Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12. Phẩm “Bồ Tát” (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)

17/05/202015:16(Xem: 9850)
12. Phẩm “Bồ Tát” (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)

 

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thin Bu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

Buddha-320

PHẨM “BỒ TÁT”

Phần sau quyển 45 đến hết quyển 46, Hội thứ I, ĐBN.

(Tương đương với phẩm “Cú Nghĩa”  quyển thứ 04, MHBNBLM)


Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu

Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh 
 Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước

 



 

 

 

Tóm lược:

 

Thiện Hiện bạch:

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là cú nghĩa(1) của Bồ Tát?

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Vì Bồ đề bất sanh, Tát đỏa phi hữu, cho nên vô cú nghĩa là cú nghĩa Bồ Tát. Thiện Hiện! Cú nghĩa như dấu chim giữa hư không vô sở hữu, bất khả đắc. Cú nghĩa Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng lại như vậy. Thiện Hiện! Cú nghĩa huyễn sư cũng vô sở hữu, bất khả đắc; cú nghĩa Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy. Thiện Hiện! Cú nghĩa cảnh mộng, cú nghĩa ánh nắng, bóng sáng, hoa đóm giữa hư không, tượng trong gương, tiếng vang trong hang động, sự biến hóa, thành tầm hương cũng vô sở hữu, bất khả đắc; cú nghĩa Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy. Thiện Hiện! Cú nghĩa chơn như vô sở hữu, bất khả đắc; cú nghĩa Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy. Thiện Hiện! Cú nghĩa pháp giới, pháp tánh, pháp trụ, pháp định, thật tế v.v… vô sở hữu, bất khả đắc; cú nghĩa Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy.

Cú nghĩa sắc của nhà ảo thuật vô sở hữu, bất khả đắc; đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật quán cú nghĩa Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy. Cú nghĩa thọ tưởng hành thức của nhà ảo thuật vô sở hữu, bất khả đắc; đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật, quán cú nghĩa Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy. Cú nghĩa mười hai xứ, mười tám gii của nhà ảo thuật vô sở hữu, bất khả đắc; đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã quán cú nghĩa Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy. Cú nghĩa tất cả pháp Phật của nhà ảo thuật vô sở hữu, bất khả đắc; đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã, quán cú nghĩa Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy.

Cú nghĩa về tướng sắc của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác vô sở hữu, bất khả đắc; đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã, quán cú nghĩa Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy. Cú nghĩa về tướng thọ tưởng hành thức của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác vô sở hữu, bất khả đắc; đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã, quán cú nghĩa Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy. Cú nghĩa về tướng 12 xứ, 18 gii của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác vô sở hữu, bất khả đắc; đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã, quán cú nghĩa Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy. Cú nghĩa về tướng tất cả pháp Phật của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác vô sở hữu, bất khả đắc; đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã, quán cú nghĩa Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy.

Cú nghĩa vô vi giới trong hữu vi giới vô sở hữu, bất khả đắc, cú nghĩa hữu vi giới trong vô vi giới vô sở hữu, bất khả đắc; đại Bồ Tát Ma ha tát khi tu hành Bát Nhã, quán cú nghĩa Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy. Cú nghĩa vô sanh vô diệt, vô tác vô vi, vô đắc vô thủ, vô nhiễm vô tịnh đều vô sở hữu, bất khả đắc; đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã, quán cú nghĩa Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy.

Những pháp nào có cú nghĩa vô sanh vô diệt, vô tác vô vi, vô đắc vô thủ, vô nhiễm vô tịnh mà nói là vô sở hữu, bất khả đắc?

Cú nghĩa của sắc vô sanh vô diệt, vô tác vô vi, vô đắc vô thủ, vô nhiễm vô tịnh vô sở hữu, bất khả đắc; cú nghĩa của thọ tưởng hành thức vô sanh vô diệt cho đến vô nhiễm vô tịnh vô sở hữu, bất khả đắc. Cú nghĩa của 12 xứ, 18 gii, tứ thiền tứ định, tứ thánh đế, 12 nhân duyên, 37 pháp trợ đạo v.v…vô sanh vô diệt cho đến vô nhiễm vô tịnh vô sở hữu, bất khả đắc; cú nghĩa bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí vô sanh vô diệt cho đến vô nhiễm vô tịnh vô sở hữu, bất khả đắc.

Như vậy, cú nghĩa của tất cả pháp như vô sanh vô diệt, vô tác vô vi, vô đắc vô thủ, vô nhiễm vô tịnh vô sở hữu, bất khả đắc. Đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã, quán cú nghĩa Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng lại như vậy.

Cú nghĩa về tướng rốt ráo tịnh của sắc, vô sở hữu, bất khả đắc; ý nghĩa đích thực về tướng rốt ráo tịnh của thọ, tưởng, hành, thức vô sở hữu, bất khả đắc, đại Bồ Tát, khi tu hành Bát Nhã, quán cú nghĩa của đại Bồ Tát, vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy.

Cú nghĩa về tướng rốt ráo tịnh của mười hai xứ, mười tám gii, tứ thiền tứ định, tứ Thánh đế, mười hai nhân duyên, ba mươi bảy pháp trợ đạo v.v… vô sở hữu, bất khả đắc; cú nghĩa về tướng rốt ráo tịnh của bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí vô sở hữu, bất khả đắc, đại Bồ Tát, khi tu hành Bát Nhã, quán cú nghĩa của đại Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy.

Cú nghĩa về tướng rốt ráo tịnh của ngã vô sở hữu, bất khả đắc; vì ngã chẳng có, nên cú nghĩa về tướng rốt ráo tịnh của hữu tình, dòng sinh mạng, sự sanh, sự dưỡng, sự trưởng thành, chủ thể luân hồi, người do người sanh, ngã tối thắng, khả năng làm việc, khả năng khiến người làm việc, khả năng tạo nghiệp, khả năng khiến người tạo nghiệp, tự thọ quả báo, khiến người thọ quả báo, cái biết, cái thấy, vô sở hữu, bất khả đắc; vì hữu tình cho đến cái thấy chẳng có, nên đại Bồ Tát, khi tu hành Bát Nhã, quán cú nghĩa của đại Bồ Tát, vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy.

Như khi mặt trời mọc, cú nghĩa tối tăm vô sở hữu, bất khả đắc; Bồ Tát Ma ha tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật đa, quán cú nghĩa Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy.

Như thời kỳ kiếp hỏa tận, cú nghĩa các hành vô sở hữu, bất khả đắc; Bồ Tát Ma ha tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật, quán cú nghĩa Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy.

Cú nghĩa về sự phá giới trong giới uẩn của Như Lai vô sở hữu, bất khả đắc, đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã, quán cú nghĩa của Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy. Cú nghĩa về sự tán loạn trong định uẩn của Như Lai, về sự ngu si trong tuệ uẩn của Như Lai, về sự chẳng giải thoát trong giải thoát uẩn, về sự chẳng giải thoát tri kiến trong giải thoát tri kiến uẩn của Như Lai vô sở hữu, bất khả đắc, Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã, quán cú nghĩa của Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy.

Như trong hào quang của Phật thời ánh sáng của mặt trăng, ánh sáng của mặt trời không hiện; như trong hào quang của Phật, thời hào quang của chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc đều không hiện. Đại Bồ Tát lúc thực hành Bát Nhã, quán cú nghĩa của Bồ Tát vô sở hữu, bất khả đắc cũng như vậy. Vì sao? Vì cú nghĩa của hoặc là Bồ đề, hoặc là Tát đỏa, hoặc là Bồ Tát, tất cả như vậy đều là chẳng tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, không sắc, không thấy, không đối đãi chỉ thuần một tướng, gọi đó là vô tướng.

Các đại Bồ Tát đối với tất cả pháp, đều không có sở hữu, không ngại, không đắm; nên học, nên biết.

Bất giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Những gì là tất cả pháp, mà khuyên các đại Bồ Tát đối tất cả pháp này đều vô sở hữu, vô ngại vô trước, cần học nên biết?

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Tất cả pháp ấy là pháp thiện, pháp phi thiện, pháp hữu ký, pháp vô ký, pháp thế gian, pháp xuất thế gian, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp cộng, pháp bất cộng, Thiện Hiện! Đấy gọi là tất cả pháp. Các đại Bồ Tát đối tất cả pháp này đều vô sở hữu, vô ngại, vô trước, cần học nên biết!

- Pháp thiện là gì? Là hiếu thuận cha mẹ, cúng dường Sa môn, Bà la môn, tôn thờ Sư trưởng, chỗ phước bố thí, chỗ phước trì giới, chỗ phước tu thiền định, chỗ phước khuyến đạo, phương tiện sanh phước đức, thập thiện đạo thế gian, quán tưởng chín tướng bất tịnh: Tướng xanh, tướng sình, tướng máu, tướng nứt, tướng nhũn bấy, tướng bị ăn, tướng tan rã, tướng xương, tướng thiêu, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm xả, niệm Thiên, niệm thiện, niệm hơi thở, niệm thân thể, niệm chết. Đây gọi là pháp thiện thế gian.

- Pháp bất thiện là gì? Là sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham lẫn, não hại(sân), tà kiến(si), thập bất thiện đạo nầy gọi là pháp bất thiện.

- Pháp hữu ký là gì? Là các pháp thiện và pháp bất thiện gọi là pháp hữu ký.

- Pháp vô ký(2) là gì? Là thân nghiệp vô ký, ngữ nghiệp vô ký, ý nghiệp vô ký, bốn đại chủng vô ký, năm căn vô ký, thập nhị nhập(3), thập bát giới(4), đó là dị thục pháp vô ký.

- Pháp thế gian là gì? Là 5 uẩn thế gian, 12 xứ, 18 giới, mười nghiệp đạo, bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định và mười hai chi pháp duyên khởi. Thiện Hiện! Những pháp đây gọi là thế gian.

- Pháp xuất thế gian là gì? Là 37 pháp trợ đạo, không giải thoát môn, vô tướng giải thoát môn, vô tác giải thoát môn, vị tri dục tri căn, tri căn dĩ tri căn(5), hữu giác hữu quán tam muội, vô giác hữu quán tam muội, vô giác vô quán tam muội, bát bội xả, 18 pháp không, thập lực, tứ vô sở úy, tứ vô ngại trí, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí, đây gọi là pháp xuất thế gian.

- Pháp hữu lậu là thế gian năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định và các pháp đọa ba cõi. Đấy gọi là pháp hữu lậu.

- Pháp vô lậu là xuất thế gian bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định, 37 pháp trợ đạo, ba giải thoát môn, sáu Ba la mật đa, năm nhãn, sáu thần thông, Phật mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Những pháp này gọi là vô lậu.

- Pháp hữu vi là pháp buộc cõi Dục, pháp buộc cõi Sắc, pháp buộc cõi Vô sắc; năm uẩn, bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định; 37 pháp trợ đạo; ba giải thoát môn; sáu Ba la mật; năm nhãn, sáu thần thông; Phật mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Tất cả pháp có sanh có trụ có dị có diệt. Đấy gọi là pháp hữu vi.

- Pháp vô vi: Nếu pháp vô sanh vô trụ, vô dị vô diệt có thể được; chỗ gọi hết tham, hết sân, hết si; chơn như, pháp giới, pháp tánh, pháp trụ, pháp định, bất hư vọng tánh, bất biến dị tánh, ly sanh tánh, bình đẳng tánh, thật tế. Thiện Hiện! Những pháp này gọi là vô vi.

- Pháp cộng là thế gian bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định, năm thần thông. Thiện Hiện! Những pháp này gọi là cộng. Vì sao? Vì cộng với dị sanh vậy.

- Pháp bất cộng là vô lậu bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định; 37 pháp trợ đạo; ba giải thoát môn; sáu Ba la mật; năm nhãn, sáu thần thông; Phật mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Những pháp này gọi là bất cộng. Vì sao? Vì chẳng cộng với dị sanh vậy.

Các Bồ Tát Ma ha tát khi tu hành Bát Nhã, đối với tất cả pháp tự tướng không như vậy chẳng nên chấp trước. Vì sao thế? Vì tự tướng các pháp chẳng thể phân biệt được. Các đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã, nên đem vô nhị(6) mà làm phương tiện giác tất cả pháp. Vì sao? Vì tất cả pháp tướng bất động(7) vậy. Đối tất cả pháp vô nhị bất động là cú nghĩa Bồ Tát. Vì vậy, cho nên vô cú nghĩa là cú nghĩa Bồ Tát.(Q. 46, ĐBN)

 

Thích nghĩa:

(1). Cú nghĩa: Ý nghĩa đích thực. Nhất cú, đệ nhất cú hay tối sơ cú, mạt hậu cú là câu nói tối hậu, là câu nói hàm ẩn tất cả diệu lý Phật, ai hiểu được thì thoát ly tất cả nghiệp báo và chứng đạo tức thì. Đó là lối giải thích đơn giản của từ cú nghĩa. Theo từ điển Phật Quang “cú nghĩa là nguyên lý chỉ đạo hay phạm trù quyết định, dùng để trình bày thực thể thuộc tánh và nguyên lý sanh thành, hoại diệt của tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ”. Thí dụ: 10 nguyên lý: Thực, đức, nghiệp, đồng, dị, hòa hợp, hữu năng, vô năng, câu phân, vô thuyết, chi phối hoàn toàn tất cả pháp. Tương truyền, Tổ sáng lập ra tông Thắng Luận là Ưu Lâu Già (Phạm: Ulùka) từng soạn Kinh Thắng Luận, trở thành Thánh điển căn bản của phái nầy, trong kinh nêu ra 6 cú nghĩa: Thực, đức, nghiệp, đồng, dị và hòa hợp, đồng thời cho rằng từ chân trí của 6 cú nghĩa sanh ra các pháp, đó là tông nghĩa của phái này. Đến khoảng thế kỷ V, VI, Luận sư Tuệ Nguyệt (Phạm: Mati-candra) của phái này mới soạn luận và mở rộng 6 cú nghĩa thành 10 cú nghĩa, bàn rộng về yếu chỉ của Thắng luận, gọi là Thắng tông thập cú nghĩa luận. Các cú nghĩa như thực, đức, nghiệp, đồng, dị, hòa hợp thuộc về cú nghĩa Hữu (có), còn Vô thuyết (cú nghĩa thứ 10) thì thuộc về cú nghĩa Phi hữu (chẳng phải có). Bát Nhã thiên không, nên cú nghĩa Vô thuyết có lẽ hợp với phẩm này. Học phái Thắng nghĩa có nêu 5 thứ thắng nghĩa Vô thuyết đáng chú ý như sau: 1- Vị sanh vô (Phạm: Pràg-abhàva): Các nhân duyên Thực, Đức, Nghiệp không đầy đủ nên vẫn chưa sanh ra. 2- Dĩ diệt vô (Phạm: Pradhavaô= sàbhàva): Các nhân duyên Thực, Đức, Nghiệp hoặc vì thế lực của nhân đã hết, hoặc do trái duyên mà sanh, nên mặc dù đã sanh thành nhưng cuối cùng cũng sẽ hoại diệt, không tồn tại được. 3- Cánh hỗ vô (Phạm: Anyonyàbhàva): Các nhân duyên Thực (đất, nước, lửa, gió, không, thời gian, phương sở, ngã, ý), Đức, Nghiệp... chẳng tồn tại lẫn cho nhau. 4- Bất hội vô: Hữu tánh và các nhân duyên Thực, Đức, Nghiệp... không hòa hợp nhau, cho nên rốt cuộc không có. 5- Tất cánh vô (Phạm: Atyantàbhàva): Vì không có nhân nên trong 3 thời quá khứ, hiện tại và vị lai đều không sanh khởi, tức là từ đầu đến cuối đều chẳng có, tuyệt đối không tồn tại.

(2). Vô ký: Chỉ các hành vi không thuộc về thiện cũng không thuộc về bất thiện.

(3). Thập nhị nhập còn gọi thập nhị xứ gồm 6 căn cộng 6 trần: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý (lục nhập) cộng với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (ngoại nhập).

(4). Thập bát giới: Sáu thức năng y, 6 căn sở y và 6 cảnh sở duyên. Giới nghĩa là chủng loại. Vì 18 chủng loại này đều có tự tánh khác nhau cho nên gọi là Thập bát giới. Tức 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; 6 cảnh: đối tượng của sự nhận biết là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp và 6 thức là nhãn thức, nhĩ thứ , tỷ thức, vị thức, thân thức, ý thức.

(5). Vị tri dục tri căn, tri căn dĩ tri căn (tức tam vô lậu căn, Phạm: Trìny anàsravendriyàịi, gọi tắt là Tam căn): Chỉ cho 3 căn vô lậu trong 22 căn. Ba căn vô lậu này do lấy 9 căn là ý, lạc, hỷ, xả, tín, cần, niệm, định và tuệ làm thể mà được lập ra, vì 3 căn vô lậu này có lực dụng tăng thượng, không nhiễm ô, không khởi phiền não, có công năng sinh ra Thánh pháp thanh tịnh vô lậu, nên gọi là Căn. Đó là: 1- Vị tri đương tri căn (Phạm: Anàjĩàtàjĩàsyàmìndriya), cũng gọi Vị tri dục tri căn. Căn cơ thuộc giai vị Kiến đạo. Người ở giai vị này từ vô thủy đến nay chưa từng nghe chân lý Tứ đế, vì muốn biết đế lý Chân như ấy, liền tu tập giải hành của Địa tiền phương tiện, nên gọi là Vị tri dục tri căn (căn chưa biết muốn biết). 2- Dĩ tri căn (Phạm:Àjĩendriya), cũng gọi Tri căn. Căn cơ thuộc giai vị Tu đạo. Người ở giai vị này đã biết chân lý Tứ đế, đồng thời đã đoạn trừ các hoặc mê lý, nhưng vì muốn đoạn trừ các hoặc mê sự, nên tiến tới quán lý Tứ đế, biết rõ cảnh Tứ đế, nên gọi là Dĩ tri căn (Căn đã biết). 3- Cụ tri căn (Phạm: Àjĩàtàvìndriya), cũng gọi Tri dĩ căn, Vô tri căn. Căn cơ thuộc địa vị Vô học. Người ở địa vị này đã biết suốt lý Tứ đế một cách đầy đủ, vì đã dứt hết các phiền não, tất cả việc cần làm đã làm xong, nên gọi là Cụ tri căn (Căn biết đầy đủ). Người ở địa vị Vô học này đã được Tận trí và Vô sinh trí. (Xem luận Câu xá, Q.3; luận Du già sư địa, Quyển 57; luận Phát trí, Quyển 14; luận Thuận chính lý, Quyển 9; Du già luận ký, Quyển 16, thượng) - Từ điển Phật Quang.

Kinh Ma Ha Bát nhã Ba la mật, phẩm “Quảng Thừa” quyển 6, giải thích “Vị tri dục tri căn, tri căn và trí giả căn” là Tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn và huệ căn. Ngũ căn của hàng hữu học chưa đắc quả, đây gọi là vị tri dục tri căn. Ngũ căn của hàng hữu học đã đắc quả, đây gọi là tri căn. Ngũ căn của bậc vô học, hoặc A La Hán, Bích Chi Phật, hoặc chư Phật, đây gọi là tri giả căn.

(6). Vô nhị, bất nhị (bất nhị tướng) hay lưỡng nguyên: Nhiễm và tịnh là hai, đoạn và thường là hai, bỉ và thử là hai… Đối với hết thảy hiện tượng không phân biệt, hoặc vượt lên các thứ phân biệt thì gọi là đệ nhất nghĩa đế: Chỉ có nhất tướng, chỗ gọi là vô tướng, tuyệt đối bình đẳng, như như bất động, không năng sở, vắng lặng nhiệm mầu, cũng gọi là Chân như, pháp giới, pháp tính, bất hư vọng tính, bất biến dị tánh, hư không giới, pháp định, pháp trụ, thật tế… Kinh nói: “Những nơi nào có hai tướng, là Hữu sở đắc; những nơi nào không có hai tướng, là Vô sở đắc. Khi mắt đối sắc, hay ý đối pháp (dharma) là có hai tướng. Khi có giác để chứng, đối Phật là người chứng, là có hai tướng. Pháp nào nương tựa nơi hai tướng là pháp hí luận, thuộc vào cõi Hữu sở đắc. Phi mắt phi sắc, phi tai phi thanh, phi ý phi pháp, cho đến phi giác phi Phật; lìa hết thảy những hí luận như thế, đó là vô nhị, không hai. Đó là chỗ Vô sở đắc”. Hữu sở đắc là tương đối, nghĩa là vẫn còn có biên. Vô sở đắc là tuyệt đối vẫn là một biên tế khác. Vậy, hữu sở đắc hay vô sở đắc vẫn còn nằm trong đối đãi, nghĩa là vẫn không thoát nổi sự chi phối của thế tục. Chỉ khi nào vượt qua và vượt trên tất các đối đãi thì mới thoát khỏi sự câu thúc của nó. Tới đây mới nói là vô biên: cái hữu sở đắc biến thành cái vô sở đắc hay ngược lại.

(7). Bất động: Trạng thái không còn bị lay động bởi tham, sân, si; hay không động chuyển khi đối diện với thất tình lục dục.

 

Lược giải:

 

Y cứ vào một phạm trù nào đó dù nó là một học thuyết, một chủ trương, một tôn chỉ… làm sở y để đạt sở nguyện thì việc y cứ đó cũng trở thành một thứ trói buộc, từ đây tâm không còn tự do nữa, và hành giả sẽ trở thành một kẻ thừa hành, một tên nô lệ hơn là một tác chủ. Vì vậy, kinh nói không cú nghĩa mới là cú nghĩa của Bồ Tát. Bồ Tát hành những hạnh khó hành, nhưng hành như vô sự, vì Bồ Tát từ chối không tùy thuộc vào sở hành. Bồ Tát không tuân thủ bất cứ một định luật, một tôn chỉ nào, cả đến trụ trong Bát Nhã nhưng cũng không lệ thuộc Bát Nhã, vì Bát Nhã hay Tánh Không cũng vô s hữu bất khả đắc, chỉ do công năng hay diệu dụng của trí Bát Nhã nẩy sanh những phương tiện lực và bằng những phương tiện lực đó mà Bồ Tát thực hiện những công hạnh khó hành mang lợi ích cho chúng sinh. Như thế cú nghĩa cũng chẳng mang lại lợi ích gì, nó cũng chỉ là ngôn thuyết, do tưởng mà sanh.

Vậy nên nói “nhất cú tiệt lưu vạn cơ tẩm sảo” (一句截流萬機寢削): Một câu dứt dòng, muôn cơ dẹp hết. Bây giờ, phải gạt hết tất cả, không nói tới nhất cú, nhị cú, tứ cú… mà là “không cú” mới chính là cú nghĩa của Bồ Tát. Đó là đại cương của phẩm này.

 

Câu chuyện sau đây nói lên “ý” của cú nghĩa:

Tác thứ 19 Bích Nham Lục có ghi rằng: Câu Chi Hòa thượng là người Kim Hoa Sơn thuộc Vụ Châu. Thuở xưa khi Ngài còn ở trong thảo am, có một vị Ni tên là Thực Tế đến am của Sư. Đến nơi vị Ni này bước thẳng vào bên trong, không buồn cởi nón ra mà chỉ cầm tích trượng đi quanh giường Thiền của Sư ba vòng rồi nói: “Nếu Thầy nói được thì tôi cởi nón”. Hỏi như thế ba lần, Câu Chi không trả lời được. Vị Ni bèn bỏ đi. Câu Chi vội ngăn: “Trời cũng đã tối rồi, cô nghỉ lại một đêm không muộn”. Vị ni lại nói: “Nếu Thầy nói được tôi sẽ nghỉ lại”. Câu Chi thở dài nói: “Ta tuy thân là bậc trượng phu mà mất khí khái của bậc trượng phu”. Rồi phát quẫn nhất định tìm hiểu vấn đề.

Sau đó Sư bèn nghĩ đến việc đốt am đi khắp nơi để tham vấn các thiện tri thức, cho nên chuẩn bị sẵn sàng lên đường hành cước. Đêm đó sơn thần hiện lên và nói với Sư rằng: “Thầy không cần phải rời nơi này, ngày mai sẽ có một vị Bồ Tát bằng xương bằng thịt đến thuyết pháp cho thầy”. Hôm sau quả nhiên Thiên Long Hòa thượng đến am của Sư. Câu Chi bèn tiếp đón với đầy đủ nghi lễ và kể chuyện hôm trước. Thiên Long chỉ dơ một ngón tay lên cho Câu Chi. Câu Chi thoát ngộ!

Trong am của Câu Chi có một đồng tử. Trong khi Câu Chi đi vắng có người đến hỏi đồng tử: “Bình thường Hòa thượng của chú dùng phương pháp gì để dạy người?” Đồng tử dơ ngón tay lên. Lúc Câu Chi về đồng tử thuật lại tự sự như thế. Câu Chi lấy dao cắt ngón tay của đồng tử. Đồng tử vừa chạy vừa kêu la ầm ỹ. Câu Chi gọi đồng tử, đồng tử quay đầu lại, Câu Chi bèn đưa ngón tay lên, đồng tử thoát nhiên hiểu thấu. Thử xem đồng tử hiểu được đạo lý gì vậy?

Lúc sắp mất, Câu Chi dạy chúng rằng: “Ta đắc nơi Thiên Long một ngón tay Thiền suốt đời dùng không hết. Các ông có muốn hiểu chăng?” Rồi dơ ngón tay lên mà mất.

Tới chỗ này mới biết: Đừng nghĩ tưởng một hạt bụi gom cả trời đất hay cả trời đất chỉ thu vào một hạt bụi? Trên đầu một ngón tay gồm thâu tất cả Tam thiên đại thiên, hoặc tất cả Tam thiên đại thiên thâu nhỏ trên đầu một ngón tay? Vị Ni muốn Câu Chi nói một câu, chỉ một câu mà có thể giải quyết hết thảy mọi vấn đề của nhân sinh và vũ trụ. Câu đó chính là cú nghĩa, cái nghĩa cùng tột của tất cả nghĩa. Quả thật mắc mỏ!

Câu Chi giận mình không làm được và quyết định đốt am lên đường hành cước. Thiên Long Hòa thượng xuất hiện, đưa một ngón tay lên, Câu Chi đại ngộ.

Rồi từ đó bất cứ ai hỏi gì về đạo, Câu Chi trả lời bằng cách đưa ngón tay lên! Ngón tay đó là cú nghĩa, đủ giải thích toàn thể vũ trụ, có phải vậy không? Nếu không hiểu Câu Chi sẽ giải thích cho. Thử đoán coi nếu Câu Chi còn sống thêm một kiếp hay một kiếp hơn, Câu Chi sẽ giải thích ra sao?

Nếu có thể bàn, chúng tôi nói: Câu Chi lại đưa một ngón tay lên! Thật kỳ đặc! Ngón tay đó không có gì ly kỳ cả, nó hoàn toàn là nó, nó không liên hệ gì tới một nguyên lý chỉ đạo tương đối hay tuyệt đối hay phạm trù quyết định, dùng để trình bày thực thể thuộc tính về ssinh thành hay hoại diệt của tất cả mọi hiện tượng vũ trụ. Ngón tay dựng lên của Câu Chi cũng không phải để biểu thị cái nhất thể của vạn pháp, mà cũng không phải là Đệ nhất nghĩa đế. Nó là nó. Nó như vậy bởi vì nó như vậy, “pháp nhĩ như thị”. Thiền sư D.T. Suzuki nói: “Khi thấy ngón tay đưa lên đó, nếu các Ngài chỉ cần chớm khởi là đã rơi ngay vào vực thẩm tuyệt mù không đáy!”

Phải! Nói về cứu cánh hay đòi hỏi một cái gì tuyệt đối là rơi vào vực thẳm tuyệt mù không đáy. Tất cả sự thật phơi bày trước mắt, nó là nó, là như… giản dị thế thôi. Đừng nghĩ tưởng gì khác! Nhất niệm khởi trần lao dậy sóng!

 

Trong nhà thiền có câu chuyện:

 

Khi Thái Nguyên Phù đến Tuyết Phong, được Tuyết Phong hỏi:

- Ta biết Lâm Tế có tam cú, đúng vậy chăng?

Sư đáp:

- Vâng, có.

Tuyết Phong:

- Cái gì gọi là đệ nhất cú?

Sư nhướng mắc nhìn lên.

Tuyết Phong:

- Đó là đệ nhị cú, cái gì là đệ nhất cú?

Sư chấp tay trước ngực và đi ra.

Các Sư thản nhiên trước những gì cho là tối cao hay siêu tuyệt. Tất cả nghĩ tưởng như vậy chỉ là phù phiếm, không dẫn đến xả trừ, đến chứng giải hay thâm ngộ mà chỉ hoa hòe hoa sói, tự mình làm rối mình và rối cả người khác! Đừng bao giờ dao to búa lớn đối với các Ngài mà bị ăn 30 gậy./.

 

---o0o---

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]