ky Tô Giáo.

Edward Conze chào đời tại Anh quốc do vì thời gian đó cha của ông làm việc như là một Phó Đại Sứ của Đức tại xứ sở này, cũng chính điều này mà ông được mang quốc tịch Anh, một phương tiện cần thiết về sau khi ông quay lại Anh quốc vào năm 1933.

Thuở thiếu thời của ông trải qua rất êm đềm và được giáo dưỡng trong môi trường tốt. Ông được học ở nhiều Trường Đại học khác nhau ở Đức và đặc biệt ông chọn khoa ngôn ngữ để theo đuổi gồm 14 thứ tiếng khác nhau, bao gồm cổ ngữ Sanskrit. Giống như nhiều người trẻ Âu Châu khác, ông đã tìm đến Hội Thông Thiên Học (Theosophy)rất sớm. Ông cũng thích nghiên cứu về thuật chiêm tinh (Astrology) và trở thành một chiêm tinh gia sắc sảo trong đời ông. Và khi đang độ tuổi thanh niên, ông đã viết một tập sách với tựa đề là “Nguyên lý Phủ định (The Principle of Contradiction).

Trong thời điểm quyền lực của Hitler đang tăng lên, Conze nhận ra mình có quan điểm đối lập với chủ nghĩa Quốc Xã nên ông đã gia nhập Đảng Cộng Sản (Communist Party)và bắt đầu nghiên cứu chủ nghĩa Marx, và về sau ông từng làm thủ lãnh cho phong trào cộng sản ở Bonn. Năm 1933, ở tuổi 29, ông đến Anh Quốc với hai bàn tay trắng. Ông tự nuôi sống bằng cách mở lớp dạy Đức Ngữ và gia nhập Đảng Lao Động (Labour Party).Ông quen biết được nhiều nhân vật nổi tiếng và giới trí thức trong Đảng phái này. Ông trở nên một người tích cực hoạt động cho phong trào xã hội tại Anh. Ở tuổi 35, ông nhận ra mình đang ở trong tình trạng rối loạn tri thức và vỡ mộng về chính trị. Đời sống hôn nhân của ông cũng thất bại. Trong lúc quá mỏi mệt cuộc sống như thế ông đã khám phá ra Đạo Phật khi ông bất ngờ đọc được tập sách “Những hạt thóc còn sót lại trên Những Cánh Đồng Phật” ( Gleanings in Buddha Fields) của Lafcadio Hearn. Tuy nhiên sự tiếp xúc ý nghĩa đầu tiên của Conze đối với Đạo Phật vẫn là ở tuổi trung niên, tức là đầu Thế Chiến Thứ Hai và nhất là khi ông đọc các tác phẩm của Thiền Sư D.T Suzuki. Và từ đó, Edward Conze đã cống hiến trọn đời mình cho Phật Giáo, nổi bật nhất là phiên dịch và chú giải Kinh Bát Nhã (Prajnaparamita or Perfection of Wisdom sutras), bộ Kinh nền tảng của Phật Giáo Đại Thừa. Nhưng Edward Conze không chỉ là một học giả theo chủ nghĩa kinh viện, lý thuyết suông, mà trong thời gian chiến tranh, ông đã sống và tu tập thiền định trong một chiếc xe lưu động caravan tại khu rừng New Forest. Thật vậy, ông đã áp dụng phương pháp thiền tập theo sự hướng dẫn của Ngài Phật Âm (Buddhaghosa) trong bộ sách Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga)và ít nhiều ông đã đạt được một vài trình độ khả quan trong kinh nghiệm hành thiền.

 

Sau chiến tranh ông đến định cư ở Oxford và tái hôn với một phụ nữ thứ hai. Năm 1951, ông khởi sự viết cuốn “ Tinh Hoa và sự phát triển của Đạo Phật (Buddhism: Its Essence and Development, ấn hành năm 1957), quyển sách làm nổi bật Đạo Phật như một tia sáng tỏa chiếu từ Phương Đông. Tập sách rất thành công vì được sự tiếp nhận rộng rãi và hiện nay tác phẩm này vẫn được liên tục tái bản. Trong sách này, Edward Conze đã viết “một người nghiên cứu muốn biết chắc giáo lý đích thực của Đức Phật là gì sẽ thấy mình đụng phải hàng ngàn kinh sách, tất cả đều tự nhận là lời của Đức Phật, nhưng lại chứa đầy những giáo thuyết khác biệt và mâu thuẫn với nhau. Một số tác giả có nhiều ảnh hưởng thuộc phái không theo truyền thống mới đây đã tranh luận rằng người ta phải tìm giáo lý Phật Giáo đích thực chỉ trong những gì mà Phật Thích Ca đã giảng dạy khoảng năm 500 trước Tây Lịch. Ý kiến này đã gây ra những phản ứng gay gắt. Sự thật là đối với tầng xưa nhất của những kinh sách hiện đang có, người ta chỉ có thể đạt đến bằng suy luận và võ đoán một cách không chắc chắn. Tất cả những nỗ lực tái tạo một nền Phật Giáo Nguyên Thỉ (original Buddhism)này chỉ có một điểm chung là đều đồng ý rằng giáo lý của Đức Phật chắc chắn không phải là những gì mà các tín đồ Phật Giáo vẫn hiểu. Thí dụ, bà Rhys David loại bỏ thuyết vô ngã (not-self)và tổ chức tu viện của Phật Giáo. Đối với bà, một sự tôn thờ “Người” (The Man)là giáo lý nguyên thỉ của Phật Giáo. H.J. Jenning thì thẳng thừng bác bỏ tất cả những đoạn nói đến luân hồi (reincarnation)trong kinh sách, và ông nói rằng như vậy là để phục hồi ý nghĩa nguyên thỉ của kinh sách. Tiến sĩ Paul Dahlke cũng không cần biết đến những điều huyền bí (mythology)có đầy trong Phật Giáo truyền thống, và giảm giáo lý của Đức Phật xuống thành một thứ lý thuyết bất khả tri, duy lý. Trong cuốn sách này tôi mô tả truyền thống sống động của Phật Giáo qua những thế kỷ, và tôi thú

nhận rằng tôi không biết giáo lý nguyên thỉ của Phật Giáo là cái gì. Nếu xem tất cả lịch sử Phật Giáo sau thời kỳ đầu là lịch sử của sự thoái hóa trừ một số giáo lý nguyên thỉ thì như vậy giống như xem một cây sồi (oak tree) là sự thoái hóa của một hạt sồi. Trong cuốn sách này tôi xem lời dạy của Đức Phật, là bao gồm tất cả những giáo lý được gắn liền vào giáo lý nguyên thỉ bởi sự liên tục của lịch sử, và những giáo lý này trình bày những phương pháp đưa đến sự tu sửa của cá nhân bằng việc giải trừ ngã chấp”.

Nhận xét Phật Giáo bằng kết quả của tôn giáo này:

Một người cộng tác của ông là Tiến sĩ Arthurn Waley nói một cách súc tích về sự hiểu biết sâu xa của ông về Phật Giáo như sau: “Đối với Tiến sĩ Conze, những câu hỏi mà Phật Giáo đặt ra và trả lời là những câu hỏi sống thực và ông luôn luôn liên kết những câu hỏi này với lịch sử và với thực tại

Edward Conze tổng kết Phật Giáo một cách ngắn gọn như sau: “lúc đầu người ta có thể bị Phật Giáo thu hút một cách xa xôi, nhưng họ chỉ có thể cảm nhận được giá trị đích thực của Phật Giáo khi nhận định Phật Giáo bằng những kết quả mà tôn giáo này sản sinh trong đời sống hằng ngày của chính mình”. (Although one may originally be attracted by its remoteness, one can appreciate the real value of Buddhism only when one judges it by the results it produces in one’s own life from day to day).

Khi nói về “Phật Giáo Âu Châu” (European Buddhism),Edward Conze viết “các nhà truyền giáo Dòng Tên của Ky Tô Giáo trong thế kỷ 17 và thế kỷ 18 đã biết khá chính xác về PG Trung Hoa và Nhật Bản, nhưng một triết gia người Đức, Athur Schopenhauer, là người đầu tiên làm cho Âu Châu biết về Phật Giáo như một tín ngưỡng sống thực. Không biết gì về kinh sách Phật Giáo, chỉ được hướng dẫn bởi triết lý của Kant, một bản dịch tiếng La Tinh từ một bản dịch tiếng Ba Tư của Áo Nghĩa Thư (Upanishad) của Ấn Giáo và sự thất vọng với cuộc đời, đến năm 1819, Schopenhauer đã lập một hệ thống triết lý với chủ trương “Phủ nhận ý chí sống”(Negation of the Will to live) và xem sự cảm thông là hạnh cứu rỗi độc nhất, và do đó có khuynh hướng rất giống tinh thần từ bi của Đạo Phật. Những ý tưởng của Schopenhauer được trình bày một cách sống động và dễ đọc đã có ảnh hưởng lớn ở Lục địa Âu Châu. Richard Wagner đã có ấn tượng mạnh mẽ với giáo lý PG và trong những năm gần đây Albert Schweitzer sống một cuộc đời giống Schopenhauer đã đề ra”.


Công trình của bốn thế hệ:

Trong thế kỷ 19, cuộc xâm chiếm Á Châu của các thương gia, các quân nhân, và các nhà truyền giáo Âu Châu được đi kèm bởi sự xâm nhập dần dần của những tư tưởng Á Châu vào Âu Châu. Sự xâm nhập này có hai hình thức là nghiên cứu một cách khoa học và tuyên truyền phổ thông. Việc nghiên cứu văn học và mỹ thuật Phật Giáo đã liên tục trong 120 năm nay không gián đoạn. Trong mỗi thế hệ, lịch sử Phật Giáo đã thu hút một số đáng kể những học giả có khả năng. Nhiều người trong số họ, đặc biệt là trong thời kỳ đầu, đã nghiên cứu Phật Giáo giống như một người quan sát địch thủ của mình, chỉ muốn chứng minh sự vượt trội của Ky Tô Giáo. Một số ít nghĩ rằng họ phải tìm hiểu một số tín ngưỡng rất tinh thuần ( faith of supreme purity) mà Âu Châu có thể học hỏi được. Đa số học giả nghiên cứu tài liệu Phật Giáo với sự vô tư của một người đang giải một ô chữ. Công trình của bốn thế hệ có kết quả là việc nghiên cứu Phật Giáo đạt được tiến bộ lớn, dù vẫn còn nhiều việc phải làm. Về mặt xã hội, môn nghiên cứu Đông Phương ở Âu Châu gắn liền với chủ nghĩa đế quốc. Với sự suy tàn của chủ nghĩa đế quốc Âu Châu, môn Đông Phương Học hiện đang gặp khó khăn, và không biết sẽ ra sao trong tương lai. Ở Liên Xô, việc nghiên cứu Phật Giáo có lẽ đã không còn, dù trong quá khứ người Nga đã đóng góp rất nhiều cho ngành này. Có thể là huyền học Phật Giáo không thích hợp với những người theo biện chứng pháp duy vật.

77pgiaoucchau-conze-buddhist-text-3

Năm 1875 diễn ra một sự kiện có tầm quan trọng rất lớn, bà Blavatsky và Đại tá Olcott thành lập Hội Thông Thiên Học (Theosophical Society).Những hoạt động của Hội này làm gia tăng kiến thức về các tôn giáo Á Châu và phục hồi sự tự tin trong tâm trí đang lay động của chính những người Á Châu. Lúc đó nền văn minh Âu Châu gồm một sự phối hợp của khoa học và thương mại của Ky Tô Giáo và chủ nghĩa Quân Phiệt, có vẻ rất hùng mạnh. Chỉ có một ít người nhận thấy nguy cơ diễn ra chiến tranh quốc gia và đấu tranh giai cấp. Một số người có học mỗi lúc mỗi nhiều hơn ở Ấn Độ và Tích Lan, cũng như những người Nhật cùng thời, cảm thấy rằng họ không còn có cách nào khác hơn là chấp nhận nền văn minh Âu Châu với tất cả những chi tiết của nó. Các nhà truyền giáo Ky Tô Giáo trông đợi một sự theo đạo, cải đạo hàng loạt và mau chóng của người Á Châu, nhưng trào lưu này đã bất ngờ đảo ngược. Một số ít người nam nữ thuộc chủng tộc da trắng chiếm ưu thế ở Nga, Mỹ và Anh quốc, những người Thông Thiên Học, đã xuất hiện giữa những người dân Ấn Độ và Tích Lan để bày tỏ sự cảm phục của họ đối với nền minh triết cổ truyền của Đông Phương. Bà Blavastky nói về Phật Giáo với những lời ca tụng cao nhất, Đại tá Olcott viết một tập sách “Phật Pháp Vấn Đáp”(Buddhist Catechism)và A.P. Sinnett xuất bản một cuốn sách rất thành công trong đó tất cả những loại ý tưởng huyền bí và hấp dẫn được giới thiệu là “Phật Giáo Bí Truyền” (Esoteric Buddhism).Huyền thoại về các vị Mahatma nói rằng các vị lãnh đạo thông thái và bán thiêng liêng của loài người đang sống trong rặng núi Hy Mã Lạp Sơn ở Tây Tạng và Ấn Độ, và là những nơi được bao phủ bởi hào quang trí tuệ siêu nhân. Với sự can thiệp đúng lúc của mình, Hội Thông Thiên Học đã làm được rất nhiều cho Phật Giáo. Sau đó Hội này như một tổ chức

đã suy thoái vì vật chất và những hoạt động mờ ám, nhưng vẫn tiếp tục là động lực cho việc nghiên cứu Phật Giáo và đã gây cảm hứng cho nhiều người tìm hiểu xa hơn. Một người ở trong Hội Thông Thiên Học là Sir Edwin Arnold, có tác phẩm trường ca về Phật Thích Ca với nhan đề “ Ánh Sáng Á Châu” ( The Light of Asia), làm cho nhiều người kính phục Đức Phật về cuộc đời thanh tịnh và đầy lòng từ bi của Ngài đối với hết thảy chúng sinh.


Đánh trống Pháp:

Edward Conze viết tiếp: “Sau năm 1900 một số nhà truyền giáo Phật Giáo từ Á Châu đến hoạt động ở Luân Đôn và những nơi khác, những không đạt được nhiều thành công. Ở những thủ đô của Âu Châu như Paris, London và Berlin, những tổ chức tuyên truyền nhỏ được thành lập. Ở Anh Quốc, với sự lãnh đạo tài năng của Christmas Humphreys, Hội Phật Giáo đã cho thấy nhiều sáng kiến trong việc “ đánh trống Pháp”(beating the drum of the Dharma). Tuy nhiên cho đến lúc này Phật Giáo Âu Châu đã không tìm được chỗ đứng. Tổ chức Tăng Đoàn là một thành phần thường trực và ổn định trong lịch sử Phật Giáo. Tăng sĩ và tự viện là một nền móng không thể thiếu của một phong trào Phật Giáo, có mục tiêu là trở thành một thực tế xã hội sinh động cụ thể. Một số tín đồ PG Âu Châu muốn xuất gia tu học đã đến Tích Lan, Trung Hoa và Nhật Bản.

77pgiaoucchau-conze-buddhist-text

Việc thiết lập những tu viện Phật Giáo ở Âu Châu gặp những chướng ngại lớn, nhưng có lẽ không lớn hơn ở Trung Hoa trước kia. Khi sự phá sản nền văn minh của chúng ta trở nên rõ rệt hơn, sẽ có thêm nhiều người tìm về nền minh triết quá khứ, và một số họ sẽ tìm đến hình thức Phật Giáo của nền minh triết này. Chúng ta chưa biết những người Âu Châu mặc áo vàng sẽ xuất hiện lần đầu tiên ở đâu và khi nào”.

Edward Conze là người biên tập chính của một bộ hợp tuyển kinh văn Phật Giáo bao quát và là tác phẩm độc nhất thuộc loại này, “Kinh Điển Phật Giáo qua các thời đại” (Buddhist Texts Through the Ages). Đây là phần tiếp theo tác phẩm của ông Tinh hoa và sự Phát triển của Phật Giáo, và được chia thành bốn phần. Bà I.B. Horner biên tập phần thứ nhất về Phật Giáo Pali, phần thứ hai do chính Edward Conze viết về Phật Giáo Đại Thừa,phần thứ ba về Mật Giáodo Tiến sĩ David Suellgrove đảm trách và phần thứ tư gồm những văn bản kinh sách Trung Hoa và Nhật Bảndo Tiến sĩ Arthur Waley biên tập. Tất cả những văn bản đã được dịch lại từ nguyên văn tiếng tiếng Pali, Sanskrit, Tây Tạng, Trung Hoa và Nhật Bản.



Ba thời kỳ triết học của Phật Giáo

77pgiaoucchau-conze-buddhist-meditation


Trong cuốn sách “Thiền Định Phật Giáo” (Buddhist Meditation),Edward Conze đã trình bày cả pháp môn thiền của Nguyên Thỉ lẫn pháp môn thiền của Đại Thừa. Nhưng phần lớn nội dung của tập sách này được trích dẫn từ “Thanh Tịnh Đạo Luận” (Visudhimagga)tác phẩm tiếng Pali của luận sư Buddhaghosa (Phật Âm) mà ông mô tả là “cuốn sách tuyệt vời gồm 616 trang được viết trong thế kỷ thứ năm”. Ông nói rằng “giống như tất cả những tác giả ở thế gian này, Buddhaghosa cũng có những khuyết điểm. Nhưng đó chỉ là những lỗi nhỏ, và ông đã soạn một trong những tác phẩm đạo học vĩ đại nhất của loài người. Nếu phải chọn một cuốn sách độc nhất để mang theo với mình ra một hoang đảo thì đây sẽ là cuốn sách của tôi” (like all human authors, Buddhaghosa has his faults. But these are minor irritants, and he has composed one of the greatest spiritual classics of mankind. If I had to choose just one book to take with me on a desert island, this would be my choice)

“Tư Tưởng Phật Giáo Ấn Độ” (Buddhist Thought in India) là một tác phẩm xuất sắc khác của ông, nói về ba thời kỳ phát triển của triết học Phật giáo trong hơn 1100 năm, từ khoảng năm 500 trước Tây lịch đến năm 600 Tây lịch. Phần thứ nhất được gọi là “Phật Giáo Cổ Đại” (Archaic Buddhism), tức là những giáo lý chung cho tất các tăng sĩ trong khoảng triều đại Hoàng đế Asoka, phần thứ hai và phần thứ ba nói về sự phân phái của Phật Giáo vào khoảng đầu Tây lịch thành hai phái Nguyên Thỉ (Hinayana hay Theravada) với Luận Tạng của phái này và Đại Thừa Phát Triển (Mahayana)với siêu hình học xuất thế gian.

Edward Conze là người có thẩm quyền hàng đầu về Kinh Bát Nhã (Mahaprajanapara Sutra). Trong tác phẩm “Wisdom Books” ông nói về những kinh sách dung chứa tất cả những giáo lý cốt tủy của Đại Thừa mà trong nhiều thế kỷ đã được phổ biến ở Trung Hoa, Nhật Bản, Mông Cổ và Tây Tạng. Ông làm cho những giáo lý này dễ hiểu bằng cách giải thích tất cả những từ ngữ và đa số những luận điểm trong Kinh Kim Cương (Diamond Sutra)Tâm Kinh Bát Nhã (Heart Sutra).Các nhà nghiên cứu Phật Giáo nói rằng “đây là chiếc chìa khóa vô giá đưa đến trí huệ hoàn hảo vốn là điều quan tâm của tất cả những nhà tư tưởng sáng tạo”(this is an invaluable key to that perfection of wisdom which was once the concern of every creative thinker.”).

Là tín đồ Phật Giáo trong ba mươi qua, Edward Conze là một trong những học giả Phật Giáo vĩ đại nhất thế giới. Ông là giáo sư Ấn Độ học ở Đại Học Washington. Ông có công trong việc thiết lập một chương trình Tiến sĩ Phật Học. Dù thế nào đi nữa, thành quả thực sự của ông trên hai mươi năm sau đó là phiên dịch và sớ giải hoàn tất 30 kinh sách các loại thuộc hệ tư tưởng Bát Nhã, kể cả hai bản kinh quan trọng nhất của Đại Thừa Phật Giáo là Tâm Kinh Bát Nhã và Kinh Kim Cang.

Trong hai thập niên sáu mươi và bảy mươi, ông đã đi diễn thuyết ở nhiều trường Đại học ở Mỹ, và ông đã được các sinh viên nhiệt liệt tán dương công đức, nhưng ông lại bị Ban Giám Hiệu các trường Đại học và một số đồng nghiệp phản đối, do vì ông từng hoạt động chính trị cho Đảng Cộng Sản trước kia cũng như sự chỉ trích thẳng thừng của ông về việc người Mỹ tham chiến tại Việt Nam.

Tiến Sĩ Edward Conze là một con người phức tạp, khó hiểu, không dễ cho ta có thể đánh giá được toàn bộ những việc làm ý nghĩa của đời ông. Cũng giống như bao nhiêu người Trung Âu khác, ông là một người trí thức tị nạn từ Đức quốc, nhưng ông không phải là hạng người đại diện cho tầng lớp trí thức ưu thế trong thế kỷ 20, vì chính ông đã phê phán mạnh mẽ về khuynh hướng này. Ông tự thú nhận là ông theo Chủ Nghĩa Tinh Hoa (Elitism).

77pgiaoucchau-conze-buddhist-thought


Trong cuốn tự truyện của ông với tựa đề là “ Hồi Ký về sự Ngộ Đạo Hiện Đại” (Memoir of Modern Gnostic)ông tin rằng mọi sự mà ông đã làm được như thuyết Ngộ Đạo của một người theo theo chủ nghĩa tinh hoa. Ông không chấp nhận chế độ dân chủ (democracy) lại càng không đồng ý về nữ quyền (feminism), ông nhất định là người đại diện cho một thế hệ tiền chiến ở Phương Tây để rồi trở thành người thất chí, mộng vỡ tan tành với chủ nghĩa Marx theo mô thức của Xô Viết, nhưng ông không đơn giản là bị tan biến đi cái ảo tưởng khi tham dự các sinh hoạt xã hội. Cuối cùng ở trong ngõ cụt của đời sống, ông đã khôn ngoan chuyển hóa cái chủ nghĩa duy tâm không thoả hiệp từ chính trị sang Đạo Phật, một lối thoát, một con đường đưa ông đến an lạc và tỉnh thức.

77pgiaoucchau-conze-buddhistcripture


Tiến Sĩ Edward Conze được xem là một trong những dịch giả Phật Học vĩ đại ở Phương Tây có thể so sánh với các Đại Dịch Giả ở Trung Hoa như Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập (Kumarajiava) hoặc Pháp Sư Huyền Trang (Hsuan Tsang). Như đã nói, ông không là một học giả Phật giáo trên sách vở mà là một Phật tử thuần thành có tu hành thật sự. Ông là một con người tiên phong, người mở đường, và là một tấm gương sáng ngời cho thế hệ Phật tử Tây Phương sau ông trong việc học hỏi, nghiên cứu, dịch thuật và tu tập theo Phật Giáo. Ông đã làm việc không mệt mỏi và cống hiến hết tài năng của mình cho nền Phật Học Tây Phương cho đến hơi thở cuối cùng, ông qua đời ngày 24 tháng 9 năm 1979 tại nhà riêng của ông ở Sherborne, thành phố Dorset, phía Tây Nam Anh Quốc, thọ thế 75 tuổi.

Trong số những tác phẩm khác để lại cho đời của ông là bản dịch “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” (Abhisamayabankara) xuất bản 1954; “Tuyển tập Giáo lý Bát Nhã” (Selected Sayings) xuất bản năm 1955; “Kinh Kim Cương” (Vajracchedika Prajnaparamita) biên tập và chuyển ngữ năm 1957; “Tiểu Phẩm Bát Nhã” ( Astasahasrika Prajnaparamita), bản dịch năm 1958; “ Kinh Điển Phật Giáo”(Buddhist Scriptures) biên tập năm 1959; “Văn Học Bát Nhã” ( The Prajnaparamita Literature) xuất bản năm 1960; “Lược sử Phật Giáo” (A Short History) xuất bản năm 1961; “ Đại Bát Nhã” ( The Large Sutra on Perfect Wisdom) xuất bản 1961; “Thủ bản Gilgit Tiểu Phẩm Bát Nhã” (The Gilgit Manuscript of the Astadasasahasika Prajnaparamita) biên tập và dịch năm 1962.





Tổng hợp theo tài liệu:

-William Peiris (1973) The Western Contribution to Buddhism.(1973). Motilal Banarsidass Publications, Delhi, India
-Sangharakshita (1996) Great Buddhists of the Twentieth Century. Windhorse
-
Retrieved from "http://en.wikipedia.org/wiki/Edward_Conze"



---o0o---




Kỹ thuật vi tính:Hải Hạnh, Đàm Thanh,
Diệu Nga, Tâm Chánh, Nguyên Tâm
Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]