Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 51. Kinh Lăng Già giải nghĩa

10/10/201920:57(Xem: 4108)
Bài 51. Kinh Lăng Già giải nghĩa

KINH LĂNG GIÀ

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

 

 

MỤC 3:

TÍNH BÌNH ĐẲNG

CỦA PHẬT QỦA:

 

     Đại Huệ bồ tát bạch Phật rằng:

- Thế Tôn! Tại sao Thế Tôn nơi đại chúng nói lời như thế: "Ta là tất cả Phật quá khứ và có đủ thứ thọ sanh. Xưa kia Ta làm Mạn Đà Chuyển Luân Thánh Vương, voi lớn sáu ngà và chim Anh Võ, Thích Đề Hoàn Nhân, Tiên nhơn Thiện Nhãn v.v... thuyết trăm ngàn quyển Kinh Thọ Sanh" như thế?

     Phật bảo Đại Huệ:

- Do bốn thứ bình đẳng nên Như Lai Ưng Cúng Chánh Đẳng Giác, nơi đại chúng nói lời như thế: "Khi ấy Ta làm Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Ca Diếp".

Thế nào là BỐN THỨ BÌNH ĐẲNG? Ấy là Tự đẳng, Ngữ đẳng, Pháp đẳng và Thân đẳng. Vì bốn thứ bình đẳng này, nên Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác nói lời như thế.

- Thế nào là TỰ ĐẲNG? Là danh tự xưng Ta là Phật, cũng xưng tất cả chư Phật, mà tự tánh của danh tự chẳng có sai biệt, ấy gọi là Tự Đẳng.

- Thế nào là NGỮ ĐẲNG? Ta dùng sáu mươi bốn thứ Phạm âm hiển bày tướng ngôn ngữ, các bậc Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác cũng dùng sáu mươi bốn thứ Phạm âm hiển bày tướng ngôn ngữ như thế, chẳng thêm, chẳng bớt, chẳng có sai biệt. Tánh Phạm âm vi diệu như Ca Lăng Tần Già, gọi là Ngữ Đẳng.

- Thế nào là THÂN ĐẲNG? Nói thân Ta với pháp thân chư Phật, sắc thân và tướng tốt chẳng có sai biệt, trừ khi vì điều phục các loại chúng sanh sai biệt, mới thị hiện mỗi mỗi sắc thân sai biệt, ấy gọi là Thân Đẳng.

- Thế nào là PHÁP ĐẲNG? Nói Ta và chư Phật đều dùng Pháp Bồ Đề Phần ba mươi bảy Phẩm, lược thuyết trí vô chướng ngại của Phật Pháp, gọi là Pháp Đẳng. Gọi chung là bốn thứ pháp bình đẳng. Cho nên Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ở trong đại chúng nói lời như thế.

     Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ:

Ca Diếp, Câu Lưu Tôn,

Câu Na Hàm là Ta.

Dùng bốn pháp bình đẳng

Vì Phật tử thuyết pháp.

 

GIẢI NGHĨA:

     Mục 3, Quyển 3 này, Bồ Tát Đại Huệ hỏi tại sao Đức Thế Tôn nói: "Ta là tất cả Phật quá khứ và có đủ thứ thọ sanh. Xưa kia Ta làm Mạn Đà Chuyển Luân Thánh Vương, voi lớn sáu ngà và chim Anh Võ, Thích Đề Hoàn Nhân, Tiên nhơn Thiện Nhãn v.v... thuyết trăm ngàn quyển Kinh Thọ Sanh" như thế?”

     Đức Phật trả lời đại ý là do “Bốn thứ bình đẳng” như sau:

 

1. TỰ ĐẲNG: 

     Tự Đẳng là danh tự xưng là Phật, cũng xưng tất cả Chư Phật, mà bản thể của danh tự không có sai biệt.

 

2. NGỮ ĐẲNG: 

     Ngữ Đẳng là dùng sáu mươi bốn thứ âm thanh (Phạm Âm) khiến người nghe hiểu dễ dàng không nhàm chán mà sinh tâm kính yêu hiển bày lời nói (tướng ngôn ngữ), các bậc Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chính Giác cũng dùng sáu mươi bốn thứ âm thanh hiển bày lời nói như thế, chẳng thêm, chẳng bớt, tính âm thanh vi diệu chẳng có sai biệt.

 

3. THÂN ĐẲNG: 

     Thân Đẳng là nói thân Phật với pháp thân Chư Phật, sắc thân và 32 tướng tốt không có sai biệt.

 

4. PHÁP ĐẲNG: 

     Pháp Đẳng là Chư Phật đều dùng Pháp Bồ Đề Phần Ba mươi bảy Phẩm (gồm: Bốn Diệu Đế, Tám Chính Đạo, Bốn Chính Cần, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác Chi, Bốn Niệm Xứ), lược thuyết trí vô chướng ngại của Phật Pháp, gọi là Pháp Đẳng. Vì có bốn thứ pháp bình đẳng cho nên Thế Tôn Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chính Giác ở trong đại chúng nói lời “Ta làm Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm, Phật Ca Diếp“.

 

MỤC 4:

PHẬT KHÔNG THUYẾT

MỘT LỜI:

 

     Đại Huệ bồ tát lại bạch Phật rằng:

- Như Thế Tôn sở thuyết: "Ta từ đêm kia đắc Tối Chánh Giác, cho đến đêm kia nhập Niết Bàn, ở nơi khoảng giữa đó chẳng thuyết một chữ, cũng chẳng phải đã thuyết, chẳng phải sẽ thuyết, nói "chẳng thuyết là Phật thuyết". Thế Tôn! Như lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác vì sao nói "Chẳng thuyết tức là Phật thuyết?"

 

     Phật bảo Đại Huệ:

- Ta vì hai pháp nên nói như thế. Thế nào là hai pháp? Là Duyên Tự Đắc pháp và Bổn Trụ pháp, gọi là hai pháp. Do hai pháp này nên ta nói như thế.

 

- Thế nào là DUYÊN TỰ ĐẮC PHÁP? Là pháp do chư Như Lai chứng đắc, Ta cũng chứng đắc, chẳng thêm chẳng bớt. Cảnh giới cứu cánh của Duyên Tự Đắc pháp lìa hai tướng ngôn thuyết và văn tự, chỉ có thể tự đắc, tự biết, nên gọi là Duyên Tự Đắc pháp.

 

- Thế nào là BỔN TRỤ PHÁP? Là đạo pháp của bậc Thánh xưa như tánh vàng bạc chẳng hoại, thường trụ nơi pháp giới, vô thỉ vô chung. Hoặc Như Lai ra đời, hoặc chẳng ra đời, đạo pháp vẫn thường trụ nơi pháp giới như thế, gọi là Bổn Trụ pháp.Ví như sĩ phu đi trong đồng vắng, thấy con đường bằng phẳng hướng về cổ thành, liền đi theo đường đó vào thành, được thọ sự vui như ý. Đại Huệ! Ý ngươi thế nào? Con đường và mỗi mỗi sự vui kia là do người ấy làm ra ư?

 

     Đại Huệ bồ tát đáp rằng:

- Không ạ, Thế Tôn.

 

     Phật bảo Đại Huệ:

- Ta và quá khứ tất cả chư Phật thường trụ nơi pháp giới cũng như thế. Nên nói :"Ta từ đêm kia đắc Tối Chánh Giác, cho đến đêm kia nhập Niết Bàn, ở nơi khoảng giữa chẳng thuyết một chữ, cũng chẳng phải đã thuyết, chẳng phải sẽ thuyết".

 

     Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:

Ta từ đêm thành đạo,

Đến đêm nhập Niết Bàn.

Nơi khoảng chính giữa này,

Chẳng thuyết một chữ nào.

 Vì Duyên Tự Đắc Pháp,

Và Pháp Bổn Trụ kia,

Nên Ta và chư Phật,

Thuyết pháp chẳng sai biệt.

 

GIẢI NGHĨA:

 

    Mục 4, Quyển 3 này, Bồ Tát Đại Huệ hỏi do đâu Phật nói: "Ta từ đêm kia đắc Tối Chánh Giác, cho đến đêm kia nhập Niết Bàn, ở nơi khoảng giữa đó chẳng thuyết một chữ, cũng chẳng phải đã thuyết, chẳng phải sẽ thuyết, chẳng thuyết là Phật thuyết"; Đức Phật trả lời vì hai pháp là Duyên Tự Đắc pháp và Bản Trụ pháp, như sau:

 

1. DUYÊN TỰ ĐẮC PHÁP:

 

     Là pháp do Chư Phật (Như Lai) chứng đắc, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng chứng đắc, chẳng hơn chẳng kém (chẳng thêm chẳng bớt). Cảnh giới cuối cùng (cứu cánh) của Duyên Tự Đắc Pháp lìa hai tướng nói năng (ngôn thuyết) và chữ viết văn chương (văn tự), chỉ có thể tự đắc, tự biết, nên gọi là Duyên Tự Đắc Pháp.

 

2. BẢN TRỤ PHÁP:

 

     Là đạo pháp của bậc Thánh xưa như tính vàng bạc chẳng hoại, hiện diện khắp không gian đại vũ trụ (thường trụ nơi pháp giới), cùng khắp thời gian qúa khứ, hiện tại, tương lai (vô thỉ vô chung). Dù Như Lai ra đời hay không, đạo pháp vẫn thường trụ nơi pháp giới như thế, gọi là “Bản Trụ pháp”; ví như một người tình thức bình thường (sĩ phu) đi trong đồng vắng, thấy con đường bằng phẳng hướng về cổ thành, liền đi theo đường đó vào thành, được thọ hưởng sự vui như ý. Dù con đường và các sự vui kia chẳng do người ấy làm ra.

 

     Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tất cả Chư Phật quá khứ thường trụ nơi pháp giới cũng như thế, nên Ngài đã nói: "Ta từ đêm kia đắc Tối Chánh Giác, cho đến đêm kia nhập Niết Bàn, ở nơi khoảng giữa chẳng thuyết một chữ, cũng chẳng phải đã thuyết, chẳng phải sẽ thuyết" là vậy.

 

MỤC 5:

VỀ HỮU VÀ VÔ

CỦA TẤT CẢ CÁC PHÁP:

 (Còn tiếp)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]