Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

9. Đạo Phật và chính trị - Bình Anson trích dịch

16/05/201317:15(Xem: 2786)
9. Đạo Phật và chính trị - Bình Anson trích dịch


Tuyển tập

Phật Thành Đạo

Nhiều tác giả
--- o0o --- 

Phần III

Phật giáo và các vấn đề hiện tại

--- o0o ---

ĐẠO PHẬT VÀ CHÍNH TRỊ

HT. Sri Dhammananda
Bình Anson trích dịch

Bất cứ một thể chế chính trị nào cũng có một giới hạn trong sự bảo vệ hạnh phúc và sung túc của người dân trong thể chế đó. Không một hệ thống chính trị nào, dù rằng nó có vẻ rất lí tưởng, có thể mang lại hạnh phúc và hòa bình nếu người dân trong thể chế đó còn bị bao trùm bởi lòng tham, sân hận, và mê si.

Đức Phật xuất thân từ giai cấp vương tướng (*), và do đó, Ngài đã có nhiều liên hệ với các vị quốc vương, hoàng tử, quan lại trong triều đình. Mặc dù có nhiều liên hệ như thế, Ngài không bao giờ dùng các thế lực chính trị để truyền đạo, và Ngài cũng không bao giờ cho phép giáo pháp của Ngài bị lợi dụng cho các ý đồ chính trị. Thế nhưng ngày nay, đã có nhiều người cố ý gán ghép danh hiệu của Ngài với những chủ thuyết chính trị khác nhau. Những người đó đã quên rằng các hệ thống chính trị mà chúng ta quen thuộc ngày nay là bắt nguồn từ phương Tây, xảy ra sau thời kỳ Đức Phật còn tại thế một thời gian rất lâu. Đối với những người đang cố công dùng các danh hiệu của Đức Phật cho những ý đồ riêng tư của họ, họ cần phải nhớ rằng Đức Phật là bậc Chính Đẳng Chính Giác, vượt lên trên các chuyện lo âu của thế gian.

Có một vấn đề cơ bản mà ta phải nhận định khi tôn giáo bị pha trộn với chính trị. Căn bản của tôn giáo là đạo đức, lòng trong sạch, và đức tin; trong khi đó, căn bản của chính trị là quyền lực. Trong tiến trình lịch sử, tôn giáo thường bị lạm dụng để hợp thức hóa những người cầm quyền và sự áp dụng của quyền lực. Tôn giáo đã bị lạm dụng để biện minh cho chiến tranh và thôn tính, đàn áp, chém giết tàn bạo, nổi loạn, tàn phá các công trình văn hóa và nghệ thuật.

Khi tôn giáo bị sử dụng để gia tăng thế lực chính trị thì tôn giáo sẽ phải hi sinh các lí tưởng đạo đức cao quí và trở nên mất gốc, nhượng bộ cho các thế lực chính trị trong thế gian.

Mục đích của Phật Pháp không phải nhắm đến việc thành lập các định chế và cơ cấu chính trị mới. Trên cơ bản, tôn giáo tìm cách giải quyết các vấn đề trong xã hội bằng cách giáo hóa mỗi cá nhân, vốn là thành viên của xã hội, và bằng cách đề nghị các nguyên tắc tổng quát để điều hướng xã hội tiến đến một phong thái nhân bản, cải thiện đời sống của mọi thành viên, và cổ động sự phân phối các nguồn vật lực một cách công bằng hơn.

Bất cứ một thể chế chính trị nào cũng có một giới hạn trong sự bảo vệ hạnh phúc và sung túc của người dân trong thể chế đó. Không một hệ thống chính trị nào, dù rằng nó có vẻ rất lí tưởng, có thể mang lại hạnh phúc và hòa bình nếu người dân trong thể chế đó còn bị bao trùm bởi lòng tham, sân hận, và mê si. Thêm vào đó, dù có theo một hệ thống chính trị nào đi nữa, cũng còn có những nhân tố phổ quát mà từng cá nhân trong xã hội phải trực diện: kết quả của các nghiệp thiện và bất thiện của riêng mình, và sự khiếm khuyết và thiếu vắng của một nền an lạc trường cửu vì bản chất của thế gian vốn là hoạn khổ, vô thường, và vô ngã. Đối với những người con Phật, không một nơi nào trong cõi Ta Bà nầy là có được một tự do, giải thoát thật sự, kể cả các cõi tiên của chư thiên.

Một hệ thống chính trị tốt và công bằng -- có những bảo đảm cho các quyền căn bản của con người, và có những định chế giám sát và cân bằng việc sử dụng quyền lực -- là điều kiện quan trọng cho cuộc sống hạnh phúc trong xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên bỏ quá nhiều công sức và thì giờ để tìm kiếm vô tận một hệ thống chính trị toàn hảo để giúp con người được hoàn toàn tự do. Tự do tuyệt đối không thể nào có được trong các định chế chính trị, mà chỉ có được trong tâm thức khi nó được giải thoát. Để được giải thoát, chúng ta cần phải nhìn vào nội tâm của chính mình, và nỗ lực giải phóng nó ra khỏi các gông xiềng của vô minh, hận thù và tham dục. Tự do trong ý nghĩa đích thực tuyệt đối chỉ có được khi nào chúng ta dùng Chính Pháp để phát triển tâm ý qua lời nói và hành động hướng thiện, và để huân tập tâm ý, để phát triển tiềm năng tâm linh, đạt đến cứu cánh tuyệt đối của giác ngộ.

Mặc dù chúng ta công nhận về sự lợi ích trong việc tách rời tôn giáo và chính trị, và về các giới hạn an lạc và hạnh phúc mà hệ thống chính trị mang đến, nhưng cũng có nhiều khía cạnh trong các lời dạy của Đức Phật có những tương quan với các bố cục chính trị ngày nay.

Thứ nhất, Đức Phật đã giảng dạy về tính cách bình đẳng của con người -- cả mấy ngàn năm trước tuyên ngôn của Abraham Lincoln (Tổng Thống Mỹ). Ngài dạy rằng các giai cấp, tầng lớp trong xã hội chỉ là những hàng rào nhân tạo do xã hội dựng ra. Việc sắp xếp thứ bậc của loài người, theo lời Ngài, chỉ có thể dựa trên phẩm chất giới hạnh của họ mà thôi.

Thứ hai, Đức Phật khuyến khích tinh thần hợp tác bình đẳng và tích cực tham gia đóng góp trong xã hội. Đây là một tinh thần đã được cổ võ trong tiến trình chính trị của các xã hội hiện nay.

Thứ ba, Ngài đã không chỉ định một người nào để kế thừa Ngài. Ngài chỉ dạy rằng mọi người phải tự mình mà tu học, lấy Chính Pháp làm nền tảng và làm nơi nương tựa. Các thành viên của Tăng Đoàn chỉ chịu sự hướng dẫn của Giáo Pháp và Giới Luật -- như là một bộ luật sinh hoạt. Cho đến ngày nay, mỗi tu sĩ của Tăng Đoàn đều phải tuân thủ bộ Giới Luật đó để làm kim chỉ nam hướng dẫn cho mọi sinh hoạt tu học của mình.

Thứ tư, Đức Phật đã khuyến khích tinh thần tham vấn và tiến trình dân chủ. Điều nầy được thể hiện qua cộng đồng tăng sĩ, trong đó mỗi thành viên đều có quyền quyết định về các vấn đề chung. Khi có một nghi vấn nghiêm trọng cần phải được giải quyết, các vấn đề có liên quan được đem ra giữa các tu sĩ để thảo luận trong một phương cách tương tự như trong hệ thống quốc hội ngày nay. Tiến trình tự quản trị nầy có lẽ sẽ làm nhiều người ngạc nhiên vì nó đã được áp dụng trong các cộng đồng tăng sĩ Phật Giáo tại Ấn Độ trong 2.500 năm trước đây, và phương cách điều hành có rất nhiều điểm tương đồng với các thủ tục thảo luận trong quốc hội.

Một tu sĩ, tương tự như vị "phát ngôn nhân", được chỉ định để có một tiếng nói chung, đại diện cho cộng đồng. Một tu sĩ khác, tương tự như vị "chủ tịch", được bầu ra để điều hành diễn đàn. Các vấn đề được đưa ra như các các nghị trình để được thảo luận công khai. Trong một vài trường hợp khi vấn đề đó có tính cách nghiêm trọng và phổ quát, thì nó có thể được đem ra thảo luận nhiều lần, tương tự như các vòng thảo luận của quốc hội về các dự luật. Nếu qua các cuộc thảo luận mà vẫn còn nhiều ý kiến xung khắc, bất đồng, thì vấn đề sẽ được biểu quyết qua một cuộc bỏ phiếu để lấy quyết định theo đa số.

Đạo Phật khuyến khích nền tảng đạo đức và việc sử dụng quyền lực công cộng với ý thức trách nhiệm. Đức Phật tuyên giảng về hòa bình và bất bạo động như là một thông điệp phổ quát. Ngài không chấp nhận bạo lực và hủy hoại sinh mạng. Ngài tuyên bố rằng không có một chiến tranh nào là chiến tranh của công lí. Ngài dạy: "Người thắng tạo căm thù, kẻ thua sống khổ sở. Người nào từ bỏ thắng và bại thì người đó sống an vui và hạnh phúc." Chẳng những Đức Phật dạy về hòa bình và bất bạo động, có lẽ Ngài cũng là vị Giáo Chủ đầu tiên và duy nhất đã ra tận chiến trường để tìm cách ngăn chận chiến tranh. Ngài đã hóa giải sự xung đột giữa bộ tộc Sakya và bộ tộc Koliya khi họ muốn khởi sự đánh nhau vì tranh chấp nước sông Rohini. Ngài cũng đã thuyết phục vua Ajatasanu bỏ ý định tấn công vương quốc của bộ tộc Vaiji.

Đức Phật đã giảng dạy về sự quan trọng và về các điều kiện thiết yếu của một chính phủ tốt. Ngài dạy rằng khi người lãnh đạo chính phủ tham nhũng và bất công thì xứ sở trở nên tham nhũng, băng hoại, và đau khổ. Ngài chống lại sự tham nhũng và đã dạy rằng chính phủ phải biết quản trị dựa trên các nguyên tắc nhân ái.

Ngài nói: "Khi người lãnh đạo xứ sở có tính công bình và thiện ái thì triều đình có tính công bình và thiện ái. Khi tirều đình có tính công bình và thiện ái thì các quan chức có tính công bình và thiện ái. Khi các quan chức có tính công bình và thiện ái thì các cán bộ hạ tầng có tính công bình và thiện ái. Khi các cán bộ hạ tầng có tính công bình và thiện ái thì người dân có tính công bình và thiện ái." (Tăng Chi Bộ Kinh).

Trong Kinh Cakkavatti Sihananda(Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống, Trường Bộ Kinh), Đức Phật nói rằng các điều hung ác và tội phạm, như ăn cắp, lường gạt, bạo lực, thù ghét, bạo tàn, ... đều bắt nguồn từ sự nghèo khó. Quốc vương và triều đình có thể dùng sự trừng phạt để kiềm chế tội phạm, nhưng không bao giờ có thể tiêu trừ các tội phạm bằng quyền lực của mình.

Trong Kinh Kutadanta(Trường Bộ Kinh), Đức Phật chủ trương phát triển kinh tế, thay vì dùng quyền lực, để xóa giảm tội phạm. Triều đình phải biết sử dụng các nguồn tài nguyên để cải thiện điều kiện kinh tế trong nước. Họ phải biết phát triển nông nghiệp và thôn quê, trợ giúp giới buôn bán, cung cấp lương bổng đầy đủ cho công nhân để bảo đảm một đời sống tốt có nhân phẩm.

Trong Kinh Bổn Sanh(Jakata), Đức Phật có đưa ra 10 nguyên tắc của một chính quyền tốt, gọi là "Thập Vương Pháp" (Dasa Raja Dhamma). Mười nguyên tắc nầy vẫn có thể áp dụng trong thời đại ngày nay cho bất cứ một chính quyền nào, để quản trị xứ sở một cách hài hòa. Đó là:

- Phải cởi mở và không ích kỉ;
- Duy trì đạo đức cao;
- Sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân để phục vụ cho an sinh của dân chúng;
- Phải thành thật và ngay thẳng;
- Phải dịu dàng và giàu lòng nhân ái;
- Phải sống giản dị để làm gương cho dân chúng;
- Phải vượt lên trên mọi hận thù;
- Biết áp dụng tinh thần bất bạo động;
- Biết nhẫn nại;
- Tôn trọng ý kiến dân chúng, và biết phát triển sự hòa bình và hòa hợp.
Về cách hành xử của người lãnh đạo thì Ngài giảng thêm (Kinh Cakkavatti Sihananda):
- Người lãnh đạo tốt phải biết cư xử công bình, không thiên vị bất cứ nhóm nào;
- Người lãnh đạo tốt không bao giờ gieo lòng thù hận trong dân chúng;
- Người lãnh đạo tốt không bao giờ ngần ngại áp dụng luật pháp khi cần thiết;
- Người lãnh đạo tốt phải thông hiểu luật pháp rõ ràng mỗi khi áp dụng. Luật pháp không phải áp dụng chỉ vì người ấy có uy quyền, mà phải được áp dụng hợp tình và hợp lí.

Bộ Mi Tiên Vấn Đáp(Milanda Panha) có viết: "Nếu người nào không có tài năng, không đạo đức, không phạm hạnh, không xứng đáng là vua, mà lại tự mình tôn xưng là vua hay người lãnh đạo với nhiều quyền lực thì người ấy sẽ bị nguyền rủa và trừng phạt bởi dân chúng, bởi vì người ấy, vì không xứng đáng và không tài năng, đã tự đặt mình một cách vô lí vào vị trí của người lãnh đạo. Người lãnh đạo, cũng như những người đã vi phạm các nguyên tắc đạo đức và giới luật căn bản của xã hội loài người, sẽ bị trừng phạt như bao nhiêu người khác, nhất là đối với những người lãnh đạo ăn cắp tài sản của dân chúng." Kinh Bổn Sanh cũng có đề cập đến người lãnh đạo nào mà chỉ trừng phạt người vô tội và không trừng phạt người phạm tội thì người lãnh đạo ấy không xứng đáng lãnh đạo xứ sở.

Vì vậy, Trung Bộ Kinhcũng có nói về vị quốc vương biết tự thăng tiến và lúc nào cũng nỗ lực gìn giữ hành động, lời nói và tâm ý, lúc nào cũng biết lắng nghe ý kiến của dân chúng về sự cai trị của mình, để biết mình có phạm lỗi lầm nào không trong khi điều hành đất nước. Nếu vị quốc vương ấy cai trị xấu, người dân sẽ than phiền rằng họ đang bị phá hoại bởi một vị lãnh đạo xấu vì các chính sách hà khắc, nhũng lạm, bất công, sưu cao thuế nặng, và do đó, dân chúng sẽ có phản ứng chống lại vị vua ấy. Ngược lại, nếu vị vua cai trị tốt, thì dân chúng sẽ chúc tụng: "Cầu xin cho quốc vương của chúng tôi được trường thọ."

Lời dạy của Đức Phật về các bổn phận đạo đức của vua chúa để sử dụng công quyền, bảo đảm an sinh người dân đã giúp cho vua A Dục (Asoka), vào thế kỉ III TTL, cai trị đất nước của ông. Hoàng Đế A Dục, là một thí dụ điển hình của nguyên tắc đạo đức nầy, đã sống và thực hành Chính Pháp cho tất cả mọi người dân trong triều đại của ông. Ông quảng bá chính sách bất bạo động đến các vương quốc lân cận, cam đoan các thiện ý của ông, và gửi sứ giả đi khắp nơi để truyền bá thông điệp hòa bình và bất bạo động. Ông cổ võ sự ứng dụng của các nguyên tắc đạo đức trong xã hội, như chân thật, từ bi, bác ái, bất bạo động, nhân từ, không hoang phí, không chiếm đoạt, và không gây sát hại cho mọi loài vật. Ông khuyến khích tự do tôn giáo và bình đẳng tương kính giữa mọi đức tin. Ông thường du hành thuyết giảng Đạo Pháp đến người dân ở tận thôn quê. Ông thiết lập các công trình công cộng như bệnh xá, cung cấp thuốc men, trồng cây gây rừng, đào giếng, các công trình thủy lợi, và nhà tạm trú. Ông cũng đặc biệt ngăn cấm việc đối xử tàn ác với các loài thú vật.

Có người cho rằng Đức Phật là một nhà cải cách xã hội. Trong các bài giảng, Ngài đã lên án hệ thống giai cấp và Ngài công nhận quyền bình đẳng của con người. Ngài giảng về nhu cầu cải thiện các điều kiện kinh tế xã hội, công nhận tầm quan trọng của việc phân bố công bằng các của cải giữa người giàu và nghèo, nâng cao vị trí của phụ nữ, khuyến khích việc áp dụng tinh thần nhân bản trong guồng máy hành chính. Ngài dạy rằng xã hội phải được điều hành trên tình thương và lòng từ bi, chứ không dựa vào lòng tham lam. Hơn thế nữa, sự đóng góp của Ngài cho nhân loại còn cao quí hơn, vì Ngài còn đi xa hơn các nhà cải cách xã hội thời đó, vì không ai đã có thể chỉ thẳng vào cốt lõi của các cơn bệnh trong tâm thức của con người. Chỉ ở trong tâm thức thì sự cải cách mới thật sự có ý nghĩa. Các cải cách bên ngoài do các quyền lực áp đặt thì chỉ có hiệu quả ngắn hạn vì nó không có cội rễ. Chỉ có cải cách nào dựa trên căn bản cải thiện tâm thức thì nó mới có cội rễ vững chắc. Có cội rễ vững chắc thì các cành nhánh của cải cách xã hội mới được phát triển tươi tốt, vì chúng được nuôi dưỡng bởi nguồn sinh lực liên tục, đó là nguồn tâm lực của dòng sinh hóa trong cuộc đời. Như thế, các cải cách xã hội chỉ có thể khả thi khi nào mà tâm ý của con người đã được sửa soạn sẵn sàng cho các việc đó. Các cải cách đó sẽ tiếp tục sống mạnh khi nào mà con người sẵn sàng nuôi dưỡng chúng qua sự chuyên cần và tôn trọng sự thật và công lí, và tôn trọng đời sống của đồng bào của họ.

Giáo thuyết của Đức Phật không dựa trên một "triết lý chính trị" nào cả. Giáo thuyết nầy không khuyến khích con người đi vào con đường hành lạc vật chất. Giáo thuyết nầy vạch ra con đường đưa đến giải thoát tối hậu, là Niết Bàn. Nói một cách khác, mục tiêu tối hậu của Giáo thuyết ấy là đoạn diệt lòng tham ái vốn đã cột chặt con người trong vòng trầm luân, khổ ải. Một câu thơ trong Kinh Pháp Cú(câu 75) đã tóm tắt điều nầy: "Con đường đưa đến thủ đắc vật chất là một con đường, còn con đường đưa đến Niết Bàn là một con đường khác."

Điều nầy không có nghĩa là các Phật tử không nên tham gia vào tiến trình chính trị, vốn là một thực tại xã hội. Đời sống của mọi người trong xã hội được uốn nắn bởi luật pháp và các qui định, bởi các bố trí kinh tế của quốc gia, bởi guồng máy quản trị hành chính, và như thế chịu ảnh hưởng của các bố cục chính trị của quốc gia đó. Tuy nhiên, nếu người cư sĩ Phật tử có muốn tham gia chính trị thì người đó không nên lạm dụng tôn giáo để mưu đồ tạo các quyền lực chính trị cho mình. Còn các tu sĩ vốn đã xuất gia, lìa đời sống thế tục để dấn thân vào con đường tôn giáo tinh thuần, thì không nên có những liên hệ quá tích cực vào các hoạt động chính trị.

Tóm lại, Đức Phật là bậc Giác Ngộ, vượt lên trên mọi vấn đề của thế gian. Tuy nhiên, trong suốt cuộc đời hoằng dương Chính Pháp, Ngài luôn luôn có những lời dạy quí báu cho các quốc vương và triều đình để quản trị tốt xứ sở của họ.

[Dịch từ nguyên tác tiếng Anh "Buddhism and Politics" trong quyển sách "What Buddhists Believe" của Hòa Thượng Dhammananda, trang 229-236, do hội Buddha Educational Foundation ấn tống năm 1995].

CHÚ THÍCH

(*) Xã hội Ấn Độ thời đó có 4 giai cấp: Giáo sĩ (Bà La Môn), Vương tướng (Sát Đế Lợi), Buôn bán (Vệ Xá), và Nông dân (Thủ Đà La).

--- o0o ---


Chân thành cảm ơn Đại Đức Nhật Từ đã gởi tặng phiên bản điện tử tuyển tập này.

--- o0o ---

Vi tính: Hải Hạnh - Giác Định

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/01/2025(Xem: 787)
Kính lạy bậc kỳ vĩ xuất hiện, từ ngàn năm trong thế giới (1) Gây âm vang chấn động, mở ra một kỷ nguyên Mang ánh sáng đi vào đời, với phương pháp tịnh Thiền Giúp người người tìm về Chánh Pháp mầu nhiệm
22/06/2024(Xem: 2020)
Bộ hành là bước đi của chân. Nơi đây, trong bài này, chỉ có ý nói rằng xin mời gọi bước đi của tâm: khuyến tấn cả nước cùng nhau bộ hành theo dòng Kinh Phật, cùng tập thói quen đọc kinh, suy nghĩ về kinh, để tâm hướng theo lời kinh dạy, và hàng ngày hãy làm như thế trong những điều kiện có thể của từng Phật tử, từng ngôi chùa. Nói theo chữ cổ, hàng ngày hãy tự xem hành động đọc, nghĩ, và làm theo lời Phật dạy cũng là một hạnh đầu đà. Nếu chúng ta đi bộ bằng chân, độ dài chỉ có thể đo bằng kilômét trong lãnh thổ Việt Nam. Trong khi, nếu chúng ta bước đi bằng tâm, hàng ngày mở trang kinh ra, để đọc, để nghĩ và để làm – thì độ dài của kinh và luận sẽ là nhiều ngàn năm, trải rộng cả Ấn Độ, Tích Lan, Trung Hoa, Việt Nam, Hoa Kỳ, Úc châu… Và sẽ không làm cản trở giao thông của bất cứ ai, bất cứ nơi nào.
19/06/2024(Xem: 3033)
Khi nói tới chuyện trao truyền y bát, chỉ là sử dụng một kiểu ngôn ngữ ước lệ. Nơi đây, chúng ta muốn nói tới một thẩm quyền sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Nghĩa là, một thẩm quyền tối hậu để nương tựa. Khi dò lại kinh, chúng ta sẽ thấy câu chuyện phức tạp hơn. Vì có nơi Đức Phật nói rằng sau khi ngài nhập Niết Bàn, tứ chúng hãy chỉ dựa vào Chánh pháp. Kinh lại nói rằng tứ chúng chỉ nên dựa vào Kinh và Luật. Mặt khác, Đức Phật nói rằng có những kinh cần giải nghĩa (tức là, hãy nhìn mặt trăng, chứ đừng chấp vào ngón tay, và từ đây mở đường cho các bộ Luận và Kinh Đại Thừa). Có lúc Đức Phật chia đôi chỗ ngồi và trao y cho ngài Ca Diếp. Có kinh ghi lời Đức Phật trao pháp kế thừa cho ngài A Nan. Và có kinh ghi lời Đức Phật ủy thác quyền lãnh đạo cho Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Thế rồi, một hình ảnh thơ mộng từng được kể qua truyện tích Niêm Hoa Vi Tiếu, rằng Đức Phật lặng lẽ, cầm hoa lên, và ngài Ca Diếp mỉm cười. Tích này kể lời Đức Phật nói rằng ngài có một pháp môn vi diệu, không dự
06/06/2024(Xem: 1302)
Trong nhà Phật, lời nguyện là một phần có thể gặp ở bất kỳ kinh sách nào. Hầu hết các lời nguyện đều lớn vô cùng, và trải dài vô cùng tận. Trong các chùa Thiền Tông, chúng ta thường nghe tới Tứ hoằng thệ nguyện, nơi câu đầu "Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ" (Nguyện giải thoát vô số chúng sinh) đã mang tâm lượng vô biên, vô cùng tận. Trong các chùa Tịnh Độ, các bộ Kinh A Di Đà, Kinh Dược Sư đều ghi những lời nguyện lớn của các vị Phật tương ưng. Tới đây, chúng ta có thể gặp một câu hỏi, rằng có lời nguyện nào sẽ thích hợp cho kiếp này thôi. Bởi vì, có những vị tuổi thọ chỉ còn chừng vài năm nữa là sẽ qua kiếp khác. Và Đức Phật đã dạy những gì cho lời nguyện trong một kiếp ngắn hạn này?
04/06/2024(Xem: 4513)
Cùng toàn thể giới tử thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm tại trú xứ Tăng già-lam Phước duyên, thành phố Huế, hiện diện quý mến. Một ngày một đêm quý vị ở trong Tịnh giới với niềm tin thanh tịnh, kiên cố, bất hoại đối với Tam bảo. Nhờ niềm tin này mà quý vị không để cho Giới pháp của mình bị sứt mẻ ở trong đi, ở trong đứng, ở trong nằm, ở trong ngồi, ở trong sự nói năng, giao tiếp. Quý vị có được niềm tin này là nhờ quý vị nuôi lớn sáu tính chất của Tam bảo, khiến cho ba nghiệp của quý vị được an tịnh, an tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành, an tịnh về ý hành. Sáu tính chất của Tam bảo, quý vị phải thường quán chiếu sâu sắc, để thể nhập và tạo ra chất liệu cho chính mình, ngay đời này và đời sau. Sáu tính chất của Tam bảo gồm:
23/05/2024(Xem: 681)
Một người con khi xa gia đình, xa quê hương, đã thổn thức mong chờ một chuyến về thăm nhà như thế nào thì người con phật cũng khát khao được về thăm xứ Phật một cách thiết tha như thế ấy!
04/05/2024(Xem: 1098)
Sen vàng tháp cổ quyện trầm hương Thị hiện Như Lai giữa nẻo thường Cõi mộng nhân gian Thầy xua lối (*) Cơ duyên chánh đạo pháp soi đường Triêm ân chỉ hướng nguyền xin tỏ Rõ lý qui nguồn xả hết vương Bát Nhã đèn thiền luôn sáng rạng Mê lầm hóa giải thoát tai ương.
16/04/2024(Xem: 993)
Thông thường chúng ta tổ chức kỷ niệm ngày đản sanh hay những ngày lễ khác trong Phật giáo rất long trọng tưng bừng, riêng ngày Phật thành đạo thì có vẻ im lìm và số Phật tử biết hay nhớ ngày này cũng rất ít. Thật sự thì ngày đức Phật thành đạo rất quan trọng, thậm chí có thể quan trọng hơn cả ngày nhập niết bàn. Vì ngày Phật thành đạo là một sự kiện có một không hai trong lịch sử loài người, đây là cái dấu mốc quan trọng mở ra con đường giải thoát cho loài người và cho cả chư thiên, phi nhân…
14/04/2024(Xem: 602)
Có một bạn trẻ, trí thức, mặt mũi sáng sủa mộ đạo tới hỏi một thiền sư như thế này: -Thưa thầy, con đọc kinh điển thấy Đức Phật nói, “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” như vậy chúng sinh có thể tu thành Phật. Con rất muốn tu thành Phật. Xin thầy chỉ cho làm thế nào để thành Phật? Sư đáp: -Nếu tu để ngộ được tâm Phật, an nhiên tự tại như chư Tổ và các thánh tăng thì khác. Còn muốn trở thành một vị Phật lại khác. Về hình dáng: Phải cao. dung mạo phải đẹp đẽ, oai nghi, không khiếm khuyết bất cứ một bộ phận nào trên cơ thể. Về thân thế: Phải là vua, hoặc thái tử, hoàng tử của một vương quốc. Nếu là các nước cộng hòa thì phải là tổng thống, thủ tướng. Phải có chức vụ cao tột đỉnh như vậy để sau này không còn ham mê danh vọng nữa. Phải là con của một tỷ phú thừa kế một tài sản khổng lồ để sau này không còn ham mê tiền bạc. Một vị Phật không thể xuất thân từ một gia đình thấp kém, bần hàn, là con mồ côi hay con của một gia đ
24/03/2024(Xem: 2969)
Thành Kính Tưởng Niệm…. “Ngày Đức Phật nhập Đại Niết Bàn lúc 80 tuổi” Toàn bộ lời thuyết pháp lần cuối được ghi lại trong kinh Vừa căn dặn đệ tử tự là hòn đảo và tự thắp sáng chính mình, Vừa cô đọng, những điểm căn bản chính yếu trong giáo lý ! Phải luôn đi theo Chánh Đạo với BI, DŨNG, TRÍ !
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]