Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 1: Những chiếc bình trống

28/05/201311:19(Xem: 6956)
Chương 1: Những chiếc bình trống

77pgiaoucchau-cover

LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ÚC ĐẠI LỢI

(History of Buddhism in Australia)

Nguyên tác: Paul Croucher
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng

---o0o---

Chương 1

Những chiếc bình trống

Rất có thể những tín đồ Phật Giáo đầu tiên đặt chân lên bờ biển Úc châu đã đến đây mấy trăm năm trước hai nhà thám hiểm người Anh Dampier và James Cook (1770). Một số nhà nhân chủng học hàng đầu cho rằng không những trong nhiều thế kỷ các thương gia Á Châu đã đến thăm Arnhem Land (Bắc Úc) mà họ còn có thể được xem là đã để lại một ấn tượng lâu bền. Thí dụ, trong cuốn “Aboriginal Men Of High Degree” giáo sư A. P. Elkin nói rằng ông nhận thấy có ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Giáo-Phật Giáo thời ban đầu của Nam Dương. Sau khi nghiên cứu những kinh sách Phật Giáo do bà Alexandra David – Neel và W. Y. Evans – Wentz phiên dịch, ông lý luận rằng những phương pháp luyện tâm và tin vào những hiện tượng tâm lý cũng như thuyết tái sinh của người Thổ Dân Úc “chỉ có thể được hiểu dưới ánh sáng Đông Phương”. Như vậy huyền học Thổ Dân Úc đã không phát triển một cách độc lập mà đã xuất hiện như một phần của sự truyền bá văn hóa Ấn Độ trong khu vực. Ở giữa những ý kiến táo bạo hơn cho rằng có những tranh vẽ trên đá của người Thổ Dân Úc mô tả Đức Phật, thuyết của Elkin có lẽ không quá xa xôi một chút nào cả. Vì vậy, có thể lịch sử Phật Giáo ở Úc Châu đã bắt đầu từ lâu hơn là bất cứ nhà nhân chủng học và sử học nào dám tưởng tượng, trừ vài người táo bạo. Tuy nhiên vì bằng chứng cụ thể đó có tính cách suy luận nên điều này chỉ có thể là một giả thuyết hấp dẫn mà thôi.

Theo lời của những bài hát của người Thổ Dân Úc thì các thương gia người Macassar, ở Nam Dương, được xem là đã tiếp xúc sớm ít nhất là trong thế kỷ mười bảy, chỉ đến sau một giống người có màu da nhạt hơn, có tên là “Baijini”, thiết lập một nền nông nghiệp tạm thời ở Arnhem Land. Những tranh vẽ trên vỏ cây cho thấy những chiếc tàu rất khác tàu của người Macassar đang thả neo. Sự tiếp xúc ban đầu với Á Châu này chỉ được mô tả một cách mờ nhạt, nhưng từ lâu người ta đã nghĩ rằng các nhà hàng hải từ các xứ khác nhau có thể đã dễ dàng đổ bộ lên bờ biển miền Bắc Úc. Các thủy thủ xứ Gujerat, miền Tây Ấn Độ, mà trong số đó phải có nhiều người theo Đạo Phật, đã thiết lập trước hết liên hệ thương mại với bán đảo Java, sớm đến năm 75 Tây lịch, trong khi một truyền thuyết ở Nhật Bản nói rằng một nhà phiêu lưu Samurai thuộc đầu thế kỷ mười bảy là Yamada Nagamasa đã đi xa hơn quần đảo Nam Dương xuống hướng Nam. Tuy nhiên, những chiếc tàu có khả năng này đổ bộ Úc Châu nhất là tàu của người Trung Hoa, những chiếc thuộc hạm đội lớn của Đô Đốc Cheng Ho. Trong khoảng thời gian từ năm 1405 đến năm 1433, các hoàng đế nhà Minh rất chú ý đến việc thám hiểm đường biển. Những chuyến hải hành lớn của họ bao gồm không dưới sáu mươi hai chiếc tàu lớn. Trong số đó có những chuyến đi đến quần đảo Aru, cách Arnhem Land 480 km về hướng Bắc vào khoảng năm 1408 và một lần nữa khoảng năm 1414.

Bằng chứng cụ thể về sự có mặt sớm của người Trung Hoa là những mảnh sứ và một bức tượng cao 13cm. Tuy nhiên, người ta không đồng ý với nhau là bức tượng Ông Thọ (Shou Lao/ the spirit of longevity) này có thể được xem là cùng thời với đô đốc Cheng Ho hay không. Bức tượng được ông Strawbridge thuộc bộ Công Chánh Úc tìm thấy ở gần hải cảng Darwin (Bắc Úc) năm 1879. Ông Strawbridge nói rằng bức tượng ở sâu dưới đất một thước, nằm ở giữa những rễ của một cây đa già ( banyan). Russel Ward viết rằng chính cây đa này là bằng chứng của sự liên hệ với Á Châu vì trước đó Úc Châu không có giống cây đa, mà người Trung Hoa thì thường lập những cái miếu nhỏ ở dưới gốc những cây đa già. Nhưng trong số những có ý kiến khác, Geoffrey Blainey cho rằng bức tượng Ông Thọ làm bằng loại đá mềm steatite không thể bền đến 450 năm trong điều kiện như vậy. Có lẽ bức tượng đã được các thương gia Macassar hoặc người Trung Hoa đưa đến Úc trong thế kỷ mười chín, dù điều này không giải thích được tại sao nó bị chôn ở dưới đất, và rồi sau đó không được ai nhận quyền sở hữu.

Có thể nói những tín đồ Phật Giáo đầu tiên đến Úc Châu là vào năm 1848, và họ là một nhóm công nhân người Trung Hoa. Tôn giáo phổ thông của Trung Hoa là một loại tín ngưỡng thờ những vị thần được ghép thêm những tín ngưỡng khác của Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo. Người Trung Hoa mang theo với họ một thứ tín ngưỡng pha trộn, không có sự phân biệt rõ rệt và chỉ với một chút ảnh hưởng của Phật Giáo. Ở Trung Quốc, những người tự nhận mình là người Phật tử có lẽ không đến một phần trăm dân số. Đa số thỏa mãn với hình thức “mão Khổng Giáo, áo Lão Giáo và hài Phật Giáo", (a Confucian crown, a Taoist robe and Buddhist sandals) và khi được hỏi thì họ khó trình bày về đạo của mình. Thí dụ một người Hoa ở Darwin chỉ nói: “Đạo của tôi cũng giống như ở Trung Quốc”. Vì vậy trong tờ thống kê của chính phủ Úc, những người Hoa nào không phải là tín đồ Ca Tô Giáo thì đều được xem là theo “Phật Giáo/Khổng Giáo”.

Người ta được biết rất ít về đời sống tôn giáo của người Hoa ở Úc Châu trong thế kỷ XIX. Họ giống như một loài chim di trú, chỉ ở lại một nơi khoảng năm năm, và như vậy họ không có ý định hòa nhập vào cộng đồng địa phương, do đó ảnh hưởng của họ không lớn, và những điều ghi nhận về họ cũng không có nhiều. Ngay cả những đền miếu ở đâu cũng có của họ cũng thường chỉ có tính cách tạm thời. Ở khắp các tiểu bang miền Đông, đền miếu của họ chỉ là những cái lều hay những kiến trúc thô sơ bằng gỗ, và thường có tính cách thương mại. Trong công việc đào vàng khó nhọc, nhiều người vui lòng chịu tốn tiền cúng cho các vị thần để mong các ngài phù hộ để được gặp may mắn. Những ngôi đền được thiết lập lâu dài hơn thường là những công trình phụ của các hội từ thiện hay các hội bí mật. Thí dụ, đền Nam Melbourne (South Melbourne temple) đã được hội Sze Yap xây dựng năm 1856. Theo một bài trong tờ báo “Australian Sketcher” năm 1875 thì “những buổi lễ cúng kiến ở ngôi đền này thường được các thương gia tổ chức, những người hay cầu nguyện Đức Phật, vào những thời gian đã được định sẵn mỗi năm, dự lễ ở đền mặc áo dài lụa Trung Hoa sang trọng, cúng tế và cầu Phật ban phước”.

Có một thiểu số người Hoa ở Úc tự xem mình là tín đồ Phật Giáo, nhưng không có gì cho thấy tranh tượng Phật là một thành phần trong tôn giáo đền thờ ở đây. Vị thần trung ương trong đền Nam Melbourne” có lẽ là Ngài Quan Công (Kuan Kung), một viên tướng được phong làm Thần Chiến tranh và Công lý, hoặc Thần Tài (Tsai Shen). Cả hai vị này đều không liên quan gì đến Phật Giáo, dù có những lúc các vị thần phổ thông như vậy được thay thế bằng các hình tượng Phật Giáo. Chẳng hạn, người ta thấy có tượng Bồ Tát Quan Âm (Kuan Yin) trong đền Nam Melbourne vào năm 1883, và người ta nghĩ rằng những vị khác như Phật A Di Đà (Amitabha) và Phật Di Lặc (Mi Lo/Maitreya) cũng có thể được thờ phụng. Cách trang hoàng cầu kỳ trong những ngôi đền được thiết trí vững chắc thường là bàn thờ kiểu Phật Giáo, chữ Vạn, và cả những lá cờ in những câu thần chú của Phật Giáo.

Việc bói toán phổ thông và việc tổ chức cúng tế thường được vị thủ từ (temple attendant) phụ trách. Tất nhiên không phải là tu sĩ, người này được chỉ định làm công việc quản lý đền, thường là luân phiên với những người khác. Người ta không thấy có những tu sĩ Trung Hoa nào đến Úc Châu để đảm nhiệm một công việc nào, và chắc chắn G. C. Bolton đã lầm lẫn khi ông viết rằng “một tu sĩ Phật Giáo" đến sống Herbert ở miền Bắc Queensland sớm vào năm 1886 để đáp ứng nhu cầu tinh thần của một cộng đồng người Java ở đó. Nếu có những tu sĩ Phật Giáo nào ở đảo Java trong thế kỷ mười chín thì họ phải là một số ít, và hầu như không có lý do gì để họ đi đến miền Bắc Queenland để phục vụ cộng đồng người Java Hồi Giáo.

Người Hoa ở Úc được gọi là “những người cõi trên” ( celestials) đã xây đền miếu của họ trong một khung cảnh nghi ngờ và thù địch, không thuận lợi cho việc giao tiếp văn hóa. Bóng ma “hiểm họa da vàng” đã phát khởi, và sự bài ngoại của người da trắng đã loại bỏ mọi ý định đối thoại thực sự. Có người xem việc xây đền Nam Melbourne là “bằng chứng của một kế hoạch khổng lồ và thâm hiểm để phá hoại Ca Tô Giáo”. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có những người biểu lộ sự thông cảm, thí dụ như một ký giả của tờ “Queenslander” viết những lời bóng bẩy và với giọng bề trên về ngôi đền Brisbane: “Ánh sáng tỏa chiếu khắp nơi, ở trên bàn thờ Phật cũng như ở trong nhà thờ Ca Tô giáo”. Khi số người Hoa sụt giảm và trong số những người còn lại có nhiều người theo Ca Tô giáo thì tôn giáo Trung Hoa ở Úc lâm vào tình trạng suy thoái. Đền miếu không được tu bổ, và là mục tiêu của bọn trộm cắp nhiều hơn trước. Cho đến nay, những ngôi đền ở hầu hết những thành phố lớn được xem là có tính chất tín ngưỡng phổ thông của người Trung Hoa, và có một mối liên hệ rất xa với Phật Giáo.

Những người nhập cư Nhật Bản và Tích Lan thường tự xem mình là tín đồ Phật Giáo thuần túy. Có lẽ những người Nhật đầu tiên ở Úc Châu là một nhóm người làm trò xiếc đi lưu diễn vào năm 1867. Giống như người Tích Lan, từ cuối thập niên 1870 trở đi có nhiều người Nhật hoạt động trong kỹ nghệ ngọc trai ở suốt miền Bắc Úc Châu. Một thí dụ là ở Thursday Island (tiểu bang Queensland) vào giữa hai thế kỷ 19 và 20, đã có 3,600 người Nhật vượt qua số người gốc Âu Châu ở đó. Tài năng của những người thợ mò ngọc trai, làm cho chính sách Úc Châu Da Trắng phải tránh can thiệp vào kỹ nghệ này, và những người Nhật có hợp đồng lao động được phép nhập cảnh Úc Châu cho đến năm 1941. Vì vậy, những cộng đồng nhỏ người Nhật ở Broome, Darwin, và Thursday Island, có nghĩa trang Phật Giáo và tổ chức những nghi lễ Phật Giáo. Mỗi năm, người Nhật cử hành lễ Vu Lan với sự tham dự của toàn thể cộng đồng, đặc biệt là ở Broom, cảnh tượng mới lạ này đã hấp dẫn cả những người du lịch cũng như người bản xứ.

Năm 1982, các nhóm Phật Giáo Theravada làm lễ kỷ niệm một trăm năm Phật Giáo Tích Lan ở Úc Châu. Thật ra ngay từ năm 1870 đã có những người Tích Lan làm ở những đồn điền mía ở Queensland và cộng đồng Phật Giáo Tích Lan được xem là đã có trễ nhất cũng từ năm 1876. Năm 1882 được chọn để kỷ niệm có lẽ vì lý do sau đây: Khoảng năm trăm người Tích Lan rời thủ đô Colombo của xứ này để đi đến những đồn điền ở miền Bắc Queensland, Úc Châu. Có lẽ đây là đoàn người Tích Lan đầu tiên tự nguyện đi khỏi xứ sở của mình để sinh sống ở xứ khác. Hai trăm bảy mươi lăm người đến bến Mackay ở Queensland ngày 16 tháng 11, còn những người khác thì đến Burnett hai ngày sau đó. Ở đây họ bị ngăn cản không được lên bến để đi đến Bundaberg bởi năm mươi người thuộc Đoàn Chống Cu Li (Anti-Cooli Leaguers) liệng đá vào họ. Những gì tiếp diễn sau đó đã được gọi là “Trận Burnett” khi những lời thóa mạ lẫn nhau đưa đến bạo động, với những người Tích Lan rút dao đánh đuổi phe kia. Không bao lâu sau đó, đa số những người Tích Lan này bỏ việc vì đồng lương quá thấp, nhưng một số vẫn ở lại vùng này. Có lẽ đã có những người Tích Lan mang theo kinh sách Phật Giáo vì người ta tường thuật rằng một người tên là Bastian Appi đã tuyên thệ với một cuốn “Kinh Phật Giáo" (Buddhist Bible) ở một tòa án ở Mackay năm 1885 khi kiện một người Úc về tội hành hung.

Chắc chắn nhiều người Tích Lan trong số này đã tìm đến đảo Thursday với một cộng đồng Phật Giáo nhỏ đang được thành lập ở đó. Cộng đồng này đạt đỉnh cao trong thập niên 1890, khi có khoảng năm trăm người Tích Lan. Họ trồng hai cây bồ đề được xem là hậu duệ của cây bồ đề nơi Đức Phật thành đạo. Hai cây bồ đề này hiện nay vẫn còn sống, nhưng ngôi chùa nhỏ mà họ đã xây dựng thì không còn nữa. Những ngày lễ như lễ Phật Đản (Vesak Day) được cử hành nghiêm trang, và theo ông Peter Warmakulasuriya (sinh năm 1888) thì vào đầu thế kỷ 20 có một tu sĩ Phật Giáo đến hòn đảo này để trụ trì ngôi chùa, nhưng khi “Đạo Luật Hạn Chế Nhập Cư” (Immigration Restriction Act) được ban hành năm 1901 thì cộng đồng này dần dần tan rã, theo đúng như một chân lý Phật Giáo được ghi trên một tấm bia đá ở đảo Thursday: “Sable sankhara anicca” có nghĩa là “Các pháp hữu vi đều vô thường”.

Ít nhất là một trong những gia đình Tích Lan này đã ở lại Queensland và vẫn giữ đạo Phật, chịu đựng được áp lực mạnh và sự khuyến dụ theo Ca Tô Giáo. Trong nhiều năm gia đình Mendis bán kinh sách Phật Giáo ở tiệm kim hoàn của họ, và đã xây Chùa Phật Giáo Brisbane năm 1982. Một nhà kim hoàn khác, được xem là người giàu nhất ở Broome, Tây Úc có lẽ là tín đồ Phật Giáo độc nhất ở Úc Châu còn giữ được bản sắc dân tộc trong những năm giữa thế chiến thứ I và thế chiến thứ II, đó là Tudagala Badalge Ellias, còn được người địa phương gọi là T. B. Ellies. Ông này đến Broome năm 1888, và trong hơn bốn mươi năm được xem là chuyên viên rửa ngọc trai giỏi nhất thế giới. Ông có tài loại bỏ những vết bẩn trên ngọc trai đến mức trong hai giờ làm việc ông có thể kiếm được một trăm bảng Anh thời đó. Năm 1917 ông cúng dường tài chánh để xây dựng một tu viện ở Bope, quê hương của ông, gần thành phố Galle. Với giá mười ngàn bảng Anh, phần bên trong của ngôi tu viện được làm bằng gỗ lim trắng, có một pho tượng Phật bằng bạc ròng nặng 306 kg, do chính Ellies đúc. Là một nhân vật huyền thoại, những điều về ông được ghi nhận trong tất cả những sách báo viết về kỹ nghệ ngọc trai và về thành phố Broome.

Năm 1911, không kể những người theo “tôn giáo Trung Hoa”, có 3269 người khai tôn giáo của mình là Phật Giáo. Chúng ta chỉ có thể đoán là con số này phải cao hơn trong những năm cuối thế kỷ mười chín. Trong giai đoạn giữa hai thế chiến số người Phật Giáo giảm dần cho đến con số thấp nhất 411 người năm 1947. Chắc chắn những tín đồ Phật Giáo tự nhận này là những người Trung Hoa và Tích Lan đã ở lại Úc, những người Nhật làm nghề ngọc trai, và có lẽ cả một ít người có cảm tình với Thông Thiên Học (Theosophy). 

Vào năm 1891, ba năm sau khi xảy ra những vụ biểu tình bài ngoại chống người Trung Hoa, có lẽ đó là sự kiện tệ hại nhất trong lịch sử Úc Châu, Đại Tá Henry Steel Olcott, đồng sáng lập viên của Hội Thông Thiên Học, và là tín đồ Phật Giáo, đến Úc để diễn thuyết về minh triết Đông Phương. Nhiều thính giả của ông sẵn sàng tin rằng có lẽ Á Châu có nhiều lời giải đáp có thể lấp được hố sâu phân cách giữa khoa học và tôn giáo. Có thể còn có những người đồng ý với Gilbert Elliot, hội viên Thông Thiên Học đầu tiên của Úc Châu, trong bài báo viết về cuốn “Esoteric Buddhism” (Mật tông Phật Giáo) của A. P. Simmett năm 1883 đã nói rằng “người Âu Châu hầu như không biết gì về con người thực sự được cấu tạo với những thể siêu vật chất”. Phong trào hướng về Đông phương huyền bí và quan tâm đến Phật Giáo như một sự thay thế cho Ca Tô Giáo góp phần tạo nên một sự sôi động về văn hóa và tôn giáo. Phần tư cuối cùng của thế kỷ 19 là một thời kỳ không giống thời đại của chúng ta ngày nay. Lúc đó các thành phố ở Úc Châu, có đầy những người thuộc các phái Siêu Nghiệm, Tâm Linh Học, Thông Thiên Học, và phái chống lại việc giải phẩu những con vật để thí nghiệm. Chủ nghĩa lý tưởng trước 1974 không có nhiều thời giờ cho cái được xem là sự bảo thủ đến mức nhàm chán của giáo hội Anh Giáo. So với thời kỳ này thì những năm giữa hai thế chiến có vẻ rất buồn tẻ, và như Jill Roe kết luận trong cuốn sách của bà về Thông Thiên Học ở Úc, điều này cho thấy rõ ràng “phong trào đối kháng văn hóa truyền thống có lịch sử dài hơn là chúng ta tưởng”.

Có thể nói thành tố Phật Giáo trong phong trào rộng rãi này có nguồn gốc là tình cảm của những người thuộc phái Tâm Linh Học dành cho các tín đồ Phật Giáo Tích Lan sau cuộc “Tranh Luận Lớn Panadura” năm 1873 giữa các nhà truyền giáo Ca Tô Giáo và một tu sĩ Phật Giáo. Tiến sĩ J. M. Pecbles thuộc hội Tâm Linh Học Mỹ đã xuất bản ghi lại cuộc tranh luận này, và theo tạp chí “Harbinger of Light” của hội Tâm Linh Học Úc thì ông cho rằng “ các xứ Phật Giáo có trình độ đạo đức cao hơn và có những hoạt động từ thiện hơn là những xứ Ca Tô Giáo”. Những lời này không chỉ là sự biểu lộ tình cảm đầu tiên dành cho Phật Giáo được đăng trong một tạp chí Úc, mà còn là quan điểm của vị chủ bút tờ tạp chí đó, W. H. Terry, được xem là “một người chữa bệnh bằng từ lực” và “nhà nghiên cứu dược thảo có tuệ nhãn”. Không bao lâu sau đó, tiệm sách Tâm Linh Học của ông ở đường Russell, Melbourne, đã chứa đầy những cuốn sách Phật Giáo nào có thể có được, trong đó có Kinh Pháp Cú, Lịch sử Đức Phật, và những cuốn đầu tiên trong loạt sách của Max Muller, “Kinh Điển Phật Giáo" xuất bản năm 1879.

Những tác phẩm này và những cuốn sách của Hội Phiên Dịch Kinh Điển Pali ở Luân Đôn mới được thành lập năm 1881 đã tạo ra sự chú ý đến Thông Thiên Học, cũng như mở rộng rất nhiều ý thức về lịch sử của người dân Úc, nhưng nếu có một cuốn sách nào gây sự chú ý rộng rãi đến Phật Giáo thì đó là cuốn sách rất phổ thông của Sir Edwin Arnold nói về cuộc đời và giáo lý của Đức Phật “The Light Of Asia” (Ánh sáng Á Châu). Dù ngày nay cuốn này có vẻ quá hoa mỹ và có một số điểm không chính xác, lẫn lộn một số điều của Ấn Giáo và triết lý Phật Giáo, nhưng Arnold đã thành công trong việc giải trừ nhiều ý kiến thời đó cho rằng Phật Giáo có tính chất hư vô và chủ nghĩa, và ông tin tưởng vững chắc rằng “lẽ nào một phần ba nhân loại tin vào sự trừu tượng trống không, hay tin rằng hư vô là nguyên nhân và kết thúc của sự sống”. Trong tạp chí “Harbinger of Light”, ở mục điểm sách, khi nhận xét tác phẩm này, C. W. Rohner viết rằng “Đức Phật của Ấn Độ không những xưa hơn năm trăm năm, mà ở nhiều điểm lại còn vĩ đại hơn và ít dao động hơn Chúa Jesus của chúng ta”.

Tuy nhiên, bản thân Đức Phật không phải là nguyên nhân chính của phong trào hướng về Đông Phương này. Phái Tâm Linh Học (Spiritualism) là những người đầu tiên trong nhiều người đã nhắm vào Phật Giáo, vốn được xem là duy lý và hợp với khoa học, để dùng làm một thứ vũ khí chống lại Ca Tô Giáo chính thống. W. H. Terry, người cổ động hàng đầu của Phật Giáo ở Úc Châu trong thập niên 1880, tuyên bố “sự cứu chuộc từ Ca Tô Giáo mù quáng đến Phật Giáo duy lý”. Phái Tâm Linh Học tự cho mình là duy lý và khoa học, tất nhiên đã chú ý đến Kinh Kalama, triết lý của cuốn kinh này đã được giải thích trong cuốn “Buddhist Catechism” (Phật Giáo Vấn Đáp)của H. S. Olcott. Trong kinh này Đức Phật dạy rằng không nên tin những điều gì theo truyền thống hay do một vị thầy nào đó truyền dạy, mà chỉ tin sau khi đã xét bằng lý trí và kinh nghiệm của mình. Có lẽ điều này giống như một thứ thuốc bổ, và với sự bảo đảm của Arnold, các nhà diễn thuyết Tâm Linh Học Úc bắt đầu so sánh Niết Bàn với thiên đường: “Niết Bàn, như một số người hiểu lầm, không phải là chấm dứt hiện hữu, mà là lần đầu tiên thực sự hiện hữu( Nirvana, as some vainly imagine, is not to cease to be, but for the first time to really be”. Tuy nhiên, khi được biết về thuyết vô ngã, “anatta”, họ đã lùi lại, vì không chịu nổi ý tưởng “sự hiện hữu không có linh hồn” ( an existence without a soul).Nhưng những người Tâm Linh Học vẫn phải được xem là đã đắp con đường cho Thông Thiên Học, và do đó cho Phật Giáo Tây Phương.

77pguc-olcott
ông Olcott

77pguc-Blavatsky
bà Blavatsky

Ít nhất thì Emma Layman cũng đã có lý một phần khi cho rằng Phật Giáo Hoa Kỳ bắt đầu có từ khi Hội Thông Thiên Học được thành lập ở New York vào năm 1875. Sau này Thông Thiên Học đã đi theo hướng khác với lúc ban đầu. Lúc đó Thông Thiên Học như hai nhà sáng lập hội là Helena Petrova Blavatsky (1831-1891) và Henry Steel Olcott (1832-1907), quan niệm thường được xem là đã tuyên dương Phật Giáo như một thứ vũ khí chống lại Ca Tô Giáo. Thí dụ, bà Blavatsky đã viết về “hậu quả điên cuồng của giáo lý Tin Lành” ( the maddening effect of Protectantism),và Đại Tá Olcott nói về Ca Tô Giáo như “địch thủ lớn của chúng ta” ( our great enemy).Sự ra đời của Hội Thông Thiên Học chính yếu là kết quả của việc những người Tâm Linh Học được gặp Phật Giáo và những triết lý tôn giáo khác của Ấn Độ. Họ tìm thấy một hệ thống tư tưởng bao quát có khả năng cung cấp một cái gì sâu xa hơn giáo lý Tin Lành mà lại không đối nghịch với khoa học. Theo Olcott, những lời dạy của Đức Phật trong Kinh Kalama có đủ những điều kiện này. Ông viết: “Tôi là người theo Phật Giáo, vì trong Phật Giáo không có một chút chủ thuyết nào cả, nếu có thì tôi sẽ bỏ Phật Giáo ngay ngày mai” (I am a Buddhist, because there is no scrap of doctrine in Buddhism. If there were I would give it up tomorrow).Bà Blavatsky nói rằng ý tưởng thành lập Hội Thông Thiên Học không phải là của bà mà là của các vị chân sư Tây Tạng mà bà đã theo học và vẫn còn truyền thông liên tục. Bà viết: “Phật Giáo Bắc Tông dạy tất cả những gì mà ngày nay được gọi là giáo lý Thông Thiên Học. Thông Thiên Học đã được trình bày bằng những từ ngữ Phật Giáo, và trong một thời gian đã được xem là đồng nghĩa với “Phật Giáo Bí Truyền”, vì “Phật Giáo vẫn giữ được sự thân cận với giáo lý bí truyền hơn bất cứ một tôn giáo phổ thông nào khác”. Năm 1888, bà viết: “Ngay cả Phật Giáo công truyền cũng là con đường chắc chắn nhất đưa người ta đến chân lý bí truyền duy nhất”.

Bà Blavatasky và Đại Tá Olcott không phải là những người tự nhận mình là tín đồ Phật Giáo. Vào tháng năm, 1880, ở Tích Lan hai vị đã làm lễ quy y. Như vậy, có lẽ họ là những Phật tử Tây Phương đầu tiên kể từ khi người Hy Lạp ở thành phố Gandhara, Ấn Độ trở thành những tín đồ Phật Giáo một cách chính thức. Tất nhiên, thực sự hai vị thuộc hạng người Phật tử nào thì đó là chuyện khác, dù họ có vẻ không có những động lực thầm kín nào cả. Olcott là người thích du lịch khắp nơi và đã hiến thân cho lý tưởng Phật Giáo, bệnh vực cho công cuộc phục hưng Phật Giáo ở Tích Lan bằng cách tranh đấu cho quyền bình đẳng tôn giáo và thành lập những trường học Phật Giáo ở Á Châu nói chung, và trong nhiều năm đã cố gắng tái lập sự thống nhất của tôn giáo này. Ngày nay, ngày tưởng niệm Olcott vẫn còn được cử hành một cách trọng thể ở Tích Lan (Sri Lanka), nơi ông được xem như một vị Bồ Tát (Bodhisattva) giúp khôi phục tín ngưỡng của họ sau nhiều thế kỷ ở trong bóng tối thuộc địa Anh quốc. Mặc dù bà H. P. Blavatsky chịu nhiều sự công kích của báo chí, hai vị đã là những người mở đường thênh thang cho Phật Giáo, vì người ta cần phải xét đến nổ lực của họ thì mới có thể hiểu lịch sử Phật Giáo ở Úc Châu.

Lần đầu tiên người Úc được biết đến Thông Thiên Học là do cuộc du hành diễn thuyết của một hội viên Hội Thông Thiên Học người Mỹ, Emma Harding Britten, vào năm 1878. W. W. Terry gia nhập Hội ngay sau đó và dùng tờ báo của mình làm diễn đàn trình bày tư tưởng Thông Thiên Học. Tâm Linh Học cung cấp đoàn thể hội viên chính yếu cho Hội Thông Thiên Học. Jill Roe nhận thấy người hội viên Thông Thiên Học Úc tiêu biểu là người là gốc Ca Tô Giáo và Tin Lành, đã trải qua một thời kỳ bất khả tri (agnostic), và sau đó là một thời kỳ chú ý đến Tâm Linh Học trước khi gặp Thông Thiên Học. Tuy nhiên, chi hội đầu tiên của Hội Thông Học quốc tế chỉ được thành lập vào năm 1889 ở Tasmania. Hội Thông Thiên Học Melbourne được thành lập một năm sau bởi Elise Pickett, một người Nga mới đến từ New Zealand, và theo Jill Roe thì bà này tự nhận mình là Phật tử. Nếu quả thật như vậy thì Elise Pickett rất có thể là “tín đồ Phật giáo da trắng” đầu tiên đặt chân lên Úc Châu.

77pguc-olcott1
ông Olcott

Như vậy có lẽ Đại Tá Olcott là người thứ hai. Vào đầu năm 1891, ông đi khắp nước Úc để diễn thuyết trong mấy tháng, đặc biệt về “Thông Thiên Học và Phật Giáo". Ông nói rằng mục đích chính yếu của Thông Thiên Học là truyền bá triết lý Phật Giáo mà ông cho là có tính cách duy lý và do đó rất thích hợp với những người có tư tưởng tự do. Trong một cuộc phỏng vấn của tờ “Daily Telegraph” ông tuyên bố Phật Giáo là “một hệ thống tâm lý học hoàn hảo có từ thời cổ( a perfect system of psychology dating back to antiquity).Là diễn giả đầu tiên từ nước khác đến truyền bá Phật Giáo một cách có hiệu quả, Olcott nhận thấy người Úc là những thính giả rất đáng kính và sẵn lòng nghe diễn thuyết. Ông thấy họ “đơn giản”, nhưng cũng có rất nhiều “thiên hướng và khả năng huyền bí”.

Như vậy có lẽ Đại Tá Olcott là người thứ hai. Vào đầu năm 1891, ông đi khắp nước Úc để diễn thuyết trong mấy tháng, đặc biệt về “Thông Thiên Học và Phật Giáo". Ông nói rằng mục đích chính yếu của Thông Thiên Học là truyền bá triết lý Phật Giáo mà ông cho là có tính cách duy lý và do đó rất thích hợp với những người có tư tưởng tự do. Trong một cuộc phỏng vấn của tờ “Daily Telegraph” ông tuyên bố Phật Giáo là “một hệ thống tâm lý học hoàn hảo có từ thời cổ( a perfect system of psychology dating back to antiquity).Là diễn giả đầu tiên từ nước khác đến truyền bá Phật Giáo một cách có hiệu quả, Olcott nhận thấy người Úc là những thính giả rất đáng kính và sẵn lòng nghe diễn thuyết. Ông thấy họ “đơn giản”, nhưng cũng có rất nhiều “thiên hướng và khả năng huyền bí”.

Cuộc viếng thăm của Đại Tá Olcott chỉ gây ra một phong trào nhỏ, nhưng không có tính cách cuồng tín một chút nào. Jill Roe đưa ra những số liệu thống kê ở Victoria cho thấy Hội Thông Thiên Học bao gồm những phụ nữ trí thức thuộc nhiều tín ngưỡng, tiếp theo là những thành phần có học thuộc nam giới, và sau đó là những người vô thần. Như vậy, Thông Thiên Học có những hội viên thuộc hạng người có tư tưởng cao nhất của thời đại, chỉ có điều con số hội viên nhỏ không nói lên được sự tác động đáng kể của Thông Thiên Học lên văn hóa Úc. Đi đến đâu Olcott cũng mang theo mình bức thư giới thiệu của một cựu tổng thống Hoa Kỳ, và ông rất thích khi thấy Thông Thiên Học Úc Châu được sự chú ý của những thuộc giai cấp thượng lưu, thí dụ như ông đã dự tiệc với thống đốc tiểu bang New South Wales và đến thăm ngôi nhà Nhật Bản của Thẩm Phán Paul thuộc tòa án thành phố Brisbane. Chuyến du hành diễn thuyết của Đại Tá Olcott cho thấy rõ phong trào thời thượng lúc đó là thích tất cả những gì lãng mạn liên quan đến “Đông phương huyền bí” (Mystic East),kể cả các giáo sĩ, như Olcott đã viết trong hồi ký của ông: “Ngày 17 tháng 5, ở Melbourne, tôi được hưởng một một niềm vui hiếm có là nghe một giáo sĩ Ca Tô Giáo, Mục Sư Tiến Sĩ Buchanan, thuyết giảng trước 1500 thính giả về “Phật Giáo và Ca Tô Giáo”, ca tụng Hội của chúng ta. Tôi nghĩ người xưa đã nói không sai “không bao giờ thiếu phép lạ!”. ( On the 17thMay, at Melbourne, I enjoyed the rare pleasure of hearing a Christian clergy, the Rev. Dr. Buchanan, in preaching to an audience of 1500 people on “ Buddhism and Christianity”, praise our Society. Well, I thought, the old saying is true – wonders will never cease !)

Tờ The Ageở Melbourne viết rằng trong thời đó có sự không thỏa mãn về tâm linh, vì vậy người Úc nói chung cảm thấy là họ có thể “học được nhiều điều từ các nhà hiền triết Đông Phương, mà từ xưa đến giờ một nửa nhân loại đã hầu như không được biết đến trí huệ của các ngài”. Một ký giả khác của tờ The Age, Alfred Deakin lúc đó mới từ Ấn Độ trở về, có lẽ cũng đồng ý như vậy: là một hội viên năng động của Hội Thông Thiên Học, ông đã chủ tọa những buổi diển thuyết của Olcott ở Melbourne.

77pguc-alfred-deakin-3
ôngAlfredDeakin

77pguc-alfred-deakin-2
ông Alfred Deakin

77pguc-alfred-deakin
ông Alfred Deakin

Về nhiều mặt, Alfred Deakin (1856–1919), đã thu tóm được tinh thần của thời đại. Về sau ông làm thủ tướng nước Úc ba lần. Manning Clark xem Deakin là một anh hùng vĩ đại của Úc Châu (dù ông thuộc phái tư sản tự do) vì ông đã “có can đảm đối diện câu hỏi:nếu Thượng Đế đã chết thì điều gì xảy ra?” (If God is dead, what then?).Nói cách khác, ông đã có can đảm đối diện với cái mà Manning Clark gọi là “vương quốc hư vô” (Kingdom of nothing).Lúc còn nhỏ, cũng giống như nhiều người khác cùng thế hệ, óc tưởng tượng của ông đã được kích thích bởi xứ Ấn Độ và bởi tất cả những gì kỳ lạ của Đông Phương. Ông luôn luôn ưa thích “huyền học”,và vào năm 1878, là năm ông đọc cuốn “Isis Unveiled” (Gỡ Bỏ Tấm Mạng Của Nữ Thần Thiên Nhiên Isis) của bà H. P. Blavatsky, ông trở thành chủ tịch của Hội Tâm Linh Học Melbourne. Người viết tiểu sử của ông là J. A. La Nauze bình luận một cách quá đáng rằng “có lẽ ở tuổi hai mươi hai ông nên chú tâm chơi môn criket thì hơn”. Có thể người ta không ngạc nhiên khi thấy rằng những người chú ý đến sự nghiệp chính trị của Deakin đã khó dung hòa phương diện này với phương diện tôn giáo của ông, vì chính ông cũng khó làm được như vậy. Ông có hai đời sống rất khác nhau, đời sống chính trị thời Victoria vào ban ngày và “Phật Giáo Bí Truyền” vào ban đêm. Ông đọc nhiều về Phật Giáo, triết học Vedanta của Ấn Giáo, và Thông Thiên Học, và luôn luôn bị tác động bởi “sự phô diễn rẻ tiền, lòe lẹt, và dễ dãi của đời sống phàm tục”. Về Ca Tô Giáo, ông viết: “Tôi không chống Ca Tô Giáo về mặt tôn giáo, mà chỉ chống lại giới giáo sĩ, giáo điều, và sự không khoan dung” (What I detest is not religion but priestcraft, dogma and intolerance). Ông là người có bản tính trung dung, và luôn luôn sợ “người có thế lực uy hiếp những người nào tin vào sự huyền bí ở trong lòng vạn vật”.

Từ tháng mười một năm 1890, Darkin viếng thăm Tích Lan và Ấn Độ trong ba tháng. Sau đó ông viết cuốn “Đền Chùa Và Lăng Tẩm Ở Ấn Độ” (Temple and Tomb in India),trong đó có ba chương dành cho Phật Giáo. Về Đức Phật, Deakin viết: “Lòng từ bi vô lượng của Đức Phật đã chắp cánh cho những lời dạy của ngài, và làm cho ngài trở thành vị chúa tể của mọi sinh linh”. (It was an all-pervading pitym an infinite tenderness, and boundless compassion, which winged the words of the Buddha Gautama and made him a sovereign of souls).Phật Giáo là “thánh kinh sinh ra trong thiền định”, làm cho người Ấn Độ được phong phú, và ban cho những cộng đồng dân chủ ở giữa một xã hội phong kiến”. Ông than thở vì sự suy tàn của tinh thần này:

Ở khắp nơi Phật Giáo đang bị mất bản sắc của mình. Tín đồ Phật Giáo đang bị lôi cuốn bởi những tín ngưỡng mạnh hơn, thô kệch hơn và kích thích hơn. Chắc chắn đó là vì khởi thủy Phật Giáo là một niềm tin mà cũng là một sự nghi ngờ - một triết lý hơn là một tín điều”. (Everywhere Buddhism is losing its identity, and its followers are being merged in other stronger, coarser, and more stimulating creeds. This is doubtless because, it was in its origin almost as much a doubt as a belief – a philosophy rather than a creed).

Nhận xét rất hay này làm cho ông tin rằng Schopenhauer và các nhà nghiên cứu Phật Giáo người Tây Phương khác đã có may mắn nắm được tinh túy của tôn giáo này nhiều hơn là đa số người Á Châu, do không sống trong tầm ảnh hưởng của Ấn Giáo trong nhiều thế kỷ. Giống như Olcott, Rhys Davids, và các nhà Đông Phương học khác của cuối thế kỷ 19, Deakin cũng phấn khởi với triển vọng Phật Giáo đích thực sẽ được khôi phục. Tuy nhiên, ông có một sự thông cảm nào đó dành cho Phật Giáo đương thời ở Á Châu, vì “chắc chắn là đối với một tín ngưỡng có ý nguyện hiền lành và tốt như vậy, những sự thái quá và những sự thiếu hụt cần phải được tha thứ”. (surely to a creed so gentle and good in its aspirations much extravagance and much failure must be forgiven).

Khi trở về Melbourne, Alfred Deakin hoạt động mạnh trong Hội Thông Thiên Học, và lập một chi hội có chỗ hội họp là nhà của ông ở South Yarra. Tuy nhiên, phương diện đời sống này về sau đã phần nào gây khó khăn cho việc bầu cử của ông, khi báo chí châm biếm ông là “người ma” và “cựu Tâm Linh Học, cựu tín đồ Phật Giáo, cựu hội viên Thông Thiên Học”. Có lẽ một phần vì việc này mà ông đã rời khỏi Hội Thông Thiên Học vào năm 1896, sau khi viết thư cho Đại Tá Olcott về “tính cách khó hiểu” của bà Blavatsky. Sau đó ông trở nên u uất, và ông viết trong nhật ký là mình cảm thấy “trống rỗng” (empty) một cách lỳ lạ. Theo Manning Clark thì ngay cả khi chiến thắng trong chính trị ông cũng bị dằn vặt bởi ý nghĩ cho rằng sự trống rỗng của con người bên trong tương ứng với sự trống rỗng của xã hội bên ngoài”. Đến một mức độ nào đó, ông đã chịu ảnh hưởng của xã hội xung quanh, nơi tiền bạc ngự trị, và đời sống tâm linh thường bị xem là một sự sai lầm. Rốt cuộc Thông Thiên Học cũng như Phật Giáo của ông có lẽ đã bị thiếu sự thực hiện. Người ta cũng có thể đặt câu hỏi là những cảm tình dành cho Phật Giáo có ảnh hưởng gì đến chính trị của ông hay không, vì chính Deakin là người đưa ra Luật Hạn Chế Nhập Cư vào năm 1901. Nhưng có điều lạ là ở giữa sự phân biệt chủng tộc thô kệch nhất, ông cũng khen ngợi người Á Châu khi nói rằng “những khả năng cao và phẩm chất tốt của những người ngoại chủng này làm cho họ nguy hiểm đối với chúng ta” (good qualities of these alien races that make them dangerous to us). Như vậy ông chỉ sợ sự cạnh tranh về kinh tế, vì ông đã quá quen thuộc với văn hóa Đông Phương để tin vào sự siêu đẳng vốn có của người Âu Châu. Có lẽ việc nghiêng về một Úc Châu Da Trắng là không thể tránh được, và ít nhất Deakin cũng đã đưa ra được một lý lẽ cho khuynh hướng này.

Sự kiện Thông Thiên Học xa rời căn bản Phật Giáo ban đầu trong hai thập niên trước năm 1914 cũng không thể tránh được, với sự lãnh đạo mới của Annie Besant và C. W. Leadbeater. Vào đầu thập niên 1890, sau khi bà Blavatsky qua đời, khuynh hướng Phật Giáo vẫn còn khá mạnh. Thí dụ như sau chuyến du hành diễn thuyết của Olcott, một số người Thông Thiên Học Úc đã đi Tích Lan để dạy ở những trường Phật Giáo. Có lẽ cô Kate, con gái của Elise Pikett, là người đầu tiên làm công việc này vào năm 1891. Trong cuốn hồi ký, Đại Tá Olcott kể như sau:

Tôi đưa cô Pikett đến thăm vị Sư Trưởng và trường học của ngài, và vì cô ta rất mong muốn được trở thành tín đồ Phật Giáo nên Sư trưởng và tôi sắp xếp một cuộc họp ở đại điện vào tối hôm sau để cô ta làm lễ quy y. Mọi người đến tham dự đông nghẹt và vỗ tay thật lớn sau khi cô ta trải qua nghi lễ quy y đơn giản. Do được yêu cầu, tôi diễn thuyếtvề những sự kiện liên quan đến Phật Giáo trong chuyến đi thăm Úc Châu của tôi”.

Cô J. M. Davies và người em gái, từ Brisbane, cũng dạy học ở viện mồ côi Colombo do Hội Thông Thiên Học Phật Giáo Tích Lan thiết lập. Cô trở về Sydney năm 1900 để thuyết trình về Phật Giáo Tích Lan và tổ chức những khóa học tiếng Sanskrit chính thức. Tất nhiên, vào đầu thế kỷ hai mươi đã có mối liên hệ địa lý chính trị giữa Úc và Tích Lan mật thiết hơn là ngày nay, vì vậy không nên xem những sự kiện nói trên là đặc biệt.

Trong thập niên 1890, các chi hội Thông Thiên Học ở khắp Úc Châu thường tổ chức những cuộc diễn thuyết về cuộc đời của Đức Phật, và vào “Ngày Hoa Sen Trắng” kỷ niệm ngày bà Blavatsky qua đời, người ta tuyên đọc cuốn “ Ánh Sáng Á Châu” (The Light Of Asia) một bản thiên trường ca về Đức Phật của thi hào người Anh Arnold. Năm 1898 ở Hobart, cô Octavia Susman xuất bản một cuốn sách mỏng tựa đề “Đức Phật và Phật Pháp" (Buddha & Buddhism), đây có lẽ là tập sách hoằng dương Phật Giáo đầu tiên được xuất bản. Nhưng nói chung thì thập niên này đánh dấu một sự xa rời rõ rệt khỏi Phật Giáo trong xã hội Úc. Giống như những người Tâm Linh Học trước họ, những người Thông Thiên Học đã gặp khó khăn lớn trong việc chấp nhận ý niệm vô ngã (anatta) và thuyết vô thần, tức không-Thượng Đế của Phật Giáo. Có lẽ những thuyết này quá thực tế đối với nhiều người lãng mạn và tình cảm được thu hút đến Thông Thiên Học. Có một thời gian người ta tự ý đặt ra những thuyết như “Đức Phật dạy rằng con người có linh hồn bất tử”. Rốt cuộc, dù Hội Thông Thiên Học vẫn “được làm cho sống động bởi giáo lý của các nhà hiền triết Đông Phương, những vị đã thấu triệt sâu xa được chân tính của vạn vật", nhưng những vị này được khoác áo Ấn Giáo hơn là trang phục Phật Giáo.

Năm 1897, Đại Tá Olcott trở lại Úc và New Zealand trong 5 tháng, nhưng lúc này ông đã trở nên mờ nhạt so với Annie Besant. Dưới sự lãnh đạo của bà này, Hội Thông Thiên Học đã quay về hướng Ấn Giáo, và cả Ca Tô Giáo. Từ lâu hội này đã bị tố cáo là bình phong cho “một cuộc tái phát Phật Giáo". Và nhận thức này có lẽ đã gây tai hại. Nhiều người như Alice Cleather đã than thở về sự đổi hướng của Hội Thông Thiên Học, dù ít ai trông thấy trước là hội sẽ trượt dài vào thuyết Đấng cứu thế xuất hiện, thuyết Tam Điểm (Co-masonry) và Giáo Hội Công Giáo Tự Do.

Anagarika Dharmapala (1864-1933), một người Tích Lan được Đại Tá Olcott bảo hộ và là người sáng lập Hội Maha Bodhi năm 1890, cũng chống lại ý định phối hợp tôn giáo của bà Besant cũng như ý định chung “Ki Tô hóa bà Blavatsky và giảm thiểu sự quan trọng của Đức Phật". Vào đầu thế kỷ 20, trong chiến dịch phát triển Phật Giáo trên toàn thế giới của ông, Dharmapala viết một bài về Phật Giáo ở Úc Châu đăng trong “Tạp Chí Maha Bodhi”. Rõ ràng là ông đã trao đổi ý kiến với những người Úc nào đã viết bất cứ một điều gì về Phật Giáo trong báo chí. Bài báo của ông nêu trên những tờ báo địa phương nhỏ như “Albury Banner”, “Hay Standard”, và “Healesville Guardian”. Tác giả của bài báo trong tờ “Healesville Guardian” chỉ ký tên là “Người Rảnh Rỗi”( An Idler) đã thật sự bị mất việc sau khi viết rằng những người nào soạn thánh kinh Ca Tô Giáo chắc chắn phải đã tham khảo kinh sách Phật Giáo. Dharmapala cũng được những người trao đổi thư tín với mình cho biết rằng Thủ Hiến tiểu bang Victoria, Lord Brassey, đã tham dự những cuộc họp của một hội Phật Giáo ở London, và rằng một người “học rộng và hùng biện” là Tiến Sĩ Worthington đã thiết lập khắp Úc Châu và New Zealand một hội được gọi là “Những Người Tìm Hiểu Chân Lý” (The Students of Truth)và được mô tả là có tính chất “Phật Giáo Thiên Chúa” (Christian-Buddhism).Nhưng cuốn “Những Vụ Tai Tiếng Lớn Ở Úc Châu"(Great Australian Scandals)của Blaikie viết rằng Mục Sư Tiến Sĩ Arthur B. Worthington thật ra là một người Mỹ có tên là Sam Crawford bị kết án tù 7 năm vào năm 1901 sau khi lừa bịp nhiều bà giàu có đến “Đền Thờ Chân Lý“(Temple of Truth)của ông ta để xem ông ta hóa trang làm Thần Osiris. Việc những người liên lạc với Dharmapala xét người sai lầm không phải là điều đáng ngạc nhiên vì thời đó có rất nhiều những người đi truyền đạo và những kẻ lừa gạt.

Số hội viên Hội Thông Thiên Học gia tăng liên tục trong hai thập niên trước và sau thế chiến thứ I, nhưng những người liên lạc thư tín với Dharmapala không có gì nhiều để nói về hoạt động Phật Giáo. Chính phủ Úc và Chính Sách Úc Châu Da Trắng có vẻ đã ngăn trở ảnh hưởng nơi khác. Trong nửa đầu của thế kỷ 20, đa số những người nghiên cứu Phật Giáo là những cá nhân đơn độc ở giữa một môi trường văn hóa khác biệt về nhiều mặt.

Đa số người Thông Thiên Học chống lại Chính Sách Úc Châu Da Trắng, và thi sĩ Bernard O’ Dowd thường dùng tờ tạp chí của hội làm diễn đàn trình bày ý kiến của mình cho rằng người Úc không thể sống thành thực với “chân ngã” hay “lý tưởng dân chủ” của họ, trừ khi họ biết “tôn trọng, tìm hiểu và yêu mến Đông Phương trầm tư vĩ đại”.O’ Dowd nói rằng ông đã đọc “hai cuốn sách rất hay viết về Cổ Thư Trung Hoa của Legge, và đọc một cách thành kính giống như một em bé đọc Thánh Kinh”. Sinh ra ở gần Ballarat năm 1886, lúc còn nhỏ, O’ Dowd đã bị lôi cuốn bởi khu Chinatown của thành phố. Giống như Deakin, sau đó ông quen biết W. H. Terry và Tâm Linh Học, nhưng khi có cảm tình với Thông Thiên Học, quan điểm của ông về Phật Giáo và triết học Ấn Giáo Vedanta chính yếu là quan điểm của một người thuộc phái Siêu Nghiệm (Transcendentalist), Ông đọc nhiều văn học tôn giáo Đông Phương mà cùng với những tác phẩm của Whitman, Emerson, Blake và Nietzsche có ảnh hưởng lớn nhất đến thi ca của ông. Hoàn toàn có nhãn quan chủ nghĩa thế giới, ông nói rằng mình “khai thác các vị thần thánh” cho một nước Úc mới. Những bài thơ của ông chứa đầy mô thức Phật Giáo, nhưng cũng giống như Deakin, sự quan tâm của ông có tính cách chiết trung sâu rộng. Nước Úc của ông phải là “người thừa kế của toàn thế giới", trong đó con đường sáng của Đức Phật và đạo của Jesus trầm buồn có vị trí ngang nhau. Thơ của ông có tính chất Siêu Nghiệm rõ rệt, và là một sự phản đối dài và mạnh chủ nghĩa duy vật của nước Úc. Ông viết cho thần tượng Walt Whitman quá cố của mình để nói rằng mình rất chú ý đến văn hóa Nhật Bản. Ông chấp nhận thuyết “Linh Hồn Phổ Quát” của Emerson, và gọi “hồn chung” này là “Cõi Im Lặng” ( The Silent Land). Ông cũng hoàn toàn đồng ý với thuyết đa thần của Emerson.

Tính chất Siêu Nghiệm trong văn học Úc bắt đầu có từ Charles Harpur, và thường chịu ảnh hưởng của Phật Giáo. Tất nhiên những tác phẩm của Emerson và Thoreau chứa đầy triết lý Đông Phương. Thoreau nói riêng rất chú ý đến Phật Giáo, và đã chuyển bản dịch một phần đầu tiên của Kinh Pháp Hoa (Lotus Sutra)sang tiếng Anh (từ bản tiếng Pháp của Eugene Burnouf), và viết về “Đức Christ của họ được nói đến bên cạnh Đức Phật của tôi”. Có lẽ đệ tử lớn nhất của ông ở Úc Châu là ẩn sĩ phái tự nhiên E. J. Banfield, tác giả của bốn cuốn sách có khá nhiều độc giả quốc tế. Sinh năm 1852, Banfield trưởng thành ở Ararat, Victoria, nơi gia đình của ông có một tờ báo địa phương. Sau khi làm ký giả cho tờ “ The Age” và tờ “Daily Telegraph”, năm 1897 ông bị suy nhược thần kinh, và chuyển ra Dunk Island, ngoài khơi bờ biển miền Bắc Queensland, sống một cuộc đời mới trong ba mươi năm. Sau khi đã thực sự phân ly với Úc Châu, Banfield quyết định thí nghiệm trí huệ của “nhà hiền triết”, vị đã dạy: “Nếu gia tăng hạnh phúc thì đừng gia tăng tài sản mà hãy giảm thiểu dục vọng” (If you wish to increase a man’s happiness seek not to increase his possessions, but to decrease his desires).Đối với Banfield thì “sự hấp dẫn thông thường của thế giới muôn mầu muôn vẻ” đã cho thấy là vô mục đích, vô vị, và không đáng thỏa mãn một chút nào cả”. Ông viết sách là chỉ để ca tụng thế giới tự nhiên và trình bày về “những nổ lực yếu ớt để sống như chính mình”.

Cuốn sách đầu tiên của Banfield, “Lời Trần Tình Của Một Người Lang Thang Trên Bãi Biển”, được tài trợ bởi một thi sĩ phái tự nhiên người Anh, Sir Walter William Strickland, có lẽ cũng là nguồn kiến thức Phật Giáo đầu tiên của Banfield ngoài những gì ông lượm lặt được trong những tác phẩm của Thoreau. Tốt nghiệp Đại Học Cambridge và thừa hưởng một tài sản khá lớn, Strickland quyết định chỉ đi du lịch với vé hạng ba “trong bộ quần áo xập xệ và cái túi xách cũ kỹ”. Trong hai năm ông sống “như người bản xứ” ở miền Nam Ấn Độ và Tích Lan, cho rằng Ca Tô Giáo chỉ là “cái bóng phản chiếu mờ nhạt và không lành mạnh” của Phật Giáo. Ông cũng xem Luận Tạng của Phật Giáo Miến Điện là bằng chứng cho thấy người Á Châu đã tiến hóa đến” một kiểu sọ cao cấp hơn” người Âu Châu trung bình. Năm 1903 Banfield nghe nói có “một người khùng bờ biển” ( Walter Strickland), và ngay sau đó hai người gặp nhau và kết bạn với nhau, với Strickland đến thăm Dunk Island trong mấy tuần. Theo người viết tiểu sử của ông là Michael Nooman thì Banfield bị “thôi miên” bởi Strickland, và ngược lại tác phẩm của Banfield gây ấn tượng với Strickland đến mức ông bỏ tiền ra để giúp việc xuất bản qua một công ty ở London. Chẳng bao lâu sau, Strickland biến mất, và vào năm1921 như một hành động phản đối Đế Quốc Anh, ông trở thành công dân Tiệp Khắc. Báo chí Úc đăng tin ông qua đời vào ngày 7 tháng tám 1939: “Sir Walter Strickland, có một thời gian sống ở Úc, đã qua đời hôm nay. Ông để lại phần thu nhập tài sản của ông, 16,000 bảng, để dùng vào việc truyền bá Phật Giáo”.

Strickland chấp nhận “niềm tin phổ quát vào tinh thần của thiên nhiên”, đó là niềm tin của “ những người sống tự nhiên cũng như nhiều chủng tộc được cảm ứng mạnh nhất. Theo ông thì trong số những chủng tộc này không có người Anh Ca Tô Giáo với ý niệm vô lý trong Thánh Kinh về Đấng Tạo Hóa của họ. Khó có thể biết chắc là Banfield có đồng ý với Strickland đến mức độ này hay không, nhưng có một điều rõ ràng là ông có cảm tình sâu xa và bền vững với Phật Giáo, đặc biệt là trong một truyện ngắn viết năm 1914, tựa đề “Vượt Mọi Hiểu Biết”. (Passeth All Understanding).Truyện này kể về một người làm vườn Trung Hoa tên là Hu Dra, “tín đồ của Đức Phật cứu khổ”, xem “xứ sở kỳ lạ và dễ làm giàu này chỉ là một giấc mộng, nhưng đã bị tù oan. Là một “người Phật Giáo trầm tư”, Hu Dra làm cho mảnh đất khô cằn trở thành một ốc đảo xanh tươi, và sau đó biến “chất đất thô kệch” của sân nhà tù thành xà lách, cứ như làm phép lạ. Trong khi được đưa đến nhà tù, Hu Dra niệm “Om Mane Pade Om”(Án Ma Ni Bát Di Hồng), và người lính gác cũng niệm theo một cách vô tâm, “thế là người Ái Nhĩ Lan lực lưỡng, thô kệch và người Trung Hoa hiền lành xa quê hương bước đi mà hầu như không có ý thức gì về những dặm đường bụi bặm, cùng nhau mơ màng ca tụng viên ngọc trong bông sen”. Chắc chắn Banfield đã dùng hoàn cảnh khó khăn của Hu Dra để nói lên cảm nghĩ của mình về nước Úc. Ông đã cố gắng gây dựng “Một ý thức giác ngộ về những gì ở xung quanh mình, xa cách những cảm xúc thân xác thô kệch”. Rõ ràng sự cố gắng này là một phần của thuyết Siêu Nghiệm đặt theo kiểu vô thần, và như vậy gần với tôn giáo của Hu Dra hơn là với Ca Tô Giáo.

Nếu có một điều gì làm cho Banfield nghiêng về phía Phật Giáo thì đó là một người bạn ở Sydney năm 1921, ông viết: “Nếu phải chọn một trong hai tôn giáo này thì tôi sẽ vui lòng chấp nhận Phật Giáo. Ít nhất thì tôn giáo này cũng thanh tịnh, còn tôn giáo của chúng ta thì có đầy những chỗ nói đến máu, hay như một trong những vị giáo sĩ trưởng của chính tôn giáo này đã nói “sặc mùi lò sát sinh”. ( If one had to make a choice between the two religions I for one would gladly accept Buddhism. At least it is clean. Ours teems with reference to blood or as one of its own Ministers said, “ reeks of the abattoirs”)

Hòn đảo Dunk nơi ông ẩn cư là chỗ trú của đủ giống chim mà ông nhất quyết cho rằng cần phải được bảo vệ. Như vậy Banfield đã đi trước nhiều nhà hoạt động bảo vệ môi sinh trong những thập niên 1970 và 1980 chịu ảnh hưởng của Phật Giáo với sự tôn trọng sinh vật của tôn giáo này, chủ trương sự tương liên giữa vạn vật. Có thể thấy ở đây phương diện quan trọng thứ hai của Phật Giáo có ảnh hưởng đến người Úc. Ngoài tính chất duy lý và hợp với khoa học, Phật Giáo cũng hấp dẫn được những người theo chủ nghĩa hòa bình và những người cho rằng ý niệm con người thống trị thiên nhiên của Ca Tô Giáo đã gây ra tai họa về sinh thái. Như vậy phái Đa Siêu Nghiệm và Thông Thiên Học là nơi mở ra sự gặp gỡ và thông cảm với Phật Giáo. Câu viết trên bia mộ của Banfield là những lời nổi tiếng của Thoreau “Nếu một người không đi cùng nhịp với những người đồng hành thì đó là vì y nghe thấy một tiếng trống khác. Cứ để cho y bước theo điệu nhạc mà y nghe thấy, dù khác bao nhiêu hay xa bao nhiêu”.

Nhiều người Úc quan tâm đến Phật Giáo và sinh thái học, thí dụ như thi sĩ Robert Gray, đã nói rằng D. H. Lawrwnce là một ảnh hưởng đầu tiên của họ. D. H. Lawrwnce (1885-1930), một trong những nhà văn vĩ đại của nền văn học Anh. Lawrence cho rằng có một “liên hệ sinh động giữa con người và thiên nhiên”, và “chấp thủ” là nguyên nhân của đau khổ. Như vậy tư tưởng của ông hoàn toàn phù hợp với những giáo lý chính yếu của Phật Giáo. Từ lâu ông đã chú ý đến những tôn giáo Đông Phương và Thông Thiên Học, và vào năm 1922 ông đi Tích Lan để nghiên cứu Phật Giáo với hai người bạn Mỹ là Earl và Achsah Brewster. Nhưng ông thất vọng vì cảm thấy tình trạng suy thoái của Phật Giáo ở đây: “Tôi rất nghi ngờ rằng sự khoa trương của Phật Giáo hầu như chỉ có ở trên những trang sách, và sự chối bỏ linh hồn làm cho tôn giáo này luôn luôn khô khan, dù có thể về mặt triết lý và những mặt khác tôn giáo này hoàn hảo hơn.”. Giống như những người Tâm Linh Học và Thông Thiên Học trước ông, cuộc tranh chấp riêng tư của Lawrence với Phật Giáo tập trung vào thuyết vô ngã, một cuộc tranh chấp đạt đến mức cao nhất của nó ở trên đất Úc Châu.

Vào năm 1922, là năm Krishnamurti bị chế giễu trên những đường phố Sydney, Lawrence đã sống mấy tháng ở Úc, và đã vô tình chạm vào một số đề tài mà sau này trở thành điều quan tâm chính yếu của Phật Giáo Úc Châu. Như Ronald Conway viết, Lawrence có một “sự nhận biết lạnh lùng, huyền bí” về tình trạng con người và về tinh thần của một địa phương. Ông thấy ngay là “người Úc luôn luôn ý thức về những khoảng trống không lớn trong tâm thức của mình; giống như xứ sở của y, một “sa mạc” trống không bao la, ở trung tâm của y”. Sự hướng ngoại và chủ nghĩa duy vật chất của đời sống Úc làm cho Lawrence phát sợ, nhưng Richard Somers, nhân vật trong cuốn tiểu thuyết “Kangaroo” của ông, cũng nhận thấy rằng theo một nghĩa khác “Trống không là kỳ diệu. Kỳ diệu khi cảm nhận bầu trời xanh trống không của Úc Châu”. Nhân vật chính của ông chứng nghiệm một “sự tan biến kỳ lạ của mọi vật”, mà Gerald Doherty cho là điểm gần với sự chứng ngộ vô ngã nhất mà Lawrence đã đạt được: “Được giải trừ tất cả. Bầu trời không người, xanh, nhẹ, của Úc Châu. Bầu khí quyển không một chữ viết trắng nhạt của Úc Châu. Tấm bảng trống không. Thế giới một chiếc lá mới, và trên chiếc lá, không có gì cả. Sự trắng trong của Úc Châu, bầu khí quyển mong manh. Không một dấu hiệu, không một chữ viết”.

Ông nhận ra liên hệ của mình với phong cảnh chính là vì ông buông bỏ nỗi sợ vị kỷ về sự trống không của mình, dù chỉ thoảng qua: “Người nào dám trở nên vô hồn sẽ tìm thấy bình diện mới của sự sống”. Đây là một cú nhảy vọt của niềm tin, đưa đến tri kiến Phật Giáo" mọi vật đều giả tạm, và có sự thiêng liêng của chúng trong sự liên quan đích thực với tất cả những vật khác”.

77pguc-hlawrence


nhà văn Lawrence

Như vậy Lawrence thỏa hiệp với giáo lý vô ngã, chứng nghiệm vô ngã một cách rất xa lạ với những người Thông Thiên Học. Nhưng về mặt khác, cuốn tiểu thuyết cho thấy ông bác bỏ tính chất bất động và khắc khổ của Phật Giáo. Giống như Deakin, ông bị giằng xé giữa thế giới năng động và thế giới trầm tư, thường nói về hình ảnh Đức Phật ngồi kiết già: “Ôi, phải chi ngài đứng dậy”. Trong bài thơ “Kangaroo”, con Kagaroo cũng có những tính chất đó: “Ai có thể làm cho nó nghiêng ngã, khi nó giống như một giọt chất lỏng nặng, đặt trên mặt đất”. Con kangaroo nặng như chì, giống như tượng Phật, và luôn luôn cảnh giác. Trong cuốn tiểu thuyết Lawrence dùng nhân vật viên tướng có biệt danh Kangaroo như một ẩn dụ cho Đức Phật, và khi thanh toán nhân vật này, ông muốn lọai bỏ Phật Giáo ra khỏi con người mình. Kangaroo có “một thứ cao ngạo gợi cảm trinh nguyên”, hai mắt sáng “với một thứ ánh sáng thiêng liêng, kỳ lạ”. Triết lý của ông ta dạy rằng “tà kiến thường tồn là gốc rễ của điều xấu”. Kangaroo cũng có thuyết giác ngộ, nhưng đối với nhân vật Richard Somres thì ông ta “gần như một sự thô kệch, giống như một vị Phật Trung Hoa. Mà lại không thô kệch. Đẹp, đẹp như một bông hoa bán nhiệt đới nở trên cây”. Somers dao động, vì cũng muốn dâng tâm linh và thể xác cho Kangaroo, “lớn và đẹp như một vị thần”, nhưng rồi bọt bong bóng vỡ trong tim của anh ta, và trong mắt anh ta, Kangaroo biến thành “một vị Phật đối địch, đông cứng”.

Như vậy Lawrence thỏa hiệp với giáo lý vô ngã, chứng nghiệm vô ngã một cách rất xa lạ với những người Thông Thiên Học. Nhưng về mặt khác, cuốn tiểu thuyết cho thấy ông bác bỏ tính chất bất động và khắc khổ của Phật Giáo. Giống như Deakin, ông bị giằng xé giữa thế giới năng động và thế giới trầm tư, thường nói về hình ảnh Đức Phật ngồi kiết già: “Ôi, phải chi ngài đứng dậy”. Trong bài thơ “Kangaroo”, con Kagaroo cũng có những tính chất đó: “Ai có thể làm cho nó nghiêng ngã, khi nó giống như một giọt chất lỏng nặng, đặt trên mặt đất”. Con kangaroo nặng như chì, giống như tượng Phật, và luôn luôn cảnh giác. Trong cuốn tiểu thuyết Lawrence dùng nhân vật viên tướng có biệt danh Kangaroo như một ẩn dụ cho Đức Phật, và khi thanh toán nhân vật này, ông muốn lọai bỏ Phật Giáo ra khỏi con người mình. Kangaroo có “một thứ cao ngạo gợi cảm trinh nguyên”, hai mắt sáng “với một thứ ánh sáng thiêng liêng, kỳ lạ”. Triết lý của ông ta dạy rằng “tà kiến thường tồn là gốc rễ của điều xấu”. Kangaroo cũng có thuyết giác ngộ, nhưng đối với nhân vật Richard Somres thì ông ta “gần như một sự thô kệch, giống như một vị Phật Trung Hoa. Mà lại không thô kệch. Đẹp, đẹp như một bông hoa bán nhiệt đới nở trên cây”. Somers dao động, vì cũng muốn dâng tâm linh và thể xác cho Kangaroo, “lớn và đẹp như một vị thần”, nhưng rồi bọt bong bóng vỡ trong tim của anh ta, và trong mắt anh ta, Kangaroo biến thành “một vị Phật đối địch, đông cứng”.

D. H. Lawrence khét tiếng về tính xao động và hay thay đổi, và đã có lúc lại sẵn sàng đi theo cặp Brewsters đến Ấn Độ để hành thiền. Xét cho cùng thì sự hiểu biết về Phật Giáo của ông chỉ có tính cách vụn vặt, và lại còn nhuốm màu một số thành kiến thực dân thời bấy giờ; nhưng tín đồ Phật giáo Úc Châu có thể xem là may mắn đã có một số vấn đề nan giải của mình được trình bày trong bối cảnh Úc Châu bởi một trong những nhà văn vĩ đại của thế kỷ hai mươi như thế.

---o0o---

Vi tính: Cao Thân - Quảng Như
Trình bày: Nhị Tường
Bìa: Diệu An - Lê Hiếu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567