Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Giáo Trong Cái Nhìn Của Nho Sĩ Nam Bộ

23/04/201319:48(Xem: 11455)
Phật Giáo Trong Cái Nhìn Của Nho Sĩ Nam Bộ
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Phật Giáo Trong Cái Nhìn Của Nho Sĩ Nam Bộ

Cao Tự Thanh
Nguồn: Cao Tự Thanh


Là một bộ phận cấu thành của thiết chế văn hóa-xã hội truyền thống Việt Nam, Phật giáo (PG) cũng là một yếu tố góp phần thể hiện, đồng thời thực hiện tiến trình lịch sử Việt Nam ở Nam Bộ các thế kỷ trước. Tuy nhiên, phát triển trong những điều kiện xã hội và chính trị khác hẳn thời Lý-Trần. Phật giáo ở Nam Bộ cũng mang một giá trị thay đổi qua các thời kỳ lịch sử và ở những không gian xã hội khác nhau, nhưng cho dù không phải đều là thiện duyên, đó cũng là những cơ duyên giúp nó liên tục tự hoàn thiện bằng sức mạnh dân tộc và không ngừng tự đổi mới qua thực tiễn xã hội. Từ cách hiểu này, việc tìm hiểu PG qua cái nhìn của nho sĩ ở Nam Bộ thế kỷ XVIII-XIX là một vấn đề có thể và cần thiết được đặt ra.

Nhìn lại lịch sử Nam Bộ qua bốn giai đoạn trước 1802, 1802-1867, 1867-1945 và từ 1945 đến nay, trong đó giai đoạn đầu gồm thời kỳ Đàng Trong (từ đầu đến 1777) và thời kỳ nội chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh (1778-1802), có thể thấy thời kỳ Đàng Trong là xuất phát điểm lịch sử rất thuận lợi cho sự phát triển của PG ở Nam Bộ. Tất cả các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đều là những người sùng thượng đạo Phật. Thậm chí khóc một người ái thiếp qua đời, Hiển Tông Phước Châu còn làm bốn bài thơ, trong đó có câu cuối cùng là "Kim bằng diệu pháp không vương lực, Tiến bạt u hồn đạt thượng phương" (Nay nhờ diệu pháp Như Lai giúp, Nâng đỡ hồn thơm tới cõi Tây) (1). Nhiều văn thần võ tướng Đàng Trong cũng là những Phật tử tiêu biểu, trong đó có những người như Trần Đình Ân, Nguyễn Hữu Hào còn là các trí thức Phật học điển hình (2). Hơn thế nữa, nếu tập quán văn hóa-tín ngưỡng đã khiến những kẻ đứng đầu tập đoàn thống trị họ Nguyễn hướng tới đạo Phật để tìm kiếm một sự thỏa mãn về tri thức và tinh thần, thì ý thức chính trị-giai cấp cũng giúp họ nhìn thấy nơi đây một lực lượng có thể góp phần củng cố và mở rộng thế lực phần đời của mình trong hoàn cảnh lịch sử-xã hội ở Đàng Trong buổi ấy (3). Theo với sự phát triển của Nho giáo ở Đàng Trong, thiết chế văn hóa-tư tưởng kiểu "Nho-Thích song hành" này sẽ từng bước mất đi ở Thuận-Quảng vào nửa đầu thế kỷ XVIII. Nhưng ở Nam Bộ thì tuy các chuẩn mực lối sống của Phật giáo đã dần dần không còn đáp ứng được các nhu cầu quản lý xã hội nữa, song tính hội tụ trong văn hóa của vùng này lại tạo điều kiện thuận lợi cho sự duy trì truyền thống Tam giáo hòa đồng. Cho nên mặc dù trước 1777, Nguyễn Cư Trinh ở Quảng Ngãi từng phê phán kiểu tu hành của PG là vô dụng : "Có đâu đi bắt chước thầy sãi mà tu trì. Đương ban ngày dù có phép lên trời. Luận đạo trị chẳng ích chi cho nước" (4) trong Sãi vãi hay Nguyễn Dưỡng Hạo ở Thuận Hóa đã coi việc Ngô Thế Lân phối hợp triết lý Tam giáo để nhìn nhận Thái cực đồ là "bị mê hoặc vì thuyết chung nguồn khác dòng" (hoặc ư nhất ngôn dị lưu chi thuyết) (5), nho sĩ Nam Bộ thế kỷ XVIII vẫn nhìn nhận PG theo một cách khác hơn. Trước khi Tây Sơn vào Nam Bộ lần đầu năm 1776, Trịnh Hoài Đức từng có một tình bạn khá đặc biệt với nhà sư Viên Quang :

Ức tích thái bình thì
Lộc Động phương thịnh mỹ
Thích Ca giáo hưng sùng
Lâm ngoại tổ phú quý
Ngã vi thiêu hương đồng
Sư tác trì giới sĩ
Tuy ngoại phân thanh hoàng
Nhược mặåc khế tâm chí
(Nhớ thuở thái bình xưa
Đồng Nai vừa thịnh mỹ
Đạo Thích được tôn sùng
Nhà ngoại còn phú quý
Ta làm trẻ dâng hương
Sư là người giữ giới
Áo tuy chia xanh vàng
Lòng vẫn chung ý khí...) (6)

và mặc dù từ 1751-1752 từng xuất phát từ ý hướng giúp vua trị nước của một nhà nho mà phê phán đạo Phật, khoảng 1755-1765, viên Tham mưu Ngũ dinh Gia Định Nguyễn Cư Trinh vẫn coi chùa Phật là một biểu trưng của văn hóa Việt qua những lời thơ hùng tráng đẹp đẽ trong bài Tiêu Tự thần chung họa thơ Hà Tiên thập vịnh của Mạc Thiên Tích ở Hà Tiên:

Thần phong dao lạc lộ hoa xao
Thiều đệ cô thanh quá thụ sao
Kim thú hào tàn tinh hải chử
Mộc kình đả lạc nguyệt lâm ao
(Gió sớm nhẹ lay sương móc sa
Cây ngăn xào xạc tiếng chuông qua
Thú vàng thét lớn dòng sao rụng
Chày gỗ khua mau ánh nguyệt nhòa)

Thật ra, cho dù phê phán hay thừa nhận PG, các nhà nho Đàng Trong trước 1777 cũng ít lưu ý tới khía cạnh triết lý tôn giáo mà chủ yếu chú trọng vào hệ thống chuẩn mực lối sống. Chẳng hạn trong thư trả lời để phản đối Nguyễn Dưỡng Hạo, Ngô Thế Lân đã viết: "Phàm sự lưu hành của Phật-Lão-Thích, không biết túc hạ lấy gì để nhìn. Hay nói cái học của Lão-Thích chỉ vì mình mà cho là họ sai chăng? Nhưng cái học vì mình của Lão-Thích còn hơn cả cái học vì người của chúng ta nữa, huống chi cái thực học của nhà nho chúng ta thì gì không vì mình, há có thể vì thế mà chê họ là sai sao ? Hay nói cái học của Lão-Thích bỏ hết luân thường để trong sạch riêng mình mà cho là họ là sai chăng ? Nhưng kinh Phật nói có Bồ tát tại gia, có Bồ tát xuất gia, tùy theo hiểu biết nông hay sâu, căn trí lớn hay nhỏ thôi, mà đạo Lão cũng thường nói bất kể làm quan hay làm dân, cứ có chí là có thể tu theo đạo thật. Lão-Thích có khi nào dạy người ta làm trái luân thường đâu...". Định hướng tiếp cận đầy tính thực tiễn này sẽ được các nhà nho Nam Bộ kế thừa và phát triển thành tiêu chuẩn cao nhất để nhìn nhận và đánh giá Phật giáo trong thời gian sau.

Sau khi chiếm lại được Nam Bộ lần cuối năm 1788, nhằm huy động tối đa sức người sức của ở vùng này vào cuộc chiến tranh phong kiến chống Tây Sơn, chính quyền Nguyễn Ánh đã can thiệp vào sinh hoạt tôn giáo ở địa phương như lập danh sách Tăng Ni đạo đồng ở chùa năm 1790 hay bắt các Tăng Ni dưới 50 tuổi cũng phải chịu lao dịch như dân năm 1798 (7). Song, mặc dù phát triển đột biến trong nội chiến cuối thế kỷ XVIII, đồng thời mau chóng trở thành lực lượng dẫn đạo của chính quyền Gia Định trước 1802, các nhà nho Nam Bộ vẫn không hề chống báng hay bài bác PG, mà ngược lại, còn tìm tới nó như một không gian vô ngã để kéo lại sự quân bình trong tâm lý của những kẻ sĩ vừa là người trong cuộc, vừa là chứng nhân của một thời nồi da xáo thịt, đất nước loạn ly. Đề thơ ở chùa Gò Cây Mai, một tác giả khuyết danh trước 1788 đã viết:

Thiền môn hà xứ phỏng mai hoa
Tạm yết chinh tiên thuyết Phạn gia
Hương nhập trà bình yên chính noãn
Nhất sinh trần lự bán tiêu ma
(Cửa Phật tìm hoa khó có nơi
Dừng roi xuống ngựa chuyện trò chơi
Bình trà khói ấm hương mai ngát
Một tấm trần tâm nửa đã vơi).
Đề Mai Khâu tự (8)

Còn khoảng 1799, Ngô Nhơn Tịnh đã tỏ ra ưa thích không những Kinh Dịch của Nho giáo (Ái quan Chu Dịch dĩ trì thân), thiên Tiêu dao du trong Nam Hoa kinh của Trang Tử (Ái tụng Nam Hoa đệ nhất thiên), kinh Hoàng Đình của Đạo gia (Ái khán Hoàng Đình nhất bộ kinh), mà còn cả kinh Kim Cương của nhà Phật:

Ái niệm Kim Cương nhất bộ kinh
Tâm đầu hàng phục thoại phân minh
Nhược năng liễu đắc như như thị
Công phá sầu thành bất dụng binh
(Thích đọc Kim Cương một bộ kinh
Trong lòng khâm phục lẽ phân minh
Sắc không nếu hiểu điều minh triết
Thì phá thành sầu khỏi dụng binh)
Thuyết tình ái (9)

Từ 1802 trở đi, PG ở Nam Bộ phát triển trong hoàn cảnh đất nước thống nhất trở lại nên cũng tích lũy thêm được những nhân tố phát triển mới. Nhưng sau cuộc binh biến thành Phiên An 1833-1835 thì hệ thống chuẩn mực lối sống của nó đã ít nhiều không ăn khớp với đời sống xã hội ở địa phương nữa. Cho nên lại có một Sãi vãi mới xuất hiện ở Nam Bộ qua Dương từ hà mậu của Nguyễn Đình Chiểu. Cái đề án cải cách xã hội trên phương diện lối sống lấy vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng làm trọng tâm này quả cũng mang một cái nhìn có vẻ khá cực đoan về PG, nhưng giống như Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Đình Chiểu trong thực tế chỉ phê phán một bộ phận Tăng Ni và Phật tử quay lưng với cuộc đời và đất nước trong hoàn cảnh quốc gia phong kiến Việt Nam đang bị hút dần vào quỹ đạo xâm lăng của chủ nghĩa thực dân-tư bản phương Tây. Chính vì vậy mà trong bài Văn tế nghĩa sĩ chết trận Cần Giuộc năm 1861, ông vẫn lấy hình ảnh "Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh" để tỏ lòng tiếc thương những nghĩa sĩ nông dân xả thân vì đất nước. Ở mức độ cụ thể hơn, Võ Thành Đức trong bài phú Gia Định thất thủ vịnh sau này còn viết: "... Chùa Cẩm Đệm trải đến Cây Mai, Phật Bồ Tát phải nghèo ôm bụng" (10), lấy sự điêu tàn của chùa Phật để khái quát cảnh nước mất nhà tan. Và tương tự, tác giả bài Đề Mai Khâu tự khoảng 1876, nhà nho yêu nước thương đời Nguyễn Thông cũng thấy thanh thản trước cảnh chùa Phật Quang ở Bình Thuận "Nhớ lại những nơi mình đã tới, Quên buồn quá nửa tại thiền môn" (Phật Quang tự di ngụ tập vịnh) (11). Rõ ràng đối với các nhà nho Nam Bộ thế kỷ XIX, PG cũng là yếu tố tiên thiên gắn bó một cách tự nhiên với đời sống tinh thần của họ. Cho nên sau 1868, người thủ lãnh nghĩa quân Hóc Môn cũ Trần Thiện Chánh mặc dù phê phán lối sống "mũ ni che tai" khi tới chùa Đại Quang, tỉnh Sơn Tây, "Lành dữ liền bên cửa vẫn gài, Hư vô không bợn chút trần ai, Đài gương chẳng chiếu bồ đề tối, Y bát truyền nhau yên ổn thay !" (Đại Quang thiền tự), nhưng với nỗi lòng u uất của một người yêu nước xa quê vẫn tìm thấy nơi nhà sư ở chùa...

* * *

Mặc dù là những người đại diện của thiết chế văn hóa-xã hội chính thống thời phong kiến, các nhà nho Nam Bộ nhìn chung vẫn rất gần gũi với PG về mặt lối sống và tâm linh, nên rõ ràng trong đời sống tinh thần của họ thì Phật giáo thường xuyên là một ảnh hưởng vững bền và sâu sắc. Truyền thống Tam giáo hòa đồng được kế thừa trong dòng chảy hội tụ văn hóa trên vùng đất mới, đã đưa tới cho PG ở Nam Bộ thêm một nguồn sinh lực, giúp nó đổi mới không ngừng để theo kịp với thực tiễn của dân tộc. Chính trên con đường phá chấp một cách tự nhiên ấy, nó đã góp phần tạo ra sự thống nhất về lối sống và tâm lý trong toàn thể cộng đồng. Những ý kiến phê phán này khác của các nhà nho Nam Bộ đối với PG vì vậy chủ yếu là một thái độ xã hội nhìn từ góc độ lý tưởng kinh bang tế thế của họ, còn nhìn từ phía PG thì đó là một tư liệu phản biện, một hệ thống đối chứng cần thiết cho sự phát triển của nó, sự phản biện và đối chứng đã góp phần giúp nó Việt hóa hoàn toàn thiền phái Lâm Tế từ thế kỷ thứ XVIII và từng bước đi tới hệ phái PG yêu nước Bửu Sơn Kỳ Hương cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đây cũng chính là hành trang mà lịch sử đã chuẩn bị cho PG ở Nam Bộ bước vào chặng đường kế tiếp, nên dễ hiểu vì sao trong những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX, cửa thiền ở Nam Bộ đã trở thành nơi mà nhiều nhóm xã hội khác nhau cùng ký thác tâm tình và nguyện vọng, khiến PG ở vùng này không chỉ bảo lưu các giá trị tôn giáo truyền thống, mà còn cả những yếu tố văn hóa Việt Nam.

Qua ba trăm năm phát triển và cống hiến của mình, PG ở Nam Bộ đã trải qua nhiều biến động tự thân cũng như nhiều thăng trầm lịch sử. Sự thừa nhận của tầng lớp trí thức địa phương, trong đó có các nhà nho đối với PG trước nay, do đó là điều không cần bàn cãi nhiều hơn, và sự phê phán của họ cũng là điều khó mà tránh khỏi. Nhưng điều cần nhấn mạnh là nho sĩ Nam Bộ không phê phán PG về mặt triết lý Phật học, mà chủ yếu về mặt chuẩn mực lối sống và cũng chỉ phê phán hệ thống chuẩn mực này vào những lúc mà nó tỏ ra không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xã hội. Những cái nhìn khác nhau đối với PG của nho sĩ Nam Bộ thế kỷ XVIII-XIX vì vậy đều mang ý nghĩa là sự kế thừa một cách sáng tạo truyền thống Tam giáo hòa đồng lâu đời của dân tộc trên vùng đất mới, một yếu tố tích cực kích thích PG ở Nam Bộ phát triển mạnh hơn trên con đường Phật pháp bất ly thế gian pháp, con đường mà từ Phật Thích Ca đến các Phật tử chân chính đều hướng tới trong mục tiêu vượt lên bể khổ trầm luân.

Tháng 5-1998





CHÚ THÍCH

(1) Đại Nam liệt truyện tiền biên. Cao Tự Thanh dịch, Nxb Khoa học xã hội, 1995, Truyện Kính phi họ Nguyễn. tr.78.
(2) Đại Nam liệt truyện tiền biên, sđd, Truyện Trần Đình Ân, tr.219 và Thích Đại Sán, Hải ngoại ký sự, Viện Đại học Huế xb, 1963, tr.55-57, 74-82, 109-113.
(3) Xem thêm Cao Tự Thanh, Nho giáo ở Gia Định, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1996, tr.22-28.
(4) Lê Ngọc Trụ, Phạm Văn Luật, Sãi vải - Nguyễn Cư Trinh với quyển Sãi vải, Khai Trí, Sài Gòn, 1963, tr.125-126.
(5) Ngô Thế Lân, Phục Nguyễn Dưỡng Hạo thư Nam hành kỳ đắc tập, tài liệu chữ Hán chép tay hiện được lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.2939.
(6) Theo Nguyễn Liên Phong, Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, Phát Toàn, Sài Gòn, 1909, quyển 1, tr.28, (nguyên văn chữ Hán). Xem thêm Cao Tự Thanh, Về bài thơ của Trịnh Hoài Đức tặng Hòa thượng Viên Quang, Tập văn Phật Đản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, số 23, tháng 4-1992.
(7) Đại Nam thực lục, Nxb Sử học-Khoa học-Khoa học xã hội, Hà Nội, 1962-1978, tập II, tr.123 và 289.
(8) Đại Nam nhất thống chí, Lục tỉnh Nam Việt, Nha Văn hóa Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa xb, Sài Gòn, 1973, phần chữ Hán in kèm, tỉnh Gia Định, mục Tự quán, tờ 35b.
(9) Thập anh thi tập, bản in chữ Hán năm Minh Mạng thứ 3 (1822).
(10) Theo Ca Văn Thỉnh, Hào khí Đồng Nai, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1983, tr.137-138 và Thái Bạch, Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp, Khai Trí, Sài Gòn, 1968, tr.223-227 (văn bản hiệu đính của chúng tôi). Việc xác định tác giả của bài phú này dựa theo Nguyễn Liên Phong, Điếu cổ hạ kim thi tập, Imprimèrie de l'Union Sài Gòn, 1915, phần Hạ kim thi tập, tr.15-16.
(11) Xem thêm Cao Tự Thanh, Đoàn Lê Giang, Tác phẩm Nguyễn Thông, Sở Văn hóa và Thông tin Long An xb, 1984, tr.169-172.
(12) Cao Tự Thanh, Thơ Trần Thiện Chánh, Nxb Khoa học xã hội, 1995, tr.101-105, và 112-114.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567