TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH
( Majhima Nikàya )
Tập III
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ :
Giới Lạc MAI LẠC HỒNG tự TUỆ NGHIÊM
( Huynh Trưởng Cấp Tấn - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )
Email : [email protected]
103. Kinh NGHĨ NHƯ THÊ NÀO ? ( Kinti sutta )
Như vậy, tôi nghe :
Một thời, Đức Thế Tôn trú nghỉ
Tại địa phương Kú-Sí-Na-Ra
Rừng Ba-Li-Há-Ra-Na.
Phật liền gọi Chúng Tăng-Già Tỷ Kheo.
Các Tỷ Kheo đồng thanh vâng đáp.
Đấng Đại Giác hỏi Chúng Săng-Ga :
– “ Các Tỷ Kheo ! Đối với Ta
Các ông đây đã nghĩ qua thế nào ?
Có phải là nhân vào y áo
Mà Như Lai thuyết giáo phải không ?
Hay có phải tự trong lòng
Vì vật thực, sàng tọa đồng muốn, tham
Mà Sa-Môn Kiều-Đàm thuyết pháp ?
Hay thuyết pháp nhân thành bại không ? ”.
– “ Không phải vậy, bạch Thế Tôn !
Chúng con không nghĩ Thế Tôn chỉ vì
Nhân sàng tọa, nhân vì y phục,
Nhân vật thực, nhân thành bại đâu !”.
– “ Như vậy, khi đề cập vào
Những điểm Ta đã trước sau nêu rành.
Chư Tỷ Kheo đồng thanh đều đáp
Ta thuyết pháp không phải do vầy
Vậy nghĩ gì về Như Lai ? ”.
___________________________
(1) : Kusinara – Câu-thi-na , nơi Đức Phật nhập diệt.
(2) : Rừng Baliharana.
Trung Bộ (Tập 3) K. 103 : NGHĨ NHƯ THẾ NÀO ? * MLH – 518
– “ Bạch Thế Tôn ! Chúng con đây nghĩ là
“ Với từ tâm, vị tha thương tưởng,
Vì từ bi vô lượng, thuyết ra ”.
– “ Như vậy nên đối với Ta
Các ông nghĩ do vị tha, lòng từ,
Do thương tưởng, mà Như Lai thuyết
Vậy các ông phải biết rõ thông
Pháp Ta giảng cho các ông
Với thượng trí, trải qua trong nhiều lần :
Ba mươi bảy thánh phần trợ đạo
Như Lai đã thuyết giáo chánh chân :
Bốn niệm xứ, bốn chánh cần,
Bốn như-ý-túc, hay phần năm căn
Cùng bảy bồ đề phần, năm lực,
Tám thánh đạo – Một mực hành trì
Tất cả ba mươi bảy chi
Trong sự hoan hỷ, uy nghi, hòa đồng,
Không cãi lộn ở trong Tăng Chúng.
Khi các ông hành đúng như vầy
Có thể trong chúng có hai
Tỷ Kheo sẽ nói điều này khác nhau
Về Thắng Pháp – A-Phi-Đam-Má
(Vi Diệu Pháp ) diễn tả khác sai.
Nếu các ông nghĩ như vầy :
“ Giữa các vị Tôn-giả này hại thay !
Đã có sự khác sai về nghĩa,
Sai khác khía cạnh thuộc về văn ”.
Ở đây các ông nghĩ rằng
Có vị Phích-Khú nào hằng ôn nhu
Dễ nói hơn, hãy từ tốn nói
Trung Bộ (Tập 3) K. 103 : NGHĨ NHƯ THẾ NÀO ? * MLH – 519
Với vị ấy, đại loại như là :
“ Giữa các Tôn-giả nói ra
Có sự sai khác nghĩa và về văn
Nên các vị phải hằng biết rõ
Sai khác đó về nghĩa, về văn
Chớ có cãi lẫy lằng nhằng ”.
Rồi tìm đến vị thuộc đằng đối phương
Các ông nghĩ là thường dễ nói
Và hãy nói với vị này là
Y như ông đã nói ra
Với các Tôn-giả vừa qua tức thì.
Vậy cái gì là khó nắm giữ ?
Khó nắm giữ là ‘phải thọ trì’,
Và sau khi đã thọ trì
Thì khó nắm giữ cái chi phải cần
Thuộc về Pháp, thuộc phần Luật giới
Phải được nói lên với chánh chân.
Nếu các ông suy nghĩ rằng :
“ Giữa các Tôn-giả này đang có phần
Sự đồng nhất về văn, không khác
Nhưng sai khác về nghĩa nhằm vào
Ở đây, có Tỷ Kheo nào
Mà các ông nghĩ trước sau là người
Dễ nói hơn, đồng thời nhu thuận
Cả hai phía tranh luận vân vi
Lần lượt nói các vị ni :
“ Giữa các Tôn-giả, văn thì đồng nhau
Nhưng sai khác thuộc vào nghĩa lý
Các vị hãy xét kỹ vấn đề
Chớ có cãi lộn, đáng chê ! ”.
Trung Bộ (Tập 3) K. 103 : NGHĨ NHƯ THẾ NÀO ? * MLH – 520
Vậy khó nắm giữ thuộc về cái chi ?
‘Phải thọ trì’ là khó nắm giữ.
Cái gì dễ nắm giữ ở đây ?
Cần ‘phải thọ trì’ đủ đầy.
Sau khi như vậy, thẳng ngay thọ trì,
Thì cái gì thuộc về Pháp & Luật
Thì bắt buộc phải được nói ra.
Nếu như các ông nghĩ là :
‘Có sai khác về văn mà ở đây
Về nghĩa này có sự đồng nhất’.
Hoặc : ‘Đồng nhất về nghĩa lẫn văn’.
Đến vị nhu thuận, nói rằng :
“ Các vị giảng giải về văn & nghĩa này
Có đồng nhất ở đây nghĩa ấy
Nhưng lại thấy sai khác về văn ”.
Hoặc đến phía kia, nói rằng :
“ Có sự đồng nhất về văn & nghĩa này
Vấn đề đây các vị phải biết
Về chi tiết đã được nói vào,
Chớ có cãi lộn với nhau ”.
Vậy dễ nắm giữ là mau thọ trì
Sau thọ trì, cái thuộc Pháp & Luật
Thì bắt buộc hãy được nói ngay.
Này các Tỷ Kheo ! Như vầy
Các ông học tập pháp này suốt thông
Trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ
Không đấu lý cãi lẫy với nhau,
Có thể một Tỷ Kheo nào
Phạm giới, phạm luật thuộc vào thanh quy
Chớ có làm điều gì hấp tấp
Trung Bộ (Tập 3) K. 103 : NGHĨ NHƯ THẾ NÀO ? * MLH – 521
Mà khiển trách cá nhân người này
Cần phải giác sát sâu dày,
Các ông cần phải như vầy nghĩ suy :
“ Sẽ không có hại gì ta cả
Không tổn hại cho cả người này,
Nếu y không phẫn nộ ngay
Không uất hận, ý kiến rày lợi lanh
Dễ thuyết phục, hiền lành tử tế,
Ta có thể khiến y vượt mau
Bất thiện. Thiện an trú vào ”.
Các Tỷ Kheo ! Nếu nghĩ sâu như vầy
Các ông đây nên nói là phải !
Nếu việc ấy, các ông nghĩ vầy :
“ Sẽ không hại gì ta đây,
Nhưng có tổn hại người này chút thôi.
Người này thời phẫn nộ, uất hận,
Ý kiến chậm, thuyết phục dễ đây !
Ta có thể khiến người này
Vượt bất thiện, trú an ngay thiện liền.
Đây chỉ riêng là việc nhỏ nhặt,
Chút khúc mắt, tổn hại người này.
Sự kiện to lớn ở đây
Là ta đã khiến người này vượt mau
Khỏi bất thiện, trú vào thiện đó.
Các Tỷ Kheo ! Nếu có nghĩ vầy
Nên nói là phải, điều hay !
Nếu các ông với điều này, nghĩ qua :
“ Sẽ có hại cho ta ; trái lại
Không tổn hại đối với người này.
Người này không phẫn nộ đây !
Trung Bộ (Tập 3) K. 103 : NGHĨ NHƯ THẾ NÀO ? * MLH – 522
Không uất hận, ý kiến rày lợi lanh
Khó thuyết phục, nhưng mình có thể
Khiến người này được dễ vượt qua
Bất thiện, an trú thiện” – và
Nếu nghĩ thế, nên nói là đúng thôi !
Các Tỷ Kheo ! Ở nơi việc đó
Các ông có suy nghĩ như vầy :
“ Sẽ có hại cho ta đây,
Cũng tổn hại cho người này chẳng chơi.
Người này thời phẫn nộ, uất hận
Ý kiến chậm, khó thuyết phục thay !
Ta có thể khiến người này
Vượt bất thiện, trú an ngay thiện hòa,
Đây chỉ là vấn đề nhỏ nhặt
Hại ta thật, cũng hại người này
Sự kiện to lớn ở đây
Là ta đã khiến người này vượt mau
Khỏi bất thiện, trú vào thiện đó.
Các Tỷ Kheo ! Nếu có nghĩ vầy
Nên nói là phải. điều hay !
Nếu các ông với điều này, nghĩ qua :
“ Sẽ có hại cho ta ; cũng lại
Có tổn hại đối với người này,
Y phẫn nộ, uất hận đầy
Ý kiến chậm chạp, khó rày nói y
Ta không thể khiến y vượt khỏi
Bất thiện và thiện lợi trú an.
Đới với một người tàng tàng
Hãy dùng pháp Xả, chớ màng miệt khinh.
Các Tỷ Kheo ! Trong tinh thần ấy
Trung Bộ (Tập 3) K. 103 : NGHĨ NHƯ THẾ NÀO ? * MLH – 523
Hòa đồng, lại hoan hỷ cùng nhau
Và không cãi lộn với nhau,
Có thể có việc chen vào khởi nhanh
Giữa các ông : khẩu hành, tật đố
Một ý kiến ngoan cố, não phiền
Tâm hiềm hận, phẫn nộ liền.
Ở đây, nếu thấy có riêng vị nào
Tỷ Kheo nào của phe thứ nhất
Các ông nghĩ là thật ôn nhu,
Là người dễ nói, hiền từ
Hãy đến vị ấy, nói như thế này :
“ Này Hiền-giả ! Chẳng tày cao thấp
Dầu chúng tôi học tập chuyên cần
Các pháp ấy, trong tinh thần
Hoà đồng, hoan hỷ, không phần cãi nhau,
Có khởi mau khẩu hành, tật đố,
Hoặc ý kiến ngoan cố, não phiền
Tâm hiềm hận, phẫn nộ liền.
Nếu được biết thế, đầu tiên sẽ là
Vị Sa-môn quở la, trách mạnh ”.
Nếu chân chánh, vị ấy đáp liền
Y như ý kiến nêu trên.
– “ Nhưng này Hiền-giả ! Dựa trên vấn đề
Nếu không hề bỏ điều kiện đó
Niết Bàn có chứng được hay chăng ? ”.
Nếu trả lời thật chánh chân
Vị Tỷ Kheo đó đáp rằng : “ Phải thông
Điều kiện ấy nếu không từ bỏ
Sẽ không có thể chứng Niết Bàn ”.
Rồi các ông lại tìm sang
Vị thuộc phe khác dễ dàng, ôn nhu
Trung Bộ (Tập 3) K. 103 : NGHĨ NHƯ THẾ NÀO ? * MLH – 524
Dễ nói hơn, từ từ nói lại
Với vị ấy y như trên đây.
Nếu chân chánh, y đáp ngay
Giống như vị trước, trình bày đả thông
Nếu mà không bỏ điều kiện đó
Sẽ không có thể chứng Niết Bàn ”.
Các Tỷ Kheo ! Nếu nói sang
Các ông khác hỏi lan man vị này :
– “ Các Tỷ Kheo trước đây có được
Tôn-giả giúp cho vượt dễ dàng
Khỏi bất thiện, thiện trú an ? ”.
Nếu đáp chân chánh, nghiêm trang nói vầy :
– “ Hiền-giả này ! Tôi đi đến gặp
Đức Thế Tôn và thật đúng thời
Được Phật thuyết pháp cho tôi,
Sau đó, tôi nói lại lời Thế Tôn
Cho Tỷ Kheo Sa-môn ấy rõ.
Các vị đó nghe pháp như vầy
Tự vượt khỏi bất thiện ngay
An trú vào thiện, lòng đầy thảnh thơi ”.
Các Tỷ Kheo ! Trả lời như vậy
Tỷ Kheo ấy không tự khen mình
Không chê người, tâm thật tình
Tùy pháp, đúng pháp phân minh giải bày.
Không một ai trong các Pháp-hữu
Dù truy cứu, chẳng thể chê bai ”.
Nghe Thế Tôn thuyết giảng vầy
Chúng Tăng tín thọ, lòng đầy hân hoan ./-
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ( 3L )
(Chấm dứt Kinh 103 : NGHĨ NHƯ THẾ NÀO ? – KINTI Sutta )
***