Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

46. Chương II: Tương Ưng Giác Chi

08/02/201107:13(Xem: 3912)
46. Chương II: Tương Ưng Giác Chi

Đại Tạng Kinh Việt Nam

KINH TƯƠNG ƯNG BỘ
Samyutta Nikàya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt - Phật Lịch 2537 - 1993

TẬP V - THIÊN ĐẠI PHẨM

[46] Chương II
Tương Ưng Giác Chi

I. Phẩm Núi

1.I. Tuyết Sơn(S.v,63)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi ...

Thế Tôn nói như sau :

3) -- Y cứ vào vua núi Tuyết sơn, này các Tỷ-kheo, các loài rắn lớn tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh. Ở đấy, khi chúng tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh, chúng đi xuống các hồ nhỏ. Sau khi xuống các hồ nhỏ, chúng đi xuống các hồ lớn. Sau khi đi xuống các hồ lớn, chúng đi xuống các sông nhỏ. Sau khi đi xuống các sông nhỏ, chúng đi xuống các sông lớn. Sau khi đi xuống các sông lớn, chúng đi ra biển, ra đại dương. Tại đấy, thân của chúng được to lớn và quảng đại hơn.

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp?

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Tỷ-kheo tu tập trạch pháp giác chi... tu tập tinh tấn giác chi... tu tập hỷ giác chi... tu tập khinh an giác chi... tu tập định giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

6) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp.

2.II. Thân (S.v,64)

I

1-2) Tại Sàvatthi...

3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, năm triền cái y cứ món ăn, duyên món ăn được an trú; không có món ăn thì không an trú.

4) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với dục tham (kàmacchanda) chưa sanh được sanh khởi; hay đối với dục tham đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có tịnh tướng (subhanimittam), ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời tịnh tướng này là món ăn khiến cho dục tham chưa sanh được sanh khởi; hay đối với dục tham đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại.

5) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với sân chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với sân đã sanh khiến được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có đối ngại tướng (patighanimittam). Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đối ngại tướng này là món ăn khiến cho sân chưa sanh được sanh khởi; hay đối với sân đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại.

6) Này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với hôn trầm thụy miên chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với hôn trầm thụy miên đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có sự không hân hoan, biếng nhác (tandi), uể oải (vijambhità), ăn quá no, tâm rụt rè (linàttam). Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính là món ăn khiến cho hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; hay đối với hôn trầm thụy miên đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại.

7) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với trạo hối chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với trạo hối đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có tâm không được tịnh chỉ. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính là món ăn khiến cho trạo hối chưa sanh được sanh khởi; hay đối với trạo hối đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại.

8) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với nghi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với nghi đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có những pháp làm trú xứ cho nghi hoặc. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính các pháp này là món ăn khiến cho nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi; hay đối với nghi hoặc đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại.

9) Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, năm triền cái y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú.

II

10) Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú.

11) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với niệm giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với niệm giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn? Có các pháp, này các Tỷ-kheo, làm trú xứ cho niệm giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với niệm giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

12) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với trạch pháp giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với trạch pháp giác chi đã sanh được tu tập và làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các thiện pháp và bất thiện pháp, có các pháp đáng chỉ trích và không đáng chỉ trích, có các pháp liệt và thắng, có các pháp đen và trắng (kanhàsukkasa-ppatibhàgà). Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho trạch pháp giác chi chưa sanh khởi được sanh khởi; hay đối với trạch pháp giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

13) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với tinh tấn giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với tinh tấn giác chi đã sanh khởi được tu tập và làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có phát cần giới (àrambhadhàtu), tinh cần giới (mikkamadhàtu), cần dõng giới (parakkamadhàtu). Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với tinh tấn giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

14) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với hỷ giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với hỷ giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có những pháp làm trú xứ cho hỷ giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với hỷ giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

15) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với khinh an giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với khinh an giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có thân khinh an, tâm khinh an. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho khinh an giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với khinh an giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

16) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với định giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với định giác chi đã sanh được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có tịnh chỉ tướng, bất loạn tướng. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho định giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với định giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

17) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với xả giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với xả giác chi đã sanh được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các pháp làm trú xứ cho xả giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với xả giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú.

3.III. Giới (S.v,67)

1) ...

2) -- Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào cụ túc giới, cụ túc định, cụ túc tuệ, cụ túc giải thoát, cụ túc giải thoát tri kiến, Ta nói rằng ai thấy các Tỷ-kheo ấy thì có rất nhiều lợi ích.

3) Ai nghe các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai yết kiến các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai thân cận các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai nhớ nghĩ đến các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích. Ai tùy thuận các Tỷ-kheo ấy xuất gia, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng có rất nhiều lợi ích.

4) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, khi nghe pháp từ các Tỷ-kheo như vậy, vị nào sống viễn ly (vupakattho), được hai sự viễn ly : viễn ly về thân và viễn ly về tâm. Vị sống viễn ly như vậy thì sẽ tùy niệm (anussarati) pháp ấy, tùy tầm pháp ấy.

5) Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo sống viễn ly như vậy, tùy niệm, tùy tầm pháp ấy; trong lúc ấy, niệm giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, niệm giác chi đi đến viên mãn. Vị ấy trú với chánh niệm như vậy, với trí tuệ quyết trạch, tư sát, thành tựu quán sát pháp ấy.

6) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống chánh niệm như vậy, với trí tuệ quyết trạch, tư sát và đi đến quán sát pháp ấy; trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, trạch pháp giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập trạch pháp giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, trạch pháp giác chi đi đến viên mãn. Trong khi vị ấy với trí tuệ quyết trạch, tư sát và thành tựu quán sát pháp ấy, thời tinh tấn, không thụ động (asallinam) bắt đầu phát khởi nơi vị ấy.

7) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với trí tuệ quyết trạch, tư sát và thành tựu quán sát pháp ấy, thời tinh tấn, không thụ động bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập tinh tấn giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, tinh tấn giác chi đi đến viên mãn. Với vị tinh cần, tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất (piti niràmisà) khởi lên.

8) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tinh cần, tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên; trong khi ấy, hỷ giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập hỷ giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, hỷ giác chi đi đến viên mãn. Với vị có ý hoan hỷ, thân được khinh an, tâm được khinh an.

9) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với ý hoan hỷ, thân được khinh an, tâm được khinh an; trong khi ấy, khinh an giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập khinh an giác chi; trong khi ấy, nhờ tu tập, khinh an giác chi đi đến viên mãn. Với vị có thân khinh an, lạc hiện hữu. Với vị có lạc, tâm được định tĩnh.

10) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thân khinh an, được an lạc, tâm được định tĩnh; trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, định giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập định giác chi; trong khi ấy, định giác chi nhờ tu tập, đi đến viên mãn. Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy, khéo trú xả nhìn (sự vật) (sàdhukam ajjhupekkhità).

11) Trong khi, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với tâm định tĩnh, khéo trú xả nhìn (sự vật) như vậy; trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, xả giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập xả giác chi; trong khi ấy, xả giác chi nhờ tu tập, đi đến viên mãn.

12) Này các Tỷ-kheo, bảy giác chi được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, thời bảy quả, bảy lợi ích được chờ đợi. Thế nào là bảy quả, bảy lợi ích?

13) Ngay trong hiện tại, lập tức (patihacca) thành tựu được (chánh) trí; nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu được chánh trí, thời khi lâm chung, thành tựu được chánh trí.

14) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu được chánh trí; nếu khi lâm chung, không thành tựu được chánh trí, thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Trung gian Bát-niết-bàn (antaràparinibbàyii).

15) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu được chánh trí; nếu khi lâm chung, không thành tựu được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian bát Niết-bàn, thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Tổn hại (upahacca) Bát-niết-bàn.

16) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không chứng được chánh trí; nếu khi lâm chung, không chứng được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Tổn hại Bát-niết-bàn, thời sau khi đoạn tận năm hạ phầm kiết sử, chứng được Vô hành Bát-niết-bàn (asankhàraparinibbàyii)

17) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu chánh trí; nếu khi lâm chung, không chứng được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn diệt được năm hạ phần kiết sử, không chứng được Tổn hại Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Vô hành Bát-niết-hàn; thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, chứng được Hữu hành Bát-niết-bàn.

18) Nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu chánh trí; nếu khi lâm chung, không chứng được chánh trí; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Trung gian Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, không chứng được Tổn hại bát Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Vô hành Bát-niết-bàn; nếu sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, không chứng được Hữu hành Bát-niết-bàn; thời sau khi đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy là bậc thượng lưu (uddhamsoto), đạt được Sắc cứu cánh thiên.

19) Này các Tỷ-kheo, do tu tập bảy giác chi như vậy, do làm cho sung mãn như vậy nên được chờ đợi bảy quả này, bảy lợi ích này.

4.IV. Chuyển (Vatta) (S.v,70)

1) Một thời, Tôn giả Sàriputta trú ở Sàvatthi, tại Thắng Lâm, vườn ông Anàthapindika.

2) Tại đây, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo:

-- Chư Hiền giả Tỷ-kheo.

-- Thưa Hiền giả.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau :

3) -- Này chư Hiền, có bảy giác chi này. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi. Này chư Hiền, đó là bảy giác chi này.

4) Đối với bảy giác chi này, này chư Hiền, đối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi sáng, trong giác chi ấy, ta an trú vào buổi sáng. Đối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi trưa, trong giác chi ấy, ta an trú vào buổi trưa. Đối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi chiều, trong giác chi ấy, ta an trú vào buổi chiều.

5) Nếu là niệm giác chi hiện hữu trong ta, này chư Hiền, ta rõ biết được giác chi ấy là vô lượng trong ta, giác chi ấy là khéo phát khởi trong ta, và giác chi ấy an trú trong ta, ta rõ biết là có an trú. Nếu giác chi ấy từ bỏ ta, ta rõ biết giác chi ấy từ bỏ ta vì nhân duyên này.

6-10) ... (như trên, với các giác chi khác) ...

11) Nếu là xả giác chi hiện hữu trong ta, này chư Hiền, ta rõ biết được giác chi ấy là vô lượng trong ta, giác chi ấy là khéo phát khởi trong ta, và giác chi ấy an trú trong ta, ta rõ biết là có an trú. Nếu giác chi ấy từ bỏ ta, ta rõ biết giác chi ấy từ bỏ ta vì nhân duyên này.

12) Ví như, này chư Hiền, hòm áo của vua hay vị đại thần của vua đầy những loại áo có màu sắc sai biệt. Nếu vị ấy muốn mặc loại áo nào vào buổi sáng, vị ấy mặc loại ấy vào buổi sáng. Nếu muốn mặc loại áo nào vào buổi trưa, vị ấy mặc loại áo ấy vào buổi trưa. Nếu muốn mặc loại áo nào vào buổi chiều, vị ấy mặc loại áo ấy vào buổi chiều.

13) Cũng vậy, này chư Hiền, đối với bảy giác chi này, đối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi sáng, trong giác chi ấy ta an trú vào buổi sáng. Đối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi trưa, trong giác chi ấy ta an trú vào buổi trưa. Đối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi chiều, ta an trú giác chi ấy vào buổi chiều.

14) Nếu là niệm giác chi hiện hữu trong ta, này chư Hiền, ta rõ biết... (như trên đoạn số 5)

15-19) ... (như trên đoạn số 6-10)

20) Nếu là xả giác chi... (như trên đoạn số11)

5.V. Vị Tỷ-Kheo (S.v,72)

1) ...

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến... ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn :

--"Giác chi, giác chi", bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là giác chi?

-- Này Tỷ-kheo, chúng đưa đến giác ngộ, do vậy, chúng được gọi là các giác chi.

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

4) Do vị ấy tu tập bảy giác chi này, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu. Trong sự giải thoát, trí khởi lên : "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ : "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

5) Chúng đưa đến giác ngộ, này Tỷ-kheo, nên chúng được gọi là giác chi.

6.VI. Kundaliya (Người đeo vòng tai) (S.v,73)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàketa, tại rừng Ancana, vườn Lộc Uyển.

2) Rồi du sĩ Kundaliya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, du sĩ Kundaliya bạch Thế Tôn :

3) -- Thưa Tôn giả Gotama, tôi sống gần khu vườn, giao du với hội chúng. Sau khi ăn buổi sáng xong, thưa Tôn giả Gotama, như sau là sở hành (àcàra) của tôi. Tôi bộ hành, tôi du hành, từ khóm vườn này qua khóm vườn khác, từ khu vườn này qua khu vườn khác. Tại đấy, tôi thấy một số Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về lợi ích thoát ly các tranh luận (itivàdapamokkànisamsam) và lợi ích cật vấn (upàrambhànisamsam). Còn Tôn giả Gotama sống có lợi ích gì?

-- Này Kundaliya, Như Lai có quả lợi ích của minh và giải thoát (vịjjàvimuttiphalà- nisamsam).

4) -- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn khiến cho minh và giải thoát được viên mãn?

-- Này Kundaliya, bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn.

5) -- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn?

-- Này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn.

6) -- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn?

-- Này Kundaliya, ba thiện hành (sucaritàni) được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn.

7) -- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho ba thiện hành được viên mãn?

-- Này Kundaliya, hộ trì căn được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho ba thiện hành được viên mãn. Nhưng này Kundaliya, hộ trì căn tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho ba thiện hành được viên mãn?

8) Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc khả ý không có tham trước, không có hoan hỷ, không để tham dục (ràga) khởi lên. Thân của vị ấy được an trú, tâm an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát. Và khi mắt thấy sắc không khả ý, không có tuyệt vọng (manku), tâm không có dao động, ý không có chán nản (àdìnamànaso), tâm không có tức tối (avyàpannàcetaso). Thân của vị ấy được an trú, tâm được an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.

9-12) Lại nữa, này Kundaliya, Tỷ-kheo khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc...

13) Lại nữa, này Kundaliya, Tỷ-kheo khi ý biết pháp khả ý, không tham trước, không có hoan hỷ, không để tham dục khởi lên. Thân của vị ấy được an trú, tâm an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát. Và Tỷ-kheo khi ý biết pháp không khả ý, không có tuyệt vọng, tâm không có dao động, ý không có chán nản, tâm không có tức tối. Thân của vị ấy được an trú, tâm được an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.

14) Này Kundaliya, khi nào Tỷ-kheo, mắt thấy sắc, đối với sắc khả ý hay không khả ý, thân được an trú, tâm được an trú, nội phần được khéo an trú, khéo giải thoát... khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý biết pháp, đối với các pháp khả ý hay không khả ý, thân được an trú, tâm được an trú, nội phần được khéo an trú, khéo giải thoát. Này Kundaliya, hộ trì căn được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho ba thiện hành được viên mãn.

15) Và này Kundaliya, ba thiện hành được tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn? Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo đoạn tận thân ác hành, tu tập thân thiện hành; đoạn tận khẩu ác hành, tu tập khẩu thiện hành; đoạn tận ý ác hành, tu tập ý thiện hành. Này Kundaliya, ba thiện hành được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn.

16) Và này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho bảy giác chi được viên mãn? Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời, quán thọ trên các thọ... quán tâm trên các tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy khiến cho bảy giác chi được viên mãn.

17) Và này Kundaliya, bảy giác chi được tu tập như thế nào, được làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn? Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Này Kundaliya, bảy giác chi được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn.

18) Khi được nói vậy, du sĩ Kundaliya bạch Thế Tôn :

-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama... từ nay cho đến trọn đời con xin quy ngưỡng.

7. VII Nóc Nhà (S. v, 75)

1-2) ...

3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, các cây đà, cây kèo của ngôi nhà có nóc nhọn; tất cả cây đà, cây kèo ấy đều thiên về nóc nhọn, hướng về nóc nhọn, xuôi về nóc nhọn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

4) Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bảy giác chi như thế nào, làm cho sung mãn bảy giác chi như thế nào, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; tu tập trạch pháp giác chi... tu tập tinh tấn giác chi... tu tập hỷ giác chi... tu tập khinh an giác chi... tu tập định giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về về Niết-bàn.

8.VIII. Upavàna (S.v,76)

1) Một thời Tôn giả Upavàna và Tôn giả Sàriputta sống ở Kosambi, tại vườn Ghosita.

2) Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Upavàna; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Upavàna những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Upavàna.

3)-- Thưa Hiền giả Upavàna, Tỷ-kheo có thể biết được chăng, do tự mình như lý tác ý, bảy giác chi được khéo an trú trong ta, đưa đến lạc trú?

4) -- Thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo có thể biết được, do tự mình như lý tác ý, bảy giác chi được khéo bắt đầu trong ta, đưa đến lạc trú. Thưa Hiền giả, Tỷ-kheo chỉ bắt đầu niệm giác chi, biết được : "Tâm ta được khéo giải thoát. Hôn trầm thụy miên trong ta được khéo nhổ sạch. Trạo hối trong ta được khéo điều phục. Tinh tấn đã bắt đầu trong ta. Lấy giác chi ấy làm đối tượng (atthikatvà), ta dụng tâm tác ý. Giác chi ấy không có thối thất (linàm)"... Thưa Hiền giả, Tỷ-kheo chỉ bắt đầu xả giác chi, biết được : "Tâm ta được khéo giải thoát. Hôn trầm thụy miên trong ta được khéo nhổ sạch. Trạo hối trong ta được khéo điều phục. Tinh tấn đã bắt đầu trong ta. Lấy giác chi ấy làm đối tượng, ta dụng tâm tác ý. Giác chi ấy không có thối thất". Cũng vậy, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo có thể biết được, do tự mình như lý tác ý, bảy giác chi được khéo an trú trong ta, đưa đến lạc trú.

9.IX. Sanh (1)(S.v,77)

1) ...

2) -- Này các Tỷ-kheo, có bảy giác chi này chưa khởi lên, nếu được tu tập, làm cho sung mãn, có thể khởi lên. Nhưng không thể không có sự hiện hữu của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác. Thế nào là bảy?

3) Niệm giác chi... xả giác chi. Này các Tỷ-kheo, bảy giác chi này chưa khởi lên, nếu được tu tập, làm cho sung mãn, có thể khởi lên. Nhưng không thể không có sự hiện hữu của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác.

10.X. Sanh (2)(S.v,77)

1) ...

2) -- Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, chưa khởi lên, nếu được tu tập, làm cho sung mãn, có thể khởi lên. Nhưng không thể không có giới luật của bậc Thiện Thệ. Thế nào là bảy?

3) Niệm giác chi... xả giác chi. Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, chưa khởi lên, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, có thể khởi lên. Nhưng không thể không có giới luật của bậc Thiện Thệ.


II. Phẩm Về Bệnh

11.I. Sanh Loại(S.v,78)

1) ...

2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, có những loại hữu tình (pàna) theo bốn cử chỉ, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm. Tất cả những sanh loại ấy y cứ vào đất, an trú vào đất; mà thực hiện bốn cử chỉ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

3) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

12.II. Ví Dụ Mặt Trời (1) (S.v,78)

1) ...

2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước mặt trời sắp mọc, tức rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước bảy giác chi sanh khởi, tức là làm bạn với thiện. Tỷ-kheo làm bạn với thiện, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng : bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo làm bạn với thiện, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo làm bạn với thiện, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

13.III. Ví Dụ Mặt Trời (2)(S.v,79)

1) ...

2) Ví như, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước mặt trời sắp mọc, tức là rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước bảy giác chi sanh khởi, tức là như lý tác ý. Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng: bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn.

3) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

14.IV. Bệnh (1)(S.v,79)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, rừng Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Kassapa trú ở hang Pipphalì, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh.

3) Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.

4) Ngồi xuống, Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Kassapa :

-- Này Kassapa, Ông có kham nhẫn được chăng? Ông có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có triệu chứng giảm thiểu, không có tăng trưởng?

-- Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, con không thể chịu đựng. Khổ thọ kịch liệt tăng trưởng nơi con, không có giảm thiểu. Có triệu chứng tăng trưởng, không có giảm thiểu.

5) -- Này Kassapa, bảy giác chi này do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn... Xả giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Bảy giác chi này, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

-- Thật vậy, bạch Thế Tôn, chúng là giác chi. Thật vậy, bạch Thiện Thệ, chúng là giác chi.

6) Thế Tôn thuyết như vậy, Tôn giả Mahà Kassapa hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Và Tôn giả Mahà Kassapa được thoát khỏi bệnh ấy. Bệnh ấy của Tôn giả Mahà Kassapa được đoạn tận như vậy.

15.V. Bệnh (2)(S.v,80)

1-6) (Hoàn toàn giống kinh trên, chỉ khác đây là trường hợp ngài Mahà Moggalàna).

16.VI. Bệnh (3)(S.v,81)

1) Một thời Thế Tôn ở Vương Xá, rừng Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh.

3) Rồi Tôn giả Mahà Cunda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

4) Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Cunda đang ngồi một bên :

-- Này Cunda, hãy thuyết về giác chi.

5) -- Bạch Thế Tôn, có bảy giác chi này do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Bạch Thế Tôn, niệm giác chi do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn... Bạch Thế Tôn, xả giác chi do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Bạch Thế Tôn, bảy giác chi này do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

-- Thật vậy, này Cunda, chúng là giác chi. Thật vậy, này Cunda, chúng là giác chi.

6) Tôn giả Mahà Cunda thuyết như vậy, bậc Đạo Sư chấp nhận. Và Thế Tôn thoát khỏi bệnh ấy. Bệnh ấy của Thế Tôn được đoạn tận như vậy. (Kinh Hán Tạng: Tăng, Đại 2,73la)

17.VII. Đến Bờ Bên Kia Hay Không Có Hơn Nữa (S.v,81)

1) ...

2) -- Có bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia... Xả giác chi, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia. Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia.

3) Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ thuyết như vậy xong, bậc Đạo Sư lại nói thêm:

1) Ít thay là những người,
Qua được bờ bên kia,

Phần lớn quần chúng khác,

Chạy qua lại bờ này.

2) Những ai khéo thuyết giảng,
Chánh pháp khéo tuyên thuyết,

Họ đến bờ bên kia,

Khéo vượt cảnh Ma giới.

3) Đoạn tận các hắc pháp,
Bậc trí tu bạch pháp,

Bỏ nhà, sống không nhà,

Trong độc cư an lạc.

4) Ở đây muốn hưởng lạc,
Hãy bỏ mọi dục vọng,

Bậc trí tự thanh lọc,

Tự tâm khởi phiền não.

5) Những ai khéo tu tập,
Chánh tâm trong giác chi,

Từ bỏ các chấp trước,

Hoan hỷ, không chấp thủ,

Lậu hoặc tận, chói sáng,

Đạt tịch tịnh ở đời.

18.VIII. Thối Thất (Virdddha) hay Tấn Tu(Aradda) (S.v,82)

1) ...

2) -- Này các Tỷ-kheo, những ai thối thất bảy giác chi thì cũng thối thất Thánh đạo Tám ngành đưa đến tận diệt khổ. Này các Tỷ-kheo, những ai tấn tu bảy giác chi thì cũng tấn tu Thánh đạo Tám ngành đưa đến tận diệt khổ. Thế nào là bảy? Niệm giác chi,... xả giác chi.

3) Này các Tỷ-kheo, những ai thối thất hay tấn tu bảy giác chi thì cũng thối thất hay tấn tu Thánh đạo Tám ngành đưa đến tận diệt khổ.

19.IX. Thánh (S.v,82)

1) ...

2) -- Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, thì sẽ thành những thánh dẫn độ. (Niyyànikà : Đưa đến giải thoát), dắt dẫn người sở hành chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi... Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, thì sẽ thành những thánh dẫn độ, dắt dẫn người sở hành chơn chánh đoạn diệt khổ đau.

20.X. Nhàm Chán (S.v,82)

1) ...

2) -- Có bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi... Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.


III. Phẩm Udàyi

21.I. Giác(Bodhanà) (S.v,83)

1) ...

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến... rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

-- "Giác chi, giác chi", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là giác chi?

-- Đưa đến giác ngộ, này Tỷ-kheo, nên được gọi là giác chi.

4) Ở đây, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

5) Đưa đến giác ngộ, này Tỷ-kheo, cho nên được gọi là giác chi.

22.II. Thuyết Giảng (Tạp 26,17 Đại 2, 196a) (S.v,83)

1) ...

2)-- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về bảy giác chi. Hãy lắng nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy giác chi? Niệm giác chi... xả giác chi. Này các Tỷ-kheo, có bảy giác chi này.

23.III. Trú Xứ (Thànà) (Tạp 26,71 Đại 2, 190b) (S.v,84)

1) ...

2) -- Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho dục và tham (kàmaràga), này các Tỷ-kheo, nên dục tham (kàmacchanda) chưa sanh được sanh khởi; và dục tham đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

3) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho sân, này các Tỷ-kheo, nên sân chưa sanh được sanh khởi; và sân đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

4) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho hôn trầm thụy miên, này các Tỷ-kheo, nên hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; và hôn trầm thụy miên đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

5) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho trạo hối, này các Tỷ-kheo, nên trạo hối chưa sanh được sanh khởi; và trạo hối đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

6) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho nghi hoặc, này các Tỷ-kheo, nên nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi; và nghi hoặc đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

7) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, nên niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; và niệm giác chi đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

8) Do tác ý, làm cho sung mãn các pháp trú xứ cho xả giác chi, này các Tỷ-kheo, nên xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; và xả giác chi đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

24.IV. Phi Như Lý (Ayoniso) (Tạp 27, 14 Đại 2, 195b) (S.v,84)

1) ...

2)-- Do phi như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, dục tham (kàmacchanda) chưa sanh được sanh khởi; và dục tham đã sanh khởi đi đến tăng trưởng, quảng đại.

3) ... sân chưa sanh được sanh khởi; và sân đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

4) ... hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; và hôn trầm thụy miên đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

5) ... trạo hối chưa sanh được sanh khởi; và trạo hối đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

6) ... nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi; và nghi hoặc đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

7) ... và niệm giác chi chưa sanh không sanh khởi; và niệm giác chi đã sanh bị đoạn diệt... xả giác chi chưa sanh không sanh khởi; và xả giác chi đã sanh bị đoạn diệt.

8) ... Và này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý, dục tham chưa sanh không thể sanh khởi; và dục tham đã sanh bị đoạn tận.

9) ... sân chưa sanh không thể sanh khởi; và sân đã sanh bị đoạn tận.

10) ... hôn trầm thụy miên chưa sanh không thể sanh khởi; và hôn trầm thụy miên đã sanh bị đoạn tận.

11) ... trạo hối chưa sanh không thể sanh khởi; và trạo hối đã sanh bị đoạn tận.

12) ... nghi hoặc chưa sanh không thể sanh khởi; và nghi hoặc đã sanh bị đoạn tận.

13) ... Do như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; và niệm giác chi đã sanh, nhờ tu tập, đi đến viên mãn... xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; và xả giác chi đã sanh, nhờ tu tập, đi đến viên mãn.

25.V.Không Tổn Giảm (Aparihàni) (1) (S.v,85)

1) ...

2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về bảy pháp không tổn giảm. Hãy lắng nghe.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy pháp không tổn giảm? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi. Này các Tỷ-kheo, những pháp này là bảy pháp không tổn giảm.

26.VI. Đoạn Tận (Khaya) (S.v,86)

1) ...

2) -- Con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạn tận khát ái, hãy tu tập con đường ấy, đạo lộ ấy.

3) Và con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạn tận khát ái? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi.

4) Khi được nói vậy, Tôn giả Udàyi bạch Thế Tôn :

-- Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, bạch Thế Tôn, bảy giác chi đưa đến đoạn tận khát ái?

5) -- Ở đây, này Udàyi, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Đối với vị tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân thì khát ái được đoạn tận. Do khát ái được đoạn tận nên nghiệp được đoạn tận. Do nghiệp được đoạn tận nên khổ được đoạn tận.

6-11) ... trạch pháp giác chi... tinh tấn giác chi... hỷ giác chi... khinh an giác chi... định giác chi...

12) Ở đây, Tỷ-kheo tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Đối với vị tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân thì khát ái được đoạn tận. Do khát ái được đoạn tận nên nghiệp được đoạn tận. Do nghiệp được đoạn tận nên khổ được đoạn tận.

13) Như vậy, này Udàyi, do khát ái đoạn tận nên nghiệp đoạn tận. Do nghiệp đoạn tận nên khổ đoạn tận.

27.VII. Đoạn Diệt (Tạp 27, 18 Đại 2, 196a) (S.v,87)

1) ...

2) -- Con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến đoạn diệt khát ái, hãy tu tập con đường ấy, đạo lộ ấy.

3) Và này các Tỷ-kheo, con đường nào, đạo lộ nào đưa đến đoạn diệt khát ái? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi.

4) Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn diệt khát ái?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ,... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

5) Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn diệt khát ái.

28.VIII. Thể Nhập (Nibbedha). (S.v,87)

1) ...

2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông con đường thể nhập phần (nibbedhabhàgiyam). Hãy lắng nghe.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường thể nhập phần? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi.

4) Khi nghe nói vậy, Tôn giả Udàyi bạch Thế Tôn :

-- Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, bạch Thế Tôn, bảy giác chi đưa đến thể nhập?

5) -- Ở đây, này Udàyi, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Vị ấy nhờ tâm tu tập niệm giác chi, đâm thủng được (nibbijjhati), phá vỡ được (padàleti) tham uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được sân uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được si uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ... Tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, to lớn, vô lượng, không sân. Vị ấy nhờ tâm tu tập xả giác chi, đâm thủng được, phá vỡ được tham uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được sân uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ; vị ấy đâm thủng được, phá vỡ được si uẩn từ trước chưa từng bị đâm thủng, từ trước chưa từng bị phá vỡ.

6) Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này Udàyi, bảy giác chi đưa đến thể nhập.

29.IX. Một Pháp (S.v,88)

1) ...

2) -- Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các pháp có khả năng sanh kiết sử. Đó chính là bảy giác chi, này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy? Niệm giác chi... xả giác chi.

3) Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn tận các pháp có khả năng sanh kiết sử? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly,... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi đưa đến đoạn tận các pháp có khả năng sanh kiết sử.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp có khả năng sanh kiết sử? Mắt, này các Tỷ-kheo, là pháp có khả năng sanh kiết sử. Ở đây, khởi lên các tham trước (ajjhosanà), sai sử, trói buộc (samyojanavinibandhà) ... Ý là pháp có khả năng sanh kiết sử. Ở đây, khởi lên các tham trước, sai sử, trói buộc.

Những pháp này, này các Tỷ-kheo, được gọi là các pháp có khả năng sanh kiết sử.

30.X. Udàyi (S.v,89)

1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa những người Sumbha, tại một thị trấn của những người Sumbha tên là Setaka.

2) Rồi Tôn giả Udàyi, đi đến Thế Tôn... ngồi xuống một bên, Tôn giả Udàyi bạch Thế Tôn :

3) -- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn ! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn ! Xúc động nhiều thay (bahukatam), bạch Thế Tôn, là lòng ái mộ, tôn kính, lòng tàm và quí của con đối với Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, trước khi con còn là người tại gia, con không có nhiều xúc động (bahukata) đối với Pháp, không có nhiều xúc động đối với Tăng. Nhưng, bạch Thế Tôn, khi con cảm thấy (sampassamàno) lòng ái mộ, tôn kính, lòng tàm và quí đối với Thế Tôn, thời con xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Và Thế Tôn thuyết pháp cho con : "Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt, đây là con đường đưa đến sắc đoạn diệt. Đây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ đoạn diệt... Đây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt, đây là con đường đưa đến thức đoạn diệt".

4) Rồi, bạch Thế Tôn, con đi đến chỗ nhà trống, và trong khi tùy quán (samparivattento) theo sự sanh diệt của năm thủ uẩn này, con như thật thắng tri : "Đây là khổ". Con như thật thắng tri: "Đây là khổ tập khởi". Con như thật thắng tri: "Đây là khổ diệt". Con như thật thắng tri : "Đây là con đường đưa đến khổ diệt".

5) Pháp, bạch Thế Tôn, được con hoàn toàn chứng tri (abhisamito). Con đường được con chứng đắc, con đường này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đắc như vậy (tathattàya). Nhờ vậy, con sẽ rõ biết rằng: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Bạch Thế Tôn, con chứng được niệm giác chi. Niệm này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, con sẽ rõ biết được rằng : "Sanh đã tận... không còn trở lui trạng thái này nữa"... Con chứng được, bạch Thế Tôn, xả giác chi. Xả này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, con sẽ rõ biết rằng : "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Bạch Thế Tôn, con đường này được con chứng đắc, con đường này được tu tập, được làm cho sung mãn, sẽ dắt dẫn con, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, con sẽ rõ biết rằng : "Sanh đã tận... không còn trở lui trạng thái này nữa".

6) -- Lành thay, lành thay, này Udàyi ! Con đường này, này Udàyi, Ông chứng được, con đường này được tu tập, được làm cho sung mãn sẽ dắt dẫn Ông, với sự an trú như vậy, như vậy, đạt đến sự chứng đạt như vậy. Nhờ vậy, Ông sẽ rõ biết rằng : "Sanh đã tận... không còn trở lui trạng thái này nữa".


IV. Phẩm Triền Cái

31.I.Thiện (1)(S.v,91)

1) ...

2) -- Phàm có những pháp nào, này các Tỷ-kheo, dự phần về thiện và bất thiện, nhưng thuộc về phần thiện, tất cả những pháp ấy lấy không phóng dật làm căn bản, lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ; không phóng dật được gọi là tối thượng đối với những pháp ấy.

3) Với Tỷ-kheo không phóng dật này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phóng dật tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không phóng dật tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

32.II. Thiện (2)(S.v,91)

1) ...

2) -- Phàm có những pháp nào, này các Tỷ-kheo, dự phần về thiện và bất thiện, nhưng thuộc về phần thiện, tất cả những pháp ấy lấy như lý tác ý làm căn bản, lấy như lý tác ý làm chỗ quy tụ; như lý tác ý được gọi là tối thượng đối với những pháp ấy.

3) Với Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng bảy giác chi sẽ được tu tập, sẽ được làm cho sung mãn. Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

33.III. Cấu Uế (1)(S.v,92)

1) ...

2) -- Này các Tỷ-kheo có năm cấu uế này đối với vàng. Do những cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn (pabhangu), và không chân chánh chịu sử dụng.

3) Sắt, này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm... chịu sử dụng.

4) Đồng (loham), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm... chịu sử dụng.

5) Thiếc (tipu), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm...

6) Chì (siisam), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm...

7) Bạc (sajjhum), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, và không chân chánh chịu sử dụng.

8) Chính cấu uế của vàng, này các Tỷ-kheo, do những cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, và không chân chánh chịu sử dụng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có năm cấu uế này của tâm, chính những cấu uế ấy khiến tâm bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, không chân chánh được định tỉnh để đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là năm?

9) Dục tham (kàmachanda), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của tâm. Do cấu uế ấy, tâm bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, không chân chánh được định tỉnh để đoạn diệt các lậu hoặc.

10-13) ... (Với sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi)

14) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm cấu uế của tâm. Chính do những cấu uế ấy, tâm không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, và không chân chánh được định tỉnh để đoạn diệt các lậu hoặc.

34.IV. Các Cấu Uế (2)(Tạp 26,67, Đại 2,189b) (S.v,93)

1) ...

2)-- Này các Tỷ-kheo, có bảy giác chi này không chướng ngại, không triền cái, không uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Thế nào là bảy?

3) Có niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, không chướng ngại, không triền cái, không uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát... Xả giác chi không chướng ngại, không triền cái, không uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát.

4) Này các Tỷ-kheo, có bảy giác chi này không chướng ngại, không triền cái, không uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát.

35.V.Như Lý (1) (S.v,93)

1) ...

2) -- Do phi như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, dục tham (kàmacchando) chưa sanh được sanh khởi; và dục tham đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại.

3) ... sân chưa sanh được sanh khởi; và sân đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại.

4) ... hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; và hôn trầm thụy miên đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại.

5) ... trạo hối chưa sanh được sanh khởi; và trạo hối đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại.

6) Và này các Tỷ-kheo, do phi như lý tác ý, nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi; và nghi hoặc đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại.

36.VI. Như Lý (2) (S.v,94)

1) ...

2) -- Do như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; và niệm giác chi đã sanh, nhờ tu tập, đi đến viên mãn... xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; và xả giác chi đã sanh, nhờ tu tập, đi đến viên mãn.

37.VII. Tăng Trưởng Hay Không Giảm Thiểu (Tạp 26,67, Đại 2, 189b) (S.v,94)

1) ...

2)-- Có bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến tăng trưởng, không đưa đến giảm thiểu. Thế nào là bảy?

3) Niệm giác chi... Xả giác chi.

4) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến tăng trưởng, không đưa đến giảm thiểu.

38.VIII. Chướng Ngại, Triền Cái (Tạp 26, 69, Đại 2, 189c) (S.v,94)

1) ...

2) -- Có năm chướng ngại, triền cái, này các Tỷ-kheo, làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Thế nào là năm?

3) Dục tham, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Sân, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái... Hôn trầm thụy miên, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái... Trạo hối, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái... Nghi hoặc, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ.

4) Năm chướng ngại, triền cái này, này các Tỷ-kheo, làm uế nhiễm tâm và làm yếu ớt trí tuệ.

5) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Thế nào là bảy?

6) Niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát... Xả giác chi, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát.

7) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát.

8) Trong khi, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử lấy pháp làm đối tượng (atthim katvà) tác ý, tập trung tất cả tâm ý (sabbacetaso sammannàharitvà), lắng tai nghe pháp; trong khi ấy, năm triền cái không có hiện hữu trong vị ấy. Và bảy giác chi, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn.

9) Năm triền cái nào, trong khi ấy, không có hiện hữu? Dục tham triền cái, trong khi ấy, không có hiện hữu. Sân triền cái... Hôn trầm thụy miên triền cái... Trạo hối triền cái... Nghi hoặc trieàn cái, trong khi ấy, không có hiện hữu. Năm triền cái, trong khi ấy, không có hiện hữu trong vị ấy.

10) Bảy giác chi nào, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn? Niệm giác chi, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn... Xả giác chi, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn.

11) Trong khi, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử lấy pháp làm đối tượng tác ý, tập trung tất cả tâm ý, lắng tai nghe pháp; trong khi ấy, năm triền cái không có hiện hữu trong vị ấy. Bảy giác chi này, trong khi ấy, nhờ tu tập, đi đến viên mãn.

39.IX. Cây (Tạp 26,70, Đại 2, 190a) (S.v,96)

1) ...

2) -- Có những cây lớn, này các Tỷ-kheo, sanh từ hột giống nhỏ, có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác. Các cây ấy bị bao trùm, bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống.

3) Và này các Tỷ-kheo, những cây lớn nào sanh từ hột giống nhỏ, có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác, các cây ấy bị bao trùm, bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống. Ví như cây Bồ-đề, cây bàng, cây sanh (pilakka), cây sung (udumbara), cây bách hướng (kacchaka), cây kapitthaka; những cây lớn này, này các Tỷ-kheo, sanh từ hột giống nhỏ, có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác. Các cây ấy bị bao trùm, bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống.

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có thiện nam tử đoạn trừ các dục vọng, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nhưng bị những dục vọng ấy, hay bị những dục vọng tệ hại hơn làm cho người ấy bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống.

5) Năm chướng ngại, triền cái này, này các Tỷ-kheo, bao trùm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ. Thế nào là năm? Dục tham (kàmacchanda), này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, bao trùm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ. Sân, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, bao trùm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ. Hôn trầm thụy miên... Trạo hối... Nghi hoặc, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái, bao trùm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, năm chướng ngại, triền cái này bao trùm tâm và làm cho yếu ớt trí tuệ.

6) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không bao trùm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không bao trùm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát... Xả giác chi, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không bao trùm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, không phải là chướng ngại, triền cái, không bao trùm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát.

40.X. Triền Cái (Tạp 26, 68, Đại 2, 189c) (S.v,97)

1) ...

2) -- Năm triền cái này, này các Tỷ-kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Thế nào là năm? Dục tham triền cái, này các Tỷ-kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Sân triền cái... Hôn trầm thụy miên triền cái... Trạo hối triền cái... Nghi hoặc triền cái, này các Tỷ-kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Năm triền cái này, này các Tỷ-kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn.

3) Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Trạch pháp... Tinh tấn... Hỷ... Khinh an... Định... Xả giác chi, này các Tỷ-kheo, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn.

V. Phẩm Chuyển Luân

41.I. Các Kiêu Mạn (Vidhà)(Tạp 27, 19, Đại 2, 196a) (S.v,98)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi...

2) -- Các Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, trong thời quá khứ, đã đoạn tận ba kiêu mạn (vidhà); tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập và làm cho sung mãn bảy giác chi. Các Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, trong tương lai, sẽ đoạn tận ba kiêu mạn; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập và làm cho sung mãn bảy giác chi. Các Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, trong thời hiện tại, đoạn tận ba kiêu mạn này; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập và làm cho sung mãn bảy giác chi này.

3) Thế nào là bảy giác chi? Niệm giác chi... Xả giác chi.

4) Các Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, trong thời quá khứ, đã đoạn tận ba kiêu mạn; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập và làm cho sung mãn bảy giác chi này.

42.II. Chuyển Luân (Tạp 27, 10. Đại 2, 194a) (S.v,99)

1) ...

2) -- Cùng với sự xuất hiện của vua Chuyển luân, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của bảy báu. Thế nào là bảy?

3) Sự xuất hiện của bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, châu ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, sự xuất hiện của tướng quân báu. Cùng với sự xuất hiện của vua Chuyển luân, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của bảy báu này.

4) Cùng với sự xuất hiện của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của bảy báu giác chi. Thế nào là bảy?

5) Niệm giác chi báu xuất hiện... Xả giác chi báu xuất hiện. Cùng với sự xuất hiện của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của bảy giác chi báu này.

43.III. Màra (S.v,99)

1) ...

2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông con đường đưa đến chinh phục Ma quân. Hãy lắng nghe.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến chinh phục Ma quân? Tức là bảy giác chi. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... Xả giác chi. Đây là con đường, này các Tỷ-kheo, đưa đến chinh phục Ma quân.

44.IV. Liệt Tuệ (Duppanna) (S.v,99)

1) ...

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến... ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn :

3) -- "Kẻ liệt tuệ ngu đần, kẻ liệt tuệ ngu đần", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là liệt tuệ ngu đần?

4) -- Do bảy giác chi không được tu tập, không được làm cho sung mãn, này Tỷ-kheo, nên được gọi là liệt tuệ ngu đần. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... Xả giác chi.

5) Này các Tỷ-kheo, chính do bảy giác chi này không được tu tập, không được làm cho sung mãn, nên được gọi là liệt tuệ ngu đần.

45.V. Có Trí Tuệ (S.v,100)

1-2) ...

3) -- "Có trí tuệ không ngu đần, có trí tuệ không ngu đần", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là có trí tuệ không ngu đần?

4) -- Do tu tập, do làm cho sung mãn bảy giác chi, này các Tỷ-kheo, được gọi là có trí tuệ không ngu đần. Thế nào là bảy giác chi này? Niệm giác chi... Xả giác chi.

5) Do tu tập, do làm cho sung mãn bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được gọi là có trí tuệ không ngu đần.

46.VI. Bần Cùng (Daliddo) (S.v,100)

1-2) ...

3) -- "Bần cùng, bần cùng", bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là bần cùng?

4) -- Do không tu tập, do không làm cho sung mãn bảy giác chi, nên được gọi là bần cùng. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... Xả giác chi.

5) Do không tu tập, không làm cho sung mãn bảy giác chi này, này Tỷ-kheo, được gọi là bần cùng.

47.VII. Không Bần Cùng (S.v,100)

1-2) ...

3) -- "Không bần cùng, không bần cùng", bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là không bần cùng?

4) -- Do tu tập, do làm cho sung mãn bảy giác chi, này Tỷ-kheo, được gọi là không bần cùng. Thế nào là bảy? Niệm giác chi... Xả giác chi.

5) Chính do tu tập, làm cho sung mãn bảy giác chi này nên được gọi là không bần cùng.

48.VIII. Mặt Trời (S.v,101)

1) ...

2) -- Cái này là điềm đi trước, này các Tỷ-kheo, cái này là tướng báo trước mặt trời mọc, tức là rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, cái này là tướng báo trước bảy giác chi sanh khởi, tức là làm bạn với thiện (kalyànamittatà).

3) Tỷ-kheo làm bạn với thiện, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn. Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo làm bạn với thiện, được tu tập bảy giác chi, được làm cho sung mãn bảy giác chi?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo làm bạn với thiện, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

49.IX. Chi Phần (1) (Tạp 27, 20, Đại 2, 196a) (S.v,101)

1) ...

2) -- Sau khi làm thành nội chi phần, này các Tỷ-kheo, Ta không quán thấy một phần nào khác khiến bảy giác chi được sanh khởi, này các Tỷ-kheo, thành phần ấy tức là như lý tác ý.

3) Với Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý này, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm bạn với thiện, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

50.X. Chi Phần (2) (S.v,102)

1) ...

2) -- Sau khi làm thành ngoại chi phần, này các Tỷ-kheo, Ta không quán thấy một chi phần nào khác khiến bảy giác chi được sanh khởi, này các Tỷ-kheo, chi phần ấy tức làm bạn với thiện.

3) Với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo làm bạn với thiện, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm bạn với thiện, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.


VI. Phẩm Tổng Nhiếp Giác Chi

1) Tất cả nhân duyên ở Sàvatthi...

51.I. Đồ Ăn (Tạp 27, 4, Đại 2, 192a) (S.v,102)

1) ...

2) -- Ta sẽ giảng cho các Ông, này các Tỷ-kheo, các món ăn và không phải món ăn của năm triền cái và bảy giác chi. Hãy lắng nghe.

I. Món Ăn Của Các Triền Cái

1-2) ...

3) -- Cái gì là món ăn, này các Tỷ-kheo, khiến cho dục tham (kàmacchanda) chưa sanh được sanh khởi; hay dục tham đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Có tịnh tướng, này các Tỷ-kheo. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho dục tham chưa sanh được sanh khởi, hay dục tham đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

4) Cái gì là món ăn, này các Tỷ-kheo, khiến cho sân chưa sanh được sanh khởi; hay sân đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Có chướng ngại tướng (patighanimittam), này các Tỷ-kheo. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho sân chưa sanh được sanh khởi, hay sân đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

5) Cái gì là món ăn, này các Tỷ-kheo, khiến cho hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; hay hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Không hân hoan, biếng nhác, chán nản, ăn quá no, tâm uể oải. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi, hay hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

6) Cái gì là món ăn, này các Tỷ-kheo, khiến cho trạo hối chưa sanh được sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Có tâm chưa được chỉ tịnh, này các Tỷ-kheo. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho trạo hối chưa sanh được sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

7) Cái gì là món ăn, này các Tỷ-kheo, khiến cho nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi, hay nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Có các pháp trú xứ của nghi hoặc. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi, hay nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

II. Món Ăn Cho Các Giác Chi

8) -- Cái gì là món ăn, này các Tỷ-kheo, khiến cho niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay niệm giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các pháp trú xứ cho niệm giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay niệm giác chi đã sanh được tu tập, làm cho viên mãn.

9) Và này các Tỷ-kheo, cái gì là món ăn khiến cho trạch pháp giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay trạch pháp giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Có những pháp thiện và bất thiện, này các Tỷ-kheo, có những pháp có tội và không có tội, có những pháp liệt và thắng, có những pháp dự phần đen và trắng. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho trạch pháp giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay trạch pháp giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

10) Và này các Tỷ-kheo, cái gì là món ăn khiến cho tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay tinh tấn giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Có phát cần giới, này các Tỷ-kheo, tinh cần giới, dõng mãnh giới. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay tinh tấn giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

11) Và này các Tỷ-kheo, cái gì là món ăn khiến cho hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay hỷ giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có những pháp trú xứ cho hỷ giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay hỷ giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

12) Và này các Tỷ-kheo, cái gì là món ăn khiến cho khinh an giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay khinh an giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có thân khinh an, tâm khinh an. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho khinh an giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay khinh an giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

13) Và này các Tỷ-kheo, cái gì là món ăn khiến cho định giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay định giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có tịnh chỉ tướng, bất loạn tướng. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho định giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay định giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

14) Và này các Tỷ-kheo, cái gì là món ăn khiến cho xả giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay xả giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các pháp trú xứ cho xả giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này là món ăn khiến cho xả giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay xả giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

III. Không Phải Món Ăn Cho Các Triền Cái

15) -- Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải món ăn khiến cho dục tham chưa sanh được sanh khởi, hay dục tham đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có bất tịnh tướng. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải là món ăn khiến cho dục tham chưa sanh được sanh khởi, hay dục tham đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

16) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải món ăn khiến cho sân chưa sanh được sanh khởi, hay sân đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có từ tâm giải thoát. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải là món ăn khiến cho sân chưa sanh được sanh khởi, hay sân đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

17) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải món ăn khiến cho hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi, hay hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có phát cần giới, tinh cần giới, dõng mãnh giới. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải là món ăn khiến cho hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi, hay hôn trầm thụy miên đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

18) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải món ăn khiến cho trạo hối chưa sanh được sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có tâm chỉ tịnh. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải là món ăn khiến cho trạo hối chưa sanh được sanh khởi, hay trạo hối đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

19) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải món ăn khiến cho nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi, hay nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có pháp thiện và bất thiện, có pháp có tội và không có tội, có pháp liệt và thắng, có pháp dự phần vào đen và trắng. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải là món ăn khiến cho nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi, hay nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.

IV. Không Phải Là Món Ăn Cho Các Giác Chi

20) -- Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải là món ăn khiến cho niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay niệm giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các pháp trú xứ cho niệm giác chi. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải món ăn khiến niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay niệm giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

21) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải là món ăn khiến cho trạch pháp giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay trạch pháp giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các pháp thiện và bất thiện, có tội và không có tội, liệt và thắng, dự phần vào đen và trắng. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải là món ăn khiến cho trạch pháp giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay trạch pháp giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

22) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải là món ăn khiến cho tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay tinh tấn giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có phát cần giới, tinh cần giới, dõng mãnh giới. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải là món ăn khiến cho tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay tinh tấn giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

23) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải món ăn khiến cho hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay hỷ giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có những pháp trú xứ cho hỷ giác chi. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải món ăn khiến cho hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay hỷ giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

24) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải món ăn khiến cho khinh an giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay khinh an giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có thân khinh an, tâm khinh an. Ở đây, nếu phi như lý tác ý, làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải món ăn khiến cho khinh an giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay khinh an giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

25) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải món ăn khiến cho định giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay định giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có tịnh chỉ tướng, bất loạn tướng. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải món ăn khiến cho định giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay định giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

26) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải món ăn khiến cho xả giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay xả giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các pháp trú xứ cho xả giác chi. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính cái này không phải món ăn khiến cho xả giác chi chưa sanh được sanh khởi, hay xả giác chi đã sanh được tu tập, được làm cho viên mãn.

52.II. Pháp Môn (Pariyàya) (Tạp 27, 4, Đại 2, 192a) (S.v,108)

1) ...

2) Rồi một số đông Tỷ-kheo, vào buổi sáng, đắp y, mang y bát đi vào Sàvatthi để khất thực.

3) Rồi các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ : "Nay còn quá sớm để đi vào Sàvatthi khất thực, vậy chúng ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo".

4) Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Các du sĩ ngoại đạo nói với các Tỷ-kheo đang ngồi một bên :

5) -- Này chư Hiền, Sa-môn Gotama có thuyết pháp như sau cho các đệ tử : "Hãy đến, này các Tỷ-kheo, sau khi đoạn tận năm triền cái là những pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ, hãy như thật tu tập bảy giác chi". Này chư Hiền, chúng tôi cũng thuyết pháp như vậy cho các đệ tử : "Hãy đến, này chư Hiền, sau khi đoạn tận năm triền cái là những pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ, hãy như thật tu tập bảy giác chi".

6) Ở đây, này chư Hiền, cái gì là đặc thù (viseso), cái gì là thù thắng (abhippayo), cái gì là sai biệt giữa Sa-môn Gotama và chúng tôi, tức là về thuyết pháp hay về giáo giới?

7) Rồi các Tỷ-kheo ấy không hoan hỷ, không bác bỏ lời nói của các du sĩ ngoại đạo ấy; không hoan hỷ, không bác bỏ, từ chỗ ngồi đứng dậy họ ra đi với ý nghĩ : "Chúng ta sẽ được biết ý nghĩa lời nói này từ nơi Thế Tôn".

8) Rồi các Tỷ-kheo ấy, sau khi đi khất thực ở Sàvatthi, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, họ đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

9) Ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn :

-- Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát và đi vào Sàvatthi để khất thực. Bạch Thế Tôn, rồi chúng con suy nghĩ : "Nay còn quá sớm để đi vào Sàvatthi khất thực. Vậy chúng ta hãy đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo". Rồi, bạch Thế Tôn, chúng con đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Rồi bạch Thế Tôn, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với chúng con đang ngồi một bên : "Này chư Hiền, Sa-môn Gotama thuyết pháp như sau... tức là về thuyết pháp hay về giáo giới?"

10) Rồi, bạch Thế Tôn, chúng con không tán thán, không bác bỏ lời nói các du sĩ ngoại đạo ấy; không hoan hỷ, không bác bỏ, từ chỗ ngồi đứng dậy chúng con ra đi với ý nghĩ : "Chúng ta sẽ được hiểu lời nói này từ Thế Tôn".

11) -- Được nói vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải trả lời với các du sĩ ngoại đạo như sau : "Này chư Hiền, có pháp môn nào, do pháp môn ấy, năm triền cái được trở thành mười, bảy giác chi được trở thành mười bốn?" Được đáp như vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo sẽ không thể cắt nghĩa được, sẽ rơi vào khó khăn.

12) Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, vấn đề này vượt ngoài giới vức của họ. Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một ai ở Thiên giới, thế giới này, ở Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người có thể làm thỏa mãn tâm với câu trả lời cho những câu hỏi này, ngoại trừ Như Lai, hay đệ tử Như Lai, hay những ai được nghe từ hai vị ấy.

I. Năm Trở Thành Mười

13) -- Và này các Tỷ-kheo, pháp môn nào, do y cứ pháp môn ấy, năm triền cái trở thành mười?

14) Cái gì thuộc nội dục tham, này các Tỷ-kheo, cái ấy là triền cái. Cái gì thuộc ngoại dục tham, cái ấy là triền cái. Gọi là dục tham triền cái là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

15) Cái gì thuộc về nội sân, này các Tỷ-kheo, cái ấy là triền cái. Cái gì thuộc ngoại sân, cái ấy là triền cái. Gọi là sân triền cái là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

16) Cái gì thuộc về nội hôn trầm thụy miên, này các Tỷ-kheo, cái ấy là triền cái. Cái gì thuộc ngoại hôn trầm thụy miên, cái ấy là triền cái. Gọi là hôn trầm thụy miên là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

17) Cái gì thuộc nội trạo hối, này các Tỷ-kheo, cái ấy là triền cái. Cái gì thuộc ngoại trạo hối, cái ấy là triền cái. Gọi là trạo hối triền cái là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

18) Cái gì thuộc về nội nghi hoặc, này các Tỷ-kheo, cái ấy là triền cái. Cái gì thuộc ngoại nghi hoặc, cái ấy là triền cái. Gọi là nghi hoặc triền cái là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

19) Này các Tỷ-kheo, chính là pháp môn này, do pháp môn này, năm triền cái trở thành mười.

II. Bảy Trở Thành Mười Bốn

20) -- Và này các Tỷ-kheo, pháp môn nào, do y cứ pháp môn ấy, bảy giác chi trở thành mười bốn?

21) Cái gì là niệm đối với nội pháp, này các Tỷ-kheo, cái ấy là niệm giác chi. Cái gì là niệm đối với ngoại pháp, cái ấy là niệm giác chi. Gọi là niệm giác chi là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

22) Cái gì là quyết trạch, tư sát, quán sát với trí tuệ đối với các nội pháp, này các Tỷ-kheo, cái ấy là trạch pháp giác chi. Cái gì là quyết trạch, tư sát, quán sát đối với các ngoại pháp, cái ấy là trạch pháp giác chi. Gọi là trạch pháp giác chi là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

23) Cái gì là thân tinh tấn, này các Tỷ-kheo, cái ấy là tinh tấn giác chi. Cái gì là tâm tinh tấn, cái ấy là tinh tấn giác chi. Gọi là tinh tấn giác chi là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

24) Cái gì là hỷ có tầm, có tứ, này các Tỷ-kheo, cái ấy là hỷ giác chi. Cái gì là hỷ không tầm, không tứ, cái ấy là hỷ giác chi. Gọi là hỷ giác chi là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

25) Cái gì là thân khinh an, này các Tỷ-kheo, cái ấy là khinh an giác chi. Cái gì là tâm khinh an, cái ấy là khinh an giác chi. Gọi là khinh an giác chi là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

26) Cái gì là định có tầm, có tứ, này các Tỷ-kheo, cái ấy là định giác chi. Cái gì là định không tầm, không tứ, cái ấy là định giác chi. Gọi là định giác chi là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

27) Cái gì là xả đối với các nội pháp, này các Tỷ-kheo, cái ấy là xả giác chi. Cái gì là xả đối với các ngoại pháp, cái ấy là xả giác chi. Gọi là xả giác chi là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai.

28) Này các Tỷ-kheo, chính là pháp môn này, y cứ pháp môn này, bảy giác chi trở thành mười bốn.

53.III.Lửa (Tạp 27,3, Đại 2, 191c) (S.v,112)

1) ...

2) Rồi một số đông Tỷ-kheo, vào buổi sáng, đắp y cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực.

3-10) ... (Giống như kinh Pháp Môn 52)

11) -- Được nói vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo cần được trả lời như sau : "Này chư Hiền, khi tâm thụ động (linam), trong khi ấy, tu tập giác chi nào là không phải thời, trong khi ấy, tu tập giác chi nào là phải thời? Nhưng, này chư Hiền, trong khi tâm dao động (uddhatam), trong khi ấy, tu tập giác chi nào là không phải thời, trong khi ấy, tu tập giác chi nào là phải thời?" Được hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo sẽ không thể cắt nghĩa được, sẽ rơi vào khó khăn.

12) Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, vấn đề này vượt ngoài giới vức của họ. Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một ai ở Thiên giới, thế giới này, ở Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người có thể làm thỏa mãn tâm với câu trả lời cho những câu hỏi này, ngoại trừ Như Lai, hay đệ tử Như Lai, hay những ai được nghe từ hai vị ấy.

I. Phi Thời

13)-- Trong khi tâm thụ động, này các Tỷ-kheo, trong khi ấy, không phải thời là tu tập khinh an giác chi, không phải thời là tu tập định giác chi, không phải thời là tu tập xả giác chi. Vì sao? Khi tâm thụ động, này các Tỷ-kheo, thật khó làm tâm phát khởi nhờ những pháp này.

14) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người muốn đốt lên một ngọn lửa nhỏ, người ấy ném vào đấy cỏ ướt, phân bò ướt, củi ướt, để ngọn lửa ấy giữa mưa, gió và rắc bụi lên trên; người ấy có thể nhen đỏ ngọn lửa nhỏ ấy không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi tâm thụ động, trong khi ấy, không phải thời là tu tập khinh an giác chi, không phải thời là tu tập định giác chi, không phải thời là tu tập xả giác chi. Vì sao? Vì rằng, khi tâm thụ động, thật khó làm tâm phát khởi nhờ những pháp này.

II. Phải Thời

15) -- Và này các Tỷ-kheo, trong khi tâm thụ động, trong khi ấy, phải thời là tu tập trạch pháp giác chi, phải thời là tu tập tinh tấn giác chi, phải thời là tu tập hỷ giác chi. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, khi tâm thụ động, thật dễ làm tâm phát khởi nhờ những pháp này.

16) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người muốn đốt lên một ngọn lửa nhỏ, người ấy ném vào đấy cỏ khô, phân bò khô, củi khô, dùng miệng thổi, không có rắc bụi lên trên; người ấy có thể nhen đỏ ngọn lửa ấy không?

-- Thưa có, bạch Thế Tôn.

-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi tâm thụ động, trong khi ấy, phải thời là tu tập trạch pháp giác chi, phải thời là tu tập tinh tấn giác chi, phải thời là tu tập hỷ giác chi. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, khi tâm thụ động, thật dễ làm tâm phát khởi nhờ những pháp này.

III. Không Phải Thời

17) -- Và này các Tỷ-kheo, trong khi tâm dao động, trong khi ấy, không phải thời là tu tập trạch pháp giác chi, không phải thời là tu tập tinh tấn giác chi, không phải thời là tu tập hỷ giác chi. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, tâm dao động, thật khó được tịnh chỉ do những pháp ấy.

18) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người muốn dập tắt một đống lửa lớn. Ở đây, người ấy ném vào cỏ khô, phân bò khô và củi khô, lấy miệng thổi, và không rắc bụi lên trên. Người ấy có thể dập tắt đống lửa lớn ấy không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi tâm dao động, không phải thời là tu tập trạch pháp giác chi, không phải thời là tu tập tinh tấn giác chi, không phải thời là tu tập hỷ giác chi. Vì sao? Vì rằng, tâm dao động, thật không dễ được tịnh chỉ nhờ những pháp ấy.

IV. Phải Thời

19) -- Và này các Tỷ-kheo, trong khi tâm dao động, trong khi ấy, phải thời là tu tập khinh an giác chi, phải thời là tu tập định giác chi, phải thời là tu tập xả giác chi. Vì sao? Vì rằng, tâm dao động thật dễ được tịnh chỉ nhờ những pháp này.

20) Ví như, này các Tỷ-kheo, có người muốn dập tắt một đống lửa lớn. Ở đây, người ấy ném vào cỏ ướt, ném vào phân bò ướt, ném vào củi ướt, để giữa gió và mưa, và rắc bụi lên trên. Người ấy có thể dập tắt ngọn lửa lớn ấy không?

-- Thưa có, bạch Thế Tôn.

-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi tâm dao động, trong khi ấy, phải thời là tu tập khinh an giác chi, phải thời là tu tập định giác chi, phải thời là tu tập xả giác chi. Vì sao? Vì rằng, tâm dao động, thật dễ được tịnh chỉ nhờ các pháp này.

21) Nhưng đối với niệm, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng lợi ích trong mọi trường hợp.

54.IV. Từ (Tạp 27,32, Đại 2, 197b) (S.v,115)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Koliya, tại thị trấn của dân Koliya tên là Haliddavasana.

2) Rồi một số đông Tỷ-kheo, vào buổi sáng, đắp y cầm y, bát đi vào Haliddavasana để khất thực.

3) Rồi các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ : "Thật là quá sớm để đi vào Haliddavasana khất thực. Vậy, chúng ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo".

4) Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến nói lên với những du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, họ liền ngồi xuống một bên. Các du sĩ ngoại đạo ấy nói với các Tỷ-kheo đang ngồi một bên:

5) -- Này chư Hiền, Sa-môn Gotama có thuyết pháp như sau cho các đệ tử : "Hãy đến, này các Tỷ-kheo, sau khi đoạn tận năm triền cái, những pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ, hãy trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ; cũng vậy, với phương thứ hai; cũng vậy, với phương thứ ba; cũng vậy, với phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú, biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân... với tâm câu hữu với bi... với tâm câu hữu với hỷ... với tâm câu hữu với xả; cũng vậy, với phương thứ hai; cũng vậy, với phương thứ ba; cũng vậy, với phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú, biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại vô biên, không hận, không sân".

6) Này chư Hiền, chúng tôi cũng thuyết pháp cho các đệ tử như sau : "Hãy đến, này chư Hiền, sau khi đoạn tận năm triền cái, những pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ, hãy trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ... với tâm câu hữu với bi... với tâm câu hữu với hỷ... với tâm câu hữu với xả... không hận, không sân".

7) Ở đây, này chư Hiền, cái gì là đặc thù, cái gì là thù thắng, cái gì là sai biệt giữa Sa-môn Gotama và chúng tôi, tức là về thuyết pháp hay về giáo giới?

Rồi các Tỷ-kheo ấy không hoan hỷ, không bác bỏ lời nói các du sĩ ngoại đạo ấy; không hoan hỷ, không bác bỏ, từ chỗ ngồi đứng dậy, họ ra đi với ý nghĩ : "Chúng ta sẽ được biết ý nghĩa lời nói này từ nơi Thế Tôn".

8) Rồi các Tỷ-kheo ấy sau khi đi khất thực ở Haliddavasana, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, họ đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn :

9) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con, vào buổi sáng, đắp y cầm y bát đi vào Haliddavasana để khất thực. Rồi, bạch Thế Tôn, chúng con suy nghĩ như sau : "Thật là quá sớm để đi vào Haliddavasana khất thực. Vậy chúng ta hãy đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo". Rồi, bạch Thế Tôn, chúng con đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo... (như trên) ... Rồi chúng con, bạch Thế Tôn, không hoan hỷ, không bác bỏ lời nói các du sĩ ngoại đạo ấy; không hoan hỷ, không bác bỏ, từ chỗ ngồi đứng dậy, chúng con ra đi với ý nghĩ : "Chúng ta sẽ được biết ý nghĩa lời nói này từ Thế Tôn".

10) -- Được nói vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải nói với các du sĩ ngoại đạo ấy như sau :

"Nhưng này chư Hiền, từ tâm giải thoát tu tập như thế nào? Thú hướng như thế nào? Tối thắng như thế nào? Quả như thế nào? Cứu cánh như thế nào? Và này chư Hiền, bi tâm giải thoát tu tập như thế nào? Thú hướng như thế nào? Tối thắng như thế nào? Quả như thế nào? Cứu cánh như thế nào? Và này chư Hiền, hỷ tâm giải thoát... xả tâm giải thoát tu tập như thế nào? Thú hướng như thế nào? Tối thắng như thế nào? Quả như thế nào? Cứu cánh như thế nào? " Khi được hỏi như vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo sẽ không thể cắt nghĩa được, sẽ rơi vào khó khăn.

11) Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, vấn đề này vượt ngoài giới vức của họ. Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một ai ở Thiên giới, thế giới này ở Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người có thể làm thỏa mãn tâm với câu trả lời cho những câu hỏi này, ngoại trừ Như Lai, hay đệ tử Như Lai, hay những ai được nghe từ hai vị ấy.

12) Và này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát tu tập như thế nào? Thú hướng như thế nào? Tối thắng như thế nào? Quả như thế nào? Cứu cánh như thế nào?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với từ... tu tập xả giác chi câu hữu với từ, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Nếu vị ấy muốn : "Ta sẽ trú với tưởng ghê tởm đối với pháp không ghê tởm", vị ấy trú ở đây với tưởng ghê tởm. Nếu vị ấy muốn : "Ta sẽ trú với tưởng không ghê tởm đối với pháp ghê tởm", vị ấy trú ở đây với tưởng không ghê tởm. Nếu vị ấy muốn: "Ta sẽ trú với tưởng ghê tởm đối với pháp không ghê tởm và pháp ghê tởm", vị ấy trú ở đây với tưởng ghê tởm. Nếu vị ấy muốn : "Ta sẽ trú với tưởng không ghê tởm đối với pháp ghê tởm và pháp không ghê tởm", vị ấy trú ở đây với tưởng không ghê tởm. Nếu vị ấy muốn : "Từ bỏ cả hai không ghê tởm và ghê tởm, ta sẽ trú xả, chánh niệm tỉnh giác", vị ấy trú ở đây với xả, chánh niệm tỉnh giác, hay đạt đến giải thoát được gọi là thanh tịnh, vị ấy an trú. Này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát là thanh tịnh tối thượng, Ta tuyên bố như vậy. Ở đây là trí tuệ đối với Tỷ-kheo không đạt tới giải thoát cao hơn.

13) Và này các Tỷ-kheo, bi tâm giải thoát tu tập như thế nào? Thú hướng như thế nào? Tối thắng như thế nào? Quả như thế nào? Cứu cánh như thế nào?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với bi... tu tập xả giác chi câu hữu với bi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Nếu vị ấy muốn : "Ta sẽ trú với tưởng ghê tởm đối với pháp không ghê tởm", vị ấy trú ở đây với tưởng ghê tởm... Nếu vị ấy muốn : "Từ bỏ cả hai không ghê tởm và ghê tởm, ta sẽ trú xả, chánh niệm tỉnh giác", vị ấy trú ở đây với xả, chánh niệm tỉnh giác. Vượt qua một cách hoàn toàn các sắc tưởng, chấm dứt các tưởng đối ngại, không tác ý các tưởng sai biệt, vị ấy nghĩ rằng : "Hư không là vô biên", vị ấy đạt đến và trú Không vô biên xứ. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng từ tâm giải thoát lấy Không vô biên xứ làm tối thắng. Ở đây là trí tuệ của Tỷ-kheo không đạt tới giải thoát cao hơn.

14) Và này các Tỷ-kheo, tu tập hỷ tâm giải thoát như thế nào? Thú hướng như thế nào? Tối thắng như thế nào? Quả như thế nào? Cứu cánh như thế nào?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với hỷ... tu tập xả giác chi câu hữu với hỷ liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Nếu vị ấy muốn: "Ta sẽ trú với tưởng ghê tởm đối với pháp không ghê tởm", vị ấy trú ở đây với tưởng ghê tởm... Nếu vị ấy muốn: "Từ bỏ cả hai không ghê tởm và ghê tởm, ta sẽ trú xả, chánh niệm tỉnh giác", vị ấy trú ở đây với xả, chánh niệm tỉnh giác... Vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, vị ấy nghĩ rằng: "Thức là vô biên", vị ấy đạt đến và trú Thức vô biên xứ. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng hỷ tâm giải thoát lấy Thức vô biên xứ làm tối thắng. Ở đây là trí tuệ của Tỷ-kheo không đạt tơùi giải thoát cao hơn.

15) Và này các Tỷ-kheo, tu tập xả tâm giải thoát như thế nào? Thú hướng như thế nào? Tối thắng như thế nào? Quả như thế nào? Cứu cánh như thế nào?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với xả... tu tập xả giác chi câu hữu với xả liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Nếu vị ấy muốn: "Ta sẽ trú với tưởng ghê tởm đối với pháp không ghê tởm", vị ấy trú ở đây với tưởng ghê tởm. Nếu vị ấy muốn: "Ta sẽ trú với tưởng không ghê tởm đối với pháp ghê tởm", vị ấy trú ở đây với tưởng không ghê tởm. Nếu vị ấy muốn: "Ta sẽ trú với tưởng không ghê tởm đối với pháp ghê tởm và pháp không ghê tởm", vị ấy trú ở đây với tưởng không ghê tởm. Nếu vị ấy muốn: "Từ bỏ cả hai không ghê tởm và ghê tởm, ta sẽ trú xả, chánh niệm tỉnh giác", vị ấy trú ở đây với xả, chánh niệm tỉnh giác. Sau khi vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn với ý nghĩ: "Không có vật gì", vị ấy chứng đạt và trú Vô sở hữu xứ. Ta nói rằng,này các Tỷ-kheo, xả tâm giải thoát lấy Vô sở hữu xứ làm tối thắng. Ở đây là trí tuệ của Tỷ-kheo không đạt tới giải thoát cao hơn.

55. V. Sangàrava (S.v,121)

1) Sàvatthi...

2) Rồi Bà-la-môn Sangàrava đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, vị ấy liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Bà-la-môn Sangàrava thưa với Thế Tôn:

3) -- Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, có khi các chú thuật (mantà) mà tôi học thuộc lòng lâu ngày (sajjhàyakatà:đọc tụng) lại không nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng? Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, có khi các chú thuật mà tôi không học thuộc lòng lâu ngày, lại nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật được học thuộc lòng?

I

4) -- Này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị dục tham (kàmaràga) xâm chiếm, bị dục tham chi phối và không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước trộn lẫn với thuốc nhuộm gôm lắc, hay màu đỏ tía, hay màu xanh, hay màu vàng, và ở đây một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, không có thể như thật biết được, thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị dục tham xâm chiếm, bị dục tham chi phối, không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

5) Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị sân xâm chiếm, bị sân chi phối, không như thật biết sự xuất ly khỏi sân đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước được lửa đun sôi, sôi lên sùng sục, sôi lên cuồn cuộn. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị sân xâm chiếm... Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

6) Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, bị hôn trầm thụy miên chi phối, không như thật biết sự xuất ly ra khỏi hôn trầm thụy miên đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị rong rêu che phủ. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm... còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

7) Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị trạo hối xâm chiếm, bị trạo hối chi phối, không như thật biết sự xuất ly khỏi trạo hối đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị gió thổi, dao động, chấn động, nổi sóng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị trạo hối xâm chiếm... còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

8) Lại nữa, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị nghi hoặc xâm chiếm, bị nghi hoặc chi phối, và không như thật biết sự xuất ly khỏi nghi hoặc đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy sự lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy sự lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy sự lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị khuấy động, khuấy đục, khuấy bùn, đặt trong bóng tối. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị nghi hoặc xâm chiếm, bị nghi hoặc chi phối... còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

9) Đây là nhân, đây là duyên, này Bà-la-môn, có khi các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

II

10) -- Này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị dục tham xâm chiếm, không bị dục tham chi phối, lại như thật rõ biết sự xuất ly của dục tham đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật không được học thuộc lòng lâu ngày được nhớ đến, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không trộn lẫn với thuốc gôm lắc, hay màu đỏ tía, hay màu xanh, hay màu vàng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị dục tham xâm chiếm... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

11) Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị sân xâm chiếm... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không được lửa đun sôi, không sôi lên sùng sục, không sôi lên cuồn cuộn. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị sân xâm chiếm, không bị sân chi phối... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

12) Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, không bị hôn trầm thụy miên chi phối... còn nó gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không bị rong rêu che phủ. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, không bị hôn trầm thụy miên chi phối... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

13) Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị trạo hối xâm chiếm, không bị trạo hối chi phối... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không bị gió thổi, không bị dao động, không bị chấn động, không bị nổi sóng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị trạo hối xâm chiếm, không bị trạo hối chi phối... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

14) Lại nữa, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị nghi hoặc xâm chiếm, không bị nghi hoặc chi phối... còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước trừng tịnh, trong sáng, không bị khuấy động, đặt giữa ánh sáng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị nghi hoặc xâm chiếm, không bị nghi hoặc chi phối và như thật biết sự xuất ly khỏi nghi hoặc đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật không được học thuộc lòng lâu ngày được nhớ đến, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

15) Đây là nhân, đây là duyên, này Bà-la-môn, có khi các chú thuật không được học thuộc lòng lâu ngày lại có thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

16) Có bảy giác chi này, này Bà-la-môn, không chướng ngại, không triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này Bà-la-môn, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát... Xả giác chi, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát. Bảy giác chi này, này Bà-la-môn, không phải là chướng ngại, triền cái, không làm uế nhiễm tâm, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát.

17) Khi được nói vậy, Bà-la-môn Sangàrava bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!... từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

56. VI. Abhaya (Vô úy) (Tạp 27,1, Đại 2,191a) (S.v,126)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại núi Linh Thứu.

2) Rồi hoàng tử Abhaya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, hoàng tử Abhaya bạch Thế Tôn:

3) -- Bạch Thế Tôn, Puurana Kassapa nói như sau:

-- "Không có nhân, không có duyên để không biết, không thấy. Không biết, không thấy không có nhân, không có duyên. Không có nhân, không có duyên để biết, để thấy. Biết và thấy không có nhân, không có duyên". Ở đây, Thế Tôn đã nói như thế nào?

4) -- Này Hoàng tử, có nhân, có duyên để không biết, để không thấy. Không biết, không thấy có nhân, có duyên. Này Hoàng tử, có nhân, có duyên để biết, để thấy. Biết và thấy có nhân, có duyên.

I

5) -- Do nhân nào, do duyên nào, bạch Thế Tôn, để không biết, để không thấy? Như thế nào không biết, không thấy có nhân, có duyên?

6) -- Này Hoàng tử, khi nào trú với tâm bị dục tham xâm chiếm, bị dục tham chi phối và như thật không biết, không thấy sự xuất ly khỏi dục và tham đã sanh; đây là nhân, đây là duyên, này Hoàng tử, để không biết, để không thấy. Như vậy, không biết, không thấy có nhân, có duyên.

7) Lại nữa, này Hoàng tử, khi nào trú với tâm bị sân xâm chiếm, bị sân chi phối...

8) Lại nữa, này Hoàng tử, khi nào trú với tâm bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, bị hôn trầm thụy miên chi phối...

9) Lại nữa, này Hoàng tử, khi nào trú với tâm bị trạo hối xâm chiếm, bị trạo hối chi phối...

10) Lại nữa, này Hoàng tử, khi nào trú với tâm bị nghi hoặc xâm chiếm, bị nghi hoặc chi phối, và thật sự không biết, không thấy sự xuất ly khỏi nghi hoặc đã sanh; đây là nhân, đây là duyên, này Hoàng tử, để không biết, không thấy. Như vậy, không biết, không thấy có nhân, có duyên.

11) -- Bạch Thế Tôn, pháp môn này được gọi là gì?

-- Này Hoàng tử, được gọi là các triền cái.

-- Thật vậy, chúng là triền cái, bạch Thế Tôn. Thật vậy, chúng là triền cái, bạch Thiện Thệ. Chỉ bị chinh phục bởi một triền cái mà thôi, bạch Thế Tôn, cũng không có thể biết như thật, thấy như thật, còn nói gì bị cả năm triền cái chinh phục.

II

12) -- Nhưng, bạch Thế Tôn, do nhân nào, do duyên nào để biết, để thấy? Như thế nào biết và thấy có nhân, có duyên?

13) -- Ở đây, này Hoàng tử, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Vị ấy nhờ tâm được tu tập niệm giác chi nên như thật biết và thấy. Đây là nhân, đây là duyên, này Hoàng tử, để biết, để thấy. Như vậy, biết và thấy có nhân, có duyên.

14-18) Lại nữa, này Hoàng tử, Tỷ-kheo...

19) Lại nữa, này Hoàng tử, Tỷ-kheo tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Vị ấy nhờ tâm được tu tập xả giác chi nên như thật biết và thấy. Đây là nhân, đây là duyên để biết, để thấy. Như vậy, thấy và biết có nhân, có duyên.

20) -- Bạch Thế Tôn, pháp môn này được gọi là gì?

-- Này Hoàng tử, được gọi là các giác chi.

-- Thật vậy, chúng là giác chi, bạch Thế Tôn. Thật vậy, chúng là giác chi, bạch Thiện Thệ. Bạch Thế Tôn, chỉ được đầy đủ với một giác chi mà thôi đã có thể như thật thấy và biết, còn nói gì đầy đủ cả bảy giác chi.

Bạch Thế Tôn, sự mệt nhọc về thân và mệt nhọc về tâm khi con leo lên núi Linh Thứu đã đươc khinh an, nhẹ nhàng và pháp đã được con hoàn toàn chứng đắc.


VII. Phẩm Hơi Thở Vô Gơi Thở Ra

57. I. Bộ Xương(Tạp 27,38, Đại 2,198a) (S.v,129)

I. Quả Lớn, Lợi Ích lớn

1) Sàvatthi...

2) -- Tu tập cốt tưởng, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn, được quả lớn, được lợi ích lớn.

3) Này các Tỷ-kheo, cốt tưởng tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, đưa đến quả lớn, đưa đến lợi ích lớn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với cốt tưởng liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập xả giác chi câu hữu với cốt tưởng liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

5) Này các Tỷ-kheo, cốt tưởng được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, có quả lớn, có lợi ích lớn.

II. Trí Và Bất Hoàn (Annàsativà)

1) ...

2) -- Tu tập, làm cho sung mãn cốt tưởng, này các Tỷ-kheo, một trong hai quả được chờ đợi: Ngay trong hiện tại được Chánh trí, hay nếu có dư y, chứng được Bất hoàn.

3) Tu tập cốt tưởng như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, này các Tỷ-kheo, một trong hai quả được chờ đợi: Ngay trong hiện tại được Chánh trí, hay nếu có dư y, chứng được Bất hoàn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với cốt tưởng... tu tập xả giác chi câu hữu với cốt tưởng liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

5) Tu tập cốt tưởng như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, một trong hai quả được chờ đợi: Ngay trong hiện tại được Chánh trí, hay nếu có dư y, chứng được Bất hoàn.

III. Nghĩa Lợi Lớn

1) ...

2) -- Cốt tưởng, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nghĩa lợi lớn.

3) Cốt tưởng, tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến nghĩa lợi lớn?... (Như số 4,5 đoạn trên).

IV. An Ổn Lớn Khỏi Khổ Ách

(Như kinh trên, chỉ khác là đưa đến an ổn lớn, khỏi khổ ách)

V. Hứng Khởi Lớn (Samvegà)(S.v,130)

(Như trên, chỉ khác là đưa đến hứng khởi lớn)

VI. Lạc Trú(S.v,131)

(Như kinh trên, chỉ khác là đưa đến lạc trú)

58. II. Côn Trùng Ăn (Pulavaka)

I-VI) Tu tập tưởng bị trùng ăn, này các Tỷ-kheo...

59.III. Xanh Bầm (Vinilaka)

I-VI. Tu tập tưởng xác bị xanh bầm, này các Tỷ-kheo...

60. IV. Bị Nứt Nẻ(Vicchiddaka)

I-VI. Tu tập tưởng xác bị nứt nẻ, này các Tỷ-kheo...

61.V. Sưng Phồng Lên (Uddhumàtaka)

I-VI. Tu tập tưởng xác bị sưng phồng lên, này các Tỷ-kheo...

62. VI. Từ (Tạp 27,33, Đại 2,197c)

I-VI. Tu tập từ tâm, này các Tỷ-kheo...

63. VII. Bi

I-VI. Tu tập bi tâm, này các Tỷ-kheo...

64. VIII. Hỷ

I-VI. Tu tập hỷ tâm, này các Tỷ-kheo...

65. IX. Xả

I-VI. Tu tập xả tâm, này các Tỷ-kheo...

66. X. Hơi THở Vô Hơi Thở Ra

I-VI. Tu tập hơi thở vô hơi thở ra, này các Tỷ-kheo...


VIII. Phẩm Đoạn Diệt (S.v,132)

67. I. Bất Tịnh(Tạp 27,30, Đại 2,197a)

I-VI. Tu tập tưởng bất tịnh, này các Tỷ-kheo...

68.II. Chết (Tạp 27,31, Đại 2,197b)

I-VI. Tu tập tưởng chết này, này các Tỷ-kheo...

69. III. Ghê Tởm (Tạp 27,38, Đại 2,198b)

I-VI. Tu tập tưởng ghê tởm đối với đồ ăn, này các Tỷ-kheo...

70. IV. Bất Khả Lạc Hay Toàn Thế Giới

I-VI. Tu tập tưởng bất khả lạc đối với toàn thế giới, này các Tỷ-kheo...

71.V. Vô Thường (Tạp 27,37, Đại 2,198a)

I-VI. Tu tập tưởng vô thường, này các Tỷ-kheo...

72. VI. Khổ (Tạp 27,38, Đại 2,198a)

I-VI. Tu tập khổ tưởng, này các Tỷ-kheo...

73. VII. Vô Ngã

I-VI. Tu tập tưởng vô ngã, này các Tỷ-kheo...

74. VIII. Đoạn Tận

I-VI. Tu tập tưởng đoạn tận, này các Tỷ-kheo...

75. IX. Ly Tham

I-VI. Tu tập tưởng ly tham, này các Tỷ-kheo...

76. X. Đoạn Diệt

I. Quả Lớn, Lợi Ích Lớn(S.v,133)

1) ...

2) -- Tu tập tưởng đoạn diệt, làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, được quả lớn, được lợi ích lớn.

3) Và này các Tỷ-kheo, tu tập tưởng đoạn diệt như thế nào...

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với tưởng đoạn diệt...

5) Tu tập tưởng đoạn diệt như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, được quả lớn, được lợi ích lớn.

II. Trí Và Bất Hoàn

2) -- Tu tập tưởng đoạn diệt, làm cho sung mãn, này các Tỷ-kheo, một trong hai quả được chờ đợi: Ngay trong hiện tại được Chánh trí, hay nếu có dư y, chứng được Bất hoàn.

3) Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn tưởng đoạn diệt như thế nào, này các Tỷ-kheo...

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với tưởng đoạn diệt...

5) Tu tập tưởng đoạn diệt như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo...

III. IV, V, VI. Nghĩa Lợi Lớn, An Ổn Lớn Khỏi Khổ Ách, Hứng Khởi Lớn, Lạc Trú(S.v,133)

1) ...

2) -- Tưởng đoạn diệt được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nghĩa lợi lớn, đưa đến an ổn lớn khỏi các khổ ách, đưa đến hứng khởi lớn, đưa đến lạc trú lớn.

3) Tu tập đoạn diệt tưởng như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, đưa đến nghĩa lợi lớn, đưa đến an ổn lớn khỏi các khổ ách, đưa đến hứng khởi lớn, đưa đến lạc trú lớn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với tưởng đoạn diệt... tu tập xả giác chi câu hữu với tưởng đoạn diệt liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ...

5) Tu tập tưởng đoạn diệt như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, đưa đến nghĩa lợi lớn, đưa đến an ổn lớn khỏi các khổ ách, đưa đến hứng khởi lớn đưa đến lạc trú lớn.


IX. Phẩm Sông Hằng Quảng Thuyết

77. I. Hướng Về Đông(S.v, 134)

1) ...

2) - Ví như, này các Tỷ Kheo, Sông Hằng thiên về phương Đông, hướng về phương Đông, xuôi về phương Đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Bẩy Giác Chi làm cho sung mãn bảy Giác Chi, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi.... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bảy giác chi, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

78-88. II - XII (S.v,134)

(Cho đến phẩm Tầm Cầu, như trên)


X. Phẩm Không Phóng Dật

89-98. I-X.(S.v,135)

-- Này các Tỷ-kheo, như các loài hữu tình không chân, hay có hai chân, hay có bốn chân, hay có nhiều chân...

(Như trên, theo đoạn bảy giác chi)


XI. Phẩm Cần Dùng Sức Mạnh

99-100. I-XII.(S.v,135)

-- Này các Tỷ-kheo, ví như các hành động cần phải dùng sức mạnh...

(Như trên, theo đoạn bảy giác chi)


XII. Phẩm Tầm Cầu

101-110. I-XII. (S.v,136)

-- Có ba sự tầm cầu, này các Tỷ-kheo. Thế nào là ba? Tầm cầu dục, tầm cầu hữu, tầm cầu Phạm hạnh...

(Như trên, theo đoạn bảy giác chi)


XIII. Phẩm Bộc Lưu

111-119 I-IX.(S.v,136)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi...

2) -- Có bốn bộc lưu, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn? Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu...

120.X. Thượng Phần Kiết Sử (S.v,136)

1) ...

2) -- Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm? Tham sắc giới, tham vô sắc giới, mạn, trạo cử, vô minh. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm thượng phần kiết sử.

3) Này các Tỷ-kheo, với mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bảy giác chi cần phải tu tập. Thế nào là bảy?...

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

5) Này các Tỷ-kheo, vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bảy giác chi này cần phải tu tập.


XIV. Phẩm Sông Hằng Quảng Thuyết

121. I.(S.v,137)

1) ...

2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về phương Đông, hướng về phương Đông, xuôi về phương Đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bảy giác chi, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi với mục đích nhiếp phục tham, với mục đích nhiếp phục sân, với mục đích nhiếp phục si. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo... xuôi về Niết-bàn.

122-132. II-XII.(S.v,138)

(Như trên, cho đến phẩm Tầm Cầu) ...


XV. Phẩm Không Phóng Dật (Nhiếp phục tham)

132-142. I-X. (S.v,138)

Gồm các kinh:

Chân Của Như Lai, Nóc Nhọn, Căn Rễ, Với Lõi, Cây, Hoa Lý, Vua, Mặt Trăng, Mặt Trời, và Vải là thứ mười.


XVI. Phẩm Cần Dùng Sức Mạnh(Nhiếp phục tham)

143-154. I-XII. (S.v,138)

Gồm các kinh:

Sức Mạnh, Hột Giống, Rắn, Cây, Ghè, Râu Lúa Mì, Hư Không, Mây, Tàu, Thuyền, Khách, Sông.


XVII. Phẩm Tầm Cầu (Nhiếp phục tham)

155-164 I-X(S.v, 139)

Gồm các kinh:

Tầm Cầu, Mạn, Lậu Hoặc, Hữu, Khổ, Chướng Ngại, Vết Nhơ, Đau Đớn, Thọ, Ái, Khát.


XVIII.Phẩm Bộc Lưu

165-174. I-IX. (S.v,139)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi...

2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn bộc lưu này. Thế nào là bốn? Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu...

120.X. Thượng Phần Kiết Sử (S.v,136)

1) ...

2) -- Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm? Tham sắc giới, tham vô sắc giới, mạn, trạo cử, vô minh. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm thượng phần kiết sử.

3) Này các Tỷ-kheo, với mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bảy giác chi cần phải tu tập. Thế nào là bảy?...

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

5) Này các Tỷ-kheo, vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bảy giác chi này cần phải tu tập.


XIV. Phẩm Sông Hằng Quảng Thuyết

121. I.(S.v,137)

1) ...

2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về phương Đông, hướng về phương Đông, xuôi về phương Đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bảy giác chi, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi với mục đích nhiếp phục tham, với mục đích nhiếp phục sân, với mục đích nhiếp phục si. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo... xuôi về Niết-bàn.

122-132. II-XII.(S.v,138)

(Như trên, cho đến phẩm Tầm Cầu) ...


XV. Phẩm Không Phóng Dật (Nhiếp phục tham)

132-142. I-X.(S.v,138)

Gồm các kinh:

Chân Của Như Lai, Nóc Nhọn, Căn Rễ, Với Lõi, Cây, Hoa Lý, Vua, Mặt Trăng, Mặt Trời, và Vải là thứ mười.


XVI. Phẩm Cần Dùng Sức Mạnh (Nhiếp phục tham)

143-154. I-XII. (S.v,138)

Gồm các kinh:

Sức Mạnh, Hột Giống, Rắn, Cây, Ghè, Râu Lúa Mì, Hư Không, Mây, Tàu, Thuyền, Khách, Sông.


XVII. Phẩm Tầm Cầu (Nhiếp phục tham)

155-164 I-X(S.v, 139)

Gồm các kinh:

Tầm Cầu, Mạn, Lậu Hoặc, Hữu, Khổ, Chướng Ngại, Vết Nhơ, Đau Đớn, Thọ, Ái, Khát.


XVIII. Phẩm Bộc Lưu

165-174. I-IX.(S.v,139)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi...

2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn bộc lưu này. Thế nào là bốn? Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu..

175. X. Thượng Phần Kiết Sử (S.v,139)

1) ...

2) -- Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm? Tham sắc giới, tham vô sắc giới, mạn, trạo cử, vô minh. Đây là năm thượng phần kiết sử.

3) Này các Tỷ-kheo, với mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bảy giác chi cần phải tu tập. Thế nào là bảy?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi... tu tập xả giác chi với mục đích nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si, nhập vào bất tử, lấy bất tử làm tối thượng, lấy bất tử làm cứu cánh, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

5) Này các Tỷ-kheo, với mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, bảy giác chi này cần phải tu tập.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com