- Tuyển tập 01
- Tuyển tập 02
- Tuyển tập 03
- Tuyển tập 04
- Tuyển tập 05
- Tuyển tập 06
- Tuyển tập 07
- Tuyển tập 08
- Tuyển tập 09
- Tuyển tập 10
- Tuyển tập 11
- Tuyển tập 12
- Tuyển tập 13
- Tuyển tập 14
- Tuyển tập 15
- Tuyển tập 16
- Tuyển tập 17
- Tuyển tập 18
- Tuyển tập 19
- Tuyển tập 20
- Tuyển tập 21
- Tuyển tập 22
- Tuyển tập 23
- Tuyển tập 24
- Tuyển tập 25
- Tuyển tập 26
- Tuyển tập 27
- Tuyển tập 28
- Tuyển tập 29
- Tuyển tập 30
- Tuyển tập 31
- Tuyển tập 32
- Tuyển tập 33
- Tuyển tập 34
- Tuyển tập 35
- Tuyển tập 36
- Tuyển tập 37
- Tuyển tập 38
- Tuyển tập 39
- Tuyển tập 40
- Tuyển tập 41
- Tuyển tập 42
- Tuyển tập 43
- Tuyển tập 44
- Tuyển tập 45
- Tuyển tập 46
- Tuyển tập 47
- Tuyển tập 48
- Tuyển tập 49
- Tuyển tập 50
Tình Tự Quê Hương 15
01. Bình minh chưa ló dạng
02. Vần thơ còn đó đẹp thay
03. Là thi sĩ, nghĩa là…
04. Thương những gia đình bất hạnh
05. Thương trẻ thơ quê nghèo khốn khó
06. Lá rụng về cội
07. Uống nước nhớ nguồn
08. Tôi không có bán thơ đâu
09. Nơi quê nghèo nho nhỏ
10. Những người em bé nhỏ của tôi ơi
Bình minh chưa ló dạng !
Tháng 03-2005
Đêm đã dài mà sao chưa được sáng
Ba mươi năm, đâu phải ít ỏi gì
Một phần ba thế kỷ, nhớ kỹ đi
Một phần ba đời người, còn chi nữa
Đâu có ngắn mà dằn co kèn cựa
Ba mươi năm đã quá đủ quá dài
Thế hệ già nua, rũ mục tuyền đài
Thế hệ tiếp theo, đã kề miệng lỗ
Thế hệ đàn em đã dài gian khổ
Con đường hầm vùi lấp ba mươi năm
Ánh sáng mịt mờ le lói xa xăm
Bồ hóng phủ mái tường rêu mấy lớp !
Thế hệ chúng ta, một đời bì bọp
Cũ cũng đeo mà mới cũng nửa vời
Ngả ba đường đều cuốn hút chơi vơi
Đẩy hai chiều xát xây mòn sông núi
Hoàng hôn xuống bóng đêm về tăm tối
Đã mù mờ mà lại thiếu trăng sao
Nghe vi vu thoang thoảng gió xạc xào
Đêm chưa hết màn đêm còn dày lắm
Nước Biển Đông vơi đi mùi muối mặn
Dãy Trường Sơn mờ sương khói sơn khê
Ba mươi năm đom đóm vẫn lập lòe
Ráng chớp nháy bình minh chưa ló dạng !!!
Vần thơ còn đó, đẹp thay !
Tháng 03-2005
“Đố ai quét sạch lá rừng
Để ta kêu gió, gió đừng rung cây”
Đố ai đón hết vầng mây
Để ta chận lại, mây nầy thôi bay
Đố ai làm nước không lay
Để ta gọi sóng đừng đày gió sương
Đố ai quét sạch bụi đường
Để ta kêu bụi đừng vương vãi nhiều
Đố ai nhặt hết cô liêu
Để ta nhốt lại buồn hiu một nhà
Đố ai nhặt hết thơ ca
Để ta thôi động âm ba tao đàn
Đố ai nhặt hết trăng vàng
Để ta thôi bắt đường ngang lối về
Đố ai chận nước bờ đê
Để ta gọi nước vỗ về bên sông
Đố ai cắt giá mùa đông
Để ta kêu rét đừng trông lạnh lùng
Đố ai nhặt hết thu vàng
Để ta gọi lá đừng tan lìa cành
Đố ai sống hết xuân xanh
Để ta cho trẻ không thành già nua
Đố ai đếm hạ mấy mùa
Để ta gọi nóng chào thua oi nồng
Đố ai nhặt hết diêu bông
Để ta kêu én đừng hòng se tơ
Đố ai đón hết vầng thơ
Để ta gát bút trông chờ mà chơi
Nếu không, ta viết mấy lời
Thành câu thi phú cuộc đời của ta
Cho đời ý vị vậy mà
Như câu tục ngữ, như ca dao này
Vần thơ còn đó đẹp thay.
Là thi sĩ, nghĩa là ...!
Tháng 03-2005
Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Ôm bóng đêm nói chuyện với trăng sao
Tai có thể nghe ngàn vạn lý xạc xào
Mắt có thể thấy khuất muôn trùng vời vợi
Là thi sĩ không thấy mình trơ trọi
Cỡi sông ngân nói chuyện với thiên hà
Vượt cung trăng để thăm viếng Hằng Nga
Căn gác nhỏ nhưng nhìn trời đất hẹp
Nhìn vũ trụ như bàn tay mở khép
Nhìn huyễn sinh như một hớp cà phê
Nhìn công danh thấy mặt mũi ê chề
Nhìn phú quí bèo nhèo đôi dép bỏ
Là thi sĩ gom vòm trời nho nhỏ
Sống riêng mình như một ốc đảo hoang
Còn thì còn như vạn hữu càn khôn
Mất thì mất li ti hơn hạt bụi
Vụt một cái đưa hồn lên đỉnh núi
Biến cái vèo có mặt giữa biển khơi
Phóng cái nhìn có mặt khắp nơi nơi
Vò một cái nát tan không tụ điểm
Chợt quay lại, mệt mỏi rồi, ngưng chuyện
Ly cà phê còn mấy giọt sau cùng
Nghiên cái ly, quẹt một cái, sạch chung
Gác ngòi bút trở về trong thực tại.
Thương những gia đình bất hạnh !
Tháng 03-2005
Căn nhà này, sao hoang tàn đổ nát
Từ ngoài vào trong, sao vắng vẻ lạnh tanh
Nơi bàn thờ, nhiều mạng nhện bao quanh
Nhện cũng bỏ đi, vì không còn ruồi muỗi
Nơi sau vườn, cỏ cao bằng đọt chuối
Chuối trỗ buồng, rồi chín, héo, đeo cây
Nơi cửa trước không cài, bao lớp bụi phủ dày
Khu xó bếp xác xơ, tro tàn bay muốn hết
Mái nhà tranh như rổ nang, đan kết
Đếm sao trời, không thiếu ánh sao thưa
Trên nền nhà lưu lại những vết mưa
Mùi ẩm thấp đóng rêu xanh mấy lớp
Bên bờ ao, cá ngậm tăm, không đớp
Súng chen bèo buồn ủ dột lặng thinh
Chim bay ngang vương theo bóng in hình
Vẽ thành nét “cửa nhà ai vô tự” !!!
Chợt ngẫm nghĩ rồi đâm ra tư lự
Căn nhà này nhớ có mấy anh em
Không lẽ nào thần sống đã gạch tên
Hay không lẽ loạn ly đều đi cả
Mấy ụ đất hơi nhô trông thấy lạ
Lại nghiêng nghiêng theo hàng lối bên hè
Đến gần trông, thấy lành lạnh hơi e
Đọc những chữ ngoằn ngoèo trên tấm gỗ
À, thì ra đây là những nấm mộ
Nào cha, nào mẹ, nào anh, nào chị, nào em
Hướng mắt về nơi nào đó buồn tênh
Để hình dung trên quê hương mình,
Còn bao nhiêu những gia đình bất hạnh !!!
Thương trẻ thơ quê nghèo khốn khó !
Tháng 03-2005
Có những chuyến buồn buồn đi thăm vội
Nhìn những em bé nhỏ ở miền quê
Từ sáng tinh mơ, cho đến chiều về
Tôi đều thấy các em ngày hai buổi
Sống quanh quẩn chung quanh nhà, cặm cụi
Tưới nước, bón phân, nhổ cỏ, vun trồng
Lượm hột, hái điều, lang, sắn, ngô đồng
Da bánh ít, mái tóc thề, óng mượt
Vừa chị, vừa em, quây quần lũ lượt
Em lặt rau, chị thổi lửa nấu cơm
Thỉnh thoảng trông, mỗi sáng đến chiều hôm
Tôi không thấy những gì là đèn sách
Nghĩ thấy tội cho nên tôi tìm cách
Hỏi xa gần rồi lại hỏi gần xa
Khi nghe xong thì tôi đã hiểu ra
Nhà nghèo khó nên làm sao đi học
Những vùng sâu vùng xa, và nhiều nơi heo hút
Từ ê a, cho đến hết vỡ lòng
Hay đánh vần xuôi ngược, thế là xong
Đọc lấp bấp con nhà quê nghèo khó
Thôi giã từ, nghe các em nho nhỏ
Đi đó đây, tôi vẫn nhớ xa xôi
Thật cảm thương cho những đứa em tôi
Đời khép lại như quê nghèo khốn khó !!!
Lá rụng về cội
Tháng 03-2005
Lá rụng về cội
Nghĩa là sao mà ta thường hay nói
Để cùng nhau nhắc nhở lại cho đời
Nghĩa thật gần và cũng thật xa xôi
Vừa nghĩa đen lại còn thêm nghĩa bóng
Này em nhé ! Ngồi đây chơi, đỡ nắng
Em coi kìa, chiếc lá rụng, về đâu
Còn đu đưa phơn phớt gió xanh màu
Khi rớt xuống, cho vàng bay chiếc lá
Rụng về cội, em nghe hơi thấy lạ
Rớt gốc cây, em thấy đó, phải không
Cây với cội cùng một nghĩa theo dòng
Xa hơn nữa, đó là nguồn lịch sử
Từ dưới đất, cây vươn lên đấy chứ
Qua thời gian, cây đâm lộc nẩy chồi
Dù cây non, hay đại thọ sống đời
Cỡi vô thường băng ngang dòng cát bụi
Lá rơi rụng, vàng vàng bay, mục, thúi
Từ đất lên, trả về đất, tốt tươi
Một ngày kia, khi em đứng tuổi rồi
Em mới nhớ, những gì xa xưa cũ !
Nhớ, nhớ mãi, không bao giờ biết đủ
Của những gì, xa xưa nữa, em ơi
Tục ngữ kia dù chỉ có mấy lời
Nhưng giải bày thì vô cùng thâm thúy
Nói ít hiểu nhiều, mới càng ý vị
Lá rụng về cội, là thế nghe em
Khi về chiều, em sẽ hiểu bóng đêm
Càng thấm thía, nhớ thương về nguồn cội !!!
Uống nước nhớ nguồn
Tháng 03-2005
Uống nước nhớ nguồn
Mỗi một ngày, em thường uống luôn luôn
Hễ thấy khát, là em cần đến nước
Miễn là nước, dù nước gì cũng được
Khi uống vào, em sẽ hết khát ngay
Chỉ một câu ngắn gọn, nhưng thật hay
Vậy, uống nước nhớ nguồn, là sao nhĩ !!!
Ra bờ sông, nhìn dòng sông đang chảy
Nước ở đâu, mà cứ chảy tuôn hoài
Hãy hình dung một chút để thử coi
Nước chảy đó, tức có nơi xuất phát ?
Em hãy bước lên đầu non ca hát
Con suối reo róc rách đó, là nguồn
Đã là nguồn, thì nước mãi trào tuôn
Hễ có mưa là nước nguồn tuôn chảy
Và sao nữa, mà ông cha mình dạy
Uống nước nhớ nguồn, nghĩa lý cao siêu
Như hôm nay, em khôn lớn bao nhiêu
Nhờ công sức của mọi người mới có
Và kia nữa, như tấm thân em đó
Vương hình hài, nhờ cha mẹ sinh ra
Sống ở đời phải có cửa có nhà
Dù hơi tệ, thì nhà tranh, công viên, xó chợ
Và còn nữa, em ơi ! Luôn ghi nhớ
Phàm con người, phải có Tổ có Tiên
Có quê hương, dân tộc, đất nước mọi miền
Có lịch sử và những gì ông cha để lại
Uống nước nhớ nguồn, nhớ hoài nhớ mãi
Nhớ và trao nhau, từng thế hệ điểm tô
Nhớ và trao nhau, cùng gìn giữ cơ đồ
Chứ đừng sống vô tình,
Và chỉ biết mình em, em nhé !!!
Tôi không có bán thơ đâu !
Tháng 03-2005
Nhớ Hàn Mặc Tử bán trăng
Nhớ người khố rách làm văn bán nghèo
Cơ cùng ai bán mốc meo
Sơn khê ai bán giữa đèo hoang vu
Còn tôi xin bán cái ngu
Bán luôn cái dốt mặc dù chẳng mua
Bán luôn những cái hơn thua
Chỉ xin giữ lại quê mùa mà chơi
Bán luôn phi thị cuộc đời
Chỉ xin giữ lại cơ ngơi an bình
Bán luôn danh lợi lưu linh
Chỉ xin giữ lại nguyên trinh độc hình
Có ai mua được chình ình
Để tôi bán nốt nhục vinh đã nhiều
Bán luôn trưởng giả quan liêu
Bán luôn cái lạnh cuối chiều mùa đông
Bán luôn bèo bọt trôi dòng
Chỉ xin giữ lại bờ sông lần về
Bán luôn những cái nhiêu khê
Để coi trong nỗi ê chề ra sao
Bán luôn đến cả trăng sao
Chỉ xin giữ lại cây đào trước sân
Bán luôn những cái phong trần
Cho luôn chiếc bóng phù vân trôi bờ
Nhưng tôi không bán vầng thơ
Để tôi nhìn nó hững hờ tôi chơi
Mang thơ đi khắp cuộc đời
Rải thơ cùng khắp chơi vơi trên ngàn
Dù ai đã bán trăng vàng
Còn tôi gõ tiếng tao đàn thân thương
Dù ai khép lại nẻo đường
Nhưng thơ tôi đó, vương vương vô cùng !
Nơi quê nghèo nho nhỏ !
Tháng 03-2005
Tôi thương mái nhà tranh
Nơi quê nghèo nho nhỏ
Những ngày xa xưa đó
Dọc nước cạnh bờ ao
Cùng bọn trẻ ồn ào
Khắp thôn trên xóm dưới
Những đứa trang lứa tuổi
Vui giỡn những trò chơi
Sung sướng nhất cuộc đời
Là thời xưa bé nhỏ
Một tiếng kêu đâu đó
Là cả lũ hè nhau
Lấp ló trông trước sau
Là cùng nhau vọt lẹ
Bao năm trời như thế
Nên mọi nẻo trong làng
Khắp ngõ hẻm cùng hang
Như bàn tay năm ngón
Mỗi khi mùa nước lớn
Chặt chuối kết làm đò
Đẩy sào chạy ro ro
Té nhào lăn bì bõm
Đêm về bắt đom đóm
Bỏ trong bọc làm đèn
Cùng chí chóe rùm beng
Đèn của ta sáng quá
Qua rồi mùa lá mạ
Lúa gặt đổ đầy đồng
Mót từng bó ngóng trông
Chờ những khi đổi cốm
Khắp cùng trong lối xóm
Tiếng đập lúa hòa vang
Bọn trẻ kéo một đàn
Mà chơi trò cút bắt
Rạ, xót ơi là xót
Ù té, chạy ra sông
Nhảy xuống nước ùm ùm
Nước mềm môi dịu ngọt
Rồi tập tành đến lớp
Đánh xuôi ngược trường làng
Trôi theo bước thời gian
Qua rồi ngày thơ ấu
Đến nay nhìn theo dấu
Thỉnh thoảng nhớ xa xưa
Lại nhung nhớ sao vừa
Nơi quê nghèo nho nhỏ
Và thời xa xưa đó
Tuổi trẻ của tôi ơi !
Những người em bé nhỏ của tôi ơi !
Tháng 03-2005
Này, những người em bé nhỏ của tôi ơi !
Mới lớn lên, vào ngưỡng cửa cuộc đời
Đời sẽ đưa em đi muôn vạn nẻo
Hồn xinh xắn nhuộm trần gian khô héo
Lòng thanh thiên vấy nhân thế gợn màu
Những trang sách học trò gởi lại phía sau
Và đời em sẽ trở thành một pho sách truyện
Này, những người em bé nhỏ của tôi ơi !
Em sẽ đi, như những con tàu rẽ tuyến
Bụi thời gian, ngày thêm thấm dặm trường
Bụi không gian, ngày thêm thấm phong sương
Theo năm tháng, bào mòn bao sức lực
Thời thư sinh là cái thời đẹp nhứt
Tuổi trẻ thật dễ thương
Vui với mái học đường
Cùng bè bạn vui chơi trang đèn sách
Giữa trường học, trường đời, đôi bờ ngăn cách
Tôi nói trước với em, dù chỉ đôi câu
Nhưng rồi em sẽ hiểu thật thâm sâu
Những câu đó là những lời chân thực
Giữa hai nẻo, còn nhiều lằn mức
Em dần xa tuổi ngọc thiên thần
Vào cuộc đời, đối diện tân toan
Em sẽ đi trên nhiều gai góc
Này, những em bé nhỏ của tôi ơi !
Những ngày xưa em khóc
Vì những bài học, mở khóa không ra
Sợ thua chúng bạn, sợ thầy cô la
Nhưng ngày nay em khóc, vì đời không như em nghĩ
Sách vở là những huyền mơ, ly kỳ, mộng mị
Trường đời là những hiện thực, cạm bẩy, tạp đa
Sách vở kia, không phải của em, mà của người ta
Còn hôm nay, không phải dạo chơi, mà người trong cuộc
Em ơi, hãy thắp ngọn đèn trong tâm làm đuốc
Em ơi, hãy giữ đôi mắt thương yêu nhìn đời
Dù nay mai, có những lúc chơi vơi
Sẽ phí phạm nhiều tâm tư, trí lực
Xin chúc các em, tròn đầy hạnh phúc
Đường nhân gian em sẽ bước đi qua
Đường trần gian em sẽ nếm phong ba
Và thưởng thức bản trường ca nhân thế !!!