Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vài nhận xét về sự thay đổi khuynh hướng trong nghi lễ và trong phương pháp tu tập của đạo Phật Việt Nam

23/04/201319:55(Xem: 10842)
Vài nhận xét về sự thay đổi khuynh hướng trong nghi lễ và trong phương pháp tu tập của đạo Phật Việt Nam
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Vài Nhận Xét Về Sự Thay Đổi Khuynh Hướng Trong Nghi Lễ Và Trong Phương Pháp Tu Tập Của Đạo Phật Việt Nam

Chơn Quang
Nguồn: Chơn Quang


Một đặc tính đáng ca ngợi của đạo Phật là khả năng thích ứng với hoàn cảnh. Trên nền tảng Tứ diệu đế, khi đi vào quốc gia, đi vào từng thời đại, đạo Phật luôn có những sự biến hóa, sự phát triển, sự dung hợp với các tập quán, tư tưởng lúc bấy giờ. Chính sự thích ứng này khiến cho đạo Phật gắn bó mật thiết với xã hội và trở nên ích lợi cho cộng đồng. Một nguyên nhân dễ tìm thấy là tinh thần phóng khoáng vô ngã, vô trước đã tạo nên khả năng thích ứng đó. Nếu đạo Phật là một mớ giáo điều cứng ngắc, cố chấp, tự tôn... thì tình trạng cách biệt với xã hội sẽ hiện diện.

Trong quá trình 300 năm qua, đạo Phật Việt Nam cũng "đi" theo đất nước, xã hội Việt Nam để thích ứng phát triển, và như vậy, đã có nhiều thay đổi.


1. TRONG NGHI LỄ

Tôn giáo nào cũng có nghi lễ, và Phật giáo (PG) cũng vậy. Điều dễ thấy là nghi lễ của PG Việt Nam phản ánh rất rõ nét các khuynh hướng văn hóa nghệ thuật đương thời. Thời gian trước, xã hội Việt Nam còn chú trọng chữ Nho trong thi cử và nghệ thuật, thì hầu như toàn bộ kinh tụng của PG cũng đều sử dụng chữ Nho. Người xuất gia vào chùa học bốn quyển luật đều bằng chữ Nho. Thời khóa tụng hằng ngày hầu hết bằng chữ Nho.

Như vậy, ta có thể đánh giá là đạo Phật thời bấy giờ có lẽ "độc quyền" nằm trong tay tu sĩ với một số người trí thức, nhất là những nhà Nho về già đều có khuynh hướng ngả sang đạo Phật như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ...

Các tín đồ bình dân thì ít tham gia nghi lễ. Mỗi khi hữu sự họ đều thỉnh quý thầy cô về tụng niệm giúp.

Trong nghi lễ PG, hình thức tán tụng ngân nga từng chữ được ưa chuộng, được xem là trang trọng. Mỗi miền đều có giai điệu đặc thù theo giọng nói của địa phương. Nếu không thuộc trước đoạn kinh, chúng ta sẽ không biết người kia tụng tán cái gì.

Trong giai đoạn cuộc cách mạng PG do Thái Hư Đại sư bên Trung Hoa phát động vào những năm 30 - 40 - 50, thì ở Việt Nam, đáp ứng với cuộc cách mạng đó, các Hòa thượng khởi xướng phong trào "chấn hưng PG". Lúc này PG Việt Nam bắt đầu được "quần chúng hóa". Các Hòa thượng mở mang các trường Phật học, chỉnh đổi một số nghi thức để cho nhiều người có thể tiếp cận với giáo lý đạo Phật.

Lúc này các bài kinh được tụng theo một lối cách điệu gần với âm nhạc dân gian địa phương. Giọng tụng Huế gần với hò Huế - giọng tụng Sài Gòn gần với vọng cổ. Đặc biệt là nhiều bài sám thuần Việt được đưa vào nghi thức để các tín đồ Phật tử có thể hiểu được các đạo lý đơn giản. Riêng ở miền Nam xuất hiện hệ phái Khất sĩ do ngài Minh Đăng Quang sáng lập thì ngay từ đầu đã dùng tiếng Việt làm nghi thức tụng niệm.

Ngày nay đạo Phật cũng theo khuynh hướng của thời đại mà "phổ thông hóa" và "đại chúng hóa".

Khắp nơi thay vì chú trọng nghi lễ, người tín đồ đòi hỏi được nghe thuyết pháp giảng kinh bằng tiếng Việt, bằng giọng nói bình thường, nghi lễ vẫn còn được chú trọng nhưng đó đây nhiều ý đòi hỏi phải "Việt hóa" các nghi lễ đó.

Không những chỉ Việt hóa nghi lễ, chúng tôi còn cầu mong Ban Nghi lễ của Giáo hội PG Việt Nam ta sớm chế ra một nghi thức chung, dành cho các buổi lễ lớn có nhiều tín đồ các hệ phái tham dự, như lễ Phật đản sanh, lễ Vu Lan, để mọi người tham dự buổi lễ đều có thể tụng đọc được và hiểu được ý nghĩa những điều mình đang tụng đọc.


2. PHƯƠNG PHÁP TU TẬP

Đại bộ phận của PG Việt Nam là Bắc tông nên chịu ảnh hưởng của PG Trung Hoa. Chúng ta có thể nói khái quát là: PG Việt Nam có ba tông phái chính: Thiền tông, Tịnh độ và Mật tông.

Những bậc tông sư của các tông phái bên Trung Hoa thì giữ gìn bản sắc tông phái của mình một cách cứng rắn, ít chấp nhận đường lối của tông phái khác. Có lẽ nghi thức sinh hoạt cũng có nhiều điểm khác biệt. Nhưng từ khi Quốc sư Ngọc Lâm đầu nhà Thanh ra lệnh các chùa phải áp dụng hai thời khóa tụng thì nghi thức các tông phái mới giống nhau. Hai thời khóa đó là sự pha trộn tư tưởng của ba tông phái. Các bài chú của Mật tông, các kinh Di Đà của Tịnh độ tông, các kinh Bát Nhã tiêu biểu cho Thiền tông.

Mục đích cứu cánh của ba tông phái có lẽ không khác nhau, nhưng trên lập trường, ba tông phái có ba chủ trương khá khác biệt. Mật tông chú trọng sự linh ứng; Tịnh độ Tông hy vọng vào đời sống tốt đẹp ở cõi Phật, Thiền tông tìm kiếm sự giác ngộ Phật tánh nơi chính mình!

Cả ba tông phái đều đòi hỏi khả năng chuyên chú định tâm. Và khi định tâm được thì cả ba lại khá giống nhau ở nhiều điểm.

Ba trăm năm qua, dường như cả ba tông phái đều song song tồn tại nơi Phật giáo Việt Nam, nhưng Tịnh độ tông chiếm ưu thế hơn cả.

Chúng ta vẫn còn nghe các giai thoại về các vị chứng ngộ gần đây như ngài Bảo Tạng ở núi Kỳ Vân - Long Hải, ngài Bảo Chơn ở núi Gia Lào - Long Khánh..., rất nhiều vị khác tuy chưa chứng đắc cao tột nhưng vẫn có kết quả tâm linh đặc biệt mà quần chúng chung quanh ca ngợi truyền tụng. Tiếc là chúng ta ít có tài liệu ghi chép, chỉ nghe kể mỗi khi đến tận địa điểm.

Điều rất lạ là phong cách siêu thoát của các vị đó đều như là Thiền tông, những thần thông khởi xuất giống như Mật tông, nhưng lời nói của các vị thì lại là... kêu mọi người niệm Phật!

Gần đây nhất như hai Đại lão Hòa thượng Tăng thống Thích Tịnh Khiết và Thích Giác Nhiên. Cả hai vị vừa uy nghiêm vừa siêu thoát như Thiền, nhưng cũng chỉ xiển dương Tịnh độ. Đại lão Hòa thượng Pháp chủ Thích Đức Nhuận lại là người truyền thừa dòng Thiền Tào Động.

Có lẽ vì các Hòa thượng thời cận đại, khi khởi xướng phong trào chấn hưng PG, có truyền thống Tịnh độ tông nên PG Việt Nam bấy giờ cũng mang sắc thái Tịnh độ tông, tuy có pha lẫn Mật tông. Các Tăng Ni cũng như Phật tử xem việc tụng kinh nhiều là công đức, xem việc niệm Phật là lối tu cốt lõi.

Gần đây, bỗng nhiên phong trào tu tập thiền định trở nên mạnh mẽ vì được một số vị có uy tín trong cũng như ngoài nước tuyên giảng. Như Hòa thượng Thích Thanh Từ chủ trương khôi phục Thiền tông Việt Nam đời Trần, Hòa thượng Thích Minh Châu phổ biến phương pháp Thiền từ kinh điển Nikaya. Các vị sư Nam tông hướng dẫn lối Thiền "Minh Sát Tuệ". Có những vị thầy ở nước ngoài còn sáng tạo thêm khá nhiều phương pháp mới lạ nữa.

Tất cả đều đi tìm sự thanh tịnh của nội tâm bằng nhiều phương pháp.

Giới Phật tử, do sự tăng tiến trình độ tri thức, cũng trở nên hâm mộ tu tập thiền định vì thấy có nhiều triết lý cao siêu hơn là cứ lặng lẽ niệm Phật chờ chết rồi được vãng sanh.

Song song với sự thay đổi khuynh hướng tu hành, các chùa, các Phật tử cũng trở nên hăng hái làm việc từ thiện nhiều hơn. Từng đoàn cứu trợ đi vào những nơi thiên tai nghèo khó, vào các bộ tộc ít người vô cùng sơ khai xa cách. Những Tuệ Tĩnh đường, các lớp học tình thương, cơ sở nuôi trẻ khuyết tật mồ coi... xuất hiện càng nhiều. Nhiều tự viện tham gia trồng giữ rừng theo chủ trương bảo vệ môi trường của Nhà nước.

Khi mà sự tu tập nội tâm được kết hợp với các hoạt động từ thiện, ta có thể xem đường lối của PG như vậy là hoàn hảo. Tuy nhiên còn một vài điểm cần bổ sung để đạo Phật đường hoàng đi vào thế kỷ mới.


3. HỌC VÀ TU KẾT HỢP

Vì các Hòa thượng trong giai đoạn đầu chấn hưng PG chỉ chú trọng gấp rút mở các lớp học giáo lý nên tạo thành truyền thống các trường Phật học về sau không có chương trình giảng dạy thực hành tu tập. Các Tăng Ni sinh chỉ được truyền đạt kiến thức rồi ra làm việc. Vì vậy họ ít có nội lực để chống đỡ những cám dỗ của thời đại kỹ thuật mà tiện nghi vật chất vô cùng phong phú. Đó đây râm ran xuất hiện các lời than phiền về sự xuống dốc tư cách đạo đức của Tăng Ni. Đây là điểm mà Giáo hội cần lưu tâm.

Càng về sau khoa học kỹ thuật càng tiến tới với tốc độ chóng mặt, con người, kể cả người tu, dễ bị mất quân bình giữa đời sống vật chất và đời sống tâm linh. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải để thêm nhiều công sức vào sự thực hành tâm linh để giữ lại sự cân đối cho thời đại và cho Phật pháp.


4. SỰ HỖ TRỢ

Vừa rồi có một bài đăng trên báo Giác Ngộ cho rằng chỉ thấy các tà áo tu sĩ dập dìu nơi cúng dường trai tăng mà không thấy tà áo nào lang thang về vùng sâu vùng xa để giáo hóa.

Đó là thực trạng. Cả tu sĩ PG cũng bị khuynh hướng "đô thị hóa", là cứ dồn cả thành phố mà bỏ rơi các miền quê nghèo nàn hẻo lánh.

Có hai lý do:

Một là Tăng Ni sinh không được khơi dậy lý tưởng mang Phật pháp đi về nhưng nơi xa xôi nghèo khổ. Trong khi học ở trường, không ai dạy cho họ điều này cả.

Hai là nếu có người phát tâm đi về nơi xa vắng đó thì họ không được sự hỗ trợ của tổ đình hay của Giáo hội.

Người dấn thân vào các làng quê hẻo lánh thì phải được sự hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần mới có thể làm việc. Nếu tự mình đơn độc lo lấy miếng ăn cái mặc, họ sẽ không còn thì giờ và sức lực để giáo Phật pháp.

Xin các vị tôn túc lưu tâm vấn đề này.


KẾT LUẬN

Chúng ta nhìn lại lịch sử để chuẩn bị cho tương lai, vì quá khứ thì không còn thay đổi được nữa. Trách nhiệm của chúng ta là xây dựng một tương lai mới đầy tốt đẹp cho Phật pháp; trong đó, sự hòa hợp đoàn kết giữa các tông phái, tính thực tế trong nghi thức sinh hoạt, đạo đức của Tăng Ni, sự thực hành tu tập tâm linh, và sự hỗ trợ cho những người dấn thân giáo hóa ở những miền hẻo lánh cần phải được phát triển mạnh mẽ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567