Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05. Phá Chấp Pháp Của Thế Gian & Xuất Thế Gian

08/03/201109:59(Xem: 8478)
05. Phá Chấp Pháp Của Thế Gian & Xuất Thế Gian

VÔ THƯỢNG NIẾT BÀN
Lê Sỹ Minh Tùng

PHẦN I

Phá Chấp Pháp Của Thế Gian

Trong phần nầy Tâm Kinh giới thiệu về thế gian và xuất thế gian pháp. Thế gian pháp là nói về các pháp sinh diệt trong vũ trụ nầy. Còn xuất thế gian pháp là nói về phương cách giải thoát giác ngộ để đưa con nguời ra khỏi tam giới, không còn phiền não khổ đau.

- Phá chấp pháp của Thế gian pháp: Đây là đoạn nói về:”không có mắt, tai, mũi, thân và ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới”. Tạm dịch là:”Cho nên trong tướng Không, không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có hình sắc, âm thanh, không hương, không vị, không xúc, không pháp; không có cảnh giới của cái biết bằng mắt, cho đến cảnh giới của cái biết bằng ý cũng không”.

Xin nhắc lại lục căn của con nguời thì gồm có ngũ quan, tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và quan thứ sáu là ý. Căn ở đây có nghĩa là cơ quan. Còn Trần là bụi, ám chỉ những cái gì làm mờ tâm cảnh, tức là tấm gương lòng của con nguời. Trần ở đây bao gồm cả vạn vật trong trời đất, có thể là hữu tình hay vô tình mà nhà Phật gọi chung là Sắc. Chữ Sắc nầy rộng nghĩa hơn là chữ Sắc trong ngũ uẩn, tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Chữ Sắc của vạn vật trong vũ trụ có thể chia làm ba loại:

Loại tiếp xúc và thấy được (Khả đối khả kiến): Đó là những hình dáng và màu sắc có thể dùng mắt mà tiếp xúc và nhận thấy. Đây là loại nói về tất cả những gì hoàn toàn về vật chất mà chúng ta gọi là chữ Sắc trong ngũ uẩn.

Loại tiếp xúc được mà không thấy được (Khả đối bất khả kiến): Tức là âm thanh, các thứ mùi, các thứ vị và các thứ cảm giác.

Loại không tiếp xúc mà cũng không thấy được (Bất khả đối bất khả kiến): Đây là những hình sắc, mùi vị, cảm giác mà chúng ta nhận biết và cảm thọ trong thâm tâm. Chẳng hạn như khi chúng ta tưởng tượng mà thấy có nhà, có xe, có ăn, có uống hay là những cái biết do tâm phân biệt mà có. Tất cả những cái biết từ trong nội tâm thì ngũ quan không tiếp xúc được mà nhà Phật gọi tất cả những cái Sắc thuộc loại bất khả đối bất khả kiến nầy là “pháp”.

Sau cùng là Thức. Thức có nghĩa là biết. Chẳng hạn như có những cái biết bằng mắt thì gọi là thấy hay có những cái biết bằng tai thì gọi là nghe…Vì chúng ta có sáu căn nên có sáu cái biết mà nhà Phật gọi là sáu thức. Đó là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

Nếu đem tổng hợp ba cái Căn, Trần, Thức lại với nhau thì chúng ta có được toàn thể vũ trụ sắc pháp hay thế gian pháp, tức là thế giới của hiện tượng.

Bây giờ chúng ta hãy lấy con mắt, tức là nhãn căn làm đối tượng để phân tích. Một khi thấu hiểu được nhãn căn thì năm căn kia cũng thế mà thôi.

Ai ai cũng biết là mắt dùng để thấy. Nhưng để thấy cái gì? Tất cả những vật gì có hình dáng và màu sắc thì mắt có thể thấy được. Như thế thì mắt chỉ có thể thấy được vật thể và màu sắc trong một phạm vi giới hạn mà chúng ta tạm gọi là cái Giới của Sắc và cái giới nầy chỉ dành riêng cho mắt mà thôi. Không một căn nào khác có thể xâm lấn nó được. Vì thế cái giới của mắt thấy thì được gọi là nhãn giới, có nghĩa là cảnh giới của cơ quan thấy. Còn những vật để cho cơ quan ấy thấy, chẳng hạn như hình dáng, màu sắc…hợp thành một lãnh vực khác hay một giới khác mà chúng ta gọi là giới của những vật bị thấy hay để cho thấy.

Nếu mắt có thấy thì phải có vật hay đối tượng để mắt thấy chẳng hạn là hình sắc hay vật thể…thì sau đó sự thấy sẽ nảy sinh ra một cái biết thuộc về loại thấy. Cái biết nầy chính là Nhãn thức. Tất cả những cái biết về loại thấy nầy hợp lại thành một thế giới của những cái biết bằng mắt mà nhà Phật gọi là Nhãn Thức Giới.

Nói tóm lại đối với cái thấy chúng ta có ba giới, đó là:

Một thuộc về căn tức là Nhãn giới.

Một thuộc về trần tức là Sắc giới.

Một thuộc về thức tức là Nhãn thức giới.

Cái thấy thì như thế còn tất cả cái nghe, cái ngữi, cái nếm, cái cảm xúc hay cái ý thì cũng thế.

Thí dụ như cái nghe cũng có ba giới, đó là:

Một giới thuộc về căn tức là Nhĩ giới.

Một giới thuộc về trần tức là Thanh giới.

Một giới thuộc về thức tức là Nhĩ thức giới.

Để dễ dàng thấu rõ chúng tôi xin lược kê tất cả thập bát giới hay 18 giới như sau:

6 giới của Căn: Nhãn giới, Nhĩ giới, Tỷ giới, Thiệt giới, Thân giới và Ý giới.

6 giới của Trần: Sắc giới, Thanh giới, Hương giới, Vị giới, Xúc giới và Pháp giới.

6 giới của Thức: Nhãn thức giới, Nhĩ thức giới, Tỷ thức giới, Thiệt thức giới, Thân thức giới và Ý thức giới.

Nếu cộng 6 giới của Căn, 6 giới của Trần và 6 giới của Thức thì chúng ta có tất cả 18 giới mà thường được gọi là thập bát giới.

Thập bát giới nầy có thể bao hàm toàn thể thế giới vũ trụ, hay nói một cách khác là chính cái thập bát giới nầy chi phối toàn thể những gì mà chúng ta thấy biết, nghe biết, ngữi biết, nếm biết, cảm xúc biết và do tâm ý biết trên thế giới hiện nay hay cho cả vũ trụ nữa.

Bây giờ chúng ta trở lại với “cái thấy”. Có ba đối tượng liên quan đến cái thấy mà chúng ta cần phải biết. Đó là:

· Có mắt mà không có vật, màu sắc hay đối tượng thì không thành cái thấy.

· Có vật hay đối tượng mà không có mắt thì cũng không thành cái thấy.

· Có mắt có vật mà không có tánh thấy, tức là kiến tánh thì cũng không thành cái thấy.

Do đó muốn có cái thấy thì phải bao gồm tất cả ba món trên, tức là phải có mắt, phải có vật và cuối cùng phải có tánh thấy thì cái thấy mới thành tựu được.

Trong Tâm Kinh có viết:”không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới”. Đây là lối nói vắn tắt của Kinh mà thôi chớ thật ra mỗi lối biết có một cảnh giới riêng thì Tâm Kinh phải nói đầy đủ là:”không có nhãn thức giới, nhĩ thức giới, tỷ thức giới, thiệt thức giới, thân thức giới và cũng không có ý thức giới”.

Nhưng ở phần trên chúng ta đã chứng minh rằng:”Sắc tức là Không” mà Sắc chính là vật bị thấy đã là Không, tức là Thể, thì mắt, tức nhãn căn và nhãn thức cũng Không luôn. Tại sao? Bởi vì trong bộ ba: Căn, Trần và Thức nếu có một cái là Không thì cả ba đều Không như nhau.

Cùng một lý luận như trên thì năm căn còn lại là mũi, tai, lưỡi, thân và ý hợp với năm trần còn lại là thanh, hương, vị, xúc và pháp cùng với năm thức là nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức cũng đều là Không.

Thêm nữa, thân tâm con nguời ta, tức là ngũ uẩn, đã biết là Không thì tất cả những gì liên quan đến nó theo ngoại giới cũng đều là Không. Nói một cách khác là tất cả thập bát giới của vũ trụ cũng đều là Không. Do đó vũ trụ 18 giới thuộc thế gian pháp là Tướng còn Không là Thể. Mặc dầu chúng ta đã biết tướng là do thể biến hiện ra, tức là cái Có từ cái Không mà ra, nhưng trong Thể chắc chắn không bao giờ có chứa cái Tướng.

Nói một cách tổng quát là tất cả mọi sự vật trên thế gian nầy đều do tâm niệm của chính chúng ta hình thành. Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta nghĩ Có thì nó Có còn chúng ta nghĩ Không thì nó sẽ là Không. Do đó mới có câu:”Tâm có sanh thì pháp mới sanh, còn tâm diệt thì pháp cùng tâm cũng diệt”. Chẳng hạn như hai chị em cùng rủ nhau đi chợ. Khi đến chợ thì nguời chị quan sát, ngắm nhìn và hỏi han từ món nầy đến món khác. Thấy vật nào đẹp thì nguời chị đưa lên xem, trầm trồ khen đẹp và hỏi giá cả là bao nhiêu trong khi nguời em đi thì đi theo mà chẳng ngắm nhìn hay chú ý đến bất cứ vật gì. Tại sao hai chị em cùng cha cùng mẹ mà một nguời lại tò mò thắc mắc đủ điều còn nguời kia lại thờ ơ như thế? Hay là nguời em là nguời “không tâm” mà nhà Phật gọi là “vô Tâm”?

Đối với nguời chị thì vạn vật trên đời nầy là thật Có. Còn đối nguời em thì có lối nhìn trái ngược. Những thứ mà nguời chị thấy là thật Có thì nguời em thấy là Không, tức là giả Có mà thôi nên cô ta chẳng cần quan tâm chú ý. Thấy là để thấy vậy thôi chớ trong cái thấy đó không có nhãn thức giới, có nghĩa là không có cái biết của sự thấy, tức là không có sự phân biệt tốt xấu. Không phân biệt thì tâm không sanh vọng tưởng, tức là họ đang sống với cái chơn tâm thanh tịnh, cái Phật tánh sáng suốt muôn đời. Dựa theo Tâm Kinh thì muốn đạt đến trí tuệ sáng suốt triệt để, tức là bát nhã ba-la-mật, thì chẳng những thấy vật thể là Không mà tất cả 18 thế gian giới cũng đều là Không. Đây chính là cái Không của Quán Tự Tại Bồ tát vậy.

Vậy muốn phá cái chấp của thế gian pháp thì Tâm Kinh dạy một khi nội tâm đã lóng trong thì chúng ta chỉ còn thấy cái bề trong, tức là Thể, của vạn vật mà không còn thấy cái bề ngoài, tức là tướng, có nghĩa là Không. Vì thế cho dù có giàu sang quyền thế, dinh thự nguy nga, tiền rừng bạc biển, ăn sang mặc sướng đi chăng nữa thì tất cả những cái nầy đều là Không. Cho nên trong lòng Bồ tát luôn thấy vạn vật là Không cho nên họ mới được tự tại, không còn phiền não khổ đau. Còn chúng ta thấy vật đẹp là Có, thấy nhà sang là Có, thấy đàn ngọt hát hay là Có cho nên chúng ta còn khổ, còn phiền não cũng vì lấy giả làm chân, tức là lấy Không làm Có vậy.

Đến đây thì chẳng những cái thân tâm ngũ uẩn đã chết đối với Bồ tát mà luôn cả vũ trụ cũng chết luôn. Tâm hồn của họ sống ung dung tự tại trong cảnh vô vi và ngao du trong cõi vô cùng vô tận như mây như gió. Có phá tan được cái say đắm của sự vật ở thế gian nầy thì Bồ tát mới thật sự phá được tất cả những chấp pháp của thế giới hữu vi này vậy.

- Phá chấp pháp của Xuất thế gian pháp: đây là đoạn nói về:”không có vô minh, cũng không có cái hết vô minh, cho đến không có già-chết, cũng không có cái hết già-chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí-huệ cũng như không có chứng đắc”.

Chúng ta tạm chia đoạn Kinh nói trên thành ba phần:

· Không có sự khổ, không có nguyên nhân gây ra sự khổ, không có sự diệt khổ và cũng không có con đường dẫn đến sự diệt khổ, tức là Niết Bàn. Đây là phủ định chân lý Tứ diệu đế.

· Không có vô minh cũng không có cái hết vô minh, thậm chí không có cái già-chết và cũng không có cái hết già-chết. Đây chính là phủ định chân lý Thập Nhị Nhân Duyên.

· Không có trí tuệ và cũng không có chứng đắc được cái gì. Đây là phủ định chân lý Lục Độ Ba-la-mật.

Tại sao đoạn Kinh trên được xếp vào loại xuất thế gian? Đức Phật vì thấu rõ nổi thống khổ của tất cả chúng sinh trong đời nầy nên Ngài mới quyết tâm xuất gia tìm đạo để cố tìm cho ra chân lý mà dẫn dắt chúng sinh ra khỏi biền trầm luân khổ não. Khi thành đạo thì Ngài tìm ra được ba từng giáo pháp để dạy tất cả chúng sinh dựa theo đó mà tu hành để có một nếp sống phi phàm. Đó chính là nếp sống của các bậc Thánh. Vì thế phương pháp tu hành để chuyển phàm thành Thánh thì được gọi là xuất thế gian.

Ba từng giáo pháp đó là: Tứ diệu đế, Thập nhị Nhân Duyên và Lục độ ba-la-mật.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]