Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Kinh Sợ Hãi Khiếp Đảm

18/05/202019:50(Xem: 10328)
04. Kinh Sợ Hãi Khiếp Đảm

TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO

TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH

( Majjhima  Nikàya )


Tập I
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli

Chuyển thể Thơ :

Giới Lạc  MAI LẠC HỒNG  tự TUỆ NGHIÊM

 ( Huynh Trưởng Cấp Tấn  - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )

Email : [email protected]



4.Kinh SỢ HÃI KHIẾP ĐẢM

( Bhayabherava sutta )

 

Như vậy, tôi nghe :

 

Một thời, Đức Thế Tôn an trú

Kỳ-Viên-Tự , Chê-Tá-Va-Na  (1)

              A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka  (2)

       Tức Cấp-Cô-Độc  tín-gia cúng dường .

          Vốn tôn kính Pháp Vương Đại Trí

          Nên Phạm-chí Cha-Nút-Sô-Ni  (3)

Đến viếng Đấng Chánh Biến Tri

       Nói lời chào hỏi, rồi thì xưng tên

Đoạn ông ta một bên ngồi xuống

          Thưa với đức VôThượng Phật Đà :

 

           “ Bạch Tôn-giả Gô-Ta-Ma !

       Nhiều thiện-nam-tử thiết tha, nhiệt tình

          Luôn tin tưởng trí minh Tôn-giả

          Biệt gia đình vàđã xuất gia

Đối với những vị nói qua

       Ngài là lãnh đạo tài ba, vẹn toàn

          Giúp ích họ muôn vàn như thế

          Và khích lệ sách tấn tu hành        

              Họ cũng chấp nhận tâm thành

       Tuân theo quan điểm tịnh thanh của Ngài ”.

    _______________________________

 

(1)&(2) : Xem chú thích ở trang đầu Kinh “Tất cả các Lậu-hoặc”.

      (3) : Bàn-môn hay Phạm-chí tức là Bà-La-Môn . Ở đây là vị

             Bà-la-môn có tên Janussoni .

Trung Bộ (Tập 1) Kinh 04 : SỢ HÃI KHIẾP ĐẢM  * MLH – 042

 

     – “ Này Bàn-môn ! Điều này đúng vậy.

          Thiện-nam-tử từ bởi nhiều nhà

              Vì lòng tin tưởng nơi Ta

       Gia đình dứt bỏ, xuất gia tu hành

          Sống độc cư, an lành, thanh tịnh

Đối với họ, Ta chính là người

              Lãnh đạo, giúp ích mọi thời

       Sách tấn, khích lệ trong đời xuất gia.

          Theo quan điểm của Ta, như thị

          Họ hoan hỷ chấp nhận tuân hành ”.

 

        – “ Bạch Ngài ! Chốn vắng rừng xanh

Âm u tịch mịch dễ sanh nản lòng

          Khó kham nhẫn ở trong trú xứ

          Vị Phích-Khú khó thể hành trì

              Khó khăn đời sống viễn ly

       Thật khó thưởng thức sống vìđộc cư.

          Cảnh rừng núi âm u muôn dạng

          Làm rối loạn tâm trí vị này

              Khi chưa chứng Thiền-định đây

 (Đểđược tự tại, tâm đầy lạc an) ”.

 

    – “ Này Bàn-môn ! Hoàn toàn đúng vậy

          Tỷ Kheo ấy thật khó nhẫn kham

Ở những trú xứ xa xăm

       Hay chốn hoang vắng sơn lâm rậm rì

          Với đời sống viễn ly, khó thực !

          Khó thưởng thức đời sống độc cư

              Ta nghĩ rừng núi âm u

       Sẽ làm rối loạn đường tu vị này

          Tỷ Kheo đây nếu chưa chứng đắc

          Về Thiền-định, các bậc thiền-chi.

Trung Bộ (Tập 1) Kinh 04 : SỢ HÃI KHIẾP ĐẢM  * MLH – 043

 

              Nhưng này Cha-Nút-Sô-Ni !

       Xưa kia Ta đã kiên trì xuất gia

          Sống khổ hạnh rừng già hoang vắng

          Chưa chứng ngộ Chánh Đẳng Phật Đà

              Hành trình tìm đạo trải qua

       Ta cũng từng nghĩ như là hiện nay

          Là khó thay ! Khó bề kham nhẫn !

          Những trú xứ xa vắng hoang vu

              Thật khó viễn ly, độc cư

       Khi Ta chưa được an như chứng Thiền.

          Nhưng sau đó Ta liền suy nghĩ :

 ‘Những Sa-môn , Phạm-chí vị nào

              Thân, khẩu, ý  không thanh cao

       Ba nghiệp bất tịnh, lún sâu đường tà

          Sống tại các nơi xa hoang vắng

          Chốn núi cao hay tận rừng già

              Sợ hãi, khiếp đảm xảy ra

       Ba nghiệp bất thiện khiến ma chướng đầy.

 

          Còn Ta đây tịnh thanh ba nghiệp   

          Thân, khẩu, ý thu nhiếp trong lành

              Dù sống núi thẳm rừng xanh

       Ba nghiệp thanh tịnh sẵn dành bên Ta.

          Bậc Thánh sống nơi xa, hoang vắng

          Luôn tự tại, tâm chẳng phân vân

              Ta tự quán sát nghiệp thân,

       Cả nghiệp khẩu, ýđều chân chánh vầy

          Lòng tự tin, điều đây xác chứng

          Nơi hoang vắng vẫn vững tâm lành

              Mạng sống của Ta tịnh thanh

       Ta thuộc bậc Thánh viên thành, khế cơ

 

Trung Bộ (Tập 1) Kinh 04 : SỢ HÃI KHIẾP ĐẢM  * MLH – 044

 

          Không nhiễm trước bợn nhơ mạng sống

          Không khiếp đảm, phấp phỏng, hãi hùng

              Dù sống hoang vắng núi rừng.     

       Tùy thuộc như vậy, Ta cùng nghĩ suy :

          Những Sa-môn, các vì Phạm-chí

          Nhiều tham dục, ác ý, hận sân

Ái dục cường liệt, rần rần

       Sống nơi trú xứ muôn phần hoang vu

          Trong rừng núi âm u xa vắng

          Thì chắc chắn khiếp đảm, hãi hùng

              Bất thiện khởi lên trùng trùng.

 

       Ta không tham dục, đã dừng hận sân  

          Luôn trưởng dưỡng từ tâm phạm hạnh

          Là bậc Thánh không nhiễm dục trần

              Không ác ý, không hận sân

       Ta tự quán sát, mở dần mối mang

          Về mạng sống hoàn toàn thanh khiết

          Không tham dục, trừ diệt hận sân  

              Trong Ta luôn có từ tâm

       Ta thấy xác chứng muôn phần tự tin

          Khi Ta sống một mình hoang vắng

 (Tâm Ta vẫn bình thản, vui an)

              Ta lại suy nghĩ rõ ràng :

    “ Bà-la-môn hay các hàng Sa-môn

          Bị thụy miên và hôn trầm tới,

Bị dao động bối rối bất an,

Nghi hoặc, do dự hoang mang,

Chê người đầy lỗi, còn toàn khen ta,

          Dễ sợ hãi hay là run rẩy

          Điều dễ thấy : dựng ngược tóc lông,

 

Trung Bộ (Tập 1)  Kinh SỢ HÃI KHIẾP ĐẢM      MLH  – 045

 

              Ham muốn lợi dưỡng như mong

Ham muốn cung kính, trong lòng muốn danh

Không tinh tấn, pháp hành biếng nhác

Không tỉnh giác, thất niệm hoài hoài

              Tâm bị tán loạn đêm ngày

       Hoặc không định tĩnh, lòng đầy âu lo,

          Hoặc là do ngu đần, liệt tuệ …

          Những vị này rất dễ bất an

Sợ hãi, khiếp đảm vô vàn

       Khi sống những chỗ thật hoang vắng này

          Núi hoang vu, rừng dày tăm tối

          Những bất thiện cũng khởi lên liền.

* * *

              Ta không hôn trầm, thụy miên

       Tâm không dao động, luôn yên tịnh hoài

          Và Như Lai không nghi, do dự

          Không chê người, không tự khen mình

Không run rẩy, sợ không sinh

       Không hề dựng ngược tóc mình hay lông

          Không ham muốn sống trong lợi dưỡng

          Sự danh vọng, kính ngưỡng không màng

              Ta luôn tinh tấn, siêng năng

An trú niệm, tỉnh giác, hằng suốt thông

          Ta định tĩnh, tâm không tán loạn

          Không liệt tuệ , không độn đần chi

              Thành tựu trí tuệ diệu kỳ

       Ta là bậc Thánh trí tri tựu thành.

          Dù Ta sống rừng xanh hoang vắng

          Hay mãi tận núi thẳm, sơn khê

              Cảm thấy tự tin mọi bề

       Đã được xác chứng, không hề sợ chi.

Trung Bộ (Tập 1)  Kinh SỢ HÃI KHIẾP ĐẢM      MLH  – 046

 

          Tự quán sát, nghĩ suy như thế

Ta thành tựu trí tuệ đủ đầy.

              Bàn-môn ! Tùy thuộc ở đây

       Ta suy nghĩ vấn đề này như sau :

          Những đêm nào : mười lăm, mười bốn

          Hoặc là vốn  mồng tám … trung tuần

              Trú xứ hoang vắng núi rừng

       Tóc lông dựng ngược, tưởng chừng đứng tim

          Như tự miếu đắm chìm tăm tối

          Tại thảo viên, cây cối rừng sâu

              Sợ hãi, khiếp đảm, lo âu

       Ta cũng cảm thấy đêm thâu hãi hùng

          Tại trú xứ núi rừng tự miếu

          Hoặc tự miếu cây cối, viên lâm

              Mồng tám, mười bốn hay rằm

       Ta đến các chốn tối tăm nơi này

          Tại chốn đây biết bao nguy biến

          Có thể sẽ xảy đến tiếp theo

              Như là thú dữ cọp, beo

       Con công gây động, cú mèo rúc vang

          Hay gió rít, vượn đang gào hú

          Ta liền chú tâm nghĩ mông lung :

            “ Nay sự khiếp đảm, hãi hùng

       Kéo đến vây hãm trùng trùng quanh ta ”.   

 

          Này Bàn-môn ! Rồi Ta suy nghĩ :

          Sao Ta chỉ ngong ngóng chờ thôi

              Sợ hãi, khiếp đảm từng hồi

Chớ không gì khác, để rồi bất an.

          Phải diệt tan hãi hùng, sợ dữ

          Trong bất cứ cử chỉ hành vi

 

Trung Bộ (Tập 1) Kinh 04 : SỢ HÃI KHIẾP ĐẢM  * MLH – 047

 

              Này Bàn-môn ! Khi Ta đi

Kinh hành qua lại, rồi thì xảy ra

          Sự khiếp đảm hay là sợ hãi

          Thì khi ấy Ta biết diệt nhanh :

 ‘Ta đây đang đi kinh hành

       Sự khiếp hãi đó khi mình đi thôi           

          Ta không nằm, không ngồi, không đứng’.

          Cũng vậy, khi Ta đứng một nơi

              Mà sự sợ hãi đến, thời

       Ta không đi lại, nằm, ngồi ở đây

Ta diệt sự sợ này khi đứng.

           Tự xác chứng trong bốn oai nghi

              Khi Ta nằm, ngồi, đứng, đi

       Diệt sợ hãi trong hành vi bấy giờ.

 

          Này Bàn-môn ! Mê mờ, ngoan cố

          Có một số Phạm-chí , Sa-môn

              Nghĩ rằng ngày giống như đêm

       Hoặc là họ nghĩ là đêm giống ngày.

          Ta nghĩ những người này si ám

          Luôn đeo bám tà kiến sâu dày

              Riêng Ta nghĩ : Ngày là ngày       

       Đêm là đêm – sự việc đây thường hằng

          Nên nếu người công bằng, chân chính

          Sẽ nhất định phát biểu như ri :

 

            “ Hữu tình nào không ám si

       Sinh ra trần thế chỉ vì chúng sanh

          Vì hạnh phúc, an lành muôn loại

          Vì thương tưởng các cõi Trời, người ”.

              Một cách chân chính, dùng lời

       Nói về Ta thị hiện đời như sau :   

Trung Bộ (Tập 1) Kinh 04 : SỢ HÃI KHIẾP ĐẢM  * MLH – 048

 

       “ Bậc thanh cao, dứt trừ si ám

          Là hữu tình phạm hạnh tịnh thanh

              Ra đời lợi ích chúng sanh

Vì sự hạnh phúc, an lành muôn nơi

          Vì an lạc Người, Trời, muôn loại ”

Do chân chánh, họ nói như vầy.

 

              Này Bà-la-môn ! Ta đây

       Luôn luôn tinh tấn, thẳng ngay, tinh cần

          Không lười biếng, an phần chánh niệm

          Không loạn động, thúc liễm thân tâm

              Tâm được định tĩnh, chuyên cần

       Oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm khinh an.

* Ta ly dục, diệt tan ác pháp

          Rồi chứng đạt, an trú Nhất Thiền

              Trạng thái hỷ lạc vô biên

       Do sanh ly dục với duyên Tứ, Tầm

* Rồi diệt tầm, diệt luôn cả tứ 

          Chứng và trú Nhị Thiền âm thầm

Rất hỷ lạc, không tứ, tầm

       Định sanh, nội tĩnh nhất tâm, an hòa.

       * Tiếp đến Ta ly hỷ trú xả 

          Chánh niệm cả tĩnh giác tinh chuyên

              Tân cảm sự lạc thọ liền

       Mà xưa các bậc Thánh hiền trải qua

Gọi đó là ‘xả niệm lạc trú’

Ta chứng, trú vào Đệ Tam Thiền.

            * Xả lạc, xả khổ được yên

       Diệt hỷ, ưu – cảm thọ liền trước đây

          An trú ngay Tứ Thiền chứng đạt

          Không khổ, lạc ; xả niệm tịnh thanh.

 

Trung Bộ (Tập 1) Kinh 04 : SỢ HÃI KHIẾP ĐẢM  * MLH – 049

 

              Với tâm định tĩnh, tinh anh

       Không cấu nhiễm, dứt phát sanh não phiền

          Tâm nhu nhuyến, an nhiên, vững chắc

          Không vướng mắc, bình thản thảnh thơi

              Ta dẫn tâm hướng đến nơi

Túc-mạng-trí, nhớ nhiều đời đã qua

          Những tiền kiếp xưa xa vô kể

          Trải bao lần dâu bể chơi vơi 

 

Quá khứ với một, hai đời

Năm chục, ba bốn trăm đời đã qua,

Một ngàn đời hay là hơn nữa,

          Một trăm ngàn đời thuở lâu xa

Hoại kiếp, thành kiếp trải qua

Vị ấy nhớ lại như là mới đây.

Tại nơi ấy, tên này ta có

Thuộc giai cấp, giòng họ thế này

Uống, ăn, thọ khổ, lạc  rày

Tuổi thọ như thế, chết ngày ra sao

Ta tái sinh, nhằm vào làng đó

Có tên tuổi, giòng họ thế nào

Cứ thế, nhớ lại biết bao

Tiền kiếp, tái kiếp không sao đếm rồi.

 

(Thời tìm đạo, không rời sổ-tức)

          Trong canh đầu nỗ lực tự mình

              Ta chứng đắc Túc Mạng Minh

       Minh sanh rực rỡ, vô minh diệt rày

          Bóng tối diệt, sanh ngay ánh sáng

          Trong giai đoạn Ta sống tinh cần

              Không phóng dật, luôn nhiệt tâm

       Là minh thứ nhất, chứng phần pháp siêu.

Trung Bộ (Tập 1) Kinh 04 : SỢ HÃI KHIẾP ĐẢM  * MLH – 050

 

          Tâm Ta chỉ một điều thuần tịnh

          Luôn định tĩnh, không nhiễm não phiền

              Nhu nhuyến, vững chắc, an nhiên

       Bình thản như vậy, tâm chuyên an hoài.

 

          Rồi Như Lai hướng tâm đến với

          Sinh-tử-trí, dẫn tới tuệ minh

Xét về sinh tử chúng sinh

Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy liền

Vị ấy biết mối giềng Nghiệp quả

Người hạ liệt, kẻ cả giàu sang

Người đẹp đẽ, kẻ thô hèn

Đều do hạnh nghiệp trắng đen họ làm.

 

Gieo ác hạnh về thân, khẩu, ý

Hoặc phỉ báng các vị Thánh Hiền

Người này thân hoại, tận duyên     

Do nghiệp tà kiến, đọa liền súc sinh

Các cõi dữ, như sinh địa ngục

Hoặc đọa xứ, thằng thúc nạn tai.

 

          * Còn bậc hiền giả, những ai

Làm những thiện hạnh  ý  và lời, thân

Không phỉ báng Hiền nhân, Thánh hiển

Tạo nghiệp lành, chánh kiến vô cùng

Sau khi thân hoại mạng chung 

Được sinh thiện thú, nhân trung, cõi trời

Do thiên nhãn, biết đời sống chết

Người hạ liệt  hay kẻ giàu sang

Người đẹp đẽ, kẻ thô hèn

Người này bất hạnh, kẻ bèn gặp may

Do hạnh nghiệp kẻ này hành động

Có kết quả chẳng giống nhau vầy.

Trung Bộ (Tập 1) Kinh 04 : SỢ HÃI KHIẾP ĐẢM  * MLH – 051

 

Luân hồi tùy nghiệp chuyển xoay

Không ai tránh khỏi trả vay nghiệp dày.

 

          Bàn-môn này !Trong đêm canh giữa

          Ta nương tựa nỗ lực chính mình

              Chứng đắc được Thiên Nhãn Minh

       Minh sanh rực rỡ, vô minh diệt rày

          Bóng tối diệt, sanh ngay ánh sáng

          Trong giai đoạn Ta sống tinh cần

              Không phóng dật, luôn nhiệt tâm

       Minh thứ hai đắc, chứng phần pháp siêu.

          Tâm Ta chỉ một điều thuần tịnh

          Luôn định tĩnh, không nhiễm não phiền

              Nhu nhuyến, vững chắc, an nhiên

       Bình thản như vậy, tâm chuyên an hoài.

 

          Rồi Như Lai hướng tâm đến với

Lậu-tận-trí, dẫn tới biết rành

              Thắng tri như thật ngọn ngành :

Đây là sự Khổ, nguyên nhân đưa vào

Đây Khổ Diệt, đường nào diệt khổ

  Biết như thật lậu-hoặc loại này

     Nguyên nhân lậu-hoặc là đây

       Diệt trừ lậu-hoặc, biết ngay con đường

  Nhờ thắng tri, tận tường nhận thức

Tâm vị ấy rất mực sáng trong

Dục-lậu, hữu-lậu  thoát xong

Thoát vô-minh-lậu, khỏi vòng trói trăn

Liền hiểu rõ : Tự thân giải thoát

Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành

Việc cần làm, đã thực hành

Sau đời hiện tại, Vô sanh hiển bày.

Trung Bộ (Tập 1) Kinh 04 : SỢ HÃI KHIẾP ĐẢM  * MLH – 052

 

          Bàn-môn này ! Canh ba đêm ấy

          Minh thứ ba chứng lấy tự mình

              Chứng đắc được Lậu Tận Minh

       Minh sanh rực rỡ, vô minh diệt rày

          Bóng tối diệt, sanh ngay ánh sáng

          Trong giai đoạn Ta sống tinh cần

              Không phóng dật, luôn nhiệt tâm

       Tam Minh chứng đắc, ba phần pháp siêu.

 

          Này Bàn-môn ! Một điều có thể

          Tư tưởng ông đại để nghĩ là :

‘Nay Sa-Môn Gô-Ta-Ma

       Chưa trừ diệt được tham và sân, si

          Hãy nên sống mọi thì trú xứ

          Rừng núi có thú dữ, hiểm nguy’.

 

              Chớ hiểu như vậy làm gì

Vì Ta quán sát, thắng tri vấn đề

          Hai mục đích thuộc về Ta sống

          Các trú xứ phấp phỏng, bất an

              Hoang vu, xa vắng non ngàn :

   –  Vì lòng thương tưởng các hàng chúng sinh ,     

      –  Tự thấy mình hiện thời lạc trú.      

 (Hai mục đích vốn đủ trí – bi).

 

              Bàn-môn Cha-Nút-Sô-Ni 

       Lắng nghe đức Chánh Biến Tri Phật Đà

          Thuyết giảng sự sợ và khiếp đảm

          Sự tinh tấn cùng phạm hạnh này

              Ông đã hoan hỷ thưa ngay :

    “ Trong tương lai, chúng sinh đầy phước duyên

          Được Tôn Giả trí hiền thương tưởng

 

Trung Bộ (Tập 1) Kinh 04 : SỢ HÃI KHIẾP ĐẢM  * MLH – 053

 

          Vì Ngài là Vô Thượng Phật Đà

              Đại A-La-Hán sâu xa

       Bậc Chánh Đẳng Giác từ hòa đáng tôn.

          Vi diệu thay ! Pháp môn Ngài dạy

Thật vi diệu Pháp ấy. Lành thay !

Bạch Tôn Giả, Đấng Như Lai ! 

       Như người dựng vật lăn quay ngã nằm

Chỉ hướng kẻ sai lầm lạc lối

Đem đèn sáng vào tối như bưng

Để ai có mắt mở bừng

Có thể thấy được sáng trưng sắc màu.

*

Cũng như vậy, nhiệm mầu Chánh Pháp

Được Tôn Giả giải đáp, trình bày

Con xin quy ngưỡng từ nay

       Quy y Tôn Giả, nương ngay Pháp mầu

Quy y Tăng thanh cao đức cả

Nối tiếp nhau hoằng hóa Pháp môn

Mong Thế Tôn nhận cho con

Được làm đệ tử, vun tròn thiện duyên

Xin phát nguyện vẹn tuyền ngưỡng phục

Kể từ nay đến lúc mạng chung,

              Nguyện vâng theo Đấng Đại Hùng

       Thực hành Giáo Pháp muôn trùng cao thâm ”.

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật  ( 3 L )

 

*

*  *

 

(  Chấm dứt  Kinh số 4 :  SỢ HÃI KHIẾP ĐẢM  –  BHAYABHERAVA  Sutta  )

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/07/2024(Xem: 2741)
Trong Đạo Phật chữ HỌC rất quan trọng.(1) Ám chỉ từ việc tu tập, rèn luyện hay hành trì Một lúc nào đó, phát hiện ra chẳng loại bỏ được gì Khi thế giới quanh ta vẫn luôn vận hành biến dịch! Nên vẫn mãi mê tô vẽ bản thân, để đạt mục đích ! Và cứ thế theo cung bậc thăng trầm của vòng xoay
01/07/2024(Xem: 1355)
Ngọt lành hai tiếng à ơi... Mẹ ru con ngủ tròn đời gió sương Tiếng lời mình, tiếng yêu thương Tiếng lời kinh Bụt thơm hương thơm trầm.
30/06/2024(Xem: 3856)
Trúc Lâm Đầu Đà, Ngài tên thật là Trần Khâm. Sinh năm 1258, lên ngôi năm 1278, ở ngôi 15 năm từ 1278 đến 1293, nhường ngôi cho con lên làm Thượng hoàng 6 năm từ 1293 đến 1299, sau đó ngài đi tu 9 năm từ năm 1299 đến năm 1308. Năm 1308 ngài viên tịch. Trụ thế 50 tuổi Tây, 51 tuổiTa. Đó là cuộc đời của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ngài là anh hùng dân tộc, là một bậc minh quân, là vị tổ khai sáng ra dòng thiền Việt Nam. Hồi Thứ Nhất:
29/06/2024(Xem: 2280)
Mừng Sinh Nhật Sư Phụ bảy lăm Tuệ giác càng thêm sáng trăng rằm Xuất, Tại gia đệ tử cầu chúc Hoằng dương đạo pháp mãi trăm năm Kể từ khi Thầy đến Tây Âu Ánh sáng từ bi rất nhiệm mầu Những đóa sen trồng trên xứ tuyết Chúng con ghi dậm nét thâm sâu
28/06/2024(Xem: 2537)
Hôm nay sinh nhật Thầy Con biết chúc gì đây? Bao lời văn trau chuốt Tác giả đã diễn bày con đọc trên Viên Giác Tán tụng công đức Thầy Sáu mươi năm hành đạo Bảy mươi lăm tuổi đời Cuộc đời trôi qua mau Thầy tạo bao ân đức
25/06/2024(Xem: 1410)
Đêm trăn trở canh dài thao thức Hồi tưởng chuyện đời viết tâm thư Đêm thật buồn dế khóc nỉ non Gió xào xạc lời ru thương nhớ. Tâm thư ghi nỗi niềm con trẻ Công ơn cha qua mấy vần thơ Một cuộc đời giản dị đơn sơ Một tấm lòng bao dung quảng đại.
23/06/2024(Xem: 1530)
Mừng Thầy và Mẹ bên nhau Đinh ninh thờ Phật, trước sau vuông tròn. Chín mươi hai tuổi sắt son Sáu thời niệm Phật nỉ non tiếng lòng. Thầy TU cho mẹ thong dong Mẹ TU ... bòn PHƯỚC – Phước con thêm dầy Mẹ còn ruộng Phước còn đây Mẹ đi tủi phận ... từng ngày mồ côi
21/06/2024(Xem: 1613)
Cuối xuân, Phật Việt gặp “tai bay” Quay quắt lòng buông tiếng thở dài Cám cảnh tình nhà đau nỗi đạo Xót xa quê mẹ lệ bi ai. Thương quá Việt Nam đất nước tôi Bốn nghìn năm văn hiến tinh khôi Thiêng liêng Phật Giáo hồn dân tộc Hai thế kỷ hơn rạng giống nòi.
21/06/2024(Xem: 1899)
Ngày mẹ đi! Nắng vàng xóm nhỏ Ngày mẹ đi! Mây lặng ngừng trôi Ngày mẹ đi! Rũ buồn hoa cỏ Ngày mẹ đi! Nức nở than ôi. Ngày mẹ đi! Máu nhuộm tuổi thơ Ngày mẹ đi! Lạc lõng bơ vơ Lòng mẹ đau phút giây vĩnh biệt Tức tưởi, nghẹn ngào, sầu vô bờ.
21/06/2024(Xem: 2970)
Trong lúc dọn dẹp lại thư viện kinh sách bé nhỏ của mình, người viết vừa nâng niu, vừa bâng khuâng xao xuyến khi nhìn kỹ lại hơn 50 tác phẩm được biên soạn bằng chính năng lực, trí tuệ của quý danh tăng của thế kỷ 20 -21 đã ký tặng( mà người viết cho đấy là sách giáo khoa hàn lâm về Phật Giáo ) với những dòng chữ thật trân quý đầy tinh thần nhân văn cao cả của lý tưởng, lại mang đậm các giá trị đạo đức truyền thống trong Phật Giáo mà trong suốt đời tu học, khoảng 10 năm gần đây người viết mới được tiếp xúc những bậc hiền triết này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]