- 01. Mùa Hoa Năm Nào
- 02. Sống
- 03. Vườn Cải Hoa Vàng
- 04. Bệnh Nan Y
- 05. Sư Ông và Lãng Tử
- 06. Hữu Công, Hữu Tội
- 07. Bức Tranh Phù Thủy
- 08. Những Giọt Lệ Hồng
- 09. Hai Cha Con
- 10. Tiếng Gọi
- 11. Mẹ Tôi
- 12. Khai Bút
- 13. Xuân Tâm
- 14. Họa Phúc Trùng Trùng
- 15. Dốc Mơ Đồi Mộng
- 16. Phụ Trương - Phật Mẫu
- 17. Phụ Trương - Sống Tức Là Tương Quan
DỐC MƠ ĐỒI MỘNG
Tu Viện Trúc Lâm Canada Xuất Bản PL. 2547 DL. 2003
Ở
đây, mùa Đông là những ngày mưa dầm, mưa lê thê từ sáng
đến chiều, từ hôm này đến hôm khác. Bầu trời xám
xịt, mặt đất sủng nước, hơi ẩm là mọi người cảm
thấy khó thở và người ta rủ nhau ách xì, sổ mũi, ho hen. Trong tình trạng thiếu nắng một cách trầm trọng như thế,
trong nhà ai cũng cảm thấy khó chịu và dễ trở nên cáu kỉnh,
quạu quọ.
Ông
Tư Hoàng đi tới đi lui trong phòng khách rộng, trang hoàng đẹp
mắt theo lối Âu Mỹ. Ống đứng ngồi không yên, vặn
tivi rồi lại tắt. Tin tức cứ lập đi lập lại đến
phát chán. Cô xướng ngôn viên chính của đài CNN vốn
được báo chí Mỹ bầu là người duyên dáng nhất trong lĩnh
vực thông tin cũng không làm ông vui lòng. Xem phim thì
không thích. Ông vẫn thường tuyên bố: “Cuộc
đời vốn đã là mộng, phim truyện lại còn tạo ra thế giới
của ảo ảnh, của tưởng tượng làm người xem bị chìm
sâu vào giả huyễn”. Phim chưởng lại còn tệ hơn nữa,
vì kỹ thuật quá ấu trỉ, nghèo nàn…
Ông
liếc ra sau: vợ ông loay hoay mãi trong bếp. “Già
rồi, không nghỉ ngơi cho khỏe, cứ lục đục hoài!” Ông lầu bầu trong miệng như thế rồi tằng hắng một tiếng
gọi vợ:
-
Bà ơi, ra tôi hỏi chuyện chút coi!
Ba
Tư bưng ra cho chồng một ly cà phê “phin”, nhẹ nhàng đặt
xuống bà, im lặng chờ. Bà đã quen tuân phục chồng
như thế, từ mấy chục năm nay.
-
Sao, thằng Huỳnh nói thẳng với bà là cưới vợ xong, tụi
nó ra ở riêng hả?
Tìm
cách làm dịu lại sự khổ tâm của chồng, bà cười, nói
như đùa:
-
Thì vợ chồng son mà, đâu ai muốn mất tự do…
Ông
chép miệng:
-
Nhà rộng thênh thang không chịu ở… Nó lại bắt chước
anh Hai nó. Kẻ đi trước đã vậy thì người sau đâu
thể khác hơn được…
-
Thôi ông ơi, ở Mỹ mà, bắt tụi nó ở chung làm chi.
Tụi nó cưới vợ Việt Nam còn đỡ chứ lấy vợ ngoại quốc
thì kể như con mình bị bắt cóc luôn.
Biết
mình vừa lỡ lời, bà Tư nín ngang. Ông Hoàng vẫn thường
chua chát tuyên bố với bạn bè: “Trưởng nam của tôi
bị bắt cóc rồi!”
Bà
đứng lên đi lấy cái muỗng để khỏi tiếp tục câu chuyện. Ông Tư thẩn thờ nhìn những giọt cà phê đen sậm, đặc
quánh, rơi xuống từng giọt buồn…
***
Mỹ
Yến vừa dỗ con ngủ xong. Buổi trưa nào mà hai đứa
ngủ một lượt thì nàng có thì giờ rảnh rang đôi chút. Nàng muốn ngã lưng ngủ một giấc ngắn trước khi lo bữa
cơm chiều nhưng cái thiệp đám cưới vừa nhận được sáng
nay làm nàng suy nghĩ mãi. “Chú Út sắp cưới vợ, mà
sao chẳng ai điện thoại bàn tính với vợ chồng mình cả? Kỳ này chắc ông già từ luôn rồi. Rõ ràng cái thiệp
chỉ đề tên ảnh, lại là cái thiệp báo tin thôi, không mời
tham dự…”
Hình
ảnh ông bố chồng nghiêm nghị lạnh lùng lại hiện ra, trông
đáng ngại như quan tòa xử phiên hình sự. Cặp lông
mày xách ngược màu xám tro của ông có những sợi dài, cong,
rủ xuống, tạo cho đôi mắt sắc bén của ông một chút gì
bí hiểm.
Dù
thuở ấy Mỹ Yến còn ngây thơ trong lứa tuổi sinh viên, dù
được sinh ra và lớn lên trong môi trường văn hóa Mỹ, cô
cũng đủ nhạy bén để hiểu rằng ông bố chồng đánh giá
cô và cả gia đình cô quá thấp, nghĩa là chẳng môn đăng
hộ đối chút nào.
Vốn
trước kia đã du học ở Mỹ cho nên sau 1975, tản cư qua Mỹ,
ông tiếp tục nghề kỹ sư công chánh một cách dễ dàng. Ba đứa con của ông, người nào cũng có cấp bằng, địa
vị. Hoạch, chồng nàng, là giáo sư đại học, cô em
chồng là dược sĩ lại có chồng bác sĩ còn chú Út vừa
học xong nha khoa. Đây là gia đình Việt Nam thuộc hàng
danh vọng ở Portland, Oregon.
Trong
khi đó, ba nàng chỉ là công nhân tầm thường trong hãng giấy,
mẹ làm nghề uốn tóc. Mỹ Yến là chị cả của ba đứa
em trai. Chị lấy chồng lúc mới hai mươi tuổi, việc
học chưa đi tới đâu.
Bởi
vậy cô em chồng đanh đá của Yến, hễ gặp mặt là bóng
gió xa gần bằng câu hát: “Nói ra sợ chị em cười,
rằng tôi nhan sắc cho chồng say mê…” Yến nhỏ hơn
chồng đến mười lăm tuổi, sắc vóc lại dễ nhìn nên Hoạch
cưới vợ rồi, muốn nàng nghỉ học. Yến chịu nghỉ
học với điều kiện phải dọn ra ở riêng. Thế là
Hoạch chuyển sang ngành nghiên cứu, làm việc ở Florida.
Chắc
chắn Hoa đổ dầu vào lửa khiến ông bố chồng, vốn không
ưa nàng dâu trưởng, đã không hề bước chân tới nhà của
vợ chồng Hoạch, chẳng thèm nhìn đến cháu nội: một
đứa rồi hai đứa, sinh năm một.
Hoạch,
thật ra, chẳng phải mê vợ đến nỗi quên mẹ quên cha nhưng
công việc ở sở thì bù đầu, về nhà phải trông con giúp
vợ, chàng không có dịp về thăm. Ngày kỵ giỗ, ngày
Tết, lễ Thanks Giving, Christmas… Hoạch chỉ có thể gọi
điện thoại về nhà. Mong mẹ bắt phone nói chuyện cho
đỡ nhớ nhưng lần nào cũng chỉ nhận được những lời
trách móc, cay cú của ba…
Thế
là chàng “lặn” luôn cho khỏe thân, dù giải thích đến
mấy đi chăng nữa, bố cứ khăng khăng trong đầu là “con
nó mê vợ, bỏ mẹ bỏ cha!”
Thời
gian vô tình chẳng những không xóa nhòa được sự bất hòa
còn làm họ ngày càng xa nhau hơn. Mới ba năm mà tình
thân tưởng chừng đã nhạt.
Mỹ
Yến còn quá trẻ, quá non nớt để có thể giải thế cờ
khó khăn này. Cô ngây thơ nghĩ rằng “thôi thì được
yên thân ngày nào, khỏe ngày ấy!”
Ba
tháng ở chung bên nhà chồng là một chuỗi ngày hết sức
nhục nhằn, đắng cay; kỷ niệm này như lưỡi lam bén
ngót, thỉnh thoảng lại trồi lên, cắt hết những cảm tình
còn sót lại trong trái tim nàng.
Dù
sao, với sự giúp đỡ, giải thích của mẹ, Yến cũng hiểu
một phần nào nỗi khổ của ông già chồng: ông đã
quen sống với quyền uy, thế lực, danh vọng, bây giờ hưu
trí rồi, những thứ ấy từ từ biến mất hết. Và
con cái đối với ông, cũng là một thứ sở hữu, nay chúng
dám tự ý sống cuộc đời riêng tư, dám từ chối sự che
chở của ông, ông càng thấy tự ái bị thương tổn nặng
nề. Yến hiểu thế nhưng Yến chưa thương được, có
lẽ vì ông và con gái ông đã làm khổ Yến nhiều quá…
Hai
đứa nhỏ tặng cho mẹ mấy tiếng đồng hồ êm ả, chúng
còn ngủ say sưa. Sau khi nấu nướng, đặt bàn xong, Yến
đi tắm. Nàng luôn luôn giữ được vẻ tươi mát dù
trong lòng có sự buồn bực hay âu lo.
Hôm
nay Hoạch đi làm về sớm, trông mệt mỏi hơn thường ngày. Yến thấy chàng già hơn. Những sợi tóc trắng đã xen
lẫn trong đám tóc đen dày, vết nhăn trên vầng trán rộng
rõ nét hơn và đôi mắt đã làm Yến rung động xao xuyến
trong những giờ ngồi trong lớp của chàng - trở nên xa vắng,
u hoài với những quầng thâm.
Hoạch
nở một nụ cười với vợ; Yến có cảm tưởng chàng
đang cố gắng vì cái cười ấy như một món trang trí nhân
tạo, một cây kiểng bằng nhựa nhuộm màu, không có sức
sống.
Đột
nhiên, Yến nhớ đến câu nói của mẹ lúc nàng báo tin “sẽ
rời Portland nay mai, sẽ hoàn toàn tự do”. “Con à, cây
bứng ra khỏi đất, cây sẽ bị héo úa, nếu không khéo chăm
sóc, con sẽ thất bại đấy!”
Lòng
nàng chợt thấy dấy lên một sự ray rứt mơ hồ nhưng nó
lại chìm xuống ngay vì những người bạn Mỹ ở quanh đây,
ai cũng sống như Yến thôi; hình ảnh đại gia đình sống
chung, đối với họ, là một thứ gì không thể chấp nhận,
không thể tưởng tượng nỗi.
Theo
thói quen, Hoạch vừa ngồi xuống thào cà-vạt, vừa kiểm
thư. Ồ! Thiệp cưới của chú Huỳnh! Chú này
tệ thật, cưới vợ mà không nói anh biết trước. Nhưng
thiệp mời đâu? Chỉ báo tin suông à? Chú ấy đãng
trí thật! Mà không, đây là tuồng chữ của ông già…
Hoạch
chống tay xuống bàn, nhìn lơ đãng ra sân sau qua cửa kính
trong suốt. Trên đám cỏ xanh non, mấy chú chim sáo đang
tắm nước rỉa lông cạnh hòn non bộ có suối chảy róc rách… Kỷ niệm thời thơ ấu hiện về như những đám mây bồng
bềnh lãng đãng trên vòm trời ký ức xanh như ngọc thạch.
Chú
Huỳnh ấy à, từ nhỏ xíu mới ba,bốn tuổi thôi, đã là
người “duy lợi chủ nghĩa”; muốn chú nghe lời, chỉ
cần cái kẹo, miếng bánh là được. Nhớ mỗi lần Hoạch
gây gổ với cô em gái, để kéo chú về phe mình, anh cứ tặng
cho chú vài ba viên bi chai hay một con dế đá,con cá lia thia…
là chú trở thành một đồng minh sốt sắng, trung thành hết
mực.
Hoạch
suy đoán tiếp: chú ấy mới ra trường, tiền đâu cưới
vợ, chắc là chú giao toàn quyền cho ông già sắp đặt lo
liệu… Rõ ràng nét chữ trên thiệp là của ông già. Hình ảnh của bố hiện ra: thân hình cao lớn, cái trán
trượt thông thái, đôi môi mỏng với khóe miệng xếch mũi
thuyền và đôi mắt nhiều thị lực, lúc nào cũng muốn thị
uy, ra lệnh…
Thật
ra, ông là người chủ gia đình tốt, thương yêu vợ con, không
tứ đổ tường. Nhưng cách thương của ông làm anh ngột
ngạt khó thở quá, ông muốn mọi việc, mọi người đều
phải răm rắp tuân theo ý ông.
Một
cách lờ mờ, Hoạch cảm thấy hố sâu ngăn cách hai người
là ở chỗ đó. Bố chàng là người của thế hệ rất
xa xưa của thời phong kiến, thời mà người ta ca tụng “phụ
xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”. Tư tưởng đó,
đối với một người trí thức hấp thụ văn hóa Âu Mỹ
từ hai mươi lăm năm nay, là một cái gì nghịch lý vô cùng.
Hầu
như bố chàng không thể nào chấp nhận sự bình đẳng về
tư tưởng giữa bố con. Đừng hòng tranh biện, cãi lý
với ông. Ông sẽ tát tai, sẽ đập bàn ghế và quát
tháo dữ dội… Ðó là một ông bố độc tài quá cỡ,
may mà ông không làm vua!
Hoạch
nhận ly nước cam tươi từ tay vợ. Sự mệt nhọc như
vơi bớt đi theo từng ngụm nước lạnh, ngọt ngào. Chàng
đứng lên, hôn trán vợ, nắm tay nàng đến giường các con. Thằng Tí lớn đã thức dậy, đứng nhón chân, miệng bi bô,
giơ tay đòi ba ẳm, Tí nhỏ vừa trở mình đã được vòng
tay êm của mẹ nâng lên.
Chàng
ôm lấy con, nghĩ thầm: tụi bây sướng hơn tao nhiều
vì sau nầy lớn lên, khỏi phải tranh đấu cho “nhân quyền”
với “vua” cha.
Vốn
dĩ thông minh và nhạy cảm, Hoạch hiểu “thông điệp” của
bố qua cái thiệp báo tin: “Cho mày hay tin đó, liệu
mà về, còn tha thứ được, bằng không, tao từ luôn.” Dù sao, đây cũng là “lệnh ân xá” của ổng. Ờ, thì
mình cũng rán về cho vui vẻ cả, nhưng phải về bất ngờ
để xem phản ứng của bố ra sao?
***
Sau
đám cưới của cậu con Út, ông Hoàng ngã bệnh nặng, cảm
sốt mấy tuần liền, không ăn uống gì được. Bà Tư
phải chở chồng đi bác sĩ chích thuốc và vô nước biển
mỗi ngày. Khi cơn bệnh lui dần, ông trở nên ít nói
cười, cả ngày ngồi yên lặng, nhìn mông lung và trí nhớ
ngày một kém đi.
Nhà
không còn ai ngoài đôi vợ chồng già. Bóng tối của
tuổi về chiều làm căn nhà trở nên ảm đạm, u trầm hơn. Huỳnh và vợ mới cưới, sau tuần trăng mật ở Hawaii đã
ở riêng, thật xa chốn này. Hồng Hoa thỉnh thoảng cũng
về nhưng sự hiện diện của Hoa chỉ làm họ buồn bực hơn
vì bệnh ghen tương trầm trọng của cô: cô kể chuyện,
kể tội, kể sự nghi ngờ của cô về ông chồng bác sĩ hảo
ngọt mãi không dứt.
Còn
Hoạch thì không thấy tăm hơi gì. Hình như tụi nó có
điều chi giấu mẹ, bà gọi phone hoài không gặp ai. Trong
tình cảnh này, những người bạn già của ông bà thật đáng
quí. Họ thay phiên lui tới chuyện trò.
Vào
những ngày nắng đẹp hiếm hoi, những ngày nắng báo hiệu
nàng Xuân sắp đến, nhóm bạn rủ nhau đi chơi, nay chỗ này
mai chỗ khác. Chẳng hiểu sao họ đồng một ý nghĩ như
nhau là khi viếng cảnh chùa, được hầu chuyện cùng nhà sư
trẻ trụ trì vui tánh, họ cảm thấy thoải mái, ấm cúng
làm sao. Họ như được bao phủ trong không khí bình yên,
giản dị và hạnh phúc, thứ hạnh phúc mà ông Hoàng chưa
bao giờ được hưởng.
Nhà
sư bình dân và khiêm tốn, tiếp nhóm bạn này ân cần lắm.
Thầy biết họ có nhiều thì giờ thừa thãi, phải khéo léo
giúp họ tiêu pha thì giờ ấy một cách hữu ích. Đặc
biệt, thầy L.T. chú ý tới ông Hoàng vì sự đau khổ cùng
cực đã biến ông thành kẻ ngây khờ. Hiểu rõ tâm sự
của ông, thầy càng thương hơn.
Một
ngày đẹp trời đầu mùa Xuân, sau khi giải thích và giúp
nhóm bạn thực tập về thiền trà, thầy mở đầu cuộc pháp
đàm bằng câu chuyện đời mình rất tự nhiên:
-
Nhiều người hỏi tôi: sao thầy còn trẻ mà đi tu? Các bác chắc cũng sẽ hỏi như thế, phải không, dù bây giờ
tôi không còn trẻ nữa. Tôi đã bốn mươi lăm tuổi
rồi.
Mọi
người nhìn thầy, gật đầu. Họ thầm nghĩ: “Thầy
trông trẻ hơn tuổi nhiều, mà còn đẹp trai nữa: dáng
thầy mảnh khảnh, đôi mắt lúc nào cũng như ánh lên cái
cười, lại ăn nói dịu dàng, vui vẻ.”
Thầy
L.T. mỉm cười:
-
Tôi tin rằng tu hành phải có căn, nghĩa là có mầm mống từ
kiếp nào rồi, đến khi đủ duyên mới có thể xuất gia.
Từ
lúc mười tuổi, tôi đã thường tự hỏi: Làm người
ai cũng chết, mà sau khi chết rồi, đi về đâu? Thắc
mắc này có khi tôi hỏi bạn bè trong lớp, các bạn phá lên
cười rồi nói: “Hễ chết thì ra nghĩa địa!” Hỏi người lớn hơn, họ cũng không đáp được. Hỏi
cha tôi, cha rầy: “Còn nhỏ mà nói chuyện xa vời!”. Tôi không dám cãi lại nhưng đối với tôi, đó không phải
là cái gì xa vời vì sống chết là vấn đề trước mắt. Đâu phải già mới chết, người trẻ cũng chết mà!
Lớn
thêm chút nữa, tôi có duyên may lui tới chùa Xá Lợi ở Sài
Gòn. Ngoài những buổi được nghe giảng, tôi say sưa
với những cuốn sách Phật pháp. Dần dần tôi biết
con đường mình phải đi.
Năm
mười chín tuổi, tôi xin cha cho phép tôi đi tu. Cha tôi
buồn lắm. Tuy không cản trở nhưng ông nói như van nài: “Mẹ con chết sớm, cha chỉ có mình con. Con đi rồi,
cha ở với ai đây?”
Tôi
biết cha sợ cô đơn, cha trông cậy vào tôi. Nhưng dưới
nhãn quan của một người thông hiểu lý vô thường, vô ngã,
điều này không có gì bảo đảm. Tôi nào là gì đâu
hề, để người khác có thể nương tựa vào tôi?
Nói
tới đây, thầy L.T. nhìn thẳng vào bác Hoàng:
-
Nhờ bác tìm chỉ cho L.T. nhé, từ thể chất đến tinh thần
của L.T. có cái gì không thay đổi, có cái chi còn mãi không
hư hoại?
Ông
Hoàng lắc đầu. Ông thấy chân lý rất phổ thông ấy,
cái chân lý ai cũng biết mà ít ai muốn chấp nhận. Ông
cũng vậy, ông thích sống trong mê muội hơn là đối đầu
với sự thật đó vì ông không đủ can đảm nhìn sự mất
mát, cái gì rồi cũng vượt qua khỏi tầm tay… Nuôi
con như thể nuôi cò, nuôi cho cò lớn, co giò cò bay.
Thầy
tiếp:
-
Nếu mình muốn tìm chỗ nương tựa – tôi nói với cha tôi
– mình phải chọn cái gì bền vững hơn, có giá trị chắc
thực hơn chứ người này tựa người kia, dù đó là con cháu
ruột thịt, người vợ, người chồng, người bạn tri kỷ
thì ai cũng như ai, đều cùng chung số phận sinh tử, đều
có những phiền não khổ sầu, mạng sống thì mong manh.
Mỗi
ngày tôi gợi ý cha tôi một chút như vậy đó. Thế rồi,
đâu chừng ba, bốn tháng sau, ông gọi tôi lại và hỏi:
-
Tại sao con nghĩ rằng đạo Phật là chỗ nên nương tựa?
Tôi
thưa:
-
Nếu thực hành đạo Phật một cách đứng đắn thì lúc đang
tu, mình giảm thiểu được phiền não nhờ biết chế ngự
được lòng ham muốn, sự giận dữ và si mê mù quáng. Như vậy, nội tâm mình sẽ an ổn, thanh bình hơn người không
biết tu. Đó là hạnh phúc chân thật. Cao hơn nữa,
khi người tu phá được bệnh chấp ngã, chứng quả A La Hán
thì chấm dứt được sinh tử luân hồi, không còn phải thọ
sanh nữa. Tuy không bị nghiệp lực lôi kéo vào chốn
tử tử sinh sinh nhưng vì lòng từ bi vô lượng, người ấy
tự nguyện trở lại thế gian thực hành Bồ Tát đạo trong
tinh thần vô ngã, cứ như thế mà phát triển phước trí cho
trọn vẹn thì thành Phật, là đấng giác ngộ hoàn toàn, là
chỗ nương về của chúng sanh.
Ông
Hoàng bị lôi cuốn vào câu chuyện của thầy, không phải
vì giọng nói thầy hòa nhã dịu dàng vui tươi nhưng vì có
sự đồng điệu nào đó giữa người nghe với nhân vật người
cha trong truyện kể.
Phải
rồi, ông cũng sợ cô đơn trong tuổi già: vợ ông chắc
chắn sẽ đi trước vì bịnh thận kinh niên của bà, con gái
thì khi lập gia đình xong là tách riêng ngay, chỉ biết tới
tiểu gia đình của nó. Chung quanh ông rồi sẽ không còn
ai, mà như thầy vừa nói đó, không ai có thể là chỗ nương
tựa chắc chắn của mình được…
Ông
Hoàng rụt rè hỏi:
-
Thưa thầy, trong hoàn cảnh của tôi, rõ ràng là chẳng thể
nương tựa vào ai, mà tôi lại không có căn tu để xuất gia
như thầy, vậy tôi phải làm sao để giải quyết những khổ
tâm, những phiền não của mình?
-
Thưa bác, con người chỉ sợ cô đơn khi họ nghĩ tới mình
nhiều quá. Cái tôi của mình càng lớn, nỗi sợ hãi
và đau khổ của mình càng to. Biết quên mình để lo
cho người khác, biết phục vụ công ích mà không màng tới
ơn nghĩa, công trạng, đó là chìa khóa mở cửa chân trời
hạnh phúc. Nắm được chìa khóa đó, người ta sẽ sống
vui và tương lai của những kiếp vê sau sẽ tươi đẹp lắm.
Bà
Tư hướng mắt về phía chồng, nét hân hoan làm tươi lại
khuôn mặt héo hon và làn da tái nhợt của bà. Bà biết
tánh ông quyết liệt lắm, nếu chuyển đổi được quan niệm,
tư tưởng của ông, ông sẽ sửa đổi nhanh, ông sẽ sớm
có hạnh phúc.
Rồi
để kết thúc câu chuyện, thầy L.T. cười một cách hóm hỉnh:
-
Các bác biết không, cha tôi hỏi mãi, chất vấn tôi mãi về
Phật pháp, rốt cuộc ông đi xuất gia trước tôi. Ông
nói: “Tao là cha mầy, phải xuất gia trước, kẻo không,
tuổi hạ thấp hơn phải gọi mày là huynh à?”
Tôi
đùa: “Bây giờ ba nói vậy còn nghe dược, chứ nếu
mai sau, tuổi đạo lên cao rồi chấp vào danh vị, vào số
hạ, vào số đệ tử thì thật là uổng công tu hành đó ba!”
Tôi
nói xong, quan sát phản ứng của cha tôi, thấy ông điềm nhiên
không giận, tôi sung sướng quá! Hai cha con ôm nhau cười
mãi…
***
Hai vợ chồng đang dùng cơm trưa. Bữa cơm chay đơn giản với rau luộc, tương Cự Đà, canh chua rau muống, đậu hủ chiên. Họ ăn chậm rãi, không nói chuyện. Họ biết họ đang được nếm cam lồ vị.
Bỗng nhiên có tiếng chuông cửa. Bà Tư dơm đứng lên, ông Hoàng ra dấu để ông đi mở cửa. Ô kìa bất ngờ chưa? Vợ chồng con cái của thằng Hoạch! Trong lúc ông còn đứng trân ra đấy vì ngạc nhiên, bà Tư nhảy tới ôm chầm lấy con trai, rồi bà vỗ vai con dâu, cười với hai đứa bé đang bám chặt chân mẹ, dấu mặt sợ sệt.
Trong phút giây, ông Hoàng có dịp tự quan sát nội tâm mình: ông chẳng còn giận hờn ghét bỏ nữa, thật là dễ chịu sung sướng khi được gặp lại con trai, dâu và các cháu, ông nói:
- Thôi, tụi bây vào ăn cơm luôn cho vui. Bữa nay nhà ăn chay. Lâu lâu được ăn chay, mấy đứa sẽ thấy ngon miệng đấy.
Họ cùng tiến vào trong. Hai ông bà đều thấy bước chân Hoạch hơi khập khiễng. Bà Tư nhìn Mỹ Yến như han hỏi, cô thưa:
- Dạ, anh con bị tai nạn xe hơi ngày anh ấy lái xe ra phi trường để về dự đám cưới chú Út. Cũng may, nằm nhà thương hai tháng thì bình phục, tuy vậy chân đi cũng còn đau.
Ông Hoàng lại có dịp tự nhủ: “Vậy đó, mà mình cứ vì định kiến xấu, nghĩ bậy về nó rồi ghét, rồi giận cả đám!”
Trong lúc bà Tư nhìn con, xót ruột, ông Hoàng đỡ lấy cái vali cồng kềnh, nặng chịt trên tay con dâu. Mỹ Yến hơi bỡ ngỡ nhưng rồi nàng an tâm khi thấy vẻ mặt bố chồng tươi tỉnh và hiền lành, không phải như hồi đó.
Ông Hoàng lại có thêm kinh nghiệm cho việc tu hành: “Phiền não, sân hận chỉ là một đám mây đen kịt, nếu ánh sáng mặt trời đủ sức xuyên suốt qua đấy hay gió kịp thời làm tan nó đi thì mọi sự sẽ bình yên”.