Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Chữ Không của nhà Phật

08/03/201109:59(Xem: 7751)
03. Chữ Không của nhà Phật

VÔ THƯỢNG NIẾT BÀN
Lê Sỹ Minh Tùng

PHẦN I

Vậy thức uẩn có vô ngã không?

Thức là sự hiểu biết phân biệt để có khả năng biến hiện ra các cảnh và phân biệt các cảnh. Khi lục căn tiếp xúc với lục trần thì tất cả những phân biệt để tạo thành cái biết ở trong tâm của chúng ta thì gọi là thức. Chẳng hạn như mắt vừa thấy một chiếc xe màu xanh thì tâm liền phân biệt để biết chiếc xe hơi nầy đẹp hay xấu, mới hay cũ và từ đó dĩ nhiên vọng tưởng đua nhau sanh khởi trong tâm của chúng ta.

Tai vừa nghe tiếng đàn thì tâm thức liền phân biệt để cho chúng ta biết tiếng đàn đó hay hay dở làm cho lòng ta bồi hồi xao xuyến. Xao xuyến chính là vọng tưởng nữa rồi vì tâm chúng ta chạy theo sự quyến rũ của thính trần. Khi chúng ta vào trong một vườn hoa, hương thơm nồng nàn của hoa dạ lý làm cho chúng ta ngây ngất. Khi mũi đã có sự phân biệt từ bên ngoài thì tâm cũng bắt đầu phân biệt mùi vị. Mùi vị thơm thì ta mê, ta thích còn ngược lại thì ta chán, ta chê. Có phân biệt là chạy theo vọng trần tức là khổ.

Nếu ai mời ta đi ăn những món ngon vật lạ thì lưỡi bắt đầu phân biệt hương vị của thức ăn để cho chúng ta biết món ăn nào ngon và món ăn nào không khoái khẩu. Khi sự phân biệt thành cái biết thì đây chính là thức uẩn. Nói tóm lại khi lục căn tiếp xúc với lục trần thì tâm khởi sự phân biệt để sanh ra lục thức. Chính lục thức nầy là những ý tưởng lưu lại trong tâm thức của chúng ta. Thêm nữa dựa theo duy thức luận thì ngoài lục thức ở trên còn có Ma-na-thức và A-lại-da thức để chất chứa tất cả những chủng tử hữu lậu và vô lậu của các pháp.

Như thế trong ngũ uẩn có sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn đều là vô ngã thì dĩ nhiên ngũ uẩn cũng là vô ngã tức là không.

Đại thừa Phật giáo khẳng định rằng vạn vật trong thế gian nầy hay nói theo danh từ nhà Phật là tất cả các pháp trong vũ trụ đều có hai hình tướng. Cái tướng bên ngoài là cái tướng mà chúng ta dùng ngũ quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) để nhận biết qua ý thức mà chúng ta đặt tên là con người, sinh vật, mặt trời, mặt trăng, xe cộ, áo quần, bông hoa, nhà cửa…Cái hình tướng bên ngoài nầy mà ai ai cũng thấy, biết được thì chúng ta gọi là “Có”. Còn cái thật tướng ở bên trong là cái tướng chỉ dùng mắt trí tuệ mới thấy, mới nhận được vì tướng đó không hình, không sắc mà Đức Phật gọi là “Không tướng”. Cái “Không tướng” nầy mới chính là thật tướng của vạn pháp.

Bởi vì cái tướng không hình sắc, không thấy kia, mới là chân thật, vì từ vô thỉ đến vô chung hay nói một cách khác là từ không biết bao lâu trong quá khứ đến bây giờ và từ đây cho đến không biết khi nào cho cùng tận, nó vẫn mãi mãi như thế, có nghĩa là nó không trẻ, không già, không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt.... Còn cái tướng bề ngoài là cái tướng giả dối, không thật vì nó biến đổi từng giây, từng phút, rồi cuối cùng tiêu tán trong không gian và thời gian. Đó là theo quy luật:”thành, trụ, hoại, không” của luật vô thường mà thôi.

Cái “thực tướng” hay “Không tướng” mà Đức Phật đã thuyết giảng trong tâm kinh nầy chính là cái trí tuệ Bát Nhã sáng suốt vĩnh hằng có sẳn trong tâm của tất cả chúng ta.

Ngoài ra danh từ nhà Phật gọi cái “Không tướng” nầy là “thể” và cái giả tướng bề ngoài là”dụng”.

Khi chúng ta ra bờ biển thì thấy mặt nước dâng lên những làn sóng. Làn sóng trước qua đi thì làn sóng sau lại đến. Những làn sóng thay đổi liên tục nầy chính là “dụng” của thủy triều còn “thể” của nước thì luôn luôn bất động, không thay đổi. Nếu chúng ta có thể xuống tận đáy biển thì nước rất yên tịnh và đây mới chính là “thể” của nước vậy. Như thế “thể” là thực tướng của vạn pháp còn “dụng” là giả tướng, không thật ở bên ngoài.

Đã biết ngũ uẩn là “không”. Vậy thế nào là “Không”?

Chữ “Không” không phải là cái không của suy luận theo thuyết giả danh của con người hay là cái không đối với cái có. Chẳng hạn như chúng ta gọi cái nhà, nhưng thật sự cái nhà là gì? Đố ai tìm được cái nhà vì nó chỉ là cái tên để chỉ cho sự kết hợp của cây, gổ, gạch, ngói…Còn con người thì cũng thế. Hãy thử xem cái gì là con người? Sự thật con người cũng chỉ là bao xương, thịt kết cấu với một mớ tình cảm, tư tưởng… vậy thôi! Do đó những cái mà chúng ta gọi là nhà, là con người toàn là giả danh, không có thật, tức là “Không”.

Vậy “Không” ở đây tức là bản tánh thanh tịnh không có các hình tướng.

Một thí dụ khác về “ngũ uẩn là Không” là chúng ta đưa bàn tay năm ngón lên xem. Mỗi ngón tay cứ nghĩ như là mỗi uẩn. Nếu chúng ta nắm năm ngón tay lại để tạo thành một nắm tay cũng như là ngũ uẩn. Chúng ta có nắm tay là bởi từ năm ngón tay tạo thành chứ ban đầu hay tự nó không có nắm tay. Nếu chúng ta buông nắm tay ra thì không còn nắm tay nữa. Do đó nắm tay chỉ là sự cấu tạo bởi năm nhân duyên bên ngoài chớ tự nó không có được nên nắm tay là Không. Ngũ uẩn cũng thế nếu mỗi uẩn tan rã thì ngũ uẫn chẳng còn mà chính mỗi uẩn là Không nên toàn ngũ uẩn phải là Không.

Những thí dụ trên đây cho chúng ta có một nhận định tổng quát về chữ Không dựa theo hình dáng để so sánh mà thôi. Thật ra cái “Không” không thể so sánh được vì chính nó không hình, không sắc. Làm thế nào để vẽ hay diễn tả cái không thấy và không có hình tướng? Bởi thế cổ nhân cũng có câu tương tự :

Họa hổ họa bì năng họa cốt

Tri nhân tri diện bất tri tâm.

Tạm dịch là:

Vẽ cọp vẽ da cọp được nhưng không thể vẽ xương cọp vì không thấy được bên trong.

Thấy tướng người, thấy mặt người, nhưng không thể thấy tâm người được.

Nói tóm lại cái hình tướng bên ngoài của con người hay của tất cả vạn pháp trong vũ trụ như động vật, thực vật hay khoáng vật đều là giả tướng tức là Không. Còn cái thật tướng bên trong thì ngũ quan của chúng ta không thấy biết được. Không thấy biết được thì Phật tạm gọi là Không chớ thật nó không phải là không Có. Ngày nay khoa học đã đi rất xa để chứng minh cho chúng ta biết là đơn vị nhỏ nhất của vật chất mà ngũ quan không thể nào thấy biết được là nguyên tử. Chúng ta tạm gọi những đơn vị nguyên tử nầy là cái tự tánh hay chủ tể của vật chất vì cho dù chúng ta có tổng hợp vật chất lại với nhau thì các đơn vị nguyên tử vẫn như ban đầu.

Thí dụ như nước là sự tổng hợp của hydrogen và Oxygen, H2O, tức là có sự duyên khởi, có nghĩa là do nhân duyên hòa hợp vì thế nước là vô ngã và nó sẽ bị ảnh hưởng bởi luật vô thường có tan có hợp, có sinh có diệt. Nhưng cái tự tánh của Hydrogen hay Oxygen vẫn không mất, tức là hằng có. Vậy cái Không tạm hiểu là những đơn vị nguyên tử vì từ nó mà tạo thành tất cả những vật thể trên thế gian nầy mà chính nó không bị hủy hoại hay thay đổi theo thời gian. Ví dụ như thân tứ đại của chúng ta. Mặc dầu Phật dạy thân thể của chúng ta là do gió, lửa, đất, nước hợp thành. Khi nói tứ đại là Phật chỉ nói một cách tổng quát chứ thật ra trong bốn món đó là do sự tổng hợp của vô số hóa chất mà thành, tức là do trùng trùng duyên khởi.

Chẳng hạn như chất Stainless Steel dùng để làm mặt tủ lạnh cho không bị rĩ sét là do sự tổng hợp của chất thép và chất Nickel. Do đó trong bản phân loại tuần hoàn hóa học của vật chất có tất cả 108 chất từ Hydrogen đến Helium, Oxygen, Đồng, Kẻm, Sắt…thì cấu tạo nguyên tử của mỗi chất là “Không”. Còn cái tổng hợp để tạo thành vật nầy, vật kia là cái “Có”. Vì cái “Có” tức là do nhân duyên tạo thành nên cái “Có” sẽ bị hủy diệt tan rã theo thời gian, tức là vô thường. Cái hợp kim Stainless Steel rất cứng nầy thật ra một ngày nào đó cũng sẽ bị tan tành hủy diệt vì những phản ứng hóa học Oxy khác. Còn cái “Không” thì đời đời vẫn như thế, không tăng, không giảm, không dơ, không sạch, không sanh, không diệt. Có nghĩa là oxygen muôn đời vẫn là oxygen.

Một thí dụ khác là khi chúng ta nối mạch điện vào cái bóng đèn. Khi mở, bóng đèn sáng thì chúng ta cho là “Có” điện. Còn tắt, bóng đèn tối thì chúng ta cho là “Không có” điện. Cái Có và cái Không là do thấy bóng đèn sáng hay không sáng mà nói. Khi bóng đèn không sáng chúng ta gọi là Không. Nhưng cái Không có thật là không chăng? Chúng ta gọi nó là Không là vì không thấy nhưng thật ra thể điện vẫn còn nằm bên trong giây điện chớ đâu phải không. Khi mở thì các electron di chuyển tạo ra nh sáng cho bóng đèn. Còn tắt thì electron không di động nhưng thể điện luôn luôn nằm đó chớ đâu có mất. Vì thế cái Không có nghĩa là không thấy chứ không phải là không có.

Khi nói đến khoa học thì có người thắc mắc rằng các nhà bác học có phải là người giác ngộ như Phật không? Xin thưa chắc chắn là không. Tại sao? Cái giống nhau giữa Phật và nhà bác học là họ có thể nhìn thấy sau xa chân tướng của nhân sinh vũ trụ. Các nhà bác học có thể phân tích, khám phá và tìm thấy sự sinh tồn của tất cả mọi loài hay các hành tinh trong vũ trụ bằng những quy luật giống như vô ngã và vô thường của nhà Phật. Sự hiểu biết của họ thật xâu xa và chính xác.

Nhưng cái mà họ cố tìm hay khám phá là nằm trong vòng sinh diệt của vũ trụ mà thôi, tức là cái có sẽ trở thành cái không và ngược lại. Họ càng cố công tìm tòi khám phá thì tâm họ càng vọng động, tức là họ càng chạy nhanh vào vòng sinh tử khổ đau. Quý vị có thấy nhà bác học nào nói mình thật hạnh phúc đâu? Họ càng khám phá thì họ càng thấy mình ngu dốt, tức là việc làm của họ là để thỏa mãn cái tính tham của sự hiểu biết chớ không phải là sự giác ngộ do lòng từ bi hay do sự lợi lạc cho chúng sanh. Ngược lại Đức Phật thấy được sự sinh tồn của vũ trụ mà tâm rất thanh tịnh, không bị khổ đau chi phối. Tâm Đức Phật thì thường trụ Niết Bàn, bất sanh, bất diệt. Đây mới chính là chân giác ngộ.

Khi Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát thực hành sâu xa pháp Bát Nhã ba-la-mật-đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, qua hết thảy khổ ách.

Chúng ta là phàm nhân nên thường lầm ngũ uẩn là Có, tức là đối với chúng ta thì người và vật là thật Có. Còn Phật thì bảo là thật Không, tức là chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Đây là hai nhận xét hoàn toàn trái ngược nhau đưa đến hai ảnh hưởng hay tư tưởng sống cũng trái ngược nhau. Thật vậy, vì chúng ta nhận lầm ngũ uẩn là thật Có nên chúng ta mới niếm mùi khổ đau. Trong khi Phật, các vị Bồ tát, nhờ sáng suốt triệt để mà thấy ngũ uẩn đều không, tức là người cũng Không mà Ta cũng Không nên họ không còn khổ não.

Nếu chúng ta tin ngũ uẩn là thật Có thì trong ta chắc chắn phải có cái Ta. Ta có cái Ta riêng biệt cho chính ta thì mọi người cũng có cái Ta riêng biệt cho họ như thế và không có cái Ta nào giống cái Ta nào cả. Trên thế giới hiện nay có trên 6 tỷ người, tức là có trên 6 tỷ cái Ta riêng biệt. Đã là riêng biệt thì mạnh ai tự lo lấy cho mình và từ đó lòng ích kỷ bắt đầu nẩy sanh. Nhưng tại sao lại phải ích kỷ? Con người thì lúc nào cũng muốn làm sao cho cuộc đời của mình được êm đềm sung sướng và hơn hẳn mọi người.

Cái Ta của ta càng sung sướng thì càng hạnh phúc mặc kệ những cái Ta khác như thế nào. Lòng ích kỷ nầy chính thật là lòng tham vô đáy. Mà đã có tham là có tranh thủ để dành cái sướng cho mình và để cái không sướng, cái bất hạnh cho người khác. Nếu mong ước mà thành tựu thì vui còn mong mà không được thì buồn. Còn nếu được rồi thì sợ mất nên đâm lo. Nhưng sợ mà vẫn mất thì cái lo thành ra cái khổ. Mà càng khổ thì càng oán giận để trách trời, oán người. Tất cả những thứ tham lam, giận hờn và bất mãn là bắt nguồn từ cái si mê tăm tối mà ra. Cái tham, cái giận càng tăng thì lòng si mê càng sâu chẳng khác nào như con tằm nhả tơ. Cái kén càng dày thì cái tối trong lòng kén càng thêm.

Thêm nữa lối nhận thấy của các vị Bồ tát quán tự tại không giống lối nhận xét của phàm nhân. Chúng ta thấy vạn pháp bằng nhục nhãn, tức là bằng mắt thịt, còn các Ngài nhận thấy bằng mắt trí tuệ, tức là bằng mắt Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Đây là cái thấy sáng suốt triệt để và dĩ nhiên cũng dẫn đến hai kết quả trái ngược nhau. Đó là chúng ta thấy Có còn các Ngài thì thấy Không.

Năm uẩn là thành phần căn bản của con người, tức là cái Ta của ta và nói một cách rộng rải hơn là của tất cả vạn vật trong vũ trụ. Do đó thấy Có tức là chấp nhận Có cái Ta của con người và của vạn vật.

Bởi là phàm nhân chúng ta quả quyết ngũ uẩn là Có vì chúng ta thấy biết được nó. Hoặc là nếu không thấy được thì cũng nếm hay rờ được. Bây giờ hãy lấy cái Ta làm thí dụ. Bất luận là ở lứa tuổi nào, chẳng hạn như khi ta lên 10 tuổi, 30 tuổi hay 60 tuổi thì ở lứa tuổi ấy cái hay biết phát sinh ở trong ta thì ta luôn vổ ngực mà xưng là ta đây. Tại sao chúng ta lại có nhiều cái Ta như thế? Vậy cái Ta nào là cái Ta thật? Cái Ta lúc mới sanh, hay cái Ta lúc 10 tuổi…Như vậy mỗi thời điểm trong cuộc đời thì chúng ta có một cái Ta mới cho nên cái Ta trước không giống cái Ta sau. Vì thế nếu đã có hơn một cái Ta thì không một cái Ta nào là thật cả.

Cùng lối lý luận nầy mà áp dụng cho tất cả sự vật khác, có cái thì thuộc về vật chất, tức là sắc pháp và có cái thuộc về tinh thần, tức là tâm pháp, thì kết quả đều như nhau. Đó là tất cả vạn hữu là Không, có nghĩa chúng là giả Có chớ không phải thật Có.

Vì Không mà Thật nên gọi là Chơn Không và vì Không mà lại Có nên gọi là Diệu Hữu. Chẳng hạn trong cái trứng đố ai tìm ra con gà. Thế mà từ trong cái trứng lại xuất hiện một con gà. Thế thì con gà là cái Có do một cái Không mà ra! Nói một cách khác là trong cái Không ấy có con gà, nhưng có bằng một cách thần diệu, không thể nghĩ bàn mà Phật giáo gọi là bất khả tư nghị. Thật vậy nếu không có cái Không kỳ diệu nầy thì trên thế gian nầy sẽ không có cái gì hết. Vì vậy giữa Không và Có chắc chắn có một sự tương quan rất mật thiết với nhau. Hay nói một cách khác Có và Không, tuy hai nhưng mà một. Có tức là Không và Không tức là Có. Nếu cái Một nầy khi ẩn hay tĩnh là Không còn khi hiện hay động là Có vậy thôi.

Tại sao biết “Ngũ uẩn đều không” thì vượt qua mọi khổ ách?

Ngũ uẩn là thân và tâm hay còn gọi là “con người”. Đây là một cá thể do vật chất và tinh thần hợp thành. Nói một cách rộng rãi hơn vật chất và tinh thần hợp thành vạn vật trong vũ trụ.

Nhưng con người thật, tức là “chân nhân”, không phải chỉ là của xác thịt và tình cảm mà nó là những cái có sanh, có diệt, có dơ, có sạch, có thêm, có bớt. Mà cái gì ngược lại, tức là bất sanh, bất diệt, không tăng, không giảm, trước sau như một thì Bát Nhã Tâm Kinh gọi cái đó là “Không” và những kinh khác gọi là Chơn tâm, Diệu Hữu Chơn Không, Thực Tánh, Phật Tánh, Linh Quang…

Tất cả những phiền não, lo âu, khổ sở…của chúng ta đều do cái thân ngũ uẩn mà ra. Thân kêu đói, chúng ta lầm tưởng là cái Ta thật đói, thân muốn ăn ngon, chúng ta lầm tưởng là cái Ta đòi ăn. Ai mắng chửi, mạt sát, chúng ta giận vì tin rằng họ đụng chạm tới cái Ta của mình. Nhưng tất cả những phản ứng của cơ thể hoặc của thói quen, quan niệm, hay thành kiến kia thật ra không dính dấp gì tới cái Ta thật hết. Nếu nhận thấy ngũ uẩn là không, có nghĩa thân nầy là giả Có thì chúng ta không còn quan tâm lo lắng và phiền não nữa. Có ai nói nặng nhẹ thì mình cũng thản nhiên vì thân không thật nên chúng ta quan tâm, bảo vệ cái không thật để làm gì? Chúng ta ăn uống để sống cũng như dùng bè để qua sông chớ không nên cung phụng, nô lệ cho cái thân giả nầy. Có sơn son, thép vàng cho cái bè thì cũng phải bỏ chiếc bè khi qua sông mà thôi. Vì thế cho dù chúng ta có cưng chìu, nâng niu cái thân giả nầy thì một ngày nào đó cũng phải để lại cho cát bụi mà đi. Vì thế thi hào Nguyễn Du mới có câu:

Trăm năm còn có gì đâu.

Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì.

Đức Phật muốn cho chúng ta thấu hiểu tường tận rằng con người có làm bao nhiêu điều tội lỗi, gây ra lắm nghiệp căn để phải chịu quả báo khổ đời đời cũng tại vì nhận lầm ngũ uẩn là thật Có. Chính cái lầm lẫn nầy mà tam độc, tức là Tham-Sân-Si nẩy sinh để gánh chịu khổ đau. Thật vậy vì ái thân, nên lòng tham phát khởi để cố gắng tạo nhà thật sang, xe tuyệt đẹp, tiền dư bạc để, danh vọng cao sang. Mà muốn thỏa mãn lòng tham nầy thì con người phải khổ. Hoặc nếu không thỏa mãn được lòng tham thì tâm sân sẽ nổi lên để biến cuộc đời đang an vui thành trăm điều phiền não. Một khi phiền não quấy phá thì chúng ta đâu còn trí tuệ để xét đoán việc đời bởi vì vô minh, tức là si mê đã che lấp đỉnh cao trí tuệ làm cho tâm con người u ám, ngu si.

Do đó nếu biết thân nầy là giả Có, tức là không thật Có thì chúng ta không làm nô lệ cho nó. Chúng ta chỉ dùng nó như chiếc bè để qua sông. Khi ngồi trên bè thì chúng ta lái nó chớ đừng cho giòng nước cuốn chiếc bè theo, tức là không chạy theo lục dục thất tình. Ai khen, ai tâng bốc thì cũng không màng vì thân nầy không thật. Ai chê, ai mắng thì cũng không giận, không bất mãn vì thân nầy là giả Có.

Ví dụ có người lổ mãng nói xấu hay chửi mắng mà chúng ta vẫn tự nhiên. Không phải là chúng ta lì hay chai mặt nhưng chúng ta tư duy quán chiếu thân nầy là giả thì thắng thua để làm gì. Ngày xưa có người Bà la môn đi theo chửi mắng Đức Phật rất thậm tệ. Hắn càng chửi thì Đức Phật càng thản nhiên. Sau cùng hắn chạy theo la lớn:”Này Cù Đàm! Ông có điếc không? Sao ta chửi mà ông không đáp lại? Đức Phật ôn tồn đáp:”Nếu có người tặng quà mà người khác không nhận thì món quà ấy thuộc về ai?” Ý Phật muốn nói là ông chửi thì ông nghe vậy thôi. Ta chẳng hề quan tâm đến thì đâu có phiền não. Nhìn thân mình là giả cũng không đủ mà phải nhìn tất cả chúng sinh và vạn hữu cũng đều mang ngũ uẩn giai không thì tâm mới an được. Do đó mới có câu:

Vạn pháp giai không

Duyên sanh như huyển.

Nghĩa là:

Tất cả vạn hữu, từ động vật, thực vật, khoáng vật… trong vũ trụ là không thật, hay giả Có tức là Không. Ngay cả nhân duyên để tạo tác cũng giả luôn, không chắc không bền như là giấc mộng.

Nói tóm lại thân của ta là giả Có và tất cả vạn hữu chung quanh của ta cũng là giả Có. Vì thế cho dù cuộc đời có thăng trầm khi lên voi hay xuống chó thì tất cả cũng chỉ nằm trong luật vô thường là thành, trụ, hoại, không mà thôi.

Vì vậy nếu được thì cũng thế mà nếu mất thì cũng không buồn bởi vì tất cả là Không. Không giận, không hờn, không tham, không si thì tâm sẽ an định, tức là Niết bàn và dĩ nhiên cuộc đời làm gì còn khổ ách. Đây chính là con đường Quán tự Tại Bồ tát thoát khỏi khổ ách để đạt Niết bàn.

Hằng ngày có rất nhiều người tụng bộ Tâm Kinh nầy. Có người còn tụng vài biến nữa là khác. Thế thì tại sao chúng ta tụng thuộc làu, ngày mấy biến mà chúng ta còn khổ hoài và khổ dài dài? Không lẽ Phật nghe chúng ta tụng hằng ngày mà không độ cho chúng ta hết khổ?

Cái tinh hoa cốt tủy của kinh Phật là phải hiểu ý nghĩa lời Phật dạy trong kinh. Tụng kinh hay đọc kinh là tụng cho mình hiểu chớ không phải tụng cho Phật nghe. Khi đã hiểu ý kinh thì phải đem những ý tưởng sâu sắc nầy ra tư duy quán chiếu để thấy cái hay, cái tuyệt của nó thì ý kinh mới thấm vào tâm của chúng ta. Một khi đã thấm được rồi thì giai đoạn sau cùng là đem nó ra áp dụng vào trong cuộc sống hàng ngày của mình để đoạn trừ phiền não và chứng đạt Niết Bàn. Có áp dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống thực tế thì mới biết là lời Phật sâu sắc đến thế nào. Quý vị cứ nghĩ lời Phật dạy cũng như là toa thuốc của Bác sĩ. Nếu chúng ta không đem toa thuốc vào nhà thuốc tây để mua thì làm sao biết được Phật cho mình thuốc gì? Mua thuốc mà không uống thì làm sao hết bịnh được? Do đó tiến trình nầy nhà Phật gọi là Văn như Tư và Tư như Tu là vậy.

Có một câu chuyện ngụ ngôn của một tu sĩ Ấn Độ tên là Vivekananda như sau:

Một con sư tử có thai, gần ngày sanh, đang nằm đói xếp ve trong bụi rậm đã mấy ngày. Khi đó có một đàn cừu đi ngang qua. Sư tử mừng quá cố thu hết tàn lực lao mình vào đàn cừu. Không ngờ vì nhảy quá mạnh, sư tử bị sẩy thai và chết. Sư tử con được đàn cừu nuôi dưỡng cho đến lớn. Từ đó sư tử con sống đời sống của cừu, ăn thì ăn cỏ còn kêu thì be-he. Một hôm một con sư tử già đi kiếm mồi, khi gặp đàn cừu và vừa muốn ra tay thì cả đàn hốt hoảng mạnh ai nấy chạy cho nhanh. Sư tử già rượt đuổi theo bỗng thấy trong đám cừu có một chú sư tử con. Tính tò mò sư tử già cố tâm tìm ra sự thật. Tình cờ, một ngày nọ, sư tử già gặp chú sư tử con đang nằm ngủ một mình gần khe suối. Nhót gót lại gần và để cho chú sư tử con không kinh hãi, sư tử già mới thủ thỉ vào tai chú sư tử con:

-Mày là sư tử, sao lại làm thói cừu con như vậy?

Chú sư tử con thức giấc, mở mắt thấy ông đầu xòm, run lên như cầy sấy:

-Lạy ông tha cho, tôi chỉ là m

-Sư tử già bèn lôi chú sư tử con sát khe nước và nói:

-Mày thử ngó xuống nước coi!

-Sư tử con hết sức kinh ngạc nghĩ thầm:

-Sao mình cũng đầu bồm, cũng nanh nhọn, oai phong lẫm liệt như ông tướng nầy!

Nghĩ tới đây, sư tử con gầm lên một tiếng chuyển động núi rừng, rồi nhảy tuốt vào rừng sâu.

Tất cả chúng ta đều là sư tử mà vì lầm tưởng mình là cừu nên từ trước tới nay đã sống đời cừu. Hãy ngó xuống giòng sông Bát Nhã thì chúng ta sẽ thấy mình không phải là cừu phàm phu ngũ uẩn, đang sống trong sợ hãi ưu phiền mà là sư tử Phật tánh Chơn Không, chúa tể của sơn lâm vũ trụ. Nếu biết được cái Phật tánh Chơn Không nầy sẽ không còn phiền sợ nữa và đây chính là:” độ nhất thế khổ ách” vậy.

Ngày xưa khi đệ tử hỏi Ngài Mã Tổ thế nào là “tức tâm tức Phật” thì Ngài đáp rằng:”Chỉ tiểu nhi đề”, có nghĩa là đừng khóc theo lối con nít nữa. Ý Ngài Mã Tổ là:”Bỉ trượng phu, ngã diệt nhĩ” có nghĩa Phật cũng là người, ta cũng là người, tại sao ta lại không có cái cao thượng của trượng phu mà lại xử sự như con nít. Có nghĩa là thấy bóng trong gương mà tưởng là sự thật rồi hoảng sợ la khóc. Thân là giả mà cứ tưởng là thật để phải chịu đau khổ chập chùng. Phật sở dĩ thành Phật là nhờ thấy đúng, tức là chánh tri, chánh kiến. Còn chư Bồ tát sắp đạt đến ngôi Đẳng giác, tức là Phật, bởi các Ngài tu tập thấy đúng và cuối cùng thấy đúng cho tới mức triệt để.

Nhưng thế nào là thấy đúng?

Theo kinh Phật như thị có nghĩa là vạn vật như thế nào thì mình phải thấy như thế ấy. Thấy trăng thì phải nói là trăng chớ không nên nói là trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ. Đức Phật thấy việc đời và thế giới như thế nào thì Ngài nhận y như thế ấy và không tìm cách giải thích theo óc tưởng tượng của Ngài. Vì thế Kinh mới có câu:”Như thị văn, như thị tri” có nghĩa là thấy như thế thì biết như thế. Đây chính là chánh tri, chánh kiến bởi vì Đức Phật không bao giờ gán cho sự vật những cái ý nghĩa, những cái giá trị mà tự chúng không có. Ví dụ như cảnh vật là cảnh vật thì tại sao chúng ta lại bảo có cảnh vui, cảnh buồn? Như trong truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du có câu:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

Con người vì giàu óc tưởng tượng mà đem cái vui cái buồn của họ mà gán cho cảnh, chớ cảnh là vô tri vô giác thì làm gì có vui, có buồn.

Ngay cả nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quang trong bài Thăng Long Thành Hoài Cổ cũng có câu:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịnh dương.

Trong bài Thu Viễn Xứ của thi sĩ Đông Mai có câu:

Ngập ngừng từng trận lá rơi

Ai đem lệ đá mà khơi lệ lòng.

Vào đời nhà Đường có nhà thơ rất nổi tiếng là Đỗ Phú đã hạ bút trong bài Xuân Vọng:

Cảm thời hoa tiễn lệ

Hận biệt điểu kinh tâm.

Dịch là:

Cảm thời, hoa cũng lệ sầu

Chia ly, chim cũng tim đau vạn trùng.

Cái nhìn của người Tây phương thì cũng không khác với những tư tưởng Đông phương mấy. Ở Pháp gần hai thế kỷ về trước, thi sĩ Alphonse De Lamartine (1790-1869) cũng đã viết:

Objects inanimes, avez-vous donc unec âme

Qui s’attache à notre âme et la force d’aimer

Dịch là:

Hởi cỏ đá! Phải chăng cũng có

Lưu luyến tình khiến nhớ khiến nhung.

Đối với những nhà thơ thì họ không nhìn cảnh vật là vô tri, vô giác mà họ nghĩ chúng có những rung cảm rất tế nhị mà con người chỉ có thể tiếp nhận được nếu tâm hồn chúng ta rung động cùng một nhịp điệu với nó mà có người gọi là thần giao cách cảm. Vì sự thấy biết ảo huyền như thế nên con người bị vọng tưởng sai khiến làm cho tâm điên bát đảo. Ngược lại chân lý của Đức Phật là Chánh kiến giúp con người tìm về với thật tướng của vạn vật.

Vì vậy chánh kiến là thấy đúng, tức là như thị. Hễ vạn vật như thế nào thì phải thấy, biết như thế ấy. Đừng tô son, thép vàng và cũng đừng lên án, bình phẩm. Hơn nữa chủ yếu của Tâm Kinh là phải thấy thấu triệt cái Thật tướng của vạn vật. Mà Kinh Kim Cang đã nói:”Thật tướng là vô tướng”.

Tại sao Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, thức cũng như vậy?

Khi thấy trên bàn có một bình hoa, bình hoa tức là Sắc. Nhưng chính thật bình hoa tự nó không có, tức là không có chủ thể mà là do nhân duyên hòa hợp tạo thành, tức là Không. Thấy bình hoa trên bàn, tức là Sắc mà tự tánh lại là Không. Do đó Sắc không thể rời Không hay nói một cách khác là Sắc chẳng khác Không. Nhưng cái Không nầy không phải là không Có vì thế chính cái Không của cái không thấy, tức là cái Không trong thế giới vô vi , để tạo thành cái Có của thế giới hữu vi. Vì thế Không phải dính liền với Sắc hay Không chẳng khác Sắc.

Sở dĩ mắt chúng ta thấy một vật gì không phải là chúng ta có mắt mới thấy được hay có vật tức là đối tượng để thấy. Nếu tự mắt có thể thấy được thì tại sao người mới chết, hai mắt vẫn còn nguyên vẹn mà không thấy gì hết. Còn nói cần có đối tượng mới thấy được thì đối với người mù, cho dù thế giới bên ngoài màu sắc huy hoàng rực rỡ, nhưng họ có thấy gì đâu? Vậy cái gì làm cho chúng ta nhận thấy? Theo giáo lý nhà Phật thì cái khả năng để nhận thấy được gọi là Kiến tánh, tức là tánh thấy (seeing nature). Kiến tánh thì không thể diễn tả được vì nó vô hình, vô tướng mà chỉ có thể suy nghiệm để biết mà thôi và nó là một khả năng, một đặc tính của cái Không trong Bát Nhã Tâm Kinh.

Nếu ví dụ tâm của chúng ta như một tấm gương thì kiến tánh ví như ánh sáng của gương. Do đó khi chúng ta nói là thấy, thật ra không có cái thấy thật mà chỉ có vạn vật soi bóng vào tấm gương lòng mà thôi, cũng như vạn vật soi bóng trong tấm gương thủy tinh. Vì thế cổ nhân mới nói:”Chiếu thể viên minh” là vậy. Do đó kiến tánh hay tánh thấy là kết quả của sự tương phản giữa kiến tánh và vật chất, có nghĩa là bên nầy chiếu qua bên kia rọi lại mới nẩy sanh cái mà chúng ta gọi là thấy.

Một thí dụ là cái TV trong nhà của chúng ta. Khi mở thì trên màn ảnh có hình, có nghĩa là hể có hình tức là TV có khả năng tiếp nhận tín hiệu từ trong không gian rồi phản chiếu trở lại trên màn ảnh cho chúng ta xem. Khi tắt thì không thấy hình, nhưng cái khả năng nhận những tín hiệu đâu có mất. Chỉ vì chúng ta không thấy hình là tại chúng ta không mở TV chớ tín hiệu vẫn có sẵn trong TV. Tánh thấy thì cũng thế, lúc nào cũng có trong ta do đó khi ta mở mắt, cũng như mở cái TV thì sẽ thấy.

Vậy kiến tánh và sắc vật không thể tách rời nhau, tức là cái nầy nằm trong cái kia và cái kia nằm trong cái nầy. Khi chúng ta thấy có muôn vật, tức là thấy Sắc, có nghĩa là nhận biết có Kiến tánh. Vậy có kiến tánh là có muôn vật. Nhưng mà chúng ta đã thấy cái thể của kiến tánh là Không, mà Sắc vật kia nằm trong kiến tánh thì dĩ nhiên phải cùng một thể là Không. Vì thế Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc là vậy. Cùng một lý luận đó con người chúng ta còn có 5 khả năng khác nữa là Văn tánh (tánh nghe), Khứu tánh (tánh ngữi), Thường tánh (tánh nếm), Giác tánh (tánh nhận cảm giác) và Tri tánh (tánh biết). Khi sáu tánh nầy phối hợp với sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) tạo ra tâm của chúng ta. Tánh nghe, tánh thấy, tánh ngữi, tánh nếm, tánh nhận cảm giác và tánh biết không mất nên cùng một thể với hư vô mà có người gọi là Phật tánh. Chính cái Phật tánh nầy là ứng dụng của cái Tâm vào lục căn của con người để có thể tiếp xúc với ngoại cảnh, tức là lục trần.

Chúng ta có thể lấy thêm một thí dụ về tánh nghe (hearing nature), tức là Văn tánh. Khi tai chúng ta nghe được một âm thanh, có nghĩa là trong không gian mỗi làn sóng của âm thanh vang lên làm rung động cái “tánh nghe” rồi biến mất. Rồi những làn âm thanh khác tiếp theo vang lên rồi cũng mất. Âm thanh vang lên, rồi tan biến nhưng tánh nghe thì không mất, tồn tại mãi mãi trong con người. Khi mở cái máy thu thanh thì âm thanh phát ra khiến tai nghe được, có nghĩa là hể có âm thanh phát ra thì tánh nghe tức thì nhận lấy. Nhưng khi tắt cái máy thì âm thanh biến mất nhưng khả năng nhận biết âm thanh vẫn còn, không thay đổi, có nghĩa là tánh nghe luôn luôn có sẵn vĩnh hằng trong chúng ta. Do đó khi có âm thanh thì tánh nghe hòa nhiệp với tai để thu nhập cái âm thanh đó và sau đó phân biệt tạo thành nhĩ thức, tức là sự biết của nghe. Vì thế khi nghe ai hát một bản nhạc thì tánh nghe thu nhận âm thanh vào tai và phân biệt để cho tâm biết đây là bản nhạc hay hay dở, tràn đầy tình cảm hay khô khan như sa mạc mùa hè. Nếu tánh nghe mất thì con người vĩnh viễn sẽ bị điếc, cũng như cái gương còn đó, vật còn đó mà bóng gương tan vỡ thì cái gương không bao giờ phản chiếu hay thấy được vật thể nầy.

Khi thấy những làn sóng biển nhấp nhô, chúng ta cứ lầm tưởng rằng những làn sóng kia là một thực thể riêng biệt và thực có. Nhưng những làn sóng chỉ là dụng hay tướng của thể nước mà thôi chớ thật chất nó không có. Nói một cách khác những làn sóng nước mà chúng ta thấy là Sắc tức là hình dáng bên ngoài còn nước dưới đáy biển yên lặng là cái thể của nước mà chúng ta thấy không được, tức là Không. Nhưng sóng nước và nước cũng chỉ là nước mà thôi. Do đó sóng nước là Sắc không khác thể nước là Không. Vì thế Sắc chẳng khác Không. Bây giờ nếu chúng ta nhìn kỹ muốn có sóng nước thì phải có nước dưới đáy biển trước khi gió tạo thành những làn sóng cao, thấp nhấp nhô. Vì vậy nước dưới đáy biển là thể tức là Không để tạo thành những làn sóng, tức là Sắc. Vì thế Không và Sắc không thể rời nhau hay Không chẳng khác Sắc là như vậy.

Chúng ta đã biết cái Có, tức là ngũ uẩn là do cái Không mà ra thì Không chính là căn bản, là cội nguồn, là bản thể của cái Có. Nói một cách khác là nếu không có cái Không thì dĩ nhiên không bao giờ có cái Có và ngược lại một khi có cái Có là vì có cái Không. Vì thế kinh mới có câu:”Sắc tức là Không và Không tức là Sắc”.

Chẳng hạn như khi nhìn chiếc xe mới đẹp lộng lẫy bên đường. Chiếc xe mới nầy chính là Sắc, nhưng chiếc xe không tự nó tạo nên được mà cần phải do bao nhiêu nhân duyên mới tạo thành. Mà đã là do nhân duyên kết hợp thì nó là vô ngã tức là Không. Thế thì cái xe là có mà tự tánh là Không cho nên Tâm Kinh mới nói Sắc tức là Không. Mặc dầu không tự tánh, không chủ tể, nhưng do nhân duyên hợp lại để tạo thành cái xe mà chúng ta thấy. Cái xe là Có, tức là Sắc. Vì vậy bây giờ Không tức là Sắc.

Một thí dụ khác là khi chúng ta thấy một tấm thép rất rắn chắc hay một viên kim cương thì chúng cũng không hoàn toàn là Sắc. Vì nếu nhìn từ hình thể bên ngoài tức là Tướng của chúng thì không ai dám phủ nhận chúng là những khối đặc và rắn chắc. Nhưng bên trong chúng được cấu tạo bởi những nguyên tử. Cấu trúc của mỗi nguyên tử tuy khác nhau tùy theo hóa chất của nó nhưng tựu trung thì mỗi nguyên tử được tượng trưng như là một cái hộp mà các âm điện tử rất nhỏ chạy quay cuồn chung quanh cái hộp còn ở chính giữa tâm là dương điện tử và trung hòa tử thì cố định và có kích thước tương đối lớn hơn âm điện tử nhưng vẫn rất nhỏ so với kích thước của cái hộp. Do đó nếu viên kim cương nhìn từ bên ngoài thì rất rắn chắc nhưng từ bên trong thì những nguyên tử than (Carbon) nầy gần như trống rỗng mà nhà Phật gọi là Không. Nhưng cái Không không thể nào tách rời cái Sắc được vì thế không có gì là toàn Sắc và cũng chẳng có gì là toàn Không. Như thế thì Sắc tức là Không và Không tức là Sắc.

Khi đã biết Sắc uẩn như thế thì bốn uẩn khác là Thọ, Tưởng, Hành, Thức thì cũng cùng một lý luận. Tại sao? Tại vì có thân là sắc mới sinh ra cảm giác, tư tưởng, suy nghĩ và hay biết. Nay thân, tức là Sắc là Không thì bốn cái tùy thuộc kia của thân cũng là Không luôn. Vì thế mà kinh nói: Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị, tức là cũng như vậy.

Còn câu:” Này Ông Xá Lợi Phất! Tướng “Không” của mọi pháp, không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt” thì như thế nào?

Như phần trên đã nói là khi Quán Tự Tại Bồ tát đã đạt đến chỗ sáng suốt triệt để rồi thì soi thấy cái thể của ngũ uẩn là Không. Mà ngũ uẩn ở đây ý nghĩa bao gồm cả “vạn pháp” là muôn sự, muôn vật trong vũ trụ nầy. Một khi đã thấy cái thể, tức là chỉ thấy cái tướng bề trong, tức là Chơn Không thì không còn thấy cái tướng bề ngoài do ngũ uẩn hay vạn pháp hợp thành. Vì thấy rõ được như thế nên tất cả các tướng đều là Thực tướng của cái thể “sáng chiếu Chơn Không”. Nguyên văn câu kinh là:”Tác liễu nhất thiết tướng, giai thị chiếu thể Chơn không chi thực tướng”. Vậy tướng Không của tất cả vạn hữu là thực tướng của Chơn Không.

Từ đó mà ra thì vạn pháp tuy có cái bề ngoài vật chất, dơ dáy, không trong sạch, nhưng bề trong chính là Thực tướng, là Chơn không, là Phật tánh, là cái gì hết sức thiêng liêng, trong sáng, thường còn bất biến. Vì thế cổ nhân mới có câu:”Nhứt thế sắc giai thị Phật sắc, nhứt thế thanh giai thị Phật thanh”, có nghĩa là tất cả hình tướng đều là hình tướng Phật, tất cả âm thanh đều là âm thanh Phật. Trong kinh Lăng già cũng viết:”Xúc mục vô phi thị Phật”, có nghĩa là những gì chạm đến mắt ta, không gì là không Phật.

Nói tóm lại cái “tướng không” mới là cái “tướng thật” của vạn vật mà thật tướng là chơn thể thì làm gì có sanh, có diệt, có dơ, có sạch hay có thêm, có bớt. Thêm nữa cái thể chân thật hay tướng không của vạn vật cho dù trải qua không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp trong quá khứ vẫn không tìm ra đâu là đầu hay là đi đến chỗ cùng tận của vị lai cũng không tìm đâu là cuối. Xưa sao thì nay vậy, đồng y như một, không hề lay động, không biến không hư.

Ngày nay nếu chúng ta xem dòng điện là thể, tức là Tướng không hay còn gọi là Chơn Không hay thực tướng và ánh sáng của ngọn đèn điện là Tướng, tức là ngũ uẩn hay giả tướng. Khi ta mở thì electron di chuyển tạo ra dòng điện làm đèn cháy, tức là ánh sáng sanh. Nhưng khi ta tắt, các electron không di động làm đèn tắt, tức là ánh sáng diệt. Cho dù chúng ta có mở hay tắt thì thể điện vẫn luôn lưôn nằm trong dây, trước sau như một, không sanh không diệt, không thêm không bớt. Còn cái ánh sáng mà chúng ta thấy bề ngoài thì dĩ nhiên có sanh có diệt, có tăng có giảm. Vì thế nếu chúng ta có thể thấy được cái sự thật bề trong, tức là cái thể của ánh sáng là điện thì chắc chắn thể điện, tức là tướng không sẽ không sanh, không diệt.

Bây giờ hay so sánh thân tâm ngũ uẩn của chúng ta cũng như ánh sáng của ngọn đèn. Ánh sáng của ngọn đèn mà chúng ta thấy được là do cái thể điện, tức là Không mà hiện ra tướng, có nghĩa là Sắc. Còn thân tâm của chúng ta là Sắc thì cũng do cái Chơn thể, tức là Không mà hiện ra tướng. Trong kinh Phật thì Chơn thể còn được gọi là Diệu hữu Chơn không, cũng chính là Chơn tâm, là Phật tánh, là Pháp thân không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm không bớt.

Triết lý nầy Đức Phật đã nói ra trên mấy ngàn năm mà hiện nay có nhiều triết gia Tây phương cũng phát biểu rằng:”Vật chất là tinh thần, tinh thần là vật chất, không thể chia lìa ra được”. Vật chất là vạn hữu, còn tinh thần là Chơn thể, là Chơn không của Đạo Phật. Thấy được vật chất là hiện tướng của tinh thần có thể cho chúng ta một nhãn thức mới đó là tư tưởng Đông Tây rất hòa hợp cho dù tư tưởng nầy chính Đức Phật đã khai thị mấy ngàn năm trước Tây phương.

Bây giờ hãy tìm hiểu câu:”Cho nên trong ”tướng Không” không có Sắc, không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức; không có mắt, tai , mũi, luỡi, thân, ý; không có Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp; không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới; không có vô minh cũng không có cái hết vô minh; cho đến không có già chết, cũng không có cái hết già chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí tuệ cũng không có chứng đắc”.

Đoạn kinh nầy tương đối hơi dài nên chúng ta có thể chia làm hai đoạn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]