Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Nghiệp Hoằng pháp: Hãy giữ linh hồn cho nhau!

26/02/201218:01(Xem: 7847)
04. Nghiệp Hoằng pháp: Hãy giữ linh hồn cho nhau!

ĐÓNG GÓP CỦA CƯ SĨ 

TRONG VIỆC HOẰNG PHÁP TẠI HẢI NGOẠI
(Kỷ Yếu Hội Luận 2011, Hội Phật Học Đuốc Tuệ)

NGHIỆP HOẰNG PHÁP:
HÃY GIỮ LINH HỒN CHO NHAU!
Huyền Độ Đỗ Vinh

Sống trong một xã hội mà đại đa số người Hoa Kỳ đều theo đạo Thiên chúa giáo, người Phật tử không khỏi cảm thấy cô đơn và cô lập giữa dòng đời trôi chạy với bao nhiêu tất bật, bao nhiêu thử thách chỉ vì miếng cơm manh áo… Từ tư gia tới nhà trường, từ công xưởng tới pháp đường, người Phật tử chỉ cầu mong tìm được đến sự “an lành” thì đã cảm thấy thành công và hạnh phúc lắm rồi! 

Là thiểu số ở “xứ lạ quê người”, trong tư thế “thụ động”, người Phật tử chúng ta, (trong đó có những “tu sĩ” lẫn “cư sĩ”) đã làm quen với sự nhẫn nhịn, hỷ xả, và bỏ mặc cho ứng xử cố chấp của những kẻ chưa “đắc đạo”. Chúng ta hạ quyết tâm nhất định xa lìa tham-sân-si, trong khi chung quanh chúng ta là bao nhiêu người tham vọng, manh tâm tranh chấp mọi thứ? Như vậy, chúng ta hy vọng gì ở xã hội Tây phương với hệ thống kinh tế tư bản, mà nguyên lý chủ đạo lại căn cứ trên mạnh thắng yếu, tích cực thắng tiêu cực, năng động thắng thụ động? 

Tôn giáo của người Tây phương chú trọng sự truyền bá, phát huy tới “tận trái đất”, trong khi người Phật tử chỉ cầu mong “một mảnh đất thừa để dựng ngôi chùa nhỏ”. Xem như vậy có bạc nhược yếm thế không? Thực tế là người Phật tử chúng ta chỉ quây quần trong cộng đồng người Việt mà không thể nào chia sẻ tôn giáo của chúng ta với các cộng đồng bạn? Nếu quả dưng như vậy thì bàn gì nữa về “hoằng pháp” bởi vì Chánh pháp của Đức Phật, do đó, chỉ tồn tại biệt lập trong cộng đồng chúng ta mà không thể phát triển xa hơn. 

Nếu “hoằng pháp” có nghĩa là đóng cửa “tu tại gia” để đạt tới tình trạng “thân tâm an lạc” cho cá nhân chúng ta và gia đình chúng ta thì hẳn là chúng ta chỉ “hoằng pháp” cho nhau mà thôi, thế nào cũng dẫn đến sự mai một và dần dần đưa đến chỗ triệt thoái. Những người trẻ chúng ta hiểu gì về “hoằng pháp” và chúng ta có khả năng giải thích cho người trẻ hay người ngoài về ý niệm này không? Chúng ta có thể vượt lên trên rào cản của ngôn ngữ và văn hóa hay không? Chúng ta có thể hội nhập được xã hội của người bản xứ đến mức có thể thâm nhập dòng chính với những khái niệm riêng biệt của chúng ta về đạo pháp? Nhưng nếu chúng ta thật sự làm được điều này thì tại sao phải làm? Động cơ nào thúc đẩy? Giải thích như thế nào? 

Hoằng pháp có phải là “nghiệp” hay không? Trước hết, phải hỏi “nghiệp” là gì? “Nghiệp” tức là Yết-ma(zh. jiémó 羯磨, ja. katsuma) là từ phiên âm chữ karmatrong tiếng Phạn, là việc làm, hành vi (nghiệp 業, tác ...) Vậy, tất cả những gì chúng ta làm đều tạo nên “nghiệp”, và “nghiệp” cũng là động cơ thúc đẩy chúng ta có những hành vi tốt hay xấu, công hay tội. Động thái “hoằng pháp” có khả năng tạo nên nghiệp tốt, và từ cái nhân đó, chúng ta sẽ gặt hái được những “quả”-- đó là sự an lành, không hơn không kém. Bởi vì khi chúng ta chia sẻ sự an lành cho người khác thì chúng ta cũng thụ hưởng được sự an lành trở ngược lại với chúng ta, thay gì phải phấn đấu, tranh giành với nhau trùng trùng điệp điệp trong sự xáo trộn vô cùng vô tận.

Nhìn sang những cộng đồng quốc gia khác, thấy muôn trùng sự cố chấp, tranh chấp, đưa đến sát hại, chiến tranh triền miên… Chúng ta hãnh diện là người Phật tử, sống với lý tưởng hòa bình, nhưng không thụ động, không vịn vào chữ “nghiệp” để khỏa lấp và biện minh cho thái độ bạc nhược yếm thế. Chúng ta không thể quên thực hiện bất cứ điều nào trong ba điều: Bi-Trí-Dũng. Chúng ta không phải truyền bá nhưng phải tự chứng niềm tin của mình qua những hành động tích cực và cụ thể. Chúng ta phải công nhận Hoa Kỳ là quê hương hiện tại và tương lai của nhiều đời con cháu chúng ta, và cần phải đóng góp để xây đắp đất nước này với những “nghiệp” tốt đế mọi người cùng hưởng phúc lợi. 

Tu tại gia không đủ, chúng ta còn phải tu tại nhà trường, tu tại công xưởng, tu tại pháp đường. “Tu” có nghĩa là “sửa đổi”-- là làm tốt hơn những gì chưa hoàn hảo trong hiện tại. Chúng ta không chỉ đến Hoa Kỳ để thụ hưởng nền văn minh của xã hội dân chủ tự do mà chúng ta còn phải đóng góp cho đất nước này những tinh hoa văn minh của Từ bi, Nhân ái, Hòa bình và Dân sinh của văn hóa ưu việt con Rồng cháu Tiên. Như vậy mới đúng nghĩa “hoằng pháp”— là “mang chuông đi đánh xứ người”. 

Hơn bao giờ hết, người Việt chúng ta tại Hoa Kỳ phải chứng minh giá trị chúng ta trong cộng đồng thế giới. Tư tưởng và khái niệm tôn giáo của chúng ta cần ảnh hưởng và có tác động đến mọi sinh hoạt trong xã hội mới và biến chuyển dân tình thế sự một cách tích cực, cụ thể, không mơ hồ. Tại trường học, chúng ta phải đòi hỏi bình đẳng về quyền tự do tín ngưỡng, sách giáo khoa phải phản ảnh tôn giáo chúng ta và nhà trường phải cho phép con em chúng ta nghỉ phép những ngày đại lễ như các tôn giáo khác. Tại công xưởng, chúng ta không phải tiếp tục “nhẫn nhịn” để các đồng nghiệp qua mặt hưởng lợi thăng bổng trong khi chúng ta an phận làm kẻ kém thua chỉ vì tôn giáo chúng ta dạy ta từ bi hỷ xả. Bởi vì chúng ta quá hiền lành cho nên quyền lợi thường bị chà đạp bởi những kẻ gian manh tham vọng, không hiểu luật nhân-quả và cũng chẳng biết Yết-ma là gì. Khi chúng ta bị hoạn nạn, lao lý, trước pháp đường chúng ta lúng túng giữa “tội” và “nghiệp”, thật tội nghiệp! Bởi vì ở xã hội trọng pháp như Hoa Kỳ, công lý chỉ xét “tội” mà không xét “nghiệp”, xử “tội” mà không xử “nghiệp”. Người Hoa Kỳ không quan niệm về nhân-quả như chúng ta cho nên họ hành xử “hợp lý” nhiều hơn là “hợp tình”. 

Chúng ta phải “hoằng pháp” những người bạn “nước ngoài” này để họ có thể hiểu thêm về văn hóa, văn minh của chúng ta, để họ có thể tránh được những nghiệp xấu vì những tham-sân-si của họ gây ra. Chúng ta không chỉ luôn luôn cầu cho người Việt và đất nước Việt Nam, mà còn cần phải cầu nguyện cho nước Mỹ, cầu cho người Mỹ ăn năn sám hối, trong đó, có những người Mỹ gốc Việt, con cháu chúng ta nay đã “Mỹ-hóa” và quên đi những truyền thống cao quí của người Việt Nam. 

Chúng ta có thể bắt đầu “nghiệp hoằng pháp” ngay, mà không phải chờ đợi ở bất cứ một lãnh tụ hay một chính quyền nào chấp thuận hay cho phép. Chúng ta có thể sống theo lý tưởng “đa đạo đức phá luật lệ” chứ không phải … đa kim ngân. Trong xã hội hiện đại, với sự liên kết giữa người với người càng siết chặt qua khoa học kĩ thuật của truyền thông như internet, chúng ta có phương tiện không chỉ “giữ linh hồn” của chính mình mà còn “giữ linh hồn” cho bạn của mình nữa! 

Ý nghĩa thật của hoằng pháp quả là: “giữ linh hồn cho nhau”. 

Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu Ni Phật. 

Huyền Độ Đỗ Vinh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]