Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mật Tạng PGVN (Tập 2)

08/04/201312:28(Xem: 13616)
Mật Tạng PGVN (Tập 2)

MẬT TẠNG

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

TẬP II

Ban phiên dịch:

Thích Viên Đức, Thích Thiền Tâm

Thích Quảng Trí, Thích Thông Đức

Cư sĩ Huyền Thanh, Như Pháp Quân

---o0o---

08mattangpgvn

---o0o---

LỜI NÓI ĐẦU

Nam mô Thập phương Thường Trụ Tam Bảo.

Nam mô Ma ha Tỳ-lô-giá-na Phật.

Nam mô Nhất thiết Tôn Pháp Bí mật Đà-la-ni tác đại chứng minh.

Hơn hai ngàn năm trăm trước, Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni ra đời chỉ với mục đích " Khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến ".

Trải qua 49 năm thuyết pháp, Đức Phật nói ra nhiều Pháp môn tùy theo căn cơ, trình độ của mỗi chúng sanh, trong đó Mật giáo là một. Vẫn biết các Pháp môn vốn không có cao thấp, như Phật đã nói: "Nước trong bốn biển có cùng vị mặn, giáo pháp của ta cũng có cùng một vị- đó là vị Giải thoát ".

Tuy nhiên, Mật giáo theo như chư Tổ đã nói: "Muốn tìm hiểu và tu tập, cần phải trải qua phần Hiển giáo". Vì thế, từ lâu nay trong giới tu hành - đời lẫn đạo- không theo con đường chư Tổ đã dạy, nên gây ra nhiều hiểu lầm về Pháp môn nầy.

Để cho chư vị có nhân duyên với Pháp môn nầy, cũng như để làm sáng tỏ một ít vấn đề, giải đáp một ít sai lạc của người tu hành, người tìm hiểu, nghiên cứu. Tôi xin thay mặt cho hết thảy quí vị dịch giả, cố gắng dịch ra những kinh điển của Pháp môn nầy, truyền bá rộng rãi cho kẻ hữu duyên.

Được gia đình Cư sĩ Liên Hoa ( Thanh Minh ) phát nguyện đem hằng tâm, hằng sản ấn tống toàn Bộ Mật tạng, lần lượt theo phương tiện gia đình Phật tử có được.

Năm 2000 đã in ấn được quyển Mật tạng Phật giáo Việt Nam tập một. Lần nầy, Mật tạng Phật giáo Việt Nam tập hai ra đời và lần lượt các tập khác v.v... Mong rằng chư vị hữu duyên với Pháp môn nầy có tài liệu nghiên cứu và tu học, còn các vị khác có Kinh sách để tìm hiểu đường lối và mục đích của Mật giáo.

Như trong Kinh có nói: "Như có một người vào rừng chiên đàn, đập phá cây cối. Tuy vậy, họ vẫn được mùi thơm của cây thấm vào". Mong rằng hết thẩy chư vị khi có duyên cầm đến quyển Kinh nầy, dầu tùy thuận hay dầu phỉ báng, vẫn được lợi lạc.

Cầu xin mười phương chư Phật gia hộ cho gia đình Cư sĩ Liên Hoa ( Thanh Minh ) được trọn phần công đức trong việc in ấn, phát tâm nầy.

Trong sự phiên dịch cũng như in ấn, không làm sao tránh khỏi lỗi lầm. Một phần vì chúng tôi tài hèn, một phần Cư sĩ Liên Hoa ( Thanh Minh ) gia duyên ràng buộc, không làm trọn vẹn được. Ngưỡng mong chư vị xem xong, hoan hỷ bỏ qua và xin quí vị thấy có chỗ nào không hợp, mong nhờ chỉ dẫn cho. Chúng tôi rất mong sự đóng góp của quí vị.

Chúng con cúi đầu đảnh lễ Tam Bảo, cầu xin từ bi gia hộ cho chúng con được sám hối.

Và trong công việc dịch thuật và ấn tống nầy, có được một chút công đức nào. Chúng con đồng xin hồi hướng đến chúng sanh trong ba cõi đều được thấm nhuần Pháp nhủ, phát tâm Bồ đề, tinh tấn tu hành đạt đến Giải thoát.

Nam mô Chứng Minh Sư Bồ Tát.

Nam mô Cầu Sám Hối Bồ Tát.

Thay mặt cho hết thảy quí vị Dịch giả.

Tỳ kheo Thích Quảng Trí

 

THAY LỜI TỰA

Kính lễ chư Phật ba đời khắp cả mười phương

Kính lễ chư Tôn Pháp Tu-đa-la tạng đà-la-ni môn ba đời khắp cả mười phương

Kính lễ chư Hiền Thánh Tăng ba đời khắp cả mười phương.

Sau nhiều tháng chậm trễ vì gia duyên ràng buộc và vì biết bao nhiêu sự xáo trộn trong cuộc sống của người cư sĩ tại gia, cho đến hôm nay, một lần nữa, gia đình chúng con kính dâng tâm hương lên Tam Bảo ở khắp mười phương cùng Bổn Tôn Bồ Tát Đại Bi Quán Thế Âm và chư vị Thiên Long Bát bộ tác đại chứng minh cho việc hoàn thành sự ấn tống Tập II của Bộ Mật Tạng bằng chữ Việt, dâng cúng cho Phật giáo Việt Nam.

Dù gặp rất nhiều sự khó khăn, cùng sức người có hạn, nhưng hoài bão đóng góp vào việc lưu truyền những giáo pháp cao siêu của Đức Từ Phụ – nhất là về Mật thừa- Tông phái mà con đang tu tập, hành trì và muốn chia sẻ cùng tất cả mọi người hữu duyên để cùng lợi lạc.

Tập I của Bộ Mật Tạng đã được ấn tống vào năm 2000, gia đình chúng con đã dâng cúng các chùa, các Tự viện ở tại nước ngoài cũng như đã được chuyển về Việt Nam, như một đóng góp nhỏ nhoi trong việc bảo tồn và lưu truyền giáo pháp của Đức Từ Phụ.

Nhớ lại năm 1981, sau khi Thầy Thích Viên Đức viên tịch, ngọn đuốc Mật thừa đang bừng bừng ngời sáng và làm nhiêu ích cho nhiều người đang khổ nạn, cần cứu, bỗng nhiên bị ngưng đoạn. Những lần qua Chùa Thiền Tịnh ở Thủ Thiêm, Thủ Đức để dự lễ "Thất thất lai tuần" của Thầy, lòng vợ chồng con thật bùi ngùi xúc động. Thầy ra đi, nhưng ước muốn hoằng truyền Mật giáo như vẫn còn ẩn hiện trên di ảnh của Thầy. Công việc phiên dịch, truyền bá và phát triển Mật thừa v.v.. trong giai đoạn nầy thật là một việc vô cùng khó khăn, phức tạp vì đây là Tông phái Bí Mật đặt nặng trên sự hành trì và tu chứng, nhưng vì đại nguyện độ sanh, vì muốn làm ích lợi cho nhiều người có duyên với Tông Mật, Thầy đã dõng mãnh, miên mật, thể nhập vào Tâm của Như Lai Đại Nhật và từ đó, đã công khai truyền bá Mật giáo vào hậu bán thế kỷ thứ 20, mặc dầu còn dang dở, nhưng Thầy đã hoàn tất trong giai đoạn đầu với biết bao nhiêu ngộ nhận, vinh nhục, thăng trầm, dù vẫn biết bát phong chỉ là mây khói, ảo ảnh, vô thường.

Và, hình ảnh Thầy Thích Quảng Trí đã xuất hiện trong thời gian 1980 nầy. Là người từng phụ Thầy Thích Viên Đức dịch Kinh thuộc Mật tạng, Thầy đã đứng ra để tiếp nối ngọn đuốc Mật thừa, âm thầm, đơn giản, nhưng kiên quyết, và đã đem hết tất cả tâm lực cho sự phiên dịch Kinh Mật điển thuộc Bộ Kinh Đại Chánh Nguyên Bản Đại Tạng từ Hán ra Việt văn. Kính phục và cảm kích tấm lòng vị Đạo, vì sự xiển dương Mật giáo và hạnh nguyện lợi tha của Thầy, gia đình con đã hỗ trợ và gắn liền với Thầy kể từ thời gian đó và Thầy trò đã vượt qua được đoạn đường dài, đầy khó khăn. Từng dòng Mật nhủ, từng trang Kinh, rồi từng bộ Kinh điển thuộc Mật tạng đã được phiên dịch, cho đến nay, hầu như gần hết trọn Bộ Mật tạng từ Hán văn đã được dịch ra tiếng Việt ( Bộ Đại Chánh Nguyên Bản Đại Tạng Kinh gồm có 3 quyển Thượng, Trung và Hạ ). Đó thật là kỳ diệu, thật cao cả, một công trình quá đồ sộ lại là công phu của một ít người, thay vì ngày xưa, đó là công trình của một Ban Phiên Dịch gồm có nhiều vị Cao Tăng Thạc Đức v.v..với sự hộ pháp của các vị Vua và Triều đình.

Trong một ngôi Chùa nhỏ nằm ở Gò vấp, ẩn khuất sau những dãy nhà cư dân chung quanh; mái lợp tôn nóng bức, nền Chùa bằng đất, thiếu tất cả tiện nghi, một vị tu sĩ khiêm cung, một vị Du già Mật giáo, đã ẩn dật nơi đó và dành trọn suốt bao nhiêu năm dài qua để tu, để thể nghiệm Tất-địa, và âm thầm phiên dịch những Kinh điển thuộc Mật giáo. Kỳ công của Người chỉ vì mục đích duy nhất là Duy trì Truyền bá Mật giáo và góp phương tiện cho tất cả mọi người hữu duyên với Giáo pháp nầy, làm thuyền vượt qua biển khổ đau của cuộc lữ hành.

Ngưỡng bạch Tăng bảo ở khắp mười phương cùng chư Tôn Đức hiện tiền Tăng .

Gia đình cư sĩ con phước mỏng, nghiệp dày, sanh ra đời không gặp được Phật, nhưng may mắn còn gặp được các bậc Tôn Đức, còn có duyên lớn gặp được Giáo pháp của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni- do các Ngài gìn giữ và truyền bá làm ân ích cho chúng sanh. Nay, vì học hỏi theo Hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền, để báo ân Phật, ân Thầy Tổ cùng Tứ ân, nên chúng con xin phát tâm ấn tống Tập II của Bộ Mật tạng để dâng cúng cho Phật Giáo Việt Nam.

Để trợ duyên cho hạnh nguyện của Thầy Dịch giả Thích Quảng Trí, từng Bộ Kinh thuộc Mật tạng đã được gia đình chúng con trân trọng phát tâm in ấn. Tuy nhiên, lại có nhiều ý kiến cho rằng: “Ấn tống những bộ Kinh thuộc Hiển giáo, vừa dễ đọc tụng, vừa dễ thâm nhập và thực hành v.v...Còn về phần Mật giáo thì không thích hợp với thời hiện đại, vì chỉ dành riêng cho những người có căn cơ đặïc biệt, cho nên nếu không có sự hướng dẫn của những vị Đạo sư chân truyền, dễ đưa đến những sự sai lạc".

Trong vườn hoa văn hóa của nhân loại, đã có biết nhiêu là tôn giáo nẩy sanh, trưởng thành và đem hết tinh túy tư tưởng, giáo lý của mình để xây dựng nền tư tưởng Chân-Thiện-Mỹ đóng góp cho sự lợi lạc và thăng hoa tâm linh của con người. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni- một bậc Đại Giác Ngộ và Giáo pháp của Ngài đem lại cho nhân loại biết bao nhiêu là sự Tươi mát, Hạnh phúc, An lạc. Giáo pháp của Ngài chỉ cho con người thấy Phật tánh nơi chính mình và sự liên hệ của con người với vạn hữu theo tư tưởng "tương duyên tương sanh", do đó, đưa con người đạt đến bình diện nhân bản đích thực, tự tại. Mười Tông phái đã khai triển và nở rộ trên đường truyền bá để "khế cơ khế lý" với từng loại chúng sanh và Mật giáo là một.

Trước sự sụp đổ của bao giá trị tinh thần hiện hữu, với bao thảm cảnh xẩy ra trên toàn thế giới do vô minh, do tâm tham sân si tạo ra, Đạo Phật phải lên tiếng và có nghĩa là tất cả mọi giáo lý của đức Phật phải lên tiếng, có mặt để đáp lại lời cầu cứu nầy hầu giúp cho con người vượt qua những khổ đau để được tự tại, an lạc. Đạo Phật xuất hiện vì con người, vì muốn chỉ rõ Thực tướng của vạn pháp, giúp con người đạt được Hạnh phúc Chân thật, và Mật giáo đã thành hình trên căn bản nầy. Đó là một tông phái mà trên bình diện Đạo đế, giúp cho con người đạt được giải thoát, an lạc và về mặt Tục đế, làm cho con người ý thức được giá trị đích thực của mình với người và vạn hữu trong giáo lý Duyên khởi và Tánh không. Do đó, nếu vì cổ xúy hoặc phát triển chỉ cho một Tông phái hoặc một phương tiện nào đó hoặc chỉ chọn một bông hoa trong vườn hoa Giải thoát, cao siêu của Đạo Phật, thực sự có đúng và thích ứng với tất cả mọi sự cầu cứu đau khổ của các chúng sanh không?

Vì thiển nghỉ như thế, nên gia đình con nguyện nhờ công đức của chư Ngài và nhờ phước báu ấn tống Kinh, xin hồi hướng cho tất cả mọi Giáo pháp làm lợi lạc, an vui cho chúng sanh của Đức Từ Phụ được trường tồn và phổ biến.

Kính thưa quý học giả, các nhà nghiên cứu, các hành giả đang tu học Mật giáo.

Như quý vị từng biết, trong Kinh Pháp Hoa có nói: "Đức Phật ra đời là vì một nhân duyên lớn, đó là chỉ cho chúng sanh đạt được Tri kiến của Phật". Vì thế, tất cả giáo pháp của Ngài đều như chiếc bè để đưa chúng sanh đạt đến sự Giác ngộ và Giải thoát. Là một tông phái của Đạo Phật, Mật giáo tuy bề ngoài mang lấy nhiều sắc thái huyền bí, nhưng đi sâu vào nội dung, Mật giáo đặt nặng trên sự giải thoát khỏi khổ đau và luân hồi làm cứu cánh. Vì Mật giáo là pháp môn nghiên cứu về tâm và tâm thì muôn sai vạn biệt, phức tạp ... cho nên, chúng ta thấy Đàn pháp của tông phái nầy có nhiều sự sai biệt. Có nhiều người đặt câu hỏi: "Cần gì phải có nhiều Đàn pháp, Thần chú v.v.., chỉ cần quán chiếu nội tâm, nhìn thấy dòng tư tưởng trôi nỗi, sanh diệt, để từ đó nhận ra Chủ và Khách, và tâm giải thoát ra khỏi mọi ràng buộc, cố chấp, đạt được Chân tánh". Hỏi như vậy thì cũng đúng, nhưng đó chỉ là biên kiến, nhìn thấy một mặt chứ không phải tổng thể. Như đã thưa, tất cả mọi Tông phái của Đạo Phật chỉ là phương tiện thiện xảo để đưa con người đến điểm duy nhất là An lạc, Tự tại và Giải thoát, thì phương tiện của Mật giáo cũng chỉ là một. Chúng ta không thể lấy một phương thuốc duy nhất để dùng chung cho tất cả mọi tâm bệnh.

Mặc dù Mật giáo có nhiều Đàn pháp và Bổn tôn khác nhau, nhưng tựu trung gồm có Ngũ Bộ như: Phật bộ, Kim cang bộ, Liên hoa bộ, Bảo bộ, Yết ma bộ và cách thành lập Đàn cũng khác nhau như Đàn tròn, Đàn vuông, Đàn tam giác, Đàn bán nguyệt v.v.. tương ưng với Ngũ Bộ, nhưng đó chỉ là những biểu tượng cho vũ trụ hay nhân cách đích thực của một con người. Điều nầy không có gì kỳ lạ hay huyền hoặc đối với những hành giả đã từng nghiên cứu về Mật giáo hay đang hành trì miên mật Chân ngôn, nhưng dĩ nhiên, rất xa lạ và huyền bí với những người chưa bước qua Hiển giáo. Một ví dụ đơn giản của đời sống thường nhật như đang chạy xe, khi nhìn thấy bảng " Stop " và chúng ta ngừng xe lại. Biểu tượng nầy có cần phải được đắn đo, suy nghĩ là tại sao lại ngưng khi có bảng Stop và nghĩa là gì, do đâu có, tại sao như có ma lực làm xe phải ngưng lại ??? v.v.. Thật rất đơn giản là vì biểu tượng nầy đã có nội dung và giá trị phổ quát với mọi người.

Theo Kinh Viên Giác, trong biển Pháp thân Tỳ-lô-giá-na vẫn hằng vắng lăïng, thanh tịnh nhưng tâm vì vô minh vọng động nên biến thành sơn hà đại địa, nhưng vẫn chưa bao giờ uế nhiễm như vàng dù vẫn còn nhiều tạp chất hay thay hình đổi dạng v.v... nhưng tinh chất vàng vẫn không bao giờ thay đỗi. Và đây là điểm chánh hay cứu cánh mà Mật giáo nghiên cứu dựa theo nhiều biểu tượng khác nhau bị biến dạng theo vô minh hay trần cấu của vọng tâm, để từ đó, tìm và đạt đến Tất địa hay Tánh giác. Cho nên, có thể nói Đàn là vũ trụ, là tâm của con người và qua đó, qua những vọng động, lăn tăn, tham sân si v.v..người hành giả nhìn thấy rõ Bản lai diện mục hay Bổn tôn của chính mình. Chúng tôi ước mong rằng tất cả những ai khi nghiên cứu hay hành trì về Mật giáo, cũng cần phải chuẩn bị kỷ lưỡng và đầy đủ hành trang hay tư lương về những giáo lý khác của Đạo Phật, để khi đi vào thế giới tâm của Mật giáo, chúng ta không bị hoang mang hay có ý nghĩ sai lạc về Tông phái nầy như đã từng xảy ra, để khỏi bị mang tội vì khinh chê Bảo pháp của Đức Từ phụ mà các vị Bồ tát, cùng chư Tổ và biết nhiêu vị Du già sư hay các Hành giả, đã gìn giữ và lưu truyền đến ngày nay.

Như Bộ Mật Tạng Tập I, Bộ Mật Tạng Phật Giáo Việt Nam Tập II bằng chữ Việt nầy được dịch từ chữ Hán của Bộ Đại Chánh Nguyên Bản Đại Tạng Kinh. Chúng tôi vẫn chia Mục lục ra làm 2 phần để tiện nghiên cứu và làm tài liệu tu học, như:

1-Của Bộ Đại Chánh Nguyên Bản Đại Tạng Kinh.

2- Của Mật Tạng PGViệt Nam, số thứ tự tiếp theo Bộ trước.

Như thường được cẩn trọng khi ấn tống Kinh thuộc Mật giáo, nếu có người nào hữu duyên và khi nghiên cứu những Bộ Kinh trong Tập II của Bộ Mật Tạng PGViệt Nam này, muốn bước theo chân những vị Du già cầu giải thoát ra khỏi biển sanh tử luân hồi qua phương tiện siêu thoát của Mật giáo, người hành giả cần phải được truyền trao Ấn Pháp bởi một vị A-xa-lê thâm hiểu với đầy đủ hai nghĩa: Hành thâm và chứng đắc, và quan trọng hơn hết, là hành giả phải có sự nghiên cứu và học đầy đủ những giáo lý căn bản khác của Hiển giáo.

Trong sự in ấn nầy, nếu có sự sai sót hoặc lỗi lầm nào, chúng con xin sám hối. Còn như được chút công đức nào, nguyện xin cho Phật Giáo Việt Nam được trường tồn, và Giáo pháp Từ Bi Hỷ Xã, khai phóng, siêu thoát của Đức Phật được truyền đến mọi nơi chốn, và chất đề hồ nầy sẽ nuôi dưỡng tâm thức của mọi người, làm nẩy nở những bông hoa Giác ngộ, Giải thoát. Nguyện hồi hướng phước báu nầy đến mọi loài chúng sanh, tình hoặc vô tình, noãn thai thấp hóa, được nhờ ánh sáng vô lượng quang minh của chư Phật chiếu soi, đều thành Phật đạo

Nam mô Bổn tôn Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát tác đại chứng minh.

Mùa Thu năm Nhâm Ngọ 2002

Thành phố Monroe, Louisiana, Hoa kỳ. Phật lịch 2546

Gia đình Cư sĩ Liên Hoa ( Thanh Minh )


---o0o---
Chân thành cảm ơn Gia đình Cư Sĩ Liên Hoa đã gởi tặng phiên bản
điện tử bộ sách này. (T. Nguyên Tạng, 4/2005)
---o0o---


Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567