Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Bảo Giám, Đời thứ 09, Thiền Phái Vô Ngôn Thông 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺

16/09/202108:27(Xem: 22681)
Thiền Sư Bảo Giám, Đời thứ 09, Thiền Phái Vô Ngôn Thông 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺




Thiền Sư Bảo Giám, Đời thứ 09, Thiền Phái Vô Ngôn Thông
🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺

Thuyết giảng: Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng
Trình pháp: Cư Sĩ Quảng Tịnh Tâm, Cư Sĩ Huệ Hương
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh
Lồng nhạc và online: Cư Sĩ Quảng Phước, Cư Sĩ Quảng Tịnh






Nam Mô A Di Đà Phật


Kính bạch Sư Phụ, hôm nay cuối tuần thứ Năm, 16/9/2021, chúng con được học về Thiền Sư Bảo Giám đời thứ 9, Thiền Phái Vô Ngôn Thông, Sư phụ dựa theo tài liệu gốc Thiền Sư Việt Nam do HT Thích Thanh Từ biên soạn và ấn hành tại VN vào năm 1972. Pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 286 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh đại dịch covid 19 (đầu tháng 5-2020).

 

Sư họ Kiều tên Phù, quê ở làng Trung Thụy. Tánh tình trung thực, giản dị và điềm đạm. Thuở nhỏ học Nho, thông hiểu Thi, Thơ, Lễ, Dịch, chữ viết rất đẹp. Sư làm quan đến chức Cung hậu Xá nhân đời Lý Anh Tông.

 

Sư Phụ giải thích:

- Tên Bảo Giám của Thiền Sư rất có ý nghĩa, Bảo là quý báu, Giám là tấm gương. Bảo Giám là gương báu để soi chiếu nội tâm của mình. Ở Trung Hoa có bộ sách tên Minh Tâm Bảo Giám là bộ sách gối đầu giường cho tất cả giới nho học để đào luyện nhân cách của con người.

- Bảo Giám theo Tổ Sư thiền còn có ý nghĩa là gương báu, là tâm thể thanh tịnh sáng suốt, là thể tánh tịnh minh, chân tâm Phật tánh luôn thường hằng có bên trong của tất cả chúng sanh vạn loài.

- Ngài Bảo Giám thông hiểu về kinh thi, kinh thơ, lễ, nhạc đặc biệt là kinh dịch, một môn triết học vũ trụ và bói toán cao cấp của Trung Hoa, cần có trình độ và kiến thức thâm hậu về  thái cực, lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái, ngũ hành âm dương… ngài ra quan cho triều vua Lý Anh Tông nhưng nhận rõ cuộc đời vô thường nên ngài từ quan và đi xuất gia để tìm cầu giải thoát.

 

Năm ba mươi tuổi, Sư bỏ quan đến chùa Bảo Phước quận Mỹ Lương thọ giáo xuất gia với Thiền sư Đa Vân. Tạng kinh trong chùa này, chính tay Sư chép lại. Đến khi Thiền sư Đa Vân tịch, Sư kế tiếp trụ trì chùa này. Đời sống của Sư rất là đạm bạc, suốt năm chỉ mặc áo gai thô sơ, trong mình không dính một sợi tơ. Công việc tu trì thì không bao giờ trễ nải.

 

Sư Phụ giải thích:

-Ngài Bảo Giám xuất gia với Thiền sư Đa Vân, nhưng đời thứ tám của Thiền phái Vô Ngôn Thông không có tài liệu ghi chép tiểu sử về Thiền sư Đa Vân như các vị Thiền Sư khác như Thiền Sư Mãn Giác, Ngộ Ấn, Thông Biện, nhưng nhờ bài học hôm nay chúng ta phát hiện ra đời thứ tám có thêm ngài Thiền Sư Đa Vân nữa.

Do nhìn thấy đệ tử Bảo Giám có nét chữ viết tay quá đẹp nên Thiền sư Đa Vân yêu cầu ngài Bảo Giám chép lại bộ Đại Tạng Kinh cho chùa Bảo Phước.

Sư phụ có nhắc một chú về Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh để đại chúng biết về số lượng kinh mà Ngài Bảo Giám phải viết lại là bao nhiêu tập. Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh là Đại Tạng Kinh chữ Hán hoàn chỉnh, được ấn hành tại Nhật Bản từ 1924 đến 1934, tổng cộng100 tập, bao gồm 55 tập chính và PG Trung Hoa, 45 tập còn lại được xem là tạp tạng của của người Nhật. Như vậy có thể lúc ấy ngài Bảo Giám phải chép từ 20 đến 30 tập của Bộ Đại Tạng Kinh này.  Hiện tại Tu Viện Quảng Đức có 4 bộ Đại Tạng Kinh như sau:

Thứ nhất: Càng Long Đại Tạng Kinh

Thứ hai: Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh

Thứ ba: Nam Truyền Đại Tạng Kinh, 13 tập

Thứ tư: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh 60 tập (do Đạo hữu Quảng Tịnh Tâm đặt mua từ HT Tịnh Hạnh ở Đài Loan gởi qua Úc. trọn bộ là 203 tập, phần còn lại đang in và sẽ được gởi về Tu Viện Quảng Đức trong tương lai.

Kính bạch Sư Phụ, cách nay hơn mười năm, lúc đó con rất sơ cơ về Phật pháp, nhưng trong con có một niềm tin sâu đậm về pháp Phật, con nghe bộ Đại Tạng Kinh là con hết lòng cúng dường như là được một ân huệ siêu việt trong đời con được kính dâng niềm tin vào pháp bảo của Đức Thế Tôn cao cả.

- Sư Phụ cho biết là Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan, Cao Miên có Đại Tạng Kinh truớc Việt Nam vì chữ Việt có sau cùng.

- Đời sống của ngài Bảo Giám rất đạm bạc, suốt năm chỉ mặc áo gai thô sơ, áo gai là loại áo không có tơ do con tầm nhã ra.

 

 

 

Sư thường bảo môn đồ:

- Muốn tiến đến tông thừa của Phật là phải siêng năng, song thành Phật chánh giác phải nhờ trí tuệ. Ví như nhắm bắn cái đích ngoài trăm bước, mũi tên đến được là nhờ sức mạnh, song trúng được đích không phải do sức.

 

Sư Phụ giải thích:

- lời dạy của Ngài Bảo Giám cho chúng đệ tử rất sâu sắc, dùng hình ảnh bắn cung để minh họa, rất thực tế và dễ hiểu. Tông thừa của Phật là tiến đến giải thoát, ra khỏi vòng sanh tử luân hồi là điểm đến cuối cùng, cần phải tinh tấn và có trí tuệ như người bắn cung dùng sức mạnh kéo dây cung để mũi tên bay xa và đồng thời phải có mắt tuệ giác thì mũi tên mới trúng được đích.

Sư Phụ có kể Thượng tọa Chơn Thanh, một vị giảng sư nổi tiếng, có tuổi thọ ngắn, đã học được lời của thiền sư Bảo Giám, là phải có tinh tấn, trí tuệ thì mới đạt được giải thoát và giác ngộ, đây là 4 câu thơ để lại cho đời của Thượng tọa Chơn Thanh:

 

“Trên đường đạo không gì bằng tinh tấn,

Không gì bằng trí tuệ của đời ta,

Sống điêu linh trong kiếp sống ta bà,

Chỉ tinh tấn là vượt qua tất cả”.

 

  

Đến ngày 7 tháng 5 niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ mười một (1173), sắp viên tịch, Sư nói kệ:

 

Được thành chánh giác ít nhờ tu,

Ấy chỉ nhọc nhằn, trí tuệ ưu.

Nhận được ma-ni lý huyền diệu,

Ví thể trên không hiện vầng hồng.

Người trí khác nào trăng rọi không,

Chiếu soi khắp cõi sáng khôn ngần.

Nếu người cần biết, nên phân biệt,

Khói mù man mác phủ non chiều.

 

(Đắc thành chánh giác hãn bằng tu,

Chỉ vị lao lung, trí tuệ ưu.

Nhận đắc ma-ni huyền diệu lý,

Chỉ như thiên thượng hiển kim ô.

Trí giả du như nguyệt chiếu thiên,

Quang hàm trần sát chiếu vô biên.

Nhược nhân yếu thức tu phân biệt,

Lãnh thượng phù sơ tỏa mộ yên.)

 

Sư Phụ giải thích:

 

- Được thành chánh giác ít nhờ tu,

Ấy chỉ nhọc nhằn, trí tuệ ưu

Ngài Bảo Giám nhấn mạnh điểm quan trọng trong hành trình tu tập phải có trí tuệ cùng với hạnh tinh tấn, thì mới đạt đến chánh giác. Sư Phụ giải thích trường hợp của Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng khai thị cho đệ tử của ngài là Mã Tổ Đạo Nhất:

Ngài Nam Nhạc thấy một vị tăng trẻ ngồi thiền, ngài hỏi:

- Thầy ngồi thiền để làm gì?

Ngài Đạo Nhất đáp:

-       Con ngồi thiền để làm Phật.

Ngài Nam Nhạc liền lấy một cục gạch đến trước chỗ ngài Đạo Nhất ngồi thiền để mài. Ngài Đạo Nhất thấy lạ nên hỏi:

- Sư phụ mài gạch để làm gì?

Ngài Nam Nhạc đáp: Mài để làm gương.

Đạo Nhất hỏi: Gạch đâu có thể mài thành gương được ?

Ngài Nam Nhạc hỏi lại: Ngồi thiền đâu có thể thành Phật được ?

Đạo Nhất liền xả thiền đến đảnh lễ cầu Sư phụ khai thị “ Vậy con làm thế nào mới đúng ?

Ngài Nam Nhạc khai thị: “ví như trâu kéo xe, nếu xe không đi, đánh xe hay đánh trâu ? con suốt ngày ngồi thiền ở đây, rốt cuộc là muốn học ngồi thiền hay học làm Phật ? nếu học ngồi thiền thì thiền vốn không phải là nằm hay ngồi, nếu con muốn làm Phật thì Phật cũng không phải ngồi như thế. Yếu chỉ của thiền tông là không lấy hay bỏ, nếu con học làm Phật như vậy thì không khác nào giết Phật, còn như con chấp trước vào tướng ngồi thiền, điều đó nói rõ con vẫn chưa hiểu được thiền là gì”.

Ngài Đạo Nhất nghe xong những lời khai thị của Thiền Sư Nam Nhạc liền liễu ngộ.

 

 

- Nhận được Ma Ni lý huyền diệu,

Ví thể trên không hiện vầng hồng.

Sư Phụ giải thích trong kinh Pháp Hoa, Đức Thế Tôn đã báo tin rằng mỗi người đều có viên mani bảo châu như ý trong chéo áo mà không tự biết, viên bảo châu này chỉ cho tuệ giác, Phật tâm, đến khi nhận ra được thì giống như vầng hồng hiển lộ trên không .

 

- Người trí khác nào trăng rọi không,

Chiểu soi khắp cõi sáng không ngần.

Sư Phụ giải thích, người trí chỉ cho người tu đã đạt tới tột cùng giải thoát giống như ánh sáng của mặt trăng chiếu sáng khắp nơi mà không bị bất cứ thứ gì có thể ngăn che được.

 

-Nếu người cần biết, nên phân biệt,

Khói mù man mác phủ non chiều.

Sư Phụ giải thích, vọng tưởng giống như khói mù phủ trên đầu núi, nên dừng lại sự phân biệt của vọng tưởng để cho ngọn núi Phật tánh được hiển lộ.

 

Sáu căn tiếp xúc sáu trần sanh ra vọng thức như khói mù, tâm thể vắng lặng.

 

Sư phụ kể lại câu chuyện ngộ đạo nhanh chóng của ông già Bahiya được ghi lại trong kinh Phật Tự Thuyết.


Chuyện kể rằng: ông già Bahiya vốn là một nhà buôn, ông từng
7 lần vượt sông Indus băng qua biển để đi buôn. Trong 7 lần đều thành công cả 7. Đến lần thứ 8, trong khi đi đến thương cảng ở Suvaṇṇabhūmi, tàu ông bị đắm chìm giữa biển. Hàng hóa và của cải của ông đều bị chìm mất hết. Tất cả mọi người đều tử nạn, ông may mắn sống sót nhờ bám vào một khúc gỗ và bơi vào 1 hòn đảo Suppāraka. Khi lên bờ, ông không còn quần áo để che thân. Ông nhặt võ cây để kết thành áo quần để che thân. Sau đó ông vào làng để khất thực. Dân trên đảo biết được hoàn cảnh của ông là người vừa thoát chết sau chuyến tàu buôn bị nạn, dân chúng thương cảm và biếu tặng cho nhiều quần áo và thực phẩm nhưng ông từ chối, ông chỉ nhận đủ số cần dùng. Nhờ vậy mà dân chúng càng cung kính ông và nghĩ rằng ông là một vị A La Hán xuất hiện trên đảo để giáo hóa cho họ và tự bản thân ông cũng cho rằng ông là một vị A La Hán hay là người đang đi trên đường A La Hán.

Lúc bấy giờ có một Phạm thiên vương xuất hiện, vị này từng là bạn tu của ông từ thời Phật Ca Diếp, đến để mách bảo cho Bāhiya biết rằng ông chưa đắc quả A La Hán, cũng không phải là người đang đi trên đường đến A La Hán. Nếu muốn đắc quả A La Hán phải tìm đến Kỳ Viên Tinh Xá ở Xá Vệ (Sāvatthi) để thọ giáo với Đức Phật Thích Ca, nơi ấy Phật sẽ thuyết pháp cho ông biết làm thế nào chứng quả A La Hán.  Nghe vậy, ông già Bāhiya liền quyết tâm đi đến thành Xá Vệ , cách hòn đảo đến 120 do tuần, tức khoảng 500 cây số nhưng với lòng chí thành sau nhiều tháng trời ông đã đến được Kỳ Viên Tịnh xá vào một buổi sáng.  Nhưng lúc ấy Đức Thế Tôn đang trên đường khất thực, ông liền đến trước Đức Thế Tôn đảnh lễ và cầu xin:

 

- Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài từ bi thuyết pháp cho con.  Đấng Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

 

Đức Phật chậm rãi đáp:” Không phải thời, này Bāhiya, ta đang đi khất thực”.

 

 Ông già Bāhiya tiếp tục cầu xin: “ Thật khó biết, bạch Đức Thế Tôn, là chướng ngại cho mạng sống của Thế Tôn hay chướng ngại cho mạng sống của con. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con. Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.

 

 Lần thứ hai Đức Phật cũng từ chối, Đức Phật cho biết là không phải thời để giảng pháp. Không chán nản, ông già Bāhiya tiếp tục thỉnh cầu lần thứ ba: “ Thật khó biết, bạch Thế Tôn, là chướng ngại cho mạng sống của Thế Tôn hay chướng ngại cho mạng sống của con. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con. Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.

 

 Nhìn thái độ thành khẩn và lòng nhiệt tâm cầu pháp của Bāhiya, thấy đã đến lúc cần nói bài pháp thích hợp với tâm trạng đang mong đợi chờ nghe của ông Bāhiya, Đức Phật liền chậm rãi nói những lời ngắn gọn. Ông già Bāhiya chấp tay, quì chú tâm lắng nghe lời Phật. Phật nói:

 

- Này Bāhiya, trong cái thấy, chỉ là cái thấy; trong cái nghe chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri chỉ là cái thức tri. Này Bāhiya, ông cần phải tu tập. Vì rằng, nếu với ông, trong cái thấy, chỉ là cái thấy; trong cái nghe chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, chỉ là cái thức tri. Do vậy, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau”.

 

Nhờ lời thuyết pháp này của Đức Thế Tôn,  ông già Bàhiya liền chứng quả A La Hán. Ông đảnh lễ tạ ơn Đức Thế Tôn và ra về để chuẩn bị mọi thứ để lên Kỳ Viên Tinh Xá tu học nhưng khi ông bước ra thì bị một con bò con húc chết, dù bị chết thảm do dư báo từ kiếp trước còn sót lại nhưng Ngài Bahiya đã nhập Niết bàn vô dư y, không còn trở lại cõi ta bà luân hồi sanh tử này nữa.

 

 Sư lại dạy:

 

- Tâm ý Như Lai đều không thể được, chỉ nên gọi là Vô lượng trí. Cho nên biết, tâm Như Lai như hư không, là chỗ nương của tất cả, trí tuệ của Như Lai cũng như thế. Nói xong Sư tịch, môn đồ trà-tì thu xá-lợi xây tháp thờ.

 

 

Sư Phụ giải thích:

 

-Tâm ý Như Lai là vô lượng trí, là thể tánh tịnh minh, chân tâm thường trú, như hư không, rất khó đạt được vì do vọng tưởng đấy khởi làm mất thể tánh vắng lặng thường hằng của Phật tâm.

 

- Tu là cần phải tinh tấn, cần mẩn trong tất cả mọi thời, từng giây từng phút, quán chiếu miên mật thì tuệ giác mới xuất hiện đưa đến giải thoát và giác ngộ.

 

- Người còn sơ cơ cần khởi đầu bằng tụng kinh, ngồi thiền, lạy sám hối giúp không đấy khởi vọng niệm, tiêu trừ nghiệp cũ, không tạo nghiệp mới thì mới không còn sanh tử luân hồi.

 

 Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Bảo Giám do Thầy Chúc Hiền sáng tán cúng dường Ngài:


Thi, Thơ, Lễ, Dịch thảy đều thông
Giản dị điềm nhiên tâm sáng trong
Bảo Phước già lam nương thọ học
Đa Vân tổ ấn kế thừa đương
Tạng kinh tự chép trồng hương tuệ
Giáo pháp thân hành thắp ánh đăng
Áo mặc thô sơ, tơ chẳng dính
Siêng năng cần mẫn đạo soi lòng

 

 

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về Thiền Sư Bảo Giám, tên của Sư nói lên ý nghĩa như là gương sáng để chúng đệ tử noi theo. Sư có Phước duyên lớn, nhờ chữ viết đẹp được sư phụ Đa Vân giao cho viết lại Bộ Đại Tạng Kinh. Lời Sư phụ dạy rất thiết thực, người tu cần phải có trí tuệ trong sáng, tâm thể vắng lặng, không để dấy khởi một vọng niệm nào, thì mới đạt được vô lượng trí, là thể tánh tịnh minh, chân tâm thường trú.

 

  

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

Cung kính và tri ơn Sư Phụ,

Đệ tử Quảng Tịnh Tâm

(Montréal, Canada).

 




286_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Bao Giam



Thiền Sư Bảo Giám (?-1173) 

Đời thứ 09, Thiền Phái Vô Ngôn Thông

(Triều Đại Vua Lý Anh Tông (1138-1175)

Kính dâng Thầy bài thơ trình pháp về Thiền sư Bảo Giám . Kính bạch Thầy thật là điều vi diệu và hân hoan khi được trao truyền chánh pháp từ Thầy vì đã nuôi dưỡng được những điều mình chưa biết rõ hoặc chỉ lơ mơ thoáng qua một vài giờ nay đã được Thầy ôn nhắc lại nhiều lần qua các bài pháp thoại về Tổ Sư Thiền như phẩm kinh Bahiya trong Tiểu bộ kinh để tìm thấy được tấm gương báu trân quý của chính mình ( thể tánh tịnh minh) . Kính đảnh lễ Thầy và kính tri ân bài pháp thoại được nghe quá tuyệt vời, HH


Người được Phước duyên học về Tổ Sư Thiền hẵng đã chiêm nghiệm được mỗi một bài kệ thị tịch là một chất liệu nuôi dưỡng tâm linh vì đó là kết tụ những tinh hoa, đỉnh cao giác ngộ trí tuệ ngay trong giờ phút hiện tại của các bậc chân sư, danh tăng .

Và bài kệ của Thiền Sư Bảo Giám không ngoài điều lệ ấy đã giúp những hành giả tìm về nội tâm để tìm thấy viên ngọc Ma Ni ( bảo châu như ý - Thể tánh Tịnh minh của chính mình ) nhờ có được  gương lòng trân bảo soi sáng như đạo hiệu của Ngài . 

Bài kệ thứ nhất 

感懷其一
得成正覺罕憑修,
祗為牢籠智慧懮。
認得摩尼玄妙理,
正如天上顯金烏。
Đắc thành chánh giác hãn bằng tu,
Chỉ vị lao lung, trí tuệ ưu.
Nhận đắc ma ni huyền diệu lý,
Chỉ như thiên thượng hiển kim ô.

Dịch nghĩa từ HT Thích Thanh Từ 

          Được thành chánh giác ít nhờ tu,

          Ấy  chỉ nhọc nhằn, trí tuệ ưu.

          Nhận được ma-ni lý huyền diệu,

          Ví thể trên không hiện vầng hồng.

Bài kệ thứ hai 

感懷其二
智者猶如月在天,
光含塵剎照無邊。
若人要識須分別,
嶺上扶疏鎖暮煙。


Trí giả do như nguyệt tại thiên,
Quang hàm trần sát chiếu vô biên.
Nhược nhân yếu thức tu phân biệt,
Lĩnh thượng phù sơ toả mộ yên.

Dịch nghĩa / HT Thích Thanh Từ 

          Người trí khác nào trăng rọi không,

          Chiếu soi khắp cõi sáng khôn ngần.

          Nếu người cần biết, nên phân biệt,

          Khói mù man mác phủ non chiều.

Kính tri ân lời bình giảng của TT Thích Nguyên Tạng qua bài pháp thoại này  đã giúp người nghe online thính pháp sẽ có được tri tuệ xuất hiện  khi KIẾN, VĂN,GIÁC, TRI không còn dấy khởi vọng tưởng ....như người đang bước đi trong chập chùng bóng tối bổng lập loè ánh sáng phía  trước 

Trân trọng 



Đạo hiệu thiền sư ...kỳ diêu trùng hợp MINH TÂM BẢO GIÁM (1) 

Tác phẩm tinh hoa giá trị còn mãi ngàn năm

Phải chăng từ thuở nhỏ ...túc duyên có trực tâm (2)

Quán chiếu đời vô thường ... quan trường rời bỏ (3) 



Qua hành trạng Trò, minh sư Đa Văn chút hiện rõ (4) 

Xuất gia, trụ trì chùa Bảo Phước chép Đại Tạng Kinh (5) 

Thông hiểu Thi, Thơ, Lễ, Dịch, chữ viết đẹp xinh 

Tuyệt vời nhất  tu trì chưa bao giờ trễ nải 



Áo gai thô sơ đạm bạc dõng mãnh vào Pháp hải (6) 

Thường giáo truyền môn đồ ...chí đạo bất tư nghì

Chỉ cần nghiệm ra ... huyền vi nhiệm mầu Ngọc Ma Ni 

Muốn  đến Phật Chánh Giác phải xuất hiện trí tuệ 

Do bước đầu vào Tông thừa Phật luôn  siêng năng tinh nhuệ! 



Kính đa tạ Giảng Sư nhiều điển tích đạo lý thâm sâu 

Mã Tổ Đạo Nhất và Ngài Nam Nhạc .. đánh xe hay Trâu ? (7) 

Đã bình giảng kệ thị tịch qua cái nhìn không phân biệt (8) 

" Trong cái thấy chỉ là cái thấy" ...ưu việt 



Lời Đức Thế Tôn trong phẩm kinh Bahiya (9) 

Kiến văn giác tri ...

.....khởi vọng tưởng sau sát na thứ hai ...tâm ma

Còn nương tựa còn dao động ... 

....trầm luân biển khổ sinh tử ! 

Hãy thu ngắn hành trình dài cuộc lữ ! 

Đừng để ngọn núi xanh bao phủ bởi mù sa

Tấm gương báu soi lòng  ...rốt ráo nhận ra 

Thể tánh tịnh minh ...đạt được rất là khó ! 

Nam Mô Bảo Giám Thiền Sư tác  đại chứng minh . 



Huệ Hương 

Melbourne 16/9/2021 


Chú thích :

(1)

Sách "Minh Tâm Bảo Giám"《明心寶鑑》 là quyển sách rất có giá trị suốt ngàn năm ở Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Là tinh hoa đạo đức của Tam giáo, ứng dụng để "làm người" rất tốt. Người xưa hết sức trân quí bộ sách nầy.

Tên gọi Minh Tâm Bảo Giám 明心寶鑑 có nghĩa là "gương báu" (soi) sáng lòng" - gương báu chỉ những lời răn dạy của thánh hiền (những nhân vật trong xã hội và lịch sử có trí tuệ, nhân cách vượt trội mọi người) Lời răn dạy của các nhân vật ấy vốn chịu nhiều ảnh hưởng của ba luồng tư tưởng chính thống trong xã hội Á Đông: Nho, Phật, Lão.Những tư tưởng ấy tồn tại hăm lăm thế kỷ nay và đã góp phần tích cực cho đạo lý làm người

Sách Minh Tâm Bảo Giám xuất hiện ở Triều Tiên (Hàn Quốc) vào cuối thế kỷ XIII do một văn thần triều vua Trung Liệt vương biên soạn. Văn thần ấy là Thu Quát (秋适 1245 - 1317) người Triều Tiên gốc Trung Quốc.

(2)

Sư họ Kiều tên Phù, quê ở làng Trung Thụy. Tánh tình trung thực, giản dị và điềm đạm. Thuở nhỏ học Nho, thông hiểu Thi, Thơ, Lễ, Dịch, chữ viết rất đẹp

(3)

làm quan đến chức Cung Hậu Xá Nhân đời Lý Anh Tông. Năm 30 tuổi, Sư bỏ quan đến chùa Bảo Phước quận Mỹ Lương thọ giáo xuất gia với Thiền sư Đa Vân

(4)

Trong VN Phật giáo Sử Luận, 17 thế hệ của thiền phái Vô Ngôn Thông. :

.....thế hệ thứ 8 : Viên Chiếu ( mất 1090) Cửu Chỉ ( mất 1067) Bảo Tịnh ( mất 1034), Quảng Trí ( mất 1090) , Lý Thái Tông( mất 1028) và một người khuyết lục

-Thế hệ thứ 9 : Thông Biện ( mất 1134), Mãn Giác ( mất 1096), Ngộ Ấn ( mất 1088) và ba người khuyết lục ( có thể Thiền sư Đa vân thầy của Bảo Giám trong số này chăng ?

-Thế hệ thứ 10: Đạo Huệ ( mất 1172) Biện Tài ( mất ?) Bảo Giám ( mất 1173) , Không Lộ( mất 1141) Bản Tịnh ( mất 1177) và ba người khuyết lục

(5)

Đại Tạng Kinh hay Tam Tạng Kinh Điển hay Tam Tạng Thánh Giáo là tên gọi chỉ cho toàn bộ kinh điển Phật giáo đã được hệ thống hóa trong cùng một ngôn ngữ, bao gồm 3 tạng: Kinh, Luật, Luận. Từ hai ngôn ngữ gốc được dùng để ghi chép kinh điển là Sanskrit và Pali, kinh điển Phật giáo hiện nay đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới nên cũng đã có nhiều Đại Tạng Kinh với ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, do các yếu tố hoàn chỉnh, hệ thống và ảnh hưởng lịch sử mà các Đại Tạng Kinh Pali, Trung Hoa và Tây Tạng có giá trị vượt trội hơn. Cần để ý rằng trong cùng một loại Đại Tạng Kinh có những khác biệt trong mỗi ấn bản, chẳng hạn có những khác biệt trong Đại Tạng Kinh Pali ấn bản của Thái Lan so với Đại Tạng Kinh Pali ấn bản của Tích Lan. Cũng vậy, tuy được xem là Đại Tạng Kinh Trung Hoa, nhưng có những khác biệt về nội dung giữa các ấn bản của Nhựt, của Đại Hàn, của Trung Hoa vì khi tập thành đã dựa trên những ấn bản khác nhau trước đó của Đại Tạng Kinh Trung Hoa.

Nam Truyền Đại Tạng Kinh: hay cũng được gọi là Thánh điển Pali, là Đại Tạng Kinh của các quốc gia Phật giáo thuộc Phật giáo Nam truyền như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia... Đây là Đại Tạng Kinh được hệ thống và hoàn chỉnh sớm nhất, không trải qua những chặng đường phiên dịch nhiêu khê nên được các nhà nghiên cứu Tây phương tin tưởng cho rằng gần gủi với những gì Đức Phật giảng dạy nhất.

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh: Đây là Đại Tạng Kinh Trung Hoa được các học giả danh tiếng của Nhật tập thành dưới triều Đại Chánh của Nhật (1912-1925) và được xuất bản trong thời gian 10 năm bắt đầu từ năm 1924 và hoàn tất năm 1934. Đây là Đại Tạng được giới học giả nghiên cứu đánh giá là hoàn bị nhất, có thẩm quyền nhất và uy tín nhất được xử dụng khắp nơi trên thế giới kể cả trong các Đại Học Âu Mỹ để nghiên cứu Phật giáo. Đại Tạng này gồm 100 tập dày và lớn theo khổ tự điển, bao gồm gần 12 ngàn quyển, chứa đựng 3360 kinh văn, luật văn và luận văn. Phần chính của Đại Tạng là 55 tập bao gồm kinh, luật, luận, các tông phái của Trung Hoa và Nhật Bản và những đề mục liên quan đến lịch sử, tiểu sử, mục lục. Ngoài 55 tập chính còn có 30 tập với 736 tácphẩm của người Nhật và 15 tập Đồ tượng.

Đại tạng kinh Việt Nam đang tiếp tục hoàn chỉnh với sự biên dịch của HT Thích Như Điển và hiện nay các chùa đang dùng bộ Linh Sơn Đại Tạng Kinh do HT Tịnh Hạnh khởi xướng tại Đài Loan gồm 203 tập

(6)

Sư kế tiếp trụ trì chùa này. Đời sống của Sư rất là đạm bạc, suốt năm chỉ mặc áo gai thô sơ, trong mình không dính một sợi tơ. Công việc tu trì thì không bao giờ trễ nải.

Sư thường bảo môn đồ:

- Muốn tiến đến tông thừa của Phật là phải siêng năng, song thành Phật chánh giác phải nhờ trí tuệ. Ví như nhắm bắn cái đích ngoài trăm bước, mũi tên đến được là nhờ sức mạnh, song trúng được đích không phải do sức.

(7)

Sau khi tới chùa Bát Nhã ở Nam Nhạc, sư Hoài Nhượng tập hợp tiền của cho xây sửa lại tự viện, sau đó đổi tên chùa từ Bát Nhã thành chùa Quan Âm, chuyên việc truyền bá Thiền tông. Hoài Nhượng thu nạp đệ tử từ khắp nơi, nỗ lực hết sức mình để truyền bá tư tưởng Thiền tông đốn ngộ của Lục Tổ Huệ Năng.

Khi đó, tại núi Nam Nhạc, có một hòa thượng họ Mã tên Đạo tự mình lập am tu hành theo yếu pháp “tiệm ngộ” của Bắc Tông do Thần Tú đứng đầu. Hàng ngày, Mã Đạo Nhất thường ngồi thiền định trên các mỏm đá trên ngọn Nam Nhạc, rất ít qua lại với những người xung quanh. Một ngày nọ, Hoài Nhạc thấy Mã Đạo Nhất ngồi thiền, mới hỏi: “Đại đức ngồi thiền làm gì?”. Mã Đạo Nhất trả lời: “Để làm Phật”.

Hôm sau, Hoài Nhượng chuẩn bị sẵn một viên gạch, đến trước am của Mã Đạo Nhất ngồi mài liên tục. Mã Đạo Nhất thấy vậy, bèn bước ra hỏi: “Thầy mài gạch làm gì?”. Hoài Nhượng đáp: “Mài để làm gương”. Mã Đạo Nhất nói: “Mài gạch đâu thể làm gương được?”. Hoài Nhượng lại nói: “Ngồi thiền cũng đâu thể trở thành Phật được”. Mã Đạo Nhất biết là mình đã gặp bậc thầy, mới hỏi: “Vậy phải làm thế nào mới phải?”. Hoài Nhượng hỏi vặn lại: “Nếu như trâu kéo xe, xe không đi thì phải đánh trâu hay đánh xe?”.

(8)

hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ mười một (1173), sắp viên tịch, Sư nói kệ:

Được thành chánh giác ít nhờ tu,

Ấy chỉ nhọc nhằn, trí tuệ ưu.

Nhận được ma-ni lý huyền diệu,

Ví thể trên không hiện vầng hồng.

Người trí khác nào trăng rọi không,

Chiếu soi khắp cõi sáng khôn ngần.

Nếu người cần biết, nên phân biệt,

Khói mù man mác phủ non chiều.

(Đắc thành chánh giác hãn bằng tu,

Chỉ vị lao lung, trí tuệ ưu.

Nhận đắc ma-ni huyền diệu lý,

Chỉ như thiên thượng hiển kim ô.

Trí giả du như nguyệt chiếu thiên,

Quang hàm trần sát chiếu vô biên.

Nhược nhơn yếu thức tu phân biệt,

Lãnh thượng phù sơ tỏa mộ yên.)

Sư lại dạy:

- Tâm ý Như Lai đều không thể được, chỉ nên gọi là Vô lượng trí. Cho nên biết, tâm Như Lai như hư không, là chỗ nương của tất cả, trí tuệ của Như Lai cũng như thế.

Nói xong Sư tịch, môn đồ trà tỳ thu xá-lợi xây tháp thờ.

(9)

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Nhờ lời thuyết pháp tóm tắt này của Thế Tôn, tâm của Bàhiya Dàruciriya được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

Trích đoạn trong *Nguyên văn bản kinh do HT. Thích Minh Châu dịch từ kinh Pali: Kinh Bahiya" Đây là bài kinh năm phút nhiệm mầu do vì Đức Phật đang trên đường khất thực mà Bahiya đã cầu khẩn thư thỉnh đến 3 lần

- Vậy này Bàhiya, Ông cần phải học tập như sau: "Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri ".

Như vậy, này Bàhiya, Ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bàhiya, nếu với Ông, trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiva, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.

Bài tập đơn giản này có thể giúp ta có mặt với những gì đang xảy ra, cho dù đó là một khó khăn, một cái đau hay một căng thẳng nào đó. Nó giúp ta buông bỏ hết những ý nghĩ phiền não của mình về quá khứ và tương lai, và tiếp xúc được với những gì đang thật sự có mặt mà không bị dính mắc. Tôi nhớ trong kinh Phật có dạy rằng, cuộc sống này "có khổ đau, nhưng không có người khổ đau.” Vì sự tiếp xúc tuy có mặt nhưng không có người ở đây để bị dính mắc, tất cả chỉ là cái thấy, cái nghe và cái thọ tưởng mà thôi. Và nhờ vậy mà những khó khăn trong ta cũng được chuyển hóa nhiệm mầu…“Này Bàhiya, vì ông không ở đây, do đó ông không ở đời này, cũng chẳng ở đời sau, không ở cả chặng giữa. Như vậy mới chấm dứt khổ đau.”

Trong một cuộc sống căng thẳng với những biến đổi bất ngờ, năm phút dừng lại ấy sẽ là một dòng suối trong mát giúp ta làm tươi mới lại hạnh phúc mình, là những tia nắng ấm làm tan đi một góc nhỏ mù sương. Và từ một góc nhỏ bình yên ấy, ta sẽ nhìn thấy được lại một bầu trời phía bên sau vẫn muôn đời trong sáng...



youtube

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]