ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC LUẬN
(Siksasamuccaya)
Thích Như Điển dịch
---o0o---
Quyển thứ mười ba
Thứ tự Kinh văn số 1636
-Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Quyển thứ 32, thuộc Luận Tập Bộ Toàn từ trang 75 đến trang 144.
-Ngài Pháp Xứng (Santideva-Tịch Thiên) Bồ Tát tạo Luận.
-Tây Thiên dịch kinh Tam Tạng Ngân Thanh Quang Lục Đại Phu, Thí Hồng Lô Thiếu Khanh Phổ Minh Từ Giác Tuyên Phạm Đại Sư Sắc Tử Sa Môn Thần Nhựt Xứng cùng với những người khác phụng chiếu dịch
-Sa Môn Thích Như Điển, Phương Trượng Chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc, dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt tại Tu Viện Đa Bảo Úc Đại Lợi, cùng với sự phụ dịch của Tỳ Kheo Thích Đồng Văn, bắt đầu từ ngày 30 tháng 11 năm 2004 nhân kỳ nhập thất lần thứ hai .
Tinh Tấn Ba La Mật Đa
Phẩm thứ 10
Luận rằng:
Tuy nghe nhẫn như thế để phát sanh tinh tấn , mà ở đây chưa nghe khởi lên hủy báng sai phạm. Như Kinh Nguyệt Đăng có kệ rằng:
Ưa Pháp chẳng hộ giới
Thì được phước bao nhiêu
Phá giới từ nghe nhiều
Chẳng thể trừ ác đạo
Luận rằng:
Do nghe đầy đủ. Kinh Na La Diên Sở Vấn chép rằng: “Nầy Thiện nam tử! Như chỗ nghe thấy hiểu biết được hơn cả tánh trí huệ. Nếu nghe rồi liền tiêu trừ phiền não, làm cho phiền não ma hoàn toàn chẳng được dễ dàng khởi”. Kinh Quảng Như Tối Thượng Đại Tiên Bổn Khởi (Atraca Maharse Ruttarasya Jatakam Vistarena Krtvaha) chép rằng: “Đại Bồ Tát đầy đủ thâm tâm tôn trọng ưa Pháp, đối với thế giới hiện trước chư Phật, tùy theo đó mà nghe Pháp. Nếu Đại Bồ tát siêng năng muốn nghe Pháp, dù ở nơi núi thẳm vẫn có chứa nhiều pháp, được vô lượng kinh điển pháp môn an trí tại đó. Lại nữa chư Bồ Tát siêng năng muốn nghe Pháp, mà đối trước chư Phật cùng chư Thiên và chư Phật biện tài, cho đến khi sanh mạng hết rồi, vì Phật Thế Tôn và Chư Thiên, làm tăng mạng sống cùng sắc lực. Ở đời cả ngàn năm chẳng cần việc gì cả, vì do Phật và chư Thiên đều cùng gia trì vậy. Cho đến cầu một kiếp cùng chư Bồ Tát sanh tâm tôn trọng pháp. Vì Phật Thế Tôn đã trừ các khổ già, bệnh, được chánh niệm và thần thông biện tài, cho đến được thọ chánh kiến tùy theo sự thấy mà có thể nói. Lại nữa Đại Bồ Tát siêng năng muốn nghe Pháp, không bị các ác cùng tất cả những oán địch khủng bố. Cho nên sự siêng năng nghe nhiều là Bồ Tát khéo tu tập được như thế đấy”.
Luận rằng:
Bồ Tát nghe bao nhiêu loại thì nhập vào Luật (Kimakaram Srutam Bodhisatvavinaye Prasastam), như Kinh Vô Tận Ý chép rằng: “Do nghe 80 hạnh mà có thể vào được giải thoát. Nghĩa là những hạnh mong muốn; hạnh sâu sắc nơi tâm; hạnh thâm nhập của tâm; hạnh cực tương ưng; hạnh chẳng quấy rầy; hạnh chẳng buông lung; hạnh cung kính; hạnh cực tôn trọng; hạnh lìa danh tướng; hạnh nói lời lành; hạnh thừa sự; hạnh mghe lợi ích; hạnh tác ý; hạnh chẳng tán loạn; hạnh vô trụ; hạnh bảo tưởng; hạnh dược tưởng; hạnh tiêu trừ tất cả tật bệnh; hạnh nhớ nghĩ đến vật dụng; hạnh đạt giải thoát; hạnh ý hỷ; hạnh ngộ nhập; hạnh nghe Phật Pháp chẳng xa lìa; hạnh xả ly; hạnh liễu tri điều phục; hạnh thân cận đa văn; hạnh hỷ lạc chấp nhận các việc làm; hạnh thân mạnh khoẻ; hạnh tâm vui vẻ; hạnh nghe chẳng giải đãi thối lui; hạnh nghe nghĩa; hạnh nghe pháp; hạnh nghe oai nghi; hạnh nghe người khác nói; hạnh Diệu Pháp chưa nghe; hạnh nghe thần thông; hạnh chẳng vui với thừa khác; hạnh nghe các Ba La Mật; hạnh nghe Bồ Tát Tạng (Bodhisattva-Pitaka); hạnh nghe nhiếp sự (Samkraha-Vastu); hạnh nghe phương tiện thiện xảo; hạnh nghe phạm hạnh; hạnh nghe chánh niệm chánh tri; hạnh nghe rồi sanh thiện xảo; hạnh nghe chưa sanh thiện xảo; hạnh quán bất tịnh; hạnh quán từ bi; hạnh quán duyên sanh; hạnh quán vô thường; hạnh quán khổ; hạnh quán vô ngã; hạnh quán tịch diệt; hạnh quán Không, Vô Tướng, Vô Nguyện, hạnh vô tác; hạnh làm lành; hạnh kiến lập chơn thật; hạnh chẳng mất mát; hạnh một mình; hạnh gìn giữ tự tâm; hạnh siêng năng chẳng giải đãi; hạnh quan sát các Pháp; hạnh đối trị những phiền não; hạnh mong cầu các thiện pháp; hạnh hàng phục các phiền não của người khác; hạnh nương vào thất tài; hạnh đoạn trừ sự bần cùng; hạnh tán thán sự hiểu biết; hạnh ca ngợi người trí; hạnh thánh chúng bình đẳng; hạnh chẳng phải Thánh làm tịnh tín thân tâm; hạnh thấy như thật; hạnh xa lìa các uẩn mất mát; hạnh xưng lượng pháp hữu vi mất mát; hạnh nương vào nghĩa; hạnh nương vào pháp; hạnh tất cả ác tác; hạnh vì sự lợi ích của mình và người; hạnh ở nơi pháp lành tu tạo chẳng sanh nghiệp; hạnh thú hướng thù thắng; hạnh được tất cả Phật Pháp.
Kinh chép rằng: “Nếu có trợ pháp tương ưng tức được trí nghiệp như thế. Thế nào gọi là trợ pháp tương ưng ? Nghĩa là nếu có ít ham muốn sự cầu mong cũng ít, chẳng nói lời sân si. Đầu đêm cuối đêm nghe việc thế gian thuận theo thích ứng. Gọi là lợi tha cho nhiều sự yêu cầu. Tâm chẳng ô nhiễm; trừ được các chướng ngại. Nơi những tội lỗi khác, biết được mà rời bỏ, chẳng khởi tâm ác. Phát khởi thú hướng kiên cố giữ chánh hạnh, vui nơi pháp, cung kính pháp làm chỗ che chở nơi pháp, đầy đủ siêng năng như cứu lửa cháy trên đầu, mong cầu trí tuệ, chẳng dừng nghỉ nơi nào, chẳng rơi vào cấm giới, chẳng bỏ việc nặng nhẹ. Chỉ phát tâm thù thắng xả ly; chẳng hại chúng sanh, giữ chánh hạnh vui riêng mình, tất cả nơi A Lan Nhã hiện tiền tác ý tạo hạt giống công đức. Vui vừa chẳng quá; Vui Pháp hỷ lạc; Chẳng nghĩ đến lời nói của thế gian. Cầu pháp xuất thế gian chẳng vọng nghĩ, hiểu rõ hết nghĩa lý, để thuận theo con đường chơn chánh. Biết giữ giới nương theo mô phạm trang nghiêm. Trí tuệ vững chắc phá diệt vô trí, dùng mắt trí tuệ cực diệu thanh tịnh rõ biết vô minh si ám trói buộc. Nghĩa là hiểu biết một cách rõ ràng; chẳng tà mị, tất cả đều rõ biết. Phân biệt biết rõ rồi, hiện chứng đều rõ biết đó. Không từ người mà được; giữ riêng công đức mình, tán thán công đức người. Khéo tu các việc chẳng đọa vào nghiệp báo. Đây là trí nghiệp thanh tịnh”.
Lại nữa Kinh Bát Nhã (Jnana-Vaipulya-Sutra) chép rằng:”Nên nghe Kinh Phương Tiện Luận, nên biết và học điều nầy. Không phải việc lợi ích lại cũng nên xa lìa”.
Cho nên Thế Gian Xứ Luận (Lokayatasasta); Cách Phó Luận (Dandanitisastra); Trùng Độc Luận (Kakhorda-sastra); Mặc Trí Luận (Vadapadavidyasastra); Đồng Tử Hý Kịch Luận (Kumamakridasastra), các Luận Biệt Bộ Giải Thoát nói rõ ràng chỗ si mê, khéo trụ tất cả Bồ Tát Thừa. Tất cả nên xa lìa.
Lại Kinh Vô Tận Ý chép: “Có bốn loại thí mà Pháp sư nói pháp vì trí tuệ làm tư lương mà được thành tựu. Thế nào là bốn?
1.Lấy bút giấy chép Kinh
2.Trang sức nơi Pháp tòa
3.Đầy đủ tiếng tăm lợi dưỡng
4.Nhiếp thọ các pháp mà chẳng siểm nịnh xưng tán.
Lại nữa có bốn sự giữ gìn. Thế nào là bốn?
1.Gìn giữ tự thân
2.Gìn giữ những điều lành
3.Gìn giữ thế gian
4.Gìn giữ những việc lợi ích
Cho đến có bốn loại trụ vì trí tuệ làm tư lương mà được thành tựu. Thế nào là bốn?
1.Trụ nơi vị Pháp Sư thuyết pháp
2.Trụ nơi Pháp
3.Trụ nơi lợi dưỡng
4.Trụ nơi Giác ngộ
Đây có tên là bốn loại.”
Lại Kinh Hoa Lầu Các chép: “Nếu có người đem của bảy báu sánh với núi Tu Di mà bố thí cho tại gia Bồ Tát chẳng bằng ngàn đồng tiền lẻ để phụng thí cho xuất gia Bồ Tát và kính tín hiểu rõ công đức của vị xuất gia. Bố thí một vật dụng nhỏ như móng tay cũng gọi là khó bố thí. Nếu các sở hữu, tuy trừ người xuất gia được quả lớn nầy, như Như Lai tối thượng tối thắng, chẳng phải như người tại gia như điều nầy huống nữa người tại gia chẳng có trí tuệ, tâm chẳng đầy đủ”.
Như Kinh Tối Thượng Vấn chép: “Nghĩa là đối với tâm cùng quyến thuộc của người kia mà tội lỗi nên xa lìa. Nói rằng vô tội. Kẻ kia nếu chẳng xa lìa, tức khó thể điều phục tánh của mình. Người tại gia điều nầy trở thành tội”.
Nói về A Lan Nhã
(Aranyasamvarnanam
Namamaikadasah Parichhedah)
Phẩm thứ 11
Như Kinh Tối Thượng Thọ Sở Vấn chép rằng: “Nương vào A Lan Nhã lần lượt nơi gia đình, tánh ấy mất hẳn vậy”.
Như Kinh Nguyệt Đăng có kệ rằng:
Chẳng khởi trước dục
Xa lìa quyến thuộc
Rời bỏ tại gia
Được vô thượng đạo
Nếu lìa nơi dục
Như tránh hầm lửa
Sợ hãi tại gia
Xa lìa quyến thuộc
Vô thượng Bồ Đề
Thật chẳng khó được
Chưa hết ba đời
Chư Phật Như Lai
Do thường tại gia
Ở nơi chỗ dục
Mà hay rộng được
Thắng diệu Bồ Đề
Rời bỏ chức vua
Như bỏ đờm dãi
Ở yên nhàn rỗi
Xa lìa các dục
Đoạn trừ phiền não
Hàng phục ma oán
Lìa dơ vô vi
Ngộ Bồ Đề đạo
Ăn uống , quần áo
Hoa thơm ướp hương
Mà được thừa hưởng
Người trong bậc Thánh
Như kẻ xuất gia
Chánh pháp phụng hành
Nếu được như thế
Kẻ cầu Bồ Đề
Lợi ích chúng sanh
Chẳng có sợ gì
Một lòng yên tĩnh
Cho đến bảy bước
Đều được phước báo
Tối thắng chẳng bằng
Nếu lại gặp được
Chẳng cùng giống nhau
Nơi vui chẳng gặp
Bỏ tài cầu lợi
Tùy hạnh chúng sanh
Xa rời nơi kia
Khó mà tối tăm
Kinh lại có kệ rằng:
Biết chẳng khờ tranh cãi
Việc lợi nên xả bỏ
Lìa được tâm ác nầy
Chớ ngu cạnh tranh đấy
Người trí chẳng gần ngu
Rõ biết bản tánh ấy
Nên nói gần gũi lâu
Sau sẽ thành oán hận
Trí chẳng chấp nơi ngu
Rõ biết ngu bản tán
Vì thể tánh u tối
Tự sẽ phá hoại mình
Do đấy khác với kia
Thế nào Thiện tri thức
Nếu Pháp cùng nói đến
Chẳng cùng sân hòa hợp
Pháp ngu nầy tham độc
Cho nên trí chẳng giữ
Ngu cùng ngu hợp lại
Như phẩn, đồ bất tịnh
Trí cùng trí đầy đủ
Như sữa hợp với sữa.
Lại nữa Kinh cũng chép rằng:
Thường ở thế gian
Tối cực niềm vui
Có không nhiều ít
Vui hay chẳng vui
Chỉ ưa suối rừng
Tùy được thọ dụng
Sa môn vui hơn
Nếu ở nơi ấy
Tất cả đều không
Chẳng có mảy lông
Nơi bị trói buộc
Như gió thành không
Như cảm giác kia
Cho đến thế gian
Việc vui tột bực
Tâm thường như gió
Chẳng có đắm trước
Nếu vui chẳng vui
Chẳng có hòa hợp
Nghĩa đây khổ não
Chẳng vui an trụ
Nghĩa nếu vui kia
Chẳng khổ chẳng sai
Lìa hai bên vậy
Chỉ Pháp lạc nầy
Chẳng ai vui được
Kinh kia lại cũng nói rằng:
Kia được thường rồi
Bèn được tương ưng
Lìa khỏi mất mát
Chẳng tranh cãi gì
Lý tương ưng kia
Ở A Lan Nhã
Rộng được công đức
Mà không được thường
Chẳng cầu hình tướng
Chẳng vui thế gian
Chẳng tăng hữu lậu
Ở nơi núi rừng
Rộng được điều lợi
Chẳng khởi phân bua
Thường vui tịch tĩnh
Thân miệng ý mật
Làm việc xa lìa
Ở nơi yên tịnh
Rộng được công đức
Được chán lìa kia
Liền ngộ Pháp Phật
Tịch tịnh giải thoát
Ở nơi núi rừng
Tức nơi giải thoát
Các A Lan Nhã
Rộng được công đức
Nương vào núi đồi
Mà thường xa lìa
Thành ấp xóm làng
Vui xa lìa rồi
Thường như Độc giác
Chẳng có bạn lữ
Chẳng lâu vui riêng
Được chứng thắng định
Lại nữa Kinh Hộ Quốc có kệ rằng:
Xả bỏ tại gia
Mất mát rất nhiều
Lại thường chẳng yêu
Sâu xa tư lự
Vui được núi đồi
Các căn diệu lạc
Tịch tịnh công đức
Chẳng có nam nữ
Cười nói ngôn luận
Nếu có người đến
Xúc chạm với thân
Tâm tịnh chẳng nhiễm
Chẳng vui tài lợi
Ý chẳng đắm trước
Nơi nơi ít muốn
Thường lìa xa đây
Được cung kính thảy
Kinh Tối Thượng Vấn chép rằng:
“Ta chẳng làm cho chúng sanh tập họp, chẳng phải vì nơi một chúng sanh mà phát khởi thiện căn. Hoặc chấp chỗ nghe, đầy đủ trong khoảng sát na, tâm bị trói buộc vào tài lợi chẳng thanh tịnh, nên trời và người hay tất cả bỏ đi. Giả sử có một vị trời hay người lại chẳng bỏ đi”.
Như Kinh Bảo Lầu Các (Ratnakuta) chép:
“Phật bảo: “Nầy Ca Diếp! Nếu lại có người thiếu nước nhiều ngày khát mà chết. Nầy Ca Diếp! Sa Môn, Tỳ Sa Môn lại cũng như vậy. Từ nơi thọ trì đọc tụng nhiều pháp, mà chẳng thể đoạn trừ sự khát vọng tham, sân, si. Đi vào trong biển pháp lớn vì khát khao phiền não ái dục mà chết đi, sau đó đọa vào ác đạo”.
Luận rằng:
Cho nên quyết định nương vào nơi A Lan Nhã là chỗ tương tợ. Lại nữa Kinh Bảo Vân chép:
“Nếu ở nơi nào được đi khất thực chẳng gần chẳng xa, nước non ao tắm thanh tịnh chẳng dơ là nơi ít sợ hãi. Cây trái hoa quả đều có đầy đủ. Lại lìa những nhiễm ác như hang trùng độc, ở yên nơi đó. Bồ Tát như thế mà nương tựa vào để ở. Đầu tiên, ngày đêm sáu thời tự tụng kinh điển, nghe chẳng cao thấp. Khéo đóng chặt các căn , tâm chẳng lao chao. Đời sống thanh tịnh không nghĩ trói buộc, chẳng phải giữ việc lành nầy. chẳng bị ngủ nghỉ câu thúc. Lại nữa nhà vua, các quan, Bà La Môn, cho đến những gì thuộc về vua, hoặc vua đích thân đến nghinh tiếp nơi A Lan Nhã Tỳ Kheo nên nói rằng:
“Lành thay Đại Vương! Như chỗ bố thí. Ngài có thể đến ngồi”.
Nếu Vua ngồi rồi, Tỳ Kheo nên ngồi. Nếu Vua chẳng ngồi, Tỳ Kheo nên đứng. Nếu các căn của Vua động loạn, thì nên than rằng:
“Đại Vương được lợi ích lớn, nơi đất nước của Vua có các bậc Sa Môn, Bà La Môn đầy đủ giới đức, an trụ nơi đó, chẳng bị người ác kẻ giặc làm hại. Nếu các căn của Vua khéo nghe thanh tịnh, vì đó mà thuyết pháp, nên nói pháp phương tiện thiện xảo. Nói việc thiện xảo nếu vui chẳng vui pháp yểm ly. Phải biết, nếu chẳng vui Pháp yểm ly, làm cho vua biết Như Lai có đại từ bi đầy đủ uy đức, vì những người đến như Bà La Môn và các quan, mà Ngài tùy nghi hóa độ họ. Nếu là những người đa văn, pháp khí hiểu sâu, nên làm cho họ nghe diệu pháp để hàng phục tâm. Những chúng sanh tin vui pháp được đại hoan hỷ”.
Kinh Tối Thượng Thọ Sở Vấn chép rằng:
“Lại nữa Trưởng Giả xuất gia Bồ Tát ở nơi A Lan Nhã nên quán sát nghĩa như thế nầy:
Tại sao ta ở trong A Lan Nhã? Ta chẳng phải là độc cư Sa Môn nên nhiều sự ác hại vây khốn. Chẳng phải tu mật, chẳng phải tịnh; chẳng phải giữ luật nghi, chẳng phải tương ưng, chẳng phải cầu mong mà ở chung chạ. Nhưng ta không phải người cùng các ác điểu, thú dữ, đạo tặc, chiên đà la... cùng ở chung. Họ là những người không đầy đủ công đức của Sa Môn. Lúc ấy, ta ở nơi A Lan Nhã, ta đã đầy đủ nghĩa của Sa Môn. Lại nữa Trưởng Giả xuất gia Bồ tát hành hạnh A Lan Nhã nên như thế nầy mà quan sát:
Ta vì nghĩa gì mà đến A Lan Nhã? Ta có nên vì đó mà sợ hãi chăng? Vì sao mà sợ hãi? Nghĩa là ở nơi chúng yên tịnh mà sợ hãi; tập hợp mà sợ hãi; tham sân si mà sợ hãi; kiêu mạn che dấu mà sợ hãi; keo kiệt về tiền của mà sợ hãi; sắc, hương ,vị, xúc mà sợ hãi; uẩn ma mà sợ hãi; phiền não ma mà sợ hãi; tử ma mà sợ hãi; thiên ma mà sợ hãi; vô thường cùng thường khuynh đảo mà sợ hãi; vô ngã làm ngã khuynh đảo mà sợ hãi; bất tịnh làm tịnh khuynh đảo mà sợ hãi; chấp khổ làm vui khuynh đảo mà sợ hãi; tâm ý thức mà sợ hãi; lìa các chướng khởi chướng mà sợ hãi; thân kiến mà sợ hãi; ta và những gì thuộc về ta mà sợ hãi; nghi ở ba đời mà sợ hãi; ác hữu mà sợ hãi; quyến thuộc bọn ác mà sợ hãi; tiếng tăm và lợi dưỡng mà sợ hãi; chẳng thấy nói thấy mà sợ hãi; chẳng nghe nói nghe mà sợ hãi; chẳng biết nói biết mà sợ hãi; chẳng rõ nói rõ mà sợ hãi; Sa Môn dơ nhớp mà sợ hãi; sân hận với nhau mà sợ hãi; tam giới mà sợ hãi; sanh vào các cõi khác mà sợ hãi; ba đường ác mà sợ hãi. Nói tóm lại tất cả các việc bất thiện tác ý sợ hãi, ta vì sợ hãi những việc ác ấy nên đến ở A Lan Nhã.
Lại nữa Trưởng Giả! Xuất gia Bồ tát ở A Lan Nhã nên biết học xứ, hoặc sợ sanh ngã chấp khởi lên. Điều quan trọng là nơi A Lan Nhã xa lìa ngã chấp, tức vô ngã và không ngã sở; không ngã tướng; không ngã ái; không ngã tưởng; không ngã kiến. Chẳng phải vì những gì thuộc ngã mà mình giữ; Chẳng phải vì những gì thuộc ngã mà tính toán. Xả bỏ nơi ngã, chẳng nên giữ gìn. Ở nơi A Lan Nhã, chẳng nghĩ lợi ích. Lại nữa Trưởng Giả! Kẻ ở nơi nhàn tịch, chẳng tưởng đến mình, chẳng tưởng đến người khác. Nếu ở nơi các Pháp, chẳng nói; tức ở nơi các Pháp không tạp. Tóm lại, nầy Trưởng Giả, giống như nơi A Lan Nhã, có cỏ thưốc, cây cối trong rừng, chẳng kinh chẳng sợ, chẳng lo. Lại chẳng làm tổn hại đến mảy lông. Ở đây người xuất gia Bồ Tát trụ tại A Lan Nhã cũng như thế. Đối với thân phát khởi lên cỏ thuốc, cây cối như trong rừng, bờ tường, gạch ngói...để suy tưởng . Tâm như huyễn hóa sanh được những gì phân biệt và sợ hãi làm kinh động đến mảy lông , là thân tâm ở nơi thân mà quán sát thân nầy chẳng có ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, dưỡng nuôi do ý sanh ra, cũng như mọi sự hy vọng biến đổi. Điều sợ hãi cũng chỉ là giả danh, hư vọng, biến hóa chẳng nên phân biệt. Như nơi A Lan Nhã, có cỏ thuốc cây cối, chẳng có chủ tể nênchẳng nhiếp phục. Ở A Lan Nhã nếu không có sự nhiếp phục lại cũng như vậy. Nơi các pháp như thế mà nên biết. Hãy khởi tâm làm như vậy. Vì sao vậy?
-Kẻ nhàn hạ giống như tử thi chẳng có chủ tể, lại chẳng có nhiếp phục.
Lại nữa Trưởng Giả! Người xuất gia Bồ Tát ở nơi nhàn nhã như thế, đã biết vậy rồi, nương vào lời Phật dạy nên ở nơi A Lan Nhã, nên đầy đủ Chánh Pháp, sâu trồng căn lành, sau đó mới ra khỏi nơi tụ lạc, quốc ấp, rồi vào trong vương cung mà thuyết pháp. Lại nữa Trưởng Giả! Xuất gia Bồ Tát đọc tụng diễn thuyết giải nói nghĩa thú đi vào trong chúng được cung kính, thân cận Hòa Thượng, A Xà Lê, và những kỳ lão mà các tân học Tỳ Kheo lại nên cung kính, chẳng nên giải đãi, hẳn nên tự biết chẳng làm phiền kia. Lại chẳng nên bảo người tôn trọng vâng phục. Hãy quán sát như thế. Lại nữa Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác được chư Thiên, loài người, ma Phạm Thiên, Sa Môn, Bà La Môn và các chúng sanh tôn trọng cúng dường, cho chí những vật sở hữu tự làm việc biện tài chẳng mưu cầu phụng sự. Huống nữa, ta làm cho tất cả mong muốn cầu học, vô học như thế phụng sự tất cả chúng sanh. Nếu ta phục vụ kẻ khác bằng sự cung cấp; tức ta cùng họ làm việc thành tựu, chẳng phải mưu cầu sự phụng sự cung cấp . Vì sao thế?
Nầy Trưởng Giả! Sự tôn trọng phụng sự nầy ở nơi công đức Pháp của Tỳ Kheo chấp thủ hay hủy phạm, tạo cho kẻ giữ gìn nầy, nguyên nhân được phụng sự vậy. Ta chẳng do Pháp ấy mà tạo ra sự chấp thủ như thế.
Kinh lại chép: “Lại nữa Trưởng Giả! A Lan Nhã nơi pháp Bồ Tát , nếu thấy, nếu nghe Hòa Thượng , A Xà Lê tật bệnh ở nơi riêng lẻ nên đến thăm viếng hỏi han, nghĩa là tùy lúc tùy thời niềm nở, nên phát tâm như thế. Giả sử vì kia thỉnh mời đọc tụng nói pháp làm cho ở nơi tăng phường ấy như chỗ A Lan Nhã, thì tâm chớ khởi thọ dụng đắm trước. Việc ở A Lan Nhã cầu pháp như thế, chẳng lìa bỏ tất cả mọi sự mà đều nhớ nghĩ đến chỗ an vui tịch tịnh”.
Đại Thừa Tập Bồ Tát Học luận
Hết quyển 13
---o0o---
---o0o---