Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật giáo tại Na Uy

22/05/201318:12(Xem: 17554)
Phật giáo tại Na Uy

 norway map



Phật Giáo tại Na-Uy
Thích Nguyên Tạng


Na Uy (Norway) là một quốc gia Bắc Âu nằm ở Tây Bắc Châu Âu có lãnh thổ bao gồm phần phía Tây và cực Bắc của bán đảo Scandinavi. Ngôn ngữ chính là Na Uy ngữ. Thể chế chính trị: Quân Chủ Lập Hiến. Na Uy có tổng diện tích là 385.207 km2 và dân số là 5.312.300 triệu người (thống kê năm 2018). Thu nhập bình quân đầu người: 70.665 USD, cao đứng hàng thứ tư trên thế giới (theo Ngân hàng Thế giới và IMF).

Phật giáo được truyền vào Na Uy từ đầu những năm 1920 do công của Giáo sĩ Karl Ludvig Reichelt (1877-1952) nhưng Phật giáo chỉ được phát triển từ cuối những năm 1970 trở đi, sau khi có làn sóng người nhập cư vào Na Uy từ các quốc gia  theo Đạo Phật. Hầu hết tín đồ Phật giáo tại đây là người Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên, Thái Lan, Tây Tạng, Campuchia, Nhật Bản và người bản xứ da trắng, những người đã quan tâm đến tôn giáo đầy thu hút này và con số đã gia tăng trong những thập niên qua.

Hiện có bảy tổ chức Phật giáo hoạt động dưới sự điều hành của người bản xứ Na Uy và những sắc tộc khác. Mục đích của các tổ chức này là đưa đạo Phật đến với công chúng. Do đó, họ cho xuất bản sách và tạp chí, cung cấp các khóa học và mở các trung tâm Thiền định. Hội PG đầu tiên tại Na Uy là Buddhaforbundet, thành lập vào năm 1979 bởi hai nhóm Phật giáo (The Zen School and Karma Tashi Ling buddhistsenter), hai nhóm này muốn tạo ra một tổ chức chung để bảo tồn những giá trị của Đạo Phật để đem ánh sáng Chánh Pháp đến cho Phật tử tại quốc gia này. Tổ chức này có một ngôi chùa tại Bjorndal, Oslo, một trung tâm Thiền định, một cửa hiệu sách và trưng bày nghệ thuật Phật giáo ở trung tâm thành phố Oslo, cùng với một khu vực chuyên tu ở thành phố Ski, phía Nam thủ đô Oslo.

Theo Wikipedia, tính đến năm 2013, tổng số tín đồ Phật Giáo tại Na Uy đã lên đến 50.000 người, chiếm 0,7% dân số của xứ sở này.

 

Ca Tô giáo và Tin Lành giáo là hai tôn giáo chính ở Na Uy. Ky Tô giáo đã thống trị ở đất nước này từ chín trăm năm qua, tức là từ năm 1030, sau khi Triều đại Viking kết thúc và chấm dứt tín ngưỡng Đa thần (Polytheism). Một tôn giáo lớn khác ở Na Uy là Hồi giáo, với số lượng khoảng 100.000 tín đồ. Phần lớn họ đều là người đến từ các nước ở Bắc Phi. Số người này đến Na Uy vào thập niên bảy mươi như là những công dân ngoại quốc và sau đó họ xin định cư luôn.

Người đầu tiên có công đưa Phật giáo vào Na Uy là một nhà truyền giáo Ky Tô, Giáo sĩ Karl Ludvig Reichelt (1877-1952), một trong số nhiều tu sĩ Ky Tô giáo được đưa đến làm việc ở Đông Nam Á. Trong lớp người của ông, nhiều người đã chống đối lại Lão giáo, Phật giáo... nhưng một số khác lại quan tâm đến các tín ngưỡng này vì sự bao dung và tính phóng khoáng của nó. Đặc biệt trong số những người này phải kể đến Giáo sĩ Karl L. Reichelt.

Karl L. Reichelt được giáo dục để trở thành một thầy giáo dạy tiểu học. Sau đó ông học một trường truyền giáo ở Stavanger, khi tốt nghiệp, ông được cử đến truyền giáo ở Ninsiang, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc vào năm 1902. Ông ở lại nơi đó được tám năm thì được đưa đi học ở Leipzeg, Đức quốc, trước khi trở lại Trung Quốc như là một giáo viên dạy ở một trường đạo gần Hán Khẩu. Trong thời gian ở Na Uy giữa năm 1920 đến năm 1922, ông đã đưa ra một số dự án về công việc truyền giáo cho một số Tăng sĩ người Hoa. Mối quan hệ chính của ông là dựa vào sự công nhận của công chúng về giá trị tôn giáo được tìm thấy trong đạo Phật, và ông cũng muốn thống nhất những giá trị này cùng với lễ nghi và các quan điểm tương tự đối với người Hoa. Nhưng ông không thành công, vì các Tăng sĩ người Hoa vẫn truyền giáo theo cách của riêng họ. Do vậy, Reichelt đã thành lập một trung tâm truyền đạo dựa trên nguyên tắc của ông vào năm 1922, nhưng đến năm 1929 thì trung tâm này mới được hoàn thành với danh xưng là Đạo Phong Sơn, tọa lạc gần ở Hồng Kông.


Giao Su Karl L. Reichelt

Giáo sĩ Karl Ludvig Reichelt (1877-1952, người có công đưa Phật Giáo vào Na Uy


Ngài Reichelt đã sống nhiều năm ở Trung Hoa, ông nói và viết rất thông thạo ngôn ngữ của xứ sở này. Trong thời gian lưu trú nơi đây, ông đã viết nhiều sách bằng tiếng Trung Quốc về đời sống tu hành của người phương Đông. Các tác phẩm được quần chúng chú ý nhất là "Tôn giáo của Trung Hoa" (The Religions of China) xuất bản năm 1913; "Đời sống Tôn giáo ở phương Đông" (From the Religious life of the East) xuất bản năm 1922; "Tịnh Độ" (The Pure Land) xuất bản năm 1928; "Hướng về biên giới Tây Tạng" (Toward the Borders of Tibet) xuất bản năm 1933; "Lòng Hiếu thảo và Thánh thiện ở Đông Nam Á" (Piety and Holiness in Eastern Asia) xuất bản năm 1947. Tất cả tác phẩm của ông đều được phiên dịch sang tiếng Na Uy, tiếng Anh và tiếng Đức. Đến năm 1949, một cuốn sách của ông viết về Lão Tử bao gồm cả bản dịch quyển Đạo Đức Kinh được ấn hành. Trong phần giới thiệu quyển sách này, một giáo sư người Na Uy, ông Henry Henne viết: "Reichelt là một nhà truyền giáo, nhưng ông là một người có tư tưởng phóng khoáng. Trong thời của ông, các đồng nghiệp đã chê bai và xem thường những truyền thống văn hóa và tôn giáo ở Trung Quốc, nhưng chính ông là người thích thú và khâm phục con người, đất nước và ngôn ngữ của họ (...), sự nghiên cứu lễ nghi và kinh điển của các tôn giáo phương Đông đã chiếm mất nhiều thời giờ của ông. Nhưng qua việc nghiên cứu này đã giúp ông có được sự hiểu biết sâu sắc về giáo điển và đời sống tu hành của người phương Đông (...). Chính nhờ sự hiểu biết sâu sắc đạt được từ trong Phật giáo đã giúp ông nhìn thấy được giá trị tôn giáo và triết lý mạnh mẽ bên trong tôn giáo này".

Vào năm 1947, một người họ hàng của giáo sĩ Reichelt là Gerhard M. Reichelt đã phiên dịch và viết lời giới thiệu một cuốn sách của ông viết về Lục Tổ Huệ Năng và bản dịch Kinh Pháp Bảo Đàn. Cùng với sách Thiền của Ngài D. T. Suzuki, các tác phẩm của Giáo sĩ Reichelt đã đóng góp rất nhiều trong phong trào học và tu Thiền đối với người dân ở vùng Bắc Âu và bán đảo Scandinavia.

Một số người Scandinavian khác có công phiên dịch và truyền bá kinh điển Phật giáo, phải được kể đến là ông Poul Tuxen, một học giả người Đan Mạch, đã chuyển ngữ và bình giải nhiều bộ kinh Phật giáo. Một bản dịch mới nhất là Kinh Pháp Cú (Dhammapala) vừa được ấn hành tại Đan Mạch. Một học giả khác là ông Chr. Lindt, một người đã phiên dịch nhiều tác phẩm của Ngài Long Thọ (Nagarjunas), như Bảo Hạnh Vương Chánh Luận (Ratnavali); Lục Thập Tụng Như Lý Luận (Yuktisastika); Vô Thí Tán (Niraupamyastava); Chân Đế Tán (Paramarthastava)... việc làm này đã giúp cho giáo điển đạo Phật được tìm thấy trong ngôn ngữ của người Bắc Âu (gồm người Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển và Aixolen), vì hầu hết dân chúng ở Bắc Âu đều nói và đọc tiếng Anh rất tốt, nên kinh sách Phật giáo được tìm đọc qua các bản dịch này. Có thể nói, tiếng Anh đang được khẳng định là một ngôn ngữ của Phật giáo ở phương Tây.

Về kiến thức Phật học ở Na Uy ngày nay thì có phần khởi sắc đáng mừng vì giáo lý căn bản của Phật giáo được đưa vào dạy ở hệ thống giáo dục trung học. Một số bài giới thiệu về lịch sử và giáo lý Phật giáo được phát hành trong giáo trình học cùng với các tôn giáo khác như Ky Tô giáo, Hồi giáo, Lão giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Thần đạo...

2017-12-21-Ajahn-Kalyano-660x438

Thượng Tọa Ajahn Kalyāno, Một Tăng Sĩ người Na Uy,

Trụ Trì Tu Viện Skiptvet ở Østfold, Norway.

Chua Thai Lan_Na UyTu Viện Skiptvet ở  Østfold, Na Uy


Như là một giáo viên của môn học này trong nhiều năm, Cư Sĩ Haarvard Lorentzen đã để ý đến hai thái độ khác nhau về Phật giáo trong số những học trò của anh ấy. Một nhóm thì cho là quá trừu tượng, quá bi quan và hơi kỳ cục, trong khi một nhóm khác thì say mê và thích thú về lãnh vực triết học của Phật giáo. Gần đây Cư Sĩ Haarvard có gặp lại một số học trò cũ sau nhiều năm và rất mừng khi biết họ đang nghiên cứu Đạo Phật, một số khác thì chọn hẳn môn này để học ở trường đại học. Ở Na Uy, hiện có bốn trường đại học có phân khoa Tôn Giáo Học và sau một khóa căn bản về các tôn giáo thế giới, sinh viên có thể tự chọn một tôn giáo mà họ cảm thấy thích và phù hợp với mình để học.

Về tình hình Phật giáo Việt Nam tại Na Uy: Tính đến tháng Giêng năm 2012, cơ quan Thống kê của Na Uy (Statistisk Sentralbyrå) cho biết có khoảng 20,871 người Việt ở Na Uy. Người Việt là nhóm di dân đông dân thứ tám và đứng hàng thứ tư tại Na Uy trong nhóm dân từ ngoài Âu châu sau người Pakistan, Somali và Iraqi. Hiện có tất cả 7 ngôi chùa  Việt nằm rải rác khắp Na Uy. Lãnh đạo tinh thần PGVN hiện nay tại Na Uy là Hòa Thượng Thích Trí Minh, Phương Trượng Chùa Khuông Việt ở thủ đô Oslo, Ngài được xem là một giảng sư tận tụy với công cuộc hoằng dương Phật Pháp tại Na Uy nói riêng và khắp Châu Âu nói chung. Xin ghi chú sơ lược 7 ngôi chùa Việt tại Na Uy như sau:



Chua Khuong Viet_Na Uy (1)Chùa Khuông Việt ( Oslo)


1/ Chùa Khuông Việt ( Oslo), Chùa tọa lạc tại vùng Lørenskog læringen, thủ đô Oslo, do cố Thượng Tọa Quán Không khởi xây vào năm 1995. Tháng 8 năm 1999 đại lễ Khánh thành được cử hành dưới sự chứng minh của hơn 100 Tăng sĩ khắp nơi trên thế giới. Kế thế trụ trì hiện nay là ĐĐ Viên Ngộ, Phương trượng Viện chủ là HT Thích Trí Minh.

2/ Liên Hoa Đạo Tràng, tọa lạc tại Oslo. Do GHPGVNTN Na Uy tạo dựng. Khu đất trên 10.000 m2 được khởi mua vào năm 2009, hiện đang mở rộng để trở thành trung tâm sinh hoạt của Giáo Hội. Trụ trì hiện nay là ĐĐ Viên Ngộ.


3/ Chùa Đôn Hậu, được thành lập vào ngày 15/7/1982 tại Trondheim, sau nhiều lần di dời địa điểm dưới dạng “cải gia vi tự”, đến năm 2005, Đại đức Thích Viên Giác (đệ tử của HT Trí Minh) về Trụ Trì chùa này và đã cùng Phật tử mua khu đất rộng 3.200 m2 xây dựng ngôi chùa mới ở Trondheim. Năm 2007, chùa làm lễ đặt đá xây dựng. Năm 2009, chùa đã được chính quyền thành phố cấp phép sử dụng. Chánh Điện được bài trí tôn nghiêm. Án thờ giữa tôn trí Đức Phật Thích Ca, hai bên thờ Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng. Các án thờ phía trước thấp hơn, tôn trí bộ tượng Tây Phương Tam Thánh, tượng Đản sanh và tượng Đức Phật nhập Niết bàn. Chùa có lịch sinh hoạt đều đặn hằng tháng, hằng năm cho Phật tử và sinh viên, học sinh người bản xứ. Chùa có trường Việt ngữ. Chùa đã tổ chức nhiều khóa tu học Phật pháp, Pháp hội niệm Phật, thọ Bát quan trai giới, giảng pháp, văn nghệ … Thầy Trụ trì là nhạc sĩ Phi Long, người đã sáng tác trên 40 tác phẩm âm nhạc Phật giáo.

4/ Chùa Tam Bảo, ở Moss, thành lập vào năm 2001 phát triển chùa mới từ công xưởng, do ĐĐ Thích Viên Tịnh Trụ trì.

5/ Chùa Pháp Vũ, ở vùng Leirvikvn,Thành phố Bergen Norway. Chùa tạo mãi năm 2001 theo dạng cải gia vi tự, hiện do ĐĐ Thích Viên Tánh Trụ trì.

6/ Chùa Phước Huệ, tọa lạc ở Stanvanger, do ĐĐ Thích Vạn Tín Trụ trì. Năm 2008 mua căn nhà nhỏ, được cải gia vi tự.

7/ Chùa Phước An, ở thành phố Kristansand, thành lập từ năm 1986, đến năm 2018 mua căn nhà và được cải gia vi tự. Hiện do Sư cô Thích Nữ Viên Hạnh Trụ trì.

Nhìn chung, Phật giáo VN tại Na Uy đang từng bước phát triển và hòa nhập vào xã hội của đất nước ở miền Bắc Âu châu này.



Chua Don Hau Na Uy

Chùa Đôn Hậu, Trondheim, Na Uy


Giống như các quốc gia Tây phương khác, Na Uy đã trải qua một thời kỳ thay đổi và biến chuyển, mất đi những gì trước kia của nó kể từ khi tôn giáo, triết học và các nền văn hóa khác được đưa vào. Nhưng sự biến đổi này đã đến lúc chấm dứt. Hay nói khác hơn, sự đam mê và tận hưởng vật chất đã dần dần rơi vào lãng quên và hầu hết giới trẻ Na Uy ngày nay đang bắt đầu tìm về giá trị tinh thần và đạo đức của các tôn giáo, để làm nền tảng cho cuộc sống của họ. Trong sự đổi thay và phát triển mới này, Phật giáo là một tôn giáo đóng vai trò chủ đạo.

 

Theo các tài liệu:

- Haarvard Lorentzen's Newsletter, Sjovegan, Norway, 02/1995

- Biotechnology Report 2010

- Wikipedia 2019

 



phat giao tai Na Uyphat giao tai Na Uy 2phat giao tai Na Uy 3
***

* Kính mời xem bài liên quan:

1/ Chùa Khuông Việt ( Oslo)

2/ Liên Hoa Đạo Tràng, tọa lạc tại Oslo

3/ Chùa Đôn Hậu (Trondheim)

4/Chùa Tam Bảo (Moss)

5/ Chùa Pháp Vũ (Leirvikvn)

6/Chùa Phước Huệ (Stanvanger)

7/Chùa Phước An (Kristansand)

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]