Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 46 (1222 - 1232)

09/05/201311:34(Xem: 18045)
Tạp A-hàm quyển 46 (1222 - 1232)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 46 (1222 - 1232)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 1222. TỔ CHIM[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Vào thời quá khứ, chư Thiên và A-tu-la dàn trận đánh nhau. A-tu-la thắng, chư Thiên thua. Lúc ấy, quân của Thiên đế Thích thua, thoái lui tan rã, nên rất sợ hãi, quay xe chạy theo hướng Bắc, trở về cung trời, qua đường tắt trong rừng rậm dưới chân núi Tu-di. Nơi đây có một tổ Kim sí điểu[2], có nhiều chim con cánh vàng. Lúc ấy Đế Thích sợ xe ngựa đi qua sẽ cán chết những chim con, liền bảo người đánh xe rằng:

“Hãy quay xe lại, chớ giết những chim con!”

Người đánh xe tâu vua:

“Quân A-tu-la đang đuổi theo người phía sau, nếu quay xe lại sẽ bị khốn.”

Đế Thích bảo:

“Thà nên quay lại bị A-tu-la giết, chứ không để quân lính dẫm chết chúng sanh.”

Người đánh xe, quay xe trở lại hướng Nam. Quân A-tu-la từ xa trông thấy xe Đế Thích quay lại, cho rằng đó là chiến sách nên vội rút lui lại. Quân lính rất sợ hãi, thua trận chạy tán loạn trở về cung A-tu-la.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Thiên đế Thích kia là vua Tự tại của trời Tam thập tam, nhờ từ tâm nên có oai lực dẹp được quân A-tu-la và cũng thường tán thán công đức từ tâm. Tỳ-kheo các ông chánh tín xuất gia học đạo, không nhà, phải tu tập từ tâm và cũng nên tán thán công đức từ tâm.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1223. NGƯỜI NGHÈO[3]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, trong thành Vương xá có một người bần cùng, khổ cực, nhưng tin[4] Phật, Pháp và Tăng, giữ gìn cấm giới, học rộng nghe nhiều, ra sức bố thí, thành tựu chánh kiến. Người này sau khi mạng chung được sanh lên trời. Sau khi sanh về cõi trời Tam thập tam, có ba điểm thù thắng hơn những vị trời Tam thập tam khác. Những gì là ba? Đó là được tuổi thọ trời, sắc đẹp trời, tiếng khen trời. Các trời Tam thập tam thấy Thiên tử này có ba đặc biệt hơn về tuổi thọ trời, sắc đẹp trời, tiếng khen trời; họ thấy rồi, bèn đến chỗ Thiên đế Thích, nói như vầy:

“Kiều-thi-ca nên biết, có một Thiên tử vừa sanh cõi trời này; đối với những vị Thiên tử cũ, có ba đặc thù hơn là tuổi thọ trời, sắc đẹp trời, tiếng khen trời.”

Khi ấy Thiên đế Thích nói với Thiên tử này rằng:

“Chư Nhân giả, tôi biết người này trước đây làm một người bần cùng nghèo khổ ở thành Vương xá, nhưng đối với pháp luật của Như Lai, rất có lòng tin,... cho đến thành tựu chánh kiến. Cho nên, khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi trời này và có điểm thù thắng hơn những vị trời Tam thập tam khác, là tuổi thọ trời, sắc đẹp trời, tiếng khen trời.”

Rồi Thiên đế Thích liền nói kệ:

Chánh tín đối Như Lai,
Nhất định không dao động;
Thọ trì giới chân thật,
Không nhàm chán Thánh giới.
Đối Phật tâm thanh tịnh,
Đối chánh kiến thành tựu;
Nên biết không nghèo khổ,
Tự sống không vô ích.
Nên đối Phật, Pháp, Tăng,
Khởi lòng tin thanh tịnh;
Trí tuệ càng sáng hơn,
Nhớ nghĩ lời Phật dạy.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1224. ĐẠI TẾ TỰ (1)[5]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, dân chúng thành Vương xá mở đại hội rộng rãi, mời hết các đạo khác nhau.

Có một người ngoại đạo Giá-la-ca[6] tự nghĩ: ‘Nay ta thỉnh vị Trời ngoại đạo là Giá-la-ca[7] làm phước điền trước.’ Hoặc những người theo ngoại đạo xuất gia; hoặc người theo đạo Ni-kiền Tử; hoặc người theo đạo Lão đệ tử; hoặc theo đệ tử đạo thờ lửa. Trong đó có những người theo Tăng đệ tử Phật, tự nghĩ: ‘Nay hãy trước hãy thỉnh Tăng mà đứng đầu là Phật[8] để làm ruộng phước.’

Bấy giờ, Thiên đế Thích tự nghĩ: ‘Chớ để cho dân chúng thành Vương xá bỏ Tăng đứng đầu là Phật mà đi thờ những đạo khác để cầu phước điền. Ta nên nhanh chóng vì người thành Vương xá mà kiến lập phước điền.’ Liền hóa ra một Đại Bà-la-môn, tướng mạo nghiêm chỉnh, đi xe ngựa trắng, có các thiếu niên Bà-la-môn hộ tống trước sau, cầm dù lọng cán vàng đến thành Vương xá, đi khắp mọi nơi trong hội chúng. Bấy giờ, tất cả nam nữ thành Vương xá đều tự nghĩ: ‘Phải nhìn xem nơi phụng sự của vị Bà-la-môn này, rồi ta sẽ theo họ để cúng dường cầu ruộng phước tốt trước nhất.’

Lúc này Thiên đế Thích biết rõ tất cả ý nghĩ của nam nữ thành Vương xá, bèn đánh xe dẫn đầu, theo đường hẹp đến núi Kỳ-xà-quật, đến ngoài cửa, bỏ hết năm thứ trang sức, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, nói kệ:

Khéo phân biệt hiển bày,
Hết thảy pháp bờ kia;
Qua khỏi mọi sợ hãi,
Nên kính lễ Cù-đàm.
Mọi người mở hội khắp,
Muốn cầu công đức lớn;
Người người mở đại thí,
Thường cầu quả hữu dư.
Xin Ngài nói ruộng phước,
Khiến người thí được quả.
Ở núi Kỳ-xà-quật,
Đức Đại Sư trả lời,
Điều hỏi của vua trời,
Đế Thích đại tự tại.
Mọi người mở hội khắp,
Muốn cầu công đức lớn;
Người người mở đại thí,
Thường cầu quả hữu dư.
Nay nói về ruộng phước,
Bố thí được quả lớn.
Chánh hướng gồm có bốn[9],
Trụ Thánh quả cũng bốn[10].
Gọi là Tăng ruộng phước.
Minh hạnh, định đầy đủ;
Ruộng phước Tăng thêm rộng,
Vô lượng vượt biển cả.
Đệ tử Điều Ngự Sư,
Sáng soi bày chánh pháp;
Khéo cúng dường nơi này,
Cúng Tăng, phước điền tốt.
Tăng là ruộng phước tốt,
Phật nói được quả lớn.
Vì Tăng lìa năm cái,
Thanh tịnh, đáng tán thán.
Cúng Tăng, ruộng tối thượng,
Cúng ít, thâu lợi nhiều.
Vậy hết thảy mọi người,
Nên cúng ruộng phước Tăng.
Pháp thắng diệu càng được,
Minh hạnh, định tương ưng.
Cúng Tăng trân bảo này,
Tâm thí chủ hoan hỷ.
Phát sanh ba thứ tâm,
Thí y phục, ẩm thực.
Lìa kiếm nhọn trần cấu,
Vượt qua các đường ác;
Tự thân đi mời thỉnh,
Tự tay cúng bình đẳng.
Tự lợi cũng lợi người,
Thí này được lợi lớn.
Người trí thí như vậy,
Tịnh tín tâm giải thoát.
Thí an lạc không tội,
Nương trí vãng sanh kia.

Sau khi Đế Thích nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ lễ Phật rồi biến mất.

Bấy giờ, dân chúng thành Vương xá liền từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục, lễ Phật, chắp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, cúi xin Thế Tôn và đại chúng nhận sự cúng dường của chúng con.”

Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời.

Dân chúng thành Vương xá biết Thế Tôn đã im lặng nhận lời mời của họ rồi, làm lễ ra về. Họ về nơi đại hội, chuẩn bị thức ăn và sắp xếp bàn ghế. Sáng sớm, sai người đến bạch Phật: ‘Đã đến thời! Xin Ngài biết cho.’

Bấy giờ, Thế Tôn và đại chúng đắp y, ôm bát, đến chỗ đại hội, trải tòa ngồi trước đại chúng. Nhân dân thành Vương xá biết Phật đã ngồi yên, tự làm đồ ăn thức uống tươi tốt. Thọ trai rồi, rửa bát, xỉa răng xong, họ trở về chỗ cũ nghe Phật nói pháp. Bấy giờ, Thế Tôn vì dân chúng thành Vương xá thuyết pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng và làm cho hoan hỷ xong, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 1225. ĐẠI TẾ TỰ (2)[11]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành Vương xá. Nói đầy đủ như kinh trên, chỉ có một vài sai biệt là:

Lúc ấy, Thiên đế Thích nói bài kệ khác hỏi Phật:

Nay xin hỏi Cù-đàm,
Tuệ vi diệu sâu kín;
Thế Tôn đã thể nhập,
Thấy biết không chướng ngại.

Dân chúng thiết lập đại hội khắp, nói đầy đủ như trên… cho đến vì dân chúng thành Vương xá mà thuyết pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ xong, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 1226. TAM-BỒ-ĐỀ[12]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian đến vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-dà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc nghe Thế Tôn ở Câu-tát-la du hành trong nhân gian, đến vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ; nghe rồi, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con nghe Thế Tôn tự ký thuyết đã chứng Vô thượng Bồ-đề[13] mà mọi người đã loan truyền, là không phải hư vọng và nói quá chăng? Là đã nói như thuyết, nói như pháp, nói tùy thuận pháp chăng? Chẳng phải là bị người khác làm tổn thương đồng pháp chăng? Trong khi hỏi đáp, không bị rơi vào chỗ yếu kém chăng[14]?”

Phật bảo Đại vương:

“Những điều họ nói như vậy là lời nói chân thật, chẳng phải là hư vọng, nói như thuyết, nói như pháp, nói tùy thuận pháp. Chẳng phải là bị người khác làm tổn thương đồng pháp. Trong khi hỏi đáp, không bị rơi vào chỗ yếu kém. Vì sao? Này Đại vương, hiện tại thực sự Ta đã đắc Vô thượng Bồ-đề.”

Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

“Tuy Thế Tôn đã nói như vậy, nhưng con vẫn còn chưa tin. Vì sao? Vì trong đây còn có nhiều vị Sa-môn, Bà-la-môn tôn túc, trọng vọng, như Phú-lan-na Ca-diếp, Mặc-già-lợi Cù-xá-lê Tử, San-xà-da Tỳ-la-chi Tử, A-kỳ-đa Chỉ-xá-khâm-bà-la, Ca-la-câu-đà Ca-chiên-diên, Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử. Những vị đó không tự nói được Vô thượng Bồ-đề. Sao Thế Tôn còn trẻ, tuổi còn nhỏ, xuất gia chưa bao lâu, mà lại tự nói chứng Vô thượng Bồ-đề?”

Phật bảo Đại vương:

“Có bốn thứ tuy trẻ, nhưng không thể xem thường. Những gì là bốn? Vương tử Sát-lợi, tuổi tuy trẻ nhỏ, nhưng chớ xem thường. Rồng con[15], tuổi tuy trẻ nhỏ, nhưng chớ xem thường. Đóm lửa tuy nhỏ, nhưng chớ xem thường. Tỳ-kheo tuổi tuy trẻ nhỏ, nhưng chớ xem thường.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Đủ hình tướng Sát-lợi,
Danh tiếng, dòng quý tộc;
Tuy tuổi còn trẻ nhỏ,
Người trí không thể khinh.
Tất sẽ ở ngôi vua,
Nhớ lại, sanh oán hại.
Cho nên khó thể khinh;
Phải sanh lòng đại kính.
Người khéo biết tự hộ,
Hãy giữ kỹ mạng mình;
Bình đẳng mà tự hộ,
Tránh xa để hộ mạng[16].
Nơi làng xóm, chỗ vắng,
Nếu gặp rồng con kia;
Chớ cho là rắn nhỏ,
Mà sanh lòng coi thường.
Mình rồng nhỏ nhiều màu,
Cũng nên để yên ổn;
Nam hay nữ khinh rắn,
Đều bị độc làm hại.
Cho nên, để tự hộ,
Hãy giữ kỹ mạng mình;
Vì khéo tự hộ này,
Tránh xa để hộ mạng.
Mãnh hỏa khi xâm thực,
Dù ít nhưng không hạn;
Đuốc nhỏ có thể thiêu
Khắp nơi, nếu củi đủ.
Thiêu từ nhỏ dần lên,
Tận xóm làng thành ấp;
Cho nên, để tự hộ,
Nên như hộ mạng mình.
Vì khéo tự hộ này,
Tránh xa để tự hộ.
Bị lửa dữ thiêu đốt,
Trăm thứ cỏ cháy rụi.
Tắt rồi, không co rút;
Lửa tắt cỏ lại sanh.
Nếu khinh hủy Tỳ-kheo,
Người giữ lửa tịnh giới.
Thì đốt mình, con cháu,
Tai nạn lưu trăm đời.
Như đốt cây đa-la,
Không bao giờ sanh lại.
Cho nên phải tự hộ,
Như tự hộ mạng mình;
Vì khéo tự hộ này,
Tránh xa để hộ mạng.
Đủ hình tướng Sát-lợi,
Rắn con và đóm lửa;
Đủ tịnh giới, Tỳ-kheo,
Không nên sanh coi thường.
Cho nên phải tự hộ,
Như tự hộ mạng mình;
Vì khéo tự hộ này,
Tránh xa để hộ mạng.

Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc kia, nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.

KINH 1227. MẸ[17]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc có bà nội, người mà vua rất kính trọng, bỗng nhiên mạng chung[18]. Vua đưa ra ngoài thành hỏa táng, cúng dường xá-lợi xong, mặc áo tang, tóc bù xù, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên.

Thế Tôn hỏi vua Ba-tư-nặc:

“Đại vương từ đâu lại, mặc đồ tang, tóc bù xù vậy?”

Vua Ba-tư-nặc thưa:

“Bạch Thế Tôn, con đã mất bà nội mà con rất kính trọng. Bà đã bỏ con ra đi. Con đã đưa ra ngoài thành để hỏa táng, cúng dường xong, rồi đến Thế Tôn.”

Phật bảo:

“Đại vương thương kính bà nội lắm phải không?”

Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, rất kính trọng thương mến. Bạch Thế Tôn, nếu đem những gì có được ở trong nước như voi, ngựa, bảy báu, cho đến ngai vàng đem bố thí hết cho người mà có thể cứu sống bà nội thì con sẽ bố thí hết. Nhưng vĩnh viễn đã không thể cứu được; kẻ sống người chết mãi mãi xa lìa; nhớ thương, buồn khổ, không tự mình vượt nổi. Con đã từng nghe Thế Tôn nói: ‘Tất cả chúng sanh, tất cả côn trùng, cho đến tất cả quỷ thần, có sanh đều phải chết, rốt cùng cũng phải chấm dứt, không có ai sanh ra mà không chết.’ Hôm nay con mới nhận thấy lời Thế Tôn nói đúng.”

Phật bảo Đại vương:

“Đúng vậy! Đúng vậy! Tất cả chúng sanh, tất cả côn trùng, cho đến tất cả quỷ thần, có sanh đều phải chết, rốt cùng cũng phải chấm dứt, không có ai sanh ra mà không chết.”

Phật bảo Đại vương tiếp:

“Cho dù dòng họ Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, hay gia chủ, nếu có sanh đều phải chết, không ai không chết. Cho dù là Đại vương Sát-đế-lợi, ở ngôi quán đảnh, làm vua bốn thiên hạ, được sức tự tại; đối với các địch quốc đều hàng phục, cuối cùng không ai là không chết. Lại nữa, Đại vương, dù sanh trời Trường thọ, làm vua Thiên cung, tự tại khoái lạc, cuối cùng cũng phải chấm dứt. Lại nữa, Đại vương, Tỳ-kheo A-la-hán các lậu đã hết, đã lìa các gánh nặng, việc cần làm đã làm xong, đã được lợi mình, hết các hữu kết, chánh trí, tâm khéo giải thoát, vị ấy cũng phải chấm dứt, xả thân vào Niết-bàn. Lại nữa, hàng Duyên giác, khéo điều phục, khéo tịch tĩnh, khi hết thân mạng này, cuối cùng cũng vào Niết-bàn. Chư Phật Thế Tôn đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, hơn tiếng rống sư tử, cuối cùng cũng xả thân vào Bát-niết-bàn. Vì vậy, Đại vương nên biết, tất cả chúng sanh, tất cả côn trùng, cho đến tất cả quỷ thần, có sanh đều phải chết, rốt cùng cũng phải chấm dứt, không có ai sanh ra mà không chết.”

Bấy giờ, Thế Tôn lại nói kệ:

Tất cả loài chúng sanh,
Có mạng đều phải chết;
Chúng đi theo nghiệp mình,
Tự nhận quả thiện ác.
Nghiệp ác vào địa ngục,
Làm lành lên trên trời;
Tu tập đạo thắng diệu,
Lậu hết, Bát-niết-bàn.
Như Lai và Duyên giác,
Thanh văn đệ tử Phật;
Đều phải bỏ thân mạng,
Huống là người phàm phu.

Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.

KINH 1228. THÂN YÊU[19]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc một mình ở nơi chỗ yên tĩnh thiền tứ tư duy, tự nghĩ: ‘Thế nào là tự thương yêu mình, thế nào là không tự thương yêu mình[20]?’ Lại nghĩ: ‘Nếu người nào thân hành ác hạnh, khẩu hành ác hạnh, ý hành ác hạnh, thì nên biết những người này không tự thương yêu mình. Nếu người nào thân hành thiện hạnh, khẩu hành thiện hạnh, ý hành thiện hạnh, thì nên biết những người này tự thương yêu mình.’ Sau khi từ thiền tịnh dậy, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con một mình ở chỗ yên tĩnh tư duy, tự nghĩ: ‘Thế nào là tự thương yêu, thế nào là không tự thương yêu mình?’ Rồi lại nghĩ: ‘Nếu người nào thân hành ác hạnh, khẩu hành ác hạnh, ý hành ác hạnh, thì nên biết những người này không tự thương yêu mình. Nếu người nào thân hành thiện hạnh, khẩu hành thiện hạnh, ý hành thiện hạnh, thì nên biết những người này tự thương yêu mình’.”

Phật bảo Đại vương:

“Đúng vậy, Đại vương! Đúng vậy, Đại vương, nếu người nào thân hành ác hạnh, khẩu hành ác hạnh, ý hành ác hạnh, thì nên biết những người này không tự thương yêu. Dầu cho họ tự nói, tự thương yêu, nhưng thật ra không phải tự thương yêu. Vì sao? Vì không có điều xấu ác nào mà người bạn xấu ác làm cho không phải là điều không là thân thương đối với người mà nó không thân thương, không phải là điều được yêu mến đối với người mà nó không yêu mến[21]. Cho nên những người này là không phải tự yêu thương mình. Lại nữa, Đại vương, người nào thân hành thiện hạnh, khẩu hành thiện hạnh, ý hành thiện hạnh, thì nên biết những người này tự thương yêu mình. Dầu cho những người này tự nói không tự thương tiếc thân mình, nhưng thực ra những người này là tự thương yêu mình. Vì sao? Vì không có điều tốt nào mà người bạn tốt làm không phải là đáng thân đối với người mà nó thân, không phải là đáng yêu đối với người mà nó yêu. Cho nên những người này là người tự thương yêu mình.”

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Bảo rằng tự thương mình,
Không nên tạo ác hạnh.
Vì nhân không ác hạnh,
Nên đã được an lạc.
Bảo rằng tự thương mình,
Quyết không tạo ác hạnh.
Người tạo mọi nghiệp thiện,
Nên đã được an lạc.
Nếu ai tự yêu mình,
Khéo hộ mà tự hộ;
Như vua khéo giữ nước,
Ngoài, canh phòng biên giới.
Nếu ai tự yêu mình,
Khéo tự giữ báu vật;
Như vua khéo giữ nước,
Trong, canh giữ thành quách.
Như tự giữ bảo vật,
Sát-na không gián đoạn;
Sát-na nếu thiếu lo,
Đường ác chịu khổ mãi.

Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.

KINH 1229. TỰ HỘ[22]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc một mình ở nơi chỗ yên tĩnh tư duy, tự nghĩ: ‘Thế nào là tự hộ, thế nào là không tự hộ[23]?’ Lại nghĩ: ‘Nếu người nào thân hành ác hạnh, khẩu hành ác hạnh, ý hành ác hạnh, nên biết những người này là không tự hộ. Nếu người nào thân hành thiện hạnh, khẩu hành thiện hạnh, ý hành thiện hạnh, nên biết những người này là tự hộ.’ Sau khi từ thiền tịnh dậy, đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con một mình ở chỗ yên tĩnh tư duy, tự nghĩ: ‘Thế nào là tự hộ, thế nào là không tự hộ?’ Rồi lại nghĩ: ‘Nếu người nào thân hành ác hạnh, khẩu hành ác hạnh, ý hành ác hạnh, nên biết những người này là không tự hộ. Nếu người nào thân hành thiện hạnh, khẩu hành thiện hạnh, ý hành thiện hạnh, nên biết những người này là tự hộ.’

Phật bảo Đại vương:

“Đúng vậy, Đại vương! Đúng vậy, Đại vương! Nếu người nào thân hành ác hạnh, khẩu hành ác hạnh, ý hành ác hạnh, nên biết những người này là không tự hộ, mà nói là hay tự phòng hộ. Tuy nói là tự phòng hộ bằng quân voi, ngựa, xe, bộ, dùng chúng để tự phòng hộ, nhưng thực ra không phải là tự phòng hộ. Vì sao? Vì tuy phòng hộ bên ngoài, nhưng không phòng hộ bên trong. Cho nên, Đại vương! Đó gọi là không tự phòng hộ.

“Đại vương, nếu người nào thân hành thiện hạnh, khẩu hành thiện hạnh, ý hành thiện hạnh, nên biết những người này là tự phòng hộ. Tuy họ không dùng quân voi, ngựa, xe, bộ để tự phòng hộ, nhưng thực ra là tự phòng hộ. Vì sao? Vì phòng hộ bên trong. Đó gọi là khéo tự phòng hộ, chẳng cần phòng hộ bên ngoài.”

Bấy giờ, Thế Tôn lại nói kệ:

Khéo phòng hộ thân, khẩu,
Và tất cả ý nghiệp;
Tự hộ bằng tàm quý,
Đó là khéo phòng hộ.

Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.

KINH 1230. TÀI LỢI[24]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc một mình ở nơi chỗ yên tĩnh tư duy, tự nghĩ: ‘Thế gian ít có người được tài lợi thắng diệu mà không phóng dật, không tham đắm, không tạo những ác hạnh đối với chúng sanh. Nhưng thế gian có nhiều người được tài lợi thắng diệu là hay sanh ra phóng dật, tăng trưởng tham đắm chúng, khởi lên các tà hạnh.’ Nghĩ vậy rồi, đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con một mình ở chỗ yên tĩnh tư duy, tự nghĩ: ‘Thế gian ít có người được tài lợi thắng diệu và đối với tài lợi đó không sanh ra phóng dật, không sanh ra tham đắm, không tạo ra tà hạnh. Nhưng thế gian có nhiều người được tài lợi thắng diệu là hay sanh ra phóng dật, sanh ra tham đắm, khởi lên các tà hạnh.’

Phật bảo vua Ba-tư-nặc:

“Đúng vậy, Đại vương! Đúng vậy, Đại vương! Thế gian ít có người được tài lợi thắng diệu mà không tham đắm, không sanh ra phóng dật, không khởi lên những tà hạnh. Nhưng thế gian có nhiều người được tài lợi thắng diệu và đối với tài lợi phóng dật, mà khởi lên tham đắm, khởi lên các tà hạnh.’ Đại vương nên biết, những người thế gian kia được tài lợi thắng diệu, đối với tài lợi mà phóng dật, mà khởi tham đắm, làm các tà hạnh, đó là những người ngu si, sẽ chịu khổ lâu dài, không lợi ích. Đại vương, giống như người thợ săn, học trò thợ săn, giăng lưới bắt giết nhiều thú vật, trong rừng hoang vắng; hại chúng sanh khốn khổ, nghiệp ác tăng trưởng. Cũng vậy, người thế gian được tài lợi thắng diệu, đối tài lợi sanh phóng dật, khởi lên tham đắm, tạo các tà hạnh; người ngu si này sẽ chịu khổ não lâu dài, không được lợi ích.”

Bấy giờ, Thế Tôn lại nói kệ:

Đối tài vật tham dục,
Bị tham làm mê say,
Cuồng loạn không tự biết;
Giống như người thợ săn.
Vì sự phóng dật này,
Nên chịu báo khổ lớn.

Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.

KINH 1231. THAM LỢI[25]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc đang ngự trên chánh điện[26], tự mình xem xét những việc của quốc vương, thấy giai cấp Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Gia chủ, vì tham dục nên hay dối trá, vọng ngữ, liền tự nghĩ: ‘Hãy ngưng việc xét đoán này, dừng việc xét đoán này. Ta không còn đích thân xét đoán việc nữa. Ta có người con hiền, sẽ bảo nó xét đoán. Làm sao ta có thể nhìn những dòng họ sang cả này, giai cấp Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Gia chủ, vì tham dục nên hay dối trá, vọng ngữ?’ Khi vua Ba-tư-nặc nghĩ vậy xong, liền đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con đang ngự trên chánh điện, để tự xét đoán những việc của quốc vương, thấy các giai cấp Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Gia chủ, vì tham dục nên hay dối trá, vọng ngữ. Bạch Thế Tôn, con nhận thấy được điều này rồi, tự nghĩ: ‘Từ nay ta hãy ngưng việc xét đoán này, dừng việc xét đoán này. Ta có người con hiền sẽ bảo nó xét đoán. Con không có thể chính mình nhìn những dòng họ sang cả này, giai cấp Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Gia chủ, vì tham dục nên hay dối trá, vọng ngữ.’”

Phật bảo vua Ba-tư-nặc:

“Đúng vậy, Đại vương! Đúng vậy, Đại vương! Các dòng họ sang cả kia, giai cấp Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Gia chủ kia, vì tham dục nên hay dối trá, vọng ngữ. Họ là những người ngu si, sẽ chịu khổ lâu dài, không được lợi ích. Giống như người chài lưới và đệ tử của chài lưới thả câu, giăng lưới nơi sông, suối, khe, rạch giết hại chúng sanh tạo ra khổ lớn. Cũng vậy, Đại vương, các giai cấp Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Gia chủ vì tham dục nên hay dối trá, vọng ngữ. Họ sẽ chịu khổ mãi mãi, không được lợi ích lâu dài.”

Bấy giờ, Thế Tôn lại nói kệ:

Khởi tham muốn tài sản,
Tham dục làm say mê;
Cuồng loạn không tự giác,
Giống như người bắt cá.
Do vì nghiệp ác này,
Nên chịu báo khổ lớn.

Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.

KINH 1232. BỎN SẺN[27]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nước Xá-vệ này có gia chủ Ma-ha-nam[28], giàu có nhiều của cải, kho chứa vàng ròng có đến trăm nghìn ức, huống là những của khác. Bạch Thế Tôn, gia chủ Ma-ha-nam giàu có như vậy, nhưng đồ ăn chỉ dùng những thứ như: Ăn gạo tấm thô sơ, canh đậu, gừng cũ nát; còn mặc thì áo vải thô, mang giày da đơn; đi thì xe cũ kỹ, đội nón lá cây. Chưa từng nghe ông ta cúng dường, bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, hay thấy ông cung cấp giúp đỡ cho những người nghèo khổ, những người lỡ đường thiếu thốn, những người ăn xin. Khi ăn thì đóng cửa, không để cho các Sa-môn, Bà-la-môn nào hay những người bần cùng, những người lỡ đường, những người ăn xin, trông thấy.”

Phật bảo vua Ba-tư-nặc:

“Đại vương, gia chủ này không phải là Chánh sĩ[29], được tài lợi thắng diệu mà không tự thọ dụng, không biết phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp cho vợ con, bà con quyến thuộc, đoái nghĩ đến tôi tớ, giúp đỡ cho người quen biết, không biết tùy thời cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, để gieo trồng vào ruộng phước thù thắng, để hướng đến chỗ cao quý, hưởng thụ an lạc lâu dài, đời sau sanh về cõi trời. Được những tài vật thù thắng mà không biết cách dùng rộng rãi để thâu lợi lớn.

“Đại vương, thí như nước được tích chứa trong ao hồ ở giữa đồng hoang, mà không có người dùng đến để uống ăn, tắm rửa, nước trong đầm bị nung khô tiêu hết. Cũng vậy, kẻ sĩ bất thiện[30] được tài vật thắng diệu,… cho đến không chịu dùng rộng rãi để thâu lợi lớn, cũng giống như hồ nước kia vậy.

“Đại vương, có thiện nam tử[31] được tài lợi thắng diệu, sung sướng mà thọ dùng, phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp vợ con bà con quyến thuộc, nghĩ đến tôi tớ, giúp đỡ người quen biết, thường xuyên cũng cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn, gieo trồng vào ruộng phước thù thắng, để hướng đến chỗ cao quý, đời sau sanh về cõi trời; được tiền của thù thắng, biết cách thọ dụng rộng rãi để thu lợi lớn gấp bội. Đại vương, giống như bên cạnh thành ấp, làng xóm có ao nước trong sạch mát mẻ, cây cối che mát, khiến mọi người yêu thích, nhiều người chịu dùng, cho đến loài cầm thú. Cũng vậy, thiện nam tử kia được tài lợi thắng diệu, tự cúng dường tùy thích, phụng dưỡng cha mẹ,… cho đến gieo trồng ruộng phước thù thắng, thu lợi rộng lớn.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Hồ nước nơi hoang mạc,
Dù trong mát sạch sẽ,
Mà không người thọ dụng,
Thì nơi đó khô hết.
Cũng vậy của thắng diệu,
Mà ở nơi người ác,
Không thể tự thọ dụng,
Cũng không thương giúp ai.
Luống tự gom góp khổ,
Chứa rồi tự tiêu tán.
Người trí được của nhiều,
Tự mình vui thọ dụng;
Thí khắp làm công đức,
Giúp đỡ cho thân thuộc;
Tùy chỗ cần cung cấp,
Như trâu chúa lãnh đàn.
Bố thí cùng thọ dụng,
Không mất cơ hội cần.
Nương lý mà mạng chung[32],
Sanh Thiên hưởng phước lạc.

Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]