Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 15: Từ đất xuất hiện

21/05/201115:39(Xem: 10342)
Phẩm 15: Từ đất xuất hiện

KINH PHÁP HOA
(Hoa Sen Của Chánh Pháp)
Phần CHÍNH VĂN – Thích Trí Quang dịch

CUỐN 5

Phẩm 15:Từ đất xuất hiện

Lúc ấy các vị bồ tát đại sĩ từ các quốc độ khác đến quốc độ này, nhiều hơn tám hằng sa, đứng dậy trong đại hội, chắp tay đảnh lễ mà thưa, bạch đức Thế Tôn, nếu ngài cho phép chúng con, sau khi ngài nhập diệt, ở tại quốc độ Kham nhẫn này, nỗ lực tinh tiến mà kính giữ Pháp Hoa, thì chúng con nguyện ở tại đây mà diễn giảng kinh ấy một cách phong phú. Đức Thế Tôn bảo các vị bồ tát đại sĩ, hãy thôi, chư thiện nam tử, khỏi phiền chư vị kính giữ Pháp Hoa tại quốc độ này. Quốc độ này của Như Lai tự có sáu vạn hằng sa bồ tát đại sĩ, mỗi vị lại có sáu vạn hằng sa tùy thuộc. Thầy trò các vị này có thể, sau khi Như Lai nhập diệt, kính giữ Pháp Hoa bằng cách đọc tụng, công bố rộng rãi...

Khi đức Thế Tôn nói như vậy thì đất của toàn thể đại thiên quốc độ Kham nhẫn đều chấn động mà nứt ra, và từ đó có vô số bồ tát đại sĩ cùng lúc vọt lên. Các vị ấy thân toàn màu hoàng kim, đủ cả ba mươi hai tướng quí, và ánh sáng thì vô số lượng. Các vị cùng ở trong không gian phía dưới quốc độ Kham nhẫn này, nghe tiếng đức Thế Tôn nói như trên nên từ đó dũng xuất. Các vị toàn là những bậc đạo sư, dẫn theo đại chúng bồ tát tùy thuộc: Nhiều vị, mỗi vị dẫn theo sáu vạn hằng sa tùy thuộc; nhiều vị hơn nữa, mỗi vị chỉ dẫn theo năm vạn, bốn vạn, ba vạn, hai vạn hay một vạn hằng sa tùy thuộc; nhiều vị hơn nữa, mỗi vị chỉ dẫn theo một hằng sa, một phần nửa của một hằng sa, một phần tư của một hằng sa, cho đến một phần ngàn vạn ức trăm triệu của một hằng sa tùy thuộc. Nhiều vị hơn nữa, mỗi vị chỉ dẫn theo ngàn vạn ức trăm triệu tùy thuộc; nhiều vị hơn nữa, mỗi vị chỉ dẫn theo ức vạn tùy thuộc; nhiều vị hơn nữa, mỗi vị chỉ dẫn theo ngàn vạn, trăm vạn cho đến một vạn tùy thuộc; nhiều vị hơn nữa, mỗi vị chỉ dẫn theo một ngàn, một trăm cho đến một chục tùy thuộc; nhiều vị hơn nữa, mỗi vị chỉ dẫn theo năm, bốn, ba, hai hay một tùy thuộc. Và nhiều vị hơn nữa, mỗi vị chỉ đến đơn độc, vì thích sống tách rời. Thầy trò các vị bồ tát đại sĩ như thế này thật vô lượng vô biên, toán số ví dụ cũng không thể xác định.

Thầy trò các vị từ đất xuất hiện rồi, cùng đến chỗ đức Đa Bảo và đức Thích Ca, nơi ngôi tháp do bảy chất liệu quí báu kết hợp, ở trong không gian. Đến rồi, các vị hướng về hai ngài mà đem đầu mặt lạy ngang chân. Các vị lại đến chỗ chư Phật phân thân ngồi trên tòa sư tử ở dưới các cây ngọc, làm lễ cũng như vậy. Theo chiều bên phải, các vị đi quanh chư Phật phân thân mỗi ngài ba vòng, chắp tay, cung kính, đem những cách thức tán dương của bồ tát mà tán dương các ngài. Rồi đứng lại một phía, các vị hân hoan chiêm ngưỡng đức Đa Bảo và đức Thích Ca. Thì gian các vị mới xuất hiện cho đến tán dương xong, trải qua hết năm chục thời kỳ bậc nhỏ. Trong thì gian ấy, đức Thế Tôn ngồi yên lặng. Bốn chúng cũng yên lặng trong năm chục thời kỳ bậc nhỏ ấy. Nhưng do thần lực của đức Thế Tôn nên làm cho cả đại hội coi như nửa ngày mà thôi.

Lại nhờ thần lực của đức Thế Tôn mà bốn chúng thấy các vị bồ tát đại sĩ như thế này đầy khắp không gian của quốc độ Kham nhẫn mà, lúc bấy giờ, quang cảnh tựa như không gian của vô lượng quốc độ. Rồi bốn vị trong số các vị đạo sư, thứ nhất danh hiệu Thượng Hạnh, thứ hai danh hiệu Vô biên Hạnh, thứ ba danh hiệu Tịnh Hạnh, thứ tư danh hiệu An lập Hạnh, là bốn vị đạo sư thượng thủ, cùng đứng trước đại chúng bồ tát ấy, chắp hai tay lại, nhìn đức Thích Ca mà vấn an, rằng bạch đức Thế Tôn, ngài ít bịnh, ít phiền, sống yên vui chăng? Những người đáng được ngài hóa độ, họ có tiếp nhận sự hóa độ ấy một cách dễ dàng để làm cho ngài khỏi phải mệt nhọc chăng? Bốn vị cùng lặp lại sự vấn an của mình bằng lời chỉnh cú sau đây.

(1) Thế Tôn yên vui

ít bịnh ít phiền,

hóa độ chúng sinh

không mệt nhọc chăng?

(2) Chúng sinh dễ dàng

tiếp nhận hóa độ

để làm cho ngài

khỏi mệt nhọc chăng?

Khi ấy đức Thế Tôn bảo đại chúng bồ tát, đúng như vậy, chư thiện nam tử; Như Lai yên vui, ít bịnh ít phiền, những người đáng được hóa độ cũng dễ hóa độ, không mệt nhọc gì. Những người này bao đời đến nay thường tiếp nhận sự giáo hóa của Như Lai, lại hiến cúng tôn trọng mà gieo trồng thiện căn ở nơi chư Phật quá khứ. Những người này mới thấy thân Như Lai, mới nghe lời Như Lai, là tức thì tin tưởng chấp nhận, nhập vào tuệ giác Như Lai. Ngoại trừ những người trước đây tu học theo giáo pháp cỗ xe thấp nhỏ; những người như vậy ngày nay Như Lai cũng làm cho nghe được Pháp Hoa mà nhập được Phật tuệ. Nghe đức Thế Tôn dạy như vậy, bốn đại bồ tát lại nói lời chỉnh cú sau đây.

(3) Tốt thay, lành thay,

Thế Tôn đại hùng!

bao nhiêu chúng sinh

hóa độ dễ dàng!

(4) Họ có thể hỏi

về tuệ giác Phật

cực kỳ sâu xa,

hỏi rồi nghe được

nghe rồi tin được

tin rồi làm được.

Tất cả chúng con

kính xin tùy hỷ.

Đức Thế Tôn tán dương bốn vị đại bồ tát thượng thủ, tốt lắm, chư thiện nam tử, các vị có thể có sự tùy hỷ như vậy đối với Như Lai.

Vào lúc bấy giờ, đức Di Lạc cùng chúng chư bồ tát nhiều đến tám ngàn hằng sa, đều nghĩ rằng, từ trước đến nay, chúng ta không thấy không nghe chúng đại bồ tát như vầy, từ đất dũng xuất, đang đứng trước đức Thế Tôn mà chắp tay hiến cúng và vấn an. Đức Di Lạc biết ý nghĩ trong lòng tám ngàn hằng sa bồ tát, lại muốn giải trừ nghi hoặc của mình, nên chắp tay hướng về đức Thế Tôn mà thưa hỏi bằng những lời chỉnh cú sau đây.

(5) Đại chúng bồ tát

vô lượng vạn ức

như thế này đây

con chưa từng thấy.

Thưa đấng hoàn hảo

phước đức tuệ giác!

xin ngài dạy cho

chúng con được rõ.

(6-Các vị như vầy

7) từ đâu đến đây?

vì lý do nào

mà qui tụ lại?

Thân thể cao lớn,

thần thông quảng đại,

trí tuệ khó lường,

trí nhớ vững chắc,

nhẫn lực vĩ đại,

ai cũng thích nhìn:

các vị như vậy

từ đâu đến đây?

(8) Mỗi vị đại sư

dẫn theo đệ tử

số lượng vô số

tính theo hằng sa.

(9) Có những đại sư

dẫn theo đệ tử

số lượng nhiều bằng

sáu vạn hằng sa,

mà con xem ra

đệ tử như vậy

ai cũng nhất tâm

cầu tuệ giác Phật.

(10) Những đại sư này

đã nhiều bằng số

sáu vạn hằng sa,

cùng nhau đến đây

để được hiến cúng

đối với Thế Tôn,

và được coi giữ

kinh Pháp Hoa này.

(11-Còn các đại sư

22) dẫn theo đệ tử

năm vạn hằng sa,

số đại sư này

lại càng nhiều hơn

số đại sư trên.

Các vị dẫn theo

bốn vạn ba vạn

hai vạn một vạn

một ngàn một trăm

đến một hằng sa,

phần nửa phần ba

cùng với phần tư,

cho đến một phần

vạn ức trăm triệu

của một hằng sa,

số đại sư này

càng nhiều hơn trên.

Các vị dẫn theo

vạn ức trăm triệu,

dẫn theo vạn ức,

cho đến nửa ức,

số đại sư này

càng nhiều hơn trên.

Các vị đại sư

dẫn theo trăm vạn,

cho đến một vạn,

một ngàn một trăm

năm chục một chục

đến ba hai một;

và các đại sư

chỉ đến đơn độc,

vì thích đơn độc

không có đệ tử.

Tất cả cùng đến

chỗ Thế Tôn đây,

số lượng tuần tự

càng nhiều hơn trên.

(23) Đại chúng bồ tát

như con vừa nói,

nếu ai phát thẻ

để đếm số lượng,

thì qua thời kỳ

nhiều hơn hằng sa,

cũng vẫn không thể

đếm mà biết hết.

(24) Đại chúng bồ tát

mà cả uy đức

và sự tinh tiến

cùng vĩ đại này,

ai đã thuyết pháp

giáo hóa tác thành?

(25) Họ từ vị nào

bắt đầu phát tâm?

và đã tuyên dương

giáo pháp Phật nào?

đã từng tiếp nhận

thực hành kinh nào?

và từ Phật nào

họ tu Phật tuệ?

(26-Đại chúng bồ tát

27) như thế này đây

thần lực trí lực

thật là vĩ đại:

khắp quốc độ này

đất chấn động cả,

và họ từ đó

mà cùng dũng xuất.

(28) Bạch đức Thế Tôn,

từ trước đến nay

con chưa hề thấy

sự trạng như vầy.

Xin ngài nói cho

danh hiệu quốc độ

mà các vị này

từ đó đến đây.

(29) Con thường du hóa

khắp các quốc độ,

mà chưa hề thấy

các vị như vầy.

(30) Trong các vị này

đến nỗi một người

con cũng không biết.

Các vị bỗng nhiên

từ đất xuất hiện.

Xin đức Thế Tôn

nói rõ nguyên ủy

của các vị ấy.

(31) Trong đại hội đây

chúng chư bồ tát

vô số vạn ức

muốn biết điều này.

(32) Nguyên ủy gốc ngọn

của các vị ấy

là như thế nào,

thưa đấng Thế Tôn

trí đức vô lượng,

xin ngài dạy rõ

để giải ngờ vực

cho cả các chúng.

Chư Phật phân thân của đức Thế Tôn, đến đây từ vô số quốc độ ở mọi phương hướng, hiện vẫn ngồi xếp bằng trên tòa sư tử dưới các cây ngọc khắp cả tám hướng. Các vị thị giả của chư Phật ấy ai cũng thấy đại chúng bồ tát vọt lên từ đất khắp cả đại thiên quốc độ này, và đứng trong không gian. Mỗi vị thị giả thưa với đức Phật của mình, rằng bạch đức Thế Tôn, đại chúng bồ tát vô lượng vô biên vô số này từ đâu đến đây? Chư Phật ngài nào cũng bảo vị thị giả của mình, rằng thiện nam tử, hãy chờ một lát. Vị đại bồ tát danh hiệu Di Lạc, người được đức Thích Ca Thế Tôn thọ ký làm Phật kế ngài, đã hỏi ngài về việc này. Ngài sắp giải đáp, nhân đó các người sẽ được nghe.

Khi ấy đức Thế Tôn bảo, tốt lắm, Di Lạc, đại sĩ có thể hỏi Như Lai về việc quan trọng như vậy. Chư vị hãy cùng nhau tập trung tâm trí, khoác áo giáp tinh tiến, phát ý chí cứng chắc. Như Lai nay muốn phát lộ về tuệ giác của Như Lai, thần thông của Như Lai, khí lực của Như Lai, uy lực của Như Lai. Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(33) Hãy cố nỗ lực

tập trung tâm trí.

Như Lai sắp nói

về sự thể này.

Chư vị đừng có

hoài nghi thắc mắc.

Tuệ giác Như Lai

ngoài tầm lý luận.

(34) Hôm nay chư vị

hãy xuất sức mạnh

của sự tin tưởng,

hãy đứng vững chắc

trong sự nhận định

và sự tế nhị.

Vì lẽ những gì

xưa nay chưa nghe

thì nay chư vị

sẽ được nghe đến.

(35) Như Lai hôm nay

an ủi như vậy,

để cho chư vị

khỏi ngờ khỏi sợ.

Như Lai không có

lời nói không thật,

tuệ giác Như Lai

không thể lường nổi.

(36) Cái pháp bậc nhất

Như Lai thực hiện,

là pháp rất sâu,

trên sự phân tích.

Pháp ấy Như Lai

nay sắp nói đến.

Tất cả chư vị

chú ý lắng nghe.

Nói nói những lời chỉnh cú ấy rồi, đức Thế Tôn bảo đức Di Lạc, hôm nay, giữa đại hội các chúng như vầy, Như Lai tuyên cáo để chư vị biết. Di Lạc, đại chúng bồ tát vô lượng vô số, từ đất dũng xuất và chư vị xưa nay chưa thấy đây, là do Như Lai ở thế giới hệ Kham nhẫn này, thành tựu tuệ giác vô thượng rồi giáo hóa chỉ dẫn cho các vị ấy thuần hóa tính ý, phát tâm tuệ giác. Các vị ấy ở trong không gian phía dưới thế giới hệ này. Đối với kinh pháp, các vị đọc tụng thông suốt, suy xét, phân tích và ghi nhớ chính xác. Di Lạc, các thiện nam tử này không thích ở chỗ đông đảo và nói năng nhiều lời, thường xuyên thích nơi yên tĩnh, nỗ lực tinh tiến, chưa từng dừng nghỉ. Các vị không sống với nhân loại hay chư thiên. Các vị thường ưa thích tuệ giác sâu xa, không bị trở ngại, nghĩa là thường ưa thích giáo pháp chư Phật, chuyên tâm tinh tiến mà cầu đạt cho được tuệ giác vô thượng. Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(37) Di Lạc đại sĩ,

chư vị nên biết,

đại chúng bồ tát

như thế này đây,

vô số thời kỳ

cho đến bây giờ,

thường xuyên tu tập

tuệ giác Phật đà.

(38) Các vị toàn do

Như Lai giáo hóa

làm cho phát ra

tâm đại bồ đề.

Các vị như vầy

là con Như Lai,

và sống ngay nơi

thế giới hệ này.

(39) Thường hành đầu đà

thích nơi yên tĩnh,

tách rời đông đảo

ồn ào náo nhiệt,

không ưa nói bàn

nhiều điều lắm chuyện.

Những con Phật này

học tập về pháp

tuệ giác vô thượng

của Như Lai đây,

ngày đêm thường xuyên

nỗ lực tinh tiến

để cầu đạt được

tuệ giác Phật ấy.

(40-Tất cả các vị

41) cùng nhau ở trong

không gian phía dưới

quốc độ Kham nhẫn.

Trí lực khí lực

đều rất vững chắc,

thường xuyên tinh tiến

cầu tuệ giác Phật.

Các vị tuyên thuyết

đủ loại chánh pháp

mà trong tâm tưởng

không e sợ gì.

(42) Như Lai ngồi dưới

bồ đề đại thọ

gần thành Già da,

thành tựu tuệ giác

tuyệt đối chính xác,

chuyển đẩy bánh xe

chánh pháp tối thượng,

bấy giờ Như Lai

mới giáo hóa cho

các vị như vầy,

làm họ bắt đầu

phát tâm tuệ giác,

đến nay cùng đến

vị trí bất thoái,

và ai cũng sẽ

thành đức Phật đà.

(43) Như Lai hôm nay

nói lời rất thật.

Chư vị một lòng

mà tin Như Lai.

Rằng chính Như Lai

từ lâu đến nay

giáo hóa đại chúng

bồ tát như vầy.

Bấy giờ trong lòng đức Di Lạc và vô số bồ tát lại sinh nghi hoặc, lấy làm quái lạ, cho là một sự chưa từng có mà nghĩ rằng, đức Thế Tôn làm cách nào mà trong một thời gian ít ỏi, đã giáo hóa cho đại bồ tát vô lượng vô số như vầy, làm cho tất cả đều đứng vững ở trong tuệ giác vô thượng? Nghĩ như vậy nên đức Di Lạc thưa rằng, bạch đức Thế Tôn, ngài làm thái tử, thoát ly hoàng cung họ Thích, cách thành Già da không xa, ngồi nơi bồ đề tràng, thành đạt tuệ giác vô thượng, từ đó đến nay mới hơn bốn mươi năm. Trong thì gian ngắn ngủi như vậy mà tại sao ngài có thể làm được một cách lớn lao việc làm của Phật, ấy là đem khí lực của Phật và dùng đức tính của Phật mà giáo hóa số đại bồ tát như vầy sẽ thành tuệ giác vô thượng _ số đại bồ tát mà giả sử có người đếm đến ngàn vạn ức thời kỳ cũng không biết được số lượng, không tìm được giới hạn, số đại bồ tát mà chắc chắn từ lâu xa cho đến bây giờ đã ở nơi chỗ vô biên chư Phật mà gieo trồng gốc rễ pháp lành, thành thục đường đi của bồ tát, thường xuyên tu tập phạn hạnh? Bạch đức Thế Tôn, điều đó quả là cả thế gian đều khó tin. Ví như có kẻ sắc tốt, tóc đen, tuổi mới hai mươi lăm, mà chỉ những người trăm tuổi, nói rằng đây là con ta, những người trăm tuổi cũng chỉ người trẻ tuổi, nói rằng đây là cha, đã sinh ra và nuôi lớn chúng ta, thì đó là việc thật khó tin. Đức Thế Tôn cũng vậy. Từ khi ngài thực hiện tuệ giác vô thượng cho đến ngày nay thực ra chưa lâu, còn đại chúng bồ tát này thì chắc chắn đã trải qua vô lượng thời kỳ, vì tuệ giác Phật đà mà nỗ lực tinh tiến, khéo vào khéo ở và khéo ra đối với vô số chánh định, được đại thần thông, lâu tu phạn hạnh, lại khéo tuần tự tu tập các loại thiện pháp, khéo hỏi khéo đáp, nói tóm, họ là bảo vật trong mọi người, hiếm có nhất thế giới. Vậy mà ngày nay đức Thế Tôn lại bảo ngài thực hiện tuệ giác Phật đà rồi mới làm cho các vị ấy phát tâm đại bồ đề, giáo hóa chỉ dẫn cho các vị ấy hướng đến tuệ giác vô thượng. Nghĩa là đức Thế Tôn trở thành đấng Toàn giác chưa bao lâu mà thực hiện được thành quả vĩ đại như vậy! Dẫu rằng chúng con tin sự tùy nghi thuyết pháp của đức Thế Tôn, tin lời đức Thế Tôn nói chưa bao giờ không thật, tin sự thấy biết của đức Thế Tôn là thấu suốt tất cả, nhưng các vị bồ tát mới phát tâm, sau khi đức Thế Tôn nhập diệt mà nghe thấy những lời này, thì có thể có kẻ không tin tưởng tiếp nhận, sinh ra cái lỗi bài bác chánh pháp. Dạ, chính vì vậy, bạch đức Thế Tôn, con xin ngài giảng dạy, giải trừ nghi hoặc cho chúng con, lại làm cho bao nhiêu thiện nam và thiện nữ trong thì vị lai nghe được việc này cũng không nghi hoặc. Đức Di Lạc muốn lặp lại ý nghĩa đã thỉnh cầu, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(44) Trước đây Thế Tôn

thoát ly hoàng cung

của dòng họ Thích,

đến gần Già da

mà ngồi ở nơi

bồ đề đại thọ.

Từ đó đến nay

chưa được bao lâu.

(45) Vậy mà Thế Tôn

lại có những người

con Phật như vầy

số lượng vô số,

từ lâu đi theo

tuệ giác của Phật,

đã đứng vững vàng

trong thần thông lực,

đã khéo tu học

đường đi bồ tát.

(46) Không hề nhuốm bẩn

theo thói thế gian

y như hoa sen

không dính bùn nước,

những con Phật này

từ đất xuất hiện,

và cùng cung kính

đứng trước Thế Tôn.

(47) Sự thể thế này

thật khó suy luận.

Làm sao tin được

Thế Tôn thành tựu

tuệ giác Phật đà

mới rất gần đây,

lại tác thành cho

rất nhiều bồ tát

đã được nhiều việc

như thế này đây?

Để giải nghi ngờ

cho cả các chúng,

con xin Thế Tôn

chỉ dạy đúng như

sự thực được có

trong vấn đề này.

(48-Như người trẻ mạnh

49) tuổi mới hâm lăm

mà nói với người:

những kẻ trăm tuổi

tóc bạc mặt nhăn

già cả thế kia

là con tôi sinh,

những người thế kia

cũng nói người trẻ

là cha chúng tôi.

Cha trẻ con già,

đời ai tin được.

(50-Thế Tôn cũng vậy;

51) từ khi thực hiện

tuệ giác vô thượng

cho đến ngày nay,

thì gian được có

mới rất gần đây.

Còn các bồ tát

đến như thế này

trí nhớ vững chắc,

không còn khiếp nhược,

vô lượng thời kỳ

cho đến ngày nay

đi theo con đường

của bồ tát đi,

khéo hỏi khéo đáp

tâm không sợ hãi,

ẩn nhẫn cực nhục,

tâm trí quyết đoán,

tướng mạo tuyệt mỹ,

uy đức toàn hảo,

Phật đà mười phương

đều ca tụng cả,

khéo léo phân tích

diễn giảng pháp nghĩa,

(52) không thích ở nơi

những chỗ đông người

mà thường thích thú

ở trong thiền định,

vì cầu tuệ Phật

mà họ cùng nhau

ở trong không gian

dưới quốc độ này.

(53-Chúng con trực tiếp

54) nghe Thế Tôn nói,

nên với việc này

không ngờ vực gì.

Nhưng xin Thế Tôn

vì người tương lai

giải thích việc này

cho họ hiểu rõ.

Vì lẽ nếu ai

ngờ vực không tin

kinh Pháp Hoa này

thì sa đường dữ,

nên con thỉnh cầu

ngài giải thích cho:

Đại chúng bồ tát

vô số như vầy,

tại sao Thế Tôn

trong thì gian ngắn

có thể dạy cho

bắt đầu phát tâm

cho đến đến nơi

vị trí bất thoái?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]