TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH
( Majjhima Nikàya )
Tập I
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ :
Giới Lạc MAI LẠC HỒNG tự TUỆ NGHIÊM
( Huynh Trưởng Cấp Tấn - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )
Email : [email protected]
5.Kinh KHÔNG UẾ NHIỄM
( Anangana sutta )
Như vậy, tôi nghe :
Một thời, Đức Thế Tôn an trú
Kỳ-Viên-Tự , Chê-Tá-Va-Na (1)
A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka (1)
Tức Cấp-Cô-Độc (1) tín-gia cúng dường
( Sa-Vát-Thí – tên thường Xá Vệ ) (1)
Đấng Thiện Thệ(2) Chánh Pháp hoằng dương
Bấy giờ tại Hội Giảng Đường
“Tướng Quân Chánh Pháp”(3) tên thường chúng tri
Là Tôn-giả Sa-Ri-Pút-Tá (3)
Tức ngài Xá-Lợi-Phất (3) trí hùng
Gọi các Tỷ Kheo tập trung :
– “ Này các Hiền-giả ! Hãy cùng nghe đây ! ”.
– “ Thưa Tôn-giả ! Xin Ngài giảng Pháp ”.
Chư Tỷ Kheo vâng đáp lời ngài .
Ngài Xá-Lợi-Phất giảng ngay :
– “ Này chư Hiền-giả ! Đời này ra sao ?
Bốn hạng người. Thế nào là bốn ?
* Có người vốn cấu uế ám si
_______________________________
(1) : Xem chú thích ở trang đầu Kinh “Tất cả các Lậu-hoặc”.
(2) : Thiện Thệ – Sugato : Một trong 10 danh hiệu được người đời
xưng tụng Đức Phật .
(3) : Tôn-giả Sariputta – Xá-Lợi-Phất hay Xá-Lợi-Tử là vị Đại đệ
tử của Đức Phật, bậc Trí Tuệ đệ nhất , thường được xưng tụng
là “Tướng Quân Chánh Pháp”.
Trung Bộ (Tập 1) Kinh 05 : KHÔNG UẾ NHIỄM * MLH –056
Nhưng không như thật tuệ tri :
‘Nội thân ta uế, cực kỳ xấu xa’.
* Hoặc có ra hạng người cấu uế
Nhưng được kể như thật tuệ tri :
‘Nội thân ta uế, thật nguy !’
* Hạng không cấu uế, nhưng vì quên đi
Không như thật tuệ tri thực tế :
‘Nội thân ta cấu uế dẫy đầy’.
* Một hạng không cấu uế đây
Tuệ tri như thật : ‘Ta đây trong lành’.
Hai hạng người cấu uế nói trên :
- Hạng không như thật nói lên
‘Nội thân ta cấu uế’ , nên người này
Là hạng người gọi ngay : hạ liệt.
- Hạng người biết mình cấu uế đây
Gọi là ưu thắng người này.
Này chư Hiền-giả ! Phải rày biết ngay
Không cấu uế, có hai hạng bậc :
- Hạng người không như thật tuệ tri
‘Nội thân không cấu uế gì’.
- Một hạng như thật tuệ tri thật thà :
‘Nội thân ta không hề cấu uế’.
Không cấu uế, không biết chính mình
Là người hạ liệt, vô minh.
Hạng không cấu uế, biết mình tịnh thanh
Gọi ưu thắng, sẵn dành vị ấy ”.
* * *
Được nghe vậy, Tôn-giả tên là
Ma Ha Mốc-Gá-La-Na (1)
Trung Bộ (Tập 1) Kinh 05 : KHÔNG UẾ NHIỄM * MLH –057
Mục-Kiền-Liên (1) cũng chính là Ngài đây
Hướng về ngài Sa-Ri-Pút-Tá
Hỏi Tôn-giả Đại Trí ôn hòa :
– “ Hiền-giả Sa-Ri-Pút-Ta !
Nhân, duyên gì khiến có ra như vầy ?
* Có cấu uế, người này hạ liệt ?
* Là ưu thắng, được biết người kia ?
* Không có cấu uế, phân chia :
Một hạng hạ liệt, hạng kia ưu tuyền ? ”.
– “ Này Hiền-giả ! Nhân, duyên được kể
* Hạng người có cấu uế ám si
Nhưng không như thật tuệ tri :
‘Ta đây cấu uế, nó thì xấu xa’
Với người này thì ta biết tới :
Người này sẽ không khởi mong cầu :
Không tinh tấn, không cố vào
Để diệt cấu uế từ lâu có đầy.
Rồi người này chết đi, sa đọa
Khi còn cả tham ái, sân, si,
Khi còn cấu uế chẳng ly
Tâm còn ô nhiễm, chấp trì khư khư.
Này Hiền-giả ! Giống như cái bát
Làm bằng đồng, xuất phát nó là
Được mang từ chợ về nhà
Lò rèn nào đó, mua qua mang về
Bát mọi bề phủ đầy bụi bặm
Chủ cái bát tuy sắm, không dùng.
Không lau chùi, vất lung tung
_______________________________
(1) :Tôn giả Đại Mục-Kiền-Liên – Maha Moggallana cũng là
vị Đại đệ tử của Đức Phật , bậc Thần Thông đệ nhất .
Trung Bộ (Tập 1) Kinh 05 : KHÔNG UẾ NHIỄM * MLH –058
Vào chỗ bụi bặm – nói chung bầy hầy.
Này Hiền-giả ! Dù đây bát tốt
Càng ô nhiễm sau một thời gian
Càng đầy bụi bặm phải chăng ? ”.
– “ Thưa Hiền-giả ! Sự thật đang như vầy ”.
– “ Này Hiền-giả ! Ở đây được kể
Hạng người có cấu uế phủ vi
Nhưng họ như thật tuệ tri :
“ Nội thân ta có uế tỳ bợn nhơ ”.
Có thể chờ đợi người như vậy
Sẽ khởi lên hăng hái ước mong :
Sẽ tinh tấn, sẽ cố công
Diệt trừ cấu uế, sạch trong dần dần.
Người này sẽ từ trần yên ả
Khi không tham, không cả sân, si
Khi không còn cấu uế gì
Tâm không ô nhiễm do vì cần công.
Như bát đồng, chọn vừa kích cỡ
Từ lò rèn hay chợ mang về
Phủ đầy bụi bặm mọi bề
Nhưng chủ cái bát không nề hà chi
Lau chùi kỹ rồi thì dùng nó
Không quăng bỏ chỗ bụi bặm đầy
Sau một thời gian, bát này
Vẫn được thanh tịnh, càng ngày sạch hơn ”.
– “ Thưa Hiền-giả ! Chánh chơn điều ấy
Sự thật là như vậy, không sai ”.
– “ Này Hiền-giả ! Còn hạng này
Không có cấu uế, nhưng đầy ám si
Trung Bộ (Tập 1) Kinh 05 : KHÔNG UẾ NHIỄM * MLH –059
Không như thật tuệ tri thực tế :
‘Nội thân ta cấu uế vốn không’
Với người này, có thể mong :
‘Tư niệm tịnh tướng’ ở trong người này
Do điều đây, tham làm ô nhiễm
Tâm người này, xâm chiếm, hại dần
Người này rồi sẽ từ trần
Khi còn tham ái, cả sân, si đầy
Khi người này vẫn còn cấu uế
Tâm ô nhiễm không dễ dứt trừ.
Này Hiền-giả ! Cũng giống như
Bát đồng người chủ mua từ chợ xa
Hay từ nhà thợ rèn mua lấy
Và bát ấy thanh tịnh, sạch thay !
Nhưng người chủ bát không xài
Quăng nó vào xó, chỗ đầy bụi dơ
Không lau chùi, không sờ gì tới.
Này Hiền-giả ! Vậy với bát này
Một thời gian, bụi phủ đầy
Nó càng ô nhiễm, càng ngày tệ hơn ? ”.
– “ Thưa Hiền-giả ! Chánh chơn điều ấy
Sự thật là như vậy, không sai ”.
– “ Này Hiền-giả ! Còn hạng này
Không có cấu uế, không rày ám si
Đã như thật tuệ tri thực tế :
‘Nội thân ta cấu uế vốn không’
Với người này, có thể mong :
Không ‘Tư niệm tịnh tướng’ trong người này
Do điều đây, tham không ô nhiễm
Tâm người này, là điểm chánh chân
Trung Bộ (Tập 1) Kinh 05 : KHÔNG UẾ NHIỄM * MLH –060
Người này cũng sẽ từ trần
Không có tham ái, không sân, si gì
Người ấy thì không còn cấu uế
Tâm ô nhiễm cụ thể dứt trừ.
Này Hiền-giả ! Cũng giống như
Bát đồng người chủ mua từ chợ xa
Hay từ nhà thợ rèn mua lấy
Và bát ấy thanh tịnh, sạch thay !
Người chủ cái bát dùng hoài
Không quăng vào xó, chỗ đầy bụi dơ
Thường lau chùi, bao giờ cũng mới.
Này Hiền-giả ! Vậy với bát này
Trải qua thời gian tháng ngày
Càng được thanh tịnh, càng ngày sạch hơn ? ”.
– “ Thưa Hiền-giả ! Chánh chơn điều ấy
Sự thật là như vậy, không sai ”.
– “ Hiền-giả Mốc-Gá-La-Na !
Do nhân này, do duyên này mà thôi.
Trong hai người đồng thời cấu uế
Người được kể hạ liệt như vầy,
Người được gọi ưu thắng ngay.
Người không cấu uế có hai, là gì ?
Người hạ liệt , người thì ưu thắng .
Do nhân, duyên ấy chẳng sai ngoa ”.
– “ Hiền-giả Sa-Ri-Pút-Ta !
Đồng nghĩa cấu uế gọi là tên chi ? ”.
– “ Này Hiền-giả ! Phủ vi thường nhật
Các ‘ác bất thiện pháp’ ; cũng là
‘Cảnh giới của dục’, xấu xa
Trung Bộ (Tập 1) Kinh 05 : KHÔNG UẾ NHIỄM * MLH –061
Đồng nghĩa cấu uế chính là nó đây !
* Hiền-giả này ! Sự tình xảy tới
Một Tỷ Kheo bỗng khời ý ngay :
“ Nếu ta phạm giới tội này
Mong rằng Chư Tỷ Kheo đây vô tình
Không biết mình là người phạm tội ”.
Nhưng có vị biết tội người này.
Tỷ Kheo phạm tội ở đây
Nghĩ rằng các Tỷ Kheo này biết ta
Đã phạm tội . Thế là vị ấy
Liền phẫn nộ vì thấy hổ ngươi
Rồi bất mãn với mọi người,
Hai điều cấu uế ở nơi vị này.
* Này Hiền-giả ! Ở đây xảy tới
Sự tình bởi một vị Tỷ Kheo
Khởi lên ý muốn trớ trêu :
“ Nếu ta lỡ phạm giới điều phải theo
Mong được các Tỷ Kheo quở trách
Chỗ kín đáo, xa cách càng hay
Không phải giữa Tăng Chúng đầy
(Nhân kỳ bố-tát, nêu ngay tội này)”
Nhưng xảy điều vị đây đang sợ :
Tăng Chúng đã trách quở vị này
Giữa Tăng Chúng hội đủ đầy
Không phải nơi kín vị này thầm mong.
Vị Tỷ Kheo trong lòng phẫn nộ
Và bất mãn biểu lộ thấy ngay.
* Này Hiền-giả ! Sự tình này
Có thể xảy đến : Có thầy Tỷ Kheo
Khởi ý muốn trớ trêu nông nổi :
Trung Bộ (Tập 1) Kinh 05 : KHÔNG UẾ NHIỄM * MLH –062
“ Nếu ta phạm giới tội phải theo
Mong một đồng đẳng Tỷ Kheo
Quở ta, chẳng phải Tỷ Kheo khác nào
Không đồng đẳng xen vào trách phạt ”.
Nhưng không đạt như ý ước mong
Phẫn nộ, bất mãn tràn lòng
Hai điều cấu uế ở trong vị này.
* Này Hiền-giả ! Ở đây xảy tới
Sự tình bởi một vị Tỷ Kheo
Khởi lên ý muốn trớ trêu :
“ Đạo Sư hãy hỏi nhiều điều với ta
Khi Đạo Sư từ hòa thuyết giảng
Cho Chúng Tăng căn bản pháp lành
Không hỏi vị khác nhiều lần ”.
Nhưng sự việc lại có phần ngược đi
Bậc Đạo Sư hỏi vì Sư khác
Không hề nhắc và hỏi vị này
Nên bất mãn, phẫn nộ ngay
Điều cấu uế Tỷ Kheo gây tự mình.
– Này Hiền-giả ! Sự tình xảy tới
Nhiều trường hợp khác, bởi Tỷ Kheo
Khởi lên ý muốn trớ trêu :
* Mong được đi trước Tỷ Kheo các hàng
Khi vào làng thọ trai, khất thực
Tăng Chúng cũng một mực ý này ”.
Nhưng việc xảy đến không hay
Tỷ Kheo khác được cử ngay vào làng .
* Hoặc vị này khởi ngang ý nghĩ :
“ Mong thọ thực mỹ vị thức ăn
Trung Bộ (Tập 1) Kinh 05 : KHÔNG UẾ NHIỄM * MLH –063
Nước uống tốt nhất được dâng
Chỗ ngồi tốt nhất trong hàng thọ trai ”.
Nhưng vị này không sao như ý
Vì có vị khác được điều ni.
* Hoặc một Tỷ Kheo tức thì
Khởi lên ý muốn : ‘Sau khi ăn rồi
Thì chính tôi thuyết ‘tùy-hỷ-pháp’
Không ai khác được thuyết pháp đây’.
Sự việc xảy đến chẳng chầy
Đã có vị khác thuyết ngay pháp này.
* Hoặc ở đây, xảy ra tình huống
Tỷ Kheo khởi ý muốn như vầy :
‘Mong ta sẽ thuyết pháp hay
Cho Tỷ Kheo Chúng tại ngay chùa này
Tỷ Kheo Ni đủ đầy vân tụ
Các Thiện nam, Tín nữ hằng hà
Tứ Chúng đều nghe pháp ta
Không do vị khác thuyết ra pháp này’.
Nhưng vị đây ước mong chẳng đạt
Tỷ Kheo khác thuyết pháp đồng thì
Cho Tỷ Kheo, Tỷ Kheo Ni
Thiện nam, Tín nữ đều thì hân hoan.
* Này Hiền-giả ! Việc đang thực tế
Một Tỷ Kheo có thể khởi ngay
Ý muốn của mình như vầy :
‘Mong Tỷ Kheo Chúng hằng ngày gặp ta
Cung kính ta, kính tôn, lễ bái
Cúng dường ta trọng đại, đủ đầy’.
Nhưng việc xảy đến không hay
Tăng Chúng lễ bái, tỏ bày kính tôn
Trung Bộ (Tập 1) Kinh 05 : KHÔNG UẾ NHIỄM * MLH –064
Vị thanh tịnh Sa-môn nào khác
Cúng dường các thứ đến vị này.
* Hoặc là vị Tỷ Kheo đây
Mong muốn Tứ Chúng hằng ngày thực thi :
‘Tỷ Kheo Ni, Thiện nam, Tín nữ
Đều lễ bái, tứ sự cúng dường
Đều cung kính ta mọi đường
Không lễ, cung dưỡng, kính thương vị nào’.
Nhưng sự tình không sao thuận ý
Tứ Chúng chỉ lễ bái, kính tôn
Cúng dường một vị Sa-môn
Hay Tỷ Kheo khác tâm hồn tịnh thanh.
* Này Hiền-giả ! Sự tình khác nữa
Một Tỷ Kheo chan chứa mong rằng :
‘ - Y phục tối thắng được dâng
Cho ta, không phải để dâng vị nào.
- Các vật thực dồi dào, tối thắng,
- Các sàng tọa tối thắng, ấm êm,
- Dược phẩm trị bệnh ngày đêm
Đều là tối thắng, dâng lên cho mình,
Tứ sự này chỉ mình ta nhận
Tỷ Kheo khác sẽ chẳng được gì’.
Nhưng vị ấy chẳng được chi
Về tất cả việc đã vì ước ao.
Các ý muốn không sao đạt được
Vị Tỷ Kheo triền phược đắm sâu
Phẫn nộ, bất mãn dâng cao
Hai điều cấu uế nhiễm vào vị đây.
Này Hiền-giả ! Như vầy sự thật
Các ‘ác, bất thiện pháp’ xảy ra
Trung Bộ (Tập 1) Kinh 05 : KHÔNG UẾ NHIỄM * MLH –065
‘Cảnh giới của dục’ trải qua
Đồng nghĩa ‘cấu uế’, thật là xấu xa.
Này Hiền-giả Mốc-Ga-La-Ná !
Với tất cả Phích-Khú vị nào
Ác, bất thiện pháp nhiễm vào
Cảnh giới của dục dễ dầu dấu che
Có người thấy và nghe vị đó
Chưa từ bỏ, cấu uế chưa trừ
Nên dù vị ấy độc cư
Tại các trú xứ vắng, như rừng già
Hành đầu đà, muốn không phiền phức
Theo thứ lớp khất thực từng nhà
Mặc phấn-tảo-y phô ra
(Loại y nhặt vải tha ma kết thành).
Đồng phạm hạnh tịnh thanh các vị
Không cung kính, đình chỉ cúng dường
Không tôn trọng, lễ bái thường.
Vì sao như vậy ? Các phương Tăng-già
Còn thấy và còn nghe vị đó
Chưa diệt bỏ ‘cảnh giới dục’ kia
Ác, bất thiện pháp chưa lìa
Những điều cấu uế đầm đìa, khư khư.
Này Hiền-giả ! Ví như cái bát
Làm bằng đồng, xuất phát nó là
Được mang từ chợ về nhà
Lò rèn nào đó, mua qua mang về
Bát mọi bề tịnh thanh, sạch sẽ
Nhưng người chủ là kẻ bất lương
Đựng đầy trong bát thường thường
Xác rắn, thịt chó sình trương, thối rình
Trung Bộ (Tập 1) Kinh 05 : KHÔNG UẾ NHIỄM * MLH –066
Và thịt người đang sinh giòi bọ …
Người chủ đó đậy với nắp đồng,
Mang bát vật uế ở trong
Trở ra lại chợ, nhập giòng người đi.
Có người thấy, tức thì hỏi tới :
“ Bạn bưng với cái bát đẹp xinh
Chắc đang đựng thứ ngon lành ? ”
Nói rồi dở bát, bỗng sanh kinh hoàng
Giật nẩy mình, bàng hoàng, ghê tởm
Những thứ đó thật gớm quá đi !
Những người quá đói cách chi
Cũng chưa muốn đụng, huống gì người no .
Này Hiền-giả ! Cũng do vị ấy
Được nghe, thấy, tinh tấn diệt trừ
Ác, bất thiện pháp đều trừ
Cảnh giới của dục từ từ diệt xong
Tỷ Kheo ấy ở trong làng mạc
Chấp nhận các biệt thỉnh thọ trai
Thọ y tín chủ dâng rày
Thì đồng phạm hạnh cũng hay cúng dường
Thường lễ bái và thường cung kính.
Vì sao vậy ? Vì chính vị Tăng
Đã được thấy, được nghe rằng :
Ác, bất thiện pháp đã hằng diệt đi,
Cảnh giới dục, chung qui diệt cả.
Này Hiền-giả Mốc-Gá-La-Na !
Như một người mang về nhà
Cái bát đồng mới sạch và đẹp thay .
Người chủ ấy đựng đầy trong bát
Cơm thật ngon và các thức ăn
Trung Bộ (Tập 1) Kinh 05 : KHÔNG UẾ NHIỄM * MLH –067
Thơm lừng mỹ vị quý trân
Đậy bát với cái nắp bằng đồng sang.
Rồi người chủ lại mang đến chợ
Nhiều người thấy, niềm nỡ hỏi ngay :
“ Bạn mang cái bát đẹp thay !
Bên trong bát ấy đựng đầy cái chi ? ”
Chủ tức thì mở ngay cái nắp
Mùi thức ăn tỏa khắp các bên
Mọi người ưa thích khởi lên
Thèm thuồng làm họ trở nên đói lòng
Người đang no còn mong ăn tiếp
Huống là dịp cơn đói hoành hành.
Cũng vậy, một vị tịnh thanh
Tỷ Kheo được biết thực hành cần chuyên
Cảnh giới dục đã liền diệt mất
Các ác, bất thiện pháp diệt trừ
Những đồng phạm hạnh đồng cư
Cung kính, lễ bái vị Sư tịnh hòa .
Nghe vậy, ngài Mốc-Ga-La-Ná (1)
Thưa Tôn-giả Xá Lợi Phất (2) là :
– “ Hiền-giả Sa-Ri-Pút-Ta (2) !
Tôi có ví dụ khởi ra đây liền ”.
– “ Này Đại Mục-Kiền-Liên (1) Hiền-giả !
Hãy nói ví dụ đã khởi ra ”.
– “ Hiền-giả Sa-Ri-Pút-Ta !
Một thời Vương Xá tôi đà trú qua
_______________________________
(1) : Tôn giả Đại Mục-Kiền-Liên – Maha Moggallana .
(2) : Tôn-giả Xá-Lợi-Phất – Sariputta .
Trung Bộ (Tập 1) Kinh 05 : KHÔNG UẾ NHIỄM * MLH –068
Tại Ghi-Ríp-Ba-Cha (1), an lạc
Vào buổi sáng mang bát đắp y
Vào thành khất thực hành trì ,
Tôi thấy có Sa-Mi-Ti (2) bên hè
Là con người làm xe khi trước
Đang cố đẽo cho được trơn tru
Một vành xe thật công phu
Lúc ấy, ngoại đạo Banh-Đu-Pút-Tà (3)
Trước cũng là con người thợ cả
Thường làm xe, rất khá tài năng,
Đi ngang đứng lại, nghĩ rằng :
“ Mong Sa-Mi-Tí dần dần đẽo xong .
Đẽo đường cong, mắt cây, đường xéo
Sao cho khéo để vành xe tròn
Cong, méo, mắt gỗ không còn
Được trơn tru, đặt vào trong trục này ”.
Thật đúng ngay như là dự đoán
Của tà mạng ngoại đạo đi qua
(Có tên Banh-Đu-Pút-Ta),
Sa-Mi-Ti đã tỏ ra lành nghề
Trong vấn đề làm vành xe khéo
Dùng tài năng gọt đẽo trải qua.
Thế rồi Banh-Đu-Pút-Ta
Những lời hoan hỷ nói ra tức thì :
“ Hình như Sa-Mi-Ti làm đó
Tâm anh ta biết rõ tâm ta ”.
Hiền-giả Sa-Ri-Pút-Ta !
_______________________________
(1) : Địa phương tên Giribbaja . (2) : Samiti , người đẽo bánh xe .
(3) : Tên vị tà mạng ngoại đạo Panduputta .
Trung Bộ (Tập 1) Kinh 05 : KHÔNG UẾ NHIỄM * MLH –069
Những ai mục đích xuất gia không lành
Vì kiếm sống, tín thành không có
Những kẻ đó gian ngụy, điêu ngoa
Xảo trá, kiêu mạn, mê tà
Dao động, tạp thoại, tỏ ra trây lì
Không hộ trì các căn năng nổ
Không tiết độ trong việc uống ăn
Không hề cảnh giác chú tâm
Với Sa-môn-hạnh không hằng thiết tha
Không tôn kính Phật và Pháp Bảo
Không nhiệt tình vì đạo, dễ duôi
Ưa sống sung túc, biếng lười
Chối bỏ trọng trách sống đời viễn ly
Không tinh tấn, trây lì, giải đãi
Lãng quên mãi, không chú niệm thầm
Tâm tán loạn, không định tâm
Liệt tuệ, đần độn, mê lầm cuồng si.
Nay Tôn-giả Sa-Ri-Pút-Tá
Với pháp môn ngài đã giảng đây
Như là với tâm của ngài
Biết tâm những hạng người đây rõ ràng .
Còn những hàng Thiện-nam-tử tốt
Đã xuất gia , chỉ một lòng tin
Từ bỏ, sống không gia đình
Không hề gian ngụy, không sinh dối lòng
Không khi cuống, cũng không trạo cử
Không kiêu mạn, hạnh giữ viễn ly
Không tạp thoại, nói ít đi
Tiết độ ăn uống, hộ trì các căn.
Vị ấy hằng chú tâm cảnh giác
Trung Bộ (Tập 1) Kinh 05 : KHÔNG UẾ NHIỄM * MLH –070
Không biếng nhác , giới luật bảo tồn,
Tha thiết với hạnh Sa-môn
Tôn trọng Đức Phật, Pháp môn nhiệt thành
Sống biết đủ, tịnh thanh ngay thẳng
Bỏ gánh nặng đọa lạc, mê lầm
Tinh tấn, nỗ lực, định tâm
Không bị đần độn, trí thâm diệu liền .
Những vị này nhân duyên nghe kỹ
Pháp môn ngài Sa-Rí-Pút-Ta
Chính do Tôn-giả thuyết ra
Giống như họ được uống qua cam lồ
Hay đang nếm cam lồ pháp vị
Với lời và tâm ý của ngài.
Thật lành thay ! Pháp môn này
Khiến cho người trí như vầy hiểu thông
Vị Tôn-giả vốn đồng phạm hạnh
Đã khiến họ dũng mãnh vượt qua
Những điều bất thiện, ác tà
An trú chánh thiện, trải qua tu trì.
Thưa Hiền-giả Sa-Ri-Pút-Tá !
Ví như có một gã thanh niên
Hay một thiếu nữ trong miền
Còn đang tuổi trẻ, ưa tuyền điểm trang
Gội đầu xong, chuyển sang trang sức
Một vòng hoa kết thực đẹp xinh
Vũ-sanh-hoa hay sen xanh
Hay thiện-tư-hoa sẵn dành ở đây
Dùng hai tay, người nam hay nữ
Cầm vòng hoa và tự tay mình
Đặt lên đỉnh đầu của mình.
Trung Bộ (Tập 1) Kinh 05 : KHÔNG UẾ NHIỄM * MLH –071
Cũng vậy, những vị tâm gìn sáng trong
Thiện-nam-tử với lòng tin đó
Đã xuất gia, từ bỏ gia đình
Vâng giữ phạm hạnh tịnh thanh
Sống đời trong sạch, nêu danh xuất trần .
Các vị nhân nghe ngài Tôn-giả
Bậc Trí cả Sa-Rí-Pút-Ta
Pháp môn Tôn-giả thuyết ra
Giống như họ được uống qua cam lồ
Hay đang nếm cam lồ pháp vị
Với lời và tâm ý của ngài.
Thật lành thay ! Pháp môn này
Khiến cho người trí như vầy hiểu thông
Vị Tôn-giả vốn đồng phạm hạnh
Đã khiến họ dũng mãnh vượt qua
Những điều bất thiện, ác tà
An trú chánh thiện, trải qua tu trì ” .
*
* *
Và như vậy, hai vì Tôn Giả
Bậc cao đức : Sa-Rí-Pút-Ta
Cùng ngài Mốc-Gá-La-Na
Cùng nhau thiện thuyết, cùng hòa niềm vui .
*
* *
( Chấm dứt Kinh số 5 : KHÔNG UẾ NHIỄM –
ANANGANA Sutta )