- 01. Chút tâm sự để mở đầu buổi Hội Luận
- 02. Vận dụng bài học lịch sử cận đại về hoằng pháp của các cư sĩ tiền bối
- 03. Thật tâm, Thâm tâm và Bồ Đề tâm là ba sức bật Hoằng Pháp
- 04. Nghiệp Hoằng pháp: Hãy giữ linh hồn cho nhau!
- 05. Cư sĩ và việc hoằng pháp
- 06. Phật tử là người Hoằng Pháp
- 07. Đúc kết buổi “Hội luận Đuốc Tuệ 2011”
- 08. Người Cư sĩ gương mẫu
- 09. Vấn đề đào tạo Cư sĩ Hoằng pháp
- 10. Đào tạo Giáo thọ sư tại Mỹ
- 11. Hải ngoại và Dòng Sinh mệnh Phật giáo
- 12. Người Cư sĩ Phật giáo
- 13. Người Cư sĩ phải làm gì để Truyền bá Phật giáo trong Thế kỷ 21
- 14. Tu học để hoằng pháp
- 15. Đem Phật pháp đến cho giới trẻ
- 16. Tăng đoàn của Đức Phật buổi sơ khai và Vài ý nghĩ về Hoằng pháp
ĐÓNG GÓP CỦA CƯ SĨ
TRONG VIỆC HOẰNG PHÁP TẠI HẢI NGOẠI
(Kỷ Yếu Hội Luận 2011, Hội Phật Học Đuốc Tuệ)
Phần Ba - Bài viết Tham chiếu
VẤN ĐỀ ĐÀO TẠO CƯ SĨ HOẰNG PHÁPThích Viên Giác
Xã hội hiện đại là một xã hội năng động, tốc độ phát triển rất cao, đang và sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trên mọi lãnh vực. Vấn đề cạnh tranh tôn giáo cũng đang rất nóng, sự tìm kiếm phương thức thu hút tín đồ, tạo ảnh hưởng của tôn giáo trong lòng xã hội qua các phương tiện thông tin, qua các hoạt động truyền giáo .Đặc biệt việc đào tạo đội ngũ cán bộ truyền giáo trở thành chiến lược của các tôn giáo.
Phật giáo tuy có lợi thế về văn hóa truyền thống, về giáo lý sinh động và thực tiễn, nhưng về mặt tổ chức, đào tạo cán bộ truyền đạo thì chưa được quan tâm đúng mức. Trên thực tế Phật giáo thua sút rất xa so với các tôn giáo bạn. Điều làm chúng ta băn khoăn ở chỗ, khẩu hiểu của Phật giáo là “Hoằng pháp vi gia vụ”, có vẻ như nó được coi là việc nhà của quý Thầy hơn là của tín đồ Phật giáo.
Thời gian gần đây, vấn đề giáo dục người cư sĩ được quan tâm, dù hơi muộn, nhưng chỉ có tính đối phó các thách thức trước mắt hơn là kế lâu dài và bền vững. Trên sách lược vĩ mô vẫn chưa thấy bóng dáng và lối đi cho hàng ngũ cư sĩ. Đã đến lúc chúng ta phải tập trung vào kế hoạch trồng người như cổ nhân đã nói : “Nhất niên chi kế mạc như thọ cốc; thập niên chi kế mạc như thọ mộc; chung thân chi kế mạc như thọ nhân” (Kế hoạch một năm không gì bằng trồng lúa; kế hoạch mười năm không gì bằng trồng cây; kế hoạch trọn đời không gì bằng trồng người).
Chương trình giáo dục và đào tạo người cư sĩ có khả năng giữ đạo và phát triển đạo cần phải được triển khai sâu rộng, nhất là ở đơn vị cơ sở chùa chiền, cần có chính sách kích thích công đức hoằng pháp của người cư sĩ.Nhiệm vụ cao cả về giáo dục và đào tạo người cư sĩ như trên phải là gánh nặng của vị trụ trì hay của cán bộ cơ sở của giáo hội. Hiện nay chúng ta đang tập trung trách nhiệm cho cán bộ thượng tầng nên hiệu quả không cao và rất tạm thời. Sự thay đổi cơ cấu nhân sự ở cấp cao thường diễn ra theo từng nhiệm kỳ, điều đó dẫn đến khó bảo lưu đường lối đúng và những thành quả hoằng pháp.
Xã hội hiện đại đang mở rộng theo đà tăng trưởng kinh tế, các hội đoàn của các tôn giáo và xã hội được luật pháp cho phép hoạt động ngày càng nhiều, điều đó đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, xây dựng đạo đức cộng đồng, xây dựng gia đình và các nhu cầu sinh hoạt của các thành phần khác nhau trong xã hội...
Chúng ta cần chuyển hướng quan tâm vào các tầng lớp cư sĩ, họ là những người có điều kiện và cơ hội tiếp cận với con người xã hội, họ có thể làm cánh tay nối dài của quý Thầy để đưa đạo vào đời một cách có hiệu quả. Chúng ta không dừng lại ở điểm đích giảng dạy giáo lý mà phải quan tâm sâu sắc đến mục tiêu giáo dục, đào tạo người cư sĩ trở thành lực lượng hoằng pháp.
Ngôi chùa và hàng ngũ cư sĩ đối với chiến lược hoằng pháp
Hoằng pháp luôn cần có cơ sở, có nhiều loại cơ sở, ở đây chỉ nói hạn hẹp là ngôi chùa. Chùa được coi là “ Cơ quan truyền bá chánh pháp Phật đà”, với vai trò như vậy, ngôi chùa là nơi đáp ứng mọi yêu cầu của tín đồ về mặt tinh thần, tâm linh. Đồng thời, là nơi triển khai, điều chỉnh và định hướng tu học, tư tưởng, đường lối của Giáo hội. Vì vậy, một ngôi chùa cần có đủ nhân sự để cung ứng cho các Phật sự được thành công. Chư tôn đức Tăng Ni chỉ là một phần của lực lượng nhân sự, cần có đội ngũ cư sĩ hổ trợ, càng mạnh càng tốt. Các tôn giáo bạn, đội ngũ cán bộ tín đồ rất lớn bao gồm cả hai thành phần chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp.
Có một câu khẩu hiệu thường được treo ở các chùa : “Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa, thiền môn hưng thịnh nhờ Đàn việt phát tâm”, khẳng định vai trò của chư Tăng là hoằng dương Phật pháp còn người cư sĩ thì lo ủng hộ (vật chất) chùa chiền. Sự phân công rạch ròi như vậy, vô tình làm giới hạn sứ mệnh của người cư sĩ và làm giảm tác dụng hoằng pháp. Trong thời hiện đại Đạo Phật không thể co mình trong khuôn viên của ngôi chùa, và bị hạn chế trong sắc phục của người tu sĩ, trong khi các tôn giáo bạn đang vận động tích cực mang tầm quốc tế vừa vĩ mô vừa vi mô mà trọng trách phải gánh là các tín đồ. Chúng ta cần thay đổi cách nhìn và trong cách hành động, nên làm như ngày xưa Phật đã dạy: “Tứ chúng đồng tu”.(Bốn chúng đều thực hành Phật pháp, thực hành Phật pháp không bao giờ chỉ mang tính cá nhân, tự giác luôn đi với giác tha).
Hàng ngũ cư sĩ cần được giáo dục toàn diện, về số lượng và cả chất lượng. Về số lượng, tập trung tối đa số lượng hiện có; Về chất lượng, giáo dục cho họ hiểu được giáo lý căn bản và sự thực hành hằng ngày của người Phật tử. Mọi người Phật tử cần sống theo nguyên tắc đạo đức của một Phật tử, cần có nhân cách phù hợp với đạo lý giải thoát. Trên cơ sở ấy, chúng ta giữ được phẩm chất và tác dụng của Đạo Phật đối với xã hội.
Ngoài việc giáo dục đạo lý và lối sống hiền thiện, ta cần chọn lọc những thành phần Phật tử có tâm huyết, có khả năng và điều kiện để đào tạo, huấn luyện các kỹ năng hoằng pháp một cách có hệ thống. Chuẩn bị cho họ vị trí và tâm thế hành Bồ tát hạnh, đi vào xã hội truyền bá chánh pháp. Chương trình đào tạo cần thiết thực và chuyên môn hóa.
Mục tiêu của chúng ta là đào tạo, huấn luyện những người cư sĩ nòng cốt trở thành một tác viên hoằng pháp tương đương như đào tạo một người tu sĩ mà trong Phật giáo đại thừa gọi là Bồ tát tại gia. Điều nầy có ý nghĩa rằng, sau khi họ được đào tạo, họ có thể tự thân vận động giữa dòng đời đầy biến động mà không cần một vị Thầy đi kèm. Một ngôi chùa, nếu chỉ hưng thịnh khi có một vị Thầy giỏi thì sự phát triển của ngôi chùa ấy chỉ là giai đoạn, không có sự bền vững, lâu dài. Một đội ngũ cư sĩ có phẩm chất sẽ làm cho ngôi chùa đứng vững và phát triển được dù có Thầy hay không. Có người cho rằng, người cư sĩ giỏi thường lấn lướt quý Tăng Ni hoặc có thể trở thành người tự cao tự đại khó điều khiển... Tôi cho rằng đó không phải là vấn đề, vấn đề là chương trình giáo dục và phương pháp đào tạo có đúng hướng hay không. Người cư sĩ là một Cận sự nam (nữ), vai trò rất rõ là thân cận hộ trì Phật pháp, trợ giúp cho quý Thầy truyền bá chánh pháp, nghĩa là luôn đứng sau và dưới sự chỉ đạo của quý Thầy. Khi được đào tạo đúng hướng họ sẽ là người hộ trì chánh pháp đúng nghĩa, chia sẻ gánh nặng cho quý Thầy và gánh vác nhiều lãnh vực Phật sự quan trọng.
Đào tạo kỹ năng hoằng pháp cho người cư sĩ
● Kỹ năng tu học đào luyện phát triển tâm linh: Người cư sĩ hoằng pháp cần có khả năng huấn luyện chính mình (tức là hoằng pháp cho mình trước) qua chương trình tu tập hằng ngày như: kỹ năng hành thiền, tụng kinh, khóa tu niệm Phật, tu bát quan trai, thực tập chánh niệm... nhờ kỹ năng này mà người cư sĩ có đời sống tâm linh cao, hạnh nguyện và lý tưởng được củng cố, thành tựu được phẩm chất cao đẹp của người Phật tử. Đồng thời có thể thuyết giảng thay cho chư Tăng khi cần thiết. Họ có thể chủ động hoằng pháp trong môi trường sống và làm việc của họ.
● Kỹ năng tổ chức, quản lý, điều hành: Người cư sĩ hoằng pháp luôn sát cánh bên quý Thầy trong các chương trình tu học của chùa, chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo các khóa tu, các lễ hội, quảng bá thông tin đến với quần chúng Phật tử và xã hội.
● Kỹ năng trợ niệm vãng sinh: Nhu cầu về trợ niệm vãng sinh rất lớn và rất cần trong việc hoằng pháp. Cần có một ban nghi lễ chuyên lo việc trợ niệm khi sắp lâm chung, tống táng khi đã qua đời và an ủi người thân đang đau khổ. Một người cư sĩ biết cách thực hiện nghi thức chuyển nghiệp cho người hấp hối và biết cách tổ chức tống táng cho người chết sẽ có ảnh hưởng rất lớn cho Đạo.
● Kỹ năng tư vấn tâm lý và chuyển hóa niềm đau nổi khổ: Người cư sĩ hoằng pháp cần trang bị cho mình khả năng tư vấn, hướng dẫn tư duy tích cực, giúp cho một người đang vướng mắc vào hoàn cảnh khó khăn thoát khỏi tình trạng hụt hẫng tâm lý. Mặt khác, người cư sĩ hoằng pháp cần có năng lượng tâm linh cao và phương pháp chuyển hóa khổ đau bằng năng lượng tâm linh ấy. Sự có mặt của người cư sĩ đúng lúc sẽ giúp đỡ rất nhiều cho bạn đạo và cho những người đang gặp bế tắc trong cuộc sống. Tác dụng hoằng pháp sẽ rất lớn.
● Kỷ năng hướng dẫn thanh thiếu niên Phật tử: Người cư sĩ hoằng pháp cần ý thức rõ tầm quan trọng của việc tổ chức giáo dục thanh thiếu niên Phật tử. Đối với Phật tử lớn tuổi, việc đến chùa tu học gần như là nhu cầu ăn uống (thức ăn tinh thần), tương đối dễ tập hợp. Nhưng với Phật tử trẻ thì rất khó vì chưa ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển tâm linh. Trong khi đó, giới trẻ có quá nhiều cám dỗ ngoài xã hội. Gia đình nào cũng quan tâm đến việc tìm kiếm môi trường sinh hoạt lành mạnh cho con em mình. Hơn nữa, tương lai của Phật pháp thịnh hay suy tùy thuộc vào tuổi trẻ Phật giáo hiện nay ra sao. Hãy quan tâm đến công tác tập trung sinh hoạt hằng tuần cho thanh thiếu niên Phật tử và đầu tư vào chương trình sinh hoạt khác nhau qua các lễ hội văn hóa để tạo sân chơi cho thanh thiếu niên.
Tóm lại, vấn đề giáo dục đào tạo người cư sĩ có khả năng hoằng pháp là một sách lược quan trọng đối với sự phát triển của Phật pháp trong thời hiện đại. Sứ mệnh đào tạo nầy đặt trong tay của vị trụ trì và lãnh đạo giáo hội cấp cơ sở là thiết thực và hiệu quả nhất. Ban hoằng pháp trung ương, tỉnh thành sẽ định hướng và xây dựng nội dung, chương trình cũng như giám sát tiến độ và hiệu quả của chương trình.
Chúng tôi tin rằng với sự nhận thức đúng đắn và hành động kịp thời của chư tôn giáo phẩm lãnh đạo, chúng ta sẽ có một đội ngũ cư sĩ đủ mạnh để phát triển Phật pháp, đưa đạo vào đời làm lợi ích cho xã hội.
Thích Viên Giác