Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển thứ 5

16/04/201318:21(Xem: 4293)
Quyển thứ 5

ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC LUẬN

(Siksasamuccaya)

Thích Như Điển dịch

---o0o---

Quyển thứ năm
Thứ tự Kinh văn số 1636.

Bắt đầu dịch từ ngày 19 tháng 11 năm 2004
Nhân kỳ nhập thất lần thứ hai.

Phẩm Không Thứ Tư

Phần thứ hai

Lại nữa Sơ hành Bồ Tát nghĩ như thế nầy:

- Ngươi kiên trì làm sao để giữ gìn Giới Pháp và luật nghi để mau phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Đọc tụng kinh điển Đại Thừa nếu thân ngữ ý còn chứa phiền não, nghiệp báo bất thiện đều được thanh tịnh.

- Như trước đây đã nói. Đây có tên là Sơ Hành Bồ Tát đệ tam căn bản tội.

Lại nữa Sơ Hành Bồ Tát nghĩ như thế này:

- Nầy Thiện nam tử! Như có thể xa rời sự nghe và thọ trì đọc tụng pháp Thanh Văn thừa, lại chẳng vì kia mà nói pháp Thanh Văn thừa. Chẳng được quả báo lớn, chẳng thể vĩnh viễn đoạn trừ phiền não. Nên tin vào kinh điển Đại Thừa, nghe hiểu thọ trì tụng đọc vì người khác mà nói kinh pháp Đại Thừa nầy. Có làm cho hối cải tất cả tội báo ở những đường ác, sớm được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề vậy.

Như người kia đã nói chấp vào thấy nghe đều là có tội. Đây có tên là Sơ Hành Bồ Tát đệ tứ căn bản tội.

Lại nữa Sơ hành Bồ Tát có hai loại ngôn ngữ như thường thấy trong kinh điển Đại Thừa. Vì lợi dưỡng mà rộng xưng tán thọ trì đọc tụng. Nghe nghĩa lý nầy rồi vẫn vì người mà nói , liền nói rằng:

- Ta là kẻ tu theo Đại Thừa, thấy kia được lợi mà hủy hoại sự đố kỵ.

Lại nữa, kẻ ấy được toàn phần hoặc từng phần, liền sanh lòng hủy báng lăng mạ khinh nhờn. Sự tật đố ấy là tự cao về thân này, liền nghĩ rằng mình được pháp hơn người. Ở nơi pháp Đại Thừa được nhiều điều lợi lạc, người này do tài lợi, vậy sẽ gặp đại trọng tội, hướng đến con đường ác , sa vào căn bản tội. Cũng giống như có người muốn vào trong biển lớn để sửa chữa thuyền bè. Mới đến được bờ biển, thuyền đã tan nát làm mất thân mệnh. Đây là Sơ Hành Bồ Tát Ma Ha Tát lại cũng như thế. Muốn vào nơi biển Đại Thừa, mà nhân duyên đại vọng ngữ và tật đố, phỉ báng niềm tin vào chiếc thuyền và đoạn trừ huệ mạng trí tuệ. Đây là Sơ Hành Bồ Tát non kém ngu muội cùng với các tiểu Bồ Tát, sự tật đố làm nên đại trọng tội. Đây có tên là đệ ngũ căn bản tội.

Lại nữa Thiện nam tử! Trong đời vị lai sẽ có người tại gia xuất gia Sơ Hành Bồ Tát ở nơi nghĩ không, sâu thuộc kinh điển Tam Muội Tổng Trì, cùng với sự nhẫn nhục trang nghiêm nơi các địa. Người Thiện, Sa Môn cùng Bồ Tát thực hành ở kinh điển Đại Thừa; thọ trì đọc tụng rộng vì người mà nói, rồi tự cho pháp nầy mình đã chứng. Do lòng bi mẫn, ta sẽ nói cho ngươi, hãy nên tu tập. Ngươi lại cũng sẽ chứng được pháp thậm thâm như ta đã chứng biết. Người kia không thật tin, tuy thường đọc tụng giáo pháp thậm thâm nầy, ta vì kia mà nói, ở nơi pháp thậm thâm chưa thật chứng. Chỉ cầu lợi dưỡng mà vọng cho là ta đã chứng pháp ba đời của chư Phật. Bồ Tát Thánh nhơn cũng chẳng có ai hơn. Đây sẽ mắc đại trọng tội, tức là kẻ dối trá trời người. Ngay cả Thanh Văn thừa cũng chưa thể được, hà huống vào hạnh nguyện cao cả Đại Thừa và đạt A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề ư? Giả như có người sống nơi hoang dã, ở dưới cây đại thụ khát nước, tìm cầu đồ ăn uống, mà cây ấy thật có đầy đủ tất cả sắc hương mỹ vị. Rồi tự mình bỏ độc dược vào gốc cây. Sau đó ăn trúng quả độc nên đã mất mạng. Ta nói người nầy lại cũng như thế. Ở nơi khó được mà được làm thân người , nương vào thiện tri thức, gặp pháp Đại Thừa, tham trước lợi dưỡng. Sự giả dối của mình là cái bia đạo đức để quấy rối người khác. Những hành tướng như thế mắc đại trọng tội. Do đại trọng tội nầy mà quyết định sanh vào đường ác. Người này bị tất cả hàng Sát Đế Lợi, Bà La Môn, Phệ Xá, Thủ Đà La cùng kẻ trí đều ruồng bỏ. Tất cả đều chẳng hề thân cận. Nầy Thiện nam tử! Đây gọi là Bồ Tát đệ lục căn bản tội.

Lại nữa Thiện nam tử! Trong đời vị lai vua Sát Đế Lợi có quốc sư là Chiên Đà La ngu xuẩn, tự cho là sáng suốt hiểu biết nên khởi lên kiêu mạn thọ dụng những tài vật lớn và huênh hoang. Dù bố thí để làm phước nhưng nương vào sự bố thí đó để tăng trưởng lòng ngã mạn. Đến thân cận với vua Sát Đế Lợi để khiến cho nhiều Sa Môn bị mất thế. Nương vào thế lực của vua dùng nhiều điều phi lý để hạch tội. Hoặc bức bách, hoặc tịch thu đồ vật của tháp Phật, hoặc vật của tứ phương Tăng, hoặc vật của hiện tiền Tăng, làm cho các vị Tỳ Kheo bị chuyển đổi đi. Còn các Chiên Đà La thì lại đến ở gần nơi vua. Như thế cả hai loại đều là trọng tội. Nầy Thiện nam tử! Đây có tên là Sơ Hành Bồ Tát đệ thất căn bản tội.

Lại nữa có vua Sát Đế Lợi cùng với Sa Môn Chiên Đà La lập ra những qui chế khi pháp mà cho là pháp, còn cho pháp là phi pháp. Bỏ rơi các khế kinh và Tỳ Nại Da (Vinaya-giới luật) chẳng nương vào thời cơ để nói và nói rộng ra. Xả bỏ con mắt đại bi nơi Bát Nhã Ba La Mật Đa học xứ, phương tiện thiện xảo học xứ, cho đến những khế kinh nói về những học xứ. Xả bỏ những hành tướng như thế, rồi những pháp mà vị Tỳ Kheo ấy trước tiên tu tập sanh ra nhiễu loạn. Sự nhiễu loạn ấy đã làm tổn hại đến trí huệ thân mệnh. Tức thời liền bỏ pháp tu chỉ và quán, thích làm việc phi pháp để được nhiều lợi.

Lúc bấy giờ vị Tỳ Kheo kia chẳng chế phục được những kết quả của phiền não. Hơn nữa, các Tỳ Kheo khác lại có tâm hủy báng hời hợt của vị Tỳ Kheo kia, vì đã đánh mất nhiều về sự thực hành giới. Thật chẳng phải Sa Môn mà tự cho là Sa Môn. Thật chẳng phải phạm hạnh mà tự nói là phạm hạnh. Thuyết pháp nghi ngờ như tiếng dội trong vỏ ốc, mục đích là làm cho vua và đại thần cung kính cúng dường; hướng về nhà bạch y để nói những pháp hành, không đúng tư cách của một Tỳ Kheo. Làm cho vua đại thần lập ra quy chế để kết nạp pháp hành của vị Tỳ Kheo kia, tự vui để thọ dụng đồ vật riêng. Như thế cả hai loại lún sâu trọng tội.

Vì sao vậy? Tỳ Kheo thiền định là ruộng phước lành, là chỗ nương tựa vào phước nghiệp cho mọi người, là cầu Tam Muội Tổng Trì, là khí phách kham nhẫn ở các địa. Giữ gìn những lợi khí làm ánh quang minh cho đời. Mở bày con đường chân chánh nơi các địa, có nghiệp phiền não, khiến cho chúng sanh nương vào con đường Niết Bàn. Nầy Thiện nam tử! Đây là Sơ Hành Bồ Tát đệ bát căn bản tội.

Luận rằng:

Như kia lại dẫn dụ nơi khế kinh rằng: “ Nếu chư Bồ Tát nghe tên của Hư Không Tạng Bồ Tát rồi không nghi ngờ, hay muốn thấy, sợ đọa vào đường ác nên sám hối trọng tội căn bản kia. Đến trước Hư Không Tạng Bồ Tát xưng tán người nầy cung kính lễ bái. Nầy Thiện nam tử! Như phước lực ở nơi người trước; hoặc thấy chính tự thân; hoặc thấy thân Phạm Vương cho đến hoặc hiện thân đồng nam đồng nữ thảy, làm cho Sơ Hành Bồ Tát rời chỗ ngồi đứng dậy. Rồi những tội phạm đều sám hối. Lại vì diễn thuyết những hạnh nguyện sâu sắc cùng phương tiện hay khéo của Đại Thừa, cho đến trụ nơi Bất Thoái Địa. Nói tổng quát chẳng bày ra trước mắt của Sơ Hành Bồ Tát kia. Ở Đông phương có A Lỗ Noa Thiên Tử trụ ngôi thiên tử, rồi đốt hương khuyến thỉnh nói lời rằng:

- Nầy A Lỗ Noa Thiên ! Có đại từ bi đầy đủ uy đức, chiếu khắp cõi Diêm Phù Đề, thương xót che chở bảo hộ. Từ phương xa liền khuyến thỉnh Hư Không Tạng Bồ Tát nói lời thương xót giác ngộ cho ta, mà trong giấc mộng phương tiện hiển thị những quả báo phạm tội. Chấp nhận sự sám hối của ta được vào trí huệ phương tiện của bậc Thánh Nhơn.

Khi A Lỗ Noa Thiên xuất hiện nơi cõi Diêm Phù Đề cùng với Hư Không Tạng Bồ Tát đồng đến. Bằng hình tướng thật giống như trong mộng hiện ra đứng trước. Sám hối trọng tội với thiên tử ở nơi tướng ấy; nghĩa là dùng đại trí phương tiện tri kiến phương; thiện xảo trí phương tiện. Sơ Hành Bồ Tát nơi các Tam Muội kia mà gọi là chẳng mất Bồ Đề Tâm, nương vào định kiên cố Đại Thừa để an trụ.

Luận rằng:

Hoặc kinh như trước nói dùng chơn ngôn để khuyến thỉnh các uy nghi. Lại nói rằng: “Không tịch sâu thẳm như rừng vắng. Ở nơi đó đốt Trầm thủy hương, Già La hương, Kiên Hắc hương v.v..., xông khắp mười phương cõi rồi năm vóc kính lễ. Chắp tay tụng chơn ngôn rằng:

Đản ninh tha tô một lý, xá tô một lý, xá ca lỗ ni, yết tả la, tả la vĩ tả la, tán tả la ca lỗ ni, yết ni lỗ, yết mưu la vĩ ngoạt đà, lý ma, tả nỉ lặt lỗ, nặc ma đa ca, lỗ ni yết tiến đa, ma ni bố, la yết ca, lỗ ni yết tác lý phược, bà di tác tha, ba giã a, ngụy giã, đà lý tác phổ, hiện tác phổ, hiện lỗ đệ vĩ, vi yết hiện, bàn lý, sắc chí, vĩ vi yết hiện, bố la giã ca, lỗ vị yết bố, la la diễn đổ ma ma, xá tác lý phược, bát thâm tả a luân, yết ngoặc đệ tác phược hạ.

(Tadyatha sumrsa sumrsa carunica caratu caratu vicara sancara karunika murara murara vegadhari namucane phuyajata karunika cintamani puraya karunika sarvasam me sthapaya ajnadhari sphugu sphugu rativivekagu drstivivekagu puraya karunika purayantu mamasam sarvatha casokagati svaha)

Như uy nghi đã nói ở trước. Tất cả các bệnh khổ; tất cả những sợ hãi, tất cả những sự khổ hại. Tất cả đều được tiêu diệt. Mọi sự mong cầu đều được thành tựu.

Luận rằng:

Nếu Sát Đế Lợi cùng các Bồ Tát dầu cho tội gì lại hơn kia, hoặc người trì giới. Sao lại nói tội? Sao lại mất mát? – nghĩa là nơi kẻ trì giới và kẻ mất mát khởi lên nhiều sự đả phá, chấp danh và tự thấy về mình. Do đây mà dần dà sanh sợ hãi, diệt các tội vậy. Nếu nơi tánh tội gốc nầy mà trừ được khổ căn bản rốt ráo chẳng tạo , thì ở nơi tâm Bồ Đề giới là chỗ rất cần thiết, liên tục tư duy quán sát như thật. Cho nên Kinh Phương Tiện Thiện Xảo (Upayakausalya-Sutra) nói về căn bản tội như sau:

“Nầy Thiện nam tử! Bồ Tát nơi học giới biệt giải thoát, Thức Xoa Ma Na trăm ngàn kiếp, duy chỉ ăn rau quả, giải thoát tất cả chúng sanh nhẫn chịu những lời nói ác. Nếu có Thanh Văn, Bích Chi Phật cùng tương ưng tác ý, thì đây gọi là Bồ Tát căn bản trọng tội.

Nầy Thiện nam tử! Kẻ mắc căn bản trọng tội nầy cũng giống như Thanh Văn hữu dư y Niết Bàn mà chẳng hay biết.

Nầy Thiện nam tử! Nói về tội căn bản là nơi Thanh Văn, Duyên Giác tác ý, chẳng lìa khỏi, cũng lại như vậy. Ở Phật địa Niết Bàn mà chẳng rõ biết”.

Luận rằng:

Những trọng tội do chấp ngã mà có. Ôm giữ diệu lạc là nghĩa thế nào? Nhiếp luận (Samgrahakarika) giải thích rằng:

“Có hai tội: Phá hoại vật của Tam Bảo dầu nhỏ như hạt cải và phỉ báng chánh pháp. Như đức Mâu Ni đã nói;

Kẻ phá giới Tỳ Kheo dầu mặc y phục Cà Sa; nhưng chẳng nghe theo xuất gia, cũng giống như người trong ngục tạo tội ngũ vô gián. Hoặc chấp vào tà kiến; hoặc phá hoại làng xóm.

Đây có tên là căn bản tội, như đức Thế Tôn đã nói.

Lại ưa nói về tánh Không; nhưng thật sự vô tri vô giác. Ở nơi trí của Phật, mà chẳng tu đường chánh giác, rời bỏ biệt giải thoát, lòng muốn cầu vào quả Đại Thừa. Lại làm cho những người có học chẳng đoạn trừ được tham chấp, vui hướng về trước người chấp xưng dương cái công đức riêng của mình. Do tạo cái sáng riêng của mình nơi người, nhằm mục đích được lợi dưỡng. Hoặc lại nói điều tà vọng: Ta đã được hạnh nhẫn sâu xa; hoặc lạm kẻ Sa Môn; lấy vật của Tam Bảo. Tất cả đều do chấp thủ tự kỷ vậy. Lại rời bỏ Sa Ma Tha (Chỉ) hoặc hành pháp Tỳ Kheo mà ưa thích hưởng thụ. Đây có tên là căn bản tội. Vì nguyên nhân đó đọa vào đại địa ngục.

Lại nữa Hư Không Tạng Bồ Tát trước Phật tuyên nói việc sám hối trong mộng xả bỏ tâm Bồ Đề có kệ rằng:

“Nếu có người đến xin

Tham tiếc chẳng bố thí

Do tham sanh phẫn nộ

Đánh đập các chúng sanh

Kẻ nhất tâm thanh tịnh

Lại không được cung kính,

Vì theo tâm nhiễm kia

Mà phỉ báng chánh pháp”.

Kinh Đia Tạng chép rằng: “Phật bảo Đại Phạm! Nếu nương vào giáo pháp của ta để xuất gia mà phạm giới ác hạnh, bên trong hủ bại như đồ dơ uế, thật chẳng phải Sa Môn, thật chẳng phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, thường bị nhiều phiền não hơn thua, bại hoại che giấu.

Như thế các Tỳ Kheo ấy chỉ phá cấm giới và làm những việc ác. Hãy vì tất cả trời, rồng, người v.v...chỉ rõ những việc làm phước đức. Cho nên thiện tri thức nầy chẳng phải là pháp khí. Cạo tóc, mặc áo Cà Sa, mà đối với vô lượng chúng sanh trồng các căn lành, vì đó khai đạo. Nhân việc gần gũi nầy mà sanh vào chỗ lành, hiển bày chánh đạo. Do vậy nếu nương giáo pháp của ta để xuất gia, kẻ giữ giới, kẻ hủy báng giới;

Ta từng chẳng nghe lời Chuyển Luân Thánh Vương mà nương vào thế tục. Vì chánh pháp, tự đánh đập thân nầy như ngục tốt tra khảo, trói buộc thân nầy cho đến chết. Huống nữa là làm điều phi pháp như Tỳ Kheo phá giới nầy thì tuy nương theo pháp của ta, nhưng như thây ma. Lại nói người ấy như trâu bò, nào có khác gì; cũng giống như ngựa lác.

Lại nói: Nếu nương vào giáo pháp của ta mà xuất gia, chuyện có chuyện không chẳng bị não hại. Tức là phạm vào việc hủy báng ba đời chư Phật, chưa qua khỏi sự thiêu đốt thiện căn, đọa vào vô gián địa ngục”.

Kinh cũng chép rằng: “Mặc áo Cà Sa hình tướng giải thoát, đây là sự kiến lập của Như Lai. Lúc bấy giờ lại có vô lượng trăm ngàn Thanh Văn cùng chúng Bồ Tát nghe Phật nói rồi, đều ăn năn những tội lỗi trước đã tạo nghiệp chướng. Như nói:

- Kính bạch đức Thế Tôn: Con từ xưa đối với vô lượng lời dạy của đức Như Lai và đệ tử Phật là công cụ, chẳng phải công cụ, thường hay có nhiều phẫn hận, mạ lị hủy nhục, đủ loại phỉ báng. Tạo tội nghiệp chướng đọa vào ba đường ác, kham chịu thọ nhận nhiều loại khổ sở. đó là điều quan trọng, kính bạch đức Thế Tôn! Những nghiệp chướng như thế tất cả nay con xin sám hối. Hoặc nói rằng: Kính bạch đức Thế Tôn! Con nhớ từ xưa đến nay, nơi lời dạy của Thanh Văn và đệ tử Phật là pháp khí, hay chẳng phải pháp khí; làm sợ hãi tăng thêm lời ác, mắng nhiếc cùng gậy gộc.

Lại cũng nói rằng:

-Với đệ tử Phật xâm nhập y bát, đoạt lấy thọ dụng.

Lại cũng nói rằng:

-Bắt người xuất gia hoàn tục, sai bảo làm việc phi lý.

Lại cũng nói rằng:

Đệ tử Phật là pháp khí, chẳng phải pháp khí; có tội hay chẳng có tội; bị trói buộc trong ngục tù; là nghiệp chướng rơi trong nhiều kiếp bị rơi vào con đường ác; thọ nhận chịu đựng nhiều nỗi khổ khó khăn.

Lại bạch rằng:

Kính bạch đức Thế Tôn! Với những tội nghiệp chướng nầy tất cả nay con xin sám hối và chẳng dám tạo nữa.

Kính mong đức Thế Tôn thương xót chấp nhận cho, cứu vớt cho chúng con về những tội báo lớn nầy”.

Kinh Chướng Ngại Xuất Gia (Pravrajyantaraya-Sutra) lại chép: “Như người thành tựu bốn đại pháp xá, ở chỗ sanh thật là khó khăn, như sanh ra mù, ngu, câm; hoặc Chiên Đà La ưa thích hủy báng, chẳng có vui chân thật. Thường làm nô bộc (kẻ ở), hoặc làm người nữ bán trầu cau v.v...bị quả báo làm lạc đà, heo, chó, cho đến rắn độc. Thế nào là bốn? Người đại xá vì ở quá khứ các đời chư Phật đã làm tăng lên thế lực lớn; đã làm cho các chúng sanh phát tâm xuất ly; tâm xuất gia; tâm Thánh đạo, mà đã tạo nên chướng ngại, đây là điều thứ nhất.

Lại nữa tham đắm tài lợi, tham con cái chẳng tin nghiệp báo. Nghĩa là lời nói, vui cười tự tại đối với sự giàu có; nam nữ thê thiếp dẫu muốn xuất gia, gây nên trở ngại, đây là việc thứ hai.

Ngoài ra hai loại khác là: Hủy báng chánh pháp và làm hại đến Sa Môn, Bà La Môn”.

Luận rằng:

Mười nghiệp bất thiện là khó; có khổ báo rất lớn. Như Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói về tội báo của việc sát sanh. Ở đây chỉ lược nói địa ngục.

“Lại nữa có con chim tên là Hỏa Đảnh Hạnh. Trong lửa chẳng bị thiêu, thấy người ở địa ngục, thật là vui mừng. Đầu tiên mổ đầu người , sau đó uống máu huyết . Lại có con chim tên là Độc Lâu Hành, ở trong lửa thật nóng ăn não, mỡ, tủy. Lại có con chim tên Thực Thiệt, chuyên ăn lưỡi của tội nhơn, ăn rồi thì lưỡi mọc trở lại lưỡi mềm mại như lá hoa sen, nghĩa là theo sự tùy tưởng sanh ra. Lại có các loài chim Bạt Xĩ (ăn những cái răng) ; Chấp Yết Hầu (nắm giữ cái cổ), Thực Mao (ăn lông); Thực Phế (ăn phổi); Thực Sanh Tạng (ăn ruột); Thực Cốt (ăn xương) ; Thực Ôn Mật (ăn mật) phá xương cốt để uống tủy.

Lại nữa có chim Đính Khổng , lưỡi nhọn như kim, chỉ toàn uống huyết. Lại cũng có những con chim Cốt Trung Trụ (ở trong xương);Phạt Qua (nơi móng tay) có con thì ăn mạch máu, có con ăn tóc; có con chỉ ăn gốc tóc. Như thế, nơi A Tỳ địa ngục, ba ngàn do tuần có những Dạ Xoa ác làm chim bay qua, bay lại, trong trăm ngàn năm rồi lại tái sanh nữa, thọ khổ vô cùng”.

Kinh ấy cũng nói: “Tất cả những lưới khổ đó vây chặt chung quanh. Lại có địa ngục tên là Đọa Hiểm Ngạn (rơi vào nơi bờ hiểm nguy). Những tật thú nơi đó mong kêu cứu với chung quanh bốn bề; nhưng mười phương bị lửa bao vây, cô độc chẳng có bạn hữu. Chỉ có oan báo, gây nghiệp là trói chặt thường theo thôi, nghĩa là làm cho thú nơi đó nhập vào đại địa ngục. Lại nữa những thú đã đọa vào những nơi hiểm nạn rồi, khi bỏ chân xuống bị lửa vây đốt chung quanh, khi giở chân lên bị sanh trở lại, đến đi qua lại nhiều lần thọ những cực hình thống khổ. Như thế thật là hoảng sợ, tất cả đầu mắt tay chân đều bị cắt ra từng phần. Rồi bị thiêu đốt, mà ở trong cuộc đời thật khó có. Gọi là đọa vào chỗ hiểm ngạn, lại cũng nói là đọa xứ. Gió nghiệp bay lên đến với ba ngàn Du Thiện Na (Do Tuần). Sau đó đọa vào địa ngục rồi bị chim Kênh Kênh tranh nhau ăn thịt cho đến nghiệp gió kia nổi lên, rồi bị đọa trở lại như cũ, trải qua trăm ngàn năm thọ những khổ hình như thế”.

Lại kinh ấy cũng chép rằng: “Còn có đọa xứ tên là Thiết Thiết Luân. Có ngàn trục xe như thế đốt cháy thật mạnh. Ngay cả, vật cứng như Kim Cang cũng không thể hoại được, mà bánh xe ấy nghiền nơi thân tội nhơn. Rồi thân tan nát tất cả đều bị thiêu đốt. Dùng chân ở nơi đó để đi như bị kim chích, như vào núi lửa có nhiều trùng đốt, ăn thịt tội nhơn kia, ăn rồi lại sanh trở lại. Trải qua nhiều lần thọ khổ cực hình như thế, sanh rồi bị ăn thịt, ăn thịt rồi sanh trở lại. Thịt của thân thật khổ không kể xiết. Do ý ưa tạo nghiệp sát sanh mà nhận quả như vậy”.

Luận rằng:

Chẳng cùng với quả báo, ta nay sẽ nói về nghiệp làm ác kia. Ở nơi địa ngục có những dụng cụ như bánh xe bằng lửa quay, thành Càn Thát Bà giống như nai hiền. Do nghiệp si ác thấy có vật quý, y phục đồ dùng nhiều loại khác nhau, là do nghiệp si vậy. Ở nơi thiêu đốt những vật kia là do nghiệp của mình đã tạo ra Diệm Ma La Tốt cầm đao kiếm nghênh tiếp đến chỗ thành bằng sắt rồi sát hại tội nhơn thiêu cháy tất cả tứ chi, tuy chỉ có xương còn lại. Đều do từ vô thủy đến nay chẳng xả tài vật mà thọ khổ báo nầy.

Luận rằng:

Nay ta sẽ nói về người tạo tội dâm dục tà hạnh. Nơi khổ trước đã giảm, liền được thoát khỏi. Ác nghiệp quay lại tăng lên như lửa lớn tụ lại. Lại đọa vào nơi ác tà kiến. Do nghiệp đã tạo, do thấy người nữ , như trước kia đã thấy. Khi đã thấy rồi, như từ vô thủy đến nay lửa tham phát khởi, liền vội chạy đến người nữ. Do nghiệp mình đã tạo, mọi thứ đều thành sắt, phanh thây ra từng phần mà ăn thịt. Đến chẳng còn phần nhỏ như hạt cải, ăn rồi liền sanh trở lại. Sanh rồi lại bị ăn thịt. Người như thế bị lửa tham vây đốt, thọ chịu nhiều cực hình thống khổ. Như thế lửa dục thiêu đốt người nữ kia chẳng nhớ sự khổ não. Người nữ trở thành sắt , cứng như Kim Cang, thân hoá lửa như đồng cháy rồi nắm lấy tội nhơn ném thân vào cát. Toàn thân thể bị đốt cháy tan hoại. Khi tan rã rồi lại sanh ra nữa như trước đã nói. Ở đây lược nói kệ rằng:

Nữ sắc - tội căn bản

Hủy hoại bao phước lợi.

Ai đắm nhiễm nữ sắc.

Sao vui niềm vui lớn.

Đời nầy và đời sau,

Với người nữ một lần

Xa lìa được nữ sắc,

Thân an ổn vui vẻ.

Luận rằng:

Nay nói về nghiệp vọng ngữ. Như kẻ có thế lực lớn trị tội phạm nhơn bằng cách trói cột, lấy dao rạch miệng, lấy kim đâm vào lưỡi. Quả báo của vọng ngữ cũng như thế. Vì nghiệp xấu nầy mà lưỡi bị kéo ra năm trăm Du Thiện Na (Do Tuần), ở trên đó người cai ngục liền bỏ bi sắt cháy đỏ lên trên . Vì nghiệp đã tạo, nên có trăm ngàn hòn sắt, đốt cháy hừng hực; Có những con bò to béo mạnh khoẻ kéo cày qua lại trên lưỡi, máu huyết tuôn chảy không ngừng. Cày xong lưỡi lại hoàn như cũ. Đặc biệt, lưỡi nầy hoàn lại như cũ, còn mềm mại như tướng lưỡi của Trời, rồi tạo ra âm thanh khóc lóc, thọ nhiều khổ não, trải qua vô lượng trăm ngàn năm khó lìa khó nhẫn. Người ở địa ngục kia, khi lưỡi vào trong miệng thì sanh hoảng hốt. Đây là tướng trạng của việc ác nơi nơi đã rõ. Đọa vào chỗ lửa mạnh bị nướng cháy, mà lưỡi đau buốt hy vọng kêu cầu; nhưng lại bị người hành hình, tay cầm đao gậy làm việc ma để đánh đập tội nhơn từ đầu đến chân, rã tan như hạt bụi.

Luận rằng:

Quả báo lưỡng thiệt cũng giống như vọng ngữ đã nói. Lưỡi kéo ra ba trăm Du Thiện Na bị ngục tốt mang dao nóng đến để cắt lưỡi nầy. Có chó và chó sói đến ăn thịt. Thọ nhận cực hình đau khổ dấu hiệu khóc lóc. Lưỡi bị cắt rồi sanh trở lại như trước đã nói.

Luận rằng:

Quả báo của sự ác khẩu bây giờ sẽ nói tới. Ngục tốt trói buộc tội nhơn kia, dùng dao xẻo miệng rồi lấy lưỡi ra cắt. Do vậy đói khát cầu việc ăn uống, khiến tự ăn lưỡi của mình rồi uống máu của mình. Đây là nghiệp lực xấu vậy. Cắt lưỡi rồi lại sanh trở lại. Tội nhân cúi gập mình xuống đất thốt ra lời kêu cứu. Tròng mắt dao động thọ nhiều cực hình thống khổ. Ngục tốt lại dạy bảo: Do tự ngươi làm có ai thay thế được. Nói như vậy rồi, từ lưỡi phóng ra chiếc cung rắn chắc, bắn bằng lời nói độc có tên bằng lửa. Người nói ác khẩu bị quả báo là như vậy.

Luận rằng:

Nói về quả báo của sự ỷ ngữ. Kẻ thọ hình bị ngục tốt cầm dao xẻo miệng, đổ nước đồng sôi vào miệng, dùng lửa thiêu đốt cổ họng, thiêu tâm can, đốt ruột, sau cùng thiêu lục phủ ngũ tạng. Thiêu tạng phủ rồi, từ dưới vọt ra.

Lúc bấy giờ ngục tốt nói kệ rằng:

Trước sau chẳng quen biết,

Vô nghĩa chẳng tương ưng

Đừng kêu rêu quyến thuộc

Quả đến thì phải nhận

Vì không chịu tụng kinh

Không nói lời chân thật

Vì vậy, chịu lưỡi nầy

Thịt và lưỡi không khác.

Luận rằng:

Bây giờ nói về quả báo xan tham. Người đọa vào địa ngục bởi do tạo nghiệp xan tham, vọng thấy đầy cả trân bảo mà mình đang giữ gìn. Người ở địa ngục do vô thỉ đến nay vì nghiệp ác si mê, nghĩa là nói riêng tham lam bất thiện, ưa làm nhiều chuyện lỗi lầm mà quả khởi lên sân hận ở địa ngục. Như thế rồi, vì ưa tham đắm nên tay cầm đao bén để đoạt của người. Người ở địa ngục lại cũng cầm đao với tướng mạo ác chiến. Cho đến ăn ngay cả thịt của chính mình hết sạch, chẳng còn thừa! Duy chỉ còn chừa xương rồi thốt ra những lời kêu cứu. Đây lược nói kệ rằng:

Thấy người khác giàu có

Mình bèn nghĩ chiếm đoạt

Quả tham, sân độc hại

Bây giờ phải thọ nhận.

Luận rằng:

Quả sân si là do nghiệp sân vậy. Như bị sư tử, rắn, cọp hiện ra trước mặt. Người nầy sợ hãi, bỏ chạy trốn tránh, nhưng không làm sao trốn thoát bất thiện nghiệp nầy, nên người ấy bị bắt, trước tiên bị ăn cái đầu rồi đến hai cánh tay. Bị rắn phun ra chất độc, rồi tranh nhau ăn. Bị cọp nhai gặm hai chân. Rồi bị đốt cháy, bị người cai ngục xé thân ra và còn nhiều điều khác nữa.

Luận rằng:

Tà kiến có vô lượng quả báo. Chỉ nói lược thôi, trong địa ngục có những trận mưa dao kiếm. Giọt nước mưa cứng như Kim Cang, như đá gây nên sự tàn phá vô cùng nhuy hiểm. Lại có mười một nơi lửa tụ lại nghĩa là lửa đói khát từ trong miệng mà ra, chung quanh bị thiêu đốt.

Luận rằng:

Đây nói những dục căn bản là rất khó, mà muốn ăn năn tội lỗi. Lại như trong kinh chép:” Có đại địa ngục tên là Hỏa Ứng (lửa nung). Vì nghiệp gì mà chúng sanh đọa nơi khổ kia? – Vì chẳng phải Sa Môn mà tự xưng là Sa Môn. Hoặc nghe người nữ ca múa thâm tâm tác ý chẳng thể giải hết. Do nghe ca múa, ưa thích tham đắm đến nỗi xuất tinh bất tịnh. Đặc biệt là kẻ bị đọa nơi địa ngục mưa nhiệt bằng bi tròn kia, tứ chi bị nát như bụi. Mưa lửa ấy nung đốt để nhớ về mình đã làm những dục tà hạnh trước đây. Cũng có địa ngục tên là Bát Nột Ma, nghĩa là do nhớ nghĩ mộng mị trong ham muốn. Người đọa vào địa ngục lửa đốt thiêu nầy bị ngục tốt dùng gậy bằng sắt đánh đập như mưa. Ngoài ra, cũng do khi tu phạm hạnh lại hồi hướng nguyện sanh trong giới Thiên Nữ, bèn đọa trong địa ngục tên Đạt Bạt Nột Ma có giới hạn, còn gọi là Hoặc Hà. Thân bị nung nóng bằng lửa như nấu nước đồng làm cho thân bốc cháy, lông tóc như cỏ, thịt da như bùn, xương tụ lại như đá, mỡ làm mồi cho cá. Trong địa ngục trải qua vô lượng thời gian. Lại nữa tà dục như hai người phá hoại chánh hạnh có nhiều tướng hình khác nhau.

Như trong kinh ấy chép:”Kẻ phá chánh hạnh ở nơi sông mê, có nhiều tiếng chuông vang lên vừa dứt thì do nghiệp ác ngày xưa sanh ra ưa thích, rồi vào trong sông ấy, tức là sự ưu khổ bị trói chặt”.

Lại nữa nói rằng tà dục sanh ra quả báo cực ác, nghĩa là tội đọa ở trong bàng sanh. Ở địa ngục lại có trâu, nai v.v...hoàn sắt nóng vây hãm tạo thành những hình ảnh bất thiện.

Đối với cảnh giới súc sanh kẻ tâm dục đầy dẫy trong lòng đốt cháy, trải qua trăm ngàn năm cho đến nhiều hơn nữa. Lại nữa, tà dục bức bách hãm mạnh tịnh giới Tỳ Kheo Ni hủy hoại chánh hạnh đọa vào đại địa ngục, rộng như trên nói. Lại nữa tà hạnh là hành dục phi đạo đức, tự thiêu cháy mình còn phương hại thô bạo đến kẻ khác. Hoặc do gần gũi, hoặc xưng Thầy dạy mà phá hoại chánh hạnh đọa vào đại địa ngục , chịu vô lượng cực khổ trải qua như trước đã nói.

Trong Kinh Thất Trùng Hợp Tập (Saptamaithuna-samyukta-Sutra) chép rằng:”Có một Bà La Môn đến với một vị đồng phạm hạnh nói rằng: Ta biết anh cùng tôi tuy cách nhà, hai căn hòa hợp. Hoặc nhà cửa quen thuộc gần gũi, qua lại tới lui mà khởi ái nhiễm. Người Bà La Môn nầy nói phạm hạnh hòa hợp nhưng không phải pháp hòa hợp, vẫn tu phạm hạnh mà chẳng thanh tịnh. Như thế nhà cửa, hoặc cùng vui chơi cười giỡn hay tâm ý vui nhiễm trước dù nói phạm hạnh mà chẳng thanh tịnh. Đây là nhà cửa, ưa vui thụ hưởng đầy đủ, ca múa để nghe, gần hai bên vách mà khởi vui ái nhiễm. Đây có tên là hoà hợp. Như thế vui say ngũ dục rồi quán sát đó mà sanh ái nhiễm. Rốt cuộc, người phạm hạnh nguyện sanh về thiên xứ. Đây có tên là hợp nhưng không phải là pháp hoà hợp”.

Luận rằng:

Nếu niệm nghĩ về cảnh giới như thế là khó. Như Kinh Ha Dục (Kamapavadaka-Sutra) chép rằng:

“Phật bảo:- Nầy Tỳ Kheo! Hãy sợ con đường khổ mà đoạn lìa tâm dục. Hãy thật sợ hãi như đứng trước cây nạn. Đây là hai con đường đầy hiểm ác mà kẻ bất thiện kia gần gũi nơi con đường ấy. Những người chánh hạnh nên sớm xa lìa. Các ngươi chớ nên suy nghĩ như thế dẫu có một ít dục vọng nhiễm ô”.

Đức Thế Tôn nói điều nầy là nhiều khổ và nhiều nạn cùng nhiều tội lỗi. Bị sự hủy báng và lăng mạ. Phật bảo các vị Tỳ Kheo:

- Lại nữa kẻ dục như người bệnh hủi trong đó chứa những độc dơ. Như móc câu, tài lợi làm gốc các tội. Dục như nằm mơ trên giường, là pháp hư vọng, là chết, là không ,là vô thường, là biến diệt...mà kẻ ngu phu làm sao có thể đắm trước nơi niềm vui ái nhiễm nầy được! Thậm chí như nai bị trói chặt, như cá bị mắc lưới, như sâu bị đốt cháy, như khỉ bị cột vào trụ phân. Như Bà La Môn ôm chặt vào các giới kiến. Dục như thế chỉ nói tóm lược.

Kẻ tìm cầu dục lạc cũng giống như một bầy thú hoang đi trong đêm dài bị sa vào miệng Sư Tử chẳng biết giới răn, chui vào miệng Sư Tử chết không biết bao mà kể. Cho đến như con dã trùng cũng sa hàng trăm con vào miệng rắn, chẳng biết kể sao cho hết. Lại như trong đêm tối lâu dài kia , việc gần gũi tham dục như kẻ đạo tặc cầm dây tự thắt cổ mình, chẳng thể kể sao cho xiết, như xâm nhập vào trong làng ấp để sát hại dân chúng, bị lộ, cầm dây thắt cổ, không biết bao nhiêu mà kể xiết. Thọ nhiều cực hình đau đớn đến máu ra lai láng, như nước bốn biển vẫn còn ít hơn . Điều quan trọng là dù cho thân nầy bị nhiều sự hủy báng , xương cốt da thịt chất thành đống, lông, trùng vô số phải ăn nhiều chất dơ uế đầy dẫy. Lại thân nầy có nhiều thứ bệnh khổ, nghĩa là mắt bệnh, tai bệnh, cho đến trĩ lậu v.v...như kinh đã nói. Lại nữa thân nầy là khổ, là não, vì sự già nua bức bách mà làm khổ thân. Chẳng mạnh chẳng khoẻ, tóc bạc mặt nhăn; các căn đều rã rời khổ lụy mệt nhọc, thế nên vĩnh viễn xa lìa pháp như thế. Cho đến thân nầy hôi hám đáng ghét, chẳng nên thân cận. Đó là điều đáng suy nghĩ.

Phật bảo:

Nầy các Tỳ Kheo! Vì sao đối với dục lại sanh ra tham ái: Vì cột chặt sự tham đắm ấy vào. Nếu sau khi ta diệt độ chánh pháp muốn diệt, thì các ngươi đối với kẻ tham dục và sân hận chớ nên gần gũi. Sẽ bị đọa vào ác thú làm sao có thể chờ đợi già chết để thọ lãnh lời dạy dỗ, hối lỗi của ta.

Phật bảo: Hãy dừng! Hãy dừng! Các Tỳ Kheo nên đoạn lìa tâm dục. Nghĩa là chẳng phải thời mà ham dục, không nương vào pháp để cầu.

Lại nữa Kinh Tối Thượng Thọ Sở Vấn chép rằng: “Nên biết xa lìa dục tà hạnh ngay cả với vợ mình gần gũi để biết đủ vui. Nếu đối với người thân quen mà sanh ái nhiễm, thì chẳng vui chút nào. Hãy dừng lại ý dục. Đó chỉ là một sự khổ não. Hãy nhẫn chịu dục cùng với sự tác ý. Nếu nổi dục tìm cầu, thì hãy tùy theo đó mà quán bất tịnh. Người gần gũi với kẻ dục nên biết nhiễm ý ấy được bảo bọc, xa lìa sự trói cột chặt. Đừng cho khởi tham dục. Nơi thân vô thường hãy tưởng về bất tịnh. Hãy như thế nhớ nghĩ như ta đã làm. Hãy phân biệt, đây chớ có rơi vào chỗ dục, huống con đường ác chẳng nên làm theo”.

Kinh cũng lại chép rằng:”Bồ Tát nơi quyến thuộc của mình nên khởi ba điều tưởng. Thế nào là ba? Nghĩa là cùng vui vẻ với chẳng cùng đời khác. Tuy đồng ăn uống mà nghiệp báo chẳng cùng lãnh thọ. Tuy cùng vui vẻ nhưng chẳng cùng khổ não. Cho đến điều này lại có ba loại. Nghĩa là Phá Giới tưởng, Phá Định tưởng, Phá Huệ tưởng . Cũng có ba loại khác. Đó là Tặc tưởng , Oán tưởng và Địa ngục tưởng”.

Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận

Hết quyển năm

---o0o---

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567