Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lịch Sử Phật Giáo Úc Đại Lợi (sách)

10/04/201313:06(Xem: 13158)
Lịch Sử Phật Giáo Úc Đại Lợi (sách)

77pgiaoucchau-cover

LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ÚC ĐẠI LỢI

(History of Buddhism in Australia)

Nguyên tác: Paul Croucher
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng

---o0o---


Mục Lục

Lời người dịch:đây là cuốn sách đầu tiên ghi lại lịch sử Phật Giáo ở Úc Châu và ảnh hưởng của Phật Giáo đối với thơ ca, mỹ thuật và đời sống tâm linh của người Úc. Cuốn sách theo dõi quá trình hình thành của Phật Giáo vào giai đoạn sơ khai, thế kỷ mười chín, cho đến việc thành lập những hội Phật Giáo đầu tiên vào đầu thập niên năm mươi của thế kỷ hai mươi, các phong trào học Phật của người Úc và sau cùng là những người tị nạn đến từ châu Á. Hơn thế nữa, đây là câu chuyện lịch sử, một bức tranh mà trong đó những nhân vật lập dị, những kẻ giả danh, những người nổi tiếng, đây đó vài bậc thánh thiện, làm cho cuốn sách hấp dẫn hơn là chỉ nói về những người Phật tử bình thường tại xứ sở Nam Bán Cầu này.

Paul Croucher, tác giả tập sách, sinh năm 1961, trưởng thành ở Sydney và lần đầu tiên tiếp xúc với sách Phật Giáo và Lão Giáo trong thời gian làm việc ở một tiệm sách vào năm 1979. Tuy chú tâm vào Thiền học nhưng các vị thầy đầu tiên của ông lại là Lạt Ma Tây Tạng, trong số đó là Lạt Ma Geshe Nyawang Leyden và Lạt Ma Yeshe. Năm 1983, ông viếng thăm Nhật Bản, Thái Lan, và những nơi có người Tây Tạng lưu vong ở miền Bắc Ấn Độ, và từ năm 1984, ông nghiên cứu lịch sử Á Châu và học tiếng Nhật ở đại học Monash (Melbourne), những điều quan tâm khác của ông là chơi bóng squash, đi dã ngoại và đọc sách của Henry David Thoreau (1817-1862), nhà văn Mỹ thuộc phái tự nhiên. Hiện tại ông đang viết luận án tiến sĩ về lịch sử Thiền Tông.

“ Lịch Sử Phật Giáo Úc Đại Lợi” được xuất bản tại Sydney vào năm 1989, với gần 150 trang, bao gồm sáu chương: chương 1: Những chiếc bình trống; chương 2: Cứ như là từ một xứ khác: 1910-1952; chương 3: Lối thoát độc nhất: 1952-1956; chương 4: Đưa bông sen cho tảng đá: 1956-1971; chương 5: Những Người Đánh Trống Pháp 1971-1975; và chương 6: Bờ bên kia: 1975-1988. Như vậy, tập sách “ Lịch sử PG Úc” chỉ giới hạn đường đi lịch sử của mình từ lúc khởi nguyên đến năm 1988, tất nhiên từ năm 1981, Phật Giáo VN đã có mặt tại xứ sở này, và ít nhiều, Paul Croucher đã ghi lại những gì mà ông biết được, cảm nhận được về PGVN, kể ra cũng rất lý thú. Nhưng thôi, đó là chuyện dài về sau. Bây giờ kính mời độc giả tập san Pháp Bảo và trang nhà Quảng Đức trở về hơn một trăm năm trước để xem sự hình thành nền tảng của Phật giáo tại Úc như thế nào.

Lời giới thiệu:Phật Giáo đã lan truyền khắp Á Châu một cách chậm chạp, do bị hạn chế những khoảng cách địa lý lớn và những khó khăn trong việc ấn hành kinh sách. Tuy nhiên, sự phát triển của tôn giáo này cũng rất đáng chú ý, từ A Phú Hãn (Afghanistan) đến Nhật Bản, và từ Mông Cổ đến Nam Dương (Indonesia). Những tài liệu lịch sử ở các nước khác nhau như Tích Lan (Sri Lanka), Tây Tạng (Tibet), và Nhật Bản viết rằng các Tăng Ni của Phật Giáo du hành đã gây được sự quan tâm của triều đình ở những xứ này, và tiếp theo sau là sự quy y theo Phật Giáo của những người thuộc giai cấp thượng lưu.

Chỉ ở Trung Hoa khi được truyền vào, Phật Giáo gặp nền văn minh đã đạt trình độ cao rồi, tiếp đó Phật Giáo cũng đã lan tỏa khắp nơi, đặc biệt là trong đời nhà Đường (T’ang dynasty). Sự kiện này có thể được xem là sự phát triển chính thức của Phật Giáo, nhưng còn có nhiều hình thức truyền bá khác, có tính cách dân dã hơn, qua các tăng ni và Phật tử tại gia làm việc cách xa triều đình và những hoạt động của họ không được ghi nhận lại trong sử sách. Sự truyền bá Phật Giáo ở Úc Châu cũng giống sự truyền bá này, nhưng có một điểm khác biệt quan trọng là trong thời đại của chúng ta, sách được sản xuất một cách dễ dàng và rẻ tiền. Trước thập niên 1970, như tác giả Paul Croucher cho thấy, đa số những người Úc chú ý đến Phật Giáo đã chỉ được biết về Phật Giáo qua những cuốn sách, mà những cuốn sách này thì không giải đáp được những câu hỏi quan trọng của họ.

Các tín đồ Phật Giáo Úc đầu tiên và những người có cảm tình với Phật Giáo thường được thu hút qua phương diện duy lý – nhân bản của giáo lý Phật Giáo hay ngang qua sự trình bày đầy nghệ thuật của nền giáo lý này. Điều này có nghĩa là những phương diện lớn khác của Phật Giáo đã bị bỏ quên hoặc bị hiểu lầm. Chẳng hạn như giáo lý luân hồi đã bị những người quá duy lý xem là một giáo thuyết Á Châu không cần thiết, cùng với điều này, tất cả các nghi lễ đều bị chê là dấu hiệu của sự thoái hóa, và những nghi thức Phật Giáo thông thường như cúi lạy để tỏ lòng tôn kính, sự khiêm hạ và sự biết ơn đã bị xem là những việc không quan trọng được đặt thêm vào triết lý của Đức Phật. Pháp môn thiền của Phật Giáo và công dụng giải trừ tính kiêu căng ngã mạn của những pháp này cũng bị hiểu sai, và được dành cho rất ít thời giờ thực hành. Thật vậy, Phật Giáo vẫn chỉ là những lời nói để cho người ta trích dẫn khi cần thiết chứ không dẫn tới việc nhiếp phục tâm tán loạn. Kết quả là cuốn sách này bao gồm cả những giai đoạn đáng buồn của lịch sử Phật Giáo ở Úc Châu. Có điều đáng khen là tác giả, tuy là tín đồ Phật Giáo, đã không che đậy những giai đoạn này, vì ông chỉ quan tâm tới tính chính xác về mặt lịch sử chứ không tô điểm thêm cho những sự kiện.

Tôi nhớ lại hai sự việc mà tôi đã gặp, có thể minh họa khuynh hướng sai lầm trong thời kỳ đầu của Phật Giáo Úc châu. Thứ nhất là có lần một người ồn ào, thích coi truyền hình và không bao giờ tham thiền, bảo đảm với tôi là người ta có thể đắc Niết Bàn vào lúc qua đời. Tất nhiên tôi mong người này nói đúng, nhưng trong tận thâm tâm, tôi thấy ý kiến này không phù hợp với lời dạy của Đức Phật rằng muốn chứng đắc Niết bàn, người ta cần phải tinh tấn tu tập. Sự việc thứ hai là trong một cuộc họp của một tổ chức Phật Giáo mà tôi được mời tham dự, phiên họp kéo dài từ tám giờ đến mười một giờ đêm, mọi người cãi nhau dữ dội, và điều đáng ngạc nhiên nhất là những người tham dự không có ai được mời một ly nước nào cả. Vì đã sống ở Thái Lan, nhiều năm, một xứ mà người dân rất hiếu khách, nên tôi đã ngạc nhiên vì sự vô tâm này. Tất cả mọi pháp môn tu tập theo giáo lý của Đức Phật đều bắt đầu với hạnh bố thí, hay lòng từ bi quảng đại, và nếu hạnh bố thí không phải là một phần của đời sống tu tập thì người ta khó có thể thành tựu được bất cứ pháp môn nào khác.

Trong thập niên 1980, quang cảnh đã thay đổi đáng kể, ngày nay có hơn tám mươi ngàn tín đồ Phật Giáo ở Úc Châu, thuộc hơn một trăm tổ chức Phật Giáo khác nhau. Các vị thầy Phật Giáo có khả năng đã định cư ở xứ này, và các nhóm đệ tử đã tụ tập xung quanh các vị, vì vậy bây giờ đa số các tín đồ chú tâm vào việc học và thực hành giáo lý một cách sâu xa. Tương lai tốt đẹp của Phật Giáo ở Úc Châu tùy thuộc vào việc sẽ có bao nhiêu vị thầy bản địa sẽ xuất hiện ở xứ sở rộng lớn này để chiếu ánh sáng Giáo Pháp cho những người có mắt được thấy.

Tỳ Kheo Khantipalo Thera

Viết tại Chùa Buddha Dhamma, tháng Mười năm 1988.

---o0o---

Vi tính: Cao Thân - Quảng Như
Trình bày: Nhị Tường
Bìa: Diệu An - Lê Hiếu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com