Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Anguttara Nikàya: “con Đường Không Có Lầm Lỗi”

03/01/202215:19(Xem: 3785)
Anguttara Nikàya: “con Đường Không Có Lầm Lỗi”

Con Đường Không Có Lầm Lỗi
Anguttara Nikàya:
“CON ĐƯỜNG KHÔNG CÓ LẦM LỖI”
-------------------------------
Thích Nữ Hằng Như


I. DẪN NHẬP

Bài kinh ngắn “Con Đường Không Có Lầm Lỗi” là bài kinh được trích trong Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikãya) là bộ thứ tư trong năm bộ kinh văn Pãli gồm Kinh Trường Bộ (Dìgha Nikàya), Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikàya), Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikàya), Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikàya) và Kinh Tiểu Bộ (Khuddaka Nikàya). Các bộ kinh này được cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ văn tạng Pàli sang Việt ngữ. 


            II. KINH “CON ĐƯỜNG KHÔNG CÓ LẪM LỖI” 

Tăng Chi Bộ Kinh là một bộ kinh được xếp theo pháp số, từ một pháp đến mười một pháp, phân thành mười một chương. Mỗi chương chia thành nhiều phẩm. Trong mỗi phẩm có nhiều bài kinh cùng loại. 

Con Đường Không Có Lầm Lỗilà bài kinh thuộc ba pháp, đó là:hộ trì các căn, tiết độ ăn uống và chú tâm cảnh giác. Đức Thế Tôn dạy rằng vị Tỷ-kheo nào tu tập ba pháp này thì vị ấy đang đi trên “con đường không có lầm lỗi”.


A. VÀO KINH:

- Thành tựu ba pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hành con đường không có lầm lỗi, và có những căn bản thắng tấn để đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là ba? Ở đây này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hộ trì các căn, tiết độ ăn uống và chú tâm cảnh giác. (hết trích)

 

B. TÌM HIỂU ĐOẠN KINH NÀY:

Đức Phật dạy các Tỷ-kheo thực hành ba pháp: “Hộ trì các căn, tiết độ ăn uống và chú tâm cảnh giác”. Đây là  ba pháp tu tập căn bản cần thiết giúp các vị Tỷ-kheo đoạn diệt các lậu hoặc. 


A. NGUYÊN VĂN KINH (tiếp theo)

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo hộ trì các căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được bảo vệ, khiến tham ưu, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự bảo vệ nguyên nhân ấy, phòng hộ nhãn căn, thực hành phòng hộ nhãn căn. 

Khi tai nghe tiếng… mũi ngửi hương… lưỡi nếm vị… thân cảm xúc… ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì ý căn không được bảo vệ, khiến tham ưu, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự bảo vệ nguyên nhân ấy, phòng hộ ý căn, thực hành phòng hộ ý căn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo hộ trì các căn. (hết trích)

B. TÌM HIỂU Ý NGHĨA ĐOẠN KINH (tiếp theo)  

- Hộ trì: Nghĩa là bảo vệ, giữ gìn. 

- Các căn: Giác quan của con người gồm: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý.

- Hộ trì các căn: Là thực tập giữ gìn không để cho các căn bị lôi cuốn khi tiếp xúc với trần cảnh. Như mắt thấy sắc là hình dáng, vật chất. Tai nghe âm thanh, tiếng động, lời nói… Mũi ngửi mùi hương thơm tho, hôi thối… Lưỡi nếm vị mặn, ngọt. Thân va chạm nóng, lạnh, trơn láng hay sần sùi.  Ý nhận thức các pháp tức biết mọi việc xảy ra xung quanh ta. 

- Tướng: Hình dáng, màu sắc bề ngoài của hiện tượng thế gian.

- Tướng chung: Hình dáng tổng quát toàn diện của đối tượng. Thí dụ tướng chung: con người, con vật, khu rừng, loài hoa v.v…

- Tướng riêng: Rõ ràng, từng nét, từng chi tiết của đối tượng. Thí dụ: Phân biệt người này là đàn ông, người kia là đàn bà, đây là ông già, nọ là bà lão. Cô kia có mặt mũi xinh tươi, mắt to đen nhánh, sóng mũi cao thon gọn, môi hồng quyến rủ. Đây là hoa Hồng màu đỏ, kia là hoa Cúc màu vàng v.v… 

- Khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, nghĩa là khi mắt nhìn đối tượng chỉ thấy cái đang là của đối tượng, thấy tổng quát, không dính mắc, không suy nghĩ vướng bận về đối tượng. Đối tượng như thế nào thấy như thế đó.

- Khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng riêng, nghĩa là không quan sát chi ly, chi tiết về đối tượng. Đối tượng như thế nào thấy y như thế đó, không  phân tích chia chẻ, so sánh, nhị nguyên.

- Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được bảo vệ, khiến tham ưu, các ác bất thiện pháp khởi lên:  Khi mắt nhìn thấy đối tượng, nó chỉ thấy đối tượng “như vậy” thôi. Nhưng vì có sự hợp tác của ý căn,  ý thức cho nên nhãn căn khởi lên sự so sánh, phân biệt rồi thích hay ghét, ưa hay không ưa. Do đó tâm tham ưu, các ác bất thiện pháp khởi lên. 

Thí dụ: Mình đi tham quan một khu vườn cam. Mắt thấy nhiều trái cam.  Ngay ban đầu, con mắt nhìn trái cam, nó thấy như thật về đối tượng thôi. Nhưng tiếp theo thì ý thức nhảy ra. Ý thức qua con mắt, ta biết đó là trái cam. Nếu người có tu tập, giữ cái biết dừng lại ở chỗ này bằng cách không nắm giữ tướng chung, tướng riêng của vườn cam hay trái cam thì tâm của người đó không bị dao động. Còn khởi ý này, ý nọ, thì đó là nguyên nhân đưa đến tâm tham ưu, cam ngọt hay chua, thích hay không thích. Do đó các ác bất thiện pháp sinh khởi!   

Đối với tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi hương, lưỡi nếm vị ngọt, mặn, thân va chạm ấm áp hay lạnh lẽo, thì cũng phải thu thúc bảo vệ, không để các căn này bị ý thức dẫn dắt đi xa rồi phân biệt, so sánh… đưa đến tâm tham ưu khiến các ác bất thiện pháp sinh khởi như trên.

Điểm quan trọng chúng ta cần chú ý ở đây là đức Thế Tôn dạy các Tỷ-kheo pháp tu “thu thúc lục căn” bằng cách khi giác quan tiếp xúc trần cảnh, hành giả “không nắm giữ tướng chung, tướng riêng của  đối tượng, mà chỉ nhìn biết, nghe biết, xúc biết như thật, tức biết cái đang là của đối tượng mà thôi!

- Những nguyên nhân gì, vì ý căn không được bảo vệ khiến tham ưu, các ác bất thiện pháp khởi lên. Tỷ-kheo tự bảo vệ nguyên nhân ấy, phòng hộ ý căn, thực hành phòng hộ ý căn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo hộ trì các căn.   

Ý căn chủ đạo về suy nghĩ, tư duy, thường dính mắc với quá khứ. Khi các căn tiếp xúc các trần, người biết tu tập không để tâm truy tìm quá khứ. Vì nếu quá khứ xuất hiện sẽ khiến tâm dao động từ đó phiền não ưu tư sinh khởi! Đó là lý do tại sao trong kinh “Nhất Dạ Hiền Giả” (*), đức Phật dạy quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng. Không truy tìm quá khứ là thực hành pháp phòng hộ Ý căn.

Tóm lại, khi sáu căn tiếp xúc sáu trần, vị Tỷ-kheo nào tu tập không nắm giữ tướng chung không nắm giữ tướng riêng của trần cảnh thì vị đó đang thực hành “pháp hộ trì các căn.”


A. NGUYÊN VĂN ĐOẠN KINH (tiếp theo)

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tiết độ trong ăn uống?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như lý giác sát thọ dụng các món ăn, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được an trú và được bảo dưỡng, để (thân này) khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: “Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ, và không cho khởi lên cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tiết độ trong ăn uống. (hết trích)

B. TÌM HIỂU Ý NGHĨA ĐOẠN KINH NÀY.

- Tiết chế ăn uống: Là hạn chế, kềm giữ, không cho vượt quá mức trong vấn đề ăn uống. 

- Như lý: Là tác ý những pháp thiện lành. 

- Phi lý hay Bất như lý: là tác ý những ác bất thiện pháp.

- Giác sát: Quan sát, chú ý chú tâm nhận biết.

- Như lý giác sát: Đây là thuật ngữ Phật học, hàm ý sự chú tâm, quan sát, nhận biết rõ ý nghĩa của việc làm nhằm bảo đảm sự việc ấy được hướng đến  sự hoàn thiện nhân tính của con người. Tạm hiểu Như lý là tác ý làm những việc thiện, còn bất như lý là tác ý làm những việc ác.

- Như lý giác sát thọ dụng các món ăn, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được an trú và được bảo dưỡng để (thân) khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh: Chú tâm hiểu rõ việc thọ dụng thức ăn chỉ là phương tiện để duy trì sự sống (an trú), để bảo dưỡng cho thân khỏe, nhằm hỗ trợ cho việc tu tập (giữ gìn Phạm hạnh), chứ không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp. Đó là như lý giác sát về thọ dụng các món ăn.

Đoạn kinh này, đức Phật dạy các Tỷ-kheo nên biết tiết chế trong việc ăn uống. Thích ăn ngon hay ăn quá độ là tham ăn, có hại đến sức khỏe. Người không biết tiết chế ăn uống là người Vô minh. Trong bản đồ Thập Nhị Nhân Duyên chỉ rõ Vô minh là một trong mười hai mắc xích khiến con người trôi lăn trong luân hồi sinh tử.

- Thế nào là “Diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên cảm thọ mới?”: Khi ăn mùi vị tác động vào lưỡi, tạo cảm thọ thích thú cho vị giác. Những món ngon, vật lạ, đã từng thích thú nếm qua, khiến hành giả nhớ hoài và “thèm” được nếm lại. Đó là nhớ lại những cảm thọ cũ.  

Đức Phật chủ trương người xuất gia hằng ngày đi khất thực, người ta cho gì ăn nấy, nên ăn chỉ biết ăn, không khởi tâm khen chê, không màn thức ăn ngon hay dở, chỉ xem thức ăn là phương tiện nuôi thân, là thuốc trị bệnh đói. Nhờ vậy mà hành giả diệt trừ được thú đam mê ăn uống, diệt trừ được cảm thọ cũ và không cho khởi lên cảm thọ mới. Đây là hành giả tu tập “hộ trì thiệt căn” tức “phòng hộ lưỡi”. 

Vấn đề “tiết chế ăn uống” đối với chúng ta không phải là người xuất gia thật ra không dễ, vì ai cũng thích ăn ngon. Khi thức ăn vừa với khẩu vị, con người ta rất khó mà dừng lại. Vì khó, cho nên đức Phật mới bảo mình tu tập “tiết chế”. Thành tựu được pháp này vừa có lợi cho sức khỏe vừa loại trừ được tánh tham vi tế.


A. NGUYÊN VĂN ĐOẠN KINH (CUỐI)

Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo chú tâm cảnh giác?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ban ngày trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái, ban đêm trong canh một, trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái, ban đêm trong canh giữa, nằm xuống như con sư tử về phía hông bên phải, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác, tác ý tưởng thức dậy, ban đêm trong canh cuối, sau khi thức dậy trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chú tâm cảnh giác.

Thành tựu ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hành con đường không có lỗi lầm, và có những căn bản thăng tấn để đoạn diệt các lậu hoặc. (hết trích)

B. TÌM HIỂU ĐOẠN KINH CUỐI:

- Chú tâm cảnh giác: Có sự chú ý thường xuyên để kịp thời phát hiện âm mưu hoặc hành động của người xấu. Thí dụ: Mình đi shopping trong mùa lễ, mình để ý quan sát xem có ai đi theo mình hay không? Đó là mình chú tâm cảnh giác. Trong bài này “chú tâm cảnh giác” có nghĩa là luôn chú ý đến một “đề mục tu tập” không để tâm phóng dật dính mắc hết chuyện này sang chuyện khác.  
- Chánh niệm tỉnh giác: Niệm là Sati hay Chánh niệm là sự nhớ, biết. Tỉnh giác là sự rõ biết, sáng suốt không mê muội. Chánh niệm tỉnh giác là biết rõ ràng đầy đủ diễn biến xảy ra bên trong thân hay ngoại cảnh ngay trong hiện tại mà tâm không dao động. Nói cách khác chánh niệm tỉnh giác là tâm luôn hiện diện ngay trong hiện tại bây giờ và ở đây.

- Triền cái: Là ngăn chia, che đậy, phủ kín, cản trở.

- Các triền cái: Có năm loại triền cái cản trở việc tu tập thiền Định và thiền Huệ. Đó là: Tham, Sân, Hôn trầm/Thụy miên, Trạo cử /Hối quá, và Nghi ngờ.

- Canh: Thông thường “canh” dùng gọi thời gian ban đêm. Người Trung Hoa chia một đêm thành 5 canh giờ. Mỗi canh giờ là hai tiếng. Canh một bắt đầu từ 19 giờ tức 7 giờ tối tới 9 giờ tối. Canh hai từ 9 giờ tối đến 11 giờ đêm. Canh ba từ 11 giờ đêm đến 1 giờ khuya. Canh tư từ 1 giờ khuya tới 3 giờ sáng. Canh năm từ 3 giờ khuya đến 5 giờ sáng. Ở Ấn Độ xưa, người ta chia canh thời gian thành 3 canh: Canh một hay canh đầu, canh giữa và canh cuối. 

Ngày nay ở trong Chùa hay Tự viện, tùy theo nội quy, tăng ni áp dụng du di các canh giờ. Riêng Thiền viện Chân Như, canh một có thể hiểu từ 7 giờ đến 10 giờ tối: Tọa thiền, tự học. Canh giữa, từ 10 giờ đến 4 giờ khuya: Ngủ. Canh cuối từ 4 giờ đến 7 giờ: Thức chúng, tụng kinh lễ Phật Tổ, thiền hành, tọa thiền, tập khí công.

- Tỷ-kheo ban ngày trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái, ban đêm trong canh một, trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái: Ban ngày Tỷ-kheo đi thiền hành và ngồi tọa thiền, giữ chánh niệm. Trong kinh Phật dạy khi tâm yên lặng năm thiền chi có mặt đó là Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Nhứt tâm. Khi năm thiền chi có mặt  thì năm triền cái Tham, sân, hôn trầm (thụy miên), trạo cử (hối quá) và Nghi ngờ không thể có mặt..

-  … ban đêm trong canh giữa nằm xuống như con sư tử về phía hông bên phải, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác, tác ý tưởng thức dậy: Ngủ trong chánh niệm là cho phép thân nằm thoải mái thư giản, nghỉ ngơi và tâm an trú trong sự an tịnh, không suy nghĩ, vọng tưởng, do đó có giấc ngủ sâu, ngon. Ngủ trong trường hợp này là để giúp cơ thể cân bằng sự ngủ-thức giúp thân tâm được khỏe mạnh tỉnh táo mà tu hành, chứ không phải đam mê ngủ, thích ngủ. Nằm ngủ với tâm chánh niệm trong tư thế cát tường nghiêng về bên hông phải, khi ngủ dậy là khởi thân dậy dứt khoát, không dật dựa… Trước khi ngủ, người tu đạo “tác ý tưởng thức dậy”. Khi tác ý trước khi ngủ, lúc thức dậy thân và tâm tỉnh táo, chứ không kèn cựa,  nằm “nướng qua nướng lại” để rồi lại ngủ tiếp!

-  … ban đêm trong canh cuối , sau khi thức dậy, trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ -kheo chú tâm tỉnh giác: Ban đêm trong canh cuối, sau khi thức dậy, Tỷ-kheo đi kinh hành và tọa thiền giữ chánh niệm tỉnh giác, tâm tỉnh táo không dao động. Như vậy vị Tỷ-kheo ấy đang thực hành pháp “chú tâm tỉnh giác”.

- Thành tựu ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hành con đường không có lầm lỗi và có những căn bản thăng tấn để đoạn diệt các lậu hoặc: 

- Con đường: Con đường ở đây ám chỉ các pháp tu do Phật dạy.

- Con đường không có lầm lỗi:  Ám chỉ ba pháp tu: Thu thúc lục căn; Tiết chế ăn uống (thu thúc thiệt căn); Chú tâm cảnh giác. Đây là ba pháp tu căn bản giúp hành giả thăng tiến trên con đường tu tập đoạn trừ các lậu hoặc. 

- Lậu hoặc:Lậu” nghĩa đen là những chất mủ rỉ chảy từ bên trong vỏ cây.  “Hoặc” là ô uế, ô nhiễm. Trong Phật học, từ “lậu hoặc” được phân loại làm bốn. Đó là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu và kiến lậu, ám chỉ những phiền não, khổ đau do tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến… gây nên. Những thứ ô nhiễm này phát xuất từ sáu căn và huân tập trong tâm của người chưa biết tu, lâu ngày tạo thành nghiệp. Tạo nghiệp thì trước hay sau gì cũng phải trả nghiệp. Trong kinh có ghi trong tầng thiền thứ tư, đức Phật chứng ngộ ba minh. Minh thứ nhất là Túc Mạng Minh, minh thứ hai là Thiên Nhãn Minh, minh thứ ba là Lậu Tận Minh tức là trí tuệ hiểu biết về luân hồi sinh tử là do Lậu hoặc gây nên.

Câu cuối của đoạn kinh này,  Đức Phật xác định rằng Tỷ-kheo nào thành tựu ba pháp: “Hộ Trì Các Căn; Tiết Độ Ăn Uống và Chú Tâm Cảnh Giác” thì  vị ấy đang thực hành “con đường không có lầm lỗi”.  

Con đường không có lầm lỗi” chính là nền tảng căn bản giúp hành giả thăng tiến (thắng tấn) trên con đường tu tập đoạn diệt các lậu hoặc.


III. KẾT LUẬN

Học kinh, chúng ta biết rằng đức Phật thuyết pháp giảng dạy tùy theo căn cơ của chúng sanh. Cho nên các bài pháp của Ngài mỗi nơi mỗi khác, có khi Ngài giảng các pháp thuộc tục đế, có khi Ngài giới thiệu các pháp trừu tượng đi thẳng vào các Tánh. Có những bài pháp dài, cũng có những bài pháp ngắn, có khi bài pháp chỉ là sự yên lặng không nói lời nào như trong tích “Niêm Hoa Vi Tiếu” . Nhưng chung quy cũng hướng tới thoát khổ, giác ngộ, giải thoát.

Về bài kinh “Con Đường Không Có Lầm Lỗi” gồm ba pháp: Thu thúc lục căn, Tiết độ ăn uống và Chú tâm cảnh giác là những pháp căn bản đức Phật hướng dẫn những Tỷ-kheo còn sơ cơ thực hành nhằm tiến tới việc loại trừ các ác pháp: Tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến gọi chung là lậu hoặc. 

Cả ba pháp này nhằm huấn luyện tâm hành giả an trú trong Tánh giác. 

Thu thúc lục căn là huấn luyện cho 6 cánh cửa tâm này yên lặng, vững chải, không để  sự suy nghĩ, phân biệt, so sánh tác động vào tâm xúc cảm khiến hành giả ưa thích hay ghét bỏ. Đó là nguyên nhân đưa đến tâm tham ưu, các ác bất thiện pháp khởi sinh gọi chung là lậu hoặc.

Tiết độ ăn uống là tu tập thu thúc thiệt căn (vị giác), loại trừ tánh tham ăn, diệt trừ cảm thọ cũ (ngon, dở) và không khởi lên những cảm thọ mới, giúp tâm yên lặng, cũng là pháp loại bỏ các lậu hoặc (tham, sân, si).

Chú tâm cảnh giác là pháp tu tập để tâm không trạo cử, phóng dật, có chánh niệm tỉnh giác, biết rõ trải nghiệm của thân tâm ngay bây giờ và ở đây thì ngay lúc đó tâm cũng an trú trong Tánh giác.

Ngày nay, học kinh Phật, chúng ta biết con đường tu không phải dừng ở ba pháp này, nhưng ba pháp này là ba chìa khóa nền tảng giúp chúng ta mở cánh cửa bước vào ngôi nhà Chân tâm (Tánh giác). Nếu thành tựu ba pháp này thì con đường tu tập của chúng ta tự dưng sẽ tiến xa hơn. Vì khi an trú được trong Tánh giác rồi thì trí tuệ sẽ dần phát huy. Như chiếc xe một số, cứ thế mà tiến thẳng đi đến giác ngộ, giải thoát.


THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

Thiền thất Chân Tâm, 01/01/2022


Tài liệu:

- Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikãya): Chương Ba Pháp; Phẩm “Người Đóng Xe”. HT. Thích Minh Châu dịch sang tiếng Việt.

- Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikàya): Kinh số 131 “Nhất Dạ Hiền Giả” (Bhaddekaratta sutta) – HT. Thích Minh Châu chuyển dịch từ tiếng Pàli sang tiếng Việt.

-  E-book “Ứng Dụng Lời Phật Dạy”, chương 9 “Tìm Hiểu Đại Kinh Xóm Ngựa” (www.thuvienhoasen.org),  tác giả Thích Nữ Hằng Như. Sách in “Ứng Dụng Lời Phật Dạy”, Ananda Viet Foundation xuất bản; Amazon tổng phát hành. 

youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]