Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm Thứ Nhất: Hành Do

25/10/201014:48(Xem: 9638)
Phẩm Thứ Nhất: Hành Do

KINH PHÁP BẢO ĐÀN GIẢNG GIẢI
Hoà Thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Thường Chiếu 1999 PL. 2543

Phẩm Thứ Nhất: Hành Do

DỊCH

Khi ấy Đại sư đến chùa Bảo Lâm tại Thiều Châu, Thứ sử Vi Cừcùng với quan liêu vào núi thỉnh Sư đến trong thành, ở chùa Đại Phạm, tại giảngđường vì chúng khai duyên nói pháp. Sư đăng tòa, Thứ sử quan liêu hơn ba mươingười, Nho tông học sĩ hơn ba mươi người, Tăng Ni đạo tục hơn một ngàn ngườiđồng thời làm lễ, nguyện được nghe pháp yếu. Lục Tổ bảo chúng rằng: Này Thiệntri thức, Bồ đề tự tánh xưa nay thanh tịnh, chỉ dùng tâm này, thẳng đó trọn đượcthành Phật. Này Thiện tri thức, hãy lắng nghe Huệ Năng nói về hành do đượcpháp. Nghiêm phụ của Huệ Năng bổûn quán ở Phạm Dương, bị giáng đày ra Lãnh Nam,làm thường dân ở Tân Châu. Thân này bất hạnh, cha lại mất sớm, mẹ góa con côidời đến NamHải, gian nan nghèo khổ, thường ra chợ bán củi. Khi ấy có một người khách mua,bảo gánh đến khách điếm, khách nhận củi xong, Huệ Năng lãnh tiền, lui ra khỏicửa, thấy một người khách tụng kinh, Huệ Năng một phen nghe lời kinh, tâm liềnkhai ngộ, bèn hỏi khách tụng kinh gì. Khách bảo: “Kinh Kim Cang.” Huệ Năng lạihỏi: “Ở đâu đến thọ trì kinh này?” Khách bảo: “Tôi từ chùa Đông Thiền, huyệnHuỳnh Mai, Kỳ Châu đến. Chùa ấy do Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Đại sư làm chủ giáo hóa,đệ tử có hơn một ngàn người, tôi đến đó lễ bái, nghe nhận kinh này. Đại sư thườngkhuyên kẻ tăng người tục chỉ trì kinh Kim Cang liền được thấy tánh, thẳng đóthành Phật.” Huệ Năng nghe nói, do đời trước có duyên, mới được một người kháchcho Huệ Năng một số bạc là mười lượng để giúp nuôi dưỡng mẹ già và bảo đếnHuỳnh Mai tham vấn Ngũ Tổ.

Huệ Năng an trí mẹ xong liền từ giã ra đi, không hơn bamươi ngày liền đến Huỳnh Mai lễ bái Ngũ Tổ. Tổ hỏi: “Ngươi từ phương nào đến,muốn cầu vật gì?” Huệ Năng đáp: “Đệ tử là dân Tân Châu thuộc Lãnh Nam,từ xa đến lễ Thầy, chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác!” Tổ bảo: “Ông làngười Lãnh Nam,lại là người quê mùa, làm sao kham làm Phật?” Huệ Năng liền đáp: “Người tuy có Nam Bắc nhưng Phật tánh vốn không có Nam Bắc, thânquê mùa này cùng với Hòa thượng chẳng đồng, nhưng Phật tánh đâu có sai khác.”Ngũ Tổ muốn cùng tôi nói chuyện, lại thấy đồø chúng hai bên đông, mới bảo theo chúnglàm công tác. Huệ Năng thưa: “Huệ Năng xin bạch Hòa thượng, tự tâm đệ tử thườngsanh Trí tuệ, không lìa tự tánh tức là phước điền, chưa biết Hòa thượng dạy conlàm việc gì?” Tổ bảo: “Kẻ nhà quê này, căn tánh rất lanh lợi, ông chớ nói nữa,xuống nhà trù đi.” Huệ Năng lui lại nhà sau, có một người cư sĩ sai Huệ Năngbửa củi, giã gạo, trải hơn tám tháng. Một hôm, Tổ chợt thấy Huệ Năng, mới bảo:“Ta nghĩ chỗ thấy của ngươi có thể dùng, nhưng sợ có người ác hại ngươi, nênkhông nói cùng ngươi, ngươi có biết chăng?” Huệ Năng thưa: “Đệ tử cũng biết ýcủa Thầy nên không dám đến nhà trên, để người không biết.”

Một hôm, Ngũ Tổ bảo các đệ tử: “Tất cả hãy đến, ta nói vớicác ông: Người đời sanh tử là việc lớn, các ông trọn ngày chỉ cầu phước điền,chẳng cầu ra khỏi biển khổ sanh tử, tự tánh nếu mê thì phước nào có thể cứu?Các ông, mỗi người hãy đi, tự xem Trí tuệ của mình, nhận lấy tánh Bát nhã nơibản tâm mình, mỗi người làm một bài kệ đến trình cho ta xem, nếu ngộ được đại ýthì ta trao y pháp làm Tổ thứ sáu. Phải nhanh đi, không được chậm trễ, suy nghĩtức là không trúng. Người kiến tánh ngay lời nói phải thấy, nếu như người nàydù khi múa đao giữa trận cũng được thấy tánh.” (Đây là dụ cho người lợi cănthấy cơ thì làm.)

Chúng được chỉ dạy, trở về họp bàn với nhau: “Tất cả chúngta không cần phải lắng lòng dụng ý làm kệ để trình Hòa thượng, đâu có lợi íchgì? Thượng tọa Thần Tú, hiện làm Giáo thọ sư, ắt là người được, chúng ta cógắng làm kệ tụng cũng uổng dụng tâm lực.” Mọi người nghe lời này, thảy đều đồngý nói: “Chúng ta về sau y chỉ Thượng tọa Thần Tú, nhọc gì phải làm kệ.”

Thần Tú suy nghĩ: “Các người đều không trình kệ vì ta làmGiáo thọ sư cho họ, ta cần phải làm kệ trình lên Hòa thượng; nếu không trình kệthì Hòa thượng đâu biết được kiến giải trong tâm ta cạn hay sâu? Ý ta trình kệ,cầu pháp thì tốt, cầu làm Tổ thì xấu, vì đồng với tâm của kẻ phàm, muốn cướpđược ngôi vị Thánh không khác, nếu chẳng trình kệ thì trọn không được pháp. Rấtkhó! Rất khó!”

Trước nhà của Ngũ Tổ có một hành lang ba gian, Ngũ Tổ nghĩmời ông Cung Phụng Lư Trân đến vẽ “Lăng già biến tướng và Ngũ Tổ huyết mạch đồ”để lưu truyền cúng dường. Ngài Thần Tú làm kệ rồi, mấy phen muốn trình, đi đếnnhà trước thì trong tâm hoảng hốt, khắp thân đổ mồ hôi, nghĩ trình chẳng được.Trước sau trải qua bốn ngày, đến mười ba lần, trình kệ không được. Thần Tú mớisuy nghĩ: “Chẳng bằng đến dưới hành lang viết (bài kệ), Hòa thượng đi qua xemthấy, nếu chợt bảo rằng hay thì mình ra lễ bái thưa của Thần Tú làm; nếu nóikhông kham, thật uổng công ở núi mấy năm, thọ người lễ bái, lại tu đạo gì?”Canh ba đêm ấy, không cho người biết, Ngài tự cầm đèn viết bài kệ ở vách phươngNamđể trình chỗ tâm mình thấy được. Bài kệ rằng:

Thân là cội Bồ đề,

Tâm như đài gương sáng.

Luôn luôn phải lau chùi,

Chớ để dính bụi bặm.

(Thân thị Bồ đề thọ,

Tâm như minh cảnh đài.

Thời thời cần phất thức,

Vật sử nhạ trần ai.)

Ngài Thần Tú viết kệ xong, liền trở về phòng, mọi người đềuchẳng biết. Thần Tú lại suy nghĩ: “Ngày mai Ngũ Tổ thấy bài kệ, nếu hoan hỉ tứcta cùng pháp có duyên, nếu nói không kham, tự là ta mê, nghiệp duyên đời trướcnặng nề, không hợp được pháp, thật là Thánh ý khó lường.” Trong phòng suy nghĩ,ngồi nằm chẳng an cho đến canh năm.

Ngũ Tổ đã biết Thần Tú vào cửa chưa được, không thấy tựtánh. Sáng hôm sau, Tổ gọi ông Lư Cung Phụng đến hành lang phía Namđể vẽ đồ tướng trên vách, chợt thấy bài kệ, Ngài bảo Cung Phụng rằng: “Thôi chẳngcần phải vẽ, nhọc công ông từ xa đến. Trong Kinh có nói: Phàm những gì có tướngđều là hư vọng, chỉ để lại một bài kệ này cho người tụng đọc thọ trì, y bài kệnày tu thì khỏi đọa trong ác đạo, y bài kệ này tu thì được lợi ích lớn.” Khiếnđồ đệ thắp hương lễ bái cung kính và tụng đọc bài kệ này tức được thấy tánh.Môn nhân tụng bài kệ đều khen: “Hay thay!”

Đến canh ba, Tổ mới gọi Thần Tú vào trong thất hỏi: “Kệ đó,phải ông làm chăng?” Ngài Thần Tú thưa: “Thật là con làm, chẳng dám vọng cầu Tổvị, chỉ mong Hòa thượng Từ bi xem đệ tử có chút ít Trí tuệ chăng?” Tổ bảo: “Ônglàm bài kệ này chưa thấy được bản tánh, chỉ đến ngoài cửa, chưa vào được trongcửa, kiến giải như thế tìm Vô thượng Bồ đề, trọn không thể được. Vô thượng Bồ đềphải được ngay nơi lời nói mà biết bản tâm mình, thấy được bản tánh mình chẳngsanh chẳng diệt, đối trong tất cả thời mỗi niệm mỗi niệm tự thấy, muôn pháp đềukhông kẹt, một chân tất cả đều chân, muôn cảnh tự như như, tâm như như đó tứclà chân thật. Nếu thấy được như thế tức là tự tánh Vô thượng Bồ đề. Ông hãy đi,một hai ngày sau, suy nghĩ làm một bài kệ khác đem lại tôi xem, bài kệ của ôngnếu vào được cửa, sẽ trao y pháp cho ông.” Ngài Thần Tú làm lễ lui ra, trải quamấy ngày, làm kệ cũng không thành, trong tâm hoảng hốt, thần tư bất an, ví nhưở trong mộng, đi ngồi không vui.

Lại hai ngày sau, có một chú bé đi qua chỗ giã gạo, đọc bàikệ này. Huệ Năng vừa nghe liền biết bài kệ này chưa thấy được bản tánh. Tuychưa nhờ chỉ dạy mà sớm đã biết được đại ý, bèn hỏi chú bé: “Tụng đó là kệ gì?”Chú bé đáp: “Cái ông nhà quê không biết, Đại sư nói: Người đời sanh tử là việclớn, muốn được truyền y pháp, khiến đệ tử làm kệ trình Ngài xem, nếu ngộ đượcđại ý, liền trao y pháp làm Tổ thứ sáu. Thượng tọa Thần Tú viết bài kệ Vô tướngở vách hành lang phía Nam,Đại sư khiến người đều đọc, y kệ này tu sẽ khỏi đọa đường ác, y kệ này tu sẽ cólợi ích lớn.”

Huệ Năng thưa: “Thượng nhân, đã hơn tám tháng, tôi ở nhàtrù giã gạo, chưa từng đến nhà trên, mong thượng nhân dẫn tôi đến trước bài kệlễ bái.” (Có bản nói: Tôi cũng cần tụng bài kệ này để kết duyên.) Chú bé dẫnNgài đến trước bài kệ lễ bái. Huệ Năng bảo: “ Huệ Năng không biết chữ, nhờthượng nhân vì tôi đọc.” Khi ấy có quan Biệt Giá ở Giang Châu họ Trương tênNhật Dụng liền to tiếng đọc. Huệ Năng nghe rồi bèn nói: “Tôi cũng có một bàikệ, mong Biệt Giá vì tôi viết.” Quan Biệt Giá nói: “Ông cũng làm kệ nữa sao?Việc này thật ít có!” Huệ Năng nói với Biệt Giá rằng: “Muốn học đạo Vô thượngBồ đề, không được khinh người mới học. Kẻ hạ hạ cũng có cái trí thượng thượng,còn người thượng thượng cũng không có ý trí. Nếu khinh người thì có vô lượng vôbiên tội.” Quan Biệt Giá nói: “Ông chỉ tụng kệ, tôi vì ông viết, ông nếu đượcpháp, trước phải độ tôi, chớ quên lời này.” Huệ Năng đọc bài kệ:

Bồ đề vốn không cây,

Gương sáng cũng chẳng đài.

Xưa nay không một vật,

Chỗ nào dính bụi bặm?

(Bồ đề bổn vô thọ,

Minh cảnh diệc phi đài.

Bản lai vô nhất vật,

Hà xứ nhạ trần ai?)

Khi viết bài kệ rồi, đồ chúng thảy đều kinh hoàng, không aimà chẳng xuýt xoa, mọi người bảo nhau rằng: “Lạ thay! Không thể do tướng mạo màđoán người, đã bao lâu nay sai nhục thân Bồ tát làm việc.” Tổ thấy cả chúng đềukinh ngạc, sợ có người làm hại Ngài, mới lấy giày xóa hết bài kệ, nói: “Cũngchưa thấy tánh.” Chúng cho là đúng. Ngày kế Tổ thầm đến chỗ giã gạo thấy HuệNăng đeo đá giã gạo, mới bảo rằng: “Người cầu đạo vì pháp quên mình đến thế ư?”Tổ lại hỏi: “Gạo trắng hay chưa?” Huệ Năng thưa: “Gạo trắng đã lâu, còn thiếugiần sàng.” Tổ lấy gậy gõ vào cối ba tiếng rồi đi. Huệ Năng liền hội được ý Tổ,đến khi trống đổ canh ba liền lén vào thất. Tổ lấy cà sa che chung quanh khôngđể người thấy, vì nói kinh Kim Cang, đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”,Huệ Năng ngay lời đó đại ngộ, thấy tất cả muôn pháp chẳng lìa tự tánh, liềnthưa Tổ rằng:

Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,

Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt,

Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,

Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động,

Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp!

Ngũ Tổ biết Huệ Năng đã ngộ được bản tánh mới bảo: “Chẳngbiết bản tâm, học pháp vô ích, nếu biết được bản tâm mình, thấy được bản tánhmình, tức gọi là Trượng phu, là Thầy của trời người, là Phật.” Canh ba thọpháp, người trọn không biết, Tổ liền truyền pháp đốn giáo và y bát, nói rằng:“Ngươi là vị Tổ đời thứ sáu, khéo tự hộ niệm, rộng độ chúng hữu tình, truyềnkhắp đời sau, không khiến cho đoạn tuyệt. Nghe ta nói kệ:

Hữu tình đến gieo giống,

Nhân đất quả lại sanh.

Vô tình cũng không giống,

Không tánh cũng không sanh.”

(Hữu tình lai hạ chủng,

Nhân địa quả hoàn sanh.

Vô tình diệc vô chủng,

Vô tánh diệc vô sanh.)

Tổ lại bảo: “Xưa Đại sư Đạt Ma ban đầu đến cõi này, ngườichưa tin nên mới truyền y này để làm tín thể, đời đời truyền nhau, pháp thìdùng tâm truyền tâm, đều khiến cho tự ngộ tự giải. Từ xưa Phật Phật chỉ truyềnbản thể, Thầy Thầy thầm trao bản tâm, y là đầu mối của sự tranh giành, nên dừngngay nơi ngươi, chớ truyền nữa. Nếu truyền y này thì mạng của người nhận y cũngnhư sợi chỉ mành. Ông phải đi nhanh e người hại ông.” Huệ Năng thưa: “Bây giờcon phải đi đâu?” Tổ bảo: “Gặp ấp Hoài thì dừng, gặp ấp Hội thì ẩn.” Huệ Năngcanh ba lãnh được y bát, thưa: “Huệ Năng vốn là người miền Nam,không biết đường đi, làm sao ra được bến đò?” Ngũ Tổ bảo: “Ông chẳng phải lo,ta tự đưa ông đi.” Tổ liền đưa đến bến đò Cửu Giang, Tổ bảo lên thuyền, Ngũ Tổbèn cầm chèo tự chèo. Huệ Năng thưa: “Thỉnh Hòa thượng ngồi, để đệ tử chèo.” Tổbảo: “Phải là ta độ ông.” Huệ Năng thưa: “Khi mê thì Thầy độ, ngộ rồi thì tựđộ. Độ tên tuy là một nhưng chỗ dùng không đồng. Huệ Năng sanh nơi biên phương,tiếng nói không đúng, nhờ Thầy truyền pháp nay đã được ngộ, chỉ nên tự tánh tựđộ.” Tổ bảo: “Như thế! Như thế! Về sau Phật pháp do ông mà được thạnh hành, ôngđi ba năm, ta sẽ thệ thế. Nay ông đi an vui, nỗ lực hướng về Nam,không nên nói pháp sớm, Phật pháp sẽ gặp tai nạn.” Huệ Năng từ giã Ngũ Tổ rồicất bước đi về phương Nam,trong khoảng hai tháng đến ngọn núi Đại Dữu.

Ngũ Tổ trở về, mấy ngày không thượng đường, chúng nghi mớiđến hỏi: “Hòa thượng có ít bệnh, ít não chăng?” Ngài đáp: “Bệnh thì không, mà ypháp đã về Nam rồi.”Chúng hỏi: “Ai là người được truyền?” Tổ bảo: “Người có khả năng thì được.”Chúng liền biết. Khi đó vài trăm người đuổi theo, muốn cướp y bát, một vị tănghọ Trần, tên Huệ Minh, trước là tướng quân bậc Tứ phẩm, tánh hạnh thô tháo, hếtlòng theo tìm, chạy trước mọi người, đuổi kịp Huệ Năng. Huệ Năng để y bát trênbàn thạch nói: “Y này là biểu tín, có thể dùng sức mà tranh sao!” Huệ Năng liềnẩn trong lùm cỏ, Huệ Minh đến cầm y lên mà không nhúc nhích, mới kêu rằng: “Cưsĩ, cư sĩ! Tôi vì pháp mà đến chớ không phải vì y.” Huệ Năng bèn bước ra ngồitrên bàn thạch. Huệ Minh liền làm lễ thưa: “Mong cư sĩ vì tôi nói pháp.” HuệNăng bảo: “Ông đã vì pháp mà đến thì nên dứt sạch các duyên, chớ sanh một niệm,tôi vì ông nói.” Huệ Minh im lặng giây lâu. Huệ Năng bảo: “Không nghĩ thiện,không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?”Huệ Minh ngay câu nói đó liền đại ngộ. Lại hỏi: “Ngoài mật ngữ, mật ý trên, còncó mật ý khác chăng?” Huệ Năng bảo: “Vì ông nói tức không phải mật vậy, ông nếuphản chiếu thì mật ở bên ông.” Huệ Minh thưa: “Huệ Minh tuy ở Huỳnh Mai, thậtchưa có tỉnh diện mục của chính mình, nay nhờ chỉ dạy như người uống nước lạnhnóng tự biết. Nay cư sĩ tức là Thầy của Huệ Minh.” Huệ Năng bảo: “Ông nếu nhưthế thì tôi cùng ông đồng thờ Thầy Huỳnh Mai, khéo tự hộ trì.” Huệ Minh lạithưa: “Huệ Minh từ nay về sau nhằm chỗ nào đi?” Huệ Năng bảo: “Gặp Viên thì dừng,gặp Mông thì ở.” Huệ Minh liền lễ từ. Huệ Minh trở về, xuống núi bảo nhữngngười đuổi theo: “Đi trên những đồi núi này trọn không tìm ra tung tích, phảiđi qua đường khác tìm.” Cả chúng đuổi theo đều cho là đúng. Huệ Minh về sau đổitên là Đạo Minh, đó là tránh chữ đầu của tên Thầy.

Huệ Năng sau đến Tào Khê lại bị bọn người ác tìm đuổi mới ởnơi Tứ Hội tị nạn trong đám thợ săn, trải qua mười lăm năm, khi đó cùng nhữngngười thợ săn tùy nghi nói pháp. Những người thợ săn thường bảo giữ giềng lưới,khi Huệ Năng thấy những con vật mắc lưới đều thả. Mỗi khi đến bữa ăn, hái raugởi luộc trong nồi thịt, hoặc có người hỏi thì đáp: “Chỉ ăn rau ở bên thịt.”Một hôm, mới suy nghĩ: “Thời hoằng pháp đã đến, không nên trọn trốn lánh.” HuệNăng liền đến chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, gặp Pháp sư Ấn Tông đang giảng kinhNiết bàn. Khi ấy có gió thổi, lá phướn động, một vị tăng nói gió động, một vịtăng nói phướn động, hai người cãi nhau không thôi. Huệ Năng tiến tới nói:“Không phải gió động, không phải phướn động, tâm nhân giả động.” Cả chúng đềungạc nhiên. Ấn Tông mời Huệ Năng đến chiếu trên gạn hỏi áo nghĩa, thấy Huệ Năngđối đáp, lời nói giản dị mà nghĩa lý rất đúng, không theo văn tự. Ấn Tông nói:“Cư sĩ quyết định không phải là người thường, đã lâu nghe y pháp của Huỳnh Maiđi về phương Nam,đâu chẳng phải là cư sĩ?” Huệ Năng nói: “Chẳng dám.” Ấn Tông liền làm lễ, xinđưa y bát đã được truyền cho đại chúng xem. Ấn Tông lại thưa: “Huỳnh Mai phóchúc, việc chỉ dạy như thế nào?” Huệ Năng bảo: “Chỉ dạy tức không, chỉ luận vềkiến tánh, chẳng luận Thiền định giải thoát.” Ấn Tông thưa: “Sao chẳng luậnThiền định giải thoát?” Huệ Năng bảo: “Vì ấy là hai pháp, không phải là Phậtpháp. Phật pháp là pháp chẳng hai.” Ấn Tông lại hỏi: “Thế nào Phật pháp là phápchẳng hai?” Huệ Năng bảo: “Pháp sư giảng kinh Niết bàn, rõ được Phật tánh, ấylà Phật pháp là pháp chẳng hai. Như Bồ tát Cao Quí Đức Vương bạch Phật: Phạm tứtrọng cấm, tạo tội ngũ nghịch và nhất xiển đề v.v... sẽ đoạn thiện căn Phậttánh chăng? Phật bảo: Thiện căn có hai, một là thường, hai là vô thường, Phật tánhchẳng phải thường, chẳng phải vô thường, thế nên chẳng đoạn, gọi là chẳng hai;một là thiện, hai là chẳng thiện, Phật tánh chẳng phải thiện, chẳng phải chẳngthiện, ấy là chẳng hai; uẩn cùng với giới, phàm phu thấy hai, người trí rõ thấutánh nó không hai, tánh không hai tức là Phật tánh.” Ấn Tông nghe nói hoan hỉchấp tay thưa: “Tôi giảng kinh ví như ngói gạch, nhân giả luận nghĩa ví nhưvàng ròng.” Khi ấy vì Huệ Năng cạo tóc, nguyện thờ làm Thầy.

Huệ Năng bèn ở dưới cây Bồ đề khai pháp môn Đông Sơn. HuệNăng được pháp ở Đông Sơn, chịu tất cả những điều cay đắng, mạng giống như sợichỉ mành. Ngày nay được cùng với Sử quân, quan liêu, Tăng Ni, đạo tục đồng ởtrong hội này đâu không phải là duyên của nhiều kiếp, cũng là ở trong đời quákhứ cúng dường chư Phật, đồng gieo trồng căn lành mới nghe cái nhân được phápmôn đốn giáo này. Giáo ấy là các vị Thánh trước đã truyền, không phải tự tríHuệ Năng được, mong những người nghe các vị Thánh trước dạy, mỗi người khiếncho tâm được thanh tịnh, nghe rồi mỗi người tự trừ nghi, như những vị Thánh đờitrước không khác. Cả chúng nghe pháp đều hoan hỉ làm lễ rồi lui.

GIẢNG

Khiấy Đại sư đến chùa Bảo Lâm tại Thiều Châu, Thứ sử Vi Cừ cùng với quan liêu vàonúi thỉnh Sư đến trong thành, ở chùa Đại Phạm, tại giảng đường vì chúng khaiduyên nói pháp. Sư đăng tòa, Thứ sử quan liêu hơn ba mươi người, Nho tông học sĩhơn ba mươi người, Tăng Ni đạo tục hơn một ngàn người đồng thời làm lễ, nguyệnđược nghe pháp yếu.

Trongphẩm này Lục Tổ thuật lại cho toàn chúng nghe về sự tích đắc đạo của Ngài. Đâylà lần thuyết pháp đầu tiên của Ngài, Đại sư tức chỉ Lục Tổ. Lần đăng tòa đầu tiênnày, kể số chúng dự nghe gồm quan liêu hơn ba mươi người, học sĩ hơn ba mươingười, đó là trên sáu mươi người rồi. Còn Tăng Ni đạo tục, đạo tức là ngườixuất gia, tụïc là cư sĩ, tất cả cộng lại hơn một ngàn người, tức là thời thuyếtpháp đầu tiên hơn một ngàn chúng. Khi đó tất cả đều lễ bái cầu được nghe phápyếu.

LụcTổ bảo chúng rằng: “Này Thiện tri thức, Bồ đề tự tánh xưa nay thanh tịnh, chỉdùng tâm này, thẳng đó trọn được thành Phật.”

Ngàinói tự tánh Bồ đề của mình, xưa nay thanh tịnh, chỉ dùng tâm Bồ đề của mình màtu thì sẽ thẳng đến thành Phật không nghi. Ngài nói thẳng cho chúng ta biết, aiai cũng có tánh Bồ đề, nếu biết ứng dụng tu hành sẽ được thành Phật không nghigì cả.

NàyThiện tri thức, hãy lắng nghe Huệ Năng nói về hành do được pháp. Nghiêm phụ củaHuệ Năng bổn quán ở Phạm Dương, bị giáng đày ra Lãnh Nam,làm thường dân ở Tân Châu. Thân này bất hạnh, cha lại mất sớm, mẹ góa con côidời đến Nam Hải, gian nan nghèo khổ, thường ra chợ bán củi. Khi ấy có một ngườikhách mua, bảo gánh đến khách điếm, khách nhận củi xong, Huệ Năng lãnh tiền,lui ra khỏi cửa, thấy một người khách tụng kinh, Huệ Năng một phen nghe lờikinh, tâm liền khai ngộ, bèn hỏi khách tụng kinh gì.

Tiếpđến Ngài yêu cầu chúng lắng nghe Ngài kể lại sự tích, lý do về việc Ngài đượcpháp. Thuở trước ông thân Ngài cũng làm quan, sau bị cách chức đày ra Lãnh Namlàm dân thường tại Tân Châu. Bất hạnh, cha mất sớm, mẹ già dời về Nam Hải, thậtlà gian nan nghèo khổ. Ngài thường ra chợ bán củi, một hôm có người khách muacủi, bảo Ngài gánh đến tiệm, nhận tiền xong vừa ra khỏi cửa Ngài thấy một ngườikhách tụng kinh. Một phen nghe lời kinh, tâm liền khai ngộ. Thảnh thơi quá,không có cực như chúng ta hiện nay phải không? Chúng ta nghe năm này sang nămkhác mà không khai ngộ chi cả. Ngài chỉ cần nghe người ta tụng liền khai ngộ,mới hỏi khách tụng kinh gì. Chưa biết tên kinh mà đã ngộ rồi!

Kháchbảo: “Kinh Kim Cang.” Huệ Năng lại hỏi: “Ở đâu đến thọ trì kinh này?” Kháchbảo: “Tôi từ chùa Đông Thiền, huyện Huỳnh Mai, Kỳ Châu đến. Chùa ấy do Ngũ Tổ HoằngNhẫn Đại sư làm chủ giáo hóa, đệ tử có hơn một ngàn người, tôi đến đó lễ bái,nghe nhận kinh này. Đại sư thường khuyên kẻ tăng người tục chỉ trì kinh KimCang liền được thấy tánh, thẳng đó thành Phật.” Huệ Năng nghe nói, do đời trướccó duyên, mới được một người khách cho Huệ Năng một số bạc là mười lượng đểgiúp nuôi dưỡng mẹ già và bảo đến Huỳnh Mai tham vấn Ngũ Tổ.

Trongđoạn trên Ngài kể lý do đi tìm Ngũ Tổ, chúng ta thấy túc duyên của Ngài quádầy, sau này Ngài thường được gọi là nhục thân Bồ tát. Sanh trong hoàn cảnh cơ cựcnghèo khốn, mồ côi sớm lại dốt nát vì không được học hành, nhưng vừa nghe mộtcâu kinh liền ngộ, tại sao thế? Thường chúng ta cho rằng người có phúc duyênmới được sanh trong những gia đình giàu có, mới thông minh học giỏi. Còn sanhtrong gia đình nghèo, lại mồ côi sớm, không được học hành thì gọi là vô phước.Tại sao vô phước mà nghe một câu kinh liền ngộ, còn những người có phước nghehoài mà không ngộ? Như vậy ai hơn ai? Ai có phước hơn ai? Đó là điều chúng tôimuốn nhắc cho tất cả quí vị hiểu để khỏi thắc mắc. Nếu nói một đời này, ra đời,nghe một câu kinh liền ngộ, như trong kinh thường nói: Nhất văn thiên ngộ (mộtnghe ngàn ngộ) thì đã là bậc Bồ tát rồi. Đã là Bồ tát, tại sao lại thiếu phướcphải sanh trong cảnh côi cút, nghèo nàn, dốt nát? Như vậy Bồ tát kém phước hơnmình sao? Đó là điều chúng ta thấy đáng hoài nghi, nhưng sự thật không có gìđáng hoài nghi cả. Chúng ta đã nói Ngài là một vị nhục thân Bồ tát, mà Bồ tátgiáo hóa chúng sanh luôn luôn tùy nguyện. Có vị sanh trong cung vua có kẻ hầungười hạ rồi chán đời đi tu, như thế để cho người đời thấy rằng cảnh vương giảkhông câu thúc được các Ngài, các Ngài vẫn từ bỏ tất cả để đi tu và những ngườisống trong hoàn cảnh sang cả trông gương đó mà phát tâm. Có khi các Ngài sanhtrong gia đình trung lưu, học hành chút ít rồi phát tâm xuất gia, như thế nhữngngười hạng trung lưu thấy các Ngài ở trong hoàn cảnh đó mà tu được thì mình cũngtu được. Có khi các Ngài nguyện sanh trong cảnh nghèo nàn, dốt nát mà đi tu đểnhững người nghèo nàn dốt nát thấy mình cũng đồng hoàn cảnh với các Ngài thìmình cũng đi tu được.

Tómlại, Bồ tát muốn cho tất cả chúng sanh đều phát Bồ đề tâm, nên có khi thị hiệntrong cảnh sang cả, có khi ở trong cảnh bần cùng, nhưng trong bất cứ hoàn cảnhnào Bồ tát cũng tu được cả, đó là việc tùy duyên hóa độ của các Ngài. Chúng tađừng nghĩ rằng Ngài ít phước hơn mình, không phải thế, đó là vì nguyện của Bồtát, cốt làm sao cho tất cả chúng sanh đều tin rằng mình tu được. Thế là cácNgài mãn nguyện. Chúng ta đọc sử thấy có những vị trong gia đình trưởng giảphát tâm tu, có những vị trong gia đình bần hàn phát tâm tu, có vị bỏ quan đitu v.v... như thế để hiểu ý nghĩa Bồ tát, chớ không nên cố chấp bảo rằng Ngàithiếu phước mà tại sao Ngài lại mau ngộ. Đó là hiện tượng thị hiện của chư Bồtát tùy bản nguyện. Sau khi phát tâm tu, liền có một người bạn giúp Ngài một sốtiền để nuôi mẹ. Quí vị thấy, nếu theo thế gian thì Ngài phạm lỗi bất hiếu phảikhông? Vì có một mẹ một con mà nay bỏ mẹ đi tu, đó là bất hiếu. Như thế chúng tathấy nếu giữ chữ hiếu thì Ngài không đi tu được, không thể đem lợi ích chochúng sanh được. Thế nên Ngài phải nhờ người giúp một số tiền gởi lại nuôi mẹgià. Nếu bất hiếu thì buổi đầu Ngài đâu có gánh củi bán để nuôi mẹ, chỉ vì khingộ đạo rồi, thấy chỗ cao siêu của đạo, Ngài mới quyết tâm đi học đạo để tựgiác ngộ và giác ngộ chúng sanh, vì thế Ngài phải cam nhận lỗi không tròn chữhiếu.

HuệNăng an trí mẹ xong liền từ giã ra đi, không hơn ba mươi ngày liền đến HuỳnhMai lễ bái Ngũ Tổ.

Ngàitừ giã mẹ ra đi, không quá một tháng thì đến Huỳnh Mai lễ bái Ngũ Tổ. Ngày xưangười đi tầm đạo chỉ đi bộ nên đi từ tỉnh này đến tỉnh kia phải cả tháng trời,còn chúng ta hiện nay đi từ đây ra Huế khoảng một tuần lễ là nhiều, vậy mà cònthan khổ, than cực. Đối với tâm cầu đạo, chúng ta thật không thể sánh với ngườixưa.

Tổhỏi: “Ngươi từ phương nào đến, muốn cầu vật gì?” Huệ Năng đáp: “Đệ tử là dânTân Châu thuộc Lãnh Nam,từ xa đến lễ Thầy, chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác!” Tổ bảo: “Ngươi làngười Lãnh Nam,lại là người quê mùa, làm sao kham làm Phật?”

Quívị thấy Ngũ Tổ là một vị Tổ mà sao Ngài nói bất công vậy? Ngài dư biết rằng tấtcả chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật, thếtại sao đối với người tới học đạo Ngài lại khinh miệt, bảo rằng ngươi là ngườiLãnh Nam, là người ở nơi rừng núi, người quê mùa dốt nát, đâu thể kham làmPhật. Tại kiểu cách phong kiến của Ngài như thế hay là Ngài có ý gì? Đó là cáchNgài dọ thử xem sự hiểu biết của người cầu thành Phật này ra sao, nên mới cóthái độ như thế.

HuệNăng liền đáp: “Người tuy có Nam Bắc nhưng Phật tánh vốn không có Nam Bắc, thânquê mùa này cùng với Hòa thượng chẳng đồng, nhưng Phật tánh đâu có sai khác.”

Nhưthế do Ngài nghe một câu mà ngộ, biết được Phật tánh của tất cả đều đồng nhau.

NgũTổ muốn cùng tôi nói chuyện, lại thấy đồ chúng hai bên đông, mới bảo theo chúnglàm công tác.

Quacâu đối đáp, Ngũ Tổ đã biết khả năng của Ngài như thế nào rồi, nên muốn cùngNgài nói chuyện, nhưng thấy chung quanh quá đông, đang lắng nghe, e bại lộ rồi hạicho Ngài nên bảo Ngài đi xuống làm công tác, nhưng Ngài chưa vừa ý nên lý luậnthêm:

HuệNăng thưa: “Huệ Năng xin bạch Hòa thượng, tự tâm đệ tử thường sanh Trí tuệ,không lìa tự tánh tức là phước điền, chưa biết Hòa thượng dạy con làm việc gì?”Tổ bảo: “Kẻ nhà quê này căn tánh rất lanh lợi, ông chớ nói nữa, xuống nhà trùđi.”

Bấygiờ Ngũ Tổ “nạt kẻ nhà quê lanh lợi, xuống nhà trù đi”, vì Tổ thấy nói thêm làcó hại.

HuệNăng lui lại nhà sau, có một người cư sĩ sai Huệ Năng bửa củi, giã gạo, trảihơn tám tháng.

NgàiHuệ Năng mới lui lại nhà sau, có một cư sĩ sai Ngài giã gạo. Có quyển sách kháckể thêm: Một hôm Ngũ Tổ xuống thấy Ngài giã gạo, cột sợi dây ngang lưng đèothêm một viên đá, vì Ngài ốm quá không đủ sức nặng cho cái chày đạp cất lên, nênphải đeo thêm một viên đá, thấy thế Tổ mới than: “Người cầu đạo quên mình đếnthế ư?” Như vậy chúng ta mới thấy công tám tháng giã gạo của Ngài. Trong támtháng giã gạo, Ngài đã quên mình, làm việc cực nhọc không kể đến thân. Có nơicòn tô điểm thêm rằng: Khi giã gạo Ngài đeo đá nên sợi dây siết vô thịt, lâungày thịt bị thúi có giòi, khi Ngài giã gạo, sợi dây chạm vào, giòi rớt ra,Ngài lượm bỏ lên. Những lời này e hơi quá đáng, còn việc Ngài đeo đá giã gạothì các sách đều có nói.

Mộthôm, Tổ chợt thấy Huệ Năng, mới bảo: “Ta nghĩ chỗ thấy của ngươi có thể dùng,nhưng sợ có người ác hại ngươi, nên không nói cùng ngươi, ngươi có biết chăng?”Huệ Năng thưa: “Đệ tử cũng biết ý của Thầy nên không dám đến nhà trên, để ngườikhông biết.”

Nhưthế là Thầy trò cảm thông nhau. Nhưng quí vị có thắc mắc về điểm này hay không?Thầy trò nói chuyện thì cứ nói, tại sao lại sợ có người hại? Ở chùa chớ đâuphải ở chỗ tranh giành quyền thế mà sợ bị hại? Thuở trước khi đọc tới chỗ nàytôi cũng ngạc nhiên, tại sao nói chuyện đạo lý mà phải sợ có người hại? Sau nàytôi mới biết sự thật là như vậy. Bởi vì đồ chúng của Ngũ Tổ, cả cư sĩ và họcchúng khoảng hơn một ngàn người, riêng chư Tăng khoảng năm trăm người, có sáchnói bảy trăm vị, ở đấy đã nhiều năm, trong đó lại có ngài Thần Tú là vị Giáothọ sư, giảng kinh cho học chúng. Cả năm trăm người, Ngũ Tổ chưa chấp nhận mộtngười nào, nay một người cư sĩ quê mùa, từ xa mới đến, nếu được Ngũ Tổ truyền ybát thì thế nào? Cả năm trăm Tăng chúng nghĩ sao? Dĩ nhiên là không chấp nhậnđược, thế nên sợ hại là vì lý do đó. Cũng vì thế sau này chư Tổ không truyền y bátnữa, nếu còn truyền y bát chắc cái hại cũng còn kéo dài. Tại sao? Vì người đượctruyền y bát là người xứng đáng làm Tổ. Nhưng Tăng chúng ở chùa đã mấy mươinăm, tu học đã lâu, nay một cư sĩ quê mùa vừa mới đến lại được làm Tổ thì Tăngchúng nghĩ sao? Có tức hay không? Thế nên họ không thể chấp nhận được, mà khôngchấp nhận được thì phải hành động như thế nào? Phải thủ tiêu! Nếu trong chúngcó người tu học lâu, hiểu đạo sâu, nay được Tổ truyền y bát thì không có gìphải nghi ngờ, cũng không sợ bị ai hại vì người đó được chúng kính phục, xứngđáng làm Thầy. Nhưng đây là một cư sĩ, lại quê mùa nữa, đủ điều kiện để ngườita khinh bỉ mà thình lình được làm Tổ thì không ai chấp nhận, thế nên có thểphải bị hại. Ngũ Tổ hiểu hoàn cảnh đó, Ngài biết người cư sĩ này xứng đáng kế thừaNgài mà Ngài không dám để cho chúng biết. Nếu như ngài Thần Tú có khả năng nhưthế, chắc không có gì khó khăn cả. Trường hợp của ngài Huệ Năng rất đặc biệt,nên Ngũ Tổ dè dặt bảo: “Theo ngôn ngữ của ngươi, ta biết ngươi có thể dùng đượcnhưng e có người ác hại ngươi, nên không nói chuyện với ngươi, ngươi biếtchăng?” Lục Tổ thưa: “Con biết ý của Thầy nên con không dám lên nhà trên.” Conbiết phận con nên chỉ ở nhà dưới giã gạo. Như vậy quí vị thấy ông Thầy biếthoàn cảnh của người học trò, mà người học trò cũng biết được hoàn cảnh củamình, do đó mới đánh lừa được cả chúng, chớ nếu trong hai người, có một ngườikhông biết được hoàn cảnh đó thì có thể bị chúng phát giác sớm rồi.

Mộthôm, Ngũ Tổ bảo các đệ tử: “Tất cả hãy đến, ta nói với các ông: Người đời sanhtử là việc lớn, các ông trọn ngày chỉ cầu phước điền, chẳng cầu ra khỏi biển khổsanh tử, tự tánh nếu mê thì phước nào có thể cứu? Các ông, mỗi người hãy đi, tựxem Trí tuệ của mình, nhận lấy tánh Bát nhã nơi bản tâm mình, mỗi người làm mộtbài kệ đến trình cho ta xem, nếu ngộ được đại ý thì ta trao y pháp làm Tổ thứsáu. Phải nhanh đi, không được chậm trễ, suy nghĩ tức là không trúng. Ngườikiến tánh ngay lời nói phải thấy, nếu như người này dù khi múa đao giữa trậncũng được thấy tánh.”

Chúngđược chỉ dạy, trở về họp bàn với nhau: “Tất cả chúng ta không cần phải lắnglòng dụng ý làm kệ để trình Hòa thượng, đâu có lợi ích gì? Thượng tọa Thần Túhiện làm Giáo thọ sư, ắt là người được, chúng ta có gắng làm kệ tụng cũng uổngdụng tâm lực.” Mọi người nghe lời này, thảy đều đồng ý nói: “Chúng ta về sau ychỉ Thượng tọa Thần Tú, nhọc gì phải làm kệ.”

Tấtcả đều đinh ninh là về sau sẽ y chỉ vị Giáo thọ sư nên không nhọc công làm kệtrình.

Tôinhắc lại ý nghĩa lời dạy của Ngũ Tổ. Điểm thứ nhất Ngũ Tổ dạy: Người đời sanhtử là việc lớn, phải tìm cách thoát khỏi biển khổ sanh tử, chớ trọn ngày mải lolàm việc phước điền thì phước đó không thể nào cứu được mình, khi mình chưa thấyđạo, phước đó chưa giúp mình giải thoát. Không cứu được là không cứu cho mìnhgiải thoát sanh tử. Muốn ra khỏi biển khổ sanh tử, mỗi người phải tự phát Trítuệ của chính mình, Trí tuệ đó phát khởi, mới thoát khỏi biển khổ sanh tử; nếuchúng ta mải lo việc phước điền thì phước điền đó chỉ giúp chúng ta bớt nghèo,bớt khổ ở trong sanh tử thôi, chớ không giải thoát sanh tử. Tổ bảo tiếp: “Nhưvậy mỗi người phải về làm một bài kệ đến trình, nếu người nào làm bài kệ đúngý, ta sẽ truyền y pháp làm Tổ thứ sáu.” Nghe như thế cả đại chúng đều xôn xao.Tại sao các năm về trước Ngài không bảo trình kệ mà ngay lúc này Ngài bảo trìnhkệ? Quí vị thấy ý gì trong việc đó chưa? Trước khi vị cư sĩ này tới hỏi đạo,Ngài không bảo chúng trình kệ, khi có vị cư sĩ này thì Ngài lại bảo chúng trìnhkệ. Dĩ nhiên chúng ta thấy rõ ý của Ngài. Khi biết có người xứng đáng kế thừa,Ngài mới bảo chúng trình kệ để thử xem mọi người trình như thế nào để Ngàichọn. Thế nên đại chúng xôn xao bàn tán phải trình kệ như thế nào. Vì vậy tiếptheo Tổ dạy thật là kỹ.

Điểmthứ hai Ngũ Tổ bảo rằng: Người thấy tánh dù ở trong chỗ binh đao vẫn thấy tánhchớ không mất. Người thật tình được đạo thì ở chỗ nào cũng thấy đạo, chớ khôngphải nói rằng ngồi chỗ vắng mới thấy đạo, đến chỗ ồn thì hết thấy, như thế chưaphải là thấy đạo. Quí vị phải nhớ như vậy. Dù ở cảnh nào, thấy đạo cũng vẫn làthấy đạo, vì đạo ở ngay nơi mình. Mình thấy nó thì ở đâu cũng thấy. Ngồi chỗvắng cũng có nó, đến chỗ ồn cũng có nó, chớ đâu phải chỗ ồn không có đạo, chỗvắng mới có đạo. Sở dĩ đến chỗ ồn không thấy đạo là vì mình thấy ồn. Thấy ồntức thấy ở ngoài, chớ thật tình chúng ta thấy cái chân thật của mình thì ở đâucũng có đạo, không phải đợi đến chỗ vắng vẻ mới có. Quí vị phải nhớ kỹ như vậy.Đó là chỗ Ngũ Tổ chỉ dạy cho tất cả chúng, nhất là Ngài bảo: Nếu suy nghĩ thìkhông trúng. Làm kệ mà ngồi cắn bút, bóp trán suy nghĩ thì điều đó không đúng rồi.Vì thế gần đây tôi hay chê những vị mới tu học sơ sơ hay làm thơ. Tại sao? CácTổ ngày xưa không phải là nhà văn, nhà thơ chi cả, nhưng mỗi hành động đều đúngvới lẽ thật nên vừa xuất khẩu là hợp ý Tổ, không phải ngồi bóp đầu bóp trán, vìvừa ngồi bóp đầu bóp trán là sai rồi. Khổ nỗi hiện nay có một số người tu Thiềnsơ sơ, lâu lâu tổ chức uống trà, người này làm thơ đưa người kia xem, người kialàm thơ trình người nọ xem rồi phê bình nhau v.v... và cho đó là mình làm thơThiền, làm kệ Thiền... Đó là Thiền gì? Là Thiền loạn tưởng chớ không phải thậtlà Thiền. Thật là Thiền thì khi đối cảnh liền phát hiện chớ không đợi suy nghĩ.Vì người thấy được lẽ thật nói điều gì cũng đúng lẽ thật, còn người chưa thấylẽ thật dù suy nghĩ thế nào cũng không đúng. Thí dụ như chúng ta có đôi mắtsáng nhìn thấy rõ bình bông trên bàn, nếu có người hỏi bình bông như thế nào,dù chúng ta không tả rõ tất cả chi tiết, nhưng chúng ta nói bình bông màu xanh,màu vàng... chúng ta cũng nói đúng. Trái lại, nếu tôi hỏi một người mù bìnhbông trên bàn như thế nào thì dù họ suy nghĩ thế mấy cũng không đúng, dù cónghe người ta nói họ suy nghĩ theo cũng không đúng. Thế nên đã thấy thì dù nóiđơn sơ cũng đúng, còn không thấy dù cố suy nghĩ thế mấy cũng vẫn không đúng.Chỗ này không phải chỗ suy nghĩ mà được, nhưng nhiều người lại chuộng suy nghĩ,cho suy nghĩ ra được lẽ đạo. Đó là điều lầm lẫn lớn. Thế nên cái thấy đạo là tựthấy, chớ không phải suy nghĩ, do đó Ngũ Tổ mới quở: Không nên có dụng tâm, nếungười thấy tánh dù ở giữa trận cũng thấy.

Saukhi nghe Ngũ Tổ dạy, tất cả chúng đều xôn xao bàn với nhau, chúng ta có một vịGiáo thọ sư, trên là Tổ, dưới là vị Giáo thọ sư, Tổ chọn vị này dạy chúng ta,hẳn nhiên vị này phải như thế nào rồi, người dạy chúng ta sẽ là người được kếthừa không còn nghi ngờ gì nữa. Chúng ta đã học với ông ấy tức nhiên ông ấy đâucó dở, dù chúng ta có làm cũng vô ích, hãy nhường ông ấy cho xong. Đó là mộtcái thế dồn vị Giáo thọ sư này đến chỗ bất khả kháng. Ông không muốn trình,nhưng toàn chúng đều không làm thì làm sao? Hoàn cảnh đã đưa Thần Tú đến mộtcái thế khó xử, vì chính Ngài cũng còn nghi ngờ không chắc là Ngài sẽ được Tổchấp nhận.

ThầnTú suy nghĩ: Các người đều không trình kệ vì ta làm Giáo thọ sư cho họ, ta cầnphải làm kệ trình lên Hòa thượng; nếu không trình kệ thì Hòa thượng đâu biếtđược kiến giải trong tâm ta cạn hay sâu. Ý ta trình kệ cầu pháp thì tốt, cầu làmTổ thì xấu, vì đồng với tâm của kẻ phàm, muốn cướp được ngôi vị Thánh khôngkhác, nếu chẳng trình kệ thì trọn không được pháp. Rất khó! Rất khó!

Đólà Ngài tự lượng ý Ngài: Nếu trình kệ để cầu được pháp đó là điều tốt, nếutrình kệ để cầu làm Tổ đó là xấu vì còn ham danh, ham lợi không khác kẻ phàmphu. Thật là khó vì nếu không trình kệ thì Thầy không biết ý mình làm sao Thầy truyềnpháp, nhưng làm kệ, xem như mình muốn làm Tổ!

Trướcnhà của Ngũ Tổ có một hành lang ba gian, Ngũ Tổ nghĩ mời ông Cung Phụng Lư Trânđến vẽ Lăng già biến tướng và Ngũ Tổ huyết mạch đồ (tức là huyết mạch truyền traotừ chư Tổ.) để lưu truyền cúng dường. Ngài Thần Tú làm kệ rồi, mấy phen muốntrình, đi đến nhà trước thì trong tâm hoảng hốt, khắp thân đổ mồ hôi, nghĩtrình chẳng được. Trước sau trải qua bốn ngày, đến mười ba lần, trình kệ khôngđược.

Tạisao? Ai ngăn mà trình không được? Đó là tại nghi bài kệ của mình chưa chắc làđược, vì mình không có tự ngộ, do suy lý mà nói thì không tin lời mình là đúngnên muốn trình lại ngại, vì thế trong bốn ngày, mười ba lần đến cửa rồi thốilui, không trình được, như vậy cái khổ của Ngài lúc đó thật vô cùng!

ThầnTú mới suy nghĩ: Chẳng bằng đến dưới hành lang viết (bài kệ), Hòa thượng đi quaxem thấy, nếu chợt bảo rằng hay thì mình ra lễ bái thưa: Của Thần Tú làm; nếunói không kham, thật uổng công ở núi mấy năm, thọ người lễ bái lại tu đạo gì?

Bởivì Ngài bán tín bán nghi chưa tin mình được đạo, nay phải trình thẳng, Ngài sợnếu Ngũ Tổ bảo chưa được thì còn gì thể diện, nên kế hay nhất là nơi hành lang NgũTổ thường đi qua, Ngài lén viết bài kệ lên đó. Nếu Ngũ Tổ xem rồi hỏi ai làmbài kệ hay quá thì Ngài ra đảnh lễ thưa: Bạch con làm! Còn nếu Ngũ Tổ chê thìlánh mặt cho rồi, mặt mũi nào nhìn đại chúng. Thật là uổng công ở núi! Ngàinghĩ đó là kế an toàn nhất. Thế nên người dở mà ở địa vị thấp thì thật dễ, cònở địa vị cao thật khó xử vô cùng. Người ta đã suy tôn mình làm Thầy, nếu mìnhlàm không tròn trách nhiệm, mặt mũi nào nhìn học trò. Đó là cái khổ tâm củangười lớn mà chưa thật lớn!

Canhba đêm ấy, không cho người biết, Ngài tự cầm đèn viết bài kệ ở vách phương Namđể trình chỗ tâm mình thấy được. Bài kệ rằng:

Thânlà cội Bồ đề,

Tâmnhư đài gương sáng.

Luônluôn phải lau chùi,

Chớđể dính bụi bặm.

Thếthì thật hay! Ví dụ thân mình như cây Bồ đề, tâm như đài gương sáng, cũng haychứ! Và đài gương sáng muốn cho sáng mãi thì phải làm thế nào? Phải lau, phảichùi, chớ để dính bụi. Như vậy trên phương diện tu hành, bài kệ này thật là hay.Người mới đọc qua thì thấy bài kệ thật hay, nào những hình ảnh cụ thể, thânmình giống cây Bồ đề, tâm mình như đài gương sáng, nào khuyên mình tu một cáchcụ thể, hằng ngày lau gương đừng để dính bụi. Nhưng đối với người thấy tánh thìbài kệ này chưa thấy tánh. Tại sao? Gương mờ phải lau, đang lau thì làm saothấy tánh? Nếu thấy tánh thì không còn lau nữa. Tại sao? Vì thể tánh đó bụikhông dính được, còn nghĩ như mặt gương phải lau mãi là chưa thấy tánh. Chúngta dốt mà đọc qua còn biết Ngài chưa thấy tánh.

NgàiThần Tú viết kệ xong, liền trở về phòng, mọi người đều chẳng biết. Thần Tú lạisuy nghĩ: Ngày mai Ngũ Tổ thấy bài kệ, nếu hoan hỉ tức ta cùng pháp có duyên,nếu nói không kham, tự là ta mê, nghiệp duyên đời trước nặng nề, không hợp đượcpháp, thật là Thánh ý khó lường. Trong phòng suy nghĩ, ngồi nằm chẳng an chođến canh năm.

Nhưthế là suốt đêm Ngài trằn trọc mãi, không ngủ được. Viết bài kệ rồi Ngài cũngvẫn bất an, thật là khổ tâm, vì không biết ngày mai Ngũ Tổ khen hay chê, khenthì còn được, nếu chê thì còn mặt mũi nào, thế nên ngồi nằm không an mãi đếncanh năm.

NgũTổ đã biết Thần Tú vào cửa chưa được, không thấy tự tánh.

Thậtra Thầy lúc nào cũng biết rõ học trò, nên tuy bảo làm Giáo thọ dạy chúng, nhưngbiết là ngài Thần Tú chưa vào cửa nổi. Vì biết rõ như thế nên tuy bảo làm kệ nhưngthật ra Ngũ Tổ không nhắm vào ngài Thần Tú, mà Tổ có chỗ nhắm khác. Để cho côngbằng Tổ phải tuyên bố cho tất cả chúng trình kệ, nếu không như thế mà riêngtruyền y pháp cho một người nào khác thì chúng sẽ thắc mắc. Khi nào chúng trìnhkệ không được, Tổ truyền y pháp cho người khác, họ mới không thắc mắc.

Sánghôm sau, Tổ gọi ông Lư Cung Phụng đến hành lang phía Namđể vẽ đồ tướng trên vách, chợt thấy bài kệ, Ngài bảo Cung Phụng rằng: “ Thôichẳng cần phải vẽ, nhọc công ông từ xa đến. Trong kinh có nói “Phàm những gì cóhình tướng đều là hư vọng”, chỉ để lại một bài kệ này cho người tụng đọc thọtrì, y bài kệ này tu thì khỏi đọa trong ác đạo, y bài kệ này tu thì được lợiích lớn.” Khiến đồ đệ thắp hương lễ bái cung kính và tụng đọc bài kệ này tứcđược thấy tánh. Môn nhân tụng bài kệ đều khen: “Hay thay!”

Đâylà kế của Ngũ Tổ, nếu Tổ không khen thì không làm sao biết được tác giả vì dướibài kệ đâu có ký tên, thế nên Tổ mới khéo bày kế đánh lừa mọi người. Tổ bảo:Nhọc công Cung Phụng từ xa đến, kinh Kim Cang có nói, phàm những gì có hình tướngđều là hư vọng, thôi ông không cần phải vẽ đồ tướng, hãy để bài kệ này chochúng đọc, người nào y đó tu hành sẽ khỏi đọa trong ba đường ác, sẽ được lợiích, sẽ thấy tánh. Tổ lại bảo đồ đệ đốt hương kính cẩn lễ bái bài kệ. Nghe nhưthế dĩ nhiên là ngài Thần Tú mừng không kể xiết, Ngài phải nhận là của Ngài làmchớ đâu còn ẩn tránh nữa, vậy là Ngài đã mắc kế của Ngũ Tổ rồi! Khi đó tất cảmôn nhân đều tụng và đều khen bài kệ hay. Đệ tử thì thường như thế. Thầy khenđiều gì hay là đồ đệ cũng khen theo, chớ không biết hay ở điểm nào, nghe Thầytán dương việc gì thì đệ tử cũng tán dương theo, đó là bệnh chung! Người họctrò luôn luôn lệ thuộc Thầy, nói theo Thầy chớ không biết rõ đâu là đúng, đâulà sai.

Đếncanh ba, Tổ mới gọi Thần Tú vào trong thất hỏi: “Kệ đó, phải ông làm chăng?”Ngài Thần Tú thưa: “Thật là con làm, chẳng dám vọng cầu Tổ vị, chỉ mong Hòathượng Từ bi xem đệ tử có chút ít Trí tuệ chăng?”

Ngàinghĩ rằng Ngũ Tổ khen như vậy là chấp nhận Ngài làm Tổ rồi, nhưng vì khiêmnhường nên Ngài thưa: Bạch con làm, nhưng con không dám mong cầu Tổ vị, chỉtrình để Thầy xem con có chút ít Trí tuệ chăng? Đó là lời nói khiêm nhường, khôngngờ:

Tổbảo: “Ông làm bài kệ này chưa thấy được bản tánh, chỉ đến ngoài cửa, chưa vàođược trong cửa, kiến giải như thế tìm Vô thượng Bồ đề, trọn không thể được. Vô thượngBồ đề phải được ngay nơi lời nói mà biết bản tâm mình, thấy được bản tánh mìnhchẳng sanh chẳng diệt, đối trong tất cả thời mỗi niệm mỗi niệm tự thấy, muônpháp đều không kẹt, một chân tất cả đều chân, muôn cảnh tự như như, tâm như nhưđó tức là chân thật. Nếu thấy được như thế tức là tự tánh Vô thượng Bồ đề. Ônghãy đi, một hai ngày sau, suy nghĩ làm một bài kệ khác đem lại tôi xem, bài kệcủa ông nếu vào được cửa, sẽ trao y pháp cho ông.” Ngài Thần Tú làm lễ lui ra,trải qua mấy ngày, làm kệ cũng không thành, trong tâm hoảng hốt, thần tư bấtan, ví như ở trong mộng, đi ngồi không vui.

Nhưthế là Ngũ Tổ thật khéo, thật tâm lý, nếu không thì việc lớn hỏng hết. Nếu buổisáng giữa đông đảo chúng vừa khen bài kệ xong, Ngũ Tổ gọi ngài Thần Tú lại hỏi:Phải ông làm bài kệ này không? Dĩ nhiên ngài Thần Tú sẽ thưa: Bạch con làm. Lúcấy Ngũ Tổ bảo rằng: “Bài kệ này không vào cửa được” thì còn gì thể diện củangài Thần Tú. Tuy khen bài kệ, tuy biết tác giả mà Tổ không hỏi liền, đợi đếncanh ba vắng vẻ Tổ mới gọi ngài Thần Tú vào hỏi. Khi ngài Thần Tú nhận là bàikệ của Ngài, Tổ mới bảo ông chưa vào cửa được. Lúc đó Ngài mới kinh ngạc, tuykinh ngạc mà không mất thể diện với đồ chúng. Đó là cái khéo của Ngũ Tổ, thậtlà khéo! Thế nên người lớn muốn cho vẹn toàn với đồ đệ cũng là cực lắm. Nếu ngườinóng nảy thì gọi ra hỏi và phê bình ngay giữa đồ chúng đông đảo, như thế chắcngài Thần Tú không chịu đựng nổi sự hổ thẹn. Tổ bảo tiếp: Thôi ông trở về vàingày làm một bài kệ khác đem đến trình, nếu được ta sẽ trao y pháp cho. NgàiThần Tú lễ rồi lui ra. Bấy giờ Ngài còn tinh thần nào làm kệ nữa. Bao nhiêu cốgắng mới làm được bài kệ đó, nay Ngũ Tổ không chấp nhận thì còn tinh thần nàođể làm bài kệ thứ hai.

Lạihai ngày sau có một chú bé đi qua chỗ giã gạo, đọc bài kệ này. Huệ Năng vừanghe liền biết bài kệ này chưa thấy được bản tánh.

Ngườiđến được cảnh đó nghe bài kệ liền biết tác giả bài kệ chưa vô cửa được. Đó làđệ tử mà còn biết, huống nữa là ông Thầy!

Tuychưa nhờ chỉ dạy, mà sớm đã biết được đại ý, bèn hỏi chú bé: “Tụng đó là kệgì?” Chú bé đáp: “Cái ông nhà quê không biết, Đại sư nói: Người đời sanh tử làviệc lớn, muốn được truyền y pháp, khiến đệ tử làm kệ trình Ngài xem, nếu ngộ đượcđại ý, liền trao y pháp làm Tổ thứ sáu. Thượng tọa Thần Tú viết bài kệ Vô Tướngở vách hành lang phía Nam,Đại sư khiến người đều đọc, y kệ này tu sẽ khỏi đọa đường ác, y kệ này tu sẽ cólợi ích lớn.” Huệ Năng thưa: “Thượng nhân, đã hơn tám tháng, tôi ở nhà trù giãgạo, chưa từng đến nhà trên, mong Thượng nhân dẫn tôi đến trước bài kệ lễ bái.”

Thậtlà lời nói khiêm nhường! Chú bé mà Ngài gọi là Thượng nhân. Ngài nói: Tôi ở đâylàm công quả hơn tám tháng trời, chưa lên tới nhà trên, nay nhờ Thượng nhân dẫntôi đến lễ bái bài kệ để kết duyên. Dĩ nhiên là chú bé thích rồi.

Chúbé dẫn Ngài đến trước bài kệ lễ bái. Huệ Năng bảo: “Huệ Năng không biết chữ,nhờ Thượng nhân vì tôi đọc.” Khi ấy có quan Biệt giá ở Giang Châu họ Trương tênNhật Dụng liền to tiếng đọc. Huệ Năng nghe rồi bèn nói: “Tôi cũng có một bàikệ, mong Biệt giá vì tôi viết.” Quan Biệt giá nói: “Ông cũng làm kệ nữa sao?Việc này thật ít có!” Huệ Năng nói với Biệt giá rằng: “Muốn học đạo Vô thượngBồ đề, không được khinh người mới học. Kẻ hạ hạ cũng có cái trí thượng thượng,còn người thượng thượng cũng không có ý trí. Nếu khinh người thì có vô lượng vôbiên tội.” Quan Biệt giá nói: “Ông chỉ tụng kệ, tôi vì ông viết, ông nếu đượcpháp, trước phải độ tôi, chớ quên lời này.”

QuanBiệt giá ban đầu ngạc nhiên nên nói: Ông cũng có kệ nữa sao? Thấy quan Biệt giángạc nhiên, ngài Huệ Năng biết ông này khinh người, cho mình là quê mùa dốt nátnên Ngài mới bảo: Kẻ hạ hạ cũng có trí thượng thượng, còn người được xem làthượng thượng cũng không có ý trí, đừng tưởng người ở cấp cao là người hay.Nghe thế quan Biệt giá liền bảo: Ông nói đi, tôi viết cho nhưng phải nhớ là ôngđược pháp thì độ tôi trước. Thành ra cũng là tham phải không? Khi giúp ngườicũng đòi quyền lợi trước!

HuệNăng đọc bài kệ:

Bồđề vốn không cây,

Gươngsáng cũng chẳng đài.

Xưanay không một vật,

Chỗnào dính bụi bặm?

Bồđề chỉ cho tánh giác, tánh giác không có hình tướng thì không phải là cây, đâylà bác câu “Thân là cây Bồ đề.” Ngài Thần Tú nói thân này là cây Bồ đề, Ngài nóitrái lại: Bồ đề là tánh giác, tánh giác thì đâu có hình tướng mà nói là cây.Câu thứ nhất bác hình thức cây Bồ đề. Đến câu thứ hai ngài Thần Tú nói: “Tâmnhư đài gương sáng”, như vậy đài gương sáng là gương sáng hay đài sáng? Nếu nóiđài gương sáng thành ra nhấn mạnh chữ đài. Gương là tự nó sáng không cần có đàimới sáng, nếu nói đài gương sáng là đã lầm cái hình thức thứ hai. Đến hai câusau “Xưa nay không một vật, Chỗ nào dính bụi bặm”, tức là chỗ chân thật đó xưanay không một vật huống nữa là dính bụi bặm? Ngài Thần Tú nói “Luôn luôn phảilau chùi, Chớ để dính bụi bặm” nhưng xưa nay nó không dính một vật thì chùi cáigì? Đã không có một vật thì có gì dính bụi? Như thế rõ ràng ngài Huệ Năng thấy đượcbản tánh xưa nay không có một hình trạng, không có một tướng mạo, chính bảntánh đó tự thanh tịnh, không cần lau chùi mới thanh tịnh. Đó là Ngài đã thấyđược, còn ngài Thần Tú không thấy được nên suy nghĩ theo lối tu nặng về hìnhthức: cái gương có bụi dính nay rán chùi cho hết bụi, đó là chưa thấy được bảntánh thật vì tánh giác không tướng mạo, đã không tướng mạo thì có gì nhiễm, cógì dính được nó, thấy rõ được như vậy thì không bao giờ lầm, không phải lauchùi gì cả. Lau chùi là chỉ hình thức bên ngoài, chớ tánh giác không có tướngmạo nên nó hằng thanh tịnh, hằng thanh tịnh thì chỗ nào dính bụi mà phải lauchùi? Như vậy qua bài kệ này mọi người thấy rõ là Ngài đã vô cửa, còn bài kệcủa ngài Thần Tú chưa vô cửa.

Khiviết bài kệ rồi, đồ chúng thảy đều kinh hoàng, không ai mà chẳng xuýt xoa, mọingười bảo nhau rằng: “Lạ thay! Không thể do tướng mạo mà đoán người, đã bao lâunay sai nhục thân Bồ tát làm việc!”

Thếnên, ai đọc bài kệ này cũng giật mình, cả chúng đều ngạc nhiên, thảy đều kinhhoàng, không ai mà chẳng xuýt xoa. Đồ chúng bảo nhau thật không ngờ, không nênxem tướng mà đoán người, vì chúng ta thường có bệnh xem tướng đoán người, ai ănmặc tề chỉnh, gương mặt sáng sủa thì cho người đó là thông minh, ai ăn mặc lôithôi, gương mặt hơi khờ thì cho đó là người quê dốt. Nay chúng mới ngạc nhiênkhông ngờ mấy tháng nay mình sai vị nhục thân Bồ tát làm việc. Như thế là họhốât hoảng cho Ngài là Bồ tát. Nhưng trong đoạn tiếp theo, chúng ta sẽ thấy NgũTổ thật là người hiểu tâm lý.

Tổthấy cả chúng đều kinh ngạc, sợ có người làm hại Ngài, mới lấy giày xóa hết bàikệ, nói: “Cũng chưa thấy tánh.” Chúng cho là đúng.

Ngườihọc trò thường như thế. Khi mới đọc bài kệ thì thấy hay hơn bài kệ trước. Tựbiết như vậy, nhưng khi nghe vị Thầy bảo cũng chưa thấy tánh và lấy giày xóathì cũng nói theo: À, phải rồi cũng chưa thấy tánh và cũng yên tâm như vậy! Thếnên người học đạo khi nghe ai bảo điều gì là phải mà mình thấy rõ chưa phải thìvẫn biết là chưa phải, ai nói điều gì là sai mà mình xét thấy đúng vẫn biết làđúng, như thế mới có lập trường. Còn người ta bảo “phải” mình thưa phải, ngườita nói “sai” mình cũng dạ sai, rồi theo đó mà khen mà chê là không có lậptrường, đó là cái hại. Nhất là khi đọc sách, người hướng dẫn hoặc người viếtsách khen điều gì, ta cũng khen theo, chê điều gì, ta cũng chê theo, mà khôngbiết hay dở ở điểm nào, đó là khuyết điểm lớn của người học.

Ngàykế, Tổ thầm đến chỗ giã gạo thấy Huệ Năng đeo đá giã gạo, mới bảo rằng: “Ngườicầu đạo vì pháp quên mình đến thế ư?”

Thậtcũng khổ sở! Tổ thấy ngài Huệ Năng đeo đá giã gạo mới bảo: Người cầu đạo vìpháp quên mình đến như thế ư? Tức là nếu cần làm thì cứ làm chẳng nghĩ đếnthân, còn chúng ta như thế nào? Vào chùa, khi làm việc gì nặng là than ngay: Ôi,tôi làm không nổi, một mình tôi làm không nổi, phải hai, ba người mới được; cònNgài nếu một mình không nổi thì đeo thêm một viên đá cho đủ sức nặng, đó là vìđạo quên mình. Trái lại nếu vì mình thì thế nào? Nơi nào dù có đạo mà cực quáthì bỏ đi tìm chỗ sung sướng hơn; thế nên vì mình thì quên đạo, còn vì đạo thìquên mình. Người cầu được đạo thì dù khổ cực thế mấy cũng chấp nhận, người vìmình thì dù nơi có đạo lý nhưng cực nhọc quá cũng bỏ đi tìm nơi khác sung sướnghơn. Vậy người học đạo phải lấy đây làm gương. Thật ra trong chúng mấy trămngười, nếu mình yếu không đủ sức nặng để giã gạo thì kêu thêm một người nữa,đâu có hại gì, nhưng Ngài không cần, ví dụ phải sáu mươi kí mới cất nổi cái chàymà Ngài chỉ có bốn mươi kí thì Ngài đeo thêm viên đá hai mươi kí nữa là đượcrồi, không cần gọi thêm người thứ hai. Chính việc làm vì đạo quên mình của Ngàikhiến cho người sau mỗi khi đọc đến đều cảm động và chính Ngũ Tổ cũng phảikhen: “Vì pháp mà quên mình đến thế ư?”

Tổlại hỏi: “Gạo trắng hay chưa?” Huệ Năng thưa: “Gạo trắng đã lâu, còn thiếu giầnsàng.” Tổ lấy gậy gõ vào cối ba tiếng rồi đi. Huệ Năng liền hội được ý Tổ, đếnkhi trống đổ canh ba liền lén vào thất. Tổ lấy cà sa che chung quanh không đểngười thấy, vì nói kinh Kim Cang, đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, HuệNăng ngay lời đó đại ngộ, thấy tất cả muôn pháp chẳng lìa tự tánh, liền thưa Tổrằng:

Đâungờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,

Đâungờ tự tánh vốn không sanh diệt,

Đâungờ tự tánh vốn tự đầy đủ,

Đâungờ tự tánh vốn không dao động,

Đâungờ tự tánh hay sanh muôn pháp!

NgũTổ biết Huệ Năng đã ngộ được bản tánh mới bảo: “Chẳng biết bản tâm, học pháp vôích, nếu biết được bản tâm mình, thấy được bản tánh mình, tức gọi là Trượngphu, là Thầy của trời người, là Phật.” Canh ba thọ pháp, người trọn không biết,Tổ liền truyền pháp đốn giáo và y bát, nói rằng: “Ngươi là vị Tổ đời thứ sáu,khéo tự hộ niệm, rộng độ chúng hữu tình, truyền khắp đời sau, không khiến chođoạn tuyệt. Nghe ta nói kệ:

Hữutình lai hạ chủng,

Nhânđịa quả hoàn sanh.

Vôtình diệc vô chủng,

Vôtánh diệc vô sanh.

Chữtình không có nghĩa thức tình, chữ tình đây chỉ cho những người đã có được hạtgiống tức là có cái chủng tánh về đạo lý. Người có tình đến nên gieo giống cho họ,nhân nơi đất mà quả lại sanh, tức là người đã có chủng tánh về đạo lý này, khihọ đến nên gieo giống cho họ, nhân nơi đất tự tánh của họ sẵn có sẽ sanh raquả. Còn vô tình tức là người không có hạt giống đó, không có giống thì khôngcó tánh, cũng không có sanh. Người không có chủng tử đó mình có gieo cũng khómà được, nên nói không tánh cũng không sanh. Đây là bài kệ truyền pháp.

Tôilặp lại đoạn này cho quí vị thấy chỗ cần yếu khi ngài Huệ Năng ngộ. Chúng tathấy khi nghe đọc một câu kinh Kim Cang Ngài đã ngộ rồi, tại sao tới đây Ngàilại ngộ nữa? Như thế lần ngộ trước và lần ngộ sau khác nhau ở điểm nào? Thườngchúng ta không hiểu kỹ nên thắc mắc, khi trước Ngài cũng ngộ nên Ngài mới thưachuyện với Ngũ Tổ, Ngài mới làm bài kệ và được Ngũ Tổ chấp nhận là vào cửa, đếnđây Ngài lại ngộ nữa là ngộ cái gì? Cái ngộ trước là Ngài mới thấy “Bản lai vônhất vật”, nghĩa là thấy thể tánh đó không có một hình tướng, không có một vậttượng, chỉ là một thể tánh rỗng lặng, vì thấy được chỗ đó nên vào cửa. Đến chỗnày Ngài thấy thế nào? Ngài nói: Đâu ngờ tâm mình thanh tịnh, đâu ngờ tâm mìnhchẳng sanh diệt, nó tự đầy đủ, nó không dao động, nó hay sanh muôn pháp, nhưthế đến đây Ngài mới thấy thật thể của bản tâm. Khi trước Ngài chỉ mới thấy chỗkhông có vọng, đó là tánh không, bởi thấy được tánh không nên mới được vào cửa.Vào cửa chưa phải là xong việc, phải thấy được cái đầy đủ, thanh tịnh, chưatừng sanh diệt, không dao động và hay sanh muôn pháp, thấy tột cái đó mới gọilà thấy được bản tánh mình. Như vậy qua đoạn này chúng ta mới thấy rõ người họcđạo không phải ngộ một lần là xong. Trong nhà Thiền thường nói rằng đại ngộ ítra cũng ba bốn lần, còn tiểu ngộ thì vô số. Tiểu ngộ là sao? Tỉ dụ nghe mộtthời giảng, chúng ta có lóe sáng một điều gì mình thích, thấy điều đó từ trướcđến nay chưa từng biết, nay mình biết, đó là tiểu ngộ. Còn đại ngộ là một lầnnhận ra được thì vui cả năm bảy ngày, nghĩa là điều đó là một việc lớn mà từ trướcđến nay chưa bao giờ mình phát minh được, nay phát minh được, đó là đại ngộ.Nhưng một lần cũng chưa xong, phải đôi ba lần như thế, thế nên người học đạophải có ngộ chớ không ngộ thì khó vào đạo. Ngài Thần Tú hiểu lý kinh mà chưangộ đạo nên vào cửa không nổi.

Đếntrường hợp Tổ muốn truyền y pháp cho ngài Huệ Năng. Trước hết là pháp, muốn truyềnpháp, đầu tiên Tổ đem kinh Kim Cang giảng cho Ngài nghe, nhưng khi giảng kinh, tạisao lại lấy y che hết các cửa sổ không cho ai thấy cả? Có phải tại vì truyềnpháp thì phải bí mật không? Vì hoàn cảnh của Tổ là khác. Tổ biết rằng nếu cóngười nào hay Tổ truyền cho ngài Huệ Năng họ sẽ chống đối, bởi vì lúc ấy ngàiHuệ Năng chưa cạo tóc, Ngài chỉ giã gạo tám tháng rồi Tổ gọi lên truyền y bát.Thế nên Tổ phải che kín hết không cho ai thấy, chỉ một Thầy một trò, Tổ giảngkinh Ngài nghe rồi ngộ. Tổ lén truyền pháp xong rồi đưa ra cửa sau đi luônkhông dám cho ở. Còn chúng ta hiện nay, khi truyền pháp có cần che kín như thếkhông? Tỉ dụ tôi có đạo lý gì muốn truyền cho Phước Hảo hay những chú lớn trongđây, tôi có cần che kín không? Vì trường hợp của Tổ là trường hợp đặc biệt phảigiấu. Còn trường hợp thông thường, Thầy nói đệ tử nghe, nhận hiểu tức là đượcđạo. Nay có một số người bắt chước cho đây là mật truyền, gọi vào phòng che kínlại rồi truyền và nói là y theo Tổ thuở xưa. Thật đúng với câu “ôm cây đợi thỏ”hay “khắc mạn thuyền mò gươm”, thật là khờ dại! Hoàn cảnh của người xưa khác,nay lại bắt chước cái mật đó! Phật pháp không phải mật vì có những trường hợpquá đặc biệt nên mới mật thôi. Như thế quí vị phải hiểu rõ tinh thần truyềnpháp, không phải là chỉ truyền khi nào có một Thầy một trò trong trường hợpđóng cửa, đó là cái họa, không phải đúng. Tổ khi xưa làm như thế, vì đặc biệtngài Huệ Năng là người chưa được mọi người tin tưởng, nếu Tổ để cho họ biết làcó hại nên phải dùng phương tiện đó. Khi truyền pháp Tổ dùng kinh Kim Cang. Thếnên tôi thường nói với quí vị, đầu tiên chúng ta học kinh Kim Cang để nhân kinhmà nhận được bản tánh. Những câu sau đây quí vị thấy Ngũ Tổ nói thật là gần.Ngài bảo rằng: Người học đạo không biết được bản tâm thì học đạo vô ích, họcđạo mà không nhận được bản tâm thì học cái gì? Học đạo là cốt ngộ được bản tâmmà không ngộ được tức nhiên là học bên ngoài chớ chưa phải là học đạo. Còn nếubiết được bản tâm, thấy được bản tánh, đó là Trượng phu, là Thầy của trờingười, là Phật, tức là đủ mười hiệu. Như thế người muốn thành Phật phải y thếmà tu. Sau khi dặn dò, Lục Tổ nhận pháp rồi, Ngũ Tổ truyền y bát, bảo rán gìngiữ. Tổ lại dặn trong một bài kệ: Nếu người có chủng tử đạo lý đến thì phải ránvì họ mà gieo giống tức là làm phương tiện để cho họ khai ngộ, chính nơi đấttâm của họ có sẵn thì mình gieo hạt giống, quả từ đó phát triển sanh khởi khôngkhó; còn người chưa có chủng tử đó thì không gieo giống được, đã không có chủngtử, có gieo giống cũng không sanh khởi vì thế mới nói rằng “vô tánh diệc vôsanh.”

Tổlại bảo: “Xưa Đại sư Đạt Ma ban đầu đến cõi này, người chưa tin nên mới truyềny này để làm tín thể, đời đời truyền nhau, pháp thì dùng tâm truyền tâm, đều khiếncho tự ngộ tự giải. Từ xưa Phật Phật chỉ truyền bản thể, Thầy Thầy thầm traobản tâm, y là đầu mối của sự tranh giành, nên dừng ngay nơi ngươi, chớ truyềnnữa. Nếu truyền y này thì mạng của người nhận y cũng như sợi chỉ mành.”

Phậtcũng truyền cho mình cái bản thể, chư Sư cũng truyền cho mình cái bản tâm, đó làđiều chính yếu. Tại sao khi xưa Tổ Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Hoa truyền y bát, đếnđời Lục Tổ, Ngũ Tổ lại cấm truyền y? Vì ngay đời Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Ngài chỉ mớicó vài đệ tử thôi nên người nào xuất sắc hơn thì được Ngài truyền y để làm bằngchứng cho người sau tin. Đến đời Ngũ Tổ số đệ tử lên đến năm bảy trăm người,đến Lục Tổ số chúng đông đến cả ngàn người, nay truyền y cho một người, baonhiêu người khác ganh tị, tranh giành là cái họa cho người đó. Thế nên về sau,người nào được pháp rồi, Tổ bảo họ đến một nơi nào đó truyền bá chớ không giaoy cho vì giao y là giao họa cho họ. Chúng ta đã thấy rõ lý do, chớ thường chúngta hay cố chấp nói, khi xưa Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền pháp rồi truyền y bát cho TổHuệ Khả, Tổ Tổ truyền nhau tới sáu đời. Sau này không truyền nữa tức là đến đókhông còn Tổ nữa, tức là hết người ngộ rồi, đó là lầm lẫn lớn. Tỉ dụ như ở đây,trong chúng có cả trăm người nghe chúng tôi giảng dạy, giả sử có một người trảlời đúng câu tôi hỏi, tôi nói: Người này xứng đáng kế thừa cho tôi. Khi nghenhư thế quí vị tin người đó chưa? Dĩ nhiên là tin rồi, đâu cần truyền cái gìnữa. Thế nên, trong các hội chúng sau này, hội nào cũng từ năm trăm đến mộtngàn người, nếu có người nào ngộ đạo, Tổ chỉ nói tỉ dụ như “Trái mai đã chín”là thiên hạ hiểu rồi, đua nhau tìm tới học chớ không phải truyền y gì cả. Hoàncảnh thuở xưa khác, người sau không hiểu cứ cố chấp, nói tại sao sau này khôngcó truyền y bát, mà truyền y bát để làm gì? Điều quan trọng là mình phải ngộđạo, cho nên nói Phật Phật truyền nhau tâm thể đó, Tổ Tổ truyền nhau bản tâm này,vậy phải hiểu y bát chỉ để làm biểu tín bên ngoài khi chưa có người biết, cònkhi mọi người đều biết thì nó không cần thiết nữa. Ngũ Tổ bảo tiếp:

“Ôngphải đi nhanh, e người hại ông.” Huệ Năng thưa: “Bây giờ con phải đi đâu?” Tổbảo: “Gặp ấp Hoài thì dừng, gặp ấp Hội thì ẩn.” Huệ Năng canh ba lãnh được ybát, thưa: “Huệ Năng vốn là người miền Namkhông biết đường đi, làm sao ra được bến đò?” Ngũ Tổ bảo: “Ông chẳng phải lo,ta tự đưa ông đi.” Tổ liền đưa đến bến đò Cửu Giang, Tổ bảo lên thuyền, Ngũ Tổbèn cầm chèo tự chèo. Huệ Năng thưa: “Thỉnh Hòa thượng ngồi, để đệ tử chèo.” Tổbảo: “Phải là ta độ ông.” Huệ Năng thưa: “Khi mê thì Thầy độ, ngộ rồi thì tựđộ. Độ tên tuy là một nhưng chỗ dùng không đồng. Huệ Năng sanh nơi biên phương,tiếng nói không đúng, nhờ Thầy truyền pháp nay đã được ngộ, chỉ nên tự tánh tựđộ.” Tổ bảo: “Như thế! Như thế! Về sau Phật pháp do ông mà được thạnh hành, ôngđi ba năm, ta sẽ thệ thế. Nay ông đi an vui, nỗ lực hướng về Nam,không nên nói pháp sớm, Phật pháp sẽ gặp tai nạn.” Huệ Năng từ giã Ngũ Tổ rồicất bước đi về phương Nam,trong khoảng hai tháng đến ngọn núi Đại Dữu.

LụcTổ ở trong hoàn cảnh bị người khinh, nhưng Ngũ Tổ nhìn Ngài ở chỗ tâm sáng, vìtâm sáng nên xứng đáng được truyền pháp, còn cái hình thức, sự dốt nát v.v...là những điều bị thiên hạ khinh, người bị khinh mà được truyền pháp làm Tổ thìthiên hạ tức, do đó có thể bị hại. Thế nên giữa đêm Ngũ Tổ phải cực khổ lén đưangài Huệ Năng đi, có thể hai Thầy trò cầm đèn đưa nhau ra bến đò, rồi qua bênkia sông lên bờ. Ngũ Tổ lại dặn dò: “Ngươi đi rồi, ba năm sau ta sẽ tịch, vậyngươi đi bình yên, rán đi về phía Nam,đừng có dạy sớm.” Thật là chí tình!

NgũTổ trở về, mấy ngày không thượng đường, chúng nghi mới đến hỏi: “Hòa thượng cóít bệnh, ít não chăng?” Ngài đáp: “Bệnh thì không, mà y pháp đã về Namrồi.” Chúng hỏi: “Ai là người được truyền?” Tổ bảo: “Người có khả năng thìđược.” Chúng liền biết.

Vìhọ đã được đọc bài kệ của ngài Huệ Năng nên khi nghe Ngũ Tổ nói họ liền biết làNgài. Biết rồi họ có tha không?

Khiđó vài trăm người đuổi theo, muốn cướp y bát, một vị tăng họ Trần, tên HuệMinh, trước là tướng quân bậc Tứ phẩm, tánh hạnh thô tháo, hết lòng theo tìm,chạy trước mọi người, đuổi kịp Huệ Năng. Huệ Năng để y bát trên bàn thạch nói:“Y này là biểu tín có thể dùng sức mà tranh sao!” Huệ Năng liền ẩn trong lùmcỏ, Huệ Minh đến cầm y lên mà không nhúc nhích, mới kêu rằng: “Cư sĩ, cư sĩ!Tôi vì pháp mà đến chớ không phải vì y.” Huệ Năng bèn bước ra ngồi trên bànthạch. Huệ Minh liền làm lễ thưa: “Mong cư sĩ vì tôi nói pháp.” Huệ Năng bảo:“Ông đã vì pháp mà đến thì nên dứt sạch các duyên, chớ sanh một niệm, tôi vìông nói.” Huệ Minh im lặng giây lâu. Huệ Năng bảo: “Không nghĩ thiện, khôngnghĩ ác, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Huệ Minhngay câu nói đó liền đại ngộ.

Đâylà bài thuyết pháp đầu tiên của Lục Tổ. Ngài thuyết pháp quá đơn giản. Ngàibảo: Ông dừng tất cả vọng tưởng, đừng nghĩ gì cả. Huệ Minh đứng lặng yên giâylâu thì Lục Tổ bảo: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì làbản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Huệ Minh liền ngộ. Như thế chỉ một câunói, Huệ Minh ngộ được bản lai diện mục của mình.

Lạihỏi: “Ngoài mật ngữ, mật ý trên, còn có mật ý khác chăng?” Huệ Năng bảo: “Vìông nói tức không phải mật vậy, ông nếu phản chiếu thì mật ở bên ông.”

Ôngđừng hỏi nữa, đã vì ông mà nói rồi thì đâu còn mật. Cái mật là cái ông biếtphản chiếu trở lại đó. Chúng ta thường có bệnh nghe nói chứng được Phật quả thìcó tam minh, lục thông, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng v.v... ai nấy đều thích,nhưng nay nghe nói bản tâm mình thanh tịnh, hằng tri thì thắc mắc: Thế là khôngcòn gì lạ nữa sao? Nếu chỉ được cái thanh tịnh hằng tri đó thì có vẻ thườngquá, không có điều gì mật, điều gì quan trọng cả! Nhưng thật ra chính cái thanhtịnh hằng tri đó nếu mình sống được, lâu sau tự nhiên có cái mật. Đừng hỏithêm, không ai chỉ thêm được điều gì nữa, cái đó là ở nơi mình chớ không phải ởnơi người chỉ. Người chỉ giúp cho mình nhận ra được cái đó, rồi mình sống vớinó, lâu ngày bao nhiêu diệu dụng theo đó mà có, chớ không phải người khác làmcho mình được. Như vậy là Ngài chỉ rõ mật là tại ông, tức là ông biết phảnchiếu, cái mật ở nơi ông.

HuệMinh thưa: “Huệ Minh tuy ở Huỳnh Mai, thật chưa có tỉnh diện mục của chínhmình, nay nhờ chỉ dạy như người uống nước lạnh nóng tự biết. Nay cư sĩ tức làThầy của Huệ Minh.” Huệ Năng bảo: “Ông nếu như thế thì tôi cùng ông đồng thờ ThầyHuỳnh Mai, khéo tự hộ trì.”

Câu:“Nay nhờ chỉ dạy như người uống nước lạnh nóng tự biết” là câu trình kiến giải.Như thế Huệ Minh cũng can đảm, là người xuất gia mà dám nhận một cư sĩ làm Thầy.

HuệMinh lại thưa: “Huệ Minh từ nay về sau nhằm chỗ nào đi?” Huệ Năng bảo: “GặpViên thì dừng, gặp Mông thì ở.” Huệ Minh liền lễ từ.

Đâylà điểm tôi nghi, vì trước đó Ngài chưa biết phải đi đâu, nên hỏi Ngũ Tổ “conphải đi đâu” thì Ngũ Tổ bảo “phùng Hoài... ngộ Hội v.v...”, nay thình lình HuệMinh vừa ngộ hỏi con đi đâu thì Ngài cũng dặn bảo được, thành ra mau quá, nên tôinghi. Trong đoạn trước tôi có nói, người sau ghi lại muốn cho có vẻ huyền bímột chút, nên điểm tô thêm một ít nét, nếu chúng ta kiểm điểm lại thì thấy rõ.Nếu trước Ngài đã biết tức Ngài không hỏi Ngũ Tổ, vì Ngài chưa biết thân phậnmình, nên phải nhờ Ngũ Tổ định đoạt, trong lúc chạy trốn Ngài đâu có ngày giờngồi tu mà nói tâm Ngài được sáng, biết quá khứ vị lai? Đến khi Huệ Minh ngộhỏi, Ngài liền biết chỗ nào nên ở, chỗ nào nên đi, đó là Ngài biết quá khứ vịlai rồi. Điều này e là người sau bổ túc, đó là điểm tôi nghi, vì khi nghiêncứu, chúng ta phải thấy điểm nào là thật, điểm nào là không thật, chớ không thểđọc sao nghe vậy.

HuệMinh trở về, xuống núi bảo những người đuổi theo: “Đi trên những đồi núi nàytrọn không tìm ra tung tích, phải đi qua đường khác tìm.” Cả chúng đuổi theođều cho là đúng. Huệ Minh về sau đổi tên là Đạo Minh, đó là tránh chữ đầu củatên Thầy.

HuệMinh nói gạt chúng là đi theo mấy ngọn đồi núi chập chùng này không tìm ra dấuvết gì cả, thôi tìm đường khác đi, đó là gạt chúng đừng đuổi theo.

HuệNăng sau đến Tào Khê lại bị bọn người ác tìm đuổi, mới ở nơi Tứ Hội (Tứ Hộithuộc tỉnh Quảng Đông), tị nạn trong đám thợ săn, trải qua mười lăm năm, khi đócùng những người thợ săn tùy nghi nói pháp. Những người thợ săn thường bảo giữgiềng lưới, khi Huệ Năng thấy những con vật mắc lưới đều thả. Mỗi khi đến bữaăn, hái rau gởi luộc trong nồi thịt, hoặc có người hỏi thì đáp: “Chỉ ăn rau ởbên thịt.”

Tutheo Ngài cũng hơi dễ, rau luộc trong nồi thịt cũng dễ ăn hơn rau luộc bằngnước trong. Như thế quí vị thích tu theo cách này không? Mình ăn rau gởi luộctrong nồi thịt thôi, không ăn thịt! Nói thế thì có nhiều vị bắt chước, về nhàvợ con nấu thịt cũng bỏ rau vào luộc, đến khi ăn thì ăn rau thôi! Nhưng chúngta không nên bắt chước như vậy. Chúng ta phải hiểu hoàn cảnh của Ngài, Ngài cònhình thức cư sĩ và Ngài cũng giấu không cho người ta biết tung tích của Ngài,nếu Ngài tỏ ra là người tu, sợ người ta biết tung tích thì có hại, nên Ngàigiấu hẳn. Ngài sống như bao nhiêu người tầm thường khác, Ngài cũng làm việc vớithợ săn để mọi người không nghi ngờ, thế nên Ngài không có quyền luộc một nồirau riêng sợ người ta nghi, còn chúng ta hiện nay có quyền luộc rau riêng thìcứ luộc, tại sao muốn gởi trong nồi thịt? Đó là có ý xấu rồi! Phải hiểu hoàncảnh mỗi bên khác nhau, đừng nghe rồi bắt chước, nói khi xưa Lục Tổ cũng luộcrau trong nồi thịt thì nay tôi cũng ăn rau bên cạnh thịt có hại chi đâu? Phảihiểu hoàn cảnh của Ngài khác, hoàn cảnh của mình khác, mình có quyền luộc rauriêng được thì cứ luộc riêng, chớ cứ gởi theo kiểu đó mãi chắc là khó coi lắm!Hiểu như thế mới thấy ý nghĩa của mỗi phần, chớ nhiều khi chúng ta hay bắtchước người xưa một cách lố bịch, không đúng. Như thế là Ngài chạy từ nơi NgũTổ đến đây gần một năm và ở trong đám thợ săn mười lăm năm nữa tức là mười sáunăm trời vất vả!

Mộthôm, mới suy nghĩ: Thời hoằng pháp đã đến, không nên trọn trốn lánh. Huệ Năngliền đến chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, gặp Pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết bàn.Khi ấy có gió thổi, lá phướn động, một vị tăng nói gió động, một vị tăng nóiphướn động, hai người cãi nhau không thôi. Huệ Năng tiến tới nói: “Không phảigió động, không phải phướn động, tâm nhân giả động.” Cả chúng đều ngạc nhiên.Ấn Tông mời Huệ Năng đến chiếu trên gạn hỏi áo nghĩa (Tức là nghĩa sâu kín.),thấy Huệ Năng đối đáp, lời nói giản dị mà nghĩa lý rất đúng, không theo văn tự.Ấn Tông nói: “Cư sĩ quyết định không phải là người thường, đã lâu nghe y phápcủa Huỳnh Mai đi về phương Nam,đâu chẳng phải là cư sĩ?” Huệ Năng nói: “Chẳng dám!” Chẳng dám là lời nói khiêmnhường chấp nhận.

Đếnđây tôi nói chuyện phong phan một chút. Quí vị thấy Ngài xuất đầu lộ diện quacâu chuyện gió động, phướn động. Giả sử như vào ngày rằm tháng tư, chúng tatreo lá cờ Phật giáo ở trước cửa, gió thổi lá cờ bay phất phới, có hai vị sư cãinhau, một người nói gió động, một người nói cờ động, có một người khác lại nói:đó là tâm hai ông động. Nghe như thế, chúng ta có thấy quan trọng không? Cũngthường thôi. Nhưng tại sao khi Ngài nói câu đó cả chúng đều ngạc nhiên? Tạisao? Thật ra vì hiện nay chúng ta thường được nghe câu chuyện đó, chúng ta đãquen rồi nên không ngạc nhiên. Nếu từ trước đến nay chưa từng nghe, mà thấy mộtcư sĩ nói một câu như vậy, tức nhiên mọi người đều lấy làm lạ, nếu một ngườixuất gia nói câu đó thì khả dĩ người ta không ngạc nhiên lắm, nay một cư sĩ mànói một câu như thế thì mọi người đều biết cư sĩ này hẳn có một cái gì đặc biệtnên mới ngạc nhiên.

Naytôi hỏi quí vị: gió động, phướn động, câu nào đúng? Nếu có phướn mà không cógió thì phướn động được không? Trái lại có gió nhưng không có phướn thì có thấyđộng không? Cũng không thấy! Như thế chúng ta thấy phướn động là nhân có gió vàcó phướn. Tướng duyên hợp không phải là một, mà có duyên hợp mới có động, nếukhông có duyên hợp thì không có động, vì thế trên tướng duyên hợp mà chúng tachấp một bên, đó là nhìn phiến diện, mà nhìn phiến diện thì không đúng được lýcứu kính. Bởi vì mỗi bên nhìn một khía cạnh nên ai cũng thấy mình đúng cả, màđã đúng rồi thì cãi nhau mãi cũng không ra lẽ. Thế nên, tất cả pháp trên thếgian này là tùy duyên, vì tùy duyên nên có động tác, có hình tướng v.v... Độngtác, hình tướng đều là tướng của duyên, đã là của duyên thì không nên chấp vàomột bên. Chấp vào một bên, nhìn phiến diện là gốc của sự tranh cãi. Trái lạinếu biết các pháp duyên khởi thì không có gì phải tranh luận, sở dĩ có tranhluận là do không nhận được lý đó. Thí dụ có người hỏi: Cái bàn do cái gì làm ra?Một người bảo: Do gỗ làm ra, người thứ hai bảo: Do ông thợ mộc làm ra. Vậy aiđúng? Nếu không có gỗ, ông thợ mộc làm được cái bàn không? Còn nếu không có ôngthợ mộc, gỗ có thành cái bàn không? Dĩ nhiên thiếu một trong hai điều kiện trênlà không được, đó là chưa kể bao nhiêu vật nhỏ nhặt khác như đinh, bào, đục v.v... Vì vậy, chúng ta không thể nhìn phiến diện được, nếu chấp một bên là cótranh cãi, tranh cãi mãi không phân hơn thua, kết quả là đi đến nổi giận rồiđánh nhau. Thế gian thường xảy ra những cuộc đánh nhau, vì mỗi người đều có lýriêng của mình, lúc mới cãi còn nóng ít, dần dần ai cũng đỏ mặt rồi đánh nhau,nhưng kết quả không đi đến đâu cả. Chính đó là sự lầm lẫn của chúng sanh. Do đóchúng ta biết được lý duyên khởi, các pháp duyên khởi thì ở thế gian này khôngcó gì phải tranh luận với nhau. Anh nhìn các pháp như thế này là do anh thấykhía cạnh này của chúng, người kia nhìn các pháp như thế kia là do người đóthấy khía cạnh khác của các pháp. Không ai đúng toàn diện cả. Nhìn toàn diệnthì các pháp không cố định, tự tánh là không, duyên khởi là lý thật của cácpháp. Thế nên chúng ta thấy rõ, trong câu chuyện phong phan này, do chấp mộtbên mà có sự tranh cãi.

Đểchấm dứt cuộc tranh cãi, Lục Tổ bảo: Tâm nhân giả động! Tại sao Tổ bảo tâm cácông động? Chấp một bên, dấy niệâm chấp là tâm động. Chấp là tâm chấp, nên nóitâm hai ông động, đó là nói chỗ rốt ráo, Ngài chỉ thẳng gốc của sự tranh cãi làtâm chấp. Dấy niệm chấp là tranh cãi, động là từ cái chấp đó. Dấy niệm chấp làđộng, vì thế cả chúng nghe rồi đều hoảng hốt, không ngờ một cư sĩ lại nói đượcmột câu như vậy. Thế là Ngài xuất đầu lộ diện qua câu chuyện “phong phan.” Đólà những hình ảnh đẹp, những câu chuyện lý thú trong nhà Thiền. Đến khi ngài ẤnTông mời Ngài giảng đạo thì Ngài nói lời giản dị nhưng ý rất thâm sâu, nên ngàiẤn Tông mới bảo: Nghe y pháp của Ngũ Tổ đã về phương Nam,vậy chắc là Ngài chớ không phải ai khác. Ngài đáp “không dám”, đó là một cáchchấp nhận.

ẤnTông liền làm lễ, xin đưa y bát đã được truyền cho đại chúng xem. Ấn Tông lạithưa: “Huỳnh Mai phó chúc, việc chỉ dạy như thế nào?” Huệ Năng bảo: “Chỉ dạytức không, chỉ luận về kiến tánh, chẳng luận Thiền định giải thoát.”

NgàiẤn Tông là một Pháp sư, trong khi Lục Tổ còn hình thức cư sĩ, nhưng vừa nghenhư thế Ngài liền làm lễ. Sau đó Ngài xin Tổ đưa y bát đã được truyền cho đại chúngxem. Ngài Ấn Tông hỏi: Tổ Huỳnh Mai chủ yếu chỉ dạy như thế nào thì Tổ Huệ Năngbảo: Chỉ dạy thì không, chỉ luận về kiến tánh, không luận về Thiền định giảithoát gì cả.

ẤnTông thưa: “Sao chẳng luận Thiền định giải thoát?” Huệ Năng bảo: “Vì ấy là haipháp, không phải là Phật pháp. Phật pháp là pháp chẳng hai.” Ấn Tông lại hỏi: “Thếnào Phật pháp là pháp chẳng hai?” Huệ Năng bảo: “Pháp sư giảng kinh Niết bàn,rõ được Phật tánh, ấy là Phật pháp là pháp chẳng hai. Như Bồ tát Cao Quí ĐứcVương bạch Phật: Phạm tứ trọng cấm, tạo tội ngũ nghịch và nhất xiển đề v.v...sẽ đoạn thiện căn Phật tánh chăng? Phật bảo: Thiện căn có hai, một là thường,hai là vô thường, Phật tánh chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, thế nênchẳng đoạn, gọi là chẳng hai; một là thiện, hai là chẳng thiện, Phật tánh chẳngphải thiện, chẳng phải chẳng thiện, ấy là chẳng hai; uẩn cùng với giới, phàmphu thấy hai, người trí rõ thấu tánh nó không hai, tánh không hai tức là Phậttánh.” Ấn Tông nghe nói hoan hỉ chấp tay thưa: “Tôi giảng kinh ví như ngói gạch,nhân giả luận nghĩa ví như vàng ròng.” Khi ấy vì Huệ Năng cạo tóc, nguyện thờlàm Thầy.

HuệNăng bèn ở dưới cây Bồ đề khai pháp môn Đông Sơn. Huệ Năng được pháp ở ĐôngSơn, chịu tất cả những điều cay đắng, mạng giống như sợi chỉ mành. Ngày nayđược cùng với Sử quân, quan liêu, Tăng Ni, đạo tục đồng ở trong hội này đâu khôngphải là duyên của nhiềâu kiếp, cũng là ở trong đời quá khứ cúng dường chư Phật,đồng gieo trồng căn lành mới nghe cái nhân được pháp môn đốn giáo này. Giáo ấylà các vị Thánh trước đã truyền, không phải tự trí Huệ Năng được, mong nhữngngười nghe các vị Thánh trước dạy, mỗi người khiến cho tâm được thanh tịnh,nghe rồi mỗi người tự trừ nghi, như những vị Thánh đời trước không khác.

Cảchúng nghe pháp đều hoan hỉ làm lễ rồi lui.

Đếnđoạn này Lục Tổ mới nói pháp không hai cho ngài Ấn Tông nghe. Pháp nào còn haithì đó không phải là Phật pháp. Tổ bảo rằng: Thiền định giải thoát là pháp hai.Nếu là pháp hai tức chưa phải là pháp cứu kính, thế nên nói Phật pháp là phápkhông hai. Tại sao là pháp không hai? Ngài mới dẫn kinh Niết bàn làm bằngchứng. Đoạn dẫn kinh Niết bàn có nhiều người nghi, Tổ không có đọc kinh Niếtbàn thì làm sao biết mà dẫn. Nhưng trong một đoạn khác dẫn: Có một lần Ngài ởtrong các làng Hoài, Hội gặp một vị Ni đem quyển kinh Niết bàn đến hỏi, Ngài cógiải thích, vì thế nên Ngài nhớ, mới dẫn ra làm bằng chứng rõ ràng về pháp mônbất nhị của Phật. Đó là pháp môn không hai, pháp môn không hai mới là pháp cứukính, còn nếu thấy có hai tức chưa phải là cứu kính. Do đó ngài Ấn Tông mớichấp nhận Ngài giảng kinh giống như ngói gạch còn Tổ luận nghĩa như vàng ròng.Khi ấy ngài Ấn Tông mới cạo tóc cho Tổ Huệ Năng và thờ Tổ làm Thầy.

Thếlà Tổ nói xong lý do đắc pháp cho tất cả chúng nghe, ai nấy đều hoan hỉ. NhưngTổ nói một cách dè dặt: Pháp môn đốn giáo này là các vị Thánh trước truyền, chớkhông phải do trí của Huệ Năng tự được, vì thế nghe giáo lý của các vị Thánhtrước thì mỗi người rán tịnh tâm nghe rồi trừ nghi và đúng qui cách các vịThánh đời trước mà tu hành đừng cho sai khác. Cả chúng nghe rồi, ai nấy đềuhoan hỉ vâng làm. Vậy quí vị có hoan hỉ không? Nhớ noi gương Tổ nhé! Dù cựcnhọc cũng nhớ rằng sự cực khổ của mình chỉ có một chút không đáng gì cả, xưacần phải đeo đá để giã gạo Tổ vẫn làm kia mà. Giã gạo đã là cực rồi mà còn đeothêm đá nữa thì cực biết bao, vậy mà Tổ vẫn làm, huống là chúng ta ngày nay nhổcỏ, lặt rau, xách nước là chuyện thường có gì đến nỗi làm không được. Hiểu nhưthế rồi, mới thấy học đạo quí ở nhiệt tình. Hết tâm vì đạo thì được đạo, tráilại nếu sợ đau, sợ mệt, sợ chết v.v... thì hết việc đạo, chính những cái sợ đólàm chướng đạo vậy!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]