Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

44. Phẩm "Các Dụ" (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Cư Sĩ Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)

06/07/202009:02(Xem: 9710)
44. Phẩm "Các Dụ" (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Cư Sĩ Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)

 

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

Phẩm Các Dụ_photo 


PHẨM "CÁC DỤ"



Phần sau quyển 311 đến hết quyển 312, Hội thứ I, ĐBN.

(Tương đương với quyển thứ 17, phẩm “Thí Dụ”, MHBNBLM)

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh

Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước






 

 

Gợi ý:

Mong cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề mà không nhiếp thọ Bát Nhã thì giống như người vượt qua chốn hiểm ác mà không mang khí giới; cũng giống như người đi lấy nước mà dùng bình bằng đất chưa nung; giống như người vượt biển mà không tu bổ thuyền bè trước khi ra khơi; như người già yếu bệnh tật muốn dạo chơi mà không có người giúp đỡ… Các đoạn kinh được tóm lược sau đây nói lên tính cách quan trọng của sự thọ trì Bát nhã Ba la mật như các thí dụ vừa kể, nên phẩm này có tên là “Các Dụ”.

 

Tóm lược:

 

Các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, đối với Đại thừa tuy có phần tín, kính, ưa, thích, nhưng chẳng sao chép, thọ trì, đọc tụng, tư duy, tu tập Bát nhã Ba la mật hay nói chung là tất cả các thiện pháp để làm chỗ nương tựa thì nửa đường sẽ suy bại, chẳng chứng được quả vị Giác ngộ tối cao, mà thối thất rơi vào địa vị Thanh văn hoặc Độc giác. Trái lại, nếu thiện nam thiện nữ hoặc thường sao chép, thọ trì, đọc tụng, tư duy, tu tập Bát Nhã hoặc lấy quả vị Giác ngộ tối cao của chư Phật để làm nơi nương tựa thì nên biết, các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa ấy, nửa đường không bao giờ thối thất, bị rơi vào bậc Nhị thừa, nhất định chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao.

Như người muốn qua đồng hoang nguy hiểm, nếu chẳng mang theo lương thực, đồ dùng, thì chẳng thể đến được nơi an lạc, mà ở nửa đường gặp khổ nạn mất mạng. Cũng vậy, các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, đối với quả vị Giác ngộ tối cao dù có tín, có nhẫn, có tịnh tâm, có thâm tâm, có sự ưa thích, có thắng giải, có xả, có tinh tấn, nhưng chẳng nhiếp thọ Bát nhã Ba la mật hoặc chẳng nhiếp thọ tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật hay nói chung là tất cả pháp Phật(1) thì nên biết, các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa ấy, nửa đường suy bại, chẳng chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao mà thối thất, rơi vào địa vị Thanh văn hoặc Độc giác.

Trái lại, như người muốn qua đồng hoang nguy hiểm, nếu luôn mang theo lương thực, đồ dùng, chắc chắn sẽ đến được nơi an lạc, chẳng bao giờ gặp khổ nạn, phải bỏ mạng giữa đường. Cũng vậy, các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, đối với quả vị Giác ngộ tối cao dù có tín, có nhẫn, có tịnh tâm, v.v... nhưng chẳng nhiếp thọ Bát nhã hay nói chung là tất cả thiện pháp thì nên biết, các thiện nam thiện nữ ấy, quyết chẳng suy thối giữa đường mà vượt trên bậc Thanh văn, Độc giác, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao.

Thí như người con trai hoặc con gái, mang bình đất chưa nung chín đi lấy nước hoặc ở sông, hoặc ở ao hồ giếng nước hoặc ở suối hoặc ở kênh, nên biết bình này chẳng bao lâu sẽ tan rã. Vì sao? Vì bình ấy chưa nung chín, chẳng thể đựng nước được. Cũng như thế, có thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, đối với quả vị Giác ngộ tối cao dù có tín, có nhẫn, có tịnh tâm, v.v… nhưng chẳng nhiếp thọ Bát Nhã, chẳng nhiếp thọ phương tiện thiện xảo, hoặc chẳng nhiếp thọ tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí hay tất cả pháp Phật thì nên biết, các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa ấy, nửa đường suy bại, chẳng chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao mà thối thất, rơi vào địa vị Thanh văn hay Độc giác.

Trái lại, người nam hay nữ mang bình đất đã nung chín đi đến sông hồ ao hoặc giếng hoặc suối để lấy nước, nên biết bình này không bao giờ bị hư rã. Vì sao? Vì bình này đã được nung chín, rất chắc chắn, có thể đựng đầy nước. Cũng như vậy, các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, nếu đối với quả vị Giác ngộ tối cao có tín, có nhẫn, có tịnh tâm, v.v… lại thường nhiếp thọ Bát nhã Ba la mật và tất cả pháp Phật thì nên biết, các thiện nam thiện nữ ấy không bao giờ suy thối nửa đường, mà còn vượt qua địa vị Thanh văn, Độc giác, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao.

Như có người lái buôn không có trí khi thuyền còn ở trên bờ chẳng chịu chuẩn bị đầy đủ, sửa chữa thuyền tàu mà mang hàng hóa của cải chất lên đó, rồi gấp rút khởi hành thì nên biết thuyền ấy bị hư chìm giữa đường, người, thuyền, của cải trôi giạt tứ tán. Người lái buôn như thế không có trí phương tiện thiện xảo, nên bị tan thân mất mạng, của cải tiêu tan. Cũng như vậy, thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, đối với quả vị Giác ngộ dù có tín, có nhẫn, có tịnh tâm, v.v… nhưng nếu chẳng nhiếp thọ Bát nhã Ba la mật và tất cả các thiện pháp thì nên biết, các thiện nam thiện nữ ấy, bị suy bại nửa đường, thân bại mệnh chung, tiêu tan hết của báu. Các thiện nam thiện nữ ấy, chẳng chứng đắc Giác ngộ, nên dễ thốí thất đạo Bồ đề mà rơi vào hàng Thanh văn hoặc Độc giác.

Trái lại, thí như người lái buôn có trí phương tiện thiện xảo, ở trên bờ, trước hết sửa chữa, trang bị thuyền xong, mới mang của cải hàng hóa chất lên trên đó rồi ra khơi. Nên biết thuyền ấy chắc chắn chẳng bị hư chìm, người vật an ổn, đến nơi đến chốn. Cũng vậy, thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, nếu đối với quả vị Giác ngộ có tín, có nhẫn, có tịnh tâm, v.v... lại thường nhiếp thọ Bát nhã Ba la mật và tất cả các thiện pháp. Nên biết, các thiện nam thiện nữ ấy, không bao giờ suy thối nửa đường, lại còn vượt qua địa vị Thanh văn, Độc giác, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao.

Thí như có người một trăm hai mươi tuổi, già nua suy yếu, lại thêm nhiều bệnh tật. Người ấy dù có người đỡ đứng dậy cũng không đủ sức đi một, hai hay ba thước nói chi đi cả dặm. Vì sao? Vì quá già lại nhiều bệnh. Cũng vậy, thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, đối với quả vị Giác ngộ dù có tín, có nhẫn, có tịnh tâm, v.v… nhưng nếu chẳng nhiếp thọ Bát nhã Ba la mật và tất cả các thiện pháp, thì nên biết, các thiện nam thiện nữ ấy, sẽ suy bại nửa đường, chẳng chứng đắc Giác ngộ, nên dễ thối thất đạo Bồ đề mà rơi vào hàng Thanh văn hoặc Độc giác.

Trái lại, thí như người một trăm hai mươi tuổi, già nua suy yếu lại thêm bệnh tật, muốn dạo chơi, lại có hai người mạnh khỏe, xóc nách, dùi đi an ổn, vui thích. Cũng vậy, có các thiện nam thiện nữ nếu đối với quả vị Giác ngộ có tín, có nhẫn, có tịnh tâm, v.v… lại thường nhiếp thọ Bát nhã Ba la mật và tất cả các thiện pháp, nên biết, các thiện nam thiện nữ ấy, chẳng bao giờ suy thối nửa đường, lại còn vượt qua địa vị Thanh văn, Độc giác, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao.

Tại sao các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, do chẳng nhiếp thọ Bát Nhã cũng chẳng nhiếp thọ phương tiện thiện xảo nên rơi lại địa vị Thanh văn và Độc giác?

Vì thiện nam thiện nữ ấy từ lúc mới phát tâm đã chấp trước ngã, ngã sở khi hành bố thí, hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật. Khi hành bố thí mà tự hào là ta biết hy sinh, kia là kẻ nghèo khổ đáng cho, đó là vật rất cần phải thí; khi thực hành tịnh giới thì chấp ta là người giữ giới, ta thành tựu giới hạnh hơn người; khi tu hành an nhẫn, thì nghĩ ta tu hành an nhẫn, ta nhẫn nhục hơn người v.v... Khi tu hành Bát Nhã, thì tự đắc ta tu tuệ, ta có trí tuệ hơn người v.v... Đã chấp dù chấp dưới bất cứ hình thức nào đều là do phân biệt ngã và ngã sở mà ra. Các Ba la mật như đã nói không phân biệt chấp trước, không có bờ nầy, bờ kia. Khi khởi tâm phân biệt là tự mình xa rời Bát Nhã, xa rời Nhất thiết trí trí nên nói là bị thối thất, rơi rụng vào Nhị thừa, không thể chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao! (Q.312, ĐBN)

 

Thích nghĩa:

(1). Tất cả pháp Phật: Thỉnh thoảng chúng tôi lặp lại toàn bộ các thiện pháp để giúp độc giả ôn lại. Các pháp này còn gọi là các pháp mầu Phật đạo, v.v… hay 81 khoa danh tướng Bát Nhã. Các pháp này được nhắc đi nhắc lại hàng trăm, hàng ngàn lần trong Kinh ĐBN hay Kinh MHBNBLMĐ, nên khi tóm lược kinh chúng tôi thường nhắc là tất cả các thiện pháp hay tất cả pháp Phật thay vì ghi lại nguyên văn. Chúng tôi lúc nào cũng lưu ý độc giả nên xem lại phần thứ I Tổng luận. Muốn được Nhất thiết trí trí, Chánh giác hay Giác ngộ phải tu tập và thực hành các thiện pháp nầy. Đó là quy y Phật Pháp Tăng, thọ trì năm giới cận sự, thọ trì tám giới cận trụ, thọ trì mười thiện nghiệp đạo; tu hành tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc; tu hành Phật tùy niệm, Pháp tùy niệm, Tăng tùy niệm, giới tùy niệm, xả tùy niệm, thiên tùy niệm; tu quán bất tịnh, quán sổ tức; tu hành tưởng vô thường, tưởng khổ vô thường, tưởng khổ vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng nhàm ăn, tưởng tất cả thế gian chẳng đáng vui, tưởng chết, tưởng đoạn, tưởng lìa, tưởng diệt; tu hành bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi Thánh đạo, ba pháp môn giải thoát, tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, bốn Thánh đế; tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát Nhã, phương tiện xảo, nguyện, lực, trí Ba la mật; tu hành mười địa Bồ Tát, tất cả hạnh Bồ Tát, pháp không nội, pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh; chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, định pháp, trụ pháp, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì; tu hành năm loại mắt, sáu phép thần thông, Phật mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng; pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí; tất cả pháp môn Đà la ni, tất cả pháp môn Tam ma địa; tu hành ba mươi hai tướng đại sĩ, tám mươi tướng tùy hảo; tu hành 4 quả Thanh văn, quả Độc giác Bồ đề; tu hành tất cả hạnh Bồ Tát Ma ha tát; tu hành chư Phật Vô Thượng Bồ đề”.

Như đã nhiều lần lưu ý, cứ mỗi lần đề cập tới tất cả pháp Phật, nếu phải liệt kê hết thảy các pháp tu như trên thì công việc tóm lược hay chiết giải trở nên nặng nề, có thể làm mệt óc độc giả. Để giản lược và tránh trùng tụng chúng tôi chỉ ghi là “tất cả các thiện pháp”, “các pháp mầu Phật đạo” hay rút gọn các pháp trên.

 

Lược giải:

 

Để mở đầu chiết giải cho phẩm này, Đại Trí Độ Luận giải thích thế nào làcó đầy đủ tín tâm, nhẫn tâm, tịnh tâm, thâm tâm, có nguyện, có giải, có xả, có tinh tấn…?”. Như sau:

“Đoạn kinh trên đây nói có hai hạng Bồ Tát. Đó là:

- Hạng Bồ Tát đã vào được thật tướng các pháp.

- Hạng Bồ Tát tuy chưa vào được thật tướng các pháp, nhưng ở nơi Phật đạo đã có tín tâm, có nhẫn tâm, có tịnh tâm, có thâm tâm, lại cũng đã có nguyện, có giải, có xả, có tinh tấn.

“Tín” là tin có các nhân duyên tội phước, có quả báo, lại tin rằng do tu tập 6 pháp Ba La Mật, sẽ được quả Vô Thượng Bồ Đề.

Có người tuy tin Phật đạo, nhưng do tư duy, trù lượng mà chưa được nhẫn tâm. Cho nên phải có “nhẫn”.

Có người tuy đã có nhẫn nhưng chưa dứt bỏ được các tà nghi, khiến tâm loạn động. Cho nên phải có “tịnh”, tức là phải có định tâm.

Có người tuy đã có định nhưng trí tuệ còn nông cạn, chưa thấu rõ được chỗ thâm diệu của kinh. Cho nên phải có “thâm”, tức là phải có trí tuệ thậm thâm.

Khi đã có đầy đủ 4 tâm trên đây rồi, hành giả lại phải nhất tâm cầu Vô Thượng Bồ Đề. Cho nên phải có “nguyện”.

Lại nữa, hành giả cần xem thế gian là việc nhỏ, chẳng nên tham đắm. Cho nên phải có “giải”.

Khi đã có “tịnh”, có “nguyện”, có “giải” rồi, thì hành giả xả tài vật, xả sân nhuế v.v… Cho nên phải có “xả’.

Đầy đủ các pháp nói trên đây rồi, hành giả phải siêng năng tu tập, chẳng có giải đãi, thối thất. Cho nên phải có “tinh tấn”.

Cho nên Kinh nói: hữu tin, hữu nhẫn, hữu ái, hữu dục, hữu giải, hữu hành, hữu hỉ, hữu lạc, hữu xả, hữu tinh tiến, hữu tôn trọng, hữu tịnh tâm, ly phóng dật, bất tán loạn... mà không nhiếp thọ Bát Nhã và tất cả pháp Phật làm phương tiện thì cũng giống như người băng qua sa mạc hay nơi hoang vắng đầy thú dữ, trộm cướp mà không mang lương thực khí giới, làm sao thoát hiểm để đến chỗ lợi vui?

Cũng giống như những người đi lấy nước dùng bình bằng đất chưa nung, làm sao lấy được nước?

Như người đi biển không dùng phao làm chỗ nương tựa, làm sao khỏi chết chìm?

Như người già một trăm hai mươi tuổi lại bệnh tật, không có người xóc nách, làm sao lê thân được vài bước nói chi đi cả dặm?

Vì vậy, tu Bát Nhã là phải biên chép, thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ, tu tập, vì người diễn nói mới không bị thối thất nửa chừng, phải rơi vào bậc Thanh văn hay Độc giác.

Bát Nhã đóng vai trò quan trọng trong kỹ thuật luyện tâm luyện trí để trở thành Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Nên Bát Nhã là chỗ đáng nương tựa. Do đó, tùy thuận và nhiếp thọ Bát Nhã là phương tiện cần yếu nếu muốn được Nhất thiết trí trí, Chánh giác hay Giác ngộ. Bát Nhã như vậy được nhân-cách-hóa là mẹ, mẹ sinh mẹ dưỡng của chư Phật và chư Bồ Tát. Vai trò đó đáng được “tâng bốc” hơn bao giờ hết.

Bài pháp này quá ngắn, chẳng có gì khó khăn nên chẳng cần giải thích nữa./.

 

---o0o---

 

 


 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]