Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 01: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

14/10/201606:43(Xem: 13638)
Bài 01: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

phat thich ca 3

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM
 
Dịch từ Phạn sang Hán: Bất La Mật Đế (Tăng Ấn Độ)
dịch Nghĩa, Di Già Thích Ca (Tăng nước U Trường) dịch lời,  Phòng Dung (Quan Đại Phu nhà Đường) chấp bút.
Dịch từ Hán sang Việt: Hòa Thượng Thích Duy Lực

Giải Nghĩa: Cư Sĩ Toàn Không 


GIẢI NGHĨA

Toàn Không

 

LỜI DẪN

     Cho đến ngày nay, mặc dù có nhiều sách của các bậc Thạc Đức trong nền Phật Giáo Việt Nam đã dịch, chú giải, lược giải Kinh Thủ Lăng Nghiêm, nhưng một số lớn Phật tử vẫn chưa hiểu rõ ý Kinh một cách trọn vẹn. Cũng vì khó hiểu, nên một số người cho Kinh này là giả, sự thực thì không phải vậy, vì Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói về Chân Tâm vô cùng trừu tượng cao siêu, nên không dễ gì hiểu một cách trọn vẹn.

     Chúng tôi dù tài nông sức cạn, trí đức hẹp hòi, nhưng vì sự mong mỏi giúp cho những người có duyên, được giải tỏa những thắc mắc khi đọc Kinh Thủ Lăng Nghiêm; do đó chúng tôi cố gắng diễn giải ý Kinh vào từng chi tiết để cống hiến đến qúy độc giả hiểu Kinh được nhiều hơn.

     Chúng tôi dùng bản dịch của Hòa Thượng Thích Duy Lực, một vị Hòa Thượng là người Trung Hoa sinh tại Trung Hoa, nhưng lại ở Việt Nam nhiều năm từ hồi còn trẻ cho tới khi về già, nên Ngài thông thạo cả 2 ngôn ngữ Hán Việt; đây là ưu điểm cho sự dịch thuật mà ít người có được.

     Mặt khác, mặc dù Kinh chia ra 10 quyển, nhưng mỗi ý nghĩa Phật nói có khi trong một quyển đề cập tới hai ý, có khi một ý nói trong hai quyển mới đủ; do đó để cho được dễ hiểu và mạch lạc, chúng tôi mạn phép sắp xếp chia Kinh thành 18 Kinh Văn, và trong mỗi Kinh Văn lại chia ra mục, đoạn và tiểu đoạn có tên gọi tương xứng với nội dung. Chúng tôi thấy sự phân chia này sẽ giúp người đọc dễ dàng theo dõi và nắm vững ý nghĩa của từng phần của Kinh.

     Một điểm lưu ý người đọc nên suy nghĩ và ghi nhớ cho kỹ khi đọc sách này thì sẽ nhận được ý nghĩa của Kinh mà Đức Phật dạy. Sau chót, mặc dù với sự cố gắng giải thích ý nghĩa của Kinh, nhưng còn có những khiếm khuyết; xin qúy Thiện tri thức hỉ xả và bổ túc cho, chúng tôi chân thành đa tạ.

NAM MÔ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Cali. USA, Phật Lịch năm 2560, ngày 9-9-2016

Toàn Không Đỗ Đăng Tiến

 

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

Để dễ hiểu, chúng ta phân biệt dùngchữ nghiêng là lời kinh, chữ thẳng đứng để giải thích cho cả cuốn sách, chúng ta cùng theo dõi sau đây:

ĐỀ KINH:

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA:

Kinh:Kinh là các đường chỉ dọc của vải làmchuẩn cho tấm vảitức là pháp không thay đổi, luôn luôn nó như vậy; Phật nay giảng như thế này, Phật quá khứ cũng đã giảng như thế, Phật trong tương lai cũng giảng như vậy, không bao giờ thay đổi, gọi là Kinh.Thủ: Là đứng đầu, trước hết;Lăng là xâm phạm xúc phạm, Nghiêm là uy thế đáng sợ.

Thủ Lăng Nghiêm là sự xúc phạm đáng sợ hàng đầu, ý nói Tôn Giả A Nan Đà là Thị Giả của Phật Thích Ca Mâu Ni, sắp bị nạn trong nhà dâm thập phần nguy hại giới thể; đây là tiêu biểu về mặt nổi, vì nhân việc này mà Đức Phật giảng vềnghị lực cần giải quyết đối với hiện tượng vạn hữu để đạt giải thoát.

     Đề kinh Thủ Lăng Nghiêmnói đầy đủ là:Đại Phật Đảnh, Như Lai Mật Nhân, Tu Chứng Liễu Nghĩa, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm.

Đại Phật Đảnh:Đại là rộng lớn bao la, rốt ráo cùng cực, Phật đảnhlà tướng “nhục kế” trên đỉnh đầu của Đức Phật. Đó là tướng cao quí, nhiệm mầu nhất trong 32 tướng tốt của Đức Phật.

Như Lai Mật Nhân: Như Lai là Phật, là danh hiệu đầu tiên trong mười danh hiệu của Chư Phật. Mật nhân: là nguyên nhân sâu kín huyền nhiệm, là chân tâm tịch tĩnh, thường hằng.

Tu Chứng Liễu Nghĩa: Liễu Nghĩa:Là nghĩa của các pháp được trực tiếp hiển bày một cách rõ ràng. Giáo lí của đức Phật được trực tiếp trình bày một cách rõ ràng, tường tận, gọi là Liễu Nghĩa giáo. Các Kinh Đại Thừa gọi là Kinh Liễu Nghĩa. Tu Liễu Nghĩa làtu mà không chấp trước tướng, chỉ nương vào chân tâm không sinh chẳng diệt để tu hành; Chứng Liễu Nghĩa chấm dứt sinh diệt, thể nhập thật tính vạn hữu, giải thoát rốt ráo vô thượng Bồ đề, đạt Niết Bàn tuyệt đối; do tu và chứng đều liễu nghĩa, nên gọi là Tu Chứng Liễu Nghĩa.

Chư Bồ Tát Vạn Hạnh: Vạn Hạnhlà muôn hạnh, vô số hạnh như từ bi hỉ xả bình đẳng trí tuệ v. v. . . , nghĩa là muôn hạnh của Bồ Tát.

Thủ-Lăng-Nghiêm: Là tiêu biểu cho loại định lực rốt ráo, bao gồm tất cả các loại định, chỉ có Bồ-Tát ở các bậc Thập-địa, Đẳng-giác và Diệu-giác (Phật) mới đạt được nên được gọi là Đại Định. Nó chính là chân tâm thanh tịnh, tịch tĩnh, thường hằng, không lay động, cùng khắp không gian và thời gian, cũng gọi là “Phật tính”.

 

 

QUYỂN MỘT

 

KINH VĂN 1:

DUYÊN KHỞI

1). TỰA

     Tôi nghe như vầy: Lúc bấy giờ tại tịnh xá Kỳ Hoàn (1) thành Thất La Phiệt (2), Đức Phật và chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, đều là Đại A La Hán, đã ra khỏi luân hồi, đầy đủ oai nghi, giúp Phật hoằng pháp nơi các quốc độ, trì giới thanh tịnh, làm mô phạm cho tam giới, ứng hiện vô số thân, hóa độ chúng sanh đến cùng tột vị lai ra khỏi trần lao. Hàng đệ tử được phó chúc trụ trì Phật pháp gồm có: Đại Trí Xá lợi Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha Câu Si La, Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử, Tu Bồ Đề, Ưu Ba Ni Sa Đà v.v... là bậc thượng thủ, và có vô số Bích Chi với môn đồ đồng đến nơi Phật cùng các Tỳ Kheo mãn hạ tự tứ (3). Khi ấy, mười phương Bồ Tát tuân theo lời Phật sẽ cầu Mật nghĩa, hỏi đạo để quyết nghị.
     Bấy giờ, Như Lai trải tòa ngồi yên vì đại chúng trong Hội khai thị pháp chưa từng có, nghĩa lý thâm sâu, diệu âm thuyết pháp vang khắp mười phương thế giới, hằng sa Bồ Tát đều đến tụ hợp, trong đó Văn Thù Sư Lợi là bậc Thượng Thủ (4).

GIẢI NGHĨA:

(1) Tịnh xá Kỳ HoànLà tu viện do ông Cấp Cô Độc xây cúng dàng Đức Phật và đại chúng Tỳ Kheo (Tăng)

(2) Thành Thất La Phiệt:Tức là thành Xá-Vệ, kinh đô của nước Kiều-Tát-La, miền Bắc Thiên-Trúc (Ấn Độ), thời Phật tại thế. 

(3) Hạ Tự Tứ: Tăng chúng vào ngày Rằm tháng Bảy, khóa an cư sau ba tháng mùa Hạ đã mãn, ở trong đại hội, cứ để cho mọi người nêu lên các tội lỗi mình đã phạm, rồi đối trước các vị Tì Kheo mà ân cần sám hối, gọi là “Tự Tứ”; lại cũng nói là “tùy ý”, nghĩa là để cho người khác tùy ý nêu ra các tội lỗi của mình nếu có.

(4) Bậc Thượng Thủ: Là bậc đứng đầu, Ngài Văn Thù Sư Lỵ là bậc đứng đầu trong hàng Bồ Tát, đại diện để hỏi Phật, hoặc Phật chỉ định nêu ý kiến.

     Đầu Kinh, chúng ta thấy ở đây là nói sáu điều đáng tin như sau: Điều thứ nhất là “Tôi nghe” là chỉ cho Tôn giả A Nan là người nghe và thuật lại thành văn; điều thứ hai là “Như vầy” tức là như thế này, là lời Phật nói để mọi người tin. Điều thứ ba là “Lúc bấy giờ” để chỉ thời gian nói kinh; điều thứ tư là “Đức Phật” là vị chủ tọa thuyết pháp; điều thứ năm là “Tại tịnh xá Kỳ Hoàn thành Thất La Phiệt” là địa điểm nơi giảng kinh. Điều thứ sáu nói tới “thành phần tham dự” gồm: 1250 Tỳ Kheo đều là bậc A La Hán, có vô số Bích Chi với môn đồ đồng đến cùng các Tỳ Kheo mãn hạ Tự Tứ và vô lượng mười phương Bồ Tát đến cầu Mật nghĩa, hỏi đạo trong đó Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi là bậc đứng đầu.

2). NHÂN DUYÊN

(Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]