Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Phẩm “Thí Dụ” (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu, Diễn đọc: Phật tử Hoàng Lan Quảng Thiện Duyên, Lồng nhạc: Jordan Lê Quảng Thiện Hùng)

17/05/202015:17(Xem: 9527)
11. Phẩm “Thí Dụ” (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu, Diễn đọc: Phật tử Hoàng Lan Quảng Thiện Duyên, Lồng nhạc: Jordan Lê Quảng Thiện Hùng)

 

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thin Bu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

Buddha-321

 

PHẨM “THÍ DỤ”

Quyển 42 cho đến đầu quyển 45, Hội thứ I, ĐBN.

(Tương đương với phẩm “Ảo Học” quyển thứ 04, MHBNBLM)

Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu 
Diễn đọc: Phật tử Hoàng Lan Quảng Thiện Duyên 
Lồng nhạc: Jordan Lê Quảng Thiện Hùng






 

 

Gợi ý:

Các phẩm trước Phật thuyết các pháp là giả, duyên hợp giả có. Kế Phật thuyết các pháp không, không có tự tánh, lấy vô tánh làm tự tánh, nên gọi là không. Bây giờ, Phật thuyết các pháp như huyễn. Như huyễn cũng là không! Tất cả pháp đều không, phải tâm niệm như vậy!

 

Tóm lược:

 

(Thế nào là như huyễn như hóa?)

 

Sắc với huyễn không khác, thọ, tưởng, hành, thức với huyễn không khác. Nhãn đến ý, sắc đến pháp, nhãn giới đến ý thức giới cùng với huyễn cũng không khác. Sáu Ba la mật, tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng cùng với huyễn không khác. Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề với huyễn cũng không khác.

Vì sao? Vì sắc chẳng khác huyễn, huyễn chẳng khác sắc, sắc tức là huyễn, huyễn tức là sắc. Nhẫn đến vì Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề chẳng khác huyễn, huyễn chẳng khác Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề tức là huyễn, huyễn tức là Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.

Nếu pháp không có tưởng, không có các tưởng, không giả lập, không ngôn thuyết, không có danh không có giả danh, không có thân không có nghiệp của thân, không có khẩu không có nghiệp của khẩu, không có ý không có nghiệp của ý, không nhiễm không tịnh, không sanh không diệt, thời pháp này năng học Bát nhã Ba la mật, cho đến Nhất thiết tướng trí, thành xong Nhất thiết trí trí chăng? Nhưng nếu đại Bồ Tát năng lấy vô sở đắc làm phương tiện để học Bát nhã Ba la mật, cho đến Nhất thiết tướng trí, thì nên biết đại Bồ Tát ấy, có thể thành tựu Nhất thiết trí trí. (Q.42, ĐBN)

Nếu đại Bồ Tát muốn chứng quả vị Giác ngộ tối cao, thì khi tu học Bát nhã Ba la mật nên như ảo nhân tu học Bát Nhã, đối với tất cả mọi sự, mọi việc, không phân biệt. Vì sao? Vì nên biết ảo nhân tức là năm uẩn, năm uẩn tức là ảo nhân.

 

(Tất cả pháp đều vô sở hữu, bất khả đắc)

 

Năm uẩn ấy học Bát Nhã cũng chẳng được Nhất thiết chủng trí. Vì năm uẩn nầy tánh vô sở hữu. Tánh vô sở hữu cũng là bất khả đắc.

Năm uẩn như mộng, như ảnh, như hưởng, như dương diệm, như biến hoá, học Bát nhã Ba la mật cũng không được Nhất thiết chủng trí. Vì tánh mộng cho đến tánh biến hóa vô sở hữu. Tánh vô sở hữu cũng là bất khả đắc.

Lục tình cũng như vậy. Năm uẩn tức là lục tình, lục tình tức là năm uẩn.

Vì những pháp ấy tức là nội không, nhẫn đến vô pháp hữu pháp không nên bất khả đắc.

Bồ Tát mới phát tâm đối với Bát Nhã, không phương tiện lại không gặp được bậc thiện tri thức hướng dẫn chắc có lo sợ, e ngại.

Nếu đại Bồ Tát, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, nên dùng cái tâm của Nhất thiết trí trí mà quán cái tướng thường, vô thường của năm uẩn là chẳng thể nắm bắt được; nên lấy cái tâm của Nhất thiết trí trí mà quán cái tướng lạc, khổ, tướng ngã vô ngã, tướng tịnh bất tịnh, tướng không bất không, tướng vô tướng hữu tướng, tướng vô nguyện hữu nguyện, tướng tịch tịnh bất tịch tịnh, tướng viễn ly, bất viễn ly của năm uẩn chẳng thể nắm bắt được. Đại Bồ Tát như vậy, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, vì có phương tiện thiện xảo, nên khi nghe nói Bát Nhã thậm thâm như vậy, tâm của những vị ấy, chẳng lo sợ, e ngại.

Nếu đại Bồ Tát, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, nên dùng cái tâm của Nhất thiết trí trí mà quán cái tướng thường vô thường, tướng lạc khổ, tướng ngã vô ngã, tướng tịnh bất tịnh v.v… của mười hai xứ, mười tám gii cho đến tất cả pháp Phật, chẳng thể nắm bắt được. Đại Bồ Tát như vậy, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, vì có phương tiện thiện xảo, nên khi nghe nói Bát nhã Ba la mật thậm thâm như vậy, tâm của những vị ấy chẳng lo sợ, e ngại.

Nếu đại Bồ Tát khi khởi lên sự quán chiếu đó, lại khởi lên ý nghĩ thế này: Ta nên lấy vô sở đắc làm phương tiện, vì các hữu tình mà thuyết cái tướng thường, vô thường của tất cả pháp là bất khả đắc, cái tướng lạc khổ là bất khả đắc, cái tướng ngã vô ngã là bất khả đắc, cái tướng tịnh bất tịnh là bất khả đắc, cái tướng không bất không là bất khả đắc, cái tướng vô tướng, hữu tướng là bất khả đắc, cái tướng vô nguyện hữu nguyện là bất khả đắc, cái tướng tịch tịnh bất tịch tịnh là bất khả đắc, cái tướng viễn ly bất viễn ly là bất khả đắc, thì đó là đại Bồ Tát, khi tu hành Bát Nhã, không đắm trước bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tịnh lự Ba la mật. Đại Bồ Tát, do phương tiện thiện xảo bố thí, tịnh giới Ba la mật v.v…này, nên khi nghe nói Bát Nhã thậm thâm như vậy, tâm của những vị ấy chẳng lo sợ, e ngại.

Chẳng phải không sắc nên sắc mới không, vì sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ tưởng hành thức cũng lại như vậy. Chẳng phải không mười hai xứ, nên mười hai xứ mới không, vì mười hai xứ tức là không, không tức là mười hai xứ. Cũng vậy, chẳng phải không mười tám gii, nên mười tám gii mới không, vì mười tám gii tức là không, không tức là mười tám gii. Tứ thiền bát định, tứ thánh đế, thập nhị nhân duyên, ba mươi bảy pháp trợ đạo, Nhất thiết trí… cho đến Quả vị Giác ngộ tối cao cũng lại như thế.

Đó là đại Bồ Tát, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, không chấp trước Bát Nhã. Như vậy là đại Bồ Tát, do Bát Nhã có phương tiện thiện xảo này, nên nghe nói Bát Nhã thậm thâm như vậy, tâm của những vị ấy chẳng lo sợ, e ngại.

Nhưng muốn viên mãn Bát nhã Ba la mật, ngoài các phương tiện thiện xảo trên, đại Bồ Tát cần phải có sự hỗ trợ của thiện tri thức. Chỉ những người nào hành mà không thấy mình hành, tu mà không nói mình tu, chứng không nói mình chứng, người đó chính là thiện tri thức, vì những người đó lấy vô sở đắc làm phương tiện. Với phương tiện như vậy, người ấy tuyên thuyết cái tướng thường vô thường của năm uẩn bất khả đắc, cái tướng lạc khổ là bất khả đắc, cái tướng ngã vô ngã là bất khả đắc, cái tướng tịnh bất tịnh là bất khả đắc, cái tướng không bất không là bất khả đắc, cái tướng vô tướng hữu tướng là bất khả đắc, cái tướng vô nguyện hữu nguyện là bất khả đắc, cái tướng tịch tịnh bất tịch tịnh là bất khả đắc, cái tướng viễn ly bất viễn ly của tất cả pháp là bất khả đắc, và khuyên theo pháp này mà siêng tu thiện căn, chẳng khiến hướng đến Thanh văn, Độc giác, mà chỉ muốn chứng đắc Nhất thiết trí trí. Đó chính là thiện hữu của đại Bồ Tát. Nếu đại Bồ Tát, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, được sự hỗ trợ của thiện hữu này, thì khi nghe nói Bát Nhã thậm thâm như vậy, tâm của những vị ấy chẳng lo sợ, e ngại.

Trái lại, nếu đại Bồ Tát, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, lìa tâm tương ưng Nhất thiết trí trí mà tu hành Bát Nhã thì đối với sự tu hành Bát Nhã đó có cái chứng đắc, có cái nương tựa, vì lấy hữu sở đắc làm phương tiện; lìa tâm tương ưng Nhất thiết trí trí mà tu hành tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật, thì đối với sự tu hành tịnh lự cho đến bố thí đó, có chứng đắc, có nương tựa, có nắm, có bắt tức là lấy sở đắc làm phương tiện. Đại Bồ Tát như vậy, khi tu hành Bát Nhã, không có phương tiện thiện xảo, nên nghe nói Bát nhã Ba la mật thậm thâm như vậy, thì tâm của những vị ấy có lo sợ, e ngại. (Q.44, ĐBN)

Thiện hữu là người giúp ta hoàn thành đạo nghiệp, thì trái lại, ác hữu là người phá hoại Bồ đề tâm đưa ta đến chỗ đọa đầy khổ não! Ác hữu làm ta nhàm chán, xa lìa pháp tương ưng Bát nhã Ba la mật, hoặc bảo nhàm chán xa lìa pháp tương ưng lục Ba la mật. Ác hữu nói rằng: Này thiện nam tử! Các ngươi đối với sáu pháp tương ưng đáo bỉ ngạn này, chẳng nên tu học. Vì sao? Vì pháp này nhất định chẳng phải Như Lai nói, mà do kẻ văn tụng lừa dối chế tạo ra. Vì vậy, các ngươi chẳng nên nghe theo, chẳng nên tu tập, chẳng nên thọ trì, chẳng nên đọc tụng, chẳng nên tư duy, chẳng nên suy cứu, chẳng nên vì người khác mà tuyên thuyết khai thị.

Nếu đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật, bị sự dẫn dắt của ác hữu này, khi nghe nói Bát Nhã thậm thâm như vậy, tâm của những vị ấy có lo sợ, e ngại.

Kẻ ác hữu của các đại Bồ Tát, chẳng vì Bồ Tát mà nói ma sự ma tội, lại chẳng nói việc ác ma có thể hiện làm hình Phật đến dạy đại Bồ Tát nhàm chán xa lìa sáu phép Ba la mật, nói: Thiện nam tử! Nay ngươi cần chi tu Ba la mật này! Nay ngươi cần gì tu tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí! Nếu đại Bồ Tát, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, bị sự dẫn dắt của ác hữu này, khi nghe nói Bát Nhã thậm thâm như vậy, tâm của những vị ấy có lo sợ, e ngại.

Kẻ ác hữu của các đại Bồ Tát, chẳng vì Bồ Tát mà nói ma sự ma tội, lại chẳng nói việc ác ma có thể hiện làm hình Phật đến nói pháp tương ưng Thanh văn, Độc giác cho đại Bồ Tát, đó là khế kinh cho đến luận nghị, phân biệt, khai thị, khuyên phải tu học. Nếu đại Bồ Tát, khi tu hành Bát Nhã, bị sự dẫn dắt của ác hữu này, thì khi nghe nói Bát Nhã thậm thâm như vậy, thì tâm của vị ấy có lo sợ, e ngại.

Kẻ ác hữu của các đại Bồ Tát nói: Thiện nam tử! Ngươi không có chủng tánh Bồ Tát, không có tâm Bồ đề chơn thật, chẳng có khả năng chứng đắc bậc Bất thối chuyển, cũng chẳng có khả năng chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao. Nếu đại Bồ Tát, khi tu hành Bát Nhã, bị sự dẫn dắt của ác hữu này, thì khi nghe nói Bát Nhã thậm thâm như vậy, tâm của vị ấy có lo sợ, e ngại.

 

(Bát Nhã với Tánh Không)

 

Kẻ ác hữu của các đại Bồ Tát nói: Thiện nam tử! Sắc là không, không có ngã ngã sở; thọ, tưởng, hành, thức là không, không có ngã ngã sở; mười hai xứ là không, không có ngã ngã sở; mười tám gii là không, không có ngã ngã sở; tứ Thánh đế khổ là không, không có ngã, ngã sở; thập nhị nhân duyên là không, không có ngã ngã sở; tứ thiền bát định, ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí cho đến quả vị Giác ngộ tối cao là không, không có ngã ngã sở. Này thiện nam tử! Các pháp đều là không, không có ngã ngã sở thì ai có thể tu tập sáu phép đáo bỉ ngạn, lại ai có thể chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao? Dù cho chứng quả Giác ngộ đi nữa, thì dùng để làm gì? Nếu đại Bồ Tát, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, bị sự dẫn dắt của ác hữu này, thì khi nghe nói Bát Nhã thậm thâm như vậy, tâm của những vị ấy có lo sợ, e ngại.

Kẻ ác hữu của các đại Bồ Tát, nói: Thiện nam tử! Mười phương đều không; chư Phật, Bồ Tát và chúng Thanh văn đều không có. Nếu đại Bồ Tát, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, bị sự dẫn dắt của ác hữu này, khi nghe nói Bát Nhã thậm thâm như vậy, thì tâm của vị ấy có lo sợ, e ngại.

Kẻ ác hữu của các đại Bồ Tát, đi đến chỗ đại Bồ Tát, chê bai pháp tương ưng Nhất thiết trí trí, khiến khởi lên ý nghĩ rất nhàm chán, xa lìa, khen ngợi pháp tương ưng Thanh văn, Độc giác, khởi lên ý nghĩ rất ưa thích. Nếu đại Bồ Tát, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, bị sự dẫn dắt của ác hữu này, khi nghe nói Bát Nhã thậm thâm như vậy, tâm của những vị ấy có lo sợ, e ngại.

Kẻ ác hữu của các đại Bồ Tát, đi đến chỗ đại Bồ Tát dạy bảo, khiến cho nhàm chán, xa lìa thắng hạnh của Bồ Tát, đó là bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; bố thí Ba la mật cho đến Bát Nhã; và khiến nhàm chán, xa lìa Nhất thiết trí trí, đó là năm loại mắt, sáu phép thần thông, mười lực của Phật cho đến Nhất thiết tướng trí; chỉ dạy tu tập pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Người học pháp này thì mau chứng quả Thanh văn, hoặc quả Độc giác cứu cánh an lạc; cần gì phải siêng năng, cần khổ cầu đạt đến quả vị Giác ngộ tối cao? Nếu đại Bồ Tát, khi tu hành Bát Nhã, bị sự dẫn dắt của ác hữu này, thì khi nghe nói Bát Nhã thậm thâm như vậy, tâm của những vị ấy có lo sợ, e ngại.

Kẻ ác hữu của các đại Bồ Tát, có thể hiện làm hình cha mẹ, đi đến chỗ đại Bồ Tát, bảo rằng: “Này con! Con nên siêng năng cầu chứng quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, đủ để được vĩnh viễn xa lìa đại khổ sanh tử, mau chứng Niết bàn cứu cánh an lạc. Cần gì phải cầu đạt quả vị Giác ngộ xa xôi. Người cầu Giác ngộ, cần phải trải qua vô lượng, vô số đại kiếp luân hồi sanh tử, giáo hóa hữu tình, xả thân, xả mạng, cắt chặt cơ thể, chỉ tự chuốc lấy sự lao khổ. Con mang ơn của ai? Việc cầu Giác ngộ của con, hoặc là đạt được, hoặc không. Nếu đại Bồ Tát, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, bị sự dẫn dắt của ác hữu này, thì khi nghe nói Bát Nhã thậm thâm như vậy, tâm của những vị ấy có lo sợ, e ngại.

Kẻ ác hữu của các đại Bồ Tát, có thể hiện hình các Bí sô... đi đến chỗ đại Bồ Tát, lấy hữu sở đắc làm phương tiện, nói cái tướng thường vô thường của sắc, có thể nắm bắt được; nói cái tướng thường vô thường của thọ, tưởng, hành, thức, có thể nắm bắt được. Lấy hữu sở đắc làm phương tiện, nói cái tướng lạc khổ, tướng ngã vô ngã, tướng tịnh bất tịnh, tướng không bất không, tướng vô tướng hữu tướng, tướng vô nguyện hữu nguyện, tướng tịch tịnh bất tịch tịnh, tướng viễn ly bất viễn ly của năm uẩn, có thể nắm bắt được.

Lấy hữu sở đắc làm phương tiện, nói cái tướng thường vô thường, tướng lạc khổ, tướng ngã vô ngã, tướng tịnh bất tịnh, tướng không bất không, tướng vô tướng-hữu tướng, tướng vô nguyện-hữu nguyện, tướng tịch tịnh-bất tịch tịnh, tướng viễn ly-bất viễn ly của mười hai xứ, mười tám gii và tất cả pháp Phật có thể nắm bắt được. Đó là ác hữu của đại Bồ Tát. Nếu đại Bồ Tát, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, bị sự dẫn dắt của ác hữu này, thì khi nghe nói Bát Nhã thậm thâm như vậy, tâm của những vị ấy có lo sợ, e ngại.

Kẻ ác hữu của các đại Bồ Tát, lại có thể hiện hình làm đại Bồ Tát, đi đến chỗ đại Bồ Tát, khuyên quán cái không nội, có sở đắc; khuyên quán cái không ngoại, cái không nội ngoại, cái không không, cái không lớn cho đến cái không không tánh tự tánh, có sở đắc; khuyên tu bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, 37 pháp trợ đạo; khuyên tu pháp môn giải thoát môn có sở đắc; khuyên tu lục Ba la mật, có sở đắc; khuyên tu năm loại mắt, sáu phép thần thông, có sở đắc; khuyên tu mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí, có sở đắc. Đó là ác hữu của đại Bồ Tát, vì nếu chẳng nói những việc như vậy, thì đại Bồ Tát đã được Giác ngộ rồi. Nếu đại Bồ Tát, khi tu hành Bát Nhã, bị sự dẫn dắt của ác hữu này, thì khi nghe nói Bát Nhã thậm thâm như vậy, tâm của những vị ấy có lo sợ, e ngại.

Vì vậy, đại Bồ Tát, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, đối với các ác hữu phải mau xa lìa.

 

Lược giải:

 

1. Tất cả pháp như huyễn như hóa:

 

Kinh bảo: “Sắc chẳng khác huyễn, huyễn chẳng khác sắc, sắc tức là huyễn, huyễn tức là sắc… Nhẫn đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề chẳng khác huyễn, huyễn chẳng khác Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề tức là huyễn, huyễn tức là Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề”.

Đó là câu nói ghê gớm nhất trong Phật đạo mà những ai sơ cơ chưa hiểu thế nào là như huyễn như mộng… không khỏi run sợ đối với giáo pháp này.

 

1- Nhưng thế nào là như huyễn như hóa? Phẩm thứ 43, “Vô Tác”, tập 4, quyển 64, Đại Trí Độ Luận. Bồ Tát Long Thọ nói rằng:

 

“Ví như tiếng nói truyền trong hư không, chạm vào vách đá, dội trở lại, người nghe cảm tưởng như có hai âm, trong đó có một âm chánh và một âm vang; âm chánh là chân thật, âm vang là ngụy tạo, chẳng nên tin. Họ chẳng biết rằng cả hai âm đều là hư vọng, chẳng thật có.

Cũng như vậy, hết thảy các pháp, dù là phàm phu pháp, dù là Thánh pháp, đều là như mộng, như huyễn. Hàng tiểu Bồ Tát, do chưa được đầy đủ các lực phương tiện Bát nhã Ba la mật, nên chỉ biết phàm phu pháp là như mộng, như huyễn, nhưng vẫn còn chấp Thánh pháp là chân thật. Các bậc đại Bồ Tát biết rõ Bát nhã Ba la mật cũng như hết thảy các pháp đều là như mộng, như huyễn cả”.

Thí dụ này cho thấy rằng tiếng vọng từ hang núi là không thật. Điều đó ai cũng biết. Còn tiếng nói phát ra từ cửa miệng của một người bằng xương bằng thịt, ai cũng thấy cũng nghe mà bảo là như huyễn như mộng thì không ai có thể tin được. Nhưng đối bậc đã chứng pháp không thì cho đó là hư vọng, có đó mà biến đó, không thường hằng bất biến chẳng khác nào cảnh mộng, nên bảo là không.

Tạo sao gọi là cảnh mộng là không? Như người nằm mộng thấy người mình yêu quý sum hợp vui đùa. Nhưng khi tỉnh giấc mơ thì không thấy ai hết. Tất cả âm thanh đều như vậy dù là tiếng dội từ hang động hay tiếng nói phát ra từ “thật khẩu” của một người. Chúng ta biết rằng lục trần mà trong đó sắc thanh hương vị xúc pháp là những thứ như huyễn hóa mà Phật thường bảo: Đừng lấy sắc cầu ngã, lấy âm thanh cầu ngã, người ấy hành tà đạo, không thấy được Như Lai (Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã. Thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai).

Vì vậy, Luận nói “hết thảy các pháp, dù là phàm phu pháp, dù là Thánh pháp, đều là như mộng, như huyễn”. Như vậy, hàng tiểu Thánh chỉ thấy phàm phu pháp là như huyễn như mộng, nhưng lại chấp Thánh pháp là chân thật. Đại Thánh thấy tất cả các pháp là không, tận không, được rốt ráo không, nên hiểu tất cả pháp là không, như huyễn như mộng... dù là pháp thế tục hay thắng nghĩa, nên thoát khỏi hư vọng, tâm mới được như như bất động.

 

2- Quan điểm về như huyễn của Thiền sư D.T. Suzuki trong

“Thiền Luận”, quyển hạ.

 

Cái khó thấy, khó giác, khó tri nhận là cả vạn hữu sờ sờ trước mắt mà bảo là không thật, giống như huyễn như mộng, ai là người có thể tin nhận cái thấy như huyễn này? Đó là tích không quán tức các pháp tuy có đó nhưng thực chất là không. Hãy nghe bài luận giải quan trọng sau đây của Thiền sư D.T. Suzuki trong Luận 7 Bát Nhã và Như Huyễn trong “Thiền Luận”, quyển hạ, như sau:

- “Phật nói: “Ví như huyễn sư (māyākāra) ở giữa ngã tư đường dùng huyễn pháp của mình làm hiện ra một đám người đông đảo. Vừa hiện ra tức thì biến mất. Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Đám người huyễn đó có chỗ đến thực sự ư? Chúng có thực? Chúng thực có chỗ đi đến? Chúng biến mất thực ư?”

- Tu-bồ-đề nói: “Bạch đức Thế Tôn, không.”

- “Phật nói: “Bồ-tát cũng như vậy. Tuy độ vô lượng vô số chúng sinh đưa đến Niết-bàn, kỳ thực khôngchúng sinh được dẫn tới Niết-bàn. Những ai không chút kinh sợ khi nghe những pháp như thế, đó đích thực là những Bồ-tát mình mặc giáp trụ Đại thừa” (1).

- Tu-bồ-đề nói với Mãn Từ Tử (Pūrṇa-Maitrayāniputra): “Sắc của người huyễn không trói không mở. Thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy, không trói không mở. Chân như sắc của người huyễn cũng vậy và bốn uẩn kia cũng vậy, không trói không mở. Tại sao? Vì vô sở hữu (asadbhūtatvāt) nên không trói không mở; vì viễn ly (viviktatvāt) nên không trói không mở; vì bất sinh (anutpannatvāt) nên không trói không mở. Nếu Bồ-tát biết rõ như vậy là thực sự an trụ trong Đại thừa, mình vận giáp trụ Đại thừa” (2).

Bấy giờ các Thiên tử (Devaputra) hỏi Tu-bồ-đề: “Phải chăng tất cả chúng sinh cũng đều như huyễn?”

- Tu-bồ-đề nói: “Này các Thiên tử, hết thảy chúng sinh cũng đều như huyễn, và lại nữa, cũng đều như mộng (svapna). Tại sao? Bởi vì hết thảy chúng sinh cùng với huyễn, mộng không hai không khác. Vì vậy, hết thảy chúng sinh đều như huyễn, như mộng. Bốn quả Thanh văn (Śrāvaka) và Bích-chi-Phật (Pratyekabuddha) cũng đều như huyễn như mộng. Cả đến Vô thượng chính đẳng chính giác cũng như huyễn như mộng”.

- Các Thiên tử nói: “Nếu thế, cho đến Niết-bàn cũng như huyễn như mộng?”

- Tu-bồ-đề: “Quả thực, Niết-bàn cũng như huyễn như mộng; huống chi các pháp khác!”

- Các Thiên tử: “Tại sao thế?”

- Tu-bồ-đề: “Dù có pháp nào cao hơn Niết-bàn, tôi cũng nói là như huyễn như mộng. Bởi vì, huyễn mộng và Niết-bàn, không hai không khác” (3).

Từ quan điểm này, đương nhiên những người tín phụng Bát-nhã kết luận rằng: “Phật chỉ là danh tự giả tướng (nāmadheya-mātra)(4). Bồ-tát chỉ là danh tự giả tướng; Bát-nhã Ba la mật-đa cũng chỉ là danh tự giả tướng; vì hết thảy danh tự giả tướng đó vốn không là hiện khởi chân thật (anabhinirvṛta)”(5).

Danh tự chưa từng có sinh khởi thực thụ, chúng như hư không, không hề có dấu vết đến hay đi, và do đó hoàn toàn vượt ngoài mọi hình danh sắc tướng. Nói cách khác, hư không (ākāśa) tức tính Không. “Pháp của Phật tùy thuận với tự tính của hết thảy các pháp, mà hết thảy các pháp vốn bất khả đắc. Pháp lìa mọi chướng ngại. Cũng như hư không, lìa hết thảy các chướng ngại. Các pháp như hư không nên vượt ngoài hết thảy các ngôn thuyết. Các pháp là bình đẳng nên vượt ngoài pháp hiện khởi. Các pháp vốn vô diệt nên vượt ngoài pháp diệt tận. Các pháp vốn vô tướng nên vượt ngoài thủ tướng. Các pháp vốn vô xứ nên hết thảy xứ đều bất khả đắc” (6).

Từ những trích dẫn trên, ta có thể cảm thấy như đang kéo ra kết luận rằng Pháp (Dharma) của các kinh Bát-nhã Ba la mật-đa kỳ cùng là một thứ ảo ảnh, mộng mị, xa vời, gần như đồng với vô thể. Nếu quán sát hết thảy các pháp tùy thuận Bát-nhã Ba la mật-đa tức quán sát chúng tùy thuận với Nhất thiết trí. Nếu quán sát hết thảy các pháp tùy thuận với Nhất thiết trí tức quán sát chúng tùy thuận với bản tính hư không (ākāśa). Và nếu thế, giáo pháp của Bát-nhã kỳ cùng đáng gọi là giáo pháp về không vô, vô sở hữu, đích danh là “thuyết Như huyễn” (māyāvāda), học thuyết nói về tính phi thực của vạn hữu. Cho nên, đừng lấy làm lạ: Kinh không ngớt cảnh giác độc giả chớ kinh ngạc, chớ sợ hãi, chớ khiếp đảm, vì những nghĩa lý này, khi nghe về triết lý của thậm thâm Bát-nhã Ba la mật-đa (gambhīra-prajñāp­āra­mitā)(7). Rồi, với những lý do đó, chúng ta đã có thể tuyên bố rằng Bát-nhã là như huyễn, như mộng, giả danh, và Đại thừa là một lâu đài xây trên bãi cát, được chưa? Nó chỉ là một trò chơi chữ với những bong bóngtiếng vang ư? Một số học giả đã kết luận cả quyết như vậy, nhất là các học giả Tây phương. Khó mà đứng trên khái niệm về tính bất thực của vạn hữu và cũng khó mà nắm vạn hữu trong thực tính Như Như của chúng. Hiểu rõ thuyết Như huyễn là nhận được Như Như của vạn hữu.

Dân Ấn lừng danh về tài huyễn thuật, đương nhiên các triết gia đạo Phật muốn vẽ ra bản chất mong manh của đời sống cũng dùng các lối huyễn thuật. Nhưng đừng hiểu lối nói của họ qua nghĩa đen. Chúng ta phải cố đạt tới ý nghĩa trung thực của nó. Như đã nhắc nhở nhiều lần, sức mạnh luận chứng mà kinh Bát-nhã chọn nhắm đối trị mê lầm căn để trong cái nhìn của chúng ta thường ném vào thế giới, tức cái nhìn duy thực ngây ngô. Khuôn mặt thực của thứ duy thực đó là coi thế giới như một thực tại thường trụ vĩnh viễn và nằm trơ ra đó ngược với những gì được nhận như là thế giới nội tại của tư tưởng, tình cảm và cảm giác, một thế giới được điều động bởi ngã linh hồn cô lập với những cái khác và tranh sống với chúng. Một trong những khí giới tuyệt hảo để hủy diệt sức mạnh của óc duy thực ngây thơ là tuyên bố rằng tất cả như huyễn, và rằng, không có trật tự vĩnh viễn cố định trong thế gian, rằng khái niệm phân đôi về hiện hữu, nội tại và ngoại tại, hữu thểvô thể v.v… là ảo tưởng, và rằng muốn đạt tới căn cơ chân thực của hiện hữu thì phải thức tỉnh Trí Bát-nhã mới có thể điều chỉnh tất cả mọi thứ chấp thủ, dù tri thức hay tình cảm; và cũng nhờ đó mới có thể nhận Chân như tính của hiện hữu và hành động theo đó. Kinh Bát-nhã bà-la-mật luôn luôn nhắm tới công dụng này cho nên triết lý của nó bất chấp tưởng tượng bốc cao, bất chấp bí nhiệm như sương mù.

Đạo Phật mà có ý nhận một nền triết lý nào đó, chỉ vì để bứng gốc rễ của phiền não (kleśa) đã từng chôn chặt hoạt dụng thong dong vô ngại của Trí Bát-nhã. Phiền não bao giờ cũng nghiêng lệch, và tạo ra mọi hình thái chấp trước, rồi do phiền nãochấp trước mới tạo ra các hành vi tội lỗi qua ba ngã đường thân, miệng và ý, rồi chúng lại dẫn tới những tái diễn bất tận y như thế. Cho nên, chúng ta biết rằng những khoái lạc và đau khổ đáng phải hứng chịu đây, chẳng có bản tính thường hằng nào cả; các đối tượng của khoái lạc và đau khổ cũng vậy, chúng giả tạm và biến thiên như huyễn. Hoàn toàn không có thực tại bất biến. Chúng chỉ là những giả tướng, và phải thấy chúng là giả tướng chứ không có giá trị nào nữa. Đối với các giả tướng, chúng đang ở đó, và sự kiện đó đừng bao giờ quên lãng. Nhưng bám vào chúng lấy làm những cùng đích, người trí biết rõ lắm, vì con mắt Bát-nhã của họ đã mở rồi, rọi thẳng vào hang sâu của thực tại. Theo ngài Long Thọ (Nāgārjuna)(8), trẻ thơ thấy mặt trăng trong nước, trong lòng nổi dậy ước muốn vớt trăng lên, rồi duỗi tay vào nước. Nhưng nào có nắm được nó đâu, nên quá đỗi phiền muộn. Bấy giờ người khôn mới dạy cho rằng cái thấy trong nước đó không thể nắm được. Cũng vậy, không phải phủ nhận thế giới của những giả tưởng; chỉ phủ nhận tính chất khả thủ khả đắc của nó. Thế giới sai biệt có đó, trước mặt kẻ trí cũng như người ngu; khác nhau chăng ở chỗ, trí thấy nó mà tâm không ôm cứng lấy; còn ngu thì dời xa một chút không nổi để vào cảnh giới của tính Không. Bồ-tát đã nhận ra bức màn như huyễn như thế; chỉ những ai đang còn trong vòng trói buộc mới cho nó là có thực.

Vì vậy, phải dựa trên hậu cứ của tính Không hay Chân như mà hiểu thuyết như huyễn. Nếu không, huyễn vẫn y nhiên là huyễn, và những người theo đạo Phật sẽ không bao giờ biết đặt chân vào đâu, mặc dù không ai dám nói đặt chân vào cõi phân biệt. Nếu không giảng luận ra như thế, Như huyễn sẽ hoàn toàn vô nghĩa trong giáo pháp của Bát-nhã Ba la mật-đa. Câu nói: “Cho đến Niết-bàn cũng như huyễn, như mộng”, sẽ không hơn một câu trào lộng. Như huyễn là một chỉ điểm viên. Ai theo nó một cách thông minh sẽ thấy đằng sau màn bạc có một thế giới của những huyền diệu không thể tả và những thực tại “bất khả đắc”.

Nói như huyễn, như mộng, như hưởng, như hóa... để nhằm nêu lên nghĩa hư vọng của tất cả pháp. Hư vọng cũng là không, huyễn hóa cũng là không, để đừng vin vào thứ đó làm lẽ sống mà mất cả chơn tâm, cái sẳn có nơi chính mình.

 

2. Tất cả pháp đều vô sở hữu, bất khả đắc.

 

Trước hết phải hiểu vô sở hữu bất khả đắc là gì? Phạm trù của nó ra sao? Tại sao chúng lại giữ một vai trò quan trọng trong sự thành tựu Bát Nhã trí?

- Vô sở hữu là không có, không hiện hữu, từ khác của “không”. Thí dụ: Lửa không phải là sở hữu của củi, củi cũng không phải là sở hữu của lửa. Nói khác, củi không phải là trụ xứ của lửa hay ngược lại. Sở dĩ, có lửa là do hòa hợp nhiều nhân duyên mà có như người ta dùng một đoạn cây ngắn tròn, đầu nhọn, xoáy mạnh nhiều lần trên một mãnh gỗ để bùi nhùi, gỗ phát nóng bốc cháy nên có lửa

- Bất khả đắc: Không thể, không đạt được, không thể thực hiện, không tồn tại. Trong củi không có lửa, ngoài củi không có lửa. Vậy là lửa bất khả đắc.

Nói chung, như hư không là vô sở hữu vì không ai chiếm giữ nắm bắt được hư không. Nên hư không là bất khả đắc. Hai cụm từ vô sở hữu bất khả đắc rất gần nhau nhưng phạm trù và giáo nghĩa khác nhau.

Kinh MHBNBLMĐ nói: “… ngã vô sở hữu… dẫn đến tri giả, kiến giả cũng đều là vô sở hữu. Bởi vậy, nên như pháp tánh thật tế cũng là vô sở hữu… dẫn đến vô lượng, vô biên pháp cũng đều là vô sở hữu cả. Vì sao ? Vì hết thảy các pháp đều do duyên hoà hợp mà có”.

Kinh cũng nói: “… ngã… dẫn đến tri giả, kiến giả cũng bất khả đắc, nội không, dẫn đến vô pháp hữu pháp không cũng bất khả đắc, 4 niệm xứ…, dẫn đến 18 bất cộng pháp, hết thảy các tam muội hết thảy các đà la ni, dẫn đến Nhất thiết chủng trí cũng đều bất khả đắc”.

Nói rộng ra, tất cả pháp đều không, đều bất khả đắc cả.

 

3. Vô sở đắc và bất khả đắc.

 

Nhưng cặp từ vô sở đắc và bất khả đắc gần như nhau. Vô sở đắc, “sở” từ chỉ cho pháp đối với “năng”, năng là tác giả, sở là đối tượng; tác giả không nắm được đối tượng, có nghĩa là pháp đó không thể nắm bắt được. Còn bất khả đắc là từ nói chung chung cho cả năng lẫn sở, người không thể đắc mà pháp cũng không thể nắm bắt được.

Kinh Đại Bát Nhã nói rằng:

“Nếu các pháp không có tưởng, không có các tưởng, không giả lập, không ngôn thuyết, không có danh không có giả danh, không có thân không có nghiệp của thân, không có khẩu không có nghiệp của khẩu, không có ý, không có nghiệp của ý, không nhiễm không tịnh, không sanh không diệt, thời pháp này có thể dùng để học Bát Nhã cho đến Nhất thiết tướng trí và có thể thành xong Nhất thiết trí trí. Nhưng phải lấy vô sở đắc làm phương tiện thì mới có hy vọng.

Nếu đại Bồ Tát muốn chứng quả vị Giác ngộ tối cao, thì khi tu học Bát nhã Ba la mật nên như ảo nhân học Bát Nhã, đối với tất cả mọi sự, mọi việc, không phân biệt”.

Học có sở đắc là không đắc, vì tìm cầu một cái gì ở ngoài mình. Như nói đắc Vô thượng Bồ đề. Vô thượng Bồ đề đâu phải như một vật ở ngoài thân như tiền bạc mà mình lượm được. Do cần tu khổ hạnh ngộ được bản tâm thì gọi là đắc. Nhưng chứng hay đắc đó cũng chỉ là danh tự giả thi thiết. Khi chưa tu là thái tử Tất Đạt Đa, đắc đạo rồi thì gọi là Thích ca Mâu Ni Phật. Chưa tu là mê thì gọi là chúng sanh, tu rồi thì ngộ, thành Chánh giác. Mê cũng từ một cái tâm nầy mà ngộ cũng từ cái tâm ra. Thành là thành cái gì, thành một người khác không phải chính mình chăng? Thật ra, chúng sanh hay Phật chỉ là sự hoán chuyển của tâm, chuyển y từ mê sang ngộ chứ chẳng có gì khác. Vì vậy, nói tu không năng sở, tu mà không thấy mình (năng) tu, tu không thấy pháp (sở) để tu, cũng không thấy cả chứng đắc. Vì tất cả pháp không thuộc về mình, nên gọi là vô sở hữu bất khả đắc.

Tu mà nghĩ có được có mất là rời Nhất thiết trí trí, xa lìa Bát nhã Ba la mật. Tu không nghĩ được mất có không giống như “ảo nhân thính pháp”, đó chính là tu Bát Nhã. Một lần nữa, xin lặp lại giáo pháp Tứ thập nhị chương “học coi như vô học, tu như vô tu, chứng như vô chứng, mới gọi là học, là tu, là chứng”!

 

1. Có vị Tăng hỏi Lục Tổ:

- Ai được y chỉ của Hoàng Mai?

Tổ đáp:

- Người hiểu được Phật pháp.

- Tôn giả được y chỉ không?

- Không.

- Tại sao vậy?

- Vì ta không hiểu Phật pháp.

 

Nói trắng ra, nếu Lục Tổ không hiểu thì làm sao được truyền y bát? Bát Nhã là như vậy. Bát Nhã không biết mà không có gì chẳng biết?

 

2. Một trích dẫn khác trong Nam Truyền Lục nói về cái không biết đó như sau:

Quan Thái thú Kỳ Châu hỏi vị Tổ sư thiền thứ năm là Hoằng Nhẫn: “Tại sao trong số đồ chúng năm trăm người, Ngài lại chọn Huệ Năng trao cho chiếc áo pháp làm Tổ thứ sáu?”. Nhẫn đáp: “Bốn trăm chín mươi chín người kia đều hiểu Phật pháp, chỉ có Huệ Năng là không hiểu. Năng không phải là người có thể đo được bằng khuôn thước thường của thế nhân, nên áo pháp được trao cho Năng”. 

Và đây là lời bình của Nam Tuyền về câu đáp ấy:

Ở thời đại của “kiếp không” tuyệt không có danh tự. Phật vừa xuất thế liền có danh tự, nên người đời níu tướng. Đại Đạo tuyệt không phàm thánh. Phàm có danh từ ắt kẹt giữa giới hạn. Do đó Lão Túc Giang Tây nói: “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật”, nhằm chỉ đường người sau hành sự. Người học đạo đời nay khoác lên lớp áo, dựa vào người, chấp vào tâm, thì có can dự vào đâu? Nếu cứ chấp theo vậy mà làm thì phỏng gặp Phật Di Lặc ra đời vẫn bị đốt cháy tan tành, làm sao đạt được tự do? Đồ chúng của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn có năm trăm người, trừ Huệ Năng ra, ai ai cũng thông hiểu Phật Pháp. Năng quả là một cư sĩ kỳ đặc không hai, vì Năng chẳng hiểu Phật pháp. Năng chỉ hiểu Đạo, ngoài ra không hiểu gì khác.

Thích nghĩa cho phần lược giải này:

(Thiền sư D.T. Suzuki trong Luận 7,  Bát Nhã và Như Huyễn trong “Thiền Luận”, quyển hạ nói trên):

[1] Ibid., p. 21 (Phật mẫu, 4a; T8n228, tr,590a17). - Cf. Đại Bát-nhã, ibid., tr. 766c15.

[2] Ibid., p. 22-3 (Phật mẫu 4b; T8n228, tr. 590b10). - Cf. Đại Bát-nhã, ibid., tr. 767a12.

[3] Ibid., p. 39 (Phật mẫu 6b; T8n228, tr. 593a25). - Cf. Đại Bát-nhã, quyển 539, Hội IV, phẩm 2 “Đế Thích”; tr. 771a01.

[4] Danh tự ở đây chỉ cho khái niệm, hay hý luận vọng tưởng. Duy danh, hay đản danh (nāmadheya-mātram), vì vậy, cũng chính là Bát nhã. Đây là chỗ giáo nghĩa Không có liên hệ với duy tâm luận của Yogācara.

[5] Ibid., p. 25 (Phật mẫu, 5a; T8n228, tr. 591a10).

[6] Ibid., p. 306 (Phật mẫu, 43a; T8n228, tr. 638a22). Cf. Đại Bát-nhã, quyển 548 (tr. 823a21)

[7] Cảnh giác này được nêu suốt trong tất cả kinh điển Bát nhã, và theo đó, khảo nghiệm chân thật của Bồ Tát chính ở chỗ dũng cảm chấp nhận giáo nghĩa này và cảm thấy hết sức trân trọng.

[8] Đại trí độ, quyển 32 (T25n1509, tr. 297a25). TS

 

---o0o---

 

 


 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]