Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

15. Dốc Mơ Đồi Mộng

28/08/201117:10(Xem: 2795)
15. Dốc Mơ Đồi Mộng

Diệu Nga
DỐC MƠ ĐỒI MỘNG
Tu Viện Trúc Lâm Canada Xuất Bản PL. 2547 DL. 2003

Dốc Mơ Đồi Mộng

Đêm nay trời mưa tầm tã. Những hạt mưa nặng, theo sức gió, đổ rầm rập trên mái nhà như một sự hăm dọa, thách thức.
Ông Nam Lĩnh không tài nào ngủ được. Lòng dạ xốn xan bức rức, ông se sẽ ngồi dậy. Vợ ông đang ngái ngủ, chợt trở mình thức giấc.
- Trời mưa hở ông?
- Ờ, bà ngủ đi!
Trước khi trở vào giấc ngủ say, bà lẩm bẩm:
- Tháng năm rồi, sao còn mưa?
Ông xỏ chân vào dép, lừ đừ đứng dậy. Dòng tư tưởng của ông như theo cơn mưa, cuồn cuộn phá vỡ sự yên ổn cần thiết cho giấc ngủ.
Nghiêng đầu, cố lắng tai nghe, ông chờ đợi, từ mấy tháng nay, một tiếng mèo kêu quen thuộc, vào khoảng nửa đêm về sáng.
Đêm nay, hắn lại không về. Hắn giận ông rồi! Có lẽ hắn thà co rút trong một xó xỉnh nào đó, chịu rét, chịu ướt hơn là về đây… Ông luôn luôn tự trách mình là kẻ “tiền hậu bất nhất”, mỗi khi ông nghĩ đến hắn.
Tâm tư nặng nề vì nỗi ăn năn, ông đi tìm mãi người bạn “bí mật” ấy để có thể bày tỏ sự hối tiếc hay nói lên một lời xin lỗi. Bằng không, ông sẽ mang bịnh mất ngủ cho đến chết, nhứt là những đêm rét buốt hay những ngày mưa gió não nề…
Nhìn vợ ngủ dễ dàng, ngủ say sưa, ông phát thèm một giấc tràn trề, no nê, cho gân cốt ràn ra, cho cái đầu được nghỉ ngơi đầy đủ. Đồng thời, ông cũng cảm thấy lẻ loi quá trong màn đêm hiu quạnh. Nỗi buồn này chẳng thể bày tỏ cùng ai.
Đêm nay ông lại làm bạn với bình trà, độc ẩm, đếm thời gian trôi qua một cách vô vị. Là một Phật tử, ông đâu muốn sống cuộc đời tẻ nhạt, vô nghĩa, luống để tháng ngày hờ hững trôi qua, thâu ngắn dần mạng sống thế này. Ông cũng có những hoài bão thiện nguyện, những ước mơ cao đẹp nhưng cuộc đời ông là sự tiếp nối của nhiều thất bại. Từ trẻ đến giờ, ông làm việc gì cũng chẳng xong nên sinh nản lòng, muốn buông trôi tất cả.
Học tài thi phận mãi, không lấy được bằng Tú Tài, ông đành cam phận làm thư ký bưu điện với đồng lương khiêm nhường.
May mà vợ ông biết xoay xở bán buôn lại chẳng đua đòi nên khi cần phải đóng năm cây vàng cho đứa con trai duy nhất đi vượt biên, bà sẵn sàng ngay.
Lúc đó, thằng Hào mới mười sáu tuổi, ông bà đứt ruột giao con cho sự rủi may… Nhờ hồng phúc tổ tiên và có lẽ cũng nhờ hai vợ chồng ăn ở hiền lành nên chuyến đi suông sẻ, nó được Mỹ bốc ngay sau mấy tháng ở đảo Bi-đông.
Cuộc đời quả là giấc mộng với những biến chuyển không lường. Bây giờ ông bà đang ở San Diego, đã nhập quốc tịch Mỹ. Không còn những lo sợ phập phồng, những sợ hãi vu vơ cứ chập chùng về trong mộng mị như những ngày còn ở quê nhà. Tuổi già an ổn, hậu vận tốt.
Ông có nhiều bạn bè cũ ở Los Angeles nhưng vợ chồng Hào không muốn bán căn nhà đầu tiên này, một phần vì kỷ niệm, phần khác thực tế hơn, giữ lại làm nhà nghỉ mát để thỉnh thoảng từ Santa Ana lái xe về chơi, sẵn dịp thăm ba mẹ cũng tiện bề. Tụi nó bây giờ khá giả lắm vì hai vợ chồng đều tốt nghiệp đại học, có việc làm tốt, lương bổng hậu hỉ.
Thế là đôi vợ chồng già sống thoải mái trong căn nhà ba phòng, tuy cũ nhưng xinh xắn, đất đai rộng rãi chung quanh, có vườn hoa tươi tắn, thảm cỏ xanh rờn. Bà cứ đòi ông phải bỏ cái nhà kho cũ ở cuối vườn để trồng lên vài cây dừa, bụi chuối ở đấy. Ông lười, hẹn mãi, riết rồi bà cũng im.
Mùa Giáng Sinh vừa rồi, vợ chồng Hào dẫn hai con về ở chơi một tuần lễ. Căn nhà ấm cúng hẳn lên với những bữa ăn đông vầy, những tiếng cười nói và nô đùa của trẻ thơ. Thằng Luân con Thúy lại thích chơi chòi, trốn bắt trong nhà kho. Ba cha con rượt đuổi nhau ầm ĩ sau vườn.
Bây giờ bà thấy ông cũng có lý khi chẳng muốn phá nhà kho dù nó hơi lớn, choán đất nhiều. Ông thì có ý định riêng. Ông tính toán lâu rồi, chờ sau lễ sẽ âm thầm thực hiện quyết định khá táo bạo ấy.
Như người họa sĩ muốn có bức tranh để đời, ông cũng muốn làm một việc gì đó để trước khi nhắm mắt được hãnh diện với nghĩa cử của mình.
Ông đã tình cờ thấy hắn, khá sạch sẽ tươm tất trong chiếc áo sơ mi ngắn tay màu lục. Hắn ngồi sát tường, dưới bóng cây, trước mặt là cái thùng rác bằng sắt, to như một căn phòng nhỏ, đặt ở sân sau nhà hàng. Hắn ngồi bó gối trong vùng đất hẹp ấy chẳng biết đã bao lâu?
Đấy là một thanh niên Mễ, chắc chắn đã vượt rào cản và định cư lậu trên đất Mỹ. Vùng này sát biên giới, dân Mễ tìm mọi cách để vào; họ bán sức lao động rẻ nên cũng nhiều người mướn.
Làm ăn dành dụm được chút đỉnh, họ lại về nước giúp đỡ gia đình, vợ con, rồi cứ đi đi về về, đùa dai cùng cảnh sát biên phòng như thế. Thà chịu nguy hiểm, nhọc nhằn tha phương cầu thực lắm khi phải ngậm đắng nuốt cay mà còn đỡ hơn chịu đói trên quê nghèo. Một người hy sinh nuôi được cả nhà…
Ông Nam Lĩnh sống ở đây đã lâu nên hiểu rõ tình cảnh của họ, thầm nghĩ số mình cũng may; tuy cả đời không thành công nhưng cuối đời cũng được an nhàn thảnh thơi với tiền trợ cấp tuổi già, con cái thì đã nên danh nên phận.
Sự sung túc của gia đình khiến ông chạnh lòng khi nhìn thấy những kẻ bất hạnh chung quanh. Kinh tế của Mỹ đang suy yếu, kèm theo biến cố kinh hoàng ở New York vào năm ngoái khiến bao cảnh thương tâm đã xảy ra hàng ngày.
Nhiều người bản xứ còn lâm vào cảnh thất nghiệp huống gì những dân ở lậu nơi đây. Nếu không có việc làm trong một tuần thôi, họ sẽ trở thành “homeless” ngay, sống vất vưởng quanh các tiệm ăn, chờ thức ăn thừa.
Nhà hàng V.T. là tiệm ăn Việt Nam nổi tiếng nhất vùng này. Cùng là người Việt, lại là thực khách quen thuộc nên khi ông Nam Lĩnh hỏi thăm về chú Mễ ấy, ông chủ V.T. không ngại gì tiết lộ tung tích của chàng ta.
- Chú Mễ đó tên Hugo. Nó hiền lành chịu khó. Lúc nhà hàng đông khách, tôi cũng hay mướn chú ta rửa chén, lo phần dọn dẹp vệ sinh trong tiệm nhưng mấy tháng nay bán chậm quá, đành cho nó nghỉ việc. Cũng tội, nó nghỉ việc rồi mà cứ quanh quẩn ở đây, chờ được kêu lại… Ông bạn có việc gì làm, kêu nó tới giúp cho, trả công bao nhiêu cũng được. Ăn thì không sợ, nhưng còn chỗ nghỉ ngơi, tắm rửa… Nó lang thang không nơi trú ngụ thấy cũng tội nhưng làm sao chứa được?
Ông Nam Lĩnh động lòng thương, thỉnh thoảng chở nó về làm vườn tược, cắt cỏ, tỉa cây. Nhìn ánh mắt sáng rực của nó khi được gọi đến, lòng từ tâm của ông mở rộng thêm ra.
Ngày nào nó đến làm việc, vợ ông lo thêm phần ăn nhưng nó không dám ngồi chung bàn, xin được ăn riêng ở bên ngoài. Buổi trưa, ông bảo nó vào nhà kho nghỉ lưng. Hugo chỉ vào đấy vài lần là bên trong cái kho sạch sẽ, đàng hoàng.

***

Mùa Đông ở đây thỉnh thoảng cũng có những ngày nắng ấm. Hôm nay ông Nam Lĩnh lái xe ra tiệm ăn quen thuộc, cố ý tìm Hugo. Vợ ông về Việt Nam ăn Tết rồi, nếu không lợi dụng cơ hội này thực hiện điều mong mỏi thì còn chờ đến bao giờ?
Xuống xe, ông đi vòng ra phía sau, chỗ thùng rác to. Tim ông nhói đau khi thấy anh ta, ốm và xanh hơn trước, quấn mình trong chiếc áo mưa cũ, màu xám sậm; ngồi co ro trong khoảng đất chật hẹp cũ, bây giờ hôi hám và ẩm ướt hơn.
Thấy ông, nó vụt đứng lên, đôi môi xám xịt nở ra một nụ cười, nửa như xả giao, nửa như mếu.
Thương quá hóa giận, ông xổ luôn một tràng tiếng Anh rất trơn tru:
- Sao không đi tìm việc làm? Mầy ngồi đây mà ra tiền sao?
Nó lắc đầu, mấy giọt nước trên tóc rơi xuống vai áo mưa, giọng thiểu não:
- Police!
Phải rồi, đang có chiến dịch ruồng bắt những người ở lậu nhất là khu downtown này, làm sao nó dám chường mặt ra?
Ông Nam Lĩnh hất hàm ra lệnh:
- Đi theo tao!
Tự nhiên ông già ốm yếu nhỏ con này thấy mình có uy quyền, có oai lực khi ông phát tâm làm việc nghĩa. Ông chở nó về nhà, đưa bộ đồ cũ của Hào cho nó rồi chỉ chỗ, bảo nó đi tắm rửa; ông lo dọn cơm.
Khi Hugo trở ra, ông nhìn nó, ngạc nhiên. Trong cái quần jean vừa vặn và áo len cổ lọ màu vàng úa, Hugo giống như một sinh viên đại học. Dáng dấp mập mạp, nước da trắng trẻo, chàng ta phảng phất giống Hào, con trai ông.
“Có lẽ kiếp trước nó cũng là con cháu của mình chi đây nên bây giờ tự nhiên mình thương, muốn cưu mang giúp đỡ. Hồi ở Việt Nam, đi nghe thuyết pháp, quí thầy cũng nói tất cả chúng sanh đều là thân bằng quyến thuộc với nhau trong nhiều đời. Chắc đúng!”
Ông dọn cơm, bảo nó cùng ngồi ăn. Đôi mắt to dưới cặp mày rậm của chàng thanh niên Mễ long lanh nước mắt vì cảm động. Có lẽ từ lúc tha phương cầu thực đến giờ, đây là lần đầu tiên chú được ngồi ăn một bữa đàng hoàng, có tính cách gia đình như vậy. Cơm chiên và canh cải, hai món ăn tầm thường nhưng đối với chú thật quí báu. Hugo cố gắng ăn chậm rãi cho ra vẻ lịch sự nhưng cái đói mạnh hơn, nó khiến chú nhai ngấu nghiến, nuốt vội vàng…
Sau bữa cơm, chú Mễ tươi tỉnh ra. Vừa dọn dẹp, rửa chén, lau chùi nhà bếp, chú vừa huyên thuyên kể chuyện gia đình mình bên Mễ. Chú còn ba mẹ, hai đứa em trai. Một cô bạn gái quen thân thời trung học. Chú hứa đi Mỹ lập nghiệp chừng ba năm sẽ trở về làm đám cưới… Hơn ba năm đã trôi qua từ ngày chia tay, chắc cô đâu ngờ tình cảnh của anh hiện nay chẳng khác gì lúc ban đầu.
Anh chép miệng, thoáng buồn:
- Chúng tôi không có tin tức gì của nhau. Chắc cô ấy trách tôi là kẻ bạc tình. Thật ra tôi cũng chẳng dám liên lạc về gia đình… Tôi không muốn nói dối nhưng cũng không muốn cha mẹ anh em tôi biết sự thất bại khốn đốn của tôi hiện nay. Ai cũng tưởng hễ trốn qua đây được là làm giàu…
Chàng thanh niên thở dài:
- Thôi, kể như tôi chết rồi!
Ông Nam Lĩnh uống nốt ngụm trà, đứng lên tráng rửa cái tách rồi ra dấu cho Hugo đi theo. Sân sau còn ẩm thấp vì mấy cơn mưa dầm cuối Đông. Những ngày nắng lẻ loi chẳng kịp làm khô đất nhưng cũng giúp người đỡ uể oải, biếng lười.
Hai người đến trước nhà kho. Khi ông mở cửa ra, mùi ẩm mốc xông ra đến khó thở.
- Mày dọn dẹp lại cho sạch. Tao vào lấy cái nầy…
Khi ông trở ra với cái máy sưởi nhỏ và cái túi ngủ (sleeping bag) thì chú Mễ như đoán được lòng hảo tâm của “bố già”. Anh đứng ngẩn ngơ, xúc động đến nghẹn ngào.
- Vợ tao về Việt Nam một tháng. Trong thời gian này, tao cho mày dùng tạm cái kho để ngủ cho đỡ lạnh. Khi nào bà về, mày phải kín đáo hơn lúc đến và đi. Khuya nào muốn về ngủ, mày đứng bên hông nhà, giả làm tiếng mèo kêu, ta sẽ ra mở cửa cho mày vào. Sáng, trước 5 giờ là phải dậy, nghe chưa, đi cho sớm!
Ông giải thích, cái đầu hói lắc lư vì ông đang bươi óc đào ra cho đủ từ ngữ tiếng Anh:
- Vợ tao cũng có lòng thương người nhưng bà không thể kín miệng. Bà biết thì con tao biết… Nhà này của con tao. Theo phép, tao không được làm như vậy mà không có sự ưng thuận của nó. Con tao rất sợ những rắc rối dính líu đến luật pháp.
Người thanh niên gật đầu tỏ vẻ hiểu biết. Anh không dám mơ ước nhiều hơn. Sau ba năm lăn lóc bụi đời, kinh nghiệm sống của anh nhiều lắm: thông thường, người già rộng lượng bao dung hơn người trẻ, kẻ giàu chi xài có tính toán, giới nghèo chi tiêu rộng rãi hơn…
Trong lúc bắt tay từ giã Hugo, ông dặn thêm:
- Tháng này, mày có thể về ngủ sớm. Tao chừa cửa rào bên hông đến mười giờ.
Rồi ông cười, cái miệng móm xọm, khoe hàm răng giả đều đặn, khít khao:
- Tao mà trúng số, sẽ xuất tiền ra xây chỗ ở cho những người homeless ngay. Mùa Đông mà không nơi trú ngụ, khổ vô cùng.
Hugo gật đầu, biểu đồng tình.
Nói đoạn, ông Nam Lĩnh rút vội trong túi xấp tiền lẻ dúi vào tay nó:
- Mày ra đây đón xe buýt số 72, đi chừng mười trạm là tới chợ trời. Bữa nay nắng tốt, chắc sẽ có người thuê. Còn đây là địa chỉ và số phone của tao, nếu không biết đường về, cứ gọi.
- Nhưng tôi chưa biết tên ông!
“Bố già” phá cười:
- A ha! Cứ gọi tao là Linh Lee. Nè, mặc thêm áo này cho đủ ấm!
Trước khi bước ra cửa, chàng thanh niên nhìn ông lần nữa, cái nhìn sâu thẳm đến lạ lùng…
Buổi tối đến thật nhanh. Màn đêm đen kịt. Tiếng côn trùng rên rỉ thở than ở chung quanh khiến ông Nam Lĩnh cảm thấy quạnh quẽ lắm trong căn nhà vắng bóng vợ hiền.
Đồng hồ lặng lẽ điểm 8 tiếng… “Chẳng biết chừng nào nó mới về? Cửa rào không khóa thế này, nếu kẻ gian hay được thì chẳng yên thân!”
Ý tưởng về “kẻ gian” vừa xuất hiện trong đầu thì đột nhiên những tin cướp của giết người trên báo, trên Tivi lũ lượt kéo về trí nhớ… Những hình ảnh ghê rợn ấy khiến ông sợ hãi vu vơ…
Ông Nam Lĩnh đứng lên kiểm soát cửa nẻo lần nữa rồi bật đèn sáng choang khắp nhà. Chưa yên tâm, ông lấy điện thoại không dây cầm sẵn nơi tay. “Có gì thì gọi 911 liền!”
Ông vén màn nhìn ra ngoài lần nữa, bóng tối như dầy đặc thêm với sương mù. Trong khung vải đen đang phủ trùm vạn vật, đôi mắt của Hugo hiện ra, sâu thẳm và sáng quắc như mắt mèo hoang.
Tự nhiên ông Nam Lĩnh phát rùng mình. “Nếu nó là kẻ gian chắc mình toi mạng! Còn như chưa từng trộm cướp mà đang cơn túng quẩn ngặt nghèo, thấy dễ ăn quá, cũng dám làm bậy chớ chẳng không.”
Những ý nghĩ tiêu cực cứ quanh quẩn vướng vít làm sự nghi ngờ và lòng sợ hãi càng tăng. Để trấn an, ông gọi phone đôi người bạn, nói vài câu vớ vẩn nắng mưa… Một tiếng đồng hồ đã trôi qua chậm chạp, nặng nề.
Bỗng có tiếng mèo kêu! Tim ông bắt đầu đập loạn xạ. Vừa lắng tai, vừa thủ thế, ông nghĩ: “Nếu nó giở trò gì, ông sẽ phản ứng ngay lập tức!” Nhưng chờ mãi, không có tiếng mở cửa rào. “Chẳng phải nó về!”
Sự căng thẳng làm ông nhức đầu quá! Viên Tylenol thật là cần thiết trong lúc này. Tủ thuốc gia đình, vợ ông cất trong bàn thờ Phật ở phòng kế bên.
Bước vào phòng thờ Phật, tự nhiên ông thấy an ổn hơn khi nhìn nét ung dung tự tại của đức Thế Tôn. Ông run tay thắp một nén hương và ngồi xuống ngay chỗ vợ ông vẫn thường ngồi tụng kinh. Khói lam lan tỏa nhẹ nhàng, mùi trầm thanh tịnh quá! Ông thèm nghe một thời kinh. Mỗi tối nghe vợ tụng kinh, ông cảm thấy ấm cúng, bình an làm sao! Ai ngờ nhu cầu tâm linh cũng cần thiết như thức ăn cho cơ thể!
Dù chưa rành chuông mõ lắm nhưng ông quyết định tụng thời kinh cầu an. Tiếng chuông ngân nga, nhịp mõ chậm ấm đã hòa với giọng đọc kinh tuy chưa nhuần nhuyễn nhưng chan chứa lòng tin tưởng thiết tha đã giúp ông lấy lại sự định tĩnh và đẩy lui những sợ hãi bâng quơ…
Sau thời kinh, ông tự thưởng mình một tách trà nóng và ngẫm nghĩ: “Hình như nỗi sợ, niềm lo chỉ là ảo giác!
Sau khi ấy, ông biết Hugo về. Nó giả tiếng mèo kêu rất đặc biệt, kêu một hơi bốn tiếng dài ngoằng, chắc sợ ông không nghe!
Ông khoác áo ấm, bước ra ngoài, nói nhỏ:
- Suỵt, mày đừng làm lối xóm để ý, sẽ phiền lắm đấy! Thôi, vào ngủ đi!
Nói xong, ông khóa cửa rào cẩn thận và quày quả trở vào nhà.
Dù đã bớt nghi kỵ nhưng ông thấy không nên đối xử với nó quá thân mật như ban sáng.
Chàng thanh niên ngoại quốc cũng bén nhạy lắm, và biết thân phận mình. Anh lầm lũi đi thẳng ra sau. Cái nhà kho ấy hứa hẹn giấc ngủ ngon, ấm áp, an toàn, sau một ngày may mắn có việc làm ngoài chợ…

***

Một tháng đã trôi qua như thế trong sự đều đặn đi về của chú Mễ. Lòng từ tâm của ông Nam Lĩnh cũng đều đặn song đôi với những ngại ngần, thối thác…
Ông sợ lối xóm để ý, biết mình chứa kẻ vượt biên ở lậu. Dù nó không làm điều chi phạm pháp, nhưng một khi có người mách thì cảnh sát sẽ đến nơi điều tra, ông sẽ bị phiền toái lôi thôi với chánh quyền. Đó là điều tôí kỵ đối với kẻ di dân như ông.
Chung quanh ông toàn là nhà của Mỹ trắng, bề ngoài họ lịch sự vui vẻ nhưng chắc chắn tầm nhìn của họ luôn luôn hướng về phía mình…
Vợ ông sắp sửa trở qua, con cháu ông sắp xuống đây thăm mẹ, thăm nội… Ôi thôi, càng nghĩ càng điên đầu.
“Mình có thể bảo nó tạm ngưng đến đây một thời gian…”
Nghĩ ngợi mãi sinh bực dọc. Ông mở cửa sau, đi tản bộ trong vườn cho khuây khỏa. Cỏ đã xanh rờn như mạ non, vài đóa hoa daffodil vàng tươi hé cười trong nắng báo hiệu Xuân sắp về. Những phiến đá tròn sạch bóng như mời gọi bước chân. 
Ông Lĩnh chợt nảy ra một ý định. Ông tiến đến ngắm nghía cây hoa đào đang bung tròn như một cây dù; các nhánh trơn bóng đơm đầy những nụ hoa bụ bẫm, vươn lên trời xanh, tỏa sức sống và nét đẹp rạng rỡ.
“Phải chọn cành đào nào đẹp nhất chưng ở bàn thờ Phật, bà ấy về thấy vậy sẽ vui lắm!”
Ông nhanh nhẹn, hăng hái tiến vào nhà kho để tìm cây cưa. Cả tháng nay, vì lịch sự, ông không hề mở cửa kho.
Khi xô nhẹ cánh cửa ván mong manh, ông ngạc nhiên hết sức khi thấy Hugo đã dùng cây ván có sẵn trong kho để kê thành cái giường thấp, phủ lên trên là cái túi ngủ, gối và mền.
Đầu giường bày ra nhiều thứ lỉnh kỉnh: gương, lược, bàn chải, kem đánh răng, nón, vớ, đèn cầy… 
Bàn tay gầy guộc của ông Nam Lĩnh run lên khi ông chợt thấy vài món quần áo lót của phụ nữ rơi xuống đất lúc ông xốc cái mền ra.
Chưa bao giờ ông tức giận như thế! Nó lạm dụng lòng tốt của ông nhiều quá! Cơn giận dữ xuất hiện thật đúng lúc, giúp ông chấm dứt sự giằng co nan giải cả tháng trời nay.
Ông quyết định tống cổ nó đi lập tức!
Tối hôm đó, vừa thấy mặt Hugo, ông ra lệnh cho nó đi ngay, chẳng để thì giờ cho trái tim ông lên tiếng nói.
Chàng ta cũng biết lỗi, nó xá ông lia lịa và nhanh chóng thu dọn đồ đạc. Hogo lại tiếp tục sống những ngày cơ hàn, bấp bênh, trên xứ sở giàu có, được mệnh danh là vùng đất hứa…
Trút xong gánh nặng này, ông Nam Lĩnh thở phào nhẹ nhỏm, bao nỗi ưu tư đều tan biến cả. Nhưng ngờ đâu, từ đó, mỗi khi đêm về, niềm ân hận cứ âm thầm gậm nhấm cõi lòng ông.
Ông cứ như người bị trượt chân khi muốn leo lên dốc mơ để hái kỳ hoa dị thảo. Dốc thấy chẳng cao nhưng thực tế thì khó trèo. Thật là “đoạn trường ai có qua cầu mới hay…!”

***

Nồi cơm vừa chín tới tỏa hơi thơm khắp nhà. Tháng 9 ở Mỹ đã có gạo mới nhập, dẻo và ngon. Ông Nam Lĩnh lui cui giúp vợ dọn cơm trưa. Vợ ông đang xắt ngò om, ngò gai, ớt đỏ để rắc lên nồi canh măng chua.
Chợt có tiếng chuông. Ông police mặc sắc phục đang đứng trước khung cửa; tự nhiên hai chân của ông run lập cập.
“Trời ơi, chắc có ai tố cáo mình chứa kẻ ở lậu! Mà đã nửa năm nay, thằng Mễ Hugo đã không còn đến đây, lẽ nào có chuyện lôi thôi…!”
- Chào ông! Tôi là Robert, nhân viên cảnh sát, muốn tìm ông Linh Lee tại địa chỉ này.
- Tôi là Linh Lee.
Ông trả lời bằng giọng nói đứt quãng, mặt mày tái xanh.
Sau cái bắt tay, chàng cảnh sát trẻ như đoán được nỗi lo sợ của người đối diện, tỏ vẻ thân thiện hơn:
- Ông có quà!
Không đợi han hỏi, chàng cảnh sát Mỹ tiếp luôn:
- Dù sao đây cũng là một tin buồn. Một người homeless tên là Hugo, đã chết trước cửa tiệm ăn V.T. vào tối hôm qua. Trong người anh ta có một bao thư này, đề tên ông. Xin ông mở ra xem và ký nhận cho!
Mặt đất như đang rung chuyển dưới chân ông Nam Lĩnh. Phải khó khăn lắm ông mới mở được cái phong bì vàng, khá nặng mà người cảnh sát giao cho ông. Thì ra đây là cuốn nhật ký, trong ấy có kèm một bì thư nhỏ, cũng đề tên ông. Chỉ là một tờ thư mỏng, gói vài đồng bạc lẻ và tấm vé số.
Anh cảnh sát viên ghi vội những chi tiết này vào tờ biên bản, đưa ông Nam Lĩnh ký rồi bắt tay từ giã.
“Nó chết rồi, chết cóng, chết đói, trời ơi, khổ thân con tôi!”
Hình ảnh chàng thanh niên Mễ thất thời lỡ vận, lang thang không cửa không nhà hiện rõ trong trí ông… Hugo đang nhìn ông, nửa như van lơn, nửa như thất vọng…
“Mình đuổi nó đi nên nó mới chết! Đành rằng mình chẳng thể cưu mang nó suốt đời nhưng quyết định ấy tàn nhẫn quá! Gián tiếp, vô tình giết một mạng người, tội này đâu nhỏ! Cái nhà kho bé xíu kia có thể cứu mạng người nhưng cái tâm địa mà mình tưởng là rộng lớn lắm lại chẳng thể dung nạp một kẻ cơ hàn!”
Người cảnh sát quay lưng đi xa rồi mà ông Nam Lĩnh vẫn còn run. Đóng ập cửa lại, ông ngồi khụy xuống, ôm ngực, há miệng ra thở, đầu óc quay mòng mòng, hoa đóm loe loé trước mắt.
- Ông ơi ông! Có sao không?
Ông vịn cánh cửa, gượng đứng lên:
- Bà đỡ tôi vào trong… Không sao đâu, nằm nghỉ chút sẽ hết…
Bà vợ nóng lòng muốn hỏi nhiều câu nhưng thấy mặt chồng xanh dờn, hơi thở đứt khoảng, mệt nhọc, bà phát lo, vội dìu ông vào phòng và đi pha một tách trà gừng.

***

Ánh đèn trong phòng khách như bừng sáng thêm vì những đôi mắt ngời hân hoan.
- Ba trúng số thiệt hả ba? Độc đắc phải không? Kỳ này mười triệu đó!
Kim Oanh, cô con dâu vốn ít nói, bỗng nhiên líu lo, ríu rít như chim.
Bà Nam Lĩnh có dịp giảng:
- “Ăn khế trả vàng”. Chuyện xưa tích cũ thật không ngoa. Tụi bây tưởng tượng có ai không hề mua vé số mà lại trúng số không?
Nghe vợ nói, ông cảm thấy cao hứng:
- Ờ, chính police đem tới nhà, trao tận tay.
Chuyện này Hào được nghe mẹ kể trên phone rồi nhưng chàng vẫn muốn nghe lại, do chính ba kể mới hay. Thế là ông già có dịp tỉ mỉ kể đầu đuôi câu chuyện về chàng thanh niên Mễ xấu số. Hình như niềm vui lớn lao về tờ vé số độc đắc đã lấn áp sự ân hận của ông về cái chết của Hugo.
Tuy nhiên, khi đề cập đến quyển nhật ký, ông cảm thấy xấu hổ. “Nó ca ngợi mình như một ân nhân hiếm có!”
- Nếu Hugo còn sống, gia đình nó sẽ được vinh quang. Nhưng tao phải thay nó mà giúp họ. 
Nó đã tin tưởng trao tấm vé số cho mình với hy vọng khi nào trúng, mình sẽ lo cho gia đình nó… Hugo cũng biết chọn mặt gửi vàng, mình đâu nỡ tham lam giành hết. Phải chia cho gia đình nó một phần đích đáng!
Kim Oanh hỏi dò, đôi mắt sắc sảo, đen láy của cô như mở to hơn:
- Đích đáng là bao nhiêu hở ba? 
- Ít nhứt cũng một phần tư tờ vé số!
Hào cố ngăn cái cười nhếch mép – không dại gì làm mất lòng ông già triệu phú – tìm cách đưa ông về với thực tế:
- Con đề nghị hai việc quan trọng: thứ nhất kiểm lại tờ vé số xem có đúng ngày xổ, đúng cả sáu số hay không rồi đề tên phía sau cho cẩn thận. Thứ hai, phải nhờ luật sư lãnh vì trường hợp của ba rất đặt biệt; báo chí, truyền hình hay được, ba sẽ không yên với họ đâu!
- Phải đó ông! Tốn kém bao nhiêu cũng được, miễn mình yên ổn sống đời bình thường như cũ.
Hào giải sẵn cho ông già bài toán:
- Ba ơi, tuy trúng mười triệu nhưng nếu mình lãnh một lần, trừ thuế, trừ huê hồng của luật sư thì tiền mặt đem về chỉ ngoài hai triệu thôi.
- Ủa, sao ít vậy? Tao mong trúng số sẽ giúp tiền cơ quan từ thiện lo cho những người homeless.
Bà Nam Lĩnh háy chồng một cái:
- Bao nhiêu đó thấm thía gì mà đòi làm việc lớn! Ông nên nhớ, ở Việt Nam, mình còn bà con nghèo nhiều lắm, bên ông cũng như phía bên tui. Phải giúp cho đều, nếu không thì kẻ trách người hờn…
Hình như Hào sợ mất phần, anh xem vào ngay, giọng nói hơi kém bình tĩnh:
- Ba má tính gì tính nhưng nhớ cho con tiền “pay off” hai cái nhà. Nợ nhà băng trả hoài ngán quá!
Ông già cảm thấy chóng mặt. Y như là nợ vây tứ phía! Ông lẵng lặng bỏ ra sân nhìn hai đứa cháu nội đang chơi banh.
Trong lúc bà già vào bếp châm thêm trà, Kim Oanh ghé tai chồng thì thầm: “Mình là con một thì tiền của ba là của mình. Anh phải theo sát ba, đừng để ổng hứa lung tung. Đụng ai cũng cho, bao nhiêu cũng không đủ!”. Hào gật đầu biểu đồng tình: “Ông làm gì thì làm, nhưng ít nhất mình phải có một triệu. Trả nợ nhà năm trăm, còn lại năm trăm, quá khỏe!”
Bà Nam Lĩnh bưng khay trà trở ra, thấy vợ chồng Hào rù rì to nhỏ, tự nhiên phát bực. “Tụi nó giàu mà còn tham!” Bà đồng ý với chồng là nên bố thí nhưng phải lo cho họ hàng trước.
Mỗi người một ý kiến. Ai cũng thấy mình đúng, còn người kia sai. Nhưng oái ăm thay, họ cùng gặp nhau ở một điểm: mình là sở hữu chủ của tờ vé số độc đắc.
Sự bất hòa ngày càng tăng. Nỗi mừng trúng số đâu không thấy. Bây giờ chỉ là những ngày căng thẳng giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái. 
Chữ tiền như đám mây đen khổng lồ đã che lấp cuộc sống êm đềm hòa thuận của họ. Chẳng ai chịu nhường ai.
Mỗi tối, bà Nam Lĩnh vẫn tiếp tục tụng kinh nhưng hình như lời kinh chỉ là những âm thanh rời rạc, bà chỉ mong thời khóa chóng xong. Ông chồng rầu rĩ bên tách trà, không còn cái thú vị thanh tao lắng nghe pháp âm vi diệu…
Vợ chồng con cái Hòa “đóng đô” ở đây gần một tuần rồi, tụi nó xin nghỉ phép, cho thằng Luân con Thúy nghỉ học… Thế nhưng không khí chẳng đầm ấm vui nhộn như thuở xưa, lúc tụi nó thỉnh thoảng về đây nghỉ hè, nghỉ lễ…

***

Tự viện nằm trên sườn núi cao, chênh vênh trên gộp đá ve ra vịnh Mission bát ngát. Núp sau những hàng dương tha thướt, nó có vẻ là căn nhà nghỉ mát hơn là một ngôi chùa truyền thống.
Thầy M.N. nhận “gia tài” này từ một người Mỹ triệu phú sùng đạo Phật. Ông hiến tặng đại đức sau một năm theo thầy học giáo lý Đại Thừa, xin thí phát xuất gia rồi đi ẩn tu. Ông ta chuyên tu Tịnh độ.
Thầy M.N thuộc giới trẻ, hấp thụ nhiều kiến thức Âu Mỹ với bằng M.A. Dáng dấp khỏe mạnh, gương mặt tươi vui, thầy hay cười và làm cho người đối diện phải bật cười luôn vì cách nói chuyện dí dỏm, hay pha trò.
Ít người biết tới ngôi tự viện này. Thầy nói: “Chùa mới lập mà tôi thì không muốn quảng cáo!” Thế nhưng thầy có những người bạn trẻ thường lui tới học hỏi giáo pháp và giúp thầy trong việc sửa sang phòng ốc, khai hoang trồng trọt.
Có hai chú tiểu, vốn là anh em song sinh mồ côi cha, được mẹ chú giao cho thầy lúc vừa lên tám khi bà biết mình mắc bệnh nan y.
Ông Nam Lĩnh khám phá ra Thanh Sơn Tự Viện do một sự tình cờ, lúc cùng gia đình Hào đi nghĩ mát ở thắng cảnh du lịch gần đấy.
Gặp thầy một lần là ông muốn trở lại để được cười, được gột rửa trần lao trong khung cảnh hùng vĩ của núi rừng với tầm nhìn bao la của biển cả và sự thanh tịnh của già lam.
Ông Nam Lĩnh đã thường lái xe hai tiếng đồng hồ chở vợ về đây để tu tập trong một hoặc hai ngày và cảm thấy những lạc thú thế gian không còn có thể quyến rũ được ông nữa.
Lần này, ông trở lại một mình với nỗi sầu nặng chĩu. “Quả là thọ thì khổ! Chỉ mới biết tin trúng số, chưa thấy được đồng nào, mình đã khổ rồi. Đem đồng tiền về nhà chắc sẽ khổ nhiều hơn, khổ dài dài…”
Trời mới bước vào Thu, núi rừng đã se lạnh, những cây phong nhuộm đỏ một vùng. Ông xuống xe, đội nón len, quấn khăn quàng cổ rồi lững thững theo hàng thông già đi vào chùa.
Cửa chùa khép hờ, bên trong chẳng có ai. Ông quày trở ra đi xuống vùng thung lũng bên hông tự viện. Nắng đã lên cao, chiếu lấp lánh trên những đợt sống nhấp nhô, mặt biển xanh rờn.
Từ xa, ông đã thấy thầy M.N. đang lom khom nhổ đậu; hai chú tiểu đang tranh nhau hái cà chua, nhanh như vượn bẻ bắp.
Ông hăng hái bước tới. Thầy đã thấy ông:
- Lại đây, bác ơi! Giúp tôi một tay cho xong đám đậu này! Chiều nay mưa xuống thì hỏng cả! Đậu bị nước không thể để lâu được.
- Đậu nành là món ăn chánh trong chùa. Nếu biết cất giữ cẩn thận, quanh năm sẽ có đủ tương, chao, đậu hủ, sữa đậu nành đầy bổ dưỡng.
Ông Nam Lĩnh thích khoảnh đất này lắm! Theo mùa, thầy trồng đủ cả: từ cà đến bí, rau thơm, cải ngọt, cải làm dưa, ớt, chanh, đậu phộng, đậu hòa lan… Khoai mì viền chung quanh, lên cao và đều như hàng giậu thế mà cũng không che được mắt mấy chú khỉ tinh khôn thường hay chui vào đây đào khoai lang.
Phía bên kia là vùng đất “An Tiêm”, nơi đó bí rợ, dưa hấu không trồng mà mọc, đúng mùa cũng thu hoạch bộn bàng.
Phật tử nào tới chùa cũng trở nên thân thiết: Khi ra về bao giờ cũng có rau quả tươi làm quà và ai cũng sốt sắng giúp thầy một tay.
Bốn người hăng hái làm việc. Những chùm đậu no tròn, chín vàng làm họ say mê. Mùi thơm hăng hăng của mấy giàn cà chua, mùi thơm của đậu tươi như lan tỏa khắp không gian hiền hòa ở chung quanh.
Thầy đã thấm mệt. Ông ngưng tay, quẹt mồ hôi trán đang tuôn nhễ nhại.
- Tâm Từ, Tâm Bi, vào lo cúng ngọ đi con, thầy đã bắt sẵn nồi cơm rồi đó!
- Trưa nay mình ăn gì, sư phụ?
- Cà chua chấm mắm đậu, canh cải bẹ xanh.
Một chú xuýt xoa:
- Con đói bụng rồi! Có khách chắc phải bắt thêm cơm.
Thầy trả lời bằng cái lắc đầu; cười, nói nhỏ với ông Nam Lĩnh:
- Một đứa tham ăn, một đứa tham ngủ. Tôi chăn tụi nó phát mệt!
Ông già cũng dừng tay, góp chuyện:
- Còn nhỏ thì ham ngủ, ham ăn; lớn lên ham muốn nhiều thứ khác nữa, thầy ơi! Biết tu sớm như mấy chú là phước mấy đời để lại. Không phải ai cũng ở chùa được đâu!
Thầy M.N. tháo cái khăn đang cột ngang hông ra lau mặt. Khuôn mặt thanh tú của thầy sáng rỡ trong nắng; cái đầu mới cạo bóng loáng như tỏa hào quang. Trông thầy đẹp như pho tượng. Tự nhiên ông Nam Lĩnh buộc miệng hỏi:
- Sao thầy đi tu?
Thầy bậc cười ra tiếng, hỏi ngược lại:
- Bác tiếc cho tôi hả?
Bác Nam Lĩnh rất phục thầy vì thầy như luôn luôn đọc được ý nghĩ của người đối diện:
- Dạ, không dám!
Nhà sư trẻ ôm từng thúng đậu nành đổ vào xe cút kít:
- Đài báo tối nay mưa, tôi phải đem đậu vào kho. Có thân thì cực vì thân, bác thấy không? May mà mình chỉ có một cái miệng!
Ông Nam Lĩnh giúp thầy chất đậu vào kho xong, đi vòng ra ngoài, bước xuống thềm đá, ngồi ngâm chân trong nước biển, nhìn ngắm vu vơ.
Trời xanh, biển rộng, sóng vỗ rì rào, bờ cát trắng phau. Nhưng “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!”
Trước đây, tháng tháng lãnh tiền già, chi phí tiêu xài xong, còn thấy dư, đời sống an nhàn chẳng âu lo, bây giờ trúng số thì cảm thấy thiếu trước hụt sau, lạ thật!
- Bác nghĩ ngợi gì đấy!
Giọng nói trầm ấm của thầy cất lên phía sau lưng. Ông già quay lại. Hình như thầy vừa tắm gội xong, tươi mát như Đức Phật Đản Sinh. “Đây là cơ hội tốt chăng? Để mình tâm sự và tham vấn?”
- Dạ, mời thầy ngồi. Con cũng có đôi điều muốn thưa.
- Cứ xem tôi như bạn đi, người bạn vong niên.
Thầy lúc nào cũng dễ dãi và cởi mở. Nhờ vậy thầy có dịp tháo gút cho nhiều nỗi niềm tâm sự.
Hai người cùng nhìn ra biển. Đột nhiên thầy hỏi:
- Nhìn ra biển khơi, bác thấy gì?
- Con thấy sóng nhấp nhô, bọt tung trắng xóa.
- Vâng, tâm chúng sinh cũng thế, không bao giờ dứt phiền não.
“Hình như thầy hiểu được lòng mình.” Ông Nam Lĩnh mạnh dạn vào đề.
- Thưa thầy, phiền não do đâu mà sinh khởi? Nếu từ tâm khởi thì tại sao nó không khởi lên được mà phải chờ có dịp, có cơ hội mới hiện hành?
Nhà sư gật đầu khen:
- Câu hỏi rất hay! Nhưng bác nên nhớ rằng tất cả pháp đều phải hội đủ nhân và duyên mới sinh khởi được.
Bác còn nhớ câu chuyện “Quan huyện thanh liêm” trong sách giáo khoa không? Xưa có ông quan nổi tiếng thanh liêm, không hề ăn hối lộ, không nhận của đút lót nên trị dân rất công bình, sống đời rất mẫu mực. Nhiều người đã đem vàng bạc, lụa là, gấm vóc đến tặng để nhờ giúp đỡ chuyện riêng, ông đều khước từ.
Nhân có vụ án mạng liên quan đến ông nhà giàu nọ, ông này tặng ông một trăm lượng vàng, ông từ chối. Lần thứ hai tặng năm trăm lượng, ông mời đi ra. Cuối cùng, ông phú hộ sai người mang đến hai ngàn lượng vàng, để ở cửa sau. Vợ quan huyện ôm vàng vào nhà, đếm vàng hoa cả mắt, còn ông thì lặng im, chấp nhận.
Cái “nhân” tham của ông quan huyện quá vi tế nên bình thường không khởi lên mới tưởng là thanh liêm nhưng ở một mức độ nào đó, gọi là đủ “duyên” thì thấy được, như dùng kính hiển vi phóng đại vậy.
Ông Nam Lĩnh toát mồ hôi trán. “Thầy có thần thông chăng? Thầy đọc được tâm tư mình! Phải rồi, đối với năm, ba ngàn đô mình thấy dửng dưng nhưng khi có bạc triệu thì khác. Cho ai, mình cũng thấy tiếc rẻ, vì lẽ đó mà sinh bực dọc, phiền muộn… Vậy tham lam bỏn xẻn là gốc rễ của khổ đau mà mình đang gánh chịu.
Mình muốn cho gia đình Hugo một phần tư số tiền, chừng tính lại, thấy con số quá to! Định giúp đỡ cho dân homeless thì nghĩ tiền mình quá ít! Muốn chia số tiền làm ba phần cho vợ, cho con, và cho mình thì sợ họ xài không đúng chỗ. 
Ôi, có trăm ngàn lý do che cho tật xấu của mình! Hôm nay nhờ thầy, mình mới có dịp phản tỉnh, biết nhìn lại sự sái quấy của tự thân”.
Bác cảm động, nhìn thầy nhưng rồi bắt sang chuyện khác:
- Cảnh chùa ở đây đẹp quá! Đất đai lại mầu mỡ, trồng trọt đủ sống quanh năm. Nhưng con thấy chánh điện cần xây cất lại cho rộng rãi khang trang hơn.
Nhà sư vừa cười vừa lắc đầu:
- Tôi sắp dọn đi nên chuyện đó khỏi cần lo.
Sự ngạc nhiên làm ông sững sờ một giây:
- Thưa thầy nói thật hay đùa? Mà tại sao?
- Con của triệu phú Mỹ muốn lấy lại chỗ này để thành lập khu giải trí, thể thao, sân golf…
- Nhưng thầy có quyền từ chối!
- Đúng vậy! Nhưng tôi nhớ rõ trong Kinh Đại Bửu Tích, đức Phật dạy các Tỳ kheo không nên ở một nơi nào quá lâu, phải như nai rừng, không sống chỗ nào nhất định.
- Thưa, vì sao?
- Yêu thích cái gì, cái đó sẽ trói buộc mình. Phải biết xa rời cái gì mình ưa chuộng, dù đó là cái chùa, chiếc xe hay cái y. Đấy là hạnh xả ly. Đây thật là cơ hội tốt cho tôi.
“Chùa này, cảnh trí này, nương rẫy kia không phải là của mình thế mà hay tin sắp sửa mất đi, mình còn xót của, thế sao thầy lại bình thản như không?”
- Con có cảm tưởng thầy đã đạt đạo mặc dù thầy còn rất trẻ.
- Không dám! Nhưng đạo Phật không có gì để đạt, không có chi để chứng đắc. Vấn đề là mình phải thấy biết chân tướng của vũ trụ nhân sinh để sống không vướng mắc, không bị ràng buộc.
- Con vẫn hiểu “Sắc bất dị không, không bất dị sắc” nhưng hầu như biết là một chuyện mà nghĩ và làm lại là chuyện khác.
Thầy khiêm tốn:
- Tôi cũng vậy! Nhưng nhờ quán MỘNG, luôn luôn tâm niệm rằng mình đang sống trong cảnh mộng hư ảo vô thường nên dần dần tỉnh ra, bác à!
- Có lẽ vì thế lúc nào thầy cũng an ổn, thong dong.
Thầy có dịp đùa:
- Thấy vậy chứ không phải vậy!
Đột nhiên, thầy sửa giọng nghiêm trang:
- Bác có bao giờ quán sát một giấc mộng chưa? Nó có đủ hết: nào cảnh, nào người, nào vật, đủ cảm thọ vui buồn, sợ hãi theo các biến chuyển éo le… Trong mộng thì quả nhiên mình thấy nó là thật nhưng nếu tỉnh giấc chiêm bao, biết nó không thật thì mình buông hết. Hãy nhìn sâu vào mộng thì có ngày tỉnh dậy, bác à.
Nói xong, nhà sư đứng lên:
- Thôi, chúng ta vào dùng ngọ kẻo trễ.… Một năm sau, ông Nam Lĩnh có dịp trở lại chốn xưa. Ngôi già lam không còn dấu vết, tiếng chuông chùa không còn thong thả ngân nga trong gió sớm, sương chiều để thức người trong cõi mộng…
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/09/2024(Xem: 1700)
Chuyến đi về Việt Nam lần này có thể nói ngoài sự dự tính của chúng tôi. Mặc dù, tôi cũng có ý muốn đến viếng thăm Hà Nội một lần nữa. Vì năm 2003, tôi có dịp đến trung tâm thành Phố Hà Nội và viếng thăm một vài nơi khác chung quanh Hà thành. Nhưng lần này, là do các Phật tử Bảo Khánh, Hiếu Hoa, Từ Nhẫn và Liên Thu có nhã ý mời chúng tôi về Hà Nội và rồi cùng đoàn đi hành hương Trung Quốc, đặc biệt là chỉ hành hương tham quan trong phạm vi tỉnh Vân Nam thôi. Nói đúng
29/06/2024(Xem: 2448)
Những tháng đầu năm 2021, Út Bình bên Mỹ vẫn thường âm thầm theo dõi Facebook của tôi, thấy biết tôi đang tích cực phụng sự Đạo pháp, theo chư Tăng lên các chùa ở sâu vùng xa để chụp ảnh, viết bài, đưa tin đến các trang Phật giáo trong và ngoài nước, liền nhắn tin tặng tôi chiếc laptop của Út còn cất trong tủ ở nhà từ đường. Ý của em là tiếp sức cho tôi có phương tiện hiện đại hơn để truyền tin tại chỗ, chứ đi dự lễ các chùa trên vùng núi cả buổi, chiều về mới ngồi vào máy tính viết tin bài, chọn ảnh để gửi đi thì chậm quá
22/06/2024(Xem: 1942)
Có nhiều người khi sinh con ra, bên cạnh tên thật hay, thường có một tên khác gọi ở nhà dí dỏm dễ thương, hay tên thật dở để khỏi bị “bà” bắt. Bà ở đây là bà nào không ai biết được, thế nhưng nhiều người vẫn sợ rồi kiêng. Riêng đối với bà Thịnh, bà không tin như thế, ngược lại, bà cần con cháu bà tên thật hay, phải có ý nghĩa nữa để đem may mắn vận vào cuộc đời nó.
12/05/2024(Xem: 7782)
Thời gian gần đây hiện tượng sư Thích Minh Tuệ tu theo hạnh Đầu Đà đi bộ từ Nam chí Bắc đã được quần chúng đủ mọi thành phần ngưỡng mộ. Họ chờ đón sư ở dọc đường, cúi đầu hoặc quỳ xuống lòng đường để đảnh lễ, tặng đồ ăn thức uống, có khi tháp tùng sư một đoạn đường dài. Có khi họ tụ tập quanh sư tại nơi nghỉ chân, có khi là nghĩa địa, một ngôi nhà hoang, hoặc dưới tàng cây, ngồi quanh sư để nghe sư thuyết pháp hoặc vấn hỏi một số vấn đề. Đặc biệt tại Thanh Hóa có cả xe chở mấy chục học sinh Tiểu Học, tung tăng chạy tới để chiêm ngưỡng và vái lạy sư. Và lần đầu tiên một vị sư thuyết pháp tại một nghĩa địa.
02/05/2024(Xem: 2436)
Biến cố 30 tháng 4 năm 75 không những làm đảo lộn cuộc sống của người dân miền Nam, làm xóa tan một chính thể Cộng Hòa nhân bản mà từ Đệ Nhất tới Đệ Nhị Cộng Hòa đều mang đến tự do, hạnh phúc cho người dân. Không như sáo ngữ "Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa - Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc", nghe như một liều thuốc tê làm mất hết cảm giác và trở thành con người vô cảm lúc nào không hay!
03/04/2024(Xem: 2986)
Có thể do một sự thần khải, thiên khải, mặc khải hoặc một phép mầu nhiệm, phép linh thiêng, phép huyền bí nào đó, hoặc do đại giác ngộ, đại ân sủng mà toàn thể loài người bỗng dưng trở thành tu sĩ! Thật đại phúc! Vui mừng khôn xiết! Mấy ngàn năm qua với bao lời rao giảng, truyền đạo, răn dạy mà con người vẫn cứ mê luyến vào cuộc sống phàm tục, sinh con đẻ cái, làm giàu, hưởng lạc thú trong cái cõi đời ô trọc này. Nay thì - đúng là ước mơ đã thành hiện thực của các giáo hội. Trong nỗi vui mừng khôn tả đó, việc đầu tiên là phải giải tán ngay phái bộ truyền giáo bởi vì mọi người đã trở thành tu sĩ rồi thì cần gì phải truyền đạo nữa? Tuyên truyền cho ai bây giờ? Còn đất đâu? Còn dân ngoại đạo nữa đâu mà tuyên truyền? Thôi thì cả triệu tấn giấy, hình ảnh, tài liệu, phim ảnh, CD, DVD, Video được đem ra đốt, bao nhiêu đài phát thanh, chương trình truyền hình, website truyền đạo cũng đều dẹp bỏ. Tuy nhiên trong nỗi hân hoan ấy việc chuyển hóa cả một cấu trúc xã hội thế tục vô cùng phức tạp qua
01/04/2024(Xem: 1880)
Sáng thứ Bảy cuối tuần rảnh rang, tôi rong xe về phố, qua bên kia đầu cầu Hà Ra ghé thăm đạo huynh Duy Pháp-Đinh Hoà ở dốc Đoàn Kết. Ngồi ngoài ban-công sân thượng, huynh đệ vừa uống trà, nhâm nhi tách cà phê nóng bên mấy chậu kiểng hoa hồng, vừa trò chuyện đổi trao chuyện Đạo trong Đời, Đời có Đạo, thật thân tình và đầy hứng khởi... Đây là lần thứ ba tôi có mặt trên "tịnh thất sân thượng" của huynh Duy Pháp. Lần trước là vào dịp Tết mới rồi, khi tôi đứng phóng mắt ngắm cảnh xa gần chung quanh, thấy được bóng dáng của chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa trên núi Sinh Trung hiện ra xa xa ở góc nhìn lạ, nên lần này tôi không quên mang theo máy ảnh gắn ống kính tele để "săn cảnh già lam"...
30/10/2023(Xem: 3231)
🐄Bò làm mệt, than với chó: " Tao mệt quá ". 🐶 Chó gặp mèo tâm sự: " Bò nó kêu mệt, chắc làm quá sức, chắc nó đòi nghỉ một chút". 🐱 Mèo gặp dê tám chuyện: " Bò nó muốn nghỉ một ngày vì công việc làm nó mệt quá, có lẽ ông chủ bắt nó làm quá sức". 🐐 Dê gặp gà: " Bò nó đòi nghỉ làm, ông chủ bắt nó làm đến kiệt sức thì phải". 🐔 Gà gặp heo nói: " Biết chuyện gì chưa, bò nó định đổi chủ và bỏ việc đấy".
21/10/2023(Xem: 3276)
Từ đầu đến giữa năm 2020, con virus do Tập Cận Bình (TCB) cho tạo ra tại Viện Nghiên Cứu ở Vũ Hán, chẳng những để giết người dân Tàu ở Vũ Hán chống đối đường lối cai trị tàn ác dã man của Tập, mà còn cho con virus ác ôn này xuất ngoại với âm mưu thâm độc là gây truyền nhiễm, lây lan cho người dân lành khắp mọi nơi trên thế giới. Rồi đây đảng cộng sản Tàu do TCB dẫn dắt đã gieo cái nhân ác, sẽ nhận lãnh cái quả không thể nào lường trước được. Xin quý độc giả hãy chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.
01/09/2023(Xem: 28320)
Bát quan trai giới Cửa Vào Tuyệt Đối Chiến tranh, tình yêu, hoài niệm và truyện ngắn Võ Hồng Dẫn vào Tâm Kinh Bát Nhã Dẫn vào thế giới văn học Phật giáo Du-già Bồ-tát giới Duy-ma-cật Với Các Đại Thanh Văn Duy tuệ thị nghiệp Đạo Phật và thanh niên
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com