Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 33 (919 - 929)

08/05/201319:01(Xem: 16283)
Tạp A-hàm quyển 33 (919 - 929)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 33 (919 - 929)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 919[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thế gian có ba loại ngựa hay. Những gì là ba? Có loại ngựa có đủ sự nhanh nhẹn, nhưng chẳng có đủ sắc, chẳng có đủ hình thể; có loại ngựa có đủ nhanh nhẹn, có đủ sắc, nhưng chẳng có đủ hình thể; có loại ngựa có đủ nhanh nhẹn, có đủ sắc, cũng có đủ hình thể. Cũng vậy, ở trong Pháp luật này có ba hàng thiện nam. Những gì là ba? Có hàng thiện nam có đủ nhanh nhẹn, nhưng chẳng có đủ sắc, chẳng có đủ hình thể; có hàng thiện nam có đủ nhanh nhẹn, có đủ sắc, nhưng chẳng có đủ hình thể; có hàng thiện nam có đủ nhanh nhẹn, có đủ sắc, có đủ hình thể.

“Thế nào là hàng thiện nam có đủ nhanh nhẹn, nhưng chẳng có đủ sắc, chẳng có đủ hình thể? Hàng thiện nam biết như thật ‘Đây là Khổ Thánh đế’, biết như thật ‘Đây là Khổ tập Thánh đế’, biết như thật ‘Đây là Khổ diệt Thánh đế’, biết như thật ‘Đây là Khổ diệt đạo Thánh đế’. Biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục hữu lậu, tâm giải thoát hữu hữu lậu, tâm giải thoát vô minh hữu lậu, biết rằng ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa’, đó gọi là có đủ nhanh nhẹn. Thế nào là chẳng có đủ sắc? Nếu có ai hỏi về Luận, Luật[2],... cho đến không thể vì người mà giải nói, đó gọi là chẳng có đủ sắc. Thế nào là chẳng có đủ hình thể? Chẳng phải tiếng tăm, đức lớn,... cho đến chẳng cảm hóa được thuốc men các loại, đó gọi là chẳng có đủ hình thể, hay đó cũng gọi là thiện nam có đủ nhanh nhẹn, nhưng chẳng có đủ sắc, chẳng có đủ hình thể.

“Thế nào là hàng thiện nam có đủ nhanh nhẹn, có đủ sắc, nhưng chẳng có đủ hình thể? Hàng thiện nam biết như thật ‘Đây là Khổ Thánh đế,... cho đến không còn tái sanh đời sau nữa’, đó gọi là có đủ nhanh nhạy. Thế nào là có đủ sắc? Nếu có ai hỏi về Luận, Luật,... cho đến có thể vì họ quyết định giải nói, đó gọi là có đủ sắc. Thế nào là chẳng có đủ hình thể? Chẳng phải tiếng tăm, đức lớn,... cho đến không thể cảm hóa được thuốc men các loại, đó gọi là hàng thiện nam có đủ nhanh nhẹn, có đủ sắc, nhưng chẳng có đủ hình thể.

“Thế nào là hàng thiện nam có đủ nhanh nhẹn, có đủ sắc, cũng có đủ hình thể? Hàng thiện nam biết như thật ‘Đây là Khổ Thánh đế,... cho đến không còn tái sanh đời sau nữa’, đó gọi là có đủ nhanh nhẹn. Thế nào là sắc có đủ? Hàng thiện nam nếu có ai hỏi về Luận, Luật,... cho đến có thể vì họ quyết định giải nói, đó gọi là có đủ sắc. Thế nào là có đủ hình thể? Hàng thiện nam tiếng tăm, đức lớn,... cho đến thể cảm hóa thuốc men các loại, đó gọi có đủ hình thể, hay đó gọi là hàng thiện nam có đủ nhanh nhẹn, có đủ sắc, có đủ hình thể.”

Sau khi Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 920. TAM[3]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thế gian có ba loại ngựa tốt được vua dùng để kéo xe. Những gì là ba? Loại ngựa tốt có đủ sắc, có đủ lực, có đủ nhanh nhẹn. Cũng vậy, ở Chánh pháp luật cũng có ba hàng thiện nam, là nơi thế gian phụng sự, cúng dường cung kính, là ruộng phước trên hết. Những gì là ba? Hàng thiện nam có đủ sắc, có đủ lực, có đủ nhanh nhẹn.

“Thế nào là có đủ sắc? Là hàng thiện nam sống an trụ tịnh giới, luật nghi Ba-la-đề-mộc-xoa, có đầy đủ oai nghi hành xử, thấy tội vi tế thường phát sanh lòng sợ hãi, thọ trì học giới. Đó gọi là có đủ sắc. Thế nào là có đủ lực? Đối với pháp ác bất thiện đã sanh khiến đoạn diệt, phát khởi ý dục, tinh cần phương tiện, nhiếp thọ tăng trưởng. Đối với pháp ác bất thiện chưa sanh không cho sanh khởi, phát khởi ý dục, tinh cần phương tiện, nhiếp thọ tăng trưởng. Đối với pháp thiện chưa sanh khiến sanh khởi, phát khởi ý dục, tinh cần phương tiện, nhiếp thọ tăng trưởng. Đối với pháp thiện đã sanh, an trụ không cho mất, phát khởi ý dục, tinh cần phương tiện, nhiếp thọ tăng trưởng. Đó gọi là có đủ lực. Thế nào là có đủ nhanh nhẹn? Là biết như thật ‘Đây là Khổ Thánh đế’,... cho đến đạt được A-la-hán, không còn tái sanh đời sau nữa, đó gọi là có đủ nhanh nhẹn, hay gọi là hàng thiện nam có đủ sắc, có đủ lực, có đủ nhanh nhẹn.”

Sau khi Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 921. TỨ[4]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ngựa tốt thế gian có đủ bốn năng lực[5], nên biết chúng được vua dùng để kéo xe. Những gì là bốn? Đó là khôn ngoan[6], nhanh nhẹn, kham năng, thuần tánh[7]. Cũng vậy, hàng thiện nam thành tựu bốn đức, được thế gian tôn trọng, phụng sự cúng dường, là đám ruộng phước trên hết. Những gì là bốn? Là thiện nam thành tựu giới thân vô học, định thân vô học, tuệ thân vô học và giải thoát thân vô học.”

Sau khi Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 922. TIÊN ẢNH[8]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thế gian có bốn loại ngựa tốt. Có loại ngựa tốt đóng vào xe làm xe thăng bằng, nhìn thấy bóng roi liền chạy nhanh, biết cách nhìn những động tác người điều khiển, nhanh chậm, phải trái theo ý người điều khiển. Này Tỳ-kheo, đó là cái đức thứ nhất của con ngựa tốt thế gian.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, thế gian có loại ngựa tốt không thể nhìn bóng roi mà tự sợ hãi, nhưng nếu dùng roi gậy chạm vào lông đuôi của nó, có thể làm cho nó sợ hãi chạy nhanh, tùy theo ý của người điều khiển mà chạy nhanh hay chậm, bên phải hay bên trái. Đó gọi là loại ngựa tốt thứ hai thế gian.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, hoặc thế gian có loại ngựa tốt không thể nhìn bóng roi hay để chạm vào lông da mới có thể theo ý người, mà phải dùng đến roi gậy đánh nhẹ vào da thịt, mới có thể sợ hãi chạy, theo ý người điều khiển, chạy nhanh hay chậm, bên phải hay bên trái, này Tỳ-kheo, đó gọi là ngựa tốt thứ ba.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, thế gian có loại ngựa tốt không thể nhìn bóng roi và chạm vào lông da, hay đánh nhẹ vào da thịt, mà phải dùng dùi sắt đâm vào thân, xuyên suốt qua da, đả thương xương cốt, khi đó ngựa mới kinh hãi kéo xe, trên đường chậm hay nhanh, phải hay trái theo ý người điều khiển, đó gọi là loại ngựa tốt thứ tư của thế gian.

“Cũng vậy, trong Chánh pháp luật cũng có bốn hàng thiện nam. Những gì là bốn? Hàng thiện nam khi nghe những người nam người nữ chòm xóm láng giềng khác bị tật bệnh khốn khổ cho đến sắp chết; nghe vậy liền phát sanh lòng sợ hãi với chánh tư duy, như con ngựa tốt kia chỉ cần nhìn bóng roi là điều khiển nó được. Đó gọi là hàng thiện nam thứ nhất ở trong Chánh pháp luật có khả năng tự điều phục.

“Lại nữa, có hàng thiện nam không do nghe những người nam người nữ chòm xóm láng giềng khác bị khổ vì lão bệnh tử sanh lòng sợ hãi với chánh tư duy, nhưng phải thấy những người nam người nữ chòm xóm láng giềng khác bị khổ vì lão bệnh tử thì mới sanh lòng sợ hãi với chánh tư duy, như con ngựa tốt kia cần chạm vào lông đuôi của nó, thì có thể nhanh chóng điều phục theo ý người điều khiển. Đó gọi là hàng thiện nam thứ hai ở trong Chánh pháp luật có khả năng tự điều phục.

“Lại nữa, có hàng thiện nam không do nghe, thấy những người nam nữ chòm xóm láng giềng khác bị khổ vì lão bệnh tử mà sanh lòng sợ hãi với chánh tư duy; nhưng vì thấy thành ấp chòm xóm có những người quen biết, thân thuộc bị khổ vì lão bệnh tử nên sanh lòng sợ hãi với chánh tư duy. Như con ngựa tốt kia, phải bị roi chạm vào da thịt, sau đó mới chịu theo ý điều phục người điều khiển, đó gọi là hàng thiện nam ở trong Chánh pháp luật có thể tự điều phục.

“Lại nữa, có hàng thiện nam không do nghe thấy những người nam nữ chòm xóm láng giềng khác và những người thân thuộc bị khổ vì lão bệnh tử nên sanh lòng sợ hãi với chánh tư duy; nhưng chính tự thân bị khổ vì lão bệnh tử mới sanh lòng nhàm tởm sợ hãi với chánh tư duy. Như con ngựa tốt kia, phải bị đâm vào da thịt thấu xương cốt, sau đó mới chịu theo ý điều phục của người điều khiển, thì đó gọi là hàng thiện nam thứ tư ở trong Chánh pháp luật có thể tự điều phục.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 923. CHỈ-THI[9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Bấy giờ, có người luyện ngựa tên là Chỉ-thi[10] đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:

“Con coi thế gian thật là đáng khinh miệt, giống như bầy dê. Thế Tôn! Chỉ có con mới có khả năng điều phục ngựa điên, ngựa hoang, ngựa dữ. Con có phương pháp, chỉ cần trong giây lát là có thể khiến cho những chứng tật của chúng hiện ra và tùy theo tật đó mà có cách điều phục.”

Phật bảo chủ tụ lạc luyện ngựa:

“Ông có bao nhiêu cách để điều phục ngựa?”

Người luyện ngựa bạch Phật:

“Có ba cách để điều phục ngựa dữ. Những gì là ba? Một là mềm dịu, hai là thô cứng, ba là vừa mềm dịu vừa thô cứng.”

Phật bảo chủ tụ lạc:

“Ông dùng ba phương cách này để điều phục ngựa, nếu không điều phục được, thì nên làm thế nào.”

Người luyện ngựa bạch Phật:

“Nếu không điều phục được, thì nên giết nó. Vì sao? Vì chớ để nó làm nhục mình.”

Người luyện ngựa lại bạch Phật:

“Thế Tôn là Bậc Vô Thượng Điều Ngự Trượng Phu[11]. Ngài đã dùng bao nhiêu phương pháp để điều ngự trượng phu?”

Phật bảo chủ tụ lạc:

“Ta cũng dùng ba cách để điều phục trượng phu. Những gì là ba? Một là một mực mềm dịu, hai là một mực thô cứng, ba là vừa mềm dịu vừa thô cứng.”

Phật bảo tiếp chủ tụ lạc:

“Một mực mềm dịu là, như nói rằng: ‘Đây là thiện hành của thân; đây là quả báo của thân thiện hành. Đây là thiện hành của miệng, ý; đây là quả báo của miệng, ý thiện hành. Đây gọi là trời. Đây gọi là người. Đây gọi là sự hóa sanh nơi cõi thiện. Đây gọi là Niết-bàn’. Đó gọi là một mực mềm dẻo.

“Một mực thô cứng là, như nói: ‘Đây là ác hành của thân; đây là quả báo của thân ác hành. Đây là ác hành của miệng, ý; đây là quả báo của miệng, ý các hành. Đây gọi là địa ngục. Đây gọi là ngạ quỷ. Đây gọi là súc sanh. Đây gọi là ác thú. Đây gọi là đọa ác thú’. Đó là sự giáo hóa thô cứng của Như Lai.

“Vừa mềm dịu vừa thô cứng là có lúc thiện hành của thân; có lúc nói quả báo của thiện hành của thân. Có lúc nói thiện hành của miệng, ý; có lúc nói quả báo thiện hành của miệng, ý. Có lúc nói ác hành của thân; có lúc nói quả báo ác hành của thân. Có lúc nói ác hành của miệng, ý; có lúc nói quả báo ác hành của miệng, ý. Như vậy gọi là trời, như vậy gọi là người, như vậy gọi là đường lành, như vậy gọi là Niết-bàn; như vậy gọi là địa ngục, như vậy gọi là súc sanh, ngạ quỷ, như vậy gọi là đường ác, như vậy gọi là đọa đường ác.’ Đó gọi là sự giáo hóa vừa mềm dịu vừa thô cứng của Như Lai.”

Người luyện ngựa bạch Phật:

“Thế Tôn! Nếu dùng ba phương pháp này để điều phục chúng sanh, nhưng nếu không điều phục được thì phải như thế nào?”

Phật bảo chủ tụ lạc:

“Cũng phải giết họ đi. Vì sao? Vì không nên để họ làm nhục Ta.”

Người luyện ngựa bạch Phật:

“Đối với pháp của Thế Tôn, nếu sát sanh thì không thanh tịnh. Trong pháp của Thế Tôn cũng không cho sát sanh, mà nay lại bảo giết, vậy ý nghĩa của nó thế nào?”

Thế Tôn bảo chủ tụ lạc:

“Đúng vậy, đúng vậy! Trong pháp của Như Lai sát sanh là không thanh tịnh; trong pháp của Như Lai cũng không cho sát sanh. Nhưng trong pháp của Như Lai nếu dùng ba phương pháp để giáo dục, vẫn không điều phục được, Ta sẽ không nói đến họ, không dạy, không nhắc nữa. Chủ tụ lạc, ý ông thế nào? Trong pháp Như Lai, không nói đến họ, không dạy, không nhắc nữa, há không phải là giết sao?”

Người luyện ngựa bạch Phật:

“Thật vậy, bạch Thế Tôn, không nói đến họ, vĩnh viễn không dạy, không nhắc nữa thì đích thị họ đã chết rồi! Vì vậy cho nên, từ ngày hôm nay tôi lìa các nghiệp ác bất thiện.”

Phật bảo chủ tụ lạc:

“Lành thay những lời này!”

Người chủ tụ lạc luyện ngựa Chỉ-thi nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, lễ dưới chân rồi lui.

KINH 924. HỮU QUÁ[12]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ngựa thế gian có tám cách thái[13]. Những gì là tám? Khi ngựa dữ kéo xe, thì chân sau đá người, chân trước quỳ xuống đất, đầu lúc lắc, cắn người. Đó gọi là cách thái thứ nhất của ngựa thế gian. Lại nữa, khi ngựa dữ kéo xe, cúi đầu xuống làm rung ách. Đó gọi là cách thái thứ hai của ngựa dữ thế gian. Lại nữa, khi ngựa dữ thế gian kéo xe thì mang xe xuống lề đường mà đi, hoặc làm cho xe nghiêng khiến cho nó bị lật. Đó gọi là cách thái thứ ba. Lại nữa, khi ngựa dữ thế gian kéo xe, ngẩng đầu lên mà chạy đi. Đó gọi là cách thái thứ tư của ngựa dữ thế gian. Lại nữa, khi ngựa dữ thế gian kéo xe, mới bị ít roi gậy, thì hoặc làm cho đứt dây cương, hay bứt dàm, chạy ngang chạy dọc. Đó gọi là cách thái thứ năm. Lại nữa, khi ngựa dữ thế gian kéo xe, giơ hai chân trước lên làm như người đứng. Đó là cách thái thứ sáu. Lại nữa, khi ngựa dữ thế gian kéo xe, phải dùng roi gậy mới chịu đứng yên, không động. Đó là cách thái thứ bảy. Lại nữa, khi ngựa dữ thế gian kéo xe, bốn chân chụm lại, phục sát đất không chịu đứng lên. Đó gọi là cách thái thứ tám.

“Con người dữ[14] của thế gian cũng vậy, ở trong Chánh pháp luật có tám điều lỗi. Những gì là tám? Hoặc Tỳ-kheo, khi bị các vị Phạm hạnh cử tội bởi thấy, nghe, nghi; người kia sân giận, chỉ trích trở lại người cử tội rằng: ‘Thầy ngu si, không biết, không tốt. Người ta vừa cử tội thầy, sao thầy lại cử tội tôi?’ Như con ngựa dữ kia hai chân sau chõi lui, hai chân trước quỵ xuống đất, làm đứt cương, gãy ách. Đây gọi là lỗi thứ nhất của con người trong Chánh pháp luật.

“Lại nữa, Tỳ-kheo khi bị các vị phạm hạnh cử tội bởi thấy, nghe, nghi; liền trở lại cử tội người kia, giống như ngựa dữ cứng cổ làm gãy ách. Đây gọi là lỗi thứ hai của con người trong Chánh pháp luật.

“Lại nữa, Tỳ-kheo khi bị các vị phạm hạnh cử tội bởi thấy, nghe, nghi; nhưng không dùng lời đứng đắn đáp lại, mà nói sang chuyện khác, hay không nhẫn, sân nhuế, kiêu mạn, che giấu, hiềm hận, làm những chuyện vô lý, như ngựa dữ kia không đi đường thẳng làm cho xe lật úp. Đây gọi là lỗi thứ ba của con người trong Chánh pháp luật.

“Lại nữa, Tỳ-kheo khi bị các vị phạm hạnh cử tội bởi thấy, nghe, nghi; khiến cho người kia nhớ lại, nhưng lại nói rằng: ‘Tôi chẳng nhớ’ ngang ngạnh không phục, như ngựa dữ kia bước thụt lùi. Đây gọi là lỗi thứ tư của con người trong Chánh pháp luật.

“Lại nữa, Tỳ-kheo khi bị các vị phạm hạnh cử tội bởi thấy, nghe, nghi; bèn khinh miệt, không kể gì đến người khác, cũng không kể gì đến chúng Tăng, tùy ý ôm y bát bỏ đi, như ngựa dữ kia bị ăn roi gậy, bỏ chạy dọc ngang. Đây gọi là lỗi thứ năm của con người trong Chánh pháp luật.

“Lại nữa, Tỳ-kheo khi bị các vị phạm hạnh cử tội bởi thấy, nghe, nghi; họ ngồi trên giường cao tranh luận quanh co với các Thượng tọa, như ngựa dữ kia đứng hai chân như người. Đây gọi là lỗi thứ sáu của con người trong Chánh pháp luật.

“Lại nữa, Tỳ-kheo khi bị các vị phạm hạnh cử tội bởi thấy, nghe, nghi; họ im lặng không đáp, để xúc não đại chúng, như ngựa dữ kia bị roi gậy vẫn trơ trơ không động. Đây gọi là lỗi thứ bảy của con người trong Chánh pháp luật.

“Lại nữa, Tỳ-kheo khi bị các vị phạm hạnh cử tội bởi thấy, nghe, nghi; người bị cử tội liền xả giới, tự sanh thoái thất, đến trước cửa chùa nói rằng: ‘Ông mặc nhiên mà sống hoan hỷ khoái lạc, tôi tự xả giới lui về,’ như con ngựa dữ kia bốn chân chụm lại, phục sát đất không động. Đây gọi là lỗi thứ tám của con người trong Chánh pháp luật.

Đó gọi là Tỳ-kheo đối trong Chánh pháp luật có tám điều lỗi lầm của con người.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 925. BÁT CHỦNG ĐỨC[15]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ngựa tốt ở thế gian thành tựu được tám đức, theo ý muốn của người, đi đường nhiều ít[16]. Những gì là tám? Sanh nơi quê hương của giống ngựa tốt[17]. Đó là đức thứ nhất của ngựa tốt.

“Lại nữa, thể tánh ôn hòa, không làm người kinh sợ[18]. Đó là đức thứ hai của ngựa tốt.

“Lại nữa, ngựa tốt không lựa chọn đồ ăn thức uống. Đó là đức thứ ba của ngựa tốt.

“Lại nữa, ngựa tốt ghê tởm chỗ nhơ không sạch, chọn đất sạch để nằm. Đó là đức thứ tư của ngựa tốt.

“Lại nữa, ngựa tốt luôn thể hiện tính tình thái độ nhạy cảm trước người huấn luyện[19], Mã sư sẽ luyện tập cho nó bỏ những thái độ này. Đó là đức thứ năm của ngựa tốt.

“Lại nữa, ngựa tốt khi đã đóng vào xe, sẽ không để ý những con ngựa khác; tùy cỗ xe nặng nhẹ mà tận dụng sức lực của mình. Đó là đức thứ sáu của ngựa tốt.

“Lại nữa, ngựa tốt thường theo đường chánh, không đi lạc đường. Đó là đức thứ bảy của ngựa tốt.

“Lại nữa, ngựa tốt dù bị bệnh, hoặc già yếu vẫn gắng sức kéo xe không chán, không mệt. Đó là đức thứ tám của ngựa tốt.

“Cũng vậy, trượng phu[20] trong Chánh pháp luật cũng thành tựu được tám đức, nên biết đó là bậc Hiền sĩ[21]. Những gì là tám? Bậc Hiền sĩ an trụ chánh giới, luật nghi Ba-la-đề-mộc-xoa[22], có đủ oai nghi hành xử; thấy tội vi tế thường sanh lòng sợ hãi, giữ gìn học giới. Đó là đức thứ nhất của trượng phu trong Chánh pháp luật.

“Lại nữa, trượng phu tính tự hiền thiện, khéo điều phục, khéo an trụ, chẳng làm phiền, không làm sợ hãi phạm hạnh khác. Đó là đức thứ hai của trượng phu.

“Lại nữa, trượng phu đi khất thực, theo thứ lớp, tùy theo những gì nhận được, dù ngon hay dở, tâm vẫn bình đẳng, không hiềm, không đắm trước. Đó là đức thứ ba của trượng phu.

“Lại nữa, trượng phu sanh tâm yểm ly các nghiệp ác nơi thân, miệng, ý, các pháp ác bất thiện, cùng các phiền não, chúng dẫn đến thọ nhận các báo khổ nhiệt não nhiều lần; đối với sự sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trong đời vị lai lại càng yểm ly. Đó là đức thứ tư của trượng phu.

“Lại nữa, trượng phu nếu có lỗi lầm của Sa-môn, mà quanh co, không chân thật, hãy nhanh chóng trình lên Đại Sư và thiện tri thức; Đại Sư thuyết pháp chắc chắn sẽ trừ dứt[23]. Đó là đức thứ năm của vị trượng phu.

“Lại nữa, trượng phu tâm cầu học có đủ, nghĩ như vầy: ‘Giả sử người khác có học hay không học, ta cũng phải học. Đó là đức thứ sáu của trượng phu.

“Lại nữa, trượng phu thực hành tám Chánh đạo, chẳng thực hành phi đạo. Đó là đức thứ bảy của trượng phu.

“Lại nữa, trượng phu suốt đời nỗ lực tinh cần, không chán, không mệt. Đó là đức thứ tám của trượng phu.

“Trượng phu thành tựu tám đức như vậy, tùy thuộc vào sự thực hành của mình mà có thể tiến triển nhanh chóng.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 926. SẰN-ĐÀ CA-CHIÊN-DIÊN[24]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong tinh xá Thâm cốc tại làng Na-lê[25]. Bấy giờ Thế Tôn bảo Sằn-đà Ca-chiên-diên[26]:

“Nên tu thiền chân thật, chớ tập thiền ngang ngạnh[27]. Như ngựa ngang ngạnh, cột nơi cạnh máng cỏ chuồng ngựa, nó không nghĩ: ‘Ta phải làm gì? Ta không phải làm gì?’ mà chỉ nghĩ đến thóc và cỏ. Cũng vậy, trượng phu tu tập nhiều với tham dục triền[28], cho nên, vị kia bằng tâm tham dục mà tư duy, không biết như thật con đường xuất ly[29], tâm thường rong ruỗi, tùy theo tham dục triền mà cầu chánh thọ. Đối với sân nhuế, thụy miên, trạo hối, nghi, tuy tu tập nhiều, cho nên, đối với đạo xuất ly không biết như thật; với tâm bị trùm kín bởi nghi[30] mà tư duy để cầu chánh thọ.

“Này Sằn-đà, nếu thật là ngựa thuần giống[31] thì khi cột nơi cạnh máng cỏ chuồng ngựa, nó chẳng nghĩ đến cỏ, nước, mà chỉ nghĩ đến việc kéo xe. Cũng vậy, trượng phu không niệm tưởng tham dục triền mà an trụ[32], biết như thật sự xuất ly; không với tham dục triền mà cầu chánh thọ; cũng không bị quấn chặt bởi sân nhuế, thụy miên, trạo hối, nghi, mà phần nhiều an trụ vào xuất ly; biết như thật về các triền sân nhuế, thụy miên, trạo hối, nghi; không với nghi triền mà cầu chánh thọ.

“Như vậy, Sằn-đà, Tỳ-kheo thiền như vậy không y cứ vào đất tu thiền, không y cứ vào nước, gió, lửa, không, thức, vô sở hữu, phi tưởng phi phi tưởng mà tu thiền; không y cứ vào thế giới này, không y cứ vào thế giới khác, không phải mặt trời, mặt trăng, không phải thấy, nghe, cảm, biết, không phải đắc, không phải cầu, không phải tùy giác[33], không phải tùy quán mà tu thiền. Này Sằn-đà, nếu Tỳ-kheo nào tu thiền như vậy, những Thiên chủ Y-thấp-ba-la[34], Ba-xà-ba-đề[35] đều cung kính, chắp tay, cúi đầu, làm lễ mà nói kệ tán thán:

Nam-mô Đại sĩ phu!

Nam-mô Đại sĩ phu!

Vì tôi không thể biết,

Ngài nương đâu mà thiền!

Bấy giờ, Tôn giả Bạt-ca-lợi đang đứng sau Phật cầm quạt hầu Phật. Bạt-lợi-ca liền bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo làm sao nhập thiền mà không y cứ vào đất, nước, lửa, gió... cho đến giác quán mà tu thiền định? Làm sao Tỳ-kheo tu thiền được những Thiên chủ Y-thấp-ba-la, Ba-xà-ba-đề chắp tay, cung kính, cúi đầu, làm lễ và nói kệ tán thán:

Nam-mô Đại sĩ phu!
Nam-mô Đại sĩ phu!
Vì tôi không thể biết,
Ngài nương đâu mà thiền!
Phật bảo Tỳ-kheo Ba-lợi-ca:

“Tỳ-kheo, đối với địa tưởng có thể điều phục địa tưởng[36], đối với thủy, hỏa, phong tưởng, Vô lượng không nhập xứ tưởng, Thức nhập xứ tưởng, Vô sở hữu xứ nhập xứ tưởng, Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ tưởng; thế giới này, thế giới khác, mặt trời, mặt trăng, thấy, nghe, cảm, biết; hoặc đắc, hoặc cầu, hoặc giác, hoặc quán, đều điều phục các tưởng kia.

“Này Bạt-ca-lợi, Tỳ-kheo tu thiền như vậy, không y cứ vào đất, nước, lửa, gió... cho đến không y cứ vào giác, quán để tu thiền. Này Bat-lợi-ca, Tỳ-kheo nào tu thiền như vậy, thì các Thiên chủ Y-thấp-bà-la, Ba-xà-ba-đề đều cung kính, chắp tay, cúi đầu làm lễ và nói kệ tán thán:

Nam-mô Đại sĩ phu!
Nam-mô Đại sĩ phu!
Vì tôi không thể biết,
Ngài nương đâu mà thiền!

Khi nghe Phật nói kinh này, thì Tỳ-kheo Sằn-đà Ca-chiên-diên xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Tỳ-kheo Bạt-lợi-ca không còn khởi các lậu, tâm được giải thoát.

Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo Bạt-ca-lợi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 927. ƯU-BÀ-TẮC[37]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ[38]. Bấy giờ có người họ Thích, là Ma-ha-nam[39] đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc[40]?”

Phật bảo Ma-ha-nam:

“Có đủ tướng người nam, ở tại gia, sống trong sạch, tu tập thanh bạch, nói rằng: ‘Nay, suốt đời con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, làm Ưu-bà-tắc. Xin chứng tri cho con!’ Đó gọi là Ưu-bà-tắc.

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc có đủ tín[41]?”

Phật bảo Ma-ha-nam:

“Ưu-bà-tắc lấy chánh tín đối với Như Lai làm gốc, kiên cố, khó lay chuyển, mà các Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm và người thế gian không ai có thể phá hoại được. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-ba-tắc có đủ tín.”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc có giới đầy đủ[42]?”

Phật bảo Ma-ha-nam:

“Ưu-bà-tắc lìa bỏ sát sanh, không cho mà lấy, tà dâm, nói dối, uống rượu, không vui thích làm những điều này nữa. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-bà-tắc có giới đầy đủ.

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc có nghe đầy đủ[43]?”

Phật bảo Ma-ha-nam:

“Ưu-bà-tắc có nghe đầy đủ là, khi nghe rồi, có thể ghi giữù, có thể tích tập. Nếu những gì Phật nói khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch, người ấy đều có khả năng thọ trì. Đó gọi là Ưu-bà-tắc có nghe đầy đủ.”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc có thí xả đầy đủ[44]?”

Phật bảo Ma-ha-nam:

“Ưu-ba-tắc có thí xả đầy đủ là khi bị xan cấu trói buộc, tâm lìa xan cấu, sống không nhà[45], tu bố thí giải thoát, tinh cần bố thí, thường hành bố thí, ưa xả tài vật, bố thí bình đẳng. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-bà-tắc có xả đầy đủ.”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc có trí tuệ đầy đủ?”

Phật bảo Ma-ha-nam:

“Ưu-bà-tắc có trí tuệ đầy đủ là, biết như thật rằng ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo’. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-bà-tắc có trí tuệ đầy đủ.”

Ma-ha-nam họ Thích nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ rồi lui.

KINH 928. THÂM DIỆU CÔNG ĐỨC[46]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Câu-ni-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ có người họ Thích, là Ma-ha-nam cùng với năm trăm Ưu-bà-tắc đi đến chỗ Phật đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch phật:

“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc?”

Phật đáp:

“Ưu-bắc-tắc là người sống trong sạch tại gia... cho đến suốt đời quy y Tam bảo, làm Ưu-bà-tắc. Xin chứng tri cho con.”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc Tu-đà-hoàn[47]?”

Phật bảo Ma-ha-nam:

“Ưu-bà-tắc Tu-đà-hoàn là vị mà ba kết sử: thân kiến, giới thủ, nghi, đã đoạn tận, đã biến tri. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-bà-tắc Tu-đà-hoàn.”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc Tư-đà-hàm?”

Phật bảo Ma-ha-nam:

“Ưu-bà-tắc Tư-đà-hàm là vị mà ba hạ phần kết sử đã đoạn tận, đã biến tri; tham dục, sân nhuế, ngu si đã mỏng. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-ba-tắc Tư-đà-hàm.”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc A-na-hàm?”

Phật bảo Ma-ha-nam:

“Ưu-bà-tắc A-na-hàm là vị mà năm hạ phần kết sử tức thân kiến, giới cấm thủ, nghi, tham dục, sân nhuế, đã đoạn tận, đã biến tri. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-bà-tắc A-na-hàm[48].”

Bấy giờ, Ma-ha-nam quay nhìn năm trăm Ưu-bà-tắc nói rằng:

“Kỳ thay các vị Ưu-bà-tắc, sống tại gia thanh bạch, lại được công đức sâu xa như vậy!”

Khi Ưu-bà-tắc Ma-ha-nam nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ rồi lui.

KINH 929. NHẤT THIẾT SỰ[49]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ, có người họ Thích, là Ma-ha-nam đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sao gọi là Ưu-bà-tắc?”

Phật bảo Ma-ha-nam:

“Ưu-bà-tắc là người sống tại gia trong sạch,... cho đến suốt đời quy y Tam bảo, làm Ưu-bà-tắc. Xin chứng tri cho con.”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sao là làm thành mãn tất cả sự của Ưu-bà-tắc?”

Phật bảo Ma-ha-nam:

“Nếu Ưu-bà-tắc nào có tín, nhưng không có giới, đó là không đủ, mà hãy nỗ lực tinh cần, đủ tịnh giới. Có đủ tín và giới, nhưng không bố thí thì cũng chưa đủ; vì chưa đủ nên phải nỗ lực tinh cần, tu tập bố thí để làm được đủ. Tín, giới và thí đã đầy, nhưng nếu không tùy thời đến Sa-môn để lắng nghe lãnh thọ Chánh pháp, thì vẫn chưa đủ. Vì chưa đủ cho nên phải nỗ lực tinh cần. Tùy thời đến chùa tháp, nhưng gặp các Sa-môn mà không một lòng lắng nghe lãnh thọ Chánh pháp, thì vẫn chưa đủ. Tín, giới, thí và nghe tu tập đã đầy, nhưng nghe rồi mà không ghi giữ, thì vẫn chưa có đủ; vì không đủ nên phải nỗ lực tinh cần. Tùy thời đến Sa-môn, chuyên tâm lắng nghe pháp, nghe rồi thì phải khéo ghi giữ. Nếu không thể quán sát nghĩa lý sâu xa của các pháp, thì đó chưa phải là đủ; vì không có đủ nên phải nỗ lực tinh cần hơn, làm cho có đủ. Tín, giới, bố thí, nghe, nghe rồi thì khéo ghi giữ, ghi giữ rồi quán sát nghĩa lý sâu xa, mà không tùy thuận để biết hướng đến pháp và thứ pháp[50], thì đó vẫn chưa có đủ; vì chưa có đủ nên phải nỗ lực tinh cần. Tín, giới, bố thí, nghe, ghi giữ, quán sát, hiểu rõ nghĩa lý sâu xa và tùy thuận thực hành hướng đến pháp, thứ pháp. Ma-ha-nam, đó gọi là có đủ tất cả sự của Ưu-bà-tắc.”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sao là Ưu-bà-tắc hay tự an ủy mình[51], chẳng an ủy người khác[52]?”

Phật bảo Ma-ha-nam:

“Nếu Ưu-bà-tắc nào có thể tự mình đứng vững trong giới nhưng không thể khiến cho người đứng vững trong chánh giới; tựmình giữ tịnh giới, nhưng không thể khiến cho người khác giữ giới có đủ; tự mình làm việc bố thí, nhưng không thể xác lập bố thí nơi người khác; tự mình đi chùa tháp, đến gặp các Sa-môn, nhưng không thể khuyên người khác đi chùa tháp, đến gặp Sa-môn; tự mình chuyên nghe pháp, nhưng không thể khuyên người thích nghe Chánh pháp; nghe Chánh pháp tự mình thọ trì, nhưng không thể khiến người khác thọ trì Chánh pháp; tự mình có thể quán sát nghĩa lý sâu xa, nhưng không thể khuyên người quán sát nghĩa lý sâu xa; tự mình biết pháp sâu xa có thể tùy thuận thực hành hướng đến pháp, thứ pháp, nhưng không thể khuyên người khiến họ tùy thuận thực hành hướng đến pháp, thứ pháp.

Này Ma-ha-nam, người thành tựu tám pháp như vậy, thì đó gọi là Ưu-bà-tắc có thể tự an ủy, nhưng không thể an ủy người khác.”

Ma-ha-nam bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Ưu-bà-tắc thành tựu bao nhiêu pháp để tự an ủyï và giúp người được an ủy?”

Phật bảo Ma-ha-nam:

“Nếu Ưu-bà-tắc nào thành tựu mười sáu pháp, đó gọi là Ưu-bà-tắc tự an ủy và giúp người được an ủy.”

“Những gì là mười sáu pháp?

“Này Ma-ha-nam, nếu Ưu-bà-tắc đủ có chánh tín và cũng xác lập cho người khác; tự mình giữ tịnh giới, cũng xác lập tịnh giới cho người khác; tự mình hành bố thí và dạy người hành bố thí; tự mình đến chùa tháp gặp các Sa-môn, cũng dạy người khác đến gặp các Sa-môn; tự mình chuyên cần nghe pháp, cũng dạy người nghe; tự mình thọ trì pháp và dạy người khác thọ trì; tự mình quán sát nghĩa dạy người quán sát; tự mình biết nghĩa lý sâu xa tùy thuận tu, hành pháp thứ, pháp hướng, cũng lại dạy người hiểu rõ nghĩa lý sâu xa, tùy thuận tu hành hướng đến pháp, thứ pháp. Này Ma-ha-nam, người nào thành tựu mười sáu pháp như vậy, được gọi là Ưu-bà-tắc có thể tự an ủy và làm người khác được an ủy.

“Này Ma-ha-nam, nếu Ưu-bà-tắc nào thành tựu mười sáu pháp như vậy, thì tất cả người trong các chúng Bà-la-môn, chúng Sát-lợi, chúng Trưởng giả, chúng Sa-môn đều đến chỗ họ. Ở trong các chúng này, oai đức của họ sáng chói. Giống như mặt trời, ánh sáng chiếu soi cả sáng, trưa, chiều. Cũng vậy, Ưu-bà-tắc nào thành tựu mười sáu pháp, thì oai đức họ cũng tỏ rạng cả đầu, giữa và cuối. Như vậy, này Ma-ha-nam, nếu Ưu-bà-tắc nào thành tựu mười sáu pháp thì đó là một điều mà thế gian khó thành tựu được.”

Phật nói kinh này xong, Ma-ha-nam dòng họ Thích nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ rồi lui.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567