NHỮNG YẾU ĐIỂM
CỦA TƯ TƯỞNG DUY THỨC
Tác giả: Thích Thắng Hoan
LỜI GIẢI BÀY
Duy Thức Học là môn triết học và cũng là môn tâm học. Duy Thức Học được gọi là môn triết học vì môn học này nhằm khai triển tận cùng nguyên lý của vạn hữu vũ trụ nhân sanh mà vạn hữu vũ trụ nhân sanh thì rộng lớn bao la không bờn bến và nguyên lý lại nằm trong lãnh vực tánh không, không có hiện hữu và lại còn phức tạp. Duy Thức Học cũng gọi là môn tâm học vì môn học này đứng trên lập trường tâm linh để lý giải vạn pháp mà tâm linh lại sinh hoạt không hiển lộ, khó đưa lên trên bình diện thực tại như khoa học vật lý, nhưng không thể thiếu mặt nó trong mọi sinh hoạt của vạn hữu vũ trụ nhân sanh.
Vì muốn định rõ giá trị sự cấu trúc đa dạng cũng như sự sinh hoạt của vạn hữu vũ trụ nhân sanh trên lãnh vực tâm linh, Duy Thức học thiết lập rất nhiều danh từ chuyên môn để minh giải tường tận mọi mặt từ sự tướng đến lý tánh, từ sai biệt cá thể đến tổ hợp tổng thể và từ cụ thể đơn giản đến chỗ thâm sâu bí ẩn. Trường hợp đây của Duy Thức Học so sánh không khác khoa học vật lý, khoa học vật lý cũng có rất nhiều danh từ chuyên môn phức tạp và cũng không thể thiếu trong sự lý giải giá trị vật lý học.
Những người nghiên cứu Duy Thức Học, nếu như không nắm được hệ thống tư tưởng của Duy Thức, lại gặp phải những danh từ chuyên môn đa dạng và phức tạp này thì dễ bị lạc vào rừng triết học không lối thoát và cũng sẽ bị lạc hướng nhận thức, phê phán sai lập trường của Duy Thức chủ trương. Muốn thông bác tư tưởng Duy Thức Học, người nghiên cứu trước hết phải thấu triệt yếu nghĩa và giá trị danh từ chuyên môn triết học của nó, cũng như con người muốn trở thành Bác sĩ Y Khoa nổi tiếng mọi mặt thì phải nằm lòng danh từ chuyên môn y học. Danh từ chuyên môn triết học của Duy Thức Học mặc dù rất nhiều, đa dạng và phức tạp, nhưng diễn đạt không ngoài giải bày hệ thống tư tưởng của tâm linh trên bình diện cụ thể và ai nắm được hệ thống tư tưởng tâm linh chính là người thấu triệt được yếu nghĩa và mục đích của Duy Thức.
Để giúp đỡ những người yêu thích môn học Duy Thức sớm lãnh hội được chiều sâu mục đích và hệ thống tư tưởng của môn học này diễn đạt, tôi xin trình bày tóm lược những điểm căn bản của nó với nhan đề là Những Yếu Điểm Của Tư Tưởng Duy Thức ngỏ hầu dùng làm phương châm cho việc nghiên cứu. Quý vị nào sau khi nắm vững những yếu điểm của quyển sách đây trình bày, sẽ đi vào rừng tư tưởng của Duy Thức Học khỏi bị bơ vơ và lạc hướng, nguyên vì bao nhiêu danh từ triết học mà nó sử dụng mặc dù phức tạp đến đâu, diễn tả cũng không ngoài những yếu điểm tư tưởng của tác phẩm nói trên. Quyển sách "Những Yếu Điểm Của Tư Tưởng Duy Thức" đúng là cẩm nam giúp quý học giả không khó trong việc tham khảo và dễ dàng hướng dẫn mọi người thông đạt tư tưởng Duy Thức Học. Ngưỡng mong các bậc cao minh Duy Thức Học khi đọc qua tác phẩm này nhận thấy những chỗ khuyết điểm của nó kính xin chỉ bảo cho. Cẩn bút
Thích Thắng Hoan
***
I.- ĐỊNH NGHĨA:
1. Duy Thức: nghĩa là chỉ có sự hiểu biết là trên hết và cũng chỉ có sự hiểu biết mới đủ khả năng xây dựng vạn pháp thành hình tướng khác nhau.
2. Duy Thức Học: nghĩa là môn học nhằm tìm hiểu nguồn gốc phát sanh ra sự hiểu biết. Theo nhà Duy Thức sự hiểu biết này phát sanh từ nơi Tâm Linh nên gọi là Tâm Thức.
3. Danh Nghĩa Duy Thức Tông: những nhà tham học về môn Duy Thức đã làm cho môn này trở thành phong trào chuyên nghiệp, khai triển nguồn gốc sanh ra vạn pháp qua Duy Thức biến hiện gọi là Duy Thức Tông. Duy Thức Tông còn có tên khác nữa là Pháp Tướng Tông.
a)- Duy Thức Tông: là tông phái chuyên môn nghiên cứu tâm thức thuộc chủ thể biến hiện vạn pháp từ đâu sanh ra. Theo Duy Thức Tông, chủ thể biến hiện vạn pháp chính là Tâm Thức, nghĩa là không có Tâm Thức thì nhất định không có vạn pháp.
b)- Pháp Tướng Tông: là tông phái chuyên môn nghiên cứu vạn pháp thuộc đối tượng do tâm thức biến hiện từ đâu sanh ra.
II.- MỤC ĐÍCH CỦA DUY THỨC HỌC:
Duy Thức Học là môn học về tâm bắt đầu từ nơi thức, nguyên do tâm chính là bản thể của thức và thức thì được phát sanh từ nơi tâm thể. Tâm thể nếu như không có thì nhất định không có thức và thức thì thuộc về sự tác dụng của tâm thể nên gọi là Tâm Thức. Nhưng Tâm Thức ở đây là chỉ cho Tạng Thức (Thức Alaya) là một loại tâm thức có khả năng tàng trử, xây xựng và bảo trì vạn pháp.
Mục đích của Duy Thức Học là khai thác vạn pháp cũng như loài người từ đâu sanh ra và Duy Thức biến hiện bằng cách nào để biện minh lập trường nhận thức cho học thuyết Duy Thức.
III.- SỰ HÌNH THÀNH DUY THỨC HỌC:
Môn học Duy Thức đầu tiên bắt nguồn từ các bộ kinh do đức Phật Thích Ca giảng giải như: Kinh Lăng Già, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Giải Thâm Mật, Kinh Mật Nghiêm, Kinh Công Đức Trang Nghiêm,..v..v..... do các hàng Đại Bồ Tát đắc pháp sáng tạo.
1. Bồ Tác Di Lặc (Maitreya): là tổ đầu tiên Duy Thức Học với bộ luận gọi là Du Già Sư Địa Luận (Yogàcàryabhùmi - sàstra), gồm 100 quyển, nhằm phát huy tư tưởng A Lại Da Duyên Khởi.
2. Bồ Tát Thế Thân: (vào khoảng Thế Kỷ thứ IV và thứ V Tây Lịch) là người thành lập tông phái Duy Thức gọi là Duy Thức Tông với bộ luận Duy Thức Tam Thập Luận (Vidyàmàtrasi - dhi - tridasa - sàstra - kàrikà).
3. Ngài Huyền Trang đời Đường (vào khoảng Thế Kỷ thứ VII Tây Lịch) đắc pháp về môn Duy Thức với ngài Giới Hiền tại Ấn Độ và về nước thành lập tông phái Pháp Tướng gọi là Pháp Tướng Tông với tác phẩm Thành Duy Thức Luận.
IV.- NGUYÊN TẮC KHẢO SÁT VẠN PHÁP:
Vạn pháp hiện có mặt trong thế gian với hình thức duyên sanh do Duy Thức biến hiện nhất định phải có thể tánh của chúng làm nền tảng căn bản. Vạn pháp nếu như không có thể tánh thì nhất định không có mặt trong thế gian. Theo nhà Duy Thức, vạn pháp hiện có mặt trong thế gian đều thuộc về phần tác dụng hiện tướng của thể tánh. Muốn biết thể tánh của vạn pháp như thế nào, người nghiên cứu nên bắt đầu khảo sát từ phần tác dụng hiện tướng trong thế gian để tìm ra nguyên lý chân thật của chúng. Nguyên tắc khảo sát theo Duy Thức Học bằng phương pháp Quy Nạp (Induction) với công thức Thể, Tướng và Dụng làm tiêu chuẩn cho việc nghiên cứu. Phương pháp Quy Nạp là phương pháp khởi điểm từ hiện tượng để khảo sát nguyên lý, từ hình tướng để để tìm ra thể tánh, từ vọng động để hiển bày chân như. Còn ý nghĩa công thức Thể, Tướng và Dụng được trình bày như sau:
1. Thể (State): gọi cho đủ là bản thể, nghĩa là thể tánh của vạn
pháp, tức là nguồn gốc phát sanh ra vạn pháp. Vạn pháp được sanh thành nhất định phải có bản thể mới được tồn tại lâu dài và sự tồn tại của vạn pháp chính là nhờ sự đóng góp và sự có mặt của bản thể để duy trì sanh mệnh của vạn pháp. Bản Thể của vạn pháp có hai loại: Thể tĩnh và thể động.
a)- Thể Tĩnh (Static State): là thể tánh tĩnh lặng và thanh tịnh của vạn pháp. Đây là chỉ cho bản tánh của Tạng Như Lai. Bản tánh của Tạng Như Lai thì hoàn toàn tĩnh lặng và thanh tịnh không có chút nào biến động cả. Vạn pháp bám lấy Tạng Như Lai làm bản thể của mình đều được gọi là thế giới chân như pháp tánh tĩnh lặng và vạn pháp trong thế giới chân như pháp tánh thì thanh tịnh thường trụ bất diệt.
Vạn pháp trong thế giới chân như pháp tánh tất cả đều được phát sanh từ Tạng Như Lai do Tạng Như Lai ảnh hiện, nhờ Tạng Như Lai tàng trử và bảo trì để tồn tại. Tạng Như Lai chính là nguồn thể trí tuệ của Chân Tâm và chọn lấy Chân Tâm làm bản tánh chân như của mình, Duy Thức Học gọi Tạng Như Lai là Trí Tuệ Đại Viên Cảnh, Kinh Đại Bát Nhã gọi là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, Luận Đại Thừa Khởi Tín và Kinh Lăng Già Tâm Ấn gọi là Trí Tướng của Chân Tâm. Tạng Như Lai chính là thể tánh tĩnh lặng và thanh tịnh cho nên vạn pháp thuộc thế giới chân như pháp tánh được phát sanh từ Tạng Như Lai đều được gọi là thế giới thuộc thể tĩnh.
b)- Thể Động (Dynamic State): là thể tánh biến động của vạn pháp. Đây là chỉ cho bản tánh của Tạng Thức. Bản tánh của Tạng Thức thì biến động liên tục không ngừng nghỉ và sự biến động của Thức này Duy Thức Học thí dụ cũng giống như dòng thác nước chảy xuống dốùc (hằng chuyển như bọc lưu). Vạn pháp nào bám lấy Tạng Thức làm bản thể của mình đều được gọi là thế giới biến động. Thế giới biến động nghĩa là thế giới đó luôn luôn bị lưu chuyễn mãi không ngừng nghỉ và vạn pháp trong thế giới đó thì luôn luôn bị sanh diệt biến hóa luân hồi mãi không bao giờ chấm dứt. Vạn pháp trong thế giới thể động của Tạng Thức chia làm hai loại: vạn pháp thuộc loại chủng tử và vạn pháp thuộc loại duyên khởi.
a)- Vạn pháp thuộc loại chủng tử trong Tạng Thức, Duy Thức Học gọi là Vô Chất Tánh Cảnh, nghĩa là những cảnh giới cả chánh báo và y báo trong ba cõi đều hoàn toàn không có tánh chất chân thật và những cảnh giới này chỉ toàn là hạt giống Ảnh Tử (Cause of Illusions) và Tập Khí (Fetter of Karma) của tất cả pháp ở trạng thái chủng tử trong Thức Thể A Lại Da, thường gọi là Nhứt Thiết Chủng Tử (Tất cả chủng tử). Trạng thái những chủng tử đó được thí dụ như sau:
Khi chúng ta đi hành hương hay đi du lịch các quốc gia mà chúng ta muốn, những thắng cảnh và những chứng tích lịch sử của các quốc gia đó kể cả những nhân sanh xuyên qua những nếp sống sinh hoạt, những tập tục đặc sắc,..v..v... đều được thu gọn thành những hạt giống nằm trong Tâm Thức A Lại Da của chúng ta. Chúng ta khi về nước muốn nhớ lại những hình ảnh đó, hoặc muốn viết lại những chứng tích đó đều được rút ra từ những hồ sơ ký ức hiện đang nằm trong Tâm Thức nói trên của mình. Tạng Thức A Lại Da của chúng ta có khả năng tàng trử và bảo trì muôn đời không bao giờ biến mất tất cả những hình ảnh ký ức đó bao gồm cả hạt giống hình ảnh thuộc cảnh giới y báo và hình ảnh nhân sanh thuộc chánh báo của các quốc gia mà chúng ta du lịch qua không nếu chúng ta không muốn xóa bỏ.
b)- Vạn pháp thuộc loại duyên khởi, cũng gọi là vạn pháp thuộc duyên sanh. Duyên là quan hệ và khởi là sanh khởi, duyên khởi nghĩa là những chủng tử của vạn pháp quan hệ lẫn nhau để cùng sanh khởi. Tất cả hiện tượng có thể chất nghĩa là tất cả vạn pháp có sức sống trong thế gian đều được sanh khởi từ chủng tử và bám lấy chửng tử làm gốc rể của mình để trưởng thành, cũng giống như tất cả cây cỏ đều được sanh khởi từ hạt giống, bám lấy gốc rể của mình để nẩy nở phát triển và nếu như không có hạt giống thì nhất định không có cây cỏ góp mặt trong thế gian, các vật khác đều cũng như thế. Một pháp có thể chất trong vạn pháp dù nhỏ như vi trần muốn duyên khởi cũng phải hội đủ bảy chủng tử làm nhân duyên quan hệ mới có thể góp mặt trong thế gian và nếu như thiếu một trong bảy chủng tử nói trên không thể sanh khởi. Bảy chủng tử gồm có: một là đất, hai là nước, ba là gió, bốn là lửa, năm là nghiệp lực, sáu là nghiệp tướng, bảy là Thức A Lại Da. Bảy chủng tử này cũng gọi là bảy nguyên nhân và bảy nguyên nhân này duyên với nhau để thành hình tướng vạn pháp trong thế gian. Nhưng những chủng tử của hiện tượng vạn pháp thì lại bám lấy Tạng Thức làm bản thể của mình mà bản chất của Tạng Thức thì biến động liên tục vô định cho nên hiện tượng vạn pháp được gọi là thế giới thuộc thể động.
2. Tướng (Form): là hình tướng của vạn pháp, tức là chỉ cho tất cả
hiện tượng vạn pháp có mặt trong thế gian. Hiện tượng vạn pháp trong thế gian đều được hình thành bởi nghiệp tướng. Nghiệp tướng là những mô hình kiến trúc (Constructional models) hoặc những Họa đồ kiểu mẫu (Blueprints) dùng để kiến tạo vạn pháp thành hình tướng trong thế gian. Tất cả nghiệp tướng hiện hữu trong thế gian chính là một trong bảy yếu tố nhằm để kiến trúc vạn pháp và cũng đều phát sanh từ những chủng tử của chính nó trong Tạng Thức thuộc thể động.
3. Dụng (Action): là năng lực tác dụng của vạn pháp được phát
sanh từ nơi thế giới chủng tử của chính chúng nó. Những năng lực này không có hình tướng, chỉ hiện hữu qua sự sinh hoạt của chúng sanh, như những sự tác dụng của các Tâm Thức, của các tâm sở Tham, Sân, Si mê,..v..v.... Chủng tử của những nghiệp lực này cũng đều bám lấy Tạng Thức thuôc thể động để sinh hoạt.
Các nhà Duy Thức căn cứ nơi Tướng và Dụng của vạn pháp duyên sanh mà khảo sát để tìm ra thể tánh chân thật của chúng nó trên lãnh vực từ Thể Động đến Thể Tĩnh. Nhờ công thức này, các nhà Duy Thức đã chứng được Duy Thức Tánh.
V.- PHÂN LOẠI VẠN PHÁP:
Vạn pháp là danh từ chung gồm chỉ cho những pháp có hình tướng và những pháp không có hình tướng, những pháp thuộc duyên sanh và những pháp thuộc thể tánh. Vạn pháp trong vũ trụ tuy nhiều, theo như Duy Thức Học có thể phân làm 100 loại gọi chung là một trăm pháp. Một trăm pháp nếu như tóm lược nữa thì trở thành hai loại chính: Hữu thể chất pháp và vô thể chất pháp.
A.- Một Trăm Pháp: Một trăm pháp được phân thành năm nhóm:
1)- Tâm Pháp: gồm có 8 Tâm Thức
2)- Tâm Sở Pháp: gồm có 51 Tâm Sở
3)- Sắc Pháp: gồm có 11 loại.
4)- Bất Tương Ưng Hành Pháp: gồm có 24 loại.
5)- Vô Vi Pháp: gồm có 6 loại.
Chúng ta ngộ được 100 pháp này là thông suốt được vạn pháp.
B.- Hữu Thể Chất Pháp:
Hữu Thể Chất Pháp là những pháp có thể tánh chân thật và những pháp có tâm thức duy trì sức sống để tồn tại. Những pháp có thể tánh chân thật là những pháp do Tạng Như Lai ảnh hiện và những pháp có tâm thức duy trì sức sống là những pháp do Tạng Thức xây dựng.
C.- Vô Thể Chất Pháp:
Vô Thể Chất Pháp là những pháp không có thể chất chân thật, nghĩa là những pháp không có tâm thức hiện hữu để duy trì sức sống và những pháp chỉ do nghiệp duyên nội kết. Những pháp không có tâm thức hiện hữu để duy trì sức sống và được thành hình là do Ý Thức thứ sáu xây dựng. Những pháp chỉ do nghiệp duyên nội kết với hình thức chủng tử nghiệp tướng và nghiệp lực, do Ý Thức thứ sáu chỉ đạo kết hợp qua thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.
VI.- KHẢO SÁT TÂM THỨC:
A.- Những Nhận Thức Sai Lầm:
1)- Một số luận thuyết cho rằng: Căn Duyên Trần Sanh Thức.
Luận thuyết này sau khi khảo sát có những điểm sai lầm như
sau:
a)- Những nhà luận tuyết này nếu đứng trên lập trường Duy Tâm hay Duy Thức thì phạm vào lỗi Tự ngữ tương vi, nghĩa là lời nói chống lại lập trường của mình, nguyên vì luận thuyết Căn Duyên Trần Sanh Thức là thuộc về luận thuyết của phái Duy Vật chủ trương:
*)- Căn là thuộc về vật chất,
*)- Trần cũng là thuộc về vật chát,
*)- Kết luận: Căn duyên Trần sanh Thức, nghĩa là vật chất sanh
tinh thần.
b)- Kháo sát một người ngũ mê:
Trong lúc anh A ngủ say mê, chúng ta lấy hạt muối câu vào miệng của anh vẫn thấy miệng của anh cử động liếm muối, nhưng trong lúc đó anh không biết đó là muối và cũng không biết ai chơi phá giấc ngủ của anh. Hiện tượng trên cho thấy:
*)- Muối là trần thuộc về vật chất,
*)- Miệng của anh là căn cũng thuộc về vật chất,
*)- Kết luận: miệng anh A (căn) duyên vào muối (trần) sao không
thấy sanh ra thức (không hiểu biết đó là muối và không hiểu biết ai chơi phá mình)?
c)- Luận thuyết trên so với lời Phật dạy trong kinh cũng không đúng. Đối với vấn đề nhận thức, đức Phật chia thành hai phần: phần năng duyên và phần sở duyên. Phần năng duyên là chỉ cho phần chủ thể nhận thức gồm có sáu loại hiểu biết gọi là sáu Tâm Thức. Phần sở duyên là phần đối tượng của nhận thức gồm có sáu Trần Cảnh. Ngoài phần sở duyên còn có đối tượng thứ hai là phần sở y (phần làm chỗ nương tựa để sinh hoạt hiểu biết). Phần sở y này gồm có sáu Căn (sáu giác quan). Phần sở y (sáu Căn) và phần sở duyên (sáu Trần) cộng chung là 12 Xứ. Sáu Căn cộng với sáu Trần và thêm sáu Tâm Thức vào (phần năng duyên) thì thành 18 Giới. Từ tinh thần đó, chúng ta nhận thấy:
*)- Sáu Tâm Thức nương nơi sáu Căn (sở y) để hiểu biết sáu Trần
*)- Tuyệt đối không phải sáu Căn duyên nơi sáu Trần để sanh ra sáu Tâm Thức.
*)- Kết Luận: sáu Căn duyên nơi sáu Trần sanh ra sáu Tâm Thức là sai với lập trường của đức Phật chủ trương.
2)- Một số luận thuyết chủ trương: Não bộ sanh ra sự hiểu biết.
Luận thuyết này sau khi khảo sát nhận thấy không đúng như sau:
Đại chúng trong một đạo tràng đang ngồi nghe giảng sư thuyết pháp. Trong số thính giả, có một người đang ngủ ngồi một cách say mê. Tiếng nói của giảng sư vẫn vang động ào ạt khắp đạo tràng, nhưng người ngủ mê vẫn không nghe biết chi cả. Hiện tượng đó cho thấy:
*)- Âm thanh của giảng sư vẫn tràn vào hai lỗ tai của người ngủ say,
*)- Não bộ của người ngủ say vẫn không bị hư, vẫn tiếp xúc với âm
thanh của giảng sư.
*)- Nhưng tại sao não bộ của người ngủ say kia không hiểu biết vị
giảng sư đang thuyết những pháp gì?
*)- Kết luận: não bộ không phải sanh ra sự hiểu biết.
3)- Một số luận thuyết như Tâm Lý Học Phổ Thông cho rằng: Não bộ có khả năng bảo trì và tàng trử.
Theo đại sư Thái Hư, luận thuyết này không thể thành lập. Trong tác phẩm Khái Luận Về Pháp Tướng Duy Thức Học, dịch giả Thích Thắng Hoan, trang 84 - 85, đại sư Thái Hư giải thích rằng:
*)- Não bộ ước lượng chỉ độ một tấc vuông thì làm sao có thể bảo trì và tàng trử những vật quá to tác rộng lớn bao la như nhà cửa, vũ trụ, biển cả, nước non,..v..v.... cho đến chỗ rất xa tít mù kia có thể nhìn thấy được?
*)- Thử hỏi làm cách nào mà đem nhà cửa, vũ trụ, biển cả, nước non đã nhìn thấy dồn nhét vào não bộ chỉ một tấc vuông?
*)- Giả sử nói rằng: não bộ bảo trì và tàng trử cũng giống như máy nhiếp ảnh thâu ảnh vào, nhưng máy nhiếp ảnh chỉ thâu được ảnh tử của hình bóng sự vật mà không thể thấy được và đo lường được vấn đề lớn nhỏ của sự vật giống như sự thấy và sự đo lường của Nhãn Thức.
*)- Hơn nữa hình ảnh của máy nhiếp ảnh thì lẫn lộn, không theo thứ tự như não bộ.
Thí dụ như mình nhớ hình ảnh nào thì hình ảnh đó trong bộ não hiện ra không chút lẫn lộn,v..v...
Qua những dữ kiện trên cho thấy, não bộ không có khả năng bảo trì và tàng trử. Não bộ chỉ có giá trị như Monitor của Computer mà thôi.
4)- Một số luận thuyết cho rằng: Ý Thức thứ sáu là ông chủ hiểu biết. Ý Thức thứ sáu phân phối vào con mắt để thấy hình sắc (sắc trần), phân phối vào lỗ tai để nghe âm thanh (thinh trần), phân phối vào lỗ mũi để ngửi mùi hương (hương trần), phân phối vào miệng lưỡi để nếm chất vị (vị trần), phân phối vào thân thể để cảm xúc (xúc trần). Trường hợp này cũng giống như dòng điện chạy vào bóng đèn để soi sáng, chạy vào quạt máy để quay, chạy vào Radio để phát thanh, chạy vào TV để chiếu hình,..v..v....
Luận thuyết này sau khi khảo sát cảm thấy không được đúng pháp:
*)- Ý Thức thứ sáu nếu là trung tâm phân phối để hiểu biết thì Ý Thức thứ sáu muốn như thế nào năm giác quan kia cũng phải nghe theo. Nhưng trên thực tế tại sao Ý Thức thứ sáu muốn nghỉ để ngày mai có sức đi làm việc mà giác quan con mắt không chịu nghe theo khiến cho con người phải thức suốt đêm.
*)- Trường hợp thứ hai, con người hiện đang cầm chìa khóa xe trong tay của mình mà không hay biết để phải đi tìm kiếm khắp nơi.
*)- Những hiện tượng trên cho thấy, Ý Thức thứ sáu không phải là trung tâm phân phối qua năm giác quan để hiểu biết năm trần cảnh bên ngoài mà ở đây mỗi tâm thức đều có hạt giống (chủng tử) riêng, có nguồn thể riêng và Ý Thức thứ sáu chỉ là quan hệ với tư cánh lãnh đạo năm tâm thức trước trong sự sinh hoạt hiếu biết vạn pháp.
B.- Vấn Đề Bốn Phần:
Căn cứ nơi sự sinh hoại để hiểu biết vạn pháp, nhà Duy Thức chia mỗi Tâm Thức thành bốn phần khác nhau để khảo sát: Kiến Phần, Tướng Phần, Tự Chứng
Phần và Chứng Tự Chứng Phần.
1)- Định Nghĩa:
Theo Khảo Nghiệm Duy Thức Học cùng một tác giả, quyển I, trang 148 giải thích:
a)- Kiến Phần: là phần chủ thể của sự hiểu biết (Subject of Understanding), cũng gọi là phần Năng Tri của Tâm Thức hoặc gọi là phần Năng Duyên của Tâm Thức để hiểu biết.
b)- Tướng Phần: là phần đối tượng để hiểu biết (Object of Understanding), cũng gọi là phần Sở Tri của Tâm Thức hoặc gọi là phần Sở Duyên của Tâm Thức để có hiểu biết.
c)- Tự Chứng Phần: là phần thể chất của Tâm Thức. phần này có khả năng kiểm soát và chứng thực sự hiểu biết vạn pháp hoặc đúng hoăïc sai của Kiến Phần. Đây là chỉ cho khối năng lượng của Tâm Thức ở trạng thái hạt giống (chủng tử).
d)- Chứng Tự Chứng Phần: là phần Tướng Trạng (Form) của mỗi Tâm Thức ở trạng thái hạt giống (chủng). Phần này có khả năng xác định sau cùng cho sự kiểm soát và chứng thực đúng hoặc sai của Tự Chứng Phần, đồng thời bảo vệ và duy trì phần thể chất của mỗi Tâm Thức được tồn tại mãi với hình thức là Tự Chứng Phần không bị biến thể. Phần này cũng gọi là Căn Thức (tánh chất của mỗi Tâm Thức) có nhiệm vụ bảo trì hạt giống (chủng tử) Tâm Thức và hổ trợ Tự Chúng Phần làm nền tảng (Foundation) cho Kiến Phần nương tựa sinh hoạt.
Đây là định nghĩa tổng quát bốn phần của mỗi Tâm Thức khi tác dụng để hiểu biết vạn pháp.
Mỗi con người hay mỗi chúng sanh hữu tình dù lớn hay nhỏ bé như mỗi con vi trùng đều có tám hiểu biết (tám chủ thể nhận thức) khác nhau mà không thể thay thế cho nhau để hiểu biết, thường gọi là tám Tâm Thức, cũng gọi là tám Năng Tri hoặc tám Năng Duyên.
2)- Giá Trị Hiểu Biết:(Giá Trị Năng Tri)
a)- Nhãn Thức chỉ có khả năng hiểu biết sự vật về phương diện nhìn thấy hình tướng mà không có khả năng hiểu biết về phương diện nghe tiếng, về phương diện ngửi mùi, về phương diện nếm vị, về phương diện cảm xúc,..v..v.....
b)- Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức và Thân Thức đều cũng giống như thế, nghĩa là mỗi Tâm Thức chỉ có khả năng hiểu biết sự vật trong lãnh vực của mình mà không có khả năng hiểu biết sự vật sang các lãnh vực khác.
c)- Ý Thức thứ sáu chỉ có khả năng hiểu biết tánh chất, giá trị và ý nghĩa (Pháp Trần) của vạn pháp về phương diện phân biệt mà không có khả năng hiểu biết sang các lãnh vực khác như, nhìn thấy hình tướng, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị, cảm xúc,..v..v.....
d)- Thức Mạt Na thứ bảy chỉ có khả năng hiểu biết vạn pháp về phương diện so đo chấp trước mà không có khả năng hiểu biết sang các lãnh vực khác giống như sự hiểu biết của Ý Thức thứ sáu và cũng như sự hiểu biết của năm Tâm Thức ở trước.
e)- Thức A Lại Da (Alaya) thứ tám chỉ có khả năng hiểu biết vạn pháp về phương diện xây dựng hệ thống sinh lý thân thể, về phương diện phát triển cơ năng, và về phương diện bảo trì sự tồn tại của sinh mệnh muôn loài. Ngoài ra, Thức A Lại Da thứ tám không có khả năng hiểu biết vạn pháp giống như sự hiểu biết của bảy Tâm Thức vừa kể trên.
3)- Biệt Tánh Của Sự Hiểu Biết: (Biệt tánh của Năng Tri)
Biệt tánh của sự hiểu biết nghĩa là tánh chất riêng biệt của sự hiểu biết. Tám Tâm Thức sở dĩ có sự hiểu biết riêng biệc khác nhau là do Chứng Tự Chứng Phần của mỗi Tâm Thức. Về lãnh vực Năng Tri ( Chủ thể nhận thức) của mỗi Tâm Thức gồm có ba phần: Kiến Phần, Tự Chứng Phần và Chứng Tự Chứng Phần.
a)- Kiến Phần: (Activities) là phần tác dụng của Tâm Thức để hiểu biết vạn
pháp.
b)- Tự Chứng Phần: (Consciousness) là phần tự thể của Tâm Thức cũng gọi là phần thể tánh của Tâm Thức. Đây là chỉ cho phần hạt giống (chủng tử) của mỗi Tâm Thức để làm nguồn thể phát sanh tác dụng Kiến Phần.
c)- Chứng Tự Chứng Phần: (Form) là phần bảo vệ hạt giống Tâm Thức không bị biến tướng. Phần này còn có nhiệm vụ là cung ứng Kiến Phần tác dụng để hiểu biết và còn chỉnh lý Kiến Phần hiểu biết theo khả năng tánh của mình. Phần này cũng tương tợ như bộ máy phát thanh có nhiệm vụ là gạn lọc và điều chỉnh âm thanh.
Thí Dụ: Dòng điện (Foundation Consciousness) thì chỉ có một loại, nhưng khi chạy vào bộ máy Ti Vi (Chứng Tự Chứng Phần) liền biến thành thể tánh (Tự Chứng Phần) thuộc loại điện Ti Vi chỉ chuyên chiếu hình (Kiến Phần). Dòng Điện khi chạy vào bộ máy Riadio (Chứng Tự Chứng Phần) liền biến thành thể tánh (Tự Chứng Phần) thuộc loại điện Radio chỉ chuyên phát thanh (Kiến Phần). Dòng điện khi chạy vào bộ máy bóng đèn (Chứng Tự Chứng Phần) liền biến thành thể tánh (Tự Chứng Phần) thuộc loại điện bóng đèn chỉ chuyên chiếu soi ánh sáng (Kiến Phần),..v..v.....
4)- Sự Biến Tướng Của Tâm Thức:
Tám Tâm Thức sở dĩ có sự hiểu biết không giống nhau là do bộ máy Chứng Tự Chứng Phần (Căn Thức) của mỗi Tâm Thức sai biệt nhau. Bộ máy Chứng Tự Chứng Phần thuộc loại hiểu biết hình thức nhìn thấy thì khiến cho dòng Tâm Thức biến thành Tự Chứng Phần mang tên Nhãn Thức để hiểu biết vạn pháp về phương diện nhìn thấy hình sắc của sự vật. Bộ máy Chứng Tự Chứng Phần thuộc loại hiểu biết hình thức nghe tiếng thì khiến cho dòng Tâm Thức biến thành Tự Chứng Phần mang tên Nhĩ Thức để hiểu biết vạn pháp về phương diện nghe tiếng của sự vật. Bộ máy Chứng Tự Chứng Phần thuộc loại hiểu biết hình thức ngửi mùi thì khiến cho dòng Tâm Thức biến thành Tự Chứng Phần mang tên Tỷ Thức để hiểu biết vạn pháp về phương diện ngửi mùi của sự vật. Bộ máy Chứng Tự Chứng Phần thuộc loại hiểu biết hình thức nếm vị thì khiến cho dòng Tâm Thức biến thành Tự
Chứng Phần mang tên Thiệt Thức để hiểu biết vạn pháp về phương diện nếm vị của sự vật. Bộ máy Chứng Tự Chứng Phần thuộc loại hiểu biết hình thức cảm xúc thì khiến cho dòng Tâm Thức biến thành Tự Chứng Phần mang Tên Thân Thức để hiểu biết vạn pháp về phương diện cảm xúc của sự vật. Bộ máy Chứng Tự Chứng Phần thuộc loại hiểu biết hình thức nhận định thì khiến cho dòng Tâm Thức biến thành Tự Chứng Phần mang tên Ý Thức để hiểu biết vạn pháp về phương diện phân biệt tánh chất, giá trị và ý nghĩa sự vật. Bộ máy Chứng Tự Chứng Phần thuộc loại chấp trước thì khiến cho dòng Tâm Thức biến thành Tự Chứng Phần mang tên Mạt Na (Ý) để hiểu biết vạn pháp về phương diện so đo. Bộ máy Chứng Tự Chứng Phần thuộc loại tàng trử thì khiến cho dòng Tâm Thức biến thành Tự Chứng Phần mang tên Tạng Thức (Alaya) để hiểu biết vạn pháp về phương diện xây dựng và bảo trì.
CHÚ Ý: Chứng Tự Chứng Phần của bảy Thức Trước gọi là Căn Thức. Còn Chứng Tự Chứng Phần của Tàng Thức (Alaya) chính và Vô Minh Nghiệp Tướng.
Muốn biết rõ ý nghĩa bốn Phần, hãy xem lại Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, mục Thành Phần Của Tâm Thức, trang 148 và Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II, trang 65 và 67.
5)- Nguồn Gốc Sanh Ra Tâm Thức:
a)- Theo nhà Duy Thức, nguồn gốc sanh ra Tự Chứng Phần của bảy Tâm Thức, từ Mạt Na Thức thứ bảy, Ý Thức thứ sáu và cho đến năm Tâm Thức ở trước chính là Tự Chứng Phần của Thức A Lại Da thứ tám, nghĩa là Kiến Phần Thức A Lại Da thứ tám phát sanh tác dụng từ Tự Chứng Phần của chính Thức này chạy vào an trụ trong Chứng Tự Chứng Phần của mỗi Tâm Thức biến thành Tự Chứng Phần riêng của những Thức đó để sinh hoạt hiểu biết vạn pháp, cũng giống như Kiến Phần của Thức A Lại Da phát sanh từ Tự Chứng Phần của chính Thức này chạy vào an trụ trong một chủng tử của giống nào thì biến thành Thức Dị Thục của chủng tử giống đó làm nguyên nhân để sanh ra và kết thành Quả Dị Thục hoa trái cho chủng tử của giống đó.
Thí Dụ: điển hình như Anh A quá yêu thích cô M, tối lại anh nằm mơ thấy cô M cùng anh đi dạo cảnh trên một chiếc xe Toyota. Những hình ảnh (ngã tướng) của anh A và của cô M cùng với những cảnh trí (pháp tướng) nơi cõi mộng chính là Kiến Phần Thức A Lại Da của anh A tạo dựng theo nhu cầu để cho anh được toại nguyện. Chú ý, sáu Tâm Thức của anh A nơi cõi mộng chính là sáu Tâm Thức của anh A nơi cõi thực tại chung vào thân ngã tướng mộng của anh để sinh hoạt cùng với cô M nơi cõi mộng. Cho nên khi anh A tỉnh mộng vẫn còn nhớ rõ những kỷ niệm sinh hoạt với cô M nơi cõi mộng. Ngược lại cô M thực tế không biết rằng mình hiện đang có mặt và cùng sinh hoạt nơi cõi mộng kia với anh A, nguyên vì sáu Tâm Thức trong ngã tướng của cô M nơi cõi mộng của anh A kia không phải là sáu Tâm Thức của cô M hiện đang sinh hoạt nơi cõi thực tại. Sáu Tâm Thức trong ngã tướng của cô M nơi cõi mộng của anh A kia chính là do Kiến Phần sáu Thức Trước của anh A chung vào biến thành để cùng sinh hoạt với mình theo nhu cầu ao ước của anh.
b)- Nguồn gốc phát sanh ra Tự Chứng Phần của Tạng Thức (Alaya) thứ tám chính là Tạng Như Lai. Theo Kinh Nhập Lăng Già, trang 1,2,3 giải thích: Tạng Như Lai bị ác tập của vô minh từ vô thỉ biến thành Tạng Thức (Tự Chứng Phần). Tạng Như Lai làm thể và Thức Tạng làm tướng... Tạng Như Lai có hai phần: Phần Chân Như Môn và Phần Sanh Diệt Môn. Tạng Như Lai theo Chân Như Môn thể tánh bình đẳng không sai biệt và theo Sanh Diệt Môn biến tành Tạng Thức (Alaya) tùy theo duyên nhiễm tịnh biến hiện các pháp trong lục đạo.
c)- Theo nhà Duy Thức, Tự Chứng Phần của Tạng Thức lấy Tạng Như Lai làm thể và Tự Chứng Phần của Tạng Thức chính là thức tướng của Tạng Như Lai. Còn Tạng Như Lai chính là trí tướng của Chân Tâm và lấy Chân Tâm làm thể. Tạng Như Lai còn có tên là Bát Nhã Vô Thượng Trí hay là Đại Viên Cảnh Trí.
Chú ý: Chân Tâm thí dụ như gương soi mặt, Tạng Như Lai thí dụ như ánh sáng của gương soi mặt, Tất cả cảnh vật đều ảnh hiện phía trong gương và ngoài gương soi mặt không có cảnh vật nào ảnh hiện cả. Đây cũng vậy, tất cả pháp tánh của chư Phật trong mười phương nơi thế giới chân như và tất cả pháp tướng của tất cả chúng sanh nơi thế giới hiện tượng trong ba cõi đều sanh khởi phía trong của Tâm Chân Như, cho nên Đại Thừa Khởi Tín Luận cho Tâm Chân Như bao trùm cả thế giới chân như của các bậc Thánh và bao trùm cả thế giới mê vọng của các bậc phàm phu trong ba cõi. Sự bao trùm này của Tâm Chân Như cả thế giới của các bậc Thánh và cả thế giới của các bậc phàm trong ba cõi cũng giống như khối nước
biển cả bao trùm cả các loại giống cá sống trong nước, ngoài nước không có các loại giống cá nói trên.
d)- Tạng Như Lai và Tạng Thức:
*)-Tạng nghĩa là tàng trử, bảo trì và xây dựng muôn pháp ở trong. Tạng Như Lai là kho chứa thế giới pháp tánh chánh báo và y báo của mười phương chư Phật ở trong và xây dựng ba thân chánh báo (Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Hóa Thân) cùng với những cảnh giới pháp tánh y báo của chư Phật trong mười phương mà Kinh Nhập Lăng Già gọi là Chân Như Duyên Khởi. Chân Như Duyên Khởi ba thân chánh báo và những cảnh giới pháp tánh y báo của chư Phật trong mười phương bằng phương pháp Ảnh Hiện Trung mà không phải bằng phương pháp Duyên Sanh giống như Tạng Thức. Những chánh báo ba thân và những cảnh giới pháp tánh y báo của chư Phật trong mười phương ảnh hiện trong Tạng Như Lai cũng tương tợ như những cảnh giới bên ngoài ảnh hiện trong tấm gương soi mặt, nên gọi là Ảnh Hiện Trung mà không phải duyên sanh. Sự tác dụng duyên khởi các ba thân chánh báo và các cảnh giới pháp tánh y báo của chư Phật trong mười phương cũng tương tợ như khối năng lượng của điện thể không gian hội tụ chuyển hóa thành tướng mặt trời để soi sáng thế gian.
*)- Tạng Thức trong Tự Chứng Phần cũng nghĩa là tàng trử, là bảo trì và xây dựng muôn pháp trong ba cõi. Muôn pháp trong ba cõi đều được hiện hữu trong ruột của Tạng Thức và được bao bọc bởi Tự Chứng Phần của chính Thức này bảo trì, ngoài Tạng Thức này ra không có pháp duyên sanh nào hiện hữu và tồn tại cả. Các pháp duyên sanh ba cõi hiện hữu và tồn tại trong ruột của Tạng Thức nơi Tự Chứng Phần cũng giống như loài người hiện hữu và tồn tại trong ruột không khí của vũ trụ Cực Hánh Sắc nơi thế giới trần gian này.
Tạng Thức trong Tự Chứng Phần chính là biến tướng từ Tạng Như Lai cùng một bản chất với Tạng Như Lai được gọi là Trí Đại Viên Cảnh của Tâm Chân Như, trong Kinh Lăng Già Tâm Ấn hay Luận Đại Thừa Khởi Tín gọi là Trí Tướng của Tâm Chân Như. Tạng Như Lai chọn lấy Tâm Chân Như làm bản thể của mình thì Tạng Thức cũng chọn lấy Tâm Chân Như làm bản thể của mình, cho nên gọi Tâm Chân Như là bao trùm cả các bậc Thánh và các cõi phàm. Tâm Chân Như là nguồn gốc sanh khởi các cảnh giới pháp tánh chân thật của chư Phật trong thế giới chân như, còn Tạng Thức là nguồn gốc sanh khởi các cảnh giới mê vọng sanh diệt trong ba cõi. Cho nên nhà Duy Thức cho Tâm Chân Như là thuộc về thể tĩnh (Static State) và Tạng Thức là thuộc về thể động (Dynamic State), nguyên vì Tạng Thức chính là nguồn gốc sanh ra vạn pháp trong ba cõi và Tạng Thức cũng gọi là Tâm Địa của vạn pháp trong ba cõi nói trên.
Tạng Thức bao trùm cả ba cõi nên gọi là Tạng Thức và ngoài Tạng Thức này ra ba cõi không thể hiện hữu, nên gọi Tạng Thức này là Thức Vô Biên Xứ. Tạng Thức này thuộc về thể không của ba cõi, có khoảng không gian vô tận, là nơi dung chứa và sanh khởi vạn pháp trong ba cõi, cũng tương tợ như khoảng không gian Cực Hánh Sắc là thể không của địa cầu, chuyên chở và sanh khởi quả địa cầu hiện hữu tồn tại trong thế gian, cho nên Tạng Thức này cũng gọi là Không Vô Biên Xứ. Thế giới Vô Sắc là thế giới vọng hiện của thế giới pháp tánh chân như ảnh hiện trong Tạng Thức, cũng tương tợ như thế giới mộng mơ chính là thế giới vọng hiện của thế giới thực tại trong Tạng Thức. Thức Tạng thì thuộc về Thức Vô Biên Xứ và có khoảng không gian vô tận dung chứa vạn pháp của ba cõi ở trong nên gọi là Không Vô Biên Xứ, cho đến Thế giới vọng hiện trong Tạng Thức cũng được gọi là Vô Sở Hữu Xứ. Ranh giới Tự Chứng Phần của Tạng Thức và Tạng Như Lai có khoảng không gian giữa chân và vọng, giữa Tâm và Thức, giữa ngộ và mê được gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, cũng tương tợ như khoảng không gian của quỷ đạo nằm giữa và không bị chi phối bởi hai áp xuất của mặt trăng và của quả địa cầu chúng ta đang sống.
e)- Vô Minh Có Từ Vô Thỉ:
Vô Thỉ nghĩa là không có nguyên nhân đầu tiên. Vô Minh nghĩa là tâm thức đối với các pháp bị mê mờ tối tâm không chút sáng suốt. Kinh Bản Nghiệp, quyển thượng giải thích: Vô Minh là tâm không hiểu rõ các pháp. Trạng thái vô minh này cũng giống như tâm thức con người mộng mơ, chun vào thế giới mộng mơ lúc nào cũng không biết, đó gọi là trạng thái tâm thức bị vô minh làm cho mê mờ. Muốn rõ tánh chất vô minh như thế nào xin xem Khảo Nghiệm Duy Thức, quyển II, trang 127, của tác giả thì sẽ rõ hơn.
Vô Minh có từ vô thỉ, nghĩa là vô minh không có nguyên nhân đầu tiên, đây là câu giải thích bao hàm ba ý nghĩa:
1)- Nguồn gốc phát sanh vô minh chính là tất cả chủng tử hữu lậu trong ba cõi. Theo Khảo Nghiệm Duy Thức Học, quyển II, trang 130, của tác giả giải thích: Vô Minh thì phát nguồn từ các chủng tử hữu lậu, có khả năng ảnh hưởng đến tạng Như Lai và ô nhiễm Tạng Như Lai trong chân như biến thành Thức Tạng (Thức Alaya). Tất cả chủng tử hữu lậu đều do muôn loài chúng sanh trong ba cõi tạo nên. Điều này được giải thích trong Khảo Nghiệm Duy Thức Học, quyển II, cũng trang 130 giải thích: Tất cả chủng tử phiền não của muôn loài chúng sanh trong ba cõi nội kết trong Tạng Như Lai biến thành Vô Minh Nghiệp Tướng. Nhưng muôn loài chúng sanh có từ vô thỉ thì Vô Minh cũng có từ vô thỉ.
2)- Vô Minh Nghiệp Tướng có một năng lực gọi là Hành (vô minh duyên hành). Hành của vô minh nghiệp tướng tạo thành bánh xe luân hồi trong ba cõi và xuất phát từ tâm điểm O của căn bản vô minh nghiệp tướng. Hành của vô minh nghiệp tướng thúc đẩy và cuốn trôi sanh mạng cá thể của muôn loài chúng sanh trong ba cõi cứ liên tục sống chết và chết sống trong cái vòng tròn bánh xe luân hồi của vô minh nghiệp tướng do năng lực Hành quay mãi không ngừng. Điều này được giải thích rõ trong Khảo Nghiệm Duy Thức Học, quyển I, trang 212 và 213 cùng một tác giả. Bánh xe luân hồi của vô minh nghiệp tướng không có điểm khởi đầu vì thế muôn loài chúng sanh cũng không có điểm khởi đầu cho nên muôn loài chúng sanh được gọi là có từ vô thỉ.
3)- Trong Phật Giáo, có ba loại hiểu biết: hiểu biết qua kiến văn giác tri, hiểu biết qua tư duy liễu ngộ và hiểu biết qua đạt đạo tu chứng.
*- Hiểu biết qua kiến văn giác tri là hiểu biết của Ý Thức thứ sáu với sự hợp tác của năm Tâm Thức trước, đây là sự hiểu biết thuộc Văn Huệ.
*- Hiểu biết qua tư duy liễu ngộ là hiểu biết của Ý Thức thứ sáu với sự phối hợp của Tâm Thức Mạt Na thứ bảy, đây là sự hiểu biết thuộc Tư Huệ.
*- Hiểu biết qua đạt đạo tu chứng là hiểu biết của Ý Thức thứ sáu với sự cộng tác của Tâm Thức Mạt Na thứ bảy và Tâm Thức A Lại Da thứ tám, đây là sự hiểu biết thuộc Tu Huệ.
Sự hiểu biết của Ý Thức thứ sáu qua kiến văn giác tri thì không thể nào biết được Vô Minh có từ hồi nào. Sự hiểu biết của Ý Thức thứ sáu có sự cộng tác của Tâm Thức Mạt Na thứ bảy qua tư duy liễu ngộ thì hiểu biết mập mờ bởi văn kiện sách vỡ truyền thừa mà không thể trực diện được sự thật của sự kiện. Chỉ có sự hiểu biết của Ý Thức thứ sáu được sự cộng tác của hai Tâm Thức Mạt Na thứ bảy và A Lại Da thứ tám qua đạt đạo tu chứng thì mới biết được đích thực Vô Minh có từ hồi nào.
Thí dụ: Anh A và anh B gặp nhau trong thế giới mộng mơ, anh A hỏi anh B con người thiệt của mình như thế nào? Anh B trả lời với anh A rằng: chúng ta thức tỉnh thì sẽ rõ, tôi không thể giải thích cho anh hiểu được. Chúng ta thức tỉnh thì sẽ rõ chính là chúng ta đạt đạo tu chứng.
Thì đây cũng vậy, theo Phật Giáo, chúng sanh trong ba cõi đều thuộc về đại mộng của thế giới chân như pháp tánh. Do đó chúng ta không thể nào thấu triệt được Vô Minh có từ hồi nào. Chúng ta khi nào thành Phật chứng ngộ thì mới biết rõ sự xuất hiện đầu tiên của Vô Minh. Để đáp ứng một phần nào sự nghi vấn của chúng sanh, đức Phật giải thích tạm thời là Vô Minh có từ vô thỉ.
I.- VẤN ĐỀ CHỦNG TỬ
Chủng Tử (Bàja) nghĩa là hạt giống mà khoa học gọi là Nguyên Tử. Chủng Tử hay Nguyên tử tuy khác nhau về danh xưng về tánh chất nhưng không khác nhau về ý nghĩa. Chủng tử và nguyên tử cả hai giống nhau đều là chỉ cho trạng thái hạt giống cả. Nhưng về mặt tánh chất, Nguyên tử là chỉ cho những loại hạt giống thuộc thuần túy về vật chất; còn Chủng tử thì chỉ cho những hạt giống bao gồm cả tâm thức, cả vật chất, cả nghiệp lực và cả nghiệp tướng. Vạn pháp trong vũ trụ đều phát sanh từ chủng tử và không có một vật nào hay một chúng sanh nào trong thế gian sanh ra mà không qua chủng tử. Thí dụ như cây lúa đều phát sanh từ nơi hạt lúa,..v..v.... Cho đến những cảnh giới của thế giới chân như muốn ảnh hiện qua thế giới nghiệp duyên cũng phải chuyển qua trạng thái chủng tử rồi từ chủng tử mới sanh khởi thành hình tướng duyên sanh trong thế gian. Chủng Tử có hai loại: một loại gọi là Nội Chủng Tử và một loại gọi là Ngoại Chủng Tử.
1.- NỘI CHỦNG TỬ:
Nội Chủng Tử là chỉ cho những hạt giống chưa tác dụng còn nằm yên trong Tạng Thức. Những hạt giống này gồm có hai thứ: một thứ hạt giống có bản chất chân thật và một thứ hạt giống không có bản chất chân thật.
a). Thứ Có Bản Chất Chân Thật:
Bản Chất Chân Thật, nghĩa là tánh chất của những thứ hạt giống này có nguồn gốc chân thật, có bản thể chân thật sanh ra nên gọi là bản chất chân thật. Trong nội chủng tử, những hạt giống có bản chất chân thật gồm có hai loại: Chủng Tử Tám Thức Tâm Vương và Chủng Tử Tứ Đại:
1)- Chủng Tử Tám Thức Tâm Vương:
Tâm Vương nghĩa là những tâm lý làm chủ nhận thức nên gọi là tâm vương. Bản chất chân thật của hạt giống tám Thức Tâm Vương chính là trí tuệ và được phát sanh từ Tạng Như Lai. Trí tuệ của tám Tâm Thức này chia làm bốn Trí (tứ Trí): Thành Sở Tác Trí, Diệu Quan Sát Trí, Bình Đẳng Tánh Trí và Đại Viên Cảnh Trí. (Xem kỷ Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, trang 251 và Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II, trang 64 - 65)
2)- Chủng Tử Tứ Đại:
Tứ Đại là chỉ cho bốn hạt giống: đất, nước, gió và lửa. Bản chất của bốn hạt giống này phát sanh từ Tạng Thức. Trạng trái của bốn hạt giống này gọi là năng lực (Power):
- Năng lực đất (Solid power), tức là chỉ cho năng lực chướng ngại rắn chắc như đất.
- Năng lực nước (Liquid power), tức là chỉ cho năng lực lưu nhận dung hóa những chất ngăn ngại.
- Năng lực gió (Windy power), tức là chỉ cho năng lực phiêu động, khiến vạn pháp luôn luôn di động biến dịch không ngừng.
- Năng lực lửa (Energetic power), tức là chỉ cho năng lực viêm nhiệt phát sanh sức nóng.
Bốn năng lực này khi ở trạng thái hạt giống nằm trong Tạng Thức thì riêng biệt nhau không quan hệ với nhau, đến khi tác dụng thì bốn loại này liền quan hệ nhau để cùng sanh khởi xây dựng vạn pháp về vật chất. Một trong bốn loại này không thể tự động sanh khởi và trong bốn loại này khi tác dụng, nếu như có một loại không quan hệ thì cũng không thể sanh khởi. Bốn loại này khi sanh khởi, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo vị trí, tùy theo nhu cầu của đối tượng, có loại hiện khởi năng lượng ít, có loại năng lượng nhiều, có loại năng lượng vừa phải, thí dụ như, nước sông biển sóng yên gió lặng, năng lượng đất thì ít, năng lượng lửa thì ít, năng lượng gió thì trung bình, chỉ có năng lượng nước quá nhiều, nhờ đó giúp cho đối tượng các loài thủy tộc sống trong nước mới có thể tồn tại theo nhu cầu của chúng; như không khí nơi vùng sa mạc, năng lượng đất (vi trần) thì ít, năng lượng nước quá ít, năng lượng gió thì trung bình, chỉ có năng lượng lửa thì quá nhiều tạo thành không khí trở nên nóng bức, khô hóc, nhờ đó các loại sống trong sa mạïc mới có khả năng tồn tại theo nhu cầu của chúng...v..v...
b)- Thứ Không Có Bản Chất Chân Thật:
Trong nội chủng tử, những thứ hạt giống không có bản chất chân thật nghĩa là những thứ hạt giống thuần túy do tập khí nội kết tạo thành. Tập nghĩa là huân tập, khí nghĩa là khí chất giống như mùi hương của các loài hoa. Tập Khí là chỉ cho những khí chất của thân nghiệp (của hành động), khẩu nghiệp (của lời nói) và ý nghiệp (của ý tưởng) nội kết thành chất liệu hạt giống, cũng như loại trà được ướp hương sen nội kết thành trà sen. Những hạt giống tập khí trong Tạng Thức theo nhà Duy Thức chia làm ba giai đoạn nội kết: giai đoạn huân tập, giai đoạn huân sanh và giai đoạn huân trưởng.
- Huân Tập, nghĩa là chủng tử mới được nội kết thành hạt giống, cũng giống như cây đậu xanh mới kết thành hoa trái còn non yếu chưa đủ chất lượng.
- Huân Sanh, nghĩa là những chủng tử đó đã đầy đủ chất lượng có thể sanh trưởng, cũng như hạt đậu xanh đã già cứng không còn non mềm nữa.
- Huân Trưởng, nghĩa là những chủng tử nếu như gặp được duyên là sanh trưởng ngay lập tức, cũng như hạt đậu xanh đã già cứng, nếu như gặp được duyên phân nước..v..v.... là nứt mộng ngay lập tức.
Trong nội chủng tử, những hạt giống không có bản chất chân thật gồm có hai loại: nghiệp lực và nghiệp tướng.
1)- Nghiệp Lực: nghĩa là những năng lực của nghiệp đã được nội kết lâu đời thành những hạt giống kiên cố trong Tạng Thức. Thí dụ con người uống rượu lâu đời thành nghiệp nội kết trong Tạng Thức và nghiệp này có năng lực khiến người uống rượu luôn luôn thèm rượu không thể bỏ được, đó gọi là nghiệp ghiền rượu.Những nghiệp này chỉ thuần túy là năng lực mà không có hình tướng và chỉ biết khi chúng tác dụng qua tâm thức, thí dụ nghiệp tham, sân, si..v..v... không thấy hình tướng của chúng mà chỉ biết năng lực của chúng qua hình tướng tâm thức tham, sân, si..v.,.v..... Chủng tử nghiệp lực gồm có hai giống: nghiệp căn bản và nghiệp huân tập.
a)- Nghiệp Căn Bản: Nghiệp căn bản đây là nghiệp thuộc loại nguồn gốc và chính những nghiệp này gây tạo hằng hà sa số nghiệp thiện ác khác của chúng sanh; những nghiệp này ngăn che không cho Tâm Thức trực tiếp duyên cảnh để có hiểu biết chân thật, điều khiển Tâm Thức sanh hoạt theo sự chỉ đạo của chúng qua hành động, qua lời nói và qua ý tưởng nên gọi là nghiệp căn bản. Những Tâm Thức của con người khi sinh hoạt còn bị ràng buộc bởi những nghiệp này ngăn cách và lôi cuốn thì không thể giải thoát khỏi nơi sáu nẻo sanh tử luân hồi. Nhà Duy Thức cho những nghiệp căn bản nói trên là những Pháp Tâm Sở và những pháp tâm sở đây là tên khác của nghiệp, thí dụ như sáu căn bản phiền não và hai mươi tùy phiền não mặc dù danh xưng khác nhau cũng đều cũng thuộc về loại nghiệp cả. Nhà Duy Thức căn cứ nơi giá trị tác dụng của những nghiệp căn bản này chia thành 51 loại và cũng căn cứ nơi tánh chất của chúng phân làm 4 loại: thiện, ác, hữu phú vô ký và vô phú vô ký.
*)- Nghiệp Thiện: gồm có 11 loại Tâm Sở
*)- Nghiệp Ác: gồm có 26 loại Tâm Sở
*)- Nghiệp Hữu Phú Vô Ký:
- Vô Ký là không ghi nhận, không nhất định, nghĩa là những
nghiệp này không phân biệt thiện hay ác và chúng quan hệ tất
cả thiện ác không bỏ sót một sự việc nào cả.
- Hữu Phú là có bị ngăn che, nghĩa là những nghiệp này luôn
luôn bị các nghiệp thiện ác khác lôi cuốn hành động theo sư chỉ đạo của chúng.
- Nghiệp Hữu Phú Vô Ký gồm có 5 Tâm Sở Biệt Cảnh và 4 Tâm
Sở Bất Định.
*)- Nghiệp Vô Phú Vô Ký:
Vô Phú: nghĩa là không bị ngăn che, không bị lôi cuốn.
Nghiệp Vô Phú Vô Ký: nghĩa là những nghiệp này không bị các nghiệp thiện ác lôi cuốn (vô phú), nhưng một khi sinh hoạt thì rất quan hệ với tất cả thiện ác và không bỏ sót một sự việc nào cả (vô ký). Những nghiệp này gồm có 5 Tâm Sở Biến Hành. Năm Tâm Sở này mặc dù là nghiệp vô phú vô ký nhưng chúng luôn luôn bao che, ngăn cách không cho 8 Thức Tâm Vương trực tiếp duyên cảnh để có hiểu biết trung thực. Tám Thức Tâm Vương dụ như tám ông vua nhận thức và 5 Tâm Sở Biến Hành dụ như năm cận thần bao quanh ông vua không cho ông vua trực tiếp đến thần dân để hiểu rõ dân tình.
b)- Nghiệp Huân Tập: gồm tất cả nghiệp thiện ác được nội kết thành những hạt giống nằm trong Tạng Thức chờ các duyên để trở thành nghiệp nhân nghiệp quả sau này. Những nghiệp huân tập gồm có nào là nghiệp sát sanh, nghiệp trộm cắp, nghiệp ái dục, nghiệp vọng ngữ,..v..v.... hằng hà sa số nghiệp lực đã được huân tập để trở thành nghiệp nhân và nghiệp quả cho kiếp sau.
2)- Nghiệp Tướng: (Forms) là chỉ cho những mô hình kiến trúc (Constructional models) hoặc những họa đồ kiểu mẫu (Blueprints) nhằm để cấu tạo vạn pháp thành những hình tướng duyên sanh hiện hữu trong vũ trụ. Những hình tướng duyên sanh của vạn pháp hiện hữu trong vũ trụ, mặc dù cùng một loại giống, cùng một huyết thống, nhưng khác nhau về hình tướng, điều đó chứng tỏ những nghiệp tướng để cấu tạo ra chúng hoàn toàn không giống nhau. Như một chủng tử cùng loại hạt giống hay cùng huyết thống có rất nhiều nghiệp tướng nội kết ở trong không giống nhau, cũng không khác một Video tape hay một DVD chứa rất nhiều hình ảnh ở trong. Cho đến của một chủng tử của một nhân vật như chủng tử của anh A tàng trử không chỉ một hình ảnh anh A mà trong đó chứa rất nhiều hình ảnh anh A ở trong.
Từ đó tuy với dạng chủng tử, những hạt giống mô hình nghiệp tướng, như hình bóng thầy tổ, hình bóng người thân đã qua đời mấy năm rồi, như hình bóng quê hương đất tổ cách xa muôn dặm và những hình bóng đó vẫn còn đậm nét trong tâm thức của chúng ta một khi chúng ta hồi tưởng nhớ nhung. Bản chất của những hạt giống mô hình nghiệp tướng này thuần nhất chỉ là tập khí nên gọi là nghiệp tướng tập khí và những nghiệp tướng tập khí đây có hai loại nhà Duy Thức gọi là Nhị Thủ Tập Khí.
Nhị là hai loại; Thủ là nắm lấy, tiếp nhận, nghĩa triết học là huân tập hay nội kết thành hạt giống; Nhị Thủ Tập Khí, nghĩa là hai loại hạt giống tập khí được nội kết trong Tạng Thức thành chủng tử. Hai loại hạt giống tập khí này gồm có Nghiệp Tướng Tập Khí và Danh Xưng Tập Khí, nên gọi chung là Nhị Thủ Tập Khí. Có một số luận gia giải thích rằng Nhị Thủ Tập Khí là chỉ cho Năng Thủ Tập Khí và Sở Thủ Tập Khí. Theo Duy Thức Học, Năng Thủ là chỉ cho Tâm Thức tiếp nhận gọi là tâm năng thủ và Sở Thủ là chỉ cho những cảnh đối tượng được thiếp nhận gọi là cảnh sở thủ. Những cảnh sở thủ có thể gọi là tập khí, nguyên vì những cảnh đối tượng được tiếp nhận thành chủng tử đều hoàn toàn thuộc loại ảo giác (ảnh tử) không có bản chất chân thật. Nhưng Tâm năng thủ thì không thể gọi là tập khí, nguyên vì những tâm thức này đều có bản chất chân thật, được phát sanh từ trí tuệ cả, không phải thuộc loại ảo giác (ảnh tử) giống như cảnh sở thủ. Cảnh Sở Thủ, theo Duy Thức Tam Thập Luận là chỉ cho Nhị Thủ Tập Khí và Nhị Thủ Tập Khí chính là Nghiệp Tướng Tập Khí và Danh Xưng Tập Khí, cả hai nghiệp này mới đích thực là loại tập khí, nguyên vì chúng hoàn toàn không có bản chất chân thật, mặc dù chúng đều là hình thức chủng tử cả. Thí dụ về Nghiệp Tướng Tập Khí và Danh Xưng Tập Khí như, chúng ta đề cập đến danh xưng Hòa Thượng Thích Thanh Từ thì hình tướng (nghiệp tướng) Hòa Thượng Thích Thanh Từ lập tức từ trong Tạng Thức của chúng ta xuất hiện lên cho chúng ta nhớ liền, chúng ta đề cập đến danh xưng Thiền Viện Trúc Lâm ở Đà Lạt thì hình tướng (pháp tướng) Thiền Viện Trúc Lâm ở Đà Lạt lập tức từ trong Tạng Thức của chúng ta xuất hiẹân lên cho chúng ta nhớ liền.
Nghiệp tướng tập khí gồm có hai loại: một là Ngã Tướng và hai là Pháp Tướng, gọi chung là ngã pháp. Danh từ Ngã Pháp có nhiều thuyết giải thích giống nhau đều cho rằng, Ngã là chủ thể nhận thức và pháp là đối tượng nhận thức, gọi chung là ngã pháp. Lối giải thích ngã pháp này là căn cứ nơi học thuyết chủ quan và khách quan của Tri Thức Luận. Nếu đứng trên lập trường Tri Thức Luận, lối giải thích ngã pháp của các học thuyết vừa trình bày thì có giá trị trên lãnh vực chủ quan nhận thức và đối tượng nhận thức, nhưng đứng trên lập trường Chủng Tử Luận của Duy Thức, lối giải thí ngã pháp nói trên hoàn toàn không hợp lý chút nào. Theo Chủng Tử Luận của Duy Thức Học, Ngã Pháp là chỉ cho ngã tướng và pháp tướng, gọi chung là nghiệp tướng, chính là hai yếu tố quan trọng không thể thiếu trong những yếu tố cấu trúc vạn pháp trên lãnh vực duyên sanh mà nó không phải là Chủ Thể Nhận Thức và Đối Tượng Nhận Thức hay Chủ Quan và Khách Quan. Ngã Tướng và Pháp Tướng theo Duy Thức Học khác nhau thế nào?
a)- Ngã Tướng là chỉ cho nghiệp tướng của chúng sanh hữu tình, là những mô hình kiến trúc của tất cả chúng sanh thuộc động vật. Chúng sanh hữu tình nghĩa là những chúng sanh có tình cảm, biết thương biết ghét, biết phân biệt nhân ngã bỉ thử, biết phải quấy, tốt xấu,..v..v...., theo Duy Thức Học tức là chỉ cho những chúng sanh có sáu tâm thức làm chủ phân biệt nhận thức. Ngã Tướng tại sao không gọi là nghiệp tướng, nguyên vì nghiệp tướng là danh từ chung nhằm để chỉ cho cả ngã tướng và pháp tướng, nhưng ở đây danh từ ngã tướng đặc biệt dành riêng cho các chúng sanh hữu tình. Sở dĩ các chúng sanh hữu tình thường chấp lấy nghiệp tướng của mình cho là bản ngã bất biến không thể thay đổi, cũng vì lý do đó để khỏi bị lầm lẫn với nghiệp tướng của chúng sanh vô tình, Phật giáo đặc biệt dành riêng nghiệp tướng của các chúng sanh hữu tình với danh xưng là ngã tướng. Đứng về phương diện chủng tử, danh xưng ngã tướng của những hạt giống là chỉ cho yếu tố cấu trúc các chúng sanh thuộc động vật mà nó không phải là danh xưng chỉ cho chủ thể nhận thức.
b)- Pháp Tướng là chỉ cho nghiệp tướng của các chúng sanh vô tình, là những mô hình kiến trúc của tất cả chúng sanh thuộc thực vật và khoáng vật, như những mô hình kiến trúc các cỏ cây núi non, địa cầu, trăng sao, vũ trụ, vạn vật,..v..v..... Chúng sanh vô tình là những chúng sanh không có tình cảm, không biết thương không biết ghét, không biết phân biệt nhân ngã bỉ thử, không biết phải quấy, tốt xấu,..v..v....., theo Duy Thức Học tức là chỉ cho những chúng sanh không có sáu tâm thức làm chủ phân biệt nhận thức, nhưng chúng đặc biệt chỉ có hai tâm Thức Mạt Na chủ trì sinh lý nẩy nở hoa trái,..v..v.... và tâm thức A Lại Da chủ trì sanh tồn phát triển tăng trưởng. Đứng về phương diện chủng tử, danh xưng pháp tướng của những hạt giống là chỉ cho yếu tố cấu trúc các chúng sanh vô tình thuộc loại thực vật và khoáng vật,..v..v.... mà nó không phải là danh xưng chỉ cho những đối tượng nhận thức.
Thí dụ: Chúng ta nhớ lại Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Đốc Giáo Phật Học Đường Nam Việt Ấn Quang, đường Sư Vạn Hạnh, Sai Gòn- Chợ Lớn tức thì chủng tử hình ảnh ngã tướng Hòa Thượng Thích Thiện Hoa từ trong tâm thức A Lại Da của chúng ta hiện lên ngay và đồng thời chủng tử những hình ảnh pháp tướng Phật Học Đường Nam Việt Ấn Quang trong đó các tăng sinh, những hình ảnh pháp tướng đường Sư Vạn Hạnh Sai Gòn - Chợ Lớn có liên quan đến Phật Học Đường Nam Việt Ấn Quang cùng lúc đều hiện lên không thiếu sót để cho chúng ta tưởng niệm ghi nhớ. Hơn nữa, chúng ta nhớ đến Hòa Thượng Thích Trí Thủ Viện Chủ Phật Học Viện Trung Phần Hải Đức Nha Trang tức thì chủng tử hình ảnh ngã tướng Hòa Thượng Thích Trí Thủ từ trong tâm Thức A Lại Da của chúng ta hiện lên ngay và đồng thời chủng tử những hình ảnh pháp tướng Phật Học Viện Trung Phần Hải Đức Nha Trang trong đó có các tăng sinh, những hình ảnh pháp tướng có liên quan đến Phật Học Viện cùng lúc hiện lên không thiếu sót để cho chúng ta tưởng niệm ghi nhớ. Những thí dụ trên cho chúng ta khái niệm về chủng tử ngã tướng và pháp tướng được cất giữ trong Tạng Thức để làm tư liệu mô hình kiến trúc cho kiếp sau nếu như chúng ta đã gây tạo nghiệp báo với chúng.
Có thể nói, đứng trên lãnh vực những yếu tố cấu trúc vạn pháp, danh từ Nghiệp Tướng là chỉ cho Ngã Tướng và Pháp Tướng gọi tắt là ngã pháp. Ngã Tướng là những mô hình kiến trúc những chúng sanh hữu tình chánh báo và Pháp Tướng là những mô hình kiến trúc những chúng sanh vô tình y báo mà những ngã tướng và pháp tướng này không phải chỉ cho nghĩa chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Muốn biết thêm ý nghĩa ngã tướng và pháp tướng xin nghiên cứu Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, trang 167 và Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II, trang 72 cùng một tác giả.
2.- NGOẠI CHỦNG TỬ:
Ngọai chủng tử là chỉ cho những hạt giống hiện hữu bên ngoài mà ai cũng nhìn thấy và hiểu biết được. Những hạt giống đó gồm có như hạt đậu xanh, hạt lúa, hạt bắp, hạt đậu nành, củ khoai, tinh cha, huyết mẹ, trứng gà, trứng chim,..v..v......, là những yếu tố để nẩy mầm sanh khởi con cái, sanh khởi hoa trái kế tiếp đều gọi là ngoại chủng tử cả. Theo Duy Thức Học những hạt giống ngoại chủng tử chỉ đứng địa vị làm trợ duyên trực tiếp (cận duyên) để vạn pháp được sanh khởi mà chúng nó không phải là nguyên nhân chánh yếu trong việc cấu trúc vạn pháp, cho nên chúng nó được gọi là quả dị thục.
Dị Thục nghĩa là chưa chín mùi; quả là kết quả, nghĩa là những hạt giống chưa đủ điều kiện cho việc nẩy nở và phát triển để thành hình tướng. Quả Dị Thục nghĩa là những hạt giống chưa chín mùi, tức là chưa gặp được nhân dị thục để nẩy nở và phát triển thành con cái, thành hoa trái cho kiếp kế tiếp, Duy Thức Học gọi quả dị thục này là quán đãi nhân. Quán đãi nhân nghĩa là những nhân tố đang đợi chờ nhân dị thục (nguyên nhân chính yếu) để làm trợ duyên trực tiếp cho việc nẩy nở và phát triển thân thể chúng sanh kiếp kế tiếp. Tất cả hạt giống ngoại chủng tử thuộc quả dị thục đều được ghép vào loại quán đãi nhân cả. Có nhiều gia đình, chồng vợ sống chung với nhau đã lâu mà không có con là do không có nội chủng tử thuộc nhân dị thục hợp tác để xây dựng rồi phải nuôi con nuôi làm trợ duyên kết hợp; cũng như nhiều hạt giống được gieo xuống đất, có giống nẩy nở và phát triển, nhưng có giống bị hư không nẩy nở và phát triển, nguyên vì những hạt giống bị hư đó không được nội chủng tử nhân dị thục hợp tác xây dựng.
Tóm lại, chủng tử có hai loại, một là nội chủng tử và hai là ngoại chủng tử. Nội chủng tử mới là nguyên nhân chính trong việc sanh khởi vạn pháp và ngoại chủng tử chỉ là trợ duyên trong việc hình thành vạn pháp trong thế gian. Có những thế giới không cần đến ngoại chủng tử vẫn hiện hữu trong thế gian, như những thế giới sắc giới và những thế giới vô sắc giới; những thế giới này không có ái dục chỉ đạo và không có vấn đề âm dương lôi cuốn, chỉ do tưởng uẩn chỉ đạo và thức uẩn kết hợp xây dựng bằng lối hóa sanh, cho nên không cần đến ngoại chủng tử làm trợ duyên. Trường hợp này cũng giống như người nằm mơ, thế giới trong mơ là do tưởng uẩn và thức uẩn hợp tác xây xựng hiện hữu bằng cách hóa sanh mà không cần đến ngoại chủng tử trợ duyên cho nên không có vật chất góp mặt.
II.- VẤN ĐỀ NHÂN QUẢ:
Vấn đề nhân quả là vấn đề trọng yếu trong tư tưởng Phật Giáo và có nhiều người đã giải thích ý nghĩa nhân quả rất tường tận, nhưng đứng về phương diện tư tưởng trong số đó có một ít người giải thích không đúng giá trị của nhân quả. Tư tưởng nhân quả của Phật Giáo mà đức Phật đã chủ trương cách đây hơn 25 thế kỷ đều được thiết lập trên lập trường Duy Tâm Luận mà tư tưởng này không phải xây dựng trên lập trường Duy Vật Luận. Tư tưởng nhân quả nếu như giải thích trên lập tường Duy Vật Luận thì quá thấp kém, không có chiều sâu về mặt tư tưởng và vô tình hạ thấp giá trị của Phật Giáo, cũng như phản bác lại chủ trương của đức Phật đã nhiều năm gầy dựng biện chứng trên Nhân Minh Luận. Toàn bộ tư tưởng của Phật Giáo mà chính đức Phật đã thuyết minh suốt 50 năm truyền bá đều xây dựng trên học thuyết nhân quả nghiệp báo làm căn bản, điều đó cho thấy tư tưởng nhân quả vô cùng phức tạp, vô cùng thâm sâu, khộng phải đơn thuần thấp kém như chúng ta thường hiểu biết. Những thuyết nhân quả khó hiểu đã được một số người giải thích sai lập trường của Phật Giáo như sau:
1)- NHÂN QUẢ TRÊN LẬP TRƯỜNG DUY VẬT:
Những thuyết nhân quả được giải thích như sau: Hạt lúa là nhân sanh ra cây lúa là quả, trứng gà là nhân sanh ra con gà là quả, tinh cha huyết mẹ là nhân sanh ra nhân loại là quả, DNA là nhân sanh ra con người là quả..v..v.....
a)- Hạt lứa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA hay bất cứ hạt giống nào đã hiện khởi qua hình thức duyên sanh cũng đều thuộc về vật chất cả. Như yếu tố DNA bản chất của nó cũng là vật chất
D: viết cho đủ là Deoxygenate
N: là hạt nhân cấu tạo
A: viết cho đủ là Acid.
Lối giải thích nhân quả như đã đề cập ở trên là lối giải thích theo học thuyết của Duy Vật Biện Chứng và lối giải thích này không đúng với học thuyết Duy Tâm Nhân Minh của Phật Giáo.Những điều không đúng của lối giải thích trên đối với tư tưởng Phật Giáo được nhận thấy như sau:
b)- Những hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA..v..v.... là thuộc về Sắc Uẩn, một trong Ngũ Uẩn và thuộc về Sắc Chất, một trong 12 Nhân Duyên mà chúng nó không phải là Thọ, Tưởng, Hành và Thức của Ngũ Uẩn và cũng không phải là Danh và Thức của 12 Nhân Duyên. Sắc Uẩn và Sắc Chất là thuộc về vật chất; ngoài Sắc Uẩn (Sắc Chất) còn có Thọ, Tưởng, Hành, Thức, cũng như ngoài Sắc Chất còn có Danh và Thức tất cả đều thuộc về tâm. Thọ, Tưởng, Hành, Thức của Ngũ Uẩn và Danh, Thức của 12 Nhân Duyên mới là yếu tố chính trong việc kiến trúc vạn pháp. Nếu như chấp nhận hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA..v..v... là những nhân tố chính trong việc kiến tạo vạn pháp và loài người thì vô tình phủ nhận học thuyết Thọ, Tưởng, Hành, Thức của Ngũ Uẩn và phủ nhận học thuyết Danh, Thức,..v..v....của 12 Nhân Duyên của Phật Giáo.
c)- Theo Duy Thức Học, những hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA,..v..v.... thuộc về quả dị thục của ngoại chủng tử mà chúng nó không phải là nhân dị thục của nội chủng tử. Nhân dị thục của nội chủng tử mới đích thực là chánh nhân và ngoài ra, những hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA,..v..v... thuộc quả dị thục của ngoại chủng tử chỉ là trợ duyên trong việc kiến tạo vạn pháp và loài người mà thôi. Điều đó được nhận thức như sau:
*)- Những hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA,..v..v... là những loại thuộc vật lý hoàn toàn thụ động, không có tri giác trong việc kiến tạo và chính nó không thể tự phát triển, không thể tự nẩy nở và lớn lên nếu như không có những yếu tố khác bên ngoài như Thức Dị Thục đứng ra xây dựng và bảo trì. Cho đến thuyết âm dương cũng thuộc về vật lý và cũng là loại vô tri giác thì làm sao có khả năng sáng tạo vạn pháp và loài người.
*)- Có thuyết cho rằng, trong hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA,..v...v... có những vi sanh vật kiến tạo, thường gọi là tinh trùng và nhờ đó vạn pháp và loài người mới thành hình được trong thế gian. Thuyết này không được chính xác. Vi sanh vật là một loại động vật hạ đẳng không đồng tính thì không thể nào cấu trúc sanh mạng của một chúng sanh như sanh mạng con người quá khả năng của chúng mà ở đây chính con người còn bất lực trong việc quyết định sanh mạng và sự tồn tại của mình. Chừng nào con kiến xây dựng được nhà cửa cho con người cư trú thì chừng đó thuyết vi sanh vật nói trên có thể tin được. Cho nên thuyết vi sanh vật không phải là nguyên nhân chánh yếu trong việc kiến tạo vạn pháp.
*)- Theo lẽ một nhân thì chỉ sanh ra một quả, nhưng ở đây tại sao một hạt lúa mẹ là một nhân lại sanh ra nhiều bông lúa và nhiều quả hạt lúa con; cũng như tại sao một mẹ một cha lại sanh ra nhiều đứa con và những đứa con của họ sanh ra hoàn toàn không giống họ như khuôn đúc về cả hình tướng cũng như tánh tình..v..v...... Theo Phật Giáo với những lý do trên, những hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA,..v..v.... không phải là những yếu tố chính trong việc kiến tạo vạn pháp và loài người.
2)- NHÂN QUẢ TRÊN LẬP TRƯỜNG DUY TÂM
a)- Ngoài những hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA..v..v.... trợ duyên còn có các nhân tố khác không kém phần quan trọng trong việc kiến tạo vạn pháp và loài người đó chính là Nghiệp Lực và Nghiệp Tướng. Vì Nghiệp Tướng cho nên một hạt lúa sanh ra nhiều bông lúa và nhiều hạt lúa con mà nghiệp tướng đó nhà Duy Thức gọi là Pháp Tướng; cũng như vì Nghiệp tướng cho nên một cha một mẹ sanh ra nhiều đứa con khác nhau về hình tướng mà nghiệp tướng đó nhà Duy Thức gọi là Ngã Tướng. Còn Nghiệp Lực chính là nhân tố tạo ra tánh tình con cái khác nhau và thọ lấy quả báo khác nhau mặc dù chúng nó sống trong cùng một huyết thống, trong cùng một hoàn cảnh như nhau.
b)- Nhìn sâu hơn nữa, ngoài ngã tướng và pháp tướng ra, còn có một nhân tố quan trọng trên hết trong việc kiến tạo vạn pháp và loài người, nếu như không có nhân tố này góp mặt thì vạn pháp và loài người không thể thành hình, cũng như không có nhân tố này hiện hữu thì vạn pháp và loài người không bao giờ tồn tại trong thế gian. Nhân tố này chính là Thức A Lại Da, Thức A Lại Da là một kỷ sư vừa kiến trúc vừa bảo quản sanh mạng tất cả vạn pháp và loài người. Ngoài Thức A Lại Da này ra, không ai có khả năng thay thế công trình kiến tạo vạn pháp và loài người khởi điểm từ hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA để trở thành hệ thống sanh lý quá tối tân và quá phức tạp tinh vi. Con người chỉ có khả năng kiến tạo người máy (người Robot) thuần túy vật lý, nhưng nó hoàn toàn không có tình cảm, không thể tự mình thiết kế chương trình, cũng không thể tự mình điều khiển lấy mọi sự sinh hoạt và tất cả sự hoạt động phải nhờ người khác bên ngoài giúp đỡ toàn diện.
c)- Theo Duy Thức Học, Thức A Lại Da, Nghiệp Lực và Nghiệp Tướng cả ba yếu tố này thuộc về Nội Chủng Tử và ngoài ra những hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA,..v..v... đều thuộc về Ngoại Chủng Tử. Nội Chủng Tử mới là Nhân Dị Thục và Ngoại Chủng Tử chỉ là Quả Dị Thục mà thôi. Nói cách khác Thức A Lại Da, Nghiệp Lực và Nghiệp Tướng cả ba loại này đều thuộc về Nhân và những hạt lúa, trứng gà, tinh cha huyết mẹ, DNA,..v..v.... tất cả đều thuộc về Quả và Thức A Lại Da còn có tên khác là Thức Dị Thục.
Thí dụ một trứng gà có trống thuộc quả dị thục của ngoại chủng tử được gà mẹ ấp lên; trứng gà đó chỉ thuần là trồng trắng và trồng đỏ ở trong. Đang lúc gà mẹ ấp trứng, Thức A Lại Da của nội chủng tử chung vào và mang theo nghiệp tướng của con gà làm kiểu mẫu để xây dựng hệ thống sanh lý thành gà con trong trứng. ngoài Thức A Lại Da ra không còn ai có thể thay thế công việc quá phức tạp và tinh vi như thế.
Con người sanh ra có tướng tốt hay tướng xấu, cao hay thấp là do nghiệp tướng, con người có thông minh hay đần độn, khổ đau hay bất hạnh là do nghiệp lực, và con người sống lâu hay chết yểu là Thức A Lại Da quyết định; ba nhân này đều nằm trong nội chủng tử, gọi chung là nhân dị thục.
III.- SỰ QUAN HỆ GIỮA NHÂN DỊ THỤC VÀ QUẢ DỊ THỤC:
Sự quan hệ giữa nhân dị thục và quả dị thục vô cùng phức tạp không thể nghĩ bàn vì sự hoạt động của chúng nó, con người không thể thấy được và biết được, con người nếu như thấy được và biết được thì có thể tránh được không bao giờ bị chịu những quả đau khổ. Sự quan hệ giữa nhân dị thục và quả dị thục, theo Duy Thức Học trước hết là Nghiệp Lực. Nghiệp Lực chính là mấu chốt trong sự nối kết giữa nhân dị thục và quả dị thục.
1)- Nghiệp Lực của nội chủng tử khi nó tác dụng nhà Duy Thức gọi là Khiên Dẫn Nhân, nghĩa là nhân tố lôi kéo Kiến Phần Thức A Lại Da hành sử theo sự chỉ đạo của nó, cũng như nghiệp ghiền rượu khi nó tác dụng là khiên dẫn nhân lôi kéo con người đi đến quán rượu, nghiệp sân khi nó tác dụng là khiên dẫn nhân lôi kéo tâm thức con người hành động sân hận. Nghiệp lực tác dụng trước hết lôi kéo Kiến Phần Thức A Lại Da chung vào Chủng Tử Nghiệp Tướng có quan hệ nghiệp báo với nó biến thành Nhân Dị Thục và kiến Phần Thức A Lại Da trong Nhân Dị Thục được gọi là Thức Dị Thục. Nhân Dị Thục trong đó có Thức Dị Thục chủ trì sanh mạng mà Liễu Sanh Thoát Tử gọi là Thân Trung Ấm. Nhân Dị Thục hay là Thân Trung Ấm mà 12 Nhân Duyên gọi là Danh. Nghiệp lực trong Nhân Dị Thục đi tìm Nghiệp lực của Quả Dị Thục quan hệ nghiệp báo nơi Ngoại Chủng Tử để kết duyên. Nghiệp Lực của Nhân Dị Thục sau khi kết duyên được Nghiệp lực của Quả Dị Thục nơi Ngoại Chủng Tử liền cùng Thức Dị Thục chuyển sang một sanh mạng của kiếp sau. Đứng trên lập trường nhân quả mà nhận thức thì:
*- Nghiệp lực của nhân Dị Thục nơi nội chủng tử là nghiệp nhân, vì nghiệp này mới chính là nguyên nhân gây nên những quả thiện, những quả ác hay là những quả vô ký cho kiếp sau. Còn Nghiệp lực của Quả Dị Thục nơi ngoại chủng tử chỉ là nghiệp thọ nhận những quả báo thiện ác hay vô ký do nghiệp nhân gây nên.
*- Còn Nghiệp Tướng của nhân dị thục nơi nội chủng tử cũng là nghiệp nhân, vì nghiệp này mới chính là nguyên nhân tạo nên thân thể và tạo nên những quả dị thục thành những hình tướng tốt xấu, cao thấp, lớn nhỏ..v..v.... riêng biệt nhau
*- Riêng Thức Dị Thục của nhân dị thục là kỷ sư kiến trúc và Thức này cũng là nguyên nhân xây dựng nên sanh mạng của một chúng sanh hữu tình và chúng sanh vô tình cả hai loại đều hiện hữu và tồn tại ở kiếp kế tiếp, đồng thời Thức này cũng tạo dựng ra những tâm thức (sáu Thức Trước) cho những chúng sanh hữu tình để cảm thọ những quả báo thiện ác và vô ký do nghiệp nhân gây nên.
2)- Vị trí của Quả Dị Thục thuộc ngoại chủng tử chỉ là trợ duyên trực tiếp giúp cho nhân dị thục nẩy nở và phát triển theo luật nhân quả mà 12 Nhân Duyên gọi quả dị thục này là Sắc chất. Quả Dị Thục khi chưa gặp được nhân dị thục, theo luật nhân quả thì gọi là Quán Đãi Nhân, nghĩa là nhân tố chờ đợi nhân dị thục để kết duyên. Quả Dị Thục khi âm dương hòa hợp thì gọi là Câu Hữu Nhân và Năng Tác Nhân. Câu Hữu Nhân thì thuộc về Âm và Năng Tác Nhân thì thuộc về Dương. Quả Dị Thục khi được Năng Tác Nhân và Câu Hữu Nhân hòa hợp liền mở cửa đón nhận Nhân Dị Thục vào trong xây dựng cho một sanh mạng kiếp kế tiếp.
3)- Sự sanh khởi một sanh mạng của Thức Dị Thục thuộc nội chủng tử. Sau khi Nghiệp lực của nhân dị thục kết duyên được nghiệp lực của quả dị thục nào đó quan hệ nghiệp báo, Thức Dị Thục liền hành sử theo nghiệp lực chỉ đạo đứng ra xây dựng sanh mạng cho một chúng sanh theo sự mong muốn của nghiệp nhân. Thức Dị Thục căn cứ theo mô hình kiểu mẫu nghiệp tướng đã mang theo đầu tiên chọn lấy nguyên liệu tứ đại sắc uẩn đã có sẵn nơi quả dị thục để khởi công xây dựng và tiếp tục xây dựng qua sự ăn uống hít thở của gốc rễ thực vật hay của người mẹ cung cấp. Muốn rõ vấn đề này xin xem lại Sự sinh hoạt của mười hai nhân duyên trong Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II, trang 173 cùng một tác giả.
4)- Một hạt giống quả dị thục nào đó của ngoại chủng tử khi trưởng thành có thể sanh ra nhiều hạt giống quả dị thục con kế tiếp cũng thuộc ngoại chủng tử để hóa giải nợ nần quan hệ nghiệp báo với nhiều nhân dị thục của nội chủng tử khác trong nội tâm A Lại Da hiện đang chờ đợi đòi nợ. Hiện tượng này được nhận định như sau:
*- Một hạt lúa quả dị thục thuộc ngoại chủng tử chỉ nở được một cây lúa, nhưng một cây lúa đó lại có thể đơm bông kết trái được dã dụ vào khoảng một trăm hạt lúa con cũng thuộc ngoại chủng tử và một trăm hạt lúa con này được gọi là quả dị thục. Một trăm hạt lúa con này nhằm để hóa giải nợ nần quan hệ nghiệp báo với một trăm nhân dị thục của nội chủng tử trong nội tâm A Lại La hiện đang chờ đợi đòi nợ.
*- Một trứng gà quả dị thục thuộc ngoại chủng tử chỉ nở được một con gà thí dụ như con gà mái chẳng hạn, nhưng trong bụng con gà mái đó lại có thể kết nụ được dã dụ vào khoảng sáu chục trứng gà con cũng thuộc ngoại chủng tử và sáu chục trứng gà con này được gọi là quả dị thục. Sáu chục trứng gà con này nhằm để hóa giải nợ nần quan hệ nghiệp báo với sáu chục nhân dị thục của nội chủng tử trong nội tâm A Lại Da hiện đang chờ đợi đòi nợ.
*- Một noãn châu quả dị thục thuộc ngoại chủng tử chỉ sanh được một con người thí dụ như con người thuộc phái nữ chẳng hạn, nhưng trong bụng con người thuộc phái nữ đó lại có thể kết nụ được buồng trứng dã dụ vào khoảng mười noãn châu cũng thuộc ngoại chủng tử để sanh mười đứa con và mười noãn châu này được gọi là quả dị thục. Mười noãn châu này nhằm để hóa giải nợ nần quan hệ nghiệp báo với mười nhân dị thục của nội chủng tử trong nội tâm A Lại Da hiện đang chờ đợi đòi nợ.
Từ đó cho thấy, theo Kinh Nhân Quả, sự hình thành vạn pháp đều nằm trong định luật quan hệ nhân quả nghiệp báo, quan hệ từ nghiệp nhân đến nghiệp quả. Riêng con người cũng không thoát khỏi ngoại lệ này và cũng vì nằm trong định luật nhân quả nghiệp báo vừa trình bày cho nên ngạn ngữ có câu: Con là nợ, vợ chồng là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo. Xuyên qua giá trị quan hệ nhân quả nghiệp báo nói trên, người đàn bà theo lẽ phải sanh ra mười đứa con hay mười lăm đứa con để trả món nợ cho xong trong kiếp này mà mình đã vay từ kiếp trước, nhưng vì sợ nuôi con không nỗi nên hạn chế chỉ sanh ra hai đứa con mà thôi và số còn lại xin hẹn kiếp sau sẽ trả tiếp tục. Nợ của con cái cũng là nợ của cha mẹ quan hệ trực tiếp và cha mẹ phải trả qua đứa con đòi nợ; kiếp này cha mẹ không sanh con đủ túc số để trả nợ trong một kiếp thì số nợ của kiếp này sẽ chồng lên số nợ của kiếp sau và mỗi kiếp cứ khất một số nợ như thế thì số nợ mà cha mẹ đã khất mỗi kiếp càng chồng chất thêm lớn không bao giờ chấm dứt nợ nần. Con người không chấm dứt nợ nần thì không bao giờ được giải thoát. Con người có thể trốn tránh được luật pháp của thế gian, nhưng không thể nào trốn tránh được luật pháp nhân quả nghiệp báo.
IV.- XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ SAU CÙNG:
Vạn pháp muốn thành hình tướng trong thế gian theo Duy Thức Học đều phải chuyển qua trạng thái chủng tử ở trong nội tâm Tạng Thức A Lại Da gọi là nội chủng tử và cũng được gọi là nhân dị thục. Còn chủng tử đã hiện tướng duyên sanh bên ngoài mà ai cũng đều thấy được gọi là ngoại chủng tử và cũng được gọi là quả dị thục. Chủng tử quả dị thục chỉ có nhiệm vụ làm trợ duyên trực tiếp cho nhân dị thục thuộc nội chủng tử trong Tạng Thức A Lại Da chuyển biến và sanh khởi. Vạn pháp có hai cách chuyển qua trạng thái nội chủng tử để sanh khởi:
*- Hiện tượng vạn pháp muốn tái sanh ở kiếp sau liền chuyển qua trạng thái nội chủng tử nghiệp tướng và nghiệp lực làm nhân, rồi từ nghiệp tướng và nghiệp lực đó, hiện tượng vạn pháp nhờ đến Thức Dị Thục đứng ra xây dựng để được góp mặt nơi kiếp sau.
*- Thế giới chân như pháp tánh muốn góp mặt trong thế gian ba cõi cũng phải chuyển qua trang thái nội chủng tử nghiệp tướng và nghiệp lực làm nhân, rồi từ nghiệp tướng và nghiệp nhân đó, thế giới chân như pháp tánh cũng phải nhờ đến Thức Dị Thục đứng ra xây dựng để được hiện tướng trong ba cõi.
Hiện tượng vạn pháp nếu như không có chủng tử nghiệp lực, nghiệp tướng và Thức Dị Thục thì không thể góp mặt trong thế gian, cũng như thế giới chân như pháp tánh muốn xuất hiện trong thế gian cũng phải có chủng tử nghiệp lực, nghiệp tướng và Thức Dị Thục vậy. Trường hợp này cũng giống như nếu không có chủng tử nghiệp lực, nghiệp tướng và Thức Dị Thục thì chúng ta cùng thế giới hiện thật không bao giờ hiện hữu trong thế giới mộng mơ. Từ ý nghĩa và giá trị này, chúng ta muốn giải thoát sanh tử để thể nhập được thế giới Niết Bàn Tịch Tịnh thì trước hết phải tẩy sạch hết tất cả chủng tử nghiệp lực và nghiệp tướng đã tàng trử lâu đời trong nội tâm Tạng Thức A Lại Da từ vô thỉ cho đến ngày nay, giúp cho Tạng Thức A Lại Da chuyển thành trí tuệ Đại Viên Cảnh. Nếu không được như thế, chúng ta không bao giờ thoát khỏi vòng sanh sử trong sáu nẻo luân hồi và con đường đi đến thế giới Niết Bàn Tịch Tịnh còn xa thẩm mù khơi. Chúng ta nên biết rằng, cảnh giới Niết Bàn Tịch Tịnh nơi trong thế giới chân như không thể nào dung chứa những kẻ còn mang nặng những chủng tử nghiệp lực và nghiệp tướng đầy tràn trong Tạng Thức A Lại Da, nguyên vì những kẻ đó sẽ làm ô nhiễm cảnh giới tịch tịnh trong sáng phi thường của chư Phật an trụ.
I.- GIÁ TRỊ CỦA SỰ NHẬN THỨC: (Tri Thức Luận)
Ý Thức là một loại tâm thức so với năm tâm thức ở trước, từ Nhãn Thức cho đến Thân Thức đứng hàng thứ sáu nên gọi là Ý Thức thứ sáu. Giá trị của Ý Thức thứ sáu này không thể thấy, không thể nghe,..v..v.... mà ở đây chỉ hiểu biết vạn pháp qua sự nhận thức về tánh chất, giá trị và ý nghĩa của mỗi loại.
Theo Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, trang 325 giải thích: Trên thực tế, Ý Thức thứ sáu của con người chính là nền tảng của sự nhận thức. Không có Ý Thức thứ sáu, con người không có nhận thức. Con người nếu như không có sự nhận thức thì cuộc đời của họ không có giá trị và sự sống của họ không có ý nghĩa.
Đúng như thế, sự sống của con người nếu như không có Ý Thức hiện hữu sinh hoạt thì lúc đó giống như sự sống cỏ cây chỉ sinh hoạt theo bản năng mà không có chút nhận thức tánh chất, ý nghĩa và giá trị của cuộc đời. Nhưng giá trị nhận thức của Ý Thức có những khuyết điểm như sau:
1)- Khuyết điểm thứ nhất của Ý Thức là sinh hoạt bị bao che và ngăn cách bởi 5 Biến Hành, 5 Biệt Cảnh không cho trực tiếp duyên thẳng đến cảnh sở duyên để có hiểu biết chân thật của sự vật. Những Tâm Sở này cung cấp những hình ảnh như thế nào thì Ý Thức nhận thức như thế đó theo sự chỉ điểm của chúng.
Thí dụ cùng một cô M làm đối tượng nhận thức, sắc đẹp của cô thì toàn diện nhưng tâm sở Thắng Giải của anh A chỉ chọn cái đẹp nơi đôi mắt thì Ý Thức anh A chỉ thấy cái đẹp nơi đôi mắt của cô M và ngoài ra Ý Thức của anh A không thấy được cái đẹp chỗ nào khác nơi cô M; cũng như tâm sở Thắng Giải của anh B lại chọn cái đẹp nơi miệng thì Ý Thức anh B chỉ thấy cái đẹp nơi miệng của cô M và ngoài ra Ý Thức của anh B không thấy được cái đẹp chỗ nào khác nơi cô M,..v..v..... Một thí dụ khác cho thấy, anh C hiện đang cầm chìa khóa xe Toyota của anh trong tay mà anh không hay biết lại đi tìm chìa khóa khắp nơi, trường hợp đó là do tâm sở Xúc của anh C không cung cấp hình ảnh chìa khóa xe Toyota lên trình diện cho Ý Thức của anh C, khiến cho Ý Thức của anh không nhận thức được rằng mình hiện đang cầm chìa khóa xe Toyota trong tay.
Qua những dữ kiện trên, chúng ta khái niệm rằng cũng chung một vấn đề quan sát, mỗi người có một nhân sanh quan khác nhau là do tâm sở Thắng giải chọn lấy những đặc điểm không giống nhau đem lên trình diện cho Ý Thức của mỗi người nhận thức, thành thử Ý Thức của mỗi người dựa theo những dữ kiện sai biệt đó nhận thức sự việc bất đồng nhau. Từ ý niệm trên, sự nhận thức của Ý Thức luôn luôn không được trung thực nghĩa là đều hoàn toàn bị chi phối bởi các Tâm Sở quyết định.
2)- Khuyết điểm thứ hai là Ý Thức chỉ có khả năng nhận thức những cảnh sở duyên bằng ảo ảnh (Ảnh Tử = Cause of Illusions) được hội tụ (Focus) bởi những Tướng Phần (Images) của Sắc Trần (Visible Form), của Thinh Trần (Sound), của Hương Trần (Odor), của Vị Trần (Taste), của Xúc Trần (Tangible Object) nơi một sự vật do năm Thức Trước cung cấp và năm Thước Trước nếu như không cung cấp những ảo ảnh của những sự vật nói trên thì Ý Thức hoàn toàn bất lực không có chút nhận thức nào. Nhưng năm Thức Trước chỉ có khả năng đạt được hiểu biết từng phần hình tướng (Tướng Phần = Image) rời rạt thuộc phiến diện của mỗi trần cảnh cung cấp cho Ý Thức nhận thức và Ý Thức dựa theo những phần nhỏ này của năm Thức Trước quy nạp thành hệ thống lý luận (Xem lại Khái Luận Về Pháp Tướng Duy Thức Học, của dịch giả Thắng Hoan, trang 42).
Thí dụ như anh A đang lái xe trên xa lộ, Nhãn thức của anh rút lui khiến anh bị ngủ gục trong lúc lái xe; Lúc đó Ý Thức của anh A bị bất lực không thể tự động điều khiển cho anh lái an toàn trong lúc Nhãn Thức của anh không có mặt tại hiện trường.
Đã là ảo ảnh thì sự nhận thức của Ý Thức đối với vạn pháp trong vũ trụ duyên sanh, theo Duy Thức Học đều cho là vọng tưởng điên đảo và không bao giờ thấu triệt được chiều sâu nơi bản thể của vạn pháp không phải duyên sanh. Xin xem lại Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, trang 44 - 45 cùng một tác giả.
3)- Khuyết điểm thứ ba là bị ngăn cách bởi hệ thống thần kinh mà Duy Thức gọi là Tịnh Sắc Căn. Năm hệ thống Thần Kinh Tịnh Sắc Căn (Organs) là năm chỗ nương tựa (sở y) của năm Thức Trước sinh hoạt và Trung Khu Thần Kinh (System Center) phía sau não bộ là chỗ nương tựa của Ý Thức sinh hoạt. Những hệ thống thần kinh Tịnh Sắc Căn này đều là hoàn toàn thuộc vật chất. Những hệ thống thần kinh Tịnh Sắc Căn vật chất này nếu như được xây dựng một cách tinh tế sắc xảo thì giúp cho năm Thức Trước thâu ảnh sự vật trong sáng rõ nét và giúp cho Ý Thức nhận thức vạn pháp tương đối chính xác cụ thể. Ngược lại, những hệ thống thần kinh Tịnh Sắc Căn thuộc vật chất này nếu như được xây dựng thô sơ không sắc xảo thì khiến cho năm Thức Trước thâu ảnh sự vật trở nên mờ đục, không trong sáng, không rõ nét và cũng khiến cho Ý Thức thứ sáu nhận thức vạn pháp trở nên thiển cận, đần độn, hiểu biết khái lược không có chiều sâu. Hơn nữa, những hệ thống thần kinh Tịnh Sắc Căn thuộc vật chất này nếu như bị bệnh hoạn và bị hư hoại thì khiến cho năm Thức Trước thâu ảnh sự vật méo mó, mờ ảo và khiến cho Ý Thức nhận thức vạn pháp trở nên điên loạn, lệch lạc và điên đảo.
4)- Khuyết điểm thứ tư là sự nhận thức của Ý Thức thì hoàn toàn lệ thuộc vào bộ máy sanh lý nơi thân thể vật chất của mỗi loại chúng sanh. Bộ máy sanh lý nơi thân thể của mỗi loại chúng sanh khác nhau thì khiến cho Ý Thức của những loại chúng sanh đó nhận thức vạn pháp hoàn toàn không giống nhau.
Thí dụ, Ý Thức của con kiến không thể hiểu biết sâu rộng so với sự hiểu biết của Ý Thức con mèo. Ý Thức của con chó không thể hiểu biết sâu rộng so với sự hiểu biết của Ý Thức của con người..v..v....
Cũng thế, Ý Thức của con người không thể hiểu biết những gì bao la sâu rộng như vũ trụ quá tầm nhận thức của mình.
5)- Khuyết điểm thứ năm, Ý Thức luôn luôn bị khống chế bởi Tâm Thức Mạt Na chỉ đạo không cho duyên trực tiếp với thế giới chủng tử vạn pháp trong nội Tâm A Lại Da để có nhận thức chân thật. Ý Thức muốn nhận thức thế giới chủng tử vạn pháp trong nội Tâm A Lại Da phải qua sự cung cấp của Tâm Thức Mạt Na, nguyên vì những hồi sơ chủng tử vạn pháp trong thế giới nội Tâm A Lại Da đều do Tâm Thức Mạt Na quản lý, tức là chấp ngã và chấp pháp. Nói cho rõ hơn, Ý Thức chỉ tiếp xúc được Tướng Phần (Images) của thế giới chủng tử vạn pháp trong nội Tâm A Lại Da để nhận thức thức qua sự cung cấp của Thức Mạt Na.
Thí dụ, tôi muốn nhớ lại những dữ kiện mà tôi đã học qua lúc tôi còn là một sinh viên đại học để ghi lại làm tài liệu, nhưng tôi ngồi suy tư mãi mà không thể nào nhớ được đành phải bỏ qua và tiếp tục đi tìm tài liệu khác. Một hôm tôi đang ngồi thiền trước bàn Phật, bổng nhiên những dữ kiện đó lại xuất hiện trình diện trước Ý Thức của tôi mà những dữ kiện đó tôi không cần thiết dùng đến nó nữa.
Theo Duy Thức Học, những dữ kiện nói trên không phải bị xóa mờ trong nội Tâm A Lại Da mà tại vì Thức Mạt Na không chịu cung cấp cho nên Ý Thức của tôi không thể nào nhớ được. Trong lúc tôi ngồi thiền, Thức Mạt Na lại mang những dữ kiện nói trên trình diện bắt Ý Thức của tôi phải nhớ lại mà những dữ kiện đó tôi không cần đến nữa. Nhưng những dữ kiện mà tôi phải nhớ lại chính là những hình ảnh Tướng Phần (Images) của những dữ kiện gốc chủng tử hiện đang nằm trong nội Tâm A Lại Da do Thức Mạt Na cung cấp. Có một số người đang tụng kinh trước bàn Phật không nhất tâm liền nhớ lại đủ thứ chuyện ngoài đời trong lúc hiện trường trước bàn Phật không bao giờ có những hình ảnh đó và Phật Giáo cho tâm trạng của những người đang tụng kinh nhớ đủ thứ chuyện nói trên là bị bệnh phân tâm.
6)- Khuyết điểm thứ sáu là Ý Thức xuất hiện sau khi các giác quan của con người được thiết lập. Ý Thức không thể sinh hoạt khi hệ thống sinh lý của con người hay của chúng sanh hữu tình chưa được xây dựng và Ý Thức của họ nhận thức còn yếu kém, sinh hoạt chưa được nhạy bén khi bộ máy sinh lý của họ xây dựng chưa hoàn thành. Ý Thức của con người hay của chúng sanh hữu tình hoàn toàn bất lực trong sự nhận thức vạn pháp khi dòng sanh mạng chuyển tiếp của con người hay của chúng sanh hữu tình đó ở kiếp vị lai chưa được hoàn thành hệ thống sinh lý.
Thí dụ, Ý Thức của một trẻ sơ sanh không thể nào hiểu biết giống như Ý Thức của một người lớn và Ý Thức của một đứa trẻ vừa tròn mười tám tuổi không thể so sánh bằng Ý Thức của bậc lão thành đầy kinh nghiệm.
Tóm lại sáu sự kiện đã được trình bày trên cũng đủ chứng minh giá trị nhận thức vạn pháp của Ý Thức. Ý Thức chẳng những bất lực trong sự nhận thức vạn pháp của thế giới ngoại cảnh và cũng bất năng trong sự nhận thức của thế giới chủng tử nội tâm. Tất cả triết học được xây dựng trên lãnh vực nhận thức của Ý Thức, theo Duy Thức Học đều thuộc về loại Triết Học Lý Luận Ảo Giác mà Phật Giáo gọi là Triết Học Vọng Tưởng Điên Đảo. Ngoại trừ chúng ta tu tập chuyển Ý Thức thành trí tuệ Diệu Quan Sát và sử dụng năng lực của trí tuệ Diệu Quan Sát này quán chiếu thì khả dĩ có thể nhận thức vạn pháp tương đối có chiều sâu hơn. Cũng không khác nào sự hiểu biết nơi Ý Thức không tu luyện của con người thiếu trình độ học vấn không thể nào so sánh với sự hiểu biết nơi Ý Thức có tu luyện của một nhà Bác Học. Theo Phật Giáo, Ý Thức mặc dù đã được chuyển thành trí tuệ Diệu Quan Sát nhưng không thể nhận thức được thế giới Chân Không Vô Tướng (Thế giới Static States) của Tâm Chân Như.
II.- GIÁ TRỊ CỦA THỨC MẠT NA: (Nhân Sanh Luận)
Thức Mạt Na là dịch âm từ chữ Phạn Manas, nghĩa là Ý. Mạt Na so với Ý Thức thứ sáu thì thuộc về hàng thứ bảy, nên gọi là Thức thứ bảy. Sự quan hệ của Thức Mạt Na với Ý Thức và Thức A Lại Da được nhận định như sau:
a)- Sự Quan Hệ Với Ý Thức:
1)- Thức Mạt Na nếu không có để làm Căn Thắng Nghĩa (Manas sense) thì Ý Thức không thể nhận thức vạn pháp, cũng như Nhãn Căn (Eye Senses) nếu như không có thì Nhãn Thức không thể nhìn thấy vạn pháp.
2)- Thức Mạt Na nếu như không có góp mặt chỉ đạo thì Ý Thức không có những hành động so đo chấp trước, tính toán thiệt hơn, chọn lựa phải quấy mỗi khi nhận thức vạn pháp; nguyên vì bản chất của Ý Thức chỉ hiểu biết vạn pháp qua sự nhận định phân biệt.
3)- Thức Mạt Na nếu như không có thì khi Ý Thức nhận thức xong sự vật đối tượng không có ai mang những hình ảnh đó vào cất trong kho A Lại Da để lưu trử hồ sơ làm dữ kiện, nguyên vì Ý Thức không thể quan hệ trực tiếp được Thức A Lại Da nếu như không có Thức Mạt Na làm trung gian giao cảm. Hơn nữa ngoài Thức Mạt Na cũng không ai có thể cung cấp những hình ảnh trong kho A Lại Da cho Ý Thức nhớ lại mỗi khi cần đến. Vì sự quan hệ mật thiết với Ý Thức, Thức Mạt Na còn có tên khác nữa là Thức Truyền Tống. Thức Truyền Tống nghĩa là tâm thức có nhiệm vụ thâu nhận những nghiệp lực cùng với những nghiệp tướng của vạn pháp đem vào (truyền vào) cất trong kho A Lại Da và cũng như có nhiệm vụ mang lên (tống lên) những hình ảnh nghiệp tướng của vạn pháp trong kho A Lại Da trình diện cho Ý Thức hồi tưởng.
Sự quan hệ giữa Thức Mạt Na với Ý Thức và Thức A Lại Da cũng tương tợ như sự quan hệ của Keyboard với Monitor và Hard Drives nơi hệ thống Computer. Thức Mạt Na thí dụ như Keyboard, Ý Thức thí dụ như Monitor và Thức A Lại Da thí dụ như Hard Drives. Những tài liệu trên màn ảnh Monitor (Ý Thức) nếu như không có Keyboard (Mạt Na) để viết lên thì không thành tài liệu và nếu như không có Keyboard (Mạt Na) thì không ai save những tài liệu trên màn ảnh đó đem cất vào Hard Drives (A Lại Da). Cho đến Keyboard (Mạt Na) nếu như không có Hard Drives (A Lại Da) làm kho chứa thì không biết đem những lài liệu nói trên cất vào chỗ nào để được an toàn.
4)- Thức Mạt Na nếu như không có thì Ý Thức không thể nào nhớ lại được những kỷ niệm dĩ vãng mỗi khi cần đến, nguyên vì không có ai cung ứng những kỷ niệm thân thương đó cho Ý Thức hoài niệm.
5)- Thức Mạt Na nếu như không có thì không ai quản lý các hạt giống tài liệu nghiệp tướng và nghiệp lực thiện ác trong kho A Lại Da mà trong kinh thường cho Thức này là loại thức chấp trước ngã pháp.
b)- Sự Quan Hệ Với Thức A Lại Da:
1)- Thức Mạt Na nếu như không có để làm Căn Thắng Nghĩa (Manas Sense) thì Thức A Lại Da không thể nào sinh hoạt để xây dựng và bảo trì vạn pháp hiện hữu trong thế gian. Cho đến Thức Mạt Na nếu như không có Thức A Lại Da làm Căn Thắng Nghĩa (Alaya Sense) thì không thể sinh hoạt để quản lý vạn pháp. Căn Thắng Nghĩa của Thức Mạt Na và của Thức A Lại Da nhà Duy Thức gọi là Căn Hổ Tương (Correlation Sense).
2)- Thức Mạt Na nếu như không có thì không ai điều khiển sự sanh lý của các thực vật. Cây cỏ..v..v.... cũng có tình yêu, có sanh lý như con người mà kẻ điều khiển tình yêu của cây cỏ..v..v....theo Duy Thức Học chính là Thức Mạt Na, cũng giống như kẻ điều khiển tình yêu, điều khiển sanh lý của các loài động vật, của con người chính là Ý Thức. Thí dụ, con người có nam tính và nữ tính mà kẻ điều khiển tình yêu nam nữ của con người chính là Ý Thức; thì đây cũng vậy, cây cỏ..v..v.... đều có giống đực và giống cái, có dương và có âm mà kẻ điều khiển hai giống đó hòa hợp với nhau để sanh sản phát triển chính là Thức Mạt Na chủ trì, cho nên các nhà khoa học thường gọi sự hành động này của Thức Mạt là sinh hoạt bản năng. Sự sinh hoạt bản năng là sự sinh hoạt không có Ý Thức hợp tác. Điển hình như cây Trinh Nữ tức là cây Hổ Thẹn (cây Mắc Cỡ), người ta khi đụng đến nó tức thì lá của nó tự động xếp rạp vào nhau và rủ xuống giống con người e thẹn. Hành động e thẹn của cây Trinh Nữ, theo Duy Thức Học chính là hành động của Thức Mạt Na. Cũng theo Duy Thức Học, tất cả động vật kể cả loài người trong Dục Giới đều có tám Tâm Thức hiện hữu sinh hoạt trong thế gian. Riêng tất cả thực vật chỉ có hai Tâm Thức, Tâm Thức A Lại Da hiện hữu để duy trì sanh mạng thực vật tồn tại trong thế gian và Tâm Thức Mạt Na để điều khiển mọi sự sinh hoạt của thực vật sanh trưởng trong thế gian. Vì lý do đó, trong Kinh thường nói: Tình dữ vô tình đồng thành Phật đạo, nghĩa là loài hữu tình và vô tình tất cả đều thành Phật đạo.
3)- Thức Mạt Na nếu như không có thì nhất định không ai điều khiển những chủng tử thiện ác trong kho tàng A Lại Da sanh khởi để báo ứng đúng theo luật nhân quả. Thức A Lại Da muốn xây dựng một chủng tử nào đúng theo luật nhân quả nghiệp báo thì phải nhờ Thức Mạt Na chỉ điểm, nghĩa là Thức Mạt Na muốn cho chủng tử thiện ác nào sanh khởi trước để trả quả báo thì Thức A Lại Da y theo sự chỉ dẫn của Thức Mạt Na này chun vào chủng tử đó xây dựng thành hình tướng nhân quả để thọ nhận sự báo ứng tốt xấu nơi kiếp tái sanh. Nhờ sự sắp xếp chỉ dẫn của Thức Mạt Na, Thức A Lại Da xây dựng chủng tử thiện ác trước sau có thứ tự theo định luật nhân quả nghiệp báo chỉ đạo và nếu không được sự chỉ dẫn của Thức Mạt Na thì Thức A Lại Da không biết chủng tử thiện ác nào nên xuất hiện trước và chủng tử thiện ác nào nên xuất hiện sau để không lầm lẫn, không mâu thuẩn với nhân quả nghiệp báo.
4)- Một chủng tử thiện ác nào sau khi được chọn lựa sanh khởi thì Thức A Lại Da có nhiệm vụ xây dựng thành một sanh mệnh và bảo trì sanh mệnh của chủng tử đó tồn tại trong thế gian để hưởng thọ quả báo, đồng thời Thức Mạt Na có nhiệm vụ bảo vệ sanh mệnh đó trên cuộc hành trình cảm thọ báo ứng không cho bất cứ thế lực ngoại vi nào chen vào cản trở sự báo ứng nói trên mà Phật Giáo cho hành động này của Thức Mạt Na là chấp ngã chấp pháp và khoa học thường gọi là sanh hoạt bản năng tự vệ.
Thí dụ, như người đang ngủ mê, chúng ta lấy lông gà xe vào mặt họ thì nhận thấy họ lấy tay gảy chỗ bị ngứa một cách tự nhiên không Ý Thức, hoặc chúng ta gảy nhẹ nơi bàn chân của họ thì lúc đó họ lấy chân đá tránh né một cách tự nhiên mà không hay biết ai chọc phá. Cử chỉ của người ngủ mê nơi thí dụ trên chính là hành động bản năng tự vệ của Thức Mạt Na chấp ngã không có sáu Thức Trước hợp tác.
5)- Bản chất của Thức Mạt Na là tánh bình đẳng, cho nên mỗi khi tiếp nhận tất cả ảnh tử vạn pháp của Ý Thức cung cấp đem cất vào kho A Lại Da hoàn toàn không phân biệt nhân ngã bỉ thử, không khen chê hạt giống thiện ác, tốt xấu, sang hèn, bần tiện, thấp cao, nghĩa là không từ nan, không đào thải một hạt giống nào của tất cả pháp. Chẳng những thế, khi giúp đỡ Thức A Lại Da xây dựng các chủng tử thiện ác sanh khởi trong thế gian, Thức Mạt Na cũng không thiên vị chê bỏ một loại chủng tử nào cả. Bao nhiêu dữ kiện này cũng chứng minh được tánh bình đẳng của Thức Mạt Na.
6)- Đứng về nhân sanh luận, sự chấp ngã và ngã sở của Thức Mạt Na là hành động của nhân sanh. Nhờ sự chấp ngã và ngã sở của Thức Mạt Na, con người mới có cạnh tranh để sanh tồn, khoa học xã hội mới có thi đua để phát triển, nhân cách mới được tiến bộ; cũng nhờ sự chấp ngã và ngã sở của Thức Mạt Na, quốc gia dân tộc mới được thành lập, tôn giáo và đảng phái mới được xây dựng. Hành động chấp ngã và ngã sở này của Thức Mạt Na chỉ có tánh cách sinh hoạt bảng năng tự tồn của tư ngã chưa hẳn hoàn toàn tội lỗi. Chỉ khi nào sự chấp ngã và ngã sở của Thức Mạt Na bị nghiệp ái dục điều khiển thì lúc đó nào ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái thi đua xuấn hiện lôi cuốn con người đi vào con đường tội lỗi, nào hành động hẹp hòi, tự lợi, làm quan thì tham ô hại dân,..v..v....
Thí dụ như vấn đề ăn, mặc và ở của con người thì không có tội lỗi, nhưng con người trong khi thực hiện ăn, mặc và ở lại bị nghiệp tham lam chỉ đạo thì hành động trở nên tội lỗi nào tham ăn, tham mặc và tham ở rất xấu xa. Như ngoài đời nam nữ yêu nhau là chuyện bình thường, nhưng trong khi kết duyên để yêu nhau con người bị nghiệp ngã si chỉ đạo thì lúc đó mình nhìn người yêu khi họ sứt môi vẫn thấy đẹp, khi họ lợi dụng vẫn thấy trung thành.
Còn đứng về phương diện giải thoát luận của Phật Giáo, sự chấp ngã và ngã sở của Thức Mạt Na đều là nguyên nhân của sự sanh tử luân hồi trong ba cõi, nguyên vì tất cả pháp đều là duyên sanh vô ngã: đất không phải là ngã của con người mặc dù không có đất góp mặt con người không thể thành hình, cho đến, nước, gió, lửa, nghiệp lực, nghiệp tướng và Thức A Lại Da cũng vậy. Bảy nhân tố đó duyên hợp nhau lại mới thành con người, cho nên con người hiện hữu là thuộc loại duyên sanh vô ngã. Chẳng những thế cho đến vạn pháp hiện hữu trong ba cõi cũng đều là duyên sanh vô ngã cả.
Theo Duy Thức Học, con người muốn xóa bỏ sự chấp ngã và ngã sở của Thức Mạt Na thì phải giải thể nguồn gốc ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái do tham dục điều khiển và muốn giải thể nguồn gốc ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái thì trước hết phải hóa giải sáu hạt giống Phiền Não căn bản trong kho A Lại Da cho được trong sạch. Hơn nữa con người muốn hóa giải sáu hạt giống Phiền Não căn bản thì đầu tiên phải cắt đứt và tẩy sạch hai mươi hạt giống Tỳ Phiền Não thuộc tay chưn của sáu Phiền Não căn bản này không còn dấu vết trong kho A Lại Da. Được như thế thì sáu Phiền Não căn bản không còn chỗ dựa để thao túng thị trường và ngay lúc đó nguồn gốc ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái không còn chỗ nương tựa, liền bị giải thể ngay, Thế là Thức Mạt Na được giải thoát bệnh chấp trước nơi ngã và ngã sở. Từ đó Thức Mạt Na chuyễn dần thành Trí Bình Đẳng Tánh trong bốn trí của Phật đạo.
III.- GIÁ TRỊ CỦA TẠNG THỨC A LẠI DA: (Vũ Trụ Luận)
Thức A Lại Da là dịch âm từ chữ Phạn Alaya, nghĩa là Tạng Thức, dịch theo tiếng Việt nghĩa là Thức Chứa. Thức A Lại Da so với thức Mạt Na thứ bảy thuộc về hàng thứ tám, cho nên cũng gọi là Thức thứ tám.
Giá trị của Tạng Thức A Lại Da nhà Duy Thức gọi là Thức Căn Bản (Foundation Consciousness), nghĩa là van pháp trong ba cõi nếu như không có Tạng Thức A Lại Da tàng trữ những hạt giống để làm nhân sanh khởi thì chúng nó không có mặt trong tất cả vũ trụ. Tạng Thức A Lại Da thì thuộc về thể động. Giá trị của Tạng Thức A Lại Da được nhận định như sau:
A)- Tạng Thức A Lại Da có giá trị trên hai phương diện: phương diện Thức Thể và phương diện Thức Tướng.
1)- Phương Diện Thức Thể:
Thức Thể A Lại Da có ba nghĩa: Năng Tạng, Sở Tạng và Ngãi Ái Chấp Tạng.
*)- Năng Tạng nghĩa là Thức Thể A Lại Da có công năng tàng trử và bảo tồn tất cả hạt giống thiện ác vạn pháp của tất cả chúng sanh trong ba cõi.
*)- Sở Tạng nghĩa là kho chứa. Thức Thể A Lại Da là cơ sở dung chứa tất cả hạt giống thiện ác vạn pháp của tất cả chúng sanh trong ba cõi.
*)- Ngã Ái Chấp Tạng, nghĩa là Thức Mạt Na luôn luôn mê chấp Thức Thể A Lại Da một cách luyến ái cho là Ngã của mình. Thức Thể A Lại Da do có ba nghĩa này, nên gọi là Tạng Thức A Lại Da. (Xem lại Bát Thức Quy Củ Tụng, trang 83, của Thích Tháng Hoan giảng giải).
a)- Tạng Thức A Lại Da (Sở Tạng) là miếng đất bằng chất liệu tâm thức để cho tất cả hạt giống thiện ác vạn pháp của tất cả trong ba cõi làm chỗ nương tựa sanh khởi. Tâm Địa Tạng Thức A Lại Da này nếu như không có thì những hạt giống thiện ác vạn pháp của tất cả chúng sanh trong ba cõi không biết nương tựa vào đâu để góp mặt trong thế gian. Vấn đề này cũng tương tợ như quả địa cầu mà chúng ta đang ở là miếng tất phì nhiêu để cho loài người và vạn vật cỏ cây sông núi..v..v... nương tựa sanh khởi, cho nên Tạng Thức A Lại Da được gọi là Tâm Địa. Điều này cũng giống như Tạng Như Lai là Tâm Địa của chư Phật chánh báo và các cảnh giới y báo chân như pháp tánh của các ngài nương tựa hiện khởi. Tạng Như Lai nếu như không có thì nhất định không có chư Phật chánh báo và các cảnh giới y báo chân như pháp tánh trong mười phương ảnh hiện.
Điều đặc biệt, sự sanh khởi những hạt giống thiện ác của vạn pháp trong ba cõi từ nơi Tạng Thức A Lại Da khác hơn sự sanh khởi những hạt giống của loài người, của vạn vật cỏ cây sông núi,..v..v.... từ nơi miếng đất phì nhiêu của quả địa cầu. Sự sanh khởi những hạt giống loài người, của cỏ cây sông núi,..v..v.... nương tựa và phát sanh từ miếng đất phì nhiêu vượt lên ra khỏi mặt đất. Ngược lại, những hạt giống của vạn pháp trong ba cõi lớn lên trong nội tại (tức trong ruột) của Tạng Thức A Lại Da và chọn lấy không gian của Tạng Thức A Lại Da làm môi trường sống cho tất cả pháp, cho nên Tạng Thức A Lại Da là y tha khởi (làm chỗ sanh khởi) của vạn pháp; trường hợp này cũng giống như các loài thủy tộc, như loài cá,..v..v.... đều lớn lên trong nội tại của khối nước và ngoài khối nước không có các loài thủy tộc; cho đến loài người lớn lên trong không khí và ngoài không khí không có loài người. Khối nước là môi trường sống của các loài thủy tộc và không khí là môi trường sống của loài người.
Tạng Như Lai cũng giống như Tạng Thức A Lại Da. Chư Phật thuộc chánh báo và các cảnh giới thuộc y báo chân như pháp tánh của các ngài đều hiện hữu trong nội tại (tức trong ruột) của Tạng Như Lai và chọn lấy không gian của Tạng Như Lai làm môi trường sống của các ngài.
Theo Đại Thừa Khởi Tín của Hòa Thượng Thiện Hoa dịch giải, Tạng Như Lai và Tạng Thức A Lại Da đều hiện hữu trong nội (tức trong ruột) của Tâm Chân Như, gọi tắc là Chân Tâm và chọn lấy Tâm Chân Như làm thể của mình, nên gọi Tâm Chân Như là thuộc về thể tĩnh. Cũng theo Đại Thừa Khởi Tín, Tâm Chân Như chính là khối năng lực vô tướng bao trùm cả không gian của Thế giới Chân Như chư Phật trong mười phương và cả không gian của vạn pháp trong ba cõi.
b)- Phần đông các nhà Triết Học Duy Vật cho rằng: tất cả hạt giống vạn pháp được tàng trử và bảo trì trong cơ quan sanh lý của não bộ để phát sanh, khi các tế bào lại hoạt động thể hiện thì phát khởi tác dụng.
Lối giải thích này không được chính xác, nguyên vì não bộ ước lượng chỉ độ một tất vuông, không độ bền và theo tế bào sanh diệt biến hóa luôn để hiện hữu không thể nào tàng trử và bảo trì tồn tại tất cả hạt giống vạn pháp vũ trụ bao la khắp cả ba cõi để sanh khởi theo luật nhân quả nghiệp báo (Law of Cause and Effect). Lối giải thích này không chính xác được thấy trong quyển Khái Luận Về Pháp Tướng Duy Thức Học của Đại sư Thái Hư do Thắng Hoan dịch, trang 84 - 85: Thử hỏi não bộ ước lượng chỉ độ một tất vuông thì làm sao có thể bảo trì và tàng trử những vật quá to tát rộng lớn bao la như nhà cửa, vũ trụ, biển cả, nước non,..v..v... cho đến chỗ rất xa tít mù kia có thể nhìn thây được?Thử hỏi làm cách nào mà đem nhà cửa, vũ trụ, biển cả, nước non đã nhìn thấy dồn nhét vào não bộ chỉ độ một tất vuông? Giả sử nói rằng:não bộ bảo trì và tàng trử sự vật cũng không khác nào máy nhiếp ảnh thu ảnh vào, nhưng máy nhiếp ảnh chỉ thâu được ảnh tử hình bóng sự vật mà không thể đo lường được vấn đề lớn nhỏ của sự vật. Trường hợp như Nhãn Thức thì thấy được và đo lường được vấn đề lớn nhỏ của sự vật, nhưng máy nhiếp ảnh thì không có khả năng đó. Hơn nữa hình ảnh của máy nhiếp ảnh thì lẫn lộn, không theo thứ tự như não bộ. Bao nhiêu dữ kiện đó cũng đủ hứng minh não bộ không có khả năng tàng trử và bảo trì tất cả hạt giống vạn pháp.
c)- Một số người lầm tưởng Thức Tướng A Lại Da trong mỗi thân thể con người, trong mỗi thân thể chúng sanh hữu tình là Thức chứa. Thức Tướng A Lại Da trong mỗi thân thể con người,..v..v.... là thuộc về Kiến Phần (Phần tác dụng) của Thức Thể A Lại Da, gọi là Thức Dị Thục. Bản Chất của Thức này chuyển hóa liên tục không ngừng nghỉ, nghĩa là Thức này hằng chuyển như thác nước đổ xuống dốc để giúp cho chúng sanh nẩy nở và phát triển, cũng như kiến phần dòng điện của nhà đèn chuyển hóa không ngừng để giúp cho các bóng đèn trong mỗi nhà cháy sáng lên mãi không bị tắt. Cụ thể như trong mỗi con người từ lúc sanh ra cho đến khi già cả cũng như trong lúc thức cho đến trong lúc ngủ mê, trái tim của họ vẫn nhịp đập liên tục không ngừng nghỉ, điều đó chứng tỏ Kiến Phần Thức A Lại Da của họ chuyển hóa liên tục để thúc đẩy trái tim vận chuyển liên tục không ngừng nghỉ, ngỏ hầu giúp các cơ năng sinh hoạt cho sự sống . Vì bản chất biến động của Thức Tướng A Lại Da không thể nào tàng trử bất một hạt nào của chúng sanh và nó cũng không phải là kho chứa bất biến.
d)- Điều đặc biệt, Sở Tạng A Lại Da mặc dù tàng trử tất cả hạt giống thiện ác của tất cả chúng sanh trong ba cõi, nhưng trong đó có nhiều khu vực (Sections) của mỗi chủng loại của mỗi cá nhân. Trong kho Sở Tạng A Lại Da, mỗi chúng sanh
đều có đăng ký một khu vực riêng để cất giữ những hạt giống của chúng sanh đó do Thức Mạt Na thứ bảy của chúng sanh đó quản lý.
Thí dụ như bao nhiêu hạt giống thiện ác do anh A gây tạo qua thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp được Thức Mạt Na của anh A mang vào cất giữ ở khu vực của Sở Tạng A Lại Da chíng do Thức Mạt Na anh A quản lý .
B)- Phương Diện Thức Tướng:
Còn Tướng trạng của Thức Tướng A Lại Da thì như thế nào? Thức Tướng A Lại Da chính là kiến phần, tức là phần tác dụng (activities) của Thức thể A Lai Da. Thức Tướng A Lại Da cũng có tên là Thức Di Thục, biến tướng của Thức Thể A Lại Da nằm trong ngã tướng và pháp trướng của vạn pháp để xây dựng, duy trì sanh mạng của vạn pháp hiện hữu và tồn tại trong thế gian. Vạn pháp có bao biêu hình tướng khác nhau thì Thức Tướng của A Lại Da cũng biến thành theo nhiều hình trướng không giống nhau, thí dụ như Kiến Phần Thức A Lại Da chung vô nghiệp tướng con người thì biến tướng thành Thức Tướng con người, chung vô nghiệp tướng con bò thì biến tướng thành Thức Tướng con bò, chung vô nghiệp tướng con kiến thì biến tướng thành Thức Tướng con kiến,..v..v....; Kiến phần Thức A Lại Da chung vô nghiệp tướng cỏ cây thì biến tướng thành Thức Tướng cỏ cây, chung vô nghiệp tướng sum la vạn tượng thì biến thành Thức Tướng sum la vạn tượng,..v..v..... Hiện tượng này cũng giống như năng lượng của điện không gian, chung vô con người gọi là nhân điện, chung vô thú vật gọi là động điện, chung vô cỏ cây thiên la vạn tượng gọi là tĩnh điệng, chung vô bóng đèn gọi là đèn điện chung vô quạt máy gọi là điện quạt máy, chung vô Radio gọi là điện radio, chung vô truyền hình gọi là điện TV,..v..v.......
Thức Tướng A Lại Da đều có mặt trong tất cả chúng sanh để duy trì sanh mạng chúng sanh hiện hữu trong thế gian, cho nên trong Kinh Phật nói: Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, nghĩa là tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Phật nghĩa là giác ngộ và Tánh nghĩa là tánh trí tuệ, kết luận Phật Tánh nghĩa là thể tánh trí tuệ giác ngộ của chư Phật. Thức Tướng A Lại Da trong tất cả chúng sanh đều có hàm lượng thể tánh trí tuệ Đại Viên Cảnh của chư Phật trong mười phương. Cũng từ đó trong Kinh Phật nói: Nhất thiết chúng sanh đồng Thành Phật Đạo, nghĩa là tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật.
B)- Vấn đề Y Tha, Y là nương tựa và là đại danh từ theo Duy Thức Học là chỉ cho Thức A Lại Da thứ tám. Y Tha Khởi nghĩa là vạn pháp trong ba cõi phải nương nhờ nơi Thức A Lại Da che chở và xây dựng để được sanh khởi và góp mặt trong thế gian. Có học thuyết giải thích rằng: chữ Tha là đại danh từ chỉ cho Sắc Uẩn và chữ Y Tha nghĩa là vạn pháp duyên sanh đều nương nơi Sắc Uẩn để hiện khởi trong thế gian. Lập luận đó không được chính xác. Bản chất của Sắc Uẩn chính nó không thể tự sanh trưởng, không thể tự tồn tại trong thế gian, nếu như không có sự hiện hữu của Thức Tướng A Lại La (Thức Dị Thục) để duy trì sanh mạng, cũng từ ý nghĩa đó Sắc Uẩn trong loài người và cỏ cây, đất đá,..v..v.... không bao giờ ra ngoài giá trị như đã trình bày trên. Sắc uẩn trong thân thể con người nếu như không có tâm Thức hiện hữu thì tự chính nó không có chút cảm giác và sắc uẩn trong thân thể con người nếu như không có Thức Tướng A Lại Da hiện hữu thì dù cho khoa học tân tiến, y dược thần diệu, dinh dưỡng sung mãn đến đâu không thể cứu sống một sanh mạng đã ra đi. Mạng sống của con người và của sắc uẩn chính là nhờ Thức Tướng A Lại Da góp mặt để tồn tại, cho nên nhà Duy Thức mới gọi là Y Tha Khởi.
Tóm lại, Tạng Thức A Lại Da, trên mặt bản thể luận là Trí Tuệ Đại Viên Cảnh, biến tướng của Tạng Như Lai và lấy Tâm Chân Như (Chân Tâm) làm thể của mình; trên mặt hiện tượng luận, Tạng Thức A Lại Da thuộc về thể động cũng lấy Tâm Chân Như làm thể của mình và có giá trị tàng trử, bảo tồn bất biến tất cả hạt giống (chủng tử) thiện ác của vạn pháp trong ba cõi, ngoài ra còn làm môi trường sống Không Đại để dinh dưỡng cho tất cả hạt giống nói trên nẩy nở, phát triển trên luật nhân quả nghiệp báo trong thế gian, cho nên nhà Duy Thức gọi Tạng Thức A Lại Da là Y Tha Khởi Tánh.
Giai đoạn sanh khởi, tất cả hạt giống thiện ác của vạn pháp trong ba cõi đều nương nơi Thức Tướng A Lại Da để phát triển.. Thức Tướng A Lại Da nằm trong Nghiệp Tướng của tất cả vạn pháp được gọi là Thức Dị Thục để duy trì sanh mạng vạn pháp hiện hữu và tồn tại theo luận nhân quả quy định sanh tử. Giá trị của Thức Tướng Da Lại Da chính là Phật Tánh được biến tướng từ Trí Tuệ Đại Viên Cảnh của Tạng Thức A Lại Da. Chính vì tất cả hạt giống thiện ác của vạn pháp trong ba cõi nương nơi Thức Tướng A Lại Da để sanh khởi và phát triển, cho nên nhà Duy Thức gọi Thức Tướng A Lại Da là Y Tha Khởi Tánh.
IV.- PHÁP MÔN DUY THỨC QUÁN:
Pháp Môn Duy Thức Quán là một trong những pháp môn thiền quán, như Tứ Niệm Xứ Quán, Tịnh Độ Quán, Giới Phân Biệt Quán,..v..v.... Muốn tu pháp môn Duy Thức Quán trước hết hành giả phải hành trì pháp môn Thiền Định cho thuần thục, nguyên vì pháp môn Thiền Định là nền tảng nhập môn căn bản của các pháp môn Thiền Quán, trong đó có pháp môn Duy Thức Quán. Pháp môn Thiền Định được giải thích như sau:
A)- THIỀN ĐỊNH (Dhyana - Samadhi)
1)- Định Nghĩa:
*- Thiền: tiếng Phạn là Thiền Na (Dhyana), dịch là Tư Duy Tu, Tĩnh Lự.
a)- Tư Duy Tu: nghĩa là tâm chuyên chú vào một cảnh nhất định
và suy nghĩ kỹ về cảnh đó, nên gọi là Thiền.
b)- Tĩnh Lự: là an tĩnh và xét nghiệm, nghĩa là suy xét đến chỗ
tột cùng của đạo lý Thiền khiến cho tâm được an trụ, gọi là
tĩnh lự.
*- Định: tiếng Phạn là Tam Muội (Samadhi), dịch là Tam Ma Địa, Tam Ma Đề, Tam Ma Đế, nghĩa là chỉ quán.
*- Thiền Định: nghĩa là điều khiển tâm chuyên chú vào một cảnh nhất định để xét nghiệm đến chỗ tột cùng của cảnh giới Thiền khiến cho tâm được an trụ tự tại bằng phương pháp Chỉ Quán.
2)- Phân Loại Thiền Định:
Thiền Định có nhiều loại, có loại của Phật chế định, có loại của các đệ tử Phật chế định, có loại của các Tổ sau này chế định và có loại của ngoại đạo chế định. Những loại Thiền Định được phân loại như sau:
a)- Thiền Yoga là của ngoại đạo chế định.
b)- Thiền 37 Phẩm Trợ Đạo, Thiền Lục Độ Ba La Mật Quán, Thiền
Tịnh Độ Quán,..v..v.... là của Phật chế định.
c)- Thiền Tứ Niệm Xứ Quán, Thiền Nhân Duyên Quán, Thiền Sổ
Tức Quán, Thiền Giới Phân Biệt Quán, Thiền Ngũ Uẩn
Quán,..v..v.... là của các đệ tử Phật dựa theo các Kinh Phật
giảng dạy chế định.
d)- Thiền Duy Thức Quán, Thiền Nhứt Tâm Tam Quán, Thiền An
Ban Thủ Ý,..v..v..... là do các Tổ sau này dựa theo các Kinh Phật
chế định.
3)- Những Điều Cần Thiết Trước Khi Tu Thiền Định:
Trước khi ngồi thiền, người tu thiền cần phải theo những điều kiện sau đây:
a)- Thức Ăn: phải ăn những thức ăn hợp với cơ thể của mình. Ăn những đồ nóng quá thì thân thể sẽ bị bức rức, khiến cho tâm dễ bị loạn động. Ăn những đồ lạnh bao tử, những đồ nặng nề khó tiêu hóa thì khiến cho thân thể bị trì trệ, lừ đừ dễ sanh buồn ngủ.
b)- Đồ Mặc: phải mặc đồ cho hợp thời tiết. Khi trời nực mặc đồ mỏng, khi trời lạnh mặc đồ ấm. Nếu làm trái, thân thể mất sự điều hòa làm trở ngại cho sự thiền quán.
c)- Chỗ Ở: phải ở chỗ thanh vắng thì sự thiền quán mới được thành công. Nếu ở chỗ ồn ào, người mới tu không tránh khỏi tâm bị loạn động.
d)- Thời Gian Tu: nên lựa những giờ thanh vắng, như 10 giờ đêm hay 4 giờ khuya. Nếu như ở thành thị, nên lựa những giờ gia đình ngủ hết, chung quanh bớt tiếng ồn ào.
e)- Tắm Rửa: thân thể phải thường tắm rửa sạch sẽ để khỏi bị ngứa ngáy và bức rức trong người lúc thiền quán.
g)- Cách Thức Ngồi Thiền: người ngồi thiền phải đúng cách và phải theo những điều kiện sau đây:
1)- Thiền Kim Cang Tọa: thường gọi là ngồi Kiết Già, nghĩa là ngồi thiền theo kiểu đức Phật. Người tu thiền ngồi theo kiểu này bằng cách bàn chân mặt để trên bắp vế bên trái, bàn chân trái để trên bắp vế bên mặt và hai chân sắp xếp lại cho gọn.
2)- Thiền Hàng Ma Tọa: thường gọi là ngồi Bán Già, nghĩa là ngồi thiền theo kiểu Bồ Tát Văn Thù. Người tu thiền ngồi theo kiểu này bằng cách để bàn chân mặt trên bắp vế chân trái và bàn chân trái nằm phía dưới bắp vế chân mặt.
3)- Thiền Kiết Tường Tọa: cũng gọi là ngồi Bán Già, nghĩa là ngồi thiền theo kiểu Bồ Tát Phổ Hiền. Người tu thiền ngồi theo kiểu này bằng cách để bàn chân trái trên bắp vế chân mặt và bàn chân mặt nằm phía dưới bắp vế chân trái.
h)- Lưng: lưng phải ngồi thẳng như vách tường, để cho các khớp xương song song ăn chịu đều nhau, như thế thì mới ngồi được lâu. Người tu thiền nên xem tấm vách tường nhà, nhờ nó đứng thẳng và nhờ các viên gạch ăn chịu đồng đều với nhau, cho nên tấm vách tường kia mới đứng lâu được; nếu như hơi nghiêng, tấm vách tường kia cố nhiên phải ngả.
i)- Hai Tay: hai cánh tay vòng xuôi xuống, hai bàn tay để trên hai chân, tay mặt gác lên bàn tay trái và hai đầu ngón tay cái giao nhau, cách thức như đức Phật ngồi thiền.
k)- Cổ và Đầu: đầu cổ phải thẳng, hai mắt mở một phần tư (nếu mở mắt lớn thì tâm dễ bị loạn động, còn nhắm mắt lại thì sanh ngủ gục). Cách mở mắt kiểu này là dành cho người sơ cơ mới tập sự tu thiền. Còn người ngồi thiền chuyên nghiệp thì sự nhắm mắt hay mở mắt không trở ngại cho việc thiền quán.
Đây là những điều cần thiết phải biết của những người bắt đầu nhập môn tu thiền. Những điều cần thiết này không chỉ dành riêng cho hệ phái Thiền Tông mà còn dành chung cho các hệ phái tu thiền khác áp dụng.
4)- Phương Pháp Thiền Định:
Thiền định là phương pháp định tâm không cho tán loạn bằng phương pháp hành thiền nhằm mục đích phát sanh trí tuệ để được giác ngộ và sử dụng trí tuệ hóa giải tất cả phiền não để được giải thoát sanh tử luân hồi đi đến chứng quả niết bàn tịch tịnh. Trong ba môn học giải thoát là Giới, Định, Huệ, Thiền định thì thuộc về Định Học. Phương pháp Thiền định này có hai lãnh vực tu tập: Thiền Chỉ và Thiền Quán. Thiền Chỉ thì thuộc về Giới Học và Thiền Quán thì thuộc về Huệ Học.
A)- Thiền Chỉ:
Thiền Chỉ nghĩa là ngăn cấm và chận đứng vọng tâm bằng phương pháp hành thiền. Nói cách khác, Thiền Chỉ chính là phương pháp định tâm. Người bước đầu tu thiền không thể bỏ qua phương pháp thiền chỉ. Thiền Chỉ có ba công thức tu tập: Điiều Tâm, Điều Tức và Điều Thân. Người tu thiền muốn cho tâm thức được an định thì phải hành trì cho thuần thục ba công thức của Thiền Chỉ. Mục đích chính của Thiền Chỉ là Điều Tâm.
1)- Điều Tâm: nghĩa là điều khiển tâm mình tập trung chuyên nhất vào một cảnh không cho tạp niệm trong thời gian ngồi thiền. Điều Tâm đây cũng gọi là định tâm. Định Tâm nghĩa là điều khiển tâm mình an định một chỗ không cho loạn tưởng (tư tưởng tạp nhạp) trong thời gian tu tập. Điều Tâm là công thức hàng đầu và quan trọng hơn hết trong ba công thức tu tập của thiền chỉ. Người nào điều được tâm mình một cách thuần thục thì người đó đã định được tâm. Tâm họ đã được định thì trí tuệ của họ nhất định sẽ được phát sanh. Một khi trí tuệ được phát sanh, người tu thiền mới có thể bước sang giai đoạn thực tập Thiền Quán. Người tu thiền muốn điều được tâm mình, muốn an định được tâm mình thì trước hết phải điều tức (điều hơi thở).
2)- Điều Tức: nghĩa là điều khiển hơi thở hoặc điều chỉnh hơi thở trong tư thế buông xả nhằm mục đích khiến cho thân và tâm trở lại trạng thái an lạc. Theo Thiền Môn, tâm bị loạn động là do thân thể bất an, thân thể sở dĩ bất an là do hơi thở thác loạn, hơi thở đã bị thác loạn tạo cho hệ thống thần kinh xáo trộn và khiến cho tâm thức trở nên loạn tưởng. Do đó người tu thiền muốn điều được tâm mình thì trước hết phải điều được hơi thở của mình. Điều hơi thở có hai cách:
a)- Hạ thấp hơi thở xuống: nghĩa là điều khiển hơi thở sinh hoạt chậm lại, hơi thở chậm lại cho đến khi nào mình vẫn thở mà không nghe tiếng động của hơi thở, đồng thời kéo dài hơi thở làm cho các bắp thịt trong cơ thể nhả ra và khiến cho các hệ thống thần kinh không còn căng thẳng. Thế là tâm thức sinh hoạt trở nên ổn định bình thường trong tư thế an định. Hiện tượng này cũng giống như người mệt mỏi ngồi nghỉ: họ thở ra một hơi dài và thở thật chậm lại liền cảm thấy trong mình an lạc như thường.
b)- Buộc tâm niệm vào hơi thở: là phương pháp giúp cho tâm được định.(Đây là phương pháp tu tập của Sổ Tức Quán). Người tu thiền cần tâm được định hơn là cần tâm được an. Tâm định là yếu tố chính để cho trí tuệ được phát sanh; còn tâm an thì chỉ giúp cho con người trở về trạng thái an lạc trong sự lắng động tâm tư. Tâm người mặc dù được an lạc trong mọi hoàn cảnh, nhưng họ một khi ngồi thiền hoặc tụng kinh vẫn bị phân tâm như thường và nhớ đủ thứ chuyện trong lúc tu tập. Buộc tâm vào hơi thở chỉ ổn định được tâm và chận đứng không cho các phiền não sinh hoạt nữa, nhưng chưa phải là đã tẩy trừ được những hạt giống phiền não nói trên đang nằm ẩn trong tâm thức. Theo Thiền Môn, muốn điều khiển được hơi thở theo ý của mình, người tu thiền đầu tiên phải điều được thân thể.
3)- Điều Thân: nghĩa là điều chỉnh thân thể ngồi yên trong tư thế ngay thẳng. Muốn điều hơi thở để tâm trở về trạng thái buông xả, người tu thiền trước hết phải điều thân làm nền tảng. Điều thân ở đây tức là chỉ cách thức ngồi thiền mà ở trước đã trình bày. Người làm việc nhiều thì hơi thở của họ hoạt động càng nhanh và hơi thở hoạt động càng nhanh thì khiến cho tâm thần của họ càng bị mệt mỏi. Cũng vậy thân thể càng động thì hơi thở sinh hoạt càng tăng và hơi thở sinh hoạt càng tăng thì khiến cho tâm thức càng bị loạn niệm thêm. Nói cách khác, thân thể cũng như thau nước và tâm thức cũng như nước trong thau. Thau nước không để yên một chỗ thì khiến cho nước trong thau bị chao động luôn. Do đó bao nhiêu cặn bã trong nước không lắng xuống được và nước trong sạch cũng không thể hiện bày được. Người tu thiền không ngồi yên một chỗ cũng giống như thau nước không để yên một nơi và tâm thức của họ bị vọng động luôn cũng giống như nước trong thau bị chao động luôn. Cho nên bao nhiêu cặn bã phiền não trong tâm thức không lắng xuống được và trí tuệ cũng không thể hiện bày được. Trong ba công thức thiền chỉ, Điều Thân là khởi điểm cho tiến trình tu tập thiền định và người tu thiền phải hành trì luôn để đi đến Điều Tức và Điều Tâm. Ngoại trừ những người điều tâm đã được thuần thục thì sự ngồi thiền đối với họ không quan trọng cho lắm. Nguyên do họ đi, đứng, nằm, ngồi đều thể hiện được nếp sống thiền. Sau khi thực tập ba công thức thiền chỉ đã thuần thục, người tu thiền liền bước sang lãnh vực thứ hai là tu tập Thiền Quán.
B)- Thiền Quán:
Thiền Quán là phương pháp quán chiếu của các vị tu thiền. Các vị tu thiền sau khi hoàn tất chương trình Thiền Chỉ liền sử dụng trí tuệ đã phát sanh để quán chiếu chiều sâu của mỗi pháp, nhằm mục đích nhận chân được thực tánh của vạn pháp. Thiền quán trong kinh Phật có nhiều pháp môn quán chiếu và mỗi pháp môn có cách tu tập riêng biệt không giống nhau. Trong tất cả pháp môn Thiền Quán, Duy Thức Quán là pháp môn có tánh cách khoa học cụ thể và chi li sâu sắc hơn trong mọi lãnh vực quán chiếu. Phương pháp quán chiếu của Duy Thức Quán rất có giá trị nhất quán trong sự tu tập, khởi điểm từ sự tướng đi lần đến lý tánh giúp cho người hành giả dễ dàng hành trì, mặc dù bối cảnh vô cùng phức tạp trừu tượng nhưng không khó cho người lãnh hội đạt đạo. Vì Duy Thức Quán có giá trị siêu việt vô tiền khoán hậu nói trên, chúng tôi dành riêng một tiết mục để trình bày chiều sâu về kỷ thuật phương pháp tu tập nơi pháp môn này
V.- PHƯƠNG PHÁP TU TẬP DUY THỨC QUÁN.
Phương pháp tu tập của Duy Thức Quán là phương pháp chuyển hóa vọng tâm thành chân tâm, chuyển hóa tám thức thành bốn trí, chuyển hóa pháp tướng thành pháp tánh, chuyển hóa phiền não thành bồ đề, chuyển hóa cảnh giới ô trược sanh tử thành cảnh giới niết bàn tịch tịnh. Phương pháp tu tập của Duy Thức Quán gồm có: năm cấp bậc tu tập quán chiếu của Duy Thức, gọi là Ngũ Vị Duy Thức Quán. Năm cấp bậc tu tập quán chiếu của Duy Thức là thuộc về Duy Thức Hạnh (Thật hành pháp quán Duy Thức), nhằm mục đích để được chứng quả Duy Thức Tánh. Năm cấp bậc tu tập quán chiếu của Duy Thức gồm có: cấp bậc tư lương, cấp bậc gia hạnh, cấp bậc thông đạt, cấp bậc tu tập và cấp bậc cứu cánh.
1)- Cấp Bậc Tư Lương (Tư Lương Vị)
Tư Lương nghĩa là những hành trang cần thiết trên con đường tu tập Duy Thức Quán. Những hành trang cần thiết của cấp bậc tư lương trợ giúp cho hành giả tu tập để chuyển được Tự Chứng Phần Ý Thức thứ sáu thành trí tuệ hữu phân biệt. Muốn chuyển Tự Chứng Phần Ý Thức thứ sáu thành trí tuệ hữu phân biệt, hành giả trước hết phải tu tập 30 ngôi vị Bồ Tát Hạnh. 30 ngôi vị Bồ Tát Hạnh này là phương pháp tu tập nhằm mục đích khai triển nơi tâm của hành giả ba năng lực thù thắng. Ba năng lực thù thắng gồm có: Tâm lực đa văn thù thắng, Tâm lực quyết trạch thù thắng và Tâm lực chư thiện căn thù thắng.
*)- Tâm Lực Đa Văn Thù Thắng, nghĩa là tâm mình có năng lực hiểu biết một cách thù thắng về nơi sự nghe thấy.
*)- Tâm lực quyết trạch thù thắng, nghĩa là tâm mình có năng lực tuyển chọn tánh chất, giá trị và ý nghĩa chân vọng, thiện ác, phải quấy, đúng sai của các pháp một cách thù thắng.
*)- Tâm lực chư thiện căn thù thắng, nghĩa là tâm mình có năng lực thù thắng về ngồn gốc các pháp lành của phước đức và trí tuệ.
Hành giả hành trì mãi 30 ngôi vị Bồ Tát Hạnh cho được thuần thục, nghĩa là hành trì đến khi nào được thâm nhập vào tâm (nhập tâm) và an trụ được trong tâm của mình (trụ tâm) thì lúc đó ba năng lực thù thắng nơi tâm thức của mình sẽ xuất hiện. Lúc bấy giờ hành giả sử dụng ba năng lực thù thắng đã đạt được quán chiếu Tướng và Dụng của Duy Thức để chuyển Tự Chứng Phần Ý Thức thứ sáu thành trí tuệ hữu phân biệt nhằm mục đích tín giải lý Duy Thức, phát tâm Đại Bồ Đề và bồi dưỡng Pháp Thân Như Lai..
30 Ngôi Vị Bồ Tát Hạnh: 10 Trụ, 10 Hạnh và 10 Hồi Hướng.
A)- Mười Ngôi Vị Trụ (Thập Trụ): căn cứ nơi lục độ vạn hạnh sở dĩ được thành lập nhằm mục đích an trụ được tâm. Điều đáng chú ý 10 Trụ đều được xây dựng trên 10 Tín Tâm gọi là Thập Tín Vị. 10 Trụ gồm có:
1)- Sơ Phát Tâm Trụ: nghĩa là đầu tiên phát khởi đại tâm tu 10 Tín
Hạnh:
a)- Tín Tâm: nghĩa là phải đem tín tâm phụng sự Tam Bảo.
b)- Tinh Tấn Tâm: nghĩa là phải đem tâm tinh thấn tu tập các
thiện căn không cho gián đoạn.
c)- Niệm Tâm: nghĩa là phải thường xuyên niệm Tam Bảo, niệm
Lục Độ Vạn Hạnh, niệm Vô Thượng Bồ Đề không cho xao
lãng.
d)- Định Tâm: nghĩa là phải thường buộc tâm mình an trụ nơi
sự tướng và nghĩa lý của Phật Pháp một cách tự tại và xa lìa
hẳn ý tưởng phân biệt về tất cả pháp giả dối, thô tục của thế
gian.
e)- Huệ Tâm: nghĩa là phải nên quán sát, xét đoán, cân nhắc
một cách kỹ lưỡng về nghĩa lý tột cùng của vạn pháp để
nhận chân được tự tánh vốn không, tĩnh lặng, vô ngã, vô
nhân của muôn pháp.
g)- Giới Tâm: nghĩa là phải giữ gìn Tam Tụ Tịnh Giới cho được
thanh tịnh, không được thiếu khuyết.
h)- Hồi Hướng Tâm: nghĩa là đem tâm nguyện của mình luôn
luôn hướng về trên cầu Vô Thượng Bồ Đề và dưới cầu cứu
độ tất cả chúng sanh.
i)- Hộ Pháp Tâm: nghĩa là đề phòng và bảo hộ bản tâm của
mình không cho nó phát khởi phiền não. Muốn bảo hộ bản
tâm của mình, hành giả phải:
*- tu tập Mặc Hộ (giữ gìn sự tĩnh lặng),
*- tu tập Trí Hộ (bảo hộ trí tuệ),
*- Tu tập Tức Tâm Hộ (giữ gìn tâm niệm đã dứt các phiền
não)
Ngoài ra còn phải giữ gìn năm Chủng Hạnh:
*- Thọ trì Kinh Pháp
*- Đọc Tụng Kinh Điển
*- Giảng giải Kinh Luận
*- Thuyết Pháp Kinh Luận
*- Viết Sách Phật Pháp.
k)- Xả Tâm: nghĩa là phải xả bỏ tâm niệm yêu tiếc sanh mạng và
tài sản của mình. Hành giả nếu như đã được tài sản và thân
mạng thì có thể bố thí xả bỏ khi cần đến mà không khởi tâm
luyến tiếc hay hối tiếc.
l)- Nguyện Tâm: nghĩa là phải đem tâm nguyện tu tập Tứ
Hoằng Thệ Nguyện cho được viên thành. Tứ Hoằng Thệ
Nguyện gồm có:
*- Chúng sanh không bờ mé thệ nguyện đều độ khắp.
*- Phiền não không cùng tận thệ nguyện đều dứt sạch.
*- Pháp môn không kể xiết thệ nguyện đều tu học.
*- Phật đạo không gì hơn thệ nguyện được viên thành.
2)- Trì Địa Trụ: nghĩa là an trụ vào nơi sự hành trì, giữ gìn ba
nghiệp thanh tịnh trong sáng như lưu ly (tâm không), phát huy
tâm từ bi làm lợi ích đến tất cả loài hữu tình, khiến cho các công
đức được sanh trưởng, cũng giống như đại địa có thể sanh vạn
vật.
3) Tu Hành Trụ:nghĩa là an trụ vào nơi sự tu hành, chuyên trì quán
chiếu thù thắng về lý tánh vạn pháp, phát khởi diệu hạnh lục độ
đi du hành khắp nơi để hóa độ chúng sanh.
4)- Sanh Quý Trụ: nghĩa là nhờ diệu hạnh của Tu Hành Trụ kết hợp
được diệu lý nơi nội tâm, nương nơi các pháp của thánh hiền làm
nhân duyên tu tập phát sanh được hạt giống cao quý của Phật
Tánh.
5)- Phương Tiện Cụ Túc Trụ: nghĩa là an trụ vào những thiện căn đã
tu tập được đi tế độ quần sanh làm lợi ích cho mình và cho người.
6)- Chánh Tâm Trụ:nghĩa là an trụ vào bản tâm chân chánh, tức là
định tâm bất động giúp cho Bát Nhã thứ sáu của Trí Diệu Quan
Sát sớm thành tựu viên mãn.
7)- Bất Thối Trụ:nghĩa là an trụ vào nơi chỗ nghe pháp thâm sâu
tâm kiên cố không còn thối chuyển, tức là hành giả ngộ nhập
được không giới vô sanh thuộc vô tướng của tánh không chân
như.
8)- Đồng Chơn Trụ: Đồng Chơn là non trẻ và trong sạch. Đồng
Chơn Trụ nghĩa là an trụ vào thời kỳ thanh tịnh trong trắng
của bản tâm, không cho tâm niệm phát khởi chút điên đảo mê
tưởng, không cho dấy niệm tà ma ngoại đạo đi phá hoại hạt
giống bồ đề.
9)- Pháp Vương Tử Trụ: nghĩa là an trụ vào địa vị con của Phật
(Pháp Vương Tử). Hành giả ở ngôi vị này đã phát sanh được trí
tuệ từ nơi giáo pháp cao quý của Phật (Pháp Vương), tỏ ngộ
được chân đế và tục đế của vạn pháp, xứng đáng là trưởng tử
của Phật, đồng thời có bổn phận đem ngôi vị của Phật truyền bá
càng thêm rộng lớn.
10)- Quán Đảnh Trụ: nghĩa là một vị Bồ Tát đã an trụ được ngôi vị
này trở thành con của Phật, đầy đủ ba biệt tướng:
*- Có Ttrí tuệ thấu hiểu tường tận và rành mạch tất cả pháp.
*- Đạt được cảnh giới mầu nhiệm của Phật.
*-Đủ khả năng thi hành Phật sự rộng độ chúng sanh.
B)- Mười Ngôi Vị Hạnh (Thập Hạnh): nghĩa là mười phương pháp tu hành về công hạnh lợi tha của Bồ Tát. Đây là hành trang trên con đường độ tha của Bồ Tát. Ở ngôi vị này, Bồ Tát thật hành hạnh Lục Độ lần lần đạt đến thù thắng. Mười Hạnh gồm có:
1)- Hoan Hỷ Hạnh:nghĩa là Bồ Tát với hạnh nguyện hoan hỷ trên
mưu cầu Phật Đạo dưới thương tưởng đến hữu tình, tận dụng
diệu đức của Phật để tùy thuận hóa độ chúng sanh trong mười
phương.
2)- Nhiêu Ích Hạnh: nghĩa là Bồ Tát dùng mọi phương tiện khéo léo
làm lợi ích cho chúng sanh và khiến cho chúng sanh không bị
mặc cảm trong sự thọ nhận lợi ích.
3)- Vô Sân Hận Hạnh: nghĩa là Bồ Tát luôn luôn thể hiện hạnh
nhẫn nhục với mọi công việc, tức là không bao giờ tỏ thái độ
giận tức trước bất cứ nghịch cảnh nào và luôn luôn tỏ thể hiện
đức khiêm cung với mọi người, không bao giờ có ý làm tổn hại
đến ai cả.
4)- Vô Tận Hạnh: nghĩa là Bồ Tát phải phát tâm đại tinh tấn
nguyện độ tất cả chúng sanh không cùng tận. Trên con đường
độ sanh, Bồ Tát không chút giãi đãi, không chút chùn bước
trước mọi khó khăn đưa đến.
5)- Ly Si Loạn Hạnh: (lìa si mê loạn tâm) nghĩa là Bồ Tát phải
thường an trụ chánh niệm nơi pháp thế gian và xuất thế gian
không cho tâm bị tán loạn. Bồ Tát đối với tất cả pháp môn đều
thông minh sáng suốt, cho đến đối với vấn đề nhập thai, trụ
thai và xuất thai không có chút si mê loạn tâm.
6)- Thiện Hiện Hạnh: (khéo thật hành công hạnh hiện tại), nghĩa là
Bồ Tát đã thanh tịnh được ba nghiệp, rõ thấu được gốc rễ của
các pháp hữu vi và vô vi, cho nên không bị ràng buộc, không bị
chấp trước một pháp nào cả, nhưng vẫn không bỏ công hạnh
giáo hóa chúng sanh.
7)- Vô Trước Hạnh: là công hạnh không nhiễm trước. Bồ Tát ở hạnh
này thường cúng dường chư Phật để cầu pháp không nhàm chán.
Bồ Tát đối với những pháp môn đã cầu học cũng thường dùng
trí tuệ quán chiếu để nhận chân và không bao giờ khởi tâm
nhiễm trước một pháp môn nào cả.
8)- Tôn Trọng Hạnh: nghĩa là Bồ Tát phải tôn trọng các pháp thuộc
thiện căn phước đức và các pháp thuộc trí tuệ giác ngộ, nguyên
vì hai pháp nói trên có thể thành tựu được vô lượng công đức an
lạc và giải thoát. Bồ Tát tôn trọng hai pháp nói trên bằng cách
cần phải tiến tu hai hạnh: tự lợi và lợi tha cho được viên mãn.
9)- Thiện Pháp Hạnh: nghĩa là Bồ Tát phải hoàn thành được bốn
pháp môn vô ngại đà la ni của thiện pháp độ tha để bảo hộ
chánh pháp và khiến hạt gống Phật không bị diệt mầm. Bốn
pháp môn vô ngại đà la ni gồm có:
a)- Pháp Vô Ngại: nghĩa là tất cả pháp đều thông suốt.
b)- Nghĩa Vô Ngại: nghĩa là tất cả nghĩa lý đều sáng tỏ.
c)- Từ Vô Ngại: nghĩa là trình bày rất mạch lạc và văn pháp rất
rõ ràng dễ hiểu.
d)- Nhạo Thuyết Vô Ngại: nghĩa là thuyết pháp mãi không bao
giờ hết ý và hết lời.
10)- Chân Thật Hạnh: nghĩa là thành tựu ngôn ngữ Đệ Nhất Nghĩa
Đế, nghĩa là Bồ Tát phải thật hành đúng như lời nói và lời nói
đúng như thật hành, lời nói phải đi đôi với việc làm, cho đến
sắc và tâm cũng phải hòa thuận tương đắc lẫn nhau, nên gọi là
chân thật hạnh.
C)- Mười Ngôi Vị Hồi Hướng: Hồi Hướng nghĩa là dùng tâm đại bi để cứu độ tất cả chúng sanh. Mười ngôi vị hồi hướng gồm có:
1)- Cứu Hộ Nhứt Thiết Chúng Sanh Ly Chúng Sanh Tướng Hồi
Hướng: Hồi Hướng là hướng về; Ly Chúng Sanh Tướng là xa
lìa danh tướng chúng sanh, nghĩa là không phân biệt chấp trước
kẻ oán người thân. Cứu Hộ Nhứt Thiết Chúng Sanh Ly Chúng
Sanh Tướng nghĩa là hướng về sự xa lìa danh tướng chúng sanh
để cứu hộ tất cả chúng sanh. Một vị Bồ Tát cứu hộ tất cả chúng
sanh trong tinh thần bình đẳng vô tướng, không phân biệt chấp
trước kẻ oán người thân. Bồ Tát ở ngôi vị này là áp dụng
phương châm Sáu Pháp Ba La Mật và Bốn Nhiếp Pháp để cứu
hộ tất cả chúng sanh. Sáu Pháp Ba Mật gồn có:
a)- Bố thí ba la mật
b)- Trì giới ba la mật
c)- Tinh tấn ba la mật
d)- Nhẫn nhục ba la mật
e)- Thiền định ba la mật
g)- Trí tuệ ba la mật.
Bốn Nhiếp Pháp nghĩa là bốn phương pháp dùng để cảm hóa chúng sanh. Bốn nhiếp pháp gồm có:
a)- Bố thí: nghĩa là dùng phương tiện bố thí để cảm hóa
chúng sanh.
b)- Ái ngữ: nghĩa là dung lời nói dịu dàng thương yêu để cảm
hóa chúng sanh.
c)- Lợi hành: nghĩa là làm những việc lợi ích để cảm hóa
chúng sanh.
d)- Đồng sự: nghĩa là cùng làm chung một nghề nghiệp để
cảm hóa chúng sanh.
2)- Bất Hoại Hồi Hướng: nghĩa là hướng về sự không hư hoại. Bồ
Tát ở ngôi vị này đã không làm mất tín tâm đối với Tam Bảo và
còn hướng về thiện căn nơi đức tin Tam Bảo để giáo hóa và
khiến cho chúng sanh được nhiều lợi lạc.
3)- Đẳng Nhứt Thiết Phật Hồi Hướng: nghĩa là hướng về những công
hạnh mà chư Phật ba đời đã làm. Bồ Tát ở ngôi vị này theo
gương chư Phật ba đời, bi trí song hành, không nhiễm trước
sanh tử, không rời bồ đề một bước để tu tập.
4)- Chí Nhứt Thiết Xứ Hồi Hướng: nghĩa là hướng về khắp tất cả chỗ.
Bồ Tát ở ngôi vị này đem bao nhiêu thiện căn đã tu tập được
hướng về khắp tất cả Tam Bảo và đến tất cả chúng sanh để
cúng dường những lợi ích.
5)- Vô Tận Công Đức Tạng Hồi Hướng: nghĩa là hướng về kho tàng
công đức vô cùng tận. Bồ Tát ở ngôi vị này hướng về tất cả
thiện căn không cùng tận đã tu tập được tùy hỷ đem ra phụng
sự Phật Pháp.
6)- Tùy Thuận Bình Đẳng Thiện Căn Hồi Hướng: nghĩa là hướng về
thiện căn để tùy thuận một cách bình đẳng. Bồ Tát ở ngôi vị này
vì chư Phật trong mười phương nên hướng về thiện căn đã tu
tập được đi bảo vệ chúng sanh một cách bình đẳng và khiến họ
thành tựu kiên cố những thiện căn nói trên.
7)- Tùy Thuận Đẳng Quán Nhứt Thiết Chúng Sanh Hồi Hướng: nghĩa
là tùy thuận hết thảy thiện căn đã tu tập được để hướng về quán
chiếu tất cả chúng sanh. Bồ Tát ở ngôi vị này làm tăng trưởng
hết thảy thiện căn để hướng về làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.
8)- Như Tướng Hồi Hướng: nghĩa là hướng về nơi tướng chân như.
Bồ Tát ở ngôi vị này đã thành tựu chánh niệm chánh trí, an trụ
bất động, không trái với chánh pháp bình đẳng hướng về hòa
hợp với tướng chân như Phật Tánh.
9)- Vô Phược Vô Trước Giải Thoát Hồi Hướng: nghĩa là hướng về sự
giải thoát không bị trói buộc và không chấp trước. Bồ Tát ở
ngôi vị này nhờ hướng về các thiện pháp để thật hành hạnh
nguyện Phổ Hiền, thành tựu những hạt giống công đức, cho nên
không còn bị trói buộc, không còn chấp trước tất cả pháp.
10)- Pháp Giới Vô Lượng Hồi Hướng: nghĩa là hướng về vô lượng
pháp giới. Bồ Tát ở ngôi vị này đem tất cả thiện căn không cùng
tận đã tu tập được hướng về nguyện cầu cho vô lượng thế giới
sai biệt đều được hết thảy công đức.
Hành giả sau khi thực tập hoàn tất 30 ngôi vị tu tập của Bồ Tát Hạnh một cách thuần thục liền sử dụng ba năng lực thù thắng nót trên quán chiếu Tướng và Dụng của Duy Thức để chuyển Tự Chứng Phần Ý Thức thứ sáu thành Trí Tuệ Hữu Phân Biệt với những phương thức sau đây:
a)- QUÁN CHIẾU TƯỚNG VÀ DỤNG CỦA DUY THỨC:
Tướng của duy thức tức là cảnh giới của duy Thức trong ba cõi và Dụng của duy thức tức là sự sinh hoạt của duy thức trong ba cõi. Hành giả phải thông suốt tánh chất, giá trị và ý nghĩa cảnh giới của duy thức biến hiện trong ba cõi và sự sinh hoạt của tám Thức trong mỗi chúng sanh hữu tình trong ba cõi, nghĩa là:
1)- Phải thông suốt trong ba cõi, cảnh giới nào thuộc về vọng hiện của thế giới chân như pháp tánh và cảnh giới nào thuộc về nghiệp duyên của thế giới vọng hiện. Theo Bát Thức Quy Củ Tụng của Thích Thắng Hoan, trang 20 giải thích: Những thế giới Vô Sắc phần nhiều là thế giới vọng hiện của thế giới chân như lưu xuất và cũng là nền tảng của thế giới nghiệp duyên sanh khởi. Thế giới nghiệp duyên chính là những thế giới Sắc Giới và những thế giới này được phát sanh là do những thế giới vọng hiện của Vô Sắc tạo nghiệp thành. Còn những thế giới Dục Giới cũng là loại thế giới nghiệp duyên và những thế giới này được phát sanh là do những thế giới Sắc Giới tạo nghiệp bằng cách cô đọng những Sắc Uẩn kết hợp thành hình.
2)- Trong tám Thức Tâm Vương, phải thông suốt những cảnh giới nào nơi ba cõi thuộc Tướng Phần của Thức nào gây tạo và giá trị cũa những cảnh giới Tướng Phần nói trên do Kiến Phần của tám Thức Tâm Vương gây tạo bằng cách nào.
3)- Trong tám Thức Tâm Vương, phải thông suốt những Thức nào có mặt trong những chúng sanh vô tình và những Thức nào có mặt trong những cúng sanh hữu tình. Sự sinh hoạt như thế nào của những tâm Thức trong các chúng sanh hữu tình cũng như trong các chúng sanh vô tình.
Người nào thông suốt tánh chất, giá trị, ý nghĩa Tướng và Dụng của Duy Thức qua những điều kiện nói trên là người đó đã trang bị được tư lương thứ nhất của Duy Thức Hạnh.
b)- NHIẾP PHỤC PHIỀN NÃO CHƯỚNG VÀ SỞ TRI CHƯỚNG:
Phiền não chướng, nghĩa là những phiền não làm chướng ngại cho sự giác ngộ. Sở Tri Chướng nghĩa là chỗ để hiểu biết (đối tượng) mang tánh chất ảo giác (Illsions) và điên đảo vọng tưởng làm trở ngại cho sự giác ngộ. Theo Duy Thức Học, trong mỗi con người các phiền não làm chướng ngại gồm có 26 loại thường gọi là 26 Tâm Sở Phiền Não. 26 Tâm Sở Phiền Não này được chia làm hai nhóm: một nhóm gọi là Căn Bản Phiền Não và một nhóm gọi là Tùy Phiền Não. 26 Phiền Não này thường làm trở ngại cho sự hiểu biết chân chánh của con người. (Xem Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II, trang 252-253) Muốn nhiếp phục hai loại chướng ngại này, hành giả phải áp dụng Phương Pháp Trị Liệu Qua Sự Tu Tập (Xem Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II, trang 227 cùng một tác giả).
Hành giả muốn nhiếp phục và Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng, trước hết nhiếp phục Phiền Não Chướng và sau đó Sở Tri Chướng tự nhiên nhiếp phục được ngay, nguyên do Sở Tri Chướng trở nên ảo giác và điên đảo vọng tưởng đều do Phiền Não Chướng lên ngôi chỉ đạo trong sự tri thức vạn pháp.
Để áp dụng Phương Pháp Trị Liệu Qua Sự Tu Tập nhiếp phục Phiền Não Chướng, hành giả phải luyện tập phương pháp Nội Quán. Nội Quán là phương pháp quán chiếu bên trong nội tâm. Nội tâm A Lại Da là kho chứa tất cả hạt giống vạn pháp, nhưng người quản lý (chấp trước) những hạt giống đó trong nội tâm A Lại Da chính là Tâm Thức Mạt Na. Muốn xóa bỏ những hạt giống bất thiện trong nội tâm A Lại Da phải nhờ đến Tâm Thức Mạt Na thực hiện, ngoài Tâm Thức Mạt Na không ai có khả năng thay thế. Muốn quán chiếu nội tâm, phải theo phương pháp sau đây:
1. Quán chiếu sau khi hoàn tất công thức thiền chỉ.
2. Thay vì ngoại quán, nghĩa là quán những đối tượng bên ngoài mà ở đây quán những đối tượng bên trong nội tâm A Lại Da.
3. Muốn quán những đối tượng bên trong nội tâm A Lại Da, phải đóng Nhãn căn lại nghĩa là phải nhắm hai con mắt lại để tạo màn ảnh trong sáng. Màn ảnh trong sáng nghĩa là màn ảnh không cònđen tối mờ đục nữa.
4. Thay vì Ý Thức thứ sáu nhớ lại những cảnh đối tượng bên trong nội tâm A La Lại Da mà ở đây Nhãn Thức quán chiếu thấy trực tiếp được những cảnh đối tượng của Ý Thức thứ sáu đang nhớ lại.
5. Ý Thức thứ sáu thực tập quán chiếu đến khi nào muốn thấy những cảnh đối tượng gì bên trong nội tâm A lại Da liền thấy ngay lập tức, thấy một cách tự tại tự nhiên là lúc đó chứng tỏ Ý Thức thứ sáu làm chủ được và điều khiển được Thức Mạt Na thứ bảy theo ý mình muốn.
6. Chừng đó Ý Thức thứ sáu điều khiển Thức Mạt Na thứ bảy trực tiếp điều phục những Phiền Não Chướng theo Phương Pháp Trị Liệu Qua Sự Tu Tập đã đề cập ở trên trong Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển II, trang 227 cùng một tác giả, nguyên vì Thức Mạt Na thứ bảy chính là tâm thức quản lý tất cả chủng tử thiện ác trong kho chứa Thức A Lại Da. Hành giả nào nhiếp phục được Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng và tinh thông được tánh chất cũng như giá trị của những chủng tử trong sự sanh diệt lưu chuyển là người đó đã trang bị được tư lương thứ hai của Duy Thức Hạnh.
c)- GIẢI TRỪ CHẤP TRƯỚC:
Muốn giải trừ chấp trước về ngã pháp để chứng được Duy Thức
Tánh, hành giả sử dụng trí tuệ hữu phân biệt của Tự Chứng Phần Ý Thức thứ sáu sau khi chứng đắc Thập Hồi Hướng liền quán chiếu ngã pháp qua phương pháp Tam Tánh và Tam Vô Tánh (Tam Tánh và Tam Vô Tánh đã được giải thích rõ trong Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, trang 189 và 317 cùng một tác giả) và quán chiếu đến khi nào thấy rõ chỗ dung thông không sai biệt của các pháp môn tu tập, thông suốt chỗ viên dung vô ngại của lý sự, của tánh tướng các pháp, thể hiện được đức tánh thân giáo, khiêm cung, bình dị chính là người giải trừ được bệnh chấp trước ngã pháp và cũng là người trang bị được tư lương thứ ba về Duy Thức Hạnh.
Tóm lại ngôi vị Tư Lương nhằm xây dựng Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng với mục đích:
- Trang bị sự tinh thông về Tướng và Hạnh của Duy Thức,
- Nhiếp phục phiền não chướng và sở tri chướng,
- Giải trừ chấp trước về ngã và pháp,
- Phát huy trí tuệ hữu phân biệt của Tự Chứng Phần Ý Thức thứ sáu để quán chiếu Duy Thức Tánh.
Nhưng ngôi vị Tư Lương này chỉ là trang bị mà chưa phải là ngôi vị an trụ Duy Thức Tánh, nguyên vì chưa diệt được hai tướng Nhị Thủ Năng và Sở.
2)- Cấp Bậc Gia Hạnh: (Gia Hạnh Vị)
Gia Hạnh Vị là ngôi vị gia công thật hành Duy Thức Quán. Hành giả nương theo năng lực của Thập Hồi Hướng tiến tu Tứ Gia Hạnh để phát khởi trí tuệ vô lậu Tự Chứng Phần của Thức Mạt Na thứ bảy. Trí tuệ hữu phân biệt Tự Chứng Phần của Ý Thức thứ sáu phối hợp với năng lực Thập Hồi Hướng quán chiếu chiều sâu Tứ Tầm Tư để thấy rõ các pháp hữu lậu đều là hư giả không có tự tánh để phát huy trí tuệ vô lậu Tự Chứng Phần của Thức Mạt Na thứ bảy và khiến cho trí tuệ vô lậu này đạt được Chân Kiến Đạo của bậc Sơ Địa Bồ Tát Hạnh. Tứ Gia Hạnh gồm có: Noãn, Đảnh, Nhẫn và Thế Đệ Nhất.
a)- Noãn Vị: nghĩa là ở ngôi vị này, hành giả nổ lực sử dụng trí tuệ hữu phân biệt của Ý Thức thứ sáu chuyên cần quán chiếu giản trạch tánh không của các pháp nơi ngoại cảnh:
- Tánh không nghĩa là tánh chất không của các pháp thuộc biến kế sở chấp do Ý Thức xây dựng nên.
- Tánh chất không của các pháp thuộc y tha khởi do Thức A Lại Da xây dựng nên.
- Trong các pháp Y Tha Khởi loại nào thuộc biến kế sở chấp.
- Tánh chất Ngũ Ấm và Ngũ Uẩn từ đâu sanh ra. (Muốn rõ vấn đề này hãy xem quyển Bát Nhã Tâm Kinh Qua Cái Nhìn Của Duy Thức cùng một tác giả.
- Tánh Chất Sắc Ấm hay Sắc Uẩn, một trong Ngũ Ấm hay trong Ngũ Uẩn từ đâu sanh ra hãy xem Nguyên Lý Tứ Đại trong Khảo Nghiệm Duy Thức Học, quyển I, trang 214 cùng một tác
giả thì sẽ rõ.
Hành giả sử dụng trí tuệ hữu phân biệt quán chiếu đến khi nào thông suốt những điều kiện trên chính là người đạt được chân kiến đạo (thấy được đạo chân chánh) và lúc đó sức ấm của ánh sáng trí tuệ vô lậu Tự Chứng Phần Thức Mạt Na thứ bảy bắt đầu xuất hiện cũng giống như người xưa dùng cây khô cọ sát để lấy lửa.
b)- Đảnh Vị: nghĩa là quán chiếu tánh chất cuối cùng của các pháp gọi là Đảnh vị. Ở giai đoạn này hành giả tiếp tục quán chiếu nguyên lý không của những cảnh sở thủ thuộc biến kế sở chấp trong nội tâm. Cảnh sở thủ gồm có hai phần: Nghiệp Lực Tập Khí và Nghiệp Tướng Tập Khí, gọi chung là Nhị Thủ Tập Khí.
- Tánh chất không của những chủng tử cảnh giới và nghiệp lực tập khí hữu lậu đã được thâu nhập vào nội Tâm A Lại Da và sự quan hệ của những chủng tử này đóng địa vị quan yếu như thế nào trong sự sanh khởi vạn pháp nơi thế giới ngoại cảnh.
- Tánh chất không của những chủng tử vô lậu quan hệ trong sự duyên khởi vạn pháp nơi thế giới ngoại cảnh.
Hành giả quán chiếu đến khi nào thông suốt những điều kiện trên
chính là người đã khiến cho Trí tuệ vô lậu Tự Chứng Phần của Thức Mạt Na thứ bảy tăng trưởng của tánh không, cũng như người xưa lấy được lửa qua sự cọ sát thân cây khô để nấu nướng.
c)- Nhẫn Vị: là ngôi vị quán chiếu Tứ Tầm Tư của những cảnh sở thủ và tâm năng thủ để phát khởi trí tuệ chân kiến đạo (trí tuệ thấy đạo chân chánh).
Tứ Tầm Tư: Tứ nghĩa là bốn; Tầm nghĩa là tìm kiếm, tìm hiểu; Tư nghĩa là tư duy, là quán chiếu. Tứ Tầm Tư nghĩa là bốn lãnh vực quán chiếu và tìm hiểu tánh chất, giá trị và ý nghĩa của các pháp trong thế gian. Tứ Tầm Tư gồm có bốn lãnh vực: Danh, Nghĩa, Tự Tánh và Sai Biệt. Đây là phương pháp quán chiếu nhằm giản trạch Danh, Nghĩa, Tự Tánh, Sai Biệt của các pháp với mục đích xa lìa hai tướng: Tâm Năng Thủ và Cảnh Sở Thủ để cho trí tuệ Chân Kiến Đạo được xuất hiện từ nơi nội tâm. Tứ Tầm Tư được giải thích như sau:
1)- Danh: gọi cho đủ là danh xưng, nghĩa là tên gọi của các pháp.
Danh xưng của các pháp là những từ ngữ do người đời đặt ra để dán nhãn hiệu cho các pháp dễ phân biệt, danh xưng Nguyễn Thị A, Trần Văn B,......, bông hoa Hồng, bông hoa Lan, bông hoa Huệ,......., xe Honda, xe Toyota, xe Ford,........ Danh xưng của các pháp đều thuộc về loại Tùy Thuyết Nhân, một trong mười nhân của Duy Thức Học. Tùy Thuyết Nhân nghĩa là một pháp nào đó tùy (Tùy) theo sự cảm nhận của chúng sanh rồi sau đó tưởng tượng đặt (Thuyết) cho một tên gọi để dễ phân biệt làm nguyên nhân (Nhân).
Danh xưng của các pháp gồm có hai loại: một loại danh xưng do người đời tưởng tượng đặt ra theo nhu cầu sinh hoạt trong xã hội để gọi và một loại danh xưng do các bậc chứng ngộ phương tiện thiết lập để định hướng chân giả phân minh dành cho các hàng đệ tử về sau tu tập khỏi bị lầm lạc trên con đường giải thoát. Hành giả quán chiếu tìm hiểu tánh chất, giá trị và ý nghĩa của hai loại danh xưng này để minh định rõ loại danh xưng nào nên xóa bỏ và loại danh xưng nào nên nương tựa để tìm nguồn. Hành giả nên biết rằng, Danh xưng do các bậc chứng ngộ phương tiện thiết lập, như danh xưng Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Phật Dược Sư, Bồ Tát Quán Thế Âm,..v..v...... mặc dù giả danh nhưng rất cần thiết cho các nhà tu tập nương tựa quán chiếu để tìm nguồn Pháp Thân của các ngài từ chân tâm thể hiện, cũng giống như chúng ta nhắc đến danh xưng Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Hòa Thượng Thích Thiện Hòa,..v..v...... mặc dù giả danh, nhưng hình tướng của các ngài từ trong tâm thức A Lại Da lập tức xuất hiện theo danh xưng đó.
2)- Nghĩa: gọi cho đủ là danh nghĩa. Danh nghĩa bao gồm cảnh danh xưng hay danh tướng và nghĩa vụ hay ý nghĩa (mục đích). Nghĩa còn có tên nữa là sự vật. Danh nghĩa của một sự vật được thiết lập có nghĩa vụ phù hợp với danh tướng, như người máy (Robot) được kiến lập đúng với danh tướng là hình tướng giống con người và đúng với nghĩa vụ là sinh hoạt thay thế một phần chức năng của con người; như bông hồng nylon bằng chất nhựa,..v..v...... được kiến lập đúng với danh tướng bông hồng thiệt và đúng với nghĩa vụ là thay thế bông hồng thiệt trang trí cho đẹp nhà cửa phòng xá. Các sự vật khác như nhà cửa, bàn ghế, xe cộ, thành phố, đường xá,..v..v...... cũng giống như thế, nghĩa là cũng được kiến lập đúng với danh tướng và nghĩa vụ của chúng. Danh nghĩa có hai loại, một loại do Ý Thức xây dựng thuộc biến kế sở chấp và một loại do Thức A Lại Da xây dựng thuộc y tha khởi.
a. Loại do Ý Thức xây dựng cũng có hai dạng: một dạng do Ý Thức căn cứ theo danh tướng của sự vật y tha khởi làm mẫu mực để xây dựng, như người máy, bông nylon, nhà cửa, bàn ghế, xe cộ, thành phố, đường xá,..v..v...... xây dựng nên đúng với nghĩa vụ; một dạng do Ý Thức căn cứ theo danh xưng xây dựng nên, như Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Bố Tát Quán Thế Âm,..v..v...... chỉ căn cứ theo danh xưng xây dựng nên hình tượng đúng với ý nghĩa.
b. Loại do Thức A Lại Da xây dựng cũng có hai dạng: một dạng do Thức A Lại Da căn cứ theo danh nghĩa chủng tử biến kế sở chấp trong nội tâm xây dựng nên hiện tượng duyên sanh trong thế gian và một dạng do Thức A Lại Da can cứ theo danh nghĩa của thế giới chân như pháp tánh xây dựng nên hiện tượng trong ba cõi phàm thánh đồng cư độ. Phàm thánh đồng cư độ, nghĩa là trong cõi phàm có cõi thánh (Pháp giới tánh) nằm phía bên trong, trong nhục thân có Phật thân (Phật tánh), trong nước đục có nước trong; nhưng cõi phàm riêng cõi phàm và cõi thánh
riêng cõi thánh, nhục thân riêng nhục thân và Phật thân riêng Phật thân tuy lẫn lộn nhau, nhưng không ô nhiễm với nhau, cũng như dòng điện trong những bóng đèn màu sắc, nghĩa là bóng đèn có màu sắc, nhưng dòng điện không có màu sắc. Thế giới pháp tánh hay Phật Thân được thâu nhỏ lại tùy theo cõi phàm, tùy theo nhục thân của chúng sanh, cho nên Kinh Phật thường nói: Tình dữ vô tình đồng thành Phật đạo hay đồng viên chủng trí.
3)- Tự Tánh: Tự tánh của các pháp duyên sanh gọi là tự tánh giả lập. Tự tánh của các pháp duyên sanh đều nương nơi Kiến Phần Thức A Lại Da để sanh khởi, để tồn tại, không có Kiến Phần Thức này xây dựng và hiện hữu để duy trì sự sống còn thì các pháp không thể hiện hữu trong thế gian. Hành giả quán chiếu tìm hiểu tự tánh của các pháp duyên sanh từ đâu sanh ra và Kiến Phần Thức A Lại Da thiết lập bằng cách nào để thành hình và duy trì sanh mạng như thế nào để tồn tại trong thế gian chính là hành giả quán thông được nguyên lý của Duy Thức Học trên lãnh vực duyên sanh.
4)- Sai Biệt: Quán chiếu sự sai biệt của các pháp duyên sanh, nghĩa là quán chiếu tìm hiểu nguyên nhân nào tạo nên hình tướng khác nhau của vạn pháp và do những điều kiện gì đưa đến sự sinh hoạt sai biệt nhau của vạn pháp duyên sanh. Theo Luật nhân quả nghiệp báo, vạn pháp trên hiện tượng duyên sanh có bao nhiêu hình tướng không giống nhau thì nguồn gốc của chúng nhất định phải có bấy nhiêu nguyên nhân sai biệt nhau và vạn pháp trong thế gian có bao nhiêu sự cảm thọ khác nhau thì nguồn gốc của chúng nhất định cũng phải có bấy nhiêu điều kiện không giống nhau. Hành giả thấu triệt tinh tường những điều kiện nêu trên là đã dung thông được nguyên lý của vạn pháp trên lãnh vực duyên sanh.
d)- Thế Đệ Nhất: nghĩa là trong các pháp hữu lậu thế gian (thế) có
Thánh pháp vô lậu chân chánh tối thượng (đệ nhất). Hành giả ở nơi bậc này tiếp tục quán chiếu nhị không (ngã pháp đều không) không cho gián đoạn, quán chiếu mãi đến khi nào Thánh pháp vô lậu chân chánh tối thượng phát sanh liên tục không ngừng và hành giả phải thực tập quán chiếu một cách thuần thục, nghĩa là hành giả lúc nào quán chiếu thì Thánh pháp nói trên tự nhiên xuấn hiện dễ dàng thế là hành giả chuyển Thức thành được Trí tuệ vô lâu, cũng như người nghe đài phát thanh, bắt đúng tần số thì âm thanh của đài phát ra liên tục không ngừng. Hành giả quán chiếu được như thế đã bước vào ngưỡng cửa Chân Kiến Đạo của bậc Sơ Địa, một trong Thập Địa Bồ Tát thuộc cấp bật Thông Đạt.
Tóm lại hành giả tu tập Tứ Gia Hạnh nhằm phát huy trí tuệ vô lậu của Tự Chứng Phần Thức Mạt Na thứ bảy và nương vào pháp quán Tứ Tầm Tư khiến cho trí tuệ vô lậu nói trên tăng trưởng để thấy:
- Vạn pháp thuộc hữu lậu đều giả, không có tự tánh,
- Tất cả chủng tử đều hữu lậu
- Vạn pháp hiện hành đều mang tánh chất duyên sanh do Kiến Phần Thức A Lại Da xây dựng (Y tha khởi).
Hành giả nên biết thêm rằng:Lục Độ Ba La Mật nơi cấp bậc Tư Lương nhằm chuyển Tự Chứng Phần Ý Thức thành trí tuệ hữu lậu phân biệt (Trí Diệu Quan Sát). Còn nơi cấp bậc Gia Hạnh, hành giả tu tập nhằm chuyển Tự Chứng Phần Thức Mạt Na thành trí tuệ vô lậu phân biệt (Trí Bình Đẳng Tánh). Tiếp theo đó hành giả sử dụng trí tuệ hữu lậu phân biệt của Ý Thức phối hợp với năng lực trí tuệ vô lậu phân biệt của Thức Mạt Na quán chiếu chiều sâu Tứ Tầm Tư khiến cho Thánh Pháp Vô Lậu chân chánh tối thượng xuất hiện, nguyên vì Thức Mạt Na làm Căn Sở Y của Ý Thức sinh hoạt. Hành giả tu tập quán chiếu đạt được như đã nói trên đây chính là đã bước vào ngưỡng cửa Chân Kiến Đạo nơi cấp bậc Thông Đạt.
3)- Cấp Bậc Thông Đạt:(Thông Đạt Vị)
Ngôi vị Thông Đạt là cấp bậc thông suốt và đạt đạo nguyên lý Trung Đạo Duyên Khởi của nhị không chân như, nghĩa là thể nhập và lãnh hội (liểu tri) được nguyên lý này qua Duy Thức Tướng mà nó không phải đích thực của Duy Thức Tánh. Trung Đạo Duyên Khởi của nhị không chân như, nghĩa là khi quán chiếu thể tánh của vạn pháp, Pháp Thân của Phật tánh và Cảnh Sở Y của Pháp tánh nơi Pháp Thân thể hiện không qua Tướng Phần (cảnh sở thủ) và Kiến Phần (tâm năng thủ), đó là nguyên lý Trung Đạo Duyên Khởi của nhị không chân như. Pháp Thân của Phật tánh và Cảnh Sở Y của Pháp tánh nơi Pháp Thân thuộc nguyên lý Trung Đạo Duyên Khởi nói trên thì hoàn toàn không phải ngã tướng của Tâm năng thủ và không phải pháp tướng của Cảnh Sở Thủ. Ngã Tướng của tâm năng thủ và Pháp Tướng của cảnh sở thủ đều thuộc về Kiến Phần và Tướng Phần của Nghiệp Tướng thì không thực thể đều do Duy Thức biến hiện. Riêng Pháp Thân của Phật tánh và Cảnh Sở Y của Pháp tánh nơi Pháp Thân thì chân thật bất hư đều do Tâm chân như thể hiện.
Hành giả muốn thông đạt nguyên lý Trung Đạo Duyên Khởi này cần phải phát huy cho được trí tuệ Vô Sở Đắc của Tự Chứng Phần Thức A Lại Da xuất hiện và dùng trí tuệ này phối hợp với trí tuệ Hữu Phân Biệt của Tự Chứng Phần Ý Thức thứ sáu quán chiếu thể tánh của vạn pháp từ Nhị Không và quán chiếu đến khi nào thấy được nguyên lý Trung Đạo Duyên Khởi thể hiện từ chân như pháp tánh. Hơn nữa hành giả muốn phát huy cho được trí tuệ Vô Sở Đắc của Tự Chứng Phần Thức A Lại Da, trước tiên phải tu tập Bậc Sơ Địa cho được nhập tâm (cho được nằm lòng nhuần nguyển). Bậc Sơ Địa là một trong Thập Địa và nó cũng gọi là Hoan Hỷ Địa. Hoan Hỷ Địa nghĩa là Bồ Tát ở ngôi vị này rất vui mừng đã chứng được Phật Tánh cũng nnhư đã giác ngộ được hai nguyên lý Nhân Không và Pháp Không để làm lợi ích cho chúng sanh.
Tóm lại, hành giả muốn hoàn thành cấp bậc Thông Đạt, trước hết phải tu tập bậc Sơ Địa cho được thâm nhập và nhờ đó trí tuệ Vô Sở Đắc của Tự Chứng Phần Thức A Lại Da xuất hiện. Sau đó hành giả dùng trí tuệ Vô Sở Đắc này phối hợp với trí tuệ Hữu Phân Biệt của Ý Thức thứ sáu quán chiếu Trung Đạo Duyên Khởi của Nhị Không Chân Như và quán chiếu đến khi nào Tướng Kiến Đạo của Trung Đạo Duyên Khởi xuất hiện, thế là hành giả đã đạt được Chân Kiến Đạo của cấp bậc Thông Đạt.
4)- Cấp Bậc Tu Tập: (Tu Tập Vị)
Nơi cấp bậc Tu Tập, hành giả bắt đầu tu tập Ly Cấu Địa thứ hai cho đến Pháp Vân Địa thứ mười của Thập Địa Bồ Tát cho được thuần thục khiến trí tuệ vô sở đắc của Tự Chứng Phần Thức A Lại Da tăng trưởng đến siêu diệt. Thập Địa Bồ Tát gồm có:
1- Hoan Hỷ Địa: Bồ Tát ở ngôi vị này rất vui mừng đã chứng được Phật tánh cũng như đã giác ngộ được hai nguyên lý Nhân Không và Pháp Không để làm lợi ích cho chúng sanh.
2- Ly Cấu Địa: Bồ Tát ở ngôi vị này đầy đủ giới thể thanh tịnh nên đã tẩy sạch hết bụi nhơ phiền não ô nhiễm và giữ tâm Bồ Đề được hoàn toàn thanh tịnh.
3- Phát Quang Địa: Bồ Tát ở ngôi vị này nhờ đại thiền định nên phát sanh được trí tuệ sáng suốt mầu nhiệm vô biên.
4- Diễm Huệ Địa: Bồ Tát ở ngôi vị này phát huy ngọn lửa trí tuệ càng thên sáng lên mãi và phát huy đến khi nào lửa trí tuệ này đốt sạch hết tất cả phiền não của vô lượng kiếp trong tâm Bồ Đề.
5- Nan Thắng Địa: Bồ Tát ở ngôi vị này đã thành công những điều khó vượt qua là khiến hai trí tuệ Chân Đế và Tục Đế mâu thuẩn nhau trở thành hòa hợp nhau thành một thể.
6- Hiện Tiền Địa: Bồ Tát ở ngôi vị này giữ vững trí tuệ hữu phân biệt để soi sáng mười hai nhân duyên và chư hành lưu chuyễn khiến cho trí tuệ vô phân biệt của Phật hiện ra trước mặt một cách rõ ràng.
7- Viễn Hành Địa: Bồ Tát ở ngôi vị này đã vượt qua khỏi xa thẩm của những đạo thế gian và nhị thừa xuất thế gian, nghĩa là tự tại không bị ràng buột những hình tướng khuôn mẫu, những hình thức tu tập của những đạo nói trên.
8- Bất Động Dịa: Bồ Tát ở ngôi vị này nhờ vận dụng liên tục trí tuệ vô phân biệt của Phật Trí nên không bị lay chuyển bởi những phiền não cuốn trôi và cũng không bị biến động theo những hình tướng, những công dụng hấp dẫn của thế gian.
9- Thiện Huệ Địa: Bồ Tát ở ngôi vị này nhờ phát chiếu trí tuệ vô phân biệt một cách vi diệu và tự tại cho nên thành tựu được bốn biện tài vô ngại để thuyết pháp độ sanh. Bốn biện tài vô ngại gồm có:
a)- Pháp Vô Ngại: nghĩa là tất cả pháp Phật đều thông
suốt.
b)- Nghĩa Vô Ngại: nghĩa là tất cả nghĩa lý đều sáng tỏ.
c)- Từ Vô Ngại: nghĩa là trình bày rất mạch lạc và văn
pháp rất rõ ràng dễ hiểu.
d)- Nhạo Thuyết Vô Ngại: nghĩa là thuyết pháp mãi không
bao giờ hết ý và hết lời.
Nhờ bốn biện tài vô ngại này, Bồ Tát thuyết pháp rất lưu
loát, nói năng rất khéo léo và linh hoại, trong bất cứ trường
hợp nào không bị vấp ngả.
10- Pháp Vân Địa: Bồ Tát ở ngôi vị này đã chứng được Pháp
Thân thanh tịnh và dùng Đại Trí kết hợp vô lượng công đức tạo thành đám mây Đại Pháp trong sạch, che khắp cả vô lượng quốc độ và tươi mát cả muôn loài chúng sanh.
Sau khi trí tuệ Vô Sở Đắc nói trên tăng trưởng siêu việt, hành giả sử dụng trí tuệ này phối hợp với trí tuệ hữu phân biệt của Tự Chứng Phần Ý Thức thứ sáu quán chiếu Ngũ Trùng Duy Thức Quán để chuyển hóa toàn diện Chứng Tự Chứng Phần của tám Thức Tâm Vương để Tự Chứng Phần tám Thức biến thành bốn Trí (Trí Thành Sở Tác, Trí Diệu Quan Sát, Trí Bình Đẳng Tánh và Trí Đại Viên Cảnh).
Ngũ Trùng Duy Thức Quán nghĩa là năm lớp quán chiếu để đạt đến chỗ cứu cánh của nguyên lý Duy Thức Tánh. Ngũ Trùng Duy Thức
Quán gồm có:
a)- Khiển Hư Tồn Thật: nghĩa là loại bỏ những pháp hư giả thuộc Biến Kế Sở Chấp và lưu lại những pháp hiện thật thuộc Y Tha Khởi và thuộc Viên Thành Thật.
b)- Xả Lạm Lưu Thuần: nghĩa là xả bỏ những cảnh giới hổn tạp (Lạm) chủ quan và chỉ lưu lại những cảnh giới thuần túy khách quan. Những cảnh giới hổn tạp chủ quan nghĩa là những cảnh giới Y Tha Khởi Duyên Sanh không thuần chất với hình thức Tướng Phần được xuấn hiện từ nơi những cảnh giới chủng tử ảo giác do Duy Thức Tướng chủ quan (Kiến Phần Thức A Lại Da) xây dựng nên. Còn những cảnh giới thuần túy khách quan chính là những cảnh giới thuần túy pháp tánh thanh tịnh do Duy Thức Tánh (Tạng Như Lai) hiện khởi và những cảnh giới này được gọi là cảnh giới Viên Thành Thật Tánh. Trọng tâm của phương pháp quán này là tận dụng trí năng để đạt đến trạng thái tâm và cảnh hòa hợp, lý sự không hai, nghĩa là ngoài tâm không cảnh, ngoài lý không sự, ngoài tánh không tướng.
c)- Nhiếp Mạt Quy Bổn: là bỏ ngọn ngành trở về cội gốc. Bỏ ngọn ngành là loại bỏ Kiến Phần của Tâm Thức và tìm về Tự Chứng Phần của Tâm Thức. Người tu Duy Thức Quán phải tìm cho ra nguồn gốc phát sanh ra Tự Chứng Phần của tám Tâm Thức. Người nào liễu ngộ được nguyên lý này là người thành công trong việc nhiếp mạt quy bổn.
d)- Ẩn Liệt Hiển Thắng: là làm mất dạng phần yếu kém và hiển bày phần thù thắng. Phần yếu kém ở đây là chỉ cho 25 Tâm Sở còn lại và 25 Tâm Sở này gồm có: 5 Biến Hành, 5 Biệt Cảnh, 11 Thiện, và 4 Bất Định. Phần thù thắng là chỉ cho Tự Chứng Phần (chủng tử) của tám Thức Tâm Vương. Bấy lâu nay Tự Chứng Phần của tám Thức Tâm Vương luôn luôn bị các Tâm Sở bao che, khống chế và ngăn cách trong mọi sự sinh hoạt nhận thức, nhất là 5 Tâm Sở Biến Hành và 5 Tâm Sở Biệt Cảnh không cho tám Thức Tâm Vương hiểu biết trực tiếp vạn pháp. Hành giả muốn Tự Chứng Phần của tám Thức Tâm Vương được tự do hiển bày diệu dụng thù thắng trực tiếp hiểu biết vạn pháp phải sử dụng trí tuệ vô sở đắc của Tự Chứng Phần Thức A Lại Da được phát sanh từ nơi Thập Địa khiến 25 Tâm Sở còn lại tìm ẩn mất dạng luôn trong Tạng Thức. Đây là pháp quán ẩn liệt hiển thắng của Ngũ Trùng Duy Thức Quán.
e)- Khiển Tướng Chứng Tánh: Khiển Tướng là loại bỏ Duy Thức Tướng của Y Tha Khởi để chứng nhập chứng nhập Duy Thức Tánh của Viên Thành Thật. Viên Thành Thật Tánh chính là bản thể chân như mầu nhiệm của thế giới pháp tánh và tất cả thế giới này đều do Duy Thức Tánh mang tên Tạng Như Lai hiện khởi làm cảnh giới sở y của chư Phật an trụ.
Sau khi chuyển hóa được tám Tâm Thức thành bốn Trí, hành giả trước hết sử dụng bốn trí chuyển hóa chủng tử của hai quả chuyển y còn lại trong Tạng Thức: nghĩa là chuyển hóa tất cả chủng tử phiền não chướng và sở tri chướng thuộc y tha khởi thành đại niết bàn và thành đại bồ đề; nguyên vì tất cả chủng tử phiền não chướng và sở tri chướng sỡ dĩ hiện hữu trong Tạng Thức là do chúng sanh mê vọng sanh khởi, mà nếu như chúng sanh giác ngộ giải thoát thì chủng tử phiền não chướng trở thành đại niết bàn và chủng tử sở tri chướng trở thành đại bồ đề, cũng như mưa gió chỉ độc hại đối với những người bệnh hoạn mà không độc hại đối với những người khỏe mạnh. Khi chuyển hóa được bốn Trí, hành giả đã chứng được quả vị Đẳng giác của Bồ Tát Đại Thừa và lúc đó hành giả tiếp tục quán chiếu để chuyển hóa chủng tử của hai quả chuyển y nói trên cho được thanh tịnh, nghĩa là hành giả chuyển hóa đến mức độ thuần tục tự tại không còn cảm thấy khó khăn trong khi quán chiếu thế là hành giả đã thành công nơi ngôi vị Tu Tập.
5)- Cấp Bậc Cứu Cánh: (Cứu Cánh Vị)
Cấp bậc cứu cánh là quả vị rốt ráo viên mãn của cảnh giới Viên Thành Thật Tánh và cũng gọi là cảnh giới Duy Thức Tánh. Cảnh giới này chính là cảnh giới vô lậu thanh tịnh của Đại Bồ Đề Niết Bàn thuộc lảnh vực thế giới chân như. Cảnh giới Viên Thành Thật Tánh, theo Duy Thức Học của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa gồm có:
1.- Bất Tư Nghị: nghĩa là cảnh giới này không thể dùng trí suy
nghĩ hay lời nói luận bàn được.
2.- Thiện: nghĩa là cảnh giới này đã xa lìa hết các pháp nhiễm ô,
bất thiện.
3.- Thường: nghĩa là cảnh giới này thường còn, tột đến đời vị lai,
không có cùng tận.
4.- An Lạc: nghĩa là cảnh giới này rất thanh tịnh vui vẻ, không có
các điều khổ não bức bách.
5.- Giải Thoát Thân: nghĩa là những bậc ở cảnh giới này do xa
lìa các phiền não triền phược, nên được thân giải thoát.
6.- Đại Mâu Ni: nghĩa là những bậc ở cảnh giới này do xa lìa
được sở tri chướng nên chứng đặng quả Bồ Đề. Vì quả vị này
bản tánh rất thanh tịnh, nên gọi là Đại Mâu Ni.
Phương pháp tu tập ở cấp bậc Cứu Cánh, hành giả tiếp tục sử dụng bốn trí quán chiếu hai phương thức sau đây:
a.- Hành giả sau khi chuyển hóa hết chủng tử của hai quả chuyển y trở thành Đại Bồ Đề và Đại Niết Bàn nơi cấp bậc Tu Tập, sử dụng Trí Diệu Quan Sát điều khiển Trí Bình Đẳng Tánh móc nối cảnh giới Niết Bàn Vô Dư (Viên Thành Thật Tánh) từ thế giới chân như hiện hữu trong Trí Đại Viên Cảnh của hành giả. Hành giả quán chiếu cảnh giới Niết Bàn này đến khi nào thể hiện một cách thuần thục, nghĩa là hành giả không còn dụng công quán chiếu nữa mà cảnh giới ấy vẫn hiện hữu một cách tự nhiên theo ý muốn, chính là hành giả đã thành công quả vị Đại Niết Bàn của Đại Bồ Đề nơi cấp bậc Cứu Cánh.
b.- Hành giả mặc dù đã chứng quả Đại Niết Bàn của Đại Bồ Đề nơi cấp bậc Cứu Cánh, nhưng còn mang nhục thân cho nên còn quan hệ quá nhiều với Trần Sa Hoặc của loài người và Vô Minh Hoặc của tất cả chúng sanh trong ba cõi. Hơn nữa cảnh giới Đại Niết Bàn mà hành giả chứng đắc chỉ là cảnh giới thuộc về hình tướng của Đại Niết Bàn được thâu nhỏ lại thể hiện theo từng loại chúng sanh mà không phải là cảnh giới đích thực thể tánh chân thật bao la của Đại Niết Bàn.
Hành giả muốn chứng nhập vào trong cảnh giới thể tánh Đại Niết Bàn bao la của Đại Bồ Đề nơi cấp bậc Cứu Cánh thì phải cắt đứt sự quan hệ Trần Sa Hoặc của loài người và Vô Minh Hoặc của tất cả chúng sanh trong ba cõi. Muốn cắt đứt sự quan hệ của hai Hoặc nói trên, hành giả phải thật hành Bồ Tát Hạnh bằng cách cứu độ tất cả chúng sanh để diệt chúng sanh tâm của chính mình bằng phương thức an trụ tâm vô trụ. Hành giả khi nào đã hoàn thành cắt đứt hẳn sự quan hệ nơi Kiến Hoặc, Tư Hoặc của Tự Giác và nơi Trần Sa Hoặc, Vô Minh Hoặc của Giác Tha nơi cấp bậc Cứu Cánh chính là đã thể nhập được trọn vẹn cảnh giới thể tánh Đại Niết Bàn chân thật bất hư nơi Đại Bồ Đề Viên Thành Thật Tánh của Duy Thức Tánh mà cũng là hoàn thành ngôi vị Diệu Giác của Phật quả.