Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

21. Phẩm “Biết Việc Ma”

12/12/202013:37(Xem: 8861)
21. Phẩm “Biết Việc Ma”

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

buddha-495

 

XXI. PHẨM “BIẾT VIỆC MA”

(Phần cuối cùng quyển 550 cho đến phần đầu quyển 551,

Hội thứ IV, TBBN).

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

 

 

Tóm lược:

 

(Quán không bất chứng)

 

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ Tát thực hành Bát nhã sâu xa, tập Không như thế nào? Hiện vào Không Tam ma địa như thế nào?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật sâu xa nên quán sắc không, nên quán thọ tưởng hành thức không. Khi khởi quán đây chẳng cho tâm loạn. Nếu tâm chẳng loạn thời chẳng thấy pháp. Nếu chẳng thấy pháp thời chẳng tác chứng.

Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn dạy, các đại Bồ Tát thực hành Bát nhã sâu xa, nên quán pháp Không nhưng không tác chứng. Làm sao đại Bồ Tát khi thực hành Bát nhã sâu xa, trụ Không đẳng trì mà không tác chứng?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát thực hành Bát nhã sâu xa, khi quán pháp Không, trước hết nên nghĩ: Ta nên quán pháp các tướng đều Không, không nên tác chứng. Ta vì học nên quán các pháp Không, không vì chứng quán các pháp Không. Nay là thời học, không phải thời chứng.

Khi Đại Bồ Tát chưa nhập định, buộc tâm nơi cảnh tiếp nhận Bát nhã Ba la mật , chẳng phải nhập định vị mới buộc tâm nơi cảnh, và tiếp nhận Bát nhã Ba la mật (1). Vào thời gian như vậy, đại Bồ Tát này chẳng lui sụt tất cả Bồ đề phần pháp, không chứng lậu tận. Vì sao? Đại Bồ Tát này thành tựu trí tuệ rộng lớn như vậy, khéo trụ pháp Không và tất cả loại Bồ đề phần pháp, thường nghĩ thế này: Nay là thời nên học, không nên tác chứng.

Thiện Hiện nên biết: Nếu lúc đại Bồ Tát trụ Không Tam ma địa mà không chứng Không, thì khi ấy đại Bồ Tát cũng trụ vô tướng Tam ma địa mà không chứng Vô tướng. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này thành tựu căn lành kiên định thù thắng, thường nghĩ thế này: Hôm nay nên học, không nên tác chứng. Nay nên tiếp nhận Bát nhã, đối với tất cả pháp quán Không, Vô tướng, phải viên mãn tất cả Bồ đề phần pháp. Hôm nay không nên chứng thật tế. Do nhân duyên này, đại Bồ Tát không rơi vào địa vị Thanh văn, Độc giác, nhanh chóng chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.   

Thiện Hiện! Ví như có người oai dũng đứng chỗ vững chắc khó nổi lay động, hình sắc đoan nghiêm nhiều người ưa thấy, đủ nhiều công đức giới hạnh tối thắng, thông huệ khéo lời, giỏi hay thù đối, đủ biện đủ hành, biết chỗ biết thời, đối binh cơ kỹ thuật học đến rốt ráo, chỗ đề phòng vững chắc, năng xô ngã nhiều kẻ địch. Tất cả kỹ năng đều giỏi trọn nên, các chỗ công xảo học đến cùng tận. Đủ nhớ huệ hành, dung nghi dũng mãnh. Đối các Kinh điển được không chỗ sợ, đủ từ đủ nghĩa, có thế lực lớn. Nhánh thân thể không khuyết, các căn viên mãn. Dòng họ của cải đầy đủ, nhiều người kính phục, thảy đều ngưỡng mộ. Ra làm các việc đều được thành công. Vì sự nghiệp giỏi nên thi công ít mà thu lời nhiều. Do nhân duyên đây giàu có đầy của báu, năng thiện cấp thí cho nhiều loại hữu tình: kẻ đáng cúng dường, năng cúng dường, kẻ nên cung kính năng cung kính, kẻ đáng tôn trọng năng tôn trọng, kẻ đáng khen ngợi năng khen ngợi. (Q.550, TBBN)

Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Nhờ vậy mà người này vui mừng, phấn chấn tăng bội phần, thân tâm hoan hỷ, tự mừng thầm không?

Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đúng vậy. Bạch Thiện Thệ! Đúng vậy!

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Người dõng mãnh kia thành tựu sự nghiệp đại hưng thịnh như vậy, có nhân duyên nên đem cha mẹ, vợ con, quyến thuộc đi đến phương khác. Giữa đường phải đi qua đồng trống hoang vu hiểm nạn, nơi đó có nhiều ác thú, oán tặc, oan gia ẩn núp và nhiều việc đáng sợ. Bà con lớn nhỏ ai nấy đều kinh hoàng. Nhưng người đó tự tin cậy tài năng kỹ thuật của mình, và sức oai hùng dõng mãnh, nên thân ý thanh thản. Người đó an ủi cha mẹ, vợ con, quyến thuộc chớ có lo sợ, chắc chắn không xảy ra khổ nạn, mau qua đồng trống đến chỗ an vui.

Này Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Trong đồng trống này kẻ oán hại nổi lên, người đó đã đủ sức mạnh, kỹ năng, thương kính cha mẹ thân thích, trang bị đầy đủ các khí cụ mà có bỏ cha mẹ, vợ con, quyến thuộc tự thoát hiểm một mình không?

Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Không! Vì sao? Vì người đó nhiều kỹ năng, có thể ở nơi đồng trống với binh trượng dõng mãnh tinh nhuệ, gặp các oán địch làm cho họ vừa trông thấy tự nhiên lui mất. Người đó bỏ những người thân, một mình vượt qua đồng trống hiểm nạn, là điều không thể xảy ra. Nhưng người tráng sĩ khi ở giữa đồng trống, không có ý sợ ác thú, oán tặc phương hại. Vì sao? Vì người đó tự cậy mình có oai lực hùng mạnh, và đủ kỹ năng nên không sợ hãi.

Bạch Thế Tôn! Người đó dùng thuật khéo léo, đem các bà con, thân thuộc vượt qua đồng trống hoang vu mà không bị tổn hại, chắc chắn đến chỗ xóm làng, thành thị hoặc kinh đô lớn an vui.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát cũng như vậy, vì thương xót các loài hữu tình trong biển khổ sanh tử, nên chánh niệm an trụ từ bi hỷ xả, hộ trì Bát nhã Ba la mật căn lành thù thắng, dùng phương tiện thiện xảo như Phật đã dạy, đem các công đức hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Tuy tu không, vô tướng, vô nguyện đầy đủ nhưng đối với thật tế không tác chứng, không rơi vào địa vị Thanh văn, Độc giác. Vì sao? Vì các đại Bồ Tát này đầy đủ thế lực lớn, tinh tấn vững bền, hộ trì Bát nhã Ba la mật căn lành thù thắng, dùng phương tiện thiện xảo, thề chẳng buông bỏ tất cả hữu tình. Do đó nhất định có thể yên ổn không khó, nhanh chóng chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện nên biết: Nếu khi Bồ Tát tâm từ thương tưởng tất cả hữu tình, vì các hữu tình muốn thí an vui. Khi ấy, Bồ Tát vượt loại phiền não, vượt loại ma và bậc Nhị thừa. Tuy trụ Tam ma địa nhưng chẳng nương cậy cho đến dứt hẳn lậu tận. Tuy khéo tập Không nhưng không tác chứng.

Thiện Hiện nên biết: Nếu Bồ Tát khéo an trụ pháp môn giải thoát Không, thì khi ấy Bồ Tát cũng có thể an trụ nơi định vô tướng. Nhưng đối với phương tiện thiện xảo không chứng vô tướng. Do nhân duyên này vượt khỏi bậc Nhị thừa, quyết hướng đến Vô Thượng Bồ đề.

Thiện Hiện nên biết: Như chim có đôi cánh mạnh mẽ, bay bổng trong hư không, bình thản bay liệng rất lâu mà không bị rơi xuống. Tuy nương hư không chơi đùa mà không ở hư không, cũng không bị hư không làm chướng ngại. Nên biết Bồ Tát cũng như vậy, tuy tu tập pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện mà không trụ không, vô tướng, vô nguyện. Cho đến pháp Phật chưa viên mãn cùng tận thì không bao giờ nương vào đó để vĩnh viễn chấm dứt các lậu.

Thiện Hiện nên biết: Như có kẻ cường tráng, giỏi thạo kỹ thuật bắn, muốn chứng tỏ tài mình, ngước bắn hư không. Vì muốn làm cho mũi tên trong hư không không rơi xuống đất, lại đem tên sau bắn nối đuôi tên trước. Bắn như vậy lần lượt trải qua thời gian khá lâu, mỗi mũi tên nối đuôi nhau không để cho rơi xuống đất. Nếu muốn làm cho mũi tên trước rơi thì dừng mũi tên sau, khi ấy các mũi tên mới rơi xuống.

Nên biết Bồ Tát cũng như vậy, thực hành Bát nhã sâu xa, hộ trì phương tiện thiện xảo thù thắng, cho đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vì thực hành căn lành chưa được thành thục, nên không bao giờ giữa đường chứng thật tế. Nếu khi đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, vì thực hành căn lành tất cả đều thành thục, khi ấy Bồ Tát mới chứng thật tế, liền đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Vì vậy, này Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát nào thực hành Bát nhã sâu xa, hộ trì phương tiện thiện xảo thù thắng, đều nên đối với pháp tánh sâu xa này quán sát thật đúng đắn, rõ ràng, nếu các pháp Phật chưa thật viên mãn thì không nên tác chứng.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ Tát thật vô cùng hi hữu, có thể làm những việc khó làm. Nghĩa là tuy hành Không nhưng không trụ Không, tuy hiện nhập Không định nhưng không chứng thật tế.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như lời ngươi nói. Vì sao? Vì các Bồ Tát này thề chẳng rời bỏ các loài hữu tình. Nghĩa là họ đã phát nguyện thù thắng vi diệu như vầy: Nếu các hữu tình chưa được giải thoát, ta không bao giờ xả bỏ sự gia hạnh căn lành.

Thiện Hiện nên biết: Các Bồ Tát này do phát khởi tâm rộng lớn như vậy, vì muốn giải thoát tất cả hữu tình, mặc dù dẫn phát không, vô tướng, vô nguyện ba tam ma địa nhưng vì hộ trì phương tiện thiện xảo nên không chứng thật tế. Vì sao? Vì các Bồ Tát này đã hộ trì phương tiện thiện xảo nên thường nghĩ thế này: Ta không bao giờ bỏ tất cả hữu tình mà hướng về viên tịch. Do phát khởi ý nghĩ đó, nên trong khoảng thời gian này không chứng thật tế.

Này Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát đối với chỗ sâu xa, hoặc đã quán sát, hoặc sẽ quán sát, nghĩa là chỗ sở hành của ba pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện đẳng trì(2), các Bồ Tát này thường nghĩ: Hữu tình ngày đêm khởi tưởng hữu tình, hành có sở đắc, dẫn đến các nẻo tà đầy ác kiến, luân hồi trong sanh tử, chịu khổ vô cùng. Ta vì đoạn tận những sai quấy cho các hữu tình kia nên cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, vì các hữu tình mà thuyết pháp Không sâu xa để chấm dứt sự chấp chặt kia, để ra khỏi khổ sanh tử. Thế nên tuy học pháp môn giải thoát Không mà trong thời gian đó không chứng thật tế. (Q.550, TBBN)

Thiện Hiện nên biết: Các Bồ Tát này do khởi ý nghĩ phương tiện thiện xảo, tuy ở khoảng giữa không chứng thật tế nhưng không thối lui bốn định vô lượng(3). Vì sao? Vì các Bồ Tát này đã được phương tiện thiện xảo của Bát nhã sâu xa hộ trì, nên bạch pháp tăng trưởng bội phần, và các căn dần thông lợi, lực chi giác đạo(4)dần dần tăng ích.

Này Thiện Hiện! Các Bồ Tát này thường nghĩ: Hữu tình ngày đêm thực hành các tướng, phát sanh các thứ cố chấp, do đó luân chuyển thọ khổ vô cùng. Ta vì chấm dứt các tướng chấp nên cầu Vô Thượng Bồ đề, vì các hữu tình thuyết pháp vô tướng, làm cho chấm dứt tướng chấp, ra khỏi khổ sanh tử. Do đó thường vào vô tướng đẳng trì.

Thiện Hiện nên biết: Các Bồ Tát này nhờ trước đã thành tựu phương tiện thiện xảo và phát sanh ý nghĩ: Mặc dù thường biểu hiện nhập vào đẳng trì vô tướng, nhưng ở trong thời gian đó không chứng thật tế. Tuy ở trong thời gian không chứng thật tế nhưng không thối lui từ bi hỷ xả và các định khác. Vì sao? Vì các Bồ Tát này đã được phương tiện thiện xảo của Bát nhã sâu xa hộ trì, nên bạch pháp tăng tăng trưởng, các căn dần thông lợi, lực chi giác đạo dần dần tăng ích.

Này Thiện Hiện! Các Bồ Tát này thường nghĩ: Tâm hữu tình ngày đêm phát khởi, tưởng thường, tưởng lạc, tưởng ngã, tưởng tịnh, do đó dẫn đến sanh điên đảo chấp trước, luân hồi sanh tử, chịu khổ vô cùng. Ta vì chấm dứt bốn điên đảo đó, nên cầu Vô Thượng Bồ đề, vì các hữu tình nói pháp không điên đảo. Nghĩa là nói sanh tử, vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, chỉ có Niết bàn vắng lặng nhiệm mầu, đầy đủ tất cả công đức chơn thật. Do vậy mà Bồ Tát thường nhập vô nguyện đẳng trì.

Thiện Hiện nên biết: Các Bồ Tát này do trước đã thành tựu phương tiện thiện xảo và phát sanh những ý nghĩ, tuy thường hiện nhập vô nguyện đẳng trì mà các pháp Phật chưa hoàn toàn viên mãn thì không bao giờ ở chỗ trung gian chứng thật tế. Tuy ở nơi trung gian không chứng thật tế, nhưng không thối lui từ bi hỷ xả và các định khác. Vì sao? Vì các Bồ Tát này đã được phương tiện thiện xảo của Bát nhã sâu xa hộ trì, nên bạch pháp tăng trưởng bội phần, các căn dần thông lợi, lực chi giác đạo dần dần tăng ích.

Này Thiện Hiện! Các Bồ Tát này thường nghĩ thế này: Hữu tình ngày đêm trước đã thực hành có sở đắc, nay cũng hành có sở đắc. Trước đã hành hữu tướng, nay cũng hành hữu tướng. Trước đã hành điên đảo, nay cũng hành điên đảo. Trước đã hành tưởng hòa hợp, nay cũng hành tưởng hòa hợp. Trước đã hành tưởng hư vọng, nay cũng hành tưởng hư vọng. Trước đã hành tà kiến, nay cũng hành tà kiến. Do đó trôi lăn chịu khổ vô cùng. Ta vì chấm dứt những tội lỗi đó nên cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, vì các hữu tình thuyết pháp sâu xa, làm cho những tội lỗi đó đều vĩnh viễn chấm dứt, không trôi lăn trở lại chịu khổ trong đường sanh tử, nhanh chóng chứng thường lạc, chơn tịnh Niết bàn.

Thiện Hiện nên biết: Các Bồ Tát này do lòng thương tưởng sâu xa tất cả hữu tình, nên nhiếp thọ thành tựu phương tiện thiện xảo thù thắng Bát nhã Ba la mật sâu xa, thường ưa quán sát nơi pháp tánh sâu xa. Đó là không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, vô sanh, vô diệt, vô khởi, vô tận, vô tánh, thật tế.

Thiện Hiện nên biết: Các Bồ Tát này thành tựu công đức thù thắng, buông bỏ các hữu tình để hướng đến viên tịch, không chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, làm lợi ích cho hữu tình, chắc chắn việc này không thể xảy ra. (Hết, Q.550, TBBN)

 

Quyển thứ 551

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thì nên thưa hỏi kỹ các Bồ Tát khác: “Bồ Tát làm thế nào để tu tập tất cả Bồ đề phần pháp(5)? Phát khởi tâm nào để làm cho Bồ Tát tu tập không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, vô sanh, vô diệt, vô khởi, vô tận, vô tánh, thật tế mà chẳng chứng đắc, nhưng vẫn tu Bát nhã Ba la mật ?”

Thiện Hiện nên biết! Nếu các Bồ Tát khác, khi được hỏi như vậy, mà trả lời: Các đại Bồ Tát chỉ nên tư duy về Không, hoặc vô tướng, cho đến Niết bàn, chứ không chỉ dạy là phải ghi nhớ, không được từ bỏ tất cả hữu tình, cứu độ bằng phương tiện quyền xảo thù thắng, thì nên biết Bồ Tát đó chưa từng được chư Phật thọ ký Bất thối chuyển quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vì sao? Vì các Bồ Tát đó chưa thể chỉ dạy, phân biệt rõ ràng về địa vị Bất thối chuyển và pháp tướng bất cộng của các chúng Bồ Tát. Vì chẳng biết rõ ràng người ta thưa hỏi về các hành, trạng, tướng của địa vị Bất thối chuyển, và cũng chẳng thể trả lời được.

 

(Mộng không bất chứng)

 

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

- Kính bạch Thế Tôn! Có những biểu hiện nào có thể cho biết đó là các Bồ Tát Bất thối chuyển không?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Cũng có những biểu hiện có thể cho biết đó là các Bồ Tát Bất thối chuyển. Nghĩa là có Bồ Tát đối với Bát nhã sâu xa, hoặc nghe hay chẳng nghe, cũng có thể trả lời đúng những điều người ta thưa hỏi trước đây, và có thể thực hành đúng các hạnh của Bồ Tát ở địa vị Bất thối chuyển. Do nhân duyên này biết Bồ Tát đó là thối chuyển hay Bất thối chuyển.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Kính bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì có nhiều Bồ Tát cầu học Vô Thượng Bồ đề mà lại ít có vị có thể trả lời đúng được?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Tuy có nhiều Bồ Tát cầu học quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nhưng ít có Bồ Tát được thọ ký đắc trí tuệ vi diệu ở địa vị Bất thối chuyển. Nếu có vị nào được thọ ký như đây thì vị ấy có thể trả lời đúng.

Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này căn lành trong sáng, trí tuệ rộng sâu, thế gian, trời, người, A tu la v.v… không thể phá hoại được, nhất định sẽ chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát cho đến trong giấc mộng cũng chẳng ưa thích các pháp trong ba cõi, cũng chẳng khen ngợi tất cả pháp của địa vị Thanh văn, Độc giác. Tuy quán các pháp như những gì thấy trong mộng nhưng đối với Niết bàn không thủ, không chứng, thì nên biết đây là tướng các Bồ Tát ở địa vị Bất thối chuyển. (Q.551, TBBN)

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát trong giấc mộng thấy Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ngồi tòa Sư tử và thuyết pháp cho vô lượng vô số trăm ngàn vạn ức chúng Bí sô đang cung kính vây quanh, hoặc thấy tự thân có việc như vậy thì nên biết đây là tướng các Bồ Tát ở địa vị Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát trong giấc mộng thấy Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác với đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm, có hào quang chiếu sáng rực rỡ bao chung quanh xa một tầm, cùng vô lượng chúng phóng lên giữa hư không, thị hiện các đại thần thông để giảng thuyết chánh pháp và hóa ra các vị hóa sĩ, bảo đi đến vô biên cõi Phật ở phương khác để thi hành các Phật sự, hoặc thấy tự thân có việc như vậy thì nên biết đây là tướng các Bồ Tát ở địa vị Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Hoặc các Bồ Tát trong giấc mộng thấy kẻ giặc dữ phá hoại thành ấp, hoặc thấy lửa cháy bùng lên thiêu đốt xóm làng, hoặc thấy sư tử, cọp, sói, thú dữ, rắn độc, bò cạp… muốn đến hại thân, hoặc thấy oan gia muốn chém đầu mình, hoặc thấy cha mẹ, vợ con, thân tộc sắp chết, hoặc thấy chính mình có các việc khổ sắp ép ngặt. Tuy thấy nhiều việc khủng bố đáng sợ như vậy, nhưng không kinh hãi, cũng không lo buồn. Từ giấc mộng thức dậy liền tư duy ba cõi chẳng chơn thật, tất cả đều như chiêm bao. Khi ta đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề sẽ thuyết pháp cho các hữu tình biết: Ba cõi đều hư vọng, như chiêm bao, thì nên biết đây là tướng các Bồ Tát ở địa vị Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Hoặc các Bồ Tát cho đến trong giấc mộng thấy có các loại hữu tình ở cảnh giới địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ, liền nghĩ: Ta phải siêng năng tu tập các hạnh của đại Bồ Tát để mau thẳng đến Vô Thượng Bồ đề, ở trong quốc độ của ta không có tên của những cảnh giới như địa ngục, bàng sanh(6), ngạ quỷ. Từ giấc mộng thức dậy cũng nghĩ như vậy. Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này ngay khi thành Phật, quốc độ của các Ngài thanh tịnh, quyết định không có nẻo ác và tên của nẻo ác. Nên biết, đây là tướng các Bồ Tát ở địa vị Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát trong giấc mộng thấy lửa thiêu đốt các loài hữu tình trong địa ngục v.v… hoặc lại thấy thiêu đốt xóm làng, thành ấp, liền phát thệ nguyện: Nếu ta đã được thọ ký Bất thối chuyển, sẽ chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thì nguyện lửa dữ này lập tức tắt ngay và biến thành mát mẻ. Nếu Bồ Tát này phát nguyện như vậy xong, trong giấc mộng thấy lửa ấy liền tắt, thì nên biết đây là Bồ Tát đã được thọ ký Bất thối chuyển. Nếu Bồ Tát này phát nguyện như vậy xong, mà trong giấc mộng thấy lửa không tắt ngay thì nên biết đây là Bồ Tát chưa được thọ ký thành Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát khi thức dậy, ngay khi đó thấy lửa dữ cháy bùng lên thiêu đốt các thành ấp, hoặc thiêu đốt xóm làng, liền nghĩ: Ta trong giấc mộng và ngay khi thức dậy, từng thấy tự thân có tướng các hành trạng của địa vị Bất thối chuyển nhưng chưa rõ thật hư, nếu điều ta thấy là thật có, thì nguyện lửa dữ này lập tức tắt ngay và biến thành mát mẻ.

Thiện Hiện nên biết! Nếu Bồ Tát này phát thệ nguyện nói lời chân thật như vậy, bấy giờ lửa dữ lập tức tắt ngay, thì nên biết đây là Bồ Tát đã được thọ ký Bất thối chuyển. Còn nếu Bồ Tát này phát thệ nguyện nói lời chân thật như vậy mà lửa chẳng tắt ngay thì nên biết đó là Bồ Tát chưa được thọ ký thành Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát khi thức dậy thấy lửa đốt cháy các thành ấp, hoặc đốt cháy xóm làng, liền nghĩ: Ta trong giấc mộng, hoặc ngay khi thức giấc từng thấy mình có tướng các hành trạng của địa vị Bất thối chuyển. Nếu những điều ta thấy đó chắc chắn là thật có, thì nhất định ta sẽ chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Nguyện lửa lớn này lập tức tắt ngay và biến thành mát mẻ.

Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này phát thệ nguyện chân thật như vậy xong, bấy giờ lửa dữ không tắt ngay, còn đốt cháy từ nhà này lan qua nhà khác, từ làng này lan qua làng khác, lần lượt như vậy, lửa đó mới tắt, thì nên biết các Bồ Tát này chắc chắn đã được thọ ký Bất thối chuyển, nhưng mọi thứ bị đốt cháy là do các hữu tình đó tạo nghiệp phá hoại chánh pháp tăng trưởng. Hữu tình đó do nghiệp này, trước hết bị đọa nẻo ác, trong vô lượng kiếp chịu quả khổ nặng, nay được sanh trong loài người tiếp tục chịu dư báo tai ương kia, hoặc do nghiệp này sẽ đọa nẻo ác, trải qua vô lượng kiếp chịu quả khổ nặng, nay ở loài người chịu chút tai họa còn thừa ở đời trước. Nên biết, đây là tướng các Bồ Tát ở địa vị Bất thối chuyển. 

 

(Biết việc ma)

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Lại có tướng các hành trạng khác cho biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển, Ta sẽ chỉ dạy, phân biệt rõ cho ngươi, ngươi nên lắng nghe và suy nghĩ kỹ.

Thiện Hiện thưa:

- Kính bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn chỉ dạy, chúng con rất thích nghe.

Phật bảo Thiện Hiện!

- Nếu các Bồ Tát thấy có nam tử, nữ nhơn, hoặc có đồng nam đồng nữ đang bị phi nhơn làm mê hoặc, chịu các khổ não chẳng thể lánh xa, liền nghĩ: Nếu các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết ta đã được ý muốn thanh tịnh, thì thọ ký cho ta không thối lui nơi quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Nếu ta từ lâu phát ý muốn thanh tịnh cầu chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thì xa lìa ý nghĩ thành Thanh văn, Độc giác, chẳng đem ý nghĩ Thanh văn, Độc giác cầu chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Nếu ta đời sau chắc chắn đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thì luôn làm lợi ích an vui cho tất cả loài hữu tình cùng tận đời vị lai. Nếu các cõi trong mười phương hiện tại thật có vô lượng Như Lai Ứng Chánh Đẳng giác thuyết giáo pháp chơn chánh lợi ích hữu tình, các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng giác kia thấy biết tất cả, hiểu rõ và chứng đắc tất cả, với tri kiến hiện có, các Ngài biết ý muốn sai biệt của tất cả hữu tình thì nguyện xin các Ngài dũ lòng từ bi chiếu soi những điều con đã nghĩ và chân thật chí thành thưa: “Nếu con chính thật có thể tu hạnh Bồ Tát, chắc chắn chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, cứu giúp dứt trừ hẳn khổ sanh tử cho hữu tình thì nguyện nam tử, nữ nhơn này, hoặc đồng nam, đồng nữ này, không bị phi nhơn làm rối loạn, và phi nhơn vâng theo lời con nói, lập tức bỏ đi”. Các Bồ Tát này khi nói lời như vậy, nếu phi nhơn kia không đi thì nên biết đó là Bồ Tát chưa được thọ ký thành Bất thối chuyển. Nếu phi nhơn ngay khi đó bỏ đi thì nên biết đó là Bồ Tát đã được thọ ký Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có các Bồ Tát chưa tu hành đầy đủ tất cả Phật pháp, chưa nhập vào Bồ Tát Chánh tánh ly sanh, chưa tránh khỏi bị ác ma làm rối loạn, đối với các việc của ma chưa có thể biết rõ, chưa được thọ ký không thối lui Bồ đề, chẳng thể tự xét biết căn lành nhiều ít, dày mỏng, đối với sự mới tu hành được chút ít đã phát sanh tăng thượng mạn, học theo các Bồ Tát phát lời thệ nguyện chơn thật chí thành, liền bị ác ma lừa gạt. Nghĩa là Bồ Tát kia thấy có nam tử, nữ nhơn, hoặc có đồng nam, đồng nữ đang bị phi nhơn làm mê hoặc, chịu các khổ não chẳng thể tránh xa được, liền khinh xuất phát lời thệ nguyện chơn thật chí thành: “Nếu ta đã được chư Phật quá khứ thọ ký đắc Bất thối chuyển Vô Thượng Bồ đề, khiến cho nam tử, nữ nhơn v.v… này không bị phi nhơn làm rối loạn. Phi nhơn kia vâng theo lời của ta, sẽ nhanh chóng bỏ đi”. Các Bồ Tát này nói như vậy xong, khi ấy ác ma vì dối gạt vị này liền xua đuổi, hối thúc, làm cho phi nhơn bỏ đi. Vì sao? Vì oai lực của ác ma mạnh hơn phi nhơn kia, nên phi nhơn vâng lời ma chỉ dạy, lập tức bỏ đi.

Khi Bồ Tát kia thấy những việc như vậy vui mừng hớn hở, nghĩ: Làm cho phi nhơn bỏ đi là nhờ oai lực của ta. Vì sao? Vì phi nhơn kia vâng theo lời thệ nguyện của ta, lập tức buông tha những nam tử, nữ nhơn này, chứ không do nguyên nhân nào khác.

Các Bồ Tát này chẳng thể biết rõ được đó là việc làm của ma nên bảo đây là do năng lực của mình, sanh vui mừng một cách sai lầm, dựa vào đây khinh chê các Bồ Tát khác, nói: “Ta đã được chư Phật quá khứ thọ ký đắc Bất thối chuyển Vô thượng Bồ đề, lời thệ nguyện đã phát đều đầy đủ. Các ngươi chưa được chư Phật thọ ký, chẳng nên bắt chước mà phát lời thệ nguyện. Dù cho có đặt kỳ hạn cũng hoàn toàn không có kết quả”.

Các Bồ Tát này chê bai khinh miệt các Bồ Tát khác, ỷ vào một chút khả năng sai lầm, đối với các công đức sanh thêm nhiều thứ tăng thượng mạn nên xa lìa quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, không thể chứng đắc Nhất thiết trí trí. Các Bồ Tát này do không có năng lực phương tiện thiện xảo nên sanh trưởng nhiều loại tăng thượng mạn, chê bai khinh miệt các Bồ Tát khác, nên tuy siêng năng tinh tấn mà vẫn rơi vào địa vị Thanh văn hoặc Độc giác.

Các Bồ Tát này phước đức mỏng nên đối với thiện nghiệp đã làm và phát lời thệ nguyện đều là hành động theo việc của ma.

Các Bồ Tát này chẳng thể gần gũi cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen các bậc thiện tri thức chơn chánh, chẳng thể thưa hỏi về hành tướng của Bồ Tát đắc Bất thối chuyển, và cũng không thể thưa hỏi và tiếp thu về sự nghiệp mà quân ác ma đã làm. Do đây bị ma trói buộc càng thêm bền chắc. Vì sao? Vì các Bồ Tát này chẳng tu hành sâu xa sáu pháp đến bờ kia(7), xa lìa phương tiện thiện xảo của Bát nhã Ba la mật nên bị ác ma lừa gạt. Vì vậy, Bồ Tát nên biết rõ hoàn toàn về việc khuyên tu thiện nghiệp của các ác ma.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có các Bồ Tát chưa tu hành lâu sáu pháp đến bờ kia, xa lìa phương tiện thiện xảo của Bát nhã Ba la mật nên bị ma lừa gạt. Nghĩa là có ác ma vì muốn lừa gạt nên phương tiện hóa làm các thứ hình tượng, đi đến chỗ Bồ Tát, nói thế này: “Thiện nam tử ơi! Bạn có biết không? Chư Phật quá khứ đã từng thọ ký cho bạn thành đại Bồ đề, bạn đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề quyết định sẽ đắc, chẳng còn thối lui. Tên tuổi sai khác trong bảy đời của bạn, cho đến cha mẹ, anh em, chị em, bạn bè, dòng họ, ta đều biết hết. Bạn sanh ở phương đó, nước đó, thành đó, ấp đó, trong xóm làng đó. Bạn sanh năm đó, tháng đó, ngày đó, giờ đó, sanh vào ngôi sao của Thiên Vương đó”.

Như vậy, nếu ác ma thấy Bồ Tát bẩm tánh yếu đuối, các căn ám độn, liền dối trá thọ ký: “Bạn nơi đời trước bẩm thọ căn tánh đã từng như vậy”.

Nếu thấy Bồ Tát bẩm tánh kiên cường, các căn sáng suốt, lanh lợi, liền dối trá thọ ký: “Bạn nơi đời trước bẩm thọ căn tánh cũng từng như vậy”.

Nếu thấy Bồ Tát ở A lan nhã(8) hoặc thường khất thực, hoặc thọ ăn một bữa, hoặc khi ăn chỉ ngồi một lần, hoặc chỉ ăn một bát, hoặc ở nơi gò mả, hoặc ở chỗ đất trống, hoặc ở dưới gốc cây, hoặc mặc y phấn tảo(9), hoặc chỉ ba y(10), hoặc thường ngồi không nằm, hoặc dùng phu cụ cũ, hoặc ít muốn, hoặc biết đủ, hoặc ưa viễn ly, hoặc ưa thiền định vắng lặng, hoặc đầy đủ chánh niệm, hoặc đầy đủ diệu tuệ, hoặc không trọng lợi dưỡng, hoặc chẳng quý danh tiếng, hoặc ưa cần kiệm, khiêm tốn, chân không xoa dù, hoặc ít ngủ nghỉ, hoặc lìa trạo cử(11), ít nói, ưa nói lời nhẹ nhàng… Ác ma thấy Bồ Tát này với những hạnh như vậy rồi, liền dối trá thọ ký: “Bạn nơi đời trước cũng đã từng như vậy. Vì sao? Vì bạn đang thành tựu như vậy. Như vậy, với công đức thù thắng mà thế gian đều thấy, thì biết rằng đời trước bạn chắc chắn cũng đã có những công đức thù thắng như vậy. Bạn nên tự vui mừng, chớ nên tự khinh”.

Bấy giờ, các Bồ Tát kia nghe ác ma nói về công đức quá khứ, vị lai và nói về công đức dòng họ, bạn bè, bản thân, tên tuổi v.v… hiện tại, cùng khen ngợi vô số thiện căn thù thắng của mình, vui mừng hớn hở, sanh tăng thượng mạn, chê bai khinh miệt các Bồ Tát khác.

Bấy giờ ác ma biết vị đó ngu độn, tối tăm sanh tăng thượng mạn khinh miệt các Bồ Tát khác, lại bảo với vị đó: “Bạn nhất định thành tựu công đức thù thắng. Các đức Như Lai quá khứ đã thọ ký cho bạn, bạn đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề quyết định sẽ chứng đắc, không còn thối lui vì đã có tướng điềm lành trong hiện tại hiện ra như vậy”.

Bấy giờ ác ma vì làm rối loạn nên dối gạt hóa hiện những hình tướng: Hình tướng người xuất gia, hoặc hình tướng người tại gia, hoặc cha mẹ, anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc, bạn bè thân hữu, Phạm chí, Sư chủ, Thiên long, Dược xoa, nhơn phi nhơn v.v…(12) đi đến chỗ Bồ Tát nói như vầy: “Các đức Như Lai quá khứ từ lâu đã thọ ký cho bạn thành đại Bồ đề. Bạn đối với Vô Thượng Bồ đề quyết định sẽ chứng đắc không còn thối lui. Vì sao? Vì các hành tướng của Bồ Tát ở địa vị Bất thối chuyển, bạn đều có đủ nên tự tôn trọng, chớ sanh nghi ngờ”.

Khi Bồ Tát này nghe những lời của ác ma xong, lòng tăng thượng mạn lại càng vững chắc thêm.

Thiện Hiện nên biết! Như Ta đã nói, tướng các hành trạng của bậc Bất thối chuyển, các Bồ Tát này thật tình chưa có.

Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này bị ma nắm giữ, bị ma làm rối loạn, chẳng được tự tại. Vì sao? Vì các Bồ Tát này đối với tướng các hành trạng của bậc Bất thối chuyển thật tình đều chưa có, chỉ nghe ác ma dối trá nói về công đức và tên tuổi v.v… sanh tăng thượng mạn, chê bai khinh miệt các Bồ Tát khác.

Thế nên, này Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát muốn đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề nên biết rõ về các việc làm của ác ma.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có các Bồ Tát bị ma khống chế, bị ma mê hoặc, chỉ nghe danh tự, sanh chấp trước sai lầm. Vì sao? Vì các Bồ Tát này chưa tu hành đầy đủ sáu pháp đến bờ kia và vô lượng, vô biên các Phật pháp khác, do nhân duyên này nên giúp cho ma dễ dàng thao túng. Các Bồ Tát này không thể biết rõ năm thủ uẩn v.v… và vô lượng pháp môn khác. Cũng chẳng biết rõ thật tướng các pháp danh tự hữu tình, do nguyên nhân này làm cho ma được dễ dàng phương tiện hóa làm vô số hình tượng bảo Bồ Tát: “Hạnh nguyện tu hành của bạn đã viên mãn, sẽ đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, khi bạn thành Phật sẽ đạt công đức danh hiệu như vậy”. Nghĩa là ác ma kia biết Bồ Tát này luôn luôn suy nghĩ, ước nguyện: Khi ta thành Phật sẽ được công đức danh hiệu như vậy. Theo sự ước nguyện mà thọ ký cho Bồ Tát đó.

Khi Bồ Tát này xa lìa Bát nhã Ba la mật , phương tiện thiện xảo, nghe ma thọ ký nên suy nghĩ: Lạ thay! Người này thọ ký cho ta sẽ thành Phật với công đức danh hiệu cùng tương ứng với ước nguyện từ lâu của ta. Do đây nên biết, chư Phật quá khứ chắc chắn đã thọ ký cho ta thành đại Bồ đề. Ta đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề quyết định sẽ đạt được, không còn thối lui. Khi ta thành Phật nhất định sẽ được công đức và danh hiệu tôn quý như vậy.

Các Bồ Tát này như vậy, hoặc các Sa môn v.v… bị ma khống chế, thọ ký đời sau sẽ thành Phật với danh hiệu như vậy, như vậy… thì kiêu mạn càng tăng, nghĩ: Ta đời vị lai chắc chắn sẽ thành Phật, đạt được công đức danh hiệu như vậy. Các Bồ Tát khác không thể bằng ta.

Thiện Hiện nên biết! Như Ta đã nói, các tướng hành trạng ở địa vị Bất thối chuyển, các Bồ Tát này đều chưa thành tựu, chỉ nghe ma nói thành Phật với danh hiệu hư dối liền sanh kiêu mạn, khinh miệt, chê bai các Bồ Tát khác. Do đó mà các Bồ Tát này xa lìa quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, các Bồ Tát này xa lìa phương tiện thiện xảo của Bát nhã Ba la mật , lìa bỏ bạn lành, bị bạn ác khống chế nên phải rơi vào địa vị Thanh văn hoặc Độc giác.

Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này nếu có thân này, lại được chánh niệm, chí thành sám hối lỗi lầm, lìa bỏ tâm kiêu mạn, gần gũi cúng dường thiện hữu chơn tịnh thì người đó dù luân hồi trong sanh tử nhiều đời, nhưng cuối cùng lại nương theo Bát nhã sâu xa, lần lượt tu học sẽ chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này nếu có thân này mà chẳng đắc chánh niệm, chẳng thể sám hối lỗi lầm, chẳng lìa bỏ tâm kiêu mạn, chẳng ưa nương gần bạn lành chơn tịnh thì những Bồ Tát đó nhất định luân hồi trong sanh tử nhiều đời, sau dù có tinh tấn tu tập các thiện nghiệp nhưng vẫn rơi vào điạ vị Thanh văn hoặc Độc giác. Ví như Bí sô cầu quả Thanh văn, đối với bốn tội trọng(13), nếu phạm một tội nào thì liền chẳng phải là Sa môn(14), chẳng phải là đệ tử của đức Thích ca. Người đó ngay hiện tại nhất định chẳng thể đắc quả Dự lưu v.v… vọng chấp hư danh Bồ Tát cũng như vậy, chỉ nghe ma nói thành Phật với danh suông liền sanh tâm kiêu mạn, khinh miệt, chê bai các chúng Bồ Tát khác. Nên biết, tội này nặng hơn tội Bí sô hủy phạm bốn tội trọng gấp vô số lần.

Để việc Bí sô phạm bốn tội trọng qua một bên, tội của Bồ Tát này hơn năm tội vô gián(15) cũng gấp vô lượng lần. Vì sao? Vì các Bồ Tát này thật sự chẳng có các công đức thù thắng, nghe ác ma nói về việc thành Phật và danh tự hư dối, liền kiêu mạn, khinh chê các Bồ Tát khác. Do đó nên tội này nặng hơn năm tội vô gián gấp vô lượng lần. Do đây nên biết, nếu các Bồ Tát muốn chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thì nên biết rõ về sự thọ ký với danh hiệu hư dối, là việc làm vi tế của ma.

 

(Hạnh viễn ly)

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Có các Bồ Tát tu hạnh viễn ly, nghĩa là ẩn cư nơi núi rừng đầm trống, đồng hoang vu, ở A lan nhã, ngồi yên tịnh tư duy. Bấy giờ ác ma đi đến chỗ Bồ Tát đó cung kính khen ngợi công đức viễn ly, nói thế này: “Lành thay Đại sĩ! Thường tu hạnh chơn thật viễn ly như vậy. Hạnh viễn ly này tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều khen ngợi, trời Đế Thích v.v… và các chư Thiên, thần tiên cùng nhau bảo vệ cúng dường, tôn trọng nên thường ở nơi đây, chớ đi nơi khác”.

Thiện Hiện nên biết! Ta không khen ngợi các chúng Bồ Tát thường ưa thích tịch tịnh, ở A lan nhã, hoặc ở núi rừng đầm trống, đồng hoang vu, ngồi yên tịnh tư duy, tu hạnh viễn ly.

Khi ấy Thiện Hiện bạch Phật:

- Kính bạch Thế Tôn! Các chúng Bồ Tát nên tu tập những hạnh chân thật viễn ly như thế nào mà Phật Thế Tôn nay dạy: Ta chẳng khen ngợi các chúng Bồ Tát thường ưa thích tịch tịnh ở A lan nhã, núi rừng đồng trống, ngồi yên tịnh tư duy tu hạnh viễn ly?   

Phật bảo Thiện Hiện:

- Nếu các Bồ Tát hoặc ở chỗ núi rừng đầm trống, chằm trống hoang vu, chỗ vắng vẻ, hoặc ở thành ấp, xóm làng, phố thị, chỗ huyên náo tạp loạn nhưng luôn xa lìa phiền não ác nghiệp và các ý nghĩ của Thanh văn, Độc giác, thực hành sâu xa Bát nhã Ba la mật , phương tiện quyền xảo và tu các công đức thù thắng khác thì đây gọi là Bồ Tát hành hạnh chơn thật viễn ly. Hạnh viễn ly này, tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đồng khen ngợi, chư Phật Thế Tôn đều cho phép, các chúng Bồ Tát thường nên tu học. Dù ngày hay đêm phải chánh tư duy, tinh tấn tu hành pháp viễn ly này. Đây gọi là Bồ Tát tu hạnh viễn ly, hạnh viễn ly này không xen lẫn ý nghĩ Thanh văn, Độc giác, không xen lẫn tất cả phiền não ác nghiệp, xa lìa các sự huyên náo tạp loạn, hoàn toàn thanh tịnh, làm cho các Bồ Tát mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, có thể cứu độ các hữu tình cùng tận đời vị lai.

Thiện Hiện nên biết! Người ẩn cư chốn núi rừng đầm trống, chằm trống hoang vu, bỏ đồ nằm tốt, ngồi yên tịnh tư duy mà được ma khen ngợi thì chẳng phải hạnh chơn thật viễn ly của các Bồ Tát. Vì sao? Vì hạnh viễn ly đó còn có huyên náo tạp loạn, nghĩa là Bồ Tát hoặc xen lẫn phiền não ác nghiệp, hoặc xen lẫn ý nghĩ Thanh văn, Độc giác, đối với Bát nhã sâu xa, phương tiện thiện xảo không thể tinh tấn lãnh thọ tu học, nên không thể viên mãn Nhất thiết trí trí.

Thiện Hiện nên biết! Có các Bồ Tát mặc dù ưa tu hành pháp hạnh viễn ly, được ma khen ngợi, nhưng sanh kiêu mạn, tâm chẳng thanh tịnh, chê bai khinh miệt các chúng đại Bồ Tát khác, nghĩa là có chúng đại Bồ Tát tuy ở thành ấp, xóm làng, phố thị nhưng tâm thanh tịnh, không xen lẫn các thứ phiền não ác nghiệp và các ý nghĩ Thanh văn, Độc giác, tinh tấn tu tập Bát nhã Ba la mật và vô lượng Bồ đề phần pháp khác, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, tuy ở chỗ ồn ào náo nhiệt mà tâm vẫn vắng lặng, thường ưa thích tu tập hạnh chơn thật viễn ly. Bồ Tát đó đối với chúng đại Bồ Tát chơn tịnh như đây, tâm sanh kiêu mạn, khinh miệt, chê bai, hủy báng, lăng nhục.

Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này vì xa lìa phương tiện thiện xảo của Bát nhã Ba la mật , nên mặc dù ở đồng không mông quạnh, cách trăm do tuần, trong đó tuyệt nhiên không có các loài cầm thú, rắn rít, bọ cạp độc hại và giặc cướp hung ác, chỉ có quỷ thần, La sát bà v.v… qua lại trong đó. Người kia ở chỗ vắng vẻ như vậy, dù trải qua một năm, năm năm, mười năm cho đến trăm ngàn vạn ức hoặc hơn số này để tu hạnh viễn ly nhưng chẳng biết rõ hạnh viễn ly chơn thật. Nghĩa là các Bồ Tát tuy ở chỗ ồn ào náo động mà tâm vắng lặng, xa lìa các thứ phiền não ác nghiệp và các ý nghĩ Thanh văn, Độc giác, phát tâm hướng thẳng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này tuy ở chốn đồng không mông quạnh trải qua thời gian lâu dài nhưng bị xen lẫn ý nghĩ Thanh văn, Độc giác, nên đối với hai địa vị kia sanh đắm trước, nương vào pháp hai địa vị kia tu hạnh viễn ly, lại đắm nhiễm vào hạnh này. Bồ Tát đó tuy tu hạnh viễn ly như vậy nhưng chẳng được gọi là thuận với tâm của chư Phật.

Thiện Hiện nên biết! Hạnh viễn ly chơn thật của các chúng Bồ Tát mà được ta khen ngợi, các Bồ Tát này đều chẳng thành tựu, thì họ đối với hạnh viễn ly chơn thật cũng không thấy có hành tướng giống nhau. Vì sao? Vì Bồ Tát này đối với hạnh viễn ly chơn thật này chẳng thích, chỉ ưa siêng tu hạnh viễn ly suông của Thanh văn, Độc giác.

Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này khi tu hạnh không viễn ly chơn thật, ma đến giữa không trung vui mừng khen ngợi, bảo: “Lành thay! Lành thay Đại sĩ! Ngài siêng tu hạnh viễn ly chơn thật. Hạnh viễn ly này được các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác khen ngợi, Ngài đối với hạnh này nên siêng năng tu học sẽ mau chứng Vô Thượng Bồ đề”.

Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này chấp trước vào sự tu hành pháp viễn ly của Nhị thừa như vậy cho là hơn hết, nên khinh chê, miệt thị vị trụ Bồ Tát thừa tuy ở chỗ ồn náo mà tâm vắng lặng.

Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này đối với các đại Bồ Tát hành hạnh viễn ly chơn thật mà được Phật đã khen ngợi thì lại khinh chê miệt thị, bảo là ở chỗ ồn náo, tâm chẳng vắng lặng, không thể siêng năng tu hạnh viễn ly chơn thật.

Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này đối với các bậc nên gần gũi cung kính, cúng dường như đấng Thế Tôn, nhưng lại chẳng gần gũi cung kính, cúng dường, trái lại còn khinh chê miệt thị; trong khi đối với hạng cần xa lìa, chẳng nên gần gũi cung kính, cúng dường, như bạn ác, thì lại gần gũi cung kính, cúng dường như phụng thờ đấng Thế Tôn.

Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này xa lìa phương tiện thiện xảo của Bát nhã Ba la mật , phát sanh vô số phân biệt chấp trước sai lầm. Vì sao? Vì Bồ Tát kia nghĩ: Sự tu học của ta là viễn ly chơn thật nên được phi nhơn khen ngợi, ủng hộ. Còn kẻ ở thành ấp thân tâm rối loạn, ai mà hộ niệm, khen ngợi, kính trọng. Các Bồ Tát này do nhân duyên này, tâm nhiều kiêu mạn, khinh chê miệt thị các Bồ Tát khác, phiền não ác nghiệp ngày càng tăng thêm mãi.

Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này đối các Bồ Tát khác là bọn Chiên đồ la(16) làm ô uế chúng đại Bồ Tát. Mặc dù hình tướng giống như đại Bồ Tát nhưng là kẻ giặc lớn trên trời, trong loài người; dối gạt trời, người, A tu la v.v… Thân tuy mặc pháp y của Sa môn nhưng tâm thường ôm ấp ý ưa như kẻ giặc. Những bậc phát tâm tới Bồ Tát thừa thì chẳng nên gần gũi, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi kẻ ác như thế. Vì sao? Vì bọn người này ôm lòng tăng thượng mạn, bề ngoài thì giống Bồ Tát nhưng bên trong lại đầy phiền não.

Thế nên, này Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát chơn thật không bỏ Nhất thiết trí trí, không bỏ quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, hết lòng thích cầu Nhất thiết trí trí, muốn đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, làm lợi ích an vui cho khắp tất cả các loài hữu tình thì chẳng nên gần gũi, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi người ác như thế.

Thiện Hiện nên biết! Các đại Bồ Tát này thường nên tinh tấn tu tập sự nghiệp để cho mình nhàm chán sanh tử, chẳng đắm ba cõi, đối với hạng người Chiên đồ la và ác tặc kia thường nên phát tâm từ bi hỷ xả. Nên nghĩ: Ta chẳng nên phát khởi tội lỗi như kẻ ác kia, giả sử lúc phải thất niệm, tạm khởi lên như họ, liền nên tỉnh giác, trừ diệt.

Vậy nên Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát này muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề phải tỉnh giác hoàn toàn về việc của các ác ma, nên siêng năng tinh tấn xa lìa, trừ diệt tội lỗi như Bồ Tát đã tạo, siêng năng cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện nên biết! Người học như vậy, chính đó là Bồ Tát với phương tiện thiện xảo, như thật tỉnh giác về các việc của ác ma.

 

Thích nghĩa:

(1). “Khi Đại Bồ Tát chưa nhập định, buộc tâm nơi cảnh tiếp nhận Bát nhã Ba la mật, chẳng phải nhập định vị mới buộc tâm nơi cảnh, và tiếp nhận Bát nhã Ba la mật”.

Nguyên văn chữ Hán của Hoavouu.com là:

thị Bồ Tát Ma Ha Tát vị nhập định thời hệ tâm ư cảnh nhiếp thọ Bát Nhã Ba La Mật Đa phi nhập định vị hệ tâm ư cảnh nhiếp thọ 。般Bát Nhã Ba La Mật Đa” .

Đoạn Kinh dịch khó hiểu này của phẩm “Biết Việc Ma”, quyển 550, Hội thứ IV, TBBN, tương đương với các đoạn Kinh khác ở các Hội như sau:

1- Hội thứ I, quyển 331, ghi: “Bồ Tát không buộc tâm nơi sở duyên, nơi trần cảnh”.

2- Hội thứ II, quyển 452, ghi: “Bồ Tát này chưa vào định nên buộc tâm vào đối tượng, lúc đã vào định thì họ không buộc tâm vào cảnh nữa”.

3- Hội thứ III, quyển 517, ghi rằng: “Đại Bồ Tát này khi chưa vào định phải buộc tâm vào cảnh, lúc đã vào định thì không buộc tâm vào cảnh nữa”.

Đọc cả ba đoạn Kinh thuộc ba Hội I, II và III chúng ta thấy dễ hiểu và rõ ràng hơn đoạn Kinh này của Hội thứ IV nhiều! Vì nếu còn buộc tâm vào cảnh, vào sở duyên hay bất cứ đối tượng nào khác thì không thể nhập định hay nhập các tam muội được.

(2). Đẳng trì (Phạm: Samàdhi, còn gọi là Tam ma địa: Định): Hán dịch là Đẳng trì, Hán âm là Tam muội. Thí dụ Tam đẳng trì hay Tam tam muội: Không, vô tướng, vô nguyện.

(3). Bốn định vô lượng hay tứ vô lượng tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả.

(4). Lực chi giác đạo: Các pháp trong 37 pháp trợ đạo còn gọi là 37 Bồ đề phần: Lực, chỉ cho năm lực (tín, tinh tiến, niệm, định, tuệ). Giác chi, chỉ bảy giác chi (trạch pháp, tinh tiến, hỉ, khinh an, niệm, định, xả). Đạo, chỉ cho tám chính đạo (chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm, chính định).

(5). Bồ đề phần (Phạm: Bodhyaíga, Pàli: bodhipakkhiya): Cũng gọi Giác chi, Giác phần. Phần nghĩa là chi phần, là nhân. Bồ đề phần giải thích theo nghĩa rộng là chỉ chung 37 phẩm trợ đạo, là những phương pháp tu hành để tầm cầu trí tuệ, gồm: Tứ niệm xứ, Tứ chính cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chính đạo v.v... Vì 37 pháp này đều thuận tới Bồ đề, cho nên đều gọi là Bồ đề phần pháp. Bồ đề phần pháp hay lực chi giác đạo như nhau.

(6). Bàng sanh: Súc sanh.

(7). Sáu pháp đến bến bờ kia (sáu pháp đáo bỉ ngạn tức là lục Ba la mật ): Ám chỉ sáu Ba la mật  là bố thí, trì giới, an nhẫn, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Tu sáu pháp này viên mãn tất được giải thoát mà sang được bờ kia.

(8). A lan nhã: (阿蘭若) Phạm: Araịya, Pāli: Araĩĩa. Còn gọi là A luyện như, A luyện nhã, A lan na, A la nhưỡng, A lan noa. Nói tắt là Lan nhã, Luyện nhã. Dịch là núi rừng, đồng hoang. Chỉ những nơi yên tĩnh vắng vẻ, thích hợp với những người xuất gia tu hành để cư trú. Còn dịch là nơi xa lìa, nơi vắng lặng, nơi rất thong thả, nơi không tranh giành. Tức là nơi vắng vẻ cách xa làng mạc một câu lư xá, thích hợp cho người tu hành. Chỗ ấy, hoặc người ở nơi ấy thì gọi là A lan nhã ca (Phạm: Àraịyaka).

(9). Y phấn tảo (còn gọi là nạp y): Áo do nhiều miếng vải vụn nhỏ kết lại với nhau, nên gọi là nạp y. Người tu hành không cầu ăn mặc đẹp, nên nhặt lấy những mảnh vải vụn đã bỏ đi của người đời mà chấp vá lại thành áo mặc, cũng gọi là áo bá nạp (trăm mảnh vụn) hay y phấn tảo.

(10). Tam y: Chỉ cho 3 thứ áo của Tỷ khưu. Đó là: 1- Tăng già lê (Phạm, Pàli: Saôphàti), cũng gọi Cửu điều y, Đại y, Trọng y... Áo mặc chính gồm 9 đến 25 nẹp vải khâu lại mà thành, mặc mỗi khi vào làng xóm, thành ấp khất thực, hoặc vâng chiếu chỉ khi vào cung. 2- Uất đa la tăng (Phạm, Pàli: Uttarasaíga), cũng gọi Thất điều y, Nhập chúng y... Áo 7 nẹp, mặc khi lễ bái, nghe giảng, bố tát... 3- An đà hội (Phạm: Antarvàsa, Pàli: Antarvàsaka), cũng gọi Ngũ điều y, Nội y… Áo 5 nẹp, mặc khi làm công việc hoặc khi ngủ. Theo qui định, 3 áo trên đây đều được may bằng loại vải thô xấu và nhuộm bằng hoại sắc. Mục đích người xử dụng các loại áo nầy là để xả bỏ bản ngã và dục vọng. (Phỏng theo từ điển Phật Quang).

(11). Trạo cử là một trong ngũ cái: Phạm Paĩca àvaraịàni. Cái nghĩa là che đậy, tức chỉ cho 5 thứ phiền não che đậy tánh giác, làm cho pháp lành không phát sinh được. Đó là: 1- Tham dục cái (Phạm: Ràgaàvaraịa): Tham đắm cảnh năm dục (tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ), không biết nhàm chán, nên tâm tính bị che lấp. 2- Sân khuể cái (Phạm: Pratighaàvaraịa): Đối trước cảnh trái ý, lòng tức giận nổi lên làm che lấp tâm tính. 3- Hôn miên cái (Phạm: Styànamiddha-àvaraịa), cũng gọi Thụy miên cái: Hôn trầm và buồn ngủ khiến tâm tính li bì, không thể tích cực hoạt động. 4- Trạo cử ác tác cái (Phạm: Auddhatya – kaukftya - àvaraịa), cũng gọi Điệu hí cái, Trạo hối cái, Trạo hí cái. Sự chao động (trạo) của tâm, hoặc lo buồn, ân hận (hối) đối với những việc đã làm, khiến tâm tính bị che lấp. 5- Nghi cái (Phạm: Vicikitsà-àvaraịa): Đối với giáo pháp do dự không quyết đoán, vì vậy mà tâm tính bị che lấp. Các phiền não đều có nghĩa là cái, nhưng 5 thứ trên đây hay làm chướng ngại 5 uẩn vô lậu, tức là tham dục và sân khuể hay chướng ngại giới uẩn, hôn trầm và thụy miên chướng ngại tuệ uẩn, trạo cử và ác tác chướng ngại định uẩn và nghi là ngờ vực lý Tứ đế, vì thế chỉ lập 5 thứ này làm Cái. [X. Kinh Tạp a hàm Q.26; luận Đại trí độ Q.17; luận Đại tỳ bà sa Q.38, 48; luận Câu xá Q.21; luận Thuận chính lý Q.55; luận Đại thừa a tỳ đạt ma tạp tập Q.7; Ma ha chỉ quán Q.4; Đại thừa nghĩa chương Q.5, phần đầu; Pháp giới thứ đệ sơ môn Q.thượng, phần đầu]- Phỏng theo từ điển Phật Quang.

(12). Phạm chí, Sư chủ, Thiên long, Dược xoa, nhơn phi nhơn v.v… gọi chung là Thiên long bát bộ hay Tám bộ chúng. Chỉ các thần giữ gìn pháp của Phật. Đó là: Trời (Phạm: deva), Rồng (Phạm: nàga), Dạ xoa (Phạm: yakwa), Càn thát bà (Phạm: gandharva, thần hương hoặc thần âm nhạc), A tu la (Phạm: asura), Ca lâu la (Phạm: garuđa - chim kim sí), Khẩn na la (Phạm: kiônara - không phải người, ca sĩ), Ma hầu la già (Phạm: mahoraga - thần trăn). Các loài trên đây đều do đức của Phật cảm hóa rồi qui phục và trở thành quyến thuộc của Phật, thường ở các cõi Thụ dụng của chư Phật để che chở, giữ gìn Phật pháp. Còn cụm từ nhân phi nhân (người chẳng phải người): Cũng gọi Khẩn nại la, Khẩn đà la, Chân đà la, Khẩn nại lạc, Nghi thần, Ca thần. Tên khác của thần Khẩn na la (Phạm: Kiônara), vị thần âm nhạc trong Thiên long bát bộ. Hình dáng vị thần này giống như người, nhưng thực ra không phải người, vì thế nên gọi là Nhân phi nhân. (Phỏng theo Từ điển Phật Quang).

(13). Bốn trọng tội (Tứ Ba-la-di): Bốn tội trọng của hàng Tỳ kheo: 1- Sát (giết hại), 2- Đạo (đạo tặc), 3- Dâm (dâm dật), 4- Vọng (vọng ngữ). Nếu Sa môn nào bị buộc vào một trong bốn tội này sẽ bị trục xuất ra khỏi tăng đoàn.

(14). Sa môn: Bí sô tăng, hay Tỳ kheo (âm chữ Phạm bhiksu): Thầy tu nam thọ giới cụ túc 250 giới. Đã giải thích rồi.  

(15). Năm tội vô gián: 1- Giết cha, 2- Giết mẹ, 3- Giết A la hán, 4- Phá hòa hiệp tăng, và 5- Làm thân Phật chảy máu. Người phạm phải tội này sẽ bị đọa vào đia ngục vô gián, nghĩa là bị tra tấn hành hạ không lúc nào yên (gọi là vô gián).

(16). Chiên đồ la: Dịch âm từ tiếng Phạm: Caịđàla. Còn gọi là Chiên đà la.

 

Lược giải:

 

Phẩm này tuy có tên là “Biết Việc Ma”, nhưng thật sự nói nhiều về bất thối chuyển Bồ Tát với bốn tiêu đề lớn: 1. Quán không bất chứng, 2. Mộng không bất chứng, 3. Giác việc ma, và 4. Tu hạnh viễn ly.

 

1. Quán không bất chứng:

 

Các đại Bồ Tát tu hành thậm thâm Bát nhã làm thế nào để tiến đến và thâm nhập Tam ma địa Không, Vô tướng, Vô nguyện? Làm thế nào để tiến đến và thâm nhập 37 pháp trợ đạo? Làm thế nào để tiến đến và thâm nhập bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao? Nói chung là làm thế nào để tiến đến và thâm nhập tất cả pháp Phật?

Các đại Bồ Tát tu hành thậm thâm Bát nhã nên quán sắc là không, nên quán thọ, tưởng, hành, thức là không; nên quán mười hai xứ, mười tám giới là không; nên quán tứ thiền, tứ vô lượng, tứ vô sắc định, mười tám pháp bất cộng, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, Nhất thiết chủng trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao là không. Nếu các Bồ Tát quán được như vậy thì tâm chẳng động chuyển, tâm chẳng động thì không thấy pháp, nếu không thấy pháp thì chẳng thấy chứng đắc. Vì sao? Vì Đại Bồ Tát ấy, khéo học tự tướng các pháp đều không, không có pháp nào có tăng có giảm, cho nên đối với tất cả pháp chẳng thấy, chẳng chứng. Vì trong thắng nghĩa đế của tất cả pháp, năng chứng, sở chứng, chỗ chứng, thời chứng và do pháp đó chứng được, hoặc hiệp hoặc ly đều chẳng thể nắm bắt được, chẳng thể thấy được.

Bồ Tát quán các pháp đều không nên không an trụ không, không chứng đắc không. Đó là quán không bất chứng. Vì đây là thời học chẳng phải thời chứng. Bồ Tát không buộc tâm nơi sở duyên, nơi trần cảnh. Bồ Tát chẳng từ bỏ lục Ba la mật, chẳng chứng lậu tận; Bồ Tát chẳng từ bỏ tất cả các thiện pháp hay các pháp mầu Phật đạo. Vì sao? Vì đại Bồ Tát ấy nếu viên mãn tất cả pháp mầu Phật đạo, sẽ thành tựu đại trí vi diệu, an trụ pháp không thì có thể chứng thật tế mà vào Niết bàn. Nhưng, nếu chưa viên mãn tất cả pháp Phật thì nên nghĩ: Bây giờ là thời học chẳng phải là thời chứng.

Đại Bồ Tát ấy tu hành thậm thâm Bát nhã, nên tập gần Tam ma địa Không, an trụ Tam ma địa Không, tu hành Tam ma địa Không nhưng chẳng chứng đắc Thật tế không. Nên tập gần Tam ma địa Vô tướng, Vô nguyện; an trụ Tam ma địa Vô tướng, Vô nguyện; tu hành Tam ma địa Vô tướng, Vô nguyện nhưng chẳng đắc Thật tế. Tuy tập gần bốn niệm trụ, an trụ bốn niệm trụ, tu hành bốn niệm trụ, nhưng chẳng chứng quả Thanh văn, quả vị Độc giác; tuy tập gần 37 pháp trợ đạo, 12 nhân duyên nhưng chẳng chứng A la hán, chẳng chứng quả vị Độc giác Bồ đề. Đại Bồ Tát ấy, do nhân duyên này, chẳng rơi vào địa vị Thanh văn và Độc giác, mau chứng quả vị Giác ngộ tối cao.

Như một dũng sĩ tài ba, giỏi nghề cung kiếm, thông thạo binh pháp, lại có đạo đc trí lực hơn người, ai ai cũng tin tưởng, kính trọng. Nhân dịp muốn cùng cha mẹ, vợ con, quyến thuộc và dân chúng di chuyển đến một nơi an ổn phồn thịnh sanh sống. Đoàn người phải vượt đèo lội suối hay phải băng qua những nơi hoang vắng đầy thú dữ trộm cướp… Người này có thể tự mình thoát hiểm đến chỗ yên vui, nhưng y không làm như vậy, vì y có trách nhiệm đối với tất cả những người mà y cần phải bảo vệ. Do đó, y phải dũng mãnh chiến đấu để đưa đoàn người đó đến chỗ an toàn.

Bồ Tát cũng như vậy, tu tập Bát nhã Ba la mật và các phương tiện thiện xảo… không phải để cho mình chứng đắc và nhập Niết bàn, mà hạnh nguyện các Ngài là học tập để cứu độ chúng sanh.

Như chim có đôi cánh mạnh mẽ, bay bổng trong hư không, bình thản bay liệng rất lâu mà không bị rơi xuống. Tuy nương hư không nô đùa mà không ở hư không, cũng không bị hư không câu ngại. Nên biết Bồ Tát cũng như vậy, tuy tu tập pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện mà không trụ không, vô tướng, vô nguyện. Cho đến chưa viên mãn các pháp Phật cùng tột thì không bao giờ nương vào đó để vĩnh viễn chấm dứt các lậu, rồi nhập Niết bàn(1).

Bồ Tát mong cầu Giác ngộ tối thượng, được hộ trì bởi Bát nhã Ba la mật và các phương tiện thiện xảo, thành tựu Vô thượng Giác ngộ, nhưng không quên tác ý đại bi. Hành trong Không, trụ trong Không, đạt Tam muội Không, nhưng không thủ đắc Thật tế của Không, lăn xả trong chốn quần sanh trải qua nhiều kiếp khổ lụy để thực hiện tâm nguyện: Ngày nào chúng sinh còn khổ thì ngày đó Bồ Tát không muốn thành Phật và nhập Niết bàn.

Vì vậy, Phật bảo Thiện Hiện:

-“Này Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát đối với chỗ sâu xa, hoặc đã quán sát, hoặc sẽ quán sát, nghĩa là chỗ hành của ba pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện đẳng trì, các Bồ Tát này thường nghĩ: Hữu tình ngày đêm khởi tưởng hữu tình, hành có sở đắc, dẫn đến các nẻo tà đầy ác kiến, luân hồi trong sanh tử, chịu khổ vô cùng. Ta vì đoạn tận nẻo ác tà kiến cho các hữu tình kia nên cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, vì các hữu tình mà thuyết pháp Không sâu xa để chấm dứt sự chấp chặt kia và ra khỏi khổ sanh tử. Thế nên tuy học pháp môn giải thoát Không mà trong thời gian đó không chứng Thật tế.

Thiện Hiện nên biết: Các Bồ Tát này do khởi ý nghĩ phương tiện thiện xảo, tuy ở khoảng giữa không chứng thật tế nhưng không thối lui bốn định vô lượng (Từ Bi Hỷ Xả). Vì sao? Vì các Bồ Tát này đã được phương tiện thiện xảo của Bát nhã sâu xa hộ trì, nên bạch pháp tăng trưởng, các căn dần dần thông lợi, lực chi giác đạo dần dần lớn mạnh”.

 

Do các căn thông lợi, các thiện pháp tăng trưởng nên dễ tiến đến Vô thượng Bồ đề vượt hẳn Thanh văn, Duyên giác. Bấy giờ Bồ Tát mới chứng Thật tế, mới chứng đắc Quả vị Giác ngộ tối cao. Còn ở khoảng giữa chỉ là thời học chớ không phải thời chứng. Học tất cả pháp đều không mà không thủ chứng không, nên gọi là quán không bất chứng. Tuy quán không bất chứng nhưng không ngừng tu tập, không ngừng cứu khổ chúng sanh. Đó là hạnh nguyện siêu diệt, uyên áo nhất của Bồ Tát Đại thừa và nhờ đó mà hạt giống Phật lưu truyền mãi với thời gian.

Cái làm cho chúng ta ngạc nhiên trong giáo lý này là Bồ Tát học tam muội không, vô tướng, vô nguyện mà không chứng thật tế. Học cốt để mau chứng đắc, nhưng học mà không muốn chứng đắc là điều ngược đời, trái lẽ. Nhưng, nguyện vọng của Bồ Tát là muốn phục vụ chúng sanh. Nếu học mau chứng đắc thật tế rồi nhập Niết bàn thì giống như Nhị thừa, thì ai là người phục vụ cho chúng sanh? Nên nói học không mà không chứng không là vậy.

 

2. Mộng không bất chứng.

 

Gợi ý: Đoạn kinh sau đây nói rất ít về mộng không bất chứng nhưng lại thuyết nhiều về tướng bất thối chuyển của Bồ Tát giống như trong phẩm “Tướng Bất Thối Chuyển” ở pháp hội thứ IV này. Ý của phẩm “Tướng Bất Thối Chuyển” và đoạn Kinh đang thảo luận giống nhau, chỉ khác ở thí dụ. 

Các phẩm tương đương của các Hội khác thường thuyết về “mộng trung bất chứng” có nghĩa trong khi nằm mộng mình thấy có gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp trong sự tu hành: Thấy có chứng có đắc. Tuy vậy, khi tỉnh giấc không thủ không chứng, nên gọi là mộng trung bất chứng. Kinh nói:

…“Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát cho đến trong giấc mộng cũng chẳng ưa thích các pháp trong ba cõi, cũng chẳng khen ngợi tất cả pháp của địa vị Thanh văn, Độc giác. Tuy quán các pháp như những gì thấy trong giấc mộng nhưng đối với Niết bàn không thủ, không chứng, thì nên biết đây là tướng các Bồ Tát ở địa vị Bất thối chuyển”.

“… Lại nữa, Thiện Hiện! Hoặc các Bồ Tát trong giấc mộng thấy kẻ giặc dữ phá hoại thành ấp, hoặc thấy lửa cháy bùng lên thiêu đốt xóm làng, hoặc thấy sư tử, cọp, sói, thú dữ, rắn độc, bò cạp… muốn đến hại thân, hoặc thấy oan gia muốn chém đầu mình, hoặc thấy cha mẹ, vợ con, thân tộc sắp chết, hoặc thấy chính mình có các việc khổ sắp ép ngặt. Tuy thấy nhiều việc khủng bố đáng sợ như vậy, nhưng không kinh hãi, cũng không lo buồn. Từ giấc mộng thức dậy liền tư duy ba cõi chẳng chơn thật, tất cả đều như chiêm bao. Khi ta đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề sẽ thuyết pháp cho các hữu tình biết: Ba cõi đều hư vọng, như chiêm bao…”

Tất cả sanh tử hay Niết bàn đều như giấc mộng đêm qua thì có gì để thủ để xả, còn mất, có không... Đó gọi là mộng trung bất chứng.

 

“Ngoảnh mặt lại cuộc đời như giấc mộng,

Thành bại được còn bổng chốc hóa Hư không!”

                              (Bùi Giáng)

 

3. Biết việc ma:

 

Có các Bồ Tát chưa tu hành sâu xa sáu pháp đến bờ kia, xa lìa phương tiện thiện xảo của Bát nhã Ba la mật lại thích danh dự nên bị ma lừa. Nghĩa là có ác ma vì muốn lừa gạt Bồ Tát nên phương tiện hóa làm các thứ hình tượng, đi đến chỗ Bồ Tát nói rằng: Chư Phật quá khứ đã từng thọ ký cho bạn thành đại Bồ đề, bạn đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề quyết định sẽ đắc, chẳng còn thối lui. Tên tuổi sai khác trong bảy đời của bạn, cho đến cha mẹ, anh em, bạn bè, dòng họ, ta đều biết hết. Bạn sanh ở phương đó, nước đó, thành đó, ấp đó, trong xóm làng đó. Bạn sanh năm tháng đó, ngày giờ đó, sanh vào ngôi sao của Thiên Vương đó.

Nếu Bồ Tát yếu đuối lại háo danh, nghe ác ma nói như vậy, tỏ ra thích thú rồi nhân đó tăng thượng mạn khinh khi các Bồ Tát khác. Vì vậy, nếu các Bồ Tát muốn đắc quả vị Vô Thượng Bồ đề thì nên biết rõ về các việc làm của ác ma.

Lại nữa, có các Bồ Tát bị ma khống chế, bị ma mê hoặc, chỉ nghe danh tự, sanh chấp trước sai lầm. Vì sao? Vì các Bồ Tát này chưa tu hành đầy đủ sáu pháp đến bờ kia và vô lượng vô biên các Phật pháp khác, do nhân duyên này nên bị chúng ma dễ dàng thao túng. Các Bồ Tát này nghe chúng ma tâng bốc: “Hạnh nguyện tu hành của bạn đã viên mãn, sẽ đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, khi bạn thành Phật sẽ đạt công đức danh hiệu như vậy…”

Nghĩa là ác ma biết Bồ Tát này luôn luôn ước nguyện như vậy, nên theo sự ước nguyện mà thọ ký cho Bồ Tát đó, nên kiêu mạn càng tăng, lại nghĩ: Ta vào đời vị lai chắc chắn sẽ thành Phật, đạt được công đức danh hiệu như vậy. Các Bồ Tát khác không thể bằng ta.

Phật bảo Thiện Hiện:                                

- “Thiện Hiện nên biết! Như Ta đã nói, các hành tướng trạng ở địa vị Bất thối chuyển, các Bồ Tát này đều chưa thành tựu, chỉ nghe ma nói thành Phật với danh hiệu hư dối liền sanh kiêu mạn, khinh miệt, chê bai các Bồ Tát khác. Do đó mà các Bồ Tát này xa lìa quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, các Bồ Tát này xa lìa phương tiện thiện xảo của Bát nhã Ba la mật , lìa bỏ bạn lành, bị bạn ác khống chế nên phải rơi vào địa vị Thanh văn hoặc Độc giác.

(…)Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này nếu có thân này mà chẳng đắc chánh niệm, chẳng thể sám hối lỗi lầm, chẳng lìa bỏ tâm kiêu mạn, chẳng ưa nương gần bạn lành chơn tịnh thì những Bồ Tát đó nhất định luân hồi trong sanh tử nhiều đời, sau dù có tinh tấn tu tập các thiện nghiệp nhưng vẫn rơi vào điạ vị Thanh văn hoặc Độc giác. Ví như Bí sô cầu quả Thanh văn, đối với bốn tội trọng, nếu phạm một tội nào thì liền chẳng phải là Sa môn, chẳng phải là đệ tử của đức Thích ca. Người đó ngay hiện tại nhất định chẳng thể đắc quả Dự lưu v.v… vọng chấp hư danh Bồ Tát cũng như vậy, chỉ nghe ma nói thành Phật với danh suông liền sanh tâm kiêu mạn, khinh miệt, chê bai các chúng Bồ Tát khác. Nên biết, tội này nặng hơn tội Bí sô hủy phạm bốn tội trọng gấp vô số lần.

(…)Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này đối các Bồ Tát khác như bọn Chiên đồ la làm ô uế chúng đại Bồ Tát. Mặc dù hình tướng giống như đại Bồ Tát nhưng là kẻ giặc lớn trên trời, trong loài người; dối gạt trời, người, A tu la v.v… Thân tuy mặc pháp y của Sa môn nhưng tâm thường ôm ấp ý tưởng xấu xa như kẻ giặc. Những bậc phát tâm tới Bồ Tát thừa thì chẳng nên gần gũi, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi kẻ ác như thế. Vì sao? Vì bọn người này ôm lòng tăng thượng mạn, bề ngoài thì giống Bồ Tát nhưng bên trong lại đầy phiền não”.

Nếu đại Bồ Tát muốn đắc quả vị Giác ngộ tối cao thì phải hiểu lời nói về danh tự hư vọng như vậy là ma sự, phải biết nên tránh, nếu không muốn bị thối thất đạo Bồ đề!

 

4. Tu hạnh viễn ly:

 

Tu hạnh viễn ly không có nghĩa là xa rời mọi người để ẩn cư nơi núi rừng, đồng trống xa xôi, ít người qua lại. Muốn cắt đứt ngoại duyên, không để trần cảnh chi phối trong khi mới phát tâm, người tu thường đến những chỗ vắng vẻ để tu hành hay nhiều khi phải dùng chuông mõ Kinh kệ làm phương tiện nhiếp tâm. Đó là những hình thức tương đối giản dị để nhiếp tâm do Thầy Tổ đặt ra, tuy là hình tướng nhưng đôi khi mang lại kết quả tốt. Tuy nhiên, sống ở nơi xa vắng mà nghĩ tưởng vẩn vơ, chuông mõ lạc lõng, thì chẳng ích lợi gì. Cái tâm phan duyên vẫn còn đó, không nhiếp phục được thì một ngày nào đó cũng mở “cửa sau” lặng lẽ xuống núi thôi.

Còn bậc chân tu đạo hạnh, có công phu sâu dầy, coi “tửu điếm, cao lâu như đạo tràng” của mình, luôn luôn sống trong rõ ràng thường biết, niệm niệm chẳng đổi dời, nên có thể xa lìa các ác nghiệp phiền não. Đó chính là tu hạnh viễn ly chân chánh, dù sống giữa phồn hoa đô hội ồn náo hay nơi tạp nhiễm ô uế.

Tu tức phát xuất từ tâm, tâm đó là vô thức, vô niệm, vô tâm thì lấy gì mà phan duyên. Nên dù sống trong cảnh huống nào cũng “trơ trơ như Bụt”. Vì vậy, trong đoạn kinh này Phật bảo: “Này Thiện Hiện! Hạnh viễn ly này, chẳng lẫn lộn tác ý Thanh văn, Duyên giác, chẳng xen lẫn tất cả phiền não ác nghiệp, xa lìa các việc ồn ào phức tạp, rốt ráo thanh tịnh, khiến các Bồ Tát mau chứng quả vị Giác ngộ tối cao, lợi lạc hữu tình cùng tận đời vị lai, thường không dứt diệt”.

 

---o0o---

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]